Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:18:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Được sống và kể lại - Trần Luân Tín  (Đọc 81701 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #140 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:04:48 pm »

TÂM TƯỞNG TRONG MÙI THƠM
NHỮNG ĐỊNH HÌNH LẠ LẪM
 
Người thanh niên lái xe tên là Trung. Anh tự giới thiệu tên mình rồi hỏi:
-  Anh vô Nam, thấy thế nào?.
-  Tôi vô tới Đà Nẵng sáng nay, cũng mới nhìn qua thôi, chưa thấy được gì.
-  Đúng rồi, hay quá!.
Tôi hơi ngạc nhiên:
-  Sao lại hay?.
Câu trả lời của Trung làm cho tôi nhớ lâu:
-  Tôi hiểu chữ thấy của anh. Nhìn chưa chắc thấy. Phải tìm hiểu mới thấy được. Cái đó mới đúng đó anh …
Người này có vẻ ham đọc, ham ngẫm nghĩ. Tôi hỏi chuyện gia đình, chuyện nghề nghiệp. Câu chuyện nhát gừng. Đầu và mắt  tôi đang căng lên để tìm trong những tốp áo lính thi thoảng xuất hiện trên đường, xem có người nào quen không.
Thành phố có nhiều điểm tụ đông người. Những đám đông xáo xác như kiến vỡ tổ. Những người sau cơn kinh hoàng chợt nghĩ đến lợi, họ hăng hái lao đi hôi của. Tiếng súng nổ dựng lên cũng chẳng làm cho ai giật mình.
-   Họ là người nghèo phải không? -  tôi hỏi.
-  Đủ thứ. Nghèo cũng có, không nghèo cũng có. Nhiều người lang thang, nhiều người có nhà có cửa đàng hoàng. Nhiều người thì lo xa... Cũng có người không chịu bỏ qua cơ hội. Mình có câu “Đục nước béo cò” mà anh.
-  Không ổn định nhanh, chắc sẽ có nhiều người chết!.
Hoang vắng của chiến địa lại ùa đầy vào não tôi. Những dáng người táo tác, nắng khô rêm rêm trên đường mặt nhựa, phố nhà chập chờn loáng thoáng lướt qua.
Những người đàn bà thân hình đẫy đà, những cô gái tươi tắn, những người đàn ông phương phi cưỡi xe máy như cưỡi ngựa, thảy đều căng thẳng, hối hả.
Chiến địa của người không phải chỉ là trên chiến trận. Không phải chỉ có chiến tranh của súng đạn. Chữ NGƯỜI tự nhiên nổi lên trong lòng tôi với một dạng thức buồn bã chưa bao giờ có. Tôi chợt thấy mình già hẳn, so với mấy ngày trước.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #141 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:05:09 pm »

Xế chiều, thành phố rợp cờ. Cờ Phật giáo xen với cờ Giải Phóng. Xe của những người tu hành xuất hiện nhiều. Các nhà sư gọi loa, dọng đều đều, êm êm:
“ Hỡi anh em binh sỹ, hãy đem vũ khí đến chùa trình diện. Hãy định tâm trở về với chính nghĩa … Tất cả các chùa đều đang mở cửa, mở lòng chờ đón …”
Băng đỏ trên tay áo mỗi lúc một nhiều lên. Súng trên vai những người mặc thường phục cũng xuất hiện, phần lớn là tiểu liên cực nhanh và cạcbin Mỹ.
Thành phố lên đèn. Đêm đầu tiên giải phóng, thành phố đã lên đèn rồi. Hoàng hôn xuống bồn chồn, lòng dạ tôi bồn chồn. Trung nói:
-  Ngày mai mình đi tìm tiếp. Anh đừng lo lắng gì hết.
Nhà Trung ở đường Trưng nữ Vương, con đường cong cong đổ xuống bờ sông Hàn. Gió sông mang vị mặn từ cửa biển, tạt từng luồng lùa qua phố vắng.
Đứng trên hè phố một mình, sau một chặng đường, sau một chặng đời. Bộ quân phục hăng hăng mùi mồ hôi, mùi bụi. Mọi cái bên ngoài thân thể tôi đều xa lạ, cả cuộc sống nữa, nó như không phải ở trên miếng đất tôi đang dẫm lên, nó nống căng, lơ lửng ở trên  khoảng trời phía trước, nơi những mái nhà và vòm mây nhờ nhờ bạc, nó không còn cụ thể, nó tự dưng rất là vô lý.
Cái cảm giác về quả địa cầu với bầu vũ trụ… rồi thân thể mình, cái chỗ của mình đang đứng bị tách ra, không hề cùng với thế giới. Cái cảm giác đã khắc hằn trong lồng ngực tôi khi nằm trong thành cổ Quảng Trị, không hiểu sao lúc này lại dâng lên, giữa phố đêm yên bình, vắng lặng.
Không biết người tham gia những cuộc chiến tranh khác, những cuộc chiến tranh không lúc nào dừng trên quả đất, có cảm giác như tôi không, cái cảm giác tách rời, cô quạnh.
Sau bữa cơm, Trung nói:
-  Mình đi uống cà phê … chứ đêm dài lắm.
-  Lúc này cũng có người bán cà phê ?
- Trừ khi sập hết thành phố. Đêm hôm qua còn căng thẳng hơn hôm nay nữa, mà nhiều người vẫn nhẩy đầm đó anh”
Lúc ra cửa, Mẹ Trung nói nhỏ với con trai:
-  Đi gần thôi nghe, không an toàn đâu con!
Trung lấy xe máy chở tôi đi.
Ngõ nhỏ, quán nhỏ, đèn mờ nhấp nháy, nhạc nhè nhẹ. Tôi mặc cái áo sơ mi mầu xám của Trung. Khẩu súng ngắn đút trong túi quần bộ đội.
Ba cặp trai gái dìu nhau khẽ khàng theo nhịp nhạc. Họ đều khoảng trên dưới 30 tuổi. Những người khác ngồi trầm ngâm, dường như không một ai nói. Không gian ngưng tụ trong khói thuốc, trong những giọt cà phê và ánh đèn hiu hắt.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #142 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:06:21 pm »

Một cô gái nhận ra Trung, lách bàn đi tới:
-  Anh Trung, ngày nay anh đi đâu? Em tới nhà anh, Má cũng không biết anh đi đâu nữa!
-  Anh có công chuyện đi với anh bộ đội. Đây là anh bộ đội... Đây là Thao. Ngồi đi em!
Cô gái ngồi xuống nghế, cặp mắt mở to nhìn tôi:
-  Anh là bộ đội hả, trời. Bộ đội trẻ quá, không giống như người ta nói …
-  Người ta nói sao?
-  Dạ, không…
Trung đỡ lời:
-  Trong này, người ta tuyên truyền Việt Cộng bẩy người đeo một cọng đu đủ không rớt … rồi đủ thứ nữa, nói chung là Việt Cộng không phải người.
-  À, bọn tôi cũng biết người ta nói như vậy!
Hình như chữ “bọn tôi” làm cô gái thấy thoải mái hơn, cô nhẹ nhàng hỏi chuyện về miền Bắc, về ăn mặc, học hành, đời sống… Cái cách hỏi rồi nghe của cô, nửa chăm chú, nửa hờ hững. Hỏi cho biết vậy mà.
Mùi son phấn nhè nhẹ. Tiếng húng hắng ho của ai đó. Bóng những người đang trôi theo nhịp nhạc. Có người quay qua nhìn, không biết giữa lúc trời đất ngưng đọng này mà nói chuyện gì nhiều vậy. Con mèo trắng khoanh tròn trên quầy, mắt nó nhắm tịt ngay bên cặp mắt mở to mà không nhìn của cô chủ quán.
Tôi chưa từng biết tới thứ không khí tê liệt như thế này. Buồn và hờ hững như là thấm  vào trong thân thể, thấm đến cái mặt bàn, cái gạt tàn thuốc, cái nền nhà trơn bóng, những ngón tay người con gái mịn màng.
Một thứ buồn nhờ nhờ triền miên. Nó như là thói quen, như là một kiểu biểu hiện, giông giống như làn khói thuốc lá phảng phất bên gương mặt của người nghiện.
Thao hỏi:
-  Anh có mấy đứa con?
Tôi bật cười:
-  Đã có vợ đâu mà có con.
Cô gái à nhẹ rồi quay sang Trung:
-  Em tưởng ngoài Bắc vẫn còn tảo hôn, muời ba tuổi là ép gả vợ chồng rồi mà !
-  Em tưởng chứ có phải vậy đâu. -  Trung nói.
-  Người ta nói vậy mà…
Thao bán hàng văn phòng phẩm, còn Trung là con một nhà buôn ô tô, anh phụ cha công việc hàng ngày. Cha anh mấy hôm trước đã vọt vào Nam cùng với cô vợ bé. Trung và Mẹ ở lại. 
Hồi còn học ở đại học Huế, Trung tham gia phong trào sinh viên, phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”. Sau này tự nghĩ “Miền Bắc thì theo Nga xô, Trung Quốc. Miền Nam thì theo Mỹ, cũng giống nhau cả ” nên buồn rồi lui dần, yên bề làm ăn, lòng vẫn cánh cánh nỗi buồn.
Tôi giải thích nôm na bên ly cà phê và khói thuốc:
“Thọat nhìn thì có vẻ giống nhau, nhưng thực chất thì hoàn toàn khác. Chính quyền miền Bắc là chính quyền của người Việt Nam lập nên sau cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp. Chính quyền miền Nam là chính quyền do Mỹ dựng lên trong lúc tranh tối tranh sáng để bước chân vào chiếm lấy miền Nam. Liên xô, Trung quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ để giành độc lập dân tộc, không có một người lính nước ngoài nào trong quân đội miền Bắc. Còn Mỹ thì đổ vào miền Nam hơn 500 ngìn lính Mỹ và hàng chục ngìn lính chư hầu, đấy là chiến tranh xâm lược. Mỹ có thể thay đổi tổng thống, thậm chí cả bộ máy chính quyền Sài Gòn bất kỳ lúc nào nếu không nghe theo Mỹ …”
-  Anh giải thích rất sáng tỏ. -  Trung gật gù.
Thực ra, những việc của lịch sử chỉ cần đặt nó vào đúng bối cảnh của nó thì sẽ không còn rối rắm nữa.
Đêm mơ màng rồi cũng lùi dần. Chúng tôi về tới nhà thì bình minh đã ngấp nghé.
Cái tay vịn cầu thang làm bằng inox sáng và lạnh. Căn phòng lát gạch bông trơn. Tôi luồn khẩu súng ngắn dưới gối rồi ngả lưng, toàn thân bải hoải. Mùi vị của yên bình làm cho xương thịt phút chốc như muốn lười biếng.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #143 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:06:46 pm »

Một nửa ngày chạy lòng vòng. Qua quận 3 rồi lao ra bán đảo Sơn Trà.
Quân cảng Đà Nẵng lặng lẽ dưới một trời nắng khô. Những trạm gác không người, những biển chỉ đường nghiêng ngả, những bao cát chống đạn lăn lóc, những chiếc xe tải quân sự gồ ghề. Từng cơn gió hoang lạnh ù ù lùa trên đất. 
Bất chợt tôi nhớ tới lời Thao “…Buổi chiều em theo mấy đứa đi coi bộ đội mà không gặp, tụi em không dám đi xa. Hình như họ đã ra ngoài thành phố …”.
Tôi nói với Trung:
-  Có lẽ phải vòng ra vùng ngọai thành. Bộ đội chắc rút ra đóng ở bên ngoài rồi.
-  Có lý. Sao mình không nghĩ ra. Chắc có lẽ là Nam Ô. Nam Ô chứ không đâu hết !
Trung ghé xe qua nhà, kéo tay tôi, dẫn sang căn phòng bên, căn phòng hàng ngày vẫn thường đóng cửa. Vừa đi Trung vừa nói:
-  Bữa nay nhất định phải tìm ra đơn vị anh. Tôi muốn tặng anh một món quà …
Căn phòng sáng đèn lên. Có một chiếc ô tô phủ bạt. Trung kéo lật tấm bạt xám, lộ ra chiếc xe du lịch đen bóng.
-  Anh lấy cái này, chở anh em đánh vô Sài gòn!
Tôi bị bất ngờ, bật cười:
-  Tôi có biết lái xe đâu.
-  Không, về đơn vị anh, nói tài xế tới chứ. Rồi tập lái sau, dễ mà. Anh đồng ý đi. Tôi cũng muốn đóng góp chút đỉnh anh à!
-  Rồi, hiểu rồi. Nhưng bộ đội không đi xe này được.
Nói qua nói lại. Biết món quà này thực sự không thích hợp, Trung kéo tôi sang căn bếp, chỉ vào hai bao gạo to lù:
-  Vậy mình chở hai cái bao này về đơn vị anh. Bộ đội chắc cần lương thực. Nào, mình kéo ra xe luôn!
-  Một bao thôi, còn để gia đình dùng. Sắp tới còn nhiều khó khăn lắm!
Tôi kiên quyết chỉ lấy một bao. Lúc này gạo thực sự rất cần cho tất cả mọi người.
Thế là trở ngược lại Nam Ô, cái thị trấn không ngủ trong đêm đầu tiên chúng tôi qua đèo Hải Vân.
Xe chạy chầm chậm giữa thị trấn xanh rợp lá dừa. Tôi nhìn thấy một người lính quen của trung đội truyền đạt đang cắm cúi đi bên lề đường. Mừng choáng người. Tôi đập mạnh tay xuống đệm ghế xe: “Dừng, dừng!”.Chiếc xe lạng một cái rồi đứng sực lại. Tôi bật cửa lao về phía bộ quân phục màu xanh quen thuộc.
Thì ra bộ tư lệnh sư đoàn đóng ngay gần đây, ở dưới chân đèo Hải Vân. Phút chốc tôi như người lần đầu tiên được đứng thật vững trên mặt đất, ưỡn ngực hít một hơi thật dài.
Trung cười cười nhấn ga cho xe vượt qua con đường sắt cao. Bên kia hiện lên một làng nhỏ, những rặng dừa nghiêng nghiêng và dải cát trắng dài chói nắng.
-  Làng Liên Chiểu đó. Bãi biển này đẹp nổi tiếng miền Trung.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #144 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:07:44 pm »

 CHIẾN ĐỊA TRẢI DÀI
CUỘC RÙNG MÌNH DẰNG DẶC
 
NVTPHCM- Chia tay Trung dưới rặng dừa xóm biển. Không biết sẽ còn gặp nhau không. Phía sau chiếc xe nhỏ mầu trắng, làn bụi mỏng cuộn lên rồi vu vơ tan ra. Thời gian rung rung đẩy cái hình bóng vừa quen vừa lạ xa dần, như là đẩy lùi vào chiêm bao.
Liên Chiểu ngập tràn nắng và gió.
Bác chủ nhà râu bạc như cước, cười khà: “Chưa thấy có lính nào mà lại ngăn dân cho ăn như mấy ông lính bộ đội, thiệt lạ …”
Ngăn mấy thì bữa ăn nào cũng có thêm tôm khô, cá khô, mắm ruốc và ớt tỏi làm cho mâm cơm náo nức. Không ngăn thì chắc rừng dừa trong chốc lát sẽ chẳng còn quả nào treo trên cây.
Bộ đội ở đâu dân cũng thương. Những người lính cứ bình thường sống, bình thường đối xử với cha mình, mẹ mình, anh em của mình. Bình thường như là bản năng. Tự nhiên, hồn nhiên, không một chút khó khăn gì.
***
Lúc này địch đã vỡ trận. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu quyết định lập phòng tuyến ở Phan Rang, một thị xã ở vùng cực Nam Trung bộ, đặt tên là “Cánh cửa thép Phan Rang” nhằm chặn đứng quân chủ lực của ta.
Từ khi bị cú điểm huyệt Buôn Mê Thuột, bị hất bật khỏi cao nguyên rồi mất luôn Huế,  Đà Nẵng, địch loay hoay tìm chiêu thức để kháng cự đến cùng. Có lẽ vì vậy nên bầu trời miền Trung vắng bặt. Không còn nghe tiếng ru ngủ của máy bay trinh sát và tiếng vụt như roi quất của những chiếc phản lực đầu dài.
Yên lặng bất thường.
Suốt dọc dải miền Trung Trung bộ, từ Quảng Nam vào tới Khánh Hòa, bộ đội ngất ngưởng trên xe tải quân sự, xe ca của dân, lừ lừ ngày đêm tiến về phía Sài Gòn.
Chiếc xe tôi ngồi là xe tải của Trung Quốc, có tên “Giải Phóng”. Nó đã lăn qua nhiều đèo dốc, bị bom pháo lắc cho rạo rễ. Thùng xe, với bốn cái thành gỗ không mui được buộc lại bằng nhiều thứ dây rợ để giữ lấy đống người được nêm chặt ở bên trong.
Trời cao lồng lộng trên đầu. Ngày chói nắng, đêm nhấp nháy ánh sao, ngày đêm đều có gió bạt cay sè mắt. Dọc đường quốc lộ, dấu tích chiến tranh không nhiều, mà tràn ngập dấu tích của cuộc di tản, những dấu tích rã rời, bải hoải trên từng thước đất.
Người vẫn chạy ngược chạy xuôi, không biết chạy đi đâu. Có những chiếc xe gắn máy phủ kín đồ đạc, va ly, bao tải, thùng gỗ, thùng nhôm, thùng nhựa, đến mức không thấy người lái xe đâu.
Những khối đồ đạc cứ như  tự bươn bả chạy trên đường. Những chiếc xe ca chất hàng cao ngất, cao bằng cõng một cái xe khác  trên lưng. Trong xe đầy ẹt người, đầy lè ra cửa trước cửa sau, người bám vào xe giống như trái cây treo vào thân cây lủng lẳng.
Chạy vô để tránh Việt Cộng. Nhưng Việt Cộng cứ tiến như nước lũ, thì lại chạy ra để tránh bãi chiến trường. Người chạy chặng dài, kẻ chạy đoạn ngắn, ông già bà lão, người lớn trẻ con xáo xác.
Cuộc phiêu bạt sùng sục suốt dọc miền Trung gầy guộc.
Có những đoạn đường vắng không bóng người, thiên nhiên lại hiện lên. Đồi núi, ruộng đồng đều lặng yên, chúng vẫn đang chăm chú đến mê man vào những chuyện riêng tư của chúng.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #145 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:08:37 pm »

Còn cách thị xã Phan Rang khoảng hơn ba chục cây số, đoàn xe của trung đoàn 101 được lệnh dừng lại. Chúng tôi ghé vào một làng người Chăm ở gần đường.
Làng có tường rào bằng đất, tường nhà cũng bằng đất, màu đất bạc chói khô dưới nắng. Những bóng người chạy vụt qua, rồi biến mất. Làng im phăng phắc.
Bộ đội đi theo đội hình từng tiểu đội, thận trọng tiến vào ngôi làng nhỏ.
Trung đoàn dừng lại đây để đơi lệnh công phá “Cánh cửa thép Phan Rang”. Lúc này tôi được tự do đi cùng các đơn vị mũi nhọn của sư đoàn, như là một phái viên của phòng chính trị, cũng na ná như phóng viên chiến trường nghiệp dư. Có cái máy ảnh đeo lủng lẳng bên khẩu súng ngắn. Có cái cặp vẽ nhỏ nằm trên nắp ba lô, bên dưới cái ruột tượng đầy căng gạo.
Những người Chăm có cặp mắt to đen, hơi thâm quầng, lặng lẽ chấp nhận những người lính xanh rờn vào làng. Có vẻ như nỗi sợ hãi không nhiều bằng sự tò mò. Người Chăm không chạy nhiều, nhà nào cũng còn người ở lại.
Căn nhà tôi vào, trên tường có treo vài tấm ảnh phong cảnh. Những tấm ảnh được phóng to, đóng khung khá trang trọng. Những tấm ảnh làm tôi lặng người. Nó đơn giản, buồn mà mạnh mẽ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái thứ ánh sáng hư hư thực thực như thế này.
Những triền cát gối lên nhau. Những dấu chân người lún xuống, đọng sâu vệt  tối rất cô đơn. Thân xương rồng đen xậm, ánh sáng bật lóe trên mũi gai nhọn ... Phía xa, ráng chiều khắc khoải treo dưới viền của những cụm mây nặng.
Chủ nhà là một người đàn ông có mái tóc hoa râm. Nét mặt ông đã dịu xuống sau vài chục phút quan sát những người lính trẻ. Thấy tôi đeo máy, lại đứng lâu trước những tấm ảnh treo trên tường, ông đi đến bên tôi, hỏi:
-  Ông lính cũng làm nghề chụp hình?
“Cũng làm nghề chụp hình” – nghe vậy tôi hỏi lại:
-  Ảnh này là của bác chụp ?
-  Dạ, tui là nghệ sĩ nhiếp ảnh Chăm, người Chăm.
-  Ảnh đẹp… những tác phẩm nghệ thuật thực sự.-  Tôi gật gù.
Người nghệ sĩ già thẳng lưng lên. Dường như bây giờ ông mới trút được nỗi hồi hộp. Khoảng cách xa lạ xích gần lại. Ông thận trọng hỏi:
-  Ông lính có uống chút rượu cho đỡ mệt không?
-  Một chút thì được -  tôi cười rồi đi cùng ông tới bộ xalông gỗ cũ mèm ở góc nhà.
Trong căn nhà người nghệ sĩ già mọi thứ đồ đạc đều cũ. Gương mặt của ông gầy mà quắc thước cũng xưa cũ như là tồn tại ở một không gian xa lắc nào. Ông chầm chậm rót ra một thứ nước đùng đục rồi cầm li đưa cho tôi.
Ông lấy trong ngăn tủ ra, lần lượt những tập ảnh, cẩn thận đặt lên bàn. Tôi xem những tấm ảnh đen trắng đẹp mà buồn. Nhớ đến những cây xương rồng, những cụm lá thanh long dưới nắng khi bước chân vào làng, chợt bắt gặp một nỗi u sầu. Cả thời thơ ấu, tôi chưa từng gặp cái thứ cảm xúc bàng bạc bi ai đến như thế.
Những li rượu của người nghệ sĩ già lần lượt cạn. Chiều cũng xuống rất nhanh. Đêm ấy chúng tôi lại lên đường. Người Chăm lục tục kéo ra đầu làng xem bộ đội lên xe. Tôi bắt tay nhà nhiếp anh. Ông nắn nắn hai vai tôi, nói: “Bình an nghe … chú em”.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #146 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:08:58 pm »

Bình minh sần sần nổi lên cùng với tiếng bom giật. Xa xa, phía trước con đường nhựa, những cột khói xám chầm chậm ưỡn ra nuốt lấy từng miếng trời xanh trong vắt.
Đoàn xe dừng lại. Hành quân bộ.
Các thê đội phía trước đang công phá vào phòng tuyến Phan Rang. Bộ đội tấn công bằng nhiều hướng, đặc biệt là thọc vào sườn của sân bay. Riêng phòng tuyến mà địch tổ chức hỏa lực mạnh nhất, hy vọng chặn đứng quân ta ở cái cổ chai trên trục đường một, thì lại nổ súng sau cùng. 
Chiêu thức bất ngờ làm cho địch lúng túng. Máy bay của chúng lồng lên xẹc qua xẹc lại, trút bom vô tội vạ. Pháo lớn từ tuyến sau nã tới, đạn pháo nổ toác giữa những dãy nhà phố.
Âm thanh chát chúa lại làm phồng lên cảm giác hoang vắng. Những thứ đang say sưa sống… làn gió, mầu xanh, tiếng côn trùng và hương đất… phút chốc bạt tan đi hết. Tử khí lừ lừ trườn lên.
Tôi chạy vào thị xã Phan rang cùng với các đơn vị bộ binh trung đoàn 101. Đạn pháo nổ đinh tai. Khói khét tanh trên mặt phố. Nhà sập, những tảng gạch như có người ném ra bay vụt  trên đầu.
Một cây cột điện đổ nghiêng, một thân cây to bật gốc. Cột điện ngả vào cái cây, bên dưới là một đống người. Một đống thịt người. Những cái đùi, những cẳng chân quắp vào nhau như còn trong cơn giãy dụa. Bên lề đường, một cái đầu với mái tóc dài quăn quýt.
Dây điện chùng xuống, có nguyên một nửa thân người treo thõng trên dây, vài đọan ruột xổ lòng thòng, lắc qua lắc lại.
Những túi xách, va ly, mũ nón ngun ngún cháy.
Tôi nhẩy qua vũng máu đen bầm, có cảm giác dính dính dưới đế dép. Một thương binh đang được hai người lúi húi băng bó trên vỉa hè, hai người lính cởi trần, hai cái áo xanh đã quấn kín nửa thân người bị thương.
Đơn vị vào trước đã xua địch ra khỏi thị xã. Chúng tôi không gặp địch, chỉ có bom và đạn pháo. Vào đến tòa thị chính, thấy trên cột cờ, lá cờ Giải Phóng nửa xanh nửa đỏ đang lất phất đùa với gió lạ. Gặp bốn người lính xách súng chạy từ trong tòa nhà ra, một người nói:
-   Thôi, vào làm gì nữa. Thằng Vĩnh Nghi chạy mất rồi!
Trung tướng Nguyễn vĩnh Nghi là tư lệnh phòng tuyến Phan Rang, mới hôm qua trên đài truyền thanh ông ta còn hô hào tử thủ. “Tôi sẽ là người lính số một, hy sinh cho nền cộng hòa đến giọt máu cuối cùng”.
Thị xã Phan Rang khô khan. Những con đường hẹp bốc khói. Nắng tức tưởi trong ngực người nhưng lặng im trên mặt phố. Đi về phía nam, không xa tòa thị chính, lại gặp một đống thịt người, những cái đùi, những cẳng tay… Tôi ngước mặt vội vã bước đi.
Pháo địch bắn thưa dần, máy bay thì vẫn lồng lộn. Tiếng rít của động cơ phản lực ấn những ngôi nhà và mặt đường nhựa lún xuống.
Cánh cửa thép Phan Rang được mở tung. Phòng tuyến Xuân Lộc cũng bị quân ta chọc thủng. Dưới miền Tây, các binh đoàn chủ lực cùng với lực lượng địa phương đã giải phóng gần hết đất, đang rần rật lấn về Sài Gòn.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #147 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:09:21 pm »

Dừng lại ở ngọai vi phía Nam thị xã để đợi lệnh mới. Những người lính trẻ phờ phạc, nằm ngồi nghiêng ngả bên những bờ đất. Trung đội trưởng lúi húi chạy đi tìm các tiểu đội trưởng. Người liên lạc trung đội đứng ở bên lề đường, nhận diện lính của trung đội đi qua để gọi về đội hình.
Chưa thể biết được quân số của trung đội lúc này còn lại là bao nhiêu. Cuộc vận động quá nhanh, nhiều lúc tiểu đội trưởng không biết lính của mình đang ở đâu. Lạc nhau là việc thường.
Tôi bóc phong lương khô, nhìn cái thỏi bột mầu vàng bệch, họng thấy nghèn ngẹn.
Một người lính nhoẻn cười:
-  Gặm cái ấy khiếp lắm rồi hả. Ăn cái này đi.
Nói rồi bẻ đôi nắm cơm nắm đưa cho tôi. “Còn cái này nữa, thử xem”. Anh chàng  đưa ra một ống nước màu nâu nhạt to bằng khoảng ba ngón tay chụm lại. Tôi cầm lấy, lắc lắc, tiếng nước óc ách.
Cơm nắm ăn với cà phê lon. Tôi ngả lưng vào bờ ruộng, nhấm nháp miếng cơm, ngửa mặt nhìn lên trời chiều tái ngắt. Gió chiều hoang hoang, lòng chợt dựng lên nhớ. Thằng Sồi, thằng Huy, thằng Tuấn, thằng Lơ … giờ này ở đâu.
Rồi những người bạn lính cùng trường. Từng thằng một. Thằng Mai Châu lưng dài lom khom với cái nòng súng 12ly7. Thằng Nghiêm trinh sát với cái xanhtyarông lỉnh kỉnh lúc nào cũng xề xệ bên hông. Thằng Túc ngửa mặt lên cười toác. Thằng Thịnh tinh tươm, ngay ngắn … lúc này chúng nó đang làm gì?
Rồi nhớ Tuyết, cặp mắt long lanh đầy ắp nhiệt tình. Quế tóc đen dầy, mắt đen đằm thắm. Gia Hương tươi tắn hồn nhiên như trẻ thơ. Rồi Trâm, rồi Lợi, rồi Hưng, Hồ… Các bạn đã là cán bộ rồi, công việc có vui không?
Cuộc sống cứ trôi đi. Chúng ta đang cùng sống, những người ở xa… những người quanh tôi. Một vùng đất lạ hoắc, tiếng nổ ì ùng, những lưng áo nhớp nhúa, những mặt phờ phạc thiếu ngủ ... Những binh nhất binh nhì mười tám đôi mươi… bầu trời chiều ung ung, loang ra xa lắc.
Hồi bé, lúc còn học lớp một ở trường Bách Thảo Hà Nội, tôi thường hay ngồi bên cái lề đường cao như con đê, nhìn xuồng ga tầu điện chằng chịt những đường ray và những toa tầu nối nhau hun hút. Chiều nay tự nhiên nhớ con đường Hoàng Hoa Thám ấy, cái ga tầu điện ấy, lại như nhìn thấy mình nhỏ nhoi vẫn còn ngồi lặng im nơi đó.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #148 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:09:49 pm »

Bình sinh tôi là thằng bé còi cọc. Má tôi có lần nói bằng một giọng buồn buồn “Cố cao lên chút chứ con. Sắp là thanh niên rồi mà cứ nhỏ xíu vậy hà”. Rồi tôi cũng gắng cao lên tới gần một mét sáu, thế là thành người.
Bây giờ ngồi trên xe lổn nhổn những lưng áo xanh, lắc la lắc lư giữa vòm trời lạ, lòng cứ lâng lâng quay về. Chắc đồng đội tôi cũng vậy. Thực sự, những chuyến xe này, vào những ngày này, ở trên những chặng đường này, đang cong lưng chở nặng những nỗi niềm thương nhớ của bao nhiêu mái đầu xanh.
Không tính gì phía trước, cứ mãi vói nhớ về phía sau. Tâm thức già giặn của những người tuổi trẻ yên lặng, lắc lư trên chặng đường cuối cùng của cuộc chiến.
Đường xuyên qua cực nam Trung bộ luôn có biển ở bên cạnh. Lúc nào cũng nhìn thấy hoặc là ngửi thấy mùi của biển. Đoàn xe, từng chiếc một, cách xa nhau, lầm lũi trôi.
Chính trị viên đại đội ngồi ở đầu thùng xe, anh ôm cái đài Oriôngtông khư khư trong bụng, thỉnh thoảng mới mở, vì tiết kiệm pin. Những giọng hát quen, bản tin của đài tiếng nói Việt Nam, giọng đọc đặc biệt sôi nổi, báo tin bước chân của quân Giải Phóng, nhưng tin báo của đài lúc nào cũng chậm hơn chúng tôi khoảng vài trăm cây số.
Khi qua vùng Phan Rí, chính trị viên sau một hồi dò sóng rẹc rẹc, thì chợt dừng lại, tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn văn Thiệu đang nói: “…Tôi đã nhiều lần cảnh báo với người Mỹ. Đã nhiều lần lên kế họach, nhưng họ không nghe. Huê Kỳ đã bỏ rơi chúng ta. Người Mỹ đã phản bội đồng minh. Người Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chúng ta đã đứng ở tuyến đầu chống Cộng. Đến giờ này tôi xin đồng bào hãy bình tĩnh. Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng… Tôi kêu gọi Huê Kỳ hãy tham chiến vào lúc cam go này…”
Cả xe nhổm người lên nghe. Tôi kinh ngạc vì cái cách trình bày giật cục, vừa hằn học vừa não nề của người đứng đầu một chế độ. Ông ta nói dài, phân trần, đổ lỗi. Trời đất, nó giống như trong trò trận giả của bọn trẻ con chúng tôi ngày xưa. Hồi ấy những cuộc cãi vã, trọng tài không phân giải được, phải xí xóa, chơi lại.
Mỹ thì không dám chơi lại rồi. Ngụy Sài Gòn cũng không thể chơi lại. Nhưng nghe giọng địêu này thì cuộc công phá cuối cùng chắc sẽ vô cùng tàn khốc. Chiếc xe tải chở đầy người vẫn lúc lắc xuyên qua giấc ngủ miên man vô tư của đất.
Xe giảm tốc độ rồi dềnh nghiêng, rẽ trái, chui vào con đường chạy giữa rừng cây cao ngút. Một người thốt lên “Vào rừng à?”. Người lính ngồi bên tôi, co chân lại, nhìn quanh quất rồi nói:
-  Cây cao su. Tây Nguyên nhiều rừng cao su này lắm.
-  Cậu ở Tây Nguyên trong mơ à ?
-  Quên hả. Đây từng là lính trung đoàn 48 nhá, lúc ấy chắc cậu còn ngo ngoe ở tận chân ruộng, phải không?
-  Cây cao su lẫm liệt gớm! -  Một người lính khác xuýt xoa.
Tôi biết, rừng cao su là ở miền Đông Nam bộ. Như thế là đã hết miền Trung, Sài Gòn chắc không còn xa nữa.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #149 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 05:11:03 pm »

GANG TẤC CỦA NHỮNG CÁI CHẾT
- LẶNG THINH VÀ BÙNG NỔ -
 
Đoàn xe đổ lính xuống. Các đơn vị kiểm lại đội hình và vũ khí, đạn dược rồi lần lượt nối nhau đi. Lúc này là xế chiều ngày 25 tháng 4 năm 1975.
 Cặm cụi bước trong rừng cao su như bước trong mơ. Có tiếng côn trùng râm ran. Cỏ dưới chân cây cao su hao hao như cỏ dưới chân cây bạch đàn ở Hà Bắc. Nắng chiều lọt qua vòm lá, những thanh sáng rung rinh rơi xuống. Yên bình vô cùng tận.
Chính trị viên đại đội cho biết, chúng tôi đang tiến tới thị trấn Long Thành, phòng tuyến ngọai vi Sài Gòn của địch. Đột phá phòng tuyến này là mở toang cánh cửa phía đông bắc Sài Gòn, thành lũy cuối cùng và... chiến tranh sẽ kết thúc.
Mấy chữ CHIẾN TRANH SẼ KẾT THÚC thoát ra nhỏ nhẹ từ lồng ngực người chính trị viên, nghe sao bình thường như là ngày mai sẽ mưa hay sẽ nắng vậy.
Tôi đi cùng với tổ 3 người: Hội quê Thanh Hóa, Lương sinh viên đại học bách khoa, Quảng học sinh trung cấp cơ khí. Ba người đều còn rất trẻ, đều ít hơn tôi tới ba tuổi.
***
Rừng đang yên ắng bất chợt rùng mình. Tiếng nổ truyền trong đất. Loạt bom đầu tiên rơi xuống còn xa chúng tôi. Bộ đội xốc lên, đi nhanh hơn. Đội hình giãn thưa ra.
Đạn pháo trút xuống cùng tiếng rít xẹc của máy bay phản lực. Địch đã đánh hơi thấy những đoàn người di chuyển trong bụng của rừng. Tôi vừa đi vừa chạy, mắt nhìn chong chong tới trước, phía những cái balô nhấp nhổm.
Đạn pháo nổ gần hơn, tiếng giật chát chúa. Mảnh đạn chặt xoàn xọat trên vòm lá cao su. Mùi khét của khói sùng sục ùa tới. Có tiếng hét to “ Tất cả nằm xuống! …” Một lúc sau, cũng tiếng hét ấy “ Khẩn trương tìm chỗ tránh pháo …”.
Chỗ nào mà tránh, giữa cái nền đất phẳng phiu này. Bên đường có cái rãnh nhỏ hơi trũng, tôi bò lết tới, nằm úp vào lòng nó, cái ba lô để nguyên ngất nghểu trên lưng.
Mặt đất của rừng cao su yên ắng như là vĩnh viễn, bây giờ bổng co giật bần bật. Tiếng nổ dộng lên chói óc.
Chao đảo một hồi rồi pháo chuyển làn. Người lổm nhổm đứng giậy. Cái mũ cối trên đầu tôi bị lệch nghiêng về một bên, tôi đưa tay lên chỉnh lại, thì chạm vào một vật cứng xù. Ngón tay tôi mò quanh nó, giật mình, nó là mảnh đạn pháo.
Tôi thận trọng nhấc cái mũ lên khỏi đầu rồi hạ xuống nhìn, cái mảnh gang to bằng hai ngón tay găm vào vành mũ cối, một nửa ở trên, một nửa nhọn hoắc lọt vào phía dưới. Tôi lặng người, gừ một tiếng rồi bặm môi lắc kéo nó ra.
Trong đám khói còn chưa tan, những bóng người chạy nhốn nháo. Linh cảm tức thời làm cho toàn thân tôi chùng xuống. Bộ đội chết rất nhiều.
Những lưng người cong lật bật, loay hoay bên vết thương của bạn. Những tiếng gọi tên, những tiếng đáp: có... nhiều cái tên gọi lên không nghe trả lời. Tôi thấy Quảng quỳ gần gốc cây cao su, đỡ một cái lưng và một cánh tay buông xuôi.
Hội chết rồi, ngực nó máu ướt đầm áo. Tôi thả bịch balô, ngồi xệp xuống, đưa tay đẩy từng cái my mắt đã bất động cho nhắm lại. Mới hồi nãy nó còn nói, giọng xứ Thanh rất hiền: “ Vài ngày nữa anh em mình được đi dạo phố rồi…”
Lương nằm khuất bên gốc cây, một cánh tay chống khuỷu xuống đất đỡ lấy cánh tay kia, máu chảy từ bàn tay xuống ròng ròng. Tôi hét lên: “ Trời ơi. Quảng, sao không băng cho nó !”
Quảng giật bắn mình, đứng phắt giậy, nhào tới chỗ Lương.
Hội nằm vật ra, người đã bắt đầu cứng lại.
Lúc này Lương mới hoàn hồn, nói như nấc “Hội chết hả anh... Ngón tay của em đâu, nó chạy đâu rồi, văng đâu rồi...” Hai ngón tay Lương bị chặt ngọt. Phải garô ở cổ tay rồi băng kín chỗ bị chặt cụt.
Người chết ở lại được chôn cất. Người bị thương ở lại được chuyển về tuyến sau chữa trị. Người còn lành lặn thì tiếp tục lên đường. Lương ôm lấy đầu tôi bằng cánh tay trái, nói như khóc “ Anh ơi, cẩn thận nhé…” như là, nếu cố cẩn thận thì sẽ không chết đâu.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM