Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:11:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước... (phần 2)  (Đọc 73094 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #110 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2013, 05:26:35 pm »

     xuanv338 chào anh Trongc6. Chào tất cả các bác. lần đầu tiên xuanv338 đến nhà anh, cũng không lạ lắm phải không anh? mình đã gặp nhau vì đã có đôi lần anh tới nhà em. Hôm nay là ngày kỷ niệm 42 năm ngày em nhập ngũ. Tâm trạng cứ lâng lâng không viết được nổi bài theo mạch truyện. CB chuyền cành lang thang cho hết một ngày. Chợt thấy ngôi nhà đóng cửa từ lâu hôm nay chủ nhà trở về mở cửa lại thấy có hương sắc của vùng Tây Nguyên thật đằm thắm.

     Em chưa bao giờ được đến Tây Nguyên. Bóng cây KơNia và những mái nhà Rông của bản làng Tây Nguyên chỉ được nhìn qua hình ảnh. Hôm nay lại được anh Trongc6 kể chuyện Tây Nguyên về những tập tục văn hoá rất riêng của người Tây Nguyên và những cái nghèo khó thiếu thốn của người Tây Nguyên trong những năm dài chiến tranh. Tây Nguyên hiện về trên bài viết của anh như một bức tranh xưa của người Tây nguyên.

   Người Tây Nguyên họ bền bỉ dẻo dai, anh dũng. Đã có bao nhiêu bài hát, câu thơ và còn cả những trang dài tiểu thuyết của nhiều nhà văn mà vẫn chưa nói hết được cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng, sông , suối và những tấm lòng yêu nước giết giặc của người Tây Nguyên. Chắc anh Trongc6 là lính Tây Nguyên rồi.

     xuanv338 có một người bạn lớn hơn em 3 tuổi, người cùng làng tên là Trần Đình Phòng, anh ấy cũng là lính Tây Nguyên. Anh ấy đến Tây Nguyên từ năm 1970 cho đến hết cuộc chiến tranh. Anh ấy ở sư đoàn 320, là lính Thông tin. Rất tiếc anh ấy đã qua đời được mấy năm rồi. HT của anh Phòng ngày ở Tây Nguyên. 758.119.TB 20. và có lúc HT là 758.123.TB 20.  Anh Trọngc6 hay có anh lính Tây Nguyên nào có biết hòm thư của đơn vị này không ạ?

    lần đầu đến nhà anh được ngắm cảnh Tây Nguyên. bây giờ trời đã muộn xin phép anh em được trở lại nhà. xuanv338 chúc anh mạnh khoẻ vui vẻ, luôn nghĩ về Tây Nguyên để viết thêm những bài hay thế nữa. CB kính anh.

  
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2013, 03:00:22 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #111 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2013, 11:39:32 am »

Chiến trường B3

   Thế là cái đêm mồng 2 Tết Giáp Dần 1974 ấy, trung đoàn 9B chúng tôi chính thức chia tay chiến trường Nam Lào để chuyển địa bàn về miền Nam chiến đấu.

   Chúng tôi đi trong thầm lặng, không được chính thức chia tay cả dân Lào lẫn các bạn bè ở các trung đoàn khác trong cùng sư đoàn 968. Đối với chúng tôi thì việc về miền Nam là hiển nhiên, dù chưa biết chính xác về đâu, nhưng với dân và các đơn vị bạn thì giữ bí mật vẫn là điều cần thiết.

   Cảm giác không hẳng vui, không hẳn buồn. Có một chút bùi ngùi của lính cũ và niềm háo hức ra trận của mấy đợt tân binh chưa qua chiến trận. Có một nhà thơ đã viết:

“… Khi ta ở, đất chỉ là đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”


   Điều ấy hoàn toàn đúng và nó đánh vào đúng tâm trạng của những người lính đang phải từng bước hành quân rời xa vùng đất đã gắn bó với mình biết bao chuyện vui buồn, bao gian nan thử thách trong suốt cả một thời gian dài. Trung đoàn 9B chỉ tham chiến trên vùng đất Nam Lào, trên cao nguyên Bô Lô Ven có chưa đầy 4 năm trời, nhưng khoảng thời gian ấy trong chiến tranh là dài lắm, bởi có vô vàn đổi thay với cả đơn vị và với từng người lính. Đơn vị ghi dày thêm chiến công vào trang sử truyền thống, còn trong từng đơn vị thì có nhiều người đã ngã xuống, nhiều người bị thương trở về hậu phương, và những người lính còn trụ lại thì đã thành lính cũ dày dạn. Có người đầy ắp chiến công và đã trưởng thành lên nắm giữ những cương vị chỉ huy quan trọng, điều mà lúc vào chiến trường không hề nghĩ tới. Và còn có không ít những người lính quên lời thề số 1, bỏ ngũ tìm về hậu phương tìm cái sống nhưng đa phần là buồn hơn vui.

   Tôi còn nghĩ, mảnh đất nơi ta đã sống “… bỗng hóa tâm hồn” bởi nó chứa đựng những kỷ niệm riêng của từng người lính trong thời gian sống ở đó. Ở đó có tình người và người lính nào có chút lãng mạn hoặc có một mối tình nảy nở thì cái “hóa tâm hồn” ấy lại càng sâu đậm và da diết hơn.

   Với riêng tôi cũng vậy. Những chuyện buồn vui  chiến trường ở đây, tôi đã kể ra qua những trang viết trên đây rồi. Bây giờ lại xao xuyến qua từng bước chân trong hàng quân.

   Nhưng có lẽ tất cả những điều đó chỉ âm thầm diễn ra trong tâm tưởng của từng người, còn hàng quân khi đó vẫn đều bước theo mệnh lệnh của các cán bộ đại đội và trung đội.

   Chúng tôi hành quân có lẽ chừng độ ba bốn tiếng đồng hồ. Đủ để thâm mệt trong đêm hành quân. Đơn vị dừng lại, được lệnh nghỉ chờ đến sáng.

   Mùa khô, lại mệt mỏi nên chúng tôi rải nilon hoặc vun chút lá rừng, ngả lưng ngủ ngay tại chỗ dừng chân. Đội hình của cả một trung đoàn có lẽ lớn lắm và có lẽ cũng quá an toàn nên chẳng có gác sách gì. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm với cánh rừng Trường Sơn chỉ có quân ta này.

   Sau Hiệp định Pari tháng 1 năm 1973 thì cả tuyến đường Trường sơn 559 thực sự trở thành tuyến vận tải hậu cần và là hậu phương của lính ta. Không còn bóng dáng những chiếc máy bay trinh sát OV-10 hai thân trắng toát bay tít trên nền trời cao vè vè suốt ngày rình rập. Không còn những đợt bom B52 rung chuyển núi rừng không đoán được trước, và ngay cả những tốp phản lực ném bom theo chỉ điểm trực tiếp của OV-10 cũng không còn. Rừng cây hồi sinh trở lại nhanh chóng qua mùa mưa 1973.

   Khung cảnh đêm càng yên tĩnh hơn. Lính tráng dễ ngủ, qua đợt hành quân mệt càng thêm dễ ngủ. Trong đêm, có lẽ chỉ thỉnh thoảng còn ánh đèn pin của các cán bộ chỉ huy quan tâm kiểm tra tình hình lính tráng.

   Đêm nay, chúng tôi đã đi vào dãy Trường Sơn, nhưng vẫn còn thuộc đất Lào.

Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #112 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2013, 03:06:51 pm »


Chiến trường B3

   Thế là cái đêm mồng 2 Tết Giáp Dần 1974 ấy, trung đoàn 9B chúng tôi chính thức chia tay chiến trường Nam Lào để chuyển địa bàn về miền Nam chiến đấu.

   Chúng tôi đi trong thầm lặng, không được chính thức chia tay cả dân Lào lẫn các bạn bè ở các trung đoàn khác trong cùng sư đoàn 968.

   Cảm giác không hẳng vui, không hẳn buồn. Có một chút bùi ngùi của lính cũ và niềm háo hức ra trận của mấy đợt tân binh chưa qua chiến trận. Có một nhà thơ đã viết:

“… Khi ta ở, đất chỉ là đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”


   Điều ấy hoàn toàn đúng và nó đánh vào đúng tâm trạng của những người lính đang phải từng bước hành quân rời xa ...

   Với riêng tôi cũng vậy. Những chuyện buồn vui  chiến trường ở đây, tôi đã kể ra qua những trang viết trên đây rồi. Bây giờ lại xao xuyến qua từng bước chân trong hàng quân.

   Nhưng có lẽ tất cả những điều đó chỉ âm thầm diễn ra trong tâm tưởng của từng người, còn hàng quân khi đó vẫn đều bước theo mệnh lệnh của các cán bộ đại đội và trung đội.

   Chúng tôi hành quân có lẽ chừng độ ba bốn tiếng đồng hồ ...

   Đêm nay, chúng tôi đã đi vào dãy Trường Sơn, nhưng vẫn còn thuộc đất Lào.



 
    @ Trongc6,
 
   Đồng cảm và chia sẻ với Bạn về tâm trạng người lính  trong  thời khắc khó quên ấy :
 
  Đối với  người lính khi đó  đều rõ  nhiệm vụ  là sẽ vào Nam chiến đấu ( đi B) . Dù  vậy ,  thời điểm trước lúc lên đường vẫn  để lại những cảm xúc khó tả - không quên được -  Trong đêm, trước lúc lên đường, có những người lính đã thao thức,   với tâm trạng xao xuyến ... nhất là đối với những lính có  sự nhạy cảm và nhiều cảm xúc.
 Tôi nhớ đêm chuẩn bị đi B,  lủng củng chuẩn bị đến khuya. Nằm nhưng thao thức không ngủ được,  nghe  vọng  chương trình  TIẾNG THƠ đêm với lời thơ :

  Em Cutai ngủ trên lưng mẹ ơi
  Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
  Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
  Mặt trời của Mẹ, con nằm trên lưng
 Ngủ ngon Akay ơi, ngủ ngon Akay hỡi ...

  Không hiểu vì bài thơ hay do tâm trạng của người lính trước lúc lên đường  mà tôi thao thức mãi  - " ngày mai ta sẽ xa nơi này, chào tạm biệt tất cả xóm làng trong đêm yên tĩnh" - tôi đã viết như vậy trong nhật ký .  Trong giấc ngủ chập chờn  vẫn văng vẳng  " Em cu tai ngủ trên lưng Mẹ ơi ". Khi vào chiến đấu rồi  đôi khi vẫn nhớ lại thời khắc ấy với những  lời thơ đã  gắn với kỷ niệm.
  Sáng sớm hôm sau , chúng tôi hành quân  ra  ga KÉP , trung đoàn điều cấp tốc đi B trước lúc Nicxon ném bom trở lại miền Bắc 4/1972.
  Chúng tôi vào chiến đấu tại Quảng trị - 1972.


 

Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #113 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 08:39:36 am »

Chào bác Hữu Luân,

Cảm ơn bác đã chia sẻ.

Đúng là lúc ấy lính tráng, nhất là những người có nhiều cảm xúc thì tâm trạng lắm. Mà cũng lại chỉ được âm thầm thôi. Khó mà giải bày chia sẻ vì không phải ai cũng giống ai.

Thêm nữa là lúc ấy mà thể hiện ra là dễ bị CViên gán cho cái mác ủy mị - TTS lắm. Cái gì cũng nâng lên quan điểm mà.

Nhưng nói vậy chứ ở đơn vị bác đa phần là lính sinh viên, mặt bằng học vấn cao hơn các đơn vị bình thường nên chắc C Viên ở đó cũng phải trình độ hơn và tâm lý hơn, phải không bác?

Chúc bác luôn vui khỏe.
Logged

nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #114 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 08:56:04 am »


Trongc6 thân mến .
Nhân bạn nói về cảm giác khi nghe tin hành quân về VN . Tôi bỗng nhớ cảm giác của mình . Vào tháng 5/73 sau hai tháng ở Căm Phu chia chúng tôi nhận lệnh hành quân vè Gia lai . Trong nhật kí của tôi và bè bạn đứa nào cũng viết : hành quân về đất mình để chiến đấu . Cái cảm giác chiều tối vượt sông ở biên giới vầ đất mình sao mà nó bâng lâng thế . Nói lại có thể nghe lên gân . Nhưng có lẽ phải là người trong cuộc mới hiểu được . Tôi cũng đã từng đọc nhật kí của anh em ở K khi nói về lúc bước qua biên giới về VN . Cái cảm giác nó bùng lên thế nào .
Cám ơn bạn nhé , E9 về chung một hướng với  E 64 mình suốt năm 74 đấy .
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #115 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 06:41:56 pm »

   CB chào anh Trọngc6. Chào các bác đang cùng tham gia topis. Anh chủ nhà cũng là lính Tây Nguyên ơi!  Anh cũng thật mặn mà và luôn nhớ về Tây Nguyên nhiều thế?  Là lính thời đánh Mỹ mà chưa bao giờ em được đến Tây Nguyên. Nhưng mỗi khi nghĩ đến đại ngàn là tâm trạng CB thấy cứ nao nao không tả nổi. Có bạn trên diễn đàn thấy CB nói về Tây Nguyên, nghĩ về Tây Nguyên trên trang LTN của anh NTL đã ngợ ngợ PM cho nhau hỏi rằng. Có phải CB là lính Tây Nguyên? Cũng thật là tiếc. Nếu được là lính Tây Nguyên thì bây giờ CB có bao điều để viết.

 Vậy lý do gì đã khiến CB nhỏ thó luôn nhớ và yêu Tây Nguyên đến vậy! Thật đơn giản thôi mà! Đây là từng lý do đây ạ! Xin phép anh Trongc6 cho CB mượn anh một góc sân, trong một thời gian thôi để giãi bày được hết những lý do.

    Lý do thứ nhất.

 CB có một người thân trong dòng họ là lính Tây Nguyên tên là Trần Văn Lạc. Nhập ngũ 1964, vào Tây Nguyên từ giữa năm 1964. Sau hơn mười năm cho đến ngày thống nhất đất nước chú Lạc may mắn còn sống và được trở về với quê hương. ngày trở lại miền Bắc sau một tháng hoà bình chú Lạc được về an dưỡng tại đoàn 253 gần đò Hàn, Hải Hưng để an dưỡng. Tiêu chuẩn an dưỡng ngày ấy cho mỗi cán bộ chiến sỹ từ chiến trường ra là ba tháng.

    Vì xa quê quá lâu ngày. Chắc trong chú Lạc là nối nhớ nhà, nhớ quê hương đã đầy như muốn nổ. Về tới đoàn an dưỡng ổn định xong thủ tục chú Lạc xin về qua nhà thăm vợ con, họ mạc. Về nhà mới chỉ được hai ngày thì chú bị một cơn đau bụng dữ dội. Gia đình đưa chú ấy trở lại đoàn an dưỡng 253, tại đó chú đã được đưa tới QY viện 7 để mổ cấp cứu. Khi mổ ra đó là một khối u đầu Tuỵ và chú Lạc đã từ biệt cõi trần sau đó chưa đầy một tháng. Niềm vui chưa trọn thì mất mát thật lớn lao nhanh chóng đến với người vợ hiền, với các con với người thân trong dòng tộc họ Trần nhà CB.

   Gia đình CB đau đớn lắm nhưng số phận con người ai mà nói trước được điều gì. Dù sao gia đình CB cũng thấy ngậm ngùi bằng lòng và cũng thấy tự hào. Chú Lạc đã hoàn thành chức phận của một người lính cho đến ngày đất nước khải hoàn. Và đã được về quê gặp lại những người thân và vợ con.

     Sau hơn mười năm vắng đi hơi ấm của người vợ hiền, Những khát khao cháy bỏng, trong phút giây nồng nàn của hai ngày phép quý báu ấy, khi trong mình chú cũng đang mang nặng một căn bệnh hiểm nghèo gói lại từ chiến trường mang về đất Bắc. Chú vẫn  để lại cho Thím thêm một mầm sống.  Chín tháng sau một cậu con trai ra đời. Nhưng thật buồn. Cậu con trai ra đời đã không được hoàn thiện là một con người. Chú Lạc mất đi đã lại để thêm cho người vợ tần tảo thêm một gánh nặng đường đời. Hôm nay thím Lạc đã ngoài 70 tuổi. mà cậu con trai vẫn ngơ ngơ, ngác ngác vô tư chẳng biết là mình. Thật đau lòng nếu mai đây Thím ấy khuất núi.

***
   Lý do thứ hai.

 CB có một người bạn cùng làng, anh lớn hơn CB chừng ba, bốn tuổi thì phải. Anh ấy cũng là lính Tây Nguyên, là lính của sư đoàn 320 A. Từ năm 1970 cho đến ngày Giải phóng Tây Nguyên anh ấy là lính thông tin và chỉ gắn bó với đại ngàn Tây Nguyên. Lá thư vào tháng 4/1974 anh ấy gửi từ chiến trường Tây Nguyên ra miền Bắc cho CB, trong thư có hai mảnh đuôi con Công được bỏ vào cùng, em nhớ trên nền có một hình bán nguyệt màu xanh đen óng ánh đẹp tuyệt vời. Lần đầu tiên CB được nhìn thấy một hình ảnh trong một phần nhỏ bé của đuôi con Công. Ngày ấy chiến trường tây Nguyên xa xôi và ác liệt nhưng suốt mấy năm trời từ năm 1973 cho tới lúc hoà bình, tuy có lúc dán đoạn Hòm thư thay đổi nhưng CB không mấy khi vắng thư anh.

   CB rất trân trọng và quý mến anh hàng xóm ấy. Nhưng với CB anh ấy chỉ luôn là bạn, là anh hàng xóm đáng quý. Còn nếu không là ngộ nhận của CB thì trong trái tim của anh ấy CB lại là một cô hàng xóm rất đáng yêu và được anh ấy luôn nuôi trong mộng cho tới ngày Thống Nhất nếu còn sống được về làng. Phần cuối của toips này CB sẽ kể lại cậu chuyện về anh hàng xóm để mọi người được nghe, cũng là một cuộc đời .......

***
  Lý do thứ ba.

   Ngày công tác tại bệnh xá đoàn an dưỡng 581. Thương bình về an dưỡng chủ yếu là từ hai chiến trường B2 và B3. Vậy là lính Tây Nguyên nhiều lắm. Mỗi buổi sáng ngồi lấy máu cho bệnh nhân. CB thường được nghe nhiều chuyện về núi rừng Tây Nguyên, về mảnh đất , con người, những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Các anh thương binh còn kể tên những trận đánh cam go trong những cánh rừng già, trên các buôn làng của Tây Nguyên. Và CB đã từng được chứng kiến những cơn sốt rét đến rung giường của anh lính Tây nguyên. Trông thật là thương. Đêm Đêm ngồi bên kính hiển vi trước ngọn đèn dầu mắt dõi nhìn sâu vào ống kính tìm cho ra những ký sinh trùng là thủ phạm gây những cơn sốt cho các anh.....Tất cả những gì về Tây Nguyên đã ăn sâu vào trong tiềm thức của CB. Dù chỉ mới là được nghe qua chuyện kể, qua hình ảnh.

  Hiềm nỗi là loài chim Chích Bông thì không biết hót,  nhưng lại rất yêu những bài ca mang âm hưởng của núi rừng. Có lúc vì quá yêu Tây Nguyên, CB đã tự mình hát ngêu ngao để nhớ về với "Bóng cây Kơnia, với hoa polang, với con chim kotia, chim Chơrao, với chàng Ađam, những con suối dài  và dòng thác dữ.... và còn thấy thất thần giật mình khi cảm như đang nghe thấy tiếng thét gầm của loài Hùm xám đầy hung dữ vọng xa làm rung chuyển cả Đại Ngàn. Khi ấy lại thấy gai ốc nổi lên, càng gợi nhớ về hình ảnh của người thân, người bạn, những thương binh được ghi trong hồ sơ bệnh án trong phần khai thác bệnh sử "chiến đấu tại chiến trường B3"  

   Hôm nay CB mượn sân nhà anh Trọngc6 hơi lâu một chút, thế mới đủ thời gian để nói được phần nào tâm trạng của mình luôn nghĩ về Tây Nguyên và cũng là để giải trình với số ít bạn mạng còn đang lăn tăn rằng. Liệu CB có phải là lính Tây Nguyên?  CB đã viết những dòng này trong nước mắt.

   CB chúc anh chủ và tất cả các bác có một buổi tối thật vui cùng gia đình.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2013, 03:02:49 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #116 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2013, 09:32:29 am »

Chào bạn Xuanv338,

Cảm ơn bạn tới thăm và chia sẻ.

Khi ra quân, trong lý lịch quân nhân của tôi có ghi dòng chữ: "Sở trường tác chiến trên địa bàn rừng núi". Phải chăng vì những năm tháng chiến đấu của tôi toàn ở vùng rừng núi thôi? Tây Nguyên cũng là mảnh đất gắn bó với tôi tới cả nữa thời gian chiến trận.

Nhưng nói về chuyện Tây Nguyên thì tôi phải đứng sau anh Nguyễn Trọng Luân (Luân "đen") bạn ạ. Không những anh ấy chiến đấu ở đấy lâu hơn, mà sau này anh ấy còn có nhiều dịp quay lại đấy để chiệm nghiệm nhiều điều.

Với tôi, rất tiếc là tôi xa Tây Nguyên từ năm 1977 cho tới nay, không có dịp được trở lại. Những chuyện của tôi sắp kể chỉ là quãng thời gian trung đoàn 9 chúng tôi về chiến trường đó tham gia tác chiến trong đội hình sư 320A (Anh Luân ở E 64 cũng thuộc sư 320A). Trong hình dung của tôi, Tây nguyên vẫn là rừng núi rậm rạp với những bản nghèo. Nhưng cũng có thể như thế mà chuyện tôi kể sẽ không bị lẫn vào khung cảnh hiện đại ngày nay.

Một lần nữa cảm ơn bạn đã dành nhièu tình cảm cho mảnh đất Tây Nguyên.
Logged

nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #117 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2013, 12:35:36 pm »

Trongc6 thân mến . Bạn nói quá đúng , hãy kể về Tây nguyên với TN hùng vĩ rậm rạp khi xưa . Phải kể về TN bằng tâm thế người lính binh nhì ngày xưa nó mới ra TN của lính . Nếu nói về lính theo tâm thế bây giờ thì sẽ không còn là lính nữa . Tây nguyên trong trí nhớ của mình vẫn như ngày xưa Trọng c6 nhỉ
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #118 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2013, 03:44:08 pm »

 Chào các anh lính Tây Nguyên. xin phép anh Trọngc6 em lại được ngồi nhờ nhà anh một chút kể thêm câu truyện cũng nói về một người lính Tây Nguyên.

   Làng em ngày ấy người đi bộ đội thì nhiều mà người được về thì ít lắm.  Cái sân kho cạnh nhà thờ cách nhà em chỉ một đoạn đường chừng 200 mét. Đó là nơi tụ tập của những con trai, con gái trong làng vào buổi tối. nói là con trai nhưng có mấy ai đâu. chỉ độ một hai chàng loai choai chờ ngày gọi đi lính. Thỉnh thoảng có anh lính được về phép trước khi đi Nam là tất cả các chị gái làng tụ tập vây quanh anh bộ đội, chúc tụng, tặng cho nhau những chiếc khăn tay, những tấm hình nhỏ bằng hai đầu ngón tay để giữ làm kỷ niệm. nhất là vào những đêm trăng sáng hay vào mùa gặt, tối đến trục lúa ở sân kho, cảnh đồng quê thật là vui

 Hè năm ấy vào năm 1968 là mùa hè CB chuẩn bị bước vào năm học mới, lớp sáu trường làng. Mùa hè ấy làng em có anh tên gọi là Vinh là bộ đội từ chiến trường Tây Nguyên về. Anh vinh có hàm răng màu nâu tây. Con trai lại là bộ đội xa quê lâu rồi mà anh vãn giữ đất lề quê thói. đến nhà các bà các cụ trong làng chơi là lại ăn một miếng trầu, hàm răng của anh lại càng dậy thêm màu nâu Tây. Nhưng nói đến giọng hát nhạc vàng của anh và tiếng đàn ghi ta khi trời đã về khuya bập bùng vọng từ phía sân nhà kho vào ngõ xóm thì ai cũng phải lắng tai nghe đến chết lịm.

   Tối đến ngồi cầu ao nhà, CB chỉ mong làm sao anh Vinh mang đàn ghi ta ra cổng kho phía gần nhà mình vừa đánh đàn vừa hát, một bài hát như kiểu nhạc vàng thì phải. Mỗi tối nghe thuộc vài câu rồi CB cũng bắt chiếc anh Vinh hát được một đoạn. lâu rồi hôm nay em ghi lại qua trí nhớ của mình thôi" Lời của một đoạn như sau.

  " Có ai biết không? em yêu người lính/lính yêu núi sông, yêu cả cô em/ôm súng hay là ôm em/ ai hỏi tên anh là lính/LÍNH LUÔN ĐA TÌNH MÀ ĐÁNG YÊU/ Em thương sao là thương/thương mũ anh lá rừng/thương ba lô nặng trĩu/hay người yêu trong đêm trường....

CB thấy hai anh lính Tây Nguyên có lời bàn với  nhau về từ ĐA TÌNH nên CB mang theo chủ đề này từ LTN về trang của anh Trọngc6 cũng không bị lạc lõng. Theo em thì mỗi một đời người, nhất là đời người lính sẽ có rất nhiều mối tình na ná yêu thôi, có thể là đơn phương hoặc mới chỉ xa xôi, ý tứ, tình cảm đó lại mãi mãi bay đi, thậm chí còn bị lãng quên.   Để rồi sau này có khi còn đến tận lúc tuổi già mình vẫn cứ thoảng thoảng nhớ về những kỷ niệm ấy. vậy mới có! Đáng nhẽ, giá kể, biết thế!  Grin. Có điều, có người thì dám nói ra và người thì chẳng dám nói ra.

   Bài hát, câu hát là một chứng mình cho câu nói của anh LTN là cụm từ ĐA TÌNH SẼ LÀ KHÔNG XẤU.
  CB cảm ơn anh Trọngc6 cho em diễn nhờ sân nhà anh buổi thứ hai trong ngày. Chúc các anh lính Tây nguyên mạnh khoẻ có nhiều câu truyện hay về những buôn làng.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2013, 08:45:19 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #119 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 03:13:12 pm »

….
   Trời sáng, chúng tôi lục đục dậy thu dọn. Cơm nếp và thức ăn từ hôm trước vẫn còn, anh nuôi chưa phải nấu cơm. Sau khi xuống suối lấy đủ nước vào bi đông, chúng tôi lên đường.

   Chỉ đi chừng khoảng một giờ thôi, nhưng càng đi càng lên cao. Chỗ chúng tôi dừng chân là một cánh rừng rất rộng. Mặt đất chỉ có một ít đất nằm xen các khối đá lớn. Rừng thưa, toàn một loại cây lá nhỏ giống như cây Muồng hay cây Cơm nguội mọc nhiều ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Nơi này không cần làm đường, nhưng cũng không thể đào hầm vì toàn đá lớn.

   Một dãy xe ô-tô đã đỗ sẵn ở đó, có tới mấy chục chiếc, toàn là xe tải. Hầu hết là loại xe Zin kính cong, chỉ có rất ít là loại xe Giải phóng trùm bạt kín mít. Chúng tôi hành quân xe theo đội hình tiểu đoàn. Xe Giải phóng chở đồ hậu cần của tiểu đoàn, còn lính tráng được xếp lên thùng xe Zin, cứ 24 người một xe. Quân số của đơn vị chúng tôi lúc này khá sung túc. Mỗi trung đội có tới 31, 32 người. Toàn đại đội kể từ chỉ huy tới anh nuôi cũng đến hơn trăm. Chúng tôi lên thùng xe xếp ba lô xuống dưới rồi ngồi lên trên, thành 4 hàng dọc. Súng của ai dựa vai người đó.

   Tất cả các xe ô tô đều đánh số. Bọn lính lái xe trẻ măng, có khi còn trẻ hơn tôi. Mỗi xe một lính lái. Về sau hỏi chuyện thì biết, hầu hết chúng nó đều mới vào Trường Sơn từ sau Hiệp định Pari. Thời gian học lái xe chỉ có 3 tháng. Ngày trước khi máy bay Mỹ còn đánh phá tuyến đường Trường Sơn, hầu như chưa có mấy loại xe Zin kính cong này, mà toàn xe Gát với xe Giải phóng. Lính lái xe đều phải mặc áo giáp và đội mũ sắt. Bây giờ tôi thấy bọn lái xe toàn đầu trần và chỉ mặc trên người mỗi chiếc áo lót vải cộc tay.

   Cũng phải tốn khá  nhiều thời gian để sắp xếp lên xe. Lại còn phải dìn dìn chạy một lúc lâu mới chuyển thành đội hình hàng dọc và theo thứ tự. Vì đây không phải là tuyến đường nên những cây số đầu đi rất xóc. Mới đầu chúng tôi ngồi có vẻ chật, nhưng dằn theo xe một lúc, ép sát vào nhau nên thậm chí duỗi được cả chân. Lúc đầu đi có vẻ hàng lối vậy thôi, nhưng về sau do xe đã đánh số, không sợ bị lạc nên có những khoảng rừng rộng, có nhiều xe chẳng theo hàng lối mà cứ thế vòng vượt lên nhau, lính tráng lắc lư như những bao tải.

   Chạy được khoảng hai giờ, chắc cũng chưa được bao nhiêu thì chúng tôi dồn đội hình, giải lao chừng nửa giờ. Lúc lên xe, không hiểu sao anh nuôi C tôi để tuột dây buộc con chó. Thế là con chó con (Mà tôi đã kể từ lúc xuất quân ở Bản La vang, Ca đáp) có lẽ không quen tiếng xe ô tô nên nhảy phốc xuống đất và chạy thẳng vào rừng. Một anh nuôi nhảy xuống đuổi theo. Rừng thưa, đường gập gềnh toàn đá, nhưng con chó chạy rất nhanh. Đuổi đến hơn trăm mét mà không bắt được, đơn vị lại giục vì các xe khác đã xuất phát, anh nuôi đành phải quay lại. Thế là mất con chó. Chúng tôi ở xe đi sau nhìn rõ mọi chuyện, thấy con chó khi không còn người đuổi thì lại đứng lại nhìn. Chúng tôi đi xa dần còn thấy nó đứng trên mỏm đá nhìn theo. Chắc nó cũng chưa hiểu là nó đã bị bỏ lại giữa rừng. Xe đi khuất, tự nhiên tôi lại thấy có cảm giác như vừa mất một cái gì. Con chó ấy liệu có sống được giữa rừng già mênh mông không một bóng người ấy?. Nếu không bị thú lớn ăn thịt thì chắc nó cũng chết đói chứ không thẻ trở thành chó hoang được, vì nó còn quá bé.

   Hôm ấy chúng tôi dừng chân nghỉ sớm. Vẫn là những cánh rừng già của dãy Trường Sơn. Bây giờ mà có cho xuống xe đi bộ quay lại thì cũng chẳng thể nhận ra đường chúng tôi vừa đi. Chúng tôi nghỉ riêng, còn lính lái xe thì cũng nghỉ ngay gần đó theo đội hình xe.

   Vì hôm trước được nghỉ ngay từ chiều, nên mới quá nửa đêm chúng tôi được lệnh lên xe hành quân. Trên xe sẽ lại ngủ tiếp nên chúng tôi cũng chẳng phàn nàn gì. Chúng tôi chỉ được lệnh đeo sẵn khẩu trang chuẩn bị từ trước và đội mũ tai bèo cho khỏi sương đêm. Tại sao gần như thời bình, nơi này lại rất xa chiến trường mà chúng tôi vẫn phải đi đêm? Sau này chúng tôi đoán già đoán non là đơn vị không muốn cho chúng tôi biết rõ đường rừng từ Nam Lào chúng tôi đi sang đây nhập vào đường vân tải Trường Sơn từ chỗ nào.

   Chúng tôi tỉnh dậy trên xe khi trời bảnh sáng, cả đoàn xe đang dừng lại trên đường. Chúng tôi mở mắt nhìn nhau, phì cười vì thằng nào cũng bụi trắng đầy người. Khẩu trang, nơi có hơi nước thở qua miệng đầy đất. Một thằng phủi là bụi bay mù mịt tứ tung khắp xe. Có một vài lính, chủ yếu là cán bộ chỉ huy nhảy xuống đất nhưng chựng người lại ngay. Trên mặt đường là một lớp đất bột mịn dày đến hai, ba chục phân. Mỗi bước đi là lộp phộp bụi đến quá nửa ống chân. Thế là lại phải leo lên xe, kéo thêo bao nhiêu bụi. Sao lại dừng chân nghỉ giải lao ở cái chỗ giở hơi thế này, ai cũng kêu ca. Rồi có lệnh ăn sáng ngay trên xe. Cơm nắm có từ tối hôm trước rồi.

   Chúng tôi lên đường. Bây giờ mới biết đằng nào thì cũng phải nghỉ giải lao trên đường thôi, vì con đường vận tải này là độc đạo, nằm cheo leo trên những núi cao. Đi đến mấy chục cây số nữa mà con đường vẫn ngập bụi thế. Các xe ô tô giãn cách nhau khá xa, vậy mà trên con đường vẫn mù mịt bụi, như đốt khói. Tôi để ý thấy con đường này có được do xẻ núi đất mà thành, mặt đường chẳng có lát một thứ gì hết. Thế cho nên xe ô tô chạy qua cứ cày đất lên tạo cho lớp bụi ngày càng dày. Chắc rằng đến mùa mưa thì không thể đi trên con đường này vì mấy chục phân bụi kia đã hóa hết thành bùn. Tôi đoán rằng con đường này chắc là mới mở, chưa trải qua đạn bom.

   Có lẽ thế thật, vì khi đi quang qua một sườn núi bị bạt nào đó, chúng tôi đọc được dòng chữ “Tuổi trẻ kiên cường, mở đường thắng lợi” được khoét chìm vào vách núi đất bên đường. Mỗi chữ cái có lẽ phải cao độ trên 2 mét và sâu vào đất tới nửa mét, vì đi ở một khúc cong bên quả núi bên cạnh nhìn nó rất rõ. Thật khâm phục sức, ý chí và nghị lực của những con người thuộc đơn vị Thanh niên Xung phong trên tuyến đường này.

   Cũng chẳng phải chờ lâu, chỉ hơn chục cây số tiếp theo, chúng tôi đã gặp được một đơn vị TNXP và cũng được dừng xe. Có đến bốn chục nữ thanh niên xung phong, chẳng thấy bóng đàn ông nào. Họ tất nhiên còn trẻ, trạc tuối như chúng tôi. Chỗ này lớp bụi đường đã bớt nhiều nên thấy dễ chịu hơn. Thế là hỏi thăm nhau, tìm đồng hương tíu tít. Rồi lúc chia tay, các cô TNXP đồng loạt hỏi xin chúng tôi cùng một thứ: đó là nước. Các cô kể: “Đơn vị chúng em đóng quân quản lý cung đường này, nhưng rất thiếu nước. Có con suối rất to nhưng nằm cách đây tới 30 cây số. Mồi tuần một lần có xe binh trạm chở chúng em đến suối tắm giặt và lấy nước dùng cho một tuần, nên rất phải dè sẻn. Các anh cho chúng em nước đi, cố chịu khát vài tiếng là các anh lại đến sông, suối rồi”.


   Nhìn con đương lộp phộp toàn bụi, mỗi bước chân đi là bụi lùa qua khe hở vào người thế này thì bao nhiêu nước cho đủ. Chỉ riêng chuyện này thôi đã thấy thương cái sự gian nan vất vả cho phận nữ nhi nơi đèo heo hút gió này rồi. Lán của các cô cũng chỉ nằm ngay gần đường đây thôi. Thế là tất cả chúng tôi, bình tông dù còn đầy vơi bao nhiêu nước, nhưng cũng rẽ vào lán trút nước ra cho các cô.  Các cô TNXP đựng nước bằng những cái vỏ bao gạo đồ của Trung Quốc, chôn nửa chìm xuống đất và neo cọc để giữ. Đám lính lái xe cũng đem nước cho TNXP. Họ có những chiếc bi đông to đựng tới 5 lít nước, thật đáng nể. Có lẽ những việc làm như thế này cũng không phải lạ đối với lính lái xe Trường Sơn.

   Chúng tôi lại lên đường. Cuối chiều thì tới nơi dừng chân. Xe ô tô đỗ lại bên đường để chúng tôi xuống xe và hành quân thêm độ non cây số thì dừng lại. Đó là một cánh rừng già có rất nhiều cây Săng lẻ to hàng hai người ôm, nằm sát ngay bên một con sông to to.


« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2013, 04:48:38 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM