Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:20:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hướng về 40 năm Quảng Trị, 1972 - 2012  (Đọc 150146 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 01:23:19 pm »

Hướng về 40 năm Quảng Trị, 1972 - 2012

Xin Kính chào các cô chú cùng thế hệ với ba cháu là Hồ văn Duyệt năm nay 82 tuối.

Và xin chào anh chị em và các bạn của trang web http://www.vnmilitaryhistory.net. Thật may là con em của gia đình quân nhân được biết có trang web nhân khi đi tìm sự giúp đỡ và manh mối của cậu ruột hy sinh năm 1972 vẫn chưa thấy mộ.

Đúng vào đợt năm nay 40 năm trận đánh Quảng Trị 1972 mà ba tôi có dịp là người tham gia trận đánh và là chứng nhân của sự kiện hàng binh của ông trung tá Pham Văn Đính (VNCH - Ông đã mất tại Huế - xin tha thứ sự quấy quả này). Khi ba tôi còn khỏe thì gia đình cũng không có điều kiện để đưa ba đi thăm lại chiến trường, nay ba đã yếu phải ngồi xe lăn thì tôi mới thu xếp được để thay mặt gia đình đi thăm chiến trường xưa mà ba đã từ đó may mắn hơn hàng ngàn người lính được trở về với gia đình và ghi chép lai một số quãng thời gian chiến trường của ba.



Trước khi đi Quảng Trị, tôi đã dành khá nhiều thời gian lục tìm thông tin bộn bề trên mạng từ nhiều phía: QDNDVN, VNCH QĐ Mỹ, bài viết, sách, tư liệu... Quá nhiều cảm xúc, đau xót.

Thương ba nên tôi cố xắp xếp lại mọi sự kiện, địa danh theo từng phần một cách tương đối. Trước đây học đại học y Huế, đã từng là sinh viên tham gia đào kênh "Đại thủy nông Nam Thạch Hãn", lại có bạn thân và khá nhiều đồng nghiệp ở Quảng Trị nên tôi cố đi thăm nhiều địa danh căn cứ như có thể, cố gắng viết lại và chia xẻ với quí vị, những người có người thân đi chiến trường dù còn hay mất. Ôn lại chiến trường máu lửa khốc liệt không có từ ngữ nào mô tả được. Chỉ có trải nghiệm, để sau trải nghiệm, nghẹn ngào tự dặn lòng sống tử tế hơn và hơn nữa..

Tôi sẽ cố chuyển tải lên từng phần. Có gì mà cảm xúc làm tôi viết không được ổn xin rộng lượng bỏ qua.

Năm nay năm 2012, vừa đúng 40 năm “Chiến dịch xuân hè 1972” (Việt Nam Cộng hòa gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Mỹ gọi là “Easter Offensive – Cuộc tấn công Lễ Phục Sinh”). Một sự kiện lớn báo chí đăng tải lúc bấy giờ là “Người trung tá quân đội Sài Gòn phản chiến năm 1972”.

Ba tôi là một Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam là người trong cuộc của sự kiện này. Ba thuộc TRUNG ĐOÀN PHÁO BÔNG LAU, chiến dịch bắt đầu từ tháng Giêng (tháng 2 năm 1972). Trong chiến dịch này, ở trận đánh căn cứ Carroll. Ba được lệnh thay cho ông Ngô Văn Th. (ba ko đồng ý nói tên vì nói rằng còn con cái ông ấy khi nghe về điều này) đã "đi họp" vào lúc trước chuẩn bị vào trận hỏa lực pháo binh cả hai bên. Các chi tiết về số, loại pháo, đạn và một số chi tiết diễn biến, thương vong...mà ba còn nhớ kể cho tôi nghe tôi sẽ kể sau vào tháng 3/2012 -40 năm trận đánh này.

Ba năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ba đã yếu lắm và phải ngồi xe lăn có con cái chăm sóc hàng ngày. Tôi là con thứ 2 trong 6 anh chị em con của ba mẹ. Tôi năm nay ngoài 50 là bác sĩ, chưa biết chiến trường, thương vong khói đạn là gì ngoài mấy đợt tập quân sự thời sinh viên, có bắn 3 viên đạn thật ở trường bắn (núi Ngự Bình thì phải) trong đợt tập ấy vào bia đạt 10-9-9 điểm, chỉ có một lần bị bắt vì đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn biển Đông tại Quận 1 TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi ở chiến trường Cămpuchia, mà ba là Chủ nhiệm pháo Binh mặt trận 579 là mặt trận quan trọng giải phóng Cămpuchia khỏi nạn diệt chủng Pôn-pốt về nhà năm 1987. Cả đất nước đều lấy năm 1975 là năm hòa bình lập lại, gia đình sum họp. Nhưng gia đình tôi thì năm 1987 này mới chính thức là năm sum họp gia đình.
Chiến trường liên miên, từ Cămpuchia trở về vẫn mang hai căn bệnh: Sốt rét và bệnh ngoài da. Bệnh sốt rét cuối cùng cũng hết. Căn bệnh viêm nang lông ở chân tóc của ba khiến ở chiến trường ba đã già, đầu tóc bạc trắng, thế mà bị cạo trọc vì chẩn đoán "nghi bị nấm". Bên ấy, chữa mãi cũng chẳng khỏi, người ta chẩn đoán ba "bị ngứa do căng thẳng chiến trường gây tự kỷ ám thị”. Họ phát cho ba hàng trăm viên amynazin- một loại thuốc chữa bệnh tâm thần phân lập. Tôi về nhà lấy ba-lô quần áo ba ra giặt rũ, diệt rệp, thấy bên túi cóc nhỏ gói thuốc ấy. Tôi hỏi và ba kể. Căn bệnh ngứa da đầu ấy được tôi xét nghiệm và chữa khỏi trong 1 tuần. Tôi thầm nghĩ: Thế là hoàn thành bổn phận tấm bằng bác sĩ vi trùng!. Ba vẫn thường la hét trong giấc ngủ mỗi đêm, mẹ không dám nằm riêng sợ đêm ba ngã. Bà mắc bệnh tim sau thời gian dài như vậy. Ở Việt Nam người lính không mắc bệnh “Hội chứng chiến tranh”, có thân thì lo hay gia đình lo. Đến cơ quan thỉnh thoảng vẫn nghe mắng nhiếc: “Thế hệ chúng tôi xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (họ chưa từng nửa ngày chiến trường vì còn học ở nước ngoài để về phục vụ đất nước thời bình).

Nay mỗi lần về thăm nhà, nhìn ba trên chiếc xe lăn, ba đã quên hầu như tất cả: Quên chiến trường, quên lo toan, quên cả tình yêu thương và nhiều hệ lụy vốn luôn thường trực trong cuộc đời. Biết là ba tuổi cao nhưng lúc nào trong lòng nhìn ba cũng nghẹn ngào. May còn có mẹ và cô dâu nhà chăm sóc ba hết mực.

Tháng 12 năm 2011 tôi có việc ra Huế, tôi đã tìm đến nhà ông Phạm Văn Đính nhưng được tin ông đã mất. Khi còn đi học thì quá non nớt sự đời. Đến nay thì đã hơi muộn mất rồi. Hỏi thăm nghe nói có con gái ông là chủ khách sạn Hướng Dương ở đường Hai Bà Trưng, đến nơi cô lễ tân nói khách sạn đã đổi chủ được hơn một năm. Đi lòng vòng hỏi thăm nghe nói bên Tây Lộc. Ngồi một hồi, lăn tăn nghĩ có lẽ ông không muốn nhắc lại chuyện này nên việc như không thuận. Đành thôi. Muốn có vài kiểu ảnh của gia đình ông nhưng chưa có duyên.

Tôi viết lại bài viết của ba đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Số 222 tháng 10-2004. Ba nói rằng dù thắng hay thua, sau mỗi cuộc chiến đều là rất nhiều những phụ nữ và trẻ con người Việt cả hai miền bị mất con, mất chồng, mất cha hay anh em... Tôi cũng hiểu ba muốn thông tin sự thực đã diễn ra như thế nào nó quan trọng cho ít nhất một con người trong cuộc luôn bị phán xét. Tôi cũng vậy, mặc dù không được mạnh mẽ nhưng vẫn luôn muốn biết sự thật.

http://hothihongnhungdr.blogspot.com
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2012, 03:45:09 pm gửi bởi sapa » Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 01:26:19 pm »

Căn cứ 241 (Camp Caroll) tại Tân Lâm, Cam Lộ, Quảng trị hôm nay.


Đây làn bản gốc ba tôi viết

Người trung tá quân đội Sài Gòn phản chiến năm 1972

Số báo An ninh thế giới ra ngày 13.6.2002 có đăng lời xin lỗi lời của tác giả bài báo "Về người trung tá quân đội Sài Gòn phản chiến năm 1972". Sự kiện này là một kỷ niệm kháng chiến của tôi nên tôi tò mò muốn biết bài báo đó viết những gì. Tôi rất ngạc nhiên vì mới có 30 năm, nhân chứng lịch sử vẫn còn nhiều mà sự kiện lịch sử đã "thất bản" đến mức độ như vậy.

 Sư đoàn 324 là đơn vị chủ yếu đánh chiếm căn cứ Caroll, Tư lệnh trưởng sư đoàn lúc đó là đại tá Hoàng Đan. Trung đoàn 38, pháo binh dự bị chiến lược của Bộ, Trung đoàn trưởng lúc đó là trung tá Nguyễn Cao Sơn.

Trong tủ lưu trữ tài liệu của các đơn vị trên hẳn có đầy đủ hồ sơ về cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nhưng mấy ai đọc được các tài liệu đó. Bài báo thì khắp nơi đã đọc, những người đọc đó biết có lời xin lỗi không, dù có biết cũng không rõ sự việc đúng là như thế nào. Ví thử đây là một sáng tác hư cấu thì không nói làm gì, viết về người thật việc thật mà sơ suất chẳng những có hại cho chính sách mà còn gây lúng túng khó xử thậm chí mang tiếng cho người trong cuộc.

Riêng tôi người may mắn tiếp nhận nguyện vọng và chứng kiến việc làm đó của Trung tá quân đội Sài Gòn, anh Phạm Văn Đính; tôi muốn cung cấp một số chi tiết về sự kiện trên, ghi lại mấy nét hào hùng của mùa xuân năm 1972, quân dân ta giải phóng Quảng Trị và hành động chính xác kịp thời để cứu mình, cứu đồng đội, lập công theo chính nghĩa của một trung tá quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ.

Hồi đó tôi là giáo viên Trường Sĩ quan Pháo binh được phái đi phục vụ cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Tôi được đi cùng trung đoàn pháo binh 38, chi viện cho sư đoàn 324, tấn công ở hướng chủ yếu, theo đường số 9 từ hướng Tây xuống Đông Hà. Mục tiêu đầu tiên là cụm điểm tựa kiên cố do trung đoàn 56, sư đoàn 3 đóng giữ. Cụm cứ điểm gồm có căn cứ Caroll là căn cứ chỉ huy của trung đoàn và là căn cứ hỏa lực của pháo binh, vòng ngoài có các căn cứ 241; 241 cũng như Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn là tên các điểm cao, các căn cứ đó được ghi trên bản đồ.

Cà Roòn (Caroll theo tiếng gọi dân gian) là căn cứ pháo binh có hỏa lực ghê gớm án ngữ tây Quảng Trị, 18 khẩu 155ly mỗi đầu đạn nặng gần 50kg, đặc biệt ở đây có 4 khẩu 175ly tự hành tối tân trong số 08 khẩu Mỹ vừa mới trang bị cho quân đội ngụy để "Việt Nam hóa chiến tranh". Pháo này dùng loại đạn tăng tầm có thể bắn xa trên 40km. Đại đội 4 khẩu 175ly ở đây được mệnh danh "Vua chiến trường", đại đội kia được gọi là "Thần sấm sét".

Trước cuộc tiến công xuân 1972 của ta, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu lên tận Cà Roòn trực tiếp động viên khích lệ binh sĩ.
Mùa xuân là mùa chiến dịch của ta, theo cách phòng ngự từ xa, địch chốt giữ những điểm cao quanh căn cứ để phát hiện sớm lực lượng ta, do đó việc đặt đài quan sát chỉ huy pháo binh rất khó khăn. Để giữ bí mật, đến gần giờ nổ súng sư đoàn mới cho đánh chiếm điểm cao Không tên để bố trí đài quan sát chỉ huy pháo binh. Tôi đi cùng bộ phận đài quan sát nên được chia xẻ với anh em chĩu đựng hỏa lực pháo binh của căn cứ 241 chụp lên mổm đồi Không tên ta vừa chiếm được. Hơn một tiếng đồng hồ chịu đựng tiếng đạn đại bác rời xèo xèo quanh mình như những nhát dao cứa vào dây thần kinh, đợi giờ nổ súng, không thể bắn trả được.

     - Bão táp! Bão táp! Bão táp! Chiến sĩ thông tin VTĐ (vô tuyến điện) reo lên

Những vệt pháo hiệu xanh đỏ vút lên không trung.

Khẩu lệnh pháo binh nổ súng, tín hiệu mở màn chiến dịch đã phát ra!

   - Bão táp! Bão táp! Bão táp!

Phía sau lưng chúng tôi từng hồi đại bác của ta dồn dập như trống hội. Trái phá xé không khi rú trên không trung như những đàn chim sắt lao lên xung trận. các mục tiêu chìm trong ánh chớp, khói bụi và tiếng nổ rung chuyển núi rừng.

Các căn cứ chết lặng đi…

Mấy ngày đầu, chiến đấu thuận buồm xuôi gió như cuộc diễn tập. Điểm tựa tiền tiêu Đầu Mầu bị xóa sổ, ban đêm đặc công đánh chiếm Ba Hồ không khó khăn lắm. Đánh Động Toàn quân dân ta vấp phải hỏa lực pháo binh dày đặc của căn cứ 241.

Chúng tôi quan sát, điều chỉnh pháo cho các ánh chớp các đụn khói tập trung vào các trận địa pháo ở 241. Không còn bức tường lửa ngăn chặn, bộ binh ta nhanh chóng làm chủ Động Toàn.

Đồng chí Trung đoàn phó pháo binh chỉ huy ở đài quan sát lên Sở chỉ huy Sư đoàn họp, ủy nhiệm cho tôi thay thế tiếp tục thực hiện kế hoạch hỏa lực.

Hôm nay nhiệm vụ chính của hỏa lực pháo binh là chi viện cho bộ binh đánh chiếm căn cứ 241 (carroll). Đợt bắn mãnh liệt vào sở chỉ huy, trận địa pháo, khu trung tâm thông tin đã xong. Chúng tôi thực hiện giai đoạn bắn gọi là giám thị nhằm kiềm chế không cho các trận địa pháo hoạt động, duy trì sự hiện diện liên tục của hỏa lực làm cho tinh thần địch suy sụp, không để địch có điều kiện hồi phục và ngăn cản chúng theo dõi hành động bao vây áp sát của chúng ta.

Lúc này căn cứ pháo 241 hoàn toàn bị tê liệt không phản ứng được chút gì. Địch chỉ còn cách phá rối liên lạc vô tuyến điện của pháo binh ta. Khẩu lệnh ta hô từ đài quan sát xuống trện địa chúng làm cho sai lạc đi, ta hô tăng chúng hô giảm, ta hô sang phải chúng hô sang trái v.v… và chúng tạo tiếng ồn ào làm nhiễu loạn trong vô tuyến điện. May mà anh em chiến sĩ ở đài quan sát toàn là dân đại học đi nghĩa vụ, các em rất thông minh, sáng tạo, khắc phục được mọi sự cố kỹ thuật và rất dũng cảm, không kể bom đạn mỗi khi phải đưa máy lên khỏi công sự để dễ nhận tín hiệu hơn.

Một chiến sĩ VTĐ báo cáo với tôi:
   - Có một thằng nó yêu cầu gặp thủ trưởng.
   - Nó phá rối đấy chứ gặp gì, mặc kệ nó.

Một lát sau chiến sĩ lại báo cáo:
- Thằng đó xưng là trung tá chỉ huy trưởng xin gặp Sao Hôm

Sao Hôm là mật danh đài quan sát chỉ huy. Theo cách xưng hô tôi đoán có lẽ là một viên sĩ quan, tôi cầm máy:
   - A lô! Tôi là Sao Hôm đây! Các anh gặp có việc gì.
   - Tôi, trung tá Phạm Văn Đính, chỉ huy trưởng trung đoàn 56 xin được gặp cấp chỉ huy cao nhất. Xin ông cho biết danh tính cấp bậc.

Nghe câu nói đó tôi nghĩ anh này chắc được huấn luyện rất chính qui từ bên Mỹ. Riêng tôi, chưa từng dự kiến đối thoại với địch nên lúng túng không biết xưng hô thế nào.
   - Chúng tôi không có thói quen xưng hô tên tuổi cấp bậc với đối phương trong lúc tác chiến, anh gọi tôi là Sao Hôm là được rồi. Tôi không phải là cấp chỉ huy cao nhất nhưng có thể trả lời những gì anh cần hỏi, nếu quá quyền hạn tôi sẽ chuyển đạt lên cấp trên.
   - Tôi đề nghị các ông dừng hỏa lực trong 1 giờ, chúng tôi muốn thương lượng.

Tôi dùng điện thoại báo cáo lên cấp trên, sư đoàn điện xuống “Anh có thể gọi họ là ông, anh bảo nó đầu hàng đi chứ còn thương lượng gì”.

Tôi trả lời cho viên trung tá chỉ huy trưởng:
   - Tôi nghĩ đề nghị của ông không thích hợp, các ông đã mất Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn rồi. Lữ đoàn thiết giáp lên giải vây cho các ông đã bị đánh tan, chạy lui rồi. Đông Hà cũng sắp mất. Chắc ông cũng đã nghe tiếng súng máy gần kề rồi. các ông hạ vũ khí ngừng chiến đấu là tốt nhất. các ông nên đầu hàng đi.
   - Có đầu hàng cũng cần thảo luận các điều kiện chứ!
   - Không cần thảo luận đâu. Ông có biết chính sách 10 điểm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam không?
   - Tôi có biết
   - Chúng tôi chấp hành đầy đủ chính sách 10 điểm đó.
   - Nhưng tôi cũng cần triệu tập các sĩ quan dưới quyền, họ chỉ huy từng bộ phận rải rác khắp nơi và cần thời gian để họp.

Cấp trên vẫn theo dõi cuộc nói chuyện trên VTĐ của tôi, lúc này gọi xuống hướng dẫn cho tôi một số thủ tục.

Tôi nói với trung tá Đính:
   - Vậy thì tôi đồng ý ngừng hỏa lực trong 1 giờ như yêu cầu của ông. Còn yêu cầu của chúng tôi là ông cho kéo cờ trắng lên cột cờ trung tâm căn cứ trước khi ngừng hỏa lực. sau khi ngừng hỏa lục được 30 phút, một nửa số quân của ông phải ra khỏi công sự, lên mặt đất, không mang vũ khí.
   - Tôi thỏa thuận và đề nghị ông dừng hỏa lực, ông cho treo cờ đi.

Qua ống nhòm chúng tôi thấy có 1 người lính trèo lên nóc lô cốt phía Tây phủ lên đó một tấm vải trắng rồi vội vàng tụt xuống hầm.

Một lát trung tá Đính gọi tôi:
   - Ông đã thấy cờ trắng trên cột cờ chưa?
   - Tôi thấy không có, nhưng có một binh sĩ phủ tấm vải trắng lên nóc lô cốt phía Tây.

Im lặng một lát, tôi nghĩ chắc là người lính quá sợ không dám rời xa công sự chạy ra cột cờ, còn chỗ ông Đính thì không thấy được cột cờ chứ không có sự gian dối gì.

   - Thế cũngđược. Bây giờ chúng ta bắt đầu thực hiện ngừng hỏa lực và thực hiện các việc trong lúc ngừng hỏa lực.

Tôi và trung tá Đính thống nhất đồng hồ, xác định thời điểm bắt đầu ngừng hỏa lực và thời điểm hết hạn ngừng hỏa lực theo giờ Hà Nội và giờ Sài Gòn. Sau đó không lâu trung tá Đính báo cáo cho tôi là thuộc hạ ông cũng đồng tình hạ vũ khí về với Chính phủ Cách mạng.
Theo sự hướng dẫn của trên, tôi thống nhất với ông Đính, bên ông cử một phái đoàn gồm một sĩ quan cấp đại úy đi cùng 2 người cầm cờ trắng đi ra cổng hướng Đầu Mầu, ở đó có đại diện của ta đón tiếp. Tôi chuyển lời cấp trên cho ông Đính rằng nếu ông bắt được 2 cố vấn Mỹ của căn cứ cùng theo thì sẽ được trọng thưởng. Ông Đính nói họ tình nguyện đi theo ông.

Binh sĩ căn cứ 241 lần lượt lên khỏi công sự, ban đầu còn lẻ tẻ dè dặt nhưng rồi mỗi lúc một nhiều và không khí trở nên nhộn nhịp nô nức.
Đột ngột trinh sát hướng Đông báo về đài chỉ huy, có 2 trực thăng bay rất thấp từ hướng Đông lên. Hàng trăm con người đã bộc lộ trên mặt đất, không thể vì 2 tên Mỹ mà trút pháo xuống căn cứ được, chúng bay thoát.

Binh sĩ của căn cứ được hướng dẫn đi về nơi qui định, tuy không bắt buộc nhưng mỗi người đều tạo ra một lá cờ trắng cầm tay.
Sau khi binh sĩ ra khỏi căn cứ, trung tá Đính chào từ biệt tôi. Trước khi cắt liên lạc VTĐ trung tá cẩn thận nhắc “Tôi đã ra khỏi hầm chỉ huy, ông hãy lệnh cho pháo thủ ra khỏi pháo”.

Ở trên tôi đã kể rằng khi hỏi anh Đính có biết chính sách 10 điểm của mặt trận không, anh trả lời không chút ngập ngừng, tôi có biết. Chắc người sĩ quan này hẳn từng nghĩ suy về cuộc kháng chiến của dân tộc và lương tâm từng trăn trở. Khi nói chuyện trên VTĐ anh Đính cho biết cha anh người Quảng Ngãi. Từ ngày khởi nghĩa đến cuối năm 1954, chín năm ấy Quảng Ngãi sống dưới chính thể Dân Chủ Cộng hòa. Trung tá Đính quyết định không chống cự lại quân giải phóng không chỉ vì áp lực quân sự lúc bấy giờ mà ý định đó phải chăng nảy mầm từ trước nữa. Quân đội nhân dân ta thấu hiểu điều đó và đánh giá cao tấm gương cho các sĩ quan trong hang ngũ quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ.

Nha Trang tháng 10,  năm 2004.

Hồ Văn Duyệt

Hình chụp ba tôi đại úy pháo binh Hồ Văn Duyệt đội mũ tai bèo, đeo súng ngắn, hàng đầu bên trái đang bắt tay đối phương đăng trong một quyển sách Mỹ xuất bản năm 2008 (Vietnam's forgotten army:heroism and betrayal in the ARVN)







Ba tôi và các cháu nhân lễ thượng thọ 80 tuổi tháng 8 năm 2010, tại nhà 96B/1 Trần Phú, Nha Trang




 



http://hothihongnhungdr.blogspot.com
Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 05:18:22 pm »

      Chào Sa Pa
 Đọc bài của anh tôi rất vui vì có người cũng quan tâm đền chuyện của chiến trận một thời đã qua. Tôi nghĩ anh chăc rất tự hào vê cha
 Ở ngoài này chúng tôi có 1 nơi hàng tuần gâp nhau của những người đã là lính và những người bạn. Trụ cột là cac anh lính sinh viên 1972 Quảng Trị, địa điểm 19c Ngoc hà Ba đình Ha nội. Họ viết rất nhiều trên MVH đấy
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 06:32:17 pm »

      Chào Sa Pa
 Đọc bài của anh tôi rất vui vì có người cũng quan tâm đền chuyện của chiến trận một thời đã qua. Tôi nghĩ anh chăc rất tự hào vê cha
 Ở ngoài này chúng tôi có 1 nơi hàng tuần gâp nhau của những người đã là lính và những người bạn. Trụ cột là cac anh lính sinh viên 1972 Quảng Trị, địa điểm 19c Ngoc hà Ba đình Ha nội. Họ viết rất nhiều trên MVH đấy

Cảm ơn @Zin Ba Cầu. Vâng để góp phần vào việc đối phương đầu hàng thì cái mà Sapa (chị - ko phải anh mô Smiley)) ) nghĩ đến đầu tiên là đỡ bao nhiêu xương máu của người lính cả hai bên, đỡ bao gia đình đỡ mất mát, chia ly, trẻ mồ côi... Là người lính trên trận mạc, được trảii nghiệm như vậy là hơn cả "chiến thắng" anh ạ.

Sapa hy vọng một ngày gần đây sẽ được gặp anh em "Trụ cột ở 19c Ngoc Hà, Ba Đình, Hà Nội".

Từ nay đến ngày 02 - 4 -2012, Sapa sẽ cố đưa lên những hình ảnh mới nhất từ Quảng Bình - Vĩnh Linh - Quảng Trị chia xẻ với anh chị em.

Thân ái.
Sapa
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 10:35:21 pm »


...Sư đoàn 324 là đơn vị chủ yếu đánh chiếm căn cứ Caroll, Tư lệnh trưởng sư đoàn lúc đó là đại tá Hoàng Đan. Trung đoàn 38, pháo binh dự bị chiến lược của Bộ, Trung đoàn trưởng lúc đó là trung tá Nguyễn Cao Sơn....

@Sa pa: Trong bài viết của ông cụ có nói vể sư đoàn 324 của tư lệnh Hoàng Đan. Có lẽ thời gian đã 40 năm ông cụ lại tuổi cao nên nhầm lẫn. Đây là sư đoàn 304 do đại tá Hoàng Đan là sư trưởng đã đánh căn cứ Caroll. Thời gian đó sư đoàn 324 của đại tá Chu Phương Đới hoạt động ở tây Hải Lăng.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
son-tac
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 11:23:30 pm »

  Chào các chú các anh , hôm nay vào QSVN thấy có bài viết này cháu cho bố đọc . Bố cháu chiến đấu ở Quảng Trị phần lớn thời gian quân ngũ , trong 81 ngày đêm đó bố cháu tham gia 11 ngày sau đó ông bị thương nặng do sập hầm chữ A vì bom . Cháu sẽ động viên ông tham gia cùng các chú , nhưng sẽ hơi khó vì ông cũng gần 70 rồi .
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 09:52:14 am »


@Sa pa: Trong bài viết của ông cụ có nói vể sư đoàn 324 của tư lệnh Hoàng Đan. Có lẽ thời gian đã 40 năm ông cụ lại tuổi cao nên nhầm lẫn. Đây là sư đoàn 304 do đại tá Hoàng Đan là sư trưởng đã đánh căn cứ Caroll. Thời gian đó sư đoàn 324 của đại tá Chu Phương Đới hoạt động ở tây Hải Lăng.

@lexuantuong1972: Sapa chỉ chép lại bài ba của Sapa viết và đăng trên Tạp chí "Xưa và Nay" năm 2004 thôi. Năm ấy cụ 74 tuổi rồi.

  Chào các chú các anh , hôm nay vào QSVN thấy có bài viết này cháu cho bố đọc. Bố cháu chiến đấu ở Quảng Trị phần lớn thời gian quân ngũ , trong 81 ngày đêm đó bố cháu tham gia 11 ngày sau đó ông bị thương nặng do sập hầm chữ A vì bom. Cháu sẽ động viên ông tham gia cùng các chú , nhưng sẽ hơi khó vì ông cũng gần 70 rồi .

@son-tac: Sapa gửi lời chúc sức khỏe bố bạn. Cố gắng giúp và động viên bố bạn viết ra những gì đã trải nghiệm trong cuộc chiến khốc liệt ấy trước khi mọi việc đi vào lãng quên. Người trong cuộc viết ra cảm xúc chân thật sẽ giúp ích cho hậu thế. Mỗi dòng viết mỗi viên sỏi, mỗi bài viết mỗi viên đá xây nên bức thành ngăn chặn những ý muốn chiến tranh của những cá nhân hay nhóm người hiếu chiến. Cha mẹ chúng ta, ông bà chúng ta có quyền được có cuộc sống bình thường, yêu ghét, sướng khổ, tình bạn, tình yêu... được sống trong một xã hội ngăn chặn cuộc chiến một cách tốt nhất trong hòa bình và danh dự, không có cảnh người Việt giết nhau và toàn vẹn lãnh thổ.
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 11:00:50 am »

TP.HCM, Ngày 23-3-2012
Lần đầu đến căn cứ 241 trong suốt thời hậu chiến Việt Nam tính từ 1972, đến nay đúng 40 năm trận đánh ở Quảng Trị của ba Hồ Văn Duyệt (đại úy pháo binh lúc đó)  bên binh chủng pháo binh với bên lính Việt Nam Công Hòa do trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy. Lần tìm tư liệu lịch sử cả hai bên đối phương để có được một số nhân chứng, tư liệu.
Về đến nhà tối qua lúc 11 giờ đêm.

Suốt cả chuyến đi, người như phát ốm về những gì mắt thấy tai nghe trên suốt hành trình. Thực ra thì sau suốt thời gian tìm đọc tài liệu về cuộc chiến Quảng trị 1972 trên mạng đã bị chấn động. Tim óc đau đớn bải hỏa vì sự khốc liệt, chết chóc. Xem bản đồ thì địa danh nào cũng có dòng chữ bên dưới "Destroyed" ( đã bị phá hủy). Trước ngày đi may mắn tìm thấy một tấm hình của ba đang đón tiếp đồi phương đầu hàng trong một quyển sách Mỹ xuất bản năm 2008 (Vietnam's forgotten army:heroism and betrayal in the ARVN). Dáng người ba vẫn như lúc nào cũng vậy: Cao, gầy guộc, đầu đội mũ tai bèo làm lòng nhói đau. Cả sự may mắn sao ba còn sống xót trở về từ cái chiến trường mà nhà văn Bảo Ninh viết trong "Nỗi buồn chiến tranh" rằng: "Trông hoang vu thế thôi chứ dưới đất kia người nằm đã đông chật cả rồi".

Lộ trình chuyến đi từ nhà ra Đồng Hới để bắt đầu theo đường Hồ Chí Minh vào Nam. Quãng đường đi qua cung đường 20, nơi có miếu thờ "Động Tám Cô" và đền thờ những người lính và thanh niên xung phong "Đường 20 quyết thắng" đã gặp những núi non hiểm trở, núi rừng thâm u mà sau 40 năm chiến tranh như vẫn đang ôm giữ nín chặt  điều gì đó, ôm trong lòng mà chưa muốn mở lòng với hậu thế. Những điều linh thiêng xảy ra đã làm mình cảm nhận những điều u uất... Mình như bị đặt lên hai vai một gánh nặng quá sức. Đến giờ gánh nặng vẫn chưa được đặt xuống.

Xưa kia thời sinh viên tuổi 20 mình đã từng tham gia cả tháng đào kênh ở Triệu Phong. Ngày ấy cát trắng, nắng bỏng... Nay cả Quảng Trị đã phủ một màu xanh bạt ngàn. Người Quảng Trị thật cần cù, chịu khó. Ra vào mùa xuân. một loại hoa dại nhỏ màu trắng nở khắp nơi. Hoa xoan, hoa bơ nở bát ngát, đẹp nhất là ở nông trường Tân Lâm nơi có Camp Carroll ... đẹp nao lòng.

Dẫu sao cũng phải viết ra mấy lời đầu tiên, những lời dành cho ba, với lòng yêu thương tràn ngập nỗi buồn về cuộc chiến tranh mà ba đã trải qua và còn sống trở về với gia đình. Một phần tri ân những người lính miền Bắc đã chiến đấu nơi chiến trường Quảng Trị.

Và cùng tấm lòng thương xót ngập tràn tim óc,  lồng ngực như bị đá tảng đang đè nặng và nghẹn nuốt nước mắt cho những người lính cả 2 bên chiến tuyến chết thảm khốc trên chiến trường Quảng Trị. Cầu mong các anh chị đã được siêu thoát và sẽ sớm siêu thoát, được giải thoát hay tái sinh nơi an lành, hạnh phúc.

Ngọc Lan, cô bạn thân nhất thời Y Huế là bác sĩ vi trùng học đang làm việc tại Trung Tâm Y tế Dự phòng Đông Hà Quảng Trị đã từng ngang dọc chống dịch nơi này, đưa đi thăm mọi địa điểm theo bản đồ các cứ điểm của cả hai phía sưu tập được trên mạng. Thị trấn Cam Lộ, Quất Xá là quê chồng của cô.

Theo Đường 9 hay đường AH16 xuyên Á lên thị trấn Cam Lộ là con đường rất đẹp. Đầu tiên là ghé điểm bảo tàng vị trí ký hiệp định hòa bình 1972 của Chính phủ cách mạng Lâm thời Việt nam. Rồi gặp biển báo "Căn cứ 241 (Carroll)", rẽ trái lên vùng đồi nay thuộc nông trường Tân Lâm. Trước khi lên Carroll,  chạy thẳng tiếp khoảng 1 cây số thăm cầu Đầu Mầu  rồi mới trở lại lên đồi có căn cứ 241.

Dừng ngắm nhìn chiếc cầu có tên là Đầu Mầu bắc qua con suối La la (mà mình đã biết từ hồi nhỏ qua bài hát). Một căn cứ hỏa lực của VNCH  tên là căn cứ Đầu Mầu theo ba viết thì đã bị thất thủ đặt theo tên chiếc cầu này. Căn cứ bị xóa sổ trước trận đánh - đầu hàng của căn cứ 241-Camp Carroll (căn cứ Tân Lâm theo cách gọi của Bắc Việt Nam). Chiếc cầu chắc là được xây từ thời Pháp nếu nhìn vào lối kiến trúc. Nhìn chiếc cầu mình nghĩ đến những chiếc cầu trên các ngọn núi Thụy sĩ, trên con đường tàu hỏa từ Lausanne đến núi Zematt. Kiểu kiến trúc vòm vững chắc nhất về sức chịu lực. Lạ là vị kỹ sư Pháp xây nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đứng ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cầu đầy vết đạn như hút hồn. Nó vẫn tồn tại đấy sau những trận đánh. Cầu Đầu Mầu thật là có lý do tồn tại.

Những thổn thức còn tràn ngập nỗi lòng sau chuyến đi về. Như mới trải qua một trận ốm nặng, chưa thể viết được nhiều. Vài lời cho vơi bớt con tim khốn khổ.

---------
Căn cứ 241 - Camp Caroll ngày nay thuộc nông trường Tân Lâm. Mặc dù đã từng ra Quảng Trị vài lần nhưng vẫn luôn ám ảnh về vùng đất nắng, cát trắng, gió Lào khiếp đảm.
Nay trở lại, đi xuyên qua nhiều vùng đã khác hẳn. Vùng Tân Lâm phủ xanh cây cối, không còn khoảng đất trống. Những vườn cao su còn non phủ kín vùng bình nguyên, thoạt nhìn như vùng bình nguyên Gia Lai.
Đang là mùa xuân nên cỏ cũng xanh rì. Trên con đường nhỏ, đẹp đến căn cứ, hoa xoan nở tím hai bên đường. Những ngôi nhà nhỏ và vườn cây êm đềm như muốn dấu kín những trang bom đạn cày xới. Vườn xanh có giúp những hương linh còn chưa siêu thoát mát mẻ những ngày hè đổ lửa...?




Địa danh căn cứ 241




































Phía trước mặt đài tưởng niệm là rừng cao su non










Ngọc Lan bảo rau tàu bay thơm lắm, hai đứa hái mang về nhà. Mình vừa hái vừa nghĩ ngợi mung lung rằng những người lính năm 1972 có giỏi về viễn tưởnbg cũng không thể nghĩ đến cảnh an lành như thế này cũng tại nơi đây.




Hoa rau tàu bay đây này






Thanh bình nơi từng là căn cứ 241







Đường từ căn cứ 241 trở về















Sapa - Hồ Thị Hồng Nhung
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2012, 03:12:16 pm gửi bởi sapa » Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 12:34:38 pm »

                                             Chào Sa Pa
 Thì ra người con có hiếu của Thủ trưởng Hồ văn Duyệt lại là kiều nữ. Bạn chắc đc sinh ra ở miền Bắc nên mới lấy nich là Sa Pa.
 Rất cảm phục và trân trọng chuyến đi về thăm " Chiến trường xưa " của các bạn. Thấy ảnh hai bạn hái rau hái hoa Tầu bay thật lãng mạn, bạn có biết ở những khu đất ấy vẫn còn sót lại đạn pháo, bom, mìn đấy !  Hai bông hoa cúa miền Trung hơi chủ quan đấy.
Logged
sapa
Thành viên
*
Bài viết: 106


« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 02:11:37 pm »

Thấy ảnh hai bạn hái rau hái hoa Tầu bay thật lãng mạn, bạn có biết ở những khu đất ấy vẫn còn sót lại đạn pháo, bom, mìn đấy !  Hai bông hoa cúa miền Trung hơi chủ quan đấy.

@Zin Ba Cầu: Sapa và cô bạn Ngọc lan đều học y Huế khóa 78-84, thời ấy các thầy BS khoa ngoại phải mổ rất nhiều ca đa thương tích do bom mìn từ Quảng Trị đưa vào. Có ca kéo dài rất nhiều giờ đồng hồ, cả ngày lẫn đêm. Ngày ấy tiêu chuẩn gạo chủ yếu là hạt bobo, có lẽ là những năm đói kém nhất, SV như Sapa chỉ có bobo, sắn khô lát, Sapa đau dạ dày ko ăn được nên đã ăn cháo trắng suốt 5 tháng. Ca mổ rất mệt mỏi cả thầy mổ lẫn trò thực tập. Ngày ấy có thầy ngoại là BS Lượng tính nóng. Có hôm mấy cô y tá ngoại phụ mổ không hiểu ý thầy, đưa sai dụng cụ, đêm khuya, mệt mỏi, ca mổ căng thẳng, dài... thầy cáu đá tung cả thùng đựng bông băng, gạc máu me, xương thịt văng ra cả trong phòng mổ.

Lại nữa, hè năm 1979 sapa đi lao động cả tháng đào kênh ở Triệu Phong, ai cũng biết là có thể dính bom mìn vi trước đó, trường Y và bệnh viện TW Huế đã từng đi lao động trồng khoai ở Cồn Tiên, Dốc Miếu trúng mìn, chị Thu khoa Vi trùng nơi Sapa thực tập đã mất 1 chân lên tận đùi và hư 1 mắt.

Trước đó bao năm người của nông trường Tân Lâm, nghe nói còn có Binh đoàn Trường Sơn trồng rừng, trồng cao su đã bao năm dọn dẹp khai khẩn rồi.

Cuối cùng là còn có Hồn thiêng che chở để còn đi tới nơi, về tới chốn chia xẻ cho nhiều người ko có cơ hội đi thăm mà.

Quả thật lúc lội hái rau tàu bay thì chả nghĩ gì, bây giờ ní nuận cùn vậy thôi Smiley
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM