Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:19:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191136 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Vietbun
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #360 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2014, 11:17:03 pm »

http://m.baomoi.com/Home/XaHoi/www.nhandan.com.vn/Thanh-pho-mang-ten-Bac-hung-dong-thoi-ky-moi/4199663.epi
Logged
Vietbun
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #361 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2014, 11:19:28 pm »

http://baothaibinh.com.vn/15/33765/Nho_nguoi_chi_huy_2_tran_danh_lich_su_truoc_ngay_toan_thang.htm
Logged
nguyendoantho
Thành viên
*
Bài viết: 439



« Trả lời #362 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2015, 04:15:14 pm »

Các Bạn E95 ơi có ai biết gì về thông tin này hãy kể ra chop chunga ta biết nhé

Tôi tên là Nguyễn Thị Bình có anh trai là liệt sỹ Nguyễn Tiến Đồng. Năm 1970 anh tôi cũng là sinh viên của trường ĐHCĐBT năm 1971 từ trường Cơ điện anh tôi lên đường nhập ngũ và được huấn luyện tại Bắc thái. Lá thư cuối cùng anh tôi viết ngày 13/11/1973 tại Bắc Thái.
Năm 1974 có giay báo tử đã hy sinh tại đường 19 – Gia lai. đơn vị đi B C3-D82-F304, Đơn vị chến đấu C3-D1-E95, cho đến nay vẫn chưa tìm đưo75c mộ..Tôi muốn nhờ các anh ở hội Cựu CB trường xem có ai cùng đơn vị với anh trai tôi không để biết được thông tin về anh.
Trân trọng cảm ơn các anh trong Hội CCB.
Trả lời
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #363 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2015, 09:29:05 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
    Ở đoàn thiết kế thủy điện Trị An lúc bấy giờ cũng còn nhiều chuyện phức tạp, nhất là chuyện quan hệ nam nữ. Sống xa nhà thành ra lắm chuyện linh tinh, ấy thế mà cũng nhiều đôi thành công. Thành công ở đây, tôi muốn nói là thành vợ thành chồng, cũng như chia tay nhau thành công.
  Cũng đúng thôi, hơn một năm trời đằng đẵng, kẻ thì xa vợ xa con, kẻ thì xa người yêu, kẻ thì chưa được yêu, kẻ thì vợ chồng lục đục kéo dài nhiều năm v.v. Tất cả những chuyện ấy, vào thời điểm đó họ đều biết cách tự giải quyết. Họ có rất nhiều lý do để ngụy biện cho việc làm của mình. Mặt khác họ không công khai mà sống lén lút với nhau, thế cũng đủ cho họ rồi… Cũng thật buồn cười, nhiều cặp không giống ai, chàng thì già quá cặp với nàng rõ trẻ, ông gày gò cặp với bà rõ to béo v.v. Thế mà lại nên chuyện, đúng là tục ngữ có câu: Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén… Dạo ấy mọi người bảo nhau: Hãy đợi xem được bao nhiêu ngày?
  Thời kỳ ấy, tôi sống trong im lặng, ngắm nhìn thời cuộc. Tôi bàng hoàng thấy mọi người sống thực dụng quá mức. Thật chua chua xót khi nghĩ đến công lao của hàng triệu người, trong đó có các chiến hữu của chúng ta đã chiến đấu và hy sinh để có được ngày hôm nay. Những chiến hữu ấy chỉ vì nghèo, vì sức khỏe yếu đã trở thành nạn nhân của lối sống thực dụng. Chả hiểu ra làm sao nữa? Không hiểu họ đối xử với nhau thế nghĩa là thế nào??? Kẻ thì cặp bồ cặp bịch, kẻ có vợ có chồng đầy đủ nhưng do không thỏa mãn, quay sang lộn thừng lộn chão, kẻ chán chồng, người chán vợ, không còn ai trân trọng những thứ mình đã có nữa…
   Thời gian ấy, nhiều cặp đôi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, một bầu không khí nặng nề bao trùm lên đoàn thiết kế. Trong chuyện này, phụ nữ cho rằng nam giới là người gây ra, họ không có lỗi gì. Thật ra thì những người phụ nữ cần phải xem lại mình, phải tự hỏi tại sao gia đình lại lâm vào hoàn cảnh tan nát. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa ở đây là cả hai người đều không biết mình là ai, và có vị trí như thế nào trong gia đình, thành ra tan nát.  Khổ cho những đứa trẻ, hệ lụy của sự sung sướng vô trách nhiệm.
  Ở hoàn cảnh ấy, đặt giả thiết: Nếu người phụ nữ thiết tha yêu chồng yêu con, chấp nhận bỏ qua sự khiếm khuyết của người chồng để giữ dìn hạnh phúc gia đình thì sao?  Tôi tin rằng không bao giờ người chồng lại ngoảnh mặt làm ngơ, có thể họ không đồng ý với vợ, nhưng họ sẵn sàng hy sinh cho con. Đành rằng ở một vài trường hợp thì nam giới cũng có nhiều người cố chấp, cố tình không nhận ra sự hy sinh của vợ. Nhưng ông nghĩ lại mà xem, bây giờ liệu có bao nhiêu người phụ nữ họ muốn như vậy khi chồng họ thua kém người tình? Đây là hiện thực của xã hội, khi cả hai đều giữ quan điểm của mình thì rõ ràng là hết thuốc chữa. Tất yếu là con cái mỗi đứa mỗi nơi, lại khổ cho ông bà nội ông bà ngoại, trước thì nuôi con, bây giờ nuôi cháu…
  Thủa ban đầu tạo hóa đã xếp đặt âm dương cho vạn vật, cũng không phải vô cớ mà xếp loài này là dương, loài kia là âm. Trong khi đó: trong cái dương lại có cái âm và ngược lại… Tất cả đều có cơ sở lý luận của nó, theo đấy nam giới sinh ra đã có đức tính và bản lĩnh để đảm nhận là người chủ gia đình. Trong tiềm thức của đàn ông, họ cố gắng xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho mọi người trong gia đình. Tất nhiên mặt trái của nó là tính gia trưởng, âu nó cũng là cặp đôi khó tránh khỏi. Cũng vậy, nữ giới cũng có những đức tính và cấu tạo đặc biệt để đảm nhận thiên chức làm mẹ  mà con trai không thể làm được.
  Xuất phát từ xếp đặt của tạo hóa. Rõ ràng trong gia đình, người chồng bươn trải lo miếng cơm manh áo cho cả nhà, người vợ ngoài việc phụ với chồng lo cơm áo, còn thay chồng nuôi dưỡng bố mẹ, chăm sóc đàn con.  Chả thế mà từ xa xưa đến bây giờ, người đời vẫn phải thừa nhận: Phụ nữ là người giữ lửa cho gia đình. Điều này đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng… Bây giờ thì khác nhiều lắm, nhiều phụ nữ không hiểu điều ấy, hoặc hiểu không hết được ngữ nghĩa của bình đẳng bình quyền, cứ a rua học đòi, thành ra để hạnh phúc tuột khỏi vòng tay, quá  đáng trách.
   Thật xót xa nếu họ cố nhìn ra: Bên cạnh họ còn rất nhiều những trường hợp éo le khác. Đúng là: Kẻ ăn không hết người lần không ra.  Đáng thương nhất vẫn là những người phụ nữ, đã từng tham gia các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhiều người trong số họ có được cuộc sống hạnh phúc, nhưng cũng không ít người vì lý do nào đó họ bị quá lứa nhỡ thì. Họ ngày đêm mơ ước có một tấm chồng, rồi có một đứa con để được bế ẵm, để được nghe tiếng gọi mẹ ơi. Cũng vậy, còn rất nhiều nam giới là cựu chiến binh, cựu TNXP. Tuy họ vẫn có phụ nữ lấy làm chồng, nhưng khổ thay, họ không còn khả năng sinh con nữa, ngậm ngùi tìm mọi cách để người vợ yêu quý của mình có quyền được làm mẹ v.v. Những điều quá đơn giản với người khác, nhưng với họ sao mà khó thế? Phải chăng đó cũng là số phận?
   Đau đớn cho những người biết nhưng bất lực, chỉ còn cách lặng lẽ đếm thời gian lắng nghe con tạo xoay vần. Ngày ấy tôi có biết một trường hợp, mãi sau này khi trở về Miền Bắc sống bên vợ con, nhận được tin Minh đã phải bỏ việc để sinh con, tôi mới xót xa cho số phận của người con gái, hay đúng hơn là một người đồng đội. Minh nguyên là nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
  Chuyện của Minh buồn cũng đáng trách, nhưng đáng thương nhiều hơn vì Minh quá tin người nên có chỗ cho kẻ sở khanh ấy lợi dụng… Đấy là tôi nghe kể lại, không biết có đúng như vậy không? Nhưng liên tưởng lại những lần Minh nói chuyện với tôi, thì tôi cho rằng có thể chuyện đúng là như vậy.
  Ngày ấy, tôi ở cùng căn hộ với thằng Liên, chắc là ông cũng biết nó, cái thằng trắng trẻo đẹp trai học ở Tiệp Khắc ấy. Hai thằng một căn hộ rộng mênh mông, trên tầng bốn. Căn hộ chia ba phòng, phòng làm việc phòng ngủ và phòng bếp. Thằng Liên là trai chưa vợ, nên cứ hết giờ làm việc là nó lại đi chơi, có khi qua đêm đến sáng mới về. Mình tôi cứ lủi thủi một mình trong căn hộ buồn tẻ cô quạnh. Không hiểu ngày ấy tôi có động cơ gì hay là do không biết làm gì cho hết thời gian nên tôi rất mê say công việc, ít khi đi chơi, ở nhà cứ quanh quẩn vào ra hút thuốc vặt, buồn chán lại mang tài liệu ra nghiên cứu.
  Thời gian này, khách sạn Thanh Đa phân công phụ trách phòng tầng 4 là cô gái tên Minh. Không biết Minh quê ở tỉnh nào, nhưng chắc chắn là gái miền Tây. Minh người tầm thước vừa phải, có nước da mai mái mầu sốt rét, thoạt nhìn người ta biết ngay là con nhà lao động.  Cũng do lao động nên cơ thể Minh rất cân đối, chỗ nào cần nổi là nổi, chỗ nào cần eo là eo. Về tổng thể, nếu như cơ thể ấy mà ghép với khuôn mặt trẻ trung hồn nhiên thì cũng không đến nỗi nào. Đằng này tạo hóa không công bằng, lại ghép cho Minh khuôn mặt buồn rầu, già trước tuổi.
  Hình như cuộc sống của Minh có tâm sự, nên Minh sống im lặng ít giao tiếp với mọi người. Xong việc Minh lại về căn buồng cuối dãy ở trong đó, ai cần gặp thì đến gọi chứ cũng chẳng giao du với ai, con người thật khó hiểu.
  Dạo ấy tôi còn hút thuốc lào, có một lần Minh dọn phòng cho tôi, Minh không biết cầm cái điếu cày thế nào cho nước không bị đổ ra, nhẽ ra phải cầm xuôi thì Minh lại cầm ngược. Nước điếu vàng khè hôi rình, chảy ra lênh láng cả sàn đá hoa. Minh hoảng quá cầm điếu ngược chạy vào phòng bếp để rửa. Càng chạy, nước điếu cứ theo Minh lại càng đổ ra lênh láng, cả căn phòng làm việc sặc sụa mùi nước điếu. Minh cứ lầm lũi lau lau dọn dọn.
  Tôi thấy tội nghiệp cho Minh quá, mặt khác cũng cảm thấy mình có lỗi trong chuyện này, bởi nếu mình không hút thuốc lào thì làm gì có chuyện Minh phải lau dọn thế này. Tôi gấp tài liệu ra giúp Minh:
   -Em để anh dọn cho, những thứ này chỉ có con trai Miền Bắc mới biết dọn thôi. Con trai Miền Nam cũng không biết đâu, phụ nữ Miền Nam lại càng không biết.
  Tôi giật lấy cái chổi lau nhà từ tay Minh. Rồi theo thói quen có từ thời kỳ ở chiến trường, tôi nhổ vào vũng nước điếu một bãi nước bọt. Thấy tôi làm thế, Minh ngạc nhiên kêu lên:
   -Khiếp! Sao anh lại làm thế?
   -Ấy chết! Xin lỗi Minh nhé. Thứ nước điếu này, chỉ nhổ một bãi nước bọt vào là hết mùi ngay, nếu không thì khai lắm. Ngày còn ở chiến trường, chúng tôi kiêng đánh đổ nước điếu lắm đấy.
   -Tại sao lại thế?
   -Tôi cũng không biết, nhưng thấy mọi người làm thế nên tôi cũng bắt chước.
   -Ô! Anh Khoa cũng đi bộ đội à?
   -Ừ! Tôi cũng đi bộ đội. Nhưng tôi đi ít lắm chỉ đi gần 4 năm thôi, sau khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước là tôi lại về đi học.
   -Anh thật may mắn! Em cũng tham gia thanh niên xung phong được hơn 3 năm, nhưng chẳng may em bị thương và bị sốt rét nên cấp trên giải quyết chế độ cho em chuyển ngành. Được chuyển ngành, nhưng do trình độ văn hóa thấp với lại không có chuyên môn nên không cơ quan nào nhận. Cuối cùng em xin vào làm tạp vụ ở Khách sạn Hoàng Gia bên quận nhất, khi có đoàn các anh vào đây công tác, mấy chú nói em sang đây phục vụ.
   -Sao Minh không tiếp tục xin vừa đi làm lại vừa đi học?
   -Nói anh đừng cười, ở dưới miệt vườn. Bọn em trình độ văn hóa thấp lắm, anh tính suốt ngày giặc dã học làm sao được. Bây giờ nếu cho em đi học thì em phải học lại từ lớp 1, cứ nghĩ thế nên em cũng không dám xin các chú cho đi học. Vả lại bây giờ em cũng lớn tuổi rồi, học cũng chả vào, thôi chịu khó đi làm kiếm đồng lương để nuôi mình, sau này nếu có ai thương thì về ở với người ta. Nếu không có người thương thì xin lấy đứa con về nuôi cho có mẹ có con đỡ cô quạnh lúc tuổi già.
   -Minh nói gì mà nghe buồn thế? Hoàn cảnh của Minh làm gì phải xin con nuôi. Tôi thấy, nhiều anh con trai đang theo đuổi mà Minh đâu có để ý.
   -Anh đừng nói thế làm em buồn, bạn bè cùng trang lứa với em ở dưới quê, chúng đã có gia đình có chồng có con. Cuộc sống của chúng nó cũng vất vả lắm, song chúng nó còn được an ủi là có bầy con ríu rít quanh chân. Mấy đứa đi thanh niên xung phong như bọn em bây giờ vẫn chưa đâu vào đâu.
  Tiếp xúc và nói chuyện với Minh một vài lần như thế, về sau Minh rất thích tâm sự với tôi, mỗi lần gặp nhau chúng tôi nói với nhau tự nhiên hơn. Chuyện giữa tôi và Minh thường thường diễn ra như vậy, chẳng chuyện nào ăn nhập với chuyện nào.
  Một hôm, đột nhiên Minh hỏi tôi:
   -Anh Khoa ơi! Có phải những người phụ nữ bị sốt rét rừng trước đây, bây giờ thường có biểu hiện bị rụng tóc và có nhiều trường hợp không còn khả năng sinh con, có phải thế không anh?
   -Ừ! Tôi nghe nhiều người nói thế, nhưng theo tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định người bị sốt rét sẽ bị như vậy. Tôi thấy rất nhiều người cả nam lẫn nữ bị sốt rét nhưng họ vẫn sinh con. Để khẳng định điều ấy, em cần phải đi khám bác sĩ, đừng có lo lắng vô cớ… Nhưng tại sao em lại hỏi anh điều này?
  Minh lúng túng định chối, nhưng thấy tôi có thể tin được nên đành nói thật:
   -Bạn trai của em nói vậy, em lo lắm không biết có đúng thế không? Nếu đúng như vậy bọn em phải chia tay nhau, mà chia tay nhau thì chúng em không muốn.
   -Nhưng tại sao em không đi khám bác sĩ, chuyện này bây giờ đâu có khó khăn gì?
   -Em cũng nghĩ thế, nhiều lần em định đi bệnh viện để kiểm tra thì bạn trai em cản lại, dứt khoát là để anh ấy đưa đi, nhưng cứ dùng dằng mãi, đến bây giờ cũng chưa đi được.
  Nghe Minh nói thế, tự nhiên tôi thấy có cái gì đó không rõ ràng nên tôi hỏi Minh:
   -Bạn trai em quê ở đâu? Làm nghề gì? Hai người có hay gặp nhau không?
  Minh đưa mắt nhìn tôi rất nhanh rồi vừa nói vừa thăm dò thái độ của tôi:
   -Anh ấy quê ngoài Bắc, đang làm bảo vệ ở khách sạn Hoàng Gia.
   Qua lời kể của Minh, tôi nghi ngờ Minh gặp phải người bạn trai không tốt. Thật ra, lúc đó tôi nghĩ đúng là Minh gặp phải kẻ sở khanh rồi. Làm gì có chuyện yêu nhau mà lại dọa người yêu là vì bị sốt rét nên không sinh được con, nghe rất vô duyên. Cũng do tế nhị, nên tôi không dám nói ra suy nghĩ của mình, với lại sợ Minh buồn đành im lặng. Cuối cùng cái gì đến nó phải đến, tội nghiệp cho Minh.
   Sau này, nghe mọi người kể. Minh bụng ngày càng to ra, sợ cơ quan biết đành xin thôi việc, nhưng Minh không dám về quê mà cứ đi lang thang đi tìm việc…
   Rõ khổ, số phận thật trớ trêu. Tôi tự hỏi: Tại sao oan nghiệt lại rơi vào người cựu thanh niên xung phong tốt như như Minh? Sao nó không rơi vào những kẻ có được tý chữ, suốt ngày a rua đua đòi sự bình đẳng mà không hiểu thế nào là bình đẳng…
(Còn nữa). 
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #364 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2015, 02:07:26 pm »


             Chào bác chủ quanvietnam! Tranphu341 cùng các bạn đọc cứ thắc mắc hoài không biết bác chủ đi đâu vắng nhà hay sức khỏe" có vấn đề" Thực lòng anh em rất lo cho bác. HI HI... Grin Grin Grin

              Hôm nay thấy bác lại " Đăng đàn" Tranphu341 cùng mọi người thật vui nhấy là bác lại tiếp tục câu chuyện về đời sống, về những ngày tháng cam go của những người lính, của toàn xã hội sau chiến tranh, của cuối thời bao cấp. Nhiều rất nhiều những giá trị xưa, những quan niệm xưa về cách sống, cách nghĩ không còn nữa. Chân lý, chân tình bị đảo lộn. Thời đó Tranphu341 còn nhớ một bài thơ rất nổi tiếng của một sinh viên đã từng đi từng là thanh niên xung phong mà cũng bài thơ hiện thực này đã là cho tác giả, đã làm cho bao người bị liên luy, bị tù đầy chỉ vì tích hiện thực của nó. Có những câu bất hủ như: " Chân giò còn hơn chân lý, đồng chí không bằng đồng tiền" v v..

             Tranphu341 xin được cảm ơn  và chúc mừng bác chủ!



           
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #365 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2015, 02:44:54 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
    …Thời gian sau này, tôi vẫn thường xuyên phải đi công tác, nhưng chỉ đi dài lắm là ba đến sáu tháng, không đi cả năm như hồi ở đoàn thiết kế thủy điện Trị An.
  Năm 1983, công ty tôi bắt đầu nghiên cứu thiết kế công trình thủy điện Dray H’linh. Công trình này nằm trên sông Sêrêpôk, thuộc tỉnh ĐakLak. Khi mới nghiên cứu vị trí địa lý trên bản đồ tỉ lệ 1: 50.000 của Mỹ, tôi thấy khu vực dự kiến xây dựng công trình nằm gần thị xã Buôn Ma Thuột. Thông tin mới chỉ có thế thôi mà trong lòng tôi thấy vui lắm, ông biết vì sao tôi vui không? Tôi vui là vì, công trình này cách thị xã Buôn Ma Thuột 14 km dọc theo quốc lộ 14 về phía nam. Thị xã Buôn Ma Thuột là nơi trung đoàn 95 của chúng mình, phối hợp với sư 316 và một số đơn vị khác, tấn công giải phóng đêm mùng 9 rạng ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975, trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên. Nếu triển khai thiết kế công trình này, tin chắc thế nào tôi cũng có dịp được quay trở lại chiến trường xưa, để tận mắt xem bây giờ nó thay đổi thế nào?
  Kể cũng tiếc cho ông, thời gian ấy ông đi theo đoàn công tác chuẩn bị mở mặt trận phía Tây Thừa Thiên của sư 325, nên không được tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột. Trận ấy đánh nhau sướng lắm, không trầy trật như ở Thành Cổ hay là Tích tường Như Lệ như hồi đánh nhau ở Quảng Trị đâu. Tôi nhớ, bắt đầu nổ súng lúc ấy khoảng 1 giờ 30 hoặc 2 giờ sáng gì đó. Bọn địch vì bị tấn công bất ngờ nên chỉ biết chạy, quân ta ào ạt xông lên chiếm lĩnh trận địa, tất nhiên khi đó bọn địch có chống đỡ nhưng thực chất là rất yếu ớt, mà chạy là chính.
   Đến khoảng hơn 11 giờ trưa quân ta đã cơ bản làm chủ thị xã rồi. Mãi đến quá trưa sang chiều và cả sáng hôm sau, khi có máy bay yểm hộ, bọn địch mới hoàn hồn lấy lại tinh thần tổ chức phản công tái chiếm, nhưng vô vọng.
  Trận ấy bọn mình thuộc cánh quân đánh vào sân bay Hòa Bình và khu kho Mai Hắc Đế, mới rạng sáng mà bộ đội đã làm chủ nơi này. Ở kho Mai Hắc Đế, không biết là kho gì nhưng có rất nhiều các loại thực phẩm bằng đồ hộp. Bọn mình thằng nào thằng nấy, mỗi thằng làm một gùi đầy toàn thịt hộp sữa hộp, thuốc lá quân tiếp vụ, cà phê, trà B’Lao. Ôi sướng ơi là sướng, bao nhiêu năm thiếu thốn bây giờ thì thả cửa. Dạo ấy đứa nào cũng có máu tham ăn nên lấy về rất nhiều xếp thành hào lũy để ăn dần. Rõ khổ. Mới ăn được hai hôm, thì có lệnh hành quân về Cheo Reo-Phú Bổn. Nhìn đống đồ hộp tiếc ơi là tiếc, nhưng không thể nào mang đi hết, đành gọi dân ở đấy để phân phát…
   Trở lại câu chuyện thiết kế thủy điện Đray H’Linh. Một thời gian sau, công ty tôi bắt đầu triển khai đoàn công tác đi thực địa công trình ở Tây Nguyên. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi vào trong ấy công tác. Mấy ngày đầu còn ở ngoài thị xã, ngày nào tôi cũng đi xuống khu sân bay Hòa Bình và khu kho Mai Hắc Đế. Mục đích của tôi là đi chơi, đồng thời để ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu trên mảnh đất này. Thời gian ấy, các cơ quan công sở đã quản lý và xây dựng thêm nhiều công trình ở khu vực này rồi, nên không được đi vào tận nơi để xem xét. Ở ngoài nhìn vào, tôi cố gắng hình dung ngày ấy đơn vị mình đi qua những nơi nào, nhưng chịu. Gần 10 năm sau giải phóng rồi còn gì, vật đổi sao rời mọi thứ đều khác lạ. Tuy vậy, mỗi bước đi là vô vàn những kỷ niệm của gần 10 năm về trước vọng về.
  Trở về Ngã Sáu, tôi đứng giữa bùng binh nơi có chiếc xe tăng đặt làm tượng đài chiến thắng. Tôi cố định hướng, tìm vị trí ngôi nhà mà chiếc xe tăng của ta khi đó lùi vào trong nhà cho tường đổ sập xuống để ngụy trang. Có một điều rất hay, lúc đó tuy tường đổ sập xuống nhưng tháp pháo của tăng vẫn vươn ra ngoài khống chế các mục tiêu của địch ở Ngã Sáu. Trên trời máy bay của địch quần đảo lùng sục mà không thể nào phát hiện được mục tiêu. Trận này, tôi nghĩ có thể đây là lần đầu tiên quân đội VNCH chạm trán với sức mạnh của binh chủng xe tăng quân giải phóng. Hẳn chúng phải ngạc nhiên lắm, không thể đoán được quân giải phóng đưa những cỗ xe tăng khổng lồ này vào đây bằng cách nào.  Có lẽ, chúng chỉ nhìn thấy xe tăng thôi cũng đủ hồn bay phách lạc rồi còn đánh đấm gì.
  Tôi lượn xung quanh bùng binh một vòng, định đi vào nhà thờ thiên chúa giáo ở ngay gần đó để nhìn lại gốc cây kỉ niệm, nơi tôi với thằng Kỳ điếc học lớp 13 Máy Xây Dựng, cất dấu một số thứ  khi trung đoàn hành quân xuống Cheo Reo-Phú Bổn.  Sau này, khi Sài Gòn được giải phóng một thời gian. Thằng Kỳ điếc ở Ban Quân khí của trung đoàn 95  có dịp quay về khu kho Mai Hắc Đế công tác, nó có ghé qua để tìm nhưng không  thấy nữa.
  Hồi ấy, nhà thờ thiên chúa giáo này có lẽ lớn nhất ở thị xã Buôn Ma Thuột, nhà thờ có khuôn viên rất đẹp nằm sát đường, bao quát toàn bộ Ngã Sáu. Sau này mỗi khi vào đây công tác, tôi thường được UBND tỉnh cho ở khách sạn Thắng Lợi ngay gần đó, nên tôi thường ghé thăm nhà thờ.
 Hôm ấy, tôi đang bước lững thững, thì một người chở xe ôm dừng xe bên cạnh tôi hỏi:
   -Chú đi đâu để con chở?
  Tự nhiên tôi đồng ý ngay, tôi bảo với người chở xe ôm chở tôi đến sở chỉ huy của sư đoàn 23 Ngụy. Ngồi sau xe, tôi nhớ đến thằng Lành quê Thái bình, nó ở tiểu đội thông tin. Hôm ấy nó đi cùng với mũi tấn công vào sở chỉ huy sư đoàn 23 Ngụy, nó về khoe với tôi: Bộ đội đặc công bắt được thằng  sĩ quan chỉ huy sư đoàn 23, người thằng ấy bé con, một tay em sách còn nhẹ… Tôi đang nghĩ về thằng Lành thì người chở xe ôm hỏi tôi:
   -Chú ở Bắc vào, đi làm việc hay đi thăm người nhà?
   -Tôi đi chơi, thăm lại nơi trước kia tôi đã chiến đấu ở đấy.
   -Chỗ ấy bây giờ không vào được đâu chú! Ở đó bây giờ là sở chỉ huy của sư 470, đơn vị bộ đội đang xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên.
   -Thế à! Tôi có quen với ông sư đoàn trưởng, chắc ông ấy sẽ cho tôi vào.
  Đến cổng sư đoàn 23 Ngụy, bây giờ là doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì không có giấy tờ liên hệ công tác nên tôi không được vào, trong lòng tôi ấm ức lắm, nhưng đành chịu. Mãi sau này, ông Lê Xuân Bá sư đoàn trưởng sư 470 mời tôi vào tham quan, ông ấy dẫn tôi đi khắp mọi nơi để giới thiệu. Sở dĩ có chuyện mời tôi vào tham quan và dắt tôi đi giới thiệu tỉ mỉ, là vì đơn vị của ông Bá đang xây dựng công trình thủy điện Đray H’linh, mà tôi lại làm ở đó. Khi ấy, tôi cảm thấy vinh dự lắm và cũng đôi chút tự hào khi tôi kể cho ông Bá nghe chuyện giải phóng Buôn Ma Thuột…
  Trở lại Tây Nguyên lần này, tôi không có được những xúc cảm mãnh liệt như cái lần tôi trở lại Sài Gòn cuối năm 1981 đầu năm 1982. Tôi thật sự không lý giải được là tại sao? Đúng ra, ở Tây Nguyên phải có nhiều cảm xúc hơn thì mới phải, vì Tây Nguyên là trận đánh đầu tiên để mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo đạo lý, phàm những việc đầu tiên thường giữ lại nhiều kỷ niệm nhất, thì phải nhớ nhiều nhất, nhưng đằng này lại không phải thế. Tôi cho rằng nó có thể bị chi phối bởi cuộc hành quân dài ngày từ Quảng Trị vào, hơn nữa trận đánh xảy ra táo bạo bất ngờ quá, đối thủ sụp đổ hoàn toàn, nên cũng chẳng có gì để nói. Trong khi đó, Sài Gòn là trận huyết chiến lịch sử để kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Trận này không những tôi nhớ mà mọi người dân Việt Nam đều nhớ, có thể cả Thế Giới cũng nhớ.
   Không nhớ sao được? Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại quá, thần tốc quá, thời sự quá, nó hút hết tất cả tinh thần và trí lực của những người trong cuộc, của những người lính như chúng ta. Ngay cả khi cuộc chiến khốc liệt nhất đánh vào Xuân Lộc cửa ngõ của Sài Gòn. Chết chóc và hy sinh như vậy, nhưng bộ đội ta không mảy may tính toán đến mạng sống mà vẫn ào ạt xông lên. Những phút gian nguy ấy bây giờ lại càng nhớ, nhớ đến chết thì thôi. Thời gian ấy, đâu chỉ có người Việt Nam căng thẳng theo dõi chờ đợi, mà có thể nói nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới lúc đó cũng quan tâm đến tình hình chiến sự ở Miền Nam Việt Nam, hay đúng hơn là họ quan tâm đến sự sống còn của thể chế chính trị VNCH…
  Ngày xây dựng công trình thủy điện Dray H’Linh ở ĐakLak, khi đó vẫn còn bọn Funro hoạt động ở bên bờ trái. Để bảo đảm an toàn cho việc xây dựng công trình, các đơn vị bộ đội phải tổ chức tuần tra canh gác rất nghiêm ngặt. Được cái, đơn vị thi công công trình khi đó là bộ đội của sư 470, kể cả tôi cũng đã trải qua chiến đấu rồi, nên chuyện ấy cũng bình thường đối với mọi người. Tuy vậy, đôi lúc cũng nghĩ: Đi chiến đấu thì không hy sinh, nhưng đi xây dựng công trình có khi lại hy sinh thì sao? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Thôi thì phó mặc cho số phận.
  Thời gian tham gia xây dựng công trình, có một chuyện rất bất ngờ xảy ra với tôi. Hôm nay tôi kể ông nghe nhưng ông đừng cười nhé. Chuyện thật 100%. Đợt ấy, Ban quản lý dự án bố trí cho tôi ở nhà khách số 5 của tỉnh ở thị xã Buôn Ma Thuột. Vì ở xa nên buổi sáng tôi vào công trình đi làm, chiều tối ra nghỉ ngơi ở nhà khách. Lịch trình sinh hoạt của tôi ngày nào cũng như ngày nào, tôi cũng không có thời gian để ý đến những việc xung quanh, hơn nữa đây là nhà khách của UBND tỉnh, thì những người đến đây ở chắc cũng đều là khách như mình cả. Do suy nghĩ như vậy nên tôi cũng không nghĩ là sẽ có chuyện gì xảy ra.
  Tối hôm ấy như thường lệ.  Ăn tối xong, tôi đang nằm xem TV. Bên ngoài có tiếng gõ cửa, tôi ngại ngồi dậy cứ nằm xem TV và nói vọng ra:
   -Ai đấy! Cứ vào đi.
    Một cô gái mặc bộ đồ ngủ nền trắng điểm những bông hoa màu tím hay mầu gì đó, một tay xách chiếc xô nhựa mầu đỏ, đẩy cửa bước vào. Mọi động tác của cô ta nhanh nhẹn đến nỗi tôi không kịp phản ứng gì. Cô ta nói điều gì đó rất nhanh, đồng thời bước vào trong nhà vệ sinh. Sau đó tôi nghe thấy tiếng nước chảy vào xô. Lúc ấy tôi mới nghĩ ra là cô ta vào xin nước. Tuy vậy tôi cũng hơi băn khoăn là cô ta ở đâu? Tại sao lại vào phòng tôi xin nước. Nhưng tôi lại nghĩ ngay : Mọi thắc mắc cũng chẳng để làm gì, lấy xong nước cô ta về là hết chuyện.
  Tôi nằm xem vô tuyến, nhưng chẳng hiểu vô tuyến đang nói gì. Tai tôi nghe nước chảy vào xô ồ ồ, sau đó là tiếng dội nước ào ào. Tôi đoán có khi cô ta tắm cũng nên? Nhưng tắm sao lại không đóng cửa? Chắc là không phải. Vậy cô ta làm gì? Có rất nhiều phỏng đoán về cô ta diễn ra trong đầu tôi lúc đó. Chợt tôi nghe tiếng cô ta gọi :
   -Anh ơi! Làm ơn cho em nhờ tý.
  Tôi ngồi dậy và vô tư đi đến cửa nhà tắm. Tôi sững người khi nhìn thấy cô gái cởi trần cởi truồng đang xối nước ào ào rất tự nhiên. Một tình huống khó xử, tôi định lùi lại thì cô ấy nói:
   -Anh kỳ giúp em cái lưng!
  Thú thực với ông, nếu ở tình huống khác có thể tôi sẵn sàng, vì tôi là con trai mà. Nhưng trong trường hợp này không hiểu sao lòng tự trọng của tôi như từ trên trời rơi xuống, tôi hồi hộp thở gấp, buột miệng nói một câu ngắn gọn:
   -Cô nhanh lên rồi ra khỏi phòng tôi!
  Tôi bước vội khỏi buồng tắm, tai tôi vẫn còn nghe cô ấy nói theo:
   -Anh cho em xin tý dầu gội đầu nhé!
  Tôi không trả lời và nghĩ bụng : Trâng tráo đến thế là cùng. Bọn này đúng là gái làm tiền…
  Sau đó tôi tưởng mọi chuyện sẽ qua đi, nào ngờ đêm đó tôi gần như mất ngủ. Ông biết không? Khoảng hơn mười giờ đêm, tiếng mấy đứa con gái tụ tập trước  cửa phòng tôi nói chuyện. Chúng bảo với nhau:
   -Phòng này có thằng con trai Miền Bắc trông ngon lắm, nó ở một mình. Ban nãy em vào tắm để gợi ý nó, nhưng nó đuổi em ra. Bây giờ chị thử gõ cửa xem.
  Nghe chúng nói thế, tôi phát hoảng, sợ chúng ập vào thì rách việc. Trong khi đó, cửa phòng của tôi lại không chốt được thế mới đen chứ. Chưa biết làm cách nào, tôi rón rén ra chặn cửa đề phòng bất trắc. Bên ngoài bọn chúng nói chuyện với nhau rất tự nhiên, có thể nó chúng nó tưởng tôi đã ngủ rồi nên chúng nói bậy lắm. Đúng chất giọng của gái làm tiền, tôi nghe thấy có một chi tiết, tôi đoán ngay:  Trong số chúng nó, có một đứa có con. Để có thể đi làm thì phải gửi người trông con hộ. Tất nhiên là phải trả công, nhưng có lẽ không muốn trả . Giọng một đứa nói:
   -Ngày trước lúc tao có bầu, tao không đi làm được. Tao ở nhà trông con cho chúng nó. Bây giờ chúng nó có bầu, chúng nó ở nhà trông con cho tao, thế là huề tiền đâu mà trả…
   Chúng nó đi rồi, tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Tôi nhớ cái ngày sau giải phóng Sài Gòn, tôi được đơn vị trả về trường cũ để học tiếp. Khi tôi hành quân ra đến khu gia binh Phú Bài ở Huế. Ở đấy bọn gái làm tiền chẳng hiểu xô dạt từ đâu về mà sao nhiều đến vậy. Cảnh mật ít ong nhiều, người bán nhiều hơn người mua. Những kẻ bán hoa vì đói quá, chỉ mong có nửa phong lương khô là có thể qua được cơn đói đang hành hạ, họ sẽ có sữa cho con bú, họ sẽ bán tất cả…
   Tôi chợt nhớ đến truyện ngắn : Người ngựa và Ngựa người của Nguyễn Công Hoan. Tôi lại nhớ đến chuyện xảy ra ở đoàn thiết kế thủy điện Trị An. Ôi! cũng một kiếp người…
(Còn nữa ).
   
Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #366 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2015, 05:52:06 pm »

                                         Chào các bác

     Đến cổng nhà các bác em chỉ dám ngó nghiêng đọc bài của các bác nhưng không dám tham gia vì các bác là các bậc tiền bối đi trước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc còn em đi sau thì
     cuộc chiến tranh đã chuyển giai đoạn khác nó là chiến tranh bảo vệ tổ quốc ,mà hai cuộc chiến tranh này nó khác nhau hoàn toàn cả về ý nghĩa  lẫn cục diện

     Hôm nay vào đọc thấy bác trần phú nói mấy câu về bài thơ mà nữ thanh niên xung phong viết em cũng mạo muội xin phép tham gia mấy câu . tác giả của bài thơ là PHẠM THỊ XUÂN KHẢI sinh viên
     khoa văn trường đại học sư phạm hà nội ,em cũng xin đưa mấy câu

                                     ( nhớ chuyện ngày xưa khỉ làm vua
                                     con cáo ranh ma khéo đánh lừa
                                     vừa ngủ vừa dốt vừa mắc bẫy)

     Thưa các bác ,không phải ngày xưa đâu mà ngay cả bây giờ cũng có nó trở thành quốc nạn rồi
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #367 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2015, 01:37:27 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     Sang đầu năm 1985, tôi tham gia thiết kế công trình thủy điện An Điềm. Công trình này xây dựng ở ngã ba sông Côn và suối Vàng thuộc huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Công trình cách thành phố Đà Nẵng hơn 70 km về hướng Tây Bắc. Ngày ấy lên nơi xây dựng công trình là heo hút lắm, dân cư thưa thớt, thời gian đầu chúng tôi phải ở nhờ trại tù An Điềm. Ông biết rồi đấy, chọn nơi để xây dựng trại tù thì mọi thứ phải như thế nào để tù không bỏ trốn được. Khu vực này từ địa hình, khí hậu và môi trường đều thích ứng để xây dựng trại tù. Chả thế, cách trại tù An Điềm 30 km về phía thượng lưu sông Côn thì lại có một trại tù nữa. Mọi thứ ở đây thật khủng khiếp, dạo ấy chúng tôi nghe được câu nói của một tù nhân, nghe xong không biết nên buồn hay nên vui.
  Chuyện thế này: Hôm ấy có người tù đi chăn bò, ngồi xem chúng tôi khoan thăm dò ở khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện, buột miệng nói ra: Con tưởng các ông kỹ sư thì sướng lắm, ai ngờ các ông như thế này thì còn khổ hơn chúng con. Thoảng nghe qua thì thấy bình thường, sau này càng nghĩ càng thấm thía, nhưng biết làm sao được? Thôi thì đành chấp nhận, âu nó cũng là số phận.
  Xây dựng thủy điện An Điềm, ở đó tôi bắt đầu ý thức về cái mọi người gọi là mê tín. Dạo ấy hình như chưa phân biệt thế nào là tâm linh, thế nào là mê tín. Vì thế tất cả những việc làm có liên quan đến khấn vái trời đất, đến người đã khuất thì đều cho là mê tín. Những việc làm hồi ấy, có nhiều ý kiến nói vào nói ra, song hầu như những người có trách nhiệm về cơm áo cho ít nhất là một tổ sản xuất trở lên, họ đều bỏ ngoài tai, việc cần phải làm là họ làm. Ví như bắt đầu bất cứ một công việc gì đầu tiên ở thực địa, là họ thắp hương khấn vái. Quan niệm của họ rất đơn giản: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Họ nói: Tất cả mọi nơi trên đất nước Việt Nam, vì phải chịu biết bao đau thương do chiến tranh nên khắp chốn khắp nơi đều có những linh hồn cô quả còn đang lang thang chưa nơi nương tựa, nên cần phải khấn vái để xin phép.
   Bên cạnh đó, nghề xây dựng thủy điện là nghề có liên quan đến đất đá sông nước, là nghề làm thay đổi diện mạo của tự nhiên. Ví như dòng sông đang chảy bình yên, con người đắp đập lại thành hồ, cho nước chảy qua tuốcbin để phát điện. Dòng sông bao đời nay vẫn chảy thẳng nay lại bẻ cong cho chảy ra chỗ khác. Đất đá đã ổn định và trường tồn bao đời nay, con người lại đào lên đắp vào làm thay đổi sự trường tồn ấy v.v. Tất cả những thay đổi ấy đều là nguyên nhân gây nên sự dận dữ của thiên nhiên. Mà sức mạnh của thiên nhiên thì thật là khủng khiếp, trong khi đó sức của con người lại quá nhỏ nhoi… Tóm lại, nghề xây dựng thủy điện là nghề có nhiều nguy hiểm, tính mạng của con người thường xuyên bị đe dọa. Từ những lý do ấy, việc cầu xin sự an toàn, âu cũng là lẽ tự nhiên của con người.
  Ở thủy điện An Điềm, có hai việc tôi kiểm chứng. Không biết có phải ngẫu nhiên hay là do kết quả của việc có thờ có thiêng, có kiêng có lành?  Việc thứ nhất là chọn vị trí xây dựng nhà máy thủy điện, việc thứ hai là chọn vị trí xây nhà quản lý vận hành nhà máy thủy điện sau này. Chọn vị trí xây dựng các hạng mục công trình, trải qua nhiều bước. Bước thứ nhất là căn cứ vào bản đồ địa hình để lựa chọn sơ bộ, bước thứ hai là căn cứ vào thực địa, địa hình địa mạo. Bước thứ ba được quyết định trên cơ sở kết quả khảo sát thăm dò.
  Vị trí dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện An Điềm đã khoan khảo sát đến bốn vị trí. Ba vị trí trước đều không đạt yêu cầu, khi thì một góc nhà máy gặp được đá gốc, khi thì hai góc, khi thì ba góc, chưa lần nào phát hiện được đá gốc ở bốn góc nhà máy. Trong khi đó đá ở xung quanh công trình lộ lên rất nhiều, thế mà khoan thì lại không gặp được đá gốc. Trong trường hợp khó khăn ấy, những người có trách nhiệm đặt ra nhiều nghi vấn: Có thể anh em công nhân đã làm thủ tục động thổ, nhưng chưa thật sự thành tâm? Có thể năng lực của chủ nhiệm địa chất bị hạn chế? Có thể đây là vùng đất thiêng, cần phải làm gì đó quy mô hơn v.v. Tất cả những nghi ngờ ấy đều được xem xét thận trọng nên cuối cùng đã thành công. Thành công rồi, có người nói: Khoan khảo sát nát ra rồi thì làm gì mà không tìm được v.v.
  Chọn vị trí xây dựng nhà quản lý vận hành đơn giản hơn, thực tế nó chỉ là tòa nhà cao tầng, yêu cầu về địa chất không đến nỗi khắt khe lắm, miễn là nền móng được đặt trên đất nguyên thổ là tốt rồi. Mà đất trong rừng thì gần như chỗ nào cũng là nguyên thổ, đặt đâu mà chả được, miễn là chỗ ấy phù hợp với vận hành sau này của nhà máy. Ấy thế mà lại gặp khó khăn. Khó khăn ở trường hợp này là chọn được vị trí phù hợp với yêu cầu của dự án thì lại không đủ đất, vì bị sát vào bở lở của sông Côn. Dịch đi dịch lại đều không được. Cuối cùng như có ai xui khiến, quyết định dời sang quả đồi ngay sát đó thì phát hiện được nghĩa trang liệt sĩ tạm thời của các đơn vị bộ đội đánh căn cứ Thượng Đức trước kia. Nghĩa trang này đã bị bỏ quên, không còn dấu tích gì trên mặt đất, chỉ đến khi chúng tôi bắt đầu mở móng công trình mới phát hiện được. Khi ấy, mọi người bảo: Là do linh hồn của các anh ấy xui khiến cho mọi người phát hiện ra, để các anh được đưa về nghĩa trang  địa phương. Một ngày nào đó người thân của các anh sẽ đón các anh về nơi chôn rau cắt rốn, các anh sẽ được quanh năm hương khói, linh hồn không còn lang thang cô quạnh nữa.
  Một hôm chúng tôi nói chuyện với anh giám đốc trại tù, anh ấy bảo: Ngày trước anh ấy là bộ đội địa phương, anh cũng tham gia đánh căn cứ này, nhưng ở hướng khác. Khu vực này là căn cứ tiền phương của ta để tiến đánh Thượng Đức, tất cả các đợt tấn công đều xuất phát từ đây và đây cũng là nơi tập kết các thương binh liệt sĩ. Anh ấy kể: Thượng Đức là một cứ điểm quan trọng của QLVNCH, căn cứ này ở trên đỉnh núi cao, nó giống như mắt thần bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn, từ trên cao xuống tận đồng bằng, kéo về đến tận thành phố Đã Nẵng.
  Đánh được căn cứ này, quân ta cũng tổn thất nhiều lắm. Các anh thấy đấy, địa hình dốc ngược rất khó khăn cho quân ta triển khai các mũi tấn công. Chính nhờ địa hình này nên tên sĩ quan chỉ huy căn cứ Thượng Đức lúc đó đã huyênh hoang tuyên bố: Khi nào nước sông Vàng chảy ngược, khi ấy cộng sản mới lấy được căn cứ Thượng Đức.
  Nghe anh kể, tôi nhớ lại. Ngày ấy đơn vị C20 E95 của chúng mình đanh hành quân dã ngoại, rèn luyện khoa mục phương án tiếp cận cao điểm 544 và cứ điểm Đầu Mầu. Đơn vị hành quân dọc theo đường 9, gặp những đoàn xe chở thương binh ngược ra hướng Cam Lộ. Anh em mình hỏi với: Ở đâu ra đấy? Trên xe trả lời: Thượng Đức ra đây! Hồi ấy chiến trường rộng lớn nên không tưởng tượng nổi Thượng Đức là ở hướng nào, chỉ nghe kể đánh Thượng Đức là trung đoàn 2 của sư 304. Đó là một đơn vị đánh cứ điểm thiện chiến, thế mà nhiều lần tổ chức tấn công vẫn không lấy nổi, thương vong nhiều lắm.
  Hôm nay đứng giữa ngã ba sông Vàng ngước nhìn về căn cứ Thượng Đức mà rợn tóc gáy. Nhìn những đám mây vần vụ ôm ấp đỉnh núi, mà nghĩ đến thời gian cách đây 7-8 năm, mình cũng đã từng ôm súng tiền nhập vào cứ điểm 544. Ngày ấy, mới chỉ là rèn luyện thực binh thôi, thế mà nhiều anh em cắt góc phương vị để đi nhưng vẫn bị lạc không lên nổi, lần mò cả đêm mới leo lên được đỉnh 544. Trong khi đó ở Thượng Đức là chiến đấu thật thì không biết còn khó khăn gian khổ đến mức độ nào? Chiến đấu và hy sinh khi đánh chiếm cứ điểm Thượng Đức, cũng là lẽ tự nhiên thôi. Ôi! Một thời vàng son, còn sống mãi với những người lính trận mạc. Cầu mong linh hồn của các anh các chị, được siêu thoát về nơi vĩnh hằng…
   Chuyển sang công trình thủy điện Vĩnh Sơn của tỉnh Nghĩa Bình, cũng gặp những cảnh không biết nói thế nào? Năm ấy là năm 1987. Khi chúng tôi đi nghiên cứu vùng hồ thủy điện Vĩnh Sơn, nằm trong khu rừng nguyên sinh Kon Hà Nừng. Nghe đâu đây cũng là khu căn cứ của cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ, bây giờ là lâm trường Kon Hà Nừng. Rừng ở đây đẹp không bút mực nào tả nổi. Ngày hành quân vào Nam chiến đấu, đi qua vùng Nghệ Tĩnh Quảng Bình thi thoảng gặp những dẻo rừng nguyên sinh còn sót lại, bám dọc theo những con suối. Khi ấy đã thấy nó đẹp lắm rồi, nhưng  không thể nào so được với rừng Kon Hà Nừng.
  Rừng Kon Hà Nừng thâm u nhiều năm tuổi, hầu hết là những cây cổ thụ có đường kính nhiều người ôm mới xuể. Thấp thoáng dưới những gốc cây cổ thụ ấy là những túp lều nhỏ nhắn xinh xắn và có phần bí ẩn.  Đang trong hành trình đi khảo sát, chúng tôi cũng chưa gặp được ai để hỏi xem những căn lều ấy dùng để làm gì? Đêm hôm ấy, chúng tôi nghỉ lại nông trường bộ để ngày mai đi tiếp.
  Tối hôm ấy, chúng tôi được ban giám đốc lâm trường chiêu đãi đặc sản rừng Kon Hà Nừng. Buổi tối hoang dại và chân tình quá, dưới ánh lửa bập bùng của núi rừng, thanh niên nam nữ lâm trường cùng chúng tôi nắm tay nhau nhảy múa nhiệt tình. Sau mỗi điệu nhảy, khi tiếng cồng lắng lại. Chúng tôi mỗi người phải uống một căn rượu cần, rượu pha với mật ong rừng nguyên sinh Kon Hà Nừng ngọt và mát, càng uống càng ngon. Tình cảm của các thiếu nữ lâm trường chân thành, rượu cần thơm ngọt làm cho chúng tôi say tự lúc nào mà không biết.
  Đêm ở Kon Hà Nừng se lạnh làm tôi tỉnh giấc, tôi quờ tay kéo chăn lên ngực cho đỡ lạnh, nhưng không kéo được.  Dưới ánh đèn dầu mờ mờ, tôi nhìn thấy có vật gì đó đè nặng ở phía dưới chân tôi. Tôi cố nghĩ xem đây là đâu? Ai đã đưa mình về đây? Và đi về đây bằng cách nào? Nhưng chịu không thể hình dung được.Tôi đưa mắt quan sát khắp lượt, nhận ra mình đang ở trong gian nhà nhỏ nhắn, xung quanh tường và trần nhà được dán trang trí bằng những tờ họa báo xanh xanh đỏ đỏ. Tôi nằm trên chiếc giường ấm áp mềm mại, tuy có mùi đèn dầu khen khét, nhưng tôi vẫn thấy thơm thơm mùi con gái.
  Tôi nhổm lên nhìn xem vật gì đè vào chân tôi. Tôi phát hiện ra một người, đang nằm co quắp dưới chân tôi. Người này tôi đoán là phụ nữ, vì trông dáng nhỏ nhắn. Hơn nữa, tôi cũng ngửi được mùi thơm thơm dìu dịu của nước gội đầu. Đấu tranh tư tưởng một lát, tôi quyết định ngồi dậy. Cô gái tỉnh giấc, hốt hoảng choàng dậy. Vén lại mái tóc còn đang xõa trước mặt và đi tới vặn to ngọn đèn dầu. Căn phòng được sáng thêm, cô đi lại phía tôi nhỏ nhẹ:
   -Có phải em làm anh tỉnh giấc không?
  Tôi quan sát cô gái rất nhanh, và nhận ra đây là cô gái lúc tối đã chúc tôi mấy căn rượu. Khi đó tôi có hỏi thăm quê quán của cô, trong không khí huyên náo của bữa tiệc, cộng với sự kích động của hơi men. Tôi nghe tiếng được tiếng không, chỉ nghe rõ được tiếng “Bình”. Tôi lờ mờ đoán ra là Hòa Bình; Thái Bình; Ninh Bình. Bây giờ khi nhận ra cô gái là người quen, làm tôi tự nhiên hơn:
   -Không? Là do anh khát nước nên mới tỉnh giấc.
   -Để em lấy nước cho anh.
  Cô gái đưa cho tôi chiếc bình tông đựng nước bằng nhôm, loại được trang bị cho bộ đội thời chiến tranh. Tôi ngửa cổ tu ừng ực, cô gái  chưa kịp đưa cốc cho tôi thì nửa bình tông nước đã chui tọt vào bụng tôi. Sau khi thỏa mãn cơn khát, tôi mới hỏi cô gái:
  -Này em! Hôm qua ai đưa anh về đây? Bây giờ anh không nhớ mọi người đã đưa anh về đây bằng cách nào?
  Cô gái có vẻ đỏ mặt, vội quay đi để dấu nụ cười và nhỏ nhẹ:
   -Tự anh đi về, anh to lớn như vậy ai có thể đưa anh về đây được.
   -Thế à! Anh không tin là tự anh có thể đi được.
   -Vậy theo anh thì ai đưa anh về đây?
   -Có thể có ai đó dìu anh về.
   -Vâng! Thì cứ cho là như vậy. Chuyện ấy không quan trọng, điều quan trọng là anh vẫn ổn và rất tỉnh táo đang ngồi nói chuyện với em thế là được rồi.
  Chúng tôi ngồi lặng im nhìn ngọn đèn dầu lập lòe. Trong đầu tôi biết bao nhiêu thắc mắc về cô gái, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tự nhiên tôi bật ra câu hỏi rất vô duyên, biết rồi mà vẫn hỏi:
   -Em ở đây một mình à!
  Rõ ràng, một gian nhà, một chiếc giường. Không ở một mình thì ở hai mình làm sao được. Cô gái không chấp tôi việc ấy, cô vừa cười vừa trêu tôi:
   -Bình thường là một mình, nhưng hôm nay là hai mình… Nói đùa anh vậy thôi, bọn em trước kia ở chung. Nhưng vì mấy chị có con nhỏ nên ngăn ra để cho tiện sinh hoạt.
   -Sao lâm trường không sắp xếp họ vào khu gia đình mà đưa ra mãi đây?
   -Con của chúng em tự kiếm nên không có tiêu chuẩn vào khu gia đình.
   - !!!
  Tiếng gà nhà, gà rừng tranh nhau gáy sáng, đoàn chúng tôi lại vội vã chuẩn bị lên đường cho kịp hành trình. Đi sau tôi là anh cán bộ của địa phương. Tôi lùi lại chờ anh đi cùng để hỏi anh về một số điểm mà tôi thắc mắc khi nói chuyện với cô gái đêm qua. Tôi hỏi anh điều gì anh cũng cười mà không trả lời, đến khi tôi hỏi: Thế nào là con tự kiếm? Khi ấy anh lại cười lớn hơn và hỏi tôi:
   -Đêm hôm qua anh có giúp đỡ họ cái gì không?
  Tôi thật thà trả lời:
   -Không! Đêm hôm qua say rượu thế thì còn làm gì được, với lại cũng không thấy ai nhờ tôi việc gì.
   -Thế thì phí rượu rồi.
   -…   
  Sau đó anh kể cho tôi nghe về chuyện trung đoàn nữ TNXP ở lâm trường Kon Hà Nừng. Nghe xong, tôi rã rời chân không muốn bước. Tôi thấy tội nghiệp cho những cô gái, nhưng tôi lại thấy họ cao thượng quá, và thiệt thòi quá…
(Còn nữa).
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #368 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2015, 03:56:36 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận.
    Có lẽ đã hơn năm năm, tính từ cái đêm hai đứa ôm nhau ngủ trên sân thượng nhà thí nghiệm của Viện Năng Lượng, đến giờ Hoàng vẫn chưa gặp Khoa. Cuộc sống khó khăn, mọi người mải miết bươn chải lo miếng cơm manh áo, thành ra bạn bè đã xa nhau lại càng xa hơn. Thời gian này, chẳng hiểu sao Hoàng rất muốn gặp Khoa. Kể ra cũng không có việc gì quan trọng, mà chỉ là nhớ nhau, muốn nhìn thấy nhau, muốn uống với nhau chén rượu ôn lại những ngày chiến đấu ở Quảng Trị và kể cho nhau nghe những chuyện buồn chuyện vui xảy ra gần đây. Mơ ước nho nhỏ thế mà cũng khó, vì hai đứa cách nhau tới bảy tám trăm cây số, nên đành chịu.
  Hoàng với tay lấy tấm ảnh đứa con trai đặt trên kệ xuống ngắm nghía, đã rất nhiều lần ngắm nhìn ảnh con, Hoàng cố phát hiện xem có nét nào giống mình không? Nhưng chịu, có thể vì nó còn bé nên chưa rõ nét. Trong khi đó mọi người xung quanh nhìn nó thì bảo: Nó giống Luyến như đúc, họ lại còn tán thêm: Vì Luyến quá khỏe nên át cả Hoàng. Hoàng thấy họ nói cũng đúng. Hoàng hơn Luyến gần 8 tuổi, Hoàng có hơn 4 năm chiến đấu ở Quảng Trị. Sức khỏe của Hoàng cũng kém rồi, trong khi đó Luyến càng ngày càng trẻ đẹp, trông phây phây đầy sức sống. Mỗi lần hai vợ chồng đi chung với nhau mọi người trêu đùa, to mái thì hại sống. Hoàng thì không sao, còn Luyến đỏ dựng cả mặt.
  Hôm nay sinh nhật lần thứ 2 đứa con trai của Hoàng. Vì công việc đột xuất, không bố trí được thời gian về quê làm sinh nhật cho con  như đã hứa với vợ, nên Hoàng thấy buồn. Hoàng đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vào, cảm thấy buồn buồn. Có thể do không thực hiện đúng lời hứa với con, nên Hoàng buồn. Thật ra, vợ con Hoàng sống trong sự bảo bọc của ông bà nội ngoại, nên Hoàng cũng không phải lo lắng gì ngoài việc gửi tiền về cho vợ nuôi con. Mọi việc ở nhà, từ công to việc lớn đều một tay Luyến lo liệu. Được cái sức khỏe của Luyến rất tốt, tuy đã hai lần sinh nở, nhưng càng sinh nở lại càng đẹp ra, có phần đằm thắm mặn mà hơn thời con gái. Hoàng có ở nhà chỉ thêm có người có tiếng cho vui cửa vui  nhà, thực ra chẳng giúp được gì cho vợ.
   Thời gian này, Hoàng rất thương vợ. Những cử chỉ yêu thương của Hoàng, đôi lúc làm cho vợ ngạc nhiên và ngượng ngùng. Nhiều khi Hoàng cũng không hiểu sao mình làm như vậy? Đã có lúc Hoàng suy nghĩ xem tại sao? Tất nhiên là sẽ có rất nhiều nguyên nhân được đặt ra, nhưng Hoàng cho rằng có ba nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất là vì vợ Hoàng sinh cho Hoàng được một công chúa và một hoàng tử đẹp như thiên thần, việc này chẳng mấy ai làm được. Thứ hai là Luyến càng ngày càng xinh, đầy cuốn hút. Thứ ba là gần đây có những chuyện mà Hoàng không muốn cho vợ biết, trong thâm tâm Hoàng cũng cảm thấy có gì đó không được minh bạch đối với Luyến. Tất cả những thứ đó Hoàng cảm thấy bồn chồn chỉ muốn được về nằm bên vợ, nghe vợ thủ thỉ chuyện ông bà, chuyện con cái…
   Chuyện không minh bạch với vợ, Hoàng rất muốn tâm sự với Khoa, chỉ có Khoa mới cho Hoàng những lời khuyên chân thành nhất. Nhưng Khoa tháng ngày bươn trải biền biệt, khi trong Nam khi ngoài Bắc. Thời gian này chắc là Khoa đang ở Công trường thủy điện YaLy. Khoa bây giờ đã là Phó trưởng đoàn thiết kế thủy điện, lại là phó chủ nhiệm công trình thủy điện YaLy, Khoa không còn được dỗi dãi như xưa nữa. Nghĩ đến Khoa, Hoàng thấy vui vui. Khoa tuy hơi lận đận về đường tình duyên, nhưng lại may mắn về đường công danh. So với bạn bè cùng đơn vị chiến đấu sau về cùng học đại học, Khoa là một trong số những người thành đạt. Hoàng nghĩ, thôi thế cũng tốt rồi!
   Đã gần mười giờ đêm, không khí vẫn ngột ngạt oi nồng, kiểu này chắc trời sắp mưa. Hoàng lững thững bước, hơi nóng bốc lên từ mặt đường bê tông át phan phả vào mặt làm Hoàng khó chịu. Hoàng rẽ về phía đê Đà Giang. Sông Đà đang là mùa nước, hơi nước từ sông bốc lên làm Hoàng dễ chịu. Từ ngày nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, khúc sông này vắng bóng những con thuyền lớn, chỉ còn những con thuyền đánh cá bé như những lá tre le ve trên mặt nước. Trời đã về đêm, dòng sông trở nên êm đềm hơn. Hoàng tìm đến bến phà cũ, ngồi ngắm nhìn những con thuyền đang neo đậu gần đấy. Ánh sáng của những bóng điện chạy bằng ắcquy hắt ánh sáng xuống mặt nước lung linh. Hoàng nhớ đến những chuyến phà vào đêm muộn chở Hoàng với Thủy qua sông, lất phất những hạt mưa, trời se lạnh.
  Giờ này bên ấy không biết là mấy giờ, có thể là gần trưa rồi, cách nhau những nửa vòng trái đất cơ mà. Từ ngày sang đấy Thủy có khỏe không? Cuộc sống bên ấy thế nào? Thủy có hạnh phúc không? Đã có tin vui chưa? Không đi làm, ở nhà một mình thì buồn lắm, Thủy nên sinh đứa con cho vui cửa vui nhà khi chồng đi vắng. Chắc là người Tây không như người ta đâu Thủy nhỉ? Chồng đi đâu là vợ con đi theo đấy, họ không mấy khi để vợ con ở nhà một mình, có đúng thế không? Đấy là Hoàng đoán vậy thôi, chắc chắn Thủy biết sắp xếp để lo toan cho hạnh phúc của mình. Hoàng cầu mong cho Thủy được hạnh phúc, Thủy sống hạnh phúc là Hoàng vui lắm rồi, Hoàng thấy nuối tiếc và cũng có phần ân hận.
  Hoàng nằm lên thảm cỏ đê Đà Giang, nghĩ miên man về Thủy. Mùi cỏ hăng hắc thơm nồng, gợi cho Hoàng nhớ đến những câu chuyện mà Hoàng đã kể cho Thủy nghe về những đêm luồn sâu vào lòng địch trong thời kỳ chiến đấu ở Quảng Trị. Hoàng thật thà kể: Ngày ấy chẳng hiểu sao? Cứ mỗi lần bọn anh đi luồn sâu là liên tưởng đến sự hy sinh, cầm chắc hai phần chết chỉ một phần sống. Biết thế nhưng không ai từ chối, tất cả đều vui vẻ nhận nhiệm vụ. Khi màn đêm buông xuống, nuốt chửng những chàng trai trinh sát bọn anh, cũng là lúc các anh nghĩ về gia đình về bố mẹ. Không thành lời, nhưng ai cũng khấn cầu cho bố mẹ khỏe mạnh, mọi người trong gia đình được bình yên. Còn các anh, vì Tổ Quốc có thể phải hy sinh điều ấy là tất yếu, song không còn con đường nào khác, nên bọn anh đi vào chỗ chết cũng rất thanh thản…
   Thoắt một cái đã hơn một năm, kể từ ngày Thủy theo chồng về Hà Lan. Hồi tưởng về quá khứ, Hoàng cảm thấy Thủy đến với Hoàng như ngọn gió. Đến và đi cũng rất nhanh, ban đầu thì nhẹ nhàng mơn man càng về sau càng dữ dội, có những lúc ầm ầm hung dữ như bão tố, bây giờ gió thổi ở trời Tây không biết thế nào? Nghĩ về bức thư cuối cùng Hoàng viết cho Thủy, nói về việc Thủy có nên bỏ về quê hay tiếp tục ở lại làm cô giáo ở vùng xa xôi hẻo lánh của núi rừng Tây Bắc. Trong đó có một lời khuyên cho Thủy:  Thủy ơi! Em nên cân nhắc cẩn thận, bảy lần đo mới một lần cắt, đừng vội vã mà hỏng việc.
   Sau lá thư ấy, chắc Thủy dận Hoàng lắm nên Thủy không viết thư cho Hoàng nữa. Ngày này qua ngày khác Hoàng ngóng chờ tin Thủy, song vẫn không thấy Thủy hồi âm. Hoàng dận mình dận Thủy, nhưng hàng ngày vẫn mong mỏi đợi chờ. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, đến hơn một năm sau. Không còn chờ được nữa, Hoàng về quê lấy vợ, hình ảnh của Thủy chỉ còn lại là kỷ niệm. Từ ngày Hoàng lấy vợ, cuộc sống của Hoàng bước sang một trang mới, Hoàng sống trong tình yêu thương chăm chút của Luyến. Tình yêu của Luyến giành cho Hoàng, nhiều đến nỗi Hoàng không còn thời gian để nghĩ đến người khác nữa. Thế rồi cũng giống như bao cặp vợ chồng khác, vợ Hoàng sinh con, Hoàng lại có thêm niềm vui mới. Đôi lúc Hoàng cũng có nghĩ đến Thủy, nhưng hình ảnh của Luyến của con lại ùa vào chiếm chỗ.
  Hoàng đâu có ngờ rằng, thời gian Hoàng mong mỏi đợi chờ, và cả thời gian Hoàng sung sướng hạnh phúc bên vợ bên con. Thì cũng chính là thời gian Thủy đau khổ nhất, Thủy mong gặp Hoàng nhưng không dám gặp. Thủy kể: Nghe lời Hà dụ dỗ, Thủy trốn về xuôi. Thủy đến gặp Hà mong được Hà giúp đỡ, nhưng khi gặp được Hà rồi thì mọi viễn tưởng về cuộc sống tốt đẹp ở dưới xuôi tan đi như bong bóng xà phòng. Thủy đành quay về nhà, về miền quê bán sơn địa nghèo đói. Bố của Thủy, người cựu chiến binh, thương binh chỉ quen cầm súng xông lên không bao giờ lùi bước. Nay thấy Thủy quay về, ông cho đó là nỗi nhục của gia đình, ông quay ra ốm. Mẹ con Thủy hết lòng chăm sóc nhưng ông không thể dậy nổi. Thủy ở nhà chăm bố mấy tháng rồi trốn mẹ ra đi. Đi đâu? Làm gì? Thủy không biết. Thủy cứ đi, mang theo sự nhục nhã ê chề.
   Nấc lên thổn thức trong nước mắt, Thủy kể: Những bước chân lang thang vô định của ngày đầu tiên khi rời khỏi gia đình, người mà em nhắm tới để nhờ cậy là anh. Nhưng biết anh đã có vợ, đến làm sao được, với lại bây giờ còn mặt mũi nào để nhìn anh nữa. Em không biết đi đâu, em không có nơi nương tựa. Trong lòng u uất, có lúc em nghĩ quẩn em chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng em không đủ can đảm làm việc ấy, vì em  thương bố thương mẹ thương các em. Càng nghĩ em càng hận mình, em là đứa con bất hiếu. Nhiều đêm nằm nghĩ: Em trách em một phần vì em không đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn, nhưng em cũng oán trách cấp trên vô trách nhiệm mang con bỏ chợ, đẩy bọn em đi tới tận vùng xa xôi nhất của Tổ Quốc mà không cần biết chúng em cần gì.
   Tối hôm ấy, em đứng ở dưới cổng cơ quan của anh, nơi trước kia anh em mình vẫn hẹn gặp nhau. Đứng ở đấy, em có ý đánh đố với số phận. Nếu em gặp được anh thì có nghĩa là trời đã cứu em, còn không gặp được anh thì coi như số phận đã an bài. Em đứng mãi đứng mãi, ai đi qua em cũng quan sát để không bỏ sót. Đấy là vì quá mong mỏi gặp được anh, nên em làm thế. Thật ra, dáng người của anh, bước đi của anh em làm sao quên được. Đêm về khuya, đường phố đã vắng người qua lại. Nhìn vào cơ quan anh, em thấy còn sáng đèn. Em vẫn hy vọng là anh sẽ ra và em vẫn đứng. Em đứng mãi đứng mãi cho tới khi những ngọn đèn trong cơ quan anh tắt hết, chỉ còn lại những bóng đèn bảo vệ. Em biết thế là hết, em thất vọng ôm mặt khóc.  Em thực sự hoảng hốt khi màn đêm buông xuống…
  Nghe Thủy kể, Hoàng vừa dận lại vừa thương Thủy. Hoàng nghĩ: Tính Thủy vẫn không có gì thay đổi so với vài năm về trước. Nhìn bề ngoài Thủy vẫn là một cô gái mạnh mẽ kênh kiệu, không cần sự giúp đỡ của người khác. Ngày gặp nhau trên chuyến xe từ Hà Nội đi Hòa Bình, Hoàng đã có nhận xét ban đầu về Thủy như vậy. Nhưng sau khi Thủy bị tai nạn trên chuyến xe ấy, Hoàng có nhận xét Thủy khác hẳn với vẻ bên ngoài. Thủy lo lắng sợ hãi, nhìn thấy máu ở vết thương của Thủy chảy lênh láng ra hai bàn tay của Hoàng, từ lúc đó Thủy không muốn rời xa Hoàng. Hoàng cũng nhận ra điều ấy nên sẵn sàng đưa Thủy về tận ký túc xá của trường sư phạm mẫu giáo. Đến hôm nay lại nghe Thủy kể đứng bên ngoài nhìn vào, Hoàng không thể không trách Thủy, nếu Thủy vào gặp Hoàng thì có thể mọi chuyện đã khác…
  Hôm nhìn thấy Thủy ở nhà khách Sơn La là hoàn toàn bất ngờ. Hoàng đang từ cầu thang đi xuống sảnh thì nhìn thấy người con gái dắt xe ra cổng trông giống Thủy quá. Hoàng rảo bước đuổi theo nhưng không kịp, bóng cô gái lẫn vào dòng người đang lưu thông trên đường. Hoàng lẩm bẩm: Có thể không phải, thiếu gì người giống nhau. Với lại Thủy lại lên tận nơi xa xôi này làm gì? Tuy nghĩ thế, nhưng để thỏa chí tò mò, Hoàng đến phòng lễ tân để hỏi về thông tin cô gái ấy. Cô gái phụ trách  lễ tân cho Hoàng biết: Đấy là cô hướng dẫn viên du lịch, của một công ty du lịch ở Sài Gòn, đến liên hệ đưa khách đi tham quan. Tuy nhận được câu trả lời như vậy, song chẳng hiểu sao Hoàng vẫn bán tín bán nghi người ấy là Thủy.
  Bẵng đi một thời gian sau, vẫn trong những chuyến công tác vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Hoàng đã gặp Thủy trong hoàn cảnh thật hy hữu, Hoàng đã có có vợ, còn Thủy …
(Còn nữa).
 



Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #369 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 03:36:08 pm »


BÊN MỘ ANH
Bên mộ anh nghe gió rừng xào xạc,
Con chim non kêu chim chíp gọi bầy,
Tiếng của anh văng vẳng đâu đây,
Lẫn trong gió trong mây từ nhiều phía.

Bốn mươi năm,chắc là anh còn nhớ,
Tôi với anh cùng chung một chiến hào,
Anh kể tôi nghe bao chuyện gian lao,
Của tuổi thơ trước khi vào bộ đội.

Quê hương anh một miền quê nghèo đói,
Đất quê anh đất đá sỏi bạc mầu,
Dân quê anh vất vả việc ngập đầu,
Nồi cơm độn chỉ một mầu khoai sắn.

Anh nói anh còn nhiều em lắm.
Anh đi rồi chúng dãi nắng dầm mưa,
Thay thế anh giúp bố việc cày bừa,
Mẹ già yếu,chúng sớm trưa chăm sóc.

Anh nhập ngũ,đàn em tiễn theo khóc.
Anh nói rằng thôi đừng khóc các em ơi,
Các em khóc anh sợ chúng bạn cười,
Nhìn em khóc anh sẽ cười rơi lệ.

Anh kể với tôi anh ra đi như thế,
Nhiều kỷ niệm anh không thể nào quên,
Nhớ thương mẹ,anh đã thức thâu đêm,
Anh thấy mẹ đứng đầu thềm trông đợi,

Đường vào Nam ngày càng xa vời vợi,
Ở miền Bắc mẹ ngóng đợi tin con,
Cuộc chiến tranh đã làm mẹ héo mòn,
Mắt ngấn lệ thương con còn tấm bé.

Anh đã hy sinh khi anh còn rất trẻ,
Hình ảnh anh tôi không thể nào quên,
Anh ngồi chết ở tư thế xông lên,
Máu đã chảy,chảy tràn hai bên má.


                               Và mắt anh sao lúc này sáng quá,
Vẫn mở to nhìn tất cả bạn bè,
Vuốt mắt cho anh xin anh hãy lắng nghe,
Anh nhắm lại để hồn về quê mẹ.

Chiều hôm ấy chôn anh bên Như lệ,
Địch kề bên nên không thể chôn sâu,
Đưa anh đi,đạn sàn sạt trên đầu,
Ôi! Chiến tranh đang phủ mầu tang tóc.

Tiễn anh đi chúng tôi ai cũng khóc,
Thương mẹ già đã khó nhọc nuôi anh
  Nhưng than ơi! Lá vàng còn ở trên cành,
Lá xanh rụng trước sao đành trời ơi!

Từ đó,cha mẹ mất một con người,
Bạn bè, mất mãi tiếng cười của anh,
Hôm nay,nghe tiếng chim hót trên cành,
Tôi mơ thấy bóng của anh trở về…
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM