Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:19:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 4  (Đọc 264557 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #410 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2012, 11:27:32 pm »

Em nhận ra bác áo trắng với câu nói ấn tượng "thằng nào nằm trong Thành cổ lên đây chụp hình với tao... ". Có phải bác LQT không hả bác Tường?

@HAN_DCT: Nhân vật này là em họ tôi (bà cô ruột tôi là người HN đi bộ đội bị ông Hoa thanh quế biến thành người xứ Thanh) . Nó chém gió hơi bị ghê. Là lính c7/d5/e95 ở trong Thành cổ từ 27/7 đến 4/8 thì bị thương ra nhưng chém gió dường như hắn ở trong đó 81 ngày, huênh hoang nói với VTV rằng năm nào cũng đi QT 1 lần. Anh em cùng đơn vị không thèm chấp cho nên càng được thể chém gió. Mớ kiến thức trong đầu hắn thu nhập quanh các bàn bia và không bao giờ được kiểm chứng.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2012, 09:04:10 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #411 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 05:02:07 am »

@LXT : về bài #430
Bạn viết tốt . THáng 7 cần những bài như thế này Tường ạ . Vào NTLS Từ Liêm ở Tây Tựu coi như T gặp anh rể lại có bao nhiêu là đồng ngũ , đồng môn . Tháng 7 ở các NTLS nồng nàn khói hương . Còn hết tháng 7 lại lặng lẽ .
Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #412 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 05:20:57 am »

Thôi thế cũng được các anh ạ, tháng bảy là giỗ chung và ngoài tháng bảy mỗi ngày lại có giỗ riêng, người nhà bao giờ cũng nhớ đến và thắp một nén hương chào hỏi mà.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #413 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 09:11:59 am »

Một thời trận mạc
81 NGÀY ĐÊM RỰC LỬA TẠI THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972 (Bài 1)

QĐND - Thứ Bẩy, 07/07/2012, 9:44 (GMT+7)

Bài I: Khí phách kỳ diệu

QĐND - Qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, cùng với biết bao vùng đất quả cảm, kiên cường của đất nước, tỉnh Quảng Trị huyền thoại là minh chứng hùng hồn cho đỉnh cao khí phách và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bắt đầu từ trưa ngày 30-3-1972, sau hai cuộc tiến công bất ngờ và quả cảm, với binh chủng hợp đồng quy mô lớn của quân ta, ngày 2-5-1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng, sau 18 năm, bị Mỹ-ngụy chiếm đóng. Trong chiến dịch này, ta đã đánh tan tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị. Hơn ba vạn quân giặc bị loại khỏi vòng chiến đấu; 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng, 237 khẩu đại bác và nhiều vũ khí đạn dược của địch bị phá hủy hoặc lọt vào tay Quân giải phóng.

Sau những giờ phút hoàn hồn, để lấy lại tinh thần và nhằm gây sức ép với ta tại Hội nghị Pa-ri, họp lại vào ngày 13-7-1972, đã nhiều lần trì hoãn, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích, tái chiếm Quảng Trị, mà mục tiêu số 1 là chiếm lại tòa Thành cổ. Chúng gọi tên cuộc hành quân này là “Lam Sơn 72” và bắt đầu từ ngày 28-6-1972.

Địch huy động máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần (có ngày 220 lần), 70-90 lần chiếc B-52; 12-16 tàu khu trục hạm và tuần dương hạm, thuộc Hạm đội 7; 2 sư đoàn dự bị chiến lược là sư dù và sư thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép), cùng hàng chục tiểu đoàn khác.

Đây là cuộc hành quân cực kỳ tàn bạo mà kẻ thù không từ một hành động tội ác nào: Ném đủ các loại bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiểu bằng la-de; bắn đủ các loại pháo chụp, pháo khoan; thả chất độc hóa học, hơi độc và hơi ngạt... Số bom đạn chúng ném xuống đây khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản), năm 1945.


Thanh niên, sinh viên nhập ngũ vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành cổ, có chu vi 2.080m, rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.

Chính trong chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt đó của kẻ thù, Thành cổ Quảng Trị đã mở đầu trang sử vô cùng oanh liệt, hào hùng bằng cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ, hiểm nguy và dũng cảm qua 81 ngày đêm mùa hè rực lửa, rung chuyển cả nước và toàn cầu từ ngày 28-6-1972 đến ngày 16-9-1972.

Lực lượng ta ở vòng trong thị xã, lúc đầu có Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương. Khi cao điểm, có thêm Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 64. Chỉ huy sở của Mặt trận thị xã đặt tại hầm trong dinh Tỉnh trưởng ngụy, bên bờ sông Thạch Hãn. Lực lượng vòng ngoài có Sư đoàn 320B ở cánh Đông, Sư 308 ở cánh Nam, cùng các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ và lực lượng du kích các xã phụ cận. Các chốt quan trọng như: Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, trường Bồ Đề, ngã ba Cầu Ga... là những nơi, quân ta bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, hy sinh, kiên quyết đập tan các đợt phản kích của địch. Đặc biệt, trong Thành cổ Quảng Trị, là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần chiến đấu phi thường, huyền thoại, cực kỳ dũng cảm, hy sinh của quân dân ta. Tại đây, trung bình, một chiến sĩ phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Có ngày như ngày 25-7-1972, kẻ thù bắn vào Thành Cổ 5.000 quả đạn. Bốn dãy tường thành ở bốn phía đông, tây, nam, bắc, dày 12m, đều bị vỡ dần; đến một viên gạch nơi đây cũng không còn nguyên vẹn.

Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại. Và cách đánh địch nhiều khi cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: Súng cối 60mm, được các chiến sĩ kẹp nách, bắn ứng dụng liên tục mấy chục quả một lần; lựu đạn sau khi rút chốt, phải tính toán sao cho khi nó vừa bay tới mục tiêu là nổ. Có lúc, chiến sĩ bò sát miệng hầm của địch rồi mới tung lựu đạn vào. Trong một trận đánh, có chiến sĩ bắn tới 14 quả đạn B40, diệt 32 tên địch. Tại mặt trận, nhiều chiến sĩ bị thương một, hai, thậm chí ba lần, vẫn chiến đấu, không chịu về tuyến sau. Các chiến sĩ bộ binh, công binh, quân y, thông tin, đều cầm súng đánh địch. Bằng tính kỷ luật tuyệt vời, tinh thần dũng cảm, ý chí ngoan cường và sự hy sinh vô bờ, ai nấy kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, ác liệt, hào hùng, đầy hy sinh và mãi mãi bất tử.

Đại đội 1, Tiểu đoàn 25 vận tải, Sư đoàn 320B nhận thấy, nếu chỉ dùng sức người mang vác vũ khí vào thị xã và dùng võng cáng thương binh ra, với quãng đường dài hàng chục cây số, dưới làn bom đạn của máy bay, pháo mặt đất và pháo hạm của địch thì khá vất vả, hiểm nguy mà hiệu quả thấp. Còn như dùng thuyền, vận chuyển qua sông Thạch Hãn, sẽ được nhiều hơn. Ban chỉ huy đại đội bàn bạc và thống nhất với phương án của Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Mai (sau này, đồng chí là giảng viên của Học viện Lục quân Đà Lạt), vận động địa phương cho dùng thuyền máy của bà con ngư dân đi sơ tán, để lại ở các thôn, xóm ven sông, làm phương tiện vận chuyển. Được cấp trên chuẩn y, các chiến sĩ khẩn trương tìm những chiếc thuyền có máy móc còn tốt và một số thùng dầu ma-dút để chạy máy.

Nhớ lại những ngày ấy, các chiến sĩ không thể quên sự giúp đỡ tận tình, có hiệu quả và tình cảm chân thành của nhân dân cũng như du kích bốn thôn: Nhĩ Hạ, Vĩnh Quang, Mai Xá, Lâm Xuân... Những chiếc thuyền đánh cá, đầu máy xe tải nhỏ, máy bơm nước, máy xay xát thóc gạo, các thùng nhiên liệu chạy máy... đều là tài sản lớn mà bà con chắt chiu, dành dụm trong nhiều năm để làm ăn sinh sống. Nhưng khi bộ đội xin được trưng dụng thì ai cũng sẵn sàng ủng hộ và nói: “Mấy chú từ miền Bắc vô đây chẳng tiếc máu xương để giải phóng cho bà con, thì tụi tôi tiếc chi các thứ đó...”.

Thôn Nhĩ Hạ có o Hồng, du kích, mới 17 tuổi, mặt tròn, da trắng, mắt bồ câu. Hồng đang dẫn đường cho bộ đội thì bị pháo địch bắn dữ dội. Một số chiến sĩ mới vào chiến trường, chưa quen trận mạc nên hốt hoảng, lúng túng. Giữa lúc ấy, o bình tĩnh hướng dẫn anh em xuống trú ẩn vào các hố bom vừa nổ, bảo toàn lực lượng.

Có thuyền và nhiên liệu chạy máy, phân đội vận tải thủy của đơn vị được thành lập, kèm theo một tổ bảo đảm kỹ thuật mà nòng cốt là mấy chiến sĩ quê ở hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngay trong 5 đêm đầu tiên, đơn vị đã vận chuyển được 8 tấn vũ khí vào thị xã Quảng Trị và đưa gần 100 thương binh về tuyến sau an toàn. Nhưng rồi địch phát hiện ra, nên cuộc chiến ác liệt trên sông Thạch Hãn bắt đầu...

Để tìm diệt thuyền tiếp tế của ta, đêm đêm, chúng cho máy bay thả đèn dù sáng rực và rải bom từ trường trên sông, nhiều nhất là đoạn từ cầu Quảng Trị, thôn Nhan Biều đến căn cứ Ái Tử. Với ánh sáng đèn dù, các chiến sĩ cứ nghe tiếng máy bay và tiếng nổ “bụp” trên trời, liền cho thuyền đã ngụy trang, tắt máy, áp sát vào bờ; đợi đèn dù tắt, máy bay đi xa, lại tiếp tục công việc. Nhưng đối phó với bom từ trường thì không dễ, bởi bom chìm sâu dưới lòng sông, rất khó phát hiện. Nếu thuyền đi qua, tác động của chân vịt, bom sẽ phát nổ, gây thương vong, nhấn chìm vũ khí, đạn dược.

Thời gian đầu, bom từ trường của địch đã phá hủy nhiều thuyền của ta và làm hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đồng chí Phạm Vụ, Chính trị viên đại đội, dẫn một tổ đi tìm kiếm thi hài đồng đội để chôn cất, đã phải thu nhặt từng mảnh thi thể liệt sĩ bị bom địch hất lên bờ sông. “Cái khó ló cái khôn”, phải tìm cách chế ngự sự hiểm nguy này.

Đơn vị cử một tổ được tăng cường ba chiến sĩ công binh của Sư đoàn 320B và có du kích địa phương giúp đỡ, thực hiện rà phá bom từ trường bằng phương pháp thủ công: Dùng dây ni-lông, buộc các thùng đạn đại liên của địch (cách 5m một thùng), với độ sâu từ 1,5 đến 2m, có cây chuối làm phao; rồi chăng ngang sông và kéo xuôi dòng chảy để kích cho bom nổ. Trong quá trình rà phá bom, anh chị em phát hiện nhiều thi thể bộ đội ta hy sinh trong lúc vượt sông sang Thành cổ Quảng Trị, trôi theo dòng nước khiến anh chị em sục sôi căm thù giặc. Đêm đêm, khi đưa thuyền ngang qua các đoạn sông có bom từ trường, để hạn chế thương vong, ta tắt máy, chỉ để một người trên thuyền cầm sào giữ hướng, số còn lại, buộc dây vào mũi thuyền, lội theo mép nước, kéo qua đoạn nguy hiểm.

Trong 81 ngày đêm diễn ra chiến dịch bảo vệ thị xã, Thành cổ Quảng Trị, thì có đến gần 40 đêm, thuyền của Đại đội 1, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thương binh cho các đơn vị bộ đội. Thường thì, mỗi đêm từ một đến ba chiếc qua sông và hầu như, đêm nào cũng có đồng đội hy sinh. Khó khăn, gian khổ và hiểm nguy như vậy, nhưng với khẩu hiệu “Đoàn Quang Sơn còn thì thị xã, Thành cổ Quảng Trị còn”, “Đại đội 1 còn thì Đoàn Quang Sơn còn được cung cấp vũ khí, đạn dược”. Anh em trong đơn vị đã đoàn kết một lòng, kiên quyết vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù để đưa những chuyến hàng tới đích.

Trong 81 ngày đêm, ngược xuôi dòng Thạch Hãn làm nhiệm vụ, một phần ba số quân của Đại đội 1 đã mãi mãi hóa thân vào dòng sông đầy máu lửa. Cùng với những con thuyền, hài cốt liệt sĩ của đơn vị còn nằm dưới lòng sông này. Linh hồn của các anh trở thành hồn thiêng sông nước.

... Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

(Thơ Lê Bá Dương)

Cuộc chiến đấu anh hùng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông hơn 5 vạn tên, với thừa thãi vũ khí, bom đạn hiện đại, một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ thù dù có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí kiên cường, một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đúng như cố Tổng bí thư Lê Duẩn tôn vinh về cuộc chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị: “Chúng ta đã chịu được không phải chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng chảy với bom đạn địch; mà chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống hàng nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Thành cổ cùng với thị xã Quảng Trị đã được Nhà nước ta tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lập nên những chiến công vang dội đó, nơi đây đã thấm đẫm máu của 18 nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Quảng Trị và cả nước. Dưới lớp cỏ non Thành cổ, ngã ba Long Hưng, được gọi là “ngã ba bom”, “ngã ba lửa”, dòng sông Thạch Hãn... bao nhiêu người con yêu nước đã mãi mãi nằm lại. Đời đời, con cháu luôn luôn tưởng nhớ một thời máu lửa, một thời oanh liệt, hào hùng mà cha anh đã làm tất cả để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống hòa bình, tươi đẹp như hôm nay.

-------------

Bài II: Người anh hùng và trận đánh huyền thoại

Ghi chép của CHI PHAN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/196492/Default.aspx
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2012, 10:43:44 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #414 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 09:21:58 am »

Một thời trận mạc
81 NGÀY ĐÊM RỰC LỬA TẠI THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ NĂM 1972 (BÀI 2)

QĐND - Thứ Bẩy, 07/07/2012, 23:17 (GMT+7)

Bài II: Người anh hùng và trận đánh huyền thoại

QĐND
-  Đường về xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đã láng nhựa nhẵn thín. Xã có 16 xóm với gần 2.800 hộ. Nhà xây kiên cố đã chiếm hơn 90%. Sản lượng bình quân đầu người đã đạt 1000kg thóc/năm. Khung cảnh yên bình, no ấm đang bao trùm lên Quỳnh Hoàng.

Nhân dân địa phương cũng như tuổi trẻ ở đây không bao giờ quên nỗi vất vả gian khổ, sự hy sinh xương máu của cha, anh trong các cuộc chiến đấu chống giặc, cứu nước. Với miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Hoàng luôn thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Một số gia đình có hai đến ba con nhập ngũ và đều trở thành liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hơn 1.200 con em của xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 167 là liệt sĩ. Đặc biệt, trong một con ngõ nhỏ, dài khoảng 300 mét, nối liền hai thôn An Trực và Đồng Trực của xã Quỳnh Hoàng, đã xuất hiện 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Nguyễn Thế Thao, Nguyễn Công Dị (tức Hồng Quân) và Nguyễn Hồng Thế. Chuyện này xưa nay thật hiếm có.

Anh hùng Nguyễn Thế Thao sinh năm 1944, dân tộc Kinh. Sau hai năm trong quân ngũ, tháng 3-1964, anh chuyển ra công tác tại Khu gang thép Thái Nguyên. Tháng 6-1967, Thao tái ngũ, cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào.


Bộ đội chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu


... Đầu tháng 3-1972, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, đơn vị chuyển về nước, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau một thời gian nghỉ ở Nghệ An, với cương vị Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Thế Thao đã cùng đồng đội góp phần viết nên trang chiến sử huyền thoại trong những ngày hè rực lửa ở Quảng Trị. Trận đánh của đơn vị làm kẻ thù bị bất ngờ, khiếp đảm, kinh hoàng là trận Đồi Cháy.

Điểm cao này nằm ở phía đông nam làng Như Lệ, xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, đã bị địch đốt cháy trụi, do một đơn vị lính thủy đánh bộ ngụy chiếm giữ. Chúng rất huênh hoang, cho đây là cứ điểm bất khả xâm phạm. Tại đây, chúng cho xây dựng nhiều lô cốt, được bao bọc bởi nhiều hàng rào thép gai xen với các bãi mìn. Địch gọi Đồi Cháy là "con mắt của thị xã Quảng Trị", đồng thời chọn nơi này làm bàn đạp, lấn dũi các địa bàn giải phóng khác. Hơn nữa, từ đây, chúng có thể phát hiện và ngăn chặn lực lượng, phương tiện, hàng hóa của ta từ Bắc vào thị xã Quảng Trị.

Trước đó, đơn vị bạn đã tiến công Đồi Cháy 3 lần nhưng không diệt được cứ điểm trên. Với Tiểu đoàn 6, Bộ chỉ huy Mặt trận B5 giao: "Trong hai ngày, phải giải quyết xong Đồi Cháy". Mọi người ý thức được rằng, trận này cầm chắc sự ác liệt, hy sinh. Nhưng không ai tỏ ra lo sợ. Trong đầu họ chỉ có một suy nghĩ, đó là làm thế nào để bảo đảm bí mật, bất ngờ, chắc thắng?

Sau khi đi trinh sát trận địa, một phương án táo bạo, độc đáo được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Thao cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn vạch ra: Thay vì đánh địch vào lúc nửa đêm, gần sáng như phương án của đơn vị bạn trước đây đã thực hiện, Tiểu đoàn 6 sẽ đánh địch từ khoảng 17 giờ trở đi. Đây là thời điểm chúng lơ là, mất cảnh giác nhất. Ngày 8-9-1972, đơn vị bí mật đưa 300 quân của 3 Đại đội 9, 10, 11 áp sát Đồi Cháy và chỉ cách địch khoảng 70 mét. Việc giấu quân ở cự ly này là rất thích hợp bởi vừa tiện cho xung phong tiêu diệt mục tiêu, vừa tránh được hỏa lực sát thương bằng pháo binh và không quân của địch.

Cán bộ, chiến sĩ của 3 đại đội đã vùi mình trong cát gần một ngày trời: Nhịn đói, nhịn khát, không dám ho... Chỉ một sơ suất nhỏ thì địch sẽ phát hiện được ngay và gây thương vong cho tiểu đoàn. Đến 3 giờ chiều, máy bay của chúng nhiều lần đến giội bom quanh Đồi Cháy nhưng quân ta vẫn an toàn vì ở rất gần địch.


Bộ đội chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Đúng 17 giờ 25 phút ngày hôm sau, lợi dụng lúc bọn địch đang nấu cơm chiều, sau những loạt hỏa lực phủ đầu, các chiến sĩ từ trong lòng đất, nhất tề bật lên như trận gió lốc. Tiếng hô xung phong vang động một vùng. Súng B41 nhả đạn. Các khẩu AK nhả đạn. Hàng loạt lựu đạn tới tấp quăng về phía địch. Kẻ thù bị tấn công bất ngờ nên rất hoảng loạn. Tuy nhiên, sau ít phút choáng váng, chúng bắt đầu phản công. Mũi đột kích của Đại đội 9 nhanh chóng chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài song bị chững lại ở lưng đồi, vì pháo của địch trùm lên Đồi Cháy. Từ trên cao, một ổ 12,8mm quét chéo xuống sườn đồi khiến quân ta không tiến lên được. Trước tình huống phức tạp, ác liệt, Hoàng Đăng Miện trườn lên, tìm vị trí thuận lợi, rồi bỗng đột nhiên đứng vụt dậy, giương khẩu B41, bóp cò! Sau tiếng nổ đanh, ổ 12,8mm của địch câm bặt (nếu nằm bắn, đạn sẽ vọt qua mục tiêu, không tiêu diệt được chúng). Các chiến sĩ tiếp tục tràn lên tiêu diệt kẻ thù. Miện đang lắp tiếp vào đầu súng quả đạn mới thì một vầng sáng chớp lóe trước mặt anh. Hoàng Đăng Miện đã anh dũng hy sinh.

Sau hai lần xung phong, đến 19 giờ ngày 9-9-1972, toàn bộ 160 tên địch bị tiêu diệt. Ta làm chủ hoàn toàn Đồi Cháy. Do có cách đánh bí mật, bất ngờ, táo bạo của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Thao và đồng đội, "con mắt của thị xã Quảng Trị" như tướng ngụy Bùi Thế Lân thường rêu rao ở Đồi Cháy, đã bị "chọc mù".

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong trận này, Nguyễn Thế Thao và liệt sĩ Hoàng Đăng Miện, người bị thương trong cả hai lần xung phong, vẫn xông lên tiêu diệt địch, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 23-9-1973. Như vậy là, trong trận Đồi Cháy, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 có hai cán bộ, chiến sĩ được phong tặng Anh hùng; mang lại niềm tự hào lớn cho đơn vị.

Về với đời thường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Thế Thao, hiện ở số nhà 194, đường Hoàng Văn Thái, Hà Nội. Đận đầu năm 2012, tôi đã gặp anh tại Hội nghị thành lập Ban tổ chức kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Quảng Trị (1972-2012) ở Hội trường Bảo tàng Phòng không - Không quân. Nguyễn Thế Thao là Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm lớn này. Trước các đồng chí, đồng đội, anh xúc động nói: "...Cách đây 40 năm, Chiến dịch mùa hè năm 1972 và Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị 1972 là chiến dịch kéo dài nhất, ác liệt nhất, mật độ bom đạn cao nhất. Từ mặt trận Quảng Trị đến trận "Điện Biên Phủ trên không" và Hội nghị Pari là bản Anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mà thắng lợi đó đã mở toang khu giới tuyến, cánh cửa ngăn cách hai miền Nam - Bắc, tạo ra cục diện mới rất thuận lợi cho chiến dịch toàn thắng mùa xuân năm 1975.

Thắng lợi huy hoàng nhưng cũng có nhiều hy sinh, tổn thất: Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Đau thương thật là vô hạn. Đã 40 năm qua rồi mà cảnh tượng bi hùng ấy ngỡ như ngày hôm qua. Những cảm xúc luôn đau đáu trong lòng khiến ai nấy còn sống trở về càng gần gũi, giúp đỡ nhau hơn trong cuộc sống đời thường. Hơn nữa, nhiều vấn đề tồn đọng sau chiến tranh cần được giải quyết như việc quy tập hài cốt liệt sĩ, chăm lo các gia đình chính sách còn gặp khó khăn, thiếu thốn.

Xuất phát từ những suy nghĩ đó, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Quảng Trị được thành lập và bắt đầu hoạt động...".

Cùng ở trong Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Lễ kỷ niệm trên, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá Nguyễn Thế Thao. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, không ồn ào mà thầm lặng, sâu sắc là bản tính của anh. Qua tâm sự, Thao cho biết: Trong trận tập kích sân bay Thầm Lửng ở Lào, như trên đã nói, anh bị thương nặng. Song không hiểu sao, bản thân vẫn còn sống. Thật kỳ lạ. Thao bị ngất nhiều lần và khi tỉnh lại, sờ vào đâu trên cơ thể cũng có máu. Cảm giác đầu tiên là khát. Anh quờ quạng xung quanh chẳng có gì uống được; thoáng nghĩ, phải cố bò về hang đá, chỗ sở chỉ huy đơn vị. Thao vừa thở vừa lê lết trên đất đá lởm chởm, khét mùi thuốc súng. Anh bò tới cửa hang thì đồng đội phát hiện được, vội dìu anh vào. Thao lại ngất xỉu...

Điều trị lành vết thương, Thao tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu. Từ Tiểu đoàn trưởng, anh lần lượt được đề bạt lên làm Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng rồi Lữ đoàn trưởng, Sư đoàn phó. Hòa bình lập lại, Nguyễn Thế Thao về Hà Nội giám định sức khỏe mới biết, mảnh đạn M79 quái ác của địch đã xuyên từ vai trái, thấu phổi của anh. Mảnh đạn đó vẫn găm ở đỉnh phổi trái và không thể mổ để lấy ra được vì đúng chỗ động mạch phổi. Gần 40 năm qua, những lúc thời tiết thay đổi, Thao phải ôm ngực, đau đớn, mồ hôi vã ra, hai mắt tối sầm. Vết thương khiến anh trở thành thương binh nặng với tỷ lệ thương tật tới 81%.

Đại tá Nguyễn Thế Thao tiếp tục tâm sự với tôi. Anh rủ rỉ, hóm hỉnh nói về "thời hiện tại" của mình:

- Tôi bị thương thế này, tưởng "ế" rồi kia đấy! Nhưng may "ông giời" thương, đến năm 1982, khi gần 40 tuổi vẫn lấy được vợ. Bà xã lại là bác sĩ cơ đấy, cùng quê Quỳnh Phụ, Thái Bình. May hơn nữa là chúng tôi sinh được hai cháu, đủ cả "nếp", "tẻ" và đều đã tốt nghiệp đại học.

Những năm cuối thời kỳ bao cấp, cuộc sống của hai vợ chồng vất vả lắm. Lúc đầu, nhà cửa chưa có, vợ con phải đi trú nhờ Trạm khách 354 của quân đội, rồi ra ở cái "tổ tò vò" cạnh đường Điện Biên Phủ. Khi ấy tôi luôn nghĩ đồng đội, nhiều người cũng còn khó khăn, không lẽ bản thân mang cái "danh hiệu Anh hùng", cái "máu thương binh" ra để đòi hỏi chăng? Thôi thì, anh em sống được, mình cũng sống được. Mãi sau này, hồi ở Lữ đoàn 144, đơn vị lấp mấy cái ao rau muống, chia cho mỗi cán bộ mấy chục mét vuông, mình mới có chỗ "an cư". Được cái vợ tôi có việc làm ổn định ở Bệnh viện Thanh Nhàn, hai cháu ngoan hiền, sau khi tốt nghiệp đại học đều đã có việc làm, trong đó cháu thứ hai cũng theo bố mang nghiệp nhà binh (cháu thứ hai nhà anh Thao đã tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự).

Tôi thành thật chúc mừng Đại tá Nguyễn Thế Thao. Quả nhiên anh có được "cái kết có hậu". Nguyễn Thế Thao vì giữ "chức" Phó ban liên lạc Sư đoàn 312 nên đã cùng đồng đội làm nhiều việc như: Tổ chức thăm hỏi đồng đội lúc ốm đau, giúp đồng đội làm kinh tế, hoàn tất hồ sơ cho hơn hai chục cán bộ, chiến sĩ bị thương ở chiến trường, làm thủ tục công nhận thương binh, dẫn các đoàn đại biểu thăm lại chiến trường xưa và viếng những Nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị...

Những công việc ấy giúp Đại tá, Anh hùng Nguyễn Thế Thao luôn được gần gũi đồng đội, tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống trong những trận đánh huyền thoại để đất nước mãi mãi trường tồn.



Đại tá AHLLVT Nguyễn Thế Thao
-----------------
Bài III: Vang danh Vĩnh Định

Ghi chép của CHI PHAN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/196631/Default.aspx
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2012, 10:40:29 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #415 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 09:28:49 am »

Một thời trận mạc
81 NGÀY ĐÊM RỰC LỬA TẠI THÀNHH CỔ QUẢNG TRỊ 1972 (Tiếp theo và hết)

QĐND - Chủ Nhật, 08/07/2012, 22:10 (GMT+7)

Bài III: Vang danh Vĩnh Định

QĐND - Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) được thành lập ngày 22-1-1946; đã lập nhiều chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; hai lần được Bác Hồ khen, tặng danh hiệu: "Trung đoàn Quyết thắng" và "Trung đoàn dũng cảm, đánh hăng".

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 320 được tách làm 2 khung sư đoàn, gồm Sư đoàn 320A và Sư đoàn 320B. Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320B, có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ để chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 1-1972, sau mấy tháng nhận quân, huấn luyện ở Thanh Hóa, Nghệ An, đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Những ngày tháng gian khổ, hiểm nguy cùng những chiến công đang chờ Trung đoàn...

Ngày 1-5-1972, toàn bộ tỉnh Quảng Trị, vị trí đầu cầu chiến lược được giải phóng. Không chịu nổi sự thất bại, ê chề và nhằm cứu vãn tình thế ở Hội nghị Pa-ri, ngụy quyền Sài Gòn tập trung binh lực, được hậu thuẫn tối đa của vũ khí hiện đại và cố vấn Mỹ, hòng tái chiếm Quảng Trị. Cuộc chiến khốc liệt, giành giật từng mét đất diễn ra trong 81 ngày đêm, không chỉ xảy ra ở Thành cổ và thị xã mà trên toàn tỉnh Quảng Trị, từ cánh Đông, duyên hải đến cánh Tây, rừng núi.

Trung đoàn 64 đứng chân ở đồng bằng ven biển, phía bắc huyện Hải Lăng và phía đông nam huyện Triệu Phong thuộc mặt trận cánh Đông. Địa hình tác chiến chủ yếu nằm dọc sông Vĩnh Định, một nhánh của sông Thạch Hãn. Vì thế mà Trung đoàn 64 còn gọi là Trung đoàn Vĩnh Định.


Chiến sĩ trẻ trong Thành Cổ. Ảnh: Đoàn Công Tính

Đêm 27-6-1972, Tiểu đoàn 9, do đồng chí Lê Triệu làm Tiểu đoàn trưởng, là đơn vị chủ công của trung đoàn, được tăng cường hai đại đội thiếu, vượt qua "bức tường lửa" của bom B52, pháo hạm và pháo mặt đất, vào chốt ở hai thôn Đồng Dương, Diên Khánh. Sáng sớm 28-6, 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng ba chi đoàn tăng thiết giáp của địch, được phi pháo dọn đường, máy bay lên thẳng yểm trợ, chia làm hai mũi, tạo gọng kìm, tấn công hai thôn trên. Vào 8 giờ cùng ngày, đơn vị nổ súng, mở màn cuộc chiến đấu của Trung đoàn 64.

Tại mũi 1, chính diện, các chiến sĩ đương đầu với hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và hai chi đoàn xe tăng. Khi địch cách 300m thì khẩu ĐKZ của Đại đội 11 khai hỏa, phát đạn đầu thiêu cháy một chiếc xe tăng. Đạn B40, B41, AK nhất loạt chụp xuống đội hình địch, diệt nhiều tên. Cùng lúc, trận địa 12,7mm của Đại đội 12, do khẩu đội trưởng Vũ Thanh Bình chỉ huy, cũng bắn trúng một chiếc trực thăng khiến nó lao xuống cát bốc cháy. Xác địch nằm ngổn ngang trước trận địa.

Ở mũi thứ hai, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, có xe tăng đi cùng phối hợp với lực lượng đổ bộ từ phía bờ biển, đánh vào phía đông trận địa của ta. Ở hướng này, kẻ thù vô cùng xảo quyệt và hèn hạ. Chúng đã đẩy hàng trăm phụ nữ, trẻ em, người già đi trước để làm bia đỡ đạn. Trước tình huống phức tạp này, một câu hỏi đặt ra, làm thế nào để đánh được địch mà vẫn bảo đảm được tính mạng cho dân. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, được đơn vị giao chỉ huy một tổ, thực hiện kế hoạch cứu dân.

Mặc cho kẻ thù bắn như vãi đạn, cả tổ vẫn trườn trên bãi cát trống trải, tiếp cận đông đảo bà con đang bị chúng xua lên phía trước. Khi các chiến sĩ ở khoảng cách rất gần, Bình liền bắn loạt đạn chỉ thiên rồi hô to cho nhân dân nằm rạp xuống. Thấy địch lộ mặt ra, không còn được che chắn, tổ bắn mấy loạt đạn, vừa bắn vừa lui để dụ chúng đuổi theo, nhằm tách xa địch với quần chúng nhân dân. Địch hí hửng, xua quân lên hòng bắt sống "mấy tên Việt cộng" to gan. Thế là, chúng dẫn xác vào trận địa phục kích của ta.

Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bốn phát lệnh nổ súng. Từ các công sự, đạn AK, đại liên, trung liên, B40, B41, nổ giòn giã, xé nát đội hình địch. Ta tiêu diệt ngay tên chỉ huy và tên mang máy thông tin PRC-25 cùng hàng trăm tên khác. Số sống sót, bỏ chạy tán loạn.

Bị đánh bật ở cả hai mũi, giặc gọi máy bay và pháo binh, đánh phá suốt nhiều giờ rồi mở đợt tấn công mới. Trong một ngày, với 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 2 chi đoàn tăng thiết giáp, 20 máy bay lên thẳng cùng sự chi viện tối đa của không quân và pháo binh, địch mở tới 6 đợt tấn công nhưng vẫn không chiếm nổi Đồng Dương và Diên Khánh. Ngay trận đầu ra quân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 đã phát huy truyền thống "Trung đoàn Quyết thắng", "Dũng cảm đánh hăng", chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Nghĩa tranh Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Xuân Ánh

Ngày 18-7-1972, diễn ra trận đánh vào nhà thờ Trí Bưu, ở phía sau bờ sông Thạch Hãn, cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 1km. Đây là một hang ổ của địch, như một thách thức với ta. Trong nhà thờ, có ngụy quân và dân. Nếu diệt địch thì sẽ làm thương vong cả dân. Do đó, ta phải dùng loa kêu gọi nhiều lần để giãn dân, bảo vệ bà con, ít đổ xương máu. Song giặc vẫn ngoan cố, tử thủ đến cùng. Nhiều lần, các đơn vị của Trung đoàn, thay nhau đánh vào nhà thờ, đều vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của chúng.

Tối 18-7-1972, Tiểu đoàn 9 xung trận. Màn đêm xuống, các mũi, các hướng đã bố trí sẵn sàng. Chiến sĩ giữ B40, Đại đội 10, Bùi Duy Dân đi theo mũi do Tiểu đoàn phó Kiều Ngọc Luân dẫn đầu. Lúc này, trên trời giặc thả pháo sáng, máy bay lượn vè vè. Dưới đất, đạn cối, pháo tầm xa của chúng bắn liên tục như giã giò. Mũi của Luân vấp phải ổ trung liên từ phía cửa sổ tầng 2 của nhà thờ bắn ra rát mặt, không tiến lên được. Dân ẩn mình dưới một hố bom, tìm mục tiêu và được lệnh bóp cò. Đạn B40 bay đi, để lại phía sau một vệt sáng và khói mù. Ổ đề kháng súng trung liên của địch câm bặt. Bắn xong, Bùi Duy Dân lao xuống hào, lập tức, mấy quả cối cá nhân của giặc bắn tới nổ ngay cạnh làm anh bị thương vào thái dương, máu ra nhiều. Đồng đội kịp thời băng bó và đưa Dân về tuyến sau. Tại trận này, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba vì đã góp phần cùng đơn vị, chiếm được nhà thờ Trí Bưu.

Noi gương Tiểu đoàn 9, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8, cũng ra sức đánh giặc, lập công. Thời điểm Trung đoàn 64 bắt đầu nổ súng chiến đấu đúng vào lúc địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 72, hòng tái chiếm Quảng Trị. Các tiểu đoàn đã kiên cường bám trụ, quyết chiến quyết thắng, đánh 230 trận, diệt hơn 5.000 tên, bắn cháy 70 xe tăng, thiết giáp và xe quân sự, bắn rơi 49 máy bay. Những trận đánh của Trung đoàn như: Đồng Dương, Diên Khánh, nhà thờ Trí Bưu, Bích La Đông, Thành Cổ, Phương Lạng Đông, chốt thép Long Quang, cảng Cửa Việt... đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang, chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong số những đơn vị, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, có tên Trung đoàn 64 - Trung đoàn Vĩnh Định và Anh hùng liệt sĩ Kiều Ngọc Luân.

Anh Luân là trợ lý tác chiến của tiểu đoàn. Trong trận chốt giữ làng Linh Chiểu, Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu điều Đại đội 10 (thay thế Đại đội 11), đương đầu với một tiểu đoàn và 10 xe tăng địch, có pháo binh và trực thăng vũ trang chi viện. Giặc chia làm 3 mũi, ào ạt tấn công vào chốt. Kiều Ngọc Luân dũng cảm dùng súng AK, chờ địch đến gần, chỉ cách dăm, bảy mét mới bắn. Anh phát hiện ở gò cát, chân điểm cao 16, có ụ súng đại liên đang bắn cấp tập về phía ta. Luân nhanh chóng tìm cách tiếp cận rồi tiêu diệt tên lính và chiếm luôn được khẩu đại liên, quay nòng, bắn mãnh liệt vào sườn đội hình giặc. Chúng bất ngờ và kinh hoàng, xác địch nằm la liệt. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, đơn vị diệt gần 300 tên; trận địa vẫn giữ vững. Trận này, Tiểu đoàn 9 giành thắng lợi lớn nhất. Kiều Ngọc Luân đạt thành tích cao trong chiến đấu, được trên đề bạt giữ chức Tiểu đoàn phó. Anh đã 13 lần đạt danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ.

Trung tuần tháng 8-1972, Kiều Ngọc Luân được lệnh ra ngoài Cửa Tùng, gặp các nhà báo để kể về tình hình chiến đấu của bản thân và đơn vị. Song thật không may, Luân chưa kịp lên đường thì trận đánh nhà thờ Trí Bưu xảy ra. Sau tiếng súng báo hiệu, các đại đội cùng khẩu đội ĐKZ do anh chỉ huy đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu định trước. Kẻ thù chống cự mãnh liệt và Kiều Ngọc Luân đã anh dũng hy sinh.

Như vậy là, khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, Trung đoàn 64 có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Quá trình tham gia chiến đấu, bổ sung quân nhiều đợt, sau chiến dịch, đơn vị có 600 đồng chí hy sinh; 1.700 đồng chí bị thương. Khúc tráng ca Quảng Trị được viết bằng máu của cả một thế hệ tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trong đó có sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 - Trung đoàn Vĩnh Định, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, còn vang danh mãi trong lòng người dân yêu nước Việt Nam.

--------------

Ghi chép của CHI PHAN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/196722/Default.aspx
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2012, 10:33:52 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #416 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 01:06:24 pm »

Từ đất nước của LêNin xin gửi nén tâm nhang đến các đồng đội ./.



Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #417 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 03:58:01 pm »

@TMH: Hoan nghênh bác TMH từ nước Nga xa xôi vẫn nhớ về đồng đội ở quê nhà. Đi đâu thì đi tránh xa mấy chỗ lụt lội nghen.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #418 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 08:48:31 pm »

Thưa các bác, chiều thứ Bảy vừa qua (7/7/2012) "CLB 19C Ngọc Hà" đông vui hơn mọi ngày vì có các cô trò của CLB Kết nối trái tim tới giao lưu và ghi âm, ghi hình một số hoạt động của CLB đê làm tư liệu phục vụ cho chuyên hành quân về thắp hương cho các LS tại Thành Cổ Quảng Trị những ngày tới.
Hôm nay chúng tôi đã nhận đượ một số videoclip các em và các cháu đã thực hiện.
Trước tiên là màn chào hỏi, mở đầu bằng sự giới thiệu của Mõ Lê Xuân Tường:

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=daKHz56R-C0" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=daKHz56R-C0</a>
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2012, 07:53:40 am gửi bởi chienc3.1972 » Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #419 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 08:56:53 pm »

Nguyễn Trọng Luân, nhà thơ lính của CLB đọc bài thơ tặng bạn:

Mày nằm chỗ nào Thường ơi

                      Tặng hương hồn Bạn tôi  Nguyễn Tiến Thường  -69 Nga văn ĐH Ngoại Ngữ
                                                    hi sinh ở QT 21/5/72

Mày nằm chỗ nào Thường ơi
Tao thoáng nghe tiếng mày trong gió
Mày đọc Sông Đông êm đềm bằng tiếng Nga
Mày hát  “chiều mát cơ va “ thầm thì cùng ai thế

Mày gọi tao phải không ? mà sao không thể
Cùng mày về lại quê
quê thì nghèo mất mùa lụt lũ
Bữa liên hoan mày tòng quân độn sắn ngốt người

Ước mơ cháy bùng như cánh phượng rơi
Đến tàn vẫn tươi sắc  đỏ
Súng cổ thành xé toang giáo trình dang dở
Đưa mày về nằm đâu ?

Quảng trị xanh , xanh đến nghẹn ngào
Tao ép cánh phượng  cổ thành ngày về thắp nhang cho đồng đội
Chúng tao già chúng mày thì trẻ mãi
Ở một trường đại học cõi linh thiêng

Tao hiểu vì sao hoa cỏ mãi ngát xanh
 Lòng Thành cổ có một trường Đại học
( Có hàng ngàn sinh viên quân phục xanh  tưng bừng vào lớp )
Trong nồng nàn khói nhang

Bốn mươi năm sau tao về
tìm mày trong gió

Tháng 5/ 2011

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=zz78CwSiQgA" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=zz78CwSiQgA</a>

« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2012, 10:28:10 am gửi bởi chienc3.1972 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM