Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:49:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hướng về 40 năm Quảng Trị, 1972 - 2012  (Đọc 150147 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #100 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2012, 10:32:24 am »

Vào kỳ nghỉ hè của trẻ con rồi.
Không biết trẻ con bây giờ còn chơi trò đố lá nữa không. Biết chơi trò này là biết rất nhiều loài cây cỏ hoa lá. Từ biết đến yêu cây cỏ thiên nhiên - yêu môi trường theo cách nói ngày nay chẳng xa gì.  Cây cỏ, hoa lá lúc nào cũng đẹp, nhìn chúng lúc nào cũng dễ chịu. Chúng chỉ yên lặng, có chăng cũng chỉ xào xạc khi ta muốn hỏi chúng điều gì...

Sapa đăng lại bài viết của ba Duyệt, chắc cũng có ai đó trong VNM đã từng chơi trò này.

Trò chơi đố lá


"Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa"

Câu thơ Kiều cho thấy trò chơi "Đố lá" có đã lâu. Đố lá ắt hẳn là tiết mục chính trong một lễ hội lớn của cư dân trồng trọt ngày xưa. Cả một tuần đố lá chứ không chỉ là một trò chơi trẻ con của một thời cách đây không xa. Ấy là theo chữ nghĩa của câu Kiều mà luận ra như vậy, chứ không biết nguồn gốc trò chơi đố lá từ đâu, xuất hiện lúc nào. Lúc nhỏ tôi đã biết chơi đố lá với anh chị em và bạn bè. Tiếc cho các cháu nhỏ ở thôn quê ngày nay không biết trò chơi đó.

Sáng sớm, khi ông bà cha mẹ đã ra đồng, nắng vàng xuyên những tia rực rỡ qua bờ tre làm long lanh những lưới nhện đọng sương trên mặt cỏ, cũng là lúc lũ trẻ con chúng tôi tụ tập lại chơi trò đố lá.

Từng cặp chọn chơi với nhau xong, chúng tôi chia đi các ngả. Tha thẩn đến các bụi bờ, thu góp các thứ lá và bị lôi cuốn theo các thú vui lang thang dọc đường.
Đồng quê có nhiều quả trái hoang dã ăn được và đồ chơi thiên nhiên suốt bốn mùa. Mùa nào cũng có hoa quả ngũ sắc rực rỡ khắp bụi bờ, và lúc nào cũng có vài đôi bươm bướm chập chờn hút mật. Dưới tàng hoa thấp thoáng những chùm quả mỗi sáng chín đen bóng.
Mùa nào thức ấy.
Mùa xuân đi hái trái móc, trái trâm, những "mâm xôi" vun đầy đỏ ối. Mùa này là mùa chơi bị rầy, cánh cam. Trên các cây chu biên phải nhìn cho kỹ những chú cánh cam xanh biếc đã về, và cũng phải nhìn cho kỹ có rắn trong bụi đấy. Chùm chày, mũ dẻ chín hương bay thơm ngọt cả chiều hè, tiếng veve không biết cất lên từ lúc nào, tới lúc trâu bò về chuồng vẫn còn ra rả. Duối chín vàng là mùa thu đã về, hoa xương rồng lấm tấm khắp nơi, mùa thu thêm vàng màu thương nhớ khi đã lớn lên đi học xa quê. Sau này đi kháng chiến nhớ nhà nhất là về mùa đông, mưa dầm gió bấc, bồi hồi nhớ đến cờ mía bạc phau nơi đồng đất quê hương. Mùa đông lũ trẻ chúng tôi đi tìm nấm mối và vạch ngọn mía già rút đọt lau (đọt lau - hoa mía ăn vừa dòn vừa ngọt, có phấn đen dính đầy mồm như bọi lọ!).

Khi đã chán chê các loại đặc sản không tốn tiền của đồng quê, miệng đứa nào cũng lem luốc và túi lá đã nhiều, chúng tôi tụ về một chỗ để so lá. Các cặp ngồi lại với nha, một đứa đưa ra một chiếc lá, nói tên cây. Không biết tên cây, nói sai tên cây, chiếc lá đó không được tính. Đứa kia có cùng loại thì đưa ra, nếu không có thì thua một. Hai đứa thay nhau lần lượt đưa lá ra so. Khi hết lá ai nhiều hơn thì thắng. Bên thắng được cõng hoặc được búng tai, gõ đầu gối bên thua vài cái.

Đố lá có thể chơi từng cặp hoặc chia thành hai phe, mỗi phe không đông quá, khó kiểm lá. Thời trước quê Mộ Đức tôi còn những vạt rừng hoang, thực vật rất phong phú. Chơi đố lá giúp tôi biết được nhiều loại cây cỏ quê hương, biết những cây hoang dại, quả ăn được, lá ăn được, có thể làm thuốc rất có ích cho tôi trong thời gian kháng chiến ở rừng.

Ngày nay các cháu nhỏ có nhiều đồ chơi và cho chơi công nghiệp hiện đại hấp dẫn, có lo75o cho việc thích nghi dần với cuộc sống công nghiệp. Tuy nhiên say mê quá (các trò chơi điện tử) cũng có hại cho sức khỏe, xao lãng việc học hành và bị cách ly khỏi thiên nhiên. Một số không nhỏ các loại đồ chơi, trò chơi khai thác tính hiếu kỳ của trẻ con để trục lợi, gây sùng bái bạo lực, sùng bái vũ khí, làm nghèo nàn lòng nhân ái vốn có của trẻ con.
Rất đông các cháu, nhất là ở nông thôn, vùng cao, vùng xa, cha mẹ lo ăn, lo mặc , lo học hành cho con đã quá khó khăn rồi nói gì đến đồ chơi đắt tiền. Vì vậy, khai thác, phục hồi những trò chơi dân gian, ví như trò chơi đố lá chẳng hạn, không tốn kém mà còn bổ ích. Các tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo, trường cấp 1, 2 ở nông thôn, trong các sinh hao5t ngoài trời nên hướng dẫn, tổ chức trò chơi đố lá, chắc các cháu sẽ ham thích và sẽ truyền lại cho lứa nhỏ hơn. Các anh chị phụ trách ngày nay có trình độ tổ chức sinh hoạt đội rất giỏi, nếu các anh chị muốn khai thác trò chơi dân gian này hẳn anh chị có rất nhiều sáng kiến để tổ chức các em chơi cho hà hứng và thành công. Chẳng hạn tùy theo lứa tuổi hoặc chương trình học ở trường mà đề ra yêu cầu thi đố cho từng đối tượng. Các cháu lớn một chút, khi đưa ra một chiếc lá thì ngoài tên cây, còn phải nói thêm một hai yếu tố nó, ví dụ hoa nó thế nào, quả nó thế nào, có dùng làm gì được không... các em đã học thực vật thì có yêu cầu cao hơn theo nội dung đã học về thực vật sẽ hứng thú hơn. Nếu tổ chức thành cuộc thi có đấu loại, có bán kết, chung kết và có giải thưởng nho nhỏ thì càng thêm phân sôi nổi.

Thiết nghĩ phục hồi và khai thác các trò chơi dân gian, cái chính ở đây là góp phần giữ gìn tâm hồn Việt Nam cho con trẻ.

Hình minh họa do ba Duyệt vẽ minh họa cho bài viết trong tạp chí Cẩm Thành

Bài viết của ba Hồ Văn Duyệt đăng trên Tạp chí Cẩm Thành, Quảng Ngãi
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 09:16:05 pm »

Kể cũng lạ, Việt Nam có hai tháng 7 : Tháng 7 Tây là tháng Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, tháng 7 ta là tháng xá tội vong nhân cho mọi nhà.
Nhà Sapa có hai cậu liệt sĩ đều không biết đang nằm nơi đâu: Cậu Võ Khắc Tuyến là em ruột mẹ của ba Duyệt, và cậu Nguyễn Tiến Lạng là em ruột của mẹ Sapa.

Tưởng nhớ các Liệt sĩ Sapa đăng lại bài viết về hai Liệt Sĩ.

Cậu ruột của ba Duyệt[/font] [/color]

Trong gia đình của ba, có một người cậu cùng trang lứa với ba, là em trai của bà nội Sapa, là liệt sĩ mà cái chết của ông mãi vang danh trong lòng những người cùng thời. Tên của ông là Võ Khắc Tuyến.
Trường Lê Khiết là trường danh tiếng ở thị xã Quảng Ngãi từ thời Pháp thuộc. Cuối những năm thế kỷ 20, thị xã Quảng Ngãi xây dựng lại ngôi trường Lê Khiết mới.
Từ khi có trường mới, các khóa cựu học sinh Lê Khiết xưa đã họp mặt và ra Kỷ yếu trường Lê Khiết theo định kỳ. Ông Võ Khắc Tuyến đã được bạn bè tưởng nhớ và ghi lại câu chuyện hy sinh của ông trên mảnh đất quê hương.


Người bạn
Ngọc Diệu
Kính dâng hương hồn liệt sĩ Võ Khắc Tuyến


Lệnh chuẩn bị tổng phản công, trường học động viên học sinh lên đường nhập ngũ. Ngày 13-3-1950, tôi sẽ rời ghế nhà trường đi bộ đội, vào trường Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn, sau 6 tháng quân trường tôi được điều động vào chiến trường Nam Trung bộ đánh quân Pháp ở Phú Yên - Khánh Hòa.

Hiệp định Giơ-Ne-vơ lập lại hòa bình, tôi ở lại miền Nam, được bố trí chui sâu vào ngành công an địch, trở thành một cán bộ nội tuyến của Đảng.

Tháng 5-1955, quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản Mộ Đức, tôi giữ chức Chi phó Chi công an quốc gia (ngụy) quận Mộ Đức. Hàng ngày, cứ đúng 7 giờ sáng, tôi ôm cặp đi làm việc.

Hôm ấy vào một ngày của tháng 9-1955, khi vừa đến sở làm, tôi đã chứng kiến cuộc tra tấn cực kỳ dã man.

Tên Chi trưởng công an, trung sĩ Lê Duy Chuyên và hai tên lính phòng II trung đoàn 4 đang khai thác, lấy cung một thanh niên trạc tuổi 25. Hai chân anh bị cột chúm, hai tay bị xiềng treo sau lưng bằng còng số 8, quần áo ướt đẫm, tả tơi, đầu anh gục sát sàn nhà, miệng mũi bê bết máu tươi.

Trong căn buồng chật hẹp, hai tên lính ngụy quần áo rằn ri, chân mang dày bốt-rề-sô, mặt đầy sát khí, hì hục đánh đá vào hông vào ngực người tù. nề nhà đất lai láng nước xà phòng, nước vôi, tiếp phụp, tiếng bốp hòa với tiếng "hự hự", lẫn thiếng thét của tên Chi trưởng Công an: "Khai, khai không? Ai chủ trương cho mày, Tổ chức mày có ai?".

Mặc dù người thanh niên nằm nghiêng người, hai chân co sát ngực, miệng chẳng kêu la gì, mặt mày bầm sưng đầy vết bẩn, vết máu, vết bầm, tôi vẫn nhận ra anh là người bạn học cũ: Anh Võ Khắc Tuyến, học sinh tứ niên trung học Lê Khiết cùng lớp với tôi từ năm 1950. Chắc là cuộc tra tấn này đã kéo dài nhiều tiếng đồng hồ rồi, ba tên ác ôn đã thấm mệt, nên trung sĩ Chuyên hạ lệnh: "Thôi, cho nó nghỉ một lúc, đóng của lại".

Bỏ mặc người tù nằm trong vũng máu, tên trung sĩ khoát tay ra hiệu, tất cả bước ra ngoài.

Ngồi vào bàn giấy, tên Chi trưởng rót nước uống, hít mạnh điếu thuốc lá và nói với một giọng rất giận dữ" "Tên cộng sản này rất cứng đầu". Rồi hắn bảo: " Chiều tối hôm qua, xã Đức Thọ (Đức Thọ là tên xã do chính quyền ngụy quyền đặt sau khi tiếp quản, Tức Đức Hiệp huyện Mộ Đức của ta. Tác giả.) tổ chức cuộc mít-tinh tại gò Phú An nhằm tuyên truyền thân tếh sự nghiệp của cụ Ngô thủ tướng. Trong lúc diễn đàn đang đọc tiểu sử của người, thì tên Võ Khắc Tuyến này nhảy xổ lên khán đài, giật tấm ảnh cụ ngô, vò nát, vò xé cờ lia xuống đất, hô to; "Đả đảo tên bù nhìn bán nước Ngô Đình Diệm". Nó còn hô" "Hồ Chí Minh muôn năm", nó đạp bình hoa, đạp đổ bàn ghế, kệ cho thuyết trình viên".

Tên trung sĩ Chi trưởng kể xong liền đứng dậy, mặt hằm hằm vừa đi vừa gọi hai tên lính ngụy đi thẳng vào phòng tra. Nó thốt ra những lời gian ác: "Tao sẽ giết mày nếu mày không khai".

Tên Lê Duy Chuyên là một hạ sĩ quan phòng II, người theo đạo Thiên Chúa giáo, quê Bùi Chu Phát Diệm, vốn là tên lính của quân đội Liên hiệp Pháp vừa bị thất thủ trận Điện Biên Phủ còn sống sót.

Thế rồi suốt ngày đêm hôm ấy và tiếp ngày hôm sau tên trung sĩ khát máu này đã dùng đủ mọi hình thức khai thác tra tấn: Châm điện, treo ngược hai chân anh Tuyến lên xà, thay nhau đánh đá. Ba tên lính hung hăng, gào thét cố moi tìm lấy lời khai của anh Tuyến. Song chúng đành chịu thua, anh Tuyến không khai lấy một lời...

Sáng ngày thứ ba, một cái xác người được khiêng quăng lên xe Jeep rồi chở vào phòng nhì của trung đoàn IV đóng ở thôn Thạch Trụ xã Đức Mỹ (tức Đức Lân).

Mấy hôm sau tên Chi trưởng nói với tôi: "Thằng Tuyến đúng là tên cộng sản đầu sọ, nó không khai lấy một lời. Trước mặt thiếu tá phòng nhì, nó còn cởi quần dơ "cu" ra rồi chửi: "Đồ khốn nạn! Bọn bay là quân bán nước, tao làm cộng sản không khai cho bọn bay đây! Thiếu tá giận lắm đã rút súng bắn nó chết tại chỗ".

Anh Võ Khắc Tuyến quê ở thôn Nghĩa Lập (tác giả nhầm, là Phú An. Sapa), xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức. Anh là người con thứ tám của ông bà Tú, một gia đình khá giả ở nông thôn. Anh có ba người anh ruột đi kháng chiến và tập kết ra miền Bắc.
Anh giác ngộ và hiểu cách mạng từ lúc anh còn ngồi trên ghế nhà trường. Bấy giờ bọn ngụy đã bày trò "tố cộng", khủng bố và trả thù những người tham gia kháng chiến, những gia đình có người đi tập kết, nhất là những đảng viên đảng cộng sản trước đây, Quê hương anh phủ lên một màu tang tóc. Bao nhiêu gia đình bị bắt bớ, tra tấn và tước đoạt tài sản, Chị em trong thôn xóm bị chúng cưỡng ghiếp hoặc phải ký giấy ly dị với chồng mình vì đã đi tập kết ra Bắc.

Căm hờn và uất ức trước những việc làm tàn bạo, những thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm mị dân của bọn giặc, anh Tuyến không còn kiềm chế được nữa, đã dũng cảm xông lên tỏ rõ thái độ bất khuất của mình trước nhân dân quần chúng, trước gươm súng quân thù tại làng quê anh - xã Đức Hiệp. Anh đã coi thường những đòn tra tấn cực kỳ man rợ, đã làm cho bọn địch phải khiếp sợ và bó tau.

Cái chết của anh Tuyến đã gây xôn xao dư luận của nhân dân trong cả huyện. Riêng tôi, hình ảnh người bạn cũ quằn quại trên vũng máu mãi in sâu trong tâm trí, đã luôn thôi thúc tôi phải làm gì để trả mối thù ấy.

Sau ngày miền Nam sạch bóng quân thù, đất nước được hòa bình thống nhất, gia đình chia ly được đoàn tụ, anh Tuyến được Tổ quốc ghi công, nhưng kẻ thù hèn hạ giết anh đã vùi mất xác, đến nay gia đình vẫn chưa tìm được.

Hình ảnh anh lại hiện rõ trong tâm trí của tôi - một học sinh, một thanh niên, một người bạn đầy khí phách/

Đầu năm 2002.

@Sapa: Khi mình ra làm việc từ năm 1985 đến nay mình thấy rõ chế độ ưu việt của đảng cộng sản Việt Nam:

Khi ở Nha Trang còn làm ở viện Vắc-xin Nha Trang, bà kê viện trưởng đã kết nạp chị yến, người Tuy Hòa, ba bị cách mạnh xử bắn vì chỉ điểm bắt người họat động cách mạng nằm vùng.
Đến khi vào làm viện Pasteur tp.Hồ Chí Minh thì đảng bộ viện cũng kết nạp cho chị Hương bố làm cho CIA .
Quá đã.

Mình chả là "đối tượng" bao giờ nên chả biết họ phấn đấu thế nào, nhưng thành tích khoa học, bài viết và ứng dụng chắc chắn hai người này không thể so với mình.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Bảy, 2012, 09:43:55 pm gửi bởi sapa » Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #102 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 06:49:21 pm »

Cậu tôi

Hồ Văn Duyệt

Anh Ngọc Diệu, khi còn học ở Tứ B2 Lê Khiết gọi là Lê Diêu, là bạn thân của tôi, người chứng kiến khí phách của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến trước kẻ thù. Liệt sĩ Võ Khắc Tuyến là cựu học sinh Lê Khiết 1946-1952. Quê của liệt sĩ Tuyến là thôn Phú An chừ không phải thôn Nghĩa Lập như anh Ngọc Diêu nhớ lộn. Do lầm tên thôn nên trải qua hơn 25 năm anh Diêu mới tìm được thân nhân của người bạn liệt sĩ. Tháng 8/2002 anh Diêu tìm được người anh ruột của liệt sĩ Tuyến tại thị xã Quảng Ngãi, đại tá Võ Khắc Kế, cựu chiến binh, nguyên Tham Mưu Trưởng sư đoàn 308 danh tiếng năm xưa. Anh Ngọc Diêu tặng đại tá Võ Khắc Kế tập văn của Hội Cựu tù chính trị Mộ Đức dưới chế độ cũ, trong đó có bài viết " Người bạn" của anh Ngọc Diêu kể về những giờ phút cuối cùng của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến.

Thời niên thiếu tôi sống chủ yếu bên ngoại. Liệt sĩ Võ Khắc Tuyến là cậu ruột và cũng là người bạn gần gũi nhất của tôi. Hai cậu cháu cùng một tuổi, học cùng lớp từ nhỏ cho đến năm 1950, tôi tòng quân rời trường Lê Khiết.

Từ nhà qua trường Lê Khiết, mùa mưa chúng tôi qua sông Thoa nhờ đập Bến Thóc, nước to đập lở thì có đò chị Điệp, mùa cạn sông Thoa có thể lội qua. Bây giờ, Đập Bến Thóc, Đò Chị Điệp, Cậu Tuyến đã trở thành cổ tích, chỉ còn lại lũy tre bên bờ An Ba vẫn rì rầm kể chuyện xưa cùng gió.

Tôi có bốn cậu ruột, lớn nhất là cậu Kế, sau cậu Kế là cậu Võ Khắc Thuần, đội viên du kích Ba Tơ, sau 1945 là Đại Đội phó Đại Đội cảm tử.

Cậu Tuyến là em kề cậu Thuần, em kề cậu Tuyến là cậu Võ Khắc Dục, thanh niên xung phong hỏa tuyến. Năm 1954 tôi và ba cậu của mình tập kết ra Bắc. Ông bà ngoại tôi đã già yếu, hai anh và  một em đã đi rồi nên cậu Tuyến cần ở lại nuôi ông bà, cậu chỉ là một học sinh chưa có hoạt động gì để địch chú ý.

Cậu Tuyến vốn quá đỗi hiền lành, ít nói, chưa bao giờ gây gổ với ai. Bà con và bạn bè bất ngờ, bàng hoàng trước hành động của cậu Tuyến, nhưng riêng tôi, tôi hiểu...

Thôn Phú An, quê của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến, nằm bên bờ Bắc con sông Thoa, bờ bên kia là An Ba. Tên xa xưa của Phú An là xóm Bồ Sa. Bồ Sa chắc là từ tiếng Bầu Sa nói chệch đi mà thành.

Hai tiếng Bầu Sa gợi cho tôi hình ảnh xóm nhỏ hiền hòa, vườn trưa bóng rợp, ngàn dâu xanh ngắt, bến bãi con đò, sông nước mênh mộng, đêm trăng vằng vặc ... và những con người nhân hậu, ngay thẳng như chú Hai, chị Ba, thầy Lê Tảo... trong "Quê nội" của nhà văn Võ Quảng.

Soi Lùm, vết hoang sơ còn sót lại chứa những câu chuyện yêu ma bí ẩn. Con đường mòn len lỏi giữa bãi cỏ xanh lấm tấm hoa vàng. Hoa ngũ sắc nhiều màu rực rỡ ở bờ bụi. Mùa thu vàng hoa xương rồng, quả duối chín... Tất cả làm nên tâm hồn cậu cháu tôi từ lúc còn thơ.

Nhưng lúc bấy giờ thì còn đâu nữa xóm nhỏ hiền hòa.
Đó đây phủ màu tang tóc. Một bọn mới đây vốn là con hư, trò dốt hoặc là đàng điếm, du côn thì bây giờ là chủ...

Phía ngoại tôi là gia đình nho giáo lâu đời. Ông cao, ông cố, ông ngoại tôi, ba đời liên tiếp đỗ tú tài nhưng không ai ra làm quan. Ông ngoại tôi đậu tú tài vào khoa thi chữ nho cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918).

Những đêm hè, một chiếc chõng tre kê giữa sân đầy trăng, ông tôi mình trần, quần trật mề lươn, tay phe phẩy chiếc quạt mo, khẽ nhẩm những câu vần đứt đoạn:

Mười năm công vỡ ruộng chưa ắt là danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ
...
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ...
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng...


Lớp người Văn thân như ông ngoại tôi đã cách quá xa thế hệ chúng tôi. Lớp chúng tôi ảnh hưởng chủ yếu ở các cậu lớn, các cậu là thế hệ khởi đầu của cuộc cách mạng vô sản. Trong mảnh vườn cổ kính trầu cau chuối mít hiền hòa, hồi cao trào cách mạng 1930 đã có hai ông và hai cậu bị Pháp đưa đi đày ở Kon Tum và Ban Mê Thuột. Từ cách mạng 1945 đến 1975, tám người trong gia đình đã thoát ly, người còn lại trừ người già và trẻ nhỏ, hầu hết người khỏe mạnh đều hoạt động hợp pháp trong lòng địch, Một dì, một mợ, một cậu đã thành liệt sĩ, một dì, một chị là thương binh...

Tôi phác qua mấy nét bên ngoại, môi trường gia đình của liệt sĩ Võ Khắc Tuyến mong từ đó có thể hiểu được phần nào tính cách không khoan nhượng của liệt sĩ Tuyến trước kẻ thù.

Bạn nào ở Tứ B2 1950 hoặc sau là lớp 8 lớp 9 muốn thăm anh thì đến nhà bia tại nghĩa trang liệt sĩ Đức Hiệp, bên bờ bắc sông Thoa, phía tây chợ Vôm 500m. Xin đừng mang hương hoa gì cả vì chỉ có tên anh khắc trên tấm bia chung, không có mồ mả vi hài cốt của anh chưa biết ở đâu.

Hồ Văn Duyệt
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #103 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 04:38:13 pm »

Cậu Lạng không có một tấm ảnh nào để lại. Sapa cũng chưa từng gặp cậu.

Lần đầu tiên về nhà bà ngoại - nhà của cậu lạng thăm là hè năm 1969


Liệt sĩ:       NGUYỄN TIẾN LÃNG
Tên thật:       NGUYỄN TIẾN LẠNG

Sinh năm         : 1945

Mẹ            : Phạm Thị Cúc
Bố            : Đã mất
Địa chỉ         : Phạm Thị Cúc
Xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, Tỉnh  Thái Nguyên

Nhập ngũ ngày          : Tháng 10/1963
Vào chiến trường miền Nam   : Tháng 8/1965
Hy sinh ngày         : 05/8/1972 tại Mặt trận phía Nam
(Khi mẹ liệt sĩ còn, bà nói có một thương binh cùng đơn vị đến nhà nói liệt sị đã hy sinh ở Bà Rịa, Vũng Tàu )

Ngày báo tử            : 01/7/1977

Quân hàm : Thiếu úy (U1), trung đội trưởng, trung đoàn 209, Sư Đoàn 312 Bộ Binh. (Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng - Sư đoàn bộ binh 312 – Chiến Thắng -  Trung đoàn bộ binh 209 – Sông Lô - ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ)

Khi cậu Chúc là cậu út, em kề cậu Lạng gửi bản sao GIẤY BÁO TỬ của cậu Lạng vào, Sapa nhìn bản sao đã rách sờn làm biên khuôn giáy in lên loanng lổ như vết máu cũ... Sapa bất giác thấy lạnh hết cả người.






Đây là nhà của cậu Lạng mà Sapa đã từng về thăm lúc cậu đang ở trong chiến trường và sau khi bà ngoại đã đi gặp câu.
Không biết bà và cậu có gặp được nhau ở thế giới bên kia chưa.
Bên dương gian này, vẫn còn chưa biết cậu nằm ở đâu.

Ai đó biết xin chỉ dùm cho với, đến ngày 05 tháng 8 năm 2012 này là tròn 40 năm cậu mất mà nhà vẫn chưa đến được nơi cậu nằm thắp nén hương và hóa cho cậu chút gì...

Nhà bà ngoại

Nhà bà ngoại nằm ở ven đường của một thị trấn nhỏ. Cả cái phố tên là phố Chợ Đồn ấy chỉ là mấy gian chợ nhỏ nền gạch mái ngói bé tẻo teo với một cửa hàng cũng heo hắt như thế. Là phố nên có một  con phố  nhỏ dọc bên đường  khoảng nửa cây số những căn nhà nhỏ liêu xiêu liền kề mái tranh pha mái ngói. Nhà phố có quán bán nước chè xanh, bánh đa, kẹo lạc... có tiệm sửa đồng hồ, có tiệm bán đồ khô...  Chợ Đồn họp phiên vào những ngày lẻ trong tuần: thứ ba thứ năm và thứ bảy. Chợ phiên thật vui, nhiều hàng bán lạ lùng của sản vật miền núi và hàng quà ngon lành bởi những món quà quê vô cùng thuần khiết, khéo léo. Nhìn những bánh gai, chè kê, xôi đỗ mà thèm nhỏ dãi. Những quả tai chua rất đẹp mà chỉ để cắt mỏng phơi khô nấu canh chua hay cho vào nước rau muống luộc. Sản vật miền núi thật nhiều, là lạ : Mọc nhĩ, nấm hương, cây thuốc, mấy con gà, mấy con lợn con đen trũi trong cái rọ tre.

Được về nhà bà ngoại thật thích. Bà ngoại có dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt thanh tú và cao quí. Bà quê ở Hải Dương, lấy chồng về Bắc Ninh. Bà lúc nào cũng chỉ mặc quần sa-tanh đen, áo phin nõn trắng bên trong là cái iếm trắng. Bà lúc nào cũng vấn khăn nhung đen, đeo đôi chằm sáng rực. Ngày nhỏ thấy đôi chằm bà ngoại đeo lúc nào cũng sáng lung linh. Bà có một cái lược sừng cán nhọn để rẽ tóc hình chữ Z khi vấn khăn. Nhà bà có cái thau đồng đúc nổi mấy bông hoa xung quanh  vành thau bà chỉ dùng để rửa mặt và gội đầu thường được úp ngay ngắn trên một giá gỗ bên giếng. Sau nhà bà, có một cái giếng, một cây chanh, một cây hoa đào và một vườn chuối tiêu. Khoảng sân gạch nhỏ sau nhà bà thường yên ắng. Bà ngoại sống với chị An đang học phổ thông, chị là con già Bắc, chị của mẹ. Già Bắc mất sớm vì sốt xuất huyết, bố chị An lấy vợ khác. Hai bà cháu sống nhờ vào quán nước, vậy mà bà năm nào cũng đi hàng trăm cây số về thăm mẹ và cháu ngoại với bao nhiều là quà. Nhớ nhất là những chiếc khăn quàng vuông dành cho mùa đông bà cho. Mẹ gọi ông bà ngoại là u và thầy.

Năm ấy mẹ cho theo bà ngược lên Thái Nguyên chơi vào dịp hè. Ba gian nhà ngói nhỏ của bà dọc phố được chia làm 3 phòng, gian thứ nhất là quán nước của bà cũng là nhà bếp, gian giữa có bàn thờ và gường, bàn học của chị An, gian buồng ngủ của bà. Toàn bộ tài sản của bà ở gian giữa nơi đặt bàn thờ. Trên bàn thờ có bát nhang, đôi bình sứ cổ, đôi voi sứ cổ Trung Hoa và một ống đựng nhang có hai hình tò he như là thiên sứ nhà Trời. Bên trái là cái đồng hồ quả lắc cổ của Pháp, có cái chìa khóa đồng dài để lên dây cót hàng ngày, cứ 1 giờ tiếng chuông lại thong thả ngân nga, tiếng chuông nghe thanh thoát, xa vắng. Bên phải bàn thờ bà ngoại dán bức tranh Trung quốc không biết từ khi nào đã ngả màu ố vàng nhưng vẫn đẹp lắm. Bức tranh vẽ cảnh trên trời, mây trắng bồng bềnh, phía xa xa có hình mái cong lâu đài hồng tía, một cô gái, một chàng trai và hai đứa trẻ đứng trên đàn quạ đen đang tiến lại gần nhau, không ai có vẻ mặt vui cười dù tất cả đều rất xinh đẹp. Sau này biết đó là bức tranh Ngưu Lang Chức Nữ.

Bà ngoại tính tình nghiêm nghị, giọng nói của bà rất oai nghiêm. Con cháu ai cũng sợ oai bà.

Ngày ngày phụ bà ngoại bán nước và quà vặt, đôi khi cũng có lấy trộm một vài viên kẹo lạc hay kẹo bột. Thỉnh thoảng vào trong làng đến nhà ông làm kẹo mua về bán lại, bà dặn đi cẩn thận không có cán bộ thuế họ bắt được. Cứ chợ phiên lại ngồi quạt bánh đa giúp bà. Có hôm chợ đông bán được rất nhiều bánh đa.

Có lần bà nấu chè kê ăn thật ngon, cho đến bây giờ cũng chưa được ăn lại lần nào ngon thế. Thỉnh thoảng bà mua dưa hấu ăn, nhớ hai con bồ câu gù gù bên cạnh nhặt hạt dưa. Bà còn dắt đi chơi nhà người quen, lần đầu được biết hoa phù dung trong vườn đẹp đến thế. Bà cũng lên chùa lễ Phật rồi mang oản và chuối về. Lần đầu tiên biết oản là xôi nén lại có hình như cái cốc uống nước, vậy mà nghe chữ "oản"cứ sờ sợ.  Cả chuối và oản gói trong lá chuối tươi bà đều để ở cái đãy mây xinh xinh mang về.
Bà ngoại đông con, ông ngoại mất khi bà mới 35 tuổi thời còn Tây, lúc ấy cậu út còn trong bụng. Thời 45-54, Thái Nguyên là "vùng giải phóng"; Bắc Ninh là "vùng tạm chiếm". Ông mất, bà gánh gồng con tản cư lên Thái Nguyên. Câu chuyện nhà ông ngoại  dài lắm, một truyện cổ tích  - lịch sử của một Thành Hoàng làng vùng Bắc Giang nhưng bi tráng, có cả bóng dáng cụ Đề Thám, rồi thật u buồn vào những năm sau này, thời con và cháu của ông bà ngoại. Đáng buồn là các bác và cậu vẫn chưa đổi lại họ gốc của mình như trước năm 54.

Bà ngoại làm nhiều thơ lắm, hẳn một tập dày nhưng chẳng cho ai xem. Thỉnh thoảng bà nằm võng đu đưa, đang yên lặng, bỗng ngân lên  mấy câu Kiều, giọng bà vừa sang sảng, vừa não nùng trong không gian tĩnh lặng. Bà vẫn ngâm Kiều những lúc vắng khách, ngày không có chợ phiên.

Tối, thị trấn bé nhỏ miền núi vắng như tờ, mới nhá nhem mà trời tối đã như sập xuống. Bên cây đèn dầu, đốm nhang nhỏ leo lét mỗi đêm trên bát nhang. Thấp thoáng hai ông thánh tò he mờ tỏ theo ánh đèn dầu. Ngưu Lang Chức Nữ và hai người con vẫn đưa tay với về nhau mà chưa gặp. Nằm trong mùng, tiếng tích tắc đều đều vọng trong đêm, thỉnh thoảng nghe tiếng bà trở mình, lát sau nghe tiếng chuông  đồng hồ quả lắc thong thả buông từng tiếng.

 Năm ấy lại đi học ở Hà Nội, một buổi trưa mùa đông đi ăn cơm bụi, quán cơm bình dân ven đường có mấy cụ bà mặc áo nhung, khăn quàng nhung choàng trên vành khăn cũng bằng nhung màu đen cũng ghé ăn. Các cụ bà hỏi thăm nhau về khăn nhung của cụ đẹp quá. Nhìn các cụ bà, nghĩ liên miên quên cả ăn, một bà phải nhắc cháu ăn đi không nguội lạnh hết rồi. Cắm cúi ăn nhớ đến bà ngoại, nghĩ giá bà ngoại còn mình sẽ mua biếu bà khăn nhung khăn vấn đẹp nhất. Chẳng biết đã ăn bao lâu, bỗng chợt tỉnh vì mọi thức ăn của mình đã hết và đang gắp sang cả đĩa của bà cụ.

Từ lần 8 tuổi được về thăm nhà bà ngoại ấy cho đến 30 năm sau trở về thăm bà bên ngôi mộ nhỏ đơn sơ không xa nhà bà bao nhiêu. Cậu Lạng, liệt sĩ vẫn chưa được đưa về gần bà. Trước khi mất, bà đã đốt tập thơ của bà, cả cuộn thiết kế nhà mà ông ngoại mang từ Tây về đã ước muốn xây khi còn sống.
Hôm ấy Hà Nội báo có bão, được một vị giáo sư cho mượn xe và tài xế thế là lên đường. Giữa đường, một đoạn đường đang thi công lại, các anh công nhân xúm lại đẩy giúp xe. Lên đến nơi thắp hương xong, ghé nhà bà một lát. Bà đi rồi, ngôi nhà đã không còn Ngưu Lang Chức Nữ, không cả hai ông thánh tò he, đôi lục bình cổ đã bán, đôi voi cổ bị mất trộm, cái đồng hồ đã đứng yên từ lâu.
 
Về đến Hà Nội, ngồi trầm ngâm trong phòng.
Mưa! Gió giật từng hồi. Cơn bão đã đến.
 
Chả hiểu sao bức tranh cứ ám ảnh suốt đến giờ. Nay mới hiểu sao bà ngoại chỉ treo bức tranh ấy.

Có mấy ai trong đời chưa từng là Ngưu Lang hay Chức Nữ?

Một ngày kia ở nước ngoài, nằm mơ thấy gặp bà ngoại. Vẫn dáng dấp thanh tú ngày nào, bà vận áo cánh trắng, iếm trắng vấn vành khăn nhung đen. Bà ngoại đang cười vui để lộ hàm răng hạt na ăn trầu...  

Bà ngoại!
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 04:48:41 pm »

Trích dẫn
...Bên dương gian này, vẫn còn chưa biết cậu nằm ở đâu.

Ai đó biết xin chỉ dùm cho với, đến ngày 05 tháng 8 năm 2012 này là tròn 40 năm cậu mất mà nhà vẫn chưa đến được nơi cậu nằm thắp nén hương và hóa cho cậu chút gì...

với hai chỗ đậm trên thì nhận lời giúp , vấn đề là hơi tốn cà phê đấy nhá  Grin.

híc, phiên hiệu đơn vị ghi trong giấy báo tử là MTB mà chị gái,

đọc ở đây đi chị gái,  Grin
Logged

sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #105 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 05:11:42 pm »

@quangcan:

Cảm ơn nhiều lắm. Đang nghiên cứu các đường link.
Thực ra thì Sapa đã có một bảng thống kê về cấu trúc của đơn vị cậu Lạng, điều động quân qua các năm... cũng như một số trích dẫn các chỉ dẫn của hai người Dẫn đường là @quangcan@chiangshan  qua nhiều bài viết. Nhưng vì cố nhớ các ký hiệu, chữ viết tắt, sắp xếp thứ tự ... mà ko bên quân đội nên chưa làba81aba81t đầu can thiệp vào chỗ nào.

Cảm ơn @quangcan lần nữa
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #106 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 10:24:04 am »

Đã làm gì mà cảm ơn, chị gái,  Grin

Mà "khóc" thật rồi đây này:
- LS hy sinh 05/8/1972, theo thông tin gia đình biết được thì
Trích dẫn
...Quân hàm : Thiếu úy (U1), trung đội trưởng, trung đoàn 209, Sư Đoàn 312 Bộ Binh. (Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng - Sư đoàn bộ binh 312 – Chiến Thắng -  Trung đoàn bộ binh 209 – Sông Lô - ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ)

Vậy là có khả năng thuộc trung đoàn 209A F312A, cả trung đoàn đi B vào thành một trung đoàn của F7/ sư đoàn 7. Nhưng thế lại mâu thuẫn với thông tin này:
Trích dẫn
...(Khi mẹ liệt sĩ còn, bà nói có một thương binh cùng đơn vị đến nhà nói liệt sị đã hy sinh ở Bà Rịa, Vũng Tàu )...

Bởi vì thời điểm tháng 8/1972, thì F7 đang tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 và nhất là Trung đoàn 209A còn đang đối mặt với địch ở "lũy thép Tàu Ô – Xóm Ruộng". Em vừa viết một bài trả lời một gia đình khác về E209A khoảng thời gian này: ở đây.

Tóm lại là với trường hợp kiểu "tự báo tử" này cần tìm thông tin theo từng hướng một, với một mốc chính là ngày hy sinh(cầu trời là mốc này đúng,  Grin):
- trung đoàn 209A F7 ở Tàu Ô (ai cho thông tin này?)
- các đơn vị ở Bà Rịa Vũng Tàu (khả năng này cao hơn, vì sau chiến tranh chú thương binh đã đến tận nhà)

Chị đã làm thủ tục và hỏi BCH QS tỉnh. thành (quê gốc của LS ) chưa ? cần lắm đấy, làm nhanh theo link em đã dẫn ở bài trước. Chú ý hộ là thời gian chính xác đi B? có cũng rất tốt.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #107 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 10:36:42 am »

Một số thông tin sơ bộ về các đơn vị đã chiến đấu và bám trụ tại địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 1971 - 1972:







Như vậy là từ từ khóa "tỉnh bà rịa vũng tàu" mà bác CCB kia cung cấp thì ta lại phải mở ra vài hướng nhánh nữa với các đơn vị sau:
- Trung đoàn 4/E4
- Trung đoàn 33 / E33
- Tiểu đoàn 440 trực thuộc tỉnh đội/ D440
- Tiểu đoàn 445 trực thuộc tỉnh đội / D445
- Tiểu đoàn 500 (tiền thân là C500 hậu cần) /D500
- Tiểu đoàn 240 công binh D240
- Nhánh của đoàn hậu cần  814 vươn tới cho đoàn 500 và đoàn 10/E10/ trung đoàn 10 Rừng Sác.
- các đơn vị thuộc huyện đội,....

Bác CCB kia chắc chắn cùng đơn vị, cùng quê, gần đó nên tạt qua nhà báo tin, chị phải tìm được bác ý mới rõ đến được tận gốc vấn đề,  Grin
Logged

sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #108 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 03:18:49 pm »

@quang can:

Cậu thương binh báo tin cậu Lạng là người cùng huyện khác xã với cậu Lạng đã mất lâu rồi.
Năm 1973 cậu thương binh được đưa ra Bắc về quê vì cậu bị mù. Cậu kể lại cho bà ngoại nghe, lúc ấy cậu chưa biết cậu Lạng đã hy sinh, cậuu là lính trong trung đội cậu Lạng. Cậu bảo là đơn vị cậu Lạng đang chiến đấu ở Bà rịa Vũng Tàu. Bà ngoại kể lại cho cậu Út nghe lại khi về thăm nhà (lúc ấy cũng đi bộ đội rồi). Cậu Út chưa bao giờ gặp cậu thương binh ấy.
Sapa vừa mới gọi cậu Chúc (cậu Út), cậu nói đơn vị cậu Lạng  "Thiếu úy (U1), trung đội trưởng, trung đoàn 209, Sư Đoàn 312 Bộ Binh" là chính xác.

Sapa có đọc trang đăng về trận "Tàu Ô - Xóm Ruộng" , để đọc và sao chép ghép nối lại đã. @quangcan vui lòng chỉ thêm cho sapa hướng tiếp.
Nếu lên đường thì đi theo hướng nào, vào đâu hỏi.

Sapa cũng đã gọi điện cho cậu Út lên BCH quân sự tỉnh hỏi theo phiên hiệu MTB có trong giấy báo tử thì có quản lý hồ sơ ở 14A Lý Nam Đế, Hà Nội, chắc có gửi lên Thái Nguyên, may ra c1o thông tin gì.

@quangcan cố nhé , hãy báo cáo cho Sapa biết loại cà phê yêu thích, sẽ mang ra loại chính hiệu chuẩn không cần chỉnh
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #109 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 03:37:30 pm »

Trích dẫn
Cậu thương binh báo tin cậu Lạng là người cùng huyện khác xã với cậu Lạng đã mất lâu rồi.

tiếc và phí lắm đấy  Sad

Trích dẫn
Năm 1973 cậu thương binh được đưa ra Bắc về quê vì cậu bị mù. Cậu kể lại cho bà ngoại nghe, lúc ấy cậu chưa biết cậu Lạng đã hy sinh, cậuu là lính trong trung đội cậu Lạng. Cậu bảo là đơn vị cậu Lạng đang chiến đấu ở Bà rịa Vũng Tàu. ....cậu nói đơn vị cậu Lạng  "Thiếu úy (U1), trung đội trưởng, trung đoàn 209, Sư Đoàn 312 Bộ Binh" là chính xác.

đậm 1 và 2: nếu tính giai đoạn năm 1972 thì E209A không hề xuống bà rịa

nghiêng: nếu chính xác thì có một ngã rẽ này: khi E209A vô B3 Tây Nguyên năm 1968 rồi chuyển vào B2 Miền Đông Nam Bộ thì ngoài bắc, F312/ sư đoàn 312 có lập một E209B khác. Đến khoảng giữa năm 1969 thì E209B này, trong đội hình của F312 tham gia đánh Cánh đồng Chum bên Lào ; tác chiến theo kiểu mùa mưa chốt, mùa khô đánh. Đến đầu 1971 thì về Bắc và chuẩn bị vào Quảng trị.

Vậy trong khoảng thời gian 1968 đến trước khi đi Lào - 1969 thì chắc F312 làm nhiệm vụ huấn luyện, bổ sung quân cho Miền Nam; đơn vị cử đi có thể là cấp tiểu đoàn tập trung (không thấy ghi đi cả trung đoàn như E209A nữa). Hoặc có thể ghép vào đội hình của một đơn vị nào đó chăng?

Tóm lại là rất nhiều khả năng và cái dòng nghiêng đó chỉ để hiểu được rằng: đơn vị đó là đơn vị ngoài bắc, không phải là đơn vị chiến đấu thực sự tại chiến trường. Nếu là đơn vị tại chiến trường thì sẽ sai với lời bác CCB đã mất nói. Cái tiểu đoàn tập trung này vào B2 thì chắc BTL Miền bổ sung lính cho một đơn vị nào đó thuộc Phân khu Bà Rịa Vũng Tàu mà thôi. Cần tìm là đơn vị được bổ sung ấy đấy.

Việc cần làm:
- làm đơn .... gửi : BCH QS tỉnh nhà, QK 7, QĐ 4; Cục chính sách Bộ QP; trường hợp này thừa hơn thiếu. Ngồi phân tích thì ra cả đống vì không có điểm tựa/ điểm mốc để căn cứ và lúc đấy mò thì "sợ" lắm chị gái. Phải có căn cứ mới xác định được.

p/s: cà phê bệt hà thành + ngồi "chém gió" sướng hơn,  Grin
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM