Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:33:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Được sống và kể lại - Trần Luân Tín  (Đọc 81516 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #150 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:12:04 pm »

Rừng cao su thảng lảng như võng chao. Suốt một chặng dài, trong hoàng hôn, người lục tục thu gom xác chết.
Có những chiếc xe tăng lặng im nằm như ngủ, trên lưng phủ một lớp lưới dù, lộ ra cái nòng pháo dài lực lưỡng. Không biết chúng vào đây từ lúc nào. Thị trấn Long Thành đã gần rồi, đã nghe vẳng tới tiếng đì đụp của súng bộ binh.
Gần thị trấn có một thôn nhỏ, bộ tư lệnh trung đoàn 101 dừng lại ở đó. Loáng thoáng ánh đèn pin, lóe lên rồi phụt tắt. Trong sân một căn nhà khá lớn, một đám lính mặc đồ rằn ri, khuỷu tay bị trói giật, lốc nhốc ngồi thành hai hàng.
Một bộ đội và hai du kích cầm súng đi qua đi lại canh chừng đám tù binh. Lát sau một người từ trong nhà đi ra, nói với anh du kích vận bộ đồ đen:
-  Bộ đội đang rất khẩn trương chuẩn bị chiến đấu nên chúng tôi giao lại tù binh cho các đồng chí, chuyển chúng về tuyến sau, được không?
-  Dạ được, anh để tụi tui lo…
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #151 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:12:33 pm »

Sáng tinh mơ ngày 26 tháng 4, đạn nổ dữ đội.
Trời còn chưa sáng, đường đạn đi thành vệt, đập vào tường gạch tóe lửa.
Bộ đội thuộc D2 của E101 đợi xe tăng lên để cùng tấn công. Áo xanh, balô, súng ống lịch kịch trong căn nhà ở đầu con đường đất đỏ, con đường từ rừng cao su chạy xuyên qua thị trấn.
Tôi chộn rộn trong đám người nhễ nhại mồ hôi. Chuẩn bị máy ảnh. Lấy cuốn sổ tay trong túi cóc balô ra, bỏ vào xàcột để sẵn sàng quăng balô lên xe tăng.
Chiếc xe tăng đầu tiên cuốn xích rầm rầm bò tới, nó dừng lại trước thềm nhà. Một tổ bộ binh xách súng và balô chạy ra. Tôi vừa nhổm lên thì tiểu đoàn phó đặt tay lên vai tôi : “Ông lên cái sau. Cái này là cái xung kích, bố trí cả rồi”.
Trên mỗi chiếc xe tăng, ngoài số lính ở trong thùng xe (lái xe và pháo thủ), còn bố trí thêm một tổ bộ binh nằm ở bên ngoài, kê balô mà bắn. Tôi nói mãi mới được đồng ý cho lên xe để chụp ảnh (nếu có thể sắp xếp được).
Một chiếc tăng rùng mình trườn tới. Chiếc thứ hai, rồi chiếc thứ ba… nhân lúc chộn rộn, tôi lẹ làng quăng balô lên thành chiếc tăng vừa dừng lại, đu người nhẩy phắt lên xe. Buộc xong dây balô vào cái móc sắt thì nghe tiếng quát bên tai: “Đơn vị nào, sao lại lên đây ?”
Quát tôi rồi, người ấy quay sang tiểu đoàn phó đang đứng dưới xe:
-  Chật lắm, không xoay trở được thì đánh nhau làm sao hả thủ trưởng?
Tiểu đoàn phó nhăn mặt vẻ khó xử, rồi anh chống mạnh hai nắm tay vào sườn:
-  Thôi đồng chí ở lại, đi chuyến sau, thế nhé! -  nói rồi quay lưng chạy sang chiếc xe khác.
Tôi chần chừ. Cái xe tăng giật mạnh, bắt đầu lăn xích. Một bàn tay đẩy vào lưng tôi:
-  Xuống đi nào, thông cảm nhá!.
Một lọat đạn quét chéo, cắm bụp bụp vào căn nhà bên kia đường, tôi lui vào hiên nhà, ngồi thụp, tần ngần nhìn theo chiếc xe tăng đang quay xích bắt vào khúc cua. Vài người lính bộ binh ôm súng lom khom chạy sau xe.
Chợt chiếc tăng đỏ rựng lên, rồi xanh lè, ngay sau đó là một tiếng xòa rợn gáy. Toàn bộ khối sắt mầu xanh lá cây phút chốc tối sậm xuống, đen thui. Chắc chắn không một người nào sống sót. Chiếc xe tăng còn chưa vượt được hết khúc cua.
Như bị thôi miên, tôi rút khẩu súng ngắn nắm chặt trong tay, cúi gập người lách theo những hiên nhà, lao tới chổ khúc cua, chỗ chiếc xe tăng nằm bất động. Tôi nhoài người sau bức tường đổ, rướn mắt nhìn theo hướng của con đường đâm thẳng lên.
Có một ngã ba cách chỗ tôi nằm khoảng non một trăm mét. Chính giữa ngã ba, bên kia đường nhựa là một cái lô cốt chìm. Ba lỗ châu mai của lô cốt chỉ cao hơn mặt đường một chút, bên trên phủ bao cát cong vồng. Ba cái lỗ châu mai đang bập bập khạc lửa.
Những chiếc xe tăng lên trước đâu rồi, làm sao qua nổi làn đạn chống tăng của cái lô cốt ngầm này. Có lẽ lần đầu tiên thấy xe tăng bộ đội, địch choáng, không kịp phản ứng. Những chiếc tăng đã vượt qua, tiến lên phía trước.
Bên kia đường, hai tên lính Ngụy mặc đồ rằn ri nhẩy phốc qua một bức tường đổ, chạy vụt vào trong ngõ. Một ông già cong lưng ôm khẩu M79 luồn qua cửa căn nhà, biến mất.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #152 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:13:23 pm »

Phía sau có tiếng gầm của một chiếc xe tăng đang cuốn bụi bò lên, năm ba người lính kẹp súng lúp xúp chạy theo xe. Chiếc tăng hạ ngang  nòng pháo, phụt đạn. Đại liên và các lọai súng trên xe cùng nã đạn. Cả một khối hỏa lực rần rần xốc tới.
Tôi lật nghiêng người, đưa máy lên ngắm. Khói bụi mịt mù, mầu xám, mầu vàng. Khối sắt lừng lững trườn tới, những người lính lom khom ... Tôi bấm máy rồi bò thốc tới trước, khoảng bốn năm cái mặt tiền nhà để quay mặt nhìn lại.
Quá hào hứng, tôi đứng thẳng lên, dịch ngang hai bước ra giữa hè phố, bấm xọach một cái rồi lên phim, vừa ghé mắt vào máy thì toàn thân dựng ngược, lưng đập xuống đất, mọi âm thanh phụt tắt.
Đầu thung thinh như mơ ngủ, tôi bật dậy, thoáng thấy hai ba cái áo xanh vụt qua, thấy một cột khói ngút lên trước mặt, rồi bên phải bên trái đều bung khói. Tôi vội lăn tới sát hiên nhà, quàng chân chạy vụt vào trong ngõ.
Một bên má trái rân rân, con mắt trái mờ đi. Tôi sờ tay lên mắt, không có máu. Má trái thì cháy rồi, cảm giác sùi sùi dưới những ngón tay. Rồi tiếng ve ré dựng lên trong tai, tôi lọang chọang ngồi phịch, dựa lưng vào tường một căn phòng nhỏ.
Vẫn là quá may mắn vì quả đạn cối cá nhân nhằm vào tôi đã thả trượt. Loại súng này được mệnh danh là “Thả lỗ đáo”, nó bắn mục tiêu gần thì chính xác như là thả đạn vào lổ.
Nhớ tới cái máy ảnh, tôi giật mình, tính lộn lại tìm thì nhận ra bàn tay phải nằng nặng. Cái máy vẫn được bàn tay  giữ chặt, nắp máy bung toác ra, kính vỡ, ống kính thì méo xẹo. Thôi thế là chẳng còn gì nữa.
Buồn quá, thất vọng quá chừng, tôi muốn bật khóc.
Ngước nhìn lên trời bằng một con mắt, thấy vài cụm khói xám từ từ tản ra trên cái nền xanh thăm thẳm. Tiếng ve róng riết trong tai cứ đẩy cái đầu tôi lùi xa mãi ra. 
Lại ngồi giữa chiến địa. Quanh tôi lặng ngắt. Một cái bàn gỗ, bên trên còn nguyên mâm cơm chưa kịp ăn của nhà ai đó. Con búp bê tóc vàng nằm dưới đất, hai cánh tay mũm mĩm giơ lên.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #153 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:14:08 pm »

Gia tài của tôi lúc này chỉ còn lại khẩu súng ngắn, cái xàcột đựng cuốn sổ tay nhỏ, cây bút bi, vài tờ giấy trắng nhặt trên đường và cái máy ảnh hỏng cùng với cuộn phim đã lộ sáng.
Không muốn bỏ cái máy mặc dù nó đã tàn phế rồi, tôi choàng dây qua cổ, thả thõng xuống trước bụng. Giống như hồi nhỏ … con gụ gỗ, những đồng xèng, cái cáttút pháo đập … khi chúng hỏng hoặc không còn chơi nữa, thường được cất giữ rất lâu.
Balô của tôi đã hóa tro bụi trong chiếc xe tăng bị bắn cháy, cùng với những người lính, cùng với người đã vỗ vai tôi bảo rằng “thông cảm nhá!”.
Tôi cố nhớ lại những khúc quẹo vừa chạy qua để định hướng, phía nào là con đường đất lớn, phía nào là lô cốt ngầm của địch. Bức tường nhà thi thoảng rung giật như rùng mình.
Thận trọng luồn qua những cửa nhà bỏ ngỏ. Hễ chân nghe đất rung thì liền ngồi thụp xuống. Bây giờ tôi không thể nghe để biết nên toàn thân căng lên, óc căng lên để định hướng. Mắt nhìn vào những tường nhà, những cửa, những bậc thềm lặng thinh. Từ từ đi như người mù, không khéo thì lọt vào khu vực của địch.
Tay tôi nắm chặt khẩu súng ngắn K54, nó tuy chẳng có tác dụng gì trong cuộc đụng độ này, nhưng có nó trong tay thì cảm thấy tỉnh táo hơn. Những cột khói tiếp tục dựng lên từ mọi phía. Tôi như lọt giữa mê hồn trận. Giống như những lần trước, sự vô vọng lại làm cho cái đầu tôi lặng xuống, lỳ ra.
Quyết định dừng lại, ngồi xuống để định tâm, tôi ngồi bệt trên bậc thang thứ nhất của một cái cầu thang nhỏ, bậc cầu thang được lát bằng gạch hoa xanh bóng. Nhìn nó, rùng mình chợt như thấy hơi thở của đời sống lành lạnh, lập tức cánh rừng cao su yên tĩnh vụt tới cùng gương mặt tái dại của Hội.
Những người chết trong rừng cao su không phải là chết ở trên chiến địa. Rừng lâng lâng như thế, yên ả như thế, bước chân trên đất ẩm nhẹ nhõm thế. Sài Gòn thì gần lắm rồi. Lời nói của người chính trị viên thật quá giản dị: “…VÀ CHIẾN TRANH SẼ KẾT THÚC”.
Tôi lôi tờ giấy trong cặp táp ra, viết một hơi:
                                                Không khóc được
vì gương mặt bạn nằm ngay trong mắt tôi
bắt giọt thương đau quay lại.
Ngực tôi đây Hội ơi Hội
trong bàn tay súng nóng ran.
 
Bao nhiêu cái lặng thinh
chúng mình đã cùng nhau hết cả
cho đến cái yên lặng cuối cùng
của rừng cao su hôm đó.
 
Bao nhiêu cái lặng thinh
chúng mình đã cùng nhau hết cả
cho đến cái yên lặng cuối cùng
trên đôi môi của Hội.
             ***
 
Đô thành chỉ có ngày mai thôi
chúng mình sẽ cùng đi trên phố
 
nỗi buồn bạn bè không nhỏ…
đất nước lớn lên.
 
Đô thành chỉ có ngày mai thôi
chiến hào nhớ tiếng súng Hội
nỗi buồi bạn bè không nói
chúng mình lớn lên.
 
Đô thành sẽ gần hơn
chúng mình xin hứa.
Đô thành sẽ gần hơn
chúng mình xin hứa …
                              26/4/1975.
Gập tờ giấy lại đút vào cặp táp, hai mí mắt căng lên, ráo hoảnh. Tôi biết nếu còn sống, rồi tôi sẽ khóc. Bây giờ thì không làm sao khóc được.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #154 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:14:59 pm »

CHÂN ĐI NGÀY MỘT NẶNG -
DÒNG ĐỒNG NAI XA XĂM.
 
Mãi khi trời nhập nhoạng tôi mới mò về được với anh em. Đêm 27, rồi suốt cả ngày 28 tháng tư, Long Thành ngập trong khói đạn. Đây là mũi tiến công nổ súng trước tiên, trong khi toàn bộ vành đai vây quanh Sài Gòn vẫn còn yên ắng nên địch có điều kiện tập trung kháng cự quyết liệt.
Rốt cuộc xe tăng cũng chà nát những lô cốt ngầm của địch. Mất các ổ hỏa lực trọng yếu, địch hẫng chân. Chiều ngày 28, tiếng súng thưa dần rồi lịm hẳn. Thị trấn bảng lảng như người vừa vượt qua cơn sốt.
Người chết nổi lên như cá nổi sau cú mìn nổ. Tôi cùng những người sống đi khiêng người chết và người bị thương. Phủi bụi trên áo quần của những con người đã cứng như gỗ…
Những thân thể bất động nặng trịch, những khuôn mặt tái ngắt lúc lắc trong cái võng bạt dưới vai tôi. Lòng trĩu xuống, nhớ những gương mặt cười.
Bộ đội hay cười, tuổi trẻ hay cười, cười tươi trên Trường Sơn mù mây, cười tươi trong cổ thành khét lẹt…Chắc phải có đến hàng triệu nụ cười như thế đã tái ngắt rồi.
***
Gần sáng tôi mắc võng ở hiên nhà, ngả lưng nghỉ một chút, một tiếng nữa sẽ lại lên đường. Mệt mỏi, yên ắng lập tức dìm tôi chìm vào giấc ngủ.
Ngày 29 tháng tư, dòng áo xanh lặng lẽ trôi theo con đường nhỏ xen giữa những xóm làng miền Nam, tiến về phía bến phà Cát Lái.
Tôi đi theo trung đoàn 101, trong hành trang có thêm một cây thuốc lá RuBy Queen , chiến lợi phẩm ở ngã ba Long Thành, nhặt từ  một cái quầy thuốc nhỏ đổ vật bên đường.
Xóm làng không còn bóng người. Hai ngày rung chuyển Long Thành, những người nông dân đã chạy tan tác. Những cây xoài, vú sữa, chôm chôm, sầu riêng dịu dàng ủ ấp nhau. Chó nâu, chó đen, chó vàng phủ phục trong sân vườn và trong hiên nhà ngoái nhìn người lạ.
Cuộc sống được xác định rõ ràng trong nhịp bước lạch bạch của những chú vịt xiêm. Gà vẫn gáy, chim vẫn lích chích trong vòm lá, những người lính bụi bặm lúi húi đi.
Vừa bước đi, ngắm nhìn, vừa lẩn mẩn nhớ đủ thứ…
Má tôi kể rằng tôi sinh ra trên một chuyến tầu hỏa chạy từ Tuy Hòa ra Bồng Sơn. Lúc ấy  trên tầu có một nữ y tá. Một góc toa tầu được ngăn che bằng vài chiếc chiếu, tôi chào đời bên những băng ghế gỗ tróc lở và tiếng lịch xịch buồn rầu của cái đầu máy già.
Chỉ sau vài giờ cảm nhận không khí ở ngoài bụng mẹ, tôi đã được biết tiếng nổ của bom. Má tôi lẩy bẩy ôm tôi nép dưới gầm bàn của người trưởng ga Diêu Trì… Những quả bom dội thẳng xuống đường rầy xe lửa.
Những chiếc máy bay Đacôta của Pháp ném tiếng nổ xuống, rồi đến những chiếc phản lực siêu tốc của Mỹ ném tiếng nổ xuống... Cuộc hành trình từ sơ sinh đến thành niên của tôi mịt mù khói đạn, chật đầy tiếng nổ. 
Hồi nhỏ, tôi cùng gia đình luôn phải thay đổi chỗ ở theo ba tôi, ông là cán bộ miền Nam tập kết, thuyên chuyển công tác liên tục. Những cuộc chia ly với bạn bè là những vết sẹo khắc hằn trong tâm hồn non nớt.
 
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #155 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:15:24 pm »

Con đường từ Long Thành đến Thành Tuy Hạ chìm trong mầu xanh. Mầu xanh như là nhớ thương, cứ gợi dậy dòng hồi tưởng lan man. Bộ quân phục nặng bụi đã nhiều ngày không giặt, cái máy ảnh hỏng đập đập trước bụng và con dao găm trung thành, khẩu súng ngắn, bi đông nước lạch xạch bên hông, tôi cặm cụi bước đi cùng những người lính còn sống cho đến giờ này.
Thành Tuy Hạ là kho bom đạn lớn nhất miền Nam, nó cách bến phà Cát Lái của sông Đồng Nai không bao xa. Bộ đội dừng lại đây để chuẩn bị vượt sông.
Tinh mơ ngày 30 tháng 4, pháo gầm lên dữ dội. Những chiếc xe tải chở xuồng cầu phao lắc lư vượt qua đoàn người đi bộ, lao về phía bến phà. Không có một chiếc máy bay nào, không một phát đạn pháo nào từ phía bên kia bắn ngược sang.
Trên bờ sông, những khẩu đại bác nòng dài đang giật giật nã đạn sang bờ bên kia. Vài chiếc tầu chiến đậu bên bến trúng đạn bốc khói đen ngùn ngụt.
Căn cứ hải quân Cát Lái có vẻ như đã tê liệt. Thi thoảng mới nống lên vài tràng đại liên như ngắc ngoải, rồi thì im bặt.
Dù vậy, pháo vẫn tiếp tục dội sang phòng tuyến địch để cho công binh lắp cầu phao. Tôi ngồi dưới một gốc dừa trong cái xóm nhỏ bên sông, ngắm nhìn dòng Đồng Nai nước đục. Sông Đồng Nai là đây, cái âm của tên con sông gợi lên sự xa xăm, mầu nước của nó bàng bạc buồn bã.
Vài chiếc thuyền gỗ ló ra ở mép sông rồi từ từ tiến về phía bến phà, nơi bộ đội đang loay hoay lắp những đoạn cầu phao đầu tiên. Một thiếu phụ dừng chèo, hua tay nói với lên bờ cái gì đó. Vài người lính bộ binh trong rạng cây chạy ra, họ trao đổi một hồi. Tôi thấy bộ đội từ trong xóm lốc xốc từng tốp kéo ra, những chiếc thuyền gỗ ghé bờ, Bộ đội lên thuyền.
Bến sông xôn xao, thuyền của dân mỗi lúc một đông thêm. Pháo đã ngừng nã đạn. Vài con thuyền quay mũi, dập dình đè sóng sang ngang. Vài khẩu thượng liên 12ly7 nhanh chóng được lắp ráp, đứng sừng sững ngay mép nước, sẵn sàng yểm trợ cho những con thuyền bé nhỏ.
Tôi hấp tấp chạy tới, lội ào xuống nước, trèo phắt lên một chiếc thuyền. Dập dềnh dập dềnh sóng, vài đám bèo lục bình trôi nghiêng nghiêng trên nước, cặp vào thân gỗ của con thuyền, chúng xoay xoay như là vui vẻ.
Vượt Đồng Nai, có một cái gì đó hào hùng lồng lộng trong những làn gió, gió sông mênh mông cuộn lên từng đợt. Lính tráng ngồi yên lặng. Đây là giây phút bước vào trận chiến cuối cùng.
Thuyền đẩy bờ sông tới gần, bắt đầu nhìn thấy rõ hàng rào kẽm gai và những dãy nhà lợp tôn của căn cứ hải quân Ngụy. Thấy rõ hai thây người mặc đồ rằn ri nằm tơi hơi trên mặt đường, con đường nghiêng từ mép sông hắt ngược lên rồi khuất sau rạng cây xùm xòa lá.
Phía sau, những nhịp cầu phao đang lập bập tiến tới. Xa tít bên kia, có hai chiếc xe chở đầy bộ đội đã leo lên nhịp đầu của chiếc cầu, như là sốt ruột lắm.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #156 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:17:15 pm »

Tôi nhẩy lên bờ rồi cùng những người lính sang sông đầu tiên tiến vào căn cứ hải quân. Nắng sớm đổ tràn từ những mái tôn xuống sân bê tông. Tất cả im phăng phắc.  Những cánh cửa mở toang, gió sông lùa vào đẩy chúng kêu kọt kẹt.
Nơi này đã trở thành một căn cứ rỗng. Chúng tôi kéo nhau trở ra để đón xe tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Đi ngang qua cái sân rộng, chợt có tiếng búa đập từng tiếng một, chói lên. Tôi khoát tay cho những người đi cùng cứ tiếp tục đi ra, rồi rẽ sang khu nhà có tiếng đập búa.
Một thanh niên ngồi xổm trên nền nhà đang cắm cúi phang từng nhát búa để chặt một cái xích sắt dài, cái xích thì vòng ôm lấy bánh của chiếc xe Hon đa. Người này đang muốn lấy cái xe này. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, tôi rút khẩu súng ngắn, rồi quát hỏi:
-         Làm gì đấy?
Người thanh niên giật bắn mình, quay lại, thấy tôi thì “Dạ” rồi đặt búa xuống, nhấc mông lùi khỏi sợi giây xích.
-         Lấy xe máy hả?
-         Dạ, cái này mấy ông lính bỏ lại. Bỏ uổng… Em…
Tôi hất hàm: “Tiếp tục đi”. Người thanh niên hơi ngỡ ngàng. Tôi hỏi:
-         Xe còn chạy được không?
-         Dạ được, em thử máy rồi mà.
-         Tiếp tục đi. Tôi trưng dụng xe này để đi vào Sài Gòn.
-         Dạ được, dạ hay quá… sắp đứt rồi đây anh.
Tiếng đập búa hối hả hơn, cái xe được giải phóng. Người thanh niên săng sái đạp nổ máy, mở nắp thùng xăng kiểm tra xăng “Còn gần đầy bình, dư sức vô tới nơi!”.
Tôi ngồi lên xe, gật đầu chào người thanh niên lúc này lưng vẫn còn khom khom lễ độ, rồi rà máy đi ra. Xe đam dễ điều khiển, không như những chiếc xe phải dùng tay côn mà tôi đã có lần làm cho dựng đứng lên khi tăng ga đột ngột.
  Ngoài đường, bên bến sông bộ đội đã sang sông rất nhiều. Áo xanh, súng đạn nhộn nhịp cả một quãng dài. Những chiếc xe tải lần lượt lăn bánh chở bộ đội tiến về phía Sài Gòn. Tôi lách xe bươn theo đoàn xe tải.
**********------ HẾT ------***********
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM