Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:14:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Được sống và kể lại - Trần Luân Tín  (Đọc 81700 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #110 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2012, 04:36:22 pm »

Một hôm tôi đến kiểm tra máy điện thọai ở hầm của chính ủy sư đoàn. Lần đầu tiên tôi gặp chính ủy. Ông là người có quyền lực cao nhất ở sư đoàn.
Chính ủy nói, khi thấy tôi đã sửa xong máy:
-  Nào, ta nói chuyện với chú bé một tý nào. Em tên gì? - Ngồi đi.
Ông chỉ chiếc ghế làm bằng gốc cây đặt trước cái bàn cũng là gốc cây.
-  Dạ, Tín, Trần luân Tín.
-  À, Tín Hả. “Con cá kình” đây à… khá lắm, thanh niên khá lắm!
Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe những lời giáo huấn của chính ủy, nhưng ông lại hỏi han về gia đình, về việc học hành ngày xưa, về sở thích riêng v.v… Rồi bất chợt hỏi:
-  Nghe nói chú bé có làm thơ phải không?
-  Vâng, cũng có ạ.
-  Cho ta đọc với nhá. Hôm nào đưa lên cho chính ủy xem, được không nào?
-  Vâng ạ.
Đấy là chính ủy Nguyễn công Trang. Ông làm tôi ngạc nhiên, dưới ông là mấy ngàn con người, làm sao ông biết tôi có tọc toạch làm thơ.
Nhưng tự nhiên thấy gần gũi. Chính ủy là một nhân vật rất cao, rất xa đối với một gã lính trơn như tôi. Ông đi lính từ thời chống Pháp. Tuổi trẻ của ông trải dài trên những chặng đường lửa khói giống như tuổi trẻ của chúng tôi hôm nay. Bây giờ ông tiếp tục bỏ lại cuộc sống gia đình ở phía sau.
Ông làm nghề lính, tức là binh nghiệp. Tôi cảm nhận được rõ ràng về cái nghiệp của một đời người mà lâu nay tôi luôn cho rằng nó chỉ là một giai đoạn tạm thời mà thôi.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #111 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:48:13 pm »

CÁI CHẾT CỦA MỘT THẰNG BẠN -
BỨC THƯ CỦA MỘT THẰNG BẠN - CHUYỂN ĐƠN VỊ
- CHẾT HỤT SAU HIỆP ĐỊNH NGỪNG BẮN.
 
NVTPHCM- Tích Minh chết trên đường, khi đang được cáng ra trạm phẫu. Nó bị mảnh pháo cắt đứt một lúc cả hai cái đùi, máu ra nhiều quá, không thể cầm máu được. Cú cắt lạnh lùng diễn ra trên cánh đồng Triệu Phong khi Tích Minh đang loay hoay đặt cái đế khẩu súng cối xuống đất. Nó là xạ thủ cối 60 ly.
Thế là một thằng bạn ra đi. Cái chết đã không gây sốc cho tôi nữa. Nhưng khi nghe tin Tích Minh chết, tôi lặng người, toàn thân bải hoải. Có một sự thiên vị nằm sâu trong thâm tâm của con người.
Tôi đặt cái ống nghe xuống máy, mò ra phía sau lán tổng đài, ngồi thượt, thả dài chân trên những lá cây mục ẩm ướt.
Cách đây bốn tháng tôi gặp Tích Minh, hóa ra là lần gặp cuối cùng. Đêm hôm ấy mưa to lắm. Tôi đi nối dây về, ngang qua một sườn đồi thấy có cái lán nhỏ, có vài người lính trú mưa, tôi ghé vào. Chớp trời sáng lòe. Tôi lom khom cố giữ cho ngực mình không ướt vì trong túi áo còn có hai điếu thuốc Trường Sơn.
Một cái mặt rướn tới, ghé sát mặt tôi rồi hét lên:
-  Tín… ôi trời ơi!
Hai thằng ôm chầm lấy nhau, hai tấm ni lông hứng những giọt nước mưa quất xuống rào rào.
Loay hoay bật lửa châm thuốc, rồi chuyền tay nhau hút chung lần lượt cả hai điếu thuốc.
Tích Minh không hề thay đổi. Nó nói rất nhanh, tiếng nọ đuổi theo tiếng kia như đạn bắn. Khuôn mặt nó vẫn tròn như thế, chỉ hơi xanh một chút.
Cuộc đời của Tích Minh có thể xem là một định mệnh đặc biệt. Tên của định mệnh ấy là “Người rủi ro bẩm sinh”. Nó hơn tôi khoảng ba tuổi, khi tôi vào trường thì Tích Minh đang học năm thứ 6, tức là chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp. Nhưng nó lại trở thành một thành viên của lớp tôi vì bị rớt thẳng từ năm thứ sáu xuống năm thứ nhất.
Sáu năm, chuyên môn lên lớp từng năm, nhưng văn hóa thì cứ một lớp 5 học mãi. Đùng một cái, nhà trường ra quy định mới, là học sinh đang học văn hóa lớp nào thì phải học chuyên môn tương đương với lớp văn hóa ấy. Tích Minh đang học lớp 5 nên phải rơi xuống năm thứ nhất chuyên môn. Đấy là sự xui xẻo choáng váng, chỉ cần nhà trường chậm lại một năm thì Tích Minh đã thoát rồi.
Xuống học lớp tôi, mỗi khi Minh đứng hay ngồi vẽ đều có sau lưng nó dăm ba chú học trò mới dương mắt trầm trồ. Nó vẽ đẹp lạ thường. Cho đến khi cùng nhau học đến năm cuối cùng, chúng tôi vẫn thấy nó vẽ đẹp lạ thường.
Dường như không thể có gì xuyên nhập vào, để làm cho khác đi cái khoảng không gian bản năng của nó. Những bài Tích Minh vẽ, từ hình họa cho đến phong cảnh hay bố cục đều trong trẻo, đầy đặn và hồn hậu như chính con người nó.     
Bây giờ ngồi đây, tôi vẫn thấy hiện lên rõ mồn một bút pháp của Tích Minh. Thế mà tắt mất rồi. Nó đi bộ đội trong khi tràn đầy hy vọng có thể được học thẳng lên đại học với trình độ chuyên môn vững vàng như thế. Vào lính, nó lại là đứa ra đi đầu tiên trong chín thằng học sinh Mỹ Thuật chúng tôi.
Xác của nó chôn ở nơi nào. Cái sọ tròn xoe của nó chắc chắn không thể lẫn với ai được. Trong đất bây giờ có thêm xương của thằng bạn tôi. Đỏ rần lên cái cuộc đời này, cái quả đất này. Tự nhiên thấy ngợp nóng.
 Tôi bặm chặt môi, lá khô và cọng cây khô của rừng từng thân mật bỗng trôi đi, lùi xa… Thế là một con người, một đời người. Những tia nắng rọi từ trời xuyên qua kẽ lá  làm cho lòng trĩu nặng. Những làn hơi của đất ngun ngút quay trong những ống nắng lờ mờ.
Muôn năm quả đất này, thiên nhiên này vẫn thế thôi. Chỉ có thằng bạn tôi là mất rồi. Tôi nhớ tới Thủy, nhớ giọng nói sôi nổi của một người đang yêu tha thiết. Tôi nhớ tới những người nông dân miền Bắc. Nhớ những người bạn học đang lăn lộn nơi đạn lửa dưới kia. Nhớ thành Quảng Trị, âm thanh, mầu sắc của nó, tử khí của nó… những người tắt thở, vụt tan đi trong nháy mắt… Những điều đau đớn và cảm động của con người...
Tôi thờ thẫn quay về hầm tổng đài. Cu Sồi đang cúi đầu rút phích, cắm phích lia lịa. Nó quay nhanh nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên, sao tôi đi đâu mà lâu thế. Tôi nhào vào vị trí của mình. Chuông đổ vè vè hết cổng này đến cổng khác y như những chú dế già cắm cẳn, khó tính.
Cuộc chiến lại rùng rùng xuyên qua không gian như những luồng hơi thở hổn hển.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #112 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:48:43 pm »

Một sáng, có cú điện thoại của chính trị viên gọi tôi về đại đội nhận nhiệm vụ mới. Chỉ một mình tôi thôi.
 Thường tôi hay nhận những nhiêm vụ bất ngờ, không nguy hiểm thì cũng vất vả, nên nghe tin này thì cả tiểu đội xôn xao. Mọi người tụ họp một lát trên miệng hầm tổng đài. Hạnh bảo:
-  Ông về trước rồi sẽ đến lượt anh em về, thì lại gặp nhau thôi. Mấy lần như thế rồi còn gì.
Sồi lẩm bẩm:
-  Biết thế nào được!
Huy nói:
-  Có khi là ra Bắc học sĩ quan thông tin thì sao. Dạo này tiểu đoàn chẳng thường xuyên cử người đi học là gì.
-  Thế thì tuyệt. Nhưng biết thế nào được… nó là số thôi - Hạnh liếc sang Sồi sau khi trót nhắc tới số mệnh, rồi quay sang tôi:
-  Tôi đi với ông một đoạn, nhá!
Siết chặt những tấm lưng thân thiết. Tôi có linh cảm sắp thật sự phải xa những người đồng đội đã gắn bó, thao thức với nhau từng ngày. Những người đồng đội… một tình thân xuyên thấu vào tim tôi.
Tôi, Hạnh và Lơ xuống dốc. Hạnh giành khoác cái ba lô của tôi. Ngoảnh lại, những người lính vẫn đứng đó. Sồi hơi gằm mặt xuống. Huy mím cái miệng móm làm cho đồng tiền ở má càng lún rõ thêm. Trúc, Khoản đứng trước cửa hầm lặng lẽ nhìn.
 ***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #113 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:49:21 pm »

Chính trị viên đại đội vừa nói vừa khẽ xốc xốc cái xà cột đeo bên hông:
-  Tiểu đoàn thì muốn giữ đồng chí ở lại. Nhưng không giấu được chính ủy. Lên trên ấy, nhớ anh em nhé! Ở đâu cũng nhiệm vụ. Mừng là đồng chí được họat động đúng với sở trường của mình. Cố gắng nhé!
Anh trao tôi hai tờ giấy. Một tờ quyết định của quân lực điều tôi lên ban tuyên huấn sư đoàn, một tờ quyết  định phong quân hàm trung sĩ. Vậy là bỏ qua hai cấp: binh nhất và hạ sĩ.
Không có thủ tục chia tay tiễn biệt. Không thông báo được cho ai. Không gặp được anh Điển và Thịnh. Tôi một mình leo lên núi, tìm đến ban tuyên huấn sư đoàn.
***
 
Trở thành lính cơ quan, điều mà tôi chẳng thể nghĩ ra được. Trải qua những bất ngờ liên tục trong hơn một năm đời lính, tôi bớt hẳn cái ngạc nhiên và hồi hộp của một chú học trò. Hình như thế là trưởng thành, tôi cảm thấy mình có thể làm được mọi việc, có thể chấp nhận được mọi việc.
Ở ban tuyên huấn tôi được giao nhiệm vụ là trợ lý bản tin của sư đoàn. Người phụ trách bản tin là thượng úy Sĩ Hỡi, một người đặc biệt sạch sẽ.
Việc đầu tiên tôi được giao là thiết kế lại tựa đề của bản tin. Viết chữ “Quyết thắng” bằng dáng chữ mạnh mẽ hơn và vẽ thêm hai người lính ôm súng lao lên dưới lá cờ giải phóng tung bay. Thiết kế xong thì khắc nó lên miếng gỗ mít để in.
Xưởng in của sư đoàn đóng ở hậu cứ, tức là tận bờ Bắc sông Bến Hải. Tôi thường đi ra xưởng in đưa makét và nội dung bài vở rồi nhận bản tin, cõng về phân phát xuống các đơn vị.
Cứ mười ngày một lần, tôi lại đi ngược con đường vào Nam hồi nào. Gặp lại những đồi cỏ tranh vắng hiu. Gặp lại đầu nguồn sông bến Hải, và lại chui vào rừng già. Đi hết một ngày, trở về cũng hết một ngày. Một mình cắm cúi trên những con đường mòn, những con đường mòn rồi sẽ ám ảnh tôi mãi mãi.
  Cái lán xộc xệch của xưởng in nằm sâu trong rừng già, trông nó giống như túp lều của Rôbinsơn trên hoang đảo. Có hai người lính, một già một trẻ. Người già chỉ huy người trẻ, cả hai đều là công nhân in trước khi nhập ngũ.
 Người trẻ trạc tuổi tôi, tên là Nghi, là thợ sắp chữ. Anh chàng tuổi còn non mà đầu đã chớm hói, trán cao lên, tóc thưa phơ phất. Cặp mắt Nghi thường hay nheo nheo, có ánh cười thấp thoáng trong đó.
Sau này khi xưởng in chuyển vào tuyến trước, tôi và Nghi rất thân nhau. Tôi đặc biệt thích xem những ngón tay thợ của Nghi thoăn thoắt nhặt con chữ, thoăn thoắt xếp chúng lại thành từng câu, rồi đẩy xạch một cái thật gọn, kẹp chúng vào trong cái khay bằng kẽm. Hai ngón tay khô dẹt như là thèm thuồng những con chữ bằng chì, chúng điều khiển những con chữ nhỏ một cách điệu nghệ và say sưa.
Tôi lên makét ngày một nhanh hơn, có nghĩa là thời gian rảnh rỗi dôi ra nhiều hơn. Thượng úy Sĩ Hỡi lập tức ném cho tôi một xấp bài, bảo tôi sửa. Dần dà, mỗi khi bản tin thiếu bài từ các đơn vị gửi lên, anh lại giao thêm việc lấy tin tức bằng điện thoại rồi viết bài bổ sung cho kín mặt báo. Tôi loay hoay với tờ tin như một người làm báo thực thụ.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #114 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:50:05 pm »

 Hiệp định ngưng bắn được ký kết, nó được ký tại Paris ở nước Pháp. Tôi nghe tin này khi đang tưới rau trên mảnh vườn nhỏ sau căn nhà gỗ của trưởng ban tuyên huấn. Tiếng người phát thanh viên dõng dạc thông báo vọng ra từ cái cửa sổ mở toang. Mọi sự chuyển động phút chốc đều như dừng lại.
Rồi tiếng hát cất vút lên: Việt Nam trên đường chúng ta đi…. Tôi đứng lặng bên những lá cải xanh, chân cắm sâu xuống đất. Thật lạ lùng, thế là có thể đi dưới trời một cách đàng hoàng, thế là sẽ có những ngày sống không có tiếng gầm rít, có thể làm những việc dường như đã bị quên mất từ lâu.
Dù chỉ là ngưng bắn, chưa chấm dứt chiến tranh, nhưng cái cảm giác hòa bình sao mà choáng ngợp, ngày hòa bình, đêm hòa bình. Sẽ có những giây phút thực sự bình yên. Thật lạ lùng, nhìn cảnh vật quanh mình, sao như thấy chúng rõ ràng hơn, như là quen thuộc hơn, như là mình đã vô tình với chúng trong suốt những tháng ngày qua.
Đất trời Quảng Trị sau hiệp định ngưng bắn ngơ ngơ ngác ngác. Những hàng cây sống sót trong làng Cam Lộ rướn cành lá lên vẻ kinh ngạc. Người lục tục chui ra khỏi hầm, lặng lẽ, chưa thực tin vào sự bình yên. Những con gió rít trên đường 9 nghe vẫn hoang vu, buồn bã.
***
 
  Khi lệnh ngưng bắn vừa được ban bố, quân Ngụy thực hiện ngay lập tức việc lấn đất. Mưu mẹo đã được chúng tính toán từ trước. Suốt từ đông sang tây, dọc theo tuyến giáp ranh của hai bên, các chú lính rằn ri cùng nhất lọat lấn đất bằng một cung cách rất ranh mãnh và bất ngờ. Trong đó, phòng tuyến cảng Cửa Việt bị lấn nhiều nhất, có chỗ vào sâu đến hơn hai cây số.
Đúng giờ ngưng bắn, lính Ngụy ào sang chốt của bộ đội, súng khoác sau lưng, tay cầm cờ trắng và thuốc lá, hồ hởi reo hò rồi chào hỏi lăng xăng. Lính ta chiến đấu thì can đảm, thông minh nhưng lại quá thật thà trong giao tiếp. Hai bên bắt tay nhau, cùng ngồi trên chiến hào hàn huyên … Sóng biển ỳ ầm che khuất tiếng động cơ của những chiếc xe tăng đang mò mò trườn lên sát theo mép nước.
Rồi bất chợt, một khẩu lệnh vang lên. Tất cả lính Ngụy nhất loạt rút từ trong lưng quần ra những lá cờ ba que nhỏ đã có sẵn cán, cắm ngay xuống chỗ chúng đang ngồi như là cắm thẻ nhận đất.
Lính ta bị bất ngờ, những trận xáp la cà khốc liệt đột ngột bùng lên.
Không phải nơi nào chúng cũng nhận được đất theo cách này. Riêng phòng tuyến Cửa Việt, nhờ có xe tăng yểm trợ nên chúng đánh bật bộ đội ra khá xa. Bộ đội hy sinh nhiều, hy sinh đau đớn.
Sau sự kiện lấn chiếm kiểu giang hồ này là cuộc phản kích với quy mô lớn của ta. Bộ tư lệnh B5 quyết định tổ chức một trận đánh hội sư (3 sư đoàn chủ lực hợp lại) và hợp đồng binh chủng (Pháo binh, bộ binh, xe tăng) lớn nhất từ trước đến nay. Một trận đánh quét chưa từng có, đánh vỗ mặt, lùa địch lùi xa khỏi khu vực chúng vừa lấn chiếm, có nơi lùa luôn vào đất chúng tới năm, bẩy cây số. 
Tôi hàng ngày nắm tin tức từ cảng Cửa Việt, trong lòng lo lắng. Đấy là vùng đất chiến đấu của trung đoàn 101, nơi bọn Huân, Túc, Nghiêm, Châu, Ứng đang lăn lộn, lăn lộn  trong cái thời khắc lẽ ra đã phải được bình yên rồi.
Đây đó trên mặt trận, chiến tranh vẫn không ngưng nghỉ, dòng chết vẫn tiếp tục rỉ rả giữa đất trời quang đãng không một tiếng bom.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #115 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:50:28 pm »

Lúc này, về phía tây thị xã Quảng Trị, ngược dòng Thạch Hãn, trên các cao điểm 300 Đất, 300 Đá và đồi Mít, cuộc chiến vẫn thản nhiên tiếp diễn.
Địch quyết xóa thế da báo, tức là xóa những cứ điểm ta chiếm lõm vào đất chúng từ trước khi ngưng bắn. Vì những cứ điểm này bất kỳ lúc nào cũng có thể trở thành bàn đạp cho bộ đội tấn công.
Toàn bộ bờ phía nam sông Thạch Hãn là vùng địch. Cứ điểm đồi Mít nằm ngay ở bên ấy. Địch dồn sức đánh bật quân ta sang bên này sông. Đồi Mít lọt vào thế của thành Quảng Trị ngày trước, ba bề địch quây chặt, sau lưng là con sông. Cuộc giằng co dai dẳng khốc liệt đã gần một tháng nay.
   Cơ quan sư đoàn lập một đoàn đốc chiến tung xuống hỗ trợ cho các đơn vị ở đồi Mít. Tôi được chỉ định đi trong thành phần của phòng chính trị.
Lại nai nịt ra trận.
Tôi chuẩn bị hành trang rất gẫy gọn, đấy là thói quen của những ngày trận mạc. Đi đánh nhau thì tư trang đơn giản.
Chúng tôi cắt dọc những quả đồi phía Tây Quảng Trị rồi đổ xuống, men theo bờ Bắc Sông Thạch Hãn, đi về phía các cao điểm đang tác chiến.
Một ngày đi dưới dưới bầu trời vắng lặng, đến xế chiều, càng đi càng nghe rõ tiếng đạn nổ lụp bụp. Trời chớm tối thì lọt vào vùng pháo kích của địch.
Thọat đầu là tiếng thụi ỳ ùng và những cột khói mờ dựng lên. Bất chợt, vài quả đạn pháo vụt ngang qua đầu, rồi nổ ngay trước mặt, tiếng nổ đập toác không gian. Đoàn người lổn nhổn nằm ụp xuống rồi lại chạy xốc lên. Những tâm thần căng như giây đàn.
    Ngực tôi lặng xuống như con thú phản ứng với hiểm nguy. Lại giống như hồi nào, mỗi khi chui vào cái vòm của tử khí là toàn thân lập tức rơi vào trạng thái lạnh lùng.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #116 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:50:46 pm »

Giao thông hào của bộ đội chạy dọc theo mép sông, loằng ngoằng lên xuống theo triền đồi. Ở đây cả hai bên bờ sông đều dựng đứng. Hầm của bộ đội khoét lõm vào bụng đồi, hầm được nối với con hào chính chạy dọc bờ sông bằng một đoạn hào ngắn.
Tôi chui vào một trong những cái hầm theo kiểu hang động ấy. Trong hang có đốt một khúc lốp cao su nhỏ để thắp sáng, làn khói khe khẽ chui vào lỗ mũi cay sè. Tôi ở cùng hầm với người trung đội trưởng bộ binh của trung đoàn 18. Anh rất ít nói, cũng ít khi có mặt trong hầm. Chỗ cư trú thường trực của anh là đoạn hào thông xuống các tiểu đội.
Từ hầm tôi nhìn sang thấy rõ mồn một quang cảnh đồi Mít ở bên kia sông. Đồi Mít lúc này chỉ còn gốc mít, đất đồi lở lói đang run lên bần bật. Thỉnh thoảng một cái lưng bộ đội lom khom chạy trong giao thông hào, giống như đang chơi trò trận giả của học trò. Thỉnh thoảng một hai bóng áo rằn ri thoắt qua thoắt lại ở phía xa, lập tức các lọai súng bộ binh nổ rào lên, tiếng đạn nổ nghe lắp bắp lụp bụp.
Lâu lâu, địch tổ chức một cuộc công kích. Kịch bản thường lặp đi lặp lại. Bắt đầu là pháo từ tuyến sau rót đạn vào chốt của bộ đội trên đồi, rồi xe tăng lục khục bò lên.
Xe tăng bò lên, cứ vài thước lại nã một quả đạn pháo. Pháo tăng hạ ngang nòng, bắn thẳng, đạn dộng vào sườn đồi tức ngực. Nhiều quả đạn trượt theo sườn đồi lao thẳng sang bên này sông. Bờ sông đón lấy quả đạn, nuốt lấy tiếng nổ của nó, truyền rầm rầm vào lòng đất làm tắt phụt những đốm lửa cao su.
Bộ binh địch lợi dụng lúc bộ đội đang bị hỏa lực mạnh của chúng ấn xuống hào, nhẩy choi choi xông lên để hất lính ta ra khỏi chốt.
Cuộc giằng co như vậy thường diễn ra khoảng 20 phút rồi lại lặng ngắt. Xe tăng địch trườn lên bắn chán rồi rờ rờ lùi về vị trí cũ.
Hàng ngày những cuộc vỗ mặt như thế diễn ra khoảng bốn năm lần. Lính ta nếu không có hỏa lực mạnh của súng B40, B41 thì chắc chắn không thể trụ nổi.
Tôi thường mò dọc theo mép sông, xuống với các tiểu đội chốt bên bờ sông. Hàng ngày gặp những gương mặt căng thẳng, lầm lũi. Những khuôn mặt lấm lem. Những tấm thân hôi nồng mùi đất và mùi khói.
Trận địa đồi Mít lặng lẽ, tai tái. Tiếng súng bất chợt rộ ào ào rồi im bặt. Lâu lâu một tràng liên thanh thốt lên hoảng hốt. Lâu lâu một quả lựu đạn nổ bùng. Không khí căng thẳng.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #117 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:51:23 pm »

Xế chiều hôm ấy tôi vừa hùng hục chui vào hầm, còn chưa kịp cởi cái xanh tuya rông thì hai tai thoáng ù đặc, khối đất trên đầu ập xuống, ngay lập tức ép toàn thân tôi cứng ngắc. Sau vài giây cảm thấy chìm, cái đầu vụt tỉnh rụi, nhận ra là mình đã bị chôn rồi. Bịt bùng, đau tức và hãi hùng. Ý nghĩ đầu tiên là không lẽ chết? Chắc là chết, chết vô duyên quá!
.Không thể cục cựa được. Tôi thử ngọ nguậy ngón chân, ngọ nguậy ngón tay, rồi khẽ lắc vai. Hai vai vừa hơi xục xịch thì đất lèn chặt ngay lại. Tôi hiểu rằng càng động đậy thì sẽ càng bị chôn chặt hơn. Thế là phải lặng im ở tư thế nghiêng. Lặng im thì cảm nhận rõ sự ép của đất, đầu óc từ từ ngợp lên. Tôi cố trấn tĩnh và cố thở thật nhẹ.
Hy vọng rất mỏng manh. Nếu trung đội trưởng Lưu tối nay ở lại dưới tiểu đội thì sao? Có thể trụ được qua đêm để hy vọng có người moi mình lên không. Tôi có cảm giác  khối đất đè trên đầu mình không dầy lắm, chắc khoảng vài chục phân thôi, cảm giác đó làm tôi đỡ ngợp hơn một chút.
Chưa bao giờ thấy  bất lực một cách cụ thể như thế này. Nhất là ý nghĩ có thể đất sẽ bịt kín mũi. Tôi không dám cục cựa đầu. Bất lực làm cho từng đợt choáng cứ dâng lên.
 Đất lạnh áp sát toàn thân, áp nặng lên đầu, lên mặt. Cô độc vô cùng tận… mình đang bị chôn sống… không một ai biết cả. Cô độc và vô lý.
 Một ít đất bắt đầu len vào mũi. Những hình ảnh của cuộc sống chập chờn hiện lên làm cho tôi càng lún sâu xuống. Mệt quá, sắp điên rồi.
***
 
Cho đến khi được anh em lôi lên, tôi là một cái xác còn thoi thóp thở.     
Hai ngày sau anh Thắng ở ban thanh niên xuống thay tôi. Anh đưa tôi một lá thư. Đấy là thư của Mai Châu. Lá thư viết nghệch ngoạc, chữ tràn cả hai trang giấy học trò, không có một cái dấu chấm phẩy nào.
Tôi tựa lưng vào bờ đất giao thông hào đọc thư của Châu. Nó bị thương ở bắp chân do một mảnh gang nhỏ cắm vào. Bác sĩ trạm phẫu tiền phương mổ vài lần mà không sao tóm được cái mảnh gang ranh mãnh ấy. Nó phải ra Bắc. Toàn bộ lá thư là nỗi lo lắng cho những người ở lại.
  Lẳng lặng lần theo những dòng cảm xúc, nhận thấy sự chân thành của chàng công tử Hà Nội. Sự chân thành đã được cái chết và xác người làm bật lên từ trong thâm tâm rồi đóng dấu đỏ au vào tạng phủ của lính, để lính chiến trở nên giống nhau như đất.
Tôi gập tờ giấy học trò đầy chữ của thằng bạn đút vào túi áo rồi lo thu dọn hành trang. Một mình lên đường trở về. Đồi Mít lùng bùng với những cái lưng của lính ta, những cái lưng của lính địch, lúi húi, lẩn khuất bên bờ sông lở lói… Tôi đi rồi, đồi Mít vẫn thế, chiến trận vẫn thế, những người lính gầy guộc vẫn thế.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #118 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:51:57 pm »

TÙ BINH  -  BỨC CHÂN DUNG TỘI ĐỒ  -
BỘ ĐỘI GÁI VÀ LÀN GIÓ ĐỜI THƯỜNG.
 
Ba cái hầm kèo nhốt tù binh. Ba cái hầm kèo xếp thành ba góc tam giác nằm lọt trong một mảnh vườn nắng nóng hầm hập. Mảnh vườn dập nát đang lặng lẽ tỏa khói. Có hai O du kích của làng Cam Tuyền khoác súng tiểu liên đi qua đi lại trên sân.
Tù binh Ngụy ngồi trong hầm lâu lâu lại lủng củng hất lên vài câu chọc ghẹo các cô gái.
Có ba người lính của đại đội trinh sát, người thì lúi húi nấu cơm trong chái bếp còn sót lại của căn nhà đã gẫy vụn, người thì ôm súng ngồi nhìn như đang đếm bước chân của các cô gái, người thì so vai hý húi ghi ghi chép chép.
Đây là trạm trung chuyển tạm, được lập nên để nhốt giữ tù binh trước khi chuyển chúng ra tuyến sau. Lùa tù binh xuống hầm, một mặt để dễ kiểm soát nhưng chủ yếu là  giữ cho họ tránh khói bom pháo của chính họ.
Đám này là lính dù mới bị bắt tối hôm qua trong lúc ùa sang lấn đất, chiếm chốt của ta ở khu vực chợ Sải. Thực ra tôi không có nhiệm vụ hỏi cung, đấy là việc của hai viên cán bộ ban trinh sát cùng đi với tôi. Việc của tôi chỉ đơn giản là lấy tin để đưa lên tờ tin của Sư đoàn. Thế nhưng lại xẩy ra một cuộc phỏng vấn thú vị.
 Một người tù binh hình như có nhu cầu nói chuyện, hoặc là thèm hút thuốc. Khi thấy tôi đặt cái mũ cối xuống đất, ngồi chĩnh chệ lên rồi rút thuốc lá ra phập phèo thả khói, anh ta lom khom chui ra khỏi hầm.
Hai cánh tay bị trói giật ra sau làm cho cái cần cổ hắn rướn lên. O du kích giật mình, quay ngang khẩu súng, xẵng giọng:
-  Đi đâu? Muốn đi phải hỏi chứ. Rõ chưa?
-  Dạ, ảnh gọi tui - hắn hất đầu về phía tôi, nhẹ nhàng trả lời o du kích.
Cô gái nhìn tôi, cặp mắt hơi xếch. Tôi gật đầu.
Cô gái dựng khẩu súng lên. Được lệnh, gã tù binh cong người bước chậm chậm tới gần tôi. Hắn cao lều khều.
Cúi gập người rồi dùng hai bàn tay nhấc cái mũ sắt trên đầu từ từ hạ xuống, tới ngang bụng thì tay bị vướng, hắn thả rơi cái mũ rồi rất nhanh hạ người theo, hai gối quỳ bập xuống đất, nghiêng vẹo người để dùng một bàn tay giữ lấy cái mũ rồi ngồi nhẹ lên trên.
 Xong việc, hắn liếc nhìn tôi. Tôi hỏi:
-  Thèm thuốc hả?
-  Dạ không, em không hút thuốc.
-  Tên gì?
 -  Dạ, tên Cầu. Nguyễn Trung Cầu.
-  Trưng Cầu hay Trung Cầu?
-  Dạ Trung.
Tôi tiếp tục hỏi quê quán, đơn vị vân vân, giống như hai viên sĩ quan trinh sát nãy giờ đã hỏi những tên tù binh khác. Khi biết hắn là sinh viên Văn khoa, tôi đột ngột hỏi:
-  Đi lính có thích không? Đời lính anh thích nhất điều gì?
-  Đi lính là đi quân dịch thôi anh, không có ai thích. Bọn em là lính dù. Lính dù huấn luyện mệt lắm, nhưng thích nhất là lúc nhẩy ra khỏi máy bay, tung cái dù ra…
-  Nhẩy thì rơi xuống, có gì mà thích?
-  Dạ rơi xuống hun hút, rồi cái dù bật ra, lơ lửng như một thiên thần… mình như một thiên thần vậy anh.
-  À… thế còn ghét nhất là gì?
 -  Bị cấp trên kêu lên.
-  Sao thế?
- Thường có chuyện mới kêu lính lên. Đã bị cấp trên kêu, thì thường là ăn đòn. Hoặc bạt tai, hoặc đấm đá, có khi còn ăn gậy nữa…
Thì ra là vậy, đúng là lính đánh thuê. Tôi quan sát gương mặt hắn, có vẻ già hơn tuổi, cũng hiền lành thôi, không có chất ác ôn. Hắn có vẻ muốn hỏi tôi, nhưng sợ. Tôi tự giới thiệu.
-  Tôi cũng là học trò. Học trò Mỹ thuật, tức là làm nghề vẽ. - Rồi hỏi tiếp:
-  Có vợ hay người yêu chưa?
-  Dạ chưa vợ. Em có bồ, nàng rất dễ thương, cùng học với em từ hồi trung học… xa nàng tội nghiệp lắm…
Cặp mắt người lính dù chợt lìm lịm, rồi như là được bấm trúng nút, hắn thao thao kể về mối tình của mình:
- Anh là sinh viên, anh cũng biết, tình yêu học trò… mơ mộng nhiều lắm. Nàng có mái tóc thề, mắt to, hàng mi dài. Tụi em thương nhau được hơn ba năm thì em vào quân dịch. Tính cưới, mà nghĩ tội cho nàng…
Hắn nói về miền quê tuyệt đẹp của nàng, kể về cuộc gặp đầu tiên, rồi về tính tình dễ thương và lãng mạn của nàng v.v…
Tôi đang nghe một cách nói rất lạ lẫm. Riêng chữ “nàng” đối với thanh niên miền Bắc thì đã rơi vào dĩ vãng lâu rồi, nó là của thời “Tự lực văn đoàn”. Còn chữ “Bồ” dùng để chỉ người yêu thì là lần đầu tiên tôi được biết.
Ánh nắng khô rộm của buổi trưa vuốt dài khuôn mặt ảo não của người lính dù. Tôi bất giác mở cái cặp bìa các tông, lấy ra tờ giấy trắng, rút cây bút chì trong túi ngực, gần như vung tay, vẽ rất nhanh cái chân dung đang chấp chới trong bụi nắng.
Hắn dừng nói, ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi hất hàm, ý bảo: “Cứ tiếp tục đi”. Lặng yên một lúc rồi hắn nhỏ nhẹ kể tiếp. Một O du kích đi vòng ra phía sau lưng tôi, bụm miệng cười rích rích.
Tôi không tặng người lính Ngụy bức chân dung vì có tặng hắn cũng không thể giữ được. Vẽ xong, tôi cầm tờ giấy đưa lên. Hắn lắc lắc đầu, rồi hổn hển nói:
- Vậy là hy vọng sống rồi… những người như các anh chắc không giết tù binh… Họ nói, Cộng Sản đầy thú tính… Khi nào hết chiến tranh, hy vọng được gặp anh…
Hắn nói địa chỉ nhà, tôi không ghi lại nên sau này không làm sao nhớ ra được.
Những tên lính Ngụy ngồi trong hầm dương mắt nhìn dóng ra.
Hai viên sĩ quan trinh sát vẫn nghiêm nghị tiến hành công việc. Hai O du kích cầm ngang súng đứng nép mình vào bóng của mấy cái cột nhà cụt cho đỡ nắng, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi, ánh mắt vui vui.
Bức chân dung đầy cảm hứng này rốt cuộc, có một ngày, lại gây cho tôi không ít phiền toái.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #119 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2012, 04:52:16 pm »

Bộ tư lệnh sư đoàn chuyển về đóng tại khu vực Tân Vĩnh, bên bờ sông Lai Phước.
Nước con sông Lai Phước trong xanh đến khác thường, chỉ nhìn nó thôi, lòng đã thấy mát dịu. Chiều chiều lính tráng bơi lội thì thùm. Các sĩ quan già bơi nhè nhẹ gần bờ. Sĩ quan trẻ bơi ra bơi vào, vừa bơi vừa kháo chuyện rôm rả. Lính tráng chúng tôi thì nghịch ngợm, quẫy vùng như rái cá.
Cái xưởng in cô độc ở rừng ngoài Cứ cũng đã chuyển vào, nên tôi hết là con thoi dệt qua dệt lại con đường dài dằng dặc, buồn hun hút ấy. Trưởng ban giao cho tôi cái máy ảnh hiệu Zenit của Liên Xô để kiêm thêm nghề phó nháy. Chụp ảnh rồi tự tráng phim, tự in ảnh.
Có một máy phóng ảnh nhỏ, cũng của Liên Xô, chúng tôi tự thiết kế một phòng rọi ảnh độc đáo, dùng nắng mặt trời thay cho điện. “Phòng” rọi ảnh được quây bằng giấy dầu mầu đen, nó nóng như lò nướng bánh mỳ. Chui vào đó, phải cởi trần. Làm được vài cái ảnh thì người muốn chín nhừ.
Tuy nhiên công việc này đem đến một sự thú vị vô bờ. Những tấm ảnh đen trắng chụp bộ đội từ từ hiện lên trên mặt giấy y như có phép mầu, như là thở ra nó vậy, luôn làm cho hồi hộp và vui sướng.
Ban tuyên huấn thành lập một đội văn nghệ, gọi là đội tuyên truyền văn hóa. Ca sĩ, nhạc công được tuyển chọn từ các đội văn nghệ của các đơn vị trong toàn sư đoàn. Lính sinh viên có rất nhiều tài năng tươi tắn, có thể đáp ứng trọn vẹn quy trình khép kín: sáng  tác, dàn dựng và biểu diễn.
Đội tuyển bóng đá sư đoàn được thành lập, được luyện tập như là một đội bóng chuyên nghiệp thực thụ. Những trận đấu giao hữu với các đội bóng của các sư đoàn khác trên đất Quảng Trị thường đem lại nguồn hào hứng bất tận cho những người lính chiến.
Tôi được chọn vào đội bóng đá của sư đoàn bộ (cơ quan của bộ tư lệnh sư đoàn). Hàng ngày, vào buổi chiều sau giờ hành chính, đội bóng gồm các trợ lý cơ quan và một số thành viên đội tuyên truyền văn hóa lại tụ họp, say sưa tập tành. Sân tập nằm ngay trước căn nhà nhỏ của tôi, nó là cái sườn đồi đã được máy ủi cào phẳng, nhưng còn hơi nghiêng nên việc nhặt bóng cũng làm mất đi khá nhiều thời gian.
Chiến trường những ngày hòa bình mênh mang. Cuộc sống trở lại với người lính. Những vườn rau xanh mát, những chuồng lợn ụt ịt tỏa ra mùi hăng hắc quen thuộc. Những đàn gà, gà mẹ gà con lục cục. Các chị mái gà đã kịp hồi tâm để tiếp tục đẻ trứng.
***
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM