Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:42:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Tây nguyên  (Đọc 275338 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #80 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2012, 02:52:38 pm »

Hôm trước nghe chuyên mất chốt ở Kon tum của một đồng đội trên đường vào tây nguyên mà bỗng nhớ lại chuỗi ngày toàn đánh nhau ở mùa mưa 73 . Vơi tôi , tôi cứ nhớ đến cái đói và sốt rét những ngày chiến đấu . nó dai dẳng với tôi đến bây giờ
Bác nghe chuyện mất chốt ở Kon tum? Không biết là ở khu vực nào. Chứ bob tui ở chốt từ 1973 đến ngày giải phóng miền nam...Toàn bộ tuyến chốt ở Kon tum do sư 10 đảm nhiệm. Không hề bị mất chốt nào. -Trường hợp chốt ở Krông - Trung nghĩa : có bị mất vài ngày nhưng sau đó ta chiếm lại được. Trận ấy địch tập trung lực lượng lớn xe tăng, pháo binh, máy bay, bộ binh đánh chiếm. ae ta trên chốt ít quá (một trung đội), do thương vong gần hết nên không giữ nổi, phải rút. Nhưng ngay sau đó trung đoàn 66 tổ chức đánh chiếm lại. Bài học mất chốt, rồi chiếm lại chốt của trung đoàn 66 đã được học tập rút kinh nghiệm trong toàn sư 10. trong đó nổi lên tấm gương anh dũng tuyệt vời của anh Nguyễn Đình Kiệp (a Kiệp lúc đó là Trung đoàn phó trung đoàn 66). Anh trực tiếp chỉ huy và trực tiếp dẫn đầu đơn vị xông lên đánh chiếm lại chốt. Vâng! Nếu nói về chuyện mất chốt (1973 ở Kon tum) thì bob tui biết chỉ có trường hợp đó.
 

   chào bạn bob! Nguyễn Đình Kiệp sau này được tuyên dương anh hùng LLVT. Thời kỳ 1981-1983 làm sư đoàn trưởng sư đoàn 341 QK4 đấy bạn ạ.(sư đoàn 341 QĐ4 đến cuối năm 1980, đầu năm 1981 về nước trở lại đội hình QK4 cho đến nay)
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #81 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2012, 10:38:30 pm »

Lại tết rồi , nhớ đồng đội và tết Tây nguyên . Tôi lại nhớ người anh đồng hao của tôi đã mất . Anh cũng là lính 320 A với tôi . năm 1972 anh đang dậy cao đẳng Sư phạm tỉnh Phú thọ thì nhập ngũ . Chuyện trong nhà nhưng tôi đưa lên đây vì cũng là tâm sự người một thời là lính yêu thương nhau . Nếu đồng đội và các bác có đọc xin hiểu cho là " không phải tôi vạch áo cho người xem lưng " tôi biết ơn   
                                                                     
 


Nước mắt thép


Nguyễn trọng Luân
 




Lạnh quá chừng . Hai anh em tôi co ro ngồi trong cái quán hàng ở dốc Hàng Than . Đống sắt lù lù bên canh lạnh ngắt .
Suốt đêm anh không ngủ .Tôi cũng vậy . Đốt thuốc lá rát cả mép, rì rầm nói chuyện  Nhoáng cái đã  mười mấy năm . Ra khỏi chiến trường tôi lại là anh em cọc chèo với anh. Vừa là bạn chiến đấu , lại vừa là anh em . Bỗ bã thân tình như hồi ở lính Tây nguyên.
Anh trở lại trường cao đẳng sư phạm giảng dậy .   Nay anh làm nhà , nhờ tôi xin  giấy duyệt mua thép cho anh. Khó lắm. Dù mình là quản đốc phụ trách xưởng cán thép tận dụng . Thời ấy được thép tận dụng đã quí lắm rồi . Thép Liên xô mà nhà nào có là mối nguy chứ chẳng chơi . Hóa đơn đâu ? mua ở đâu ? chỉ có ăn cắp hoặc tham ô . Tù như bỡn . Từ trên quê xuống . Xách nải chuối cho cháu ,  giữa mùa đông mà mồ hôi tong tả . Tay bắt mặt mừng mà cứ hiện lên vẻ lo lắng , cái thứ lo lắng của người làm nhà mới , luôn nấp sau nụ cười gượng .Vợ tôi bảo , anh cố lên công ty xin người ta chiếu cố , với lại anh là cán bộ chủ chốt chắc là được . Chiếu cố. Chiếu cố cái con khỉ , đúng là lí lẽ đàn bà.  Anh thì bảo , khó quá thì thôi . Cậu lại vì tôi mà khó ăn khó nói . Bữa cơm cứ vui gường gượng vì mối lo đang ở phía trước. Hôm sau tôi lên gặp Giám đốc công ty . Hồi ấy , Công ty tôi chuyên tái chế phế liệu . buôn bán cũng từ đồ thứ liệu . Buôn đồng nát lãi quan viên .  Nhưng chết vì cái anh cơ chế  nhiêu khê kìm hãm nên tư nhân thì họ làm được mà nhà nước thì lại không nên trò trống gì . Khó khăn  đây . May sao gặp luôn cả trưởng phòng kinh doanh ở đó . Nghe tôi lâm li trình bầy , Giám đốc nói thật nhẹ . Anh Triển làm sao nghiên cứu giúp đỡ cán bộ của mình ,  sao cho .. có tình hợp lí. Anh trưởng phòng trẻ cười rất tươi . Anh sang phòng tôi ta bàn .
-   Thế này anh a . Anh biết đấy , giám đốc là ưu tiên anh lắm , chứ thép bán ra ngoài là khó 
-   Vâng tôi biết . chợt nghĩ trong đầu , giám đốc giao quyền cho trưởng phòng thì tất cả mấu chốt là ở đây. – anh cố gắng giúp tôi , chả gì cũng có chút công lao để gia đình bên vợ trông vào . Trưởng phòng cười . Đấy đấy quan trọng chứ ,  trai nhà quê lấy vợ Hà nội mấy khi được dịp …
Trưởng phòng nhìn qua ô cửa sổ , đôi mắt thật xa xăm tay xoay xoay chén nước . Lúc ấy tôi nghĩ hắn cũng đang bâng khuâng như mình , cũng đang đặt hắn vào địa vị của tôi . Bỗng có tiếng chân bước ngoài cửa , trưởng phòng vội  nói lớn :
-   Tình hình quí này xưởng anh phải thật cố gắng , nếu không anh sẽ bị cắt thi đua đấy.
Tôi giật mình , thôi chết , hỏng mất rồi , sao hắn lại chê trách mình vào đúng lúc này. Tiếng chân người đi xa . khuôn mặt trưởng phòng trở lại như cũ .Tay lại nâng lên rồi hạ xuống chén nước chè nguội.
-   Giá thép bây giờ công ty xây dựng là bao nhiêu nhỉ , anh biết không ?
-   Tôi biết .
Trưởng phòng lại đẩy chén nước về phía tôi .
-   Tôi không lấy giá cao hơn , anh hiểu chứ ?
-   Dạ tôi hiểu .
Nhìn quanh hồi lâu , rồi hạ giọng . Trưởng phòng bảo :
- Hai ngàn sáu , nhưng duyệt hai ngàn . anh lấy ba tạ hả .
Vâng anh giúp cho ba tạ . Tôi lập bập sướng run lên khi ra về còn nghe Trưởng phòng với theo mai lấy hả , anh lên lấy phiếu chỗ tôi .
Đêm ấy nói với vợ , họ duyệt hai ngàn một kí là hóa đơn chỉ ghi hai ngàn thôi . Nhưng giá hai ngàn sáu là mình phải nộp đủ . sáu ba là mười tám . mười tám nghìn nộp ngoài . Vợ giật nẩy người . Khiếp . Hai cái ti vi  đấy . Nhà thì vẫn đang ở nhẩy dù , com cóp đến bao giờ , xin xỏ đến bao giờ mới có chỗ chui ra chui vào . Anh chị ấy còn hơn mình chán ra ấy chứ. Nhìn khuôn mặt vợ tôi đến là thương . Cô ấy đúng chứ có sai đâu . Nói rồi , vợ tôi đứng dậy kéo cái chăn dù bộ đội cũ của tôi đắp thêm cho hai đứa con  . Cái chăn  luôn bị hai thằng con đái dầm khai nức nở , lẩm bẩm , cái chăn len còn chả có cho con . Rồi hắn nói như nói cho mình ,  kiến giả nhất phận, tôi đây này lấy chồng nghèo có dám xin gì của bố mẹ đâu, anh đâu có biết tôi kém bè kém bạn thế nào  . Đến lúc này tôi không kìm được nữa giật phăng cúc áo tụt cánh tay nhằng nhịt sẹo chìa sát mặt vợ , đừng nói nữa, cô nhìn đây, anh ấy cõng tôi hàng nửa ngày trong bom đạn để bây giờ tôi còn ngồi đây với cô trong cái căn nhà nhẩy dù này , tôi lấy tiền chênh của anh ấy hay sao . mạng sống còn chả tiếc vì nhau mà… mình nỡ quên …à
Ngồi phịch xuống giường . Tôi như người đeo ba lô leo dốc ngày nào muốn thở thật mạnh mà không thở được . Phía đuôi giường vợ tôi ngồi dấm dứt .
   Trong tôi hiện về mùa mưa năm 1973 Tây Nguyên . Nước sông pô cô gầm thét , mấy chiếc bè chuối chở thương binh bị lật giữa dòng thác…Hồi áy , đơn vị lật cánh về Gia lai . Một mùa hè bom đạn tàn khốc vừa qua, lính tráng như người vừa trong trận lụt mới lên , lao vào củng cố bám địch và tác chiến ở địa bàn mới. Tôi và anh cùng bổ xung về F320 . Chui trong cái hầm ẩm xì xì suốt mùa mưa năm ấy . Anh thương tôi , anh cứ như bà chị cả lo cho em . Những đêm giữ chốt hay những lần bám địch giành dân hay những lúc ngừng tiếng pháo anh mò đi kiếm cái ăn rồi ca cóng , và bao giờ cũng cứ luôn mồm ăn đi em , ăn để hoàn thành nhiệm vụ mà trở về đi học. Những lúc nghe anh nói vậy cứ như mình đang ở nhà , có bà chị cả đang dỗ dành các em
 
Nửa đêm ,  anh thì thầm . Này, ngày xưa nếu mà chú chết ở trận đồn Tầm thì bây giờ tớ cũng chẳng có ai mà nhờ mua thép đâu nhỉ . Vớ vẩn , em mà ngoẻo rồi biết đâu anh lại có thằng em đồng hao oách hơn thì sao , nó lại là người Hà nội nữa thì tha hồ mà khoe với người trên quê . Anh lại bảo , vài năm đi đánh nhau với giặc bọn mình về thấy lớ ngớ bỏ mẹ . Lớ ngớ là thế nào ? em vẫn sống nhăn răng ở thủ đô đấy thôi. Anh thở dài , nhưng chú cũng khổ , cũng như anh thôi sướng gì đâu . Anh sờ sờ lên những cuộn sắt ngay dưới đít mình . Sương lạnh , những cuộn thép ươn ướt như mồ hôi trong đêm …
   Sáng sớm , anh theo tôi lên nộp tiền lấy hóa đơn . Anh chào hỏi nhân viên thật lễ phép . Thật đúng là người mô phạm . Lúc ở chỗ trưởng phòng ra , tay cầm hóa đơn thấy vẻ mặt anh xúc động , tôi nghĩ chắc xong được cái phần việc khó khăn này nên anh mừng đó thôi. Chứ anh làm sao biết cái vụ tiền chênh tiền lệch kia đâu . Hai anh em đẩy cái xe chất những cuộn thép to bằng cái thúng ra ngoài cổng .( thép cán tái chế hồi 86,87 ) Anh dừng lại mời anh bảo vệ điếu thuốc , mồ hôi lăn trên gò má nhô cao sau những ngày san nền tô vôi gánh cát .
   Trời Hà nội về đêm thanh thản thế. Gió sông Hồng mùa lạnh tràn qua bãi An Dương Phúc Xá  dàn dạt vào trong phố . Cái quán hàng chè chén đầu dốc Hàng Than giống như cái cây cổ thụ đỉnh đồi lúc độ đường .
Này , một dạo chú đi học trường chính trị sao lại đi làm phế liệu . Ồi dào học thì học thế chứ ai học trường đảng cũng làm to cả ai làm dân làm việc nhỏ. Học mà biết cách làm của đảng chứ , ai chả phải học , thế anh không học à ? Lặng im , anh hút thuốc  . Lại này , lúc ở Tây nguyên chú được cử đi học sĩ quan sao lại không đi ? Em thích về học đại học ở trường cũ hơn , ở đâu ra đi thì nỗi nhớ về nó nặng nề lắm .Ừ , chú cũng đa cảm , mà anh nào đa cảm chả sung sướng gì đâu, chả làm to được đâu .
Cả đêm , hai anh em cứ nhìn vào đống thép  to lù lù đợi sáng ra có xe tải của chú em trai đưa công nhân đi thi tay nghề về chở hộ . Những cuộn thép lạnh ngắt , sương rỏ từng giọt hình vành khăn .
   Anh làm nhà xong , ngôi nhà anh tự thiết kế , choãi chân như người đàn bà ngồi bế con . Cũng chát vôi quét ve màu chỉ chừa cái tum để mộc như người đàn bà mặc áo đẹp , nhưng mái tóc để nguyên như gái nhà quê. Để nguyên như thế đến bây giờ .
Vài năm sau anh mất vì ung thư. Con cái anh chưa đứa nào yên bề . Chị tôi đã vất vả nay càng tất tưởi hơn . Từ Hà nội có về thăm chị vài tiếng đồng hồ lại đi chỉ thêm tội cho chị chạy cơm chạy quả gửi cho cháu ở thủ đô. Câu chuyện tiền vênh của anh , tôi thì đã quên và quả thực thương trường thời mở cửa nó cuốn đi ào ào , chuyện gửi giá chia chác trong hợp đồng kinh tế nó ngang nhiên như cỏ mọc trên đê vậy . Đôi lần vợ tôi kể lại chuyện đó với vẻ mặt  thiu thiu buồn
Thoáng cái đã hơn mười năm . Anh đã yên phận , về nằm trên ngọn đồi gần trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh . Con trai con gái tuốt tuột làm nghề giáo như anh . Đứa nào cũng ngoan . Ngôi nhà cũ của anh bây giờ đứng nép bên những ngôi nhà bề thế xanh đỏ cạnh một cái tháp nước cổ xưa , hiền lành , nhỏ nhắn nhưng dễ ưa hơn những ngôi nhà kề bên .

Trước tết , vợ chồng tôi bỗng nhận được điện thoại của chị . Chú Dì về chơi tôi muốn nói chuyện . Chả biết có việc gì mà chị gọi về lúc này . Một công đôi việc, chúng tôi về mang chút quà tết cho chị luôn , thế là vợ chồng khoan thai dáng vẻ người thủ đô về tỉnh.
Tối , cơm nước xong chị thắp hương lên bàn thờ anh . Lạ quá . Vợ chồng tôi nín thinh .
Chị nghẹn vài lần mới nói được .
-   Lúc anh mất có dặn chị , khi xưa chú mua thép đã phải bỏ ra mười tám ngàn tiền chênh nộp cho anh . Chú không nói nhưng anh thì biết , anh không muốn làm chú buồn nên lặng im …- Chị lại nghẹn -… với lại …lúc ấy anh chị túng lắm , chú giúp cho , anh biết ơn chú lắm . Nhưng anh bảo anh mất rồi chị gắng sau này phải trả cho chú dì . …Tết xắp đến , chả muốn kéo thêm năm nữa …thôi thì chú dì nhận cho ….anh …đỡ áy náy . ..
Tôi quay sang vợ  , nước mắt đầm đìa trên má . Ngước tránh lên trần nhà  nơi những mảng vôi tróc lở như những  đồng xu , dấu tích của cốt bê tông  kém chất lượng một thời
  Nhìn lên di ảnh của anh , khói hương lơ mơ thanh thản , thấy hiện về một thời nằm hầm đánh giặc ở Tây nguyên khổ tận cùng mà ấm áp tình người . Lại hiện về một đêm ngồi bên đống thép trên đầu dốc Hàng Than . Sương đọng trên những cuộn thép nhấp nhính như nước mắt  . Nước mắt  thép.

NTL 2010
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #82 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2012, 11:09:12 pm »

Hay và xúc động quá. Một câu chuyện có thật của thời bao cấp. Chất "lính" trong mỗi con người vẫn còn nguyên vẹn và đúng nghĩa của từ đó. Đọc những bài ký và những bài thơ của bác Luân, chúng ta cảm nhận được ở bác Luân một con người rất sâu nặng tình người mà nói đúng hơn là rất nặng tình động đội. Mỗi một câu chuyện, mỗi bài thơ đều toát lên điều đó.
Bây giờ trong thời buổi kinh tế thị trường, không ít người vô cảm trước cuộc sống của đồng loại. Thậm chí chỉ vì một miếng đất, một ngôi nhà dẫn đến mất tình cảm cha con, anh chị em bất hòa, chia lìa ruột thịt, thậm chí có những trường hợp thành án mạng. Mặt trái của kinh tế thị trường là thế, tình cảm con người, đúng sai, thật giả trắng đen lẫn lộn. Thế nhưng đọc của Nguyễn Trọng Luân cái chất nhân văn của con người vẫn ngời ngời sáng. Tình cảm đồng đội của một thời không phôi phai. Trong ký ức sâu thẳm mênh mông, trong trái tim của Nguyễn Trọng Luân vẫn đầy ắp tình cảm của những người lính đã một thời nhường cơm sẻ áo cho nhau, dành lấy cái chết để nhường sự sống cho đồng đội. Cuộc chiến tranh đã lùi xa trên 35 năm rồi, nhưng hình như trong anh, nó không nguôi ngoai, nó vẫn đau đáu trong lòng, như là món nợ với những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, giờ họ vẫn nằm đâu đây lạnh lẽo cô đơn giữa rừng núi, mà chưa được về nghĩa trang hay về với quê mẹ và người thân.
Những bài thơ, những mẫu chuyện của Nguyễn Trọng Luân rất bình dị, rất đời thường, song nó lại làm người đọc lúc nào cũng xúc động, khóe mắt rơm rớm nước mắt, phải trăn trở và ngẫm nghĩ đến cuộc sống của xã hội hiện tại.

Thanh Sơn cám ơn bác Luân đã gửi tặng cho Sơn 2 tập thơ "Trăng tháng chạp" và "Thơ viết cho mùa thu" cùng 2 đĩa CD nhạc "Đèo Ngang tím" và "Mãi gọi tên sư đoàn" của bác. Thanh Sơn sẽ đọc hết và nghe nhạc của bác. Bác là người tài hoa đấy, Thời trai trẻ chắc là nhiều em "xin chết" đấy nhỉ? Không biết trong đó có em nào dân "áo tơi quê choa" không đấy? hihi
Chúc bác và gia đình mạnh khỏe, đón Tết Nhâm Thìn vui vẻ, an khang và thịnh vượng.
Cám ơn bác Nguyễn Trọng Luân thật nhiều.
Thanh Sơn CCB F341
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Giêng, 2012, 02:40:44 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #83 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2012, 11:47:11 pm »

Đọc những bài viết của anh NTL , BH nhớ những cuốn tạp chí " Văn nghệ quân đội " những năm 70 , 80 . BH mê những cuốn văn nghệ quân đội ấy nhưng thời đó có 1 ,2 cuốn là quý lắm nên cứ đọc đi đọc lại đến nỗi gần thuộc lòng ,  Cheesy . Bây giờ đọc truyện anh NTL viết thấy lại cái cảm giác ngày xưa , rất thích .

Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #84 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2012, 07:09:55 pm »

Bây giờ đã là 6 giờ tối 30 têt . Trời lạnh thế . Hương khói cứ rưng rưng nồng nàn . Con lớn đi trực ở công an phường con nhỏ đi làm tin thời sự tết . Ngồi trước máy lại nhớ mấy năm ăn tết chiến trường . Cái têt 74 sang 75 mình rời về gần Ban mê thuột rồi . Hồ đó ở Gia lại nuôi được lợn . Hành quân mang được cả lợn theo ( lợn con thôi ) .Mỗi trung đội cõng 1 con hơn chục lí . Thay nhau cõng , có hôm có thằng không lấy tấm ni lông lót rọ lợn nó đái lên cả nắp ba lô khai nức đội hình . Vất vả thế nên tết ấy có lợn mổ . sướng .
Lợn bé lại nuôi rau , củ rừng nên jkhacs chi lợn mán bây giờ ở HN . Mỗi người 5 điếu Điện Biên . Mỗi B một gói thuốc lào . Quí nhất là thuốc lào . B trưởng giao cho A mình làm một cái điếu thật đẹp . Mấy ngày gần tết thèm lắm mà B trưởng không cho hút . phải đợi đến đúng Giao thừa . Tối om om . chui vào hầm hút xong rồi ra giao điéu cho thằng khác quay vòng hết lượt gần hết gói thuộc lào . Phê lòi mắt , ngửa mặt lên  trời xuân trong lê mê khói thuốc . Rồi nhớ nhà rồi chuyện người yêu , chuyện tiếu lâm ...Chừng hơn 1 giờ đêm có hai tiéng súng nổ . báo động , tưởng địch đến nơi . Rồi lặng như tờ . lập 2 tổ đi bám . Vẫn lặng lẽ . Sáng hôm sau bên bờ suối ngay gần đại đọicó một con lợn rừng cỡ hơn tạ bị đạn chết gục đầu xuống nước . Thế là cả ngày mồng một sả thịt chia nhau . nhưng cũng phải gửi lên tiẻu đoàn bộ một ít . D bộ được ăn thịt nhưng vẫn đòi xét kỉ luật anh nào bắn . Chả làm sao tìm ra thằng nào bắn cả . Giải phóng Sài gòn , về đóng ở Củ chi , Một hôm ăn uống tưng bừng ngoài Tân thông hội , thằng Trần Đông Chấn B trưởng B2 nó bảo : Tao bắn đấy nhưng tao dẫn đầu B tao lùng sục tích cực nhất trong đêm ấy . Bây giờ không biết nó ở đâu . Trước lúc đi bộ đội nó ở trường GTVT trên vĩnh yên .
Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #85 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2012, 01:54:03 am »

Xin kính chúc bác @Nguyentrongluan, người lính của một thời chiến trường B3 hào hùng và gian khó, một năm mới sức khỏe, an khang và may mắn. Rất mong trong năm tới, lại được nghe tiếp những câu truyện của bác, những câu truyện của một thời hoa lửa .
Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #86 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2012, 02:09:25 am »

Cám ơn Hahoi và các bác trên diến đàn . Bây giờ mới là 2 giờ sáng mồng một tết . Gửi lời chúc  anh em trên diễn đàn . Chúc gia đình của tất cả chúng ta hạnh phúc . chác tình cảm mọi thành viên ngày càng gắn bó với nhau và thật bền vững .
Logged
Tomqb3
Thành viên
*
Bài viết: 302


« Trả lời #87 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2012, 07:49:09 am »

Năm mới chúc Luân ,các ccb trên trang quansvn và gia đình năm mới van sự như ý ;

     Xuân sang hạnh phục bình an tới .
    Tết đến vinh hoa phú quý về
 
Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #88 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2012, 10:51:52 am »

chucs bác Tomqb3 và gia đình mạnh khỏe HP . cám ơn bác xông nhà em năm nay .
Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #89 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2012, 04:19:09 pm »

Tết lại nhớ bạn lính Tây nguyên . Đưa cái bài viết về hai thằng bạn lên các bác cùng xem vậy .                                 Chúng tôi lính Sinh viên                                                   
                                                   
  Nguyễn trọng Luân



Cho đến tận bây giờ hai chúng tôi vẫn ở bên nhau như một duyên nợ. Đã 40 năm kể từ lúc cả hai vẫn còn trai trẻ, đều hăm hở với cuộc đời với nhiều khát vọng và rất nhiều bâng khuâng với khoảng trống ở phía trước. Chúng tôi cùng vào đại học một năm, cái thủa sinh viên đi bộ hàng ngày đường cõng gạo kiếm củi và học bài bên bờ suối, nhớ nhà cùng ngồi khóc bên bờ suối. Quê chúng tôi ở xa nhau. Sỹ ở tận Sơn La còn tôi ở cuối Phú Thọ, ấy mà hai đứa gần như anh em ruột. Đời người chả nói trước được điều gì nhưng ước vọng thì chẳng ai cấm. Cứ ước mơ đi, cứ hy vọng đi, có hy vọng dám ước mơ cũng đã là hạnh phúc rồi. Hồi xưa chúng tôi bảo nhau như thế. Rồi hai đứa ước mơ Sỹ bảo : Tao sẽ về làm bác sỹ ở nông trường Mộc Châu, tôi bảo: Tao sẽ về làm kỹ sư nhà máy chè Phú Thọ. Hai đứa bâng khuâng nhìn dòng suối La Hiên êm ru đầy những cánh hoa rừng trôi. ấy là những ngày cuối thu 1970.
Bạn sẽ hỏi: hai đứa tôi không cùng trường, cùng nghề, sao thân nhau từ lúc mới vào trường? Sỹ học y khoa Thái Nguyên còn tôi học cơ điện Thái Nguyên nhưng tôi có bạn cùng học với Sỹ. Ngày xưa thứ 7 đi bộ vài chục cây số lên thăm nhau là chuyện thường, lên thăm bạn tận núi rừng Võ Nhai tôi được bạn gửi sang ngủ nhờ Sỹ thế là thân nhau . Nói vậy thôi, chứ không dễ. Hồi ấy hắn cũng gườm gườm nhìn tôi ngụ ý rằng: đã lên tán gái lớp bọn này lại còn tá túc, lắm chuyện. Nhưng thân nhau rồi thì chẳng có ai cắt nghĩa được là vì sao. Sau này lớn tuổi, hai thằng cùng kết luận là do cả hai đứa mình là đàn ông thế thôi. Đoạn đời trong veo là những năm sinh viên sơ tán. Rừng cũng đẹp, suối cũng đẹp, con suối La Hiên có những khúc quanh chằng chịt dây rừng che kín như một cái kén tằm khổng lồ. Nghe bọn nam trường Y tả về những sáng chủ nhật tắm tiên của nữ sinh trường Y mà cứ như được lên tiên vậy. Những ngày gặp nhau, Sỹ kể cho tôi nghe về sinh hóa, về giải phẫu, chẳng hiểu gì cả. Nhưng nghe nó nói về lời thề Hypograts thì hiểu. Và rồi hai đứa có nhiều dịp để nói về lời thề đó. Tôi chỉ có một cái quần xanh chéo và cái áo phin trắng chuyên dùng mặc khi đi đến trường khác, Sỹ bảo: Mày diện thế, nó cũng có một bộ như thế nhưng chẳng dám mặc phung phí như vậy, nó bảo chỉ Tết về mới diện thôi. Nó cũng mặc quần nâu gụ như tôi. Sao hồi ấy bọn tôi không mặc cảm với bạn gái nhỉ? thản nhiên yêu đời, yêu bạn bè cũng thật thản nhiên.
Chiến tranh lại đưa chúng tôi gần nhau hơn. Mùa hè năm 1972 tôi nhập ngũ. Vào cái ngày cởi bỏ bộ áo sinh viên nhận bộ áo lính, hai thằng òa lên khi nhìn thấy nhau, ở cái xóm cây thị Phú Lương hôm ấy hai thằng nằm ngửa mặt nhìn trời cùng nhớ ngày hôm qua là một cuộc đời xa thẳm cái ngày hôm nay của hai đứa. Bạn bè tôi, bạn bè Sỹ đứng lặng ven rừng nhìn chúng tôi lên xe đi về phía trước, hai thằng nhìn qua lớp bụi đỏ rưng rưng nhớ trường nuối tiếc thời trong trẻo đang lùi lại phía sau. Những tháng ngày hành quân Trường Sơn là cái vạch ngang trí não của bất kỳ những người lính đánh Mỹ. Khổ cực đến tận cùng, vui cũng tận cùng mà lãng mạn cũng tận cùng. Sỹ bảo tôi, ở đây không có cái gì nửa vời mày ạ, nửa vời là chết là mình bị mất mình. Hai đứa chuồn đi bắn sóc trong rừng khiến binh trạm báo động náo loạn cả lên. Có một đêm, nó ngồi ngoài tảng đá bờ sông Xê Băng Hiêng lần giở ba lô kiểm đếm kỷ vật Miền Bắc mang theo vào chiến trường, rồi chẳng hiểu nó nghĩ gì mà trên đường leo dốc sáng hôm sau nó bảo: Tao viết bài thơ về trị thủy Sông Đà, để con đường đi lên Hòa Bình sẽ thơ mộng hơn. Khủng khiếp quá, hóa ra nó có ý tưởng lớn quá.
   Vợ tôi thường tâm sự với vợ Sỹ, hai ông ấy Pê dê thì phải. Ở Thủ đô cách nhau vài dẫy phố mà hai tuần không gặp nhau là đã thấy lâu lắm, đi làm về mệt mỏi ấy thế mà có điện thoại là đi liền. Thật ra tôi với Sỹ đâu thích nhậu nhẹt, bao nhiêu bức xúc lo lắng con cái, hai thằng dốc cho nhau nghe . Rồi chuyện gia đình, chuyện ở quê, mồ mả ông cha.  Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện về cơ quan, nói về vai diễn cuộc đời mình.
    Ở Tây Nguyên nó làm y tá đại đội hỏa lực, rồi y tá đại đội quân y. Mỗi năm tôi sốt rét nặng là gặp nhau ở viện. Trong bom pháo đì đùng hai đứa lại chúi đầu thì thầm mơ ước. Một chiều mùa mưa trong căn hầm tối om tôi và nó lại tổ chức kiểm nghiệm quân trang. Chiếc khăn mùi xoa có hai con chim, tập giấy Pơluya buộc bằng sợi chỉ mầu, những tấm ảnh bé như con tem mờ mờ. Những thứ của cải được bọc cẩn thận, hai đứa nâng niu nhẹ nhàng và mường tượng ngày trở về học tiếp đại học. Sỹ bảo: tao và mày đi sau chúng nó, sau trước có nghĩa lý gì đâu, miễn là đi tới đích. Trong cơn sốt rừng hầm hập nghe nó nói mà như thấy cắt cơn, tôi cho rằng nó động viên mình đó thôi. Rồi nó bảo lời thề Hypograts ở chiến trường luôn bộc lộ tự nhiên mày ạ. Chiến tranh là phép thử thông thường của cuộc đời , không cần thề bồi chi hết, con người thế nào nó phơi ra như thế, hai đứa nói với nhau như hai ông cụ non. Có chuyện hai thằng ít khi nhắc lại là cái đoạn đời cùng tá túc nhà vợ. Trở về sau 30 tháng 4 hai thằng lại vào đại học, ra trường cùng lấy vợ, hai cô vợ đều là người Hà Nội, hai thằng đều không có nhà. Tôi đi học tiếp trường nữa, nó cầy đầu học lên cao học. Dù ở nhà vợ, vẫn học hành ỉ eo đèn sách bao nhiêu phiền toái vợ lo hết. Nó bảo tôi, vốn liếng quái gì đâu ngoài cái sự chịu khố mà bố mẹ đẻ cho mình từ bé, chiến tranh dậy cho mình cái lý thuyết hoặc là mình chết hoặc là mình sống. Hai thằng cười như méo mồm hút chung nhau điếu thuốc giữa Thủ Đô những năm 80 vất vả.
   Trận đánh cuối cùng của chúng tôi là trận Cầu Bông trên đường tiến vào Sài Gòn. Sáng 29/4/75 một quả cối nổ ngay phẫu trung đoàn, anh Bàn y tá người Phố Chới  Quảng Ninh chắn đằng trước gục ngay. Sỹ đỡ anh ấy dậy, anh Bàn chết trên tay Sỹ. Trở về Sỹ lấy trong ba lô của anh cái áo Moontơghi cộc tay giữ làm kỷ niệm. Lúc còn ở Củ Chi hai đứa hay dở ra xem và nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Năm 78 khi tôi thi tốt nghiệp đại học, tôi bán hết cả dép đúc Tiền Phong cả tăng võng vẫn không đủ tiển trả nợ và thi cử. Sỹ đau lòng đưa tôi cái áo của anh Bàn, sau nhiều dằn vặt để tôi bán đi lấy tiền thi tốt nghiệp. Bao năm nay, tôi cứ nhớ cái khuôn mặt dại đi của nó khi tôi bán cái áo đó. Rồi tôi trở thành kỹ sư, quản đốc, rồi lên giám đốc. Cái áo của anh Bàn thi thoảng hiện lên, hiện lên rồi mờ đi sau bộn bề cuả đời, bộn bề cơm áo.
Nhưng chúng tôi không thể chịu đựng hợn được nữa. Một ngày cuối năm 2005  tôi và vợ tôi trở về Củ Chi. Sau vài ngày tìm kiếm, may mắn cho tôi, tôi tìm được mộ anh Bàn. Sỹ đang đi công tác ở Nhật Bản . Tôi gọi điện, Sỹ nghẹn ngào mếu máo: Mày ơi chúng mình có lỗi nhiều quá …… Hai tháng sau tôi và Sỹ vào thành phố Hồ Chí Minh và một đêm mắc võng trên Củ Chi, nằm nghe sông Sài Gòn thì thầm với lục bình trôi, cùng trò chuyện với anh Bàn và bao đồng đội của mình. Hai đứa cả ngày không nói với nhau lời nào. Chúng tôi đang trở lại với chính mình, với đoạn đời máu lửa và nhờ nó cả hai chúng tôi trưởng thành. Sỹ bảo rằng như thế mình sống lại đúng là mình. Có một lần, khi đã là giám đốc viện 74, phóng viên hỏi, Sỹ trả lời chỉ có 4 năm đời lính chiến thôi nhưng tôi học được cả cách làm người cho một đời. Thật là lãi lớn, tôi bảo nó.
   Bố mẹ tôi làm nông dân. còn bố mẹ Sỹ làm nông trường tít trên Mộc Châu. tôi bảo: nhà mày chỉ như nhà tôi tao thôi. Nông trường là nông dân ở tập thể chứ gì, nó cãi nông dân như nhà tao tiên tiến hơn, tôi cũng thấy có vẻ thế thật, nhưng hai đứa thân nhau nên sự hơn kém ấy không ảnh hưởng gì. Ba lô của nó có gì tôi biết hết. Từ cái album nhấp nháy, cái sợi dây len mầu của ai, nhật ký ghi về cô gái nào thậm chí nó còn bao nhiêu thuốc lá sợi tôi cũng biết. Sau giải phóng Miền Nam trở về, cái bật lửa tổng thống VNCH là vật có vẻ là đáng giá nhất. Mà đáng giá thật vì đó là trận đánh cuối cùng của chúng tôi ở Sài Gòn, chỉ đơn vị tôi mới có. Một dạo, tôi ở nhờ nhà vợ trên Bưởi. Sỹ sinh đứa con trai đầu nhưng cũng không có nhà, hai vợ chồng ôm con lên ở nhờ nhà bà ngoại của vợ trong làng Trích Sài. Hai đứa lại gần nhau, tối tối tôi đi tắt làng theo những cái tàu seo giấy vào chơi. Tối om, muỗi tháng ba từ ngoài vườn hồng xiêm réo vi vu. Bên ngọn đèn dầu, nó đang học tiếng Pháp. cuốn từ điển Pháp Việt trên bàn là của thằng Tốt cùng đại đội cho Sỹ hồi tháng 5/75. Hai đứa chuyện với nhau chẳng có chuyện ngày xưa nữa, toàn nói về con nhỏ, về vất vả của vợ. Hút lóp má điếu thuốc cuốn Đình Bảng nghĩ về những ngày chiến trường nhiều mơ ước. Mới có vài năm mà xa lăng lắc.
   Mồng 05/04/1975 cả dải đất Miền Trung đang như một cơn lũ quyét. Sư đoàn 320 đuổi địch chạy nhào ra biển Đông Tác Phú Yên, chưa kịp giặt khô bộ quần áo bùn đất và khói súng đã lộn về đường số 7 lên xe tiến vào Sài Gòn. Tôi và Sỹ gặp nhau trên đường nó đi lấy gạo. ôm nhau giữa rừng. Vậy là còn sống. Cứ biết đến hôm nay đã. Nó dành dụm từ hôm đánh Cheoreo tới giờ 8 bao thuốc lá cho tôi. Kịp dúi vào tay nhau những bao thuốc, hộp sữa con chim rồi hối hả chia tay. Chả biết lần sau gặp lại nữa không, hai thằng ngoái đầu nhìn nhau trong ngột ngạt nắng và gầm rú của máy bay trên đầu.
   Ở gần nhau thật nhưng cái thời ấy làm gì có điện thoại viễn thông như bây giờ. Chỉ biết nó khổ mà tôi cũng khổ, toàn dân khổ. Tôi ra trường rồi đi làm nghề bán sắt, nó làm bác sỹ quân y. Cắm đầu vào học, vào làm. Rồi một hôm vợ Sỹ tìm đến tôi nói là mai Sỹ bảo vệ luận văn Phó tiến sỹ ở trong học viện quân y. Sáng hôm sau, tôi đi rất sớm, vào gặp nhau trước khi đi công tác Nam Định. Sỹ đang cùng các nhân viên hành chính bưng bê, xếp đặt bàn ghế cho hội trường. Dúi vào tay nó bao thuốc Dulhill đỏ và hai mươi nghìn rồi đi, hẹn nhau thi cho tốt. Hai đứa cùng ngân ngấn nước mắt, hóa ra bây giờ còn yếu đuối hơn lúc đánh giặc trong rừng. Ngày bảo vệ Tiến sỹ của nó chẳng có hoa, có thê tử bầu đoàn chớp ảnh gì cả. Lẳng lặng vào đời khoa học chẳng hứa hẹn tung hô như bây giờ. Tiến sỹ rồi vẫn thế. Đi và về với thứ bệnh tật của người nghèo. Có năm, một hội thảo tận Thành phố Sài Gòn, tiền vé máy bay mua cũng oải, tự mua mà đi. Cái nhà bé như chuồng chim đầy ắp lo lắng. Sách vở gắn trên tường, chuồng heo treo ngoài tường cứ nương tựa vào nhau mà đi lên, kỳ quái thật.
   Thời gian hai đứa tôi hay gặp nhau nhiều ấy là lúc Sỹ lên làm viện trưởng K74. Cái bệnh viện nằm ở đây dễ vài chục năm rồi, cũ kỹ, hiền lành và rất khiêm tốn. Miền trung du cằn cỗi bình yên, bình yên đến mức tự ti, hiền lành đến mức bé lại trước bộn bề thời mở cửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều về việc cơ quan mới của Sỹ. Nó nói về viện 74 như nói về quê hương của nó. Nó bảo, ở đây họ đánh thức tao về gia đình về quê hương nhiều lắm mày ạ. Rồi nó bảo, những chiều Trung du tuyệt đẹp. Những bông hoa súng tím cánh chuồn chuồn trên những đầm nước quanh bệnh viện làm con người tử tế và yêu cuộc sống hơn. Cốc bia hơi trên đường Láng bỗng như dìu dịu làm khô đi giọt mồ hôi cuối chiều hè Hà Nội. Rồi vài năm sau, viện 74 ngày càng khá hơn, là địa chỉ tin cậy cho những người mắc bệnh lao ở vùng phía bắc. Chẳng thể bảo ấy tất cả là công của Sỹ, nhưng những ngày vất vả đơn điệu tự ti lùi lại phía sau khi có một ông giám đốc nghiêm túc và yêu thương con người trên đó thì ai cũng tin. Ai cũng từng nhớ, giám đốc Sỹ từng không quên ngày sinh nhật của chị lao công cho tới các bác sỹ trong toàn bệnh viện. Bây giờ, hai đứa tôi xắp lên ông rồi. Nó cứ đi họp và đi công tác liên miên. Bực mình hỏi mày đi họp suốt ngày không chán à? Họp là việc đời, còn làm việc với các bộ phận chuyên môn, với các bác sỹ trẻ là việc đạo. Mày vào viện tao mà nhìn khuôn viên giữa lòng bệnh viện. Một bệnh viện lao to nhất nước mà sạch sẽ, trong lành thật khó hình dung. Vài năm nay, cái cung cách tác phong làm việc của thầy thuốc nơi này thật đổi khác. Tôi mừng cho Sỹ và cũng thương cho nó. Thị thành nó khắc nghiệt hơn nhiều, yêu thương chưa phải là tốt cho tất cả. Nhưng tất cả con người thì ở đâu cũng cần được yêu thương.
   Hẹn hò bao nhiêu năm mà phải cho tới dịp 30/4/2008 vợ chồng Sỹ và vợ chồng tôi mới thực hiện được chuyến đi về chiến trường xưa. xe chạy theo kiểu ngày đi đêm ngủ, qua Quảng Trị, qua nghĩa trang đường chín, nghĩa trang Trường Sơn. vào KonTum, qua Play cần. Dăktô, nghĩa trang thị xã rồi về Gialai, vào Đức Cơ xuống Phú Bổn Cheoreo. Tám ngày trời hai cặp vợ chồng già thơ thẩn toàn nghĩa trang là nghĩa trang. Bao nhiêu hương nhang, bao nhiêu là hỏi thăm rồi bao nhiêu là nước mắt mừng tủi, mỗi khi đọc được một cái tên đồng đội. Trời cao nguyên xanh và nhiều mây như ngày còn trẻ, tôi và Sỹ sống những ngày đẹp nhất của đời mình ở đây. Nắng cao nguyên tháng tư, hai thằng lính già đi dọc những hàng bia mộ trắng nhức mắt Tây nguyên thơm hương hoa café và bạt ngàn xanh cao su , hồ tiêu. Chúng tôi khấn với đồng đội, rằng nhờ có các anh nằm lại mà chúng tôi mới được trở về, chúng t«i nên người và đùm bọc cho các con em chúng tôi cũng nên người. Những người làm giám đốc như chúng tôi đây, cũng chỉ là kẻ vay nợ các anh đó thôi. Thời gian càng lùi xa thì các nghĩa trang liệt sỹ lại càng ngào ngạt hương thơm trong cõi tâm linh con người. Năm nay, ngày 27 tháng 2 một nhóm những người lính già vào Viện Lao trung ương thăm Sỹ, lẵng hoa ghi dòng chữ : Bạn chiến đấu sư đoàn 320A chúc mừng. Người mang hoa là một ông già 80 tuổi, Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ông già ôm lấy Sỹ mà mừng về người lính trẻ dũng cảm ở chiến trường Tây Nguyên  năm nào nay đã thành Phó giáo sư Tiến sỹ. Chúng tôi ngồi bên nhau, tất cả đã đầu bạc. Thời gian sàng lọc kỷ niệm để cho con người còn lại những ký ức mà ký ức nào cũng tốt đẹp khi đồng đội t×m đến với nhau. Sỹ cũng như tôi , lúc này bâng khuâng nhớ về căn nhà nhỏ ở quê, ở đó kể từ ngày mẹ theo bố lên nông trường Mộc Châu, để rồi bốn chục năm sau, đưa mẹ về yªn nghỉ trên cánh đồng nhà, ngai ngái cái mùi men gốm Chu Đậu. Tôi hình dung ra, cái bóng của Sỹ bước thấp bước cao trên bờ ruộng lúa trong chiều ra thăm mẹ. Lúa mùa xanh ngăn ngắt trong khoảng xanh bình yên thăm thẳm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM