Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:27:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)  (Đọc 129656 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #140 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:14:38 am »

*
*   *

Trên hướng phân khu 4 và phân khu 5, tiểu đoàn 3 bộ binh mũi nhọn Dĩ An với nhiệm vụ thọc vào tiếp sức cho đội 5 biệt động đánh chiếm dinh Độc Lập, đêm 30 tháng 1 năm 1968 tiếp cận và ém sẵn vùng Cầu Sơn, đúng 2 giờ sáng ngày 31 tháng 1, bất ngờ đánh chiếm Chi cảnh sát Hàng Xanh, làm chủ khu vực này. Địch điều tiểu đoàn 30 biệt động quân hành quân bằng ô tô từ Thủ Đức đến ứng cứu. Đoàn xe lọt vào trận địa phục kích, tiểu đoàn 3 Dĩ An đồng loạt nổ súng, bắn cháy một số xe và xung phong, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 30 biệt động quân, giữ vững trận địa suốt ngày hôm ấy. Sáng 1 tháng 2 năm 1968, một bộ phận của tiểu đoàn 3 phát triển tiến công sang khu vực Tây Cầu Sơn. Cùng ngày, địch điều thêm quân đến, tiếp tục phản kích, giải tỏa, có máy bay lên thẳng vũ trang và máy bay chiến đấu yểm trợ. Chúng bắn bừa bãi vào các khu dân cư, khói lửa ngùn ngụt một vùng trời. Chiến sự diễn ra ác liệt, tiểu đoàn 3 Dĩ An trụ ở khu Hàng Xanh cả ngày 1 tháng 2 năm 1968, đến đêm mới rút.

Trong khi đó tiểu đoàn bộ binh 4 Thủ Đức tiến công cầu xa lộ. Địch phản kích quyết liệt, ta không phá được cầu. Tối 31 tháng 1 năm 1968, đại đội 2 của tiểu đoàn vượt sông sang chiếm ấp 10 xã Bình Quới Tây. Trước đó, từ buổi chiều, đồng chí Hai Chí, bí thư chi bộ cùng du kích giả vờ vào chúc rượu cho lính dân vệ trong bót ấp 10, rồi ngờ bắt sống cả bọn, thu toàn bộ vũ khí, san bằng bót. Ngày 4 tháng 2 năm 1968, đại đội 2 từ ấp 10 phát triển ra ấp 9, diệt bọn Bình An, ngày 5 tháng 2 năm 1968 đánh sập cầu Kinh. Địch để 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến gần ấp 9 và ấp 10 Bình Quới Tây kết hợp với tàu chiến trên sông và 1 đại đội bảo an rải dài trên trục lộ từ ấp 9 đến ấp 10, dưới sự yểm trợ của máy bay, pháo, thực hiện phản kích. Quân ta ngoan cường đánh trả, giữ vững trận địa. Một mình chiến sĩ Lí Hùng dùng súng B40 diệt 5 xe tăng và xe bọc thép. Các nữ chiến sĩ vừa tận tụy phục vụ chiến đấu vừa chiến đấu rất dũng cảm. Nữ chiến sĩ Bé Sáu biệt động vừa vận chuyển trên 100kg thuốc nổ cho đơn vị vừa tổ chức đưa 17 thương binh của tiểu đoàn 3 Dĩ An bị kẹt ở khu vực Cầu Sơn về căn cứ an toàn.

Cùng thời gian trên, trung đoàn bộ binh 3 sư đoàn 9 tấn công chi khu quân sự Thủ Đức, trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 7 đánh địch phản kích ở khu vực Lái Thiêu để giữ địa bàn phía sau.

Nhìn chung các tiểu đoàn mũi nhọn chiến đấu rất dũng cảm nhưng phần lớn không đến được mục tiêu, bị thiệt hại nửa số quân và vũ khí vì địch kịp thời điều lực lượng dự bị từ 4 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968.

*
*   *

Quân các huyện ngoại thành dốc sức phục vụ tổng công kích, đồng thời phối hợp nội thành góp sức tấn công địch.

Chuẩn bị vào trận, nhân dân Gò Vấp, Hóc Môn đã xây dựng hầm xi măng chắc chắn, nhiều tầng, nhiều nhánh, liên hoàn, chứa được đến vài ba tiểu đội, như các hầm ở nhà má Chín Cho, má Tám Hòa, mà Hai Giá… (xã An Nhơn) và các hầm nhà các anh Tám Thiệt, Tám Chà, Ba Sóc, Tư Hớn, Mười Út… (xã Hạnh Thông Tây).

Khi quân ta nổ súng tiến công trong thành phố, nhiều nơi ở xung quanh Sài Gòn đồng bào đánh trống gõ mõ, đập thùng thiếc, đốt khí đá, phát loa, treo cờ, rải truyền đơn kêu gọi binh lính địch bỏ súng trở về với gia đình hoặc chạy sang hàng ngũ cách mạng.

Đồng bào dẫn đường, tải thương, tải đạn, tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Ở Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, Bình Chánh, Thủ Đức… đồng bào tập trung đủ ghe xuồng để chuyển bộ đội, chuyển vũ khí, chuyển thương binh, ngày ngày nấu cơm, nắm cơm đem ra mặt trận. Có người dỡ cả vách nhà ra làm củi nấu cơm phục vụ chiến đấu.

Trong lúc đó các lực lượng địa phương và du kích tiến công tiêu diệt kêu gọi bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bót địch, cắt đứt các đường giao thông số 1, số 15…, liên lạc của địch từ Sài Gòn ra các địa phương bị gián đoạn. Nhiều nơi tề tan rã, ta có điều kiện vùng lên giải phóng xã, ấp, nhưng đã không tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ do chỉ hướng vào giải quyết vấn đề nội đô.

Ở Củ Chi, tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương và du kích phối hợp với mũi binh vận tập kích chi khu Củ chi, làm chủ 1 ngày, tập kích chi khu Phú Hòa, bắt sống tên chi khu phó và nhiều tay chân; tiêu diệt các đồn Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông, Tân An Hội, Bình Mĩ, các bót Mĩ Khánh (xã Thái Mĩ), Phước Hưng (xã Phước Thạnh), bức hàng đồn An Nhơn Tây; phát động quần chúng nổi dậy làm chủ ở cơ sở và vận động thanh niên tòng quân. Hàng ngàn thanh niên xin ngay vào lực lượng vũ trang và bán vũ trang. Du kích các xã Nhuận Đức, An Nhơn Tây liên tục tiến công quân Mĩ đang hành quân ở Cây Diệp, xóm Bưng, Sở Đất thịt, hạn chế bọn này về ứng cứu cho Sài Gòn.

Ở Gò Vấp, quân dân địa phương bức rút, bức hàng các bót ở Quới Xuân, Thạnh Lộc, diệt các đồn An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Vàm Thuật, đánh chìm 2 xuồng chiến đấu của địch trên sông Vàm Thuật.

Ở Hóc Môn, thừa cơ địch bối rối, nhân dân vùng lên chiếm thị trấn Hóc Môn suốt 3 ngày, sau đó du kích phối hợp với bộ đội địa phương liên tục đánh địch suốt 12 ngày đêm tại thị trấn này.

Ở Tân Bình, lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở Cầu Ván, cầu Sắt, trường Lao động…

Ở Bình Chánh, bằng cách phát loa kêu gọi địch hàng, lực lượng võ trang địa phương lấy được đồn Hưng Long, thu toàn bộ vũ khí mà không tốn một viên đạn…

Ở Duyên Hải, lực lượng vũ trang địa phương tiến công các đồn Đồng Hòa, Long Thạnh, pháo kích chi khu Quảng Xuyên, diệt ác trong ấp chiến lược Giồng Ông Đông, đột nhập thị trấn Cần Giờ, diệt bốt cảnh sát.

Đặc công Rừng Sác tiến công đồn Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) đồn bảo an xã Lí Nhơn và đánh chiếm 6 ấp chiến lược khác. Tranh thủ thời cơ “thủ đô” địch đang náo động, đêm 14 tháng 2 năm 1968, một tổ đặc công Rừng Sác đột nhập cảnh Nhà Bè, đánh chìm một tàu trọng tải 10.650 tấn. Đêm 25 tháng 2 năm 1968, đội 2 lại phục kích bắn cháy 2 tàu Arizona Patrick và 1 xà lan chở đầy hàng quân sự đang vượt sông Lòng Tàu vào Sài Gòn. Ngày 17 tháng 3 năm 1968 cũng trên sông Long Tàu, đội 1 và đội 2 bắn cháy 3 tàu nữa. Những trận đánh trúng “dạ dày” này gây cho địch thêm nhiều bối rối.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #141 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:16:16 am »

*
*   *

Sau 2 tuần lễ chiến đấu cực kì anh dũng, đến ngày 13 tháng 2 năm 1968 các lực lượng từ ngoài vào chiến đấu trong nội thành Sài Gòn lần lượt rút ra ngoại ô.

Sau hồi choáng váng, địch nhanh chóng xốc lại lực lượng phản kích quyết liệt. Chúng ầm ĩ tuyên truyền: đây là những cuộc hành quân “lùng và diệt” to lớn nhất trong cuộc chiến và trên 100.000 quân tại các tỉnh quanh Sài Gòn.

Từ tháng 2 năm 1968, cá đơn vị thuộc sư đoàn kị binh bay số 1 Mĩ từ vùng chiến thuật của địch bắt đầu vào miền Đông Nam Bộ.

Sự thực là với quân đông, phương tiện mạnh, địch luồn được vào phía sau của ta nhưng chúng đang gặp phải một đối phương đang chiến đấu với khí thế tổng công kích.

Từ ngày 18 tháng 2 năm 1968, chiến sự quyết liệt diễn ra trên vùng ven ngoại ô. Ở hướng Bắc, quân ta phản kích hàng chục trận ở Ấp Đồng Tiến 5, cầu Sắt, Vườn Cau Đỏ, cầu Đồng Tiến 1, rạch Cây Đa, An Nhơn, quốc lộ 13… loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên. Nổi bật là các trận đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mĩ trên nhánh lộ 13 Lái Thiêu - Gò Vấp, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn dù 8 ở Tân Thới Hiệp ngày 18 tháng 2) và Tân Thới Trung (ngày 25 tháng 2).

Bình Chánh là một trong những vùng chiến sự ác liệt nhất. Sáng ngày 20 tháng 2 năm 1968, sau khi bắn phá, dọn bãi, 1 tiểu đoàn ngụy đổ quân bằng máy bay lên thẳng xuống sát bờ kênh ấp 5 xã Hưng Long và triển khai đội hình tiến vào xã, nơi tiểu đoàn Phú Lợi đang trú. Lực lượng ta dựa vào các gò cao, nhiều tổ dùng rơm đội đầu, đợi địch đến thật gần, tốc rơm đánh, địch bất ngờ không tiến được. Đến 11 giờ trưa, sau cuộc “dọn bãi” dữ dội bằng pháo bầy, chúng dốc toàn lực mở đợt tấn công mới, dũi lên được 200m, nhưng đến 1 giờ chiều lại bị đánh bật ra, lui về vị trí xuất phát, tối rút luôn.

Đúng một tuần sau, ngày 27 tháng 2 năm 1968, địch lại tiến công vào Hưng Long. Lần này bộ binh Mĩ có 6 xe tăng dẫn dắt, máy bay, pháo binh yểm trợ tối đa, tiểu đoàn Phú Lợi vẫn giữ vững trận địa, bắn hỏng 1 xe tăng, loại khỏi vòng chiến gần 50 tên Mĩ; 5 giờ chiều địch rút sau khi dùng máy bay chở xác và chiến thương Mĩ.

Địch chuyển hướng về phía Vĩnh Lộc. Ngày 6 tháng 3 năm 1968, một tiểu đoàn bộ binh Mĩ có xe tăng tiến vào xã, bộ đội và dân quân địa phương kiên cường chặn đánh, trận càn bị bẻ gãy. Ngay ngày hôm sau, quân Mĩ lại điên cuồng tung ra 2 trung đoàn bộ binh và 2 chiến đoàn xe bọc thép, quyết san bằng Vinh Lộc. Từ tờ mờ sáng ngày 7 tháng 3 năm 1968, chúng bắn hàng ngàn quả đạn đại bác dọn đường và dùng máy bay oanh tạc, bắn phá những nơi nghi có quân ta phục kích, 7 giờ mới bắt đầu tiến công. Nhưng điều bất ngờ là ngay từ đầu, các mũi tấn công của chúng đều bị đánh. Từ sáng đến chiều, chiến sự ác liệt xảy ra khắp thôn trên ấp dưới. Đụng phải lực lượng quyết chiến, dũng cảm, táo bạo, 4 giờ chiều quân Mĩ buộc phải rút lui. Cả 2 ngày 6 và 7 tháng 3 ở Vĩnh Lộc, quân ta loại gần 300 tên Mĩ, phá hủy và phá hỏng 5 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Đây là một trong những trận đánh phản kích ác liệt nhất, cũng là trận thua đau nhất của quân Mĩ ở vùng ven sau đợt 1 tổng công kích.

Trong khi đánh địch phản kích, từ ngày 17 đến ngày 28 tháng 2 năm 1968, quân ta thực hiện nhiều trận phản kích vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch: sân bay Tân Sơn Nhất, Nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô, kho xăng An Nhơn… Trong lúc đó, ta tiếp tục tổ chức một số trận vào nội đô và ven đô nhưng không thành(1).

Trên toàn bộ vùng ven sau đợt 1, địch gây thiệt hại cho lực lượng ta, chiếm lại một số khu vực quan trọng nhưng phải trả giá.

Trong lúc đó ở nội thành, lực lượng của các ngành, các giới tiếp tục đánh nhỏ lẻ. Đến ngày 28 28 tháng 2 năm 1968, tiếng súng nội thành mới được gọi là dứt, kết thúc đợt 1 cuộc tổng tiến công.

Qua 7 ngày cao điểm tiến công quyết liệt kết hợp với nổi dậy, nhiều ngày đánh phản kích, quân dân miền Nam với quyết tâm cao nhất và sẵn sàng chấp nhận ác liệt, hi sinh đã gây cho địch tổn thất nặng hơn bất kì thời kì nào trước đây cả về quân sự và chính trị. Ý nghĩa lớn lao nhất của đợt 1 Tết Mậu Thân chính là đòn đánh “trúng sọ não” và sự bất ngờ về mọi mặt đối với địch về việc đối phương đã thực hiện đồng loạt cuộc tấn công vào hậu phương sào huyệt của chúng; “đưa chiến tranh vào đô thị”, đó chính là điều choáng váng nhất đối với đế quốc Mĩ trong quá trình xâm lược Đông Dương.

Ngày 9 tháng 2 năm 1968, trái với những tuyên bố huênh hoang mới đầu năm 1968, Westmoreland đã phải báo cáo về Mĩ rằng: “Phải mất một thời gian mới lấy lại sức cho quân đội cộng hòa (quân ngụy) - Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta phải công nhận là đối phương đã đánh cho chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề, họ đã đưa chiến tranh vào các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong, thiệt hại…”.

Ngày 1 tháng 3 năm 1968, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mĩ McNamara, người “dao động cực độ” ra đi, Clark Clifford - cố vấn riêng của Johnson về chiến tranh Việt Nam - lên thay. Mới nhận chức, Clark Clifford đã lo lắng nói: “Tôi không biết bao giờ cuộc chiến tranh kết thúc, không biết nó kết thúc bằng các nào… Không biết liệu đến bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mĩ”.

8 ngày sau việc bãi nhiệm MacNamara, thay vì tăng thêm 206.000 quân chiến đấu Mĩ vào miền Nam theo đề nghị của đại tướng Westmoreland, Johnson triệu hồi (thực tế là cách chức) viên tướng “chỉ biết tiến không biết lùi” này về Washington, “nhường” chức tư lệnh chiến trường lại cho tướng Creighton Abrams (ngay 9 tháng 3 năm 1968). Với việc thay tướng và xin tăng thêm mấy chục vạn quân vào lúc này, mặc nhiên Mĩ đã thú nhận thất bại quân sự của chúng trong mùa xuân 1968, thú nhận sự thất bại của chiến lược mà Westmoreland đang thực thi và buộc phải thay thế chiến lược khác. Báo chí Mĩ bình luận đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kì có một vị đại tướng mà ngày 28 tháng 4 năm 1967 vừa được quốc hội Mĩ long trọng tuyên dương công trạng thì đến ngày 23 tháng 3 năm 1968 đã bị cách chức tư lệnh chiến trường và phải ra điều trần trước quốc hội”.

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, đế lượt Tổng thống Mĩ Johnson cũng ra trước máy vô tuyến truyền hình tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kì tới, chấp nhận sẽ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đồng ý thương lượng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu từ ngày 3 tháng 5 năm 1968 tại thủ đô Paris. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kì, một tổng thống kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang phải “tự cách chức” giữa lúc cuộc chiến tranh đang tiếp diễn.

Đòn Tết Mậu Thân trở thành một sự kiện vang dội trong ngoài nước, mọi phía chính trị trên thế giới qua đó nhìn thấy con đường thất bại tất yếu của Mĩ trong chiến tranh Việt Nam, loài người tiến bộ hiểu thêm về cuộc chiến đấu của nhân dân ta.

Đánh giá ý nghĩa đợt 1 Tết Mậu Thân, Hội nghị Trung ương Cục tháng 3 năm 1968 khẳng định: “… mở ra một cục diện mới trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta”. Hội nghị cũng cho rằng đợt Tết Mậu Thân chưa đạt thắng lợi cao nhất theo khả năng thứ nhất mà Bộ Chính trị đề ra vì ta còn khuyết điểm, nhược điểm mà rõ nét nhất là chủ quan.

Tuy nhiên, một sự thực khách quan có ý nghĩa chiến lược là cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa diễn ra giữa cuộc chiến tranh trong điều kiện địch còn hơn 1 triệu 30 vạn quân và rất ngoan cố, lực lượng chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của một cuộc tổng khởi nghĩa, trước hết là lực lượng quần chúng có tổ chức chưa đủ mạnh, chưa được lãnh đạo chặt chẽ để đưa lên mức bạo lực vũ trang khởi nghĩa kết hợp tấn công quân sự. Về quân sự, trên chiến trường miền Đông, tính riêng khối chủ lực, 3 sư đoàn ta phải đối đầu với lực lượng tương đương 9 sư đoàn Mĩ, ngụy, “đồng minh”. Nhiều vấn đề rất lớn, rất phức tạp mà ta nhận thức chưa đầy đủ trước ngày phát động, trong khi đó, mọi ý nghĩ, tình cảm, hành động đều dồn vào mục tiêu “dứt điểm” toàn bộ, ngay cả sau khi chưa dứt điểm mục tiêu nào và địch đã bắt đầu bung ra. Đó là lời giải đáp bao trùm cho câu hỏi tại sao đợt Tết chưa đạt thắng lợi cao nhất, tại sao cả 2 mũi tấn công và nổi dậy đều chưa tương xứng với khái niệm “tổng khởi nghĩa - tổng công kích”. Dưới nguyên nhân bao trùm ở trên, ở nội đô ta đã sớm dốc sức bộc lộ lực lượng, ở nông thôn bỏ lỡ cơ hội (tề và các lực lượng tại chỗ của địch đang hoang mang) để phát triển và củng cố vùng giải phóng(2).


(1) Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 2, lực lượng Phân khu 2 tiến công Phú Lâm không thành. Đêm 18 tháng 2 tiểu đoàn 1 Đồng Nai Dĩ An tấn công cầu Bình Lợi, diệt được 60 tên thủy quân lục chiến ngụy, nhưng không phá được cầu.
(2) Tài liệu tham khảo: - Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 5 năm 1969. - Đề cương báo cáo tổng kết cuộc tiến công Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1968, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng (tài liệu dùng trong hội nghị khoa học tổng kết các chiến dịch trong cuộc chiến tranh chống Mĩ) - Dự thảo kiểm điểm sự lãnh đạo của Thành ủy từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. - Bài “Đồng chí Lê Đức Thọ nói một số vấn đề về chiến tranh và cách mạng Việt Nam” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử quân sự, số 28 tháng 4 năm 1968). Viện Lịch sử quân sự. - Các bài tham luận về cuộc Tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1986 của các đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Trần Độ, Trần Bạch Đằng đăng trên Tạp chí nói trên, số kỉ niệm Hai mươi năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1986 (tháng 2 năm 1988).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #142 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:16:46 am »

*
*   *

Bị đòn choáng váng, địch hèn nhát giết hại hàng loạt người yêu nước đang bị chúng giam giữ.

Ngay đêm 31 tháng 1 năm 1968 mở màn cuộc tổng tấn công, địch đã đưa chị Lê Thị Riêng, Khu ủy viên, ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang bị chúng giam tại bót biệt kích Bà Hòa, đồng chí Trần Văn Kiều, Khu ủy viên, phụ trách Công vận cùng một số anh em yêu nước khác, lên một chiếc xe lớn chạy ra đường Hồng Bàng rồi dùng súng bắn xối xả. Chị Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại Bạc Liêu, tham gia cách mạng từ năm 1945. Trong một chuyến công tác vào cuối tháng 5 năm 1967 bị sa vào tay giặc. Bị địch tra tấn dã man, tay bị đốt cháy đến lòi xương, chị vẫn giữ thái độ hiên ngang, bất khuất. Trước khi tắt thở, chị đã chửi thẳng vào quân giặc và hô to “Đả đảo bè lũ Mĩ - Thiệu - Kì”, “Mặt trận Dân tộc Giải phóng muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Về chiến lược quân sự, Nhà Trắng và Lâu Năm Góc đã bãi bỏ chiến lược “tìm và diệt” thay bằng chiến lược “quét và giữ” do Abrams trực tiếp thực thi, tăng cường, củng cố và yểm trợ cho quân ngụy Sài Gòn để cải thiện thế phòng ngự, không thể thua hơn, làm hậu thuẫn cho đàm phán; từng bước phi Mĩ hóa chiến tranh, dần dần chấm dứt sự dính líu trên bộ của quân Mĩ ở miền Nam Việt Nam.

Mục tiêu trước mắt của Abrams là đẩy đối phương ra xa các đô thị, dốc toàn lực và mọi biện pháp không loại trừ việc sử dụng chất đốc hóa học và B52 ném bom rải thám sát đô thị

Từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 7 tháng 4 năm 1968, địch mở cuộc hành quân mang tên “Quyết thắng” càn quét Sài Gòn - Gia Định, Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hòa để giải tỏa ven đô, đánh phá các căn cứ, bàn đạp của đối phương xung quanh Sài Gòn. Từ ngày 9 tháng 4 năm 1968 trở đi, chúng lại mở cuộc hành quân hỗn hợp “Toàn thắng”, huy động trên 50.000 quân càn quét trên toàn lãnh thổ ba vùng chiến thuật nhằm đẩy đối phương ra xa các vùng đông dân cư, tiếp tục đánh phá các căn cứ, bàn đạp, ngăn chặn các cuộc tiến công mới vào thành phố. Trong lúc các sư đoàn Mĩ 1, 9, 25 và các đơn vị chủ lực ngụy đang co về bảo vệ vùng ngoài Sài Gòn - Gia Định.

Các lực lượng chủ lực địch ở ven đô được địch điều chỉnh, bố trí lại như sau:

Chiến đoàn dù 1 và 2 (4 tiểu đoàn) ở Hóc Môn - Gò Vấp.

Chiến đoàn 4 thủy quân lục chiến (3 tiểu đoàn) ở Thủ Đức, chủ yếu là khu vực cầu Bình Lợi, xa lộ.

Liên đoàn 5 biệt động quân (4 tiểu đoàn) ở Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè mà thường xuyên là khu vực Phú Thọ Hòa.

Sư đoàn 9 và sư đoàn 25 Mĩ (12 tiểu đoàn) ở phía Nam thành phố và các khu vực ven đô phía Tây Bắc.

Phản ứng của địch là kịp thời huy động lực lượng vừa phòng ngự vừa tiến công, đang hình thành thế phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp quanh Sài Gòn. Vùng ven đô ban đêm pháo sáng vẫn sáng như ban ngày, tiếng loa tâm lí chiến của địch ầm ĩ.

Các lực lượng ta vừa chiến đấu rất ác liệt để giữa bàn đạp, vừa chuẩn bị vào đợt cao điểm mới. Rất khó khăn. Nhiều đơn vị đang chuẩn bị nhiệm vụ kế tiếp buộc phải tạm xé nhỏ, chọt lúa ra gạo để ăn hoặc ăn gạo sống, rau muống. Có nơi như ở Gò Vấp, lực lượng đứng chân phải lấy mãng cầu sống nấu ăn đỡ đói. Nhân dân lên Lái Thiêu mua gạo về tiếp tế cho bộ đội.

Tính cả Mĩ lẫn ngụy, lực lượng địch quanh Sài Gòn lên đến 200.000 tên (60 tiểu đoàn), hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép do một trung tướng Mĩ chỉ huy. Tuy nhiên còn hướng Nam là hướng mà từ trước đến nay địch hay sơ hở do tin là địa hình bị chia cắt, nhiều sình lầy, đối phương khó xâm nhập, nhất là với lực lượng lớn. Ở đây, quân Mĩ thường đóng tập trung từng tiểu đoàn, công sự dã chiến, cơ động bằng máy bay lên thẳng… nên có những chỗ hợ nhất là ở khu vực cầu chữ Y, Bình Đông, Bình Tây, Phạm Thế Hiển…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #143 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:18:44 am »

3. Chuẩn bị và thực hành tiến công nổi dậy đợt 2

Chấp hành chỉ thị ngày 23 tháng 3 năm 1968 của Quân ủy trung ương; “Tập trung lực lượng đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị từ nay đến cuối thu nhằm gây cho địch những tổn thất lớn, đưa chúng vào thế bị động hơn nữa, giành được thắng lợi quân sự, chính trị quan trọng, làm cho tình hình chuyển biến mạnh”, “phải cố gắng cao nhất để giành thắng lợi quyết định, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để thắng địch trong điều kiện chiến tranh kéo dài”. Trung ương Cục chủ trương: “Mở đợt tấn công thứ hai nhằm liên tục tiến công địch và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, ra sức tiêu hao tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mĩ ngụy, duy trì và đẩy mạnh các mặt hoạt động trên địa bàn đô thị, làm chủ các đường giao thông chiến lược, giải phóng toàn bộ nông thôn, đồng bằng, miền núi và tăng cường xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang và chính trị, giành thắng lợi liên tiếp và vững chắc, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn với tinh thần hết sức khẩn trương, đồng thời sẵn sàng ứng phó một cách chủ động nếu chiến tranh kéo dài và mở rộng”.

Hội nghị A51 (Thành ủy) (đầu tháng 6 năm 1968) thông qua nghị quyết công tác đô thị Sài Gòn các tháng 3, 4, 5, 6 năm 1968. Trên cơ sở nhận định: “Thời cơ dứt điểm”(1) đang tồn tại sau đợt 1, căn cứ nhiệm vụ trên giao (hội nghị Năm trường lần thứ 60, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ chung trong thời gian tới là: “Tận dụng thời cơ chiến lược, thừa thế tấn công của quân dân ta khắp miền Nam và của quân đội ta trong thành phố, kết hợp chặt chẽ với công kích và chiếm lĩnh của quân đội, tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang của quần chúng giành những thắng lợi to lớn, tạo ra cho kì được một sự chuyển biến lực lượng so sánh giữa ta và địch, chuẩn bị tốt cho phong trào phát triển liên tục, ngày càng mạnh mẽ, tiến lên cùng cả miền Nam đánh gục kẻ thù”(2).

So với tương quan lực lượng và thực tế tình hình lúc bấy giờ, nhận định “thời cơ dứt điểm” đang tồn tại là không phù hợp, từ đó các nhiệm vụ, mục tiêu như “phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền”, “khởi nghĩa vũ trang”, “giải phóng toàn bộ nông thôn”… đều vượt quá khả năng thực tế.

Có dự kiến “ứng phó một cách chủ động nếu chiến tranh kéo dài và mở rộng” nhưng mọi kế hoạch cũng như trong chỉ đạo chuẩn bị chưa thể hiện tinh thần này, trái lại vẫn tập trung vào mục tiêu “dứt điểm”.

Đối với chiến trường Sài Gòn - Gia Định, chấp hành ý định của Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền, Bộ chỉ huy Miền quyết định: sử dụng một bộ phận chủ lực (2 trung đoàn thuộc sư đoàn 9) cùng với các tiểu đoàn mũi nhọn tấn công một số mục tiêu nội thành, chiếm các khu vực dân cư, phát động quần chúng nổi dậy phá rã bộ máy kềm kẹp từ quận trở xuống, xây dựng chính quyền cách mạng trong thành phố; lực lượng biệt động có nhiệm vụ đánh phá nhiều mục tiêu nội đô và làm mũi nhọn kết hợp với bộ binh tiến công trên khu vực phía Tây thành phố; sử dụng một bộ phận chủ lực (sư đoàn 7 thiếu, sư đoàn 5 thiếu và một số đơn vị pháo) đánh địch ở vùng ven về vòng ngoài, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mĩ ngụy, hỗ trợ cho các lực lượng tấn công nội thành và mở rộng địa bàn giải phóng xung quanh thành phố.

Cán bộ, chiến sĩ còn lại ở các cụm biệt động 1-2-8, 3-4-5, 6-7-9, Hoa vận và một số anh chị em mới bổ sung tổ chức lại thành một cụm mạnh, lấy cụm 6-7-9 làm nòng cốt. Các lực lượng biệt động và vũ trang của thanh niên học sinh, Hoa vận, công vận chưa chiến đấu trong đợt 1, sẵn sàng làm nhiệm vụ ở các mục tiêu đã phân công (tòa hành chính và cảnh sát cấp quận, các bót cảnh sát ác ôn địa phương).

Một bộ phận nữ biệt động của cánh phụ vận lấy tên nghi binh “Tiểu đoàn Lê Thị Riêng”, do chị Lê Thị Bạch Cát (Sáu Xuân) chỉ huy, chị lê Thị Hồng Quân phó chỉ huy, lực lượng ít(3), nhưng rải rác nhiều nơi, gom lại ở khu vực quận 2.

Nhiều bộ phận bộ đội địa phương và du kích xã được rút lên bổ sung cho các đơn vị chủ lực.

Bộ chỉ huy Miền giao cho Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nhiệm vụ trong đợt 2 là tham gia đánh các cơ quan đầu não của địch, đồng thời đánh liên tục, đánh chìm, đánh cháy nhiều tàu hơn nữa.

Hạ tuần tháng Tư năm 1968, tuy biết chắc là địch biết được ý định tiến công đợt 2 của ta do nhiều nguyên nhân trong đó có việc đầu hàng phản bội của Trần Văn Đắc, chính ủy Phân Khu 1 (Tám Hà)… nhưng Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn giữ quyết tâm về mục tiêu, ngày, giờ.

Phần lớn các đơn vị làm nhiệm vụ đánh vào Sài Gòn đều phải hành quân từ xa, đánh địch mở đường. Các đơn vị thọc sâu như tiểu đoàn 2 Long An, tiểu đoàn Phú Lợi, tiểu đoàn Đồng Nai tăng cường cho Phân Khu 3, khi xuất phát, mỗi tiểu đoàn ba bốm trăm, hành quân đến nơi còn một nửa.

Địch biết trước, tình huống đã phức tạp, lòng tin “dứt điểm” có giảm so với đợt 1, nhưng trước nhiệm vụ lịch sử, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm tất cả cho thắng lợi cao nhất, triệt để chấp hành mệnh lệnh.

Trong không khí náo nức chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy đợt 2, một số nhân sĩ ở Sài Gòn ra vùng giải phóng họp và thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (ngày 20, 21 tháng 4 năm 1968) do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, công bố tuyên ngôn cứu nước và chương trình hành động.


(1) Tư liệu số 12, 106-SY. Số BM, 7727-1. Nguyên văn nhận định tình hình sau đợt 1 như sau; “Thuận lợi lớn nhất và có ý nghĩa chiến lược là thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian trước mắt đang mở ra, đó là thời cơ không phải chỉ cho phép ta giành những thắng lợi từng mặt hoặc trong từng chiến dịch, mà đó là thời cơ dứt điểm. “Chưa bao giờ chúng ta nắm trong tay những nhân tố thắng lợi, đầy đủ như hiện nay” (A51).
(2) Tài liệu đã dẫn.
(3) Trên dưới 20 đồng chí. Nay đang có ý kiến khác nhau về lực lượng này, nhưng đều thống nhất là không có “tiểu đoàn”, đó chỉ là tên nghi binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #144 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:19:20 am »

*
*   *

Mở màn cao điểm 1 đợt 2, lúc 0 giờ 30 phút ngày 5 tháng 5 năm 1968 các loạt hỏa tiễn M.12, ĐKB bắn vào các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu mưu, Sứ quán Mĩ, Dinh Độc Lập, tân cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh hải quân, Tổng nha cảnh sát… Đạn tản mát nhiều.

Trưa ngày 4 tháng 5 các chiến sĩ biệt động Nguyễn Nhất Hiếu, Nga dùng xe du lịch chở thuốc nổ, có xe gắn máy yểm trợ, tấn công gây thiệt hại nặng đại truyền hình Sài Gòn. Phục vụ trận đánh này có Huỳnh Thị Tờ đứng tên mua xe du lịch, Nguyễn Kim Quang, cơ sở trong đài truyền hình vẽ sơ đồ. Cùng đêm, các tiểu đoàn mũi nhọn, các trung đoàn làm nhiệm vụ thọc sâu xuất phát tấn công các mục tiêu quy định.

Trên hướng Tây - Tây Nam (Phân khu 2): Phân khu 2 được tăng cường trung đoàn 1 sư đoàn 9, các tiểu đoàn của phân khu đã tập hợp lại thành lập trung đoàn 2 phân khu 2.

Đêm 4 tháng 5 tiểu đoàn 6 Bình Tân, trung đoàn bộ binh 2 phân khu 2 theo hướng Phú Lâm tấn công vào khu vực Cầu Tre, phát triển vào trường đua Phú Thọ, đường Trần Quốc Toản, đường Hậu Giang… sâu nhất đến chợ Thiếc.

Trung đoàn 1 sư đoàn 9 phải chống càn liên tục với sư đoàn 25 Mĩ từ Bàu Công (Tây Ninh) xuống đến bưng Vĩnh Lộc. Đêm 4 tháng 5 trung đoàn để lại một bộ phận nhỏ để giữ chân địch ở Vĩnh Lộc, còn toàn bộ trung đoàn tiến vào Sài Gòn; trong đêm 2 tiểu đoàn 1 và 2 mất liên lạc nhau, trên bổ sung tiểu đoàn 4 trung đoàn 2. Rạng sáng ngày 5 tháng 5, vượt kênh Bình Thủy rất ác liệt để vào ngoại ô.

Ngày 6 tháng 5, trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 9 tiến công vào nội ô ở song song phía Bắc trung đoàn 2 phân khu 2 vào đến trường đua Phú Thọ, liên lạc được một bộ phận trung đoàn 2 phân khu 2 đã vào chợ Thiếc. Có một bộ phận biệt động đặc công gặp 1 đại đội của sư đoàn 9 ở sân vận động Cộng Hòa và trụ ở đây.

Tại các khu vực từ ngoài vào, quân ta đã tác chiến ác liệt với các tiểu đoàn biệt động quân 33, 35, 38 có xe tăng, thiết giáp và máy bay yểm trợ.

Từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 5 năm 1968, tại Cầu Tre, đại đội 7, trung đoàn 1, sư đoàn 9 và một bộ phận trung đoàn 2 Phân khu 2 bao vây đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn biệt động quân 33, bắn cháy 2 xe M.133, bắt sống 6 tên giặc. Một bộ phận tiểu đoàn 6 ở Bình Tân chọc thủng từ Cầu Tre qua Bình Thới đánh chiếm bốt cảnh sát Nguyễn Ngọc Châu, làm chủ khu vực Minh Phụng, đường 46, Lạc Long Quân, cầu Cây Gõ. Tại khu vực Minh Phụng, đường 46, các chiến sĩ cùng đồng bào giành giật từng tấc đất với quân thù. Tự vệ bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Theo mặt trận này, từ vùng ven vào nội đô, có những phóng viên quay phim, nhà văn, nhà báo anh dũng bám sát đơn vị chiến đấu và hi sinh, trong đó có nhà văn Nguyễn Thi tức Nguyễn Ngọc Tấn, các phóng viên quay phim Trung Chánh và Quốc Dũng, nhà thơ Lê Anh Xuân, phóng viên báo Quân Giải Phóng Thân Trọng Hân và Ngọc Châu… Chiến sĩ, đồng bào ta giữ từng thước phim, từng trang ghi chép của các anh hi sinh để lại, sau đó chuyển về vùng căn cứ. Gần 50 chiến sĩ Quân Giải phóng hi sinh tại trận được đồng bào chôn chất chu đáo.

Từ Cây Gõ, đầu đường Minh Phụng, ngày 7 tháng 5 tiểu đoàn bộ binh 4 sư đoàn 9 thọc lên đến ngã tư Bảy Hiền và khu nghĩa địa lính Pháp, uy hiếp sân bay Tân Sơn Nhất. Đại tá Lưu Kim Cương, tư lệnh không đoàn 33, chỉ huy trưởng yếu khu Tân Sơn Nhất đích thân chỉ huy tiểu đoàn 7 dù ra phản kích, bỏ mạng lúc 9 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5.

Các đơn vị đánh vào thành phố diệt được nhiều địch song tổn thất nặng. Đêm 7 tháng 5 tiểu đoàn 4 dần rút ra. Đêm 8 và 9 tháng 5 toàn bộ trung đoàn 1 trụ ở ngã ba Bà Quẹo đánh phản kích quyết liệt, đến ngày 12 tháng 5 rút về bưng Vĩnh Lộc (Bình Chánh). Đêm 12 tháng 5 trung đoàn 2 và tiểu đoàn 6 Bình Tân rút sau khi đánh chiếm khu vực Bình Tiên, Chợ Lớn, Minh Phụng, Phú Định, khu vực Trang Tử, bắn rơi 1 máy bay, tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy, đánh lui 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 199 Mĩ đến ứng cứu (từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 11 tháng 5 năm 1968), không đánh được Biệt khu thủ đô, trung đoàn 1 Phân khu 2 lui ra Phú Định mở đường ra An Lạc, ngày 12 tháng 5 ra Tân Kiên, Tân Nhựt còn có 50 tay súng, phải mang 25 thương binh của 5 tiểu đoàn. Ban chỉ huy chiến đấu hi sinh đến người cuối cùng (phải thay toàn bộ). Đại đội 2 tiểu đoàn 6 thương vong gần hết, các tiểu đoàn khác còn phân nửa. Trong khi đó trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 9 trên đường hành quân tiếp cận đụng địch liên tiếp, không đến kịp để thay thế trung đoàn 2 Phân khu 2.

Địch phản kích rất mạnh mẽ trên nhiều hướng, nhưng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên nhiều cao ốc ở các khu vực Bình Tiên, Lò Gốm, Phú Định.

Trên hướng Nam (Phân khu 3): Phân khu 3 vừa được tăng cường 3 tiểu đoàn.

Ngày 8 tháng 5 tiểu đoàn Phú Lợi vượt sông tấn công vào quận 8. Một đại đội của tiểu đoàn vượt Kinh Đôi, tập kích địch ở Lò Heo. Ngày 9 tháng 5 đại đội này rút lui ra Chánh Hưng cùng cả tiểu đoàn đánh địch phản kích.

Cùng ngày 9 tháng 5, tiểu đoàn 1 đi trước và tiểu đoàn 2 Long An tiến theo rạch Cây Khô tiếp tục tiến công vào quận 8 tại các khu vực cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Mật, đường Âu Dương Lân, đường Phạm Thế Hiển… Ta chiếm được khu vực phía Nam cầu chữ Y, địch phản kích dữ dội, chủ công là 1 tiểu đoàn Mĩ thuộc lữ 3 (sư 9 Mĩ). Địch dội bom vào khu dân cư để dọn đường, sau đó bộ binh Mĩ tiến vào có chiến xa, máy bay yểm trợ, chiếm lại được khu vực Phạm Thế Hiển (phía Nam cầu chữ Y), nhưng bị loại 5 xe M113 trước cửa khu chợ. Ở phía Tây Nam cầu chữ Y, chiến sự giằng co quyết liệt từ 5 giờ 30 phút đến 23 giờ 50 phút ngày 10 tháng 5 quân ta vẫn giữ được trận địa trước sức tấn công của 1 tiểu đoàn Mĩ. Trên toàn bộ khu vực cầu chữ Y, ta đã loại 900 tên Mĩ và nhiều ngụy, bắn cháy và bắn hỏng 4 xe M113. Trong các trận đánh ở đây, tiểu đoàn 2 giữ vai trò đương đầu trực tiếp với Mĩ, bảo vệ phía sau cho tiểu đoàn 1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #145 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:20:17 am »

Trong lúc đó tiểu đoàn 5 Nhà Bè tiếp cận vào đến rìa phía Nam quận 4, nhưng do không vượt sông được nên không vào quận 4 được, tiểu đoàn chuyển sang đánh phản kích ở cầu Tân Thuận, khu vực Tân Quy, chỉ có 1 bộ phận nhỏ qua sông đánh được 1 bót nhỏ ở phía Đông cầu chữ Y (bót Mồ Côi).

Ngày 1 tháng 5 tiểu đoàn Phú Lợi và tiểu đoàn 5 rút khỏi trận địa. Đêm 11 tháng 5, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 tiếp tục rút.

Nhiệm vụ đánh chiếm tổng nhà cảnh sát và phát triển vào quận 1, quận 2 của Phân khu 3 không thực hiện được.

Ở cao điểm này, các Phân khu 1, 4 bị địch ngăn chặn từ vòng ngoài (PK5 vào được) nên địch bảo vệ phía trong có điều kiện tập trung lực lượng phản ứng trên 2 khu vực Tây Nam và Đông Bắc (PK5) thành phố(1).

Các trận đánh cao điểm 1 đợt 2 ở Phân khu 3 kết thúc vào ngày 12 tháng 5, tuy nhiên vẫn được lệnh bám vùng ven. Lúc này hướng Tây và Nam chỉ còn tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 308 của Phân khu 2 còn có thể tấn công được vào Sài Gòn.

Trên hướng Bắc và Tây Bắc (Phân khu 1): Ngày 5 tháng 5 lực lượng của trung đoàn bộ binh 16 và trung đoàn Quyết Thắng tấn công vào hướng Tân Sơn Nhất nhưng đụng địch án ngữ vùng ven, phải chiến đấu ngay từ vùng ngoài Gò Vấp. Ngày 6 tháng 5, các đơn vị trụ lại đánh địch ở các khu vực xóm Mới, cây Xoài, An Nhơn… loại khỏi vòng chiến đấu 200 lính dù ngụy. Ngày 8 tháng 5, quân ta tập kích 2 cụm xe cơ giới địch ở Tân Thới Đông và Tân Thới Trung, phá hủy và phá hỏng 50 xe, diệt và làm bị thương 230 tên địch.

Trên hướng Đông (Phân khu 4): Ngày 5 tháng 5 năm 1968 lực lượng Phân khu 4 và công binh Miền tấn công cầu xa lộ để cắt giao thông từ phía Đông Sài Gòn, nhưng chỗ đặt được có 20kg thuốc nổ nên cầu chỉ hư hại. Ngày 8 tháng 5 năm 1968 một cánh khác đánh chiếm khu vực Thanh Mĩ Lợi, Bình Trung, sau đó liên tục đánh trả chiến đoàn 2 thủy quân lục chiến đến phản kích. Trong lúc đó, một đơn vị đặc công tấn công cầu Rạch Chiếc không thành. Một đơn vị đặc công khác chiếm được xí nghiệp Sico. Địch đóng ở các bót lân cận tháo chạy. Quân tha nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, kêu gọi quần chúng nổi dậy. Du kích cùng cán bộ đánh sập cầu Sụp, cầu Trao Trảo, bao vây, bức hàng các bót Truông Tre, Lò Lu, đồng Ông Nhiều, đồng Xóm Mới làm chủ dài ngày khu vực từ Long Bình vòng lên Bình Trưng và trụ đánh địch trên trục lộ từ Long Bình lên gần cầu Rạch Chiếc.

Trên hướng Đông Bắc (Phân khu 5): Hai tiểu đoàn của Phân khu 5 tấn công vào khu vực cầu Bình Triệu, ngã ba Hàng Xanh và cầu Bình Lợi. Ba giờ sáng ngày 5 tháng 5 năm 1968, một đại đội bộ binh ta dùng xe tải hành quân về hướng quận 1. Đến cầu Phan Thanh Giản (cầu Điện Biên Phủ bây giờ), quân ta bắn B40 vào bót gác của địch, xong vượt qua cầu chiếm các nhà cao tầng ở khu vực cuối đường Tự Đức. Hải quân ngụy đóng ở gần cầu Thị Nghè bỏ chạy tán loạn, chỉ một ít chống cự yếu ớt. 4 giờ 20 phút, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy mở cuộc bao vây hòng giải tỏa khu vực đường Tự Đức. Chúng bị ghìm đầu tại chỗ. Trong lúc đó, phá ta bắn vào khu vực Tân Cảng, nhiều kho tàng của địch ngùn ngụt bốc cháy. Chiến sự diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Chuẩn tướng, giám đốc tổng nha cảnh sát ngụy Nguyễn Ngọc Loan buộc phải đích thân chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa.

Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1968 địch tung một tiểu đoàn biệt động quân có thiết giáp yểm trợ từ hướng Hàng Xanh đánh vào, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ hướng Đông Nam Sở thú đánh qua, kết hợp với tâm lí chiến phát loa ầm ĩ. Quân ta dựa vào công sự và các vật kiến trúc bẻ gãy từng đợt phản kích của địch.

Ở phía hẻm Nguyễn Bỉnh Khiêm, địch tiến quân có 2 xe thiết giáp phía trước bắn xối xả. Hai xe bị bắn cháy, bộ binh phía sau quay đầu chạy (9 giờ 35 phút ngày 6 tháng 5 năm 1968). 10 giờ 40 phút cùng ngày, một toán biệt động quân địch định chiếm khẩu cối 60 của ta, nhưng thất bại, khẩu 60 li vẫn tiếp tục rót đạn vào cây xăng Thị Nghè, Ti nông cụ và Đài phát thanh Sài Gòn.

Ở khu vực phía Tây cầu Thị Nghè, quân ta đánh trả tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến “cọp biển”, làm chủ trận địa đường phố nhiều ngày. Tại đây chuẩn tướng Nguyễn Ngọc loan bị bắn gãy chân, buộc phải vào bệnh viện, mất luôn chức giám đốc Tổng nha cảnh sát.

Các lực lượng vũ trang tại chỗ phối hợp với các đơn vị thọc sâu, tích cực tiến công địch.

Một đơn vị vũ trang của Thành đoàn do đồng chí Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép) chỉ huy, các đồng chí Năm Lã, Mười Thu… tấn công xe cảnh sát ngụy trên đường Bàn Cờ, Vườn Chuối. bị địch bao vây, các anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đập phá vũ khí trước khi hi sinh. Các đơn vị khác của Thành đoàn gồm các đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân (Bảy Thúy), Chín Trương, Hai Thúy… làm nhiệm vụ dẫn đường và chiến đấu với các đơn vị Phân khu 2. Địch phản kích, các anh chị quyết liệt đánh trả và anh dũng hi sinh.

Đêm ngày 4 tháng 5 năm 1968 các đội viên nam nữ biệt động mang tên Lê Thị Riêng ém ở chợ Cầu Muối, bờ sông cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ đường Nguyễn Cư Trinh, chợ Chiều (đường Phạm Ngũ Lão, đường Bùi Viện, hẻm 83 đường Đề Thám, hẻm 4 đường Trần Hưng Đạo, lô nhà Kiến Thiết giữa đường Cô Bắc và đường Cô Giang…) Một số đội viên ém trong các nhà cơ sở, một số khác giả làm người buôn bán trên các vỉa hè. Nhóm trung tâm của đội có 13 người - 6 nữ và 7 nam do chị Sáu Xuân và chị Lê Hồng Quân chỉ huy ém ở hẻm 83 Đề Thám, từ 00 giờ ngày 5 tháng 5 năm 1968 đã chiếm lĩnh khu vực chiến đấu, gom nhiều cảnh sát, nhân viên ngụy quyền trong khu vực, dùng loa phóng thanh hù dọa địch và vận động nhân dân làm công cụ. Nhóm này chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Sáng ra, địch tiếp tục tăng quân, hình thành thế bao vây. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Sau khi thương vong một số và đạn gần hết, chỉ huy cho anh em vượt vòng vây giặc, còn lại chị Sáu Xuân, chị Lê Thị Hồng Quân và em Quang ở lại thu hút, kềm chân địch. Trận đánh ở hẻm 83 Đề Thám kéo dài đến 11 giờ ngày 5 tháng 5 năm 1968 mới kết thúc. Lê Hồng Quân bị gãy tay trái và sa vào tay giặc. Em Quang bị thương nặng, bị địch bắt, về sau bị giết trong tù. Trong khi đó ở nhiều nơi khác, nam nữ đội viên biệt động cùng các đội tự vệ quận 1, quận 2 triển khai đánh địch, truy lùng và trừng trị ác ôn ở các khu vực Cô Giang, Cô Bắc, Đề Thám, Huỳnh Quang Tiên, khu vực cầu Kho, cầu Muối. Địch cho xe tăng xe bọc thép phản kích, ủi sập từng dãy nhà của đồng bào. Các đơn vị tự vệ võ trang ngoan cường chống trả, giữ vững khu vực cầu Kho, cầu Muối trong nhiều ngày liền. Tại mặt trận Cầu Kho, đội viên trinh sát 14 tuổi Nguyễn Văn Dân (Nghĩa) anh dũng hi sinh. Tại đường Cô Giang, chị Lê Thị Bạch Cát Bí thư Đoàn quận 2 hi sinh.


(1) Cho đến lúc PK2, PK3 bám trụ vùng ven thì các tiểu đoàn ở các Phân khu 1, 4 lại vượt qua được tuyến vòng ngoài cùng của địch, lách qua tuyến trung gian, tiến vào nội thành.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #146 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:21:16 am »

Lực lượng vũ trang quận 7, quận 8 bám trụ đánh địch ở Bến Đá, cầu Sập, Hố Bần, quán cơm, rạch Bà Tàng, cầu Kiệt, đường Âu Dương Lân, đường Phạm Thế Hiển.

Lực lượng vũ trang quận 10 cùng đồng bào lao động nổi dậy chiếm khu vực chợ Thiếc, lùng diệt phản động, tích cực đánh phản kích.

Lực lượng vũ trang biệt động cánh Hoa vận ngay từ giờ đầu đợt 2 (0 giờ ngày 5 tháng 5) đã đánh chiếm một tòa Hành chánh quận 5, cắm cờ và đánh địch giải tỏa; đến 15 giờ chiều mới rút sau khi dùng thuốc nổ đánh sập một phần tòa nhà; những ngày tiếp sau lại tấn công Ty cảnh sát quận 5, Ty thuế vụ quận 5, bót Bà Hoa… cùng nhân dân làm chủ các khu vực lò Gạch, lò Gốm, lò Siêu, khóm 1 phường Trang Tử, khóm 6 phường Phú Lâm, diệt một số tên ác ôn và phản động.

Nếu như trong đợt 1, các đội biệt động Thành đã hoàn thành nhiệm vụ đánh trực tiếp các cơ quan đầu não địch thì trong đợt 2, lực lượng võ trang các ngành, các giới, các quận đã mở được diện tiến công rộng rãi và mạnh mẽ ở các khu phố quan trọng trong khắp nội thành, diệt nhiều cảnh sát, mật vụ, ác ôn và binh lính ngụy.

Cao điểm 1 đợt 2 tạm lắng vào những ngày 12, 13 tháng 5 năm 1968. Cao điểm này làm nổi rõ thành tích thọc sâu diệt địch trong thành phố của bộ đội và hoạt động của lực lượng vũ trang các cánh, đoàn thể. Westmoreland (đã bị triệu hồi về nước) phải thừa nhận về đợt này: Họ đã đạt được mục tiêu là làm cho Mĩ phải đơn phương xuống thang, ngừng ném bom, đình chỉ việc tăng quân và làm hỏng một chiến lược đánh mạnh và trong quá trình đó làm cho người Mĩ phải đến bàn hội nghị, trong khi đó nhiều người Mĩ cứ tưởng là chính phủ Mĩ đã bắt địch đến hội nghị.

Cao điểm 2 đợt 2 bắt đầu từ đêm 24 tháng 5 năm 1968. Trên đường Tây và Nam thành phố, mặc dù chỉ còn 2 tiểu đoàn có sức tấn công vào thành phố (tiểu đoàn 6 Bình Tân và tiểu đoàn 308 Trà Vinh lên), Phân khu 2 vẫn nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tấn công cao điểm mới; Phân khu 3 không thể rút chân ra khỏi các cuộc chiến đấu ác liệt với quân Mĩ ở vùng ven nếu không tham gia tấn công nội đô trong cao điểm này. Sau cao điểm 1, trên 2 hướng này địch đã hàn chặt các ngõ tiến vào Sài Gòn của ta, chỉ còn khu vực Phú Định là tương đối sơ hở. Đêm 25 tháng 5, 2 tiểu đoàn 6 và 308, từ An Lạc tiến xuống phía Nam lộ 4. Đêm 26, cùng với tiểu đoàn 8 (trung đoàn 3 sư đoàn 9) tổ chức đánh chiếm ngã tư Phú Định tiến vào cư xá Phú Lâm để giữ xườn phía Bắc cho trục tiến công chính là đường Hậu Giang, bắt được 18 tên địch. Ta phải tiến công ở khu vực này đến ngày 3 tháng 5 mới vượt được sang phía Đông cầu Phú Định. Trong thế giới đó, tiểu đoàn 7 trung đoàn 1 sư đoàn 9 đã thay thế cho tiểu đoàn 8 (ngày 28 tháng 5) để cùng 2 tiểu đoàn của Phân khu 2 tiếp tục tiến công vào quận 6, quận 5. Từ ngày 1 tháng 6, từ phía Đông cầu Phú Định ta phát triển sâu chủ yếu trên trục đường Hậu Giang.

Địch tung hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác ra ngăn chặn nhưng chiến sĩ ta có kinh nghiệm đánh trong thành các đợt trước nên luồn lách, vượt qua được.

Ngày 2 tháng 6 năm 1968 tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 308 cùng các chiến sĩ trinh sát trung đoàn nhẹ Phân khu 2 hoàn thành nhiệm vụ ở vùng cư xá Phú Lâm, các đường 18, 15, 14, đường 446 ở Minh Phụng, Chợ Lớn… được lệnh chuyển về hướng Khổng Tử, Lí Thành Nguyên, Mạnh Tử…

Đôi bên giằng co từng khu phố, từng ngôi nhà. Các chiến sĩ chiếm giữ từng lầu cao, từng cửa sổ trên cao, đục tường, thông nhà này sang nhà khác, phân tán lực lượng ra nhiều phía để đánh phản kích. Chiến đấu liên tục, thương vong cao, nhưng không được bổ sung, sức chiến đấu của bộ đội ta giảm dần. Với lực lượng ít hơn trước, các đơn vị Phân khu 2 lại thọc sâu hơn trước, nhưng chỉ theo một trục đường Hậu Giang vào nên địch có điều kiện hàn phía sau, vây hai bên sườn. Đến ngày 6 tháng 6 ta phát triển đến khu vực Khổng Tử. Đồng Khánh, tiểu đoàn 6 vượt lên đường Nguyễn Trãi thì bị quân địch cắt phía sau. Tiểu đoàn 308 và tiểu đoàn 6 bị chia cắt đến ngày 7 tháng 5 phải vừa đánh vừa lui. Tiểu đoàn biệt động quân 30 của địch có xe tăng yểm trợ nhưng rất thận trọng. Ta phải mở đường bí mật cho một số ra ngoài rồi đánh lại sau lưng địch để yểm trợ phía trong. Địch tung ra từng toán nhỏ biệt động quân, cảnh sát kết hợp xe tăng hạng nặng và cả máy bay lên thẳng bắn phá, thả hơi ngạt. Trong quá trình lui quân, thương vong của ta rất cao. Ban chỉ huy tiểu đoàn 308 hi sinh gần hết, phải thay ban chỉ huy mới, nhưng chiến đấu rất xuất sắc. Đồng chí Hai Hoàng - chính ủy trung đoàn 2 đã chỉ huy 1 bộ phận tiểu đoàn đến khi chỉ một nữ liên lạc thoát ra được (đồng chí Hoàng hi sinh luôn).

Trong thế giằng co cài răng lược (đã có trường hợp đạn địch nện lên đầu địch). Khoảng hơn 17 giờ ngày 2 tháng 6 năm 1968 một máy bay lên thẳng võ trang nhằm vào số 266 đường Khổng Tử tức trường Phước Đức, nơi các sĩ quan thân cận của Kì đang họp bàn cách đối phó ở mặt trận quận 5, quận 6, phóng rốc két. Đạn xuyên xuống lầu 2 làm chết 6 tên và bị thương 3 sĩ quan từ thiếu tá đến đại tá ngụy(1).


(1) + Chết:
- Trung tá Nguyễn Văn Luận, giám đốc cảnh sát đô thành Sài Gòn.
- Trung tá Đào Bá Phước, chỉ huy trưởng Liên đoàn 5 biệt động quân.
- Trung tá Lê Ngọc Trụ, trưởng ty cảnh sát quận 5.
- Trung tá Phó Quốc Chử, giám đốc nhà thương cảng Sài Gòn (anh vợ Kì).
- Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sinh, phụ tá giám đốc cảnh sát đô thành Sài Gòn.
- Thiếu tá Nguyễn Bái Thùy, chánh sứ an ninh đô thành.
+ Bị thương nặng:
- Đại tá Văn Văn Của, đô trưởng Sài Gòn (bị gãy tay mặt, nằm viện, mất chức).
- Đại tá Nguyễn Văn Giám, Tư lệnh biệt khu thủ đô.
- Trung tá Trần Văn Phấn: phụ tá tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #147 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:22:20 am »

Sau ngày 7 tháng 8, chiến sự mới tạm lắng ở khu vực nội thành phía Tây. Trên hướng Bắc và Đông Bắc đợt này, cánh Tây của Phân khu 5 gồm trung đoàn Đồng Nai phối hợp với trung đoàn Quyết Thắng của Phân khu 1. Đêm 25 tháng 4, trong lúc trung đoàn Quyết Thắng còn bị quân Mĩ chặn trên tuyến sông Rạch Tra thì một tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai vượt được sông Bình Quới Tây đến cầu Kênh, tắt sang đồng Ông Cộ.

Ngay từ đầu, trên đường tiến vào Bình Hòa, Bà Chiểu, quân ta đã chạm súng quyết liệt với địch vừa đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy ở chùa Tường Quang (An Phú Đông), đánh địch ngăn chặn, phản kích trên khu đường sắt Cầu Hang (Gò Vấp) và cầu Bình Lợi, 2 tiểu đoàn của Phân khu 1 (Trung đoàn Quyết Thắng) chiến đấu vượt cầu Sắt. Trung đoàn trưởng bị thương, hi sinh, chính ủy trung đoàn cầm cờ đứng lên hô “Những người cộng sản tiến lên”, cũng bị trúng đạn gục ngã. Đơn vị đánh bật tiểu đoàn ngụy khỏi đường sắt, vào khu vực nghĩa trang. Từ ngày 25 tháng 5 quân ta liên tục đánh phản kích của các tiểu đoàn thủy quân lục chiến 1 và 6 ngụy.

Đêm 30 tháng 5 thêm 2 tiểu đoàn của Phân khu 1 tiến vào Gò Vấp và liên lạc được với trung đoàn Đồng Nai.

Ngày 31 tháng 5, địch điều thêm các tiểu đoàn 5, 9, ngày 8 tháng 6 thêm Liên đoàn 81 biệt kích đã đến phản kích. Đêm 7 tháng 5, 2 tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai rút ra An Phú Đông, còn lại 2 tiểu đoàn của Phân khu 1.

Các trận ác chiến diễn ra ở Lò Vôi, đường Ngô Đức Kế, và Tập Thành, chùa Linh Sơn, chùa Trúc Lâm và trung tâm Tịnh xá đường Trần Bình Trọng, đường Ngô Tùng Châu, ngã năm Bình Hòa, ngã ba Cây Thị, ngã tư Xóm Gà… Địch ném bom lửa để yểm trợ cho bộ binh phản kích. Chúng đánh ngày đêm, nhưng tất cả đều bật ra và bị thiệt hại nặng. Tại chùa Trúc Lâm ở đường Trần Bình Trọng, địch dùng đến hàng loạt đạn pháo để dọn bãi mà vẫn không vô được. tại sở rác Cây Thị và đường Ngô Tùng Châu xe tăng bị bắn cháy. Ngày 16 tháng 6 năm 1968, chúng dùng đến hơi độc đánh vào trận địa ta.

Ngày 17 tháng 6 năm 1968 địch bắt được trung đoàn phó trung đoàn Quyết Thắng, một số chiến sĩ hết đạn buộc phải chôn súng.

Ngày 18 tháng 6, những bộ phận còn lại của 2 tiểu đoàn của Phân khu 1 rút ra hết, chiến sự ở khu vực này mới dứt.

Qua 26 ngày đêm chiến đấu (từ mở màn đợt 2) trên mặt trận phía Bắc và Đông Bắc thành phố, quân ta loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên địch, nhưng bị tổn thất nặng. Hai tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai khi rút ra An Phú Đông chỉ còn 70 tay súng. Một tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai bị thương vong gần hết. Ban chỉ huy trung đoàn còn 5 cán bộ chiến sĩ bị địch vây ở phía nghĩa địa trước xưởng dệt Nam Á, nhờ sự hỗ trợ của nhân dân trở về được căn cứ(1). Số về được của trung đoàn còn 300 người. Trong cao điểm 2 pháo binh ta pháo kích nhiều mục tiêu địch trong thành phố, trong đó sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích liên tiếp trong các ngày 5, 6, 7, 8, 10 tháng 5 và 12, 14, 31 tháng 6 năm 1968. Riêng trận ngày 6 tháng 5 năm 1968 có 28 máy bay bị phá hủy và hư hỏng. Trong lúc bộ đội các hướng đánh vào nội đô, trên vùng ven và vùng ngoài quanh Sài Gòn, các đơn vị chủ lực và vũ trang địa phương loại khỏi vòng chiến một lực lượng quan trọng của địch. Ở Trảng Bàng, Củ Chi trung đoàn bộ binh 5 sư đoàn 5 phối hợp với lực lượng tại chỗ tấn công địch ở Trảng Sa, Cầu Xe, đường 15, ở khu vực Búng Lái Thiêu, trung đoàn bộ binh 12 sư đoàn 7 diệt 1 tiểu đoàn ngụy ở Phú Văn và tiếp tục đánh Mĩ phản kích, phá hủy, phá hỏng 1 xe tăng, bắn rơi, bắn bị thương 14 máy bay lên thẳng. Ở Long Thành, trung đoàn 14 sư đoàn 7 đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn Úc và 2 đại đội Mĩ, phá hủy, phá hỏng 15 xe tăng và 5 pháo.

Trên hướng Đông Nam thành phố, để mở màn cao điểm 2, từ 2 vị trí ở Rạch Cá Nhám, Đoàn 10 bắn 50 quả ĐKB vào trận địa pháo binh địch ở Nhà Bè, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mĩ. Máy bay lên thẳng và tàu chiến địch đổ quân bao vây quân ta nhiều tầng, nhiều lớp. Các pháo thủ Đoàn 10 ngoan cường chiến đấu, suốt 3 ngày phá vây, an toàn về căn cứ. Địch lại đổ thêm 1 tiểu đoàn đóng chốt ở khu vực Rạch Cá Nhám, nhưng pháo Đoàn 10 lại chuyển trận địa, tiếp tục nhả đạn vào kho xăng Nhà Bè, kho đạn Cát Lái, kho Rạch Dừa (Vũng Tàu) trong suốt cao điểm 2. Trong lúc đó, trên mặt trận đường sông, pháo bắn thẳng của Đoàn 10 bắn cháy 10 tàu chiến đấu và vận tải của địch trên sông Lòng Tàu. Đặc biệt ngày 10 tháng 5 năm 1968 ta bắn cháy 1 tàu chở dầu 10 ngàn tấn và hư hại 1 tàu chở hàng quân sự 7 ngàn tấn trên đoạn sông Động Hàn - Rạch Bàng, bắn trọng thương 1 tàu LCM và 1 tàu chở dầu 7 ngàn tấn ở ngã ba sông Đồng Tranh - Phước Khánh.


(1) Các đồng chí đào hầm trong nhà dân, được chủ nhà che giấu suốt 5 ngày trước sự lùng sục của cảnh sát địch. Năm đồng chí được chuyển sang nhà chị ruột đồng chí Huỳnh Tấn phát, được giấu trên trần nhà và sau đó chuyển sang nhà anh Ba Lâm (là chị ruột bà Nguyễn Thị Bình, sau là Bộ trưởng Bộ Ngoai giao chính phủ CMLTCHMNVN) được anh Ba Lâm dùng ô tô chuyển về Lai Khê (vòng qua Thủ Đức, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Bến Cát…).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #148 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:22:44 am »

Tiếp sau đợt 1, ở đợt 2 rất nổi bật hình ảnh “hậu cần nhân dân” phục vụ chiến đấu trong điều kiện địch phản kích rất ác liệt.

Ở Bình Chánh, ngày 15 tháng 6 một đoàn dân công của xã Vinh Lộc bị máy bay địch phát hiện và truy kích. Toàn bộ đoàn 33 người hi sinh trên đồng bưng Vinh Lộc. Hàng loạt người khác lại xung phong lên đường thay thế cho những người vừa hi sinh. Rất nhiều dân công đã hi sinh trong phục vụ chiến đấu.

Ở Gò Vấp, Hóc Môn trong đợt 2, mặc dù bị địch đánh phá hết sức ác liệt, nhân dân ta sơ tán rồi lại trở về chỗ cũ để tiếp tục nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, bộ đội, chiến thương, điển hình như các má Mười Cưu, má Bảy Ty, má Hai, má Bảy…

Trong khi địch phản kích, nhiều nơi đồng bào từng nhóm hai, ba người mang cơm, bánh, xôi, trái cây… giả vờ đi bán rồi len lỏi ra trận để tiếp tế cho quân ta. Có nơi đồng bào nấu cơm vừa chín, chiến sĩ chưa kịp ăn, địch đã đánh tới, quân ta cơ động, chiến đấu, đồng bào gánh cơm chạy theo. Có nơi do quá ác liệt đồng bào phải tản cư, nhưng để lại những thùng gạo, thức ăn kèm theo những dòng chữ “gạo này cho giải phóng”, “các chú giải phóng cứ lấy mà dùng”… Đồng bào vận động con em gia nhập lực lượng vũ trang, bổ sung ngay trong chiến đấu. Ở Tân Thới Nhất, thanh niên tòng quân đủ bù ngay số hi sinh và bị thương cho đơn vị giải phóng đang đứng chân tại xã.

Cứu và nuôi chiến thương vượt quá nhiều lần số lượng đã dự tính và chuẩn bị trước tổng công kích - tổng khởi nghĩa, trong tình thế địch phản kích ác liệt, đồng bào vùng ven cố gắng khắc phục khó khăn, vượt lên ác liệt với khẩu hiệu “thà chết không bỏ thương binh”.

Ở một xã cách xa Sài Gòn 45km như An Tịnh, số chiến thương kể cả Sài Gòn ra trước nổ súng dự tính là 200, sau nổ súng qua các đợt lên đến 700-800. Nhiều gia đình nuôi 4-5 người, lúc căng anh em phải xuống hầm bí mật.

Ở Củ Chi, rất nhiều đồng bào đào hầm hố trong nhà để nuôi thương binh. Có người nuôi đến 5 thương binh. Nhân dân xã Bình Mĩ nuôi toàn bộ thương binh của các cánh quân đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Riêng xã Nhuận Đức, đồng bào nuôi đến 700 thương binh.

Ở Gò Vấp trong đợt 2, chiến sĩ Nguyên thuộc trung đoàn Đồng Nai, quê miền Bắc bị lạc đơn vị bám 45 ngày đêm ở Vũng Bèo (Hạnh Thông) được đồng bào nuôi giấu chu đáo. 15 chiến thương nặng của trung đoàn Quyết Thắng được nhân dân An Phú Đông nuôi giấu, chăm sóc tận tình.

Ở ấp Tân Phước (Tân Bình), má Phan Thị Thêm cùng chồng là Nguyễn Văn Thương đã nuôi giấu tổng cộng hơn 40 trinh sát và biệt động thành, đào hầm giấu hơn 150kg thuốc nổ và hàng trăm tiểu liên AK, đạn dược, truyền đơn, cờ Mặt trận. Địch phát hiện các tang vật. Bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng bác Thương nhất định không khai báo. Bác bị chúng đày ra Côn Đảo. Má Thêm bị chúng đưa đi an trí ở trại Tân Hiệp (Biên Hòa).

Ngày 18 tháng 6 năm 1968, sau 2 cao điểm, đợt 2 tổng tiến công kết thúc.

Mặc dù yếu tố bất ngờ về chiến lược không còn, trong đợt 2, ta đã tiếp tục “đưa chiến tranh vào thủ đô địch”; riêng trong thành phố ta diệt nhiều sinh lực hơn trong đọt 1. Tuy nhiên lực lượng ta lại bị tổn thất thêm trong khi tổn thất đợt 1 chưa bù kịp. Địch vẫn bị một bất ngờ về khả năng thọc sâu của ta. Nhiệm vụ mà trên xác định vẫn còn thể hiện chủ quan, không phù hợp thực tế, nặng “dứt điểm”, nhẹ củng cố phía sau: “chiếm lĩnh nhiều khu vực trong thành phố, tiêu diệt đại bộ phận các lực lượng kềm kẹp từ quận trở xuống, thực hiện quyền làm chủ của quần chúng ở khu vực giải phóng, xây dựng chính quyền cách mạng trong thành phố… đánh lẻ và đánh tập trung diệt mọi tiềm năng chiến lược…”.

Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 7 (tháng 6 năm 1968), đánh giá thắng lợi đợt 2 là to lớn, toàn diện, “đặt cơ sở hết sức thuận lợi để giành thắng lợi mới, tiến lên giành thắng lợi quyết định”, tuy nhiên còn nhiều mặt yếu tác chiến, ở trọng điểm nổi bật nhiều điểm không đạt yêu cầu, khởi nghĩa quần chúng còn ì ạch, binh vận quá yếu, việc xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, vũ trang và củng cố hậu phương còn yếu. Nhiệm vụ cụ thể của đợt 2 là “Chiếm lĩnh nhiều khu vực trong thành phố, tiêu diệt đại bộ phận các lực lượng kềm kẹp từ quận trở xuống, thực hiện quyền làm chủ của quần chúng ở các khu vực giải phóng, xây dựng chính quyền cách mạng trong thành phố… đánh lẻ và đánh tập trung diệt mọi tiềm năng chiến lược của địch…”. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng, do đợt 1 chưa dứt điểm mục tiêu nào trong thành phố, do tình hình nói chung, khi vào đợt 2 tâm lí của người chỉ huy chiến đấu cũng như của chiến sĩ đã có phân vân: đánh vào Sài Gòn thì mục tiêu chính là gì, là để diệt đầu sỏ địch, hay diệt địch trong thành phố để gây tác động chính trị, hay để chiếm thành phố, xây dựng và tồn tại chính quyền cách mạng trong thành phố như thế nào…?

Thực tế là trong đợt 2 ta đã diệt địch nhiều hơn đợt 1 nếu chỉ tính ở nội đô, làm chủ một số khu phố trong nội đô nhiều ngày, nhưng nhiều đơn vị không đến được mục tiêu theo thời gian và kế hoạch đã quy định, do đó các hướng tiến công không đều, địch có điều kiện lần lượt tập trung đối phó trên từng hướng để đẩy lùi ta ra ngoài..
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #149 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:24:29 am »

Ở vòng ngoài, chủ lực ta chưa có đòn tiêu diệt lớn có tác dụng thối động. Tổn thất của ta trong đợt 2 nặng hơn nhất là lực lượng chủ lực và các phân khu.

Chủ trương của Trung ương Cục trong đợt 2 về hậu phương và nông thôn là: “Giải phóng và làm chủ toàn nông thôn đồng bằng, miền núi và tăng cường xây dựng hậu phương lớn mạnh về mọi mặt…”, nhưng khi vào đợt ta vẫn nặng về cả tâm lí lẫn hành động dồn sức nhằm “dứt điểm” đô thị, coi nhẹ củng cố nông thôn và vùng mới giải phóng. Vì vậy sau đợt 2, ở nông thôn ta chẳng những không đủ sức giữ vững vùng mới giải phóng mà còn không đủ sức giữ nhiều vùng giải phóng cũ, nhất là các vùng giải phóng dân cư.

Mặt khác, trong khi dồn sức tấn công đô thị trong đợt 2, ta lại bộc lộ lực lượng vẫn nặng “dứt điểm” nên đã phá vỡ mọi sự kết hợp: Giữa hợp pháp - không hợp pháp và nửa hợp pháp trong đấu tranh chính trị; giữa sử dụng và tích lũy lực lượng lâu dài cho nên sau các đợt tấn công thì kẻ thù còn số quân hơn hẳn ta, đặc biệt lực lượng tại chỗ của ta trong thành phố gần như không còn gì, cơ sở quần chúng cách mạng bị địch vét, ta phải xây dựng lại gần như từ đầu.

Nhìn lại toàn cục, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm nên một cột mốc lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc và đã đạt thắng lợi to lớn, toàn diện(1), mà trước đó chưa có năm nào đạt được. Đối với nước Mĩ, không có đòn đánh nào của ta làm choáng váng nước Mĩ hơn đòn Xuân Mậu Thân. Dù sau sự kiện Xuân Mậu Thân, tình hình ở chiến trường trở nên hết sức phức tạp và ác liệt, nhưng trên xu thế thất bại về chiến lược, đế quốc Mĩ không thoát khỏi con đường tất yếu buộc phải trải qua: xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán, rút quân… Và cuối cùng là chế độ tay sai sụp đổ, miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

 Tuy nhiên, do có những sai lầm, ta đã chịu tổn thất lớn về người, đặc biệt phải chịu những hậu quả nặng nề, nghiêm trọng trên chiến trường suốt hai, ba năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Sai lầm lớn nhất, quyết định những sai lầm khác của ta là chủ quan, đánh giá quá thấp khả năng của địch, quá cao khả năng của ta, đặc biệt là về phong trào quần chúng nổi dậy và khởi nghĩa đô thị. Từ đó chủ trương lấy tổng tiến công và tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trên toàn miền Nam, mà thực ra đó chỉ là một cuộc tập kích chiến lược. Mặt khác, ta đã xem tổng công kích - tổng khởi nghĩa là một giai đoạn, một quá trình nhằm kết thúc chiến tranh, nên cứ nhằm vào đô thị, mở hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác nhằm đạt mục tiêu cuối cùng (của tổng công kích - tổng khởi nghĩa), nhẹ củng cố nông thôn, củng cố hậu phương, nhẹ những việc có tính căn cơ lâu dài ở đô thị… Trong lúc đó địch kịp thời chuyển hướng cả về chủ trương chiến lược và hành động, phản kích một cách có hiệu quả.

Nắm tư tưởng tiến công cách mạng và ý định của trên, khu ủy Sài Gòn - Gia định đã chủ động, tích cực chuẩn bị kế hoạch và lực lượng từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1965 để đủ sức đối phó với chiến tranh cục bộ của Mĩ, chuẩn bị thời cơ giành thắng lợi quyết định, đồng thời kiên quyết chấp hành nghị quyết Trung ương Cục, đã thực hiện tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ngay trong chiến tranh cục bộ, trên địa bàn đầu não địch, đánh vào nhiều mục tiêu chiến lược hàng đầu, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn và toàn diện của tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân trên toàn miền Nam.

Tuy nhiên, so với sự phát triển của tình hình và yêu cầu của nhiệm vụ, việc xây dựng thực lực của Sài Gòn - Gia Định (lực lượng vũ trang, tổ chức Đảng, tổ chức nòng cốt, tổ chức quần chúng…) vẫn chưa theo kịp; do chưa có những biện pháp sinh động, sáng tạo để nhân nhanh lực lượng, chưa tập trung sức nghiên cứu và tăng cường cán bộ để phát triển thực lực cách mạng trong giai cấp công nhân lao động. Những nhược điểm trên dẫn đến hậu quả là khi thời cơ đến, ta không đủ sức nổi dậy và không chiến đấu được dài hơi.

Trong thiếu sót chung của lãnh đạo, chỉ đạo trong Xuân Mậu Thân 1968, về phần mình sau này (đầu năm 1974), Thành ủy đã tổ chức hội nghị để nhìn lại toàn cục vấn đề, kiểm điểm một cách nghiêm khắc, ra dự thảo nghị quyết kiểm điểm Thành ủy từ Xuân Mậu Thân 1968 đến đầu năm 1974 trong đó có những đoạn về năm 1968 như sau:

“Đánh giá tình hình địch, bộc lộ chủ quan một chiều, không sát đúng với thức tế, do đó đã không sớm đóng góp được với trên về việc kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, mà bản thân mình cũng tiếp tục dấn theo yêu cầu tổng tiến công và nổi dậy, đề ra mục tiêu quá cao, đưa lực lượng và cơ sở đến chỗ bộc lộ, bị tiêu hao không bù đắp được…”.

“Bài học chủ yếu trong giai đoạn này là bài học về khởi nghĩa đô thị, bài học về việc phải luôn luôn đánh giá tình hình một cách hết sức khách quan, nhạy bén, từ đó biết chuyển hướng chỉ đạo một cách kịp thời khi tình thế thay đổi, bài học phải luôn luôn giương cao ngọn cờ tấn công, phát huy các hình thức bạo lực cách mạng, nhưng phải theo một phương châm, phương thức phù hợp với từng giai đoạn và phù hợp với tương quan địch, ta từng nơi, từng lúc”(2). Những thiếu sót trong Xuân Mậu Thân 1968 còn để lại hậu quả khó khăn cho ta suốt những năm 1969, 1970, 1971.

*
*   *

Dù như thế nào, chiến công có tầm vóc cột mốc lịch sử của cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân trong 16 năm chống Mĩ là không phủ nhận được; và đó là một cuộc tổng diễn tập chiến lược, phát huy thành quả Đồng Khởi tám năm trước và tạo điều kiện để cho trận quyết chiến dứt điểm 7 năm sau.


(1) Về quân sự: riêng mặt trận Sài Gòn đã gây cho địch thiệt hại rất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Những con số sau đây (theo báo cáo lúc đó) tính cả phần lực lượng trên tăng cường), tuy còn phải xác minh lại, nhưng vẫn là tài liệu để xử lí: cả đợt 1 và đợt 2 trên mặt trận Sài Gòn - Gia Định ta đã: loại khỏi vòng chiến đấu (giết và làm bị thương, rã ngũ 47000 tên địch (có 20000 Mĩ); bắn rơi, bắn bị thương, phá hủy 500 máy bay các loại; phá hủy và phá hỏng gần 1480 xe quân sự (có 600 xe tăng và se bọc thép); phá hủy 45 kho đạn, xăng dầu; tiêu diệt bức rút bức hàng 150 đồn bót. Trên toàn B2 qua 2 đợt ta loại 131000 tên địch (có 39420 Mĩ, Úc, Thái Lan), giải phóng 567000 dân. Theo số liệu Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, tính chung 6 tháng đầu năm 1968, trên toàn miền Nam, địch thú nhận bị chết, bị thương, mất tích 101.400 tên trong đó có 50.387 tên Mĩ (9301 tên bị chết).
(2) Dự thảo kiểm điểm của Thành ủy từ Xuân Mậu Thân 1968 đến đầu năm 1974. Tài liệu số 168, lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM