Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:00:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hướng về 40 năm Quảng Trị, 1972 - 2012  (Đọc 150142 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #160 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2014, 06:56:17 am »

Năm ấy học năm thứ nhất Đại học Y Huế.

Nhóm bạn thân có 3 cô : Hồng Nhung, Minh Khoa, Lệ Thanh.

Các trường Đại học Huế có truyền thống yêu nước, nhân văn được thể hiện mạnh mẽ trên diễn đàn Văn Nghệ. Ngày ấy, các bái hát về Biên Giới phía Bắc đã xuất hiện rất nhanh. Lúc ấy mình còn nhớ rằng khả năng sẽ có một số sinh viên y lên đường ra biên giới làm nhiệm vụ y tế.
 Như thông lệ, Đoàn thanh niên cộng sản phát động phong trào. Trường phổ biến lệnh động viên và phát động phong trào ca hát hướng về Biên Giới phía Bắc. Ngày ấy, có chị Hồng Hà con gái nhạc sĩ Trần Hoàn học trên mình một lớp, trường lại có nhiều giọng ca hay đoạt nhiều huy chương vàng của các cuộc thi nên phong trào rất sôi nổi, mạnh mẽ. Huế lúc ấy cũng có nhiều nhạc sĩ, thi sĩ nổi tiếng sống ở đó. Trần Hoàn, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm... Khi mình lên năm thứ 3 bắt đâu đi thực tập bệnh viện đã gặp nhà thơ Thanh Hải bị bệnh ung thư nằm tại BV Trung Ương Huế và mất tại đây. Năm này cũng là năm bài thơ của ông "Một mùa xuân nhỏ" sau đó được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát truyền thống mỗi khi Năm mới đến, Xuân về phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam sau lời chúc tết đêm Giao thừa.

Mình trong đội văn nghệ của lớp Y1A (chỉ có 2 lớp, YA và YB, mỗi lớp 100SV) và trong dàn đồng ca của trường. Bài hát chúng mình tập khi ấy có 3 bài :

Bài thứ nhất là bài : Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của Phạm Tuyên

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương.
Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương
Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa...đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!

Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường.

Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Độc Lập - Tự Do!

http://www.youtube.com/watch?v=FyHefCJxhV4
http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/chien-dau-vi-doc-lap-tu-do-tieng-sung-da-vang-tren-bau-troi-bien-gioi-1555.html


Bài thứ hai là bài: "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" của nhạc sĩ quân đội Tô Hải.

Đây là một Tổ khúc nổi tiếng của nhạc sĩ. Mình không hiểu biết về âm nhạc nhưng âm hưởng của Tổ khúc thật hùng tráng, có đoạn thì thật thiết tha sâu lắng, trữ tình. Lúc ấy dàn đồng ca của trường học đoạn:
..
“Rừng cây xao xác lá, sương chiều dần dần buông
Đỉnh núi cao xa xa còn vang tiếng cồng ngân nga
Chíp, chíp ….
Có đôi chim đang bay tìm đàn
Đêm đến đậu bên bếp lửa nhà sàn
Ngơ ngác nhìn nhau, nghe giữa rừng sâu
Ai đang cất cao lời ca…
Màn sương đêm buông trắng núi, ánh chiều dần dần buông

Lạnh lẽo tiếng gió núi
thổi xao xác cành hoa lá
Hú hú …
Sáo vi vu anh trai  bản Mèo
Đêm đến tìm ai sáo ngỏ nhiều điều
Bung bính bùng buông, nghe giữa rừng sâu
Chiều biên giới đang buông xuống dần…
Buông xuống dần, buông xuống dần,…
Buông xuống, xuống, xuống,
xuống dần,…

Biên cương xa... xa…

 "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy"
http://www.youtube.com/watch?v=Oi0LVyJ6Rn8

Bài thứ ba là bài: Tiến Về Hà Nội

Trùng trùng quân đi như sóng.
Lớp lớp đoàn quân tiến về.
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng.
Cờ ngày nào tung bay trên phố.

Trùng trùng say trong câu hát.
Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời.
Chúng ta đem vinh quang.
Sức dân tộc trở về.
Cả cuộc đời tươi vui về đây.

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về.
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh.
Chúng ta ươm lai hoa sắc hương phai ngày xa.
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu.
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay.
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên.

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần.
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về.
Hà Nội bừng tiến quân ca.

Ngày ấy, đất nước ta khổ vô cùng. Ăn uống cơm độn, đói rách chỉ sau thống nhất đất nước có 4 năm. Người vượt biên, người kinh tế mới... Nhưng không khí hít thở của mình (ít nhất là cảm giác của riêng mình) với việc sẵn sàng bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm là trong sáng và sẵn sàng hy sinh.
Nhóm ba đứa bạn gái thân nhau chúng mình nằm trong số hàng trăm đơn tình nguyện ra phục vụ chiến trường biên giới phía bắc. Máu lửa hơn, ba đứa mình còn trích tay lấy máu để điểm chỉ phần chữ ký.

Bọn mình đâu biết nhà trường lại đọc tên và tôn vinh 3 đứa trong buổi lễ mít tinh toàn trường, chắc sẽ có người còn nhớ.
Tuần lễ chuẩn bị tinh thân ra đi trôi trong nghiêm trang và ... hơi buồn. Chúng mình lo ba mẹ sẽ khóc.

Thế rồi... đã không đến lượt chúng mình.

Sau hơn 20 năm ba đứa gặp lại nhau, cứ đùn đẩy rằng ý tưởng của đứa kia, đứa nọ trích máu chứ không phải mình. Chỉ có điều ba đứa đều thừa nhận sẽ lên đường khi được gọi.

Tuổi trẻ là thế. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 của chúng mình là thế.

Nay, nhớ và hướng về ngày nhân dân và quân đội nhân dân chết và hy sinh vì tổ quốc ở Biên giới, Biển đảo: Lệnh cấm tổ chức lễ tưởng niệm, cấm diễu hành ôn hòa, cấm... có ai không khỏi uất ức, nghẹn ngào huống hồ những gia đình mất con, em, chồng vợ hay bị bọn Trung Quốc xâm lược tàn sát, đốt phá nhà cửa, xóm làng...?

Chính phủ, đảng lãnh đạo Việt Nam hiện nay là ai, của ai ?

Nữ tổ 5, Lớp YA 1978-1984



----------

Hà Nội ngày 4 tháng 3 năm 1979
[/color]

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
[/color]

LỜI KÊU GỌI
[/color]

Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!


Từ ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn cầm quyền phản động Trung Quốc đã huy động nhiều quân đoàn với 50 vạn quân, nhiều xe tăng và máy bay, ồ ạt đánh sang nước ta trên toàn tuyến biên giới, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Lai Châu. Chúng đã bắn phá bừa bãi, cướp của, giết hại đồng bào ta, cả phụ nữ và trẻ em, gây nhiều tội ác rất dã man.

Quân và dân ta chiến đấu vô cùng anh dũng, chặn đánh các cánh quân xâm lược, tiêu diệt hàng vạn tên, bắn cháy hàng trăm xe tăng, phá hủy nhiều vũ khí của địch. Mặc dù bị tổn thất nặng nề, quân địch vẫn hung hăng mở rộng chiến tranh. Chiến sự đang tiếp diễn quyết liệt. Quân và dân ta quyết giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Đồng bào và chiến sĩ ta trong cả nước sôi sục khí thế chiến đấu, quyết đánh thắng  bọn bành trướng Trung Quốc.

Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các Đảng Cộng sản và Công nhân, nhân dân tiến bộ trên thế giới đều căm phẫn, cực lực tố cáo tội ác của bọn xâm lược, nhiệt tình ủng hộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ lâu, bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh cấu kết với đế quốc Mỹ, mưu toan thôn tính nước ta, thực hiện chính sách bành trướng đại dân tộc. Năm 1974, chúng ngang nhiên chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mấy năm gần đây, chúng đưa nhiều quân áp sát biên giới phía Bắc Việt Nam, hằng ngày khiêu khích, lấn chiếm đất đai, ráo riết chuẩn bị chiến tranh trên quy mô lớn. Chúng dùng bọn phản động phát xít diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xary gây chiến tranh lấn chiếm biên giới Tây Nam Tổ quốc ta hòng bao vây ta từ hai phía. Chúng ra sức kích động, lôi kéo người Hoa gây rối bên trong nước ta.

Sự thất bại nhục nhã của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc ở Căm-pu-chia làm cho chúng càng điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Sự thật đã rõ là bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh đang thực hiện âm mưu độc ác thôn tính nước ta, từng bước thực hiện chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn ở bán đảo Đông Dương và khu Đông – Nam châu Á.
Hiện nay, bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta.

Xâm lược Việt Nam, chúng vứt bỏ hoàn toàn mặt nạ cách mạng giả hiệu, nhục nhã câu kết với bè lũ đế quốc và các thế lực phản động nhất ngày nay. Chính sách hiếu chiến và xâm lược của chúng đã xâm phạm hết sức trắng trợn quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, phá hoại tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, phản bội hoàn toàn sự nghiệp cách mạng, lợi ích và lương tri của nhân dân Trung Quốc. Chúng đã trở thành kẻ thù nguy hiểm của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình ở châu Á và trên thế giới.

Lương tri loài người một lần nữa lại bị thách thức. Tinh thần cảnh giác của loài người một lần nữa được báo động. Bằng những thủ đoạn đê hèn, bọn xâm lược đang cố đánh lừa dư luận thế giới nhằm che đậy mưu mô đen tối và những tội ác xâm lược dã man của chúng, nhưng cả thế giới đang kịch liệt lên án chúng và nhiệt liệt tỏ tình đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam anh hùng chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược.

Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý!

Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông – Nam châu Á đang bị đe dọa.

Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ. Cuộc kháng chiến chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược đã diễn ra!

Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc!

Quân và dân ta ở vùng biên giới từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Lai Châu đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu rất dũng cảm. Hãy thừa thắng xông lên, đoàn kết một lòng diệt giặc lập công, phối hợp ba thứ quân, tiến công mạnh, bao vây chặt, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch! Hãy tích cực bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; giữ vững an ninh ở mọi địa bàn. Nhiệm vụ vẻ vang của quân và dân ta trên tuyến đầu Tổ quốc lúc này là quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giữ vững biên cương của Tổ quốc.

Đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất với kỷ luật chặt chẽ và năng suất cao, chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến, hăng hái luyện tập quân sự, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của địch trong mọi tình huống! Trước mỗi lần thử thách của lịch sử, cả dân tộc Việt Nam đều lớn mạnh lên, phát huy cao độ lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu: Tăng cường lực lượng vật chất và tinh thần để chiến thắng quân thù.

Mỗi bản làng, xí nghiệp, hợp tác xã, thị xã, quận, huyện là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh, thành là một chiến trường, cả nước là một chiến trường. Bất cứ nơi nào trên đất nước ta là những Chi Lăng, Đống Đa: Sông biển ta đều là những Bạch Đằng, Hàm Tử.

Kiều bào ở nước người hãy phát huy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, phát triển tình hữu nghị với nhân dân các nước, góp phần vào cuộc kháng chiến thiêng liêng của dân tộc!

Chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của Bắc Kinh không những gây tai họa cho nhân dân Việt Nam, mà còn nguy hại cho hòa bình, độc lập tự do và tiến bộ xã hội của các nước Đông – Nam Á châu và cả thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các Đảng cộng sản và Công nhân trên thế giới, các phong trào cách mạng và các tổ chức dân chủ quốc tế, nhân dân và chính phủ các nước, hãy vì hòa bình và công lý, kiên quyết lên án bọn phản động Trung Quốc xâm lược, hành động kịp thời, chặn đứng chính sách phiêu lưu chiến tranh cực kỳ nguy hiểm và đầy tội ác của bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh, không cho phép chúng lừa dối và chà đạp dư luận thế giới hòng che đậy tội ác xâm lược dã man của chúng đối với nhân dân Việt Nam!

Vì hòa bình và tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người cộng sản chân chính và nhân dân Trung Quốc kịch liệt phản đối, ngăn chặn kịp thời chính sách phản động và cuộc chiến tranh phi nghĩa của giới cầm quyền phản động Trung Quốc!

Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn anh em, bầu bạn khắp nơi đã ủng hộ kiên quyết, kịp thời và mạnh mẽ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam nhận thức rõ: kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình, cũng là chiến đấu vì sự nghiệp hòa bình của tất cả các dân tộc.

Đánh thắng bọn phản động Trung Quốc xâm lược lần này, là nghĩa vụ ân tộc vẻ vang, đồng thời là nghĩa vụ quốc tế cao cả của nhân dân Việt Nam.

Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước!

Một lần nữa, cả dân tộc ta lại nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tổ tiên anh hùng của chúng ta đã từng đánh thắng quân xâm lược Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đánh thắng oanh liệt các đế quốc xâm lược Pháp, Mỹ. Ngày nay, chúng ta có sức mạnh vĩ đại hơn bao giờ hết, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và của ba dòng thác cách mạng của thời đại.

Bọn phản động Trung Quốc xâm lược càng mở rộng và kéo dài chiến tranh thì quân và dân cả nước ta càng đánh càng mạnh và nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn luôn cổ vũ nhân dân ta: Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, anh dũng tiến lên, quyết chiến và quyết thắng!

Bọn phản động Trung Quốc xâm lược nhất định thất bại!

Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi!

Nguồn: Tạp chí Dân tộc học số 1 năm 1979
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Hai, 2014, 08:55:12 am gửi bởi sapa » Logged
bapchuoi
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #161 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2014, 08:36:28 am »

Bài này có nguồn sớm nhất ở cái trang Khát vọng và được trang Ba Sàm đưa lại, truyền bá mà ra! Chính xác là như thế vì trong bài có sai 1 chữ mà tất cả những người chép lại đều bỏ qua.

Đây:
http://www.khatvong.org/2013/02/tu-lieu-34-nam-truoc-loi-cua-ang-csvn.html

Sao không đưa từ báo gốc nhỉ? :v
Logged
bapchuoi
Thành viên
*
Bài viết: 121



« Trả lời #162 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2014, 08:53:44 am »

Báo nhân dân ngày 5-3-1979

http://baochi.nlv.gov.vn/baochi?a=d&d=Qik19790305&e=-------vi-20--1--img-txIN------#
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #163 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2014, 09:02:56 am »

@bapchuoi: Theo Sapa thì tìm đọc, chia sẻ là quí rồi ạ, nguồn văn bản gốc là đúng nhất, ko phải ai cũng tìm được.
Sapa đã sửa lại lỗi (đánh máy) quan trọng mà @bapchuoi nhắc, ngoài ra còn vài lỗi chính tả thông thường khác.
Chân thành cảm ơn.
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #164 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2014, 10:52:28 am »

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

2014-3-16


Vợ chồng Khoa+Khiêm. BS Nguyễn Ngọc Khiêm sau khi tốt nghiệp đi chiến trường Cămpuchia 2 năm, sau khi trở về,  ra học thêm phẫu thuất chấn thương chỉnh hình ở BV Việt Đức 2 năm. Bây giờ là Phẫu thuật viên CTCH - "Bàn tay vàng" của Huế.


Con gái của Lệ Thanh và Hồng Nhung



1979

Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #165 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2014, 10:55:11 am »

Sau khi Sapa viết lại kỷ niệm thời thanh xuân ngày 19 tháng 2 năm 1979, Lệ Thanh - cô bạn mau nước mắt gọi điện và giọng nghèn nghẹn : "Cảm động quá, chúng mình phải gặp nhau lại nhân dịp này". Quả là cơ duyên ắt phải xảy ra.
Sau một tuần nhóm bạn xưa gặp nhau, "dư âm" như Lệ Thanh gọi điện nói vẫn làm nhóm con gái thẫn thờ. Thôi thì viết đôi lời ra cho lòng bớt chông chênh. Xin chia sẻ với VNM. Thành thực cảm ơn quí vị đã chia sẻ.
***************


Từ những năm thập kỷ 90, chương trình PAM , một dự án lớn của quốc tế tài trợ cho Việt Nam phủ xanh đồi trọc, tăng cường chống lũ, tăng cường lá phổi xanh cho trái đất đã giúp Huế, xứ sở yêu mến thiên nhiên, cây cối được nâng lên đến tầm như thưởng lãm nghệ thuật  là truyền thống của người Cố Đô. Sự tinh tế, nhẹ nhàng về sơn thủy, nhà vườn... là máu thịt của con người xứ Huế nói chung.

Vào học ĐH Y Huế năm 1978-1984, ngày ấy vùng ngoại ô Huế bao gồm các đàn tế Nam Giao, Xã Tắc, các khu lăng tẩm, đền chùa sau chiến tranh là những vùng hầu hết là đồi trọc sỏi đá, khô cằn, nắng lửa. Chỉ có một ít cây còn xót lại thưa thớt, đìu hiu. Ngày ấy cùng bạn học vẫn thỉnh thoảng đạp xe đi lên những vùng ấy rong chơi. Những địa danh quen thuộc phía nam sông Hương là lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng... Điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An, núi Ngự Bình, núi Bân... phía bắc sông Hương là Đại Nội, chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không, Bãi Dâu... Hay dọc ra biển Thuận An là Cồn Hến, Vĩ Dạ, Dương Nỗ...
Tối cuối tuần thời ấy thi thoảng tụ tập nhau ở cà phê vườn Dòng Sông Xanh đặt theo tên bản nhạc của Johann Stsauss bên sông Hương ngay dốc Đập Đá, Vĩ Dạ, một nơi khá đông khách sinh viên nhưng yên tĩnh và nhạc hay.
Những cái tên quán cà phê được giới sinh viên thi thoảng với ít tiền còm cõi của thập niên 80 hay ngồi là Tổng hội sinh viên, Liễu quán, Hồ Tịnh Tâm... Cái thú của cà phê ngày ấy là được nghe những bản nhạc hay rất hiếm. Đôi khi xa nhà, bước vào quán bỗng nhiên réo rắt Bức Thư gửi nàng Elise, hay thời ấy,  những bản nhạc Pháp rất phổ biến bấy giờ là Main dans la main, Bang bang, Mal, Oh mon amour... Lúc ấy ai kén cá chọn canh cơ chứ, rằng âm thanh chưa hay vì băng hoặc đĩa đã cũ quá hoặc sao chép nhiều lần... Những âm thanh quen thuộc ấy nay đôi khi vang lên trong tiềm thức, khi bắt gặp một cảnh quen thuộc đánh thức, hay một ngày kia ngồi trong xe đang chạy mải miết trên con đường ngoại ô châu Âu trong mắt là vườn, nhà ngay ngắn như tranh, rừng cây lướt nhanh bên đường. Cũng có thể là một đêm cuối năm tuyết rơi vần vũ trong pha đèn xe đi như là đơn độc...

...

Cũng thường đi Huế sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là 10 năm lại đây có năm đi tới 2, 3 lần.

Chỉ khoảng 2 năm lại đây, tp Huế mới có chút khang trang.

Tuy nhiên phong cảnh Huế và vùng ngoại ô nay thì thật khó đẹp hơn được.

Hầu hết các tỉnh miền Trung nghèo đều dùng tiền của PAM để trồng cây ngắn vụ như bạch đàn, keo, chàm bông vàng để khai thác cây làm giấy. Nhưng Huế thì phủ xanh hầu hết xung quanh bằng thông lá nhọn.
Đã hơn hai mươi năm, những cây thông xanh non ngày nào đã cao hơn 10m lọt vòng tay ôm. Thảm thực vật nhờ bóng mát, giữ ẩm cho đất đã trở lại phủ xanh mặt đất sỏi đá cằn cỗi mà tâm trí Sapa còn nhớ rất rõ. Nhớ cả những đám cỏ vộc đầu chưa kịp xanh đã ngả sang trắng bạc như mái tóc cháy khô xơ xác trong nắng lửa miền Trung.

Thật là trân quí PAM, người làm dự án, người giữ gìn non xanh nước biếc để tháng 3 mùa xuân này - 2014, Sapa và nhóm bạn gái gặp lại sau 35 năm tính từ ngày viết đơn tình nguyện ra chiến trường biên giới phía Bắc  ngày 17 tháng 2 năm 1979 (nhưng cuối cùng trường không tuyển chọn SV đi).

Gặp lại nhau lần này đã ngoài 50, không còn dễ dàng để nói ra những điều mà năm tháng đã làm người phụ nữ có phần yếu mềm đi, không còn dám nói lời bông đùa dễ dàng như ngày nào. Cả ba chỉ nói rất ít về cái điều máu lửa trích máu điểm chỉ vào chữ ký đơn tình nguyện phục vụ chiến trường biên giới ấy. Trải nghiệm cuộc đời đã làm cho cả ba hiểu giá trị cuộc sống qua từng ngày. Cả ba có phần lặng lẽ, thoảng qua những ý nghĩ dưng dưng... câu nói bỏ dở lưng chừng.

Huế tháng ba lúc nào cũng có thời tiết rất đẹp: Khô ráo, se lạnh và muôn nơi cây cối đâm chồi nảy lộc biếc xanh hay những vòm cây bừng lên cả vầng chồi lá lộc hồng đậm suốt những con phố.

Cuộc đời trôi qua nhanh biết bao.

Không như ngày xưa đi học còn vang tiếng vọng dư âm chiến tranh khi tập văn nghệ trong trường bài hát phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Mẹ thương Akay, mẹ thương làng đói, con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều... Mặt trời của bắp vẫn nằm lưng núi, mặt trời của mẹ con nằm trên lưng...”. Huế hôm nay vọng trong đêm trên sông Hương êm đềm là những điệu hò Huế, là khúc Nam Ai, Nam Bằng và những ánh đèn màu vui mắt được thả xuống sông lung linh làm sáng thêm những cuộc sống đã có vị may mắn...

Buổi sáng mùa xuân trên sông Hương có đàn cò sải cánh, có đàn én chao lượn vun vút bên cửa sổ.

Xaxa, bóng con thuyền cau bé nhỏ và người chèo thuyền vẫn nghiêng mình bên mái chèo đưa khách sang ngang đến bến Đông Ba, Gia Hội...

Ngược dòng sông, dãy núi mờ xa trong màu xám, cây cầu Phú Xuân thanh mảnh thấp thoáng trong sương sớm.

Huế lặng lẽ như thuở nào.
_____
Huế, 2014 tháng 3, Rằm xuân tháng 2

 

 





 





 

 


 

 















 














« Sửa lần cuối: 24 Tháng Ba, 2014, 11:00:21 am gửi bởi sapa » Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #166 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2014, 04:39:40 pm »

QUÊ NỘI CỦA BA DUYỆT


Năm 1977, gia đình từ Bắc vào Nam, về quê ba, Quảng Ngãi.

Cũng năm mới vào ấy, chú Thuần, là con của ông chú, em ruột ông nội dắt về xóm Bầu, thôn Phước Toàn, xã Đức Hòa, Mộ Đức thăm quê của ba. Nhà bao nhiêu năm từ 77-87 chỉ có mấy mẹ con, ba vẫn làm việc ở Quân khu 5, Đà Nẵng và chiến trường Căm pu chia.

Làng quê trơ trụi, tiêu điều, hầu hết là những mái nhà tranh vách đất mới dựng.
Chẳng có một vệt ký ức nào về quê lần đầu và duy nhất 36 năm cho đến năm nay, năm 2014 về thăm quê ba vào dịp mùng 10 tháng giêng, ngày lễ Tế xuân họ Hồ Phước Toàn.

36 năm không về quê vì chỉ ở Quảng Ngãi 1 năm rồi đậu đại học đi học 6 năm, rồi ra làm việc, rồi lập gia đình với cơm áo gạo tiền quá đỗi thường tình mà lại là gánh nặng với một bác sĩ nữ làm quần quật ở phòng thí nghiệm lúi húi nghiên cứu không có một xu nào kinh phí, và có đồng lương ăn mày.

Năm nay, về thăm quê, nghĩ đi nghĩ lại quả đúng là "hội đủ nhân duyên". Quyết định được đưa ra như một sự đương nhiên. Nhà có mẹ và 3 chị em 2 gái 1 trai cùng về.
Mẹ và em trai từ nhà đi ra bằng tàu hỏa, mình và em gái từ Sài Gòn đáp máy bay ra Chu Lai. Mẹ và em trai ra trước đón ở sân bay về thẳng quê.

Trước khi về quê ông nội, đến thăm quê bà nội cách quê ông nội quãng 10 cây số.
Ngày xưa hay về quê bà nội chơi lắm. Cho đến nay, vườn nhà bà nội vẫn chẳng có rào dậu...

Bên ngoại của ba, quê bà nội là một gia đình họ Võ nhà nho ba đời, thời Tây con đi học tận Huế... nay con cháu đã lập nghiệp khắp nơi. Nhà cửa ông bà ở quê hương năm 77 về thăm chỉ là vùng đất trơ trụi vài bụi tre, vài cây chuối. Bà mới dựng nên cái lều tranh vách đất, xung quanh trồng ít dưa leo, đậu, cà...

Một ngôi nhà nhỏ dựng lại trên nền xưa. Người mà ông cố nhận nuôi từ bé, vì nhà con trai lớn tham gia chống Tây, con trai trẻ sau này chống Mỹ, chẳng còn người con trai nào trong nhà. Ba bảo thời ấy những người có nhận thức đều theo cụ Hồ giải phóng dân tộc. Bà nội hỏi vợ cho ông con nuôi rồi cùng gia đình con nuôi sinh sống coi sóc phần mộ. Khi người vợ còn sống, gia đình trồng dâu nuôi tằm. Nay thì chỉ còn sống nhờ vào vườn và mấy sào ruộng. Chỉ còn cha và đứa con gái gầy gò mắc bệnh tim, cậu lớn cũng đã đi nghĩa vụ.

Thắp hương, khấn vái trên bàn thờ trong nhà xong xuôi, mọi người đi ra nghĩa địa bên sườn đồi khá xa thôn xóm quãng 5 cây số thăm ông bà, họ hàng đã quá vãng.
Ông cậu đã mua một khoảng đất riêng trong ấy. Vùng đồi trọc khi xưa giờ cây tràm đã phủ kín, cao chừng 5, 6 mét. Mùa này khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi. Xe chạy đến tận nơi, một nghĩa địa qui hoạch ngăn nắp, nằm yên ắng giữa những vùng đồi cây thoai thoải.

Phần mộ của ông trẻ, liệt sĩ danh tiếng mà chính quyền địa phương đã tôn vinh bị lính Ngô Đình Diệm thủ tiêu mất xác được xây trang trọng. Đứng trước mộ ông thấy nao lòng, nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ mông lung buồn bã

Tháng Giêng lễ tảo mộ cũng thật là thuận lẽ. Không khí đất trời cây cối tràn nhựa sống. Dương khí thịnh nên ngay trên khu vực âm thịnh cũng không quá âm u.

Hương khói, khấn vái xong, từ từ lên đường đi tiếp

Dọc con đường quốc lộ 1 về Mộ Đức, hai bên đường những cánh đồng làng mạc xanh thẳm, những đàn có trắng thấp thoáng trên ruộng lúa mướt xanh mát mắt và êm ả. Đất nước của con người cần cù, tần tảo, thông minh không có chiến tranh, ít hơn những đầu óc tham tàn thì đâu nên nỗi bao nhiêu năm đói rét bần hàn. Lẽ ra trong lòng nên vui hơn bội phần thì lại không xua đi nổi nỗi buồn, sự ảm đạm về bức tranh chính trị xã hội đương thời và vài năm tháng tới...

Phía tây đường quốc lộ đã hiện ra con đường đi vào. Kia là cái đập nước trị thủy 300 năm của xã Đức Toàn nay đã được xây cầu và đập chắn kiên cố vững trãi. Lối nhỏ quanh quanh đi vào vườn nhà của ông nội sạch sẽ. Những hàng cau vươn thẳng tắp với những buồng cau chĩu quả xanh quả vàng. Những hàng rào dâm bụt, ti gôn đầy hoa. Thi thoảng những cây phượng hoa vàng, đỏ hay được dùng để cúng nở đây đó trong vườn. Rằm tháng giêng, nên những luống cải, rau diếp, đậu que mướt mà. Làng quê đẹp hơn cả mong đợi. Trong lòng tràn ngập một cảm giác biết ơn về sự may mắn rằng, quê hương nay đã khác xưa, chưa ăn ngon mặc đẹp nhưng chắc chắn là đã có ăn no mặc ấm.

Năm nay về quê nội, có phần thuận tiện. Chỉ một nỗi trong lòng dấu buồn vì ba không còn tự đi ra được. Đây là quê hương, gia đình ba mong được thấy cảnh con cháu, họ hàng hội ngộ cùng về thắp nén hương dâng ông bà ngày Lễ Tế Xuân truyền thống hàng năm, nơi ba thường hồi tưởng kể say xưa...  Mình cũng thường nghe, nhưng không tỏ ra thích thú gì vì ấn tượng lần đầu về thăm ngày mới về miền Nam.

Viết về quê nội, nhiều chuyện, nhiều chi tiết về nhà ông nội với nhà lớn, nhà ngang, giếng nước luôn đầy và trong vắt mát lạnh, có hay cây đào, cây mận ngoài cổng. Bác họ còn kể con đường trước nhà ông nội là con đường cho các cậu ấm họ Hồ đua ngựa khi xưa, con sông đào có cái đập chắn, ngày xưa mùa nước lụt là các cô các bà xuống thuyền đánh bài cho qua mùa lũ... Về ông bà xưa nuôi ăn ở hàng mấy trăm xuất đinh đào sông cấp nước, trị thủy nên họ Hồ được vua ban dùng nước đời đời mà không phải đóng thuế...

Nay về quê có đôi chút thuận tiên, họ hàng con cháu đông đủ, làng mạc xanh tươi, thanh bình ba lại không về được. Không nói ra mà vướng bận trong lòng thành nỗi muốn viết bao điều cảm nhận mà
cứ gập ghềnh không viết nổi.

Chiều tà, mặt trời đỏ rực lặn xuống dãy núi Dàng phía tây. Hàng cau bên nhà thờ họ cao vút thẳng tắp in bóng trên nền trời hoàng hôn huy hoàng. Lòng nhói buốt bàng hoàng như lo lắng hoảng hốt một ngày mai gần sẽ hoang vắng hẳn trời chiều quê nội.

Chiến tranh đã lấy đi gần hết cuộc đời ba, từ thuở niên thiếu cho đến ngày nhập ngũ tòng quân.
Cả cuộc đời ba khao khát học, cho đến 80 tuổi vẫn ngủ mơ thấy được đi học tiếp những kiến thức mình mong muốn biết. Cả cuộc đời của niềm đam mê hiểu biết chỉ có được chút ít thời gian rảnh dỗi trong những cuốn sách để tìm, để học. Khi về hưu, từ chiến trường về ba mang theo về nhà cuốn "xác suất thông kê" bằng tiếng Anh.

Quê nội là hình ảnh buồn thương mất mát và những vô nghĩa của thân phận con người trong chiến tranh, trong những thử nghiệm ý tưởng của một số kẻ lãnh đạo...
Quê nội là hình ảnh của những thân phận không thể quyết định được đời mình, chìm nổi khốc liệt trên các chiến tuyến và sau hết là vô thường sau hơn 80 năm ngắn ngủi.




















[/URL]

Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #167 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2014, 08:07:19 pm »


CHÚC MỪNG NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22 THÁNG 12

TƯỞNG NHỚ ĐẠI TƯỚNG NHÂN DÂN VÕ NGUYÊN GIÁP

CHÚC MỪNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ THÂN QUYẾN ĐƯỢC MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC VÀ THỊNH VƯỢNG


Sapa nghe mấy anh cựu lính pháo binh QDNDVN nói tháng 11 năm 2014 này , TRUNG ĐOÀN PHÁO BINH BÔNG LAU được nhận danh hiệu anh hùng. Ba Duyệt đợi mà chả thấy giấy mời hay giấy báo tin để cho con gái được có cơ hội ra chào các bác, các cô chú và anh chị em Binh chủng Pháo Binh - "Chân đồng vai sắt đánh giỏi bắn trúng".

Hôm nay Sapa chia sẻ với VNMILITARYHISTORY một bức hình quí cho đủ bộ ảnh lịch sử về hàng binh căn cứ Tân Thanh (Camp Caroll) Quảng Trị 1972. Khi đón hàng binh, chỉ một mình ba Duyệt ra đón như lời ba kể. Lúc này, ai thích chụp ảnh kỷ niệm (như ông Quí Hải tưởng tượng ra và viết như thế) cũng không được vì chả có mặt.

1. Ba Hồ Văn Duyệt bắt tay trung tá Phạm Văn Đính VNCH



2. Ba Hồ Văn Duyệt bắt tay trung tá Vĩnh Phong VNCH


Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #168 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2014, 11:19:51 am »

   Chào bạn Sa Pa con gái rượu của thủ trưởng Duyệt.

 Bạn tìm đc hai bức ảnh rất giá trị về lịch sử của đời binh nghiệp khg phải ai cũng có đc với điều kiện, hoàn cảnh và công việc của mình.
  ảnh này chắc bạn mới tìm đc trên báo chí nước ngoài. càng có giá trị mang tính khách quan.
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #169 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2014, 02:05:53 pm »


@Zin Ba Cầu: Sapa nhận thấy rằng những điều chân thực luôn có cách bộc lộ rất giản dị.
Còn rất nhiều những điều chân thật khác trong tư liệu chính ba Duyệt lưu giữ, ghi chép, có những kỷ vật viết tay ba Duyệt còn ép nhựa bao lại. Chỉ cần nhìn những gì ba giữ, biết ba trân trọng những phần đời hữu duyên mà ba gặp, dù là làm việc, chinh chiến hay sống đời thường, cũng như từng thời điểm của cuộc đời ba và gia đình ... Những bức vẽ ký họa hay chân dung thành viên gia đình rất đỗi yêu thương.
Vậy, có gì là ngạc nhiên khi cuộc đời cũng gìn giữ những gì về ba rất mực đủ đầy như thế phải không Zin Ba Cầu.
Lành thay.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM