Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:13:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Được sống và kể lại - Trần Luân Tín  (Đọc 81515 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 01:55:00 pm »

Được sống và kể lại
(Giải thưởng văn học Hội Nhà văn TP.HCM 2010)
TỰ TRUYỆN CỦA TRẦN LUÂN TÍN

LỜI TỰA

NVTPHCM- Cuốn sách này là hồi ức - đã được ấp ủ từ lâu - của bạn tôi, nhà điêu khắc Trần Luân Tín.

Năm 1965 tôi và Tín cùng nhập học vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khi đó đang sơ tán ở Hà Bắc… Tín 14 tuổi, còn tôi mới 11… Hai thằng nhóc đã cùng ngủ chung trên cái giường cá nhân bé tí, trong căn nhà cũng bé tí của một gia đình nông dân nghèo, suốt 7 năm trời.

Những năm cuối của cuộc chiến tranh, đứa trước đứa sau lần lượt nhập ngũ. Tín đi trước, làm lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị, rồi đến lượt tôi, lính bộ binh, vào Công Tum.

Gần 30 năm sau, như sự run rủi của số phận, hai đứa lại ở gần nhau, khi tóc đã điểm bạc. Rất nhiều việc để chia sẻ, nhiều câu chuyện để kể cho nhau nghe, nhưng ấn tượng nhất, sâu đậm nhất vẫn là chuyện về những năm chiến tranh… với tất cả sự đồng cảm của những người bạn từng sống bên nhau thời niên thiếu và từng là lính vào sinh ra tử…

Trong một lần sang nhà bạn chơi, uống trà, chuyện phiếm dông dài lại quay về hồi tưởng. Tín thổ lộ ý định đã ấp ủ từ lâu về cuốn sách ghi lại ký ức một thời đạn bom cực kỳ gian khổ, ác liệt, nhưng cũng rất nhiều thi vị.

Dĩ nhiên, đó là việc nên làm. Thi thoảng cần nhìn lại những gì đã qua để hiểu giá trị của những gì đang có. Bạn tôi là người từng trải, sâu sắc, cuộc đời có nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Tín viết, với mục đích giản dị ban đầu là kể cho hai đứa con của mình nghe về một quãng đời cha đã trải qua… Viết xong đưa bạn bè đọc… câu chuyện về quãng đời ấy thật ấn tượng.

Một ngày cuối năm, cuốn sách được xuất bản, thật mừng, bèn viết cho bạn đôi lời chân thành, chia sẻ cảm nhận rưng rưng của mình qua ký ức về quãng đời của một người bạn tri kỷ với tất cả…

12. 2008

Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình

“Con, một đứa con như trăm ngàn đứa khác

Khoác trên vai chiếc áo mầu xanh bạc

quẳng ba lô, ngồi phịch, nghỉ bên thềm”

Thu Bồn
http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/tieu-thuyet/tran-luan-tin-duoc-song-va-ke-lai-phan-1.html
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:15:54 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #1 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 01:56:09 pm »

Viên cảnh sát da đen to lớn hơi nghiêng đầu chăm chú nhìn tôi, có vẻ ngờ ngợ một người quen, lại như là chợt phát hiện ra một người quá lạ... Tôi thoáng nhìn anh ta rồi tiếp tục kéo va ly đi. Trong hàng người từ máy bay xuống có lẽ tôi là người nhỏ con nhất. Một người Việt đứng tuổi lại hơi ốm yếu.

Viên cảnh sát bước mấy bước tới gần, đưa ngón tay chỉ vào tôi rồi ngửa cả bàn tay vẽ thành một nửa vòng cung về phía cái quầy sắt sáng choang. Tôi hiểu ý, tách ra khỏi hàng người, quay va ly, đẩy nó tới sát cái quầy sắt.

Viên cảnh sát lại sải ba bước dài tiến tới bên tôi. Anh ta lịch sự nghiêng người nói một câu tiếng Anh, rồi nhấc cái va ly đặt lên mặt quầy. Cuộc kiểm tra hành lý đột xuất bắt đầu.

Dường như cái anh chàng to lớn đen thui này không mấy chăm chú vào việc lục lọi hành lý của người bị nghi vấn. Lật lật vài bộ quần áo… hai bàn tay thô kệch dừng lại rồi đột ngột vung lên, xếp đúng hình tư thế bắn súng tiểu liên. Một mắt nheo, một mắt mở to nhắm vào tôi. “Bằm…bằm…bằm… Vixi ? bằm…bằm…bằm…Vixi?...”. Con mắt mở của anh ta sáng rực lên cùng với câu hỏi.

Tôi hiểu ý, nhoẻn cười vì động tác ngộ nghĩnh của người cảnh sát, bật trả lời: “Yét… Đátroai!”.

 “Ô, gút, gút…”. Bộ sắc phục cảnh sát nhàu nhò khi người da đen cúi xuống ôm lấy vai tôi. Anh ta siết nhẹ rồi lắc nhẹ. Khi tôi chạy vội theo kịp những người cùng đoàn rồi ngoái lại, thấy người cảnh sát to lớn vẫn nhìn theo, anh đưa ngón tay cái lên giật giật, hai hàm răng trắng ngời mở rộng.

Hoạt cảnh này xảy ra tại ga máy bay Lốt ăng giơ lét vào năm 1997, khi tôi lần đầu tiên xuất ngoại, lại tiến thẳng tới cái đất nước cách đây gần 30 năm đã ùn ùn kéo quân sang dày xéo tan tành quê hương tôi.

Người cảnh sát kia tuổi còn trẻ, hẳn không thể có mặt trong đoàn quân viễn chinh của nước Mỹ ngày nào.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:16:33 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 01:57:02 pm »

Tôi rong ruổi trên đất Mỹ. Loanh quanh qua những thành phố nhà cao chọc trời. Đến miền Bắc tuyết lạnh, miền Trung đất đỏ, núi đỏ, ra biển xanh ngăn ngắt. Cuối cùng thì trở về Cali, nơi có đông người Việt Nam sinh sống.

Khí hậu Cali rất giống Sài Gòn, bầu trời cao trong và thoáng đãng. Một buổi sáng, tôi ngồi uống cà phê với hai viên đại tá người Việt, họ là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh. Hai viên cựu sĩ quan đã có tuổi, họ thận trọng, nhưng niềm nở.

Khó mà quên được những dãy quán của người Việt ở trên đất Mỹ, bởi vì những chữ Việt, cũng vì cái âm Việt ở đây sao thấy xa xôi, mà lại thân quen quá: Mỹ Tho, Cần Thơ, Trảng Bom… lại có cả Tràng An, Vĩ Dạ.

Hai người lính già vẻ như rất vui vì có khách, mà lại là khách đặc biệt, một viên trung tá Việt cộng mới từ quê nhà sang. Họ hỏi nhiều điều về đất nước, những câu hỏi chứng tỏ thông tin từ xứ sở vọng tới nơi này là vô cùng ít ỏi. Rốt cuộc, người có bộ ria mép điểm bạc cũng bày tỏ quan điểm, chắc là đã chất chứa trong lòng từ rất lâu:

- Hồi đó, anh em mình đánh nhau có phần vô lý, có thể giải quyết theo cách khác được. Cuộc chiến tàn khốc quá, mà không đem lại cái gì cho ai cả…

Đề tài mở ra có sức hút, người mặt hồng hào chồm tới, chống hai khuỷu tay lên bàn:

- Cái này mình phải đặt vấn đề tâm tư của người Việt. Anh thấy sao? Hồi đó lẽ ra phải đặt vấn đề này sớm, thì tránh được cuộc huynh đệ tương tàn …

Hỏi nhưng không kịp để cho tôi đáp. Hai người già sôi nổi, vẻ như lòng trắc ẩn với quê hương đất nước, dù muộn màng, cũng đã kịp chất chứa trong lòng họ thành một nỗi niềm.

Tôi từng nghe cách lập luận này không ít lần. Cách thức là, rút đi các dữ kiện lịch sử của thời điểm xẩy ra chiến tranh, chỉ giữ lại nguyên một cục thương đau khốc liệt, đặt nó lên mặt bàn của hơn 20 năm sau, và bình luận. Tôi đã nhiều lần xót xa vì sự chân thành ấy, bèn hỏi:

- Cuộc sống của các anh bây giờ thế nào… có tốt không?

- Hiện nay hả, rất tuyệt vời bạn ạ. Nước Mỹ là thiên đường. Việt Nam mình không biết có ngày được bằng một góc của nó không. Có hy vọng không?

Rồi lại không kịp để tôi trả lời, hai nhà truyền giáo sôi nổi, rất nhiệt tâm muốn cho người đến từ nơi nghèo khó biết được thật nhiều những điều sâu xa tuyệt vời của một xã hội văn minh.

Phải đợi khi cả hai bỗng dưng cùng nhấc ly cà phê lên uống tôi mới có dịp nói được vài lời:

- Theo tôi thấy thì chiến tranh đã đem lại cho các anh nhiều đấy chứ.

Hai ly cà phê cùng đặt nhẹ xuống bàn. Không khí chùng lại…

Từ Mỹ bay trở về. Cánh máy bay ngang ngang trên nền đại dương xanh ngăn ngắt. Bầu trời và quả đất vô cùng lơ đễnh, chúng như chẳng có một mối quan tâm nào... Ở dưới ấy, trên mặt quả địa cầu vô tư có một dải đất rất hẹp, rất nghèo, rất nhiều đau thương. Đấy là quê hương Việt Nam yêu quý của tôi.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:16:45 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 01:58:07 pm »

Năm 1971 miền Bắc lụt một trận rất lớn.

Tôi nhận giấy báo nhập ngũ khi đang cùng khoa điêu khắc của trường Mỹ thuật dựng tượng đài ở Ninh Giang Hải Dương. Những ngày này trời mưa tầm tã, làng quê ướt đầm đìa. Bọn học trò không có việc làm, suốt ngày chơi bài, đọc sách hoặc là nghêu ngao hát.

Thầy Phước Sanh nói với tôi: “Em về thăm nhà đi, rồi sắp xếp lên Hà Nội cho kịp ngày nhập ngũ”.

Tôi đạp xe về thị xã Hải Dương, cái bánh xe nhỏ xé làn nước lấp xấp trên mặt đường đất. Mưa giăng kín trời. Về đến nhà buổi chiều thì xẩm tối, con nước lớn ập đến. Nước sừng sừng dâng lên, nhanh chóng ngập lút hết tầng trệt của tất cả các ngôi nhà. Đêm xuống, phố phường soi bóng trên mặt nước mầu nâu bạc.

Sáng hôm sau con nước lắng lại, nó lờ lững oai vệ dạo quanh. Thuyền bè bắt đầu xuất hiện, đông dần, rồi líu ríu ngang dọc trên lưng nước như trẩy hội.

Xuồng của công an đi giữ trật tự trên sông phố. Người cảnh sát quần áo ướt nhèm, một tay nắm chặt mạn xuồng để giữ thăng bằng, một tay cầm loa pin oang oang truyền lệnh: “ Chú ý, chú ý… thuyền bè đi về phía tay phải. Đề nghị bà con chấp hành, chống xuồng đi về phía tay phải… để tránh tai nạn giao thông!”

Vắng công an là có đua xuồng. Xuồng tự tạo bằng mọi thứ vật liệu có thể nổi, nên chúng quay vòng là chính, tiến lên thì không mấy. Tiếng cười sặc, tiếng hò la vang động.

Căn nhà của Má tôi không có tầng nào, nước dìm nó xuống gần như mất hút, chỉ còn lại cái tam giác của mái nhà lộ ra. Phải bắc ván qua hai đầu tường, lót thành một cái sàn rồi lom khom ở trong đó.

Hơn hai tuần trôi qua, không hề có giấu hiệu con nước sẽ rút.

Rồi một tuần nữa trôi qua, nước như là không có ý định trả lại mặt đất cho người, nó lì lợm đến mức đứng im, không chuyển động

Tôi nói với Má tôi:

- Chắc con phải bơi về Hà Nội thôi Má.

Má thở dài:

- Đợi thêm vài ngày, chứ xa lắm, rắn rết nhiều lắm. Để hỏi xem có thuyền bè chở khách thì đi.

Sốt ruột, tôi ra bưu điện báo cho nhà trường. Bưu điện của thị xã mở cửa trên tầng hai, lối vào là cửa sổ. Tôi cặp bè rồi leo qua cửa, nhẩy lên chiếc ghế băng dài, đi trên ghế thẳng tới bàn của chị điện báo viên. Có vài người mặc quần đùi, đeo cặp táp, thõng chân xuống nước ngồi đợi đến lượt mình được tiếp. Ngoài đường lịch kịch tiếng thuyền bè đụng nhau, tiếng người rơi ùm xuống nước, tiếng cười nói ý ới.

Gửi được vài dòng chữ cho nhà trường, cũng đỡ nóng ruột hơn một chút. Nhưng ba ngày nữa trôi qua, nước vẫn không chịu rút. Nhà cửa, cây cối và con người cứ từ từ mỏng vơi đi, tái bạc đi.

Ở cầu Cất, người ta mới thiết lập tuyến ca nô Hải Dương – Hà Nội. Thế là đã đến lúc phải lên đường.

Hôm ấy thằng Vinh em tôi chống hai chuyến bè mới chở hết cả nhà ra cầu. Trời lất phất mưa, mây rất nặng.

Tôi bước xuống chiếc ca nô gỗ chao chiêng, nhìn lên cầu. Ba tôi, Má tôi, hai đứa em tôi đứng trên đó. Phía sau là những đám mây màu chì và một khoảng trời rợ lên màu sáng bạc. Cả nhà đưa tay vẫy… miếng vá trên vai áo của Má, hơi ấm những củ khoai luộc bên hông tôi, những giọt mưa gõ lộp bộp…

Đến bây giờ tôi còn giữ được mấy câu thơ viết trước lúc ra đi:

Con đi Ba Má nhé

Hai mươi năm tròn trịa

Con gói trong lòng

Và những ước mong

Con đem theo ra trận.

 

Kể gì một chút thời gian

Của cuộc đời khao khát

Nhưng muôn năm

Là hạt kim cương

Hỡi những giọt thời gian

Ngắn ngủi bình thường.

 

Con nhớ tất cả Ba Má ạ

Từ khi trí óc con và tâm hồn con

Biết nhận những gì con yêu

Thành kỷ niệm

Ôi những ngày lưu luyến

Cháy se lòng…

……
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:17:21 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 01:59:18 pm »

Từ Hải Dương đến Hà Nội khoảng cách là hơn 50 cây số.

Chỉ có nước, sinh lực của đất không còn. Vài chiếc trực thăng vè vè thả lương thực cứu đói. Những con trâu gầy đứng buồn bên những túp lều rơm, trên lưng những quả đồi gồng cong lên.

Tôi về đến trường trước ngày nhập ngũ một ngày. Cả trường đã đi thực tập, chỉ còn lại vài lớp đang học cơ bản. Buổi tối buồn buồn, tôi tha thẩn quanh trường một mình. Cây bằng lăng hoa tím, hàng phi lao bên sân bóng chuyền, những khóm tre đằng ngà xào xạc. Hành lang lớp học và những bóng đèn tỏa ánh sáng vàng cho chúng tôi ngồi học thâu đêm trước kỳ thi tốt nghiệp ngày nà

Lớp điêu khắc rộng thênh, im lìm. Bức tượng nghiên cứu toàn thân của tôi vẫn phủ ni lông đứng đó. Tôi mở tấm ni lông ra, chợt trào nước mắt. Mùi của đất thân quen. Phải xa rồi, dường như xa chính mình. Mọi thứ trong lồng ngực tôi chợt dựng ngợp lên, không thể nhận ra là cảm xúc gì, cứ tràn ngập rồi lằng lặng... và rất buồn.

Những năm tháng học trò đã qua mất rồi. Một quãng đời vất vả, đói và thiếu thốn vô cùng, nhưng kỷ niệm thì tròn đầy. Thầy trò, bè bạn đùm bọc nhau, trau dồi nghề nghiệp say sưa  trong niềm yêu nghề, yêu cuộc sống. Tuổi thơ của chúng tôi thật nhiều gian lao nhưng chật đầy ưu ái. Nó sinh động và thiết tha, mãi mãi là nguồn sinh lực của mỗi người.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:17:33 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:00:38 pm »

Ở Chicagô, có lần tôi đến thăm một người bạn họa sĩ Mỹ. Ngôi nhà xinh xắn của anh ngự trên một triền đồi cỏ xanh, rợp mát bóng cây.

Tôi rất muốn biết quang cảnh của nước Mỹ vào thời điểm mà họ mang bom trút xuống Việt Nam, nên hỏi:

- Cách đây ba muơi năm nước Mỹ có khác bây giờ nhiều không?

- Không, nước Mỹ đã định hình, rất ít thay đổi.

Người họa sĩ râu xồm vừa tập trung điều khiển quả khí cầu nhỏ bay lượn trong nhà, vừa trả lời rồi hỏi:

- Việt Nam thay đổi nhiều chưa? Tôi biết trong chiến tranh đất nước ông rất nghèo. Có phải cái nghèo đã giúp cho chiến thắng?

- Sao nghèo lại giúp cho chiến thắng?

- Khát vọng đổi đời, phải thế không?

Sau này, khi đất nước bắt vào nhịp đổi mới, mọi sự thay đổi thật mau lẹ, con người cũng vậy. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới buổi trò chuyện với anh bạn Họa sĩ này.

Với cách sống Mỹ thì ý nghĩ cho rằng cái nghèo đã giúp người Việt chiến thắng có thể hiểu được, hoặc có thể cười được. Lạ là có nhiều người Việt Nam cũng lằn nhằn như vậy về cuộc chiến đã qua.

Tôi hỏi:

- Thế còn sự hy sinh, tại sao người ta lại quên cả bản thân mình?

Quả khí cầu nhỏ khẽ đụng vào tường. Anh bạn ngửa cổ nốc một hơi bia rồi bắt vào câu chuyện chăm chú hơn. Thằng em họ tôi ngồi dịch.

Thực ra nếu trong lòng vô tư thì nhìn vào lịch sử sẽ rất dễ sáng tỏ. Người Việt vừa ra khỏi cuộc trường chinh thứ nhất, đuổi thực dân Pháp, đã bị thúc ngay vào cuộc trường chinh thứ hai, đánh đế quốc Mỹ.

Không đánh thì bị đánh. Hiệp định Giơnevơ không được thực thi cho thấy dã tâm của Mỹ. Họ coi thường một dân tộc nhỏ, tự cho có thể làm được cái việc mà nước Pháp đã không thể làm được.

Người Việt Nam nghèo nhưng biết nghĩ về người khác, lo cho người khác và hết lòng đùm bọc nhau… vì vậy nên thiên nhiên đùm bọc họ, người với đất trời kết lại, tạo thành một khối sức mạnh không thể lường nổi.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:17:43 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:01:04 pm »

Mùa gặt.

Xóm làng thơm nồng mùi rơm. Sân kho phồng lên trong nắng.

Trung đội xếp thành hàng ngang. Lính quân nhu phân phát quân phục cho lính mới.

Ba lô, quần áo, dép đúc, khăn mũ và những thứ thiết yếu khác được những người lính già ném xuống chân những người đang mặc thường phục. Cởi bỏ thường phục, mặc quân phục tại chỗ.

Tôi nhận được bộ số 1 với một cái áo trùm xuống tới gối, còn quần thì kéo lên tới ngực. Người trung đội trưởng đứng trên bậc tam cấp nhà kho rướn cổ nói rất to:

- Các đồng chí đổi cho nhau. Người nào không đổi được thì báo cho quân nhu để đổi.

Sân kho hợp tác xã đầy nắng đang im phắc chợt nhốn nháo. Người người nhấp nhổm săm soi quần áo. Bỏ áo vào quần, kéo ra rồi nhét vào. Xắn ống quần lên rồi lại thả xuống.

Trung đội trưởng lại rướn cái cổ nổi đầy mạch máu, nói:

-  Quân phục khác với xơvin, phải rộng rãi mới vận động chiến đấu được. Các đồng chí cứ mặc rộng, rồi sẽ quen.

Mầu xanh thay đổi hoàn toàn cảm giác của ngày hôm qua. Không còn viên chức, sinh viên hay thợ thuyền nữa, đột nhiên thấy gần gũi nhau hơn.

Bọn học trò xúng xính trong quân phục, trông mới mẻ như những đọt rau non. Túc thì mỏng tang. Tích Minh phồng lên như con nhái bén. Mai Châu sẵn có bộ khung chuẩn nên rất ngay ngắn. Bọn Nghiêm, Huân, Ứng, Thịnh, đứa nào trông cũng lạ hoắc.

Trước khi nhập ngũ tôi có hai bộ quần áo, một cũ, một mới. Bộ đồ mới là bộ vía chuẩn bị cho ngày tốt nghiệp, Má tôi phải dành dụm tiền mấy năm mới sắm được. Đấy là cái quần vải ximêli mầu xám tro và cái áo pôpơlin trắng, tôi đã tặng cho Dũng, thằng bạn thân cùng lớp trước lúc ra đi.

Còn bộ đồ cũ, nó phục vụ tôi suốt gần 6 năm, đến bây giờ đã ngắn cộc và có hai miếng vá, một ở mông, một ở lưng. Nó đang nằm ở dưới chân tôi, cái lai quần sờn rách thò ra, tôi lặng người như chợt nhìn thấy mình, thấy ngày hôm qua… một thời thân thương đã qua rồi.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:17:53 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:01:54 pm »

Cũng vẫn cái sân kho khô khốc của hợp tác xã, đến giờ ăn cơm thì xanh rờn mầu xanh quân phục. Mấy trăm người ngồi xệp trên mặt sân gạch, xôn xao, rào rào như tằm ăn rỗi. Sáu người quây quanh một mâm. Thức ăn gồm có tép rang, đậu phụ rán và canh rau muống.

Sau bữa cơm, tôi ôm bộ quân phục mới toanh ra ao nhỏ sau nhà, nhúng nó xuống nước, rồi đập, đạp, vò. Tôi muốn nó cũ đi một chút vì không quen mặc đồ mới, đồ mới làm cho thấy tò te quá, mặc đồ cũ tự tin hơn. Nhưng vải quân phục rất bền, dễ gì cũ đi trong phút chốc. Dù sao thì nó cũng đỡ sột soạt hơn một chút.

Đây là làng Khuyến Lương thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tôi nhập ngũ vào sư đoàn 325, lúc này là sư đoàn huấn luyện tân binh. Một sư đoàn toàn lính mới, tất cả đều là sinh viên và cán bộ nhà nước, có một số nghiên cứu sinh mới ở nước ngoài về.

Bộ khung huấn luyện gồm những người lính già dặn kinh nghiệm, đa số đã trải qua chiến trường. Tiểu đội trưởng của tôi người Thái Bình, cấp bậc hạ sĩ, mặt vuông, miệng nhọn rất hay cười, tên anh là Chữ.

Những ngày này thời gian được phủ kín mít. Sáng sớm tập thể dục, rồi học chính tri, điều lệnh, nghiêm nghỉ, bước đều. Tối thì tập đi bộ, từng trung đội xếp thành một hàng, nối nhau lòng vòng đi từ làng này sang làng khác, chuyện trò rôm rả, không khí vui như trẩy hội.

Buổi trưa thường đượm vẻ trầm ngâm. Những chàng lính trí thức ưa suy tư, nhớ nhà, lúc này mới có chút thời gian để lặng lẽ riêng mình.

Căn nhà tôi ở nằm ngoài rìa làng. Nhà không có chủ, tường vỡ, ngói mục. Bên kia cái ao nhỏ đầy bèo là thửa ruộng mới gặt, những gốc rạ khô nối nhau trải tới chân đê. Trên mặt đê, lâu lâu xuất hiện một vài chiếc xe tải chạy rì rì. Có chiếc xe ca mầu xanh tróc lở chở khách chạy qua chạy lại Hà Nội – Thanh Trì. Nhìn nó nhớ nhà, nhớ các bạn.

Tiểu đội trưởng Chữ bảo: “Đừng ngồi một mình, chỉ tổ nhớ vợ, sinh ra tư tưởng”

Cuộc đời bộ đội thế là bắt đầu.

Từ đây câu chuyện sẽ dông dài, nếu kể theo trình tự thời gian thì lan man. Nghĩ đi nghĩ lại tôi quyết định gói các việc vào trong các tiêu đề nhỏ. Mong sao ghi được trung thực những năm tháng mà những người tuổi trẻ thời ấy đã trải qua.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:18:04 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:02:11 pm »

NHỮNG VỠ VẠC ĐẦU TIÊN –

SỰ THƠ MỘNG CỦA GIAN LAO.

 

Buổi sinh hoạt trung đội đầu tiên. Trung đội trưởng cầm cây đèn dầu trên tay, đứng trước hàng lính trẻ, tự giới thiệu:

- Tôi thì tên là Khiết. Như thế là 43 tuổi, có một vợ và 4 con - cả trung đội cười ồ - Cháu lớn nhất năm nay 13 tuổi, cháu bé được 6 tuổi. Quê tôi ở Hà Tây.

Rồi anh nói về tầm quan trọng của việc xác định tư tưởng riêng trong tâm tư mỗi người, về những gian khổ của đời bộ đội, đặc biệt nhấn mạnh sự đùm bọc nhau trong sinh tử chiến trận.

Ánh đèn dầu vàng ủng chập chờn trên gương mặt khắc khổ của người sĩ quan. Giọng anh hơi khàn như được phát ra từ một cái nền đậm đặc những khốc liệt. Hơn ba chục mái đầu xanh ngẩng lên, chăm chú.

Sau đó tôi được phân vào tổ ba người gồm anh Kế kỹ sư điện và anh Kỳ ở bộ giao thông. Tổ ba người là nhóm sinh hoạt nhỏ nhất trong quân đội, còn gọi là tổ tam tam.

Anh Kỳ làm tổ trưởng, tính tình anh đằm thắm, có niềm thích thú lớn nhất là khuyên nhủ người khác. Còn đồng chí Kế thì sôi sùng sục, ăn to nói lớn. Buổi tối, sau khi sinh hoạt trung đội xong, Kế thường chuồn đi mất tăm, gần sáng mới mò về, lẻn vào khe khẽ thầm thì với Kỳ: “con bé tình cảm quá ông ạ…”

Mấy thằng bạn cùng trường hay tụ họp trước bữa cơm. Gặp nhau thấy đỡ trống trải. Trong đám, Huân già dặn hơn anh em. Nó từng đi lính một năm rồi trở về, bây giờ tái ngũ. Kinh nghiệm và những tiên đoán về đường đi nước bước mà chàng cựu binh truyền giảng luôn làm bọn lính tò te phải dỏng tai lên chăm chú.

Sân kho hợp tác xã có cái mái hiên. Có hôm trời mưa, sấm giẫy đành đạch trên trời. Bốn thằng nằm dài dưới hiên nhà. Huân lơ mơ ngủ. Tôi vỗ nhẹ vào ngực Huân:

- Dậy, dậy về nhà, vợ gọi kìa.

Cả bọn cười ồ. Huân trở mình thở dài:

- Người cứ bã ra thế này…

Rồi ê a: “Nhớ thương không bến bờ… có anh đang đứng chờ…”. Giọng nó gà gà y như khi còn là lớp trưởng của chúng tôi ở trường. Các chàng thư sinh phút chốc rơi vào nhớ nhung. Có cái gì đó vô hình bất chợp phồng lên trong ngực. Nắng vẫn nắng như thế, cây xanh vẫn xào xạc, mái tranh của những ngôi nhà vẫn lìm lịm trong bóng mát. Những thằng bạn quen thuộc từ thủa nhỏ vẫn đang ở gần bên nhau. Mà sao tất cả như là khác lạ.

Vào bộ đội, bọn học trò đều hiểu đây là cuộc đời rồi. Cuộc đời sinh tử rất cần phải cố gắng. Con đường đi đã quá rõ ràng, mà sao lòng vẫn cứ lơ ngơ, như là hồi hộp, như là chưa định.

Những người bạn mới của tôi ở trung đội đa số là viên chức. Viên chức thì tự hào về tuổi tác, về công việc đã làm và kinh nghiệm sống. Còn sinh viên thì tự tin vào cái sự nhanh nhậy của tuổi trẻ. Chúng tôi biết phận mình còn non nớt nên luôn tỏ ra kính nể, tôn trọng. Nhưng những người nhiều tuổi thì ngược lại, họ hay chú ý suy xét, xem bọn trẻ con này có định chơi trèo không.

Những ngày ở làng Khuyến Lương, với tôi, nó làng lạng như chưa có đủ thăng bằng. May mà bạn bè ở trường thường hay lên thăm. Chúng đạp xe hơn chục cây số, đem theo nào là trái cây, bánh mỳ, trà, thuốc lá… Căn nhà nhỏ tôi ở, cứ vài ngày lại nêm chật ních người, chật ních yêu thương của tình bạn. Lính tráng nói năng bạo mồm bạo miệng dù mới làm lính chỉ có vài ngày. Học sinh thì nhè nhẹ và e dè.

Đường làng xôn xao, học trò với bộ đội gặp nhau, tiễn nhau, cười cười nói nói. Sau mỗi lần đưa các bạn ra đầu làng rồi trở về, tôi thấy mình như là gần gũi với hiện thực hơn.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:18:14 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2012, 02:02:34 pm »

Một tháng sau, có lệnh hành quân.

Đêm ấy, lần đầu tiên tôi nhận thấy không khí thực sự của lính. Những khối người chuyển động lặng lẽ, khẩn trương. Chỉ có một mầu đậm xậm trong đêm, nặng trịch, như tách ra khỏi không gian thực của xóm làng.

Đoàn xe chuyển bánh trong đêm thanh vắng. Ngày mai dân làng sẽ không khỏi bàng hoàng, xóm làng bỗng chốc lại vắng lặng.

Xe phủ bạt bịt bùng, Hà Nội quay về hướng nào, tôi không thể định hướng được. Thôi chào nhé, bạn bè và ký ức tuổi thơ.

A trưởng phổ biến:

- Hôm nay đơn vị chuyển đến nơi huấn luyện chính thức, ở đâu thì đến nơi sẽ biết.

Không ai nói lời nào. Lâu sau, Kế khẽ cất giọng ồ ồ: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ… bao đồng bào đang mắt đỏ chờ ta…” Xe lắc qua lắc lại. Mọi người cất tiếng hát theo, tiếng hát chắc là lan tỏa trên cánh đồng, vì gió len vào xe có mùi nồng nồng của gốc rạ.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 04:18:23 pm gửi bởi cựu bộ đội trẻ » Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM