Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 08:49:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Được sống và kể lại - Trần Luân Tín  (Đọc 81740 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #50 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:22:17 pm »

Nhật ký ghi:

13/6/1972.

Ngồi nghe anh Cương kể chuyện trường lại đi sơ tán ở Vĩnh Phú. Kể chuyện bài thi tốt nghiệp của các bạn, kể chuyện học hành của các lớp trong năm qua. Như được sống lại những ngày tháng ấy – đúng – tôi được trở lại ngày xưa qua mấy phút gặp mặt ngắn ngủi mà thân mật này. Các bạn đã tốt nghiệp và chờ phân công công tác. Cái cảnh tượng đợi chờ của các lớp thi ra hiện lên, gần gũi và thân mật vô cùng.

Anh Cương khuyên tôi nên cố gắng vẽ, cố gắng làm việc. Những lời khuyên chân tình, thấm thía với tôi bao nhiêu trong lúc này. Dẫu rằng những khó khăn của đời lính không phải không thể là lý do để biện bạch. Song thật xấu hổ, nếu lại đem những lý do khách quan để bào chữa cho sự sao lãng, sút kém của mình.

 Phải cố gắng nhìn sự vật bằng con mắt xoi mói của người làm nghề nghiệp. Biết nói gì hơn, phải cố gắng hơn nữa, cố gắng hết mình.

Ngọn lửa trong trái tim người làm nghệ thuật cháy bỏng không kém ngọn lửa trong tim người làm cách mạng. Khi đã để trái tim mình thổn thức cho mọi trái tim, ta cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa, có thể hy sinh hết, hy sinh ngay đến cả cuộc đời của mình. Không còn hứng thú gì để tính toán những cái vụn vặt nữa. Ấm áp bao nhiêu mỗi lần được trở lại bên trái tim của nghề nghiệp.

Hai ngày sau, đơn vị tôi được lệnh di chuyển sâu vào phía trong, nơi có bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn đóng.

Vượt qua sông Cam Lộ - thực sự đặt chân vào chiến trường.
 
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:26:52 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #51 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:22:38 pm »

HIU QUẠNH CHIẾN ĐỊA - ẤP CHIẾN LƯỢC -

CƠN MƯA BẤT NGỜ - NHỮNG VA QUỆT DẦU TIÊN.

       

 

NVTPHCM- Cao điểm Cao Hy nằm lọt giữa trùng điệp đồi cỏ ở phía tây Quảng Trị. Những đồi cỏ tranh khum khum nằm kề bên nhau, chúng tạo ra những khe sâu rậm rịt cây cối. Trong lòng khe có rất nhiều cây to như cổ thụ của rừng già. Bộ đội hạ trại, dấu quân ở  trong đó.

Dưới chân đồi là suối. Cây dại, lau sậy lúp xúp chạy theo bờ suối. Thi thoảng có vài trảng đất bằng phẳng, lùm xùm những bụi ớt chỉ thiên quả chín quả xanh treo chi chít. Người giao liên khi dẫn chúng tôi đi qua, gạt tay lên chùm ớt, giới thiệu:

- Ớt của lính Pắc Chung Hy. Tụi nó ghiền ớt, đi tới đâu cũng lùng xục tìm ớt. Những ruộng này là tụi nó trồng từ lâu rồi, nó cứ rớt trái xuống rồi mọc cây lên vậy đó.

Ớt chỉ thiên của lính Hàn rồi sẽ góp phần sôi nổi vào bữa ăn của bộ đội ở Cao Hy.

Chúng tôi vừa đặt ba lô xuống đất, đã được nếm ngay một lọat pháo bầy dữ dằn. Tuy chùm đạn chỉ chụp xuống sườn đồi phía bên kia, nhưng tiếng đập chát chúa của nó cũng làm cho lính mới rụt cổ. Không khí phút chốc trở nên căng thẳng.       

Ở đây suốt ngày đêm ỳ ùng tiếng đạn pháo của hạm đội Mỹ từ ngoài biển bắn vào. Nghe rõ tiếng nổ đầu nòng bùm bùm của những khẩu pháo tầm xa. Chúng bắn giống như vãi đạn, như không cần phải tính toán. 

Trên bầu trời, không giây phút nào vắng tiếng rên ò ò của nhặng xanh, nghe rất mệt, ấy là âm thanh thường trực của máy bay trinh sát. Những chiếc OV10 và L19 lạng lờ nghiêng ngó, lâu lâu lại ngưng thở lao xuống, phóng một quả đạn khói để đánh dấu tọa độ cho pháo bắn, hoặc cho máy bay phản lực ùa tới trút bom.

Đứng trên đồi cao nhìn về phía thị xã Quảng Trị, thấy một vệt khói xám nằm ngang, dưới chân nó nhì nhằng những sắc mầu lúc tím lúc đỏ, biến đổi chầm chậm. Lúc này thành cổ đã bắt đầu phải chống chọi với những đợt phản kích dữ dội của địch.

Chúng tôi đào vội những cái hào nhỏ chặt lõm vào sườn đồi để bỏ tạm các thứ vật dụng. Ngay sau đó là những cuộc rải dây. B trưởng Điển lăng xăng, gương mặt lốm đốm rỗ huê của anh căng thẳng, lo lắng như ông anh cả trước đàn em còn khờ khạo.

Tiểu đội tôi đột ngột có thay đổi nhân sự, A trưởng Cầu chuyển sang đơn vị khác, không ai biết rõ là đơn vị nào. Anh Lâm, sinh viên nông nghiệp về làm A trưởng. Lâm người Thanh Hóa, mặt tròn, da ngăm đen, có điệu đi lắc mông ném chân rất ngộ nghĩnh.

  Kết nối xong mạng điện thoại thì bắt đầu chương trình củng cố hầm hào.

Anh Điển tập trung số lính chuẩn bị đi lấy tôn để làm hầm lại. Mọi người đứng quanh một gốc cổ thụ, anh nói:

-  Đi xuống dưới đó địa hình rất trống trải. Tôi dặn, phải đi thưa ra, nhìn nhau mà giữ đội hình. Bọn OV mù không dám bay thấp ở khu vực này. Khi anh em thấy nó bay ngay trên đầu mình thì phải dừng lại. Ra đường lớn, phải đi vào bên dệ đường, không được đi ở giữa đường. Nếu bị bắn pháo hiệu vào đội hình thì lập tức phải di chuyển thật nhanh ra càng xa quả pháo càng tốt. Hôm nay đồng chí Khúc dẫn anh em đi. Đi lần này không được phép thương vong, rõ chưa.

Mọi người nói: Rõ, rồi tản ra chuẩn bị lên đường.

***
Tác giả Trần Luân Tín (giữa) nhận Giải thưởng văn học

Hội Nhà văn TP.HCM 2010 cho Được sống và kể lại
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:30:21 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #52 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:31:47 pm »

Tôi quàng xanhtuyarông vào hông, vỗ vỗ bao dao găm mấy cái. Con dao và cái bao da rất thân thuộc, nó như là bạn vậy, tôi chỉ cần sờ tay thôi là nhận được ra nó,  giữa một mớ những bao dao khác.

Lội qua con suối rộng, băng qua hai quả đồi rồi xuyên xuống dốc, theo con đường mòn lần lần đi về phía đường 9.

Hiu quanh vô cùng. Sau này, dù trải qua bao nhiêu gầm rú ồn ào của bom đạn mà ký ức về Quảng Trị trong tôi vẫn cứ là hiu quạnh.

Đồi trọc bị xé nát, càng xuôi xuống gần đường 9 thì càng tan nát. Bắt đầu có mùi thum thủm của thịt động vật trộn trong mùi khét tanh của thuốc nổ.

  Đoàn người tiến ra đường đất lớn, con đường được địch xẻ đồi cho xe tăng chạy, bây giờ lổn nhổn hố bom hố pháo. Những tảng đá ong bị bật lên, cháy đen như sỉ than.

Ấp chiến lược. Ánh nắng bị dội ngược vì những tấm tôn sáng lóa. Tiếng i u của máy bay trinh sát rung rung trong vách tôn làm cho vắng lặng như nở rộng thêm. Chúng tôi lặng lẽ đi qua cái cổng chào dựng bằng gỗ xiêu vẹo, tiến vào những khu nhà của phim họat hình.

Mọi thứ đều vô cùng lạ lẫm. Dường như tất cả vật dụng gia đình đều được làm bằng nhựa.

Sồi lấy chân hất chiếc chiếu nhựa mầu đỏ tươi, nói:

-  Nằm trên này, mồ hôi tháo ra thì bằng tắm à.

Hạnh bảo:

-  Nhưng mà nó bền, bao giờ mới rách được.

  Sách vở, giấy báo rải tung tóe khắp nơi. Có rất nhiều sách bói toán, sách xem chỉ tay, xem tướng mặt, xem nốt ruồi … Lịch in chữ tầu, ngày tốt ngày xấu, những lời khuyên kiêng cữ đủ điều. Rồi vô số tiêu đề quảng cáo cho đủ thứ thuốc, thuốc làm nở vú, thuốc tránh thai, kem chống nắng, kem xóa tàng nhang v.v…

Trời đất! Tôi thực sự thấy mình lạc vào một thế giới hoàn toàn khác với cái thế giới của quả đất quen thuộc.

Bao nhiêu con người bị lùa đến sống trên lưng quả đồi này. Những dãy lều tôn nóng bỏng được quây chặt bằng rào kẽm gai. Những cái nôi nhựa và những con búp bê nhựa lăn lóc trên nền đất khô bụi.

Huy gọi Tuấn: “Tuấn ơi, xem này”. Tôi cũng ngoái nhìn. Một tấm lưng trần nghiêng nghiêng lộ ra một bầu vú và cái núm hồng. Một cặp mắt con gái Á Đông nhìn ngước lên tình tứ.

Tuấn nhíu cái mũi to:

-  Thích không?

-  Thích gì…? Giấy chứ gì mà thích!

B phó Khúc ở bên kia vách nói vọng sang:

-  Làm khẩn trương mà về, các tướng. Nó ục cho vài quả bom thì ở đấy mà thích.

Chúng tôi tháo tôn ra rồi cuốn thành cuộn, nhổ những cột rào sắt bó lại.

Đám người loay hoay, lúi húi trong cái lặng ngắt của không gian và tiếng ỳ ùng của đạn pháo.

***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #53 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:33:37 pm »

 Đường về, ba người đi thành một nhóm. Mỗi nhóm cách nhau khoảng 50 mét. Những cuộn tôn trắng lắc la lắc lư, lặng lẽ di chuyển giữa trời nắng buồn buồn.

Chợt nghe ục một cái, tiếng nổ ngay ở dưới chân, một cột khói trắng lòa dựng lên trước mặt. Lập tức mùi khét tanh xộc thẳng vào mũi. Tiếng Mến thét: “Chạy đi… pháo hiệu đấy !”. Tôi thả cuộn tôn, nhìn lên thấy bàng bạc, chợt nhớ là phía bên phải thấp hơn bên trái, thế là quay ngang, co chân lao xuống.

Chạy thục mạng, chợt nghe một tiếng khạc dài ngang trên đầu, tôi vội nằm nhoài xuống đất. Tiếng khạc của động cơ máy bay vừa dứt, hai tiếng nổ nối nhau quất rầm rầm như quất thẳng vào đầu.

Anh Khúc thét:

-  Tất cả nằm tại chỗ. Có lệnh tôi mới được giậy… Có ai sao không?

Mến gào lên, gọi tên từng người. Những tiếng đáp: có…có…có vọng lên đây đó trong khói bụi mịt mờ. Cuối cùng là tiếng của cu Sồi:

-  Gẫy lưng rồi… Mến ơi, gẫy lưng rồi…

Tôi vội chạy lại, Sồi đang quỳ, hai tay chống xuống đất, lưng ưỡn lên. Thấy tôi, Sồi  đưa tay chỉ chỉ vào lưng. Tôi vuốt nhẹ trên lưng nó, không có máu, cũng không có vết cháy. Thọc tay vào trong áo thì chạm vào một mảnh gang bằng hai đốt ngón tay, may là nó chỉ nằm trên lưng thôi, cũng không còn đủ nóng để gây bỏng. Tôi cầm mảnh gang, đưa ra trước mặt Sồi:

-  Nó đây rồi, lưng không sao cả. Đứng dậy đi.

-  Lưng không sao hả anh… Cha tiên nhân nó, chưa làm ăn gì, tưởng mất cái lưng rồi!

Sồi vừa nói dứt câu, thì một tiếng khạc dài nữa vụt ngang qua đầu, hai thằng nằm xập ngay xuống, tức thì hai quả bom nữa nổ tung, lắc rung cả quả đồi.

Bom nổ vừa xong, nghe tiếng B phó Khúc hét lên:

-  Tất cả khẩn trương vác tôn, đi tiếp. Chạy thật nhanh lên… anh em!

Vác tôn huỳnh huỵch chạy, vượt qua sườn đồi, lao sang tới khe của quả đồi thứ hai thì dừng lại. Tôi hỏi B phó:

-  Sao anh biết nó không ném bom nữa?

-  Làm sao mà biết được. Nhưng thấy khoảng cách giữa hai đợt ném bom như thế , đủ cho mình chạy. Mà lúc khói bom chưa tan thì thằng OV mù sẽ không thấy mình.

Chà, đi lính trước tôi có một năm, cũng lần đầu vào chiến trường mà sao khôn thế.

 ***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #54 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:34:17 pm »

Ngày hôm sau chúng tôi làm hầm. Hầm chữ A, cột kèo đều bằng sắt, ốp tôn kín lại rồi phủ ụp đất lên trên, đất dầy đến 2 mét. Hầm này phải là bom tấn mới đánh sập được, đạn pháo thì chấp.

Nối liền với cửa hầm chữ A là căn hầm sinh họat. Nó được đào thành hình vuông sâu lút đầu, mỗi cạnh dài 3 mét. Bên trên có mái che, lợp bằng lá cỏ tranh. Ba người ở trong một căn hầm như thế. Ba cái võng mắc song song nhau. Súng và ba lô đều có giá để, rất ngăn nắp.

Những ngày này chúng tôi thường được ăn cá suối. Mến rất chăm, xẩm tối là xách giao găm đi chém cá. Hạnh thì sáng chế ra món ăn lạ. Nó lấy cháy cơm, chà ớt lên mặt cháy rồi xát muối vào, biến miếng cháy thành một món nướng cay mặn. Nó bẻ ra trân trọng chia cho mỗi người, vừa phân phát vừa chép miệng: “Thịt bò khô đây, chỉ thiếu tý dấm thôi… ăn dè nhá, các đồng chí!”.

Rồi đi tải dây điện thọai liên tục. Những chuyến đi ngược lên đường 9, lên làng Cùa, đường dài hơn hai chục cây số. Mỗi người chịu trách nhiệm hai cuộn dây, cõng hoặc gánh, sáng đi tối về. Thường về đến nơi thì đã khuya rồi, đặt lưng xuống võng là chìm ngay vào giấc ngủ.

Đêm ấy, tôi giật mình choàng tỉnh vì cái lưng chợt lạnh buốt như có lưỡi dao cứa vào. Thì ra là nước. Nghe tiếng nước ồng ộc xối xuống. Bên trên có tiếng người nhốn nháo. Tôi bật nhẩy khỏi võng, gọi to:

-  Mến, Sồi, dậy, dậy! lụt rồi !

Nghe thùm thùm hai cái, hai thằng rơi xuống nước.

Sồi hớt hải:

-  Cái gì thế, anh Tín, cái gì thế?

-  Nhanh nhanh, mang súng ba lô chạy lên, hầm sắp ngập rồi.

Sồi nhào tới, lập bập tháo sợi dây võng.

Mến hét:

-  Kệ nó, võng không sao đâu. Mò súng đi.

Nước lên rất nhanh, thoắt cái đã lút gần tới ngực tôi.

Có ánh đèn pin loang loáng. Tiếng anh Điển ý ới, tiếng Tuấn mũi to vừa nói vừa cười ngay bậc thang cửa hầm:

-  Sồi ơi, thành cá chưa? Không muốn lên nữa phải không.

Ba thằng chuyền ba lô, chuyền súng lên cho Tuấn rồi cùng thoát ra khỏi hầm. Trời tối đen, nước mưa dập xuống nặng trịch. Ngoài xa, những chớp đạn pháo nhì nhằng xé rách màn đêm. Tôi mò mò lấy tấm ni lông trong ba lô ra, choàng vào người rồi mới đứng thẳng lên được.

Đứng mỏi thì ngồi, ngồi thu lu đợi mưa tạnh, đợi trời sáng. Ngồi nhớ mưa gõ trên mặt đường, có những bắp chân trần trắng muốt, bước đi vui vui… Dưới mưa lạnh thấy mình nhỏ bé lại, tuổi thơ như vẫn ấm ở trong ngực mà chuyện ngày qua đã xa lắc tận đâu.

Trận mưa đầu mùa đã đẩy trung đội tôi lâm vào cảnh đói ăn. Gạo ướt hết dù đã huy  động tất cả nilông trải ra để phơi. Gạo nở bung, bắt đầu chua. Đã hai ngày phải húp cháo hẩm rồi.

***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #55 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:34:43 pm »

Anh Điển gọi tôi lên giao nhiệm vụ: “Cậu đi kiếm gạo cho đơn vị nhá”. Anh trải bản đồ ra, rà rà ngón tay trên đó, nói:

-  Phía bắc đường 9, ở đây… có một cái trạm giữa của B anh Hồng. Ngay cạnh trạm này là kho tạm của ban hậu cần, có gạo. Cậu đi cùng Sồi, xin vài ruột tượng về cấp cứu cho đơn vị. Ba ngày nữa xong đợt công tác cao điểm, ta mới ra Cứ lấy gạo được. Đã rõ đường đi chưa?

  Tôi nói: Rõ! Rồi cùng Sồi hùng hục lên đường.

Hai thằng đi vào vùng chiến địa vừa mới trở thành cũ, những quả đồi cháy khô, trọc lóc vẫn còn hiu hiu mùi đạn lửa. Lâu lâu gặp xác những con bò nằm vật giữa đường, xương sườn còn chưa rơi xuống, còn nghểnh lên như những cái gọng vó.

Rồi gặp đàn bò sống, những con bò gầy, bụng hằn những vòng xương vồng cong như những vòng nẹp thúng, năm bẩy con đứng tụm lại với nhau, ngơ ngơ ngác ngác. Chúng là bò nhà tự dưng biến thành bò hoang. Bom đạn làm cho chúng thất thần.

Những trận địa pháo của địch vẫn còn nguyên vẹn. Nòng của các khẩu đại pháo nghênh nghênh, chúng chúm miệng hút gió đồi ù ù…

Sồi đi bên cạnh tôi, bước đi của anh chàng nông dân Hải Dương dài và mạnh, nghe lịch phịch như là dằn dỗi. Cu Sồi lúc bình thường không hay nói, nhưng khi được khơi đúng mạch thì say sưa bất tận. Nhân lúc chỉ có hai người, mà thời gian thì trống không, Sồi chầm chậm kể chuyện tình của mình cho tôi nghe. Thực ra nó là cuộc chiến trước ngày đi lính của một chàng nông dân trẻ.

-  Em chưa có người yêu nhưng tý nữa là có vợ đấy!

-  Chắc ông bà sợ mất giống chứ gì?

-  Vâng. Chính xác thế.

Rồi Sồi kể, bằng cái giọng vừa chắc cục vừa phụng phịu.

Cô gái được bố Sồi chọn cho con trai là một thiếu nữ xinh nhất trong thôn, cô hơn Sồi một tuổi. “Người mau mắn, vú to như cái giành”. Cô gái rất thích Sồi. “Làng còn mấy thanh niên đàn ông nữa đâu mà…” Giàn xếp một hồi, rồi đêm nọ hai người gặp nhau.

Rạng cây Điền thanh, cánh đồng quê mênh mông, trăng rất sáng. Cô gái nói nhiều, còn Sồi thì ngồi bứt cỏ. “ Trong bụng không thông suốt thì cái đầu nó nghẽn anh ạ, chẳng biết nói gì”. Đêm về khuya, trời đất râm ran. Cô gái lặng lẽ tựa vào vai Sồi, rồi tự mình từ từ mở từng cái khuy áo của mình. Chàng trai lặng người. “Em thương quá anh ạ. Em gục vào ngực cô ấy… nó như là cặp lợn con… Thế là cô ấy khóc nấc lên. Em sợ, phải đứng ngay dậy, kéo cô ấy lên, cài từng cái khuy áo lại…”.

Sồi lấy trong túi ngực một cái bì thư đưa cho tôi. “Em nhận được thư từ hồi còn ở Hà Tĩnh mà không trả lời, sợ người ta thêm hy vọng”. Cái phong bì tự làm bằng giấy viết học trò, có vẽ một đôi chim bồ câu ngậm mỏ nhau và một dòng thơ nắn nót: “Xa nhau tình cảm dạt dào, nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”.

Thư kể chuyện quê nhà làng xóm. Nét chữ tròn trịa của một người con gái đằm thắm. Lá thư được viết dưới trưa hè có tiếng thân tre cựa mình cọt kẹt... Cuối thư có hai câu thơ “ Gần nhau cảm thấy bình thường – Xa nhau mới thấy tình thưong dạt dào”. Rồi lời chúc hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hỏi:

-  Thế có hứa hẹn với nhau chưa?

-  Không. Bố em làm căng lắm, còn bắt xã đội phải can thiệp cho cưới rồi mới đi cơ mà… Nhưng em thì không, cũng chẳng hứa hẹn gì cả, biết có sống được không mà hứa… Quê em nhiều bà góa trẻ lắm, khổ lắm!

 Tôi đưa lại lá thư cho Sồi. Đường 9 đã hiện ra trước mặt. Nắng kéo căng con đường dài đuỗn ra, mặt đường rung rinh như bốc khói.

***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #56 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:35:15 pm »

Bên kia đường 9, cách một khoảng đồng trống là làng Cam Tuyền.

 Sồi tìm ra sợi dây điện thoại chạy dọc theo bờ ruộng. Hai thằng đi theo sợi dây về phía đông bắc. Đường dây chạy tọt vào một cái lán nhỏ nằm sát bìa làng. Lán được che bằng vài tấm ván ép Mỹ. Bên trong lán có hai cái salông bọc da mầu nâu to bè, kê cạnh một chiếc bàn gỗ. Vài cái ly nhựa rất to đứng khụng khiệng trên mặt bàn.

Tôi hỏi với xuống căn hầm kèo: “Ô…! Có ai không?”

Nghe lịch kịch, rồi có tiếng nói vọng ra:

-  Gì thế! Ai đấy? – Cái mặt thằng Thịnh thò ra từ trong cửa hầm tối om. Thật bất ngờ. Hai thằng ôm chầm lấy nhau. Gặp bạn cũ như là gặp lại mình vậy. Thì ra, biết Thịnh trực ở đây nên B trưởng Điển mới cử tôi đi chuyến này.

Ba chiến sĩ ngồi xuống salông. Thịnh nói: “Uống trà nhá !”

-  Có trà cơ à ?

-  Ừ, bên kho hậu cần thỉnh thoảng chúng nó cho bọn mình.

Thịnh lúi húi nhóm bếp nấu nước, pha trà. Hương trà Bắc trong chớp mắt kéo vụt tôi trở về dưới gốc cây xà cừ trước cổng trường, quàn trà 5 xu, những thằng bạn… bà lão bán nước nghễnh ngãng.

Thịnh cười cười bầy ra mặt bàn vài thỏi lương khô 702, loại đặc biệt của sĩ quan.

-  Cái này nhắm với trà hay lắm.

 Nó vẫn đĩnh đạc như thế, ngay cả bộ quân phục nó mặc cũng phẳng phiu ngay ngắn, còn tôi thì nhăn nhàu, Sồi thì xộc xệch. Đúng là người nào của nấy.

Đang khề khà vui chuyện thì thình lình một loạt pháo bầy dằn xuống, gầu gầu như chó cắn. Ba thằng tụt xệp ngay xuống đất, tay vẫn khư khư cầm cái cốc nhựa.

-  Ở đây pháo có dập thường xuyên không ?

-  Chỉ cầm canh thôi.

-  Cầm canh mới mệt, bất ngờ, không biết đâu mà lần.

-  Ừ, may hơn khôn thôi.

Thịnh đãi chúng tôi một bữa cơm trưa tuyệt hảo. Có rau dền, những cây rau dền mọc lẩn lút ở góc mảnh vườn nát bét. Lại có mỡ lợn thật sự nữa, mỡ lợn béo làm cho thứ mắm tôm cục gay gắt phải dịu đi, ngậy thơm lên. Thật là một bữa cơm ngon. Tôi với Sồi thi nhau ních căng bụng.

Sau đó, chúng tôi hỳ hụi đóng gạo vào đầy sáu cái ruột tượng, lấy hết sạch gạo của Thịnh. Tối nay nó sẽ sang kho hậu cần xin bao khác. Thịnh bỏ vào một cái bao cát Mỹ vài lon thịt hộp, vài thỏi mắm tôm, một ít đường, vài lon sữa bột và hai bao thuốc lá, đại loại là vét tất cả những gì nó đang sở hữu để tiếp tế cho các chiến hữu ở phía trước.

Chào nhau. Trở về đường cũ. Qua khỏi đường 9, tôi ngoái lại, thấy Thịnh vẫn đứng bên những tấm ván ép chống nghiêng của cái lều bé tý tẹo, đơn côi.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #57 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:36:33 pm »

NHỮNG THỬ THÁCH BAN ĐẦU

-  CHUYẾN TRINH SÁT ĐỊNH MỆNH  -  NHẬP CUỘC.

 

 

Một chiều, lúc trời sẫm xuống, tôi tranh thủ chạy ra suối tắm trước lúc ăn cơm. Bên bờ suối đã có Sồi, Huy, Mến ngồi dưới bụi lau, cả ba có vẻ lặng lẽ khác thường. Thấy tôi, Sồi nói:

-  Anh Tín, hỏi anh cái này cái.

Tôi đi đến. Sồi đưa cho tôi một tờ giấy gập tư. Lại một bức thư, vẫn là nét chữ ấy. Lòng tôi thắt lại, có một dòng điện đi ngược làm cho lún chân xuống. Những nét chữ tròn trịa như là hơi thở bình dị… đã không giành cho chúng tôi lúc này.

-  Có nên trả lời không? Em thấy sốt ruột.

Tôi hỏi:

-  Mến, Huy thấy thế nào?

Huy hơi hắng dọng như trong cuộc họp, rồi nói:

-  Đã không là không luôn. Người ta cũng như mình thôi. Nét chữ của mình, nếu mình chết thì càng làm cho người ta đau khổ hơn thôi. Hứa hẹn hay là từ chối bây giờ cũng như nhau mà!

Tôi yên lặng. Dường như biết tôi nghĩ gì, Sồi vung cả hai tay:

-  Thôi… tắm đã ! Rồi lội ào vào dòng nước. Nước suối vỡ ra, nắng vàng xuyên ngang, những lá cây bên bờ suối chợt  xanh lên rừng rực. Sồi hét:

-  Anh sẽ về ! nhất định anh sẽ về!   

***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #58 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:36:54 pm »

Ở Cao Hy, chúng tôi tuy chưa nhập trận nhưng rất vất vả. Ngủ ít, suốt ngày đêm ngược xuôi đi nối dây rồi đi vận tải. Tải dây điện thoại, tải gạo, tải đạn.

Con đường 9 trở nên thân thuộc. Mùa này đường 9 cuồn cuộn nắng, nó như là dòng sông lửa, hừng hực nóng. Ban đêm, con đường lặng lẽ vô cùng. Ngay khi bao nhiêu chớp lửa của bom đạn nhì nhằng náo loạn xé nát cả trời đêm, nó cũng vẫn lặng lẽ.

Có lần chúng tôi gánh dây điện thoại đi nhũng nhẵng trên mặt đường, ngang qua căn cứ Đầu Mầu, bầu trời đêm đang yên ắng, thì bất chợt pháo sáng xọet lên ngang trời. Ngay lập tức bom nện xuống.

Tất cả những người đang lộ thiên trên mặt đường đều nằm ụp xuống. Bom dứt thì chạy. Vai vác một cuộn dây, tay xách một cuộn dây, cắm đầu chạy. Thoáng nghe ù tiếng bom thì ném dây, bò nhoài ra. Đúng là chạy mất dép. Một chân mang dép, một chân không, tôi đạp phăng phăng trên sỏi đồi và mảnh gang  mảnh kẽm mà chạy.

Thoát được khỏi khu vực ném bom, mệt đứt hơi, tôi thả bịch người trong một cái hõm đất bên sườn đồi, thở. Có cái gì đó vướng vướng ở kheo chân, sờ tay, thì là chiếc dép. Chiếc dép lật úp ra phía sau bụng chân, hai cái quai hậu chưa đứt nên nó vẫn còn ở lại với tôi.

Công việc của lính thông tin phần lớn được thực hiện trần trụi trên mặt đất, vì thế phản xạ buộc phải nhanh chóng biến thành linh giác. Nghe bom nghe đạn bằng tai, bằng vai, bằng gáy, bằng cả toàn thân. Những kỹ năng giúp cho thoát thân như ngã, lăn, chạy được hoàn thiện rất nhanh và rất hoàn hảo.

***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #59 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:37:31 pm »

Đã hơn tuần nay, địch phản kích kịch liệt ở thành cổ Quảng Trị. Từ Cao Hy nhìn xuống, thấy những cột khói xám dựng lên như núi. Bầu trời căng như mặt trống. Tiếng nổ thì lùng bùng cuồn cuộn trong lòng đất.

Trung đoàn 95 của sư tôi đang chốt trong thành cổ.

Mỗi khi ngơi việc, tôi lại lặng nhìn bức tường khói ở phía xa xa. Nó cứ dựng lên, chỉ từ từ biến đổi hình dạng chứ không hề xẹp xuống. Có bao nhiêu lưng áo mầu xanh đang hý húi ở trong đó.

Tôi không có cảm giác sợ hãi, lòng cứ đằm đằm, lằng lặng. Bây giờ mọi cái đều là thực, không còn là chuyện kể nữa. Những PaVen, Ruồi trâu, những cao thượng, sắt thép và nhân hậu… đang đối diện với sống và chết ở trước mặt.

Suốt ngày, tôi xắn cao hai ống quần lên đến đầu gối vì nóng và vướng víu. B trưởng Điển bảo tôi: “Da Tín dạo này đỡ trắng nhiều rồi đấy!”. Ngày trước da tôi trắng còn hơn con gái. Hồi đi học, mỗi khi đến giờ tập bơi là ngại ngùng vô cùng. Ngồi nhìn cái bắp chân của mình, cả cái gót chân nữa, tự dưng thấy thân thiết. Lâu nay chẳng khi nào để ý tới chúng… Sẽ còn bôn ba với nhau nhiều nữa. Không biết những gì đang chờ ở phía trước.

***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM