Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:14:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời trận mạc - Hồi ký của CCB Dương Thanh Biểu  (Đọc 41902 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #20 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:28:51 pm »


Tôi ứa nước mắt khi nghĩ về Cha, chị tôi, các em, dì tôi và Thoa. Tôi biết nơi  làng Ngũ Phúc nhỏ bé nằm bên dòng sông Lam nghìn tuổi, những người thân của tôi cũng có biết bao nhiêu đêm thao thức. Cha tôi, tuổi đã cao, sức đã yếu, trong những đêm mưa rét này thường húng hắng ho, ngủ được ít lắm. Việc nhà vẫn luôn đè nặng lên đôi vai của Cha. Tôi biết Cha quay quắt thương nhớ và lo nghĩ cho tôi nhiều lắm
 
Tôi xốn xang nghĩ tới Thoa, người bạn gái yêu dấu, gương mặt tròn, đôi mắt bồ câu đen lay láy, mái tóc thơm hương bưởi và nụ cười tươi tắn…cứ hiện lên đêm đêm. Tôi đi bộ đội, em là người tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Vào càng sâu trong chiến trường tôi không nhận được thư em nữa. Những khi rảnh rỗi tôi lại mang thư của em ra đọc. Mỗi lần đọc, lại nhớ đến những kỉ niệm êm đềm bên em thủa học trò. Vậy mà lúc gần em, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến tình cảm của em, chỉ khi xa nhau, cách trở như thế này, tôi mới thấy được những gì chân thành từ trái tim mình dành cho em. Trái tim tôi vẫn ngân lên lời thủ thỉ của em sao mà đáng yêu đến thế: “Anh yêu! Năm học gần hết rồi, sao anh lại bỏ em mà đi lúc này. Anh biết không, mấy ngày nay, em đứng ngồi không yên khi nghe tin anh đi bộ đội..”. Những giây phút lặng yên hiếm hoi ở mặt trận là người lính chúng tôi nghĩ đến gia đình, người thân nhiều nhất. Chúng tôi rỉ rả kể cho nhau nghe về miền quê của mình, ai cũng mong muốn khi đất nước độc lập sẽ được đặt chân đi nhiều nơi, thăm gia đình của đồng đội mình. Nếu được dẫn mọi người về thăm quê thì tôi sẽ đưa mọi người đi thăm ngôi nhà Bác và đưa mọi người ra sông Lam hóng mát, nghe những điệu hò êm ru mà chỉ nơi mảnh đất xứ Nghệ quê tôi mới có. Đồng đội của chúng tôi rất thích chất giọng ấm áp, dễ làm xiêu lòng những cố gái bâng khuâng, lãng mạn. Tôi cứ nghĩ tới giây phút mình được ngục đầu vào ngực Cha, được ôm thân hình gầy guộc và được hít hà mùi mồ hôi quen thuộc của người sau khi cất lên tiếng nói: “Cha ơi, con đã trở về”, tôi thấy cay cay sống mũi và khát khao thèm muốn đến thế. Tôi được nắm bàn tay nhỏ bé sạm nắng của chị tôi và không sao cầm nổi nước mắt khi nhận ra hình bóng của người Mẹ đi xa trong đó. Chị tôi một nắng hai sương chăm lo cho tôi từng miếng cơm manh áo. Trong gia đình có lẽ chị gái bao giờ cũng thương em trai hơn cả. Tôi sẽ ngồi và kể cho các em của mình nghe những trận đánh ác liệt mà tôi đã trải qua, cả khi những đồng đội tôi ngã xuống. Tôi sẽ thắp cho Mẹ nén hương và báo cáo lại với Mẹ về sự trưởng thành của mình. Và Thoa- người bạn gái của tôi sẽ vui tươi khi tôi không còn ở nơi xa xôi, em không phải thấp thỏm đợi chờ lo lắng cho tôi nhiều như trước đây nữa. Tôi đứng trước mặt em, áo lính khét mùi thuốc súng, gương mặt sạm đen, hốc hác, chắc em cảm động và thương tôi lắm. Tôi tưởng tượng rằng em sẽ gục đầu vào vai tôi mà quệt nước mắt, nước mắt của niềm vui, của sự chờ đợi sau bao năm xa cách, của tình yêu em dành cho tôi. Em nhìn tôi không chớp mắt, xem tôi có bị thương ở những đâu không. Được ôm em trong vòng tay với những vết chai sạn chiến tranh là hạnh phúc đối với tôi. Em không nói được lên lời mà chìm ngập trong hạnh phúc vô bờ khi tôi về bên em. Hai đứa lặng im, trái tim tràn ngập yêu thương. Và sau đó, tôi và em sẽ cùng thưa chuyện với gia đình về tình yêu và đợi chờ của hai đứa. Lúc đó, em sẽ không ngại ngần, e ấp, đỏ mặt sợ mọi người trêu như ngày còn đi học.
 
Chao ôi, nhưng tất cả hình ảnh ấy chỉ trong tưởng tượng của tôi mà thôi. Tôi đang ở mặt trận giữa những hố bom, hố pháo xám xịt, khét lẹt mùi thuốc súng, tôi đang đứng gần thần chết. Chỉ cần một mảnh bom, một viên đạn trúng vào mình thế là tất cả, tất cả sẽ vĩnh viễn xa rời, sẽ không còn biết gì nữa, sẽ là hư vô như ta chưa bao giờ có mặt trên cõi đời này. Cách nơi tôi nằm vài ba bước chân là thấy được cả chiến trường khốc liệt rồi. Tôi khẽ rùng mình, một cơn gió lạnh thổi dọc sống lưng. Những câu nói thì thào cất lên tự lòng mình: “Thế nào, bây giờ thì mày biết chiến trường ra sao rồi chứ? Đạn bom tơi bời thế này, liệu mày còn may mắn sống sót để trở về gặp lại Cha, dì, chị, em Thoa và bà con thân thuộc của mày nữa không, hay mày sẽ cùng chung số phận với nhiều đồng đội ngã xuống nơi mặt trận đường 9 Khe Sanh này. Tại sao mày lại tình nguyện xin đi bộ đội hả? Tại sao mày lại tình nguyện chối bỏ cái tương lai đẹp đẽ đang chờ phía trước mày, nói đúng hơn là đang chạm tới tay mày và cả tình yêu trong trắng của người con gái xinh đẹp dành cho mày nữa để dấn thân vào chỗ chết chóc máu me này, tại sao một đất nước tươi đẹp chờ đón mày phía trước, nơi đấy cuộc sống là ăn là học, là vui là chơi, không phải đối diện lo lắng với gian khổ, chết chóc từng ngày từng phút, sao mày không biết lựa chọn cho mình…”?...
   
Thú thực, có những lúc câu chất vấn kiểu ấy trỗi dậy hành hạ, dằn vặt tôi. Và cũng phải nói thật rằng không phải không có lúc tôi cảm thấy lung lay sợ hãi.  Rồi tôi lại nghĩ về những lúc Cha im lặng vì sự lựa chọn của tôi.
   
Vậy, tìm cách trở về ư? Trở về bằng cách nào? Tuy nhiên khi bình tâm lại, tôi cảm nhận được Cha tôi, chị tôi, em Thoa, quê hương xóm làng của tôi không ai chấp nhận sự trở về không chính đáng của tôi như vậy. Tôi biết rõ điều đó, với họ danh dự còn cao hơn cái chết. Tôi biết Cha sẽ buồn và đau đớn khi tôi đảo ngũ. Dẫu rằng có thể trở về thì tôi còn tồn tại, không trở về thì ra đi vĩnh viễn, tôi làm sao còn được gặp lại mọi người. Tôi không muốn tất cả tự hào vì có tôi đi lính rồi lại hổ thẹn khi tôi đảo ngũ. Nhất là khi cái loa truyền thanh của thôn, của xóm phát tên tôi, thông báo cho tất cả dân làng nghe thấy, khi đó Cha tôi là người sẽ đau đớn và tủi hổ nhất. Và Thoa, em sẽ gục đầu xấu hổ, lúc đó em có còn ở bên tôi và yêu tôi tha thiết nữa không?... Những niềm tự hào, thần tượng về tôi khi ấy ở trong em chắc sụp đổ tan tành!...
 
Tôi cân bằng lại trạng thái tinh thần và bình tĩnh lại, chấp nhận cuộc sống chiến đấu ở chiến trường. Tôi suy nghĩ như vậy nhưng không dám nói ra với ai, hơn nữa tôi sẽ hổ thẹn với những đồng đội đang ở bên mình, hổ thẹn với cả những người đã ngã xuống mà nhiều lần tôi là người đã đưa thi thể họ đi mai táng. Tôi nhận rõ hơn được cái vầng sáng anh hùng của dân tộc, của đồng đội trong cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt và gian nan này, từ đó tôi  lại yên tâm hơn với sự lựa chọn của mình. Những chiến công của đơn vị, những thất bại của kẻ địch, rồi các đồng đội ngã xuống đã tiếp cho tôi thêm cứng cỏi và dũng cảm hơn. Nhất định tôi sẽ chiến đấu đến cùng nếu quân địch đổ bộ xuống đây. Có lẽ một chân lý mà người lính ngoài mặt trận đã xác định: “Mình không bắn nó thì nó bắn mình”. Tôi bình thản trong những suy nghĩ hơn rất nhiều, có lúc nghĩ đến niềm hãnh diện của mọi người ở quê, Cha tôi đi đâu cũng có người hỏi thăm tin tức của tôi, thầy trò trên lớp luôn lấy tôi làm gương sáng. Nghĩ đến những điều đó tôi thấy hạnh phúc lắm. Chỉ có sự nhớ nhung người thân và chờ đợi ngày về là không nguôi ngoai trong tôi. Người lính, ai chẳng mang theo nhiều nỗi nhớ- tôi tự an ủi lòng mình bằng những suy nghĩ như thế.
 
Người lính, thử thách lớn nhất là chiến đấu. Vượt qua trận đấu là vượt qua được bản thân mình, vượt qua khó khăn và thử thách. Với người lính cách mạng, sự lựa chọn sống, chết không phải là sự lựa chọn đầu tiên mà phải là sự lựa chọn đúng- sai, chính nghĩa- phi nghĩa, tôi nghĩ vậy.
 
Khi vợi bớt những lăn tăn của anh lính mới vào chiến trường và đang cùng tiểu đội đại liên do anh Vương Tử Hoàng chỉ huy chốt chặt trên một quả đồi nhỏ cháy rụi cạnh sông Bến Hải, thì được lệnh chuyển quân. Tôi nghĩ chắc là hành quân đến địa điểm khác để đánh địch. Khi hành quân vượt sông Bến Hải thì anh Vương Tử Hoàng cho biết là: Đơn vị hành quân ra Quảng Bình. Ngày 15 tháng 11 năm 1968, chúng tôi trong đội hình của trung đoàn được lệnh hành quân ra đó.
 
Đang quần nhau với giặc chí tử, bỗng đơn vị nhận được lệnh hành quân ra Bắc. Ôi. Có gì vui hơn vậy nữa. Mỗi người lính chúng tôi lúc này ai cũng cảm thấy lâng lâng khó tả. Ra Quảng Bình ư? Thật tuyệt vời. Tôi nghe anh Hoàng phổ biến lần này được ra Quảng Bình,  tuy vẫn là tuyến lửa khu Bốn ác liệt nhưng so với mặt trận đường 9 Khe Sanh còn đỡ hơn nhiều. Đã lâu rồi, cánh lính bọn tôi sống, chiến đấu trong những cánh rừng già âm u, ẩm ướt của miền tây Quảng Trị nên ai cũng thèm được ngắm nhìn bầu trời thoáng đãng của đồng bằng. Bởi thế, ra khỏi rừng, ai cũng ngửa mặt lên trời, ngắm nhìn cái khoảng không gian bao la muôn thưở như ùa vào lòng mọi người. May sao, hôm hành quân, thời tiết thật đẹp, đợt mưa dầm dề vừa chấm dứt hôm qua, nay trời trong xanh vời vợi. Khuôn mặt ai cũng ửng sáng lên, phơi phới, hăng hái.
   
Chúng tôi đi qua những quả đồi lúp xúp, cây sim câu mua xung quanh đường phất phơ trước gió như chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Ven đường đi là những cánh đồng lỗ chỗ hố bom lở loét, thưa vắng bóng người. Vết thương chiến tranh do giặc Mỹ để lại in đậm trên từng thửa ruộng, từng con đường, lối xóm. Đoàn bộ đội hành quân rung lá nguy trang. Khi đi qua đoạn đường mà thanh niên xung phong đang làm, đột nhiên tiếng cười nói vui như hội. Có cô gái xung phong ném cả nắm đất lên áo anh bộ đội, thế là nhiều anh nhặt sỏi ném lại, tiếng cười giòn tan. Càng đi xuống đồng bằng càng thấy sự ác liệt của chiến tranh phá hoại bằng máy bay của giặc Mỹ. Những cây cối và nhà cửa bị đánh cháy nham nhở, có nhà bị đốt cháy trụi, còn mấy cái cột cháy đen thui xiêu vẹo và chẳng còn bóng người. Người lính chúng tôi nhìn cảnh làng xóm tiêu điều, xơ xác mà xót xa, thương cảm, càng thêm căm phẫn quân cướp nước. Đi qua con đường mòn nhỏ cheo leo ven núi, đến chiều tối thì chúng tôi đến nơi tập kết. Đó là xóm Tân Đa, xã Thái Thủy, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
   
Tiểu đội tôi được bố trí ở nhà Bác Hồng. Gia đình bác có ba người con trai vào bộ đội. Tôi nghĩ: khi đất nước bị xâm lăng có biết bao người ra trận chứ đâu phải chỉ riêng mình. Thế mà có lúc ở chiến trường gian khổ, ác liệt mình đã phân vân về con đường mình đã chọn. Những lúc gian nguy, người dân ai cũng hướng về đất nước. Nhà nhà ra trận, người người ra trận. Chiến trường rộng khắp mọi nơi.
 
Nhà bác Hồng không lớn, cũng giản dị như gia đình tôi và những gia đình nông thôn khác. Được gần gũi với gia đình bác, tôi lại nhớ nhà hơn. Nhà bác chỉ có một chiếc giường và một chiếc phản, bác nói:
  - Các chú cứ chia nhau ra, một nửa ngủ giường, một nửa ngủ trên phản. Đồng chí Vương Tử Hoàng nhìn bác Hồng băn khoăn:
  - Thôi bác ạ, gia đình bác cứ ngủ trên giường, trên phản, bọn cháu mắc võng ngủ cũng được. Nghe đồng chí Hoàng nói vậy, bác Hồng xua tay:
  -  Không được mô, ở rừng rú, các chú ngủ võng đã đành, bây chừ vô đây thì các chú cứ nằm giường cho đỡ mệt mà. Cả làng ni nằm hầm quen rồi. Chiến tranh còn dài mấy chú ạ. Các chú không phải lo chi cả.
   
Nghe bác Hồng nói, chúng tôi mới biết tình cảm gia đình bác dành cho chúng tôi là to lớn. Biết là khó cưỡng lại được, chúng tôi đành phải tuân lệnh bác Hồng.
 
Đóng quân trong nhà bác Hồng, chúng tôi được gia đình quan tâm lo lắng cho từng bát nước chè xanh, bát canh cua, cà muối. Có hôm tôi sốt rét không ăn được cơm, bác Hồng đã nấu cháo cho ăn. Vừa bưng bát cháo nóng sốt, bác nói: “Chiến tranh còn dài lắm. Các con còn phải đi nhiều. Cố gắng ăn khỏe còn có sức chiến đấu. Các con có ở được mãi nơi đây đâu, được ngày nào ở với bọn bay là tau thấy vui rồi”. Chúng tôi ai cũng cảm động trước lời nói chất phác, mộc mạc và những gì gia đình bác đã dành cho.
  T
ôi chợt nghĩ đến những người con của bác, không biết các anh có được chăm sóc như chúng tôi không? Nhưng tôi luôn tự hào rằng, mọi người dân nơi đâu cũng coi bộ đội  như con một nhà,  chia sẻ và quan tâm, chăm sóc san sẻ với chúng tôi. Hình ảnh của bọ gợi tôi nhớ đến tình cảm của bà con chòm xóm hôm đưa tiễn tôi lên đường, cứ mộc mạc và giản dị vậy thôi mà ấm áp tình thương biết nhường nào. Ít ngày sau, chúng tôi được bổ sung thêm quần áo, tăng võng, chăn màn, lương khô và đường sữa. Quân trang cũ cùng với giấy tờ, sổ sách, thư từ, tiền đồng Việt Nam dân chủ cộng hòa…được cấp trên cho gửi về nhà. Tôi gửi về tất cả những thứ tổ chức quy định, chỉ giữ lại một thứ duy nhất là lá thư đầu tiên Thoa gửi cho tôi. Tôi xem đó là kỉ vật bất ly thân của cuộc đời mình. Hơn nữa, tôi có thể để trong túi áo để đọc bất cứ lúc nào. Chúng tôi biết mình sắp đi xa, thật xa chứ không còn là anh lính “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam nữa”, trong lòng ai cũng bâng khuâng. Hôm gặp Trự, sau cái bắt tay là Trự phân bua ngay:
 - Cậu biết tin gì chưa? Này quan trọng lắm nhá. - Trự vừa nói vừa bỉu môi vẻ quan trọng.
Tôi vỗ vai Trự:
 -  Tin gì vậy? -Trự đưa tay chém mạnh vào không khí:
 - Thuốc là đâu? Đưa đây tớ điếu rồi sẽ biết tất. Tôi mở bao thuốc lá Trường Sơn mời Trự. Trự rít một hơi và tiếp tục phân bua:
  - Chuyến này đi B dài đấy. Có yêu ai thì yêu đi, kẻo vào đó lại mất cơ hội. Trự lúc nào cũng đùa. Tôi cũng đoán được qua việc cấp phát bổ sung quân tư trang và nhất là việc gửi các vật phẩm về gia đình. Như vậy đi B dài là cái chắc rồi.
   
Trong thời gian ở đây, chúng tôi vừa học tập chính trị vừa huấn luyện quân sự. Tối về lại viết thư cho gia đình. Dạo này tạm ngừng bắn nên đèn đóm cũng thoải mái hơn. Kèm theo những hiện vật gửi về gia đình là những bức thư mới viết của chúng tôi. Ai cũng tranh thủ ghi vài dòng thư cho gia đình, dù ít dù nhiều, có cậu vừa viết thư cho gia đình, cho người yêu mà nước mắt đã ướt nhòe. 
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #21 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:31:12 pm »

Tôi ngồi viết thư gửi gia đình vì biết mọi người cũng rất mong ngóng và chờ đợi thư tôi. Một mình tôi đi lính nhưng ở nhà có biết bao nhiêu người chờ đợi và nhắc đến tôi, mọi người chắc cũng mong thư tôi nhiều lắm.
“Cha và các anh chị, em yêu quý! Con được ra Quảng Bình củng cố mấy ngày rồi lại lên đường vào Nam. Lần này là đi B dài, B dài thật sự, Cha ạ. Thời gian trước đây, con mới đi B ngắn: Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam, chỉ là khởi đầu của mọi khó khăn thôi. Con gửi về cho Cha và các chị, em một số thứ tư trang mà theo qui định không được mang theo. Lần này chúng con sẽ vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên chiến đấu đấy Cha a. Chúng con đang học tập và an dưỡng ở tỉnh Quảng Bình. Chúng con được ở trong nhà dân. Chúng con được các bố, mẹ ở đây rất quan tâm, chăm sóc như con trong gia đình.  Cha và các chị cứ yên tâm, đừng lo lắng cho con nhiều. Cha, chị và các em ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe thật tốt và chú ý phòng không nhé. Anh em chúng con ở trong đơn vị yêu thương và đùm bọc nhau lắm. Có ai ra ngoài đó, chúng con đều tranh thủ nhắn nhủ hỏi thăm, nhất là khi có người từ ngoài đó vào, chúng con đều  hỏi thăm về tình hình ở quê mình. Cha ơi, chiến tranh còn ác liệt và chắc chắn sẽ kéo dài, không như khi còn ở nhà, lúc đó con đã nói với Cha là chỉ đi bộ đội mấy tháng thôi rồi sẽ về tiếp tục học. Con rất nhớ nhà và lo lắng cho Cha, thời tiết thỉnh thoảng hay trái nắng trở trời, Cha ở nhà giữ gìn sức khỏe, đừng buồn và chờ đợi con về, Cha nhé, nhất định con sẽ trở về bên Cha…”.

Viết xong thư, tôi thấy nhớ Cha, nhớ nhà và nhớ tất cả.
Thư tôi viết cho Thoa:
“Em yêu quí ơi. Lâu lắm rồi chẳng nhận được tin em. Hành quân vào đến Quảng Trị là vào choảng nhau với lính Mỹ ngay em a. Cũng thật may, lúc choảng nhau anh vẫn bình an. Cơm nước không đủ, huống hồ bút giấy. Thế mà lúc nào đứng gác, anh vẫn nhìn về quê để nhớ em. Ôi. Sao lại nhớ em đến thế. Hiện nay anh đang củng cố ở Quảng Bình để chuẩn bị đi xa, đi xa hơn nữa em yêu à. Đến bây giờ anh mới biết các chiến sĩ ở ngoài mặt trận phải chịu đựng gian khổ và ác liệt biết nhường nào và sức chịu đựng của các anh không gì sánh nổi. Mọi cái đều không đơn giản như trước đây anh em mình thường nghĩ mỗi khi tranh luận về cuộc chiến đấu. Thực tế đều nằm ngoài sức tưởng tượng của anh và em. Nói thật với em yêu, trong bom đạn các liệt, có lúc anh tỏ ra mềm yếu. Nếu như anh ở nhà thì được gần bên em, em cũng không phải lo lắng cho anh nhiều, chúng mình không phải cách xa nhau như thế này, hơn nữa anh lại được đi học ở nước ngoài... Lúc đầu, anh thất vọng và yếu đuối  nhưng bây giờ thì khác rồi, chính sự hi sinh dũng cảm của đồng đội và tấm lòng của nhân dân tuyến lửa Quảng Bình đã giúp anh vững vàng lên rất nhiều. Tất cả mọi người cùng hứa với nhau, ngoắc tay nhau thề cùng nhau chia sẻ, cùng nhau chịu đựng, đồng đội cũng đã tiếp thêm nghị lực cho anh để sống và chiến đấu. Em ở nhà cứ yên tâm nhé, anh sẽ sống và chiến đấu xứng đáng với tình cảm em đã dành cho anh.
Anh biết dạo này em đang vất vả với đèn sách. Cố gắng lên em yêu nhé và nhớ học cho cả phần anh nữa đấy. Lớp học của anh, của em có gì thay đổi không, em nhớ kể cho anh biết tin với nhé. Em ở nhà giữ gìn sức khỏe, chăm học và giúp đỡ gia đình nhưng đi lại cũng phải cẩn thận nhé, chiến tranh còn kéo dài, chẳng biết ra làm sao, em phải hết sức cẩn thận em yêu nhé.
  Em ơi, sắp tới anh càng xa em hơn và thời gian chúng mình được gặp nhau chắc phải chờ đợi lâu lắm đấy, chắc em buồn và nhớ anh lắm đúng không? Anh cũng vậy, anh rất nhớ em, chỉ mong cho cuộc chiến kết thúc càng sớm càng tốt để anh trở về bên em, để được em chạy ào ra đón anh trong nụ cười vui ấm áp, với đôi mắt đẹp nhìn anh rưng rưng. Anh chỉ biết cầu nguyện những điều tốt lành cho em và cho cả hai chúng ta. Ao ước lớn nhất anh hằng ấp ủ là đất nước sớm chấm dứt chiến tranh, hai miền thống nhất để anh được trở về với em…
”!

Thực lòng, tôi muốn tâm sự với Thoa nhiều điều thầm kín, kể cả nói cho em biết sự hi sinh của người lính ở mặt trận có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi còn giấu em cái linh cảm mình có thể ra đi mãi mãi, không bao giờ trở về quê hương và những người yêu dấu như bao đồng đội khác, nhưng tôi không muốn nỗi buồn ấy dày xéo trái tim em, tôi không muốn em ở nhà phải lo lắng phiền muộn vì tôi. Tôi không muốn em nước mắt ngắn dài chờ đợi về tôi, bởi vậy mà tôi tạo sự lạc quan khi viết thư cho em. Tôi muốn đánh thức ở em niềm tin vào sự trở về của tôi, sự tế nhị của tôi lúc này là thực sự cần thiết đối với cuộc sống của em dù biết rằng điều khủng khiếp ấy có thể xảy ra lắm chứ. Nhưng tôi nghĩ, em là cô gái mới lớn, còn vô tư và trong trẻo biết bao, đừng phủ những đám mây đen lên khoảng trời đầy sắc nắng trong trái tim em. Bởi thế, tôi mới chỉ viết cho em được ngần ấy điều chung chung như vậy.
  
Đây là lá thư đầu tiên tôi viết gửi về gia đình và cho Thoa sau khi rời nơi huấn luyện để vào chiến trường. Đi xa nhà rồi, không biết tôi có còn nhận được thư em nữa không. Một lá thư đến nơi phải qua tay biết bao người. Lá thư là niềm vui và hạnh phúc nhất đối với người lính. Cầm lá thư trên tay, lính chúng tôi còn chụm đầu vào cùng đọc cho nhau nghe. Dường như cậu nào có người yêu là chúng tôi đều biết tỏng, khi đọc thư thường giấu diếm, sợ chúng tôi trêu và lấy mất. Chúng tôi còn biết tên người yêu của các bạn, những câu chuyện kể và nhớ về người yêu mình, anh em lính bồi hồi lắm. Chúng tôi coi nhau như anh em rồi khi có việc gấp gáp còn báo cho gia đình và người yêu biết nữa chứ. Lá thư của Thoa gửi cho tôi mặc dù lúc nào tôi cũng cất trong túi áo ngực để một mình mình đọc nhưng chuyện giữa tôi và em thì cả đơn vị đều biết. Thậm chí, mọi người đều nhớ đến tên em dù chưa một lần gặp mặt. Trong túi áo tôi, tiếc rằng không có bức hình của em để cho mọi người xem. Tôi thao thức bồi hồi khi gấp lá thư của mình cho vào bao ni lông cẩn thận.

Viết thư gửi em, rồi mong ngày, mong đêm cho những lời tâm sự trong lá thư của tôi nhanh đến được với gia đình và với em. Trong những năm tháng chiến tranh, đường sá đi lại trắc trở vô cùng, người hậu phương, người tiền tuyến nhận được thư nhau mừng lắm. Đây là lần đầu tiên tôi xa gia đình, lại là lần đầu tiên xa em, tôi mới thấy hết được giá trị lớn lao của những tin nhà. Tất cả chỉ qua những dòng chữ mà nói lên biết bao điều. Nhận được thư mà như gặp được người, những dòng chữ viết vội vàng trên tờ giấy mỏng chứa đựng bao nhiêu thương nhớ, lo lắng, buồn vui. Những trang thư lúc đó cũng làm cho những người lính chúng tôi phấn chấn hơn hẳn khi xa gia đình, mặc dù biết chặng đường đi đã xa lắm rồi nhưng cứ ngỡ như gần đâu đây. Những lá thư đến được tay người nhận phải vượt qua muôn trùng bom đạn, nắng mưa, băng qua những chặng đường đầy những vết tích chiến tranh, thấm đẫm mồ hôi, vất vả và nhiều khi là máu của những người chiến sĩ quân bưu nữa.
  
Những ngày ở Thái Thủy là thời gian bận rộn của chúng tôi. Ngoài việc chuẩn bị quân trang, quân dụng, học tập chính trị, chúng tôi khẩn trương huấn luyện thêm kĩ thuật bắn máy bay, bắn bộ binh và các chiến thuật đánh vận động, đánh vây lấn. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân đi B dài sắp tới, tôi được phân công vác càng súng đại liên Cô-bi-nốp. Cộng với ba lô, ruột tượng gạo và các thứ lặt vặt khác nặng chừng từ 45 đến 50 cân. Lúc này tôi cũng chỉ cân nặng khoảng 50kg. Tuổi trẻ, sức dài vai rộng nhưng gùi được từng ấy cân để trèo đèo, lội suối vượt qua trăm đỉnh Trường Sơn không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều anh lính cựu binh nói với chúng tôi rằng, có lúc leo núi mệt quá, những thứ gì chưa thực sự cần thiết đều muốn quẳng đi cho nhẹ. Tôi cũng lo thế, nên tranh thủ thời gian rèn luyện thể lực. Tập nhiều nên ăn cũng khỏe mà ngủ cũng ngon. Đêm đêm, sau khi điểm danh xong, đặt lưng xuống phản là ngáy pho pho. Chỗ nào có thể ngủ là chúng tôi tranh thủ chợp mắt cho bõ những ngày ở trận địa.
Thế mà tại sao đêm nay, tôi cứ trằn trọc hoài không sao ngủ được? Tôi lại nghĩ và nhớ đến mọi người ở quê. Trong người bồn chồn lắm. Hết nghĩ đến người thân lại nhớ và nghĩ tới bạn bè và những người hàng xóm. Có lúc cựa mình, tôi lại ngó nhìn những anh bạn quanh tôi, mọi người đều ngủ ngon giấc. Mỗi người một tư thế, chẳng có ai cựa mình không ngủ được như tôi cả, cũng chẳng phải lạ nhà. Mãi tới khi tiếng gà trong thôn lác đác gáy, tôi mới chợp mắt được. Đang chìm trong giấc ngủ thì Cha tôi tới thăm. Chẳng biết Cha đến đây từ lúc nào và bằng cách nào. Cha đang đứng bên cạnh chiếc phản nhìn tôi âu yếm. Cha nhìn tôi lặng im không nói gì, hình như trên mặt người có mấy giọt nước mắt còn đọng lại: “Cha ơi, tại sao Cha lại khóc?”- Tôi hỏi. Cha vẫn lặng im nhìn tôi như ban nãy. Nhìn Cha tội nghiệp quá. Có phải Cha nhớ và lo cho con lắm không? Tôi ôm chặt Cha vào lòng. Cha gầy đi nhiều so với hồi tôi còn ở nhà. Tôi thấy rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt Cha. Có phải vì lo lắng cho tôi mà Cha gầy yếu đi và thêm nhiều nếp nhăn như vậy không? Cha không phải lo lắng cho con nhiều đâu, ở nơi đây chúng con đều yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau nên cũng đỡ nhớ nhà, anh em chúng con cũng thường động viên nhau và nghĩ ra nhiều trò để xua tan những nỗi nhớ trong tâm khảm mọi người, để mọi người lạc quan trong mỗi trận chiến.… Cha mặc áo nâu chàm đã sờn nhẵn và bạc đi vì nắng gió. Chiếc áo Cha mặc rất lâu rồi. Tôi lại nhớ đến mùi mồ hôi chát mặn của Cha mà lúc ở nhà tôi đã hít hà mùi đó. Tôi định lấy tấm chăn bộ đội màu cỏ úa khoác vào cho Cha thì ông xua tay ra hiệu không cần. Cha chỉ lẳng lặng nhìn tôi một cách thương yêu, cái nhìn của Cha với tôi thật bao la, ấm áp. Nhưng Cha chẳng nói gì. Lạ quá, Cha ơi, tại sao đến thăm con mà Cha không nói với con một câu nào? Hay là con đã làm điều gì đó sai trái khiến Cha phật lòng? Tôi định hỏi Cha câu ấy, kì lạ thay, hình bóng Cha tôi mờ dần, mờ dần rồi khuất hẳn…
 
Tôi giật mình choàng tỉnh, mới biết là mình mơ. Nhìn lại cái phản tôi đang nằm, chỉ có tôi và mấy anh bạn, ngoài trời vẫn nhá nhem chưa thể nhìn rõ bóng người, tôi căng mắt nhìn xem có Cha ở ngoài đó thật không, nhưng biết đúng là mình đang mơ thật rồi, Cha làm sao lại hiện hữu trước mặt tôi lúc này được. Tôi đang ở xa nhà lắm mà.
  
Trong cuộc đời mình, có biết bao giấc mơ lành giữ nhưng chỉ có giấc mơ này là ám ảnh tôi mãi. Tôi tỉnh dậy mà trong lòng day dứt, nhớ Cha vô cùng. Giấc mơ đêm ấy cứ làm tôi lo lắng một điều gì đó về Cha đến khó tả. Tôi không bao giờ quên được giấc mơ đêm ấy cũng như trong tâm can mình luôn mang hình bóng người Cha  kính yêu. Tôi nghĩ về Cha nhiều hơn. Không biết ở nhà có chuyện gì không? Hay là có chuyện gì xảy ra mà gia đình giấu không cho tôi biết vì sợ tôi suy nghĩ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi ở nơi này, biết hỏi ai bây giờ, con đường xa nghìn trùng. Tôi thấy hoang mang, đứng ngồi không yên, trong người cứ bồn chồn. Người ta bảo “sinh dữ, tử lành” nhưng tôi vẫn cứ bị ám ảnh. Tôi đem chuyện kể cho Trự, Dung, Xuân và Ngọ cùng nghe, ai cũng bảo vì tôi nhớ nhà, thương Cha quá nên mê mẩn ra thế.
 
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #22 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:31:21 pm »

Mấy hôm sau, tôi nhận được thư Thoa. Cầm lá thư của em trên tay, tôi ngỡ như mình đang mơ. Tôi hồi hộp trong lòng và nhanh chóng bóc thư đọc. Lâu lắm rồi tôi mới nhận được thư em, mà chiếc phong bì thư dày dặn thế này chắc là em tâm sự với tôi nhiều lắm. Có phải ở nhà rất nhiều chuyện mà em muốn kể cho tôi nghe hết thảy không? Có phải vì tôi chuẩn bị vào chiến trường xa hơn nên em viết thật nhiều hơn? Có lẽ em nhận được thư tôi rồi vội vàng hồi âm vì sợ tôi chờ đợi? Thoa ơi, thế là đường dây liên hệ giữa anh và em bấy lâu nay được nối lại rồi. Em có biết là anh mong ngóng thư em từng ngày một không? Anh sốt ruột và mong tin em vô cùng. Trong thư em nói với anh gì đây? Chắc có rất nhiều chuyện mà em sẽ kể cho anh nghe, từ việc tình cảm chúng mình, việc học của lớp, rồi việc gia đình...Cầu trời, đừng có chuyện gì buồn cả, tôi hồi hộp bóc thư ra. Những dòng chữ quen thuộc của em hiện ra trước mắt tôi:
  “Anh thương yêu của em! Em đang học bài thì nhận được thư anh. Em vội vàng chạy ra nhận thư, em biết chỉ có thư của anh gửi cho em mà thôi. Ôi chẳng có gì vui hơn đối với em lúc này là được đọc thư anh. Anh có biết là em mong ngóng và chờ đợi thư anh rất lâu rồi không? Anh ơi, em đã viết cho anh rất nhiều thư, tuần nào em cũng viết và đều gửi cùng địa chỉ cũ của anh, chẳng biết anh có nhận được thư của em không mà không thấy trả lời em.  Những lúc không nhận được thư anh, em cứ lo lắng nghĩ về điều gì đó đã xảy ra với anh. Hôm nay, em vui lắm.”
 Đọc đến đây tôi thấy hối hận với em. Thôi chết rồi. Địa chỉ cũ vẫn là nơi huấn luyện ở Nghĩa Đàn. Từ khi vào đây, theo các anh vào trước, nếu có địa chỉ cũng không nhận thư được. Do vậy mình có cho em địa chỉ đâu. Mình thật có lỗi với em. Tôi tiếp tục đọc thư em: “Thư nào em cũng kể cho anh nghe mọi việc ở nhà, chuyện gia đình anh, gia đình em và cả lớp học nữa, mọi người đều lo lắng và nhờ em viết thư hỏi thăm anh nữa đấy. Rồi cả thầy giáo cũng hỏi thăm anh đều đặn, thầy rất nhớ anh. Nhất là những lúc tranh thủ sang thăm nhà anh. Bác trai dạo này cũng hay ho húng hắng, nhưng khi nói chuyện về anh thì bác nói rất say sưa. Nào là anh rất sát cá. Đi kéo vó hoặc thả lưới lúc nào cũng được nhiều. Còn chị gái anh thì hễ nhắc đến anh là  khóc. Chị thương anh lắm. Chị bảo, mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ mà anh rất ngoan, chăm học, chăm làm, gặp ai cũng chào hỏi, lễ phép. Còn các em của anh thật đáng yêu. Mỗi khi em sang là chúng nó cứ nhảy lên đòi em bế cứ như em là người nhà của anh vậy. Nhưng có lẽ khi thư em đến nơi thì anh lại hành quân chuyển đơn vị nên anh không nhận được thư em rồi. Tiếc quá! Nhưng em không nản lòng viết thư cho anh đâu. Em vẫn kiên trì viết và quyết tâm viết đến lúc nào em nhận được thư anh thì  em mới thực sự yên lòng. Có hôm sốt ruột quá, em sang nhà anh chơi hỏi thăm chị anh xem có nhận được tin tức gì của anh không, nhưng chị anh bảo không thấy anh gửi thư như trước nữa. Chị thấy em lo lắng nên động viên em đừng lo nghĩ quá, anh còn bận hành quân và chiến đấu. Rồi chị còn kể dạo này trong xã có báo tử liên tục. Nhưng số thằng Biểu nó cao nên cũng đỡ lo. Em biết chị anh nói vậy để em đỡ buồn thôi, chứ nhìn vào đôi mắt rưng rưng lệ ấy thấy chị rất lo cho anh..
   Anh yêu ơi. Nam Đàn mình dạo này máy bay bắn phá ác liệt lắm anh ạ. Trường cấp 3 của chúng mình đã phải sơ tán lên Nghĩa Đàn học. Em phải đi học xa và vất vả hơn nhưng em sẽ cố gắng, em sẽ học, mai này còn trở thành cô giáo nữa anh nhỉ? Anh vào chiến trường còn vất vả nhiều hơn thế đúng không? Mặc dù ở rất xa nhau nhưng mình cùng nhau phấn đấu anh nhé. Càng xa anh, em càng phải phấn đấu hơn nhiều. Anh là tấm gương để em học tập noi theo. Nơi chúng em học cũng rất gần nơi anh huấn luyện nhưng thật buồn là khi chúng em lên Nghĩa Đàn thì cũng là lúc anh hành quân đi B rồi. Nhiều hôm em đi học mà mắt cứ hướng về nơi bộ đội đang huấn luyện, với hy vọng mong manh được nhìn thấy hình bóng anh. Nhưng nhìn mãi, nhìn hoài mà chẳng thấy anh đâu cả. Vì nhớ anh quá mới có ước mong vậy mà thôi. Chứ em biết lúc này anh đã ở một nơi xa tít tắp mà em không thể đếm thêm từng cây số được. Đêm đêm, em nằm ngủ mà em vẫn cứ hướng về phía chân trời phía nam mờ xa, cầu nguyện cho anh vượt qua nỗi khó khăn, ác liệt đang từng ngày, từng giờ canh cánh bên anh. Nghĩ đến đây, em rùng mình và thương cho anh quá. Khi nghe anh kể về nỗi vất vả, những gian khó của người lính em đã bật khóc và mong cho chiến tranh chóng kết thúc để anh sớm về với em, để cho muôn nhà đoàn tụ. Bây giờ có ai hỏi em, điều ước gì lớn nhất? Chắc chắn em sẽ trả lời không chút ngần ngại là anh được về bên em. Anh biết không, trong lớp ta cùng đi bộ đội với anh đã có gia đình nhận được giấy báo tử của Anh Việt, anh Nam và anh Lệ rồi. Anh phải hết sức cẩn thận đấy anh nhé. Mỗi một lần nghe tin báo tử, em lại lạnh người, con tim nhói đau. Bà con làng xóm quê mình ai cũng buồn thương cho những người con trai, vừa mới ra chiến trường được thời gian đã hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Trong những lúc đó, em bàng hoàng lo nghĩ, có nhiều đêm em không sao chợp mắt nổi, rồi có lúc em khóc vì chợt nghĩ một ngày nào đó, anh phải hy sinh, cuộc sống của em không có anh thì em sống bằng cách nào. Có hôm về thăm mẹ, em có kể nhiều về anh. Mẹ phải động viên em rất nhiều và không cho em nghĩ nhiều đến điều rủi ro ấy nữa. Mẹ bảo em biết thương và lo cho anh là tốt nhưng không được nghĩ nhiều, phải để cho anh yên tâm chiến đấu. Nghe lời mẹ, em gạt nước mắt mà lòng không hết nỗi nhớ anh. Anh ơi, em định không báo tin buồn cho anh nhưng…

 
Trời ơi. Sao lại thế này, tôi như không tin vào mắt mình nữa. Mắt tôi bổng nhạt nhòa. Tôi cố đọc nhanh: “... nhưng nếu không báo thì không được, mà khi nghe em báo tin thì anh nên giữ bình tĩnh nhé. Em biết anh là con người có nghị lực mà. Cha anh bị bom mất lúc 1 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 1968. Em viết thư báo tin cho anh mấy lá rồi mà không thấy anh trả lời…
 
Tim tôi bổng nhói lên đau đớn. Mình có đọc nhầm không? Chuyện Cha anh đã xảy ra rồi, không còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mất đi người Cha yêu dấu của mình, anh rất yêu thương Cha, Mẹ mà Mẹ lại mất từ khi anh còn nhỏ nên em rất thương anh, anh buồn nhưng cố gắng vượt qua anh nhé. Anh nhớ nghe em, anh nhé, em rất lo anh sa sút sức khỏe, ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần chiến đấu”!.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #23 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:32:52 pm »

Đọc đến đây tôi nghe như có tiếng sét đánh ngang tai, cơ thể mất hết cảm giác. Một tiếng kêu “Cha ơi” bật lên ai oán, nước mắt tôi dàn dụa. Tôi nằm vật xuống phản, khóc nức nở không cần giữ ý giữ tứ gì nữa cả. “Cha ơi, sao Cha lại bỏ con ra đi, con vẫn chưa về thăm Cha được cơ mà, Cha có tội tình gì mà máy bay Mỹ giết Cha. Bây giờ còn có ai bên con, Mẹ đã mất rồi, Cha lại ra đi…chị em chúng con yêu quý Cha nhiều thì lại càng đau xót bấy nhiêu khi cha không ở lại với chị em con. Cuộc đời chúng con còn nhiều khó khăn lắm, chị em chúng con biết trông cậy vào ai?...
   
Nghe tôi khóc, tất cả anh em trong tiểu đội chạy ùa đến bên tôi, cầm thư của Thoa đọc. Anh em ôm lấy tôi, gục đầu thương xót. Tất cả mọi người đều buồn và không cầm được được nước mắt. Anh Hoàng ngồi cạnh làm chỗ dựa cho tôi. Anh cũng khóc nức nở. Tôi chẳng còn biết trời đất xung quanh ra sao nữa, nước mắt dàn dụa chảy. Tôi nghe tiếng Trự, Ngọ, Xuân, Loan và Dung bên cạnh. Tôi cũng chẳng mở mắt, cứ nhắm tịt mà khóc. Có ai đó sụt sùi và lau nước mặt cho tôi. Tôi mở mắt ra mới biết là Dung. Còn Trự đang quạt mát cho tôi. Ai cũng xót xa và tìm lời an ủi, chia sẻ động viên tôi. Có người đọc thư xong, nước mắt cứ tràn ra, giống như tôi vậy. Cả người tôi tê dại, cảm giác cô đơn hơn bao giờ hết, tôi như đứa trẻ bơ vơ, không còn ai để nương tựa trước dòng đời. Cha đã mất rồi mà tôi vẫn ở đây, hôm nay tôi mới biết tin. Cha đã đi được bao nhiêu ngày rồi mà con không hề biết. Cách đây mấy hôm, con nằm ngủ mơ thấy Cha về. Linh hồn Cha hiện về báo điềm cho con mà con không hề biết. Cha nhìn con âu yếm rồi lặng lẽ ra đi. Cha ơi, có phải Cha đi khi chúng con đang quần nhau với giặc? Cha ơi, lúc con đi chiến trường Cha luôn luôn lo lắng cho con, thế mà con ở chiến trường không sao, Cha ở hậu phương lại bị chúng giết chết. Con mong chiến tranh nhanh chóng kết thúc, được trở về bên Cha và gia đình yêu dấu của mình, điều ấy vẫn chưa thành thì Cha đã bỏ con đi. Mẹ con đã đi xa rồi, sao Cha không ở lại với chị em con?
 
Tôi muốn gào lên thật to cho trời đất thấu tỏ nỗi đau thương bất ngờ này, nhưng cổ cứ nghẹn lại. Trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ khóc với nỗi đau như thế. Tôi đã mồ côi Mẹ khi còn nhỏ, nay lại mất Cha. Thằng Mỹ thật độc ác. Nó từ đâu đến, mang bom đạn dội xuống làng tôi và giết hại nhiều người dân lương thiện như Cha tôi. Cha tôi có làm nên tội tình gì đâu mà khổ như thế này?
 
Cha tôi, một người nông dân bình thường, suốt cuộc đời gắn bó với đất đai đồng ruộng để làm ra hạt lúa, củ khoai, nuôi con cái lớn khôn. Đời Cha tôi đã chịu đựng biết bao vất vả, rủi ro, cay đắng và nhọc nhằn. Mẹ tôi mất sớm, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai Cha tôi. Không nói ra chắc ai cũng thấu hiểu cảnh gà trống nuôi con, cực nhọc, cô quạnh, chật vật như thế nào. Khi tôi lên sáu tuổi, Cha tôi đi thêm bước nữa. Mẹ kế của tôi là một người đôn hậu, hiền lành, tốt bụng, cảm thông với hoàn cảnh của Cha tôi. Mẹ thương chị em tôi như đã từng chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Mẹ cùng với Cha chịu khó làm lụng chắt chiu từng lon gạo, đồng tiền nuôi con ăn học từ lớp một đến gần hết lớp mười cho tới khi tôi đi bộ đội. Bởi thế nên dân làng Ngũ Phúc ai cũng bảo hiếm có người mẹ kế nào tốt như dì tôi. Chị em tôi cũng yêu quí dì hơn. Nhưng trời lại bắt Cha tôi phải chịu thêm một tai họa nữa: mẹ kế tôi sau khi sinh đứa con đầu tiên (em của tôi) thì bị mắc phải bệnh điên. Bệnh của dì ngày một nặng, hãi hùng hơn là dùng gậy, dao đánh người, không phân biệt thân sơ. Cha tôi lại thêm một nỗi buồn về gia đình mà không thể bỏ mặc mọi thứ. Thời gian Cha lo cho gia đình nhiều hơn, nhất là khi em tôi còn nhỏ, tôi cũng chẳng giúp được việc gì cho Cha vì ngày đó tôi còn bé. Tôi nhìn thấy nỗi buồn hiện lên trên khuôn mặt Cha hàng ngày, nhất là khi Cha tôi chăm chút cho mẹ, cho chị em chúng tôi. Cha giấu nỗi buồn không cho chị em tôi nhìn thấy. Tôi thương Cha lắm mà không biết làm gì hơn. Một người sinh ra như Cha tôi dường như chỉ sống mãi với nỗi khổ và sự cô đơn, chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Mỗi lần mẹ kế tôi lên cơn điên thường kéo dài hai tuần. Hai tuần ấy là thời gian khốn khổ, vất vả của Cha và của cả chị em tôi. Nghĩ lại mà thương Cha quá. Mỗi lần dì lâm bệnh là Cha gầy rộc người, mắt mũi trũng sâu, nếp nhăn ngày càng dày trên khuôn mặt. Mỗi năm, mẹ kế tôi lên cơn đau từ ba đến bốn lần như thế. Có ai muốn sự tình đó xảy ra với gia đình tôi đâu, mỗi lần nhìn những lúc dì lên cơn mà tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Lúc đầu tôi thấy lo sợ nhiều, nhưng về sau tôi hiểu được bệnh tình của dì, tôi thương dì lắm. Dẫu rằng tình thương đó tôi có nói, dì cũng không thể biết và hiểu được. Thương Cha, thương dì mà suốt cuộc đời tôi chưa làm được gì cho họ. Tất cả chỉ là trong suy nghĩ. Rồi còn bao nhiêu những dự định nữa, tôi vẫn chỉ là thằng con trai kém cỏi như thế này…
 
Nay Cha tôi đã mất, còn lại dì cô đơn với căn bệnh quái ác, chị tôi chăm dì cũng không thể bằng sự ân cần mà Cha tôi dành cho dì. Mỗi lần dì lên cơn, ai sẽ trông giữ dì. Dì cũng buồn lắm đúng không? Nỗi buồn chắc cũng không cất lên thành lời, chỉ có bong dáng Cha là dì mãi mãi không còn nhìn thấy trong ngôi nhà. Một cảm giác trống trải, bơ vơ vô cùng bủa vây tôi. Nhà tôi hoàn cảnh đã khó khăn, nay lại càng khó khăn chồng chất. Tất cả sẽ dồn xuống vai chị tôi, cái gánh nặng gia đình đang ngày càng trĩu xuống. Càng nghĩ, tôi càng lo lắng cho chị  muôn phần. Suốt cuộc đời con gái mà chị chẳng được vui sướng một ngày. Suốt ngày theo Cha, theo Mẹ còng lưng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Giọt nước mắt thương chị chảy dài trên gò má tôi. Tôi cũng tự trách mình chẳng làm được điều gì giúp cho chị đỡ khổ. Rồi có lúc lo lắng quá, tôi lại nghĩ đến cuộc đời hiu quạnh của chị khi tôi không còn trở về gặp lại chị, khi ấy chị là người vất vả và khổ hạnh nhất. Còn tôi, dù rằng chẳng giúp gì được cho chị nhưng sự hiện diện của tôi có lẽ vẫn làm cho cuộc đời chị vơi bớt quạnh hiu. Chị là trụ cột nuôi cả gia đình tôi lúc này. Ngày qua ngày, công việc chẳng khi nào để làm chị an nhàn thảnh thơi.
 
Từ cảnh ngộ gia đình, tôi chợt nhận ra một điều thử thách lớn nhất của những người lính như tôi phải chịu đựng, phải vượt qua đâu chỉ có bom đạn tàn bạo của kẻ thù nơi mặt trận mà là nỗi khó khăn mất mát to lớn của hậu phương, của gia đình mình. Những ngày đầu nhận được tin dữ về Cha, hầu như tôi không làm gì được cả, mọi việc đều do Dung, Loan, Trự, Ngọ, mấy thằng bạn nối khố cùng học cấp ba, cùng đi bộ đội một đợt lo liệu. Anh em trong tiểu đội thì cho tôi nghỉ tập. Mấy ngày nay, với hoàn cảnh éo le nên mọi người động viên tôi. Tuy vậy, tôi thực sự bị suy sụp về tinh thần, hình ảnh người Cha hiền lành bị bom giặc giết chết, căn bệnh điên của mẹ kế và gánh nặng gia đình đặt lên vai chị, tôi luôn bị ám ảnh bởi hoàn cảnh quá bi đát. Nhiều lần tôi tự hỏi: Tại sao gia đình và tôi lại phải chịu nhiều sự rủi ro đến thế này? Và chị tôi sinh ra sao phải chịu nhiều thiệt thòi và vất vả về gia đình đến vậy? Có lúc trong sự buồn tủi, chán chường tôi thầm nghĩ: không biết mình có chịu đựng nổi những đau khổ này và đủ sức hành quân vượt Trường Sơn cùng đơn vị vào chiến trường xa không? Nỗi đau đó cả đời tôi cũng không vợi hết. Tôi muốn trở về gia đình để thắp cho Cha nén hương, để san sẻ, giúp chị tôi gánh vác công việc gia đình. Lúc này chị rất cần tôi bên cạnh, một mình chị, chân yếu tay mềm.
 
Nhìn chiếc ba lô con cóc căng phồng, chiếc càng đại liên Cô-bi-nốp nặng trịch, tôi càng cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Kiểu này thì không thể theo kịp chúng bạn hành quân vượt núi cao, vực sâu được. Làm gì cũng thấy buồn chán khi nghĩ rằng mình trở về nhà không còn Cha. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu ước ao về với Cha sau chiến tranh thế là tan theo mây khói. Với tâm trạng buồn đau nặng nề, u uất, tôi quyết tâm về thăm gia đình chịu tang Cha cho trọn hiếu làm con. Đã mấy lần tôi lên xin phép chỉ huy về quê thắp hương cho Cha nhưng đều bị từ chối. Lý do thật đơn giản là ngày lên đường đi chiến trường đã quá gần nên đơn vị không thể giải quyết được. Tôi càng buồn hơn. Một bên là sự đáp hiếu với Cha, một bên là nhiệm vụ cần kíp của người lính. Và tất nhiên, nhiệm vụ của người lính phải đặt lên hàng đầu. Tôi tính, nếu đơn vị không cho về thì mình liều về vài ngày vậy. Tôi hỏi thăm đường đi thì được biết, từ khi ngừng bắn đến nay, đường về Nghệ An cũng không khó khăn lắm. Đi ô tô một ngày là về đến Vinh. Tôi cũng chỉ cần về thắp hương cho Cha một nén là quay lại đơn vị ngay mà. Vị chi cũng chỉ mất 2 đến 3 ngày là cùng. Đồng chí  Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng thì đồng ý cho tôi về nhưng Ban chỉ huy Trung đội và Đại đội không cho phép. Tôi định đánh liều,  dẫu có bị kỷ luật cũng mặc. Như đoán được suy nghĩ của tôi, một buổi tối, tôi được đồng chí Chính trị viên Đại đội Nguyễn Hữu Thu gọi lên. Khi tôi có mặt và chào các thủ trưởng, đồng chí Chính trị viên kéo ghế mời tôi ngồi. Đồng chí Thu nhìn tôi nói:
- Chúng tôi biết mấy hôm nay đồng chí rất buồn vì người Cha đã mất do bom đạn Mỹ. Bố mất ai mà chẳng buồn. Chi ủy và Ban chỉ huy Đại đội xin chia sẻ đau thương và mong đồng chí cố gắng vượt qua thử thách này để hoàn thành nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Chúng ta cũng không vì mất mát mà sinh tiêu cực, bi quan, chán nản, vi phạm kỷ luật người quân nhân cách mạng, ảnh hưởng đến công tác học tập và chiến đấu. Nghe đến đây tôi thấy như bị xúc phạm. Nhưng chắc Chỉ huy biết tôi sẽ đào ngũ vài ngày về quê. Không hiểu ai lại lấy chuyện làm quà và đặt điều. Chết rồi. Bây giờ tôi mới sực nhớ. Thảo nào, mấy hôm nay tôi được ở nhà mà tiểu đội đều cử người ở nhà cùng mình. Chắc họ lại sợ mình chuồn rồi. Thế là mình đã bị bị theo dõi. Kiểu này có mà trốn đằng giời. Tôi nhìn vị Chính trị viên Đại đội nói:
  - Báo cáo thủ trưởng. Tôi tự xác định được ạ. Tôi chỉ buồn một tẻo thôi. Ngày mai tôi ra thao trường tập. Tôi quyết tâm biến đau thương thành hành động, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ạ!
 - Tốt. Đồng chí rất tốt. Quân nhân cách mạng thế chứ. Chúc đồng chí khỏe và huấn luyện tốt nhé. Tôi đứng chào Thủ trưởng và xin phép ra về.

Thế là chẳng còn cách nào khác, tôi phải ở lại đơn vị, ngậm nỗi buồn đau đớn khôn nguôi. Tôi biết rằng ở nhà, mọi người sợ tôi buồn nên đã không cho tôi biết, hoặc có thể chị và các em tôi đã thư báo cho tôi nhưng tôi không nhận được, giống như thư Thoa vậy.
 
Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua. Nỗi buồn cứ lắng sâu vào trong lòng. Nhiều lúc nước mắt cứ ngậm chảy vào trong, tôi không dám khóc trước mặt mọi người. Có như vậy vào chiến trường mới dám làm tất cả. Giờ nghĩ lại, tôi càng biết ơn vô cùng tấm lòng đồng đội, bạn bè. Nếu như không có những lời động viên an ủi chí tình và sự chăm sóc giúp đỡ của đồng đội, bạn bè thì chắc tôi đã “B quay”. Lúc đó, tinh thần và ý chí lung lay lắm, không còn nghĩ được những điều lâu dài, tình cảm gia đình và nỗi đau đớn đó đẩy tôi đứng trên bờ vực thẳm, chẳng còn nghĩ được điều gì tốt hơn cho mình. Và như thế, tôi chẳng bao giờ được là tôi bây giờ nữa, tôi đã trở thành một kẻ đào ngũ, một tên vô trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình. May thay, tôi đã chiến thắng được sự hèn yếu của mình để không làm tổn hại tới danh dự của gia đình và bản thân, không phụ lòng tin cậy của Cha tôi và những người thân yêu nhất, trong đó có Thoa.
 
Đó chính là ngọn núi hiểm trở, cheo leo đầu tiên tôi vượt qua trên chặng đường hành quân vào chiến trường xa xôi. Ngọn núi này không có tên trên bản đồ đất nước nhưng đó là ngọn núi cao nhất, nhiều thử thách nhất đối với tôi. Một ngọn núi không có vách cao, vực thẳm, không có nắng khét, mưa dầm, không có sên vắt, muỗi mòng, thú dữ, không có bom rơi, đạn nổ… nhưng đó là ngọn sơn thạch khó vượt nhất đối với tôi lúc bấy giờ. Vượt qua nó có nghĩa là tôi phải vượt qua mình để được lớn hơn thân phận bé nhỏ của con người, để được chan hòa trong cái chung là dân tộc. Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #24 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:34:43 pm »

Mấy hôm nay đơn vị tập mang vác nặng, leo lên mấy ngọn núi, đưa ra các tình hưống có máy bay đánh phá đội hình lúc hành quân, hoặc đang hành quân thì gặp thám báo mai phục, đang hành quân thì có đồng đội bị sốt không đi được…Nghĩa là tập dượt các tình hưống khi hành quân đường dài.
 
Lại nói về bác Hồng chủ nhà. Bác Hồng có  cô con gái tên là Thái, đang học lớp 9. Thái có nước da trắng hồng và hát rất hay. Các buổi liên hoan văn nghệ, kết nghĩa giữa chi đoàn thanh niên địa phương và bộ đội, thế nào Thái cũng biểu diễn. Tôi hay tranh thủ giải toán cho Thái. Hình nhu Thái cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi. Có hôm, sau khi giúp Thái giải bài toán hình quỹ tích, Thái nhìn tôi hỏi:
- Nghe nói anh được về thăm nhà để thắp hương cho cụ ông à?
Tôi lắc đầu:
- Lúc đầu anh tưởng hy vọng được về. Bây giờ không được em ạ. Thôi, đành chịu vậy. Tôi nhìn ra bầu trời đêm đầy sao, cố giấu đi ánh mắt rưng rưng. Đột nhiên Thái nói:
- Mai thứ 7, ta đi chới cho vui đi anh. Em có mấy cô bạn hay lắm. Tôi nghĩ chắc Thái thấy tôi buồn nên nói vậy cho vui. Không ngờ Thái rủ tôi đi chơi là có thật. Nhưng tối mai tôi lại đến phiên gác, nên khất Thái hôm sau:
- Tối mai anh trực, đến phiên gác nên không đi được. Hẹn tuần sau vậy.

Mọi người trong tiểu đội cứ nói như đùa
- Cái Thái có vẻ mê tay Biểu đấy. Đêm nào cũng cặp kè giải toán. Không hiểu có tranh thủ được cái gì không? Thực ra lúc này vì quá đau xót khi nghe tin Cha mất, lại quá yêu Thoa nên tôi cũng không bận tâm đến điều mà anh em trong đơn vị suy diễn.

Tôi còn nhớ sau gần một tuần, kể từ khi nhận được thư Thoa báo tin Cha tôi mất, đơn vị báo động hành quân. Tôi tranh thủ viết thư gửi chị tôi và Thoa. Trong thư tôi không giấu diếm tâm trạng của mình nhưng sau những lời an ủi động viên gia đình và Thoa, tôi hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần nhỏ bé trong việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để sớm trở về quê hương. Tôi cũng không muốn cho em biết rằng tôi rất buồn đau và khổ hạnh vì trong thư em đã dặn và tin tưởng tôi: “Anh phải giữ bình tĩnh nhé. Em biết anh là con người có nghị lực mà”. Viết ra được những dòng thư ấy, cơ hồ tâm trạng tôi cũng được nhẹ nhõm hơn.
 
Ngày 19 tháng 12 năm 1968. Trung đoàn tôi làm lễ xuất quân. Bà con Thái Thủy ra tiễn đưa thật đông vui. Trong đó có cả em Thái. Đôi mắt em như thầm trách tôi chưa đi chơi với em được dù chỉ là một lần. Tạm biệt Thái Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, đoàn quân theo hướng Nam mà tiến. Lịch sử trung đoàn 28 có ghi chép lại ngày ấy: “Đoàn quân nặng trĩu súng đạn, quân trang lương thực, trên vai cắm đầy lá ngụy trang, trập trùng mải miết tiến về phía Nam. Bộ đội lần lượt vượt qua những dốc núi cao vút của dãy U Bơ, Ba Rền, băng qua dốc Cổng trời, Nguyễn Chí Thanh rồi tiến về dãy núi trùng điệp, những rừng cây đại ngàn hướng vào Tây Nguyên”
   
Cuộc hành quân đi B dài của trung đoàn 28 chỉ có mấy dòng sơ lược thế thôi, nhưng với chúng tôi đó là những ngày thấm đẫm mồ hôi và máu. Khó có thể kể hết được những cam go, ác liệt mà những người lính khoác áo trận như chúng tôi phải chịu đựng trên con đường Nam tiến vào những tháng ngày này. Lúc đầu chuẩn bị đi, lính hăm hở lên đường lắm, con đường càng xa xôi, lại càng hiểm trở, ai cũng mệt nhưng không ai ngã lòng. Chỉ thương những đồng đội bị ốm và sốt trên chặng đường hành quân, mặt mũi nóng bừng, những cơn sốt cứ rấy lên trong cơ thể.
   
Lần đầu tiên tôi đặt chân lên làng Ho, nơi được coi là điểm xuất phát của con đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường xuyên dọc trùng điệp núi rừng được mang nhiều tên gọi: đường Trường Sơn, đường 559, đường Hồ Chí Minh. Tên gọi nào cũng mang ý nghĩa lịch sử cao đẹp và hùng tráng. Gọi là đường Trường Sơn vì đây là tuyến đường được bộ đội và thanh niên xung phong mở trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Gọi là đường 559 vì đây đúng là ngày sinh của Bác. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Thường trực Tổng quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn. Và vì ngày khai sinh của con đường là ngày sinh của Bác, hơn thế nữa, đây là con đường giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vạch ra.
   
Từ buổi đầu mới thành lập, chỉ lấy gùi thồ làm chính, len lỏi vận chuyển trên những lối mòn nhỏ hẹp ẩn giữa những cánh rừng già và chỉ hoạt động theo mùa, theo từng chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, lòng quả cảm, trí thông minh xây dựng nên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại. Con đường huyền thoại, nối liền hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, nối chiến trường gần với chiến trường xa bằng một mạng đường bộ, đường ống, đường sông dài hàng nghìn cây số và hoạt động quanh năm…
   
Đường hành quân luồn dưới những cánh rừng già âm u nghìn tuổi. Những khu rừng nguyên sinh ba tầng cây lá rậm rịt, dây dợ chằng chịt, có nơi ánh mặt trời không xuyên qua nổi. Ngày trước khi ở nhà, mỗi lần nhìn lên núi Đại Huệ, tôi đã có lần nghĩ và tự hỏi, không biết bao giờ đôi chân mình sẽ đặt lên đến lưng đỉnh núi đó. Rồi khi được đi  mọi nơi, trèo đèo lội suối, tôi thấy nó không còn là bí hiểm nữa, chỉ sợ mình thiếu kiên trì và dũng cảm mà thôi. Tôi nghĩ đến cảnh bom đạn giặc ném xuống con đường và khu rừng này, thật tiếc thương cho đại ngàn của Việt Nam. Chúng tàn phá đi tất cả vẻ đẹp giàu có của quê hương. Đoàn quân lặng lẽ hành tiến, lúc thì vượt đèo dốc cao vút, cheo leo, khi thì tụt xuống vực sâu thăm thẳm. Nhìn từ trên xuống thấy heo hút, nhìn từ dưới lên thấy dốc dựng đứng ngang trời, có cảm giác như bàn chân chơi vơi. Ấy vậy mà chúng tôi vượt qua hết. Thậm chí không phải chỉ có một hai dãy núi mà nhiều, nhiều lắm. Chẳng ai đếm được những bước chân mà mình đã vượt qua bao núi bao sông. Nhìn lại chặng đường  mới thấy dài và gian khó. Đi được 10 ngày thì bàn chân tê mỏi và căng phồng, rộp lên. Người nào cũng mỏi mệt và đau nhức toàn thân nhưng ý chí thì không nản. Biết bao nhiêu kỉ niệm và những câu chuyện trong mỗi đợt hành quân.
 
Đường hành quân dài hun hút, đi dưới rừng xanh. Vai đeo ba lô nặng trĩu. Một tay chống gậy, một tay cố giữ càng đại liên cho thăng bằng, bền bỉ bám theo đồng đội. Đường càng dài, càng nặng. Núi càng cao càng mệt. May sao do được luyện tập khá cẩn thận ở ngoài Bắc nên tôi cũng dần chịu đựng được, không bị tụt lại đằng sau. Đoàn quân mải miết, ngày đi đêm nghỉ, cứ lầm lũi tiến về phía nam. Khoảng 5 giờ sáng thì xuất phát. 3 giờ chiều thì đến trạm giao liên. Khi đến trạm là thấm mệt, mắc võng ngủ ngay. Đến chiều cùng anh nuôi lo bữa tối.
 
Ngày ấy, bộ đội thường dùng bếp Hoàng Cầm. Nói đến bếp Hoàng Cầm thường chỉ có cánh lính chúng tôi mới biết được, vì chỉ có trong thời buổi chiến tranh. Hoàng Cầm là tên một anh nuôi trong trận đánh ở Điện Biên Phủ, được phân công nhiệm vụ nuôi quân và đã sáng chế ra một loại bếp khi nấu không để lại khói, địch không phát hiện được mà lính ta vẫn có cơm để ăn. Anh đem đào đất sâu xuống lòng đất và làm những ống dẫn khói đi các ngả, lúc đó có đun củi cũng không lo khói tụ vào một nơi và bốc lên cao nữa. Những đường ống dẫn khói tản ra khiến cho địch không phát hiện được nơi trú ngụ của ta. Cách thức nấu bếp ấy cũng được truyền vào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng cái khổ nhất của chúng tôi trong cuộc hành quân đêm ngày có lẽ là khát nước. Lầm lũi hành quân, lưng ai cũng ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ bừng, cổ họng khô khát. Đoạn đường hành quân thì dài vô tận, chúng tôi phải uống dè xẻn từng ngụm nước trong bình tông. Mỗi người một bình tông đeo bên người, chiếc bình tông lăn lộn nơi chiến trường và chẳng bao giờ thiếu được trong hành trang người chiến sĩ. Bị đói còn có thể chịu đựng thêm được nhưng khát nước thì khổ vô cùng. Khi gặp con suối mát, được lấy nước uống cho đỡ khát, được rửa mặt mũi chân tay mát mẻ. Chỉ huy bao giờ cũng nhắc nhở anh em: “Đường hành quân còn xa, các đồng chí phải để dành nước cho chặng sau”. Lúc ấy, tôi lại khao khát nhớ tới chum nước mưa trong veo, mát rượi dưới gốc cau nhà mình. Mùa hè về, người đang hừng hực nóng, múc một gáo thật đầy rồi ngửa cổ tu ừng ực, sướng lịm người. Chiến tranh, chao ôi chiến tranh, chỉ một nhu cầu nhỏ bé như thế mà có lúc con người ta không sao thực hiện được. Nhưng cũng có khi thì lại được thỏa thuê uống những ngụm nước đầu nguồn. Nước suối trong vắt mát đến tê lưỡi, uống vào đâu thấm đến đấy. Lúc đó, lính chúng tôi sung sướng vô cùng. Những chặng đường hành quân thường là những điểm có suối, anh em chúng tôi mới nghỉ ngơi và dừng lại uống nước, anh nào đã hết thì bổ sung vào bi đông. Chúng tôi uống vô tư mà chẳng ngần ngại chất độc da cam gì cả.
 
Hành quân vất vả mệt nhọc như thế nhưng khi gặp các đoàn thương binh, các đoàn dân- chính- đảng trong Nam ra Bắc thì ai nấy lại vui vẻ rộn ràng. Nếu như trong đoàn ấy có vài ba cô gái nữa thì lính ta quên hết mệt nhọc, mọi người lại có chuyện để vui, để tếu, để giốc bầu tâm sự. Nghe mấy cô gái nói dễ thương vô cùng, nhờ việc gì chúng tôi cũng sẵn sàng giúp, thậm chí còn xung phong, có cô gái bị cánh lính chúng tôi trêu, dù có sẵn chất lính tự tin nhưng chỉ được một hồi là ai nấy đều xấu hổ, đỏ ửng mặt liền. Cả cánh rừng như có thứ ánh sáng diệu kì dội tới, bừng sáng lên. Thứ ánh sáng tỏa ra từ tình đồng đội, bạn bè, anh em. Gặp nhau là tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ lâu lắm. Gặp nhau là hỏi han, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện miền Bắc, chuyện chiến trường, chuyện nhà, chuyện đơn vị cứ rối rít, râm ran. Trong chiến tranh, người ta quý nhau, thương nhau nhiều. Sống và được gặp nhau, một chút hàn huyên dãi bày với nhau cũng là quý giá. Một câu động viên, một câu đùa tếu, một chuyện tiếu lâm đôi khi cũng trở thành món ăn tinh thần của người chiến sỹ. Khi gặp những thương binh ra bắc hoặc đơn vị khác là cánh lính chúng tôi lại hỏi thăm có ai là đồng hương không. Họ hỏi bằng nhiều cách khác nhau như: “Có ai dân rau má phá đường tàu trong đó không?. Có ai quê xứ Nghệ không? Có anh  chàng lại tự giới thiệu: “Đây là dân cá gỗ đây”.
 
Khi nhận được người đồng hương thì mọi chuyện trở nên vui và hóm hỉnh hơn. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói đùa của một anh thương binh đứng cạnh tôi: “Các đồng chí hành quân nhanh lên kẻo giặc chạy hết không được đánh nhau nữa đâu. Chậm là phải đi nhặt ống bơ rỉ đó”.  Câu nói của đồng chí thương binh cũng chỉ là một cách động viên đồng đội mà thôi, và thực sự nó đã truyền vào tôi sự lạc quan tin tưởng.
 
Hành quân chừng mười ngày thì trung đội tôi có đồng chí bị sốt cao. Ai đã từng ở rừng, từng bị sốt rét thì chắc biết rằng chắng có gì ớn bằng căn bệnh quái đản này. Trước khi sốt một vài hôm, người vẫn bình thường, ăn bao nhiêu cơm cũng không vừa. Bụng đã no nhưng mắt và miệng vẫn thèm. Rồi, chợt rùng mình lạnh buốt ở sống lưng và sau đó là rét run lập cập, đắp bao nhiêu chăn cũng không đủ ấm. Hết rét rồi lại đến sốt, cặp nhiệt kế, ba mươi chín, bốn mươi, bốn mươi mốt độ.  Mặt đỏ phừng phừng như kẻ lên đồng. Đầu đau như búa bổ, mình mẩy bị rời ra, mỏi mệt vô cùng. Đến lúc này thì miệng lưỡi đắng ngắt, ăn vào miếng gì ọe ra miếng đó. Nguy hiểm nhất là sốt rét ác tính, nếu không điều trị kịp thời và đúng phác đồ là bị cắt quân số như chơi. Lính ta ở rừng ngán sốt rét ác tính hơn ngán bom đạn giặc. Có sức khỏe cũng chẳng chống đỡ được lại căn bệnh quái ác này.
 
Sống trong rừng, sống chung với muỗi làm sao có thể tránh được, điều kiện vất chất thì còn thiếu thốn, thuốc đâu phải sẵn có mà uống và điều trị, nhất là trong những lần hành quân. Lính chúng tôi sợ cái sốt rét nơi chiến trường, có những chiến sĩ ngã xuống vì bệnh sốt rét, lời cuối cùng mà những đồng chí dặn dò anh em trước lúc ra đi và cũng là điều ăn năn nhất, đó là chưa được tham gia chiến đấu hết mình với trận đấu còn đang chờ đợi ở phía trước. Và ai cũng dặn dò, gửi gắm niềm tin yêu vào  đồng đội của mình. Thú thật, mỗi lần nhìn đồng đội của mình trong cơn tử vong sắp đến, bạn bè ai cũng thương mà chẳng biết làm gì. Cuộc chiến là như thế. Không còn cách nào và sự lựa chọn nào khác. Có ai muốn mình chết vì bệnh tật đâu. Cái chết của con người nơi chiến trường nhẹ nhàng lắm và cũng đau thương lắm, bi tráng và cũng bi hùng lắm. Dù không chết nơi chiến trường có khói đạn của kẻ thù nhưng cái chết vì bệnh tật cũng là một sự hy sinh cao cả. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:
Đánh trận tử vong ít
Sốt rét tử vong nhiều

Những câu thơ nói về những trận sốt rét hoành hành buộc người lính phải nằm lại nơi chiến trường:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục trên súng mũ bỏ quên đời.

Mỗi chặng đường hành quân, trung đội tôi phải cử ra bốn người để cáng đồng chí sốt nặng không thể tự đi được. Việc khênh người ốm lúc hành quân là việc làm cực nhọc nhất. Hành quân leo dốc, xuống vực mà mang vác ba lô, vũ khí đã khó khăn, vất vả rồi. Bây giò lại vừa đi vừa khênh đồng chí mình thì thật là vất vả, khó khăn. Khi khênh người bệnh mà phải leo dốc, người phía trước phải rướn kéo thật mạnh và người đi sau phải được một đồng chí khác đẩy lên thì mới vượt được dốc. Phải bám dây dừng mà leo lên. Lúc xuống dốc lại càng vất vả hơn, nếu không khéo  giữ thì chỉ cần một người khụyu xuống là tất cả bệnh nhân lẫn người lành bị ngã lăn luôn. Khi qua bãi trống, dù thở không ra hơi cũng phải cố sức mà chạy. Cáng bệnh binh mà phải chạy qua bãi trống cũng là một cái vất vả nhớ đời. Vừa chạy thật nhanh, vừa giữ võng khỏi lắc. Đó là động tác đòi hỏi người khênh phải thật khỏe và có kinh nghiệm. Người nào được cử khênh bệnh nhân cũng phải chọn mặt gửi vàng. Tốp khiêng cáng bệnh nhân bao giờ cũng về sau đơn vị vài ba tiếng đồng hồ. Đặt được bệnh nhân bị thương xuống, chúng tôi mệt lử lả cả người, chân tay chẳng buồn cử động, mồ hôi  nhễ nhại, đầm đìa.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #25 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:35:43 pm »

Đường Trường Sơn vào mùa khô tiếng ve kêu inh ỏi trong các tầng cây. Tiếng ve gợi nhắc tuổi học trò và mùa thi nhiều kỉ niệm đẹp đẽ. Nghe tiếng ve kêu như sôi dọc đường hành quân,  tôi lại nhớ nhiều đến Thoa. Khuôn mặt tròn, mái tóc dài đen nhánh thơm hương bồ kết, giọng nói nhỏ nhẹ cứ thấp thoáng trước mặt tôi. Tôi nhớ đến những ngày tôi và em chung nhau lớp học. Mỗi mùa thi càng bận rộn hơn để lo bài vở, chúng tôi luôn phấn đấu học thật tốt nên chăm chú và chỉnh chu lo cho việc học. Thoa cũng rất chịu khó, môn nào không hiểu là em hỏi và nhờ tôi giảng giải, tôi thì chịu thua em môn Văn, cố gắng học tập em nhưng không sao đạt được số điểm cao như em. Chao ôi, kỉ niệm sao mà thân thương đến vậy. Tôi làm sao quên được ánh mắt em nhìn khi tôi đứng trước lớp với trái tim rung động bồi hồi. Hai đứa đều chăm chỉ học hành, chẳng ai nghĩ đến chuyện tình cảm nhưng trong lòng thì đã là của nhau. Ngày nào không gặp được em, không nhìn thấy em và không được nói chuyện với em là tôi nhớ lắm. Tôi giấu nỗi niềm thầm kín đó ở trong lòng, không dám thổ lộ với em. Hai chúng tôi như hình với bóng, chuyện tình cảm gần mà ngỡ như xa, có lúc tưởng chừng cả hai sắp sửa nói ra nhưng không… và chính vì điều mà tôi không thổ lộ với Thoa ấy lại làm cho tình cảm chúng tôi mặn nồng hơn. Vào chiến trường, tôi càng nhớ, thấy lo lắng và nghĩ về em nhiều hơn và em chắc cũng vậy. Những lời thương yêu chúng tôi dành cho nhau là khi không còn đối diện với nhau và không còn ở bên nhau nữa. Chúng tôi cùng hẹn ước với nhau và đặt niềm tin, hi vọng vào tình yêu rất nhiều. Dù chỉ qua những bức thư nhưng tình yêu là vĩnh cửu. Những lúc tôi có thư em là tôi vui sướng và hạnh phúc ngập tràn tâm hồn mình. Cảm giác khó tả lắm, thư làm cho tôi vui lâng lâng cả ngày. Chỉ có duy nhất bức thư em viết báo tin Cha tôi mất là buồn suốt những ngày hành quân nhưng không thể trách em được.

Mùa khô là mùa chuyển quân nhộn nhịp. Núi rừng Trường Sơn rùng rùng chuyển động. Những đoàn quân trẻ măng mang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược hăm hở tiến về tiền phương. Có thể nói, những năm tháng chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” tuy gian nan, vất vả và hy sinh mất mát nhiều nhưng đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất, hào hùng nhất của cuộc đời. Tôi nhận ra được khí phách hiên ngang, phẩm chất anh hùng của dân tộc ta qua những bước quân hành của đoàn quân ra mặt trận. Nó vừa gian khổ, hy sinh vủa có quyết tâm và sức mạnh phi thường.
 
Những ngày hành quân bị mưa, khi đến trạm giao liên, việc làm đầu tiên của lính là tìm ngay hai thân cây có cọc phụ để mắc võng. Hai cọc phụ được cột bằng dây rừng vào hai thân cây, sau đo võng được mắc vào hai đầu cọc phụ. Khi mưa, nước mưa theo cọc phụ xuống đất, còn võng vẫn không bị ướt. Cách mắc võng của người linh thật sáng tạo.  Đêm đêm, điệp khúc của những đoàn quân ra trận vang lên. Đêm dưới tán rừng rậm, trên những bãi khách của các binh trạm, đầy tăng võng, chúng tôi hát vang những bài ca Cách mạng hào hùng. Những bài hát làm cho cánh lính chúng tôi yêu đời và sôi nổi hơn. Hát cho nhau nghe. Những khúc ca về cuộc đời lính đầy khí thế như chính tinh thần và ý chí cách mạng của người lính. Khó khăn vậy nhưng luôn tìm thấy sự lạc quan và hào hoa ở những người lính trong từng câu hát. Tôi, lúc đó là cây văn nghệ được giao phụ trách mảng hoạt động này của chi đoàn. Tôi còn nhớ những đêm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đơn vị sôi nổi và có phần hăng hái, hoành tráng lắm. Lính tráng diễn xuất mộc mạc, hát hết mình. Mặc dù không có hoa tươi, không trang trí phông màn nhưng vẫn được tổ chức một cách tự giác, và tất cả cùng hưởng ứng. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong những năm tháng vất vả. Vai kề vai, chúng tôi vỗ tay hát những ca khúc chiến đấu. Bài hát “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của Huy Du cứ vang động cả khu rừng:
“Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca.
Gửi tới quê nhà bao la, biển xanh sóng vỗ hiền hòa.
Đường Trường Sơn bát ngát có bao nhiêu ghềnh thác.
Hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tưới cho cuộc đời.”.

Lý thú nhất là đêm Trường Sơn mà hat bài: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, của Trần Chung và Nguyễn Hữu Thu. Bài hát hay không chỉ ở ca từ mà giai điệu của nhạc phẩm vừa hùng dũng, vừa tình cảm giữa người lính và Bác Hồ:
“Đêm Trường Sơn.
Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây.
Cảnh về khuya như vẽ.
Bâng khuâng chúng cháu nghĩ.
Bác như đã đến nơi này..”.
 
Những bài hát cứ truyền miệng nhau mà thật dễ nhớ, hát rồi thành thuộc. Có những đêm văn nghệ như thế này chúng tôi mới biết được nhiều giọng ca hay của đơn vị. Có đồng chí còn ngâm thơ của Tố Hữu, của Giang Nam, Lê Anh Xuân… với giọng ngâm ấm áp truyền cảm, chất chứa nỗi niềm. Những người lính chăm chú, mắt hướng về người biểu diễn như gửi gắm cả hồn mình vào đó.
 
Trên đường ra trận, vui nhất là được gặp các đơn vị thanh niên xung phong. Bộ đội trẻ, thanh niên xung phong cũng trẻ. Tuổi trẻ gặp nhau. Trai gái gặp nhau. Cứ ồn ào náo nhiệt  như hội. Gặp các cô gái làm đường, một anh lính trẻ xướng lên: “Các em thanh niên xung phong ơi, cho anh bộ đội mượn tạm cái xẻng vào chiến trường đào hầm, khi nào thống nhất các anh mang về trả”. Trong tốp nữ làm đường, áo màu cỏ úa dấp dính mồ hôi, một giọng nữ thanh thanh cất lên: “Anh bộ đội ơi, bọn em có rất nhiều xẻng mà xẻng nào cũng sắc cả nhưng tiếc rằng lại không có cán”, - “Không có cán thì bọn anh cho mượn cán lắp vô, khó chi việc ấy” - một anh lính khác lại tếu táo chêm vào. Thế là tiếng cười rộ lên vui vẻ…
 Những lần gặp gỡ các cô gái thanh niên xung phong chúng tôi thấy yêu đời làm sao. Các cô gái chân yếu tay mềm mà dám dấn thân vào Trường Sơn dày đặc đạn bom, chất độc màu da cam, chịu đựng những trận sốt rét nghiêng rừng, tóc rụng dần từng vạt, da dẻ xanh xao mà sống vẫn rất lạc quan. Bất chấp hiểm nguy xảy ra hàng ngày, những cô gái vẫn đi lấp hố bom, mở đường cho xe tới chiến trường. Chúng tôi phục phái nữ lắm. Chúng tôi lăn lộn nơi chiến trường đã đành, đối với các cô lại càng vất vả và nguy hiểm không kém gì chúng tôi. Vậy mà các cô lúc nào cũng tươi cười và dũng cảm. Không hiếm những cô gái là dũng sỹ phá bom nổ chậm, phá bom từ trường của địch. Nghe kể rằng có đêm các cô phải đứng làm cọc tiêu cho xe đi qua ngầm. Mặc cho bom rơi đạn nổ, các cọc tiêu vẫn hiên ngang bám trụ mặt đường.
 
Có hôm hành quân chúng tôi gặp một đoàn bộ đội nữ, trông ai cũng có dáng trí thức. Hỏi ra mới biết đó là đoàn bộ đội quân y tăng cường cho mặt trận. Các chiến sĩ nữ mang ba lô và túi thuốc khá nặng. Đây là dịp để cho các chàng trai trẻ lém lỉnh, mau miệng đùa trêu: “Các em bộ đội nữ ơi, mang gì mà mang hai chiếc ba lô nặng thế. Có cần bọn anh mang hộ một chiếc nào”. Cánh lính nữ quân y cũng thật đáo để, đáp lại ngay: “Vâng, chúng em có hai cái ba lô. Ba lô sau lưng là ba lô đất nước, ba lô trước ngực là ba lô của các anh, các anh có mang hộ thì mang ba lô trước ngực nhé!”. Sau những câu đùa khá dí dỏm ấy là những chuỗi cười giòn tan.
 
Nhưng có lẽ người để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là các đồng chí giao liên Trường Sơn. Hình ảnh những cô gái mảnh mai, nước da xanh tái, đầu đội mũ tai bèo, tóc tết gọn gàng, súng tiểu liên AK khoác chéo sau lưng, quần sắn đến đầu gối mà nhanh như con sóc. Bao giờ cô giao liên cũng đi trước đoàn quân dẫn đường. Chẳng hiểu sao chiến sĩ giao liên rất ít nói. Song lòng dũng cảm và cách xử lý tình huống của họ thì thật đáng khâm phục. Tôi nhớ có lần, bộ đội vượt sông Bạc, một con sông nổi tiếng ở Trường Sơn. Đơn vị phổ biến: mấy hôm nay, máy bay Mỹ thả nhiều “cây nhiệt đới” ở vùng này. “Cây nhiệt đới” là cái máy thu phát âm thanh tự động có hình dáng giống như một cây củi rừng nhằm phát hiện đường hành quân của bộ đội ta. Tiếng xe chạy, tiếng cười nói, thậm chí cả tiếng ho cũng bị thu vào máy để phát về trung tâm xử lý thông tin của địch. Phát hiện ra tiếng người, tiếng xe là máy bay Mỹ bay đến mặc sức ném bom, bắn rốc két  vào vùng khả nghi đó. Thực tình thì chúng tôi khá lo lắng khi nhận được thông tin này. Đúng ba giờ sáng, lệnh hành quân được phát ra. Trung đoàn lặng lẽ rời binh trạm trong ánh trăng cuối tháng mờ mờ. Sương núi tỏa ra hơi se se lạnh, tiếng chim từ quy gọi bạn tình nghe bớt khắc khoải hơn bởi khoảng cách giữa chúng đang lại gần. Đi xuyên rừng khuya độ 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ra tới bờ sông. Các cô gái giao liên nói với chúng tôi: “Địch ném bom theo qui luật thôi, đây là lúc cây nhiệt đới bị vô hiệu hóa, các anh bình tĩnh và nhanh chóng vượt qua sông”. Đúng như nhận định của giao liên, đoàn chúng tôi nhanh chóng vượt sông an toàn.
   
Có thể nói rằng giao liên là linh hồn, là điểm tựa tinh thần của các cuộc hành quân. Trong những vóc dáng mảnh dẻ, có vẻ yếu ớt kia là những cốt cách vững chãi, bình tĩnh, là phương pháp xử lý linh hoạt các tình huống dọc đường. Đời cô giao liên như người lái đò. Hết đoàn quân này lại tiếp đoàn quân khác, cứ nối tiếp nhau vô tận, được các cô dẫn đường đi về các mặt trận. Con đường giao liên dài bao nhiêu thì bước chân các cô gái giao liên lại nối dài bấy nhiêu. Đi hành quân trên đường Trường Sơn mà nghe bài hát: Đường tôi đi dài theo đất nước - Xuân Chung, sáng tác thơ; Vũ Trọng Hối phổ nhạc
“Đường giao liên bước tôi đi dài theo theo đất nước.
Đường tôi đi, núi chênh vênh có mây bay dưới chân giăng thành.
Đời tôi như những con thoi dệt tình  quê hương đất nước.
Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn”
.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #26 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:37:32 pm »

Chiến trường Tây Nguyên

Sau hơn một tháng hành quân vượt qua hàng trăm ngọn đèo, con suối, cung đường, trọng điểm ác liệt, chúng tôi đã đặt chân đến bắc Kon Tum vào ngày 22 tháng 1 năm 1969. Đây là vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào – Camphuchia. Tây Nguyên là đây, mặt trận B3 ác liệt nổi tiếng từ lâu. Trên mái nhà của Đông Dương này đang hiện diện những sư đoàn chủ lực khét tiếng của địch cũng như những đơn vị thiện chiến của ta trong thế trận cài răng lược bấy lâu nay. Sau lưng tôi, hậu phương xa lắc xa lơ, nhìn qua bầu trời cao nguyên vời vợi và những cánh rừng mịt mùng thăm thẳm, tôi linh cảm về những năm tháng cực kì gian truân, và ác liệt sắp tới.

Đây là vùng đất cao nguyên nổi tiếng mà ngay từ thời cắp sách tới trường chúng tôi đã được học, được biết phần nào. Ngoài những bài học về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, dân cư, vùng đất này còn được chúng tôi biết đến qua câu chuyện kể về vua Lửa, vua Nước, và những bài giảng về chàng Đam San- một tù trưởng anh hùng trong bộ sử thi nổi tiếng của dân tộc Ê Đê (Tây Nguyên) với những chiến công lẫy lừng, những điệu múa cồng chiêng, Kà Tu sôi nổi. Câu chuyện về Anh hùng Núp và đội du kích Xi-tơ trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc đã trở thành những biểu tượng của người con Tây nguyên bất khuất, Trường ca chim Chơ rao của nhà thơ Thu Bồn. Bài Bóng cây Kơ-nia do Ngọc Anh sưu tầm, nhạc Phan Huỳnh Điểu mang một biểu trưng của núi rừng Tây Nguyên yêu dấu với những hình ảnh về mẹ, về em trong nỗi nhớ anh: “Buổi sáng em làm rẫy thấy bóng cây Kơ-nia, bóng ngả che ngực em về nhớ anh không ngủ. Buổi chiều mẹ lên rẫy, thấy bóng cây Kơ-nia, bóng tròn che lưng mẹ, về nhớ anh mẹ khóc…”. Hay lời bài hát da diết, nhịp nhàng Tháng ba Tây Nguyên- nhạc sĩ Văn Thắng với những lời ca đi vào lòng người sâu sắc: “tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông lấy nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông…Tháng ba, rừng Tây nguyên hoa thắm đỏ, làm muôn vạn tiếng chim múa hát, bầy chim muông cất cánh dạo chơi, sông từng đàn con cá lội bơi. Tháng ba, tay em dệt khăn hồng, thêu cánh chim trời cho người em mến…”
 
Tôi biết Tây Nguyên được mệnh danh là mái nhà Đông Dương, vì thế nó có vị trí chiến lược rất quan trọng không chỉ với Việt Nam mà cả hai nước láng giềng là Lào và Campuchia. Người Mỹ rất hiểu điều ấy nên  đã tìm cách chiếm giữ vùng đất cao nguyên trung phần Đông Dương này. Trong suốt cuộc kháng chiến thì Tây Nguyên là mảnh đất diễn ra nhiều trận đấu ác liệt giữa ta và địch. Tây Nguyên đối với tôi bây giờ không còn là những bài học phổ thông trìu tượng nữa mà là mặt trận, điểm chốt, chiến hào khét mùi bom đạn. Đến Tây nguyên, tôi không còn thời gian để ngồi nghĩ và tận hưởng vẻ đẹp của miền đất lạ. Những bài học tôi lĩnh hội được ở đây là bài học từ ranh giới giữa sự sống- cái chết trong những năm tháng khốc liệt, đói khát và bệnh tật. Những gì là gian khó nhất thì mảnh đất này hứng chịu tất cả. Đó cũng là bài học sinh động cụ thể về lòng yêu nước, sự hi sinh cao cả của bộ đội và nhân dân Tây Nguyên.
Sau một thời gian ngắn làm lán, trại là chúng tôi ổn định nơi ăn chốn ở. Sau đó chúng tôi bước vào giai đoạn học tập chính trị và huấn luyện quân sự. Về quân sự, chúng tôi học chiến thuật vận động tiến công kết hợp với chiến thuật chốt giữ trận địa, kỹ thuật bắn máy bay đổ bộ…Ngoài những giờ học chính thức, từng tiểu đội tự ôn luyện. Chúng tôi được cán bộ cấp trên hướng dẫn nhiều về kỹ thuật và công tác chuẩn bị chiến đấu phù hợp với các trận đánh khác nhau.

Về chính trị, chúng tôi được giới thiệu về chiến tranh nhân dân ở Tây Nguyên, công tác dân vận, tình hình và nhiệm vụ mới…Tôi còn nhớ câu chuyện mà khi học chính trị, phái viên mặt trận B3 đưa ra đề nghị giải quyết. Câu chuyện này, nói đúng ra là một tình huống do đồng chí đó đưa ra để chúng tôi thảo luận. Chuyện kể như sau: “Một đồng chí bộ đội của ta đang chiến đấu thì bị mất liên lạc với đơn vị. Đã năm ngày luồn rừng đi tìm đơn vị nhưng chẳng gặp. Đồng chí ta phải ăn lá rừng, uống nước suối để sống. Ở nơi rừng xanh, chỉ có mặt trời mọc là khiến cho đồng chí còn xác định được phương hướng và tìm những vết tích từ những cuộc hành quân để xác định đường đi. Ban ngày luồn rừng tìm đơn vị, ban đêm phải ngủ trên cây đề phòng thú giữ. Không có một thứ gì bên người để ăn. Giữa lúc bụng đói cồn cào, tay chân rời rã, người cứ luội đi thì gặp một cái rẫy của đồng bào. Mắt anh sáng lên khi thấy dưa hấu nằm lăn lóc trên đất, mấy khóm mía lá khua loạt xoạt trong gió và cả một vạt sắn xanh tốt quá đầu người. Anh biết rằng nơi đây đã có bàn tay của con người và chắc chắn không xa nữa, anh sẽ tìm thấy  đồng đội và tìm được đơn vị của mình. Anh nghĩ trời thương mình rồi và bò tới bên một quả dưa hấu rất to. Nhìn quả dưa căng mọng nước, nước miếng anh tứa ra. Quả dưa hấu chỉ cần vặt đứt cuống, không có dao để bổ thì chỉ cần đập vào cạnh của hòn đá hoặc thân cây, tức khắc quả dưa sẽ bị vỡ ra, lõi dưa đỏ au và tha hồ ăn cho đã. Tay anh đã đụng vào quả dưa hấu, nhưng bỗng nhớ lại mười hai điều kỉ luật quân đội, có câu đầu tiên là: “không được đụng đến cái kim sợi chỉ của nhân dân”. Hai tình huống đặt ra: Một là, ăn dưa thì sẽ sống nhưng bị vi phạm kỉ luật. Hai là, chấp hành nghiêm kỉ luật quân đội, không ăn dưa thì chắc chắn sẽ chết đói. Kể đến đó, phái viên mặt trận đặt câu hỏi: “Theo các đồng chí, trong trường hợp này phải xử lý ra sao?”.
 
Cả đơn vị thảo luận sôi nổi. Có người cho nêu lên nguyên tắc kỷ luật quân đội và khẳng định, nếu ăn dưa là vi phạm kỷ luật quân đội. Quan điểm của số người này cho rằng, thà chết chứ không thể lấy trộm dưa để ăn. Có đồng chí còn dẫn ra câu thành ngữ “đói cho sạch, rách cho thơm”, dù chết đói còn hơn làm hoen ố danh dự anh bộ đội Cụ Hồ. Dù mình chết đói nhưng việc làm đó không những thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội mà còn tạo uy tín trong nhân dân. Hơn nữa đây là địa bàn Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc ở đây suốt đời theo Cách mạng nên bộ đội không được xâm phạm của cải của nhân dân. Có như vậy nhân dân mới ủng hộ bộ đội…
 
Đồng chí khác thì hăng hái lập luận: đôi khi việc học phải được vận dụng đúng  thực tế thì mọi cái mới giải quyết được, ta không nên máy móc. Con người là vốn quý. Một quả dưa không thể đem so sánh với tính mạng của một con người mà, đây lại là sinh mạng một chiến sĩ quân đội, rất cần thiết cho mặt trận lúc bấy giờ. Y kiến này cho rằng: người chiến sĩ nhờ có dưa mà sống được, sau đó trở về với đơn vị và lập được thành tích trong cuộc chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cứu được nhiều đồng đội và bảo vệ được nhân dân. Thế thì ăn dưa là có lợi chứ!

Khi thảo luận, hai quan điểm này đấu tranh quyết liệt và khó phân thắng bại. “Phe ăn” và “phe không ăn” cứ đưa ra nhiều triết lý và tranh cãi quyết liệt. Lập luận của mỗi “phe” xem chừng cũng có lý. Cuối cùng thì chẳng ai chịu ai. Phái viên mặt trận cũng không hề kết luận ai sai, ai đúng mà chỉ nói: “Các đồng chí tiếp tục suy nghĩ và tự rút ra cho mình bài học cần thiết”.

Qua câu chuyện này chúng tôi rút ra nhận xét: vừa vào chiến trường đã thảo luận vấn đề này thì chắc chắn sắp tới chiến trường Tây Nguyên không chỉ rất ác liệt mà cũng rất khó khăn, thiếu thốn. Và quả thực đúng thế, qua 6 năm lăn lộn, sống chết với chiến trường Tây Nguyên, tôi và đồng đội càng thấm thía sự gian nan, khốc liệt của mặt trận B3 này.

Chúng tôi tổ chức ăn cái tết Nguyên đán đầu tiên ở Tây Nguyên. Trong bữa cơm đầu năm có đoàn văn công mặt trận B3 đến biểu diễn. Các ca sĩ như Thanh Lịch hát nhiêu bài rất hay về Tây Nguyên: Cô gái Ba Cô, tiếng chày trên Sóc Bom Bo, Tháng ba Tây Nguyên, Bóng cây Cơ Nia…Trong đó tiết mục “Tiếng chầy trên Sóc Bom Bo” của Xuân Hồng gây xúc động người lính chúng tôi:
Lửa bập bùng.
Tiếng chày khuya cắc cum cụp cum.
Cum cup cum, cum cụp cum, cắc cum cụp cum.
Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa.
Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya.
Bồng con ra võng để đòng đưa.
Gíã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa…

Bài hát có giai điệu mượt mà và ca từ cũng thắm thiết tình quân dân. Càng nghe bài hát càng thấy người dân ở đâu cũng chăm lo cho bộ đội ăn no để đánh thắng. Nghe bài hát này trên đất Tây Nguyên càng có ý nghĩa về tình đoàn kết quân dân. Đặc biệt, bài thơ chúc tết Xuân Kỷ Dậu- 1969 của Bác Hồ được phổ nhạc do các nghệ sĩ trình bày thật tuyệt vời:
Năm qua thắng lợi vẻ vang.
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do.
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên chiến sĩ đồng bào.
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #27 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:40:00 pm »

Sau khi ăn tết, thực hiện mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, đơn vị tôi, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 28 lên đường đi chiến dịch mùa xuân năm 1969. Trong lòng những người lính trận chúng tôi còn ngân vang lời bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đọc đêm giao thừa: “ Năm qua thắng lợi vẻ vang…”
  
Niềm tin chiến thắng của lãnh tụ truyền vào chúng tôi, và ai cũng nao nức nghĩ tới một mùa Xuân thống nhất Bắc Nam đang tới gần. Những nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của người dân chào đón chúng tôi. Dân tộc không còn  phải chịu cảnh bom đạn nữa, đất nước được hòa bình. Cảm giác đó thật hân hoan và hạnh phúc, không còn gì cao cả và vĩ đại hơn. Chúng tôi háo hức ra trận để lập công lớn ngay từ  trận đấu.
  
Ngày ấy, chiến trường Công Tum hình thành ba khu vực: khu vực cánh Bắc, khu vực cánh Trung và khu vực cánh Nam. Mỗi nơi đều có những thuận lợi về địa hình và cũng có những khó khăn riêng. Chỉ huy quân đội Mỹ sử dụng 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 4 Mỹ. Vòng ngoài thuộc 3 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 1 đóng ở 3 khu vực. Khu vực thứ nhất gồm có: Ngọc Tô Ba, điểm cao 467, Plây Gia Siêng. Khu vực thứ hai gồm có: Chư Dơ Bang, Chư Mơ Nú, Chư Mo Rinh. Khu vực thứ ba: Chư Kê Pắc, Chư Kô Pắc. Vòng trong gồm hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2 cùng với các đơn vị pháo binh yểm trợ chiếm giữ Chư Đô, Kleng, Chư Tăng Kra, Chư Tăng An. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 28 chúng tôi được giao nhiệm vụ vây chặt tiểu đoàn 1, trung đoàn 12, lữ đoàn 1, thuộc sư đoàn 4 của Mỹ ở địa bàn Chư Đô, Kon Tum. Quân Mỹ đặt ở đây những cứ điểm lớn với những sư đoàn, quân đoàn. Chúng có các căn cứ không quân khá mạnh với xe tăng, thiết giáp, máy bay yểm trợ. Hệ thống phòng thủ khá kiên cố, chúng rải ra từng đại đội, trung đội xen kẽ nhau đóng chốt trên những điểm cao nhưng bộ đội ta không ngại khó khăn, vẫn tự tin vào trận đánh với khẩu hiệu rắn rỏi:
    
Đánh cho sư 4 đảo điên
     Đánh cho quân Ngụy ở Tây Nguyên tơi bời

Đơn vị tôi khẩn trương dàn thế trận bao vây tiêu diệt địch theo kế hoạch tác chiến. Khẩu đại liên của đại đội 4, tiểu đoàn 1, do tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng chỉ huy bố trí tại đồi Cháy. Nhiệm vụ của khẩu đại liên là bắn máy bay trực thăng đổ bộ và chi viện cho đại đội hai bộ binh.
 
Đại đội 2 bộ binh được giao nhiệm vụ đánh đại đội C của Mỹ ở Chư Đô. Cũng xin được nói thêm, Chư Đô là ngọn núi cao 1145m, cách Kleng 13 cây số. Qua trinh sát chúng ta biết được đại đội C của địch có 100 tên lính Mỹ ẩn náu trong hệ thống công sự kiên cố, vững chắc gồm ba lô cốt bê tông và 45 chiếc hầm xây có nắp thông với nhau bằng các đường giao thông hào chằng chịt. Lính Mỹ ở Chư Đô còn được trận địa pháo lớn đóng ở Chư tăng-Kra bắn chi viện khi cần thiết và máy bay trực thăng, máy bay C47 quần đảo liên tục trên bầu trời bất kể ngày đêm nhằm bảo vệ vòng ngoài của căn cứ. Đạn pháo lớn của địch nổ ùng oàng bên ngoài căn cứ và đêm đêm sáng đèn dù do máy bay Mỹ thả, soi rõ từng mô đất, khóm cây.
  
 Đêm mùng 4 tháng 3 năm 1969, khẩu đại liên của đại đội chúng tôi được lệnh chiếm lĩnh trận địa chiến đấu và chuẩn bị công sự chốt giữ trên đồi Cháy. Khoảng cách giữa trận địa chúng tôi và đồi Chư Đô nơi địch đóng quân là ba trăm mét- một khoảng cách rất gần và đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Sự nguy hiểm rất cao nên mọi cái đều phải tính toán và thực sự phải cẩn trọng.
  
Tôi còn nhớ rõ mồn một quang cảnh đồi Cháy lúc bấy giờ, đúng như cái tên của nó, cả quả đồi bị cháy trơ trụi không còn sót lại một bụi cây, khóm cỏ nào. Mặt đồi phủ đầy tro than đen kịt, gặp gió, bụi tro bay lên mù mịt. Những cây to thì cháy nham nhở, cây nhỏ thì cháy xém hết cả, có chỗ còn âm ỉ, mặt đất bỏng rát, bàn chân đặt xuống không chịu nổi…Có lẽ trong chiến đấu, những quả đồi không tên trên bản đồ thì bộ đội đặt cho cái tên là “Đồi không tên”. Còn đồi không tên đó mà bị bom đốt cháy thì gọi là đối Cháy. Chiều hôm trước khi đơn vị chiếm lĩnh trận địa, máy bay giặc tăng cường ném bom na-pan, loại bom có sức hủy diệt ác liệt khiến cho tất cả trên mặt đất hóa thành tro tàn. Nhiều đống lửa bập bùng cháy trên đồi. Mùi bom, đạn nồng nặc khắp nơi lẫn vào mùi cỏ, mùi động vật bị thui oi nồng, ngột ngạt. Khói lửa vẩn cháy lên thành từng chùm, ngập ngụa cả bầu trời, màu đỏ quẩn vào màu khói đen bốc cao, cuốn theo tro bụi bay tứ tung, nhất là vào buổi trưa nắng nóng. Kẻ địch đánh bom na-pan lên đồi cốt để triệt tiêu mọi sự sống, triệt tiêu mọi vật cản mà bộ đội ta có thể dùng nó làm ngụy trang.
  
Dưới ánh đèn dù hắt sáng từ căn cứ của địch, chúng tôi khẩn trương đào công sự, lặng im làm việc, chỉ nghe rõ hơi thở của nhau. Người nào cũng ướt đẫm mồ hôi, mặt mũi lấm lem như bết bùn. Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng nhắc nhở mọi người khẩn trương tranh thủ trời chưa sáng để làm công sự. Sau đó tập trung ngụy trang hầm hào cho kín đáo. Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu vừa qua, ngụy trang công sự là biện pháp che mắt quân địch để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, ngụy trang trên đồi Cháy này là một vấn đề rất khó đối với chúng tôi, bởi quả đồi đã bị cháy trơ trụi, không còn lá cây. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi lấy tro than phủ trên lớp đất đỏ mới đào và nhặt cành cây cháy che lên trận địa. Với cách ngụy trang như vậy thì máy bay phản lực của địch sẽ rất khó phát hiện, thậm chí bộ binh chúng bước lên trên cũng không thể biết được. Chúng tôi tin như thế.
  
Đào xong công sự, anh em vừa nhai lương khô, vừa uống nước và nghe anh Hoàng phổ biến nhiệm vụ:
Đêm nay, đại đội 2 sẽ nổ súng tấn công địch ở đồi Chư Đô. Ngày mai, chắc chắn địch sẽ bắn phá ác liệt vào trận địa của chúng ta, không loại trừ tình huống địch đổ bộ vào đây, tiểu đội ta phải chuẩn bị hai phương án đối phó: bắn máy bay và đánh bộ binh địch. Các đồng chí phải chuẩn bị tinh thần chiến đấu thật tốt. Bằng giá nào cũng phải kiên quyết làm tròn nhiệm vụ trên giao. Phải giữ vững trận địa. Bây giờ các đồng chí kiểm tra lại xem nguy trang đã ổn chưa. Nếu chưa đảm bảo thì chuẩn bị tiếp. Các đồng chí phải chuẩn bị mặt nạ phòng độc, bông băng cá nhân và nước uống cũng phải hết sức tiết kiệm… Tất cả đều chuẩn bị chu đáo và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng đi kiểm tra súng đạn, mặt nạ phòng hóa, túi cấp cứu cá nhân của từng người. Nơi chiến trường, sự cẩn thận, chu đáo của người chỉ huy chẳng bao giờ thừa cả. Sự khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh đã rèn luyện cho người lính, dù là cán hay binh. Nghĩ một lát, anh Hoàng giao tiếp cho tôi và anh Hoàng Ngọc Loan đào thêm hai chiếc hầm cách trận địa đại liên chừng ba mươi mét và cách địch khoảng hai trăm năm mươi mét. Nhiệm vụ của tôi và anh Loan là cảnh giới, sẵn sàng đánh bộ binh địch từ đồi Chư – Đô tràn sang. Tôi và anh Loan cũng lường trước được tính chất ác liệt của trận đấu nên làm hầm hào rất cẩn thận theo thế chi viện cho nhau. Tôi bảo anh Loan “Anh em mình cùng hỗ trợ đắc lực cho nhau nhé”. Hai anh em làm khẩn trương và mau lẹ, mồ hôi túa ra đầm đìa mà không dám uống nước, phải để dành ngày mai.

Đến nửa đêm chúng tôi hoàn tất mọi việc. Cũng may là đất ở đây là đất bazan nên cũng dễ đào công sự. Tựa lưng vào vách hầm mới đào, mùi đất bazan còn nồng nực, tôi nhìn lên bầu trời. Trời cao nguyên về đêm thanh trong và đầy sao, gió lộng thổi. Trong khoảnh khắc căng thẳng trộn lẫn với hồi hộp, tôi chợt nhớ đến quê nhà, nhớ Cha tôi lắm, giờ này nếu Cha còn sống, chắc là Cha sẽ trằn trọc lo cho tôi trận đánh đêm nay và nghe tin đài báo hằng ngày. Cha không còn nữa, tôi thì ở thật xa. Mới ngày nào mà đã tròn 5 tháng Cha tôi bị bom giặc Mỹ giết. Mộ Cha giờ đây chắc cỏ đã mọc xanh. Tới bao giờ tôi mới được trở về để thắp cho Cha nén hương tưởng niệm để tỏ lòng thành kính. “Đêm nay và ngày mai, con sẽ trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Tôi lại nao nao nghĩ đến Thoa, giờ này em đang làm gì nhỉ? Lớp học đã tan chưa? Em còn học bài hay ngủ rồi? chắc em cũng lo cho tôi nhiều lắm. Tôi biết rằng em và tôi đang ở rất xa nhau nhưng trái tim và tình cảm vẫn luôn hướng về nhau. Nếu như em được nhìn thấy những gì khốc kiệt mà người lính như tôi phải trải qua, chắc em thương tôi mà khóc cạn nước mắt. Lời thư của em văng vẳng bên tai tôi:
“Anh ơi, em đã kể chuyện của chúng mình cho mẹ nghe rồi, mẹ cũng thương anh lắm. Mẹ bảo sao không đưa anh về quê chơi. Em có nói chúng con đang chuẩn bị thì anh đi bộ đội…”.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #28 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:40:08 pm »


Rạng sáng ngày 5 tháng 3, đại đội hai chia làm ba mũi tấn công đại đội lính Mỹ ở đồi Chư Đô bằng thủ pháo, lựu đạn và súng B40. Những tiếng thủ pháo, lựu đạn nổ chát chúa. Các lô cốt và hầm chỉ huy của địch lần lượt bị quân ta chiếm lĩnh. Khi các hướng tấn công của ta vào trung tâm căn cứ đang phát triển tốt thì một tình huống bất ngờ xảy ra: Bộ binh địch chui hết xuống hầm, pháo lớn từ Chư tăng- Kra bắn cấp tập vào ngay trận địa. Những tiếng nổ rền rã của bom đạn không ngừng nghỉ. Máy bay địch quần lượn bắn phá không ngớt. Có chỗ lửa bốc cháy dữ dội. Do còn ít kinh nghiệm, lúng túng trong xử lý tình huống nên anh em C2 bị thương vong khá nhiều. Tuy nhiên, tổn thất của địch cũng không nhỏ. Sau mười lăm phút giao tranh, bảy mươi tên lính Mỹ đã bị tiêu diệt. Xác của chúng rải rác trên trận địa. 
   
Trời sáng. Căn cứ địch ở Chư Đô không còn nguyên vẹn như hôm qua nữa. Nhiều hố pháo lớn xuất hiện khiến cho khu đồi lở loét như người bị ghẻ kềnh. Hàng rào dây thép gai bùng nhùng, bị phá đi nhiều đoạn. Một số lô cốt, ụ hỏa lực bị san bằng hoặc sứt mẻ nham nhở. Thời gian yên tĩnh không kéo dài. Từ Chư tăng-Kra pháo của địch đã bắt đầu sủa. Chúng bắn tấp cập vào đồi Cháy, hết đợt này đến đợt khác. Đất đá và những mảnh pháo bay rào rào, khói lửa trùm lên trận địa mịt mù. Tai chúng tôi ù đặc và nhức. Mấy con vượn đen trũi như than chạy nhảy hốt hoảng gọi nhau vang vọng cả khu rừng. Chúng kêu la hốt hoảng, những con sống sót thì cũng di chuyển sang hướng quả đồi bên kia. Pháo kích ngưng thì máy bay phản lực và trực thăng Mỹ đến ném bom na-pan và bắn rốc két. Từng vệt lửa hừng hực bốc cao trên mặt đất. Đồi Cháy vốn đã trơ trụi nay càng trơ trụi hơn. Lửa bom na-pan bén vào cả những cành cây ngụy trang của chúng tôi. Đồi Cháy bị tro than phủ kín một màu đen lem luốc. Chẳng nói gì cây cối, đất đá, mặt mũi, quần áo chúng tôi đen nhẻm hết lượt. Khẩu đại liên của tiểu đội chúng tôi đã đĩnh đạc lên tiếng. Chúng tôi có 3 người tập trung vào khẩu đại liên, người thì tiếp đạn, người xạ thủ, có nhiệm vụ bắn và người thì chuẩn bị. Tôi thì dùng súng bộ binh AK cùng bắn máy bay. Ai cũng tháo vát, nhanh nhẹn, khẩn trương. Bất chấp bom đạn của giặc, khẩu đại liên Cô-li-nốp nhằm vào máy bay phản lực và trực thăng nhả đạn. Lúc này thì không còn bí mật được nữa, chúng tôi một mất một còn đối mặt  với kẻ thù hung hãn.
 
Địch phát hiện ra trận địa của ta nên chúng càng bắn phá ác liệt hơn. Mặt trời gần đứng bóng thì trực thăng bắn đạn hóa học xuống đồi Cháy. Tôi và anh Loan thấy máy bay bắn từng quả như cục pin đại xuống gần hầm. Khi những cục như chiếc bin đại chạm đất thì phụt ra làn khói xanh và lan tỏa khắp mặt đất. Tôi thấy nước mắt cay sè, mũi khó thở liền nói như ra lệnh với anh Loan: Chất độc, đeo mặt nạ vào. Mặc cho việc chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng khi có chất độc tôi thấy hơi luống cuống. Sau món vũ khí hóa học ác hiểm là những màn bổ nhào ném bom của lũ máy bay phản lực. Kẻ địch cho rằng Việt cộng không chịu được khói đạn hóa học sẽ từ hầm chui lên và khi gặp bom, pháo sẽ thương vong nhiêu.

Im ắng được mấy phút, chúng tôi tranh thủ ăn cơm trưa. Ăn vội vàng qua quýt, thậm chí vừa ăn vừa nghĩ đến nhiệm vụ tiếp theo, nét mặt ai cũng căng thẳng, lo âu trước người chỉ huy mình hy sinh. Mặt mũi ai cũng nhọ nhem, chân tay chai sạn, tóc tai bơ phờ. Khi ăn cơm, ai cũng làm phép chùi tay vào quần áo cho đỡ bụi bẩn, nắm cơm cầm trên tay cũng dính tro than nhọ nhem. Mùi khói bom  khét lẹt.  Cổ họng khô khát nhưng anh em bảo nhau cố gắng ăn hết khẩu phần để lấy sức chiến đấu với giặc. Miếng cơm cuối cùng chưa trôi khỏi cổ thì máy bay địch lại gầm rú trên đầu. Từng loạt, từng loạt bom sát thương, tiếp đến là bom cháy nổ đinh tai nhức óc, cả quả đồi bị giật phá rung lên theo làn sóng xung kích của bom. Mảnh bay rào rào, khói lửa cuồn cuộn. Có lẽ nó đã đoán đúng khẩu đại liên tai hại mà bọn chúng cần tiêu diệt. Bỗng một quầng lửa bùng lên hung dữ, trùm lên khẩu đại liên. Anh Hoàng thét lớn: “Địch ném bom napan trúng trận địa rồi, các đồng chí phải bình tĩnh”.

Tiếng thét của anh khiến cho cả trận địa của chúng tôi chú ý và tập trung cao độ để chiến đấu và cảnh giác. Tôi và anh Loan cũng bị thương,  hai bàn tay bị bỏng do dính chất cháy của bom. Quả bom sát thương nổ gần hầm không ai bị thương nhưng bị sức ép. Ngực đau, khó thở. Nhưng nhìn anh Hoàng như ngọn đuốc sống thì quên hết đau đớn.

Tôi nhìn anh Hoàng- người chỉ huy trưởng của tiểu đội tôi bị dính bom napan cháy nhưng anh như ngọn đuốc sống, vẫn chỉ huy khẩu đội đại liên bắn trả lại máy bay giặc. Hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên được, cái ngỡ như chỉ xem trên phim ảnh hay đọc trên những trang báo lại là hiện thực trước mắt tôi. Chất anh hùng của người lính cách mạng là có thật chứ không phải do chúng ta bịa ra hoặc tô hồng cho nó đẹp thêm. Cùng lúc đó, hai chiếc máy bay trực thăng Mỹ đã bị trúng đạn đại liên, bốc cháy dữ dội và rơi ngay đồi bên cạnh.
 
Anh Hoàng bị bỏng toàn thân vì lửa napan. Anh vẫn cố chịu đựng, dù rất đau đớn. Khi chúng tôi băng bó cho anh, anh đã rất yếu. Bằng giọng nói rất nhỏ nhẹ, anh động viên chúng tôi: “Có thể bộ binh địch sẽ tấn công vào đây… cuộc chiến đấu diễn ra còn ác liệt lắm…anh em mình cố gắng giữ vững trận địa…. đừng cho địch chiếm”.

Giọng nói của anh càng nói càng đuối dần, đôi mắt nhắm lại. Miệng hơi mấp máy muốn uống nước. Tôi lấy thìa bón cho anh ít nước. Anh uống nước thật ngon lành. Nhìn sắc mặt anh ngày càng nhợt nhạt, cái chết đang đến gần với anh từng giây mà chúng tôi bất lực, ai cũng xót thương. Tất cả anh em, những người đứng vây quanh anh, phần lớn đều bị thương, nhưng, ai cũng lặng lẽ  lắng nghe từng lời của anh căn dặn. Rồi anh không nói được nữa. Khoảng 3 giờ chiều thì anh trút hơi thở cuối cùng. Anh mất đi giữa lúc trận địa còn mịt mù khói lửa. Nhưng trong lòng mỗi chiến sĩ vẫn rực lửa căm thù quân cướp nước, quyết biến đau thương thành hành động cách mạng.

Nhìn anh Hoàng nằm bất động trong hầm mà lòng tôi bùi ngùi xúc động. Anh như người anh cả, như người chị hiền trong đơn vị. Ngày nghe tin Cha mất, tôi suy sụp và khụy ngã hoàn toàn. Trong lúc khó khăn đến cùng cực ấy, anh là người chia sẻ động viên, an ủi và nâng bước tôi đi. Nếu không có anh chắc chắn tôi chẳng hành quân vào đây với đơn vị được. Trước trận đánh này, anh đã nhắc nhở chúng tôi kiểm tra rất kỹ về vũ khí, trang bị, lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra như địch dùng vũ khí hóa học chẳng hạn. Các phương án chiến đấu do anh vạch ra cho tiểu đội thật chính xác. Anh là con người không chỉ có lòng dũng cảm mà còn có nhiều thực tiễn trong chiến đấu.
 
Anh ra đi khiến tôi thấy trống trải và buồn thương vô cùng. Tiếc thương một người chỉ huy tài giỏi, nhanh nhẹn, gần gũi, sâu sát anh em, giờ không còn nữa. Cả tiểu đội trĩu buồn. Mấy hôm trước, anh Hoàng đã nói với tôi: Sau ngày thống nhất giang sơn, thế nào cũng về quê thăm gia đình tôi, thăm quê Bác Hồ, thăm dòng Sông Lam thấm đẫm câu dân ca xứ Nghệ.

Anh đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình anh. Bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi anh. Đã mấy lần mẹ mong anh về để lấy vợ. Mẹ anh đã già. Trước lúc đi bộ đôi, mẹ anh cũng đã dạm cho một cố gái trong làng xinh xắn, ngoan ngoãn và hay làm. Anh nói rằng chờ cho chiến tranh kết thúc sẽ về lấy vợ và sinh cho mẹ một đứa cháu để bồng. Anh cũng hy vọng, sau này đất nước thống nhất, anh sẽ về với cuộc sống ruộng vườn như ông bà, tổ tiên đã sống. Một ước mơ bình dị thế mà không thực hiện được. Không hiểu mẹ anh Hoang có linh cảm đến sự đau thương này không. Anh Hoàng ơi. Em coi anh như người anh cả, chị hiền, bao nhiêu lần anh đã động viên em, giúp đỡ để em vượt qua những nỗi đau, mất mát. Sau này thống nhất, nếu còn sống em sẽ về với gia đình anh. Tôi bồi hồi xúc động lẩm bẩm với anh linh Anh Hoàng. Mong anh an nghỉ suối vàng và phù hộ độ trì cho tiểu đội chúng tôi vượt qua thử thách ác liệt này.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #29 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2012, 01:41:17 pm »


Chiều chầm chậm qua đi, hoàng hôn buông xuống. Cánh rừng lúc này chợt im ắng nhưng vết tích của trận đánh vẫn còn  nóng bỏng.  Vây bọc trận địa của chúng tôi là màn đêm nhàn nhạt của cao nguyên hòa trong ánh đèn dù nhập nhoạng ở phía đồn địch. Xa xa tiếng ì oàng của pháo cối địch. Chốc chôc lại có những đợt pháo kích từ phía Chư Tăng-Kra bắn lên xung quanh Chư Đô và đồi Cháy. Có lẽ đây là các đợt pháo kích cầm canh để bảo vệ Chư Đô. Tối ngày 5 tháng 3 năm 1969 khẩu đội đại liên chúng tôi được lệnh rút khỏi Chư Đô tiến về phía Ngọc Ta Lung để làm nhiệm vụ mới. Chúng tôi vừa hành quân vừa đưa thi hài anh em liệt sĩ và thương binh nặng ra phía sau. Có rất nhiều việc, thời gian lại gấp rút nên ai cũng khẩn trương, tranh thủ thời giờ. Nhìn  đồng đội nằm xuống, ai cũng xót thương. Có chiến sĩ thân thể không còn lành lặn, be bét máu, thấm đỏ cả chiếc áo, đất cát bám đầy người. Cũng rất may lúc này có mấy đồng chí vận tải của tiểu đoàn nên thương binh, thi hài liệt sĩ và vũ khí được mang ra an toàn và kịp thời. Sau trận Chư Đô, khẩu đội tôi được bổ sung  thêm quân để bước vào những trận đánh mới.
 
Đối với tôi, trận đánh này là trận đáng ghi nhớ. Hình ảnh ngọn đuốc sống Vương Tử Hoàng mãi mãi cháy trong tôi như một vầng sáng bất tử. Đến bây giờ khi đọc lại Lịch sử trung đoàn 28, lòng tôi vẫn ngập tràn xúc động, bồi hồi nhớ lại những ngày oanh liệt cùng những đồng đội của mình:
Trong trận lửa thử đầu tiên vô cùng ác liệt và đầy cam go trên chiến trường mới, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 28 đã phát huy cao độ sức mạnh lớn lao của lòng yêu nước, ý chí chiến đấu dũng cảm ngoan cường, trí thông minh sáng tạo… Tuy đây là trận đầu thử sức nhưng Trung đoàn đã khẳng định được vai trò của một đơn vị chủ lực của mặt trận Tây Nguyên. Trải qua bom đạn ác liệt, nhiều tấm gương chiến đấu tiêu biểu có sự cổ vũ lôi cuốn như tập thể tiểu đoàn 1. Đặc biệt là hình ảnh đầy khí phách anh hùng của người Khẩu đội trưởng đại liên, người Đảng viên ưu tú Vương Tử Hoàng ở khu vực Chư Đô. Giữa bom thù dữ dội, lửa napan trùm khắp trận địa và khắp thân mình nhưng Vương Tử Hoàng vẫn hiên ngang trên vị trí chỉ huy, tiếp tục hạ lệnh cho khẩu đội bắn rơi 2 máy bay Mỹ và trước lúc hy sinh vẫn dành hơi thở cuối cùng để động viên đồng đội giữ vững niềm tin, ý chí chiến đấu. Tấm gương bất khuất Vương Tử Hoàng và ánh sáng từ “cây đuốc sống” ấy không những là nguồn cổ vũ lớn lao, niềm tự hào bất diệt mà còn mãi mãi tỏa sáng trên chặng đường chiến đấu gian khổ nhưng sáng chói những chiến công của Trung đoàn 28 và lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên…
                                         
Khi rút khỏi Chư Đô, Trung đội trưởng Viên Đình Thực phổ biến vắn tắt:“Đơn vị chúng ta hiện nay nằm trong đội hình lớn của chủ lực mặt trận đang bao vây sư đoàn 4 của Mỹ tại đây. Khẩu đội đại liên của các đồng chí có nhiệm vụ đánh địch đổ bộ bằng máy bay để bảo vệ trung đoàn pháo binh 40 và yểm trợ bộ binh xung phong diệt lính dù”.
 
Anh em chúng tôi nghe nói thế rất phấn khởi. Cả tiểu đội hành quân đêm khẩn trương. Đêm mùng 7 tháng 3, khẩu đội tôi trong đội hình của đại đội 1, tiểu đoàn 1 được bố trí chốt giữ tại một đồi tranh ven sông Sa Thầy. Màn đêm đen kịt trùm lên khắp mọi nơi, ngỡ như có thể xắn ra từng miếng được. Không gian im ắng lạ thường. Đến nơi là bắt tay vào đào hầm trú ẩn ngay. Đất ở đây toàn sỏi đá và trời lại tối như mực nên đào rất khó khăn. Đào sâu được một đoạn vừa người nằm, Trung đội trưởng Viên Đình Thực cho tạm nghỉ, chờ trăng lên đào tiếp. Tôi liền mắc màn nằm ngủ cùng anh Thực và Lệ. Trước lúc ngủ, anh Thực đi kiểm tra anh em có mắc màn không. Muỗi nhiều vô kể như hốt được. Mấy đêm chốt ở Chư Đô không ngủ nên bây giờ đặt lưng xuống là ngủ như chết. Cả tiểu đội đang chìm trong giấc ngủ thì bỗng nghe hàng loạt tiếng nổ, mở mắt ra thấy chớp khói liên tục, mặt đất giật giật như có thể vỡ ra được, đất bay rào rào, loạn xạ, cây cối đổ ngổn ngang. Trong tiếng nổ rầm trời đó, có ai hô to: “B52!”- Tiếng ai đó kêu lên chưa dứt thì lại tiếp hàng loạt tiếng nổ, đất trời như bị sụp xuống bởi những tia chớp sáng xanh. Những tiếng nổ liên tiếp của hàng loạt trái bom B52 nghẹt thở. Mảnh bom xé gió bay vun vút, khói lửa sặc sụa. Tôi chưa định hình ra làm sao, chỉ biết nằm úp mặt xuống đất, hai mắt nhắm nghiền. Tôi nghĩ, nếu bom nổ thế này có thể chết mất, không bị mảnh cũng bị sức ép, mà chết cũng mặc, chẳng biết đi đâu bây giờ. Tiếng bom đợt một vừa nghớt. Tôi ngẩng đầu lên quan sát thấy chiếc màn bay đâu mất. Anh thực đi đâu rồi. Mà sao chẳng nghe tiếng gì cả. Tôi gọi Lệ dậy để báo có bom B52 nhưng lay mãi mà Lệ không dậy. Sờ vào người Lệ thấy máu chảy đầm đìa. Lệ bị mảnh bom hy sinh ngay loạt đầu. Vừa lấy tay lay nhẹ Lệ thì có bàn tay nào đó túm vào vai áo tôi lôi dậy chạy. Tôi như cái máy, chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy theo bóng người đó như thôi miên. Chạy được một đoạn vài chục mét, người đó dí tôi xuống một cái hố mà tôi biết có thể là cái hố bom. Tôi và người đó vừa lăn xuống hố thì lại một đợt B52 tiếp tục. Người đó nằm lên tôi. Đất trời rung lên bần bật khiến tôi mất đi cảm giác, cũng chẳng biết mình đang như thế nào. Hơi bom quất mạnh làm cho người tôi bị sức ép, khó thở. Mọi cảm giác dường như bị tê cứng. Tai ù đặc, mũi nghẹt thở. Mắt cay xè. Người lảo đảo, liêu xiêu. Tôi không thể cảm nhận và nhìn mình xem có bị thương hay không nữa. Mọi giác quan như tê liệt, không phải vì sợ hãi mà sức ép của bom quá lớn. Tôi chỉ biết tựa mình vào vách hầm cho đỡ thở. Vừa dứt tiếng bom là bóng người đó lại chạy đi. Dưới ánh trăng vàng ệch và bị che phủ của hơi bom mịt mù, tôi thấy nằm cạnh tôi có môt số người. Tôi cũng không nhận ra ai nữa, và cũng quá mệt nên cũng chẳng hỏi han được ai. Nhưng tôi đoán đó là bộ đội, có người còn sống, có người bị thương, có người hình như đã chết, nằm còng queo. Tôi có cảm giác như đang ở giữa thế giới xa lạ, môt địa ngục trần gian của sự hủy diệt và chết chóc. Tôi thấy đau nhói trước ngực, sờ vào thấy máu me đẫm ướt cả áo, chân trái nhức đau, sờ xuống cũng thấy máu…Sau đó tôi thấy tai ù, mắt hoa và người bị lả đi không biết gì nữa.
 
Ngày hôm sau tôi tỉnh lại và thấy mình đang nằm tại bệnh viện 211 của Mặt trận. Bác sĩ cho biết, tôi bị thương vào chân, bị gãy xương sường và bị sức ép bom tương đối nặng. Cũng may gáo vẫn còn và mảnh đạn găm vào ngực nhưng chỉ làm gẫy xương sườn, chứ nó vào tim thì coi như đã hết. Sau đó tôi gặp nhiều người cùng đơn vị cũng bị thương nằm ở đây như Ngọ, Trự, Đức…Các bạn kể lại rằng, trận bom B52 xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ và thực sự ghê gớm. Đội hình của đơn vị chúng tôi nằm gọn trong tọa độ rải thảm của những chiếc pháo đài bay hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ. Đơn vị thương vong nhiều. Nhưng tôi thắc mắc là ai lôi tôi đi lúc đó thì không ai lý giải được. Lúc này tôi mới nhớ là chiếc ba lô của tôi đã mất. Có lẽ giá trị nhất trong chiếc ba lô ấy là những lá thư của Thoa, không còn nữa. Tôi vừa buồn vừa tiếc. Đã kinh qua bao nhiêu thời gian và đã đi qua bao núi, bao đèo, những lá thư của em vẫn luôn bên tôi. Tôi đã hứa với em là sẽ cùng sống chết với những lá thư đó cơ mà. Sau này, tôi đã nhờ bạn bè đồng đội tìm mãi mà không thấy. Đã nhiều lần tôi nhắn người về đơn vị cố tìm xem chiếc ba lô của tôi có ai cất hộ, nhưng không có tin tức gì.
 
Bệnh viện 211(là số cộng của bệnh viện 103 và bệnh viện 108) nằm sâu trên đất nước chùa Tháp Căm-pu-chia, giữa chốn đại ngàn trùng điệp. Con đường đi vào đây cách biệt và lặng lẽ. Có những dãy núi cao mây mù bao bọc ẩm ướt. Lán thương binh vách nứa, mái lợp cũng bằng nứa, nằm dưới tán rừng rậm rạp, dọc theo con suối  trong veo mát lành. Rừng đầy tiếng gió, tiếng chim. Từ mặt trận về đây không xa lắm nhưng quang cảnh hai nơi khác nhau hoàn toàn. Một bên xơ xác, tan hoang, một bên thanh bình, tươi tốt. Bệnh viện 211 có các bác sĩ chuyên khoa dày dạn kinh nghiệm trong việc cứu chữa thương bệnh binh. Nhìn thấy các bác sĩ mặc áo plu màu trắng, chúng tôi thấy phần nào vợi đi những lo lắng về vết thương của mình. Bệnh viện 211 có nhiều khoa và đóng trên các sườn núi của rừng già nguyên thủy.

Họ cứu thương và chữa trị cho biết bao nhiêu người được hồi phục về sức khỏe và trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Tôi được các bác sĩ mổ lấy mảnh đạn găm vào xương sườn và điều trị sức ép. Sau một thời gian điều trị, vết thương ở ngực lành dần, sức khỏe tôi dần được bình phục. Lúc bình phục, tôi có cảm giác chiến tranh như ở một nơi nào đó, rất xa, rất xa. Lẽ ra trong không khí này, tôi phải thấy yên ổn thoải mái nhưng ngược lại, lúc nào cũng bồn chồn nhớ đơn vị. Những tháng ngày gian khổ chúng tôi luôn có nhau. Tôi nghĩ đến tiểu đội đại liên yêu dấu, nghĩ đến đồng đội, những người bạn chia sẻ ngọt bùi cay đắng, buồn vui, sướng khổ có nhau. Loan, Trữ, Xuân, Dung, Chương… và bao nhiêu anh em nữa đang đội bom, đội đạn nơi mặt trận, biết ai còn, ai lại nằm xuống, có trận đánh nào mà không có hy sinh! Tôi lại an nhàn như thế này ư? Tôi mong mình nhanh khỏi để trở về đơn vị chiến đấu cùng những đồng đội thân yêu của mình. Tôi nhớ mọi người lắm rồi và chắc mọi người cũng vậy, mong tôi về lắm đây. Ở trong viện 211 này, có những người phải nằm điều trị lâu thường lo lắng, nóng lòng nghĩ về đơn vị, nhưng khi sắp xuất viện thì lại bị cảm giác lưu luyến rất khó tả níu giữ, nhất là khi đi chào và động viên những anh em thương binh còn nằm lại, khi cảm ơn các bác sĩ, y tá “ thầy thuốc như mẹ hiền”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM