Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:53:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước... (phần 2)  (Đọc 73232 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #100 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2013, 03:56:17 pm »

         

         Trời biết, đất biết và ta biết…

         Trọng C6 chắc ở ngoài nớ thấm ý câu nói của các cụ dạy mà. Ví như mình viết trận ấy vì mình có tham gia, đồng đội cùng trận chiến đấy nhưng có người ở vòng ngoài, người ở vòng trong, người đã đánh vào trung tâm người còn nằm ở vị trí tập kết…hỏi rằng ai đúng ai sai…trời biết đất biết, ta biết mà, ta viết đây không thẹn lòng ta, hỡi người lính chiến 4.9.71 đánh trận Đồng dù, đã đi theo đảng hết đường tàu lửa mới về với mẹ như lời hứa trước lúc lên đường, Trọng C6 còn nhớ không ?- một lời hứa đơn giản vậy thôi và chúng ta đã trả bằng máu và nhiều năm dài mới thực hiện được mà.

        Đánh trận, đâu chỉ có tiếng kèn xung trận…chính sử đã viết nhiều rồi, ta viết ở đây là hồi ức của từng người lính chiến trực tiếp nằm ở chỗ đó, vị trí đó, giờ đó, ngày đó đã khóc ở đó…khi TrọngC6 viết…hỏi mấy anh lính xe tăng - bộ binh đã đánh thông cửa mở, sao không cho xe tăng tiến vào…nước mắt mình lại ứa ra khi Trọng lại viết tiếp…xác lính các ông nằm đầy cửa mở làm sao chúng tôi cho xe tăng tiến vào…ứa nước mắt vì đồng đội hy sinh nhiều quá khi đánh Đồng dù thông qua câu nói của người lính lái xe tăng; cái nhân văn của người lính lái xe tăng cũng là chỗ đó, là con người chứ không phải công cụ vô tri vô giác.

       Như mình từng viết chính sử thì đã có lịch sử sử đoàn, trung đoàn thậm chí cả tiểu đoàn nhưng đó chỉ là những sự kiện được tập hợp thông qua tư liệu - một ban do một cán bộ chỉ đạo lựa chọn tư liệu ( có thể do người thế hệ sau viết lại) viết theo quan điểm chính trị chỉ đạo. Còn ta viết đây chỉ có trời biết, đất biết và ta biết làm sao mà nó phải giống bài viết của ai đó mới là đúng. Bạn còn nhớ không ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên 1975 - được coi là ngày bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, vẫn còn chưa được thống nhất trong các tư liệu lịch sử với việc đăng tải 3 ngày nổ súng mở màn chiến dịch Tây nguyên khác nhau, đầy mâu thuẫn, chưa thống nhất được ngày nào là ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên, nay xuanxoan còn tương thêm một ngày nữa là ngày 1/3/1975 cũng đã làm sóng gió trang mình viết đó thôi…kệ nó mà, trận đó ta tham gia, ta ở góc độ của ta; ta viết mà, chẳng nhẽ Trong C6 giờ cũng phải nghe ý kiến chỉ đạo phải viết như thế, như thế ..tớ chẳng thèm chơi với đồng đội nữa đâu nhé…hãy nói thẳng như người lính lái xe tăng mà Trọng C6 đã không quên đó..
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #101 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2013, 04:36:59 pm »

Bác Trọng C6 cứ viết như đã viết.
Văn thì có nhiều, nhưng Sử thì chỉ có 1.
Kính bác.


           Chào các bác! Vâng! Đúng là Tranphu341 rất đồng ý với bác babeo. Nếu chúng ta ở đây mà lại viết theo kiểu tổng kết chiến tranh của người viết sử thì Tranphu341 thấy nó :" Nhạt thèo lèo". Không còn ra cái thể thống gì nữa.

           Chúc các bác vui khỏe!

          
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tư, 2013, 11:19:37 am gửi bởi tranphu341 » Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #102 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2013, 06:43:06 pm »

Chào bác TrongC6,
Lâu lắm mới lại được đọc truyện của bác. Rất mong bác tiếp tục hành quân  trên con đường của mình.

Có thể tôi sẽ viết tiếp, cũng có thể không viết được nữa. Nhưng vì những điều mình viết ra đã quá nhiều, kể chuyện đơn vị đã quá nhiều, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến các thủ trưởng cũ, đến đồng đội cũ trong Trung đoàn 9B và đồng đội C6 thân yêu năm xưa của tôi, nếu như những điều tôi viết ra đã làm đồng đội phật lòng và ảnh hưởng đến thanh danh, truyền thống của đơn vị như đã ghi theo sử sách.

Em chưa thông với bác điểm này. Tất cả những điều bác viết đều chân thực và không hề ảnh hưởng gì đến truyền thống đơn vị như bác quá khiêm nhường mà đã viết vậy.
Lớp đàn em bọn em luôn tin tưởng vào lớp đàn anh như bác !
Logged
vt738@yahoo.com
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 403



« Trả lời #103 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2013, 08:50:39 pm »

   Bác Trong C6@ ! Như vậy đã 38 lần tháng 4 trở lại,kể từ tháng tư lịch sử năm ấy -Năm 1975-.Em vốn là người ít tuổi và vào quân sau bác,nhưng may mắn cũng được tham gia  trận đánh căn cứ Đồng dù (Củ chi) ngày 29/4/75...

  Lật giở lại phần đầu trong topic "Ngày này 34 năm trước...".Ở đó em được biêt rằng ,trong rạng sáng ngày 29/4 năm 75 ấy,áp sát căn cứ Đồng dù từ nhiều phía còn có cả đơn vị bác.

  Trận đánh cửa mở căn cứ Đồng dù,đơn vị em (C11-D3-E48) đánh vào từ phía tây bắc.(Sau giải phóng,đơn vị em về đóng tại Nhuận đức nên biết được rằng:Vị trí đơn vị em tiềm nhập căn cứ từ phía ấp Xóm mới,xã Trung lập hạ giáp với xã Nhuận đức).Khoảng 5 giờ 30 sáng,sau khi pháo dập vào trong căn cứ,ờ vòng ngoài bộ binh dùng bộc phá,B40,B41 đánh phá hàng rào thép gai.Em lúc đó là một tay lính mới,thú thực là lúc đầu rất sợ.Nhưng sau dần cũng quen với những tiếng nổ của súng B40,B41 do các bác cựu bắn công phá hàng rào.Nhưng phía trong lính ngụy được bảo vệ bằng hầm hào kiên cố,lại có hỏa lực mạnh, xe tăng,xe bọc thép yểm trợ nên quân ta đánh không lại và hy sinh rất nhiều.Tầm 6 giờ 30,bọn địch điều xe tăng ra hòng bịt cửa mở , bọn lính ngụy chạy theo phía sau.Súng trên xe bắn như vãi đạn,may mắn thay anh Ngọ (Nay ở Bắc cạn) xạ thủ B41.Nã trúng chiếc chạy đầu,khi nó đang quay ngang.Từ phía nào đó một xạ thủ B41 lại bắn trúng một chiếc nữa,khói đen bốc lên nhưng nó nằm đó như một vất che chắn cho bọn lính ngụy

  Trận đánh càng trở nên ác liệt,nhưng về phía quân ta thương vong càng nhiều ,thì các tay súng càng ít đi mà mới chỉ mở được 4 hàng rào.Phía trong lợi dụng hầm hào,xác xe cháy và tường đất bọn địch đôn quân ra chống trả mãnh liệt.Sau đó chỉ huy phải dùng B40 nã vào các ụ đất và cột đỡ để cuấn phăng các hàng rào còn lại .Súng cối,B40,B41 được tập trung đánh vào tuyên hào thứ nhất,kết hợp với sự hoang mang của quân ngụy nên khoảng hơn 7 giờ cửa mở phía trước quân ta đã chiếm được tuyến công sự thứ nhất.Bên trong, bọn ngụy tập trung ở tuyến công sự thứ 2 rất đông ,trên khoảng trống còn có cả xe tăng đứng sẵn.Ban đầu các loại súng của cả 2 bên nã vào nhau dồn dập,phía địch xe tăng nống ra hòng đẩy quân ta lùi lại phía sau.Hỏa lực của chúng từ trong căn cứ bắn ra ràn rạt.Nhưng ngay sau đó xe tăng bị hỏa lực ta bắn cháy,hàng quân phía trước bị thương vong.Ở các nơi trong căn cứ lại đang bị ta đánh dữ dội,có nơi đã bị chọc thủng tuyên phòng ngự.Nên địch hoang mang,bỏ chạy vào trong căn cứ.Khoảng 11 giờ ở hướng tây bắc căn cứ đã được giải phóng

  Ngày nay,trên vùng đất thép Củ chi.Trong nghĩa trang An nhơn tây,những người lính của C11-D3-E48 ngã xuống ở hàng rào căn cứ ngày 29/4/75 đang nằm đó ,các anh hy sinh khi ngày toàn thắng chỉ còn tính bằng giờ !
Logged
DangE48
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #104 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2013, 06:55:19 pm »

Chào các đồng đội. Chào vt738@yahoo.com. Như vậy là đồng đội cùng đơn vị với mình. Mình đi lính năm 72 là lính C11-D3-E48-F320B. Mình tham chiến từ Thành Cổ tới ngày 30/4. Mình ở Quỳnh Phụ - Thái Bình. Bây giờ già rồi, anh em đồng ngũ quanh đây rồi các bạn ở tỉnh khác nữa, thi thoảng cũng gặp nhau vui đáo để.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #105 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2013, 09:05:41 pm »

Bạn vt738@yahoo.com:

      Trước ngày chiến thắng, sư 320A có nhận 2 đợt tân binh gần nhất, đó là:

      - Cuối tháng 11, đầu tháng 12/1974 nhận đoàn tân binh Vĩnh Phú. Số anh em ây thực chất toàn ở các huyện thuộc Phú Thọ bây giờ. Khi ấy sư 320A vẫn còn nằm ở Gia Lai, chưa hành quân xuống Đắc Lắc.

      - Giữa tháng 4/1975, tại Bình Dương có nhận đoàn tân binh Cao Bằng (trong đó có rất nhiều anh em người dân tộc Tày).

        Bạn là tân binh đoàn nào? Bạn nói trận Đồng Dù, bạn là lính mới à? Nếu bạn là tân binh đoàn Vĩnh Phú thì ở E 48, bạn đã phải tham gia đánh Cẩm Ga, Cheo Reo và Tuy Hòa rồi chứ. Còn nếu trận đồng Dù mới tham gia thì bạn ở đoàn Cao Bằng à?

         Hỏi thăm chút thôi chứ không có ý gì đâu. Cảm ơn bạn đã bổ sung thêm thông tin về trận Đồng Dù ở hướng E 48.

Bạn  DangE48:

      Bạn tham gia chiến dịch Thành Cổ 1972 thì bạn là ở Ẽ8 của sư 320B, không cùng đơn vị với vt738@yahoo.com đâu. Bạn vt738@yahoo.com cũng là E 48 nhưng thuộc sư 320A trong B3 - Tây Nguyên cơ và sư 320A không tham gia đánh Quảng Trị. Năm 1972, sư 320A vây ép KonTum không thành (vấp bọn E 45 VNCH ở đây đấy) và sau đó phải di tản sáng tân đất Căm Pu Chia tạm lánh và trồng sắn cứu đói gần năm trời.
Logged

tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #106 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2013, 10:39:52 am »

  Bác Trong C6@ ! Như vậy đã 38 lần tháng 4 trở lại,kể từ tháng tư lịch sử năm ấy -Năm 1975-.Em vốn là người ít tuổi và vào quân sau bác,nhưng may mắn cũng được tham gia  trận đánh căn cứ Đồng dù (Củ chi) ngày 29/4/75...

  Lật giở lại phần đầu trong topic "Ngày này 34 năm trước...".Ở đó em được biêt rằng ,trong rạng sáng ngày 29/4 năm 75 ấy,áp sát căn cứ Đồng dù từ nhiều phía còn có cả đơn vị bác.

  Trận đánh cửa mở căn cứ Đồng dù,đơn vị em (C11-D3-E48) đánh vào từ phía tây bắc.(Sau giải phóng,đơn vị em về đóng tại Nhuận đức nên biết được rằng:Vị trí đơn vị em tiềm nhập căn cứ từ phía ấp Xóm mới,xã Trung lập hạ giáp với xã Nhuận đức).Khoảng 5 giờ 30 sáng,sau khi pháo dập vào trong căn cứ,ờ vòng ngoài bộ binh dùng bộc phá,B40,B41 đánh phá hàng rào thép gai.Em lúc đó là một tay lính mới,thú thực là lúc đầu rất sợ.Nhưng sau dần cũng quen với những tiếng nổ của súng B40,B41 do các bác cựu bắn công phá hàng rào.Nhưng phía trong lính ngụy được bảo vệ bằng hầm hào kiên cố,lại có hỏa lực mạnh, xe tăng,xe bọc thép yểm trợ nên quân ta đánh không lại và hy sinh rất nhiều.Tầm 6 giờ 30,bọn địch điều xe tăng ra hòng bịt cửa mở , bọn lính ngụy chạy theo phía sau.Súng trên xe bắn như vãi đạn,may mắn thay anh Ngọ (Nay ở Bắc cạn) xạ thủ B41.Nã trúng chiếc chạy đầu,khi nó đang quay ngang.Từ phía nào đó một xạ thủ B41 lại bắn trúng một chiếc nữa,khói đen bốc lên nhưng nó nằm đó như một vất che chắn cho bọn lính ngụy

  Trận đánh càng trở nên ác liệt,nhưng về phía quân ta thương vong càng nhiều ,thì các tay súng càng ít đi mà mới chỉ mở được 4 hàng rào.Phía trong lợi dụng hầm hào,xác xe cháy và tường đất bọn địch đôn quân ra chống trả mãnh liệt.Sau đó chỉ huy phải dùng B40 nã vào các ụ đất và cột đỡ để cuấn phăng các hàng rào còn lại .Súng cối,B40,B41 được tập trung đánh vào tuyên hào thứ nhất,kết hợp với sự hoang mang của quân ngụy nên khoảng hơn 7 giờ cửa mở phía trước quân ta đã chiếm được tuyến công sự thứ nhất.Bên trong, bọn ngụy tập trung ở tuyến công sự thứ 2 rất đông ,trên khoảng trống còn có cả xe tăng đứng sẵn.Ban đầu các loại súng của cả 2 bên nã vào nhau dồn dập,phía địch xe tăng nống ra hòng đẩy quân ta lùi lại phía sau.Hỏa lực của chúng từ trong căn cứ bắn ra ràn rạt.Nhưng ngay sau đó xe tăng bị hỏa lực ta bắn cháy,hàng quân phía trước bị thương vong.Ở các nơi trong căn cứ lại đang bị ta đánh dữ dội,có nơi đã bị chọc thủng tuyên phòng ngự.Nên địch hoang mang,bỏ chạy vào trong căn cứ.Khoảng 11 giờ ở hướng tây bắc căn cứ đã được giải phóng

  Ngày nay,trên vùng đất thép Củ chi.Trong nghĩa trang An nhơn tây,những người lính của C11-D3-E48 ngã xuống ở hàng rào căn cứ ngày 29/4/75 đang nằm đó ,các anh hy sinh khi ngày toàn thắng chỉ còn tính bằng giờ !
Chào các bác :
   năm 79 có anh Thắng quê vĩnh Phú 1/ là phái viên của quân đoàn đi cùng c em  bác ấy kể :
    E 48  đánh Đồng dù ngay tại của mở  đã có khoảng trên dưới 50 chục bác hy sinh  ( không biết đây có phải là C 11 của bác Vt 738 không -con số đó là cực nhiều ) Sau đó xe tăng ta  vào đột phá ,vì cửa mở  vẫn còn 1 số  liệt sỹ  đang nằm nên xe tăng chần chừ .Không thể bỏ lỡ thời cơ ,nếu dùng dằng ở cửa mở tổn thất sẽ lớn hơn  nên  vẫn có lệnh : xung phong và các bác ấy đã  hy sinh lần hai . Nhờ kiên quyết ( nhưng đau đớn ) nên e 48  đột phá được vào trong . Chuyện các liệt sỹ hy sinh lần 2 có lẽ không trang sử nào  viết , chỉ có những người trong cuộc biết . Chiến tranh mà ....
   trái ngược với hướng E 95 của bác Trọng là xe tăng dùng dằng nên không vào được cửa mở
   Cũng trong trận đánh này  địch  ở sau Ta luy cao ,ta nằm bắn không được  có bác Sơn  người Vĩnh phú là atr đã  đứng thẳng dậy  dùng B40 bắn cháy  xe tăng địch, sau đó được phong Anh hùng ,
  . Năm 79  ( liên quan đến bài viết của bác Pho@ bên re :thời áo xanh....) Lúc F 320 ở Tà keo  địch dùng xe tăng phản kích , È 52 của Pho @ bỏ chạy , địch đến gần F bộ ,anh Sơn lúc đó là c phó vệ binh đã cầm súng ngăn lính không cho chạy, quyết tử thủ , kết quả địch bị chặn , f bộ không phải chạy
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
vt738@yahoo.com
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 403



« Trả lời #107 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 09:01:05 pm »

 
Chào các bác :
   năm 79 có anh Thắng quê vĩnh Phú 1/ là phái viên của quân đoàn đi cùng c em  bác ấy kể :
    E 48  đánh Đồng dù ngay tại của mở  đã có khoảng trên dưới 50 chục bác hy sinh  ( không biết đây có phải là C 11 của bác Vt 738 không -con số đó là cực nhiều ) Sau đó xe tăng ta  vào đột phá ,vì cửa mở  vẫn còn 1 số  liệt sỹ  đang nằm nên xe tăng chần chừ .Không thể bỏ lỡ thời cơ ,nếu dùng dằng ở cửa mở tổn thất sẽ lớn hơn  nên  vẫn có lệnh : xung phong và các bác ấy đã  hy sinh lần hai . Nhờ kiên quyết ( nhưng đau đớn ) nên e 48  đột phá được vào trong . Chuyện các liệt sỹ hy sinh lần 2 có lẽ không trang sử nào  viết , chỉ có những người trong cuộc biết . Chiến tranh mà ....
   trái ngược với hướng E 95 của bác Trọng là xe tăng dùng dằng nên không vào được cửa mở
   Cũng trong trận đánh này  địch  ở sau Ta luy cao ,ta nằm bắn không được  có bác Sơn  người Vĩnh phú là atr đã  đứng thẳng dậy  dùng B40 bắn cháy  xe tăng địch, sau đó được phong Anh hùng ,
  . Năm 79  ( liên quan đến bài viết của bác Pho@ bên re :thời áo xanh....) Lúc F 320 ở Tà keo  địch dùng xe tăng phản kích , È 52 của Pho @ bỏ chạy , địch đến gần F bộ ,anh Sơn lúc đó là c phó vệ binh đã cầm súng ngăn lính không cho chạy, quyết tử thủ , kết quả địch bị chặn , f bộ không phải chạy
Chào bác tai_lienson ! Lâu lâu mới được giao lưu với bác,trận đánh vào căn cứ Đồng dù ngày 29/4/75.Trung đoàn 48 dùng 2 tiểu đoàn cùng lúc mở 2 cửa vào căn cứ bác ạ,tiểu đoàn 3 mở một cửa như tôi đã kể trên.Ngoài ra tiểu đoàn 1 còn mở một cửa khác nữa,tại cửa tiểu đoàn 1 mở,đại đội 3 phá được đâu 3-4 hàng rào hỗn hợp thì bị địch phát hiện.Nên chúng tập trung hỏa lực đánh trả ác liệt,làm cho đại đội này bị thương vong nặng nề ngay tại hàng rào đang mở dở dang.Xác định lực lượng tiểu đoàn 1 còn lại không thể mở được cửa mở ,nên trên điều tiểu đoàn 2 cùng 4 xe tăng đánh vào hướng tiểu đoàn 1 đang đánh dở.Nên việc có chuyện chiến sỹ ta hy sinh lần 2 (Do bị xe tăng chạy qua )thì chỉ có ở hướng của 2 tiểu đoàn này

  Còn số liệt sỹ hy sinh tại hướng tiểu đoàn 3 đánh,phần được mai táng tại nghĩa trang đơn vị tại ấp Đồng mả,xã Trung lập hạ.Ngày 27/7/75 chúng tôi đi sửa và viếng mộ cho các đồng đội,thì tôi thấy có đến ngót trăm mộ (Chưa kể số bị thương đưa đi phẫu và hy sinh,được mai táng ở chỗ khác).Tất cả số liệt sỹ kể trên,là toàn bộ hy sinh trong trận ngày 29/4/75.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #108 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2013, 10:50:38 am »

Đến với Điện Biên

   Một ngày cuối tháng 4 sau ngày giải phóng Điện Biên 59 năm, tôi mới có dịp đến được với mảnh đất Mường Thanh-Điện Biên Phủ, mảnh đất mà năm xưa đã xảy ra những trận đánh ác liệt và then chốt cuối cùng của bộ đội ta với quân Pháp trước khi miền Bắc được giải phóng.

   Mảnh đất Điện Biên cách xa Hà Nội gần 500 cây số, nhưng lại rất thân thiết với gia đình bên ngoại tôi. Nơi ấy, ngày 28/3/1954 đã diễn ra một trận đánh không cân sức trên cánh đồng Mường Thanh giữa đại đội 78, thuộc tiểu đoàn phòng không 387, đại đoàn 308 với một tiểu đoàn bộ binh lính Âu-Phi. Cậu ruột tôi, đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ và tất cả đồng đội đang trực chiến trên trận địa hôm ấy đã lần lượt ngã xuống sau nhiều giờ chiến đấu. Chỉ có duy nhất một người lính bị thương nặng về sau được cứu sống. Chuyện về trận chiến đấu ấy của đại đội cậu Quỳ tôi đã từng được kể lại và in trong tập truyện "Hàng rào cuối cùng" xuất bản từ năm 1964 nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên.

   Ông bà ngoại tôi có 9 người con trưởng thành. Cậu Nguyễn Viết Quỳ là em kề sát người chị cả là mẹ tôi.

   Phải mất tới 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tới năm 1994, bằng nhiều nỗ lực bền bỉ, đại gia đình chúng tôi mới tìm được phần mộ liệt sĩ. Cậu tôi yên nghỉ trong Nghĩa trang Đồi Độc lập, nghĩa trang lớn nhất trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên với 2432 ngôi mộ, trong đó chỉ có 56 ngôi mộ có danh tính.

   Suốt từ năm 1994, năm nào đại gia đình bên mẹ tôi cũng tổ chức đoàn lên Điện Biên, đến Nghĩa trang Đồi Độc lập để thắp hương cho cậu tôi và các đồng đội của cậu. Mẹ, chị và vợ tôi đã lên Điện Biên. Riêng tôi vì lý do công tác và sức khỏe nên mãi đến năm nay mới cùng Hòa-em ruột tôi- theo các Dì và em họ lên Điện Biên thăm cậu Quỳ.

   Mặc dù đã học và đã đọc nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng lần đầu tiên được tới tận nơi, tôi vẫn choáng ngợp trước cảnh mênh mông của thung lũng Điện Biên với diện tích vài chục cây số vuông.

   Trong ba nghĩa trang liệt sĩ đánh Điện Biên Phủ thì Nghĩa trang Đồi Độc lập là lớn nhất, kể cả về diện tích và số mộ liệt sĩ. Cây xanh vừa tầm trong nghĩa trang rất nhiều, khiến đứng trong nghĩa trang không có cái cảm giác bỏng rát giữa trưa hè như trong nhiều nghĩa trang lớn miền Trung mà tôi đã từng đến thắp hương cho những đồng đội thuộc thế hệ đánh Mỹ chúng tôi.

   Mộ cậu Quỳ tôi nằm ngay đầu dãy thứ ba ngay bên phải cổng vào nghĩa trang. Tôi nhận ra ngay trên bia mộ tấm ảnh chân dung in trên đá, chụp cậu tôi lúc về phép cuối năm 1953, có lẽ do bố tôi chụp, vì ngày còn thanh niên, hai người đã là bạn thân, học cùng ở một trường cấp Ba hiếm hoi trên miền Bắc lúc bấy giờ. Tấm ảnh này trên bàn thờ nhà tôi cũng có, vì mẹ tôi tuy là phận gái, nhưng lòng nhớ thương người em tài hoa đã hy sinh cho Tổ Quốc quá lớn nên mẹ tôi đã thờ cả bố tôi và em ruột, mặc dù mẹ tôi vẫn còn hai người em trai nữa.

   Tôi thắp hương cho cậu tôi và quỳ xuống bên mộ cậu. Lần đầu tiên thắp hương trực tiếp cho cậu, mặc dù cố kìm nhưng tôi không thể ngăn được hai dòng nước mắt. Tôi đã khóc. Tôi khóc vì lòng tiếc thương của một người cháu đối với một người cậu ruột mà tôi chưa biết mặt vì khi cậu tôi hy sinh, tôi mới có bốn tháng tuổi. Cậu tôi là một thanh niên tài hoa, năm 1945 học dở tú tài thì bỏ học theo các mạng. Năm 1946, khi mới 17 tuổi, cậu tôi đã là học viên khóa I của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

   Nước mắt chồng nước mắt. Tôi còn khóc với nỗi lòng của một người lính đối với một người lính, của một người đồng đội thế hệ sau với thế hệ của cậu tôi. Tôi là người lính thế hệ chống Mỹ. Dầu không cầm súng dài tới chín năm như cậu tôi, nhưng trong chiến tranh tôi cũng là một người lính bộ binh, trực tiếp chiến đầu tới vài chục trận trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

   Tôi nhớ ngày tôi nhập ngũ trong cái năm cả nước tổng động viên ấy, bà ngoại tôi xót thương cháu đã khóc rất nhiều. Bà dặn tôi một câu khá đặc biệt: " Nếu chỉ huy có bảo xung phong lên lấp lỗ châu mai thì đừng có lên, cháu nhé". Tôi không biết tại sao bà lại biết rằng lấp lỗ châu mai tức là sẽ hy sinh. Tôi chỉ biết là bà thương tôi và chắc có nghĩ rằng tôi cũng có thể sẽ hy sinh, không trở về như cậu Quỳ tôi. Nếu như vậy thì bà ngoại và mẹ tôi sẽ trở thành hai người đàn bà có chung số phận, vì tôi cũng có một chị gái.

   Bà tôi và chắc rất nhiều người không biết rằng, người lính khi ra trận sẽ hành động như thế nào. Bản năng người lính và tình thương đồng đội sẽ làm người lính quên đi bản thân mình trước hiểm nguy. Rất có thể khi gặp tình huống trong chiến đấu như anh hùng Phan Đình Giót, tôi cũng sẽ quên lời bà dặn mà hành động giống như anh. Nhưng có thể trong ước vọng của bà ngoại, còn có cả sự phù hộ của cậu tôi dành cho đứa cháu ruột là tôi khi ra trận, nên tôi đã không gặp phải tình huống gian nguy cần có người lấp lỗ châu mai. Tôi đã trở về sau chiến tranh với mẹ, với bà.

   Và hôm nay, tôi có mặt ở đây để thắp hương cho cậu tôi. Để cảm ơn cả số phận đã trả lại tôi về với mẹ tôi sau chiến tranh nữa. Tôi cứ chắp tay khấn cậu và nghĩ miên man như thế, mặc cho nước mắt rơi.

   Cùng các Dì và các em, tôi còn đi khắp nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sĩ Điện Biên. Thật đau lòng là nơi đây cũng có nhiều phần mộ khuyết danh quá, chẳng khác phần lớn các nghĩa trang chống Mỹ là bao. Chỉ có một câu chung dành cho các liệt sĩ ghi nơi đài tưởng niệm của các nghĩa trang: " Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ".

   Trong bốn ngày ở Điện Biên, đại gia đình chúng tôi còn đi thắp hương cho các liệt sĩ ở những nghĩa trang khác nữa, nhưng ngày nào cũng đến thắp hương cho phần mộ của cậu tôi và các đồng đội tại nghĩa trang Đồi Độc lập.

   Tôi cũng đi thăm di tích hầm Đờ-Cát, thăm đồi A1… Mỗi nơi, tôi đứng thật lâu, nhìn địa hình, đem chút kinh nghiệm lính trận của mình, đối chiếu với những điều đã ghi trong sách về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa để hình dung ra những trận đánh dai dẳng và ác liệt của thế hệ cha chú mình với tụi lính  thực dân Pháp.

   Thật mãn nguyện và hài lòng vì mình đã có một chuyến đi thăm chiến trường xưa đầy ý nghĩa.

   Cùng đại gia đình trở về Hà Nội, tôi tạm biệt cậu Quỳ và mang theo lời dặn của các Dì. Sẽ lên thăm cậu nhiều hơn và khi sức khỏe các Dì các Cậu  của tôi đã yếu thì đám anh em con cháu chúng tôi sẽ tiếp quản đón nhận tình thương và tiếp tục tổ chức những chuyến đi Điện Biên, lên thăm cậu Quỳ. Chúng cháu không bao giờ quên ơn hy sinh của cậu và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc./.

« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2013, 11:24:49 am gửi bởi Trongc6 » Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #109 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2013, 03:27:02 pm »

Kể chuyện Tây Nguyên

   Chuyện kể ở đây không phải là tư liệu nghiên cứu về đồng bào Tây Nguyên. Chỉ là những hồi ức, những kỷ niệm kể lại cho các bạn. Các bạn sinh viên Đại học Văn hóa làm luận văn về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt nam chớ có lấy đây làm tài liệu chính thống, người viết không chịu trách nhiệm về điểm luận văn của các bạn đâu nhé.

   Đồng bào dân tộc nói chung là khổ và có mặt bằng văn hóa thấp và hạn chế hơn so với người Kinh. Trong thời kháng chiến thì điều này càng rõ. Bộ đội chúng tôi đã khổ và thiếu thốn, người dân tộc Tây Nguyên ven dãy Trường Sơn còn khổ hơn. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn một thuở đã phải than là đồng bào ven Trường Sơn nghèo xơ xác quá. Trẻ con thì trai hay gái đều ở truồng quanh năm. Khi lớn thì đàn ông ai cũng chỉ có mỗi một cái khố. Đi qua vùng dân tộc, tôi chưa bao giờ trông thấy một cái khố nào phơi trên dây hay sào tre quanh nhà. Có lẽ chẳng có ai có được tới hai chiếc khố. Phụ nữ cũng chẳng hơn nhiều lắm. Có thể là một thời thanh bình xa xưa nào đó, phụ nữ Tây Nguyên cũng dùng vải thật để may váy áo, nhưng những năm tháng chúng tôi ở Trường Sơn, chỉ toàn thấy họ mặc váy áo được khâu lại từ một thứ vải bao cát. Trong chiến tranh, quân Mỹ Ngụy lập các căn cứ thường dùng một loại túi vải thưa, sợi to như sợi đan áo, đổ đất vào đó rồi cột lại, chất lên nhau làm công sự, chúng tôi gọi là bao cát. Loại sợi này có pha ni-lon, rất lâu mới mục nát. Làm bao đựng đất làm công sự thì tốt, nhưng phải dùng nó để khâu váy áo thì chắc chỉ có đồng bào Tây Nguyên. Mặc nó chắc rất nóng, và nói thật là nó rất thưa, độ che kín không đủ trăm phần trăm. Những chiếc váy họ mặc không phủ kín đến đầu gối. Còn áo thì hơi ngắn, đứng thẳng người không sao, nhưng hơi nghiêng người là hở cả lưng cả bụng. Phụ nữ Tây Nguyên không mặc đồ lót. Trộm nghĩ, các ca sĩ ngày nay cố gắng mang trang phục hở đông hở tây khi biểu diễn để "khoe hàng", bất quá cũng chỉ như học lại cái trang phục bất đắc dĩ thời chiến tranh đầy thiếu thốn của phụ nữ Tây Nguyên mà thôi. Nhưng đố dám bắt chước bỏ cả "nội y" đấy, dù thứ đó của các nàng bây giờ nhiều khi chỉ bằng hai cái lá mít bánh tẻ chập lại.

   Người Tây Nguyên có nước da ngăm đen, không hẳn đen nhánh như người châu Phi, cũng không phải da màu như người Nam Mỹ. Chưa ai đo được da họ dày đến đâu, nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ nghe đến khái niệm đồng bào bị muỗi đốt. Ngay cả ở những vùng muỗi bay dày như vỏ trấu, đập cánh vù vù như tiếng sáo diều sông Bến Hải, thì đồng bào Tây Nguyên cũng không biết dùng màn. Tây Nguyên liền dãy Trường Sơn, bộ đội nhà ta không ai thoát khỏi sốt rét, nhưng muỗi A-no-phen lại phải tránh xa đồng bào. Những con muỗi rừng to như hạt thóc chiêm, vòi dài cả chục ly mà châm lính phát nào là chúng tôi nhảy dựng người lên phát đó, cũng chào thua lớp da người dân tộc. Ông Dac-Uyn sống lại chỉ cần nghiên cứu đoạn này cũng đủ hoàn thành thuyết Tiến hóa, khỏi cần phải mò ra một đảo hoang nào đó mãi ngoài Thái Bình Dương xa xôi để nghiên cứu lũ bướm đổi màu.

   Tư lệnh Trường Sơn đã từng nói, đồng bào dân tộc tắm suốt ngày. Thực ra thì không hẳn như thế, chính xác là cứ khi nào lội qua sông suối là họ tranh thủ tắm. Một ngày lội suối bao lần là họ tắm bấy nhiêu lần, bất kể mùa khô hay mùa mưa. Được cái mùa khô tuy ban đêm lạnh, nhưng ban ngày thường có nắng ấm. Khi qua suối, người dân tộc thường chọn chỗ nước sâu. Đàn ông lội qua suối đến giữa dòng thì ngồi thụp xuống rồi cởi khố và đưa tay khua loạn xạ, lục xục một hồi rồi mặc luôn lại chiếc khố vừa giặt đang còn ướt sũng. Khi lội lên bờ, nhô người đến đâu thì thì họ kỳ cọ đến đấy. Chỉ cần dăm phút lội suối, khi lên đến bờ thì đã tắm xong. Phụ nữ cũng gần như thế. Họ không tụt hết rồi lao xuống suối tắm như mấy cô thanh niên xung phong "giả" trong mấy bộ phim của mấy ông đạo diễn thích câu khách bằng cảnh tươi mát đâu. Họ cũng lội chìm xuống suối, ngồi ngập đến tận cổ rồi có làm gì thì làm. Có khuơ khoáng loạn xạ thì cũng vẫn kín đáo. Thông thường phụ nữ lội dịch ở đoạn phía dưới theo chiều bước chảy, hoặc nếu cùng khúc suối thì họ thường lội sau. Cái đó hình như đã thành một nếp, một tập tục rồi, rất có văn hóa. Chưa bao giờ chúng tôi thấy nam nữ đùa nhau khi tắm suối.

   Tất nhiên những điều tôi kể chỉ là sự nhìn theo kiểu trinh sát của lính tráng chúng tôi, chứ làm sao mà ngang nhiên nhòm ngó được. Bộ đội cơ mà.

   Bây giờ, sau bao năm chiến tranh, không biết cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên có nhiều thay đổi không, nhưng những điều thuộc về tập tục, chắc không có gì khác.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM