Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:19:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)  (Đọc 130058 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2012, 04:41:40 pm »

Ngày 27 tháng 8 năm 1963, Trung ương Cục có chỉ thị tiếp về đẩy mạnh chống phá ấp chiến lược, gom dân. Nhìn lại có một năm trên toàn Nam Bộ, tuy chưa đạt yêu cầu đề ra(1) nhưng ta đã làm cho địch không thực hiện được ý đồ mà chúng đã dự định. Phần lớn các khu, ấp chiến lược không ổn định, địch chưa dựng được bộ máy kềm kẹp hoặc dựng lên có hình thức mà chưa khống chế được quần chúng như chúng mong muốn. Nhưng điều ta đạt được lớn nhất là đã củng cố, xây dựng, phát triển được cơ sở và đưa phong trào đấu tranh của quần chúng bên trong lên (tuy chưa mạnh) bằng mọi hình thức ở phần lớn các khu, ấp chiến lược; nhiều cơ sở của ta bị địch đánh bật lúc đầu, nay trở lại bám được ngay trong lòng các khu, ấp chiến lược; qua quá trình chống phá, quần chúng đã có được nhiều kinh nghiệm đấu tranh và ta rút được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo.

Tuy nhiên, trong lúc địch quyết tâm tập trung toàn lực đến độ coi là việc sống còn, thì đối phó của ta lại chưa thật tập trung, chưa tương xứng nhiều mặt nên trong hơn 1 năm địch đã thu được kết quả khá lớn: làm được 5.000 khu ấp chiến lược, khoanh gom 6.000.000 dân ở khắp 3 vùng, trong tổng số dự tính của chúng là 8.000 khu, ấp chiến lược của Nam Bộ. Thực tế chúng có giành được dân, lấn được đất, vơ vét được tài lực, vật lực, nhân lực… Phong trào chống phá ấp chiến lược của ta chưa đều, chưa mạnh, chỉ đạt đến mức giằng co. Do đó chỉ hạn chế hoặc làm cho địch không ổn định, không kềm kẹp chặt được quần chúng, chớ chưa chặn đứng được địch. Trên thế chung, địch còn đang lấn tới tuy không mạnh như trước.

Địch đã xây dựng được khu, ấp chiến lược trên một diện rộng, đồng thời cũng bộc lộ sơ hở phía sau lưng chúng. Một số nơi ta đã bước đầu chống phá có hiệu quả, bước đầu làm cho địch bị động, lúng túng và khả năng này đang đã phát triển.

Từ đánh giá như trên, Trung ương Cục đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cả giai đoạn dài sắp tới là: “Quyết tâm đánh bại âm mưu lập khu, ấp chiến lược, nội dung chủ yếu của kế hoạch bình định của địch”. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, Trung ương Cục chỉ rõ: “Ra sức đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào nhân dân chiến tranh, ra sức chống càn quét, chống phá khu ấp chiến lược, tiêu hao tiêu diệt, làm tan rã sinh lực địch, đi đôi với khẩn trương xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng chính trị, vũ trang bên ngoài cũng như bên trong khu, ấp chiến lược; tập trung và kết hợp chặt chẽ mọi lực lượng, mọi mặt công tác nhằm tấn công địch để chặn đứng, đẩy lùi, làm thất bại từng bước, tiến lên làm thất bại hoàn toàn âm mưu xây dựng khu, ấp chiến lược, gom dân của chúng”.

Chỉ thị nhắc lại những quan điểm của “chỉ thị về chống phá ấp chiến lược” của Trung ương Cục ngày 20 tháng 1 năm 1962, đồng thời có bổ sung nhiều kinh nghiệm cụ thể trong chỉ đạo.

9 năm cầm quyền, chế độ độc tài gia đình trị của Diệm đã bộc lộ những chỗ yếu nghiêm trọng: nhân dân các đô thị càng bị đàn áp càng sôi sục đấu tranh, nội bộ chúng tranh ăn chống đối nhau mạnh mẽ nhưng Diệm khăng khăng không chịu chia sớt quyền hành cho các tay sai khác theo lệnh Mĩ. Trong khi đó, phong trào chiến tranh nhân dân của ta ngày càng phát triển ở nông thôn, vùng du kích và cả vùng sát Sài Gòn. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị sôi sục. Tình hình đó thôi thúc Mĩ dứt khoát “thay ngựa giữa dòng”, đưa bọn tướng tá đối lập lên. Đứng đầu phe đảo chính là Dương Văn Minh, dưới là những tên ác ôn vừa mới thẳng tay đàn áp Phật giáo, sinh viên, học sinh và nhân dân Sài Gòn như tướng Tôn Thất Đính. Đại sứ Mĩ Cablot Lodge giữ vai trò chủ mưu, nhưng giấu mặt.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Diệm Nhu bị giết. Một hội đồng quân nhân do Dương Văn Minh làm chủ tịch lên thay đầu não ngụy quyền.

Mặc dù có lệnh giới nghiêm, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn thừa cơ đảo chánh xuống đường. Ngày 2 tháng 11 năm 1963, mấy chục vạn dân họp thành 20 đoàn biểu tình cuồn cuộn diễu qua các phố hô khẩu hiệu chống chế độ độc tài phát xít quân phiệt các loại, đòi dự do dân chủ, chống đế quốc Mĩ xâm lược, đòi thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc dân chủ. Quần chúng xông vào các nhà giam thả tù chính trị, phá nhiều bót, lùng bắt tay chân chế độ Diêm. Sinh viên học sinh biểu tình phản đối nhóm quân nhân đảo chính đã thả và dùng các tên Nguyễn Văn Y (giám đốc trại cải huấn), Trần Văn Tư (giám đốc cảnh sát đô thành), Bùi Văn Lương (Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Dần dần, cả những người ảo tưởng về một chế độ “dễ thở” sau Diệm cũng hiểu ra, một chế độ độc tài phát xít tay sai Mĩ đã bị lật đổ không có nghĩa là một cuộc cách mạng đã được thực hiện. Diệm đổ cũng không có nghĩa một thời kì ổn định của chế độ tay sai đã bắt đầu. Trái lại, cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 lại mở màn một thời kì khủng hoảng mới của chế độ tai sai Mĩ với những cuộc đảo chính liên miên, đảo chính nhiều hơn bất kì lúc nào trước đây. Trong cuốn Nước Mĩ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon, Mr. A. Pulo nhận định: “Sau 9 năm tập trung một cách mù quáng vào việc duy trì Diệm nắm quyền hành, việc thay đổi bất ngờ này đã bộc lộ sự nghèo nàn và bất lực trong chính sách của Mĩ”.

Ở nông thôn, quanh Sài Gòn, sau khi Diệm bị giết chết, khoảng 167 ấp bị phá hoặc mất hiệu lực. Số ấp còn lại xây dựng dở dang, kém hiệu lực, ta làm chủ ban đêm. Thắng lợi ở nông thôn kích thích phong trào đô thị duy trì và phát triển.

Tuy nhiên so với phong trào đô thị trước và sau đảo chính Diệm, lãnh đạo của ta chưa theo kịp yêu cầu. Báo cáo cuối năm 1963 của Trung ương Cục nhận định: “Các phong trào quần chúng trong các đô thị phần nhiều là do quần chúng tự động, chứ sự lãnh đạo của Đảng ta còn ít, nhất là phong trào của quần chúng cơ bản, phong trào của công nhân và nhân dân lao động chưa làm nòng cốt được cho phong trào chung nên phong trào đô thị chưa có cơ sở vững chắc, tuy rằng hiện nay cơ sở Đảng tại Sài Gòn tiếp tục giữ được và có củng cố, nâng lên”.


(1) Trên toàn Nam Bộ, ta đã phá được cả hình thức và phá nội dung kềm kẹp từ 1 đến 40 lần ở 2.500 trên tổng số 5.000 khu, ấp chiến lược mà địch đã làm được, còn trên hàng ngàn khu, ấp chưa phá được hình thức lần nào, nhưng ta đã phá được nội dung ở nhiều mức độ khác nhau; phá dứt điểm và địch chưa làm lại được trên 30 khu, ấp; trên 50 ngàn dân bị gom đã bung ra về đất cũ làm ăn (Hình thức kềm kẹp: bộ máy, tổ chức kềm kẹp; nội dung kềm kẹp: quy định, cách thức kềm kẹp).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:13:31 pm »

II. PHÁT TRIỂN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN TRONG VÀ NGOÀI ĐÔ THỊ,
GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA ĐẾ QUỐC MĨ


Kế hoạch “tấn công giành thắng lợi quyết định” trong năm 1963 của địch thất bại. Sau việc thay tay sai tháng 11 năm 1963, tháng 12 năm 1963 Nhà trắng chuẩn bị thay tướng, qua việc cử sang miền Nam Việt Nam đại tướng William C. Westmoreland - người được báo chí Mĩ ca tụng là “một vị chỉ huy lỗi lạc, tự tin, có tri thức quân sự, có kinh nghiệm chiến đấu, có tác phong xông xáo…”. Trước mắt Westmoreland làm phó cho Harkins và sau đó (tháng 6 năm 1964) thay luôn Harkins làm tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh Mĩ ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 3 năm 1964 MacNamara, Bộ trưởng quốc phòng Mĩ - người được mệnh danh là “có bộ óc điện tử”, cùng đại tướng Maxell Taylor - người mà dư luận báo chí Mĩ đánh giá là “một nhà chiến lược tầm cỡ quốc tế, thông minh, sắc sảo, có tầm nhìn xa trông rộng, có quan điểm táo bạo, độc đáo”, sang kiểm tra tình hình Nam Việt Nam, chủ trương “bình định có trọng tâm” nhằm vào các tỉnh vành đai quanh Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam Bộ. Đây là bước lùi sau bước lùi lớn hơn là kí hiệp định ngừng bắn ở Lào (tháng 7 năm 1962) để tập trung nỗ lực vào chiến trường Nam Việt Nam, đẩy chiến tranh đặc biệt lên đỉnh cao giành thắng lợi quyết định trong 2 năm tới, gọi là “kế hoạch Johnson(1) - MacNamara nhằm tiếp nối và bổ sung cho kế hoạch Staley - Taylor.

Kế hoạch 2 năm này được thực hiện bằng những hành động leo thang chiến tranh: khẩn trương phát triển quân ngụy(2), tiếp tục đưa lực lượng yểm trợ Mĩ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam(3), mở chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc để cứu vãn tình thế ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 12 năm 1963, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương vạch ra nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng miền Nam là: “… ra sức phấn đấu xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang (nhất là lực lượng vũ trang)… tiến lên đánh tiêu diệt và làm tan rã từng bộ phận quân đội địch, phá phần lớn các ấp chiến lược, làm chủ rừng núi và phần lớn xã, thôn vùng đồng bằng, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng ở đô thị nổi dậy mạnh mẽ, đẩy chế độ Mĩ và tay sai đến chỗ khủng hoảng sâu sắc hơn và mau suy sụp hơn, giành được thế chủ động về chiến lược, tạo ra thời cơ tốt để giành những thắng lợi quyết định về ta”.

Trung ương Cục ra chỉ thị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 9, xác định nhiệm vụ năm 1964, quyết tâm tạo điều kiện cần thiết để sang năm sau có thể mở ra cục diện to lớn của phong trào, tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị ngày 18 tháng 3 năm 1964 về đẩy mạnh tấn công địch sau khi Diệm bị lật đổ. Chỉ thị vạch rõ kế hoạch mới của địch là tiếp tục kế hoạch Staley - Taylor trong tình hình ta mạnh lên và địch suy yếu hơn, là một bước thụt lùi trong thế bị động chiến lược, nhưng cần thấy hết tính chất quỷ quyệt và quyết tâm cao của chúng nhằm phản kích phong trào cách mạng miền Nam; trong thế bị động về chiến lược địch đang cố giành chủ động về chiến thuật, giành chủ động trên một số chiến trường, trên một số địa bàn trọng điểm hòng ngăn chặn sự tan rã, giữ vững chân đứng, tạo thế chờ bầu cử tổng thống Mĩ mới có quyết định dứt khoát… Nhiệm vụ trước mắt của ta là chủ động đẩy mạnh tấn công chính trị, quân sự, binh vận đều khắp trên cả ba vùng, đặc biệt tập trung sức chống bình định, chống càn quét, chống lập ấp chiến lược, tiêu hao tiêu diệt thật nhiều địch, chống chính sách lợi dụng giáo phái của địch, kiên quyết giành thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn về quân sự, chính trị, làm cho địch thất bại hoàn toàn trong âm mưu mới. Trong chỉ đạo, cần nắm vững phương châm dốc toàn lực, tấn công mạnh mẽ, liên tục, dồn địch vào thế bị động, tan rã, phát huy cao độ khí thế quần chúng, mở rộng thế làm chủ của ta đồng thời ra sức xây dựng, tăng cường thực lực ta mọi mặt… kết hợp chặt chẽ tấn công - xây dựng, củng cố - phát triển.

Chỉ thị xác định phong trào đô thị đóng vai trò rất quan trọng trong việc quần chúng chống lai các âm mưu của địch, cần đẩy mạnh các hoạt động ở đô thị, đưa quần chúng đấu tranh mạnh mẽ, liên tục, dưới mọi hình thức thích hợp, gây cho địch lúng túng, bị động ngay trong lòng của chúng, nội dung các khẩu hiệu đấu tranh của quần chúng ở đô thị là chống đế quốc Mĩ xâm lược, đòi hòa bình, độc lập, trung lập, chống đàn áp, khủng bố, đòi dân sinh dân chủ.

Đánh giá cao tầm quan trọng của phong trào đô thị, Trung ương Cục điều động nhiều đảng viên, cán bộ hoạt động hợp pháp từ các nơi về tăng cường cho các tổ chức chính trị ở Sài Gòn.

Chấp hành Nghị quyết của Trung ương và Trung ương Cục, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương: tích cực xây dựng 3 thứ quân cả về số lượng và chất lượng, chú trọng chất lượng; phát triển phong trào du kích chiến tranh, đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt từng đơn vị nhỏ của địch, đối tượng là lực lượng kềm kẹp xã ấp phường khóm và lực lượng bảo an dân vệ; phối hợp các hoạt động giữa nông thôn và đô thị, thực hiện kềm địch để diệt địch; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tạo thành sức mạnh tổng hợp tiến công địch liên tục, đều khắp; phá thế kềm kẹp của địch ở các ấp chiến lược, bung dân về vườn đất cũ sản xuất; phát triển thực lực cách mạng, đồng thời ra sức chuẩn bị mọi mặt một cách khẩn trương, chu đáo, sẵn sàng đáp ứng khi có thời cơ.

Khu ủy được tăng cường nhiều cán bộ, kể cả cán bộ vừa thoát khỏi nhà tù sau ngày 1 tháng 11 năm 1963, tăng cường cho các ấp, các giới, các ngành trong nội thành, cho các đội biệt động và các lực lượng vũ trang nội đô.

Sài Gòn sau cuộc lật đổ Diệm, nổi lên phong trào đấu tranh của công nhân ngành Dệt, đặc biệt ở hai xưởng Vimytex và Vinatexco.

Chủ hai xưởng này là người Đài Loan, kĩ sư, nhân viên kĩ thuật và công nhân phần lớn là người Hoa. Dưới thời Mĩ ngụy, mỗi xưởng dệt này cũng như mỗi xí nghiệp nhà máy ở Sài Gòn, thực chất chẳng khác nào một ấp chiến lược. Chủ tư sản cài mật vụ vào tất cả các bộ phận để khống chế công nhân, đặc biệt ngăn chặn ảnh hưởng cách mạng vào công nhân. Người công nhân bị kềm kẹp bởi những luật lệ hà khắc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Hoa vận, công nhân ở hai xưởng trên đã nhiều lần đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Đầu tháng 1 năm 1964 công nhân hãng Vinatexco đưa yêu sách cho chủ xưởng đòi tăng lương 30%, đòi cải thiện đời sống và điều kiện làm việc. Chủ phớt lờ, ngày 14 tháng 1 năm 1964, 2.000 nam nữ công nhân đình công, chiếm xưởng. Sáng ngày 17 tháng 1 năm 1964 chính quyền Sài Gòn đưa hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng hàng trăm cảnh sát do hai tên Mĩ chỉ huy đến đàn áp, giết chết một số người, làm bị thương trên 200 người khác, bắt một số đại diện công nhân. Hành động này của ngụy quyền gây làn sóng căm phẫn trong công nhân và lao động thành phố. Hơn 20 nghiệp đoàn cùng trên 2 vạn công nhân ngành dệt, 7.000 công nhân khuân vác bến tàu, 6.000 công nhân đường sắt, 2.000 công nhân lái xe ôtô buýt, tắcxi và hàng vạn công nhân cao su Tây Ninh, Thủ Dầu Một họp mít tinh, biểu tình ra kiến nghị, quyên góp tiền bạc ủng hộ công nhân Vinatexco. Dưới áp lực đấu tranh của công nhân và dư luận, địch buộc phải trả tự do cho những người bị bắt và cuối cùng, chủ xưởng buộc phải chấp nhận phần lớn yêu sách của công nhân.


(1) Johnson, phó tổng thống Mĩ lên làm tổng thống thay Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963.
(2) Quân chủ lực ngụy từ 200.000 tên năm 1962 lên 245.000 tên cuối năm 1964, bảo an, dân vệ ừ 150.000 tên năm 1962 phát triển lên 262.000 tên cuối năm 1964.
(3) Từ 163.00 cố vấn, lực lượng yểm trợ Mĩ năm 1963 lên 26.000 tên cuối năm 1964. Cuối năm 1964, Mĩ đưa vào miền Nam 955 máy bay (gấp 3 lần số máy bay ngụy) đảm nhiệm chủ yếu về chi viện hỏa lực và cơ động trong các cuộc hành quân ngụy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:14:38 pm »

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, sau khi Diệm đổ 3 tháng, trung tướng ngụy quyền Nguyễn Khánh lại đảo chính lật đổ Dương Văn Minh, mở đầu “thời kì thay đổi chính phủ hằng tháng”.

Cuộc “phản đảo chính” này bắt nguồn từ việc Mĩ không tin ở sự trung thành của tướng Dương Văn Minh là người do Pháp đào tạo và có phần không ưa Mĩ, mặt khác Mĩ chọn Khánh với ý định để y sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn trong chống phá cách mạng. Một “hội đồng quân sự cách mạng lật đổ” đã thay thế cho “hội đồng quân nhân cách mạng” do Minh làm chủ tịch, Khánh trở thành một nhà độc tài mới giữ hàng loạt chức: chủ tịch hội đồng quân sự, tổng tư lệnh quân đội, tổng tham mưu trưởng kiêm thủ tướng chính phủ. Phó thủ tướng thứ nhất của Khánh là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, nhân vật cầm đầu Đại Việt - một tổ chức chính trị gồm những quan lại, viên chức cao cấp cũ của Pháp và một số trí thức, trong đó có nhiều người thân Mĩ. Vừa mới nhậm chức, Hoàn đã hò hét: “Việc quan trọng trước mắt là tiến hành chiến tranh chống Cộng sản vì thế giới tự do!”. Ngày 1 tháng 2 năm 1964 Khánh kí ngay sắc luật 093-LS-CT đặt Cộng sản và thuyết trung lập ra ngoài vòng pháp luật. Tiếp sau đó kí lệnh bắt giam hơn 100 sĩ quan, cách chức, giáng chức một loạt tỉnh trưởng, quận trưởng và gần 1.000 viên chức cao cấp tay chân của Minh. Xe tăng diễu võ dương oai trên đường phố. Thái độ hung hăng của tên độc tài mới khơi sâu thêm thời kì khủng hoảng của ngụy quyền sau Diệm. Khánh chưa yên chỗ, làn sóng đòi vãn hồi hòa bình, đòi thực hiện trung lập, đòi không để ngoại bang thống trị đã lan từ Sài Gòn ra khắp các đô thị miền Nam. Ngày 5 tháng 2 năm 1964 xảy ra vụ lính Mĩ giết hại anh lái xe tắcxi Nguyễn Văn Bảy và hai công nhân lái xe tắcxi khác. Lập tức 12.000 công nhân ngành tắcxi và xích lô máy ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định biểu tình tuần hành trên nhiều đường phố hô khẩu hiệu: “Đả đảo Nguyễn Khánh”, “đả đảo bọn Mĩ xâm lược”. Công nhân tổ chức tuần lễ “tẩy chay Mĩ”, đòi “trừng trị những tên giết người”, đón đánh lính Mĩ trên đường phố, công nhân tắcxi từ chối chở Mĩ. Cuộc đấu tranh lan rộng ra các tầng lớp nhân dân lao động khác, đặc biệt là giới xích lô đạp. Một số tiệm treo biển “không tiếp người Mĩ”.

Bế tắc trong “con đường hầm không lối thoát”(1) trước mắt là tình hình chính trị Sài Gòn ngày một tồi tệ, đại sứ Mĩ Cabot Logde xin từ chức. Maxwell Taylor được cử sang thay. Nhưng “nhà chiến lược số 1 của nước Mĩ” này không có cách nào để dập tắt dịch đảo chính do chính Mĩ khơi ngòi.

Taylor sang Sài Gòn trong lúc cuộc đấu tranh dai dẳng của công nhân hãng dệt Vinatexco chống chủ đuổi 151 công nhân (bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 năm 1964) đang diễn ra quyết liệt. Ngày 10 tháng 5 năm 1964 ngụy quyền cho bảo an và lính dù do phó tỉnh trưởng Gia Định chỉ huy đến đàn áp. Hơn 100 công nhân bị thương và bị bắt. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn đến tháng 7 năm 1964, được các nghiệp đoàn công nhân, Nha công chính, cảng, Tavixio, ximăng tuyên bố ủng hộ. Công nhân ôtô buýt, công nhân cao su cũng gởi tiền ủng hộ công nhân Vimytex.

Ngày 16 tháng 7 năm 1964 Khánh ra sắc luật 18-1964 cấm biểu tình, đình công, hội họp. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương phát động ngay một cuộc tổng đình công vào ngày 21 tháng 7 năm 1964 để chống sắc luật 18-1964 và ủng hộ công nhân Vimytex. Ngay hôm đó, 20 vạn công nhân các ngành dệt, điện, nước, xăng dầu, xích lô, tắcxi, xe buýt… của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều nghỉ việc và xuống đường tuần hành bất chấp lệnh thiết quân luật của ngụy quyền. Đoàn biểu tình trương các khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, đòi hủy bỏ sắc luật 18-1964, đòi tự do nghiệp đoàn, đòi Mĩ cút về nước cùng các khẩu hiệu ủng hộ công nhân Vimytex và Vinatexcô từ trụ sở tổng liên đoàn lao động ở số 14 Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám), tiến qua nhiều đường phố lớn, kéo về phủ thủ tướng của Khánh và Bộ kinh tế ngụy. 30.000 công nhân có mặt trước dinh Nguyễn Khánh, sáu vạn công nhân cao su các đồn điền xung quanh thành phố cũng đình công và tuyên bố và sẵn sàng tiến về Sài Gòn ủng hộ những người anh em cùng giai cấp. Cuộc tổng đình công đã làm cho cả Sài Gòn tê liệt. Suốt ngày hôm ấy, thành phố không điện, không nước, giao thông ngừng trệ, nhiều nhà hàng đóng cửa. Có những đường dây liên lạc giữa Sài Gòn và nước ngoài bị gián đoạn. Trước tình hình nghiêm trọng đó, Nguyễn Khánh buộc phải công bố cho tự do hội họp, hứa sẽ giải quyết các yêu sách của công nhân Vimytiex như trả tự do cho các cán bộ nghiệp đoàn bị bắt, trừng trị phó tỉnh trưởng Gia Định, thu hồi vô điều kiện số công nhân Vimytex bị thải, có báo trước 12 ngày.

Tháng 8 1964 cuộc đấu tranh chống sa thải công nhân Vimytex chưa dứt, Sài Gòn lại sôi động vụ “Hiến chương Vũng Tàu”.

Để tránh sự chống đối có thể xảy ra, hội đồng quân sự của Khánh kéo nhau xuống họp ở Vũng Tàu; ngày 16 tháng 8 kí cái gọi là “Hiến chương Vũng Tàu” âm mưu mở đường cho Mĩ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Nhưng khi Khánh vừa công bố “hiến chương” kèm “trưng cầu dân ý” việc y làm quốc trường thì ngay hôm sau, ngày 18 tháng 8 năm 1964 các cuộc biểu tình đã nổ ra không chỉ ở Sài Gòn mà ở hầu khắp đô thị lớn miền Nam. Từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 8 năm 1964, thanh niên, học sinh, sinh viên tổ chức hội thảo tại số 4 Duy Tân đòi xé bỏ “Hiến chương Vũng Tàu”, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Mĩ không được xen vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Cuộc hội thảo ngày 22 tháng 8 có mặt đến 4.000 người. Tiếp đó là cuộc xuống đường, phát động tuần lễ đấu tranh chống “Hiến chương Vũng Tàu”. Thanh niên, học sinh, sinh viên cùng đồng bào kéo đến Bộ thông tin đập phá Đài phát thanh Sài Gòn…

Sáng ngày 25 tháng 8 dưới trời mưa tầm tã, trong lúc cả ngàn học sinh, sinh viên tập trung trước chợ Bến Thành tưởng niệm Quách Thị Trang năm ngoái bị cảnh sát Diệm giết, 30.000 học sinh, sinh viên khác tập hợp trước dinh Nguyễn Khánh ở đường Thống Nhất, hô đả đảo Nguyễn Khánh, đòi Khánh ra giáp mặt. Khánh đi xe ra. Quần chúng bao vây xe, đòi y xuống xe và phải tự mình hứa chấp nhận y sách của nhân dân… phải tự hô “đả đảo độc tài quân phiệt”. Khánh răm rắp hô theo, quần chúng mới cho đi! Nhưng học sinh, sinh viên không chịu giải tán, tiếp tục ngồi trước dinh Khánh, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều để chờ “chính phủ” trả lời chính thức. Người tràn ngập vỉa hè, đường phố, công viên đến tận Sở thú. Đồng bào lao động ở các chợ Bến Thành, Cầu Muối, cầu Ông Lãnh mang thức ăn, nước uống đến tiếp tế cho lực lượng đấu tranh. 14 giờ, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh và quốc vụ khanh Nghiêm Xuân Hồng ra trước quần chúng, đọc bản tuyên cáo của “hội đồng quân sự”, đồng ý thủ tiêu “Hiến chương Vũng Tàu”, rút chức “quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa” do Nguyễn Khánh tự phong và chấp nhận nhiều yêu sách của quần chúng. Quần chúng đắc thắng, tuần hành luôn trên các đường phố trung tâm Sài Gòn. Hãng thông tấn Mĩ UPI cho rằng đây là một sự đầu hàng hoàn toàn của Khánh trước yêu sách của sinh viên và Phật tử li khai.


(1) Lời Kennedy về chiến tranh Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:15:59 pm »

Tháng 9 năm 1964, hai lần Khánh bị đảo chính hụt, Mĩ lúng túng vì đã chọn lầm tay sai, nhưng chưa có cách xoay sở, buộc phải tiếp tục dùng Khánh, nhưng buộc vào bộ ba Minh - Khánh - Khiêm gọi là “tam đầu chế” để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng… Tuy vậy, “ba người cai trị cũng không hơn gì một người”. Những nhượng bộ của Khánh và “tam đầu chế” không làm cho Sài Gòn yên ổn, trái lại “tình hình Sài Gòn hết sức hỗn loạn…” (hãng tin Anh Reuter).

Ngày 4 tháng 11 năm 1964, Khánh bị loại chức “quốc trưởng” để Phan Khắc Sửu lên thay làm “quốc trưởng”, Trần Văn Hương làm “thủ tướng” cho có vẻ dân sự. Nhưng “nhà giáo” Hương vừa nhận chức đã gào thét “đưa chính trị ra khỏi học đường”. “Chính phủ dân sự” lộ mặt tay sai đắc lực của Mĩ lại đứng trước làn sóng phản kháng quyết liệt mới. Hàng vạn học sinh các trường Gia Long, Petrus Kí, Văn Lang, Cao Thắng, Đại Đức, Hưng Đạo, Bồ Đề, Phan Sào Nam, Hồng Lạc, Lê Quý Đôn bãi khóa, chiếm trường, dùng gậy gộc gạch đá đánh trả bọn cảnh sát đến đàn áp. Công nhân và đồng bào lao động ở các khu chợ Bến Thành, Cầu Muối, Bàn Cờ, Ngã Bảy, Lí Thái Tổ lăn ống cống ra đường làm chướng ngại vật cản trở bọn đi đàn áp. Ngày 25 tháng 11 năm 1964, thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn thành công hội thảo đòi lật đổ Trần Văn Hương, đòi Mĩ không được can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Sau đó anh chị em kéo đi vận động học sinh các trường Nguyễn Thượng Hiền, Âu Lạc, Nguyễn Công Trứ cùng tham gia. Đến trường Gia Long, đoàn vận động bị địch bao vây. Tin truyền lan nhanh. Hàng ngàn học sinh ở các Bồ Đề, Hồng Lạc, Cao Thắng, Tân Văn, Văn Lang và thanh niên các khu vực Bàn Cờ, Ngã Bảy… kịp thời kéo đến giải vây. Anh chị em lại kéo về tập trung ở Viện hóa đạo. Không giải tán nổi, địch điều thêm lực lượng đàn áp bằng dùi cui, lựu đạn, hơi cay. Các toán xuất kích của thanh niên, học sinh, sinh viên ngoan cường chống trả. Địch xả súng bắn chết em Lê Văn Ngọc. Tối ngày 26 tháng 11 Ban cán sự Đoàn chủ trương phát động đợt căm thù sâu rộng. Lễ tang em Ngọc được tổ chức ngay trong khuôn viên Viện hóa đạo. Bất chấp vòng rào cảnh sát, mật vụ, công an dầy đặc, trong 2 ngày liền, hàng vạn đồng bào các giới, các trường học, nghiệp đoàn, công nhân, nhân sĩ, trí thức đến dự lễ viếng. Sáng ngày 29 tháng 11 năm 1964 đám tang em Ngọc biến thành cuộc xuống đường của hàng chục vạn học sinh, sinh viên và đồng bào thành phố lên án hành động sát nhân của Mĩ ngụy và đòi lật đổ Trần Văn Hương. “Nội các” Trần Văn Hương lại thêm một hành động tự sát: ra lệnh đàn áp. Em Loan, nữ sinh Gia Long bị bắn chết, nhiều người bị bắt trong ngày đưa tang, sau đó thêm 20 học sinh, sinh viên, thanh niên bị bắt.

Một lần nữa, nhân dân Sài Gòn lật đổ một “nội các” tay sai Mĩ, Trần Văn Hương buộc phải rời ghế. Phan Huy Quát lên thay, đụng ngay sự đối lập của Phật giáo, sinh viên. Phật tử biểu tình, sư sãi lại tuyệt thực để phản đối “nội các” mới. Mĩ không thể tìm được một bộ mặt nào sạch sẽ, có sức thuyết phục hơn.

Phối hợp với các phong trào của công nhân lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên, cánh Hoa vận đẩy mạnh võ trang tuyên truyền ở các xóm lao động Lò Gạch, Lò Gốm, Lò Siêu, chợ Thiếc, các rạp Đô Thành, Đại Quang Minh, các xí nghiệp, nhà máy, trường học, ngay trên những chuyến xe buýt chở công nhân. Anh chị em Hoa vận rải truyền đơn, căng biểu ngữ, treo cờ Mặt trận, cổ động đồng bào đứng lên chống ngụy đuổi Mĩ.

Hoạt động vũ trang nội thành tiếp tục đà tăng của năm 1963, hình thành mũi tấn công hỗ trợ đấu tranh chính trị nhằm vào sinh lực cao cấp và phương tiện chiến tranh quan trọng của địch.

Trận đầu của năm 1964 diễn ra lúc 11 giờ trưa ngày 9 tháng 1 tại nhà hàng Bamboo ở khu vực Lăng Cha Cả gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trên “trận địa” năm trước, với 1 quả mìn lõm 4kg đặt trong 1 giỏ cần xé buộc sau xe gắn máy dựng sát nhà hàng, chiến sĩ Đúng đội biệt động 67 giết chết và làm bị thương 15 Mĩ.

Vài ngày sau, cũng trên quãng đường này, một chiến sĩ khác ném lựu đạn trúng 1 xe Mĩ, diệt 5 tên.

Ngày 24 tháng 1 năm 1964, hội nghị quân sự đô thành lần thứ 2 khai mạc, có mặt đông đủ cán bộ các đội biệt động thực thuộc quân khu. Hội nghị đánh giá hoạt động võ trang nội thành năm 1963, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 1964, phân công khu vực hoạt động… Các cán bộ quân sự đô thị đều hạ quyết tâm cao trước khi ra về.

Vừa tròn nửa tháng sau, biệt động thực hiện một trận đánh xuất sắc tại sân dã cầu Tân Sơn Nhất. Sân này nằm kế bên sân bay, ở đường Ngô Đình Khôi - Võ Tánh, xung quanh có tường cao 2m, có hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ cho các buổi chơi ban đêm của sĩ quan Mĩ. Sát sân dã cầu, bên ngoài tường có một nghĩa trang, ban ngày có nhiều người vào viếng mộ, tối đóng cửa, có người gác. Đó là nơi mà 2 chiến sĩ biệt động 67 khéo lợi dụng, cải trang xâm nhập chôn quả mìn hẹn giờ dưới khán đài chính. 20 giờ ngày 9 tháng 2 năm 1964, đúng vào lúc sân chơi rộp rịp sĩ quan Mĩ, mìn nổ, nhiều sĩ quan Mĩ có cả đại tá, trung tá, thiếu tá… chết và bị thương.

Một tuần sau, ngày 16 tháng 2 năm 1964, đúng mồng 4 Tết âm lịch, một chiếc xe của đội 159 lao trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), tiếp cận rạp chiếu bóng Kinh Đô giành riêng cho quân Mĩ. Đồng chí Tám Bền rút súng ngắn hạ ngay những quân cảnh đang gác cửa. Đồng chí Mười Bông ôm khối thuốc nổ lao vào rạp, giật nụ xòe, nhanh chóng trở ra đóng ập cánh cửa sắt lại. Mìn nổ, sĩ quan, cố vấn Mĩ chết, bị thương nhiều hơn tất cả các trận trước ở Sài Gòn(1). Nghe tiếng nổ lớn, đồng bào ùn lại làm nghẽn lối thoát của cá chiến sĩ biệt động. Các đồng chí hô lớn: “Chúng tôi là giải phóng đánh Mĩ!”. Đồng bào liền giạt ra hai bên đường. Các chiến sĩ vừa chạy qua, dòng người đã khép kín, cảnh sát đến chỉ thấy người chen người!

Ở cảng Sài Gòn, sau nhiều thời gian theo dõi, chiều ngày 30 tháng 4 năm 1964 được cơ sở báo cáo có chiến hạm Mĩ U.S.A Card trọng tải 16.000 tấn chở nhiều máy bay và hàng quân sự vừa cập bến, đội biệt động 65 quyết định “chớp ngay thời cơ có một không hai”, không được chậm trễ. Ngay đêm 1 tháng 5 năm 1964, hai đội viên biệt động Lâm Sơn Náo và Nguyễn Phi Hùng ra trận cùng với 2 khối 80kg thuốc nổ mạnh có gắn kíp hẹn giờ. Hai anh bơi xuồng dọc theo rạch Kinh Tẻ, băng qua sông Sài Gòn, cập bờ Thủ Thiêm quan sát, từ đó đâm xuồng sang đường cống ngầm dưới cầu cảng… Thuốc nổ được áp vào mạn tàu, họ lại theo đường cống ngầm trở ra… Máy bay địch trên tàu chưa kịp đưa lên bờ. Mìn nổ lúc gần rạng sáng 2 tháng 5 năm 1964. Chiếc tàu Card bị nhận chìm kéo theo 21 máy bay lên thẳng HU-1A, 2 máy bay trinh sát L19 và 1 máy bay khu trục cánh quạt AD6, 55 tên Mĩ chết và bị thương. Do lỗ thủng quá rộng (1 chiều 1,5m, 1 chiều 1,2m) nên sau khi trục lên, chiếc tàu chỉ được vá víu sơ bộ để cố kéo về cảng Subic (Philippin) sửa chữa. Đây là một trong những chiến công đánh Mĩ xuất sắc nhất của biệt động Sài Gòn. Nhà văn, nhà sử học Pháp Charles Fourniau viết: “… Đó là một trong những chiến hạm lớn nhất của Mĩ hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, trọng tải 15.000 tấn, nay dùng để chuyển dụng cụ chiến tranh sang Việt Nam. Làm thế nào mà một khối lượng rất lớn chất nổ được đặt ở ngoài hay ở trong tàu, bất chấp cả hệ thống phòng thủ các bến và hải cảng. Những cơ quan của Mĩ thì không hề hé răng chút nào về việc này. Về phần Mặt trận Giải phóng thì đã cho biết hai chiến sĩ D và H của một đơn vị quân giải phóng đã được thưởng huân chương chiến công hạng ba…

… Sự kiện chiếc tàu Card cho thấy là bất kì ở đâu, các lực lượng Mĩ cũng không tránh khỏi những cuộc tiến công của Mặt trận. Sự xâm nhập vào quân cảng của Mĩ ở Sài Gòn và bao nhiêu những trận đánh bom khác vào trụ sở của quân xâm lược đã chứng minh điều đó”(2).


(1) Báo cáo lúc đó: 150 tên chết và bị thương.
(2) Trong “Le Vietnam face à la guerre”, Charles Fournia, NXB Editions Sociales, 1967.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:17:09 pm »

Chiều ngày 2 tháng 5 năm 1964 cũng tại bến cảng, binh lính, sĩ quan Mĩ còn đang bàng hoàng về trận đánh ban sáng, đồng chí Sáu Bằng, chiến sĩ biệt động đội 67, chạy xích lô ngang chỗ chúng đang tập trung, ném 1 quả lựu đạn, 8 tên chết và bị thương.

Cũng chính ngày 2 tháng 5 năm 1964 ấy, một sự kiện khác làm náo động dư luận Sài Gòn và thế giới: tại cầu Công Lí (trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Sài Gòn), theo kế hoạch chuẩn bị sẵn, chiến sĩ Nguyễn Văn Trỗi (đội biệt động 65) gài trái bom định giết chết Bộ trưởng quốc phòng Mĩ Mac Namara vừa mới đặt chân xuống máy bay Tân Sơn Nhất. Do bị lộ trước giờ xe Mac Namara chạy qua, anh bị bắt. Trận đánh không thành, nhưng đã là một đòn cảnh cáo đối với những hoạt động chuẩn bị leo thang chiến tranh của đế quốc Mĩ. Mac Namara không dám ngồi ôtô vào Sài Gòn mà đi bằng trực thăng.

Địch tăng cường đối phó, đề phòng cẩn mật về những trận đánh biệt dộng tấn công người Mĩ cả trong nhà, ngoài đường, tuy nhiên chưa tỏ ra có hiệu quả. Khó khăn lớn nhất của địch là không thể phân biệt một chiến sĩ biệt động với một người dân thường hay một nhân viên ngụy quyền, một người lính… và ngay cả nhân viên đang phục vụ cho chính người Mĩ. Họ có mặt ở bất kì chỗ nào và ở đâu cũng có sẵn những người dân “tự nhiên mà nhập cuộc” che chở cho họ.

Ngày 26 tháng 6 năm 1964, Nguyễn Văn Cẩm (Sáu E), thợ hàn ở sân bay Tân Sơn Nhất, đội viên đội biệt động 67, đánh mìn hẹn giờ tại phòng chờ của sân bay, diệt 13 lính Mĩ.

Hai tháng sau, sáng 25 tháng 8 năm 1964, chiến sĩ trinh sát quân báo Nguyễn Thanh Xuân và nữ giao liên Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cải trang sĩ quan ngụy và nhân tình sĩ quan Mĩ, đánh mìn hẹn giờ khách sạn Caravelle 9 tầng giành cho sĩ quan Mĩ.

Thực ra, một trận đánh như vậy không đơn giản, dù nó có thể xảy ra trong tích tắc. Từ năm 1961 đến năm 1964, ban quân báo quân khu Sài Gòn hình thành tổ chức nắm địch ở địa phương tương đối hoàn chỉnh. Ngoài cá tổ chức quân báo của các huyện nông thôn vùng ven, quận nội thành, ta đã tổ chức được các mạng lưới quân báo khu vực và mục tiêu lưới điệp báo đi vào một số cơ quan quân sự quan trọng của địch, các đội trinh sát hợp pháp và đội trinh sát hành động. Một tiếng nổ tại sào huyệt Mĩ ở Sài Gòn trực tiếp hoặc gián tiếp có phần chiến công quan trọng của các lực lượng này.

Việc đánh khách sạn Caravelle được đề xuất từ tháng 3 năm 1964. Đồng chí Nguyễn Nông (5 Bắc) làm quản lí tại khách sạn, là một cán bộ từ thời chống Pháp, đã nắm chắc tình hình tại chỗ lâu nay; nhà đồng chí cũng là một trạm cất giấu chất nổ sẵn. Do yêu cầu phối hợp và hỗ trợ cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh, quân khu Sài Gòn giao cho ban quân báo thực hiện trận đánh phối hợp. Hai đồng chí ở bộ phận trinh sát hợp pháp được giao nhiệm vụ chiến đấu. Ban quân báo quân khu Sài Gòn - Gia Định không kể đại đội trinh sát võ trang ở ngoại thành có khoảng gần 300 cán bộ, nhân viên và các cơ sở cách mạng trực thuộc các loại, đủ các lứa tuổi, trình độ, làm đủ các loại nghề nghiệp bình phong, được ngăn cách đối với nhau nằm rải rác khắp nội đô và ven đô. Nhờ vậy, ta mới có thể chủ động chọn mục tiêu và đối tượng để đánh vào các thời cơ nhất định.

Không kém những biến động trên chiến trường hay những rối ren chính trị tại Sài Gòn, thật khó lường được tầm tác động tâm lí đến mức nào về những sĩ quan binh lính Mĩ bị trừng trị ngay tại sào huyệt. Một báo cáo của đại sứ Mĩ Taylor gửi tổng thống Johnson có đoạn:

“… Ở đây chúng tôi phải đương đầu với một tình hình xấu đi nghiêm trọng mà đặc điểm của nó là sự rối ren chính trị liên tục, thái độ vô trách nhiệm và tình trạng chia rẽ trong quân đội, sự trì trệ trong chương trình bình định, tâm lí chống Mĩ ngày càng phát triển, những dấu hiệu khủng bố ngày càng tăng của Việt cộng, chĩa vào nhân viên người Mĩ, sự thất vọng sâu sắc và sự mất tinh thần trên hầu khắp miền Nam Việt Nam”.

Tháng 10 năm 1964, trong nước, ngoài nước xúc động về sự kiện chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trối, người đã giết hụt Bộ trưởng quốc phòng Mĩ Mac Namara hồi tháng 5 năm 1964 tại cầu Công Lí, bị địch đưa ra pháp trường và về cái chết lẫm liệt của anh.

Suốt 5 tháng trong nhà lao dịch, anh chiến thắng mọi cực hình tra tấn, dụ dỗ của chúng. Trước kẻ thù, câu trả lời duy nhất của anh là: “Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, thương tật, hay hi sinh, tôi cũng vui lòng. Tôi không thể sống như bọn tay sai mong được an thân để làm hại đồng bào!”. Chấp nhận thất bại và tỏ rõ lòng trung thành với quan thầy, ngụy quyền tuyên án tử hình Nguyễn Văn Trỗi. Được tin này, phong trào cách mạng Vénézuela tuyên bố, nếu tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi, họ sẽ trừng trị ngay tên trung tá Mĩ mà họ đang bắt giữ. Mĩ buộc phải cam kết không tử hình anh. Nhưng khi tên trung tá Mi vừa được thả ra thì chúng trở mặt. Ngày 15 tháng 1 năm 1964, bọn đao phủ Mĩ ngụy đưa anh Trỗi ra pháp trường tại bãi bắn sau nhà lao Chí Hòa. Chính phút cuối cùng của đời mình, anh giật phắt mảnh băng mà kẻ thù bịt mặt, dõng dạc nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!”. Anh hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mĩ!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Súng đã nổ, dòng máu loang đỏ ngực, anh vẫn hô to: “Việt Nam muôn năm!”.

Lời anh vọng lên khắp nước, vang lên trên thế giới, lưu mãi ngàn năm. Một cái chết đã hóa thành bất tử!(1).

Nói về anh, Bác Hồ viết: “Vi Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mĩ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”(2).


(1) Nguyễn Văn Trỗi quê ở Thanh Quýt, xã Quyết Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vào Sài Gòn làm thợ điện và tham gia đội biệt động Sài Gòn - Gia Định đầu năm 1964.
(2) Ghi trên đầu quyển sách “Sống Như Anh” của Trần Đình Vân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:19:06 pm »

Trả thù và noi gương anh, đồng đội của anh ở Sài Gòn - Gia Định đang tiếp tục những ngày tháng tấn công vào sào huyệt Mĩ quyết liệt nhất.

Bên sông Nhà Bè, ngày 7 tháng 10 năm 1964 đặc công Rừng Sác đánh 3 tàu chở xăng dầu của Mĩ, hủy 10 vạn lít. Ngày 18 tháng 11 năm 1964 chiến sĩ biệt dộng 67 Nguyễn Văn Cẩm, người đã thực hiện trận đánh ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, lại đánh một trận xuất sắc tại câu lạc bộ sĩ quan không quân đúng vào lúc địch đang mở cuộc càn “Phóng hỏa!” với lực lượng 15 tiểu đoàn do đích thân trung tướng Tôn Thất Đính chỉ huy đánh vào hậu cứ quân khu Sài Gòn - Gia Định. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, chớp thời cơ phối hợp chiến trường, Cẩm bí mật gài trái mìn lõm 4kg thuốc nổ chứa 500 viên bi xe đạp trên trần nhà. Vài giờ sau mìn nổ chụm xuống đầu giặc lái trực thăng Mĩ vừa thực hiện cuộc đổ quân ngụy trở về; hàng chục tên chết và bị thương. Sợ ta tấn công sân bay hoặc có đảo chính, Mĩ ngụy vội vã dùng xe hơi rút quân, bỏ dở cuộc càn.

Hơn một tháng sau, một “trận đấu trí tài” vang dội lại diễn ra ở khách sạn Brink. Đây là khách sạn 6 tầng lầu giành riêng cho sĩ quan Mĩ, nằm trong khu vực có nhiều cơ quan và cư xá quan trọng: Nhà hạ nghị viên (nay là Nhà hát Thành phố), Tòa đô chính ngụy (nay là trụ sở UBND Thành phố), các khách sạn Continental, Caravelle… Thường trú ở đây có khoảng 200 sĩ quan Mĩ, hơn phân nửa là cấp tá, trong đó có 1 đại tá cố vấn tình báo. Điều chúng lo sợ nhất ở đây là “Việt cộng đưa chất nổ vào hoặc người trong cư xá ăn cắp đồ mang ra” (nguyên là năm 1962 ta đã có đánh bộc phá nổ chậm vào tầng trệt cư xá). Với tiền lệ đã có, ở đây đang trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với phương tiện và lực lượng cả chìm lẫn nổi. Nhưng niềm tin của ta là: kẽ hở bao giờ cũng tiềm tàng ở ngay trong bản chất của địch… Cái bất ngờ thường bao giờ cũng phải tạo nên trong cái không bất ngờ. Người rạch ra phương án và kế hoạch tác chiến là đồng chí Nguyễn Đức Hùng, trưởng ban quân báo. Do ta quyết định đánh trận quan trọng này vào trước giờ Noel năm 1964 nên chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng quân khu Sài Gòn - Gia Định trực tiếp thông qua và báo cáo Khu ủy. Bộ phận trinh sát quân báo chiến đấu nhận trách nhiệm thực hiện.

Phương án tác chiến là cải trang sĩ quan ngụy vào quan hệ với cố vấn Mĩ, dùng xe du lịch đổi biển số chở khối thuốc nổ 200kg gắn ngòi cháy chậm, khéo léo qua mặt bọn gác cổng, vào đậu dưới bụng cư xá Brink(1). Hai nhân vật chủ động gồm một “ông đại tá” và người lái xe, hai đồng chí được chọn vai là: Nguyễn Hóa và Nguyễn Thanh Xuân(2).. Một số đồng chí khác làm các công tác bảo đảm rất quan trọng gồm có: Nguyễn Thông thuộc lưới điệp báo làm nhiệm vụ tìm hiểu chiều sâu về địch ở cư xá, Nguyễn Nông trinh sát làm nhiệm vụ nắm quy luật địch ở cư xá, Nguyễn Thị Minh Nguyệt áp tải vũ khí trên xe của ông Sáu Mía (chủ một đồn điền cao su nhỏ ở Củ Chi). Đỗ Hán và gia đình cất giấu chất nổ, chị Năm Lành người đứng tên chủ xe du lịch, Nguyễn Văn Việt một chiến đấu viên được tăng cường để yểm trợ(3).

Mặc dù có chút trục trặc về xe do kĩ thuật, các chiến đấu viên ta đóng kịch rất khéo, mọi việc diễn ra y phương án. Đúng 17 giờ 55 phút, lúc mà tại cư xá Brink, các sĩ quan Mĩ đang tập trung chờ đoàn BopHop (đoàn này đến trễ), một tiếng nổ long trời phát ra từ bụng cư xá kèm một trận lửa vì ở đây có bồn xăng 2500 lít.

Cư xá bị sập 3 tầng, 3 tầng còn lại phía trên bị rạn nứt. Địch báo động, ngăn chặn các ngã ba, ngã tư đường. Xe chữa cháy phóng như điên về phía khách sạn Brink.

Quả đấm thốn óc Nhà Trắng này làm hả lòng hả dạ nhân dân ta, nhiều đồng bào trong thành phố kể cả đồng bào di cư (ở quận 4) tổ chức ăn mừng. Đây là câu trả lời nghiêm khắc của ta trước hành động leo thang chiến tranh của Mĩ: ném bom miền Bắc, chuẩn bị đưa quân chiến đấu vào miền Nam trước nguy cơ sụp đổ của chiến lược chiến tranh đặc biệt.

Liên tiếp mấy ngày, báo chí trong nước đưa tin trên trang đầu: Việt cộng chơi Mĩ”, “Cư xá Brink tan hoang”… trong Hồi kí “Tương trình người lính”, Westmoreland thừa nhận “hơn 100 mười Mĩ chết và bị thương, đây là một vụ nổ kinh hoàng”(4)


(1) Cụ thể như sau; 17 giờ ngày Chúa giáng sinh 24 tháng 12 năm 1964 (theo dự kiến có đoàn tài tử BopHop từ Mĩ sang phục vụ cư xá Brink), một sĩ quan cấp tá thuộc Bộ tổng tham mưu ngụy đi xe du lịch đến gặp đại tá cố vấn Mĩ tên William Johnson nào đó, nhưng ông này “đi vắng”, “sĩ quan ngụy” bực dọc bỏ về, nhưng giao cho người lái xe mình vào dưới bụng cư xá (xe chở chất nổ) để chờ đón đại tá Mí về, lái xe ở lại nhưng kiếm cớ đi bộ ra ngoài uống cà phê…
(2) Nguyễn Hóa (Tư Mập), người Sài Gòn, biết tiếng Pháp, tiếng Anh và nhập vai “đại tá”, nhưng cuối cùng vì anh quá trẻ nên phải “hạ cấp” làm “thiếu tá”. - Nguyễn Thanh Xuân tức Bảy Bê người đã thành công trong vai phụ tá tình báo Mĩ trong trận đánh khách sạn Caravellle.
(3) Nguyễn Thị Minh Nguyệt, người đã tham gia đánh trận Caravelle trong vai “nhân tình đại tá cố vấn Mĩ”, lần nay lại nhận vai con bà chủ áp tải cao su để áp tải chất nổ trên xe chở cao su. Ông Sáu Mía chủ xe chở cao su là người cảm tinh của cách mạng. - Đỗ Hán (Mười Hán) tín đồ đạo Thiên chúa, người miền Bắc, nhà ở Cầu Bông, vợ cũng là một cơ sở cách mạng. - Chị Năm Lành, người Bến Tre từng tham gia Đồng Khởi, bị địch truy nã, lên Chợ Lớn buôn bán sạp vải, lần này đứng tên cho chiếc xe hiệu “NASH” do đồng chí Chín Bông làm chủ gara tìm mua. - Nguyễn Văn Việt (Tư Việt) có căn cước giả gi tên Nguyễn Văn Hai.
(4) Hồi kí “Tường trình người lính của Westmorrland. Theo báo cáo của cơ sở ta lúc đó: loại trên 100 Mĩ trong đó có: 2 đại tá, 9 trung tá, 5 thiếu tá. Theo Josep Ampter trong cuốn “Phán quyết”: 52 sĩ quan Mĩ chết, bị thương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:19:40 pm »

Đại sứ Mĩ Taylor cùng đại tá Kuntze phụ trách bảo vệ cư xá Mĩ ở Sài Gòn đến xem xét hiện trường đã chua xót thốt lên: “Tôi cho chỗ này là an toàn nhất rồi!”. Trong một báo cáo gửi Tổng thống Johnson sau đó, Taylor viết: “Để người Mĩ đảm bảo an ninh cho chính mình, đòi hỏi phải có 75.000 lính Mĩ, và cho dù như vậy cũng không ai đảm bảo sẽ không có những vụ Biên Hòa (đêm 31 tháng 10 rạng ngày 1 tháng 11 năm 1964 ta pháo kích sân bay Biên Hòa, loại 20 máy bay phản lực trong đó có 13 máy bay B57 Mĩ mới đưa vào miền Nam, 11 khu trục cánh quạt Skyraider, 3 trực thăng…), khách sạn Brink xảy ra nữa”. Hãng thông tin Mĩ UPly 9 tháng 12 năm 1965, một năm sau còn nói về tình trạng tâm lí người Mĩ ở Sài Gòn: “Những người gan dạn mấy cũng giật mình khi nghe tiếng chó sủa cách xa 100 mét! Họ lẩn tránh khi nghe tiếng nổ và họ thấy lạnh người khi nghe cảnh sát thổi còi. Bởi vì Việt cộng có thể xuất hiện bất kì lúc nào, khắp mọi nơi, và vũ khí của họ là một quả bom đặt trong một túi giấy ở một đống rác ngoài phố, để ở cột đèn, hoặc giấu trong chiếc tắc xi nào đó trong nhiều chiếc tắc xi chạy trong Sài Gòn…”

Ngoài Mĩ, mật vụ, cảnh sát, ác ôn ngụy cũng là đối tượng hàng đầu của đặc công biệt động Sài Gòn. Nhiều mục tiêu bị đánh: bót cảnh sát quận 6 (ngày 12 tháng 1 năm 1964, bót ác ôn đường Ngô Đình Khôi (ngày 7 tháng 2 năm 1964), cảnh sát ở đài truyền tin Phú Thọ, bọn mật vụ CIA của Thích Tâm Châu (CIA đội lốt thầy tu) đang họp ở quán cơm chay giả hiệu ở đường Yên Đổ (tháng 5 năm 1964).

Một đội võ trang tuyên truyền của đoàn thanh niên mang tên Nguyễn Văn Trỗi trừng trị tên ác ôn giám đốc khám Chí Hòa Nguyễn Văn Chiêu và các tên bồi bút báo Chính luận phản động Từ Chung, Chu Tử; đột vào các khu xóm lao động tuyên truyền, vận động nhân dân chống địch bắt lính, đánh phá các chốt địch chặn bắt lính ở Phú Thọ Hòa, các đường Trần Quốc Toản, Cao Thắng, Trương Minh Kí, cư xá Đỗ Thành, cầu chữ Y… có nơi như ở đường Lê Quang Định (Bà Chiểu - Gò Vấp) địch buộc phải bỏ luôn chốt chặn bắt lính. Đầu năm 1965, đội lại đột nhập sau khám Chí Hòa dựng bia tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại chính nơi anh hi sinh. Địch hoàn toàn bất ngờ về việc này.

Trên vùng nông thôn Gia Định, các cuộc đấu tranh chính trị quần chúng có kết hợp hoạt động của các lực lượng võ trang chặn đứng, bẻ gãy nhiều cuộc càn của địch vào các vùng Đông An (Dĩ An), Lò Lu (Thủ Đức), Truông Viết, Bình Mĩ, Tân Thạnh Đông, Trung An (Củ Chi)… Ở Tân Thạnh Tây (Củ Chi), đồng bào giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại do địch gây nên. Số tiền được bồi thường, đồng bào ủng hộ cho du kích. Ở Nhuận Đức (Củ Chi), nhân dân vây bót cầu Bến Mương, địch hoảng sợ tháo chạy. Đồng bào tiếp tục kéo ra thị trấn Củ Chi biểu tình chống địch bắn phá bừa bãi (tháng 7 năm 1964).

Ở Bình Chánh tháng 7 năm 1964, Du kích Hưng Long đánh 1 đại đội bảo an đi càn có tàu chiến yểm trợ, đẩy lùi 22 đợt xung phong của chúng, diệt 7 tên, làm bị thương 20 tên, địch bỏ cuộc. Ngày 20 tháng 8 năm 1964 lực lượng võ trang địa phương tiêu diệt 2 đồn Hưng long cấp đại đội và đồn Tân Quy cấp trung đội.

Ở Củ Chi, bộ đội địa phương và du kích chiếm, làm chủ đồn Cây Bài, đồn Chợ và trụ sở tề xã Phước Hiệp, tiêu diệt tiểu đoàn bảo an địch đến ứng cứu, tập kích địch ở Cây Trôm, bao vây đồn Phú Hòa, phối hợp với bộ đội quân khu bức rút bót An Nhơn Tây (tháng 6 năm 1964)…

Tháng 5 năm 1964, Quân khu Ủy quyết định chính thức đổi tên đoàn K17 Quyết Thắng thành tiểu đoàn chủ lực Quyết Thắng. Ngay trong tháng, tiểu đoàn phối hợp với trung đoàn 761 chủ lực Miền, phục kích trên tỉnh lộ 7 ở khu vực Gót Càng (Củ Chi), tiêu diệt tiểu đoàn biệt động quân “Cọp đen” ngụy, bẻ gãy cuộc hành quân gom dân của chúng.

Tháng 6 năm 1964, tiểu đoàn Quyết Thắng lại phối hợp với trung đoàn 762 chủ lực Miền đánh địch trên lộ 7, tiêu diệt 1 chi đoàn thiết giáp ngụy. Đây là chi đoàn cơ giới địch bị tiêu diệt đầu tiên trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định. Ta bắt sống 1 xe M113.

Tiểu đoàn tiếp tục độc lập tác chiến nâng nhanh hiệu suất diệt địch, tháng 7 dựa vào thế trận các ấp xã chiến đấu phục kích đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn bảo an ngụy ở Bầu Tràm - Trung An, sau đó lại đánh thiệt hại hai tiểu đoàn khác đến tiếp viện, giải phóng thị tứ Ba Ri - Tân Quy (Củ Chi). Từ tháng 8 đến cuối năm 1964, tiểu đoàn ra quân hàng chục trận nổi bật các trận: Phối hợp với lực lượng vũ trang Củ Chi bao vây đồn Phú Hòa Đông diệt và làm rã ngũ 40 tên địch, bắn rơi 1 máy bay đến tiếp tế; phối hợp với trung đoàn 761 chủ lực Miền đánh tan một tiểu đoàn ngụy ở Bàu Cúc (Củ Chi); phục kích đánh 1 đại đội ngụy quân trên lộ 1 ở khu vực Đồng Chùa (Củ Chi), diệt 2 trung đội, bắt sống 8 tên, thu 15 súng.

Mùa thu năm 1964, trên cơ sở nhận định chiến trường miền Nam đang phát triển theo hướng có lợi cho ta, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ đang trên đường phá sản, đồng thời xuất hiện khả năng Mĩ sẽ thay đổi chiến lược, Trung ương cục miền Nam vạch ra một kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ thực hiện tổng công kích tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định mang mật danh là “kế hoạch X”. Nội dung kế hoạch dựa trên tinh thần Nghị quyết tháng 1 năm 1961 của Bộ Chính trị trong đó xác định: “Cuộc tổng công kích tổng khởi nghĩa của nhân dân ta sẽ bùng nổ để lật đổ chính quyền Mĩ Diệm, giải phóng miền Nam”. Địa bàn trung tâm của “Kế hoạch X” là Sài Gòn - Gia Định.

Từ quý 3 năm 1964, một bộ phận chuyên trách xây dựng kế hoạch này đã được hình thành gồm các đồng chí trong Quân ủy Miền và chỉ huy trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục.

Trong khi sắp xếp cán bộ, sắp xếp thành công, xây dựng lực lượng theo “Kế hoạch X”, tất cả nhiệm vụ khác đã đề ra vẫn được triển khai thực hiện.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:22:20 pm »

Năm 1964, chiến tranh cách mạng miền Nam tạo được những bước chuyển biến lớn, đẩy địch lún sâu thêm vào thế bị sa lầy. Trên sân khấu chính trị Sài Gòn, đầu sỏ ngụy quyền rối ren, địch đảo chính làm đảo lộn cả ý đồ của Mĩ trong việc chọn tay sai. Trên chiến trường thế thua của ngụy quân hiện rõ. Đông xuân 1964-1965, miền Đông Nam Bộ phối hợp chiến trường chung vào mùa chiến dịch lớn đầu tiên trong chiến tranh chống Mĩ, đạt thắng lợi.

Những chiến thắng lịch sử Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài cùng với cao trào phá ấp chiến lược trên toàn miền Nam đang làm phá sản “kế hoạch hai năm Johnson - M.Namara”, đẩy chiến lược chiến tranh đặc biệt vào thời kì phá sản. Washington đang ở tình thế “Chỉ có một sự lựa chọn là can thiếp hoặc chấp nhận thất bại. Nhưng chấp nhận thất bại là điều mà không bao giờ người ta nghĩ đến, nên điều còn lại chỉ là can thiệp…”(1)

Bức thông điệp đầu năm của Tổng thống Mĩ Johnson để lộ một ý định mới trước một chiến lược Mĩ đã đến hồi cáo chung: “Mĩ phải có mặt ở Nam Việt Nam vì nước bạn yêu cầu, vì đã cam kết 10 năm trước đây, vì an ninh của bạn thân nước Mĩ và hòa bình châu Âu…”

Trả lời câu hỏi “can thiệp thế nào”, ngày 6 tháng 3 năm 1965, bốn ngày sau khi cuộc ném bom dài ngày xuống miền Bắc bắt đầu, tổng thống Mĩ ra lệnh cho 2.500 lính thủy đánh bộ đổ lên Đà Nẵng núp dưới danh nghĩa để “bảo vệ căn cứ Mĩ ở đó”. Thực ra là một cuộc “leo thang” toàn diện của Mĩ đã bắt đầu từ trước và đang tăng đà chiến tranh trên bộ ở miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Đụng đến miền Bắc, đế quốc Mĩ đang đổ thêm dầu vào lửa. “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời” trở thành tiếng gọi thiêng liêng, một hồi kèn giục giã quân dân miền Nam ra trận.

Ngày 29 tháng 1 năm 1965, các chiến sĩ đội biệt động 65 tấn công cơ quan quân sự MACV làm bị thương nhiều sĩ quan Mĩ, trong đó có sí quan cấp cao(2). Tiểu đoàn Quyết thắng sau khi thành lập thêm một đại đội trợ chiến (có cối 81mm, ĐKZ 75, súng máy 12,7mm) tháng 1 năm 1965 tổng kết tất niên (vào mồng một Tết âm lịch), tổ chức ra mắt đồng bào ở sở cao su xóm Chùa, xã An Nhơn Tây, hàng ngàn đồng bào vùng giải phóng, vùng ấp chiến lược và ở nội thành Sài Gòn ra dự. Đồng chí Trần Hải Phụng thay mặt Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định giao cho tiểu đoàn nhiệm vụ giữ vai trò “Quả đấm cơ động đầu tiên của Quân khu” và trao cây đuốc truyền thống cho đơn vị. Tiểu đoàn hạ quyết tâm “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”. Sau lễ ra mắt, cán bộ chiến sĩ, khẩn trương vào đợt huấn luyện quân sự, chính trị, chuẩn bị nhận những nhiệm vụ nặng nề mới. Theo kế hoạch X, riêng quân khu Sài Gòn - Gia Định cần gấp rút xây dựng các đơn vị biệt động đủ sức đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nôi thành, xây dựng các đội vũ trang chiến đấu, đội tự vệ của các ngành làm nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng,đồng thời xây dựng 5 tiểu đoàn mũi nhọn bố trí ở 5 hướng ven đô, có khả năng thọc sâu 5 hướng, kịp thời phối hợp với các đội biệt động chiếm giữ các mục tiêu, cho đại quân vào và trợ lực quần chúng nổi dậy. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị này phải là những người am hiểu cả vùng ven và đô thị, phải được huấn luyện thành thục. Quân khu hình thành trung đoàn cơ động và các đại đội đảm bảo, chỉ huy.

Thực hiện kế hoạch xây dựng các tiểu đoàn mũi nhọn, tháng 1 năm 1965 Bộ chỉ huy Miền giúp quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức kín đáo một trung tâm huấn luyện ở Lò Gò - Tân Biên (Tây Ninh), lấy mật danh là đoàn 165A(3). Cán bộ, chiến sĩ được cọn từ bộ đội địa phương, du kích các huyện ven đô nội thành đưa ra, nói là bổ sung lên Miền. yêu cầu xây dựng huấn luyện xong và lần lượt triển khai bí mật về các địa bàn ven đô từ tháng 4 cho đến tháng 6 năm 1965. Trong thời gian này, bộ máy chỉ huy quân sự và cơ quan cấp ủy lãnh đạo năm cánh (quân khu) cũng đã được hoàn chỉnh. Quân khu cũng đã có bộ phận chuyên trách nội đô.

Tháng 3 năm 1965, trên cơ sở phân tích khả năng phát triển của tình hình, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 11 chủ trương “tích cực kềm và thắng địch trong chiến tranh đặc biệt… đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra”.

Dấu hiệu leo thang chiến tranh của Mĩ ngày càng rõ. Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi các lực lượng vũ trang giải phóng đánh mạnh, đánh đau cảnh cáo giặc Mĩ leo thang chiến tranh. Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định thông qua quyết tâm về một “trận dằn mặt”. “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”, trận “dằn mặt” này phải hơn cả các đòn Card, Caravelle, Brink… Bộ chỉ huy xét không còn mục tiêu nào hơn là “Tòa đại sứ Mĩ” - “Nhà trắng phương Đông”. Mục tiêu và phương án được Trung ương Cục chấp nhận.

Tòa Đại sứ Mĩ là ngôi nhà 5 tầng, chiếm một góc ngã 3 đường Hàm Nghi và Võ Di Nguy (số 49 Hàm Nghi). Hằng ngày có 195 cán bộ nhân viên Mĩ làm việc. Tầng 5 là nơi làm việc của đại sứ và phó đại sứ. “Chủ nhân” hiện tại của nó chính là Maxwell Taylor, cha đẻ của chiến lược “phản ứng linh hoạt” tác giả cuốn sách diều hâu về chiến tranh Việt Nam Trách nhiệm và đáp ứng. So với tất cả các sào huyệt khác của Mĩ ở Sài Gòn, tòa đại sứ Mĩ là nơi được bảo vệ rất cẩn mật.


(1) Trích trong Tiếng kèn gọi quân của Dave Richard Palmer, NXB Thông tin lí luận, Hà Nội 1987, tr. 82.
(2) Báo cáo lúc đó: 55 Mĩ bị thương trong đó có 2 cấp tướng.
(3) Ý nghĩa: đơn vị xây dựng tháng 1 năm 1965 cho kế hoạch nội thành A.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:25:13 pm »

Thời điểm chính trị không cho phép thực hiện phương án “đóng kịch” mất nhiều thời gian nghiên cứu, tập dượt. Bộ chỉ huy quân khu quyết định chọn một kiểu “tập kích áp đảo” táo bạo, cần ít thời gian chuẩn bị nhất: dùng sức mạnh bất ngờ, bắn gục lính bảo vệ cổng, cho xe có khối lượng lớn thuốc nổ lao thảng vào cửa mục tiêu rồi giật nụ xè gây nổ… Cách này đòi hỏi ở các chiến đấu viên một bản lãnh ngoan cường, dũng cảm, mưu trí… một cách đánh đối với biệt động Sài Gòn còn rất mới mẻ. Trận tấn công rạp Kinh Đô được coi là trận đầu theo kiểu này, nhưng được thực hiện vào ban đêm, phòng bị của địch còn đơn giản… và còn bất ngờ đối với chúng.

Ba chiến đấu viên có vai trò trực tiếp chiến đấu được chọn lần này là: Nguyễn Thanh Xuân (tức Bảy Bê), Lê Văn Việt (tức Tư Việt, căn cước giả mang tên Nguyễn Văn Hai) và Trần Văn Thế.

150kg chất nổ TNT và C4 cùng với kíp gây nổ, nụ xòe, dây cháy chậm… đã được ông Tư Sao, chủ một cơ sở cao su (cơ sở quân báo) cùng nữ giao liên trinh sát Nguyễn Thị Minh Nguyệt áp tải trên chiếc “xe buôn cao su hôi hám” đến nhà ông Mười Vĩnh Long(1) ở số 68/168B Trần Quang Khải (quận 1) và anh Nguyễn Nông (Năm Bắc) ở số 194/5/5 đường Bạch Đằng - Gia Định.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng là người chuyển 3 súng ngắn từ ngoài vào thành phố và là trinh sát lộ trình. Anh Năm Bắc tàng trữ thuốc nổ, kiêm nhiệm vụ nghiên cứu cấu trúc mục tiêu, kiểm tra, trinh sát lộ trình. Một trung úy trong quân đội Sài Gòn là nhân viên trong tòa đại sứ Pháp, cơ sở ta, làm nhiệm vụ nắm địch trong tòa đại sứ Mĩ. Trần Văn Thế, chiến đấu viên có nhiệm vụ hỗ trợ Lê Văn Việt.

Chiếc xe chở chất nổ là một chiếc Frégate màu đen.

9 giờ 40 phút ngày 30 tháng 3 năm 1965, cuộc “hành quân cơ giới” bắt đầu xuất phát từ quán cà phê Văn Hoa (số 85 đường Trần Quang Khải) đến góc đường Phan Thanh Giản, hình thành đội hình tiếp cận mục tiêu và chiến đấu: ba chiếc xe gắn máy lần lượt nối tiếp gồm có anh Năm Bắc trinh sát lộ trình, Trần Văn Thế bảo vệ xuất kích, Lê Văn Việt xuất kích, chiếc xe Frégate đi hàng thứ tư do Nguyễn Thanh Xuân lái làm nhiệm vụ thọc sâu, sau cùng là Nguyễn Thị Minh Nguyệt trên chiếc mobylette có nhiệm vụ “coi chừng cái đuôi”.

Đầu chiếc Frégate vừa chạm vạch đi bộ xuyên Võ Di Nguy, Bảy Bê trông thấy Tư Việt đã rút súng ngắm bắn bục hai tên quân cảnh trước tòa đại sứ Mĩ, lập tức anh lao xe cập sát barrière gỗ, hông tòa đại sứ, thắng đột ngột, cài số, giật nụ xòe gây nổ 20 giây… Vừa lách mình ra khỏi xe thì thấy 2 cảnh sát súng cầm tay lao về phía Tư Việt đang bị bọn mật thám từ các quán cà phê, hủ tiếu ùa ra bủa vây. Bảy Bê rút súng hạ hai tên giặc giải vây cho đồng đội, một chết, một bị thương rồi lao nhanh về phía đường Hàm Nghi. Trong lúc đó Trần Văn Thế nhằm vào bọn cảnh sát chìm đang bao vây Tư Việt, nổ súng giải vây, trong lúc xe gắn máy tiếp tục lao đi.

Khu vực súng nổ trở nên hỗn loạn. Đồng bào từ các ngả đường ùn lại.

Quan chức, nhân viên sứ quán Mĩ nghe tiếng nổ dưới đường, thò đầu qua cửa sổ quan sát. Thấy xe không người lái lao vào, chúng hô hoán, đạp nhau nhảy bổ vào thang máy để thoát. Nhưng thang máy chưa tụt xuống tới tầng trệt thì khối thuốc nổ 150kg hình lõm đã phát nổ. Lúc đó là 10 giờ 55 phút giờ Sài Gòn.

Vượt qua ngã tư Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi, Bảy Bê gọi được một chiếc xe tắc xi không quen biết. Anh lên xe trong lúc cây súng ngắn còn cộm trong lưng quần.

Tư Việt đã hạ 2 tên giặc, làm bị thương 2 tên nhưng chưa thoát vòng vây cảnh sát chìm. Lợi dụng lúc địch nằm xuống do tiếng nổ trong tòa đại sứ, anh bắn gục 2 tên nữa và leo lên chiếc xe gắn máy, vọt dọc đường Nguyễn Công Trứ và Phó Đức Chính. Mô tô quân cảnh của giặc bám sát. Có một tắc xi trắng chắn đường cho anh thoát, nhưng giặc bắn đuổi dữ dội. Một phát đạn xuyên qua bụng đẩy anh xuống đường, Việt một tay nhét ruột vào bụng, một tay cầm súng với 2 viên đạn cuối cùng và 1 trái lựu đạn “quyết tử”, nhưng không còn sức để rút chốt. Anh vạt lộn với địch cho đến khi kiệt sức và bị bắt cách tòa đại sứ Mĩ 750m, trong lúc khẩu đại liên ở đây từ trên cao đang nhả đạn bừa bãi.

Tiếng nổ “nhấc bổng lên cả người” (báo Lẽ Sống) thu hút đồng bào Sài Gòn đến xem “Nhà trắng phương Đông” sụp đổ. Ai cũng muốn được nhìn tận mắt một cảnh tượng “bi thảm” của quân xâm lược: Tòa đại sứ rỗng lên đến lầu 4, song cửa sắt lầu 5 cong queo, 30 xe của sứ quán cháy rụi, lá cờ 50 sao bị hất xuống đất, gạch ngói, li cốc, giấy tờ bay tơi tả… từng đoàn xe cứu hỏa lao đến, nhưng không còn gì để mà chữa. Từ trong hoang tàn, hỗn loạn, nhiều cán bộ, nhân viên sứ quán Hoa Kì chui ra, mình bê bết máu. Phó đại sứ Mĩ Alexis Johnson bị thương ở đầu.

Đại sứ Taylor mới về Washington trước đó mấy ngày(2) nên thoát chết.

Bốn ngày sau đó ở cư xá Rex BOQ (Bachelor Officer Quarter) giành cho sĩ quan Mĩ độc thân, ở gần rạp Rex lại có một cuộc tháo chạy tán loạn của các sĩ quan Mĩ đang trú trên các tầng lầu chỉ vì có 2 chiếc xe tải xi măng “tiếp cận”.

Ở Washington, Tổng thống Mĩ Johnson bỏ dở bữa tiệc tiếp đãi Tổng thống nước Thượng Volta vì cái tin Sứ quán Hoa Kì ở Sài Gòn sụp đổ.

Một tháng sau, chính phủ Mĩ chuẩn bị 1 triệu đô la để xây Sứ quán mới, bỏ hẳn Sứ quán cũ. Báo chí Mĩ tiết lộ trận này Sứ quán chết và bị thương 190 quan chức, nhân viên(3) trong đó phó đại sứ A. Johnson bị thương ở mặt, 1 cán bộ cao cấp tình báo CIA ở Việt Nam chết.


(1) Chị Mười cũng là người Vĩnh Long, cơ sở ta làm nghề nấu ăn cho Mĩ, bị địch theo dõi và bị bắt, bị đánh đến bệnh chết, chị được công nhận là liệt sĩ năm 1965.
(2) Trước khi đánh, ta biết tin này, nhưng thời điểm chính trị không cho phép chờ y trở lại.
(3) Trước đó ta được tin cơ sở báo là 169 tên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 05:26:33 pm »

Tám hôm sau trận đánh, trước tòa án quân sự, Lê Văn Việt với thân hình tàn tạ sau bao nhiêu đoàn tra tấn và vết thương bụng, đã ung dung mỉm cười khi tòa tuyên án “tử hình khẩn cấp”. Phóng viên báo chí nước ngoài, những người có mặt vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục.

Được tin này, lập tức Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định đề nghị lên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng một phương án cứu Lê Văn Việt. Ngay sau đó, Đài phát thanh giải phóng phát đi công bố của ăn phòng Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng - sẽ xử bắn trung tá tình báo Mĩ Gustave Hertz(1) nếu Lê Văn Việt bị xử tử.

Dư luận khuấy lên một lần nữa về tin này. Địch không thể lật lọng một lần nữa như vụ Nguyễn Văn Trỗi.

Lê Hồng Tư là người đã chứng kiến 19 tháng cuối đời của Lê Văn Việt từ phòng giam P3 B11 ở khám lớn Chí Hòa đến nhà lao Côn Đảo, cho biết: anh sinh hoạt Đảng đều đặn, đã bàn chuyện vượt ngục từ P3 B11; vượt ngục không thành ở Côn Đảo (cùng với Lê Hồng Tư và 2 đồng chí nữa), anh bị bắt lại, bị đánh đập tàn bạo và hi sinh đêm 31 tháng 10 năm 1966 tại Côn Đảo, lúc 26 tuổi.

Tài liệu mật Lầu Năm góc thừa nhận trận đánh tòa đại sứ Mĩ là “hành động táo bạo nhất và trực tiếp nhất của Cộng sản chống lại Mĩ”.

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 1965, lực lượng vũ trang nội đô đã đánh mấy chục trận, từ sào huyệt Mĩ đến bọn kềm kẹp ác ôn: tiểu đoàn bảo vệ đài phát thanh, cảnh sát dã chiến ở sân bia Bình Thới, bót cảnh sát quận 3…

Đầu năm 1965, phong trào công nhân về mặt công khai tuy chưa mạnh như các phong trào khác, nhưng bên trong, cơ sở bí mật đang có những chuyển biến quan trọng. Những tháng đầu năm 1965, Khu ủy mở đợt chỉ đạo tập trung công tác dân vận lấy tên là “công tác đột xuất”, không chỉ Ban công vận mà cả các ngành: thanh niên, phụ nữ, các liên quận đều phải đẩy mạnh công tác dân vận, đối tượng hàng đầu là công nhân và lao động, địa bàn là “xóm” và “xí” (tức là xóm lao động và nhà máy xí nghiệp). Các tổ chức vũ trang và các đội vũ trang tuyên truyền của công nhân hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả như trừng trị những tên thám báo, những tên ác ôn kềm kẹp đồng bào xóm lao động trong đó có hai tên đặc vụ rất nguy hiểm ở nhà máy dệt Vimytex từng đánh phá và gây thiệt hại lớn cho phong trào công nhân ở đó.

Nhận định về phong trào công nhân, Nghị quyết công vận của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định năm 1965 đánh giá: “Mặc dù bị đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai tìm mọi thủ đoạn khủng bố, đàn áp, lừa mị, mua chuộc, đánh lạc hướng, khi xoa dịu, khi gay gắt, phong trào đấu tranh của công nhân và lao động đòi quyền lợi thiết thân vẫn phát triển liên tục, từ lẻ tẻ đến quy mô rộng lớn, bằng nhiều hình thức, từ êm dịu nhẹ nhàng đến sôi nổi, quyết liệt với nhiều mức độ khác nhau… đình công chiếm xưởng, tuần hành thị uy trong lúc địch ra lệnh cấm đình công, biểu tình. Có những cuộc đấu tranh phải đổ máu (Vimytex, Vinatexco, Nam Thành…), nhìn chung phong trào công nhân và lao động Sài Gòn trước sự lãnh đạo của Đảng vẫn được duy trì, giữ vững và phát triển trong điều kiện gay go phức tạp của Sài Gòn, đã làm cho địch tiếp tục không ổn định về chính trị”.

Lực lượng học sinh, sinh viên luôn luôn tỏ ra là lực lượng khơi ngòi đấu tranh. Đầu năm 1965, trong hàng chục cuộc biểu tình, bãi khóa, tuyệt thực… của học sinh, sinh viên, Phật tử không chấp nhận “tam đầu chế”, “nội các” Phan Huy Quát, “quốc trưởng” Phan Khắc Sửu… và chống ngay sự có mặt của Mĩ ở Việt Nam, nổi bật nhất là cuộc biểu tình ngày 22 tháng 1 năm 1965 của hàng ngàn đồng bào, học sinh, sinh viên, sư sãi kéo đến tiến công cơ quan USIS (Sở thông tin Mĩ: United States Information Service), đòi Mĩ cút về nước, giải tán “nội các” Phan Huy Quát. Để tỏ rõ lòng trung với Mĩ, ngày 27 tháng 1 ngụy quyền mở tòa xử án các học sinh biểu tình, tuyên án xử tử 3 em. Hai ngày sau, chúng đã thi hành án.

“Phong trào hòa bình” lại được thành lập gồm nhiều tri thức, nhân sĩ. Ngày 25 tháng 2, tổ chức này đưa kiến nghị có 471 chữ kí phản đối Mĩ xâm lược Việt Nam. Ngay hôm sau, ngày 26 tháng 2 năm 1965, 100 đại biểu giáo sư, phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên họp tại trụ sở số 4 Duy Tân, phản đối Mĩ và chư hầu can thiệp vào Việt Nam.

Nghị quyết Công vận nêu lên 6 mục tiêu trước mắt như phát động công nhân, lao động sẵn sàng làm nhiệm vụ tiền phong; mở rộng và nâng cao hơn nữa phong trào đấu tranh, nỗ lực xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng các loại lực lượng và hoạt động vũ trang, xây dựng cơ sở Đảng, Đoàn vững mạnh và chuẩn bị sẵn sàng hành động khi có thời cơ.

Đặc biệt Nghị quyết giành một chuyên mục để nói về xóm lao động với yêu cầu xây dựng xóm lao động thành những căn cứ địa cách mạng trong nội thành.

Năm 1965, địch đảo chính ở Sài Gòn vẫn là nỗi đau đầu của tòa Đại sứ Mĩ. Sau 2 lần đảo chính hụt Nguyễn Khánh, hồi tháng 9 năm 1964, ngày 19 tháng 2 năm 1965, Lâm Văn Phát lại đảo chính lật Nguyễn Khánh nhưng thất bại. Mĩ buộc phải hạ bệ Nguyễn Khánh trong hai ngày sau, đưa đi làm “đại sứ lưu động”. Ngày 3 tháng 3 năm 1965, cái gọi là “Ủy ban thường vụ hội đồng quân lực” của Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu lại ra đời. Sân khấu chính trị Sài Gòn đang tiếp tục cuồng quay.

Trong khi tiếng nổ tòa Đại sứ Mĩ vang dội thì trên đất vùng ven, các lực lượng tập trung địa phương thực hiện những trận đánh hiệu suất lớn. Trên quốc lộ 1 đoạn Cây Trôm - Suối Cụt, tiểu đoàn Quyết Thắng diệt 2 đại đội địch, thu 100 súng. Tiểu đoàn 6 Bình Tân sau 4 tháng xây dựng vừa về đến chiến trường ngày 31 tháng 4 năm 1965 đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 61 ngụy đổ quân xuống trận địa phục kích của tiểu đoàn 6 trên lộ 10 tại cầu An Hạ (Bình Chánh). Ta thu nhiều súng. Sau đó tiểu đoàn 6 yểm trợ tiểu đoàn 8 pháo cối của quân khu để tổ chức một trận pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ngày 7 tháng 5 năm 1965, tại quán Chuối, lực lượng vũ trang Bình Chánh đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 30 biệt động quân ngụy.


(1) Bị ta bắt ở Thủ Đức trước kia.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM