Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:34:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước... (phần 2)  (Đọc 73250 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2012, 02:50:45 pm »

...
    Tháng 11/1973...

....
   Chúng tôi được bổ sung đầy đủ vũ khí. Đại đội có thêm nhiều khẩu B41, ưu việt hơn B40, tuy nó cồng kềnh hơn. Đặc biệt còn được phát thêm cả trung liên RPD. Loại này nằm bắn để chụp ảnh hay quay phim thì trông rất oai, chứ trang bị cá nhân thì chẳng ai muốn nhận. Nó nặng và rất cách rách khoản lắp đạn phải nối 4 dây cho đủ băng 100 viên rồi đút vào băng sắt tròn. Lúc bắn lại phải thu hồi dây giữ đạn để có cái dùng về sau, mới nghe đã đủ phát sợ. Nhưng đấy là bọn lính cũ sợ thôi, chứ mấy khẩu RPD ấy nhét vào tay mấy thằng lính mới to con thì ba cối băng cơ số với một khấu súng nặng chịch và dài ngoằng ấy chưa đủ thời gian kiểm chứng để làm chúng nó sợ.

   (Vậy mà, hỡi ôi, về sau trong một đợt chốt dài ngày trên cao điểm 631 ở Pleiku, tôi lại phải tình nguyện ôm cây súng hỏa lực này trong mấy trận đánh liền và suýt bỏ mạng vì nó thì có phải là trời bắt tội "ghét của nào trời trao của ấy" không?)



Chào bác, đúng là bác mà mang khẩu RPD thì vất vả rồi tuy trông có oai đấy. Tôi nhớ ngày huấn luyện tân binh, trung đội cũng có súng này đưa về tiểu đội tôi. Anh nào cũng ngại cồng kềnh và nặng, thế là có thằng bạn thân người to béo, khỏe mạnh cậu vui vẻ nhận khẩu RPD. Đi thao trường trông câu đeo khẩu trung liên này với băng đạn tròn ( và có chân giá súng ? ) trông hùng dũng lắm. Thằng bạn vào QT 72 ở C20 của E95 và hi sinh trong Thành cổ 15/8/72. Lúc này nó mang máy thông tin chứ không vác RPD nữa.
Logged
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #21 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2012, 05:22:51 pm »

@trongC6 : hehe vậy trước đó bộ đội mình dùng hỏa lực gì tương đương với RPD vậy bác ? Trước giờ em cứ tưởng cây RPD đi suốt thời chống Mỹ  Grin
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
vanson307
Thành viên
*
Bài viết: 388


« Trả lời #22 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2012, 06:42:07 pm »

  @ haanh, cái khẩu RPD này hồi Ae mình ở tây nam thì có nhiều, Bác lethaitho trả nổi tiếng với nó ở Tổ tam tam đó mà. Đánh QT 72 cũng có nhưng trước đó thì trung liên RPK nhiều hơn, có phải không Bác TrongC6 ơi Huh
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #23 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2012, 06:55:26 pm »

  @ haanh, cái khẩu RPD này hồi Ae mình ở tây nam thì có nhiều, Bác lethaitho trả nổi tiếng với nó ở Tổ tam tam đó mà. Đánh QT 72 cũng có nhưng trước đó thì trung liên RPK nhiều hơn, có phải không Bác TrongC6 ơi Huh

@vanson307: RPD có trước ở chiến trường từ những năm 60, đến đầu 70 RPK mới xuất xuất hiện nhiều.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #24 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2012, 07:07:38 pm »

  @ haanh, cái khẩu RPD này hồi Ae mình ở tây nam thì có nhiều, Bác lethaitho trả nổi tiếng với nó ở Tổ tam tam đó mà. Đánh QT 72 cũng có nhưng trước đó thì trung liên RPK nhiều hơn, có phải không Bác TrongC6 ơi Huh

hehe thời anh em mình thì đương nhiên rồi , mạnh thì 1 ak , 1 RPD , 1 B40 ; yếu thì 2 ak kèm 1 RPD hoặc B40 ( B41 nặng nên anh em không thích vác trả về trên hết ) .
Vì cây RPD là hỏa lực chủ yếu của tổ tam tam nên em mới ngạc nhiên khi thấy đơn vị bác trongC6 đến năm 73 mới được bổ sung . Cây RPK em thấy không ngon bằng cây RPD vì băng đạn chỉ có 40 viên .
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2012, 10:46:12 am »

     Chào các bác:

      Khi tôi vào đến đơn vị ở chiến trường, không có một đợt nào tổng cấp phát vũ khí. Toàn bộ súng bộ binh đều là cũ. Khi đó mỗi A chỉ có 3 đến 4 người. Cứ có tân binh vào là về đại đội nhận súng, toàn súng cũ. Một B, hỏa lực gồm 2 B40 (hoặc sau này có thêm B41), 1 M79, còn lại toàn AK. Trong đại đội tôi không có một khấy RPD hoặc RPK nào (mặc dù huấn luyện ngoài Bắc, chúng tôi đã học cả về hai loại súng này). Để tăng cường hỏa lực, chúng tôi mang thêm rocket66 (M72), loại này thu của địch khá nhiều.

      Khi đó cũng vì là vũ khí cũ trang bị từ trước, nên C nào còn giữ được RPD thì cứ dùng, nhưng C tôi không còn khẩu nào. Tôi đã kể là hồi đi luồn sâu ở Nam đường 23 (mùa mưa 1972), chúng tôi có sang Atopo lấy về cho đại đội được 5 khẩu AK và một khẩu RPD mới toanh của TQ.

"Tới chiều ngày thứ ba thì chúng tôi tìm thấy kho súng đạn. Qua hai mùa mưa, cái nhà kho đã đổ ụp xuống rồi, chỉ còn cái hầm đất đào sâu đến bụng. Chúng tôi lôi ra được các thùng gỗ, tuy bẩn đầy đất, nhưng phá ra bên trong thì các bao nilon chứa súng còn nguyên cả mỡ bảo quản trong đó. Chúng tôi lấy một khẩu trung liên RPD và 5 khẩu AK, toàn súng của TQ. Thấy đạn rất nhiều chúng tôi nảy ra ý định thử súng. Anh Trịnh đồng ý, thế là hôm sau chúng tôi kéo nhau ra một bên dốc núi. Nhìn xuống suối sâu như cả một bờ vực. Thằng Tuân lắp cả một hộp đạn vào khẩu RPD rồi nằm chĩa xuống vực nghiến răng kéo cò. Khẩu súng rung lên bần bật. Nó kéo mấy loạt hết cả băng đạn 100 viên mới thôi. Mấy chúng tôi cũng chĩa AK phệt mỗi thằng một băng xuống vực. Có thử thế này mới thấy, có muốn kéo cò một lần cả băng AK cũng không được vì nó giật lắm. (Khác hẳn với khẩu AR15 của Mỹ mà sau này chúng tôi cũng lấy bắn chơi. Băng đạn 20 viên chỉ níu mạnh cò làm rẹt một cái đã hết. Đó là chưa kể nếu bấm vào cái nút Turbo của khẩu súng thì nó còn "rẹt" nhanh hơn). Tiếng nổ vang vọng thung lũng, nhưng ở cái chỗ này thì chỉ có chúng tôi nghe, chúng tôi biết mà thôi. Ngày hôm đó chúng tôi nghỉ lại, lau những khẩu súng mới cho hết sạch dầu mỡ và tranh thủ tắm giặt. Đêm đó mắc võng ngủ lại trong rừng mà cứ như ở nhà, chẳng gác sách gì. Hôm sau chúng tôi lên đường, mang theo 6 khẩu súng và một ít đạn. Về đến nơi tập kết của đại đội thì vừa hết một tuần."

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,6323.440.html

Khẩu RPD đó về sau ra Saravan bị bom pháo cũng hỏng mất.

Lần này chúng tôi chuẩn bị về chiến trường miền Nam, tân binh lại nhiều nên được bổ sung vũ khí có tính chất tổng thể. Khẩu AK nào kém quá trả lại, thay khẩu mới của TQ. Có thêm nhiều súng B41 và RPD mới toanh còn dầu mỡ. Mà RPD mỗi C cũng chỉ có một khẩu thôi. Súng đã quen nên cũng không phải học lại, cứ thế mà dùng.


« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tư, 2012, 11:23:22 am gửi bởi Trongc6 » Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #26 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2012, 02:53:34 pm »

    Chào các bác:
......
  "... Chúng tôi lấy một khẩu trung liên RPD và 5 khẩu AK, toàn súng của TQ. Thấy đạn rất nhiều chúng tôi nảy ra ý định thử súng. Anh Trịnh đồng ý, thế là hôm sau chúng tôi kéo nhau ra một bên dốc núi. Nhìn xuống suối sâu như cả một bờ vực. Thằng Tuân lắp cả một hộp đạn vào khẩu RPD rồi nằm chĩa xuống vực nghiến răng kéo cò. Khẩu súng rung lên bần bật. Nó kéo mấy loạt hết cả băng đạn 100 viên mới thôi. Mấy chúng tôi cũng chĩa AK phệt mỗi thằng một băng xuống vực. Có thử thế này mới thấy, có muốn kéo cò một lần cả băng AK cũng không được vì nó giật lắm.     
...


@Trongc6,

Nghe Bác kể đoạn này mới biết là Mình chưa có " Kinh nghiệm" chơi cả băng AK bao giờ ?  Ấy thế mà đôi khi cũng  "vỗ ngực" là Cựu binh đã chinh chiến và bắn các kiểu  Grin
 Ờ, nhưng thực tế chiến đấu thì cũng chả bao giờ " Chơi cả băng " : Thứ nhất là còn phải dành đạn,  thứ 2 " Chơi cả băng" thì đủ thời gian để lĩnh đủ quả M79 hay  phản đòn có khi chưa hết băng đã " Toi " rồi  Huh   Nếu lấy cái kinh nghiệm " chơi cả băng" bằng thực tế chiến đấu thật  chắc giá cũng đắt  mà có khi không kể lại được cho ai nữa
Dù sao thì vẫn  cần có kiến thức " kinh nghiệm " Bác Trongc6  nhể  Wink...
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #27 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2012, 10:48:03 am »

….

   Những ngày đầu năm mới 1974 đã đến. Chúng tôi được nghỉ để tổ chức ăn tết Tây đàng hoàng. Bây giờ hậu cần tiểu đoàn ngoài chuyện phát thực phẩm đồ hộp hàng ngày thì thỉnh thoảng cũng tổ chức mua lợn trong dân Lào để cấp cho các đại đội ăn thực phẩm tươi như đợt tết Tây này. Rau xanh của chúng tôi tăng gia được nhiều nên tổ chức liên hoan cũng gần giống như ngoài Bắc. Lính mới vẫn có cảm giác như đang ở đơn vị huấn luyện.

   Sau đó, hàng ngày chúng tôi vẫn tập tành túc tắc và chuẩn bị tinh thần về miền Nam yêu dấu. Chiến đấu ở rừng núi, hay về đồng bằng bám dân ba cùng nhỉ? Chúng tôi mặc sức tha hồ mà tưởng tượng vì cỡ lính tráng lèm nhèm chưa được biết đích xác là đến địa bàn nào. Tiểu đoàn kiếm đâu ra được một lô Tạp chí Văn nghệ quân đội phát xuống cho các đại đội. Truyện ngắn trong tạp chí kể nhiều về chuyện chiến đấu ở các vùng giáp gianh, thậm chí cả ở vùng đồng bằng sông Cửu long với nhiều mối tình thơ mộng của lính ta với nữ du kích miền Nam khiến lắm thằng mơ mộng. Nhiều "quân sư quạt mo" còn phỏng đoán là chúng tôi sẽ vào B2, sát ngay Sài Gòn để tham gia một cuộc giống như "Tổng tiến công 1968" nữa.

   Đang yên ả như thế, một buổi trưa chúng tôi đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ "đoàng" rồi tiếp theo hai điểm xạ AK nữa phía suối có vườn rau. "Có địch". Phản xạ ngay lập tức là thế, mặc dù lúc thường mà kể chuyện ở đây có thám báo Lào thì thật quá tiếu lâm. A tôi ở gần nhất nên được trung đội thúc ngay báo động chiến đấu và cho vận động nhanh ra hướng suối. Chúng tôi vượt qua cả vườn rau mà chưa thấy động tĩnh thêm gì. Tiểu đội tản ra ẩn nấp chờ trung đội tiếp ứng để vận động lên thăm dò tiếp tình hình. Phía trước, những hàng cây lúp xúp lay động vì có tiếng người vạch cây đi thẳng tới. Đang sẵn sàng chờ nổ súng thì lại nghe phía đó có giọng làu bàu bằng tiếng Việt: "Ngủ đ. gì mà chẳng có thằng nào ra tiếp ứng". Tôi nhận ra giọng thằng Tuấn, quản lý mới của đại đội. Thằng này trước cũng là A trưởng trong cùng B5 với tôi, lính Nam Hà. Tôi vội gọi to tên nó, vừa lúc cái mặt to phẹt của nó hiện rõ sau đám cây. Thế ra là quân ta cả. Chúng tôi cùng đứng dậy, cười vang hỏi chuyện nhau, trong lúc quân tiếp viện phía sau cũng lục đục mò tới. Đã có ngay việc để làm.

   Chả là vốn cũng có máu ca cóng, buổi trưa quản lý Tuấn xách súng AK lọ mọ vượt qua phía vườn rau, định sục sạo xem hướng đó có cái gì cải thiện được không. Mạn này đi sâu cũng là rừng, nhưng là rừng thưa và chủ yếu là tái sinh. Cây cỏ may lắm chỉ có cây lá chua. Nhưng điều kích thích thằng Tuấn là dạo trước lúc còn nhiều lính cũ dân tộc, có anh cũng đã làm bẫy, loại bẫy đơn giản bằng cần thòng lọng và đã bắt được một con nhím rất to, đủ cái thiện cho cả tiểu đội. Tôi được nếm đôi miếng, thấy rất ngon. Vì thế nên thằng Tuấn mới bỏ giấc ngủ trưa mà lọ mọ một mình ra đây. Điều không ngờ là nó được chứng kiến một con chó sói phục bắt một con lợn rừng. Nếu thế thì đây là lần đầu tiên chúng tôi biết vùng này có chó sói. Tôi cứ nghĩ chó sói sống và kiếm mồi ở những đồng cỏ hoang vu hay rừng sâu núi cao tuyết dày cơ, chứ những cánh rừng tái sinh hiền hòa cách bản dân có vài cây số thì làm gì có chó sói.

   Thấy con sói đang đè đầu cưỡi cổ con lợn rừng ở một gốc cây chỉ cách hai chục mét, quản lý Tuấn xoay AK trên vai bật nhanh chốt an toàn và nã luôn một phát tắc cú về phía con sói. Viên đạn trượt, con sói giật mình bỏ mồi chạy mất, còn lại con lợn bị thương đang loay hoay trên đất. Sợ mất nốt cả con lợn nên Tuấn ta bồi luôn 2 loạt AK. Lần này thì trúng đích và hạ gục con lợn tại chỗ.

   Đấy là quản lý Tuấn kể lại thế. Chúng tôi lần mò mấy trăm mét đến chỗ Tuấn chỉ, thấy xác một con lợn rừng rất to, lông đen dày. Chắc chắn là lợn rừng chứ không thể là lợn của dân chạy lạc đến đây. (các lính dân tộc sành lắm, chỉ nhìn kiểu mọc lông là cũng biết lợn rừng hay lợn nhà, dù là lợn nhà thả rông). Chúng tôi chặt đòn buộc dây khiêng về. Con lợn có lẽ phải gần tạ. Hai thằng khiêng thì quá nặng, bước đi chuệch choạc nên cuối cùng phải bốn thằng khiêng. Được con lợn to, nhưng bây giờ quân số đại đội đông hơn rồi nên C tôi giữ lại cho anh em liên hoan, không chia cho các C khác như dạo trước. Chiều đó, anh em được bữa chén thoải mái, no nê mà vẫn còn dư thịt cho hôm sau. Cánh lính mới Hà Tĩnh, Hà Tây, Vĩnh Phú hoan hỉ lắm vì đây là lần đầu tiên chúng nó được thưởng thức sản phẩm ca cóng của rừng. Chuyện cũ chuyện mới lại râm ran cả tối. Cuộc đời lính chiến trường lại được dịp lên hương.

   Tuy được ăn tươi và phải cảm ơn quản lý Tuấn, nhưng không phải tất cả  chúng tôi đều khen nó. Không phải vì khoản thịt lợn mà là vì câu chuyện nó kể. Lính tráng chúng tôi có đến gần một nửa nghi thằng Tuấn bốc phét chứ làm gì có chó sói ở vùng này. Đám còn lại đông hơn, trong đó có tôi thì lại tin lời quản lý Tuấn vì xem xét con lợn bị thương, thấy dấu vết là hai con mắt bị móc nát. Tôi đã đọc chuyện ở đâu đó thấy nói những con sói tấn công con vật khác nặng gấp nó vài lần thường dùng thủ đoạn nấp kín trên cao rồi bất ngờ phi ra đái dòng nước cay xè vào mắt đối phương. Trong khi con mồi cay mắt chưa kịp phản ứng thì con sói chồm lên đánh đòn hiểm là móc hai mắt của đối phương. Cuộc chiến đấu tiếp theo giữa một kẻ tấn công hung hăng và một nạn nhân mù thì tất nhiên là phần thắng nghiêng về con sói. Cũng nhờ con lợn rừng bị mù nên thằng Tuấn mới dễ hạ thủ chứ không chắc con lợn cũng kịp phi thoát vào rừng rồi.

   Câu chuyện bắn lợn rừng đúng là chưa dừng lại ở đó. Những ngày sau đi tăng gia, dù chỉ ra vườn ở khúc suối gần ngay hậu cứ, chúng tôi đều nhớ mang theo súng và không đi một mình. Nghe kể huyền thoại về chó sói, nhiều thằng lo nhỡ có chó sói thật mà nó không rình con thú khác, lại rình người thì sao? Tuy lo xa như thế, nhưng chuyện tiếu lâm do lính sáng tác và thêu dệt về việc thằng Tuấn gặp chó sói trong rừng thì ngày một phát triển, có lúc thành chủ đề chính những lúc giải lao. Thằng Tuấn ức lắm với biệt danh "cô bé quàng khăn đỏ có đôi mắt to hơn người(!)" do anh Hùng "cối" dân Thái Bình đặt cho. Tôi cũng tán chuyện, nhưng cứ nghĩ rồi nó sẽ trôi vào dĩ vãng thôi, như bao chuyện lính khác ấy mà.

   Không ngờ quản lý Tuấn để bụng và quyết tâm phục hận. Chúng tôi không mấy để ý, nhưng có người biết là thằng Tuấn vẫn bỏ giờ nghỉ trưa vác AK vào rừng làm gì đó. Chẳng cần đợi lâu, chỉ chừng độ chục ngày sau, cũng vào một buổi trưa nắng đẹp, chúng tôi lại được nghe tiếng súng.

    "Đoàng",…"đoàng",…"đoàng,…đoàng".

   Toàn tiếng nổ AK phát một, vẫn ở phía cánh rừng qua suối hướng vườn rau. Ngưng lại hồi lâu đến vài phút mới lại nghe ba loạt AK điểm xạ lên trời liên tiếp. Lần này chúng tôi không giật mình, không báo động, nhưng cũng nhanh chóng bật dậy xách AK chạy ra tiếp ứng. Hùng hục chạy đến nơi, xa hơn chỗ quản lý Tuấn bắn lợn bữa trước thì thấy anh ta đang một tay xách AK, một tay chống nạng đứng dạng chân cười ngạo nghễ ngay giữa đám cây lúp xúp trên bãi đất trống. Đập vào mắt chúng tôi là xác hai con thú gần đó. Một con chó sói lông màu xám nhạt nằm gục mõm ngay gần một con lợn rừng to gấp ba bốn lần nó. Thằng Tuấn quả là thiện xạ, bắn toàn trúng chỗ hiểm mới hạ gục được ngay hai con thú tại chỗ như thế này. Chúng tôi vừa thán phục quản lý Tuấn, vừa khoái chí trước hai chiến lợi phẩm nằm trên đất. Những thằng bữa trước nghi ngờ Tuấn, giờ bỗng thẹn thùng, mắt tròn mắt dẹt. Rồi chúng tôi hò nhau khiêng sói và lợn về. Những thằng đầu têu chuyện tiếu lâm bị quản lý Tuấn phân công khiêng con sói cho nó bõ ghét. Nhưng tự nhiên lại hóa ra nhàn vì hai thằng khiêng con sói thì nhẹ tênh, còn chúng tôi khiêng con lợn thì vẫn lặc lè như trước. Không hiểu sao ở vùng này có lắm lợn rừng to thế, hay con sói chỉ rình bắt lợn to thôi, còn con bé thì nó bỏ qua?

   Chiến lợi phẩm lần này phải liên hoan hai ngày mới hết. Thịt lợn không nói làm gì, nhưng thịt chó sói phải nói là ngon. Tôi không dám so sánh nó ngon hơn hay kém thịt chó nhà, nhưng cái món thịt chó sói om dừ với riềng và mắm tôm thì không đứa nào trong đại đội dám chê (Chúng tôi vốn vẫn còn nhiều mắm tôm khô được cấp từ trước, nay đem ra quấy nước nóng thì cũng thu được một loại mắm tôm lỏng, tuy không thể sánh với mắm tôm truyền thống, nhưng cũng đủ dậy mùi) . Chỉ cần một đứa chê là có dăm thằng khác xung phong ăn hộ ngay.

   Cuộc hàn huyên và tiếu lâm bây giờ lại quay mũi dùi sang anh Hùng "cối". Cái mác "đã tốt nghiệp lớp 10" và đọc nhiều sách của anh bây giờ bị gán thành "nhà bác học giả cầy". Anh Hùng đã phải lên tiếng xin lỗi quản lý Tuấn. Sau đó mọi chuyện lại bình thường vì chúng tôi, lính ấy mà.

   Sau hai vụ ăn thịt cải thiện ấy, trong C tôi còn có nhiều thằng còn đề nghị đại đội cho lập kế hoạch săn bắn tiếp, vì vùng rừng này chắc còn nhiều lợn rừng và chó sói. Thế nhưng may mắn đó không đến nữa vì tình hình đơn vị đã có nhiều thay đổi, nhanh đến chóng mặt khiến chúng tôi không còn kịp làm thêm gì nữa.

   Năm nay tết Nguyên đán đến sớm, chỉ vào độ cuối tháng 1 này thôi, nên chúng tôi xác định mình sẽ được ăn tết tại khu hậu cứ này. Mọi chuyện gì khác nếu có đến chắc phải sau tết. Vì thế trong các A đã rủ nhau tập tành văn nghệ. Chi đoàn thanh niên đã lên kế hoạch tổ chức vui chơi "hái hoa dân chủ". Bếp ăn đại đội dự định sẽ tổ chức gói bánh chưng vì cả C đã được cấp một con lợn. Ngoài gạo nếp vốn là sở trường của đất Lào, chẳng bao giờ thiếu, đơn vị cũng được cấp đỗ xanh, lạc và đường. Từ ngày 25 tết, không khí trong đơn vị đã nhộn nhịp lắm rồi. Cứ thỉnh thoảng lại có lệnh cử người lên tiểu đoàn, thậm chí lên thẳng kho Trung đoàn để lấy hàng. Nhu yếu phẩm Tết năm nay khá hơn Tết năm trước nhiều. Đủ mỗi đầu người một bao thuốc lá Trường Sơn hoặc Tam đảo. Có cả chè Ba Đình. Mỗi tiểu đội được hai hộp mứt loại nhỏ 250 gram. Kể ra cả tiểu đội có mười người mà hai hộp mứt như thế thì chẳng bõ bèn gì, nhưng dù sao cũng là quà miền Bắc, tinh thần là chính. Có hương vị tết là được rồi. Mà thực ra ở nhà thì tiêu chuẩn tem phiếu cũng đâu có hơn gì. Các trung đội đều dự định nấu kẹo lạc. Gì chứ cái món nấu kẹo lạc đổ ra vung rồi cắt miếng thì thằng lính nào cũng nấu được.

   Ngoài những món vật chất trên, chúng tôi còn tổ chức trang trí lán trại cho tăng khí thế đón xuân. Đại đội tổ chức đi lấy lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Ở rừng thì lá dong có mà thiếu giống. Những khe núi ẩm ướt hay có suối đất thì hai bên thể nào cũng tìm được lá dong. Chúng tôi lấy về, toàn lá bánh tẻ xanh mướt, to tướng. Gói bánh chưng nửa cân chứ gói loại to hơn cũng không phải ghép lá. Đun bánh chưng bằng củi gộc là rền và ngon nhất nên lính tráng cũng vào rừng xa lấy củi. Người ta bảo "cây ngay không sợ chết đứng" nhưng thực tế trong rừng có những cây to chết đứng rất nhiều, thân còn chắc nịch, có lẽ do cây già mà chết. Tha hồ mà củi gộc. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Phần trang trí lán thì cũng đủ loại và muôn màu muôn vẻ. Đất Lào có đủ các loại hoa có thể trang trí Tết, từ Đào phai, Mai vàng cho đến những cành mận rừng có hoa trắng nhỏ li ti cũng rất bắt mắt. Cầu kỳ thì đi xa hơn đến những cánh rừng già kiếm hoa Phong Lan. Thật ra chỗ nào có hoa, chúng tôi cũng đã ngắm nghía từ trước và đánh dấu sẵn trong đầu rồi, giờ chỉ còn đi lấy về thôi.

   Ngày 27 Tết, mọi thứ đã chuẩn bị xong. Không khí Tết tràn ngập đơn vị. Tập tành hay học hành chính trị cũng chỉ mang tính chiếu lệ. Từ bọn lính mới chờ đón cái tết chiến trường đầu tiên đến đám lính cũ, ai cũng náo nức chờ xuân.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2012, 09:55:41 am »



   Tết Nguyên đán của Việt Nam không trùng với Tết của Lào. Tết của họ vào giữa tháng Tư dương lịch, ứng với thời gian cuối của mùa khô. Tôi vào chiến trường đã qua hai cái Tết Lào. Tết đầu tiên đang chốt giữ ngoài bản Phin, bản Soan ở phía đường 231, lúc đó chưa biết gì về Lào. Cái Tết thứ hai B5 chúng tôi phải đi chốt Keng Nhao, ở đó chỉ có cái bản bỏ đầy hoa quả mà không có dân. Đại đội đóng quân ở gần bản Noọng Bua phía sau nên có được hưởng một chút Tết Lào của dân. Bọn lính B khác cùi gạo ra chốt Keng Nhao có kể lại cho chúng tôi nghe về cái Tết năm mới, còn gọi là Tết té nước (Bun pi may - Bun hat nạm) của dân Lào. Họ vui Tết hết sức đơn giản. Ăn uống không có món riêng đặc sắc như kiểu bánh chưng của Việt Nam mà chỉ là các món ăn tươi so với hàng ngày. Hình như họ cũng không chú trọng lắm về ăn. Nhưng tinh thần thì thật thoải mái. Dù bản chỉ có ít dân, họ cũng ra suối lấy nước về rồi té lên người nhau tràn lan, bất kể dân hay bộ đội đi qua, cười vang thoải mái. Cũng chả cần phải chúc phúc điều gì, chỉ té dội nước lên nhau là đủ, càng ướt càng tốt. Đến tối thì lại tụ tập phòn (múa) cùng nhau, ai cũng ướt sườn sượt.

   Bây giờ chúng tôi chuẩn bị đón Tết, vì không có chủ trương giao lưu với dân nên việc ai nấy lo. Ra bản gặp dân cũng chỉ nhăm nhăm kiếm con gà hay bidong rượu. Mà dân ở thưa, cũng nghèo nên chả có mấy mà đổi chác. Lúc hì hục bận chuẩn bị Tết thì thôi, nhưng lúc xong việc ngồi nhàn lại thấy có gì đó bâng khuâng. Khung cảnh thanh bình, gần dân nhưng lính vẫn chỉ là lính ăn Tết với nhau. Chưa biết lúc nào, nhưng chúng tôi sắp chia tay đất Lào rồi. Về nước, về đất mẹ tuy có chút háo hức tò mò về chiến trường mới, nhưng rời xa mảnh đất đã nhiều ngày gắn bó và che chở cho mình thì không thể không thấy man mác buồn. Có một chút gì đó bồi hồi như trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, khi đó quân ta được về Thủ đô, về nơi đô hội ồn ã, cuộc sống tốt hơn nhưng lại thấy nao nao nhớ rừng Việt Bắc với những bữa cháo bẹ canh măng, với những sắc áo chàm đã bao năm đùm bọc che chở cho mình.

   Dù trong đơn vị chẳng ai có mối tình nào với gái Lào như trong tiểu thuyết thường thêu dệt, nhưng thằng lính nào mà chả từng gặp dân xin rau củ, xin những nắm xôi trong tuýp cuối buổi chiều; từng tập tọe tán vài ba câu nào đó với phu sao Lào lúc đi công tác lẻ qua bản của họ…, thế cho nên có chút bâng khuâng tình quân dân cũng là điều tự nhiên dễ hiểu.

   Cái tình cảm ấy khi không nói ra thì thôi, nhưng nói hơi nhiều và say sưa một chút thì lại bị mang tiến ủy mỵ, tiểu tư sản. Bọn lính Hà Nội chúng tôi, nhất là những thằng đã học hết lớp mười mà nói năng văn thơ một chút, thường bị gán cho mác tiểu tư sản (trong khi gia đình mình ở nhà cũng như mọi gia đình khác, tem phiếu bao cấp chứ có cái gì hơn đâu mà tư với sản). Nói ra thì bảo sai lập trường, nhưng khi đó những thằng thuộc thành phần bần nông, hay "bần bần" cố nông được tin tưởng hơn. Đấy là nói lúc về hậu cứ, được cấp trên để ý cất nhắc, chứ lúc còn đang ở tuyến trước thì bình đẳng như nhau, ai cũng phải lao lên và ai cũng có quyền được hy sinh, bom đạn chẳng chê hay nhường thằng nào.

   Lại nói chuyện thằng Lễ (Nam Hà), cái thằng mà chỉ thích vác B40 phụt cho nó sướng, xung phong thì bụi tre gai cũng lao qua, mặc cho xây sướt hết cả mặt. Nó là thằng lên A trưởng nhanh nhất, mùa mưa năm 1973 được vào đối tượng đảng. Văn hóa thì tà tà thôi, nhưng thằng này thì gan kỳ và kiên định lập trường lắm. Thằng Thái Pi-tơ giễu nó ra mặt, thường bảo là Đảng mà có quần chúng toàn loại như thế này thì cách mạng phải thành công lâu rồi chứ không còn vất vả đến hôm nay. Thằng Thái thuộc loại bất cần, nó bảo chỉ mong giữ được cái gáo để về nhà, còn mọi chuyện khinh tạt hết.

   Một lần thằng Lễ đi học lớp cảm tình đối tượng gì đó về đảng trên trung đoàn, lúc về vênh vang lắm. Nó cứ làm như sau mấy ngày đi học ấy thì kiến thức của nó phải bằng cả chục năm người ta đi học không bằng ấy. Thấy nó vênh vang, tôi tò mò hỏi nó đi học, thế người ta dạy cái gì? Nó có vẻ kẻ cả bảo tôi, mày biết gì mà hỏi, chúng tao học về lịch sử, về đường lối của đảng, về thời cơ và kinh nghiệm cách mạng Việt Nam. Ra là thế, cũng to chuyện đấy nhỉ.

   Về sau tỉ tê thêm, nó khoe với tôi về chủ nghĩa cộng sản, về đảng ta thành lập mãi từ năm 1930, rồi là cách mạng tháng Tám thành công, rồi đường lối cách mạng hiện nay… Lúc đầu tôi cũng thấy hơi ù tai, sao thằng này học lắm thứ thế. Mãi sau nói chuyện nhiều thì ra có rất nhiều điều chúng tôi đã được học trong môn lịch sử từ năm lớp 10 rồi. Thế là tôi phản công lại, vì những điều nó học chỉ có mấy ngày, nhớ lõm bõm nên truy gắt một tý là lẫn lộn ngay, không còn phân biệt được Các Mác hay Lê-nin ông nào nhiều râu hơn. Thế là tôi liền kề cho nó nghe vanh vách từ chuyện Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng CS Pháp, cách mạng tháng Mười, các thời kỳ cách mạng của đảng ta, ứng phó của Bác Hồ với Pháp và Tàu Tưởng từ sau cách mạng tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến, rồi đến hai lần kéo pháo vào đánh Điện Biên Phủ…tóm lại là đủ thứ trong môn lịch sử mà tôi học. Còn cái đoạn ba trào lưu cách mạng cho đến chuyện "Ta thắng lớn địch thua to, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn" mà năm nào chúng tôi cũng học chính trị thì tôi nói ào ào như thuộc sách. Bấy giờ thằng Lễ mới chịu xẹp xuống và nhìn tôi với con mắt khác.
 
   Khổ nỗi là những cuộc tranh luận hợp pháp ấy lúc to lúc nhỏ, nên đã đến tai đại đội. Chính trị Viên Mỵ thì khoái lắm vì thấy bọn học sinh lớp 10 tuy chẳng phải Đảng, Đoàn gì nhưng được học thế thì cũng coi như đã thấm nhuần chính trị, kiến thức gần bằng với cán bộ chính trị rồi, sau này tuyên truyền gì cũng dễ. Chỉ có Đại trưởng văn hóa lớp 5 là không thích bọn học cao hơn, nên lúc nào cũng muốn chụp mũ tiểu tư sản cho chúng tôi. Ông ấy còn khó chịu hơn khi tôi cãi rằng cách mạng Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng những lãnh tụ của Đảng đều là người có học mới lãnh đạo được, các Vị ấy chẳng có ai là bần cố nông mù chữ đâu ạ.

   Mùa mưa năm 1973 chúng tôi học chính trị khá nhiều vì những ngày mưa to không thể tập tành. Ngoài thời gian học tập trung trên hội trường đại đội, chúng tôi về thảo luận ở B. Lúc đầu trung đội chỉ có tám chín người, về sau có bổ sung thêm tân binh thì đông hơn, được hơn chục người. Các lán trung đội ở xa nhau lại vì trời mưa nên rất nhiều buổi chỉ có anh em trong B với nhau, không có cán bộ đại đội đi kiểm tra. Trung đội tôi thường rút ngắn phần thảo luận để nhường chỗ cho đọc sách. Sánh báo lúc đó anh em tân binh mang vào được một ít, còn lại do tiểu đoàn cấp xuống, chủ yếu là Tạp chí Văn nghệ quân đội. B trưởng của tôi cũng quen thân nhiều trên tiểu đoàn nên mượn thêm được cả tiểu thuyết. Tôi thích đọc sách và có giọng đọc khá truyền cảm nên thường được giao đọc cho cả B nghe. Có như vậy chúng tôi mới biết đến những chuyện ngắn như "Mảnh trăng giữa rừng" của Nguyễn Minh Châu. Một loạt các tiểu thuyết chiến tranh ra đời dạo đó, chúng tôi cũng được đọc như "Chiến sĩ" của Nguyễn Khải, "Đất trắng" của Nguyễn Trọng Oánh, "Mẫn và tôi" của Phan Tứ, hay "Thung lũng Cô tan"…

   Có một lần tôi đọc cuốn "Mẫn và tôi" đến đoạn gần cuối, khi cô Mẫn chia tay Tư Thiêm rồi lại chợt quay vội vào hầm và nói với Tư Thiêm trong hơi thở hổn hển: "Anh Thiêm! Hôn em đi. Chúng mình hôn nhau để từ biệt đi anh", có đến hai thằng trong trung đội nghe mùi mẫn quá xoay người ngã nhào từ trên sạp xuống đất. Từ đó tôi được trung đội mệnh danh là "giọng đọc Kim cúc" của trung đội.

   Có một lần chúng tôi mượn được cuốn "Đội cận vệ thanh niên" của nhà văn Liên - xô A. Pha-đê-ép, tập 2. Chỉ có mỗi một tập trong bộ tiểu thuyết 3 tập, nhưng đói sách nên chúng tôi vẫn đọc. Chỉ được mượn có một đêm trong lúc khách nghỉ tại đơn vị, nên suốt đêm hôm đó chúng tôi đốt lửa đọc cho nhau nghe. Cũng vì chỉ có một tập, nên tôi phải kể thêm phần nội dung của hai tập kia, vì lúc ở nhà tôi đã có đọc. Lại còn phải giải thích thêm cụm từ cận vệ. Đây là một danh hiệu vẻ vang (đội cận vệ, sĩ quan cận vệ…) được tặng cho những cá nhân hay đơn vị có thành tích đặc biệt mà chỉ ở Liên-xô mới có. Đọc xong trang cuối cùng thì cũng vừa lúc bình minh. Thế mà cả trung đội chăm chú nghe, chẳng ai ngủ gật. Chỉ mỗi tội hơi tốn nước "chè sâm rừng", món sâm rừng do chúng tôi tự kiếm và sao lên chế biến. Sản phẩm là rễ của sâm rừng, dáng từa tựa như những sợi giá đỗ.


Logged

baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2012, 04:23:52 pm »

Hồi bé có đọc quyển truyện thiếu nhi, dường như có tên là 'thú rừng Tây Nguyên'. Trong này, đã có bác nào đó nói đến rồi.
Chuyện kể về voi đi thàng đường phẳng lỳ, gấu ăn mật, về phong cảnh núi rừng Tây Nguyên và Lào. Đọc say mê lăm.
Nay, đọc các bài của bác, cũng có cảm xúc ấy.
 Bác viết về Lào, về cuộc sống và chiến đấu của lính ta ở Lào, hay lắm.
Ông chú thứ hai, sau bố em, là bộ đội ở Lào thời 9 năm, ông đã ngang dọc suốt vùng Nam Lào thời đó. Ông cũng đã mất rồi. Thật tiếc. Giá như em còn có thể in cho cụ đọc, các câu chuyện của bác về đất nước Lào. Đất nước của "mùa hoa chăm pa đây, đất Lào nở hoa. Mùng anh chiến sỹ, giữ yên làng quê...".
Ôi đất Lảo, một đất nước có quá nhiều duyên nợ với cá nhân em.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM