Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:32:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191138 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #350 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2014, 01:55:03 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
          Một đêm yên tĩnh, thi thoảng mới nghe tiếng pháo sáng nổ lục bục trên bầu trời, mặt đất hầu như lúc nào cũng được soi sáng như ban ngày.
   Sáng hôm sau, đã hơn 8 giờ. Mấy anh em bên mình cứ ngóng xem bên địch có ra chỗ cũ ngồi nói chuyện không? Chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy. Tôi nghĩ: Tín là sĩ quan, có thể là bận hội họp nên ra muộn, nếu có ra được thì cũng phải 9-10 giờ. Hay là có vấn đề gì? Cũng có thể, nhưng xem xét lại thì thấy chẳng có gì đáng phải nghi ngờ. Nhìn sang bên địch, vẫn thấy họ đi lại thản nhiên cười nói giống như không còn chiến tuyến địch ta nữa, nhưng cũng rất lạ là không ai ra chỗ hôm qua.
  Ba em trinh sát C20, đang tranh thủ lau súng và cũng có ý chờ đợi. Một ông có thể là cán bộ phụ trách đơn vị bộ binh ở cụm chốt Tích Tường đi qua hỏi:
   -Các ông C20  không đi đến nhà hòa hợp à?
  Tôi sốt sắng hỏi:
   -Ở đâu ông?
   -Ở cao điểm 29 đằng kia kìa. Chiều hôm qua tôi thấy họ dựng nhà ở đấy, có cả cờ và băng rôn khẩu hiệu nữa.
  Tổ trinh sát ba người của chúng tôi hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào đơn vị bộ binh, trinh sát C20 chỉ phối hợp với bộ binh để nắm tình hình địch, nên chúng tôi chỉ quen chứ không thân.
  Sau khi tôi được phân công trực đài quan sát vào buổi chiều, vì hiếu kỳ nên tôi nghĩ ngay thời gian này phải đến nhà hòa hợp xem họ làm gì? Tôi rủ anh bạn cùng đi cho nó vui, từ xa tôi đã thấy có túp lều bàng vải bạt trên đỉnh đồi. Đúng như ông cán bộ đơn vị bộ binh nói, có cả cờ của ta và cờ của địch lại có cả cổng chào, trên cổng chào là tấm băng rôn có viết hai dòng chữ, vì xa quá nên nhìn không rõ.
  Đến nơi, đọc hai dòng chữ trên cổng chào: Nghiêm chỉnh chấp hành hiệp định Paris, ký ngày 23 tháng 1 năm 1973. Trong lều là dãy bàn ở giữa và hai dãy ghế hai bên, tất cả đều mới làm hôm qua bằng tre tươi còn xanh mầu vỏ. Quan khách hai bên đã ngồi kín hai dãy ghế, bên bộ đội ta tôi không nhận ra ai quen, bên lính VNCH tôi nhận ra ngay đại úy Tín, ngồi cuối cùng của dãy ghế. Tôi đoán: Dãy bên địch toàn là sĩ quan tâm lý chiến, còn lại hẳn là những sĩ quan chỉ huy trực tiếp các đơn vị đang chiến đấu tại đây. Phía bên ta cũng vậy, có lẽ là cán bộ tuyên huấn của sư đoàn, trung đoàn, còn lại cũng là chính trị viên của các đơn vị. Tôi cố gắng lắng nghe xem họ nói gì, nhưng vì khoảng cách hơi xa nên nghe không rõ. Đứng một hồi, tôi quay sang nói với anh bạn:
   -Chắc cũng nói chuyện như anh em mình hôm qua thôi, ngoài ra cũng chẳng có gì để mà nói. Chẳng lẽ lại tranh luận với nhau về giai cấp về chính nghĩa và phi nghĩa. Nói những điều ấy đối với địch vào thời điểm này, chắc chắn là họ không nghe, vì thực tế họ luôn cho rằng Miền Bắc xâm lược Miền Nam. Họ đâu biết rằng: Miền Nam, từ trước những năm 1930 người dân Miền Nam đã phải chịu sự kìm kẹp của chế độ thực dân cũ. Hoàng loạt các cuộc khởi nghĩa của các anh hùng dân tộc đã nổ ra để cởi bỏ ách áp bức bóc lột. Tuy cũng dành được thắng lợi ở một số nơi, song vì lực lượng còn yếu và thiếu. Nên đã bị bọn thực dân và bọn tay sai bán nước dìm trong biển máu.
   Năm 1954. Hiệp định Gionevo được ký kết, toàn dân tộc Việt Nam tràn trề hy vọng sau hai năm nữa sẽ tổng tuyển cử, Bắc Nam sẽ thống nhất Nam Bắc lại về trong một nhà. Nhưng các thế lực thù địch lại một lần nữa xé bỏ hiệp định, kiên quyết chia nước ta ra hai miền Nam Bắc. Miền Nam lại ngập chìm trong biển máu do chế độ thực dân kiểu mới cai trị.
  Đồng bào Miền Nam lại anh dũng đứng lên, Miền Bắc lại là hậu phương vững chắc của Miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng bào Miền Nam, Miền Bắc đã làm tất cả vì đồng bào Miền Nam ruột thịt, sẵn sàng chi viện sức người sức của. Bằng mọi giá phải giải phóng Miền Nam, thực hiện bằng được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hành động ấy, phải chăng là Miền Bắc xâm lăng Miền Nam?
  Từ đầu đến giờ, Hoàng chỉ nghe tôi kể. Đến lúc này, Hoàng đột ngột cắt ngang lời tôi:
   -Ông nói thế họa chăng chỉ có anh em bộ đội mình và lực lượng quần chúng tiến bộ, trực tiếp tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc họ mới hiểu. Những thành phần thuộc giai cấp thống trị được hưởng đặc quyền đặc lợi, những người nghe theo tiếng gọi của Chúa di cư vào Nam năm 1954 là không hiểu, cũng có thể họ cố tình không hiểu. Tất nhiên nói như thế cũng hơi chủ quan, có thể trong số những anh em binh sĩ quân lực VNCH cũng có rất nhiều người hiểu cặn kẽ điều ấy, nhưng vì hoàn cảnh nên không được nói ra.
   -Ông nói đúng! Không phải ai cũng thừa nhận điều ấy. Đấy là nguyên nhân chính đẫn đến việc sau này hiệp định bị vi phạm. Chuyện vi phạm hiệp định thì ông đã biết, bây giờ tôi kể nốt cho ông nghe về đại úy Tín.
   …Những ngày sau, tình hình chiến sự nơi giáp ranh giữa ta và địch vẫn chưa có gì thay đổi hàng ngày hai bên vẫn đến nhà hòa hợp dân tộc để gặp nhau. Những ngày ấy tôi tranh thủ về hậu cứ của đơn vị để xin thêm cho anh em trong tổ một ít thực phẩm và lấy thêm tư trang cá nhân, nhân tiện tắm rửa nghỉ ngơi. Chiều, tôi bơi qua sông Thạch Hãn sang chốt của bộ binh K4 bên Tích Tường và men theo bờ sông để về đài quan sát. Tôi vừa xuất hiện ở cửa hầm, anh em trong hầm đã nói vọng ra:
   -Đại úy Tín từ sáng đến giờ mấy lần tìm gặp anh nhưng anh chưa lên, nó hẹn khi nào anh lên thì ra chỗ hôm nọ có chuyện quan trọng lắm nó cần nói với anh.
  Tôi băn khoăn, không biết là chuyện gì? Lành hay giữ? Thú thực là tôi cũng hơi ngại, bởi vì lý lịch gia đình tôi có vấn đề. Cho dù là lành hay giữ nhưng kiểu thậm thụt này rất bất lợi cho tôi, tình ngay lý gian, nhất là trong hoàn cảnh này có những kẻ không ưa tôi sẽ tìm cách hại tôi. Nhưng trước tình hình này, tôi không thể kìm chế được, tôi rủ anh bạn nữa ra ngay chỗ hôm nọ đứng chờ. Ít phút sau, Tín và một thằng lính nữa đi ra chỗ chúng tôi đứng.
   Giữa thanh thiên bạch nhật, mà lại có tới 4 người nên tôi cũng yên tâm, hành động của tôi không có gì là dấu diếm cả. Chào hỏi mấy câu xã giao xong, Tín nhìn ông bạn cùng đi với tôi và nói:
   -Tôi không có thì giờ, tôi muốn nói chuyện riêng với ông Khoa.
  Tôi nhìn Tín và nhìn anh bạn cùng đi để dò xét thái độ, đột ngột quá tôi chưa biết xử lý thế nào, nên gặng hỏi:
   -Chuyện gì mà quan trọng vậy? Đứng kia có được không?
  Tín đưa mắt nhìn theo tay tôi chỉ, như là ước lượng khoảng cách rồi miễn cưỡng gật đầu. Tôi bước đi, Tín theo sau. Độ chừng 10 bước tôi dừng lại, Tín tiến sát đến tôi và nói ngay:
   -Đêm nay, thượng cấp của tôi nó bắt chúng tôi phải tấn công các ông.
  Nghe đến đấy, một luồng ám khí chạy dọc theo sống lưng tôi, cảm tưởng như tóc gáy tôi bị dựng đứng. Tôi ớn lạnh, nghĩ đến cảnh đầu rơi máu chảy, lại có người phải từ giã cõi đời này, lại thêm những bà mẹ đỏ mắt chờ con. Nhưng có lẽ đáng sợ hơn cả là sự trở mặt đến lạnh lùng của bọn chỉ huy quân lực VNCH, mới đấy binh sĩ của hai bên còn cười đùa nói chuyện tâm tình, chuyện nhà cửa chuyện gia đình bố mẹ vợ con. Thế mà? Nỡ lòng nào chúng lại ra lệnh nổ súng tấn công, khi mà những nụ cười còn chưa kịp tắt trên môi. Chúng có còn là con người nữa không? Tôi chưa biết phản ứng thế nào, đành hỏi Tín một câu biết là thừa nhưng vẫn hỏi:
   -Nhưng tại sao lại tấn công chúng tôi?
   -Xin ông Khoa đừng hỏi?Tôi chỉ biết tuân lệnh.
   -Vậy theo đại úy Tín chúng tôi phải làm thế nào? Các ông tấn công chúng tôi, vô hình chung là các ông xé bỏ hiệp định.
   -Tôi biết! Nhưng xin ông Khoa, bây giờ không phải là lúc nói về hiệp định. Tôi bất chấp nguy hiểm về việc tôi làm, tôi cung cấp cho ông tin này là vì ông và bạn bè của ông, những người mà tôi mới quen, nhưng có lẽ cả cuộc đời này tôi không thể nào quên được, thôi tôi về đây.
   -Ấy ấy! Đại úy Tín chờ tôi chút đã.
  Tôi biết, phải như thế nào thì Tín mới tiết lộ thông tin này cho anh em chúng tôi. Những ngày sống trong bầu khí hòa bình hòa hợp dân tộc làm cho binh sĩ của hai bên hiểu nhau hơn thương nhau hơn và thông cảm với nhau về hoàn cảnh và điều kiện sống của nhau. Điều ấy cũng dễ hiểu bởi vì họ đều là con người, biết yêu thương biết căm giận, tất cả đều chán ghét chiến tranh. Những ngày qua, tuy ngắn ngủi, song hầu hết binh sĩ VNCH ở đây, sau khi tiếp xúc với anh em chúng tôi, họ tỏ ra trân trọng tình cảm của quân giải phóng… Lợi dụng sự quen biết, tôi hỏi Tín:
   -Theo ông chúng tôi phải làm gì?
   -Tôi nghĩ: Sau khi pháo lớn bắn dọn đường, chúng tôi sẽ phải tấn công. Thay vì xông lên thì chúng tôi chỉ nằm tại chỗ nổ súng. Để không bị nghi ngờ, lúc đó các ông cũng phải nổ súng. Chỉ có điều là cả hai bên không nhắm vào mục tiêu nào cả.
  Nghe Tín nói có lý, tôi bảo với Tín:
   -Nghe cách làm của ông tôi cho là được, nhưng ông có khẳng định binh lính ông có làm như vậy không?
   -Tôi cũng không chắc lắm, song tôi nghĩ họ sẽ làm như vậy. Bởi vì chẳng ai dại gì lại xung phong lên dưới làn đạn của các ông.
   -Thôi được rồi! Xin cám ơn ông đã cho biết thông tin này, thôi ông về đi kẻo bị nghi ngờ. Hẹn có ngày gặp lại. Chào!
   Đài quan sát của trinh sát C20, báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn tình hình tin tức vừa thu lượm được và xin ý kiến chỉ đạo. Các đơn vị bộ binh lập tức nhận được chỉ thị củng cố hầm hào vững chắc để tránh pháo. Trinh sát C20, trinh sát tiểu đoàn K4 bám sát tình hình địch, nhanh chóng phát hiện những diễn biến bất thường, để kịp thời đối phó khi tình huống xấu.
   Tối hôm ấy, khoảng hơn 8 giờ tối. Diễn biến sự việc đúng như đại úy Tín nói.  Pháo lớn của địch bắn cấp tập  khoảng 15-20 phút, sau là súng bộ binh nổ rộ, đạn dẫn đường bay đỏ rực cả bầu trời đêm, cộng với những tiếng nổ chát chúa của các loại vũ khí cả của địch lẫn của ta. Không biết ở những mặt trận khác thì như thế nào? Ở mặt trận phía Tây thành cổ Quảng Trị thì hiệp định Paris chính thức bị quân lực VNCH vi phạm từ đấy.
   Những ngày sau đó, thực sự là những ngày kinh hoàng. Đơn vị do đại úy Tín chỉ huy do bị Việt cộng cảm hóa đã bị điều đi nơi khác, thay vào đó là một đơn vị khác. Bọn này hung hăng hơn, hiếu chiến hơn. Mở đầu là trận cướp cờ. Bản chất giống như hồi còn trẻ chúng mình chơi cướp cờ, nhưng hình thức thì khác nhau. Chơi cướp cờ của trẻ con là hai bên dàn quân đứng xung quanh bảo vệ cờ, bên nào sờ vào cờ là bị chặn lại coi như thua cuộc. Bây giờ cũng thế, nhưng dùng vũ khí để trấn áp bên kia rồi xông lên cướp cờ.
   Những lá cờ MTDTGP Miền Nam đầu tiên bị bọn địch bất ngờ cướp mất, bên ta còn đang ngỡ ngàng vì sợ vi phạm hiệp định nên còn lúng túng chưa biết xử lý thế nào. Sau khi có lệnh của trung đoàn trưởng tuyên bố: Cờ là Tổ quốc, kẻ nào cướp cờ là kẻ đó cướp nước. Vì vậy bằng mọi cách bảo vệ cờ, thẳng tay trừng trị kẻ cướp cờ…
  Cuộc chiến đấu cướp cờ và bảo vệ cờ giữa địch và ta, diễn ra như trong phim tại những thửa ruộng bỏ hoang vì chiến tranh của Thôn Tích Tường Như Lệ, lúc ấy vào khoảng hơn 4 giờ chiều.
(Còn nữa).
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #351 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2014, 08:03:41 am »


               Chào bác chủ quanvietnam! Tranphu341 mấy bữa nay bận quá. Hôm qua mới đọc phần viết tiếp của bác chủ.

                Câu chuyện của bác chủ kể về thời kỳ "Hiệp định" thật hay thật giá trị. Chúng ta và bây giờ sách sử ít nói đến thời kỳ đó. Vì chiến thắng 30/4/75. Kết thúc bằng chiến dịch HCM nó lớn quá nên nó đã bao trùm, đã khỏa lấp đi nhiều những sự kiên nhỏ khác.

                Chuyện về viên Đại úy Tín thật hay. Tranphu341 cũng tò mò không hiểu sau này Đại úy Tín của Quân lực VNCH có di tản không, có vượt biên không/ Hay có đi cải tạo không và cuộc sống gia đình ra sao v v..

                 Chúc bác chủ cùng đại gia đình luôn vui khỏe và bác tiếp tục những dòng tơ quý cho đời cho anh em VMH! kÍNH BÁC.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #352 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2014, 09:05:51 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
 6- Số Phận.
      Hơn 4 giờ chiều, hoàng hôn đã lấp ló sau dãy núi động Ông Do. Những thửa ruộng hoang của thôn Tích Tường - Như Lệ, phần nắng phần dâm loang lổ, là do dãy núi động Ông Do che mất một phần ánh sáng  của ông mặt trời đang từ từ lặn xuống.
   Trên cánh đồng hoang, từng tốp lính quần áo rằn ri men theo bờ ruộng tiến về phía những lá cờ của chúng ta. Đợi chúng tiến sát cờ và nhổm lên là quân ta nổ súng. Trên đài quan sát, tôi nhìn thấy đạn của chúng ta cầy tung mặt đất. Súng AK điểm hỏa dòn tan điệu nghệ, thi thoảng lại có một loạt đại liên xen vào, chỗ nào địch lên đông mà co cụm là bị xơi ngay một phát B40 hoặc B41. Những nhóm địch ở xa xa, chắc là chuẩn bị tiếp viện cho nhóm đi trước cũng bị quân ta cho xơi cối 60.
  Các loại hỏa lực bộ binh của ta phối hợp với nhau nhịp nhàng, nhàn tênh. Tiếng nổ đập vào vách núi vọng lại rồi lan truyền vào không gian, giống như núi rừng đang nhại lại sự tàn ác của chiến tranh. Không biết bọn địch có động cơ gì? Hay đã ăn phải gan con gì mà chúng lại liều lĩnh đến vậy? Chúng thừa hiểu là quân ta có công sự để chiến đấu bảo vệ cờ, còn bọn chúng thì vận động trên cánh đồng hoang để cướp cờ. Thế trận này, chúng sẽ nướng bao nhiêu quân để có thể nhổ được cả một rừng cờ của quân giải phóng?
 Tình huống và thế trận hoàn toàn bất lợi đối với địch, ấy thế mà chúng vẫn nối tiếp nhau xông lên để nhổ cờ, thằng nọ ngã thằng kia tiến lên xác chồng lên xác. Nhưng làm sao có thể lên được, chỉ có những kẻ điên rồ mới dám xông lên, có thể chúng đã treo thưởng rất hậu hĩnh cho tên lính nào nhổ được cờ, nên bọn lính mới liều như vậy. Có những thằng chỉ kịp với lấy cờ đã đổ gục, có kẻ may mắn hơn đã túm được cờ quay đầu chạy thì cũng không chạy thêm bước nào nữa.
  Sau nhiều lần đâm đầu vào đá bọn địch mới ngộ ra, là không thể được. Chúng áp dụng chiến thuật như đã dùng để tái chiếm thành cổ Quảng Trị, chúng thu quân về và gọi pháo chi viện.
  Một trận mưa đạn pháo, cả trận địa của ta tan nát, rừng cờ của MTDTGP miền Nam trên cánh đồng hoang cũng bị chúng hủy diệt không còn sót một lá cờ nào. Mọi thành quả cắm cờ giữ đất đêm ngày 27 tháng 1 năm 1973 của ta coi như bằng không, gianh giới địch ta lại trở về như lúc chưa ký hiệp định.
  Trận pháo kích của địch, ta bị thiệt hại tương đối nhiều. Nguyên nhân sâu xa là: Những ngày chuyện trò hòa hợp dân tộc, cả bên ta lẫn bên địch đều vô tình tiết lộ những ưu và nhược điểm của từng loại vũ khí. Bên ta thì chê súng bộ binh AR15 của địch là chỉ dùng để bắn cá, bắn chim. M79 chỉ được cái nổ to, nhưng sát thương thấp, loại ấy chỉ dọa là chính v.v. Ngoài bom ra, bộ đội ta sợ các loại pháo mặt đất và pháo bắn thẳng của tăng hay thiết giáp. Trong tất cả các loại pháo thì ngại nhất là pháo khoan xuyên hầm, không sợ pháo nổ v.v. Những câu chuyện tưởng như vô bổ ấy, đã làm cho bên ta thiệt hại lớn trong trận pháo kích này.
  Trận pháo kích ấy, bọn địch thực hiện như sách dạy,  ban đầu chúng bắn hàng loạt pháo nổ để gây sát thương mặt đất, đến khi bộ đội chui hết vào hầm trú ẩn thì chúng mới bắt đầu bắn hàng loạt pháo khoan xuyên hầm. Bộ đội ta bị sập hầm thương vong nên lại phải chui lên, chúng lại tiếp tục bắn hàng loạt pháo nổ. Bọn chúng cứ thực hiện những điệp khúc ấy rất thành thục.
   Có một chuyện biết nhưng không thể làm khác được, vì lúc đó đã hòa hợp dân tộc nên cũng mất cảnh giác, ai còn nghĩ dấu diếm làm gì, mà có muốn dấu cũng không được. Đó là hệ thống hầm hào công sự của ta đều bị bọn trinh sát pháo binh của chúng chấm tọa độ tương đối chính xác, nên trận pháo kích này chúng bắn rất trúng mục tiêu.
   Trận ấy tôi bị sức ép của đạn pháo. Địch bắn từ lúc trời còn choạng vạng, vẫn còn nhìn thấy lờ mờ những tên địch quần áo rằn ri, bò men theo bờ ruộng tiến đến chỗ cắm cờ của quân ta. Pháo địch bắn rát quá, bọn địch phải rút về vì sợ pháo bắn lạc, quân ta cũng rút vào hầm trú ẩn.
  Bóng tối đã bao phủ trên cánh đồng hoang, lúc này ở trong hầm và ngoài trời đã tối, chỉ còn nghe thấy tiếng rít ghê rợn của đạn pháo kèm theo là tiếng nổ lọng óc. Một vài loạt đầu còn nghe thấy tiếng nổ, sau chỉ thấy những ánh chớp lóe lên và căn hầm rung lên bần bật, đất xung quanh hầm rơi ào ào, chui hết vào đầu vào cổ.
  Ba anh em C20 trong hầm, không ai nhìn thấy ai, tôi đoán ba thằng phải ngồi bó gối dọc theo hầm, vì chỉ ngồi như vậy mới ngẩng được đầu, nếu ngồi trệch nóc hầm thì phải nghẹo cổ mới ngồi được. Tôi ngồi ngoài cùng sát cửa hầm, đất cát và khói thuốc pháo tràn vào làm tôi nghẹt thở. Tôi cố vươn ra để thở, thì nghe thấy tiếng rên rỉ đứt đoạn của ai đó: Anh ơi! Cứu em với. Tôi nghe được hai lần, thì loạt đạn pháo tiếp theo làm tôi không còn nghe thấy tiếng kêu ấy nữa.
  Dứt loạt đoạn pháo của địch, tôi lại nghe thấy tiếng kêu ấy. Tôi hướng vào trong hầm nói bâng quơ: Chắc có lính bộ binh K4 bị thương ở ngoài. Chờ một lát, không thấy ai nói gì, tôi cố nhoài người ra để quan sát. Nhưng vì trời tối quá nên cũng không phát hiện tiếng kêu ấy ở đâu, tôi nán lại cố chờ nghe xem tiếng kêu ấy phát ra từ đâu. Nghe lại lần nữa, tôi đoán tiếng kêu ấy ở phía trước và rất gần chỗ tôi. Lúc này pháo địch đã chuyển làn, tôi chui ra khỏi hầm và bò dọc theo giao thông hào tiếp cận đến chỗ có tiếng kêu.
  Người chiến sĩ bộ binh ấy, biết có người đến cứu hẳn là mừng lắm. Anh nói như cầu khẩn: Anh ơi cứu em với! Em chết mất anh ơi. Tôi không nhìn thấy gì, mà chỉ nghe tiếng thều thào thì biết đấy là đầu, còn chân ở phía nào hay bị thương ở đâu thì hoàn toàn không biết. Khi ấy tôi không biết nói gì mà chỉ lẩm bẩm động viên: Bình tĩnh để tôi xem đã! Sau khi định hình vị trí cơ thể anh chiến sĩ, tôi xốc nách anh ta. Anh kêu: Ối! ối đau quá… Nặng quá, tôi không thể nâng anh ấy lên được. Vì từ ngực trở xuống đã bị đất cát vùi lấp, tôi lấy tay gạt gạt cho nhẹ bớt thì thấy đất ở xung quanh bị ướt sũng, tôi đoán đấy là máu của anh chiến sĩ.
  Còn đang loay hoay tìm cách đưa anh chiến sĩ lên khỏi đống đất, thì pháo địch lại bắn cấp tập. Đột nhiên tôi không biết gì nữa. Sau đó tôi mơ màng như nằm trên chiếc võng đung đưa, rồi chìm sâu vào giấc ngủ. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm  trên tấm tăng được trải ra trên bãi cát. Tôi cố định hình lại, lắng nghe những tiếng nói và những bước chân vội vã của đơn vị vận tải. À! Thì ra đây là bãi tập kết thương binh để chuyển qua sông, vậy tôi là thương binh nên mới đưa vào đây.
  Tôi hoảng hốt, kiểm tra khắp người xem bị thương ở đâu nhưng không phát hiện ra. Tôi chỉ thấy đầu tôi đau như búa bổ, hai tai ù đặc không còn nghe thấy gì. Tôi tưởng tượng đầu tôi như có vật gì đập vào rất mạnh làm cho óc tôi bị tách ra đau buốt, mọi cử động của tôi dù rất nhẹ nhưng cũng làm đầu tôi đau nhói. Toàn thân tôi giống như bị ai dần từ đầu đến chân.  Tôi cố gắng nhổm dậy ngồi một lát, chẳng hiểu đầu tôi nghĩ thế nào? Còn chân tôi cứ bước từng bước theo lối mòn quen thuộc,  tôi lần về đơn vị ở dưới bờ sông ngay đêm ấy.
  Hoàng cắt lời tôi:
   -À! Tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy tôi đang ở cứ, sáng nghe anh em nói ông bị thương, nhưng vì xa quá lại không được phép đến thăm ông nên chỉ hỏi thăm tin tức về ông thôi. Lần ấy, ông có một câu nói rất nổi tiếng: “Nếu chấp với kẻ ngu, thì mình còn ngu hơn họ.” Tôi lờ mờ đoán câu nói ấy ông ám chỉ cái gì, nhưng trận mạc liên miên tôi cũng quên luôn. Tiện đây tôi hỏi lại ông xem có đúng như tôi suy nghĩ không?
   -Ông cũng quan tâm đến chuyện ấy à? Đúng là một kỷ niệm buồn mỗi khi nhắc đến nó, mồm miệng con người còn độc địa hơn bất cứ một loài muông thú nào, chả thế mà các cụ nói: Một lời nói, một đọi máu…Chuyện là thế này: Sau trận pháo kích ấy tôi được về hậu cứ của  đơn vị nghỉ ngơi. Tai tôi vẫn còn ù đặc, trong tai như có hàng ngàn hàng vạn con ve thi nhau kêu, đầu nhức như búa bổ, gió khẽ lay cọng tóc cũng đủ làm đầu tôi như muốn nổ tung ra, mọi cử động của chân tay mình mà mình không điều khiển được chính xác theo mong muốn của mình. Tôi lần sờ bước đi từng bước run rẩy yếu ớt.
  Tôi buồn, ngồi nhìn mồm anh em nói chuyện mà chẳng hiểu gì, thi thoảng mọi người nhìn tôi rồi cười với nhau. Nhìn nụ cười của họ, họ ở đây là ông chính trị viên đại đội và một số ông sinh viên năm thứ nhất thứ hai của trường Mỏ hay Ngoại Thương gì đó, bọn ấy có vẻ không ưa anh em mình. Tôi đoán họ đang trêu tôi, có vẻ không thiện chí lắm. Về võng nằm, tôi viết ra giấy hỏi thằng em cùng tiểu đội: Họ nói gì về anh đấy? Nó viết lại cho tôi: Họ nói xấu anh đấy: Họ bảo anh bị sức ép AK và nhiều thứ khác nữa…
  Sự uất hận trào lên nghẹn cổ, tôi dồn tất cả sức lực lần ra chỗ họ đang ngồi. Quá nóng giận nên chẳng thèm suy nghĩ gì tôi nói luôn, chẳng biết họ có nghe được không, bởi vì mấy ngày nay tôi cũng không nghe được tiếng tôi nói, nhưng mặc kệ. Tôi vơ đũa cả nắm: Các anh ở hậu cứ, làm sao biết tiền phương ác liệt thế nào? Các anh nghĩ gì và nói gì là việc của các anh, chỉ xin các anh hiểu cho: Nếu tôi chấp với kẻ ngu thì tôi còn ngu hơn họ…
  Sau lần ấy, còn nhiều chuyện phức tạp nữa, nhưng tôi cứ lờ đi coi như không biết. Song trong lòng vẫn cay cú, chỉ mong ông trời có mắt…
   -Nghe đâu, trung đội 4 thời ấy rất quý ông nên luôn luôn cử ông đi công tác. Hết luồn sâu, nằm hầm bí mật điều tra địch tình, phục bắt tù binh, phối thuộc với trinh sát các tiểu đoàn để chuẩn bị trận đánh v.v. Mấy anh em tôi thấy thế lặng lẽ bảo nhau: Ông này đang bị hành tội sống đây…
   -Những việc ông nói là có, nhưng không biết có phải là họ yêu quý mình không? Hay là họ hành tội mình vì câu nói ấy? Cũng có thể là anh em đồng đội tin tưởng mình thật, qua theo dõi tôi thấy: Mấy anh em mình thuộc loại lớn tuổi nhất nhì ở đơn vị, hơn nữa lại được học hành và sống giản dị hòa mình với mọi người. Vì thế, mọi việc quan trọng của đơn vị thường được các cấp chỉ huy và anh em hay hỏi ý kiến. Có những lúc ý kiến của anh em mình còn nhiều sức thuyết phục hơn cả mệnh lệnh của chỉ huy. Thấy mọi người tin tưởng, thành ra mình cũng không nỡ từ chối mà luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, may mà trời có mắt.
   - Thế là tốt rồi! Còn sống đến ngày hôm nay là quá may mắn. Vậy! Đợt đi xử lý đập dâng nước Đơn Dương của thủy điện Đa Nhim. Ông có tìm gặp đại úy Tín không?
   -Đến làm sao được. Tất cả chỉ có 7 ngày, vừa đi vừa về lại còn đi thực địa 2 ngày, những ngày còn lại chủ yếu là sao chép tài liệu. Mình là chân điếu đóm phục vụ nên lúc nào cũng bận túi bụi. Chỉ được những ngày đi thực địa là còn nhàn một tý. Ông Hoàng ơi! Thật là tuyệt vời, sau khi rời Sài Gòn đi theo Quốc Lộ số 1, rẽ vào Quốc  Lộ 20. Tôi được sống lại với những kỷ niệm của hơn năm năm về trước, Tôi quên hẳn chuyện đi tìm đại úy Tín.
  Ngồi trên xe, nhìn ra ngoài phố dọc theo đường đi. Tôi đọc được những biển hiệu ghi những địa danh lạ thì rất lạ nhưng quen cũng rất quen mà lòng xốn xang. Xúc động quá, người tôi lạnh toát, khắp người nổi gai ốc. Những kỷ niệm cũ ùa về, tôi đắm chìm vào dĩ vãng, nhớ nhớ quên quên với từng kỷ niệm, thì xe lại trờ tới những địa danh khác, gai ốc lại nổi lên, người lạnh toát như muốn run lên. Cứ như thế lập đi lập lại, giống như những cơn sốt rét rừng ngày nào.
 (Còn nữa).
 
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #353 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2014, 10:53:52 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     Ngày ấy, đoàn các ông theo đại đội phó đi về hướng Tây Trị Thiên. Mọi người ở C20 cứ tưởng trung đoàn 95 sư 325 sẽ chuẩn bị mặt trận ở hướng đó. Khi chia tay nhau, ai cũng nghĩ các ông đi trước chuẩn bị, còn chúng tôi sẽ đi vào sau, thế nào cũng gặp nhau ở đó, nào ngờ chúng mình xa nhau từ đấy.
  Các ông đi rồi, khoảng nửa cuối tháng 1 năm 1975 đơn vị bắt đầu rục rịch chuẩn bị hành quân đi chiến đấu. Dạo ấy đã gần đến Tết Ât Mão, nên đơn vị tổ chức cho anh em ăn Tết trước, bắt chước cuộc hành quân của hoàng đế Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu. Mọi người cứ dò hỏi nhau xem đi đâu? Chẳng ai biết là đi đâu, lúc đầu cứ tưởng là mấy ông cán bộ giấu vì bí mật quân sự. Đêm hôm hành quân lên Cam Lộ, gặp mấy ông bạn ở khoa Xây Dựng và khoa Máy Xây Dựng. Hỏi chúng nó: Trung đoàn mình đi đâu? Bọn nó bảo: Đến trung đoàn trưởng còn không biết thì lính tráng làm sao biết được, cứ biết đi là đi thôi.
  Lần ấy, trung đoàn hành quân bằng xe ô tô, xe chở bọn mình tút lút sang Lào, chúng mình coi như mất phương hướng, chẳng biết đi đâu. Bộ phận chỉ huy hành quân, họ bảo đi là đi, họ bảo nghỉ là nghỉ. Hành quân trên đất bạn Lào vào mùa khô đúng là nhớ đời. Mùa khô bên Lào thật khủng khiếp, đi cả ngày không gặp được một khe suối nào có nước, khô như rang. Năm ấy, bọn mình đón giao thừa ở binh trạm nào đó trên đất bạn Lào.
  Mình nhớ đi qua rừng Khộp cổ thụ, lá Khộp rụng đầy lối đi. Xe đi theo lối mòn lấp đầy bụi, bụi nhỏ mịn như bột dầy đến 50- 60 phân. Xe đi vào bụi giống như là lội vào nước, chỉ khác lội nước ở chỗ là: Xe đi đến đâu tạo ra một con rồng bụi mầu vàng uốn éo trong rừng khộp, kéo dài mãi không đứt. Tất cả anh em trên xe đều bịt kín mặt mũi chân tay, bụi phủ dầy đến nỗi không còn nhận ra nhau nữa.
  Chặng đường đi bên đất bạn Lào được cái là an toàn nhưng quá vất vả, khổ nhất là không có nước để uống, nhiều hôm phải nhịn đến đắng cả mồm, có người bị ngất sửu vì thiếu nước. Đến khi quay về Việt Nam thì bị ngay không lực VNCH tấn công vào đội hình hành quân, trận ấy may mà đơn vị mình không có ai bị thương vong. Thời gian ấy, hành quân lặng lẽ bí mật lắm, không sôi động như hồi mình hành quân từ Bắc vào Nam đâu.
  Đến đầu tháng 3 năm 1975, Trung đoàn đến vùng Yasup thuộc tỉnh ĐakLak. Khi ấy trung đoàn 95 sư 325, mới nhận được lệnh phối thuộc với sư 316 và trung đoàn đặc công 198 và một số đơn vị khác nữa đánh Buôn Ma Thuột. Trận này chuẩn bị thì lâu, nhưng đánh lại rất nhanh, chỉ mất độ 14-15 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 0 hay 1 giờ đêm ngày mùng 9 rạng ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975, đến quá chiều là cơ bản đã  giải phóng xong thị xã Buôn Ma Thuột.
 Thị xã Buôn Ma Thuột thủ phủ của Tây Nguyên, bị tấn công bất ngờ nên bọn địch tan rã đội hình rất nhanh, sức chống cự yếu ớt. Mãi đến khoảng 11- 12 giờ trưa, bọn địch mới tổ chức phản công  hòng cứu vãn tình hình, song vô vọng. Giải phóng xong Buôn Ma Thuột, hai ba ngày sau trung đoàn 95 sư 325 tràn xuống Cheo Reo-Phú Bổn, sau đó lại hành quân thần tốc về hợp với các cánh quân khác để chọc thủng vành đai tử thủ Xuân Lộc của quân lực VNCH.
  Đúng nghĩa là tử thủ thật, bọn địch cố sống cố chết để bảo vệ cho được vành đai này. Bởi lẽ, bảo vệ được Xuân Lộc đồng nghĩa với việc bảo vệ được Sài Gòn, bảo vệ được Sài Gòn là bảo vệ được sào huyệt cuối cùng của chế độ VNCH. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng như vậy, nên quân giải phóng Miền Nam càng siết chặt vòng vây bao nhiêu thì quân lực VNCH càng chống trả điên cuồng bấy nhiêu, cuộc chiến đấu ở vành đai Xuân Lộc ngày càng trở nên khốc liệt. Thế mới hiểu thế nào là một mất một còn.
  Những ngày ấy, chiến sự diễn ra liên miên trên đường truy kích địch. Tôi nhớ nhất hai địa danh, mà trung đoàn mình chiến đấu dằng dai ở đấy, nó nằm trên đường Quốc lộ 20. Đó là đồi Thiếu tá hay còn gọi là đồi Móng ngựa và ấp Nguyễn Thái Học. Đồi Thiếu tá là quả đồi có tầm cỡ chiến lược án ngữ cả một vùng rộng lớn của khu vực đường Quốc lộ số 20. Đồi này do một tên thiếu tá ngụy chỉ huy. Chiến sự xảy ra, tên thiếu tá này vỗ về dân chúng: Bà con cứ an tâm, bọn Cộng sản nếu vào được đến đây, chỉ khi nào quả đồi này biến thành vôi.
  Quả đồi này được cấu tạo bởi các viên đá xếp chồng lên nhau, nói là viên đá thì có vẻ là nhỏ, thật ra có những viên rất to có khi phải bằng cả  tòa nhà. Trận chiến đấu ở đây trung đoàn mình tổn thất tương đối lớn, nguyên nhân chủ yếu là do hành quân thần tốc, đánh nhanh thắng nhanh, quân mình chưa thông thạo địa hình quả đồi đá chồng này.
  Gặp phải đồi Thiếu tá địa hình hiểm trở, cộng với bọn địch có hỏa lực rất mạnh, độc chiêu hơn nữa là chúng dùng súng phun lửa. Chiến đấu ở đồi Thiếu tá mà dùng những vũ khí bình thường thì không phát huy hiệu quả sát thương vì đạn bay chạm vào những viên đá là thia lia lên trời. Nhưng nếu là súng phun lửa thì lửa chui vào từng ngóc ngách, chỉ hơi nóng của nó cũng đủ thiêu rụi cỏ cây, hiệu quả sát thương rất cao. Anh em nhà mình hầu hết là bị bỏng, còn những anh em đã hy sinh thì cháy đen cong queo, nhìn thương lắm. Cuối cùng thì đồi Thiếu tá cũng bị lính của trung đoàn 95 sư 325 tiêu diệt, còn sót thằng nào chui lủi trong các hang đá cũng phải ra đầu hàng.
  Sau đồi Thiếu tá là trận chiến đấu ở  ấp Nguyễn Thái Học gần ngã ba Dầu Dây. Ngã ba này là điểm giao nhau giữa Quốc lộ số 1 và Quốc lộ số 20. Quân lực VNCH cố nối thông Biên Hòa với Xuân Lộc để hỗ trợ cho nhau. Quân lực VNCH cũng ý thức được tầm quan trọng của ngã ba này, nếu để quân giải phóng chiếm được ngã ba có nghĩa là đã cắt đứt mọi nguồn viện trợ từ Biên Hòa ra Xuân Lộc, lúc đó Xuân Lộc coi như mất. Đã mất Xuân Lộc thì Biên Hòa bị hở sườn, đồng nghĩa với việc cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn đã mở toang, vì vậy bằng mọi giá quân lực VNCH phải giữ cho được.
  Trận huyết chiến chiến lược cam go giữa hai bên, xảy ra ở gần khu vực ngã ba Dầu Dây có thể nói là vô cùng ác liệt. Quân lực VNCH tập trung toàn bộ hỏa lực rất mạnh đánh vào khu vực này, ngoài pháo binh ra chúng điều cả lữ đoàn thiết giáp đến yểm trợ cho bộ binh cố chiếm lại đoạn đường chiến lược này trong tay quân giải phóng. Song bọn chúng đã thất bại trước ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của các chiến sĩ chúng ta.
  Trận này lại là thử thách nữa đối với trung đoàn 95 sư 325. Ngày còn giữ thành cổ Quảng trị, sau ra trấn giữ dải đất ven bờ nam sông Thạch Hãn từ Nham Biều lên Đá Đứng. Quân của trung đoàn 95 sư 325 chỉ quen chiến đấu có công sự bảo vệ, hay chí ít cũng có những vật che đỡ. Đến khi đánh Buôn Ma Thuột rồi truy kích địch vào đến đây thì cách đánh hoàn toàn khác, đánh theo kiểu đánh vận động tấn công nên không có công sự bảo vệ.
  Cũng đúng thôi, trên đường hành quân truy kích địch cứ gặp địch là đánh, làm gì có thời gian để chuẩn bị công sự. Những nơi bọn địch yếu thế, khi gặp lực lượng của ta là chúng bỏ chạy ngay, còn những nơi bọn địch cố thủ là anh em nhà mình lại gặp khó khăn. Trận này cũng vậy, lúc đầu bọn địch chạy ào ào, quân ta cứ thế tấn công. Đến khi chúng phản kích lại, quân ta hầm hào chưa kịp đào nên phải rút về cố thủ ở lòng con suối cạn.
   Cũng may, chẳng hiểu sao giữa một vùng đồi toàn là mít, chuối và đu đủ, thi thoảng cũng có cả vạt rừng toàn chôm chôm và đào lộn hột, lại có một con suối cạn chạy vắt qua. Anh em nhà mình lợi dụng con suối ấy để làm hầm trú ẩn. Thời gian chẳng có nên chỉ đào hầm đại khái rồi chặt chuối phủ lên. Mỗi trận pháo kích, nằm trong hầm mà lo ngay ngáy, trong đầu luôn niệm thần chú: Trúng này! Trúng này… Hầm trú ẩn kiểu ấy không thể bình tĩnh như ngày còn ở Quảng Trị đâu, ngày ấy mình toàn nằm hầm bằng tôn vòm của Mỹ và hầm chữ A của du kích Quảng Trị đào sẵn, nên rất yên tâm.
  Lúc hai bên đánh nhau, khủng khiếp nhất là pháo tăng nó bắn thẳng, vì cự ly gần nên đường đạn đi rất căng. Có những gốc mít to đến cả người ôm cũng bị nó xé tơ ra như chẻ tăm, gỗ mít chỗ đen khói súng chỗ vàng ươm. Những bụi chuối rất to cũng bị đạn pháo làm cho gãy rạp. Mặt đất trống trơn, anh em mình lợi dụng những gốc mít còn sót lại làm bia đỡ đạn. Bọn thiết giáp của địch đứng từ xa, cứ thẽ thọt ngắm vào từng gốc mít để tiêu hao sinh lực của ta.
  Trận chiến cứ căng như dây đàn, tình hình vô cùng khẩn trương. Quân ta bị thương vong tương đối nhiều, tiểu đoàn trưởng bộ binh K5 qua máy bộ đàm của C20 báo cáo về trung đoàn xin chi viện. Qua tổ hợp bọn tôi nghe được tiếng của trung đoàn trưởng như thét lên: Bằng mọi cách phải giữ bằng được, còn một người cũng phải giữ. Hãy động viên tất cả lực lượng từ cán bộ chỉ huy đến y tá, anh nuôi ra để giữ. Hiện nay trung đoàn đang bị kéo mỏng ra toàn tuyến nên không còn lực lượng dự bị, không thể chi viện được.
  Bọn địch sau mỗi lần phản công không có kết quả, chúng lại co cụm để tổ chức phản công đợt khác. Tranh thủ những lúc như vậy quân ta cũng có thời gian để củng cố thêm công sự hầm hào. Mọi lần ước chừng 30  phút đến 1 tiếng thì địch mở đợt đợt tấn công khác, nhưng lần này đã hơn một tiếng đồng hồ mà phía bên địch vẫn im lặng. Khi ấy trời đã tang tảng sáng, trinh sát C20 và trinh sát tiểu đoàn được điều đi để nắm tình hình.Thì ra bọn địch đã rút khỏi trận địa từ lúc nào không biết, anh em đoán già đoán non: Chắc là Xuân Lộc sắp thất thủ nên bọn chúng phải co cụm lại để chống đỡ.
  Đúng như vậy, bọn địch đã tập trung mọi lực lượng về để cố thủ Xuân Lộc. Cuộc chiến ở Xuân Lộc, ngoài vũ khí khí tài hiện đại, quân lực VNCH còn dùng cả chiến tranh tâm lý để kích động quân lính. Chúng tổ chức tuyên truyền xuyên tạc là quân lực VNCH đã đánh bật được quân giải phóng ra khỏi Xuân Lộc. Song trên thực tế, các cánh quân của ta ào ạt tấn công như vũ bão vào Xuân Lộc. Số phận của vành đai tử thủ Xuân Lộc lúc đó chỉ còn tính bằng giây bằng phút.
  Cuối cùng chúng ta cũng giải phóng được Xuân Lộc, Xuân Lộc được giải phóng, cũng là lúc trung đoàn 95 sư 325 được lệnh hành quân thần tốc quay trở về Bình Dương, vượt qua Sông Bé tiến vào Sài Gòn theo hướng Tây Bắc. Trung đoàn mình đến thị trấn Tân Uyên đóng quân ở đó đợi lệnh, đến Tân Uyên vào trưa ngày hôm trước thì trưa ngày hôm sau(30 tháng 4 năm 1975) đã nghe tổng thống chính phủ VNCH, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Không được vào giải phóng Sài Gòn anh em mình ai cũng tiếc nuối, từ cán bộ sĩ quan đến anh em binh lính có vẻ không được bằng lòng, cho rằng mình là trung đoàn phối thuộc nên phải chấp nhận thiệt thòi.
  Thế đấy! Kể từ lúc chúng ta xa nhau. Những chặng đường hành quân của C20 E95 F325 là như vậy, nói thì có vẻ ngắn gọn. Song thực tế không có bút mực nào, trí tuệ nào có thể nhớ hết và diễn đạt được những cung bậc tình cảm, những khó khăn gian khổ trong mỗi bước hành quân của những người lính. Thôi, vắn tắt mấy dòng vậy, để ông dễ hình dung tôi kể về đoạn  này.
  Hôm nay, sau hơn năm năm tôi mới được trở lại đây, nhân chuyến đi công tác. Đi qua những đoạn đường, những địa danh thôn ấp mà trước đây tôi với anh em trong đơn vị đã từng sống và chiến đấu. Bây giờ tôi không còn nhớ chính xác và cũng không thể nhận ra được vị trí địa điểm của những sự kiện, song trong tâm khảm của tôi vẫn rõ mồn một hình ảnh của anh em đồng đội ngày ấy.
   Xe vẫn chạy bon bon trên đường. Tôi trở về với hiện tại, mà lòng thấy nao nao. Bây giờ, kẻ còn người mất, kẻ thăng quan, kẻ tiến chức, kẻ bươn trải vật vã với đời kiếm kế sinh nhai, kẻ thì ốm đau bệnh tật suốt đời… Đúng là: “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chao ơi! Số phận một con người.
(Còn nữa).
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #354 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2014, 11:47:52 am »


              Chào bác chủ! Chào các bác! Đọc chuyện của bác chủ mà tả về cuộc hành quân vào chiến dịch tổng tiến công mùa xuân 1975 cùng những địa danh, những trận đánh với QLVNCH mà Tranphu341 thấy cuộc hành quân đó, trận chiến đó như của Sư đoàn 341 của Tranphu341.

             Đúng ra thì Trung đoàn 95 của các bác hành quân trước sư đoàn 341 KHOẢNG 15 NGÀY. Chúng tôi ăn tết ở Đông Trường sơn. Còn các bạn ăn Tết bên Lào. Cũng con đường đầy bụi ấy cuộc lên như con Rồng cát đó qua ánh đèn pha của đoàn xe. Ôi nhớ ơi là nhớ.

              Chuyện của bác kể ôn lại quá khứ thật hào hùng thật ác liệt của cuộc chiến đã gần trò 40 năm mà Tranphu341 cứ ngỡ như mới diễn ra. Như vậy là các bác là đơn vị đánh núi đá chồng hay gọi là đồi thiếu tá. Khi Tranphu341 hành quân qua để tiếp viện đánh Xuân Lộc thì khói lửa nơi đây còn khét lẹt. Tranphu hồi đó tưởng là Sư 7 đánh nơi này. Hóa ra là chiến công của Trung đoàn của bác.

             Xin được cảm ơn và chúc mừng bác! Mong bác luôn khỏe cùng những trang viết thật tuyệt vời này!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #355 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2014, 09:11:13 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     …Chuyến đi công tác ấy cũng còn nhiều chuyện lý thú, nhưng nó không dính dáng gì đến thời quân ngũ của chúng mình. Với lại bây giờ cũng không có thời gian để kể cho ông nghe, mà đêm cũng đã khuya, thôi ông ngủ đi mai còn về Hòa Bình.
   -Cũng quá giấc rồi, tôi nghe ông kể hấp dẫn quá, thành thử tôi tỉnh như sáo. Đêm nay tôi với ông lại không ngủ nữa rồi, không biết anh em mình sẽ còn bao nhiêu đêm không ngủ bên nhau.
   -Ông Hoàng này! Vợ chồng tôi cám ơn vợ chồng ông nhiều lắm, tuy sự giúp đỡ của vợ chồng ông không có gì to tát, nhưng các cụ dậy: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi cảm động lắm!
   -Thôi đi ông ơi! Ơn với huệ cái gì? Ngày ấy, tôi hoặc ông hay cả hai hy sinh thì làm gì có chuyện để mà nói, được như ngày hôm nay là tốt lắm rồi, chỉ thiệt thòi cho những người đã mất thôi ông ạ!
  Hai đứa lặng đi, Hoàng biết tôi đang xúc động, nên lảng sang chuyện khác. Hoàng hỏi tôi:
   -Ông không viết tiếp hồi ký nữa à?
   -Tôi sẽ viết, nhưng bây giờ bận quá. Khi nào có điều kiện tôi sẽ viết tiếp, còn nhiều điều để viết, với lại tôi nghĩ: Viết ra được cũng làm nhẹ cõi lòng, còn tác dụng của nó thế nào tôi cũng chưa hình dung được.
   -Ừ! Ông cố mà viết, tôi rất thích đọc hồi ký của ông viết, ông viết hay lắm, giống như ông viết cho những thằng như tôi. Thôi bây giờ ông kể về khoảng  thời gian mà ông đi Đoàn thiết kế thủy điện Trị An đi. Ngày ấy tôi thấy vợ con ông khổ quá, mỗi lần về Hà Nội công tác, rẽ vào khu tập thể thăm anh em bè bạn ở Hòa Bình chuyển về Hà Nội, nhân thể có xe tôi cũng mang về cho vợ con ông cân măng củ sắn. Nhìn con bé con mà tôi không cầm được lòng, nó gầy dơ xương chỉ có đầu với mắt, thật tội nghiệp cho nó, tôi nghĩ giá có ông ở nhà vẫn hơn. Chả bù cho con nhà tôi, hết bà đến ông bế ẵm, bác Thịnh bác Nguyệt tranh nhau đón về nuôi, đến khi tôi về nó cũng tảng lơ.
   -Năm ấy là năm 1982, tôi đi đúng một năm mới được về nhà thăm vợ con. Bây giờ nói ra thì thấy bình thường cũng chẳng có gì ghê gớm, nhưng ngày ấy là khủng khiếp lắm, mọi người quan niệm là đi khổ sai. Chính vì vậy, nên việc tuyển nhân sự cho đoàn công tác cũng phức tạp. Mọi người tìm đủ mọi cách lấy lý do lý trấu để từ chối, ấy là chẳng phải đi vào Nam chiến đấu như anh em mình ngày trước đâu ông ạ! Chỉ là đi công tác một năm thôi, mà đã thế rồi. Mà kể cũng lạ, những trường hợp xin ở lại Hà Nội, toàn rơi vào những cặp vợ chồng đã có thời gian đi học ở nước ngoài, không biết họ có khó khăn thật hay họ bịa ra?
  Đợt ấy tôi không có ý kiến kêu ca phàn nàn gì, mặc dù hoàn cảnh của tôi cực kỳ khó khăn. Lúc ấy con gái tôi đã hơn 1 tuổi mà bé như cái kẹo, vợ tôi gày gò cong queo, cân vội cả quần áo chắc cũng được 35-36 Kg. Cả nhà chỉ trông vào 3 bìa thực phẩm loại E, lương thực toàn là mỳ hoặc bo bo hay là khoai tây thì làm sao vợ tôi béo được. Nghĩ mình bất tài và vô dụng nên vợ con vất vả không nhờ cậy được gì, người ta đi tây đi ta còn có cái nọ cái kia, đằng này tôi đi bộ đội, khi có gia đình rồi gia tài cũng chỉ có cái ba lô lộn. Đúng là: “Cây khô xuống nước cũng khô, người nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo.”
  Thời gian ấy tôi bất lực, phó mặc cuộc đời muốn đến đâu thì đến. Trong thâm tâm tôi tính quẩn kiểu gà què ăn quẩn cối xay: Nếu tôi ở nhà thì giúp đỡ được vợ những chuyện lặt vặt, ngoài ra chả làm được gì để tăng thêm thu nhập. Nếu tôi đi công tác thì khẩu phần ăn của tôi để ở nhà cho vợ cho con, hoặc là để bà nội bà ngoại lên trông cháu, có thể còn tốt hơn. Tính đi tính lại, chẳng biết hơn thua thế nào, thôi thì nhắm mắt đưa chân. Với lại tính tôi cũng không muốn xin xỏ, chả lẽ lại  gãi đầu gãi tai trình bầy hoàn cảnh với lãnh đạo để xin ở Hà Nội cho gần vợ gần con, nghe buồn cười.
  Cuộc đời chẳng biết thế nào? Đúng là may hơn khôn, chúng tôi đi công tác mà cứ như đi nghỉ mát ấy ông ạ. Khi ấy, UBND thành phố HCM họ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thủy điện Trị An. Họ ưu tiên cho đoàn công tác cả Tây lẫn Ta ăn ở gọn trong khách sạn Thanh Đa, thuộc  quận Bình Thạnh. Khách sạn này nằm bên Lô chữ sát sông Sài Gòn, một vị trí tuyệt đẹp. Thường thường, sau bữa cơm chiều cả Tây lẫn ta lại tụ tập nhau ngồi trên những hàng ghế đá dưới dặng dừa hóng mát, ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn với vô số những đám lục bình lững lờ trôi mà nhớ về vợ con ở Miền Bắc.
  Để cho chúng tôi đỡ nhớ nhà, dăm bảy tuần thành phố lại tổ chức cho đi Vũng Tầu tắm biển, đi tham quan các di tích lịch sử và những danh lam thắng cảnh quanh Sài Gòn. Thời gian này, tôi năng đến thăm nhà bác ruột tôi nhiều hơn, bác trai tôi đã đi cải tạo về, tôi cũng đến chợ Bàn Cờ ở khu Gia Định để tìm đại úy Tín, gia đình đại úy Tín đã di tản, không ai biết còn sống hay chết.
  Đợt đi công tác này, với tôi được nhiều hơn mất. Cái được lớn nhất là được đi thăm lại chiến trường xưa, thăm cầu La Ngà trên sông La Ngà, nơi tôi có anh bạn học K13 Máy Xây Dựng, được bổ xung vào Ban hậu cần trung đoàn 95, bị địch tập kích và hy sinh ở đây. Được thăm lại phà Mã Đà, thăm rừng chiến khu D căn cứ địa của quân giải phóng. Dấu vết  của những người lính vẫn in hằn lên gốc cây tảng đá, hơi ấm của họ như còn quanh quẩn đâu đây. Nghe tiếng chim hót trong rừng, nghe tiếng lá rừng xào xạc mà như sống dậy thuở nào… Từng bước từng bước chân đi trong rừng mà lòng nặng chĩu những kỷ niệm buồn vui.
  Cái được thứ hai, theo tôi là được học và được làm thủy điện thật dưới sự hướng dẫn của đoàn chuyên gia Liên Xô. Thời gian trước khi còn đang làm với ông ở Thủy điện Hòa Bình, ông cũng biết là anh em mình chỉ là những người giúp việc điếu đóm là chính. Khi ấy không phải các chuyên gia không tin mình, thực ra khả năng của anh em mình cũng chưa thể giải quyết được công việc.
  Nhưng đến thủy điện Trị An khác hoàn toàn, đoàn chuyên gia Liên Xô đề xuất ý tưởng, anh em mình cụ thể hóa thành các phương án. Vừa học vừa làm, từ đó mới biết, mới thuộc các quy trình quy phạm thiết kế v.v. Cũng từ đấy mới hiểu được lĩnh vực khoa học thủy lợi thủy điện của nước ta vô cùng non nớt. Chúng ta chưa tự làm được nhà máy thủy điện nào ngoài một vài cái thủy điện nhỏ ở Miền núi phía Bắc. Chỉ sau thủy điện Trị An, đội ngũ kữ sư thiết kế thủy điện mới thực sự trưởng thành.
  Còn một cái được nữa, nói ra cười rơi nước mắt. Cái được này là được trả học phí cho việc đi buôn. Lãi lờ bao nhiêu chẳng biết, chỉ biết mất tiền mua học phí thương trường. Lúc trước chỉ nghe nói: Thương trường cũng ác liệt như chiến trường, bây giờ mới hiểu. Ngày ấy, chênh lệch giá cả giữa Miền Bắc và Miền Nam của một số mặt hàng là khá cao. Lợi dụng đoàn công tác thuê riêng một toa tầu, sẽ tránh được sự kiểm duyệt của quản lý thị trường, thế là mạnh ai người ấy làm kinh tế. Người bột mỳ, người khoai tây, người tỏi ta v.v.  Cũng có những người mang vàng ta, màn tuyn, chăn len v.v.
  Hàng hóa nhiều đến nỗi không còn có cả chỗ để ngồi, tầu đi 3 ngày 2 đêm, chúng tôi nằm vật nằm vã khắp mọi nơi, đường đi lối lại không có,trèo lên nhau mà đi. Cực nhất là nhà vệ sinh chẳng có người dọn nước chảy lênh láng ra cả sàn tầu. Tất cả những thứ uế tạp ấy lại là nguyên nhân của sự dở khóc dở cười. Bột mỳ xuống cấp vì hấp thụ đủ mọi mùi trên tầu nên không thể bán được giá gốc. Nhưng không bán không được, lỗ cũng phải bán. Tỏi mua ở Hà Nội củ nào củ nấy chắc nịch, vào trong này mới có mấy ngày nóng nực, thế mà củ nào củ nấy teo tóp. Thứ này có cho cũng chẳng ai thèm lấy chứ đừng nói đến chuyện bán.
  Đau nhất là mấy người có màn tuyn và vàng. Lúc đầu mọi người cứ tưởng phi vụ buôn bán không có chuyện gì xảy ra, tất cả đều tốt đẹp. Nhưng sau chẳng hiểu thế nào chuyện lại lộ ra, lúc ấy mọi người mới ngã ngửa người xót xa cho anh em mình. Tất cả đều bị lừa và bị lừa theo một chiêu giống nhau theo cùng phương thức:
   Đồng ý mua, trao hàng trao tiền cho nhau tất cả đều là hàng thật và tiền thật… Kiếm cớ không mua nữa trả lại, tiền và hàng cũng đều là thật… Chia tay nhau đi vài bước, khách quay lại đổi ý muốn mua. Anh em mình đương nhiên sẽ bán. Lúc này hàng là hàng thật nhưng tiền đã được đổi bằng tiền giả giống như thật. Cuộc mua bán kết thúc, kết quả là: Hàng thật lấy tiền giả.
 Tội nghiệp cho mấy ông kỹ sư nhà ta chỉ quen gặm giấy gặm bút chì, nhưng vì cuộc sống khi ấy quá nghèo khó nên cũng muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ vợ con, nào ngờ thương trường lại khốc liệt như vậy. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt, mà nhận xét thương trường ở một góc độ khác. Chỉ tiếc rằng học phí hơi đắt…Dẫu sao thì mất tiền cũng được kinh nghiệm.
  Tất nhiên là còn nhiều cái được nhưng thôi tôi không kể, mà tôi kể cho ông nghe về cái mất. Theo cá nhân tôi tự nhận, thì cái mất lớn nhất của tôi nói riêng và của anh em nói chung, là mất đi sự trì trệ dựa dẫm, chỉ quen với cung cách ỷ lại cho người khác suy nghĩ còn mình thì làm theo. Bây giờ không như thế nữa, những vấn đề về chuyên môn chúng tôi đã hoàn toàn chủ động đối diện để giải quyết. Có rất nhiều vấn đề đã tranh luận nẩy lửa với đoàn chuyên gia cố vấn và cuối cùng họ cũng phải thừa nhận anh em chúng tôi đã trưởng thành rất nhanh về chuyên môn nghiệp vụ.
  Tôi cho rằng: Chúng tôi đã được cái lớn nhất là làm mất đi tính trì trệ dựa dẫm vào người khác, đức tính này đã cố hữu lâu đời trong đầu óc người làm khoa học của chúng ta ở thời kỳ đó. Khi đã nhấc được nó ra khỏi đầu thì mọi việc đều thông thoáng, tính chủ động sáng tạo lại có đất để thể nghiệm. Mọi người đánh giá thế nào thì tôi không biết, riêng tôi cho rằng lĩnh vực khoa học thủy lợi thủy điện bắt đầu mở ra một chân trời mới.
(Còn nữa).
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #356 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2014, 10:13:47 pm »

Bác quanvietnam chắc đã lo xong việc của Cụ nhà, rất tiếc là em không biết để đến tận nơi chia buồn cùng bác và gia đình. Nay bác lại tiếp tục mạch chuyện "Số phận người lính sau chiến tranh", xin cám ơn bác.
Em còn nhớ Trị An hồi đó có vụ nứt đường ống áp lực tiết diện hình chữ nhật bằng BTCT mà nguyên nhân của nó khá đơn giản, lỗi thuộc về phía bạn thiết kế thì phải. Không biết bác còn nhớ vụ này không.
Logged
phamvanminh
Thành viên
*
Bài viết: 270


« Trả lời #357 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2014, 10:34:19 pm »

Chào đàn anh ,thằng em này sau khi giã từ vũ khí cũng về thủy điện TRị an 6 năm,nhưng không bê tông cốt sắt gì cả,mà nhiệm vụ chính là lo phục vụ đời sống cho 16 nghìn cán bộ cnv làm việc ngày đêm trên công trình thủy điện Trị an,ấy là CTY thương nghiệp TRị an nằm ngay ngã ba,một đường đi Mã đà,Hiếu liêm,một đường lên đập tràn,cá mè ở hồ Trị an nhiều vô kể rẻ như cho,chuyên gia Liên xô cũng câu cá nhưng là câu giải trí thôi.Trị an một thời được ưu tien số một
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #358 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2014, 09:38:51 am »

Bác quanvietnam chắc đã lo xong việc của Cụ nhà, rất tiếc là em không biết để đến tận nơi chia buồn cùng bác và gia đình. Nay bác lại tiếp tục mạch chuyện "Số phận người lính sau chiến tranh", xin cám ơn bác.
Em còn nhớ Trị An hồi đó có vụ nứt đường ống áp lực tiết diện hình chữ nhật bằng BTCT mà nguyên nhân của nó khá đơn giản, lỗi thuộc về phía bạn thiết kế thì phải. Không biết bác còn nhớ vụ này không.

           Chào bác quanvietnam! Như vậy là ta có chuyện HIỂU hả bác. Tranphu341 bây giờ mới biết . Thật đáng trách. Tranphu341 cũng xin gửi tới bác cùng gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất. Mong linh hồn Cụ nhà sớm được về với Tổ Tiên về nơi Cực lạc.

                                             Tranphu341 thành kính!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #359 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2014, 01:59:05 pm »

Cám ơn anh qtdc; anh TP đã có lời chia buồn cùng gia đình tôi. Mẹ tôi hưởng thọ 90 tuổi, nên chúng tôi buồn vì phải chia tay người thân trong gia đình, nhưng chúng tôi lại vui vì mẹ tôi thượng thọ. Nay kính.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM