Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:59:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191157 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #370 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 04:43:46 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
   Hoàng nhớ:
      Vẫn như mọi lần, đoàn công tác khắc phục tồn tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình của Hoàng, đến thị xã Sơn La vào khoảng 3 rưỡi 4 giờ chiều. Lần này, kế hoạch của đoàn là nghỉ ở nhà khách Sơn La một đêm, lấy sức để ngày hôm sau đi xuống các huyện.
  Đang giữa hè, nắng xiên khoai vùng Tây Bắc như thiêu như đốt. Nhận phòng xong, mấy anh em lại tụ tập ngồi trong phòng máy lạnh, pha trà hút thuốc, chuyện trò huyên thuyên. Lúc này là thời gian nghỉ ngơi, sau hơn 200 km hành quân bằng ô tô đường đèo dốc vùng Tây Bắc. Đây cũng chính là khoảng thời gian tiền trận đấu, để hai phe kích động cho trận Tenits xảy ra chiều tối hôm nay. Giải thưởng của trận đấu tối nay là bữa nhậu thịt thú rừng.
  Tưởng giải thưởng đơn giản vậy thôi, nhưng bên nào thua thì cũng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế đấy. Chiêu đãi cả đoàn một bữa tiệc thú rừng trong thời buổi thóc cao gạo kém như hiện nay, đâu phải đơn giản. Kinh tế là một chuyện còn danh dự nữa chứ, tuy là trình độ ABC như nhau, nhưng nếu thua cũng cay mũi. Nghĩ về  những khoản ấy, cũng còn có chút lăn tăn, nhưng bù lại là có buổi tối tự do, uống rượu thả phanh vì không sợ vợ cằn nhằn. Hình như mọi người đều có suy nghĩ chung như vậy, nên không khí trận đấu háo hức ngay từ buổi chiều.
  Chả biết có phải may hay không, tối nay Hoàng chơi hay. Những quả cắt của Hoàng, bóng cứ bay là là sát lưới, rồi cắm thẳng vào chân đối phương, làm đối phương không kịp xử lý đành mất điểm. Khán giả hò reo cổ vũ nhiệt cuồng nhiệt cho các tay vợt chơi Tenits mà giống như chơi cầu lông. Có những pha bóng ăn gian, xúm vào cãi trọng tài làm khán giả cười rơi nước mắt.
  Trận đấu kết thúc, bên Hoàng thắng. Nhưng đối phương không tâm phục khẩu phục  vì cho rằng trọng tài thiên vị. Trong khi đó các món ăn nấu bằng thịt thú rừng đã được nhà hàng dọn ra bàn, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Tất cả đã sẵn sàng, thế mà trọng tài vẫn chưa phân định nổi thắng thua. Mọi người trong đoàn phải đưa ra phán quyết: Trọng tài không hoàn thành nhiệm vụ, hai bên cầu thủ trình độ ngang nhau coi như hòa. Giải thưởng trận đấu chia làm hai mỗi bên chịu một phần, tất cả nghiêm chỉnh chấp hành…
  Buổi tối tự do thoải mái, Hoàng uống hơi nhiều. Cộng với sự mệt mỏi sau chặng đường hành quân dài hơn 200 km và trận tenis chiều nay, Hoàng cảm thấy mệt. Hoàng nằm xem vô tuyến mà thiếp đi lúc nào không biết. Chuông điện thoại reo, Hoàng bừng tỉnh, anh bạn ngủ cùng cũng phòng đã đi đâu không có nhà. Hoàng miễn cưỡng với tay cầm ống nghe. Đầu dây bên kia có tiếng của  lễ tân:
   -A lô! Phòng 405 có ai tên là Hoàng xuống lễ tân có người gặp.
  Hoàng uể oải nhìn đồng hồ và ngồi dậy mặc quần áo rồi đi xuống lễ tân. Hoàng lẩm bẩm, đã 21 giờ rồi mà vẫn còn có khách. Hoàng đoán, chắc là mấy anh trong ban công tác đền bù của tỉnh đến gặp để ngày mai đi xuống huyện sớm. Bước thấp bước cao do ngái ngủ, Hoàng xuống lễ tân. Đảo mắt nhìn xung quanh xem đối tượng nào chờ mình, nhưng Hoàng không phát hiện ra ai. Trong phòng không có ai, ngoài cô gái trực lễ tân. Hoàng nghĩ chắc có ai đó đùa mình. Hoàng đẩy cửa bước ra ngoài, hơi nóng bốc lên hầm hập từ mặt đường bê tông át phan ùa vào làm Hoàng khó chịu. Trong sáng ngoài tối, Hoàng phải đứng một lúc để điều hòa ánh sáng mới nhìn rõ. Hoàng vẫn chưa phát hiện ra ai, Hoàng quay vào thì có tiếng gọi:
   -Anh Hoàng!
  Chỉ có hai từ vậy thôi, Hoàng vẫn chưa phát hiện ra tiếng gọi phát ra từ hướng nào. Nhưng có một điều hoàn toàn khẳng định, đó là tiếng của một cô gái. Tiếng gọi này nghe rất quen, hình như là Hoàng đã nghe nhiều lần rồi. Hoàng linh tính, hay là Thủy? Cũng có thể? Mấy tháng trước cũng ở nhà khách này, lần ấy Hoàng phát hiện một người giống Thủy, Hoàng đuổi theo nhưng không gặp. Lần này mong thì nghĩ vậy thôi, song Hoàng không dám khẳng định, nhưng trong thâm tâm Hoàng rất muốn người vừa gọi Hoàng là Thủy.
  Chẳng hiểu sao, từ cái hôm nhìn thấy bóng người con gái giống Thủy đến nay, Hoàng hay nghĩ về Thủy. Càng nghĩ, càng thấy có rất nhiều điều Hoàng muốn biết về cuộc sống của Thủy hiện nay, nhưng không biết làm cách nào? Cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, đôi lúc Hoàng cảm thấy bức bối nghẹt thở bất lực. Rồi cũng có lúc Hoàng nghi ngờ tự hỏi tại sao lại nghĩ nhiều về Thủy như vậy? Lúc trước quan hệ giữa Hoàng và Thủy cũng chỉ là quan hệ bạn bè anh em bình thường giống như bao người khác, không có gì đặc biệt. Có khác chăng thời điểm ấy Hoàng bắt đầu khát khao được yêu, vì sau thời gian dài gián đoạn bởi chiến tranh và đèn sách. Thời gian quen Thủy cũng là khoảng thời gian Hoàng không đủ tự tin nhất, vì sức khỏe của mình. Khi quen Thủy, mới đầu Hoàng chỉ xem Thủy như đứa em là điểm tựa để Hoàng làm quen với các chị em phụ nữ khác, song thực tế không phải như vậy. Cũng có nhiều lần Hoàng định đặt vấn đề với Thủy, nhưng Hoàng nghĩ là Thủy sẽ từ chối nên Hoàng lại thôi. Tuy vậy, Hoàng vẫn mơ hồ nghĩ về Thủy…
  Nghĩ lại Hoàng cảm thấy buồn cười, ngượng với chính mình. Trong thời gian ấy, chắc chắn sẽ có ai đó nói Hoàng là : Già rồi còn chơi trống bỏi… Đời nhà ai, một ông gày gò ốm yếu, mắt trắng nhã, môi thâm xì, chân khô chân héo, lại cặp kè đi bên cạnh cô gái vừa qua tuổi thiếu niên, mặt tròn vành vạnh da trắng hồng như trứng gà bóc, cặp má bầu bĩnh còn nhìn rõ những sợi lông tơ… Tất nhiên nhìn cặp đôi ấy, những ai không hiểu quan hệ giữa Thủy và Hoàng thì cho là như vậy, cũng không sai.
  Thời gian ấy, về tuổi tác Hoàng hơn Thủy 8-9 tuổi. Sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 1975, Hoàng  rời quân ngũ đi học tiếp. Sau hai năm học tập và bảo vệ đề án tốt nghiệp xong là Hoàng lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình nhận công tác ngay. Chuyến công tác đầu tiên lên Hòa Bình của chàng trai đã là cựu chiến binh nhưng lại là tân kỹ sư xây dựng thủy điện. Chuyến công tác này, chẳng hiểu ông trời xui khiến thế nào mà lại cho Hoàng gặp Thủy, mà gặp trong tình huống rất hy hữu.
  Lúc đầu, chỉ là nhìn thấy nhau trên chuyến xe khách từ Hà Nội đi Hòa Bình. Khi ấy cả hai do không quen biết nhau nên chẳng ai chào ai, coi nhau như những hành khách khác trên xe. Chẳng hiểu sao, thi thoảng ánh mắt của hai người đôi lúc gặp nhau, nhưng lại vội vã rời đi hướng khác. Cả hai cố thể hiện mình chỉ là vô tình chứ không cố ý nhìn trộm đối phương. Thời gian cứ trôi đi theo bánh xe lăn, tưởng rằng sẽ không có gì xảy ra khi xe về bến. Thế mà chỉ tích tắc thôi, xe không tránh được ổ gà thì mọi chuyện lại khác.
  Xe lao xuống ổ gà lại nhảy lên, mọi người trong xe bị hất tung khỏi chỗ ngồi và xô vào nhau, vào thành xe vào ghế xe. Có người lao cả đầu lên phía trước đâm vỡ cả kính chắn gió. Trong xe náo loạn, khắp xe tiếng kêu rên đau đớn. Hoàng cũng bị nảy tung lên, đầu chạm vào trần xe rớm máu. Bên cạnh Hoàng lúc đó là Thủy, Thủy cúi gục đầu, hai tay ôm chặt lấy ống chân.
  Mùi máu tanh lợm giọng bốc lên, mùi này Hoàng đã ngửi quen trong những năm tháng chiến đấu ở chiến trường. Như phản xạ có điều kiện, Hoàng nói như ra lệnh: Cô bị chảy máu rồi, kéo ống quần lên tôi xem! Thủy ngoan ngoãn nghe lời. Hoàng không ngần ngại, nhiệt tình băng bó vết thương cho Thủy. Thế là quen nhau, thời gian Thủy điều trị vết thương, Hoàng thường xuyên đến thăm. Sau đấy là những cuộc hẹn hò, những chuyến đi chơi, những câu chuyện bâng quơ… Rồi tiễn Thủy ra trường nhận công tác và những cánh thư gửi cho nhau khi xa nhau…
  Thời gian ở gần nhau thì thấy bình thường, khi xa rồi chẳng biết Thủy thế nào còn Hoàng cũng thấy nhớ. Nhớ nhất là quãng thời gian Thủy đang có ý định bỏ nghề cô giáo để về xuôi. Thời gian trước đấy nếu Hoàng và Thủy quen nhau hơn một chút nữa, nhất định Hoàng sẽ đón Thủy về dưới Hòa Bình, biết đâu từ chuyện ấy mọi việc sẽ theo ước muốn của Hoàng. Khổ nỗi khi đó cả Hoàng và Thủy chưa ai dám thổ lộ lời nào. Hoàng lúc đó không tự tin để thổ lộ tình cảm của mình, mặc dù lúc đó Hoàng rất thích Thủy. Hoàng không phân biệt được tình cảm của Hoàng đối với Thủy trong khoảng thời gian ấy.
  Nghĩ lại, Hoàng thấy tiếc. Ở hoàn cảnh đó, nếu Hoàng đặt vấn đề với Thủy. Tất nhiên bắt buộc Thủy phải tỏ rõ tình cảm của Thủy đối với Hoàng, hoặc là đồng ý hoặc là không đồng ý. Không đồng ý thì rõ rồi, đã không yêu kiểu gì Thủy cũng viện lý do để từ chối. Nhưng nếu Thủy đồng ý thì sẽ có hai tình huống xảy ra. Tình huống thứ nhất, Thủy thật lòng yêu Hoàng, nếu như vậy thì không có chuyện gì phải nói. Tình huống thứ hai, vì hoàn cảnh lúc này quá khó khăn nên Thủy phải miễn cưỡng đồng ý, thực ra Thủy chưa có tình cảm với Hoàng v.v. Nghĩ như vậy, nên Hoàng án binh bất động. Với lại Hoàng vẫn còn lo, biết đâu đấy hậu quả của chiến tranh vẫn rình rập đe dọa đến hạnh phúc của bất cứ người cựu chiến binh nào, mà Hoàng đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị thì cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
  Sau này đến lúc lấy vợ, mãi đến khi Luyến sinh cho Hoàng đứa con gái đầu lòng, bình thường, đầy đủ các bộ phận, khi ấy Hoàng mới thở phào nhẹ nhõm. Nói ra những chuyện này, chỉ những người lính có chung hoàn cảnh mới có thể hiểu và chia sẻ cho nhau. Sau chiến tranh, người lính trở vể đời thường có biết bao mối lo. Mối lo kiếm kế sinh nhai để sống và tồn tại là quan trọng nhất, nhưng như thế chưa đủ. Còn mối lo liệu mình có còn khả năng lấy vợ và sinh con nữa không? Đấy cũng là vấn đề quan trọng không kém. Lấy được vợ thì không khó, vì còn có nhiều phụ nữ cảm thông và chấp nhận lấy những người lính tàn tật trở về sau chiến tranh.
  Còn sinh con thì lại là chuyện khác, vì nó nằm ngoài ý kiến chủ quan của con người. Có rất nhiều người lính trở về sau chiến tranh không thể sinh được con, hoặc là sinh được nhưng là những đứa con dị tật. Thật đáng thương. Những người lính lúc xông pha trận mạc, khi ấy họ chỉ biết nhận và hoàn thành nhiệm vụ, họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình cho Tổ Quốc. Họ không mảy may nghĩ đến việc còn sống để sau này lấy vợ và sinh con. Kết thúc chiến tranh trở về, họ ngây ngất trong niềm vui của ngày gặp mặt. Họ nghĩ  tội ác của chiến tranh chỉ là gây ra sự chết chóc và sự tàn phá nặng nề cơ sở vật chất của xã hội. Sau này họ mới ngộ ra: Hệ lụy của chiến tranh còn khủng khiếp hơn nhiều những điều họ nghĩ, đó là bom đạn chưa nổ hết, đó là chất độc mầu da cam vẫn còn giết người âm ỉ đời này qua đời khác…
   -Anh Hoàng em đây cơ mà!
  Lúc này Hoàng mới phát hiện ra, người gọi mình đứng khuất sau gốc cây Xà Cừ.
( Còn nữa ).
 
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #371 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2016, 02:31:12 pm »

CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số Phận
      Từ xa nhìn chưa rõ mặt, song Hoàng khẳng định người vừa gọi tên mình chính là Thủy. Đã có đôi lần Hoàng nghĩ về tình huống này có thể xảy ra nên Hoàng chủ động đề ra nhiều giải pháp xử lý khi gặp nhau, vậy mà bây giờ Hoàng vẫn thấy hồi hộp và có phần lúng túng.
  Hoàng tiến về phía Thủy, do tâm lý bị kích động nên chân khô chân héo của Hoàng lúc này càng thể hiện rõ, chân trái đôi khi bỏ bước kéo lê trên mặt đường. Tập tễnh, Hoàng đi như say. Vừa đi Hoàng vừa thắc mắc: Tại sao Thủy biết Hoàng ở đây để đến tìm? Chắc là phải có ai chỉ dẫn thì Thủy mới biết, nếu không làm sao Thủy biết được? Nhưng mà ai nói? Ở trên này Hoàng không giao du với ai, ngoài những bạn đồng nghiệp công tác ở Ban công tác đền bù tỉnh Sơn La. Nhưng sao họ lại biết Hoàng quen với Thủy, để nói cho Thủy biết? Điều này thì Hoàng chịu, chỉ có trời biết và Thủy biết. Đúng là tất cả mọi thứ, không có gì là không có thể…
  Vậy là đã gần 5 năm, Hoàng mới lại gặp Thủy. Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, Hoàng cảm thấy Thủy già đi, chững chạc hơn. Cũng phải thôi, ngày gặp nhau Thủy mới 17, hai năm học, năm năm xa nhau, bây giờ Thủy đã hơn 25 tuổi rồi còn gì. Lúc này, cảm giác của Hoàng như say. Đầu óc suy nghĩ mênh mang, không tập trung để nhớ ra những thứ mà Hoàng đã chuẩn bị nếu như gặp Thủy. Lúng túng, ấp úng.  Câu đầu tiên sau 5 năm gặp nhau, Hoàng hỏi Thủy với giọng  run run không được tự nhiên lắm:
   -Em có khỏe không? Tại sao biết anh ở đây để tìm? Em làm việc ở đâu? Tình hình gia đình em bây giờ thế nào???
   -Em vẫn khỏe, còn anh?
   -Anh cũng bình thường! Hơn 5 năm rồi anh em mình mới lại gặp nhau, em thay đổi nhiều quá. Thời gian qua, anh mong được gặp em, nhưng anh không biết em ở đâu mà tìm. Anh cũng không hiểu vì sao tự nhiên em lại không biên thư cho anh? Cách đây mấy tháng, cũng ở nhà khách này, anh nhìn thấy một người giống em lắm, anh vội đuổi theo nhưng không kịp. Có phải là em không?
  Thủy cúi đầu im lặng. Hoàng ân hận, đã trách Thủy không biên thư cho Hoàng. Biết lỡ lời, Hoàng đánh trống lảng:
   -Đứng đây không tiện! Anh em mình vào trong sảnh nói chuyện đi.
  Tưởng rằng Thủy vẫn như ngày nào, sẽ ngoan ngoãn đi với Hoàng vào sảnh nhà khách để nói chuyện. Nhưng bây giờ thì không phải thế. Thủy nói:
   -Em không vào trong đó đâu, nếu anh không ngại thì sang bên em.
   -Sao lại ngại? Nhưng bên em ở đâu?
   - Em ở bên kia đường!
  Không đợi Hoàng trả lời, Thủy đưa Hoàng băng qua đường, đi vào ngôi nhà ba tầng đối diện với nhà khách ủy ban. Vị trí ngôi nhà này cũng phần nào giải mã, tại sao Thủy biết Hoàng ở đây. Thủy dắt Hoàng đi sâu vào hành lang hẹp đến chân cầu thang rồi leo lên tầng ba, sau đó đi ngược lại về phía mặt tiền của ngôi nhà. Thủy đi đến đâu bật đèn sáng tới đó, chờ Hoàng theo kịp là Thủy tắt ngay. Hoàng còn đang thở dốc, Thủy đã biến vào căn phòng, một lát sau căn phòng bừng sáng Thủy quay ra vẫy Hoàng :
   -Anh Hoàng vào đây!
  Hoàng chưa biết nếp tẻ thế nào nên chưa dám theo Thủy vào, với lại căn phòng ở tầng ba này suốt ngày hứng chịu sự nung nấu của ánh sáng mặt trời, giờ đây tỏa ra hơi nóng hầm hập. Hoàng kiếm cớ hoãn binh:
   -Từ từ cho bớt nóng đã! Em bật quạt lên, nếu có điều hòa thì cũng bật luôn cho mát… Thủy cứ ra đây, khi nào trong phòng mát hãy vào!
  Lần này thì Thủy nghe lời, ra ban công đứng bên cạnh Hoàng nhìn xuống lòng đường, nhìn sang nhà khách nơi Hoàng ở. Cả Hoàng và Thủy đều im lặng. Hoàng đứng ở đây có thể quan sát được một vùng rộng lớn, gần hết chiều dài con phố, quan sát được tất cả xe cộ của các đoàn khách ra vào nhà khách của Ủy ban. Hoàng nghĩ: Rất có thể, Thủy phát hiện được Hoàng từ vị trí này cũng nên. Nghĩ thế, song Hoàng không hỏi Thủy, Hoàng sợ mình lại hồ đồ thêm lần nữa.
   -Anh không hỏi em đây là nhà của ai à? Thủy bất chợt hỏi Hoàng.
   -Có chứ! Anh đang định hỏi thì em đã hỏi anh rồi.
   -Đây là văn phòng đại diện của công ty em.
   -Thế à! Vậy em làm ở hãng phân phối Bia Heineken này à? Hay quá nhỉ.
   -Sao anh biết?
   -Anh đọc trên bảng quảng cáo treo ở tầng một.
   -Công ty em trụ sở đóng ở quận 12 thành phố Hồ Chí Minh, nhà này công ty em thuê toàn bộ tầng ba làm văn phòng đại diện phía Tây Bắc. Chúng em ở đây có ba người, anh trưởng đại diện người miền Nam, một chị quê ở Nam Định ở cùng với em.
   -Em làm ở công ty này lâu chưa?
   -Cũng hơn ba năm rồi anh ạ!
   -Lâu vậy rồi sao? Thế mà anh không biết.
   -Anh bận trăm công nghìn việc, thời gian đâu mà anh để ý đến chuyện khác, với lại anh cũng thi thoảng lên đây đi công tác còn lại là anh ở Hòa Bình chứ lên đây làm gì, phải không anh? Còn em, nói là làm được hơn ba năm, thực ra em mới lên đây được hơn một năm. Hai năm còn lại thì sáu tháng đi học, hơn một năm làm loanh quanh ở trụ sở công ty chi nhánh Hà Nội.
   -Em học gì? Học ở đâu?
   -Em học Tiếng Anh ở Sydney.
   -Quá tuyệt vời, em đi học tự túc hay cơ quan tài trợ, cơ quan cho đi có đông không?
   -Chúng em có ba người, công ty cho chúng em đi học với cam kết về phải làm việc cho công ty, nếu không phải bù lại kinh phí đi học.
   -Quá tốt rồi! Anh chúc mừng em. Thật tình anh không thể hình dung được cuộc sống của em, nếu như không gặp được em hôm nay. Em được như hôm nay là anh mừng lắm rồi, em biết không, anh rất lo cho em.
  Hoàng cảm thấy vui mừng thật sự, giống như Hoàng vừa vượt qua được cuộc thử thách quá sức mình. Trong khi đó, Thủy vẫn giữ thái độ như lúc mới gặp nhau. Hoàng phân vân, không biết là Thủy đang vui hay đang buồn? Hoàng cũng hơi ngạc nhiên, nhẽ ra sau 5 năm mới gặp được nhau thì Thủy phải vui mới đúng, ngược lại Thủy có thái độ rất khó hiểu. Vẫn cái giọng đều đều, không vui cũng không buồn. Thủy quay sang nói với Hoàng:
   -Anh em mình vào trong nhà đi, đứng đây bụi lắm.
  Ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Thủy, dưới ánh sáng rực rỡ của căn phòng. Hoàng nhìn Thủy chằm chặp như muốn nuốt chửng, Thủy cũng không dấu diếm ánh mắt ưu tư nhìn Hoàng đầy bí hiểm. Bốn mắt nhìn nhau không chớp. Một phút, hai phút, có khi phải đến 10 phút, cả hai không cần biết thế giới xung quanh mình có gì. Hoàng chỉ thấy có Thủy, và Thủy cũng chỉ thấy có Hoàng. Không gian mênh mông, giống như ngày nào hai đứa ngồi bên nhau, ngắm những thửa ruộng bậc thang, lúa đã ngả mầu vàng chạy dài tít tắp đến chân những quả đồi xa lắc.
    Hoàng mạnh dạn ôm lấy hai bàn tay Thủy đang đan vào nhau để trên bàn, Thủy vẫn để nguyên cho Hoàng ôm lấy hai bàn tay mình. Một luồng năng lượng kỳ lạ tràn rất nhanh khắp cơ thể Hoàng. Hai dòng nước mắt của Thủy trào ra chảy dài hai bên má.
  Giây phút xúc động của ngày gặp mặt làm cho cả hai im lặng. Thủy khóc. Vì sao Thủy lại khóc? Hoàng không hiểu. Hoàng ngồi nhìn Thủy khóc, Hoàng thấy Thủy vẫn xinh như ngày nào. Hoàng nhủ thầm: Nước mắt để cho ngày gặp mặt, Thủy ơi em cứ khóc đi, khóc cho nhẹ lòng, em càng khóc em lại càng xinh.
  Với Thủy, tâm trạng của Thủy lúc này, chỉ muốn Hoàng ôm chặt hơn nữa hai bàn tay bé nhỏ của mình, sau những  năm xa cách lạnh lẽo cô đơn…
  Tay trong tay, Hoàng và Thủy  nghĩ về quá khứ. Hoàng thấy nuối tiếc quãng thời gian đã qua đi, đây là lần đầu tiên kể từ khi Hoàng với Thủy quen nhau, cả hai mới nắm tay nhau tình cảm như thế này. Thủy xót xa ân hận, sao thời gian trước mình không nói với Hoàng… Đang còn ngây ngất đắm say, Hoàng chợt nghĩ ra điều gì đó, Hoàng vội hỏi Thủy:
   -Mọi người hôm nay đi đâu, sao không thấy có ai?
  Như chợt tỉnh, Thủy rút tay ra khỏi tay Hoàng, một luồng khí mát lạnh ùa vào ôm lấy hai bàn tay nóng bỏng của Thủy. Thủy khẽ rùng mình, từ từ lau khô những giọt nước mắt còn đọng trên khóe mắt, chậm chậm trả lời:
   -Mọi người hôm nay đi vắng hết, chỉ mình em ở nhà thôi.
  Hoàng ngỡ ngàng đến ngạc nhiên:
   -Anh nhớ không nhầm, trước kia Thủy sợ ma lắm cơ mà? Sao bây giờ dám ở một mình?
   -Đành phải chịu thôi anh… Nhưng còn có thứ sợ hơn ma nhiều… Với lại nhiều lúc quá sợ thành ra liều, nên hết sợ.
  Nghe Thủy nói giọng buồn buồn, càng làm Hoàng  đoán già đoán non. Chuyện gì thì chưa rõ, nhưng chắc chắn là Thủy có tâm sự, Hoàng vội lảng sang chuyện khác. Hoàng hỏi Thủy:
   -Tình hình sức khỏe của bố em dạo này thế nào rồi?
  Thủy trân trân nhìn Hoàng hồi lâu, rồi nhìn ra bóng đêm ngoài cửa sổ. Thủy lúc này như dại đi, Thủy chỉ còn phần xác còn phần hồn đang phiêu du ở  đâu đó chưa về. Thủy im lặng, gắng kìm chế không khóc nhưng hai hàng nước mắt cứ trào ra. Thủy nấc lên nghẹn ngào:
   -Bố em mất rồi!
  Thủy nói được mấy tiếng rồi gục đầu xuống bàn khóc thổn thức. Hoàng bối rối không biết xử trí thế đành ngồi nhìn hai bờ vai của Thủy rung lên đẩy dần mái tóc đen nhánh dài óng nuột của Thủy chảy tràn ra mặt bàn. Hoàng lúng túng nói không rõ tiếng:
   -Cho anh xin lỗi! Anh không biết nên đã chạm vào nỗi đau của em. Anh xin được chia buồn cùng em và gia đình. Thủy ơi! Anh khuyên em cũng không nên quá đau buồn mà hại đến sức khỏe, người mất thì đã mất rồi.
  Hoàng nghĩ về cái ngày Thủy đang học ở trường sư phạm mẫu giáo, có lần Thủy kể về bố của Thủy cho Hoàng nghe. Thủy thật thà, bắt đầu câu chuyện rất mộc mạc, mộc mạc đến nỗi vô tình làm dập tắt mọi hy vọng còn đang le lói trong lòng Hoàng. Thủy nói:
    -Đúng ra em phải gọi anh bằng chú mới đúng. Bố em năm nay mới 37 tuổi, em 17 tuổi. Bố em đi vào Nam đi chiến đấu, mẹ em mới sinh em. Em lên năm sáu tuổi mà vẫn không biết mặt bố em, đến năm bố em bị thương về phục viên, khi ấy em thấy tự nhiên trong nhà mình lại có chú bộ đội. Mẹ em bảo:
   -Đấy là bố con đấy, con ra chào bố đi con!
  Em nhất định không chào, chạy sang nhà ông bà ngoại. Mẹ em sang đón em và mời ông bà ngoại sang chơi, lúc ấy em mới chịu về. Ông bà ngoại dỗ em:
   -Cháu ra chào bố đi rồi bố cho quà, bố có nhiều quà lắm đang để trong ba lô kia kìa.
  Em vẫn chưa chịu, đến khi bố em mở nắp ba lô lấy con búp bê bằng nhựa, mầu hồng bẹp dúm dó ra vỗ vỗ vuốt vuốt cho phẳng lại rồi đưa cho em. Bố em bảo:
   -Quà của con đây!
  Em vẫn không chịu nhận, bà ngoại dắt em ra tận nơi nói nhỏ vào tai em:
   -Con khoanh tay lại, xin bố đi!
  Em nhìn trừng trừng vào mắt bố em, giật lấy con búp bê rồi chạy ra ngoài sân. Sau đấy, em không nhớ rõ em gọi bố khi nào…Kỷ niệm đầu đời về bố của em là như vậy.
   Nghĩ về kỷ niệm ấy của Thủy mà lòng đượm buồn, Hoàng lẩm bẩm: Như vậy bố Thủy chỉ thọ 45-46 tuổi là cùng, còn quá trẻ. Thật đáng thương cho số phận của một con người. Nhưng biết làm sao được, lớp người ở thời kỳ ấy, sinh ra là để dành lấy độc lập tự do cho tổ quốc, lớp người chỉ biết cống hiến và hy sinh, không cần biết Tổ Quốc đãi ngộ như thế nào?
(Còn nữa).
   

 
   
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #372 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 08:00:30 am »


         Chào bác chủ quanvietnam! Chào các bác!

          Đã lâu rồi mới lại thấy bác chủ đăng đàn tiếp câu chuyện đang rất hay của mình.

          Vâng! Chiến tranh đã rất khốc liệt và nhiều cam go sinh tử. Nhưng khi người lính trở về thì giữ hậu phương lớn, với những người lính chỉ quen súng đạn trong một cơ chế đang nặng về quan liêu bao cấp cùng những quan niệm hủ tục lạc hậu phong kiến xưa. Sự dung hòa biết bao phức tạp. Mỗi người mỗi người cả tiền tuyết lẫn hậu phương đều có những suy nghĩ ngững kỷ niệm thật đẹp thật đẹp về nhau. Nhưng đôi khi sự thật lại phũ phàng. Nhiều chuyện lắm.

          Tranphu341 cùng bạn đọc rất vui rất thích đọc chuyện của bác quanvietnam . Nó nhẹ nhàng mộc mạc êm chảy như dòng sông quê mà có mình đang được rửa mặt đang được tắm mát trong đó. Rồi hơn hết đó là khi được đọc chuyện của bác tức là biết bác đang khỏe đang rất khỏe để nhả những dòng tơ quý, những vàng những ngọc cho đời. Kính bác!!!
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #373 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 06:13:08 pm »

xuanv338 chào anh quanvietnam. Chào các bác. Bọn em vẫn chờ đọc bài của anh đấy. Đúng là lâu nay lính VMH đi khai hoang miền đất mới nên ít trở lại quê nhà. Anh yên tâm. Dù có đi đâu cũng không bỏ được miền đất khởi nghiệp của các cựu già ôn chuyện lính xưa. Bọn em bắt đầu trở về làng xưa cùng các anh. Có điều bỗng dưng mất cảm xúc để viết bài. Phải chờ thêm anh ạ. Đọc chuyện của anh cứ như tiểu thuyết. Đọc mà còn ăn cắp từ hay của anh. xuanv338 chúc anh khỏe và dẻo dai viết những bài viết sâu sắc tiếp.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #374 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 03:07:59 pm »

CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
   Chờ Thủy qua cơn xúc động, Hoàng khẽ hỏi:
   -Thế bố em mất khi nào? Bố em còn trẻ cơ mà?
  Như bị dồn nén, bởi cảm giác mình có lỗi với bố. Nghe Hoàng hỏi, Thủy như có cơ hội để dãi bầy lòng mình với vong linh của bố, mà từ trước đến giờ Thủy chưa làm được. Thủy ôm mặt khóc nức nở, nói trong nước mắt:
   -Tất cả là tại em anh Hoàng ạ! Em bỏ về xuôi, bố em buồn và thất vọng, bố em xấu hổ với bà con xóm làng vì có đứa con như em, cộng với nhiều lý do khác nữa như bệnh tật , hoàn cảnh gia đình v.v. Nhưng theo em: Có lẽ nguyên nhân chủ yếu tác động đến cái chết của bố em là danh dự của người lính trong con người của bố em bị tổn thương quá lớn, nên vết thương cũ hồi chiến tranh lại tái phát. Sức khỏe của bố em từ ngày về phục viên đã yếu nay lại càng yếu hơn, nhà em thì nghèo không đủ tiền mua thuốc chữa bệnh, nên bố em cứ yếu dần. Thời gian ấy, em chạy đôn chạy đáo để kiếm việc làm, ai thuê việc gì em cũng làm, miễn sao có tiền gửi về cho mẹ để lo thuốc thang cho bố… Mẹ con em cố gắng xoay sở được một thời gian, bố em cũng đã đỡ hơn một chút, gia đình em gần vui vẻ trở lại. Nhưng không hiểu sao bố em nghe  ai nói là em đi làm Cave nên bố em uất quá đổ bệnh mà chết…
   Thủy òa lên khóc nức nở: Em là đứa con bất hiếu đúng không anh? Càng nghĩ em càng thấy nhục nhã ê chề, em thực sự không có lý do gì để ngụy biện cho việc làm của mình… Ngay cả khi bố em mất, trước vong linh của bố em, em cũng không dám một lần cầu xin bố em tha lỗi… Cuộc đời em xem như là bỏ đi, đã nhiều lần em tìm đến cái chết, nhưng em không đủ can đảm. Vì em thương mẹ em, em thương các em của em chúng nó còn quá bé. Cũng chính vì chúng nó quá bé, chúng không thể hiểu được hoàn cảnh của chị nó, nên em chắc chắn chúng sẽ không tha thứ cho em… Em cứ luẩn quẩn trong suy nghĩ, nhiều lúc em ân hận: Giá như ngày ấy em nghe lời anh thì có thể  bố em chưa mất, bố em mà còn sống thì cuộc đời em đâu đến nỗi thế này…
  Nghe Thủy vừa khóc lóc vừa kể lể, thi thoảng Thủy im lặng được một lát rồi lại nấc lên nghẹn ngào: Em biết, sự ân hận và hối tiếc của em bây giờ đã quá muộn màng, nhưng lúc ấy em không biết mình phải làm thế nào cho đúng mà em lại rất cần tiền. Em không còn lựa chọn nào khác để có tiền, chỉ có cách ấy là nhanh nhất…Thôi đành nhắm mắt đưa chân
   Bây giờ em chỉ còn cách là chạy trốn dư luận, chạy trốn sự thật để sống qua ngày… Những tưởng như vậy là được yên thân, rồi mọi thứ sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Nhưng anh ơi! Sự thật là sự thật không thể khác được, nó tàn nhẫn và phũ phàng đến trần trụi đối với em. Thậm chí kể cả những lúc em ngủ, hay những lúc em tỉnh táo, cho dù có người hay không có người bên cạnh, em vẫn nghe văng vẳng bên tai: Mày là con Cave, mày là con Cave, cứ như vậy hết ngày này qua ngày khác nhưng em vẫn phải sống. Cuộc sống xô đẩy, em như người bị tụt xuống hố sâu cố tìm mọi cách để ngoi lên, nhưng càng bấu víu càng lún sâu…
  Đến lúc này Hoàng như bị phân tâm, tai không còn nghe rõ Thủy nói những gì. Hoàng cảm thấy người gai gai, nhất là khi nghe được những từ : “ Bố em mất rồi” và cụm từ “Đi làm Cave”. Cũng không hiểu do xúc động khi nghe tin bố Thủy mất hay là nghe tin Thủy đi làm Cave mà Hoàng có cảm giác như vậy. Hoàng lắc lắc cái đầu, cố gắng đưa mình trở về thực tại.
  Trong căn phòng rộng rãi trống trải, đèn điện sáng chưng và chỉ có hai người. Hoàng cảm thấy ngột ngạt khó thở, Hoàng lúng túng tìm cách để an ủi Thủy… Hoàng nói rất nhỏ cốt để Thủy nghe được thì nghe, không nghe được cũng không sao:
   -Em thấy khóc mà vơi đi sự khổ đau thì em cứ khóc, anh không biết phải làm gì cho em bây giờ? Bố em mất thì đã mất rồi không thể sống lại được. Em  cần phải sống, vì em còn có mẹ và các em… Mọi chuyện đâu còn có đó, em đừng tự giầy vò hành hạ bản thân mình nữa.
  Nghe tiếng Hoàng, Thủy thôi không khóc nữa, chừng như là để lắng nghe xem Hoàng nói gì. Thủy ngửng đầu lên, hai tay vén tóc hất về phía sau, lộ ra khuôn mặt đầm đìa nước mắt nhìn Hoàng. Hoàng lúng túng chợt phản xạ sộc tay vào túi quần, nhưng Hoàng đã thất vọng vội rút tay ra. Hoàng nhớ đến chiếc khăn mùi xoa trước kia Hoàng thường để trong túi, nhưng bây giờ đâu còn nữa…Cách đây 8 năm, Hoàng đã dùng nó để băng vết thương cho Thủy.
  Kể từ ngày có vợ có con, Hoàng không còn thói quen dùng khăn mùi xoa nữa. Hoàng còn đang loay hoay chưa biết xoay sở thế nào. Như đoán được suy nghĩ của Hoàng, Thủy lấy trong tay ra chiếc khăn mùi xoa. Thủy im lặng thấm những giọt nước mắt còn vương trên khuôn mặt đau khổ của mình, từ từ dở những nếp gấp vuông vắn của chiếc khăn như là để nói với Hoàng: Anh Hoàng ơi! Kỷ niệm của anh 8 năm về trước, em vẫn giữ dìn cẩn thận, anh có hiểu được lòng em không? Tự nhiên, Hoàng thấy thương Thủy vô cùng, nhưng Hoàng chẳng biết làm thế nào để thể hiện được tình cảm của mình.
   Cũng đúng lúc đó, một cảm giác nghi ngờ thoáng qua, Hoàng nghĩ: Rất có thể cuộc gặp hôm nay giữa Hoàng và Thủy, là Thủy có chủ định. Chả thế mà Thủy chủ động đến gặp Hoàng, lại còn mang cả chiếc khăn mùi xoa cách đây 8 năm về trước Hoàng dùng để băng vết thương cho Thủy. Hoàng đoán như vậy, nhưng chưa khẳng định, Hoàng e ngại biết đâu có thể có những chiếc khăn mùi xoa giống như chiếc khăn mùi xoa của Hoàng thì sao?
  Nhìn chiếc khăn mùi xoa Thủy đang cầm, Hoàng nghĩ: Nếu chiếc khăn này đúng là chiếc khăn Hoàng đã dùng nó để băng vết thương cho Thủy 8 năm về trước, thì số phận của chiếc khăn cũng quá truân chuyên. Hoàng bồi hồi nghĩ lại, chủ nhân của chiếc khăn này là người yêu của Hoàng, khi Hoàng còn đang học đại học… Năm 1972, Hoàng lên đường nhập ngũ, người yêu Hoàng đã tặng Hoàng chiếc khăn trong đó có thêu đôi  chim bồ câu và dòng chữ: “Nhớ thương anh nhiều”. Hoàng thả lòng nhớ đến người xưa…
  Người yêu của Hoàng không xấu, cũng không đẹp, bình dị dễ thương, nhưng sâu nặng… Cuộc đời của hai đứa, chiến tranh và cuộc sống hiện tại đã viết và lật đi nhiều trang. Song điều Hoàng khẳng định là: Từ khi yêu nhau, cho tới bây giờ, ngày này qua ngày khác Hoàng chưa bao giờ quên được người yêu cũ. Cách đây mới vài năm, có dịp bạn bè cùng lớp đại học thời kỳ 1968-1969, tổ chức quay lại nơi học sơ tán trước kia để thăm bà con xóm làng đã cưu mang mình trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh.
   Hôm ấy, cứ từng đôi từng đôi đi chung với nhau bằng xe máy. Chẳng hiểu hữu ý hay vô tình, Hoàng với người yêu đi chung một xe. Xe bon bon qua cánh đồng lúa đang vào thì con gái, gió đồng mơn man thổi. Cao hứng Hoàng hỏi người yêu:
   -Em còn nhớ nơi này vào một buổi chiều thứ 7 hơn 10 năm về trước không?
   -Sao lại không! Ngày ấy bọn mình buồn cười nhỉ. Đúng là tuổi trẻ hồn nhiên, chúng mình cứ như đôi chim ríu rít bên nhau chẳng nghĩ ngợi gì. Hôm ấy về đến nhà em, em tưởng bố mẹ em sẽ mắng cho em một trận. Nào ngờ bố mẹ chẳng những không mắng mà còn vui lây với chúng mình… Ngày anh đi rồi em buồn lắm, có những lúc em tưởng như không thể chịu nổi vì nhớ anh.
   Hoàng đùa:
   -Sao không đợi anh về mà đã vội đi lấy chồng?
   -Tại ai?
  Vừa nói, người yêu Hoàng bấu mạnh vào hai bên sườn của Hoàng, làm Hoàng loạng choạng tay lái, vội phải làm lành:
   -Anh xin lỗi! Anh xin lỗi! Tại chiến tranh, không phải tại anh cũng không phải tại em, không phải tại chúng ta, được chưa? Thế bây giờ còn nhớ anh không?
   -!!!
   -Anh nói thật lòng! Em là người hạnh phúc nhất. Bây giờ ngoài chồng con em yêu thương em, em còn có anh.  Anh không thể hiểu được, tại sao anh không quên được em… Cho anh xin lỗi.
   Tiếng con thạch thùng tắc lưỡi trên trần nhà, kéo Hoàng quay trở lại căn phòng. Thủy ngồi im, đầu hơi cúi xuống, tay vuốt vuốt các mép chiếc khăn mùi xoa. Không ngẩng đầu lên Thủy nói:
-   Anh nói đúng! Mấy tháng trước em nhìn thấy anh ở khách sạn, nhưng em không dám gặp. Lần ấy là lần giáp mặt anh gần nhất, còn những lần khác em chỉ nhìn anh từ xa xa, không dám đến gần sợ anh phát hiện. Thực ra em lên đây được hơn một năm rồi. Làm ở đại lý phân phối bia, hàng ngày chẳng có nhiều việc để làm. Những hôm mọi người đi vắng, em đóng cửa đi lang thang để giết thời gian.
  Có lần đi vào một con phố, vô tình em đọc được tấm biển đề tên cơ quan: Ban công tác sông Đà. Chẳng hiểu sao em lại nghĩ thế nào anh cũng làm việc ở đây, mấy ngày sau đó em mở cuộc điều tra. Lúc đầu em hăng hái hỏi thăm tin tức về anh, xem anh có đúng làm việc ở đây không? Chẳng có khó khăn gì khi em hỏi một vài người ở trong cơ quan này, họ nói là thi thoảng anh có lên đây công tác, ngoài ra họ còn cho em biết anh đã có vợ có con, con anh đã học lớp một v.v.  Khi đã biết rõ mọi thông tin về anh, chẳng hiểu sao tự nhiên em buồn, em ốm mất mấy ngày, em chán nản chẳng thiết làm gì…
   Những ngày ấy em thực sự chỉ nghĩ về anh, em không muốn có một luồng suy nghĩ khác len vào. Nằm ở nhà một mình, em xắp xếp theo trình tự thời gian, hồi tưởng lại quãng thời gian  chúng ta quen biết nhau. Bắt đầu từ chuyến xe khách định mệnh Hà Nội - Hòa Bình em bị thương, anh băng bó cho em đưa em về trường. Những ngày sau đấy anh thường xuyên sang thăm và chăm sóc em. Em đã lành vết thương rồi anh vẫn sang thăm, những tuần anh không sang em thấy cô đơn trống trải, ở tuổi con gái khi ấy em mới cảm nhận được cảm giác thiếu vắng.
   Cũng không hiểu bắt đầu từ khi nào mà em thấy nhớ anh, em rất muốn gặp anh nhưng lại xấu hổ. Em không biết phải làm sao, chỉ mong nhanh đến chiều thứ bảy để anh đến thăm em và mua quà cho em. Thời gian ấy, chiều thứ bảy nào em cũng ra bờ suối giả vờ ngồi học để nhìn sang bờ bên kia, tìm bóng dáng một người trên con đường dẫn vào trường. Nơi ấy, đã hơn một lần em nhìn thấy anh dắt xe đạp lội qua suối để vào trường thăm em.
  Rồi những buổi hò hẹn, những chuyến đi chơi. Từ nhỏ đến lớn, em chưa bao giờ biết hò hẹn, chưa bao giờ dám đi xem phim, đi chơi với đàn ông. Chả biết tại sao từ khi quen biết anh em lại mạnh dạn như vậy? Có thể vì anh là ân nhân của em nên em phải chịu hàm ơn chăng? Hay vì anh đã là bộ đội thật thà chất phác như bố em… Không hiểu sao em cứ nghĩ: Anh là người đáng tin cậy, có thể gửi gắm được niềm tin và em mong muốn em không phải xa anh cứ được ở gần anh mãi mãi… Thế rồi vì cuộc sống, em vẫn phải xa anh, anh tiễn em ra trường đi nhận công tác… Những tưởng sẽ có ngày gặp lại anh như những ngày đầu chúng ta mới quen nhau. Nào ngờ, lại gặp nhau ở hoàn cảnh này…
   Ôi! nhiều nhiều lắm những kỷ niệm về anh, mà kỷ niệm nào cũng đáng nhớ. Có một kỷ niệm đến chết em cũng không thể nào quên, nói cho đúng là em ân hận về việc làm của mình. Đó là kỷ niệm về một lần hai anh em vào chơi nhà người cô của em, cô em chào anh bằng anh và cứ xưng hô anh anh em em với anh, cô em quên mất anh là bạn của em, em xấu hổ quá nhưng không biết làm thế nào. Sau đợt ấy, phải mất mấy tháng em không dám đi gần anh như trước kia mà tìm cách đi cách xa anh để mọi người không nhìn thấy. Việc làm ấy của em, tự em thấy vô lý và em rất  sợ anh nhận ra điều ấy. Kỷ niệm ấy, em dận chính em và thấy tội nghiệp cho anh chỉ vì anh nhiều tuổi hơn em mà nỡ đối xử với anh như vậy.
  Thời gian quen biết anh, rất nhiều lần em tự hỏi: Vậy quan hệ giữa anh và em là thế nào? Kết cục nó sẽ ra sao? Em không trả lời được. Song mỗi lần đi bên anh em tự biện luận và tìm đủ mọi hoàn cảnh tương tự trong sách vở và ở ngoài thực tế để chứng minh: Có nhiều đôi còn chênh lệch về tuổi tác hơn anh với em v.v. Hay những lần anh xuất hiện trước bạn bè em, em muốn nghe chúng nó gán ghép anh với em. Những lúc ấy trong bụng thì rất thích, nhưng ngoài miệng lại nói: Chúng mày nói gì vậy, người ta đáng tuổi cha tuổi chú cứ gán ghép linh tinh. Thực ra em lại muốn chúng nó nói nhiều nữa vào…
   Những ngày quen biết anh là chuỗi ngày đẹp nhất đời em, bây giờ thì không bao giờ có được, và mãi mãi cũng không bao giờ có. Lúc ấy, em chập chững bước vào đời, em khát khao và mong muốn tất cả. Còn anh! Vì sao anh im lặng?
(Còn nữa)….
 
   
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #375 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2016, 02:55:40 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     Ngày em bỏ nhà ra đi, người mà em nghĩ đến để nhờ cậy là anh, em vẫn biết anh đã có vợ. Nhưng chẳng hiểu sao khi đó chuyện anh có vợ nó mơ hồ đối với em, hay nói đúng hơn lúc đó nó không có ý nghĩa gì trong việc em đến tìm anh. Anh biết không? Hoàn cảnh của em lúc ấy giống như đang bị dòng nước lũ hung hãn cuốn đi, em cần có chỗ để bám, em không thể chết được, em còn nhiều việc phải làm. Em biết xung quanh em khi đó có thể có người sẵn sàng giơ tay ra cứu em, nhưng em không có niềm tin nơi họ. Thực ra em chỉ biết có anh, chúng ta đã quen biết nhau hơn bốn năm rồi cơ mà, với lại em biết anh đã từng là bộ đội giống như bố em, nên em đặt niềm tin vào nơi anh như em tin vào bố em.
   Số phận của em thật đen đủi, đêm ấy trời không cho em gặp anh, em lọt thỏm vào bóng đêm của cuộc đời. Nghĩ lại em thấy thương cho số phận của mình, nhưng sau đấy em thấy không gặp được anh cũng là điều may mắn cho anh. Vì nếu em gặp anh chỉ làm khó cho anh thôi, em nói thế chắc là anh hiểu…Còn suy nghĩ về chị nhà. Tuy em không biết mặt chị nhà, nhưng em tưởng tượng ra gương mặt chị hiền lành chất phác giầu lòng vị tha, chị tin anh như chị tin chính chị. Nhưng em cần anh, em mong chị thông cảm cho em trong hoàn cảnh này.
  Hôm em bỏ nhà ra đi, vào lúc mẹ em đang mót rau ở vườn để mang ra chợ bán, hai đứa em đi học, em ở nhà nấu cháo cho bố. Bê bát cháo đến bên giường bệnh của bố mà lòng em thắt lại. Bố em nằm bất động như cái xác không hồn, người gầy rộc chỉ còn da bọc lấy xương, đầu tóc bù xù, hơi thở mệt mỏi. Em nâng bố em dậy để ăn cháo, ông lấy tay ra hiệu để cho ông ngủ. Nhìn ông nước mắt em chảy tràn trên hai gò má, em vội kéo áo chùi ngay kẻo bố em biết. Nghĩ lại quyết định của mình đêm qua, em cho là rất đúng đắn, em phải đi kiếm tiền phụ mẹ thuốc thang cho bố. Em nghĩ: Ở chiến trường bố xông pha trong ngàn vạn mũi tên hòn đạn bố đã không chết, bây giờ bố về với vợ với con, bố không thể chết được, bố phải sống…
   Nhìn giường bệnh của bố, nhìn quanh nhà, nhìn bộ quân phục kỉ vật của ông, được ông lồng trong túi giấy bóng treo trịnh trọng cuối giường, nhìn ra ngoài vườn em thấy có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất, để em ra đi tránh sự băn khoăn lo lắng của mẹ em. Đi đâu và làm gì em chưa hình dung được, nhưng chắc chắn là em phải đi. Em đi xuống bếp, rồi lại quay lên nhà mấy lần mà vẫn chưa dám cầm túi quần áo dấu ở gầm giường. Em sang giường bố em nằm vén màn nhìn bố lần nữa, ông nằm bất động như chết. Em không thể kìm được nước mắt, em lẩm bẩm: Con xin lỗi bố! Bố tha tội cho con, con phải đi… Quay ra bàn, em xé tờ lịch viết vội mấy dòng: Con có việc phải đi vắng mấy ngày, mẹ không phải lo cho con. Khi nào xong việc con về ngay, mẹ đừng nói cho bố biết. Con Thủy.
   Với chiếc túi quần áo ở gậm giường, em lẻn ra sau nhà đi tắt qua mấy nương sắn rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra hướng  có đường ô tô Nho Quan đi Hòa Bình. Bình thường mọi khi em phải đi mất hơn nửa tiếng mới ra đến gốc đa chờ đón xe, hôm nay vừa đi vừa chạy lại sợ có người phát hiện nên em thấy rất nhanh. Vừa chạy vừa đấu tranh tư tưởng: Đi đâu, đi Nho Quan hay đi Hòa Bình? Tính toán một lúc, em quyết định đi Hòa Bình vì ở đó có anh, nếu vào Nho Quan em không có người quen.
  Và cái đêm em đứng ở cổng cơ quan anh để đợi anh, em đã kể anh nghe rồi đấy. Có lẽ cả cuộc đời em, chưa có khi nào mà em mong mỏi và khẩn thiết để gặp một người đến như vậy. Đến khi em biết không gặp được anh thì đêm cũng đã về khuya, em bơ vơ một mình trong màn đêm hoang vắng của thị xã miền núi, em thực sự hoảng hốt lo sợ không biết đi đâu về đâu. Em ngồi thụp xuống sau gốc cây xà cừ ôm mặt khóc, em không dám khóc to sợ có ai đó nghe thấy. Phía xa xa có ánh sáng đèn pin loang loáng đang hướng về phía em, em lại càng sợ hơn. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra với em trong đêm nay? Chợt em nghĩ ra có lần anh đã đưa em đi chợ Phương Lâm, thế là em đi như chạy về hướng chợ Phương Lâm, ở đó có khách sạn Đà Giang là nơi an toàn để em có thể trú chân qua đêm. Đến khách sạn, em ngoái cổ nhìn lại xem có chuyện gì xảy ra, song em không  nhìn thấy gì bởi sau ánh đèn bảo vệ vàng ệch là màn đêm tối tăm bịt bùng.
  -Này cô kia! Đi đâu đấy? Người gác cổng hỏi em.
  -Cháu vào khách sạn!
  Em trả lời người gác cổng rồi cúi đầu đi thẳng vào quầy lễ tân. Lúc này em mới giật mình nghĩ đến tiền, em làm gì có tiền mà vào khách sạn. Chết thật thế nào cũng bị đuổi ra cho mà xem, bây giờ phải nghĩ cách nói dối để được ngồi ở đâu đó trong khách sạn. Em còn đang loay hoay nghĩ cách nói dối thì người bảo vệ đã gọi giật em lại.
  -Lễ tân đằng này cơ mà!
  -…
  - Cô kia! Lễ tân đi lối này.
  Em biết là không thể không nghe lời người bảo vệ, em đành quay ra gặp ông ta. Chẳng hiểu sao lúc ấy tự nhiên em khóc hu hu, không hiểu em khóc vì mình không có tiền hay khóc vì tủi phận. Em vừa khóc vừa nói:
  -Anh ơi! Tiền của em bị mất rồi, em không có tiền mua vé. Em là con gái không dám ngủ lang thang ngoài đường, em xin anh cho em vào đây ngồi nhờ, sớm mai em đi sớm.
  -Không được! Ai vào đây mà chả nói vậy, thôi ra đi để tôi đóng cửa.
  Thấy thái độ cương quyết của người bảo vệ, em sợ đêm nay em phải đứng ngoài đường em càng khóc to hơn:
  -Anh ơi! Em van anh, em chỉ xin anh cho em ngồi ở gốc cây kia thôi, em không làm gì đâu, anh hãy tin em.
  -Không được! Tôi đã nói không được là không được. Cô đi ra ngoài ngay để tôi đóng cửa.
  -…
   Có một người phụ nữ ngồi ở sa lông phòng lễ tân đang theo dõi câu chuyện của em và người bảo vệ. Lúc này chị ấy mới đứng dậy đi đến bên em và nói:
  -Em có căn cước không?
  Thấy chị ấy nói vậy em mừng lắm, chưa biết chị ấy có giúp gì cho em không, nhưng trong đêm khuya khoắt này có người con gái đứng bên cạnh mình là em cảm thấy yên tâm.
  -Em có chị ạ!
  -Em đi theo chị!
  Cô lễ tân còn đang ngái ngủ, miễn cưỡng phải làm việc nên khó chịu, khi chị ấy và em đi lên phòng rồi còn nói với theo:
  -Nếu khách sạn có chuyện gì xảy ra, chị là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
  Chuyện xảy ra nhanh và bất ngờ, em chưa kịp phản ứng gì chỉ đi theo chị ấy như cái máy. Chị ấy đưa em lên phòng và đóng cửa lại, chị nói:
  -Đây là phòng của chị, từ bé đến giờ chị chưa khi nào dám ở một mình, hôm nay có việc gấp chị đành phải lên đây để mai đón xe lên Sơn La sớm, chị rất sợ ở trong phòng một mình, chị đành xuống lễ tân ngồi để có người có tiếng cho đỡ sợ. Em có đồng ý ở chung với chị thì giường em đây, chị nằm giường này.
  Ánh đèn vàng ệch yếu ớt của phòng khách sạn cũng đủ để em quan sát chị ấy dễ hơn. Đánh giá đầu tiên của em về chị ấy: Chị tương đối xinh, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mặc bộ đồ mầu đen, khoảng 30 -35 tuổi, người cao tầm thước nở nang, thắt đáy lưng ong, da trắng tóc dài. Em đoán: Chị thuộc lớp người có học vấn, rất có thể là dân giáo viên hay văn phòng gì đó.
  -Em cám ơn chị!
  -Em đã ăn uống gì chưa? Chị tên là Mai, em tên gì? Mà bây giờ cũng muộn rồi có muốn ăn cũng chẳng ai bán cái gì để ăn đâu. Thôi đành nhịn đói vậy, sáng mai ăn sớm. Bây giờ vào rửa ráy rồi đi ngủ.
  Hai chị em nằm nói chuyện một lúc, chẳng hiểu thế nào em lại kể hoàn cảnh của em cho chị ấy nghe. Nghe xong, chị ấy cũng chẳng vặn vẹo gì em, còn rủ em mai đi Sơn La về nhà chị chơi. Được vài câu nữa, em thấy chị ấy im lặng, có thể chị ấy đã ngủ rồi hoặc là chị ấy giả vờ để theo dõi em. Em cố gắng nằm im không dãy dụa tránh gây ra tiếng động để chị ấy ngủ, mặt khác cũng là để không làm cho chị ấy nghi ngờ gì về em. Khổ nỗi, từ sáng đến giờ em mới chỉ có mấy củ khoai luộc cho vào bụng. Bụng em cồn cào sôi èo ẹo, đói quá em không ngủ được. Em nhớ đến anh, từ hồi chiều em đã tính: Nếu hôm nay mà không gặp được anh, mai em sẽ vào tận nơi để gặp anh và vay anh ít tiền gửi về cho mẹ, trước mắt tạm thời như vậy đã, mọi chuyện rồi sẽ tính sau.
  Mùi gạo rang thơm ngào ngạt, em đang cố xem nó ở đâu? Em cố gắng bới, nhưng em không nhắc được tay lên mà bới cái đám hỗn độn linh tinh ở giường để tìm túi gạo rang. Loay hoay mãi mà vẫn chưa có cách nào, chợt em lại thấy khát khô cả cổ. Em nhớ có lần anh bảo: Cứ giơ tay sờ sờ vào nóc hầm, sẽ gặp những rễ cây bị đứt, ở những rễ cây ấy thế nào cũng có nước, ngửa tay ra hứng lấy nước ấy để nhấm nháp cũng đỡ khát, chờ đến tối bò ra suối lấy nước tha hồ mà uống. Em cố giơ tay lên nóc hầm, nhưng tay em bị ai giữ lại không giơ lên được. Em đang ú ớ, ú ớ thì có người gọi em.
  -Dậy! Dậy, bóng đè à?
  Em tỉnh giấc, hóa ra em đang mơ. Em cố định thần xem mình đang ở đâu? Tuy có ngơ ngác đôi chút, nhưng ngay sau đó em đã xác định được câu chuyện từ sáng đến giờ và em đang ở khách sạn với một chị vừa quen. Giấc mơ em đang mơ chính là chuyện anh kể em nghe về việc anh đi trinh sát trong lòng địch, anh đã đào hầm bí mật và ở trong đó mấy ngày để điều tra địch tình. Anh kể anh ăn gạo rang và uống nước suối, khi hết nước anh phải uống nước từ rễ cây trong hầm mà không ra được vì sợ bị lộ. Lúc này, vì em đói và khát nên em chỉ mơ đến ăn và uống. Tủi thân em ôm mặt khóc, nhưng nghĩ đến bố và anh những người đi bộ đội, em thấy mình chưa thấm vào đâu.
  Mấy con gà ở xung quanh khách sạn gáy liên hồi, nhìn ra ngoài trời tối đen như mực. Không biết bây giờ là mấy giờ  mà chị ấy đã gọi em dậy thu xếp hành lý ra bến xe. Hai mắt em cay sè, tay quơ quơ đống hành lý, chị lại dục:
  -Nhanh lên em! Ra sớm còn có ghế ở đầu xe, ra muộn phải ngồi ở phía sau thì xóc lắm. Cứ lên nhà chị chơi một vài hôm, ưng thì ở lại làm việc cho chị, không ưng thì về cũng chưa muộn.
  Chả là tối hôm qua, nghe em nói em cần tìm việc làm. Chị ấy nói ngay với em là chị cần tìm một người vừa giúp việc nhà vừa biết làm cô giáo, em cứ lên xem tình hình thấy làm được thì làm giúp chị, nếu em không đồng ý thì thôi. Tối hôm qua, em cứ tưởng chị ấy nói chơi để em  vui, nên em cũng không để ý. Bây giờ chị ấy nhắc lại, em mới té ngửa người là chị ấy nói thật.
(Còn nữa)

Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #376 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 02:27:06 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
   Đưa em đi xem hai khách sạn ở trong thị xã và giới thiệu em với mọi người làm ở đấy, sau đó chị ấy đưa em về khách sạn ở gần chợ. Em theo chị đi thẳng vào dãy nhà một tầng ở phía sau, đứng chờ chị mở cửa căn phòng. Em đoán đây là phòng làm việc của chị, linh tính nhắc em sâu chuỗi lại những việc đã diễn ra từ khi gặp chị cho đến lúc này, em nghĩ có thể chị là giám đốc khách sạn.
  -Đây là phòng làm việc của chị, bên cạnh là phòng kế toán, phía sau là nhà ở của các nhân viên làm việc trong khách sạn, cứ từ từ tìm hiểu là em khắc biết.
  Nhìn căn phòng bố cục sang trọng và rất phụ nữ. Tất cả mọi vật dụng trong phòng  sạch sẽ gọn gàng, mầu sắc hài hòa theo gam mầu vàng sáng, thứ gì cũng xinh xinh đáng yêu. Bàn làm việc của chị xếp xắp ngăn nắp, sau lưng là chiếc tủ gỗ lát mầu vàng nhạt được thiết kế cách điệu, không tạo thành các buồng rõ ràng. Hai buồng đầu hồi, một buồng phía bên phải được bưng kín bằng cánh cửa tủ cánh cong, buồng bên trái là gương soi toàn thân. Phần giữa rộng gấp ba bốn lần buồng đầu hồi,  phía trên là kính trong suốt để nhìn thấy tất cả vật dụng bầy trong các ngăn, phần dưới được bịt kín toàn bộ bằng các cánh cửa tủ và các ngăn kéo.
   Chiếc bàn làm việc dài rộng ở phía trước, sau lưng là chiếc tủ hoành tráng trang nghiêm, cả hai thứ cân đối với nhau, tạo vị thế oai vệ cho người ngồi làm việc trên chiếc ghế tựa bằng da mầu vàng nhạt. Sự phối mầu của các vật dụng trong phòng, cũng đủ nói lên con người ngồi đây đã khéo léo xây dựng hình ảnh của mình. Không oai phong lẫm liệt như đấng mày râu, nhưng cũng làm cho người khác phải cân nhắc khi đến làm việc…
  Chị mời em ngồi vào salon, đệm salon mềm mại lọt thỏm khiến em giật mình tưởng ngồi xuống đất. Mùi thơm man mát tỏa khắp căn phòng tràn ngập ánh sáng, không biết mùi thơm này tỏa ra từ đâu, từ lọ hoa rừng đặt ở bàn hay là từ người của chị. Mùi thơm này rất quen với em vào mỗi buổi sáng em đi lên nương, khi ấy em đang là giáo viên cắm bản vùng Đà Bắc, mùi thơm rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
  -Công việc trong khách sạn này không phải là việc của em, công việc của em là đúng nghề em đã được học, em làm cô giáo dậy dỗ chăm sóc hai đứa con của chị.
  Như sợ em chưa hiểu hết, chị nói thêm:
  -Chị có hai cháu, một trai một gái. Cháu trai 7 tuổi học lớp hai, em nó 4 tuổi mẫu giáo lớn. Hàng ngày em đưa đón chúng đến trường, dậy học thêm ở nhà và chăm sóc chúng nó. Quan trọng nhất là lúc chị đi vắng như tối hôm qua, em sẽ phải ngủ với chúng nó. Chuyện này cũng hãn hữu mới xảy ra, nhưng chị cũng phải nói trước.
  Chị giải thích thêm:
  -Chồng chị là nhà thầu xây dựng, hay đi các tỉnh để làm ăn nên anh ấy ít khi có nhà, với lại anh ấy có nhà thì cũng không giúp được gì cho chị về chuyện con cái. Nhà có hai khách sạn nên mỗi người phải trông một cái, chị và các cháu ở đây, bên kia giao cho anh ấy. Về danh nghĩa là thế, thực ra bên ấy chị phải thuê một người bà con trong coi giúp, anh ấy chẳng mấy khi ở nhà, nếu có nhà thì cũng đi chơi với bạn bè say sưa lướt khướt chẳng làm ăn gì được.
  Chị dừng lại nhìn em thăm dò. Thực ra lúc này em vẫn như mơ, em không thể hình dung được sự việc lại chuyển nhanh như vậy, mới qua một đêm mà từ thái cực này sang thái cực khác… Em băn khoăn đắn đo bởi cuộc đời này không ai cho không ai cái gì, tất cả đều có giá của nó. Nhưng đằng sau nó là cái gì thì em chưa biết, trong khi đó hiện tại em rất cần tiền để chữa bệnh cho bố, còn những công việc như chị nói chắc là em làm được. Em đang mênh mông trong cảm giác vui mừng và hoài nghi, còn chị như sợ em không đồng ý vì chị chưa đáp ứng được yêu cầu của em tối hôm qua. Chị nói:
  -Chị đồng ý cho em tạm ứng lương, bình thường ai vào làm cho chị, chị chỉ ứng nửa tháng. Vì em yêu cầu với lý do chính đáng, chị đồng ý tạm ứng cho em một tháng để em có tiền mua thuốc cho bố.
  Vẫn trong trạng thái hoài nghi, em ấp úng:
  -Em sợ em không làm được… Đưa đón và dạy học thì được, còn chăm sóc và ngủ với chúng nó em sợ em không quen.
  -Chị tin là em làm được, em cứ thử một tháng. Nếu làm được thì tiếp tục còn không thì tùy em… Thôi mọi việc tạm thời như vậy đi! Chị có việc bận, em về thu xếp nghỉ ngơi. À! Phòng ngủ của em sát với phòng hai đứa con chị, kia kìa, chị cũng ở bên cạnh.
    Mấy tháng sau đó em sống trong ngập tràn hạnh phúc. Có cơm ăn có việc làm, tháng nào em cũng gửi tiền về cho mẹ. Mẹ em bảo bố em đỡ nhiều rồi, ông ấy vui lắm cứ nhắn em hôm nào về đưa ân nhân(chị chủ) về nhà chơi để bố mẹ cảm ơn. Còn về phía chị, thời gian này em cảm nhận chị cũng vui hơn, thường rủ em đi chợ, mua quần áo cho các con và cho hai chị em. Em nghĩ có thể vì có em chăm sóc con cái, chị có thời gian tập trung vào công việc kinh doanh nên mọi việc đều thuận lợi thành ra chị vui hơn. Rất có thể, có em nên chị ấy bớt cô đơn cũng nên!!!
  Một buổi sáng chủ nhật ở thị xã miền núi, tiết trời đã chuyển sang thu, trời se lạnh. Những lớp sương trắng đục mỏng tang, bay là là trên cánh đồng rau của bà con ở hai bên bờ suối. Sương trắng rau xanh, đây đó thấp thoáng những bóng áo chàm ẩn hiện, mờ mờ ảo ảo trong sương. Ôi! Khung cảnh thanh bình tạo nên một bức tranh huyền ảo. Buổi sáng trong lành, em đứng bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng, quan sát mọi chuyển động của các sinh vật mà không chán mắt.
   Những lúc như thế này là lúc em nhớ về quê hương, nhớ bố mẹ, nhớ các em da diết nhất. Em đang cố thu xếp khi nào thật thuận lợi em sẽ xin chị chủ cho về thăm nhà mấy hôm, nhưng em chưa dám nói. Trong khoảng không gian buồn vui nhiều kỷ niệm, thi thoảng em cũng nghĩ về anh. Nhưng chẳng hiểu sao, tất cả những nỗi nhớ niềm thương của em đến tất cả mọi người đều lộn xộn mà không có kết thúc bằng một việc gì đó cụ thể, những lúc như vậy cũng là những lúc em hay thở dài vì thất vọng… Tiếng chị chủ gọi:
  -Thủy ơi! Dậy chưa? Dậy đi. Hôm nay chủ nhật, mình đi chợ rồi về tự nấu lấy ăn, chị nấu bếp nghỉ chủ nhật rồi.
  -Em dậy rồi! Vâng! Mấy giờ thì đi hả chị?
  -Chị nghĩ mình đi ăn sáng, tiện thể mua luôn cho bọn trẻ, sau đó chị em mình đi chợ mua thức ăn rồi về nấu cơm.
  - Vâng! Lúc nào đi chị gọi em.
   …
  Hai chị em quyết định đi bộ ra chợ, khách sạn cách chợ vài trăm mét, cự ly này lỡ cỡ, đi xe thì ngắn đi bộ hơi xa, nhưng đi bộ là tiện hơn cả vì không phải gửi xe. Đến cổng chợ, việc đầu tiên là xà ngay vào quán bún ngan. Chị chủ quảng cáo bún ngan ở đây ngon hơn dưới Hà Nội, vì ngan là ngan ta được nuôi ở suối nước chảy, thịt vừa mềm vừa thơm, măng là măng rừng ngâm chua tự nhiên theo kiểu của đồng bào dân tộc, gia vị để ăn với bún ngan cũng giống như dưới xuôi nhưng còn thêm một vài loại đặc biệt của núi rừng như măng khén v.v.
   Nghe chị quảng cáo em đã chảy nước miếng, đến khi hai tô bún nóng hổi bốc hơi nghi ngút được bê lên, nhìn những sợi bún trắng ngần mềm mại nằm ẩn mình dưới những lát măng rừng óng ánh bởi các sao mỡ của nước dùng. Những miếng thịt ngan thái to bản, dầy dặn mầu còn hơi hồng hồng lát khéo léo phủ kín gần hết bề mặt của tô bún. Loáng thoáng là những sợi rau thơm mầu xanh được thái nhỏ rải nửa kín nửa hở lộ ra những sợi bún, những miếng thịt ngan, một vài lát ớt và những miếng măng rừng. Mùi thơm của tô bún quện với mùi thơm của các loại gia vị mà chị chủ gia giảm cho em làm em không thể chịu đựng thêm được phút nào nữa…
  Sụp soạp, hai chị em tập trung cao độ vào bát bún, cay nóng làm hai má chị ửng hồng, mồ hôi lấm tấm trên trán. Nhìn chị, tự nhiên em thấy chua xót cho câu nói của chị hôm nào: “ Gái hai con như mâm cơm nguội úp lồng bàn…”
  -Mặt chị nhọ à?
  -Không?
  -Sao em nhìn chị ghê thế?
  -Vì hôm nay chị xinh quá! Thế mà chị lại bảo như mâm cơm nguội úp lồng bàn…
  -Thôi đi cô! Không ai khen gái hai con xinh cả… Còn đời cô đấy! Xem tôi nói đúng hay nói sai. Mà cô cũng nhìn lại mình đi, dạo này trông cứ phây phây thế kia làm sao cấm được bọn con trai ném hoa qua tường để gọi cô.
  -Chị này! Chị cứ đùa em. Thôi em không nói nữa.
  -…
   Nghĩ đến câu nói của chị chủ lúc đi ăn bún, trưa hôm ấy em không sao ngủ được. Không biết là chị khen thật hay là động viên em, chuyện những bó hoa để trước cửa phòng em là có thật, em không để tâm nên không biết là của ai, họ đùa hay có mục đích gì… Chả lẽ mình hấp dẫn đến như thế hay sao? Không thể kìm chế được sự tò mò, em trở dậy nhẹ nhàng chốt chặt các cánh cửa trong phòng buông rèm và kiểm tra chắc chắn để khẳng định không ai có thể nhìn thấy em làm gì ở trong phòng. Sau đó em bật tất cả các bóng điện lên, đứng trước gương.
   Ngắm mình từ đầu đến chân, từ chân lên đầu. Không biết em có bị ảnh hưởng bởi lời khen của chị chủ khi sáng không, nhưng đúng là em thấy mình cũng xinh. Em hơi xấu hổ, cười với mình trong gương, hai lúm đồng tiền xinh xắn lúc ẩn lúc hiện hai bên má. Em lấy hai tay giữ chặt để nó không chạy được, thì nó biến mất để lại đôi môi đỏ mọng bị kéo xệ xuống làm méo đi khuôn mặt tròn trĩnh vốn có của em. Em vội bỏ tay ra vuốt vuốt những nếp nhăn trên ngực áo, vô tình tay chạm vào vùng nhạy cảm, một cảm giác đê mê hiếm gặp xuất hiện ở đâu đó.
  Em nhìn xung quanh, tất cả các cửa đã được đóng kín. Không kìm hãm được, em bắt đầu khám phá cơ thể mình, em từ từ mở nút áo ra xem. Ôi! Không thể tin vào mắt mình nữa, nó là của mình sao hơn hai mươi lăm năm nay mới thấy nó đẹp đến như vậy. Xấu hổ! Em vội lấy hai bàn tay che lại như sợ ai nhìn thấy, nhưng hai bàn tay không thể che hết được độ to lớn và sự thách thức của nó. Em chạy lại giường nằm úp lên để không nhìn thấy nó, em lăn lộn trên giường và nghĩ đến một người con trai.
  Người con trai ấy chính là anh, cho em xin lỗi, em xin nói thật… Đã rất nhiều lần em tự hỏi: Tại sao lại là anh? Mà không phải là người khác. Những lần đầu tiên em không trả lời được, sau này dần dần em mới ngộ ra: Thật đơn giản! Khi còn bé thì chưa có chuyện gì để nói, đến khi lớn lên em đi học sư phạm, suốt thời gian học đến khi ra trường nhận công tác ở nơi khỉ ho cò gáy, em chỉ quen mình anh và duy nhất chỉ có mình anh là đã chạm vào cơ thể của em khi anh băng bó vết thương cho em. Hơn thế nữa, vì nhớ anh mà đã nhiều lần em ôm chiếc mùi xoa của anh vào mặt để tìm kiếm mùi cơ thể anh và cố làm mất đi nỗi cô đơn trống trải của em giữa núi rừng Tây Bắc.
(Còn nữa)

 
 
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #377 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 02:56:38 pm »

CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số Phận
     … Em làm việc cho chị chủ được hai ba tháng, mới gặp anh chủ có hai lần. Lần đầu thì không nhìn rõ mặt, cũng không biết anh ấy thấp hay cao, chỉ thấy hai người khệ nệ khênh anh từ xe ô tô đưa vào buồng của chị, chị bảo anh ấy say rượu. Lần thứ hai anh chủ xuất hiện đột ngột vào buổi chiều, khi em đang dạy bọn trẻ học. Có lẽ thông qua chị chủ nên anh chủ cũng biết nhiều về em, gặp em anh chỉ hỏi vài câu xã giao cho lịch sự, rồi nói chuyện với hai đứa con, sau đó anh lại hớt hải đi ra vì có xe đến đón ở cổng.
  Lần này nhìn anh chủ và nói chuyện với anh, em liên tưởng đến chuyện chị chủ tâm sự với em. Lúc đầu, nghe chị nói em không hiểu gì, phải mãi lâu sau em vẫn lơ mơ, chị bảo: “Gái hai con như mâm cơm nguội úp lồng bàn, nếu không tìm thấy cái khác ăn được thì người ta mới ăn… Buồn cho phận đàn bà”. Nhìn anh chủ cao to đẹp trai phong độ, ăn nói lịch sự, lại là chủ thầu xây dựng. Em bắt đầu mơ hồ, tưởng tượng ra sự chua chát ẩn trong những điều chị nói. Từ đó, không hiểu sao em rất muốn chia sẻ với chị chủ về việc gia đình con cái và việc kinh doanh buôn bán. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là từ đấy em nhận thấy: Bất kể ai cũng có nỗi khổ riêng, mình cũng không phải thuộc diện cá biệt.
  Những tưởng, cuộc sống của em cứ êm đềm trôi như thế này thì em sẽ thực hiện được giấc mơ chữa cho bố em khỏi bệnh. Nào ngờ, mùa mưa năm ấy ập đến sớm hơn mọi năm, mưa rền rĩ, mưa trắng trời, nước suối đổ về thị xã ào ào gây ngập lụt mênh mông. Vào mùa mưa, công việc xây dựng của anh chủ có lẽ vì thế mà giảm đi nên anh chủ thường xuyên ở nhà. Đúng như chị chủ đã nói, anh ấy mà ở nhà thì tiệc tùng liên miên, khách khứa bạn bè bốn phương tụ hội, chín lần nhậu là mười lần say, rượu vào lời ra…Những chuyện ấy tưởng rằng không có gì ảnh hưởng đến em, thực ra không phải thế. Mọi chuyện rắc rối sau này cũng bắt đầu từ mùa mưa năm ấy, cùng với những bữa nhậu dài lê thê của bọn lắm tiền nhiều của.
   Anh chủ bị tổn thất nặng nề vì mưa lũ cuốn trôi toàn bộ máy móc và những hạng mục công trình đang xây dựng dở dang, toàn bộ vốn đầu tư đổ vào công trình coi như mất trắng. Chuyện kinh doanh của anh chủ gặp khó khăn, để cứu vãn tình thế, anh buộc phải vay tiền của các đại gia. Trong cuộc vay mượn ấy, em là nạn nhân được đưa ra để mặc cả. Nội dung của cuộc mặc cả ấy em không biết, nhưng em đoán có thể đại loại là: Nếu anh chủ thuyết phục được em ngủ với ông ta một đêm, ông ta sẵn sàng cho anh chủ vay tiền để cứu công trình mà không tính lãi v.v. Chuyện này không rõ chị chủ có biết không, nhưng khi chị chủ quỳ trước mặt em mà van xin em tha thứ cho chị và thương lấy các cháu, khi đó em lơ mơ đoán chị chủ có thể không biết được âm mưu của bọn họ.
   … Dạo ấy, mỗi lần bọn họ nhậu xong là rủ nhau vào phòng hát karaoke. Các lần khác, anh chủ đều gọi các tiếp viên ở nơi khác đến phục vụ. Trưa hôm ấy, vào khoảng 12 giờ trưa, bọn họ lại rủ nhau đến hát karaoke. Lần này anh chủ không gọi tiếp viên đến mà bảo em mang bia và nước ngọt vào cho anh. Việc mang bia và nước ngọt vào phòng hát, em đã từng làm một vài lần nên em thấy bình thường, hơn nữa đây là việc anh chủ nhờ làm sao em dám từ chối, vì thế em làm việc này rất tự nhiên. Khi em bê khay bia, vừa bước qua cánh cửa phòng karaoke, chưa kịp bước thêm bước nào đã bị một người bịt chiếc khăn ướt vào mặt em và một người đỡ khay bia. Em vùng vẫy một lát rồi thiếp đi, khoảng 2-3 giờ sau tỉnh dậy, đầu em đau như búa bổ. Em nhìn quanh trong phòng không thấy có ai, khay bia và nước ngọt vẫn còn nguyên, em nằm còng queo trên salon.
   Linh tính có chuyện chẳng lành, em sờ soạng khắp người và em hiểu chuyện gì đã xảy ra đối với em. Em hoảng loạn đến nỗi không biết mình phải làm gì, ngay cả việc khóc em cũng không khóc được. Em cứ nằm nguyên ở tư thế cũ, cố gắng nhớ lại chuyện gì đã xảy ra và em phải làm gì đây. Chuyện xảy ra quá nhanh, mà cũng không có gì để nói, chỉ đơn giản là anh chủ lên gọi em mang bia và nước ngọt vào phòng hát, sau đó anh chủ đi vệ sinh hay đi đâu đó chưa quay lại thì em đã mang bia vào phòng hát rồi bị đánh thuốc mê. Ai là người đánh thuốc mê? Họ có mấy người? Em hoàn toàn không biết, sau khi đánh thuốc mê họ làm gì em cũng không biết, nhưng những việc họ làm đều lưu lại dấu vết trên cơ thể em.
   Quần áo em sốc sếch vì họ cố kéo để che kín cơ thể cho em, thứ nước nhờn nhầy nhụa còn sót lại vương vãi trên người em, bốc mùi tanh lợm giọng. Em chưa biết phải làm gì, việc đầu tiên em phải làm là mặc lại quần áo. Nghĩ đến sự mất mát quá lớn của đời người con gái mà không có cách nào lấy lại được, em òa lên khóc, khóc thổn thức. Em nghĩ bố mẹ em mà biết chuyện này hẳn là ông chết ngay trên giường bệnh, còn mẹ em có sống cũng như chết. Mới nghĩ đến đấy em đã hoảng hốt, chân tay run lập cập, em không còn can đảm để làm được việc gì lúc này… Chả lẽ cam chịu sự nhục nhã này sao? Nhất định phải làm một việc gì đó để trừng trị bọn tà dâm, nhưng phải làm gì? Không có ai chỉ bảo thì em biết phải làm gì? Em lúng túng khi chưa tìm ra cách nào. Trong những lúc khó khăn em hay nghĩ về anh, đã có một lần anh nói: Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, cần phải bình tĩnh để suy xét tìm ra cách giải quyết.
   Em cố lấy lại bình tĩnh để suy nghĩ, cuối cùng em quyết định phải đi kiện, kiện để làm rõ bộ mặt bẩn thỉu của bọn tà dâm và bắt chúng phải bồi thường danh dự cho em… Nghĩ như vậy, nhưng bắt đầu từ đâu em lại lúng túng. Chả lẽ viết đơn kiện anh chủ sai em mang bia vào phòng karaoke để bị những người trong phòng đánh thuốc mê cưỡng hiếp. Viết đơn thì được, còn bằng chứng thì sao? Ai là người làm chứng? Làm thế nào để chứng minh mình bị hãm hiếp v.v. Tất cả những vấn đề này đều nhạy cảm và tế nhị, đôi khi lại bất lợi cho chính mình. Suy nghĩ một hồi, em quyết định: Những việc này đều làm được, người làm chứng là anh chủ, vì anh chủ là người đưa bạn vào hát karaoke, còn hiện trường xảy ra là tại phòng này vẫn còn nguyên dấu vết. Việc trước mắt là phải ra gọi chị chủ vào để chứng kiến. Nhưng liệu chị chủ có đứng về phía mình không? Một bên là chồng, một bên là kẻ làm thuê, thật quá khó. Nhưng em cũng không còn cách nào khác.
  Nhìn dáng vẻ của em, chị chủ vội vàng đi theo em vào phòng karaoke. Không muốn để lộ câu chuyện này cho người khác biết, em khóa trái cửa lại và đưa chị đến chỗ em bị làm nhục. Em cố nén cảm xúc, trình bầy chi tiết sự việc xảy ra cho chị nghe và chỉ cho chị những bằng chứng hãm hiếp cào cấu còn rõ ràng trên cơ thể em. Nghe xong, chị chủ bàng hoàng ấp úng không nói thành lời, tay run run vuốt lại mái tóc bù rối cho em. Chị ôm em vào lòng và nói:
-Khổ thân cho em! Tất cả mọi việc đều rõ ràng rồi! Chị sẽ lấy lại công bằng cho em! Bây giờ chị cần phải gặp chồng chị đã, em cứ tạm ngồi đây đợi chị.
  Nói xong, chị hớt hải đi ra ngoài, lát sau chị quay lại cùng với anh chủ. Giọng chị đanh lại:
  -Đây anh nhìn đi! Anh đừng nói với tôi là anh không biết gì? Anh đã thấy tai hại chưa? Đã bao lần tôi nói mà anh không nghe, bây giờ anh đã sáng mắt ra chưa?
  Anh chủ còn đang ngái ngủ vì say rượu từ trưa, thấy chị chủ dồn dập anh ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Anh hỏi lại:
  -Nhưng mà chuyện gì đã xảy ra mới được chứ?
  -Đến lúc này rồi mà anh còn giả vờ giả vịt, anh định lấy vải thưa để bịt mắt thánh hay sao?
  Chị chủ bước đến bên em, chỉ vào mặt em, ngực em, bảo em vén áo lên để anh nhìn thấy những vết cào xước. Chị lại kéo anh đến tận nơi, chỉ cho anh  thấy những giọt nước nhờn trắng đục còn sót lại trên salon.
  -Anh còn gì để nói nữa không? Người ta đi kiện thì tù mọt gông! Đã đẹp mặt chưa? Bây giờ anh muốn làm sao thì làm, tôi không biết.
  Đến lúc này anh chủ mới vỡ lẽ, câu đầu tiên mà anh nói ra:
  -Anh thực sự không ngờ chuyện lại xảy ra như vậy. Bọn họ đã lừa anh, bảo em mang bia vào để họ giở trò bẩn thỉu. Em cứ bình tĩnh chờ anh gọi bọn họ đến để làm cho ra nhẽ ngay bây giờ.
   … Một giờ rồi hai giờ qua đi, hoàng hôn đã tắt, bóng tối ập xuống rất nhanh ôm gọn thị xã miền núi vào lòng. Trong phòng chỉ có ba người, anh chủ không liên lạc được với bọn họ, anh lắc đầu ngán ngẩm… Chị chủ quay sang bảo:
  -Thôi em cứ về tắm rửa nghỉ cho lại sức, anh chị sẽ có trách nhiệm giải quyết việc này. Em nhớ đừng giặt bộ quần áo đang mặc, phòng này cũng không được dọn phải giữ nguyên hiện trường và em cũng đừng kể chuyện này cho ai nghe kể cả người thân của em, nếu để lộ chuyện dễ hỏng việc.
  …
  Đêm về khuya, ánh trăng thượng tuần nhợt nhạt hờ hững trên những chậu hoa ngoài ban công. Chuyện xảy ra hồi chiều làm em không tài nào chợp mắt, hết nằm lại ngồi, hai mắt xưng húp, cổ khản đặc, đầu như muốn nổ tung. Ánh sáng mờ mờ của đèn bảo vệ ở ngoài đường chiếu vào căn phòng. Em như kẻ vô hồn, thẫn thờ đi đi lại lại trong phòng. Đi lại nhiều, mỏi chân em kéo ghế ngồi bên cửa sổ nhìn ra thung lũng, lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Thời tiết về đêm hơi lạnh, em khoác hờ chiếc áo vào người cho ấm, nghĩ miên man, trách cho số phận mình đen bạc. Tủi thân vì cô quạnh, không nơi nương tựa, nước mắt lại trào ra.
  Nước mắt chảy ướt đầm cả ngực áo làm em lạnh hơn, em nhớ anh đã kể: Lần anh ngồi một mình trong hầm bí mật, nghĩ đến bố mẹ anh chị em ruột thịt ở quê hương, tự dưng anh xúc động ôm mặt khóc rưng rức. Nước mắt anh chảy đầm đìa ướt cả ngực áo, anh tự hỏi: Giờ này ở ngoài Bắc không biết bố mẹ đang làm gì? Bố mẹ có biết không? Giờ này con đang cô đơn, một thân một mình sống trong lòng địch, con đang rất cần sự phù hộ của tổ tiên để con được sống mà trở về với bố mẹ. Bất giác tay anh chạm phải khẩu súng AK báng gập lạnh ngắt, anh lập tức nhớ tới nhiệm vụ và anh không khóc nữa. Vào hoàn cảnh ấy, anh cầu mong như vậy là để được sống trở về, còn vào hoàn cảnh của em bây giờ, em chỉ cần có anh để anh chỉ cho em phải làm gì.
  Cộc, cộc, cộc. Em hơi giật mình, nhưng em biết được ai gõ cửa, thực tế phòng ngủ của họ chỉ cách phòng em có một phòng, em biết họ vẫn chưa ngủ. Em bật đèn lên và mở cửa cho họ vào. Anh chị chủ bước vào, họ như vừa trải qua một việc gì đó vô cùng khó khăn vì thế nhìn họ mệt mỏi bơ phờ. Em và chị chủ ngồi đối diện nhau, anh chủ ngồi vào chiếc ghế em vừa ngồi. Phải rất lâu chị chủ mới mở lời:
  -Đầu tiên là chị xin lỗi em, vì em nể chị nên mới nhận lời về làm cho chị, nếu em không về làm cho chị thì sẽ không xảy ra việc này. Thật đáng tiếc đây là một tai nạn, chị cũng không muốn mà em càng không muốn. Nhưng nó đã xảy ra tại nhà chị, chị em mình phải chấp nhận sự thật này để giải quyết… Anh chị sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của em. Em muốn đi kiện anh chị cũng không cản được. Anh chị chỉ xin em nghĩ lại cái được và cái mất. Theo anh chị, cho dù em đi kiện hay không đi kiện thì cái mất lớn nhất là sự trinh trắng của người phụ nữ em cũng đã mất, điều này không bao giờ lấy lại được nữa.
  Nếu đi kiện em được cái gì? Em sẽ nhận được tiền bồi thường; Em được tòa kết án bắt bọn họ phải đi tù và bồi thường danh dự cho em v.v. Nhưng bên cạnh những cái được ấy em cũng phải mất thêm, cái mất thêm này không cân đong đo đếm được, vì mở phiên tòa thì sẽ rất nhiều người biết em bị hãm hiếp, nếu không mở thì chỉ có một vài người biết. Song song với chuyện được mất của em thì anh chị kể như mất hết, chuyện lộ ra anh chị bị buộc phải đóng cửa kinh doanh cả hai khách sạn. Anh chị không còn mặt mũi nào để nhìn mọi người, không dám ngẩng mặt nhìn ai ở trong thị xã này nữa. Còn các cháu, chúng sẽ bị đối xử như thế nào trong xã hội…
  Chị van xin em! Vì tình  chị em, vì các cháu. Chị xin em nên nghĩ lại…
(Còn nữa).


Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #378 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 09:14:31 pm »

Chào anh quanvietnam!

Đọc chuyện của anh là không dứt ra nổi, cứ ngóng, cứ trông!

Trước đây em đã đọc nhiều chuyện của anh thời sơ tán, rồi vào bộ đội....Thời gian qua đi, mỗi người mỗi việc. Trang máu và hoa có lúc lắng đọng, nhưng nhiều khi lại bùng lên dữ dội.

Cảm ơn anh rất nhiều vì đã bỏ công sức viết, rất hay! Chuyện của anh luôn chứa đựng cái tình, cái lãng mạn và rất sâu lắng.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #379 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 03:05:25 pm »

Chào anh Longtrec! Cám ơn anh đã đọc và có lời động viên. Thôi thì,chắp nhặt chuyện người chuyện ta chuyện xã hội và khi có tâm trạng viết lên cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với mọi người. Viết thì viết vậy thôi cũng chẳng có chuyên môn chuyên khoai gì đâu, có thế nào mong mọi người chấp nhận.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM