Chào anh Hanh Phin, anh Khau Chia cùng các bạn đang xem trang Linh ban dân địch vận sư đoàn 302 MT 479 !
Chiến thắng tại mặt trận Tây nam của Quân đội và nhân dân ta đã đánh dấu một bước ngoặc trong lịch sử bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta và cũng là một bài học để sau này chúng ta có thể tự tin mà đánh giặc ngoại xâm. Chiến thắng 30/4/1975 đã nói lên sự quật cường của một dân tộc vừa trải qua 2 cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và tàn khốc của cuộc chiến giữa một bên là đế quốc hùng mạnh, có nhiều tiềm lực về kinh tế, quân sự và một bên là một dân tộc với sức mạnh là toàn dân thành một khối chống lại kẻ thù xâm lược. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng phi nghĩa.. nhưng cũng qua cuộc chiến đã để lại biết bao khó khăn và bắt đầu lại từ con số O để dựng xây đất nước đi lên con đường Dân chủ, hòa bình và độc lập tự do. Khi chúng ta mới vừa giành thắng lợi và thống nhất đất nước.. chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh thì Người bạn lớn của chúng ta ( Bắc Kinh ) đã xúi giục bọn Pôn Pốt sang xâm chiếm bờ cõi biên giới Tây Nam của chúng ta, phá hoại sự bình yên, hòa bình vừa trở lại của đồng bào biên giới sau bao năm chiến tranh.
Không thể để cho chúng phá hoại và lấn chiếm biên giới của Tổ quốc, đáp ứng lời kêu gọi của Nhân dân và quân đội Căm Pu Chia.. và cũng là đánh địch là phải đuổi cho chúng sâu vào lãnh địa của chúng.., cuối năm 1978 Quân đội ta được lệnh tổng tiến công toàn tuyến biên giới với Cam Pu Chia đánh đổ bè lũ Pôn Pốt và Ông thày của chúng và lập ra nhà nước mới cho nhân dân Cam Pu Chia.
Chiến thắng ngày 7/01/1979 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, bài học rút ra từ gian khổ, sự hy sinh xương máu, mất mát.. của cả một dân tộc. Nhìn lại lịch sử đó chúng ta không bao giờ được quên đi những kỷ niệm sâu sắc và hào hùng đó.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng đát nước Cam Pu Chia 07/01/1979 - 07/01/2014, Nhà nước ta đã long trọng tổ chức ngày lễ trọng đại này. Những người con của Tổ quốc là những người lính tình nguyện, mà theo Ngài Samdech Hun Sen đã nói " Bộ đội nhà Phật '' những người đã tham gia cuộc chiến này không ít người đã nằm xuống trên đất nước Cam Pu Chia vì nền độc lập của Dân tộc.
Một số bài viết đã ôn lại chặng đường gian khổ trong cuộc chiến Biên giới Tây Nam 1976 - 1979 !
Hồi ức của một quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia
Đã 35 năm kể từ ngày chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, nhưng những kỷ niệm về năm tháng hào hùng ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của những lính bộ đội Cụ Hồ.
“Thương dân bạn cũng như dân mình”
Nhiều năm sống, chiến đấu trên nước Bạn, Đại tá Nguyễn Đức Thuận, nguyên Đại úy-Đặc phái viên Cục Chính trị Quân đoàn 4 (nay là Binh đoàn Cửu Long) và đồng đội đã tận mắt chứng kiến tội ác man rợ "không thể tưởng tượng" mà bọn diệt chủng Pol Pot gây ra cho đất nước Campuchia. Chúng thực hiện chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ người dân Campuchia. Chúng biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể…
Đại tá Nguyễn Đức Thuận
Càng căm phẫn hơn, khi đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, huy động phần lớn sức mạnh quân sự tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, trẻ em, phụ nữ.
Trước những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Pol Pot, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phối hợp cùng với các lực lượng yêu nước của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, cùng với lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7/1/1979.
Đại tá Nguyễn Đức Thuận nhớ lại: “Nhận lệnh của cấp trên, chúng tôi theo mũi Quân đoàn 4 qua sông Mê Công, qua phà Niết Lương tiến vào Campuchia giải phóng Thủ đô Phnom Pênh vào trưa 7/1/1979. Khi vào Phnom Pênh, ấn tượng đầu tiên của tôi cùng với bộ đội là 1 thành phố từng là nơi sầm uất của Campuchia đã trở nên xơ xác, hoang tàn, không một bóng người. Bọn Pol Pot đã đuổi dân chạy hết vào rừng, biên giới, hoặc dồn tới các trại tập trung lao động khổ sai.
Khi đó, Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ làm quân quản thủ đô Phnom Pênh, giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng tài sản của nhân dân. Quán triệt tinh thần “Thương dân bạn cũng như dân mình”, vì vậy khi tiếp quản Thủ đô, quân đội ta bảo vệ tài sản của nhân dân hết sức cẩn trọng, chiến lợi phẩm thu được nộp đầy đủ, không tơ hào chút nào. Từ cán bộ chỉ huy cho tới từng người lính đều chấp hành nghiêm túc kỷ luật chiến trường”.
Mười năm liền sau đó, Quân tình nguyện lại cùng với lực lượng chuyên gia Việt Nam tiếp tục giúp Bạn ngày đêm truy quét, tiêu diệt tàn quân Pol Pot tham gia xây dựng chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng, tổ chức lại cuộc sống, hướng dẫn nhân dân Campuchia làm ăn kinh tế”.
Trong ký ức của Đại tá Thuận vẫn còn nhớ như in về nhiệm vụ hết sức nặng nề vào thời điểm đó: “Sau khi giải phóng Thủ đô Phnom Pênh, tôi nhận được chỉ thị của Quân đoàn viết tài liệu về Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ, Hội thanh niên… bằng tiếng Campuchia thật ngắn gọn, dễ hiểu để phối hợp cùng chuyên gia Việt Nam xây dựng chính quyền nhân dân. Là người lính chỉ có kinh nghiệm trận mạc, chưa biết chữ, biết tiếng Campuchia, trong khi kinh nghiệm xây dựng chính quyền và tài liệu không có, tôi hết sức mông lung, không biết viết thế nào, triển khai ra sao. Làm sao để vận động nhân dân, ổn định đời sống, giúp nhân dân bắt tay vào sản xuất, làm lại nhà cửa, lập bệnh xá, khôi phục lại trường học, chùa chiền, chợ búa… tất cả nhiệm vụ đó rất phức tạp, bộn bề.
Chứng kiến cảnh bạo tàn, tội ác dã man của quân Pol Pot khiến đất nước Campuchia từ nền văn minh Ăngko rực rỡ bỗng chốc rơi vào thảm họa diệt chủng, càng khiến chúng tôi mài sắc quyết tâm, sát cánh cùng giúp Bạn hồi sinh.
Bằng tất cả tình cảm chân thành, tinh thần quốc tế vô tư của Quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam, Bộ đội ta đã giúp người dân Campuchia khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định lại cuộc sống. Bộ đội ta không ngại lội ruộng, trồng lúa nước với dân, sẵn sàng ăn cháo để dành gạo cứu đói cho người dân Campuchia. Đó là hình ảnh đáng quý mà Quân tình nguyện Việt Nam thường nói vui là “đói cứu đói”.
Những việc làm chí nhân, chí nghĩa đó đã đi vào lòng dân, được nhân dân tin cậy bộ đội Việt Nam, tin tưởng vào cách mạng Campuchia. Từ đó, người dân đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam truy quét tàn quân Pol Pot xây dựng lại cuộc sống, tình nghĩa quân - dân Việt Nam - Campuchia ngày càng gắn bó.
Những giọt nước mắt, cái nắm tay thật chặt
“Sau ngày giải phóng, từng đoàn người tiều tụy, đói khát lần đường trở về nhà, nhìn thấy tài sản của mình được bảo vệ an toàn, quân Pol Pot đã bị tiêu diệt, nhân dân mới thấy hết được công sức to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam. Họ khóc, nắm chặt tay và nói họ mang ơn Bộ đội Cụ Hồ đã giúp họ thoát khỏi họa diệt chủng. Nhiều người dân Campuchia khi đó đã nói, bộ đội Việt Nam đã sinh ra họ thêm một lần nữa”, nói đến đây đôi mắt Đại tá Nguyễn Đức Thuận đỏ hoe.
Những giọt nước mắt, những cái nắm tay thật chặt thay cho lời cảm ơn từ tận đáy lòng từ người dân nước Bạn.

Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. Ảnh tư liệu. Nguồn: qdnd.vn
35 năm, kể từ ngày lật đổ chế độ diệt chủng, đất nước Campuchia đã giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Campuchia ngày nay là một đất nước hòa bình, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, kinh tế phát triển liên tục với tốc độ cao, vai trò và vị thế của Campuchia không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2014) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin khẳng định: “Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan.
“Nhân dân Campuchia mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự cứu giúp của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn sẽ không còn tên tuổi của mình trên thế giới này”, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin xúc động nói./.