Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:23:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời ( II )  (Đọc 103741 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #70 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 12:30:02 am »

 Hóa ra cuộc chửi lộn này có thể nói dài nhất trong lịch sử chửi lộn. Grin

 Thông suốt từ năm 1974 đến 2012 vẫn thấy chửi nhau, hết chửi bằng máy PRC25 với 2W giờ chuyển qua chửi nhau bằng bàn phím, tương lai rồi đây không biết sẽ còn chửi nhau tiếp bằng phương tiện gì và bao nhiêu lâu nữa đây?

 Thời bọn em đánh Pốt cũng có vụ chửi nhau đấy các bác nhé.  Grin

 Lính ta nằm chốt mùa mưa, nước nổi lềnh bềnh ẩm ướt rất khó chịu, bức xúc dồn nén lâu ngày cáu lên không biết chửi ai, không lẽ chửi đồng đội chung hầm với mình? Chửi nó mà nó tự ái lên bỏ mình về phía sau mất thì chết dở, bao bực tức dồn hết vào chửi cái thằng nó khiến mình phải khổ như vậy. Thế là dồn hết hơi cho đầy lồng ngực mà hét lên: Đan Mạch thằng Pôn Pốt - Iêng xa ry. Bên kia chốt bỗng vọng lại bằng tiếng miền Nam: Hỏi thăm đồng chí Phạm Văn Đồng - Lê Duẩn. (May quá nó không biết tên bố mẹ mình) Grin

 Lúc đầu lính khoái lắm vì có cái nghịch cái để chửi nhau cho đỡ buồn, không biết lý do gì bên kia nó nói tiếng Việt sõi thế, nhiều người nghi là lính VNCH chạy sang theo Pốt sau 1975. Thế rồi 2 bên thò đầu lên khỏi công sự mà chửi nhau như 2 thằng hàng xóm chửi nhau qua bờ rào vậy, rồi lừa nhau táng cho 1 phát hỏa lực B, địch cũng phóng về phía ta vài phát đạn AT, loại này bắn cầu vồng không sợ, khối thời gian để chui vào hầm mà tránh, bắn nhau chán rồi thò đầu sang hỏi: Thằng Pôn Pốt - Iêng xa ry mày chết chưa? hoặc đồng chí Lê Duẩn - Phạm Văn Đồng chết chưa? Tao có chết cái củ "tam thất" nhà tao đây này. Grin

 Sau này mới biết lính Pốt nhiều thằng biết tiếng Việt, chửi nhau chán rồi bắn nhau, bắn chán lại chửi nhau tiếp. Sau GP 1979 không biết là thằng nào, nếu biết để xem lần đó nó có chết thật không? Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #71 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 12:47:50 am »

 Grin Vui nhỉ !  .  Thế mà trước đó có hơn chục năm, lãnh đạo nhà nước mình đón tiếp trọng thể thằng Iêng-xa ry ở HN, đoàn Ngoại giao rồi lễ tân sang sb Gia lâm đón rước. Hồi đó nó là bộ trưởng ngoại giao .  Đúng là của nợ ! Mình hoàn toàn không ngờ bị thằng này lật lọng .
Nhưng em đoán mãi câu Hỏi thăm là nghĩa gì chưa ra, bác BY  gửi lời giải vào tin nhắn cho em với.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Ba, 2012, 11:56:20 am gửi bởi HaHoi » Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #72 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 11:18:48 am »

Nghe bác TanVinh và BY giải thích về động tác bóp nhả tổ hợp lại làm em liên tưởng nhảm nhí đến mấy ông tài xế tắc xi ,  nhưng bác cho em hỏi là hồi đó lính mình chửi nhau với lính nó về chuyện Hoàng Sa thế nào bác ? Mình cho là chúng mày bị mất thế là đáng hay là chửi nó không biết giữ đất để thằng anh bửn tính giở trò trộm cướp lấy mất ?
Bác nói ở trên rằng các thủ trưởng  ban 2 đưa máy thông tin 2 Watt vào để hỗ trợ các bác việc " chiêu hồi anh em binh sĩ VNCH bỏ súng quay về với nhân dân " , em không biết máy 2 Watt là như thế nào nên  đã hỏi bác Gúc gồ mà không ra cái máy thông tin nào, toàn ra loa vi tính 2 watt ! Đó là máy Nga hả bác ?

Trích dẫn
@HH: Mạn phép các bác thông tin vì đá sang sân của các bác nhưng bản tính của tôi khi còn là lính có 1 thói xấu là tò mò hay tìm hiểu những thứ xung quanh mình.

Tôi có thời gian sinh hoạt cùng với tiểu đội thông tin 2W của tiểu đoàn khi được điều lên tổ kỹ thuật làm đường của tiểu đoàn đầu năm 1974,  đây chính là tiểu đội thông tin của Nguyễn Văn Thạc (nhưng lúc đó Thạc đã hy sinh rồi, anh em cũ hầu hết hy sinh và bị thương được ra bắc, phần lớn là anh em bổ sung sau đó). Cả tiểu đội có chừng 6,7 máy vô tuyến của Nga ký hiệu P105 công suất 2W, loại này tương đương với PRC25 của Mỹ, được trang bị cho cấp tiểu đoàn với bán kính hoạt động khoảng 5-7km. Khi họ làm việc bằng đàm thoại thông qua việc mã hóa bằng các dẫy số. Ngoài máy 2W P105 còn có những máy nhỏ hơn của TQ công suất 0,5W khi triển khai xuống các đại đội.

   Đúng như LXT nói đó HaHoi ạ.
   Năm 1971-1972 vanthang341 đã từng là CTV đại đội thông tin cũng đã từng làm mày 2w, 15w rồi đấy.
Nói là máy 2w nghĩa là loại máy có công suất phát 2w hoặc tương đương 2w. Trước đây có máy 71 của TQ dùng pin, sau đó là máy LX loại p105, p108, p109 dùng acquy, Khi ta thu được của Mỹ loại PRC25 thì nhẹ và tiện lợi hơn, các loại của LX, của Mỹ thu, phát sóng cực ngắn ít bị nhiễu sóng và tạp âm hơn nên cái tai của lính thông tin cũng đỡ ù điếc đi nhiều. Còn loại máy công suất 0,5w cũng là máy TQ gọi là 702 trang bị cho đại đội, trung đội, chỉ thu phát được khoảng 2km trong điều kiện thời tiết bình thường
    TANVINH may được dùng prc25 đấy, nếu chỉ dùng loại máy 71 trước đây của TQ thì bây giờ chắc 2 cái lỗ tai xuyên-thông nhau và không còn trao đổi với ae chúng ta được nữa rồi.
    BY giải thích vanthang mới nhớ ra loại máy này có công tắc bóp mỏi tay lắm, nhưng cũng có loại máy dùng công tắc trượt nên rất dễ sơ ý lắm đấy.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Ba, 2012, 11:27:54 am gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #73 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 03:24:30 pm »

24/3/75


     Ta tiếp tục tiến công. Địch co cụm và tháo chạy. Ta đánh chiếm căn cứ La Sơn, sân bay Phú Bài, Hôm qua LĐ15 BĐQ rút chạy về La Sơn, nay lại bị tấn công và chạy tiếp về phía bắc. E101 truy kích dồn dập từ phía nam sau khi tiến qua quận lị Lương Điền, phát triển dọc QL1 đánh tới căn cứ sân bay Phú Bài, bây giờ đã tới cửa ngõ vào thành phố Huế. SĐ 324 cũng từ căn cứ Núi Bông đánh xuống căn cứ La Sơn, Phú Bài trong khi bộ đội quân khu Trị-Thiên ở hướng tây bắc đã xuyên thủng phòng tuyến sông Bồ phát triển xuống áp sát Huế và ở hướng bắc tiếp tục tấn công mạnh, cùng lực lượng bộ binh SĐ324 đánh địch rút chạy tại Hương Thủy bịt chặt đường rút của địch từ thành phố Huế ra biển.  Mũi tiến công phía nam của E18 SĐ đã làm chủ Quận lỵ Phú Lộc kéo dài đến mãi căn cứ đèo Phước Tượng. Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến rút chạy về Lăng Cô và chân đèo Hải Vân.

     Tin tskt nắm được liên tục về tình hình quân địch bị đánh ở Thừa Thiên-Huế không còn đường rút theo QL1 giờ đang tổ chức rút chạy ra biển hướng Cửa Thuận An và Cửa Tư Hiền, số lượng lớn gồm quân của các lực lượng chủ lực SĐ1, LĐ 147 TQLC, LĐ 14 & 15 BĐQ. Ban 2 lệnh anh Nhạ C trưởng C20 điều 1 tổ trinh sát khẩn trương xuống Đầm Cầu Hai kiếm thuyền để bám tình hình địch rút chạy qua Cửa Tư Hiền.

     Đêm nay đài tskt tăng ca làm tin tức suốt đêm, bám sát tình hình quân địch đang rút chạy ra cửa biển. Có cả nhiều dân chúng và gia đình lính VNCH đi theo.

     Cánh trinh sát của C trưởng Nhạ không triển khai được thuyền ở Đầm Cầu Hai. Ban2 cho biết SĐ cũng đã triển khai các mũi thọc sâu để đánh chặn và bịt đường ra biển.

« Sửa lần cuối: 24 Tháng Ba, 2012, 04:12:04 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 02:06:22 am »

25/3/75

     Hôm nay Ban 2 cho tiểu đổi cử 2 người xuống Phú Lộc lấy máy PRC25 chiến lợi phẩm. Ai cũng muốn đi. Cuối cùng mình và Nguyên được giao nhiệm vụ. Ban2 đề nghị chỉ huy C20 cho 2 người đi hỗ trợ. Cậu Hường và Yên được cử đi.
Thế là từ lúc này trở đi mình không biết được diễn biến chiến sự như thế nào nữa.

     Bốn thằng ba lô gọn nhẹ với AK báng gấp phấn chấn rời đỉnh 660 từ tinh mơ, thoăn thoắt len lỏi trong rừng, cứ chiếu theo phương vị trên bản đồ đi theo đường bình độ dọc dải núi Lưỡi Cái, nhằm hướng đông mà đi với cảm giác háo hức cứ như có cài gì đó đang cuốn hút ở phía trước. Cứ bám nhau đi miết, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, lúc nào mệt quá khát nước quá thì dừng nghỉ một lát rồi lại hối hả đi. Khoảng 12 giờ trưa thì xuống tới thôn Bạch Thạch có QL1 chạy qua, trước mặt là Đầm Cầu Hai rộng mênh mông thông ra biển qua Cửa Tư Hiền. Dân ở thôn này đã chạy tản cư hết vào Đà Nẵng, nhà cửa bỏ không, vắng tanh.

     Cái cảm giác xuống tới đồng bằng, cảm giác đang đứng trên mặt đường Quốc Lộ 1 mà mới mấy ngày trước trên đỉnh 660 chót vót kia nhìn qua ống nhòm xuống mới chỉ thấy thoang thoáng xa xa là cảm giác khó tả. Nó cứ lâng lâng, nghèn nghẹn làm sao. Bị tù túng, hồi hộp kìm nén bấy lâu bây giờ như sợi lò xo được bật ra, phóng khoáng tầm nhìn  chiều ngang với những mái nhà, làng mạc ruộng vườn, đầm nước mênh mông thành ra cái cảm giác như vừa quen vừa lạ, cảm giác bâng khuâng lạ lẫm và có phần ngơ ngác.
Tự nhiên quay lại ngước nhìn lên phía đỉnh 660 xanh thấm phía xa.

     Trung đoàn 18 lập trạm dã chiến thu chiến lợi phẩm ở thôn Bạch Thạch, huy động  được một thanh niên địa phương lái xe chở giúp chiến lợi phẩm. Gặp anh Hạnh Trợ lý Ban2 cùng tốp trinh sát C20 đang chờ xe để đi quận lị Phú Lộc. Bọn mình đi nhờ xe được khoảng 4 cây số thì xe phải dừng lại cho lính xuống đi bộ vì pháo địch từ biển bắn vào nhiều. Đi bộ đến một ga xe lửa cách quận lị không xa nữa thì gặp thủ trưởng Huy, Tư lệnh phó SĐ. Ông cấp cho giấy lĩnh máy PRC25 ở Bạch Thạch. Định theo xe Zep của thủ trưởng vào quận lị Phú Lộc nhưng anh em quyết định quay lại cho an toàn và kịp về Bạch Thạch trước khi trời tối.

     Trước khi ra khỏi làng này, anh em tạt vào một nhà dân thấy có người trong nhà để ngồi nhờ ăn lương khô và uống nước. Nhà có ông già và cô gái khó đoán tuổi đang ngồi thái cây chuối ở dưới bếp. Sau khi chào hỏi và xin nước uống, ông cụ lấy nước từ dưới bếp mang lên nhà. Ông trầm ngâm không nói năng gì. Hỏi chuyện được biết ông có đứa con đi ở ngoài Huế giờ chạy tản cư theo nhà chủ không biết như thế nào. Ông ngồi ngậm điếu thuốc rê nặng khét buồn bã nhìn ra ngoài sân.

     Quay ra QL1, bốn thằng thong dong trò chuyện đi ngược về Bạch Thạch. Trên đường giờ mới để ý thấy dọc đường có dán nhiều lời kêu gọi của UBND Cách mạng Thừa Thiên-Huế, bản tin chiến thắng vắn tắt và khẩu hiệu “ Quyết tâm tiêu diệt Sư đoàn 1, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên-Huế”. Đang đi thì bất ngờ có 2 quả pháo kích bắn từ biển vào nổ oành oành ngay ruộng ria đường chỉ cách răm chục mét. Theo bản năng, cả 4 thằng lao xuống rệ đường bên trái nấp. Một lúc không thấy pháo bắn nữa bèn bảo nhau chạy nhanh thoát khỏi khu vực này vì ở đây gần cái cầu nhỏ trên quốc lộ. Cứ theo rệ đường, 4 thằng phi như ngựa vía, được mấy trăm mét thì dừng lại, thở hồng hộc.  Nhìn nhau cười lắc đầu, lững thững đi tiếp nhưng không dám nghênh ngang giữa đường quốc lộ nữa.

     Dọc trên QL1 còn thấy rõ dấu vết của D8 Lữ 258 TQLC tháo chạy khỏi Đá Bạc, Mũi Né. Những mũ, quần áo rằn ri có nhãn mác Ó Biển của D8 lăn lóc trên đường, thấy cả đồ đạc của dân như xoong nồi, quần áo, chiếu, gạo, rơi vứt dọc đường khi chạy tản cư trên QL1 vào Đà nẵng.

     Nguyên đi nhờ được xe honda của 1 tay bộ đội mình một đoạn dài. Chẳng biết tay này ở đơn vị nào, có lẽ lính E18 vì E18 SĐ đánh xuống Phú Lộc. Kiếm xe honda ở đâu mà nhanh thế không biết !

     Về đến thôn Bạch Thạch lúc 5 rưỡi. Vào một nhà dân ven đường vắng chủ để nấu cơm. Trong bếp vẫn có xoong, nồi. Ngoài vườn có rau bí, đu đủ. Thế là bữa cơm mấy thằng nấu vội có đu đủ sào thịt hộp, canh rau bí. Trời đã nhá nhem tối. Dọn ra ngồi ngoài sân ăn cho sáng. Ăn gần xong thì bỗng nghe thấy tiếng súng lên đạn lách cách bên hàng rào ngoài ngõ.
- Này này, ta cả đấy nhé. Có cơm nước thì vào đây.
Mình vội lên tiếng và ra hiệu cho anh em. Đoán là quân ta nhưng cũng phải cảnh giác đề phòng. Chắc cũng đã quan sát nghe ngóng rồi nên sau khi nhận ra giọng Bắc sệt, mấy ông quân ta vào. Thì ra mấy anh em này bên đơn vị vận tải vác đạn từ trên núi xuống, mới xuống đến đồng bằng lại chập tối thế này, không rõ tình hình và đường đi lối lại như thế nào nên phải cảnh giác rất cao. Thấy tiếng nói chuyện lầm rầm của bọn mình ở trong sân nên mấy ông không rõ ta hay địch. Cơm còn nhiều, bọn mình mời anh em ăn. Đang đói lại lính cùng SĐ cả nên anh em ngồi ăn ngay. Vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả, hả hê.

     Tối không dám ngủ trong nhà dân, bốn thằng mò lên quả đồi thấp ở ngay đầu làng, ở đó có cái lô cốt bê tông kiên cố. Lô cốt này là một chốt canh của địch để khống chế kiểm soát con đường từ thôn này lên núi và đoạn QL1 chạy qua đây. Chui vào nằm ngủ qua đêm ở trong lô cốt này nhỡ có pháo kích địch cũng yên tâm hơn. Hai thằng mắc võng còn 2 thằng trải ni lon ra đất nằm. Nóng lại bí gió, mãi không ngủ được. Đêm có một quả pháo kích từ biển vào nổ gần chân đồi. Lại nghe thấy cả tiếng mấy ông lính mình đi săn chó, đạn bắn nghe chiu chíu bên ngoài lô cốt làm 2 thằng nằm dưới đất, chân chìa ra phía cửa lô cốt lo ngay ngáy nhỡ chẳng may ăn phải đạn lạc. Sáng dậy nghe 2 thằng nằm đất kể mình mới biết.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #75 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 10:14:04 am »

26/3/75

     Sáng dậy, vừa chui ra khỏi lô cốt thì bất ngờ có 1 quả pháo biển bắn vào thôn Bạch Thạch, nổ ngay ria đường 1, bốn thằng lại vội vã chui vào lô cốt nấp. Một lúc lâu chẳng thấy bắn nữa, lại chui ra và thoát nhanh xuống làng vào ngôi nhà tối qua để nấu cơm ăn rồi sẽ lên đường về đài trên đỉnh 660.
Cơm nước xong, định ngỉ ngơi một lát thì đi nhưng lại lui lại mãi mới đi được. Cậu Nguyên và mấy ông bạn bên công binh kiếm được con chó rồi hăng hái làm thịt. Sau độ 1 tiếng, thít chó đã luộc xong. Bốn thằng trinh sát cắt lấy 1 tảng để mang đi đường lên núi còn 4 ông công binh cũng làm 1 tảng để dành. Chẳng có mắm muối gì, ăn thịt luộc nhạt với ít ngọn rau húng hái ngoài vườn thế mà 8 thằng cũng chén chèm chẹm số còn lại vừa đủ ngán.
     Lên đường muộn, trời nhoe nắng. Đường xa, càng đi càng lên dốc nên thằng nào cũng đẫm mồ hôi, mệt nhoài. Gần 6 giờ chiều thì tới chân điểm cao 769 còn không xa nữa thì đến đỉnh 660. Lôi cơm nắm ra ăn với thịt chó luộc. Không biết đói hay là ăn ở trên rừng cao mà bữa cơm nắm với thịt chó nhạt đứa nào cũng bảo ngon hơn lúc sáng. Đã tối lại thấm mệt do leo dốc nhiều nên đành phải ngủ lại sáng mai đi tiếp.

27/3/75

     Đêm qua mắc võng ngủ lại trên đường. Leo lên núi bao giờ cũng mệt hơn và lâu hơn lúc xuống. Mệt nhưng tinh thần lại phấn khích nên thằng nào cũng rất khó ngủ.
     Sáng cơm nước xong tiếp tục đi, nay đi khỏe hơn hôm qua. Chỉ phải leo 2 cái dốc cao nữa thôi. Lên tới sườn mỏm 847 thì biết tin tiểu đội ở mỏm 660 đã di chuyển xuống đồng bằng, bồn chồn quá.
     Về đến dốc điểm cao 694 khu vực Lưới Cái thì thấy bộ đội đang dòng pháo xuống núi hướng chân Truồi để ra Đường Một.

     Bốn thằng bảo nhau khẩn trương đi một mạch về cứ đài kĩ thuật của tiểu đội ở đỉnh 660. Quả nhiên khi về tới nơi thấy vắng lặng chỉ còn mỗi cậu Quận ở lại trông nom một số đồ đạc chưa mang đi hết, chờ bọn mình về và sẽ có anh em tiểu đội quay lại để cuốn chiếu. Ban2 cũng đã di chuyển. Thôi bảo nhau nghỉ ngơi chờ đợi vậy.
Chiều xuống suối tắm giặt và gùi nước.


28/3/75

     Sáng một mình xuống suối giặt bộ quần áo bẩn thay ra còn chưa giặt từ tuần trước, kết hợp gùi thêm nước.
Những đơn vị ở khu vực điểm cao 660 này cũng đã di chuyển xuống đồng bằng, để lại những lán, những hầm ở các góc rừng vắng tanh, im ắng.
     Trên đường xuống suối, trèo lên cây lấy được một giò phong lan nở hoa đẹp quá. Đẹp ở đây mà làm gì nhỉ, nghĩ lẩn thẩn định bỏ lại nhưng rồi cũng lẵng nhẵng sách về treo ở cửa lán bếp.

     Hôm nay vẫn thấy bộ đội tiếp tục cho “voi thép” xuống núi. Mấy khẩu 85 li hôm được kéo lên các mỏm cao khu vực này, nay lại phải dòng xuống. Nước sông, công lính. Chiến thắng là sướng rồi, bõ công sức vất vả và xương máu của lính. Cho pháo xuống cũng chẳng dễ dàng gì nhưng lính vui và khi thế hơn.

29/3/75

     Hôm nay nghỉ dài, chờ đợi. Chẳng sợ bom đạn nữa, căng võng nằm cho sướng. Lôi quyển truyện nhặt dưới Phú Lộc ra đọc, truyện “ Mưa trên cây sầu đông” của Nhã Ca. Buổi sáng đọc được vài tiếng thì thấy một số anh em C20 hành quân di chuyển qua đây. Buổi chiều cũng đọc được ít thì lúc 5 giờ có Thảo, Tỉnh và Bình của tiểu đội cử về để cuốn chiều đồ đạc cùng mấy anh em di chuyển xuống đồng bằng.
Sáng mai sẽ xuống núi. Tối dùng đèn pin cố đọc hết cuốn tiểu thuyết mùi mẫn. Đến nửa đêm mới ngủ được.
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #76 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2012, 10:39:29 am »

     Chào bác Tanvinhprc25
     Thế bác cũng mê đọc sách "ngụy" vậy sao? hihi. Khi đánh vào chi khu Trảng Bom, Thanh Sơn cũng nhặt được mấy cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Giao, cất vào ba lô đọc lấy đọc để, vì đã bao nhiêu ngày tháng lo đánh nhau không có sách nên chẳng đọc được chữ nào. Sau giải phóng suốt ngày đọc sách và nghe cải lương...
     Chúc bác vững bước trên đường hành quân.
  
    À bác TANVINHprc25 ơi, có một bài báo nói về sư đoàn 304 nhân buổi họp mặt CCB, Thanh Sơn đưa lên bác đọc nhé:
    
     F304 - Sư đoàn thép trên mặt trận Quảng Trị và chiến trường Miền Nam

Theo kế hoạch ngày 05/3/2011, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình, Ban liên lạc CCB mặt trận Quảng Trị 1972 tổ chức lễ truy tặng kỷ niệm chương của BLL Quân khu Trị Thiên cho một số liệt sĩ và trao tặng KNC của UBND tỉnh Quảng Trị cho các chiến sĩ đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở mặt trận này.
(Nụ cười chiến thắng thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đoàn Công Tính)

Tham dự buổi lễ có các Tướng lĩnh thuộc cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3, Quân đoàn 2, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị, Thái Bình,  cùng hơn 500 CCB phần đông là con em Thái Bình. Về dự buổi lễ, trong lòng mọi người bùi ngùi xúc động nhớ tới các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, tô thắm truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng. Trong nhiều đơn vị đã tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị và chiến trường miền Nam lập nhiều chiến công đã được tôn vinh đơn vị anh hùng, phải nói đến sư đoàn 304 Quân đoàn 2.

Sư đoàn 304 được thành lập từ năm 1950. Qua 2 cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, 304 đã được phong tặng danh hiệu Sư đoàn anh hùng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có đồng chí được phong 2 lần danh hiệu Anh hùng như Đại tá sư đoàn phó Đặng Đình Hô.

( Ảnh Đồng chí Hoàng Đan, tư lệnh sư đoàn 304)

Chiến dịch Mặt trận Quảng Trị 1972, 304 được mệnh danh là Sư đoàn Thép.Những địa danh tên làng, tên núi, tên sông ở Quảng Trị mang theo chiến công của Sư đoàn 304, còn in đậm vào trái tim khối óc không riêng của các chiến sĩ trong sư đoàn mà còn cả trong các chiến sĩ và đồng bào cả nước như: chiến  thắng Đường 9, Dốc Miếu, Tà Cơn, Khe Sanh, Điểm Cao 241, Đầu Mầu, ái Tử, sông Thạch Hãn, Thị  xã Thành Cổ...

Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ được coi là “nơi đụng đầu lịch sử”. Bởi vì Quảng Trị sát miền Bắc, ta có điều kiện tập trung lực lượng, tập trung chỉ đạo đảm bảo hậu cần cho toàn chiến trường, mở chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Quân địch đã quyết giữ và tập trung nhiều binh hỏa lực tối tân cho khu vực này. Cuộc chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị rất gay go và anh dũng.

 Đặc biệt 81 ngày đêm chốt giữ Thành Cổ (25/5 – 16/9/1972) được coi là Bản Thiên anh hùng ca bất tử cho Tổ quốc quyết sinh. Thành Cổ nằm ở phía đông thị xã Quảng Trị, còn có tên là Thành Đinh Công Tráng, thành xây bằng gạch từ năm 1827, có hình vuông, mỗi cạnh 500m, phía ngoài có hào rộng 15m bao quanh. ở đây dưới thời Ngụy có nhà Tỉnh trưởng, Tòa thị chính, khu cố vẫn Mỹ và một số cơ quan dân sự ngụy.

Chiến công của 304 cũng như chiến công của các đơn vị trên chiến trường miền  Nam được bắt nguồn từ nghệ thuật lãnh đạo quân sự của Đảng và Quân đội ta. Nhiều đồng chí chỉ huy đơn vị rất tài tình và thông minh, luôn đổi mới cách đánh, hành quân tác chiến vào trận địa, với phương châm “đi không dấu, nấu không khói”, lúc ẩn, lúc hiện. Sự xuất hiện của Sư đoàn 304 ở chiến trường đã làm cho kẻ thù bao phen phải khiếp sợ.

Trong chiến dịch giải phóng, giữ vững vùng đất giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975 cán bộ chiến sĩ sư đoàn rất kính phục tài chỉ huy và tình đồng  đội của nhiều cán bộ lãnh đạo sư đoàn, cho dù họ đã khuất nhưng danh tiếng vẫn truyền lại như: Đại tá sư đoàn trưởng Hoàng Đan, Thượng tá chính uỷ Hồng Thanh, Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Quảng Mạc, Chủ nhiệm Hậu Cần Ngô Sơn Nga, Cao Đào, Trưởng ban xăng xe Sư đoàn Ngô Chưởng vv...

Sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 và giữ vững vùng giải phóng năm 1973, đến đầu năm 1974, Sư đoàn 304 hành quân vào tham gia chiến dịch giải phóng Thượng Đức. Chi khu quân sự quận lỵ Thượng Đức của Ngụy cách Đà Nẵng 40km về phía tây. Chốt này, Ngụy đã phong 3 lần anh hùng. Việc giải phóng Thượng Đức tháng 7/1974 và chốt giữ được cứ điểm này của sư đoàn đã làm cho địch hoang mang, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đánh vào trung tâm TP Đà Nẵng. Tiếp theo đó với khí thế thừa thắng xốc tới của toàn quân, Sư đoàn 304 đã góp phần hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng Huế, Đà Nẵng. Với tinh thần và mệnh lệnh Thần tốc - Táo bạo - Chắc thắng sư đoàn đã kịp thời cùng năm mũi tấn công của Quân đội ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhiều cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 đã có mặt từ 11 giờ trưa 30/4/1975 để đánh chiếm dinh Độc Lập, tham gia bắt sống Tổng thống Ngụy và chính quyền bù nhìn, cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập; chốt giữ căn cứ Tổng kho Long Bình, một tổng kho lớn nhất chứa đầy vũ khí, thiết bị kỹ thuật tối tân của địch.

Suốt chặng đường chiến đấu của đơn vị, nhiều kỷ niệm sâu sắc và buồn vui, nhớ làm sao hết, viết làm sao hết được. Các chiến sĩ Sư đoàn 304 luôn nhớ tới truyền thống anh hùng ở giai đoạn “Một thời Quảng Trị”. Cảm xúc lớn lao trong mỗi cán bộ chiến sĩ sư đoàn 304 là niềm tự hào có một thời chiến đấu trên mảnh đất anh hùng và thiêng liêng này. Không nơi nào nhiều nghĩa trang như ở tỉnh Quảng Trị. Ngoài 72 nghĩa trang (trong đó có nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9), ở đây còn có 2 nghĩa trang nữa, không có mộ: Đó là Mảnh đất Thành Cổ và Lòng sông Thạch Hãn. Lòng sông Thạch Hãn trở nên linh thiêng bởi ẩn trong nó có bao số phận của các chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh.

Hàng năm, vào ngày 27/7, người dân Quảng Trị và du khách khắp mọi miền về đây thả hoa tưởng niệm, việc làm có ý nghĩa văn hoá tâm linh. Đứng lặng nhìn hoa và sông nước, nhớ câu thơ của một người lính đã viết như nhắn nhủ với mọi người:

Đò xuôi Thạch Hãn, xin  chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Hóa tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Chiến tranh đã lùi đi xa. Những chiến sĩ Sư đoàn 304 cũng như các đơn vị khác, theo sự phân công của Đảng, người ở lại phục vụ trong quân ngũ, người trở về làm việc tại hậu phương. Nhiều đồng chí tóc đã điểm bạc, làn da đã đổi màu, nhưng tâm hồn và sức sống còn rất trẻ. Trong người họ, tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, tình yêu đồng đội còn khát khao và cháy bỏng. Họ mang nặng trong mình truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng.

Những cán bộ chiến sĩ của sư đoàn, trung đoàn năm xưa được trở về, có người còn gặp khó khăn, thiệt thòi. Tuy mỗi người ở một vị trí công tác sản xuất khác nhau, nhưng trong lòng đều có cái chung là giữ được phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến cho quê hương và gia đình. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền để ý quan tâm động viên lực lượng CCB: Người có công cần được tôn vinh khen thưởng; Người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ chia sẻ. Lực lượng CCB luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, phấn đấu thực hiện lý tưởng của Đảng đến hơi thở cuối cùng. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc đã đánh thắng ngoại xâm, trong sự nghiệp xây dựng đất nước đã và sẽ thắng “giặc nội xâm”. Cựu chiến binh luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy của cấp uỷ và chính quyền địa phương trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và quê hương yêu qúi của mình.

Nguyễn Mạnh Bao
Phó BLL, CCB Mặt trận Quảng Trị 1972

Trần Minh Thuần
CCB 304 TTrực  VP Hiệp hội DN tỉnh
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Ba, 2012, 09:01:43 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #77 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2012, 10:32:07 pm »

Chào anh em ccb 19c NH và các bạn,

Hôm nay đoàn ccb trinh sát F325, gồm các ccb của Ban Trinh sát SĐ, A12 tskt SĐ và C20 TS E101 đã lên đường thăm lại chiến trường xưa – Quảng trị, Huế và Đà nẵng.
Dưới đây là vài hình ảnh của đoàn trong ngày hành quân đầu tiên.

















« Sửa lần cuối: 27 Tháng Ba, 2012, 10:41:21 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #78 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:37:54 am »

Chúc Tanvinhprc25 và mọi người đi vui vẻ.
Thấy một số người quen qua ảnh rồi.
Cho mình gửi lời anh Kim, anh Tỉnh, Duyên... nhé.
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #79 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 10:27:34 am »

     Theo đúng lịch, những người lính trinh sát đã lên đường thăm lại chiến trường xưa, mong bác TVprc25 cập nhật tin tức thường xuyên để anh em theo dõi, tin tức và ngắm những bức ảnh đẹp của chuyến đi. Chúc các bác một chuyến đi bình an và vui vẻ ./.
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM