Chặng đường dài 1975 ( tiếp )
30/3/75 Chào, có lẽ là vĩnh biệt điểm cao 660.
Nặng và lỉnh kỉnh quá, bọn mình phải bỏ lại gần 50 cân gạo, 5 cân muối, vài ba chiếc xoong, mấy lít dầu, ấm pha chè, ít cốc thủy tinh mới lấy dưới Phú Lộc mang lên chưa kịp dùng và một số đồ đạc lặt vặt khác.
Trên đường xuống Phú Lộc, mưa tầm tã suốt đến khi xuống tới QL1 mới tạnh. Vào tới nhà dân ven đường nghỉ lúc 3 rưỡi chiều. Đây là thôn Hòa Bình.
Nghe tin Đà Nẵng đã được giải phóng. Nhanh quá, mới có mấy ngày mà đã thành tụt hậu rồi.
Hôm nay đúng ngày này 37 năm trước những người cuối cùng của A 12 tskt tại điểm cao 660m trên dãy núi cao vòi vọi ở hướng tây nam Huế đã tiến xuống đồng bằng để tiếp tục cuộc hành quân đang ào ạt về phương Nam. Đúng gần trưa hôm nay ngày 30/3/2012, đoàn ccb trinh sát chúng tôi về thăm chiến trường xưa có mặt tại thôn Bạch Thạch. Những người lính tóc đã hoa râm dừng xe xuóng thắp hương tài Di tích lịch sử Bạch Thạch Phú Lộc ngay bên QL 1. Ngước nhìn lên núi Lưỡi cái và Kim sắc, xuôi mắt ra Đầm Cầu Hai mênh mông ai cung rưng rưng bồi hồi nhớ về những ngày xưa chính tại nơi đây... 


31/3/75 9 rưỡi lên đường. Thêm đồ đạc của cánh đi trước để lại nên anh nào cũng nặng thêm năm sáu cân. Ra khỏi làng lên Đường Một thấy dân chạy tản cư vào phía trong giờ gồng gánh, hon đa, bộ hành tấp nập trở về quê. Tới chân Đèo Phước Tượng bọn mình đi nhờ được xe. Tới chân núi Phú Gia qua bên kia đèo lúc 11g rưỡi. Xe chở dân từ phía Đà Nẵng ra nườm nượp.
Tạt vào nhà dân bên Đường Một nghỉ. Đây là thôn Lập An, Lăng Cô, chỉ có răm chục nóc nhà, nhà nhỏ lợp nửa tôn nửa gianh, thôn này nằm trên một chảng cát rộng thưa thoảng cây cối còn nhỏ, có vẻ như dân mới đến đây định cư. Bắt chuyện với hai cháu nhỏ chừng 14-15 tuổi mới từ Đà Nẵng về trước dọn dẹp và trông nhà để hôm sau gia đình trở về thì được biết mấy hôm trước lính TQLC của VNCH rút chạy qua đây nói rằng nếu ở lại sẽ bị thế này thế nọ nên dân cũng sợ và chạy hết vào Đà Nẵng.
Anh em nấu nước ăn lương khô rồi mắc võng nghỉ ngơi. Đi nhờ được xe nên cũng đỡ mệt mỏi nhiều.
3 giờ chiều mình và Bình leo lên núi Phú Gia xem liệu có anh em tiểu đội lập đài kĩ thuật dã chiến trên đó không. Leo lên tới lưng chừng, hai thằng bảo nhau quay xuống vì Đà Nẵng đã giải phóng rồi thì không có lí ta lại còn ở đây làm đài tskt.
Ở dưới chân núi trở lên gần lưng chừng là những vườn hoa màu và cây ăn quả, có rất nhiều đu đủ, cà chua và ớt. Trên đường xuống, hai thằng tranh thủ làm một bịch tướng.
Hai thằng xuống đến QL1 rồi đi tiếp về phía trước chừng 2 cây số thì gặp được xe Jeep của Ban2 có anh Thẩm Trợ lý đi đón toán anh em C20 trông coi đồ đạc cho Ban2 ở thôn Hòa Bình đang trên đường vào Đà Nẵng. Sướng quá, thấy cả Hùng của tiểu đội đi cùng để về đón anh em. Được biết Ban2 và anh em A12 tskt đã sang Đà Nẵng đang dừng chân ở bên kia dưới chân Đèo Hải Vân.
Chiếc Jeep đã chở 7 người cùng ba lô đồ đạc nên bọn mình đành phải ở lại. Anh Thẩm hẹn sáng mai mấy anh em đi bộ khoảng 2 km thì đợi tại tram ba-ri-e của C23 vệ binh SĐ sẽ có xe của Ban2 ra đón. Ban đã có xe chiến lợi phẩm, 2 xe Zep và 1 Jeep. Vừa mấy hôm trước chui rúc trong hầm trên núi cao vòi vọi mà giờ đã có mấy xe ô tô, ghê thật !
Kể cũng nhanh đến không ngờ. Từ hôm SĐ nổ súng chiến dịch đến hôm nay mới có 12 ngày thế mà các lực lượng QĐ 2 và bộ đội Quảng Trị, Thừa Thiên đã giải phóng suốt từ Sông Thạch Hãn ngoài Quảng Trị, qua hết tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thành phố Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung cũng được giải phóng. QĐ1 và QK1 của QLVNCH đã bị xóa sổ.
5 rưỡi chiều anh em đang ăn cơm thì thấy 1 chiếc xe chở dân từ Đà Nẵng về thôn này. Đồ đạc, gạo, chiếu, hòm xiểng lỉnh kỉnh được chuyển xuống xe, đặt từng đống dưới đường. Anh em bảo nhau ra khiêng vác giúp đồ đạc của dân về nhà họ trong làng.
Buổi tối trời mưa. Bên ngoài Đường Một xe vẫn chạy nhiều. Xe chở dân tản cư từ Đà Nẵng hồi hương và xe chở lính từ ngoài Thừa Thiên-Huế vào Đà Nẵng. Đèn xe nhoang nhoáng chạy dài trên QL1.