Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:47:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước... (phần 2)  (Đọc 73090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #10 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2012, 11:06:23 am »

Cảm ơn bác VeTran đã giảng giải cho tôi về các tuổi hổ.

Hóa ra số mình quá may mắn mà mình không biết. Tôi cứ tưởng hổ thì con nào cũng như con nào, hóa ra không phải. Bác vừa phân tích, lại vừa có hổ thật giống tôi để minh chứng thì tôi tin sái cổ rồi.

Thôi thế cũng mừng bác ạ. Tôi cứ nghĩ mình ở hiền gặp lành, thế mà hóa ra đúng thật. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ nên ban cho mình con hổ "hiền" nhất trong loài hổ.

Tò mò hỏi thêm: Bác VeTran về sau này mới có kiến thức về loài hổ (tức là cũng vô tình mà gặp may như tôi), hay là lúc tìm hổ ngày xưa bác đã biết để mà chọn con hiền nhất rồi.
Logged

vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2012, 03:05:52 pm »

Cảm ơn bác VeTran đã giảng giải cho tôi về các tuổi hổ.
Tò mò hỏi thêm: Bác VeTran về sau này mới có kiến thức về loài hổ (tức là cũng vô tình mà gặp may như tôi), hay là lúc tìm hổ ngày xưa bác đã biết để mà chọn con hiền nhất rồi.

Vâng ! Chào bác Trongc6, Trước khi trả lời câu hỏi của bác, tôi xin phán đoán hoàn cảnh vì sao bác gặp cọp hai lần mà vẫn bình yên: Trước hết, khi ở rừng núi Ai Lao, lúc đó chiến tranh mở rộng, cả nước hạt gạo cắn ba, quân đội cũng quá đói thì nhìn cái cơ thể gầy dơ mấy chục cái xương sườn của bác thì dù đói mấy cọp cũng lắc đầu. Còn lần thứ hai thì như tôi trình bày bài trên, tức là bác gặp may, và không loại trừ công tu luyện của tiền kiếp. Tuy nhiên mệnh số có trường tồn không còn tùy thuộc vào quá trình tu luyện cho (Đắc Đạo). Còn việc bác hỏi thì tôi xin thưa: Đúng là gặp may bác ạ, nhưng thật ra đầu tiên là tôi bị ( vồ ) vì ngày yêu nhau thì nàng nói: Em tuổi Quí Mão. Mèo thì dễ thương quá còn gì. Hơn nữa lại kèm theo cái câu các cụ chúng nó nói (Trai Nhâm, gái Quí) thì gì bằng. Khi kiểm tra lý lịch quân nhân thì có ghi sinh 1963, nên tạm yên tâm cho tình nảy nở. Nhưng khi đã yêu nặng rồi, về Thanh Hóa thăm bố mẹ người yêu, và chỉ còn có hai ngày nữa là tiến hành đám cưới. Một buổi sáng tôi nghe bà nhạc nói chuyện: Gái Thơ cùng tuổi với cô Nụ, cô Dần, mấy đứa tuổi ấy đều lấy chồng xa ngái cả. Hoảng hồn tôi gặng hỏi thì bà nói sinh năm Nhâm Dần. Ối giời ơi là giời. Bác giám từ hôn không, bác Trongc6? mà hơn tất cả, tôi lại tuổi Kỷ Hợi mới là nguy chứ. Thôi ngậm đắng nuốt cay chờ ngày nên thớt vì cọp ăn lợn là bình thường theo số xắp đặt của tạo hóa mà, và rồi tôi luôn an ủi mình "Đức năng thắng số". mà đúng thật, tôi thắc mắc sao Cọp này hiền lành dễ thương, hay khóc mà lại chiều lợn thế, càng ngày lợn càng lười nhác và biểu hiện đủ mười tính xấu của lão Trư trong đó có: lười nhác, ỉ lại, thích ngủ và...ham gái nữa chứ. Nhưng Cọp vẫn bình thường. Đến một hôm, do nghe kẻ địch xúi bẩy cái vụ gái gú gì đấy. Khi các con của (Cọp mẹ vĩ đại) đi vắng thì nàng nhẹ nhàng nói: Em nói thật với anh, em không có tính ghen bóng ghen gió đâu, nhưng nếu có thật mà em "thực mục sở thị" thì em hay dùng con dao cưa của mấy người bán đá cây chứ em không giám dùng dao sắc sợ mấy chị ấy đau. Tôi rùng mình co lại thế thủ theo phản xạ. Nhưng bác cứ nghĩ kĩ xem, đôi khi thực tế khác với phát ngôn, Nàng vẫn chiều, vẫn chịu đựng tính hâm của lão Trư, cho nên tôi phải tầm sư học đạo tìm chân lý, và may mắn đến đúng lúc, vì trong học phần (Triết học duy vật biện chứng) tôi phải tìm hiểu về (triết học Đông phương), trong đó có KINH DỊCH là một trong 6 bộ kinh cổ của Trung Hoa cổ đại cùng với( kinh thi, thư, lễ, nhạc và kinh Xuân Thu) nói về sự biến dịch của vũ trụ và con người trong không gian THIÊN ĐỊA NHÂN theo thế giới quan phương Đông, và tôi hét lên Eureka ( nhưng không sexi chạy ngoài đường như Archiemed) khi tìm ra mệnh số nữ (Nhâm dần) và từ đó ung dung ngẩng cao đầu sống nốt những ngay đáng yêu nhất. Cũng hơn ba mươi năm rồi, con cháu xôm tụ, gia cảnh thoải mái đủ đầy rồi, nếu bây giờ, nói theo các cụ quê tôi (Bùi Chu - Nam Định) : Nếu Chúa có gọi thì cũng an lòng Amen. Xin chúc bác khỏe. À bữa trước tôi có nhắn tin cho bác, có đọc không mà sao không hồi âm cho tôi biết.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2012, 06:52:49 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2012, 03:40:22 pm »

Cảm ơn bác VeTran đã giảng giải cho tôi về các tuổi hổ.

Hóa ra số mình quá may mắn mà mình không biết. Tôi cứ tưởng hổ thì con nào cũng như con nào, hóa ra không phải. Bác vừa phân tích, lại vừa có hổ thật giống tôi để minh chứng thì tôi tin sái cổ rồi.

Thôi thế cũng mừng bác ạ. Tôi cứ nghĩ mình ở hiền gặp lành, thế mà hóa ra đúng thật. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ nên ban cho mình con hổ "hiền" nhất trong loài hổ.

Tò mò hỏi thêm: Bác VeTran về sau này mới có kiến thức về loài hổ (tức là cũng vô tình mà gặp may như tôi), hay là lúc tìm hổ ngày xưa bác đã biết để mà chọn con hiền nhất rồi.

@Trongc6 & VeTran:

Mạn phép bác Trongc6 xin ké nhà bác 1 chút để nhờ lảo sư VT phán cho tôi cái tuổi của tôi mà tại sao nguyenhuuluanc17 nói rằng tôi và ông là thứ rồng đất (giun đất) nên mới được về với mẹ còn rồng khác thì thăng từ lâu rồi. Tôi tuổi Nhâm Thìn sinh 23/5 duơng (30/4 âm có lẽ vậy). Bác phán cho tôi vài đường cơ bản để hết tháng 5 về cầm sổ hưu suy ngẫm lại chặng đường đã qua. Cám ơn bác.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2012, 07:05:59 pm »

Cảm ơn bác VeTran đã giảng giải cho tôi về các tuổi hổ.



@Trongc6 & VeTran:

Mạn phép bác Trongc6 xin ké nhà bác 1 chút để nhờ lảo sư VT phán cho tôi cái tuổi của tôi mà tại sao nguyenhuuluanc17 nói rằng tôi và ông là thứ rồng đất (giun đất) nên mới được về với mẹ còn rồng khác thì thăng từ lâu rồi. Tôi tuổi Nhâm Thìn sinh 23/5 duơng (30/4 âm có lẽ vậy). Bác phán cho tôi vài đường cơ bản để hết tháng 5 về cầm sổ hưu suy ngẫm lại chặng đường đã qua. Cám ơn bác.
Xin phép bác Trongc6, tôi xin được trao đổi vài ý mọn với bác Lexuantuong1972, Trước hết bác và bác Trongluan. Tranduong. Tranphu341 mang chữ NHÂM là một trong những tọa độ không gian của (Thập thiên can) và gặp địa chi THÌN, là một tọa độ thời gian, thời sinh học, thời gian lặp của một GIÁP (thập nhị địa chi)  để đạt được LỤC THẬP HOA GIÁP (sáu mươi năm lặp lại).
*Mặc định:Bác Lexuantuong. Can chi thuộc (Nhâm Thìn) Sinh năm: 1952. Mệnh Trường Lưu Thủy. Rồng (là linh vật thần thoại duy nhất trong mười hai con giáp). Đây là tuổi (hô phong hoán vũ), nói Đông chết Tây, con người đầy đủ tri thức, hiểu biết hơn người. Tri Hành trong cuộc sống, sự nghiệp thành công. Tính tình sống ngay thẳng, trọng hiếu nghĩa. Nhưng gia trưởng, coi trời bằng vung, thích thể hiện uy lực của mình và luôn phấn đấu đi lên.
 *CUỘC SỐNG
Bác có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.
Tóm lại: Cuộc sống nhiều tươi đẹp về phần hậu vận( bốn mươi về sau) và có phần tốt đẹp về bổn mạng cũng như về cuộc sống tình cảm.
Tuổi bác hưởng thọ trung bình từ 56 tuổi đến 80 tuổi là mức tối đa, Tuy nhiên giống như tôi nói với bác Trongc6 là “Đức năng thắng số” nếu mình tu tốt thì cuộc sống kéo dài
 *TÌNH DUYÊN
tuổi của bác về tình duyên có ba giai đoạn như sau:
Nếu sanh vào những tháng này, cuộc đời có ba lần thay đổi về tình duyên và hạnh phúc, đó là tuổi Nhâm Thìn sanh vào những tháng: 4, 8 và 12 Âm lịch. Nếu bạn sanh vào những tháng này thì cuộc đời bạn sẽ có hai lần thay đổi về vấn đề tình duyên và hạnh phúc, đó là bạn sanh vào những tháng 1, 2, 3, 5 và 10 Âm lịch. Nếu bạn sanh vào những tháng này thì cuộc sống được hoàn toàn hạnh phúc, không thay đổi về vấn đề tình duyên, đó là bạn sanh vào những tháng 6, 7 và 11 Âm lịch.
  *GIA ĐẠO, CÔNG DANH
Phần công danh có kết quả tốt. Phần gia đạo được yên hòa vào trung vận, cuộc sống về gia đình và công danh, có nhiều tốt đẹp sau này.
Sự nghiệp được thành tựu mau lẹ, tiền bạc đầy đủ và có phần sung túc vào thời trung vận, có thể tạo nên hoàn toàn tốt đẹp về hai vấn đề này.
  *NHỮNG TUỔI HợP  cho bác LÀM ĂN và thuận vợ thuận chồng
với tuổi: Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất.
  *NHỮNG TUỔI ĐẠI KỴ
Tuổi Nhâm Thìn đại kỵ với những tuổi này, nếu kết duyên hay hợp tác làm ăn thì bị tuyệt mạng hay biệt ly vào giữa cuộc đời, đó là các tuổi: Giáp Ngọ, Ất Mùi, Canh Tý, Bính Ngọ, Đinh Mùi và Mậu Tý.
 *NHỮNG NĂM KHÓ KHĂN NHẤT
Tuổi Nhâm Thìn trong cuộc đời có những năm khó khăn nhứt, đó là những năm mà bạn ở vào số tuổi 19, 28 và 32t tuổi. Những năm này nên đề phòng tai nạn hay bệnh tật.
  *NGÀY GIỜ XUẤT HÀNH hợp NHẤT
Tuổi Nhâm Thìn có những ngày giờ hạp nhứt là ngày chẵn, giờ chăn và tháng chẵn. Xuất hành theo những giờ đó có phần thắng lợi về tài lộc, như cuộc đời.
  *NHỮNG DIỄN TIẾN TỪNG NĂM
Từ 20 đến 25 tuổi: 20 tuổi nhiều triển vọng tốt đẹp cho cuộc sống. 21 tuổi hy vọng được thành công về công danh. 22 và 23 tuổi, hai năm này có nhiều phúc đức và hy vọng được phước lộc và tài lộc. 24 và 25 tuổi, hai năm này nên làm ăn hay đi xa thì có nhiều lợi to.
 Từ 26 đến 30 tuổi: 26 tuổi, nhiều tốt đẹp về tài lộc và công danh có phần lên cao. 27 và 28 cũng còn nhiều tốt đẹp, cuộc sống hoàn toàn lý tưởng và gặp nhiều may mắn về tài lộc, tiền bạc dồi dào và có nhiều chuyên hay đẹp bất ngờ. 29 và 30 tuổi, hai năm này làm ăn được phát đạt và có nhiều tốt đẹp về vấn đề tình duyên và hạnh phúc.
 Từ 31 đến 35 tuổi: 31 tuổi, năm này làm ăn nên phát triển, có tài lộc và có cơ hội tạo lấy sự nghiệp và cuộc đời. 32 và 33 tuổi, hai năm này có hơi xấu nên cẩn thận về tiền bạc cũng như về làm ăn. 34 và 35 tuổi, hai năm này trở lại khá tốt, nên phát triển việc làm ăn hay đi xa có nhiều thắng lợi hơn.
 Từ 36 đến 40 tuổi: 36 tuổi, năm hoàn thành sự nghiệp và cuộc đời. 37 và 38 tuổi, may mắn thành công hoàn toàn trong cuộc sống. 39 và 40 tuổi, vào những tháng cuối năm, những tháng đầu năm hơi xấu. Kỵ điều tiếng thị phi.
 Từ 41 đến 45 tuổi: 41 tuổi có nhiều hay đẹp. 42 và 43 tuổi, nhiều tốt đẹp trong cuộc sống, có hy vọng thành tựu về tài lộc cũng như tình cảm. 44 và 45 tuổi, có nhiều ảnh hưởng tốt đẹp trong sự làm ăn cũng như về gia đạo, công danh.
 Từ 46 đến 50 tuổi: 46 tuổi nhiều triển vọng tốt đẹp, tiền bạc dồi dào. 47 và 48 tuổi, hai năm này lại quá xấu, không nên đi xa hay giao dịch về tiền bạc, 49 và 50 tuổi, trở lại có nhiều tốt đẹp trong vấn đề công danh và sự nghiệp.
Từ 51 đến 55 tuổi: Khoảng thời gian này, không được tốt cho bổn mạng, cuộc sống có phần bị đảo lộn tình cảm cuộc đời. Nên cẩn thận đề phòng sự rủi ro và hao tài tốn của trong những năm này.
Từ 56 đến 60 tuổi: Khoảng thời gian này không được tốt lắm, nên cẩn thận việc làm ăn, đừng phung phí tiền bạc, cố gắng tạo lấy sự vui tươi cho gia đình, để con cháu được vui vẻ sum họp.
Có một điều hôm nay anh em ta nhờ qua nhà bác trongc6 nên tôi không giám diễn giải nhiều, sợ mất tài nguyên nhà bác ấy.  Nếu bác muốn trao đồi về xắp xếp phong thủy không gian sống, làm việc để kích hoạt sinh khí, chấn trừ sát khí để tụ tài tụ lộc, phát triển nhân đinh, phát tiển trạch thổ thì bác PM cho tôi. Lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ vì trách nhiêm thành viên cộng đồng VMH.
 *Theo bát trạch minh kinh trong phong thủy học liệt, bác tương sinh cung Chấn Mộc, thuộc chính Đông là Đông tứ trạch. vậy phương Đông, Chấn Mộc. Đông Nam, Tốn Mộc. Bắc, Khảm thủy. Nam, Ly Hoả, là các phương CÁT trạch để bác dùng mở cổng, cửa chính của nhà, hướng ngồi trong bàn ăn, hướng làm việc, tiếp khách, gối đầu ngủ để kích hoạt sinh khí chấn trừ sát khí. khi ngủ huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu bẩm thụ khí tiền thiên để bản thân đủ năng lực, trí tuệ trong cuộc sống, tụ tài, phát lộc, phát điền địa, phát nhân đinh. Bác theo dõi đồ hình phía dứơi, tất cả ô chữ đỏ là các hướng trong "bát trạch" tốt cho mệnh của bác. các hướng có ô xanh là cực xấu
Tuy nhiên nếu bác cung cấp cho tôi hướng chính, hướng sau trạch ốc của bác, thời gian bác làm chủ trạch ốc đó, thời gian sinh của bác chi tiết tới (giờ) thì tôi sẽ theo vận hành của các tinh tú (Phái phi tinh) xác định được vị trí tốt xấu trong ngôi nhà bác đang ở nhằm điều chỉnh phong thủy nội thất trạch ốc để đạt "trạch mệnh tương phối" thì tuyệt vời tới ba đời sau. Thiên can nơi sinh ra bác là Nhâm, thuộc Dương cho nên bác mang mệnh của thiên Long chứ không phải địa Long (giun đất) do vậy bác cứ yên tâm sống một cuộc sóng an nhàn đầy ý vị nhân sinh và xum vầy thuận thảo với tử tôn như những tiên ông giáng thế. Tuy nhiên trăm cây trăm hoa, trăm nhà trăm cảnh. Hơn sáu tỷ con người trên trái đất này không ai có mệnh số giống nhau, tùy hoàn cảnh mà chọn lựa ở tuổi mà theo câu quyết của Khổng Tử là: Lục thập nhi nhĩ thuận ( sáu mươi tuổi, chỉ nghe những điều nói phải) thì bác tiếp tục nhập thế hay xuất thế tùy hoàn cảnh. Xin mấy dòng mạo muội với các bậc Tiên chỉ. Xin lỗi bác trongc6 vì vào nhà bác lâu quá. Thôi, Đệ tẩu. kính
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2012, 03:58:48 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 11:49:56 am »

          Gửi thêm một bài bích báo nữa, viết ở hậu cứ Tùm Nho. Lúc này chưa có nhiều bận rộn, đơn vị đang say sưa với tổng kết công tác và chiến đấu năm qua. Khí thế đang lên, ăn uống đầy đủ.


Hành quân Nam Lào

Tôi hành quân những đêm dài trên nước bạn,
Suốt hai mùa mưa nắng tiếp theo nhau.
Đường chúng tôi đi xanh ngát một màu,
Màu chiến thắng, màu núi sông hùng vĩ.
Ôi những đêm mưa hành quân không nghỉ
Vượt suối đèo, ta chắc súng trong tay.
Đạn lên nòng, giữ vững dải đất này
Như canh giữ trái tim của Tổ quốc.

Có những chiều đường hành quân thanh vắng,
Nhìn mẹ Lào, ta thấy nhớ mẹ ta
Căm cụi trên nương trong ánh nắng chiều tà
Như nhắn gọi giục ta thêm vững bước.
"Mẹ biết không, trên phần Nam đát nước,
Từ Mường Phìn vào đến Cao nguyên,
Chúng con đã đi diệt địch khắp miền,
Vùng giải phóng nối liền thành một dải".

Suốt chặng thời gian chúng tôi còn nhớ mãi:
Đông Ba, phù Pha Súc, Cao nguyên
Đường "hai ba" vào sát đến Phù Chiêng
Bao giặc Thái và ngụy Lào phơi xác.
*
Em gái Lào ơi, trong gió xuân ngào ngạt
Hoa Chăm pa thơm ngát đã nở rồi
Hãi múa đi em, vui điệu múa Lăm tơi,
Mừng chiến thắng, mừng quê hương giải phóng.

(Tùm Nho 10/1973)

Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2012, 06:08:56 pm »

          Gửi thêm một bài bích báo nữa, viết ở hậu cứ Tùm Nho.

Hành quân Nam Lào

Tôi hành quân những đêm dài trên nước bạn,
Suốt hai mùa mưa nắng tiếp theo nhau.
.....
*
Em gái Lào ơi, trong gió xuân ngào ngạt
Hoa Chăm pa thơm ngát đã nở rồi
Hãi múa đi em, vui điệu múa Lăm tơi,
Mừng chiến thắng, mừng quê hương giải phóng.

(Tùm Nho 10/1973)


@Trongc6,
   Xin hoi  Bac Trongc6 : Da cam tay mua LamVong hay Lamtoi voi em Gai Lao nao chua? Ke cho A-E nghe - dau di lam gi ? .... (Khong biet sao  may tinh  nay  khong danh dau tieng Viet  - da dat mod TELEX roi. Quan tri mang & Bac Trongc6 bo qua cho )
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 09:27:00 am »


   Trời Hà Nội đang có những trận mưa nhỏ đầu mùa. Lại một mùa hè, một mùa giông bão sắp đến. Bây giờ làm việc ngồi trong phòng là chính. Có phải đi đâu cũng chỉ đi ào một lúc, áo mưa đầy đủ không mấy ngại. Sinh hoạt mưa gió cũng bình thường, kể cả lúc có bão cũng không phải phòng bị nhiều.

   Nhưng quả thật cứ ngồi trong nhà nhìn ra mái hiên lúc trời mưa to, sấm chớp đùng đùng, nhẩn nha uống chén trà nóng thì lòng lại nhớ về Trường Sơn khi xưa với những cơn mưa rừng dai dẳng, không khí ẩm mốc. Một đợt gió lạnh tràn qua khiến người nổi gai ốc, tê tê.

   Rừng không thiếu nước. Mùa mưa lại càng tràn trề nước. Mưa rừng làm nước suối đổ về bất chợt, có khi lúc đi yên ổn, mà lúc về thì không thể qua suối, phải căng võng nằm lại giữa rừng. Chỗ hậu cứ bản Tùm Nho của chúng tôi, sau lưng B5 là một suối đá rất to, ngăn cách rừng già với rừng tre bương xanh rậm bạt ngàn. Đêm nằm nghe nước lũ đổ về réo sôi rầm rĩ. Được cái suối đá rất sạch. Nước chảy mạnh quá nên thời gian ở đó chúng tôi không được ăn cá lần nào. Muốn tìm một cái hủm to lặng nước nào đó để mà đánh cá cải thiện cũng không có, thực phẩm cải thiện chỉ là thịt thú rừng.

   Cảnh suối đá thú nhất là không phải vào ngày lũ. Trời có nắng lại càng tuyệt. Những mùa đông miền Bắc ứng với mùa khô trong đó, Trường Sơn không có những cơn lạnh cắt da cắt thịt. Về đêm cũng có lạnh, nhưng quần áo lính mặc kín vào, chui xuống hầm có rải ít cỏ tranh hay lá khô nằm thì cũng chịu được. Nếu là hầm thùng thì kiếm củi, đốt đống lửa giữa nhà như người dân tộc là xong.

   Mùa khô, chúng tôi chỉ ra suối tắm vào những lúc trưa nắng. Không hiểu sao lúc đó, sức chịu đựng của con người mạnh mẽ đến vậy. Thường thì một tuần mới tắm giặt một lần. Quần áo lúc nào cũng đóng bộ, nên người ta bảo vào lính "quần áo mặc suốt ngày" cũng đúng. Sao lúc đó chẳng ai thấy hôi, thấy bẩn như bây giờ, mặc cái sơ-mi có hai ngày vợ đã kêu "áo có mùi chua, cổ bị là cháy". Tất nhiên lúc đó có muốn cũng không thể tắm giặt nhiều được, thời gian đâu và cũng phải để cho quần áo giặt xong nó khô đã chứ. Chỉ có cái đợt đi làm đường, cuốc đất đá thì bẩn nhanh hơn. Ra suối đá tắm rất thích vì ở đó có rất nhiều tảng đá to, bằng phẳng. Mối thằng chiếm cứ một tảng, quần áo giặt chủ yếu là dấp đậm nước rồi lấy cành cây đập cho nó bở đất ra chứ làm gì có xà phòng. Tôi có một miếng xà phòng Liên-xô 72% màu đen, hôi nhưng giặt quần áo thì rất bền, vì nó lâu tan. Miếng xà phòng đem từ ngoài Bắc vào mà qua bao mùa mưa nắng, giặt bao nhiêu lần mà nó chả mòn bao nhiêu. Chỉ bé như cái lưỡi mèo mà đem quệt vài lần vào cổ áo là đủ giặt. Nhưng lính tráng vùng nông thôn hay dân tộc cũng khéo lắm. Chúng nó tìm được loại cây lá gì đó có quả mềm như quả mâm xôi trong rừng, vò ra có bọt như xà phòng, giặt quần áo rất hiệu nghiệm.

   Hậu cứ bản Tùm Nho, trong cả một vùng rộng lớn không có dân. Chỉ có lính với nhau nên chúng tôi toàn tắm tiên. Cả một lũ lồng ngồng, giặt quần áo xong, đứng trên những tảng đá vừa kỳ cọ, vừa hong nắng và nghêu ngao hát. Một điều đặc biệt trong chiến trường là không có một thằng lính nào trong chúng tôi bị mấy cái bệnh như ghẻ lở, hắc lào hay nấm ngoài da. Dù là mặc quần áo ướt, âm ẩm như thế nhưng cũng chẳng làm sao. Có lẽ khi ở ngoài Bắc thằng nào chịu đựng kém đã bị ghẻ lở hắc lào, chữa xong người được đề kháng miễn bệnh rồi cũng nên. Còn nếu bị gai cào hay gì đó mà sứt chân tay thì chỉ bôi ít thuốc tím là khỏi. Ngày đó trong quân đội có thuốc tím tốt thế mà nay không thấy ai dùng hay nói đến.

   Tắm tiên kiểu ấy, một lần đang chổng mông sưởi nắng, tôi thấy trên cái mông tròn trịa, trắng hồng của thằng Phú có hai ba nốt đen đen, nhìn kỹ ra không phải nốt ruồi, cũng không phải cái bớt. Hỏi thì nó bảo ngày còn ở nhà đi học có một lần xóm nhà nó bị máy bay Mỹ thả bom bi. Nó ngồi trong cái hầm chữ A nổi, chổng mông ra ngoài thế nào mà bị trúng mấy viên bi. Vì bị vào phần mềm nên chỉ chảy ít máu chứ không làm sao. Lên trạm xá, người ta bảo không mổ được vị bi nó "chạy", cứ để thế cũng không sao. Rồi nó đi bộ đội, mấy cái vết thương đó không được xét giảm thương tật. Nó khỏe như vâm. Nó kể hình như mấy cái viên bi bọc mỡ ấy cũng có chạy trong mông nó thì phải. Thỉnh thoảng nó lại nổi lên gần da, ngưa ngứa. Quả có thế thật vì sau đó mấy hôm có một viên nổi lên sát da ở mông nó đen sậm. Sờ vào thấy rõ viên bi cứng. Nó nhờ chúng tôi lấy gai nhể cho nó. Cậy mãi rồi viên bi cũng bật ra, chỗ đó chảy nước vàng. Rồi cũng chỉ sau vài lần bôi thuốc tím là khỏi hẳn chỗ đó.

*

   Những ngày mưa rừng buồn nhất với tôi không phải ở hậu cứ Tùm Nho, mà là ở dãy núi Tây Bắc huội Chăm Pi, chỗ đi ra trận địa bản Xoan ở đường 231 trên Cao nguyên. Khi đó là mùa mưa đầu tiên với tôi. Trung đội chúng tôi nằm bên này huội, làm nhiệm vụ tiếp tế gạo, đạn cho đại đội. Chẳng may gặp lúc mưa lũ không thể nào qua suối. Trinh sát tiểu đoàn một lần hành quân qua huội Chăm Pi để ra phía trước, cậy đi lẻ và bản lĩnh cao, bơi giỏi nên đã liều lĩnh vượt suối. Ba thằng bám dây bơi qua, vật lộn mãi chẳng những không qua được suối, phải quay lại mà còn đánh mất một khấu AK báng gấp dưới lòng suối. Tất nhiên là phải chịu kỷ luật rồi.

   Anh em trong trung đội bộ binh chúng tôi ai cũng biết bơi, nhưng là bơi sông hồ chứ không ai đủ tài bơi qua suối lũ. Vì thế cấp trên chẳng ai dám bắt chúng tôi bơi qua suối mà còn lại phải đèo theo cả một cùi gạo, hay ít đạn cối. Thế là có gần hai tuần khi đó, cả trung đội chỉ nằm chơi dài ở khu tập kết tạm trên đỉnh đồi. Tất nhiên vẫn phải đào hầm chữ A, đào hầm thùng để nấu ăn nghiêm chỉnh. Chỉ có cơm nếp ăn với muối thôi, bữa nào cũng như bữa nào, rất nóng trong ruột. Cả ngày chỉ có mỗi một việc là xuống bếp lấy cơm (nấu sáng, ăn cho cả ngày) rồi chui vào hầm ngồi co ro nhìn mưa rơi trắng trời, tối đất. Cảnh vật trong rừng già lúc nào cũng tối sầm sầm. Nước  mưa cứ chảy tràn nhưng chúng tôi ở trên đỉnh đồi nên hầm không bị ngập. Chỉ đào rãnh và che tăng kín các rãnh là hầm đủ khô. Một việc nữa tuy vất vả nhưng cũng cần phải làm là mỗi ngày một lần đi xuống phía dưới dốc đào một cái hố mèo. Cứ thế thôi, ngồi và nhìn mưa mà thấy buồn não cả ruột. Thời gian dư dả nhưng chẳng biết làm gì. Tôi nghĩ vẩn vơ đủ thứ chuyện cổ tích để giết thời gian. Thấy cảnh mình ướt át lại nghĩ không hiểu những con thú rừng thì nó tránh vào đâu và kiếm ăn như thế nào trong cảnh mưa rừng đến người còn bó tay như thế này.

   Một lần trời ngớt mưa và hửng nắng độ hai hôm, A trưởng Nghị liều dẫn thêm hai thằng lọ mọ đi kiếm thêm cái ăn. Rừng già mưa thối đất thối cát thì đừng mong có nấm hay mộc nhĩ. Của đó gặp mưa nhiều cũng thối nhũn nát hết. Rừng cây gỗ nên không có măng. Nhưng đi thì cứ đi, nhỡ lọ mọ kiếm được cái gì ăn được thì sao. Thế là cả tốp cứ men ngược theo bờ huội Chăm Pi mà đi sang quả đồi khác. Đang vạch cây rồi rẽ đám lá rừng lúp xúp mà đi tới thì bất chợt cả nhóm lao ra một bãi rừng trống to bằng hai chiếc chiếu. Tất cả đứng sững lại như trời trồng. Ba thằng thám báo đang ngồi quanh đống lửa nhỏ nướng một cái gì đó. Súng kê bên đùi, chúng ngây ra nhìn chúng tôi, lúc đó cũng ngây ra không kém với ba nòng AK khoác trên vai đang chúc xuống đất. Không bên nào chủ động giương được súng. Căng mắt nhìn nhau thủ thế như vậy độ hơn một phút thì chúng tôi từ từ lùi dần, rất chậm rãi và thận trọng. Tư thế cầm súng trước thế nào thì nay vẫn giữ thế. Nếu chúng tôi nâng súng bật chốt an toàn, chắc tụi địch cũng lăn ra mà vơ lấy súng quạt lại. Cứ như vậy, hai bên đều chọn con đường tránh nhau là hơn. Lùi được một đoạn đủ khất sau hàng cây lúp xúp, chúng tôi cùng quay ngược đầu co chân chạy. Được một đoạn xa, cả ba mới dừng lại nép sau mấy gốc cây to và mới giương được súng lên. Một lát, anh Nghị phán đoán lại tình hình rồi dẫn chúng tôi trở lại cái bãi trống ban nãy theo một hướng khác. Lúc này thì súng ống sẵn sàng rồi. Dò dẫm được tới nơi thì bãi trống chẳng còn ai ngoài đống lửa đang tắt. Bọn thám báo chắc cũng bật dậy chuồn ngay sau đó cho chắc ăn. Bên đống lửa, chẳng tìm thấy cái gì khả dĩ ăn được. Có lẽ địch đã kịp mang đi hoặc có khi chúng nó cũng chả có gì mà nướng cũng nên. Chúng tôi cũng ngay lập tức rút lui.

   Về đến chỗ trú quân, chúng tôi kể lại chuyện. B trưởng Quân đoán bọn này là thám báo, chắc cũng vì lũ mà kẹt không qua được suối như chúng tôi. May là cả hai bên đều bất ngờ và đều chọn giải pháp tránh cho nó lành, chứ nếu cứ nổ súng, chưa chắc bên nào đã thắng. Lại vì rừng già đang trong mùa mưa, nên cũng chẳng thể nghĩ đến chuyện tìm lại được bọn thám báo ấy ở đâu. B trưởng Quân cho kết thúc chuyện ở đây, chẳng trách cứ ai điều gì.

   Mấy chục năm rồi, giờ đây nếu mấy người thám báo đó mà còn sống, chắc họ cũng nghĩ như chúng tôi khi nhớ lại chuyện này: Ở đời, may hơn khôn.


Logged

lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 10:36:08 am »

Theo kinh nghiệm bản thân và qua chuyện của bạn bè trên khắp các chiến trường thì "vô địch" về lượng mưa cũng như thời gian của mùa mưa là ở vùng Tây Nam Huế- khu vực Nam Đông, Khe Tre và A Lưới. Sau này, thằng bạn làm ở Khí tượng- Thủy văn cũng xác nhận như vậy. Lý do là tại cái đèo Hải Vân, nó chìa ngang ra chặn gió mùa đông bắc lại tạo thành một vùng quẩn ở đây. Trong khi đó gió biển mang rất nhiều hơi nước vào. Và thế là tèn tén ten Grin
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2012, 12:04:08 pm »

         .......
"Mẹ biết không, trên phần Nam đát nước,
Từ Mường Phìn vào đến Cao nguyên,
Chúng con đã đi diệt địch khắp miền,
Vùng giải phóng nối liền thành một dải"............

Xin gửi 2 Bức ảnh về Mường Phìn, baoleo em chụp hồi 2006, để bác Trong C6 nhớ lại thời trai trẻ trên đất Lào.

Đường 9 đoạn cửa ngõ Mường Phìn



Ngã ba Mường Phìn, nơi có nghĩa trang liệt sỹ quân tình nguyện VN

Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2012, 02:06:51 pm »

...
    Tháng 11/1973...

   Sau khi làm hậu cứ mới xong, chúng tôi tập tành chiến thuật là chính. Phát thao trường đàng hoàng. Có cái may là không phải tập đêm. Riêng khâu gác thì nghiêm chỉnh. Mỗi B một vọng gác, cứ 3 đêm thì đến tiểu đội mình. Ngoài ra vẫn phải đi cùi lương thực, thực phẩm và cải thiện.

   Dần dà, chẳng mấy chốc mà tháng cuối cùng của năm đã tới. Thế là đã bước hẳn sang mùa khô rồi. Mùa khô là mùa vận chuyển và chiến đấu, nhưng kham khổ về thực phẩm, nhất là rau xanh. Bây giờ chiến sự đã ngưng thì lợi thế đánh nhau không còn, chỉ còn khoản rau xanh là vẫn lo như trước. Lúc này chúng tôi không thiếu gạo, muối. Ngoài ra vẫn có thịt hộp và đặc biệt nhiều là mắm tôm khô, đựng trong những cái hũ sành. Rau cải khô cũng chỉ có một thời gian ngắn thì hết, không được cấp nữa.

   Chúng tôi đi cải thiện, nhưng nương dân cũng chẳng còn gì. Ngay cả rau tàu bay vốn là đặc sản của Trường Sơn mà cũng hiếm. Mùa này rau tàu bay già, ngọn cây trổ bông hoa nở trắng, sợi bay tứ tung nhưng không còn lá. Bòn mót được mươi lá chỉ đủ cho hai thằng đi cải thiện "ca cóng" bữa trưa chứ không đủ cho cả C.  Chủ lực bây giờ chỉ là các sản vật của cây chuối tây, từ quả, hoa đến thân. Chuối cây nhiều lắm. Chỉ có món hoa chuối dễ ăn nhất, chúng tôi không chờ cây trổ xong buồng mà cứ nhằm cây có bắp-bi thò lên đầu cây chuối, chưa kịp ra nải là đốn luôn. Hoa chuối kiểu này (chúng tôi gọi là hoa chuối "chửa") chất lượng lắm, nhưng lấy mỗi hoa là phá hoại cả một cây. May mà chuối tây của Lào bạt ngàn nên không bị dân kêu. Dù vậy tuy được xếp loại vào rau, nhưng ăn mãi cũng chán.

   Nếu như trong Cao nguyên Boloven mùa mưa có những nương kiệu bạt ngàn ăn mãi không hết, thì mùa khô ở vùng La Vang này có một thứ đặc sản rất dễ chịu là củ đậu. Có rất nhiều bãi đất nhỏ rộng hàng vài trăm mét vuông cạnh đường, gần bản được dân trồng củ đậu um tùm. Cây củ đậu là loại dây leo, cho củ ăn ở phần rễ nằm trong đất. Trên thân cây cũng lủng lẳng khá nhiều quả đậu trông đẹp mắt. Thế nhưng quả đậu để già chỉ dùng làm giống thôi, chứ người mà ăn phải thì độc chẳng khác gì ăn lá ngón của người dân tộc. Rất may là chuyện này lính tráng rất nhiều thằng biết, truyền miệng nhau rất nhanh nên trong tiểu đoàn tôi không có ai bị ngộ độc. Lần theo dây củ đậu mà đào thì mỗi dây cho một củ đậu. Có điều lạ là củ đậu ở những bãi trồng tập trung thế này thường không to. Muốn đào củ to phải ra ngoài nương rộng mà tìm vì dân họ cũng trồng ở đó rất nhiều, tuy không thành bãi tập trung.

   Men theo rìa nương tìm những dây củ đậu săn chắc, già gần khô và nhỏ xíu, mặt đất có vết nứt mà đào thì chắc chắn thu được củ đậu rất to. Có củ to như cái bát ô-tô, phàm ăn như lính mà một thằng cũng chỉ xơi một củ như thế là no ách bụng, phải nằm chơi nửa giờ đồng hồ mới làm việc khác được. Chỉ đi cải thiện độ vài lần là học xong kinh nghiệm về tìm đào củ đậu. Điều này về sau khi ở Tây Nguyên chúng tôi cũng áp dụng để đào củ mài ăn cứu đói. Dây củ nhỏ, già và hơi khô thì thể nào củ mài ở gốc đó cũng rất to. Có những củ to như bắp tay, dài hàng mét rưỡi, đủ ăn cho cả trung đội.

   Củ đậu tuy nhiều, nhưng chỉ ăn chơi là thích hợp nhất vì nó mát, ăn chóng no nhưng cũng chóng đói như ăn cháo loãng vậy. Chúng tôi lấy củ đậu về, anh nuôi chỉ làm được mỗi món sào hoặc cho lính ăn chơi. Vì thế về sau, các nhóm đi cải thiện rất hạn chế lấy củ đậu. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi thiếu rau, vẫn hoàn là thiếu rau.

   Toàn tiểu đoàn quyết định tổ chức tăng gia, trồng rau xanh ngắn ngày. Đại đội chúng tôi phát mấy dẻo đất dọc ven suối. Ở đó toàn cây bùng nhùng như cây "cứt chó" nên dễ phát, đốt được ngay, lắm tro. Đất khá tơi và màu mỡ, phù hợp để tăng gia. Đại đội chia đất tăng gia cho các A. Vừa phát đất xong thì đã có lệnh lên tiểu đoàn nhận hạt giống rau. Mùa này chỉ hợp trồng món cải xanh và cải trắng, vì nó dễ trồng, chóng thu hoạch. Lúc này tôi được biết là hạt giống rau được nhận từ hậu cần 559. Hóa ra ngành hậu cần của ta chu đáo thật, chiến tranh lâu dài nên đã lo cả hạt giống rau đưa từ ngoài Bắc vào để cấp phát cho những đơn vị dừng chân tĩnh tại, có điều kiện tăng gia. Khoản kỹ thuật trồng thì không phải lo vì quân ta chủ yếu là nông dân mặc áo lính. Phần chất bón cho rau thì lính ta tự túc được, A nào tự lo cho A đấy.

   Chỉ hai tuần sau là vườn rau của các tiểu đội đã lên xanh mướt, ra khu tăng gia nhìn thật thích mắt. Những vườn cải trắng có vẻ hợp thổ nhưỡng hơn nên phát triển nhanh, bẹ cây rất to. Từ đó, chiều nào chúng tôi cũng có một giờ nghỉ sớm để tăng gia. Thế là chỉ sau vài tuần, chúng tôi hầu như đã tự túc được rau xanh. Các B cung cấp rau theo lượt vòng tròn cho bếp ăn của đại đội. Lúc này chúng tôi vẫn lấy cơm về ăn theo A chứ không ăn tập trung cả C vì chúng tôi không làm hội trường. Phần đi cải thiện ngoài nương dân bây giờ chỉ còn lác đác mỗi khi đơn vị muốn đổi món.

   Thừa thắng xông lên, chúng tôi còn ra bản dân đổi lấy gà con về nuôi. Dân bản vùng này cũng không giàu lắm nên phải đổi, bất cứ thứ gì của lính họ cũng lấy, nhưng đắt hàng nhất vẫn là kim chỉ, quần áo và đá lửa. A nào cũng nuôi, ít nhất là 3 con. Gà thả rông trong khu doanh trại, lúc chiều gà của A nào về chuồng A ấy, không nhầm lẫn. Cảnh tượng đầm ấm chẳng khác gì làng quê, chỉ thiếu tiếng phụ nữ và trẻ con. Tiểu đội anh nuôi còn hứng chí nuôi cả một con chó. Người Lào không ăn thịt chó nên đổi cũng dễ. Có điều chính họ cũng ít nuôi chó, nên kiếm được một con chó bé đem về nuôi cũng khá kỳ công vì phải tìm ở một bản xa. Thời gian ở đây chúng tôi cũng chỉ mới đổi được gà chứ chưa đổi được chó để làm thịt lần nào.

   Dịp 22/12, chúng tôi được nghỉ và tổ chức liên hoan. Bây giờ người đông, trung đội nào cũng cử người xuống giúp anh nuôi. Anh nuôi C tôi lần này tổ chức thêm hai món tuy kỳ công nhưng rất hấp dẫn. Đó là tráng bánh cuốn và làm bánh rán. Gạo nếp có sẵn, giã nhỏ, rây kỹ trộn cùng bột gạo tẻ là có bột làm bánh. Chúng tôi kiếm được một ít đỗ xanh nấu làm nhân. Món bánh rán này tôi ăn thấy ngon chẳng kém gì bánh rán ở quê, có khi còn ngon hơn ấy chứ. Riêng món bánh cuốn thì phải nói là kỳ công. Chày cối giã bột thì như tôi đã kể, trong rừng tận dụng các gốc cây khô, cưa và khoét làm cối. Vải làm khuôn thì đã có vải dù đủ loại. Khó nhất là khoản ngâm ủ bột như thế nào đó cho nó giống bột xay nước, và khi tráng phải đủ mỏng, thế mà lính ta làm cũng thạo như làng nghề. Những người đã từng ăn thì không nói làm gì, nhưng có những thằng từ bé chưa được ăn bao giờ thì luôn mồm tấm tắc khen ngon. Còn phải nói. Thử tưởng tượng tráng đủ một bữa bánh cuốn ăn no cho gần trăm con người không phải là chuyện đùa.

   Tối hôm đó chúng tôi còn được đốt lửa trại, quây quần cả đại đội hò hát văn nghệ. Không khí náo nhiệt, thật vui vẻ. Nếu cán bộ đại đội không phát lệnh đi nghỉ thì chắc chúng tôi còn hát suốt đêm.

   *

   Thời gian này, tự nhiên tôi được làm một việc không có biên chế trong quân đội ta. Số là anh Mỵ, chính trị viên C tôi là người dân tộc, văn hóa chưa hết cấp hai. Vì là cán bộ chính trị nên trong phần việc của anh ấy có mục nói chuyện thời sự hàng tuần. Tin tức phổ biến qua giao ban tiểu đoàn thì chậm, nên nội dung chủ yếu thu được qua nghe đài (Lúc này đại đội tôi được phát một chiếc đài bán dẫn của Nhật 3 băng rất nhỏ gọn, chất lượng tốt chứ không phải loại Orionton của Hung to đùng, nặng chịch, có thêm chức năng làm Ampli, phát cho các đại đội huấn luyện ngoài Bắc). Ngoài mục Văn nghệ tối thứ bảy cả đại đội tập trung lên sân đại đội nghe, còn lại anh Mỵ phải nghe tin tức rồi tổng hợp tình hình đem phổ biến thời sự cho lính nghe để sinh hoạt chính trị có khí thế. Lúc này trong C tôi có vài lính đã học hết lớp 10 phổ thông, trong đó có tôi. Có lẽ do tôi trẻ nhất, dễ sai bảo nên anh Mỵ gạ tôi giúp anh nghe đài rồi soạn lại tin tức để anh ấy nói chuyện lại trong đại đội.

   Việc này đối với tôi cũng đơn giản, vì ngày còn ở nhà, mỗi tối thứ 7 tôi cũng hay nghe chuyện cảnh giác. Nhà nào ở Hà Nội ngày đó cũng có cái loa truyền thanh (loa kim, mắc theo hệ thống loa truyền thanh của thành phố) để nghe tin tức. Chỉ có nhà giàu hoặc nhà có người đi nước ngoài mới có Radio (như kiểu Latvia hay Hồng Đăng, Thượng Hải) hoặc là đài bán dẫn XHCN thôi, mà phải qua đăng ký hải quan mới được dùng. Cái loa kim ở nhà tôi chỉ có một mức volumme, tiếng không được to lắm, mẹ tôi lại muốn sưu tầm các "chuyện cảnh giác" làm tài liệu. Thế là cứ 7 giờ 30 tối thứ bảy, tôi lại bắc cái ghế cao ngồi ghé sát tai vào cái loa, lăm lăm giấy bút nghe và ghi lại vài chi tiết chính như tên người, địa danh… Sau đó tôi dựa theo trí nhớ viết lại câu chuyện cảnh giác hôm đó vào một quyển vở, để lúc rỗi mẹ tôi xem. Cứ như thế nhiều tháng, rồi một hai năm, các cuốn vở ghi lại "chuyện cảnh giác tối thứ bảy" trong nhà tôi nhiều lên, các chuyện chép lại càng về sau càng sát nội dung với lời kể trên đài.

   Bây giờ tôi có dịp để giúp anh Mỵ, thấy không khó lắm mà cũng hay hay. Lên nghe đài cùng anh Mỵ để được thưởng thức thêm chè và thuốc tiêu chuẩn của BCH đại đội, nhiều thằng trong C muốn mà không được ấy chứ. Giấy bút lúc ấy quá sẵn. Tất nhiên phần nội dung tôi soạn ra, cuối cùng phải được anh Mỵ duyệt và sửa. Được cái anh Mỵ cũng tài, chỉ xem phần tôi ghi lại từ đài để lấy cái sườn rồi nói thôi, chứ không phải cầm giấy đọc nguyên văn. Về sau anh Mỵ đưa tôi vào BCH chi đoàn và nhiều lúc còn cho tôi nói về một chuyên đề nào đó với anh em trong đại đội nữa. Có thể nhờ đó mà sau này khi ra quân, tôi nói chuyện trên diễn đàn trước đám đông vài trăm người mà cảm giác vẫn tự nhiên như mấy thằng lính tán chuyện hàn huyên với nhau vậy thôi.

   Sau đợt liên hoan 22 tháng 12 năm 1973, chúng tôi được biết chính xác là chỉ một thời gian nữa thôi, E9B sẽ chuyển về chiến trường miền Nam. Về đâu thì chắc cán bộ trên D, E đã biết vì trung đoàn chúng tôi đã có những tốp tiền trạm lên đường. Lại nghe nói chỉ có trung đoàn chúng tôi thôi, còn bọn E19 và E39 vẫn ở lại giúp Bạn xây dựng cách mạng Lào. Trong E tôi, tất cả các anh nhập ngũ từ 1967 về trước mà không phải là cán bộ B trưởng trở lên đều được giải quyết ra quân. Nếu chế độ NVQS là 5 năm thì các anh ấy đều đã quá hạn rồi. Trong C tôi cũng có kha khá người, kể cả từ quản lý, y tá, anh nuôi đến B phó. Thế là lại lục tục liên hoan, chia tay. Quà cáp chả có gì, nhưng hầu như những cái gọi là vật dụng lấy được của địch qua các trận đánh, nếu các anh ấy thích gì là chúng tôi tập trung lại tặng cho các anh ấy hết.

   Cuộc sống bắt đầu từ sau tết dương lịch khá sôi động. Chúng tôi lại nhận thêm một đợt tân binh Vĩnh Phú nữa. Đa phần là lính già. C tôi có cả hai anh tuổi đã 34, đang làm cán bộ của cơ quan huyện mà cũng phải nhập ngũ. Các anh ấy đều được sắp xếp về bộ phận anh nuôi. Các anh ấy có vẻ mãn nguyện, vì anh nuôi C tôi hầu như không phải ra tuyến trước, khả năng hy sinh thấp hơn. Các anh đều có vợ con cả rồi, tính cách cũng không nhốn nháo như chúng tôi nên cái gì an phận được là tốt.

   Lúc này quân số C tôi khá mạnh. Tổng số cũng khoảng trăm người. Trừ ba đợt tân binh mới vào, tất cả chúng tôi kể từ đợt tân binh Nghệ An vào từ hồi ở Saravan 1972 đều được phát bổ sung quân trang. Mỗi người đủ hai bộ quần áo Tô châu, có cả áo cộc tay và quần đùi "chính ủy", giày, tất, khăn mặt và mũ cối. Thế là quần áo cũ được đem ra bản dân đổi gà và rượu. Cả đơn vị bây giờ quần áo súng sính cứ như lúc đang bắt đầu hành quân vào Nam. Chỉ khó chịu mỗi cái là quân trang phát xuống theo kiểu phát bừa, thằng nào được bộ cỡ nhỏ (vì lính ta toàn nhỏ con) thì mặc vừa, còn thằng nào vớ phải bộ to cũng đành chịu, đành phải nhờ nhau cắt sửa, khâu bóp các kiểu để thu nhỏ lại.

   Chúng tôi được bổ sung đầy đủ vũ khí. Đại đội có thêm nhiều khẩu B41, ưu việt hơn B40, tuy nó cồng kềnh hơn. Đặc biệt còn được phát thêm cả trung liên RPD. Loại này nằm bắn để chụp ảnh hay quay phim thì trông rất oai, chứ trang bị cá nhân thì chẳng ai muốn nhận. Nó nặng và rất cách rách khoản lắp đạn phải nối 4 dây cho đủ băng 100 viên rồi đút vào băng sắt tròn. Lúc bắn lại phải thu hồi dây giữ đạn để có cái dùng về sau, mới nghe đã đủ phát sợ. Nhưng đấy là bọn lính cũ sợ thôi, chứ mấy khẩu RPD ấy nhét vào tay mấy thằng lính mới to con thì ba cối băng cơ số với một khấu súng nặng chịch và dài ngoằng ấy chưa đủ thời gian kiểm chứng để làm chúng nó sợ.

   (Vậy mà, hỡi ôi, về sau trong một đợt chốt dài ngày trên cao điểm 631 ở Pleiku, tôi lại phải tình nguyện ôm cây súng hỏa lực này trong mấy trận đánh liền và suýt bỏ mạng vì nó thì có phải là trời bắt tội "ghét của nào trời trao của ấy" không?)

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM