Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:30:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191487 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #320 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2014, 02:29:11 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số Phận
         Vào cuối năm 1984 hay đầu 1985 gì đó, Khoa không nhớ chính xác, Khoa chỉ nhớ năm ấy xẩy ra chuyện của trẻ con, chẳng đâu vào đâu nhưng làm Khoa ân hận. Nỗi niềm ấy đối với Khoa, sống để dạ chết mang đi. Cho tới bây giờ, cứ mỗi lần nghĩ đến, hay có ai đó nhắc lại, nước mắt Khoa lại lưng tròng. Biết bao nhiêu khổ đau, xót xa ân hận lại dội về xé nát con tim yếu đuối bệnh tật của Khoa.
   Năm ấy, đứa con gái đầu lòng bé bỏng của Khoa hơn năm tuổi, học mẫu giáo lớn Việt Triều. Một thiên thần bé nhỏ sống giữa hai vệ sĩ bảo bọc, đó là bố và mẹ. Đứa con gái ngây thơ và trong trắng ấy, trong trí tưởng tượng của nó: Bố mẹ là những ông tiên bà tiên, có sức mạnh siêu phàm, sẽ làm được tất cả mọi thứ cho nó. Nó sống vô tư trong tình yêu thương chiều chuộng của bố mẹ, bố mẹ cũng hết lòng vì con.
   Mỗi khi dắt con đi chơi nghe con bi bô, vợ chồng Khoa ngất ngây sung sướng hạnh phúc. Khoa không thể hình dung được cuộc đời Khoa lại có ngày hôm nay. Những lúc như thế, Khoa lại nghĩ đến các đồng chí đồng đội của Khoa, nếu họ ở trong hoàn cảnh này, có lẽ họ cũng sẽ sung sướng hạnh phúc như Khoa.
   Không mừng sao được? Khi những CCB trở về sau chiến tranh, lấy vợ và sinh ra được những đứa con ngoan ngoãn khỏe mạnh. Sự kiện ấy, gián tiếp xóa được phần nào sự lo lắng sợ hãi về hệ lụy của chất độc mầu gia cam mà thời chiến tranh đã đeo bám họ. Sự đeo bám ấy, đã làm cho họ lo lắng và âm thầm chịu đựng suốt bao nhiêu năm tháng không biết chia sẻ cùng ai.
   Bây giờ, sinh ra được đứa con có đầy đủ mọi bộ phận của cơ thể và khỏe mạnh họ mừng đến rơi nước mắt, mấy ai ở ngoài cuộc có thể hiểu được điều ấy. Sự vui mừng và niềm hạnh phúc của những người lính sau chiến tranh được nhân lên gấp bội, xoa dịu nỗi đau về sự mất mát và những năm tháng gian khổ ác liệt của cuộc chiến tranh mà họ đã trải qua.
  Có lẽ cũng vì lý do ấy nên Khoa dành hết tình thương cho cô con gái. Khoa đâu có ngờ sự yêu thương chiều chuộng của Khoa và sự nóng giận thiếu suy nghĩ của Khoa, đã dẫn hai bố con đến sai lầm đáng tiếc, để rồi bao xót xa ân hận.
   Trong khu tập thể, nhà Khoa ở lọt vào dãy nhà toàn người đi học nước ngoài về. Sát bên vách, một bên là vợ chồng ông Kỹ sư điện được đào tạo từ Cộng hòa dân chủ Đức, bên kia là vợ chồng ông kỹ sư thủy công thủy điện được đào tạo ở Rumani. Xung quanh toàn là những gia đình thuộc loại khá giả. Chỉ mỗi gia đình Khoa, gia đình CCB thuộc loại nhậy cảm với đồng lương, lúc đủ ăn lúc nghèo.
   Ăn còn chả đủ, đâu dám nghĩ đến những thứ vượt quá hoàn cảnh. Nhà người ta có vô tuyến xem, nhà mình không có, con cứ bắt bố mẹ dẫn sang xem nhờ, một vài lần thì chẳng sao. Đằng này, ngày nào con cũng đòi đi, bố mẹ rát hết cả mặt, con thì vui như được đi ăn cỗ. Đến nhà người ta giá như ngồi yên một chỗ thì còn tạm được, đằng này gặp bạn lại vui đùa chạy nhảy hò hét đau cả đầu. Người lớn chắc là khó chịu nhưng cả nể không nói ra, trẻ con không tế nhị như vậy được, cứ đùa một lúc là cãi nhau rồi tự ái bỏ về.
  Cũng may mà nó bỏ về, bố mẹ có cớ rút lui, nếu nó không bỏ về cũng chưa biết giải quyết cách nào. Khổ thay trẻ con hiếu kỳ, đã bỏ về rồi lại chạy sang để xem, bạn tức quá đóng hết các cửa lại không cho xem, con nhà mình ngó qua khe cửa. Bạn nghịch ngợm lấy đũa chọc qua khe cửa, vô tình chọc đúng vào hốc mắt, may là chưa bị sao chỉ bị thâm tím xung quanh mắt, chắc là phải mất mấy ngày mới khỏi.
   Vợ thương con chỉ biết khóc thầm, Khoa bảo: Chuyện trẻ con ấy mà, mấy bữa là khỏi ngay thôi. Thú thực là Khoa cũng xót lắm, nhưng Khoa cố gắng xoa dịu để vợ yên tâm. Đêm ấy Khoa khó ngủ, ngồi lặng lẽ trong đêm, suy nghĩ về bổn phận của một người chồng người cha. Hai hàm răng Khoa cắn chặt tưởng như sẽ có cái răng nào đó sẽ bị vỡ ra, cuối cùng Khoa ngộ ra là do Khoa nghèo quá.  Xuất phát điểm từ chiếc ba lô lộn thì phải từ từ, Khoa tự an ủi mình cho dễ ngủ…
    Nghĩ lại, những năm tháng sống trong quân ngũ, tuy là gian khổ và ác liệt. Nhưng có phần may mắn là Khoa đã học được cách chịu đựng để vượt qua khó khăn thử thách, giành giật lấy cái sống từ cái chết. Cộng với tuổi thơ của Khoa, lớn lên và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn ác liệt. Bây giờ chiến tranh đã qua đi, Khoa đã được trở về với tập bản vẽ và cây bút chì, dù hoàn cảnh nào Khoa cũng sẽ cố vượt qua, làm chỗ dựa vững chắc cho vợ con.
   Thực ra, Khoa đã cố gắng nhiều lắm, đôi khi tưởng như Khoa không còn đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua. Những lúc như vậy, người hiểu và sẻ chia với Khoa là Hoàng, người đồng đội năm nào. Đã nhiều lần Hoàng lặng lẽ giúp đỡ Khoa, vợ chồng Khoa biết điều ấy. Nhưng Hoàng tế nhị quá, Khoa không có cách nào từ chối. Hoàng thường tìm đúng lúc đúng dịp để gửi, khi thì bơ lạc bắp ngô, lúc thì cân măng củ sắn, khi thì bộ quần áo sinh nhật cho con gái v.v. Các cụ dậy: Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.  Cảm động lắm, những gói quà tưởng như nhỏ nhoi ấy, phần nào cũng ấm lòng vợ chồng Khoa, hơn nữa  cũng giúp đỡ được chi phí của gia đình khi đồng lương của vợ chồng Khoa hạn hẹp.
 
   Để kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, nhất là đứa con gái bé bỏng, Khoa không còn con đường nào khác là phải làm thêm, làm tất cả mọi việc để mưu sinh. Ngoài 8 tiếng làm việc ở cơ quan, thời gian còn lại Khoa đi làm thuê để tăng thêm thu nhập. Việc gì ai thuê Khoa cũng làm, trừ những công việc Khoa cảm thấy không minh bạch là không làm.
   Thượng vàng hạ cám, cứ việc gì làm ra tiền là Khoa làm, đi công tác làm theo kiểu đi công tác, ở nhà làm theo kiểu ở nhà. Ngày ấy, cả khu tập thể đều biết gia đình Khoa thuộc loại khó khăn. Vợ Khoa gầy gò ốm yếu, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng vợ Khoa  kiệt sức. Vốn dĩ, vợ Khoa lúc còn con gái cũng đã gầy yếu rồi, bây giờ nuôi con lại càng gầy yếu hơn.
   Nhìn thảm cảnh ấy, Khoa không đành lòng song cũng không biết giải quyết thế nào, chỉ còn biết lăn ra làm. Thời gian ấy, may quá cơ quan lại có đợt đi an dưỡng ở Quảng Bá. Xét hoàn cảnh gia đình, họ giải quyết cho vợ Khoa đi nghỉ dưỡng hơn nửa tháng. Ở nhà hai bố con sống cảnh gà trống nuôi con, khi ấy con gái Khoa gần hai tuổi. Kể cũng may, ngày đơn vị Khoa đóng ở Nại Cửu, cũng là thời gian Khoa học được nhiều thứ nhất trong quân đội, vì thế bây giờ thấy tự tin.
    Sau khi bàn giao lại toàn bộ dải đất bờ Nam sông Thạch Hãn, kéo dài từ Nham Biều lên đến Đá Đứng, cho đơn vị khác tiếp quản. Trung đoàn 95 sư 325 rút ra củng cố lực lượng, tổ chức huấn luyện. Đồng thời đóng vai trò lực lượng thường trực sẵn sàng trấn áp, nếu như quân đội VNCH vi phạm hiệp định  Paris.
    Quãng thời gian này là thời gian bộc lộ tài năng của lính, đúng là trăm hoa đua nở. Cứ trung đội này có cái gì hơi đặc biệt, lập tức ít bữa sau trung đội khác cũng có cái đó, không đơn vị nào chịu thua kém. Những việc trồng rau nuôi gà nuôi lợn là bình thường, vì anh em đều là con nhà nông nên ai ai cũng biết làm, đơn vị nào cũng có.
  Còn những nghề độc chiêu như nấu rượu, làm bánh, làm bún v.v, không phải ai cũng biết làm. Thế mà, trung đội nào cũng quyết làm cho kỳ được, thế mới gọi là con gà tức nhau tiếng gáy. Thiếu dụng cụ, bộ đội sáng tạo ra dụng cụ. Mũ sắt của địch làm cối, cành cây làm chày, cởi áo lọc bột, đục đồ hộp làm khuôn vắt bún v.v. Thiếu thức ăn ra suối bắt cua bắt cá làm bún cá bún riêu cua, mẻ ủ từ cơm thừa, nhân là từ thịt hộp chưng hành, mộc nhĩ làm nhân bánh cuốn bánh tẻ, cái gì cũng có. Đúng là muôn kiểu sáng tạo, nhưng trên hết vẫn là sự cần cù chịu khó của những người lính, công của họ nhiều như nước sông.
   Những bài học lớn trong quân ngũ, bây giờ vô cùng quý giá đối với Khoa. Khoa luôn tự nhủ: Phải có niềm tin và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn thử thách, phải sống có trách nhiệm và nghĩa vụ của người chồng người cha. Câu thần chú này là động lực để Khoa vươn lên, mỗi khi gặp khó khăn là Khoa lại nghĩ về nó, chính nó định hướng để Khoa bước những bước tiếp theo.
   Chuyện bỏ công bỏ sức đi làm thuê thật đơn giản không phải lo nghĩ gì, cứ làm là có tiền. Những việc như đi bốc vác, đi xây trát, làm hợp đồng dọn vệ sinh khu cơ quan, dán túi nilon v.v. Chỉ cần Khoa vượt qua rào cản của sự sĩ diện, là Khoa làm được. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, bởi Khoa đấu tranh tư tưởng: Mình là người có học thức, có chuyên môn nghiệp vụ. Tại sao đi làm những việc này mà không làm những việc khác?  Khổ nhưng ai thuê mình? Mình không biết chỗ nào thuê? Thế là Khoa đành chịu. Trong khi đó sống thì phải ăn, mà lương của Khoa chỉ đủ trang trải cho đứa con, còn lại ba người tần tiện sống bằng đồng lương trung cấp của vợ. Đói thì đầu gối cũng phải bò.
   Số phận nghiệt ngã, đặt Khoa không đúng chỗ. Ngày Khoa còn trẻ, Khoa cũng nhiều tài lẻ, có năng khiếu thể thao nên được nhiều cô gái để ý. Hồi đang học bổ túc công nông của tỉnh, Khoa đã có người yêu rồi, hai đứa bằng tuổi nhau. Tốt nghiệp, người yêu Khoa đi học đại học ở Baku, Khoa được đi CuBa. Nhưng do tình hình chính trị ở CuBa bất ổn nên không đi nữa mà học ở trong nước. Mấy năm đầu, hai đứa vẫn còn thư từ qua lại, sau chẳng hiểu lý do gì thư từ  có vẻ trục trặc, Khoa đoán là do chiến tranh. Với lại, khi đó Khoa đang ở chiến trường, nên chẳng biết hỏi ai. Mối tình đầu, để lại cho Khoa dư vị ngọt ngào của tuổi thơ.
   Đến khi đơn vị rút ra Nại Cửu, Khoa mới có dịp phát huy tài năng. Khi ấy phong trào bóng đá bóng chuyền của trung đoàn 95 rất sôi nổi, các đơn vị độc lập, các tiểu đoàn bộ binh đều có những đội bóng chuyền bóng đá thi đấu giao hữu với nhau. Do có năng khiếu, Khoa được cử làm đội trưởng đội bóng chuyền của C20, dẫn đội đi thi đấu khắp nơi trong trung đoàn, tiếng tăm của đội nổi như cồn. Ngoài tài lẻ về bóng chuyền, Khoa còn có khả năng làm thủ môn, đã có lần đội bóng đá của trung đoàn 95 gọi Khoa lên làm thủ môn cho đội.
   Một lần điếc không sợ súng, nhưng vì chính trị viên ép quá nên Khoa nhận lời. Lần ấy trung đoàn tổ chức hội diễn để chọn tiết mục đi hội diễn trên sư đoàn, ban chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ cho Khoa xây dựng tiết mục tự biên tự diễn nói về truyền thống của đơn vị trinh sát C20. Chỉ trong  một ngày, ngồi bên bờ suối Ái Tử. Khoa đã viết xong tiểu phẩm: “Nở hoa trong lòng địch”. Tiểu phẩm dựa vào chuyện có thật của đơn vị,  khi tổ chức trinh sát thọc sâu vào ngã ba Phước Môn. Tiểu phẩm ấy không có lời, nhưng có người dẫn chuyện, biểu diễn võ thuật dưới hình thức kịch câm. Khoa không biết kết quả, nhưng nghe đâu được giải khuyến khích, vì trong ban giám khảo, có bạn là sinh viên của trường đại học Xây Dựng nâng đỡ.
   Xem ra trí tuệ không đến nỗi nào, nhưng tại sao lại nghèo? Khoa không bằng lòng với hiện tại, Khoa chuyển sang đi buôn. Lần đi công tác làm chuyên gia ở CHDCND Lào. Vốn không có, Khoa vay vàng bán đi để làm vốn. Quả là liều, trong đời Khoa mới hai lần nhìn thấy vàng mà chưa hiểu được giá trị thật của vàng, thế mà giám vay vàng để đi buôn.
   Lần thứ nhất, Khoa biết vàng khi ở đài quan sát nóc dinh tỉnh trưởng Quảng Trị. Lần ấy, anh em trinh sát C20 đi thực địa nhặt được một hộp trang sức, mở ra xem thấy có đôi khuyên tai, một chiếc nhẫn. Thằng nọ nhường thằng kia, không thằng nào dám lấy vì sợ. Để không tiếc nuối chúng nó bầy ra cách cho vào lon đồ hộp, sau đó đặt lên tường làm bia để bắn cho mất tăm. Lần thứ hai là ở ấp Nguyễn Thái Học gần ngã ba Dầu Dây, Khoa cũng nhặt được chiếc nhẫn vàng, Khoa đưa cho Tuyến liên lạc của đại đội mang về nộp. Đứng trên nhà cao tầng, Tuyến vung tay ném mạnh vào không gian, chẳng biết nó bay đi đâu.
   Những lần ấy là vậy, còn bây giờ nó là tiền. Khoa bán đi lấy tiền mua hàng từ Việt Nam, mang sang bên Lào đổi lấy hàng bên ấy, mang về Việt Nam bán. Đi như vậy cũng kiếm ăn được, nhưng không phải ai cũng được đi, chỉ những người chủ chốt của đề án mới được đi
   Ngày ấy, có thời kỳ Khoa còn nuôi lợn. Thực ra lấy công làm lãi, như bỏ tiền vào lợn để tiết kiệm, cũng chẳng ăn thua gì mà vất vả lắm. Lúc lợn khỏe mạnh bình thường không sao, nó chỉ ăn rồi ngủ, lớn trông thấy. Lúc nó ốm thì mình cũng ốm theo, lo lắng cho lợn mà mất ăn mất ngủ, nó nóng sốt mình ngồi bên cạnh thuốc thang, đuổi ruồi đuổi muỗi. Không làm thế không được, vì toàn bộ tiền nong tiết kiệm đổ vào nó hết, nó mà chết thì mình cũng hết, cũng may là Khoa chưa bị lần nào.
   Cuộc sống cứ bươn chải lần hồi ngày lại qua ngày, tưởng như không có chuyện gì xảy ra. Thế mà có một ngày, đứa con gái yêu quý của Khoa lại đi ăn cắp hộp bút chì mầu của bạn. Chỉ có như vậy thôi, nhưng vì mặc cảm với số phận, đầu óc Khoa quay cuồng, trời đất như sụp đổ. Bất chấp mọi lời can ngăn của mọi người, lời cầu xin của vợ. Khoa nổi giận lôi đình, quát tháo mắng mỏ. Con bé hoảng loạn không biết làm gì, mặt tái mét ôm lấy chân mẹ, sợ hãi khóc không ra nước mắt.
   Khoa bắt con mang trả lại và quỳ xuống xin lỗi bạn, lúc ấy con Khoa hơn con nhà ông hàng xóm đến hai tuổi, chúng nó vẫn chơi với nhau. Sao hôm nay lại xảy ra như vậy? Con quỳ xuống, tim Khoa uất nghẹn. Khoa đến xin lỗi vợ chồng ông kỹ sư điện được đào tạo ở Đông Đức về, mà xót xa cho số phận…
   Vội giận mất khôn, Khoa đuổi con ra khỏi nhà. Nó biết nó có lỗi, nó sợ bố đánh nên phải đi, dáng nó đi siêu vẹo, không dám quay lại nhìn bố…
    Ngoài phố đã lên đèn, đứa con gái bé bỏng của Khoa thất thểu bước đi, nó ngơ ngác trong dòng người hối hả. Đi theo con mà nước mắt Khoa dàn dụa…
(Còn nữa).
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #321 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2014, 09:24:58 pm »



    Chào Quanvietnam, chào các bạn.
    Đọc đoạn viết trên đây của Quanvietnam mà vanthang như thấy hình ảnh mình trong đó. Cuộc sống bôn bề khó khăn khi 4 đứa con nhỏ trong tay người vợ gầy yếu lại phải đảm đang việc cơ quan, tôi đành phải tìm cách  rời khỏi quân ngũ. Nghỉ hưu khi vừa đủ tiêu chuẩn quy định tôi bước vào cuộc mưu sinh không từ một hoạt động nào để cho các con được đi học.
    Mọi chuyện rồi cũng vượt qua một cách nhọc nhằn...
    Thấm đẫm quá câu chuyện bạn kể về Khoa như đang kể về gia đình tôi vậy.  Cảm ơn bạn lính.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #322 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2014, 01:26:04 pm »

Bác quanvietnam có ấn tượng với mấy bác đi tây quá rồi  Grin. Có đi tây nhiều như Cụ Hồ thì mới có nước Việt Nam như ngày nay chứ. Nhưng phải nói bác viết thực quá, thực không thể thực hơn., thực từ người nhớn đến chuyện đứa trẻ, từ xã hội chung cho đến mỗi gia đình cụ thể, như thể một cuốn phim tài liệu mới nguyên bỗng nhiên từ thời quá khứ hiện về. Đến như Con Hùm Xám đường số 4 từng học trung học Lycée de la Providence ở Ba-lê, khi về hưu còn đi xe đạp bỏ mối hàng nước và đèo hai thùng nước gạo to tướng về nuôi heo, vừa viêt "Lịch sử Quân sự Việt Nam", thì các bác như bác Khoa có làm những việc việc như thế cũng là đúng rồi, nhưng phải nói tâm lý ai cũng có quán tính nhất định.
Thời ấy là thời ba cuộc cách mạng là lên thiên đường. Cách mạng quan hệ sản xuất là nền tảng, tất cả của riêng thành của chung thì mới tập trung tư liệu sản xuất, tích tụ tư bản để sản xuất lớn được, nay cũng hệt như thế nhưng của chung thành của riêng mới sản xuất lớn và có hiệu quả để căm-pu-chia được, khi lỗ chổng vó như xxyy càng thấy rõ của chung nó hay hơn của riêng như thế nào. Làm ăn nhớn nên nhiều tỉnh lớn, tiết kiệm được ghế nên chưa hoàn thành công cuộc phá rừng,
Cách mạng tư tưởng văn hóa là quan trọng, sắn bổ hơn gạo vì phân tích thành phần dinh dưỡng nó là abcxyz thế này, nó bổ dọc bổ ngang thế kia, bài của giáo sư bác sỹ đăng trên các báo giải thích cho mọi người thông hiểu.
Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt mà các ông kỹ sư đói vàng mắt toàn nghĩ chuyện đi buôn ở Chợ Giời với Ai Lao, thì đúng là then chốt quá rồi, chất lượng công việc của các ông ấy chỉ có tuyệt trở lên.
Ấy thế mà hồi ấy người ta làm được những việc cũng không nhỏ: những cơ sở lớn đầu tiên của điện khí hóa, công nghiệp hóa, giao thông vận tải, thủy lợi. Đến bây giờ cầu Thăng Long vẫn là cây cầu lớn nhất và duy nhất qua sông Hồng có cả đường sắt đường bộ nếu không kể cây cầu Đu-me do bố con thằng Tây làm, thủy điện Hòa Bình trên sông Đà đến giờ vẫn là công trình thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á và duy nhất nằm trong lòng một quả núi, không sợ chiến tranh nguyên tử khi thiên hạ đại loạn.  Grin
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #323 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2014, 01:30:09 pm »

 Cám ơn anh Vanthang 341, lâu lắm mới lại thấy anh. Chúc anh mạnh khỏe, sức khỏe là niềm an ủi cuối cùng của chúng ta.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #324 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2014, 01:44:04 pm »

  Lâu lắm hôm nay em mới lại vào thăm nhà bác quanvietnam. Chuyện của bác lôi cuốn quá! Câu tuyện đã làm em chợt nhớ lại cảnh ba mẹ con sống trong một gian nhà tập thể chật hẹp của thời bao cấp. Bên cạnh bức tường bên kia là một căn phòng cũng nhỏ như của mình thôi. Nhưng trong căn phòng ấy, gia đình nhỏ ấy họ được đủ đầy hơn nhiều lắm. Cô ấy có chồng vừa đi học bên Liên Xô về, gia đình bố mẹ họ lại đủ đầy hơn. Nhiều đêm nằm nghĩ đến cuộc sống của mình còn đang chật vật. Con mình hàng bữa khao khát cái vị thơm của mùi thức ăn ngon của bên phòng hàng xóm bốc sang. Nhổm người vuốt vào hai má  của con. nằm xuống nhìn qua khung cửa sổ thấy ngoài trời một không gian màu xám . Nước mắt chảy thầm.  Cb chúc bác quanvietnam mạnh khỏe và viết tiếp những dòng hồi ức cho bạn mình rất thật, rất hay nữa đi.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Chín, 2014, 02:21:33 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #325 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2014, 08:36:06 pm »


Thời ấy là thời ba cuộc cách mạng là lên thiên đường. Cách mạng quan hệ sản xuất là nền tảng, tất cả của riêng thành của chung thì mới tập trung tư liệu sản xuất, tích tụ tư bản để sản xuất lớn được, nay cũng hệt như thế nhưng của chung thành của riêng mới sản xuất lớn và có hiệu quả để căm-pu-chia được, khi lỗ chổng vó như xxyy càng thấy rõ của chung nó hay hơn của riêng như thế nào. Làm ăn nhớn nên nhiều tỉnh lớn, tiết kiệm được ghế nên chưa hoàn thành công cuộc phá rừng,
Cách mạng tư tưởng văn hóa là quan trọng, sắn bổ hơn gạo vì phân tích thành phần dinh dưỡng nó là abcxyz thế này, nó bổ dọc bổ ngang thế kia, bài của giáo sư bác sỹ đăng trên các báo giải thích cho mọi người thông hiểu.
Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt mà các ông kỹ sư đói vàng mắt toàn nghĩ chuyện đi buôn ở Chợ Giời với Ai Lao, thì đúng là then chốt quá rồi, chất lượng công việc của các ông ấy chỉ có tuyệt trở lên.


        Chào bạn qtdc.
    Bạn có cách nói, cách viết rất hài hước, hài hước đến chảy cả nước mắt...
    Đúng thế ! Một thời thiếu gạo nên báo chí thông qua các nhà khoa học chứng minh sắn tốt hơn gạo. hi hi
    Lại nữa: khi Phạm Tuân đi lơ vũ trụ báo chí buộc phải bịa ra lúc nhỏ đi trâu Phạm Tuân hay thả diều...Bèo Hoa dâu làm phân xanh vì không có phân hoá học như bây giờ nên Phạm Tuân cũng mang theo cả bèo hoa dâu lên tàu vũ trụ để nghiên cứu...(!?!) Hay !
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #326 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2014, 11:04:30 am »

   Xin chào và cám ơn tất cả các anh các chị đã đọc bài viết của Quanvn. Thực tình Quanvn không có ý nghĩ sâu xa ấy, mà Quanvn chỉ sờ đầu gối nói chân thật, kể lại hoàn cảnh và số phận của những người bạn lính sau chiến tranh. Có những người bạn lính nói:  Gian khổ vất vả của người lính đúng là không thể nói hết thành lời, nhưng suy đi tính lại cũng có cái hay, bởi vì người lính chẳng biết để làm gì, đành lấy đấy là niềm an ủi là mình đã qua thử thách, khổ thế chứ khổ nữa mình cũng chịu được…Vậy là chấp nhận số phận khổ cả đời.
  Có những người lính lạc quan hơn, họ bảo: Tất cả những cái mới, đều xuất phát từ những cái cũ, không có ngày xưa thì làm sao có ngày nay v.v. Với lại, bây giờ cũng loạn ngôn, thích là nói. Ví như: Có được cuộc sống như ngày hôm nay, mỗi người nói mỗi khác. Người thì nói: Ơn chúa, chúng con có được ngày hôm nay; Người thì nói: Nhờ trời phật chúng con mới được ngày hôm nay; Người lại nói Ơn Đảng ơn Chính Phủ, ơn cụ Hồ chúng con mới có ngày hôm nay…
   Quanvn xin cám ơn tất cả các anh các chị cùng các bạn.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #327 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2014, 09:33:52 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     Cơm nước xong, Khoa trông con để Xuân thu dọn, Hoàng tranh thủ chuyện trò xã giao với Xuân theo phép lịch sự. Thực ra, Hoàng hỏi gì thì Xuân trả lời chứ Xuân cũng chả biết chuyện gì để nói. Với lại tính Xuân ít nói, có khi cả ngày chẳng nói một câu. Cũng may là Hoàng biết được Xuân ít nói nên dễ nói chuyện, những ai chưa biết thì cho là Xuân khinh khỉnh. Vì Xuân ít nói, nên bạn bè của Khoa cũng vơi dần, ngay cả với con gái, Xuân cũng ít lời. Nghe Khoa kể: Xuân chưa bao giờ ru con.
    Chuyện ru con, hai vợ chồng Khoa đã xảy ra bất đồng, Khoa buồn lắm không biết làm thế nào để thuyết phục Xuân, nên đã mang nỗi buồn này tâm sự với Hoàng. Hoàng động viên Khoa cứ từ từ, không nên nóng vội, Xuân còn trẻ sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống gia đình. Động viên Khoa thế thôi, nhưng trong thâm tâm Hoàng cảm thấy Xuân thuộc lớp người ít va chạm không muốn thay đổi thói quen, nên không thể hy vọng vào sự thay đổi của Xuân. Chỉ thương cho Khoa, phải chịu thiệt đơn thiệt kép…
    Chẳng bù cho Luyến vợ Hoàng, vợ chồng gặp nhau là Luyến nói như máy khâu, chỉ cần biết tin Hoàng về là mừng như mở cờ trong bụng, chân tay cứ ríu lại, đứng ngồi không yên, ra ngắm vào vuốt. Chẳng riêng gì vợ Hoàng mà cả ông bà cũng thế, cũng sốt sắng ngắm ngía đàn ngan đàn gà, chọn xem lần này bố con cún về thì mổ con nào? Cún con sốt ruột luôn mồm hỏi mẹ: Sao  mãi mà chưa đến thứ bảy để đón bố? Cún cũng không cần phải xin phép ai, chạy sang khoe với bác Nguyệt bác Thịnh là thứ bảy bố cháu về… Hoàng nghĩ về gia cảnh nhà mình với gia cảnh nhà Khoa sao trái ngược nhau nhiều thế, trong khi đó Hoàng và Khoa cùng vạch xuất phát, thế mà chẳng hiểu thế nào? Đúng là số phận.
   Vợ Khoa cho con đi ngủ. Nhà có 8 mét vuông, hôm nay lại có khách, không biết nhét vào đâu? Hai thằng bảo nhau ôm chăn chiếu lên sân thượng nhà thí nghiệm của Trung tâm để ngủ. Hoàng đi trước, Khoa đóng cửa đi sau, trước khi đi Khoa với chai rượu và gói lạc rang ban nãy uống chưa hết đi theo.
   Một đêm không trăng, nhưng trời sáng. Rất nhiều những ngôi sao bé li ti nhấp nháy xa tít tắp trên trời cao, thi thoảng có những đám mây trắng đục bay rất thấp, trôi về hướng Bắc. Hai thằng lính cùng đơn vị năm nào, nằm ngửa mặt lên trời kể chuyện quá khứ, chuyện miên man từ chuyện này sang chuyện khác. Đột nhiên Hoàng ngồi nhỏm dậy, ngửa cổ tu một hớp rượu sau đó hỏi Khoa:
  -Chuyện này tôi hỏi ông, nhưng ông phải nói thật. Có phải vợ chồng ông có vấn đề gì, nên ông mới hay đi công tác, có đúng vậy không?
  -Ai nói với ông như vậy?
  -Tôi nghe anh em ở trên Hòa Bình kháo nhau như vậy, nên tôi mới gặp ông để hỏi cho cụ thể.
   Đúng là Khoa hay đi công tác thật. Nhưng không phải vợ chồng Khoa có vấn đề gì đến nỗi Khoa phải lánh mặt, thật ra Khoa  rất thích đi công tác. Đi công tác có nhiều cái lợi, tất nhiên cũng có cái không lợi. Cái không lợi thì Hoàng cũng biết, vì phải xa nhà xa vợ con, không giúp được vợ con lúc khó khăn v.v. Còn cái lợi, cũng có cái kể được cho Hoàng nghe, nhưng cũng có cái không kể cho Hoàng nghe được. Ví như chuyện đi công tác, được đi đây đi đó như đi du lịch, nhưng quan trọng hơn cả là được về thăm lại chiến trường xưa v.v. Điều này thì kể được, còn đi công tác là để bớt miệng ăn ở nhà, phần lương thực thực phẩm ấy dành lại cho vợ cho con, thì không dám kể. Kể chuyện ấy ra Hoàng nó cười chết. Nghĩ thế Khoa cười bảo:
  -Ông yên tâm đi! Không có chuyện ấy đâu. Tất nhiên là vợ chồng sống với nhau, thế nào cũng có chuyện này chuyện khác, cái bát cái đũa cũng còn va chạm huống chi con người. Nhưng ông biết tính tôi rồi, hơn nữa bây giờ chúng tôi đã có một thiên thần, sau này thế nào thì không biết nhưng trước mắt tôi luôn nghĩ về nó. Tôi sẽ cố gắng để cho nó sống vui vẻ hạnh phúc bên bố mẹ, không để cho nó thiệt thòi với chúng bạn chí ít cũng là về tinh thần, nó phải có đầy đủ cả bố và mẹ.
  -Ông nói thế là tôi yên tâm rồi. Ông còn nhớ hồi ở chiến trường không? Tôi với ông ngồi bên bờ suối, mơ ước đủ thứ, bây giờ kiểm lại cũng gần hiện thực rồi. Thôi! Tốt xấu gì thì chưa biết, nhưng hãy quý trọng những gì mình đang có. Tôi nói thế, ông thấy thế nào?
  -Đồng ý thôi, nhưng tôi cũng hỏi thật ông nhé: Ông một nơi, vợ con một nơi, sống xa nhà ông có thấy nhớ vợ nhớ con không?
  -Ông hỏi gì lạ vậy?
  -Tôi hỏi thật, ông cứ trả lời thật.
  -Hồi mới cưới vợ thì không nói làm gì, suốt ngày nhớ vợ. Sau này khi đã có con rồi, cứ nghĩ đến vợ con là tôi lại muốn về. Khi về thì vui vẻ phấn khởi, lúc lên người mệt mỏi rũ như tầu lá, nhưng chỉ vài hôm lại sức là tôi lại muốn về. Hì hì…
  -Vậy thì tôi có vấn đề rồi ông ạ! Tôi đi công tác xa nhà, đợt dài nhất là một năm, đợt ngắn vài tuần đến vài ba tháng. Nhưng tôi nói thật với ông, tôi chỉ nhớ con thôi, thi thoảng mới nhớ vợ. Ông bảo tôi như vậy thì bị bệnh gì?
  -Ông chả bị bệnh gì cả, có thể là ông bị suy nhược cơ thể hay là do sức ép công việc hoặc là bị hoàn cảnh chi phối nên ông mới thế. Nếu ông sức khỏe tốt, công việc làm ăn thuận lợi, vợ chồng con cái sống vui vẻ hạnh phúc, lúc bấy giờ ông thấy khác ngay.
  -Ừ! Có thể là ông nói đúng. Đã đi công tác là phải chịu sức ép công việc và hoàn cảnh chi phối, ở nhà còn có lãnh đạo và đồng nghiệp trợ giúp. Đi công tác chỉ có mấy anh em độc lập tác chiến, giải quyết tất cả mọi vấn đề phát sinh hàng ngày, đúng là sức ép công việc quá lớn, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ phải chấp nhận điều ấy.
    Ông có biết không? Năm 1980 tôi làm ở phòng Nghiên cứu và thiết kế thủy điện. Ngày ấy đập đâng nước Đơn Dương của công trình thủy điện Đa Nhim, bị dò dỉ nước tương đối nhiều ở hai bên vai đập, đồng thời mực nước của đường bão hòa dâng cao hơn so với thiết kế. Về lý thuyết ông với tôi cùng nghề thì ông cũng biết, khi mà mực nước của đường bão hòa dâng cao hơn so với thiết kế là có vấn đề, nếu không tìm cách hạ thấp đường bão hòa xuống thì nguy cơ vỡ đập là hiện hữu.
   Bộ Điện và Than, giao nhiệm vụ cho trung tâm của tôi đi nghiên cứu xử lý. Đoàn được thành lập, chuyên viên cao cấp Vụ xây dựng cơ bản của Bộ làm trưởng đoàn, tiến sĩ khoa học chuyên ngành thủy công làm phó đoàn, chuyên gia kỹ sư địa chất công trình học khóa 4 Bách khoa và tôi là thành viên. Tất nhiên vào trong ấy, tức là vào Công ty điện lực 2 đóng ở Sài Gòn sẽ tăng cường thêm lực lượng. Tôi được tham gia vào đoàn với chức năng là thư ký tổng hợp, ông trưởng phòng thấy tôi cần cù chịu khó, có thể giúp việc được cho đoàn, nên đưa tôi vào danh sách.
   Ngày ấy, tôi không có tiêu chuẩn được đi bằng máy bay đâu, tuy có danh sách nhưng cứ nơm nớp sợ bị loại ra vì không đủ tiêu chuẩn. Nếu chẳng may bị loại ra thì tiếc lắm, tiếc nhất là không được đi thăm lại chiến trường xưa, thăm lại Sài Gòn sau gần năm năm giải phóng. Ông biết không? Tới khi tôi bước lên máy bay rồi, tôi mới chắc chắn là tôi được đi.
   Hoàng ngắt lời tôi, chia sẻ:
  -Ông quá may mắn, những thằng cùng về đợt ấy, có khi ông là đứa đầu tiên được lãnh đạo chú ý. Đưa ông từ Hòa Bình về Hà Nội, lại cho ông vào phòng nghiên cứu, bây giờ lại cho ông tham gia vào đoàn công tác cao cấp của Bộ.
   Tôi ngắt lời Hoàng:
  -Chuyện ấy đã biết thế nào mà nói may hay không may. Tôi chỉ biết lần đầu tiên trong đời, tôi được đi máy bay. Tôi kể ông nghe nhưng ông đừng cười, ngồi trong máy bay mà tôi ngơ ngơ như bò đội nón, chẳng dám sờ mò vào cái gì. Sợ sờ vào mà nó bị làm sao thì chết, giống như lần giải phóng Buôn Ma Thuột ấy, ông còn nhớ không? Dạng sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975. Mới gần 5 giờ sáng, dân chúng thấy súng nổ bỏ chạy hết, cà phê, hủ tiếu còn nóng hổi, điện còn sáng. Mấy thằng lính C20 E95 trèo lên nhà cao tầng để đặt đài quan sát. Có thằng tò mò nghịch ngợm bấm vào nút khởi động của máy điều hòa nhiệt độ, nó nạp điện kêu ầm ầm. Thế là cha con, không thằng nào bảo thằng nào cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng xuống tầng một, vì sợ địch gài mìn phá hủy nhà cao tầng.
  -Ừ nhỉ! Nghĩ lại mà buồn cười. Thực ra, ngày ấy mình mang tiếng là lính sinh viên mà chẳng biết thế nào là vô tuyến, thế nào là máy điều hòa không khí, huống hồ là lính đi từ nông thôn. Chạy là phải, cẩn tắc không áy náy.
  -Ông đã đi máy bay bao giờ chưa?
  -Chưa!
  -Thế à! Tiếc quá nhỉ? Tôi với ông mang tiếng là kỹ sư mà cái gì cũng chỉ biết trên sách vở phim ảnh, đào tạo ra những kỹ sư như chúng mình thì làm sao khá được, mà bản thân anh em mình làm gì cũng thiếu tự tin.
   Ừ thì, cho là thiệt thòi cho cả một thế hệ vì chiến tranh, nhưng nghĩ lại vẫn thấy bực tức, không biết phân bua với ai và phân bua như thế nào? Tôi kể cho ông nghe chi tiết này xem ông có khó chịu không? Còn tôi thì lúc ấy tôi sôi máu lắm, nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt:
  Hội nghị bàn giải pháp xử lý đập Đơn Dương, cũng diễn ra như bao nhiêu hội nghị khác. Tất cả thủ tục kính thưa kính gửi đầy đủ, diễn biến cuộc họp có vẻ thuận buồm xuôi gió, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, tình hình này chắc chắn sẽ  thành công. Mọi người trong đoàn nghĩ thế nào thì tôi không biết? Riêng tôi, qua theo dõi thái độ của một số người tôi cảm thấy phía đối tác không có thiện chí hợp tác.
  Đúng như dự đoán, sang đến mục cung cấp tài liệu nghiên cứu. Một ông trông trắng trẻo, dáng người lùn thấp mập mạp. Ban nãy nghe giới thiệu, ông là kỹ sư của chế độ cũ. Ông đã theo dõi công trình này từ khởi sự khảo sát thiết kế đến khi thi công hoàn tất. Mọi biến cố xảy ra trong suốt thời gian chiến tranh, ông này cũng biết. Ông có người trợ lý giúp việc rất đặc biệt, giống là cuốn từ điển công trình sống. Cái gì ở đâu? Xảy ra thế nào? Người trợ lý này đều nhớ, thậm chí là có nhật ký ghi chép đầy đủ. Điều hạn chế nhất của người trợ lý này là nói lắp và ngọng, rất ít người có thể nghe và hiểu.
  Hai người này họ trao đổi với nhau bằng tiếng Miền Nam, nên đoàn công tác của Bộ nghe không rõ. Sau đó ông kỹ sư của chế độ cũ nói:
   -Thú thật với các ngài, tài liệu về công trình thì rất nhiều. Nhưng không biết các ngài có đọc được không? Vì tài liệu viết bằng Anh ngữ, trong khi các ngài lại quen đọc tiếng Liên Xô, tiếng Trung Quốc.
  Mấy anh em nhìn nhau, tôi nghĩ: Đây là vấn đề bí thực sự, nếu không khéo sẽ rơi vào vết xe đổ của những đoàn trước. Trong hoàn cảnh này, nếu tôi là trưởng đoàn, tôi sẽ yêu cầu họ cung cấp phiên dịch. Việc này xem ra không mấy thuận lợi, nhưng có lẽ cũng không có cách khác.
  Rõ ràng, về mọi lĩnh vực của cuộc sống  sau 5 năm giải phóng, cả hai miền Nam Bắc chưa thật hiểu nhau, còn kênh nhau nhiều thứ. Tuy họ không nói ra, nhưng có vẻ thiếu niềm tin về khả năng giải quyết công việc của các anh em cán bộ kỹ sư được đào tạo ở Miền Bắc và từ các nước phe XHCN. Nhân việc này họ cũng muốn “Chiếu bí” anh em chúng tôi.
   Ông biết không? Anh em mình sẵn có dòng máu lính trong huyết quản, nên cái gì động đến phe ta phe địch là sự tự trọng và ý chí tự cường của người chiến thắng lại bùng lên. Tôi nghĩ thế, nhưng cũng chưa có ý kiến đề xuất nào khả thi. Ông trưởng đoàn còn đang phân vân chưa biết giải quyết cách nào, thì ông kỹ sư địa chất công trình có ý kiến:
  -Vấn đề tài liệu bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp đều không ảnh hưởng gì, chúng tôi chỉ sợ tài liệu viết bằng tiếng Nhật. Vì công trình này do công ty Nippon- Corie thiết kế.
   Nghe được ông sư địa chất nói, cả đoàn thở phào nhẹ nhõm, tất nhiên vẫn còn đôi chút nghi ngờ về khả năng ngoại ngữ của ông kỹ sư địa chất. Nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ, tiếp nhận và nghiên cứu tài liệu. Cả đoàn chúng tôi thực sự vui vẻ bắt tay vào thu thập tài liệu, khả năng đọc tài liệu tiếng Anh của ông kỹ sư địa chất là khá tốt. Tôi tò mò hỏi: Anh học ngoại ngữ khi nào mà anh biết nhiều thứ tiếng thế? Ông cười hiền lành bảo tôi:  Ngày còn nhỏ anh học tiếng Pháp ở trường Anbesero ở Hà Nội, sau đó anh tự học tiếng Anh và tiếng Nga, cũng lõm bõm một ít tiếng Trung Quốc…
   -Hoàng này! Nếu như anh em mình có được một phần như ông ấy thì tốt biết mấy.
  Không thấy Hoàng nói gì Khoa quay lại nhìn, té ra Hoàng đã ngủ từ lúc nào không biết. Khoa lẩm bẩm:
   -Số nó sao sướng thế?
   -Ông tưởng tôi ngủ rồi à? Tôi đang chờ nghe ông kể về chiến trường xưa.
(Còn nữa)
 
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #328 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2014, 12:17:05 pm »

Chậm rãi, nhỏ nhẹ nhưng rất hay, rất thực, rất nhiều chi tiết sinh động. Bác quanvietnam cứ sờ đầu gối mà kể chuyện như thế cho bọn em nghe nhé. Đường bão hòa của đập mà cao hơn thiết kế thì nguy hiểm thật, song nó sẽ phải hạ xuống trước ý chí của những người chiến thắng đang thực hiện 3 cuộc cách mạng long trời lở đất, đưa nước nhà lên thiên đường CNXH thôi.
Nhưng trước hết phải ngả mũ chào tiền bối khóa 4 Bách Khoa cái đã. Khóa 4 là ra trường năm 1964. khi đó trường XD và trưởng Mỏ còn chưa tách ra khỏi Bách Khoa. Về cơ bản thì học vấn của bác ấy là do phe địch đào tạo. Học phổ thông tiểu học, trung học là trường chế độ cũ. Học đại học cũng với các thầy lớn lên, học hành phổ thông trong chế độ cũ. Trước nữa trường học phổ thông chế độ cũ dạy bằng tiếng Pháp, ngoại ngữ là tiếng Anh. Ví dụ trường Bách Khoa có thầy Bùi Trọng Lựu dạy Sức bền vật liệu, thầy có con gái học khóa 20 BK sau này về trường XD dạy môn Sức bền. Thầy toàn hướng dẫn tiến sĩ trong nước trong khi đó bản thân thầy chỉ có hai bằng kỹ sư của Thực dân Pháp cấp thôi. Sĩ quan ngụy trình độ ngoại ngữ cũng rất tốt.
Vậy là "phe địch" được ta "dân vận" đã cứu phe ta một bàn. Đến tận bây giờ, dù cơ sở vật chất trang thiết bj khá hơn nhiều, nhưng đào tạo đại học vẫn là khâu yếu nhất trong hệ thống đào tạo của nước ta, đó là kết luận của các vị lãnh đạo ngành giáo dục nước nhà.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Chín, 2014, 01:18:08 pm gửi bởi qtdc » Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #329 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2014, 03:11:57 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
  -Thế à! Tôi tưởng ông ngủ rồi? Tuyệt lắm ông ạ! Sau hai ngày làm việc miệt mài, mấy anh em chúng tôi đã thu thập tương đối đầy đủ tài liệu phục vụ cho việc đi thực địa vào ngày hôm sau. Chiều hôm ấy ông trưởng đoàn cho anh em được nghỉ sớm để đi chơi Sài Gòn. Nói là đi chơi vậy thôi, thực ra mọi người tranh thủ đi chuyển quà từ ngoài Bắc gửi vào. Riêng tôi phân vân chưa biết nên thế nào? Từ hôm vào đây tôi suy nghĩ nhiều lắm, lúc thì muốn đến thăm ông bác ruột, lúc lại ngại không muốn đi.
  -Sao lại ngại? Bác ruột là gần lắm đấy, là anh ruột là bố mình còn gì?
  -Đành là vậy! Nhưng ngại một nỗi là tôi không biết mặt, với lại tôi cũng chẳng chuẩn bị quà cáp gì. Chuyện về ông bác, tôi chỉ nghe ông chú ruột kể lại. Riêng bố tôi, ông ấy rất ít nhắc đến bác tôi. Ngày bác ấy đi, tôi cũng đã 5-6 tuổi rồi. Nhưng sao tôi không nhớ một tý gì về các bác và các anh các chị. Mà đúng thôi vì bác ấy không ở quê. Bác lấy vợ người Hàng Đào Hà Nội, vợ con bác ở Hà Nội với bên ngoại, bác ấy làm việc ở Ty Bình dân học vụ của tỉnh. Thế rồi cuối năm 1954 ông bà nội tôi bặt tin bác tôi, sau đó nghe người ta kháo nhau là ông ấy và gia đình bên ngoại đã di cư vào Nam. Kể từ đấy, theo như ngôn từ của ông chú tôi, thì từ đó cả gia đình hay chi họ nhà tôi như gặp thảm họa.
  -Sao lại thế?
  -Chuyện dài lắm, kể cũng chẳng hết được. Nhưng đại loại ông cứ tạm hình dung gia đình tôi là gia đình có vấn đề đối với cách mạng. Chính vì vậy, sau năm 1954 rồi đến cải cách ruộng đất và cho tới tận bây giờ, gia đình tôi gặp vô vàn khó khăn chỉ vì ông bác tôi di cư vào Nam.
  -Ừ đúng! Chuyện ấy không chỉ riêng nhà ông mà ở quê tôi cũng thế, bất kể gia đình nào bị cách mạng nghi ngờ là như vậy. Nghe kể lại chuyện cải cách ruộng đất, bà con bần cố nông đấu tố địa chủ mà rớt nước mắt.
  -Chuyện ngày xưa là thế, còn tại lúc ấy tôi nghĩ khác. Bố tôi vẫn bảo: Một giọt máu đào hơn ao nước lã; Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy. Nếu đã vào đến đây mà không đến, tôi sợ bố tôi không bằng lòng. Với lại tôi cũng tò mò muốn xem gia cảnh nhà bác tôi thế nào? Nên tôi quyết định đi. Lần theo địa chỉ bố tôi hướng dẫn, tôi phải đi hai tuyến xe lam tôi mới đến được cầu Tân Thuận Đông quận Nhà Bè, nhà bác tôi ở đấy.
  Đúng như tổ tiên đã dậy: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Khi tôi tự giới thiệu, mọi người còn ngơ ngác, bán tín bán nghi, chưa ai nhận ra tôi. Cũng phải thôi, bởi vì tôi chẳng biết ai trong gia đình nhà bác tôi, mà họ cũng thế. Đến khi tôi kể về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của đại gia đình, khi đó mọi người mới nước mắt ngắn nước mắt dài, người khóc thành tiếng, người thút thít. Mọi người rối rít hỏi thăm tình hình ngoài Bắc, tôi chẳng biết trả lời ai trước ai sau.
  Đông quá, mặc dù đã được giới thiệu nhưng tôi không nhớ được tên ai, ngoại trừ bác gái là tôi nhớ và bác trai đang đi trại học tập cải tạo chưa về, còn lại tất cả tôi không biết ai vào với ai. Nghe đâu sau giải phóng, tất cả con cái cháu chắt những ai còn sống đều tụ về đây, có nhẽ cũng ngót ngét đến hai lăm ba mươi người. Cũng phải thôi, ngày đi di cư bác tôi đã sinh được 9 anh chị em tất cả, vào Sài Gòn sinh thêm được hai là 11. Mọi người lớn lên lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, có lẽ con số 25 hay 30 là còn kiêm tốn có thể còn nhiều hơn nữa.
  Chuyện trò được một hồi lâu, mọi câu hỏi cũng đến lúc thưa dần. Cũng may là sau giải phóng được hai ba năm gì đó, bố tôi và chú tôi cũng đã vào đây thăm bác tôi nhưng ba anh em không gặp nhau vì bác tôi còn đang đi học tập cải tạo chưa về. Chính đợt ấy, bố tôi và chú tôi đã kể cho mọi người biết nhiều thông tin về quê hương, về gia cảnh cô gì chú bác nội ngoại, về loạn lạc của chiến tranh ai còn ai mất. Vì thế lần này mọi người có hỏi cũng là để làm rõ hơn những thông tin lần trước và hỏi xem có gì biến đổi không thôi.
  Bác gái tôi năm ấy độ ngoài 50 tuổi, con gái phố Hàng Đào Hà Nội nên trông có vẻ khuê các. Bà mẹ của 11 người con nhưng ngoại hình trông vẫn còn dễ nhìn, da dẻ trắng trẻo, cử chỉ nhẹ nhàng, nói năng từ tốn dịu dàng. Bà bảo tôi, cũng là phân công nhiệm vụ cho mọi người:
   -Cháu có mệt thì tắm rửa và đi nghỉ, còn nếu muốn đi chơi thì bảo anh Giang đưa đi chơi. Hai anh em đi chơi nhớ về sớm để ăn cơm, mấy chị chị Hà chị Nguyệt nấu cơm để mẹ và các anh các chị ăn cùng ăn cơm với em nó.
 Nghe thấy bác gái nói như thế tôi mừng lắm, bây giờ chỉ còn phụ thuộc vào anh Giang. Tất nhiên khoảng thời gian này có lẽ là hơi ít, nhưng tôi nghĩ cứ đi rồi tính. Tôi liếc nhìn sang anh Giang, chừng như anh có ý chờ tôi, song chưa nói gì. Có lẽ anh cũng ở độ tuổi của tôi, anh là Nha sĩ được đào tạo hồi còn chính quyền cũ. Anh Giang thấy tôi nhìn anh, anh nói:
  -Tùy chú! Nếu muốn thì anh em mình đi luôn về kẻo tối. Nếu mệt để khi khác đi cũng được.
  Làm sao tôi có thể bỏ lỡ cơ hội này được. Tôi vội xin với bác gái cho phép tôi với anh Giang đi chơi. Được bác gái đồng ý, là hai anh em cuốn vào dòng người tấp nập đổ về Sài Gòn.
   Theo yêu cầu của tôi, anh Giang chở tôi đến dinh Độc lập. Hai anh em tôi không được vào mà phải đứng trước cổng dinh để nhìn vào. Hơn năm năm trời mới quay lại nơi này, kỷ niệm cũ lại ùa về ngổn ngang. Trong muôn vàn ý nghĩ đổ dồn về một lúc, chẳng hiểu từ đâu một luồng khí lạnh toát chạy dọc theo sống lưng. Tôi nhớ đến những kỷ niệm cũ, nhớ đến những người bạn cùng đi hôm ấy, bây giờ không biết ai còn ai mất, cảm giác ấy làm tôi súc động, người tôi lạnh toát sởn da gà. Một cơn gió thoảng qua tôi sẽ rùng mình, người như muốn khụy xuống. Tôi vội lần đến gốc cây ngay gần đó, gốc cây này hơn năm năm về trước anh em chúng tôi đứng tựa vào nó để chụp bức ảnh lấy ngay làm kỷ niệm.
  Tôi nhìn lại từ gốc đến ngọn xem nó là loại cây gì? Từ dạo ấy đến nay nó có thay đổi gì không? Đúng là lẩn thẩn, ai lại đi lần sờ với từng kỷ niệm. Mà làm sao biết nó có thay đổi gì không, nếu có thay đổi thì mình cũng không biết, bởi lúc trước mình có thời gian quan sát kỹ nó đâu mà biết nó thay đổi thế nào trừ đoạn gốc được lưu lại trong bức ảnh. Tôi đang suy nghĩ miên man, anh Giang lại gần tôi hỏi:
   -Ngày trước chú có đánh vào Sài Gòn không?
  Nghe tiếng anh Giang hỏi tôi bừng tỉnh, vội vàng xắp xếp lại những ý nghĩ lung tung để quay về những kỷ niệm phù hợp với chủ đề anh Giang vừa hỏi. Trong đầu tôi thoáng nghĩ: Kể lại những kỷ niệm mà anh Giang vừa hỏi thật quá đơn giản đối với tôi, bởi mỗi trận đánh mỗi bước đi của anh em trong đơn vị tôi còn nhớ như in trong tâm khảm. Có những lúc tôi còn nhớ từng chi tiết nhỏ trong hàng ngàn hàng vạn những kỷ niệm của một thời chiến chinh. Có những hình ảnh của anh em đồng đội làm tôi bật cười một mình, lại có những hình ảnh làm hai hàng nước mắt của tôi âm thầm chảy ra tự lúc nào không biết, chỉ đến khi thấy ngứa ngứa trên hai gò má mới biết nước mắt của mình chảy ra.
  Chính vì sự tự tin ấy, tôi sẵn sàng kể cho anh Giang nghe tất cả. Nhưng chỉ có điều tôi hơi băn khoăn, tôi sợ rằng biết đâu đấy trong các câu chuyện tôi kể sẽ có câu chuyện có liên quan đến cái chết của những đứa con đứa cháu của bác tôi. Được cái, anh Giang hỏi tôi có đánh vào Sài Gòn không? Có nghĩa là anh đã khoanh phạm vi là Sài Gòn, mà ban nãy  loáng thoáng nghe bác gái và các anh các chị nói là gia đình bị mất mát nhiều nhất là cuộc tùy nghi di tản của Nguyễn Văn Thiệu từ Tây Nguyên xuống duyên hải Phú Yên, kéo dài suốt từ Kon Tum-Playcu-Cheo reo-Phú bổn. Có được thông tin như vậy, tôi có thể trả lời câu hỏi của anh Giang, nhưng tôi vẫn còn e là chưa biết thái độ yêu ghét hay thù địch của anh Giang đối với quân giải phóng như thế nào? Biết đâu đấy anh căm thù quân giải phóng thì sao. Nghĩ thế tôi ậm ự trả lời để thăm dò:
  -Không anh ạ! Năm sáu cánh quân đông như kiến cỏ tiến vào Sài Gòn, mà khi ấy các hướng tấn công chủ yếu là cơ giới, bộ binh chúng tôi tiến theo không kịp. Trưa 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi còn đang chờ xe ở thị trấn Tân Uyên tỉnh Bình Dương cách Sài Gòn 20-25 km, thì nghe tin Sài Gòn giải phóng, tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Hết ngày hôm ấy, mãi ngày hôm sau chúng tôi mới vào đến Sài Gòn.
  Vừa kể tôi vừa chăm chú theo dõi thái độ của anh Giang xem phản ứng của anh thế nào, nhưng qua  gương mặt anh, tôi không thấy có biểu hiện gì. Tôi cảm thấy hơi ngờ ngợ, tôi hỏi:
  -Thế hôm ấy anh Giang ở đâu?
  -Tôi ở trường, tham gia đội thanh niên tự quản cùng với anh em sinh viên khác bảo vệ nhà trường không cho mọi người lợi dụng cơ hội để phá hoại.
  -Anh thấy hôm ấy thế nào? Hai bên đánh nhau có ác liệt không?
  -Tôi cũng không biết, không tận mắt nhìn thấy đánh nhau. Nhưng đêm hôm trước, đến dạng sáng ngày hôm sau chỉ nghe thấy tiếng súng nổ rát khắp mọi nơi, tiếng động cơ xe tăng xe thiết giáp, tiếng xích sắt nghiến ken két, tiếng còi rú, tiếng quát tháo, tiếng giày nện ình ịch trên mặt đường. Một cảnh tượng nhốn nháo của quân lực VNCH, đến gần trưa thì thưa thớt dần, sau đó nghe ông  Minh tuyên bố đầu hàng. Mọi người tràn ra ngoài phố thấy nhà cửa vẫn còn nguyên không bị đổ nát, dân Sài Gòn nhớn nhác nhìn nhau sợ hãi. Trong khi đó lại có những bộ phận dân chúng được tổ chức chặt chẽ đi lại tấp nập làm công tác tiếp quản, giống như họ biết trước việc giải phóng là đương nhiên nên họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Tóm lại, Sài Gòn đầu hàng trong trật tự, tổn thất rất ít.
  - Thế hả anh! May mà không xảy ra cảnh đổ nát tương tàn, giết chóc và cướp bóc. Thôi! Bây giờ mình đi cầu Thị Nghè đi.
  -Sao lại ra cầu Thị Nghè?
  -À! Đấy là điểm kỷ niệm mà chúng tôi đặt bước chân đầu tiên xuống Sài Gòn, thủ đô của chính quyền VNCH.
  -Ừ đi!
   Anh Giang chở tôi đi vòng vèo qua các phố phường, tôi chẳng biết phố nào với phố nào, ngồi sau xe anh mà tôi hoa cả mắt. Xe đang chạy, tôi nhìn thấy một người đàn ông có vóc dáng giống như đại úy Tín, sĩ quan thủy quân lục chiến đã nói chuyện với tôi hồi còn ở Tích Tường-Như lệ. Phản xạ bất ngờ, tôi vỗ vai anh Giang. Anh quay lại hỏi tôi:
  -Có chuyện gì à?
  Tôi định nói là gặp người quen, nhưng nghĩ thế nào tôi lại thôi. Tôi hỏi anh Giang:
  -Từ đây đến chợ Bàn Cờ có xa không anh?
  -Xa lắm! Khoảng 14-15 km, đây là Sài Gòn có xuống đấy là Gia Định. Nhưng mà có chuyện gì? Nếu cần để hôm khác đi, hôm nay chơi ở cầu Thị Nghè rồi về ăn cơm kẻo mọi người chờ.
  -Vâng!
   Tôi bước chầm chậm trên cầu Thị Nghè, tất cả vẫn như xưa, hầu như chưa có gì thay đổi so với năm năm về trước khi tôi đặt chân lên đây. Vẫn dòng sông nước đen sì đặc quánh, sú uế rác rưởi bốc lên nồng nặc. Vẫn những túp lều ổ chuột chen chúc nhau đua ra mặt nước, vẫn thấp thoáng bóng dáng của những con người cùng khổ, lúc ẩn lúc hiện.
(Còn nữa).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM