Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:58:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước... (phần 2)  (Đọc 73091 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 11:01:46 am »

Cùng các bác CCB và các bạn,

Hồi ức này của tôi đang ở vào giai đoạn cuối năm 1973 ở nam Lào. Chiến sự bình yên và cuộc sống thanh bình. Có lẽ phải viết rất dài hoặc bỏ cách viết mà nhảy cóc, chấm phá thì mới góp chuỵện khác được.

Nói vậy vì bên topic "Lính Tây nguyên" của bác NguyenTrongLuan, bác ấy đang đuổi địch trên đường 7B, hòa cùng khí thế "xuống đồng bằng" tại Huế của bác Tânvinh ở "Chuyện của một thời" sôi nổi và rôm rả quá.

Đầu nửa cuối tháng 3/1975, E64 của bác NTL cắt đường chặn địch ở Đông Nam Cheo reo thì chúng tôi khóa đuôi ở Tây Bắc Cheo reo. Địch tan rã, phía sau toàn bọn rơi rớt đi lẫn cùng dân hoặc lũ tụt tạt tan hàng thì không phải đánh nhau. Chủ yếu thu xếp cho dân quay trở lại Pleiku. Đến khi đơn vị bác Luân đuổi đánh địch qua hướng Củng Sơn rồi áp vào phía Bắc thị xã Tuy Hòa thì chúng tôi cũng theo đường 7B vòng xuống phía Nam Thị xã Tuy hòa, đánh vào từ phía cầu Đà Rằng, Nhạn Tháp.

Đi theo đường 7B phía sau bác Luân, chúng tôi phải giải quyết công tác dân vận và tù hàng binh nhiều. Khi bác Luân đuổi địch ào ào trên đường 7B, rất nhiều tốp địch cùng dân chạy tạt vào rừng. Đói khát khiến cả dân lẫn địch phải tìm cách mò ra tìm quân giải phóng. Chúng tôi phải dừng lại giải quyết nhiều vụ.
 
Tại đây, tôi đã gặp một tay chuẩn úy BĐQ của liên đoàn 22 ra hàng, rồi nửa năm sau run rủi thế nào lại gặp tại nơi đóng quân mới, lại được em gái anh ta yêu mà tôi không dám yêu.

Đấy chính là cô nữ sinh trung học 18 tuổi với kỷ niệm ở cánh rừng cà phê Buôn Ma Thuột mà có lần tôi đã nhắc tới trong topic của bác NTL đấy.

Chuyện thì dài lắm, mà sở dĩ tôi dám nhắc lại là vì cũng đã xin được phép vợ kể lại câu chuyện đó như một kỷ niệm vừa lãng mạn, vừa buồn cho vợ và bạn bè nghe.

Ở Tuy Hòa cũng có nhiều kỷ niệm, giống như các bác CCB vào Thành phố vậy.
Bây giờ viết lại, thấy vừa xao xuyến, vừa nao nao, lại bồn chồn thế nào ấy. Ký ức cứ òa nhập rồi lại ngắt, lại dừng. Chưa thể một lúc mà kết nối liền mạch được.

Mấy lời tâm sự bột phát. Xin dừng lại để nghé sang bên Topic của bác NTL, để sống lại những cảm xúc của "Ba mươi mấy..." năm qua.
--------------------------

(Mời bác Trọng tiếp tục nhé - mõ baoleo)

« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2012, 08:00:16 am gửi bởi baoleo » Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2012, 10:32:27 am »

       (Muốn đuổi theo bác NTL cho kịp khí thế đại thắng Xuân 1975, nhưng mệt quá, chắc không theo kịp. Thôi thì đằng nào cũng mang tiếng chậm chân, rơi rớt sau đội hình, tôi lại quay trở về hơn một năm trước, tháng 11/1073 với chiến trường Nam Lào vậy...)


   Sau chuyến công tác lẻ thứ hai của tôi ít hôm, Trung đoàn chúng tôi được xả hơi, đón lãnh đạo sư đoàn về thăm và có cả văn công (còn gọi là đội tuyên văn) của sư đoàn về biểu diễn. Một khu vực nương của bản La Vang được trung đoàn mượn và sửa soạn thành một bãi đất rất lớn phục vụ cho tập trung đông người.

   Cuộc đón tiếp phó chính ủy sư đoàn 968 Hồ Sĩ L. mộc mạc và đơn giản hơn rất nhiều so với lần tiểu đoàn huấn luyện chúng tôi đón đại tướng tổng tư lệnh về thăm ở Bãi Nai hồi tháng 12/1971. Không cần phải bí mật hay hành quân nghi binh. Chúng tôi được phổ biến cuộc thăm từ trước cả mấy ngày. Ba D bộ binh được tổ chức riêng thành 3 lần, các C trực thuộc thì chia ra ghép vào cùng dự với các tiểu đoàn.

   Toàn tiểu đoàn K18, thêm mấy D hỏa lực, trinh sát được đón tiếp trước. Chúng tôi đến bãi đất, hàng ngũ chỉnh tề theo từng C. Súng ống vẫn đầy đủ, bất ly thân. Khẩu AK của tôi vẫn lên nòng sẵn 1 viên như mọi khi. Không có quy định khắt khe đặc biệt gì. Phó Chính ủy cùng đoàn tùy tùng và văn công đi trên mấy cái xe Commangca và Motolova đến từ hôm trước, nghỉ chân tại D bộ. Lúc này cấp trên cũng đi bộ ra bãi đất như chúng tôi. Cuộc viếng thăm không có gì đặc biệt lắm, ngoài hai điều đáng kể.

   Một là về phó chính ủy sư đoàn. Ông ấy người khu Bốn, dáng nhỏ con nhưng khỏe khoắn. Ông ấy nói chuyện nhiều, khen ngợi thành tích và động viên chúng tôi. Ông ấy còn đọc thơ tự sáng tác, rồi hỏi chúng tôi "thơ có hay không?".  Vài tiếng "có" lác đác. "Hay thế thì phải vỗ tay chứ?"- Nghe ông ấy bảo thể chúng tôi mới chợt nhớ ra là mình đã quên mất phép xã giao. Thế là vỗ tay rào rào. Cao hứng lên, ông ấy lại lôi truyền thống trung đoàn chúng tôi ra nói chuyện và kể về gương của anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng Pháp ở đường số 6 trong chiến dịch Hòa Bình năm xưa. Chuyện này chúng tôi nghe mãi rồi, có đợt tân binh mới vào nào mà lại không cùng ôn lại nên chúng tôi còn biết rõ là anh hùng Cù Chính Lan năm xưa biên chế thuộc C2 D1 (tức K15 bây giờ) của trung đoàn 9B. Phó chính ủy khoe là người cùng quê và năm xưa cũng nhập ngũ cùng anh Cù Chính Lan. Ông bảo "Tiếc là anh ấy hy sinh chứ không bây giờ thì cũng bằng như tôi". (!)

       Thằng Khiêm hỏa lực trung đoàn, không hiểu nghĩ thế nào đột nhiên ngứa ngáy buột miệng:

   - "Hơn chứ làm gì đến ạ".

   Không ngờ nó ngồi ngay gần hàng đầu, nói hơi to nên phó chính ủy nghe thấy. Ông ấy gọi luôn nó lên trước hàng quân rồi hỏi nó, sao dám phát biểu lung tung vậy. Thằng Khiêm trấn tĩnh một lúc rồi thưa là không có ý gì. Nó nói:

   - Thưa thủ trưởng, em chỉ nghĩ là ngày ấy anh Cù Chính Lan đã là anh hùng có tiếng tăm rồi, còn thủ trưởng thì chả ai biết đến, nên nếu còn sống thì bây giờ anh Cù Chính Lan phải chức to hơn thủ trưởng chứ sao chỉ bằng ạ.

   Cả đám lính chúng tôi cười vang to tán thưởng, quả có lý thật. Cũng vì lính tráng cả đống cùng cười nên thằng Khiêm mới không bị mắng gì thêm. Nó về hàng quân nhưng biết ý lủi dần ra sau rồi cuối cùng chuồn sang chỗ C tôi. Mấy thằng cùng đoàn Hà Nội chúng tôi lừa lúc mọi người không chú ý cùng chuồn sang nương khác. Bây giờ chúng tôi mới thỏa sức cười vang và tán chuyện tiếu lâm.

   Buổi chiều là chương trình văn công. Dân Lào ở bản La Vang cũng đến xem. Văn công sư đoàn chỉ hát và tấu nói, không có múa. Mấy cô văn công gày, nhỏ bé, da xanh rớt vì sốt rét nên giọng hát cũng không được khỏe. Chúng tôi chỉ háo hức vì đã lâu không nhìn thấy con gái Việt nên nhòm ngó thôi chứ thực là vừa nghe hát mà vừa thương. Nghe nói các cô văn công này cũng không phải trường lớp ra mà chủ yếu được chọn từ TNXP, các binh trạm hay các đơn vị thông tin lên. Mấy người dân Lào xem văn công cho vui thôi chứ họ không hiểu tiếng Việt. Họ cũng bàn tán, bảo con gái Việt không bằng con gái Lào. Trai Lào lấy vợ Lào phải "biền tu khoai" (đổi trâu, một hình thức dẫn cưới), nếu lấy gái Việt thế này thì chỉ "biền tu cay" (đổi gà) thôi. Nghe mà thấy thương cho các đồng đội nữ văn công của chúng tôi, phận nữ nhi mà cũng phải vào chiến trường, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, để nhan sắc chóng nhạt phai.

   Chương trình của văn công sư đoàn khá đơn điệu. Nửa cuối chương trình có phần sôi nổi hơn nhờ hình thức giao lưu. Lính trong tiểu đoàn chúng tôi cùng lên tham gia trình diễn văn nghệ. Không có tập tành gì nên đơn ca là chính. Thế mà nhiều thằng hát hay, văn công cũng phải thừa nhận. Đám lính Hà Nội mấy thằng còn lên độc tấu ghi ta, độc tấu sáo. Về sau trong một vài lần ở tĩnh tại, chúng nó cũng được rút lên để thành lập đội văn nghệ Trung đoàn, tham gia hội diễn…

   Chừng hơn tuần sau, trung đoàn chúng tôi lại nhận thêm một đoàn tân binh Hà Tây. Quân số đơn vị tăng lên trông thấy. Các A, B phải biên chế đủ, không ghép như trước nữa nên tôi được giao làm A trưởng một A. Tiểu đội tôi lúc này có 8 người. Chúng tôi phải nhanh chóng mở rộng thêm lán trại. Tiếp theo là gấp rút học tập về các loại vũ khí địch được dùng trong đơn vị như cối cá nhân M79, Rốc két 66 (M72). Sau đó là học công binh, tôi tự nhiên lại thành giáo viên về môn này trong C. Sau đó chúng tôi còn tập trung thao diễn quy mô cả tiểu đoàn nữa. Chúng tôi phát cả những cánh rừng rất rộng để làm bãi tập chiến thuật.

   Chỉ sau chừng mươi ngày tập linh tinh pha trộn các món, chưa ra đâu vào đâu cả thì chúng tôi lại nhận lệnh ra đường 23 làm đường. Đường chỉ là đường đất cũ thôi, nhưng có một số đoạn phải san lấp hố bom có từ trước, mở rộng  thêm đường, nhất là có một số đoạn đi qua các bãi đá. Chúng tôi lên xưởng cơ khí của C công binh nhận về đủ các loại dao, cuốc xẻng. Lúc không đánh nhau, ngoài việc huấn luyện gì đó của họ thì C công binh quay ra rèn các loại dụng cụ cho các tiểu đoàn bộ binh. Bễ lửa và lò rèn thổi lửa suốt ngày. Sắt thép do bộ binh tìm từ các trận địa về, đủ loại. Cuốc xẻng công binh trung đoàn tôi rèn rất tốt, nhưng nặng. Bộ binh chúng tôi chỉ thích xẻng Liên-xô đem từ ngoài Bắc vào. Nó to bản, mỏng, nhẹ nhưng rất cứng. Đào đất cao nguyên thì chỉ một tiếng đồng hồ là xong cái hầm cá nhân. Xẻng Liên-xô khi đào hầm mà gặp rễ cây thì xắn rất ngọt, "sụt" một cái là đủ đứt cái rễ cây to bằng ngón chân cái. Nhưng nói về dao tông thì dao của công binh trung đoàn chúng tôi rèn từ nhíp xe ô-tô là vô địch. Dao tông ngoài Bắc, dao quắm dân tộc hay dao tông của Mỹ cũng không sánh bằng. Dao tông Mỹ tuy cứng, nhẹ nhưng khi chặt hay bị lạng. Phát cây vớ vẩn có khi lia cả vào chân. Còn chặt cây to thì chật vật lắm.

   C công binh cử người ra đường xác định mốc giới, chỉ định những vị trí vướng đá phải dùng bộc phá, rồi giao cho bộ binh chúng tôi. Phần nổ mìn phá đá thì những thằng đã được học công binh trên trung đoàn chịu trách nhiệm. Cả tiểu đoàn rải ra gần hai chục cây số đường. Kiểu sửa đường như thế này chỉ thích hợp cho xe chạy mùa khô. Mùa mưa chắc lại hỏng hết.

   Thời gian làm đường được ăn uống đầy đủ. Thực phẩm chủ yếu là thịt hộp và giò hộp. Rau hái ở các nương gần đó, nhưng nhiều nhất vẫn là chuối, từ cây, hoa đến thân đều được sử dụng. Làm đường được chừng gần ba tuần thì xong, tất cả lại rút về hậu cứ.

   Đơn vị quay ra huấn luyện tân binh. Lần này tập trung vào xạ kích và các loại vũ khí mà tân binh ngoài Bắc chưa được dùng. Chúng tôi chỉ tập bài một và hai, còn bài ba ban đêm thì bỏ, vì thực tế chúng tôi cũng có đánh đêm kiểu vây ép bao giờ đâu. Bọn tân binh Hà Tĩnh và Hà Tây đều mới qua huấn luyện chỉ vài tháng nên coi thường chuyện xạ kích. Chúng nó không tin rằng trong đánh nhau, chúng tôi có khi quỳ bắn đấy mà bắn dăm điểm xạ AK vẫn không trúng mục tiêu dù chỉ ở khoảng cách hai, ba chục mét.

   Gần nửa đầu tháng 11, chúng tôi đi bắn đạn thật. Mùa khô đã đến rồi, những con đường đất đỏ vùng cao nguyên lại bụi mù mịt (Nơi này thuộc Saravan, nhưng liền sát cao nguyên nên cùng chung thổ nhưỡng đất đỏ badan). Kết quả bắn đạn thật đạt toàn khá giỏi, điều đó cũng dễ hiểu. Chúng tôi còn được bắn đạn thật các loại B40, B41 và M79, M72. Thực ra không phải bắn kiểm tra mà là lính cũ được chỉ định bắn trình diễn cho tân binh xem để làm quen. Phần ném lựu đạn cũng vậy. Lựu đạn US của Mỹ sử dụng đơn giản nên không phải thử. Chúng tôi chỉ trình diễn ném mươi quả lựu đạn chày do tân binh mang vào cho có khí thế thôi. Thú thực đến lúc ấy ném quả lựu đạn chày cũng còn chưa thật thành thục, thầm nghĩ nếu quân đội ta mà cứ trang bị toàn loại này thì cũng chán thật.

   Ngày 16/11/1973, đại đội chúng tôi được chuyển hậu cứ. C tôi vốn ở sâu trong rừng nhất. Trong đó rừng rậm, không có dẻo đất rộng mà bằng phẳng để phát thao trường lớn. Lợi thế chỉ có mỗi món măng đủ loại, mà lúc này lại sang mùa khô mất rồi. Chúng tôi hành quân ra hẳn đến vùng bản La Vang, vượt qua bên kia đường 23 tới hơn cây số mới hạ trại. Chỗ ấy là một cánh rừng già, bằng phẳng và có một con suối rộng hiền hòa chảy qua. Từ đường cái vào rừng toàn là lau lách, cao ngút đầu. Được cái là phát đường đi qua bãi lau lách cũng dễ, phát xong thì đường đi lối lại quang quẻ ngay. Chúng tôi chia vị trí và tổ chức làm nhà. Bây giờ quân số đông rồi nên mỗi A phải làm một nhà, kiểu nhà nổi chứ không làm hầm thùng. Đặc biệt là không phải đào hầm chữ A, nhàn nhưng có cái dở là bọn tân binh không được thực hành đào để biết lợi hại của hầm chữ A như thế nào.

   Chúng tôi dựng nhà gỗ và lợp tranh. Gỗ rừng không thiếu, đi xa độ hai cây số cũng có tre, bương. Chỉ có cỏ tranh dùng lợp nhà là phải đi xa độ bốn cây số mới có. Lính tráng kể cả tân binh nhiều thằng cũng từng làm nhà kiểu này nên mọi việc rất chạy. Sau mười ngày thì tất cả đã làm xong nhà. Đường đi lối lại trong đại đội cũng được phát quang, sạch sẽ. Vì là rừng già nên toàn bộ doanh trại của đơn vị vẫn được ngụy trang bởi những tán cây rừng. Nhà cửa sạch sẽ, thơm phức.

   Ở rừng đối với lính đồng bằng thì không bị tật nọ cũng chịu tật kia. Trong hậu cứ bản Tùm Nho thì đường đi nhỏ và dốc, dù phát quang thế nào cũng không tránh được vắt. Vắt nâu, vắt xanh luôn là chủ của rừng rậm mùa mưa, nhất là loại rừng tre, nứa. Chẳng ai ở rừng mà thoát khỏi vắt cắn. Tuy thế, không nguy hiểm dù cho có mất chút máu. Ra ngoài hậu cứ mới (chúng tôi gọi là hậu cứ La vang) vào mùa khô, hết nạn vắt thì lại gặp nạn bọ, ve của rừng lau lách. Lúc đầu chúng tôi không chú ý. Ra bãi tập hay nghỉ ngơi, cứ tiện thể lăn vào đám lau sậy khô mà nằm, lại còn nhẩn nha bóc nõn lau ra nhai cho đỡ buồn mồm. Nhưng lại bị con ve (kiểu như bọ chó) chui vào người lúc nào không hay. Đặc biệt, chúng không cắn ngay gây đau ngứa như bọ mèo mà nhẹ nhàng lần vào nơi vừa kín vừa ẩm trên cơ thế. Đến lúc thấy ngứa, vạch ra thì con ve đã cắn chặt, chui cả cái đầu vào thịt mình rồi. Chịu khó nhờ nhau, lấy cái kim châm vào mình con ve rồi dùng bật lửa hơ cho nó thấy nóng mà nhả ra thì cái nốt sần ấy chỉ ngứa một tháng là lành. Nhưng lúc đầu chúng tôi chưa biết, chưa có kinh nghiệm nên có thằng hấp tấp thấy ngứa quá là cấu giằng con ve vứt ra. Kết quả là chỉ có cái mình con ve to gần bằng hạt đỗ xanh đứt rời ra, còn cái đầu của nó vẫn chìm sâu trong da thịt mình. Dùng kim gai nhể thế nào cũng không ra được hết. Cái nốt ấy như một cái nốt chai nổi, cứng, sần sùi và lúc nào cũng ngứa. Phải một năm sau thì da thịt ta mới lại thật là của ta. Trong đại đội tôi hầu như ai cũng bị cái nạn này. Bây giờ nhớ lại vẫn thấy ghê. Đúng là rừng luôn có những điều lạ và bất ngờ.




« Sửa lần cuối: 27 Tháng Ba, 2012, 10:37:51 am gửi bởi Trongc6 » Logged

Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #2 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2012, 04:25:32 pm »

Chào bác Trongc6
Theo dõi bài của bác rất là hấp dẫn, nhất là bác viết về chiến trường Lào.
Thanh Sơn góp ý với bác một chút nhỏ thôi, bác nên dùng từ "anh em tân binh" thì hay hơn là từ "bọn tân binh" nghe nó sao sao ấy, giống như phân biệt đối xử quá. Nhất là Thanh Sơn lại là người Hà Tĩnh. "Bọn tân binh Hà Tĩnh và Hà Tây đều mới qua huấn luyện chỉ vài tháng nên coi thường chuyện xạ kích. Chúng nó không tin rằng trong đánh nhau, chúng tôi có khi quỳ bắn đấy mà bắn dăm điểm xạ AK vẫn không trúng mục tiêu dù chỉ ở khoảng cách hai, ba chục mét".
     Chuyện bị ve rừng đốt Sơn cũng có kể bị ve đốt trong bài. Vì không có kinh nghiệm nên cũng rứt nó ra, thế rồi chổ đó nó sưng lên rồi thối thịt. Mãi mấy tháng sau Sài Gòn giải phóng nó mới lành, nhưng vẫn để lại nốt sần...

     Chúc bác mạnh khỏe, tiếp tục hành quân để cho anh em thấy được ở sự gian khổ, ác liệt ở chiến trường Lào của đơn vị bác.
     Thanh Sơn f341
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Ba, 2012, 04:37:03 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #3 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2012, 07:20:50 pm »

Anh Trongc6 ơi! Anh kể chuyện hành quân chiến đấu ở Lào nghe liền mạch mà hấp dẫn lắm, nhất là chuyện huấn luyện và đóng quân trong rừng. Em thì thuộc loại sinh sau đẻ muộn, chỉ được nếm mấy trận tập kích vào cứ ở Công Pông Chàm, nhưng cũng nhớ đời. Tuy em phát hiện ra giây phút KHÔNG xao lòng của người chiền sĩ như anh trước bóng hồng đáng yêu nhưng em cũng thắc mắc : Chuyện bây chừ mới kể của ngày xa xửa xa xưa ấy thì mần răng có áp lực chi lớn có khả năng tác động tới CHỊ của em mô mà anh rụt rè không kể lớn lên cho các anh khác thèm. ngay Vetran của em tính tình khá đỏng đảnh, giám trêu gái ngay trước mặt em trong thời gian yêu nhau nặng rồi, nhưng em vẫn không tỏ ra phản ứng chi cả. Tối, sau khi sinh hoạt ban 5, em nói nhỏ: Em thì không ghen mô khi chưa cướn chắc, nhưng khi đã rồi thì em chỉ dùng đao cưa của mấy chị bán nước đá thôi chứ em không giám dùng đao sắc sợ mấy chị đó đau. Còn anh kể về  chuyện ve cắm, làm em cứ gai gai người mần răng đó. Sau này em có nghe anh họ em ở rừng quốc gia Nam Cát Tiên Lâm đồng nói về con ve hút máu, em lại càng sợ và cảnh giác mỗi khi đi rừng chơi, nếu trúng số bị một con ve cắm vào mặt mà mãi đến một năm sau mới lành mà để lại thẹo thì tàn đời hoa anh ơi!
 cũng như anh nói: phải bình tĩnh xử lý con ve theo qui trình anh diễn giải thì cũng là chuyện phải bản lĩnh và kinh nghiệm lắm, bởi vì cái phản xạ của con người thường xảy ra rất nhanh theo phản ứng tự vệ nên rất khó bình tĩnh được khi bị một mũi kim cắm kèm theo vaccin độc. Cũng như vậy trong bài học về côn trùng chúng em tìm hiểu: Nếu anh phát hiện một con muỗi (kể cả muỗi Alofene mang kí sinh trùng sốt rét) cắm vào mình, thì hãy bình tĩnh để nó hút no máu thì rút kim bay đi, thậm chí no quá thì lăn quay rơi tại chỗ thì mọi chuyện không xay ra dù ngứa hay nhiễm kí sinh trùng vì: khi cắm vào da thịt mình, muỗi thường tiết ra một chất làm mềm da, chất này gây ngứa cực kì, hoặc muỗi Alofene thì truyền KST từ tuyến nước bọt vào dưới da mình. Nhưng cũng đồng thời nó sẽ tới công đoạn hút máu thì tất cả các chất độc ngứa và KST lại trở ra theo vòi hút về dạ dày muỗi. Ngược lại, nếu anh bổ  chết muỗi ngay thì các chất đó tồn dư trong đa mình và gây sưng ngứa vô cùng và cũng đồng nghĩa là mình giữ mầm bệnh sốt rét trong máu chờ ngày phát tác. Em gái xin ti toe mấy chữ mong các bác dừng bước hành quân tạm nghỉ cho đỡ căng thẳng trước khi bác TrongC6 phát lệnh hành quân tiếp. kính anh
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2012, 06:23:27 am gửi bởi anhtho » Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2012, 09:32:16 am »

@Đậu Thanh Sơn:

     Tôi viết lại chuyện xưa, dùng nguyên lối nghĩ và cách nói lính tráng ngày đó vậy thôi chứ không có ý phân biệt nặng nề như bạn nói đâu. Chúng tôi gọi nhau là "bọn" bình thường thôi mà, như kiểu gọi "bọn mày, bọn tao" rồi "bọn thằng A, bọn thằng B..." vậy thôi. Lính tráng trong đơn vị bình đẳng như nhau cả thôi, quan hay lính cũng vậy. Ngay cả quan mà xấu chơi với lính, thiệt thân có ngày. Trong trung đoàn tôi có chuyện, tôi đã kể ra trên đây rồi đó.

        Mà nhiều lúc rỗi hơi, chúng tôi vẫn "mày tao" chí chóe, rồi kê kích nói xấu địa phương nhau đủ chuyện thêu dệt theo kiểu tiếu lâm lính, làm cho có thằng phát cáu lên, nhưng anh em lại khoái chí cười vui. Thằng nào càng tự ái càng bị trêu nhiều. Nhưng rồi sau lại vui vẻ, hòa cả làng chứ có ai để bụng gì đâu. Đến lúc ra trận lại sẵn sàng sống chết vì nhau ấy mà, bạn Thanh Sơn ạ. Mà tôi nghĩ cái trò trêu chọc này hầu như đơn vị lính nào cũng thế, chứ không riêng đơn vị bọn tôi đâu.

    Nhưng dù sao cũng cảm ơn bạn góp ý, tôi sẽ chú ý sửa cách gọi trong các phần viết sau.

    Mà chuyện của tôi cũng gần kết thúc rồi, vì tôi đang kể đây là ở thời điểm tháng 12/1973. Cuối tháng 1/1974 chúng tôi đã rời đất Lào về miền Nam rồi, nên câu chuyện sẽ kết thúc. Bạn muốn xem chiến trường Lào ác liệt tới đâu, phải đọc quay về phần đầu topic "ngày này 34 năm trước" (phần 1) của tôi.

    Thân ái và chúc Thanh Sơn cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

@Anh Thơ:

  Cảm ơn AnhTho góp ý và kể thêm kinh nghiệm chống muỗi, ve ở chiến trường. Còn chuyện khác của tôi, sẽ kể dần dần.

  Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến, AnhTho và VeTran là đôi bạn lính tuyệt vời trên VHM này đấy. Cái hay là cả hai đều cùng viết được bài, kể lại chuỵện lính và chuyện TÌNH của mình nên độ THẬT rất cao và hấp dẫn. Hai bạn qua đó cũng hiểu thêm nhau và càng YÊU nhau hơn, đúng không?

   Chúc BẢN TÌNH CA của hai bạn luôn ngân vang.
Logged

nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2012, 10:13:54 am »

@ Trongc6 ;
có điều không muốn vạch áo cho người xem lưng , nhưng hôm qua gặp bác ... Tôi thấy chúng ta có điiểm giống nhau .  Chuyện tình người lính là đề tài kéo dài hàng vài chục năm nữa chưa đến hồi kết đâu . Bạn đã về tận miền trung du lấy vợ , vợ là em gái một đồng đội cũ đã từng sống chết với nhau từ chiến trường Lào , rồi về Tây nguyên .
Bác chả viết ra đó thôi . Dù không viết tôi cũng hiểu . Bởi vợ tôi cũng lại là em vợ của một đồng đội của tôi ở Tây Nguyên , mà tôi đã viết trong chuyện Nước mắt của Thép .
    Chiến tranh được vẽ lại không phải chỉ có chiến công hay thất bại , không phải chỉ có trận chiến và người lính . Chiến tranh được viết hay nhất lại là gương mặt đàn bà và viết về chiến tranh sâu sắc nhất lại là ở phía sau trận tuyến .
Vì thế , hồi ức chiến hào là rất cần thiết ,chúng ta những người lính đang làm việc chiến hào ,  nhưng để thành công viết và xuy ngẫm về chiến tranh về chiến tranh thì lại ở các chuyện tưởng như ngoài cuộc . ấy là những cuộc tình như Anh Tho đó , như Hiệu trưởng nhỏ đó bạn nhỉ . Mà có phải ai cũng có dũng cảm kể lại đâu hở bạn của tôi ? Trọngc6 



Logged
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2012, 10:22:15 am »

@ Trongc6 ;
có điều không muốn vạch áo cho người xem lưng , nhưng hôm qua gặp bác ... Tôi thấy chúng ta có điiểm giống nhau .  Chuyện tình người lính là đề tài kéo dài hàng vài chục năm nữa chưa đến hồi kết đâu . Bạn đã về tận miền trung du lấy vợ , vợ là em gái một đồng đội cũ đã từng sống chết với nhau từ chiến trường Lào , rồi về Tây nguyên .
Bác chả viết ra đó thôi . Dù không viết tôi cũng hiểu . Bởi vợ tôi cũng lại là em vợ của một đồng đội của tôi ở Tây Nguyên , mà tôi đã viết trong chuyện Nước mắt của Thép .
    Chiến tranh được vẽ lại không phải chỉ có chiến công hay thất bại , không phải chỉ có trận chiến và người lính . Chiến tranh được viết hay nhất lại là gương mặt đàn bà và viết về chiến tranh sâu sắc nhất lại là ở phía sau trận tuyến .
Vì thế , hồi ức chiến hào là rất cần thiết ,chúng ta những người lính đang làm việc chiến hào ,  nhưng để thành công viết và xuy ngẫm về chiến tranh về chiến tranh thì lại ở các chuyện tưởng như ngoài cuộc . ấy là những cuộc tình như Anh Tho đó , như Hiệu trưởng nhỏ đó bạn nhỉ . Mà có phải ai cũng có dũng cảm kể lại đâu hở bạn của tôi ? Trọngc6 

Thưa bác Luân, bác Trọng: Người ta hay bảo : chơi với bạn mà lấy em gái bạn ... là thằng có hạng ... các bác ạ, cánh hậu bối tụi em cũng nhiều chú y chang, ra quân ... thường xuyên lui tới thăm nhau vậy là bập luôn em gái bạn là chuyện bình thường, nhiều ông còn cao thủ hơn: chấp nhận gọi bạn = anh luôn trong thời còn khoác áo lính khi biết bạn còn em gái. Sau này có em gái thì "gọi bạn - anh vợ" rất thành kính, nhưng khi không có vợ, nhất là có dăm ba xị thì bố vợ nhiều khi còn là thằng ... huống chi anh vợ ( bạn mình ) ... bởi vậy ông bà mình cho là có hạng cũng phải  Grin
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2012, 10:35:32 am »

@NTL, Trongc6...: Hôm qua bác chẳng thấy anh em chia sẻ: toàn những thằng ngồi ở đây thuộc diện cá biệt nên phải lấy cô giáo để rèn cặp. Cô giáo dạy cấp 3, cấp 4 còn đỡ, cấp 1, 2 thì thôi rồi. Bác Hiền phệ còn bất hạnh vì vợ là cô giáo cấp 2 mà lại em gái bạn thì hết chỗ để nói. Bác Lê Cường nói với Hiền phệ: mày ăn cơm mòn đũa nhà tao, mà may em gái tao không lấy mày. Niềm may mắn đó thì thằng P gánh Grin Grin Grin
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2012, 05:08:35 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2012, 11:47:01 am »

Hai lần gặp hổ

   
Trong kháng chiến chống Mỹ, bom đạn của Mỹ nhiều như thế, nhưng cũng chỉ có thể tập trung đánh theo trọng điểm, dù là dày đặc, tập trung vào các cung đường vận chuyển huyết mạch của ta. Rừng Trường Sơn rộng lớn quá nên sau bao năm chiến tranh vẫn có những cánh rừng bạt ngàn còn như nguyên sinh, không hề có dấu chân người.

   Những cánh rừng Lào nằm ở phía Tây Trường Sơn cũng vậy. Dân số Lào quá ít, đất nước lại rộng bao la nên làm sao mà người dân có thể đi khắp nơi được. Người Lào không có tập tục du canh du cư nên nương rẫy của họ gần như là cố định, thiên nhiên ưu đãi nên nhiều vùng đất rất phì nhiêu. Có thể nói rừng tái sinh ở Lào rất ít, chỉ như muối bỏ bể so với những cánh rừng già. Có khi bộ đội chúng tôi lại sục sạo nhiều hơn cả người dân Lào trên chính vùng đất của họ ấy chứ. Chúng tôi đã gặp những cánh rừng hoang vu có khi chỉ cách bản của người dân Lào chỉ dăm cây số.

   Khi chúng tôi đóng quân ở hậu cứ Tùm Nho thì cái bản dân chưa đến hai chục nóc nhà ấy nằm cách hậu cứ đại đội tôi chỉ một giờ đi đường. Thế mà chỗ chúng tôi đóng quân đã là rừng già rậm rạp. Chúng tôi chính là những người đầu tiên phát rừng thành đường đi vào đó và cũng là người hạ những cây gỗ rừng đầu tiên trong đó để làm nhà. Không có dấu vết gì của người dân trước đó. Xung quanh hậu cứ chúng tôi, bên này suối đá là rừng già đầy rẫy cây cổ thụ, còn bên kia suối là rừng tre, bương. Đi xa hơn vào đó thì lại là rừng già.

   Con đường từ hậu cứ đại đội chúng tôi lên tiểu đoàn bộ phải đi ngang qua nương dân của bản Tùm Nho. Chỗ ấy, nương dân nằm sát rừng già. Dọc theo con đường chúng tôi đi có nhiều đoạn dốc, qua nhiều suối nhỏ.

   Một lần tôi cùng anh Thiết quản lý lên Tiểu đoàn bộ nhận thực phẩm cho đại đội. Chả có gì nhiều, chỉ là một cái hũ mắm tôm khô, mình tôi cùi là đủ. Lúc đi hai người nhưng lúc về, anh Thiết lại bảo tôi về trước, anh ấy còn nán lại hậu cần tiểu đoàn tán chuyện gạ xin cấp thêm ít thịt hộp. Chả nghĩ gì nhiều, tôi cùi hàng và khoác súng ra về. Đoạn đường từ đại đội tôi lên tiểu đoàn, tôi đã đi mãi rồi, thời gian này lại đang đình chiến, mấy tháng trời yên ổn nên tôi cũng không lo chuyện gặp địch. Vả lại thằng lính cứ hễ có súng trong tay thì yên tâm tăng lên gấp đôi rồi. Chỉ phải cái trời mưa to quá, đi một mình hay buồn và phải cẩn thận lúc qua suối.

   Qua khỏi nương bản Tùm Nho chừng một cây số, tôi dừng lại nghỉ và ngồi lên một cái rễ cây nổi trên một đầu dốc, che áo mưa quấn một điếu thuốc sâu kèn châm lửa hút. Trời mưa lành lạnh thế này có điếu thuốc thấy ấm lòng lắm. Vừa thả khói vào trong làn mưa dày trước mặt, tôi vừa lơ đãng nhìn xuống phía cuối dốc.

   Bỗng thoáng một bóng đen gì đó nhoáng qua đường phía cuối dốc. Thám báo! Tôi vội nhè ngay mẩu thuốc hút dở, xoay người nép vào gốc cây và bật nhanh chốt an toàn khẩu AK. Tôi căng mắt nhìn xuống phía dốc, dỏng tai nghe ngóng chờ bóng tên thám báo thứ hai. Địch nó cũng phải đi theo tốp ba tên, chí ít cũng hai tên chứ không chỉ có một. Bắn luôn hay theo dõi đã? Chờ một lúc lâu nữa vẫn không thấy thêm động tĩnh gì, tôi đâm phân vân. Đi tiếp về đại đội hay quay lại tiểu đoàn báo cáo xin người lùng sục tìm địch. Ôi giá có anh Thiết đi cùng lúc này thì hay biết bao nhiêu. Mọi khi anh em trong đại đội nếu có đi công tác lẻ vẫn đi cùng nhau, hôm nay dở hơi thế nào mà anh Thiết lại bỏ tôi một mình thế này.

   Chờ khá lâu vẫn không thấy thêm động tĩnh gì, tôi lại tự dằn vặt mình. Làm quái gì có thám báo ở đây nhỉ. Chỗ này cách khu vực địch xa lắm, lại có cái thế quân sự gì đâu mà địch nó mò vào đây. Bây giờ quay lại tiểu đoàn bộ báo tin, quân ta ra lùng sục không có gì lại gán cho tôi "mắt to hơn người" thì quá tội. Thôi, cứ lên đường tiếp tục về đại đội cho xong. Thế là tay lăm lăm AK, thận trọng từng bước tôi mò xuống dốc. Tới cái chỗ thoáng thấy bóng đen lúc trước, tôi cẩn trọng hơn và cố quan sát tìm dấu vết. Tôi phát hiện thấy hình như có dấu chân mờ của một con thú nào đó trên nền đất ướt cạnh đường. Tôi thoáng nghĩ nhanh tới hổ. Bỏ mẹ, rừng già mà đi trong mưa thế này chỉ có hổ thôi chứ còn con gì khác nữa. Phần bụng dưới của tôi như cứng lại. Tôi bước vượt nhanh qua đó, quay súng lại đi lùi một đoạn rồi xoay người đi như ma đuối về hướng đại đội. Trong một khoảng thời gian rất ngắn lúc đó, cảm giác như có ai đuổi theo. Tôi về đến đại đội, thời gian đi tốn ít hơn thì phải.

   Tôi trả hũ mắm tôm cho nhà bếp và kể lại chuyện gặp hổ với anh nuôi Châu. Anh ấy cười độ lượng, an ủi tôi, nhưng tôi nghĩ anh ấy không tin là có hổ. Anh ấy bảo, mày cứ ngồi đây cho ấm, chờ lát nữa thằng Thiết về khắc biết ngay thôi.

   Anh Thiết về đến đại đội sau đó không lâu. Nghe tôi kể lại chuyện, anh ấy cười vang, bảo tôi giàu trí tưởng tượng. Anh ấy bảo, thế qua đó mày có ngửi thấy mùi gì không. Làm sao mà tôi ngửi thấy mùi gì được vì trời đang mưa, hơn nữa con hổ chỉ đi vèo qua thì làm sao có mùi đọng lại được. Tóm lại là không ai tin khiến tôi cũng phân vân.

   Mấy hôm sau tôi lại có chuyến đi cải thiện lên hướng tiểu đoàn. Qua cái chỗ hôm nọ, tôi tìm kỹ lại dấu chân mà tôi cho là hổ, nhưng chẳng thấy dấu tích gì, có lẽ mưa đã xóa sạch rồi. Chuyện con hổ thế là cho qua, không ai nhắc lại nữa, kể cả tôi. Tuy thế nhưng tôi vẫn để bụng chuyện này.

   Nửa tháng sau, tôi được tháp tùng đại trưởng Chèo lên tiểu đoàn họp. Thằng liên lạc đại đội bị cái nhọt đau chân nên anh Chèo lấy tôi đi cùng, chả gì cũng có thời gian tôi từng làm liên lạc.

   Hôm ấy trời quang mây tạnh. Gần trưa hai thầy trò lên đường trở về đại đội. Qua cái dốc cạnh cái chỗ hôm trước tôi nghĩ gặp hổ, tự nhiên đại trưởng lại đi vượt lên trước tôi. Gần đến đỉnh dốc, tôi bỗng thấy đại trưởng dừng phắt lại khiến tôi suýt va vào anh ấy. Trên đầu dốc, hiện lên giữa khoảng trời trong là một con hổ khá to. Nó đi ngang qua đường và thấy chúng tôi nên nó đứng lại, quay đầu nhìn chúng tôi. Lúc này nó đứng ngang nên cũng chỉ là quan sát đối phương chứ không phải tư thế đối đầu săn mồi. Hai anh em tôi đứng im gần như không cử động. Anh Chèo đặt tay lên bao khẩu K54, nhưng  chưa dám bật nắp rút ra. Khẩu AK của tôi cũng đang chúc mũi xuống đất, tay đặt vào lẫy nhưng tôi cũng chưa dám bật chốt an toàn. Hai bên gần như bất động. Thời gian trôi qua hết sức nặng nề. Tôi không xác định được bao lâu, nhưng có lẽ cũng khá lâu, con hổ đột nhiên quay đầu lững thững đi vào rừng. Có vẻ như nó cũng coi thường, không thèm đếm xỉa đến chúng tôi. Phải đến mấy phút sau, thày trò chúng tôi mới bừng tỉnh. Hai anh em lau vội mồ hôi trán rồi khẩn trương rút lui. Lúc đầu còn thỉnh thoảng ngoái đầu lại nhìn, về sau thì cắm cổ mà đi cho nhanh. Về đến sân đại đội mới dám thở phào.

   Bây giờ thì chuyện có con hổ ở vùng này là có thật. Ai cũng cho là chúng tôi gặp may hôm đó. Mấy anh lính dân tộc thì bảo cách xử trí hôm đó của đại trưởng Chèo là rất chính xác. Giải thích thêm, các anh ấy bảo, bình thường hổ nó không tấn công người. Nếu mình hoảng mà nổ súng trước là nó tấn công ngay. Điều thứ hai là những con thú rừng có một bản năng nào đó là luôn tránh xa người. Chúng không hiểu rõ người là cái giống gì nên thường tránh xa. Con hổ này có lẽ chưa ăn thịt người bao giờ nên nó lảng. Thôi thế cũng may chứ gặp con hổ đã từng ăn thịt người, nó quen mui thì chưa chắc chúng tôi thoát. Về sau trong đơn vị tôi không ai gặp lại con hổ ấy nữa, có lẽ nó cũng chỉ quá giang qua vùng này thôi,

   Hành động đứng im của hai thày trò tôi khi gặp hổ hôm đó, được coi là hành động "mình không cắn nó thì nó cũng không cắn mình", một chân lý có tính quy luật hết sức đơn giản của rừng già.

   Tôi nghiệm ra chân lý ấy luôn luôn đúng. Về sau này khi về đời thường, tôi yêu em thằng bạn lính mấy năm rồi xin cưới. Ông thày lấy số xem rồi bảo là không hợp, vì xung tuổi, vợ sẽ cắn chồng. Tôi đem chuyện gặp hổ năm xưa kể lại, cũng bảo "mình không cắn nó, làm sao nó cắn mình" khiến thày cũng phải giơ hai tay lên trời chào thua.

   Mà đúng thế thật. Bao năm trời sống với nhau, vợ tôi chỉ đôi lần "cắn yêu" chồng chứ cũng chưa cắn thật lần nào./.

Logged

vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2012, 06:49:05 am »

Hai lần gặp hổ

   
Trong kháng chiến chống Mỹ, bom đạn của Mỹ nhiều như thế, nhưng cũng chỉ có thể tập trung đánh theo trọng điểm, dù là dày đặc, tập trung vào các cung đường vận chuyển huyết mạch của ta. Rừng Trường Sơn rộng lớn quá nên sau bao năm chiến tranh vẫn có những cánh rừng bạt ngàn còn như nguyên sinh, không hề có dấu chân người.

   
   Hành động đứng im của hai thày trò tôi khi gặp hổ hôm đó, được coi là hành động "mình không cắn nó thì nó cũng không cắn mình", một chân lý có tính quy luật hết sức đơn giản của rừng già.

   Tôi nghiệm ra chân lý ấy luôn luôn đúng. Về sau này khi về đời thường, tôi yêu em thằng bạn lính mấy năm rồi xin cưới. Ông thày lấy số xem rồi bảo là không hợp, vì xung tuổi, vợ sẽ cắn chồng. Tôi đem chuyện gặp hổ năm xưa kể lại, cũng bảo "mình không cắn nó, làm sao nó cắn mình" khiến thày cũng phải giơ hai tay lên trời chào thua.

   Mà đúng thế thật. Bao năm trời sống với nhau, vợ tôi chỉ đôi lần "cắn yêu" chồng chứ cũng chưa cắn thật lần nào./.



 Xin kính chào nhà Lào học (researcher learn about Laos). Tôi rất khoái theo dõi bài của bác vì đối với tôi (đất nước triệu voi) là một kho bí ẩn cả về văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế và cả nhân chủng, nhưng xin cứ âm thầm theo dõi bài và học hỏi nâng cao tri thức về quốc gia anh em này qua bài viết của bác. Nay tôi xin trao đổi với bác vào phần cuối mạch bài của bác vừa qua. Vâng tôi rất phục quan điểm của bác: ta không đụng đến mi thì hà cớ chi mi đụng đến ta. nhưng tôi thì phải cẩn thận lắm cho nên hơn ba mươi năm nay mới không bị (vồ) lần nào, mặc dù như anh Tranphu341 nói: Con cọp đã tính vồ một chàng trai Hà Thành, nhưng lại vồ phải trai Thành Nam. Tại vì tôi chọc cọp mới bị cọp vồ, lúc đầu cũng hơi hoảng, nhưng đọc mấy chữ người xưa dạy thì yên tâm hơn. Chắc bác sống nhiều niên kỉ hơn tôi nhưng có thể  Cọp bác đang chăm sóc thì bằng em Cọp nhà tôi, nên tôi mạn phép tâm sự mấy dòng cho buổi sáng nay thêm sôi động: Theo tri thức cổ thì người xưa có khái niệm không gian chúng ta đang sống là không gian THIÊN-ĐỊA-NHÂN, và không gian ấy với vạn vật tồn tại trong thời gian THỜI SINH HỌC hay còn gọi là thời gian lặp. vậy Cọp 1962 là Nhâm Dần, Nhâm là một vị trí không gian, trong (thập Thiên can). Dần là một vị trí là thời gian trong (nhị thập địa chi). Không gian, thời gian này gặp nhau sinh ra Nhâm Dần, có cung phi ngũ hành là Kim nhưng Kim này gặp Nhâm là tuyệt và qua tới Quí mơi bắt thai nghen cho ra (Kim bạch Kim) khác với (Kiếm phong Kim)(Bạch lạp Kim)( Thoa trâm kim).v.v. Kim của bác rất tôn quí, dùng chế tác các vật phẩm trang trí nơi cung đình đền thờ miếu mạo, ai cũng thích nhưng khó sở hữu. Nhưng xét về mặt Âm Dương tương sinh, tương khắc, tương thôi giữa các hành trong ngũ hành thì Kim này yếu ớt lắm không đủ năng lượng khắc chế được mệnh khác, cho nên Cọp này không vồ bác mà chỉ cưng nựng bác thôi. Chứ bác mà sở hữu cọp (Bính Dần) là Nga hổ, hổ đói. Hoặc (Giáp Dần), (Mậu Dần).v.v Thì quan điểm trên của bác có thể không bảo toàn Long thể, chí ít cũng trầy vi tróc vảy. Xét về mặt sinh học và tâm lý thì đúng, vì dù là mãnh thú nhưng khéo nuôi, khéo chiều, và luôn tỏ ra bản lĩnh thì cũng chế ngự và dùng được, dù là Cọp. Tuy nhiên bản chất rừng xanh vẫn không bao giờ ngủ hẳn trong mãnh thú, dù đã thuần dưỡng, phải hết sức cảnh giác vì vũ trụ vẫn xoay vần trong không gian thời gian vĩnh hằng, biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó tính hoang dã trở về thì tôi với bác có chạy đằng trời. Hiện tại, chúng ta oai hơn các bác khác là giám sống hòa bình với cọp. Xin chào bác, chúc bác luôn khỏe mạnh thành đạt và AN TOÀN bên cạnh cọp
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tư, 2012, 09:57:36 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM