Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:10:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191459 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #300 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2014, 11:14:51 am »


    Chào bạn Quanvietnam.
    Tôi có vinh dự được gặp bạn một lần tại 19C Ngọc Hà. Nhìn bạn  tôi có cảm giác bạn kín đáo, châm rãi, điềm đạm...suy nghĩ trong bụng vậy thôi chứ không dám nói lời nhận xét của mình với bạn. Đã từ lâu tôi vẫn âm thầm theo đọc bài viết của bạn. Tôi thấy không chỉ những mẩu chuyện chiến đấu mà những "Chuyện sau chiến tranh" bạn viết như một nhà văn thực thụ. Giọng văn thủ thỉ, từ ngữ giản dị, rất cẩn trọng trong cách dùng từ, phương pháp kể chuyện nhẹ nhàng, rủ rỉ... Đọc chuyện của bạn tôi như đoán ra tính cách điềm tỉnh, nhẹ nhàng, sâu lắng được bạn thể hiện qua từng câu, từng chữ.
    Phải chăng tính cách của bạn được hình thành từ nghề nghiệp của bạn: nghề kỷ thuật?
    Chúc bạn khỏe viết đều tay.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #301 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2014, 11:34:17 am »

 
Chào anhVanthang anh Tranphu và tất cả mọi người đã bớt chút thì giờ đọc bài viết huyên thuyên của Quanvn.
   Cảm ơn anh Vanthang anh Tranphu quá khen, thật tình tôi không bao giờ nghĩ tôi được như anh nói, nhưng tôi rất trân trọng những lời động viên và vỗ về của những người đồng chí đồng đội. Văn là người mà anh, tôi không có mưu cầu gì lớn lao. Tôi chỉ muốn viết lại những gì mình đã trải qua, mình đã mắt thấy tai nghe. Vậy đấy!  Kỷ niệm nào mà chẳng có vui hay buồn, nhưng có lẽ giọng văn buồn đúng không anh? Âu cũng là lẽ thường các anh à! Chúng mình gần kề cái tuổi xưa nay hiếm rồi, chúng mình đang được tận hưởng lộc của trời đất, tận hưởng sự hiếu thảo của con cháu, trong lòng cũng thấy nao nao, buồn vui lẫn lộn. Ngồi nghĩ lại có biết bao chuyện mình đã làm được và cũng biết bao chuyện mình chưa làm được. Chúng mình kể cho nhau nghe chuyện buồn chuyện vui, để nhớ lại quá khứ hào hùng của dân tộc, trong đó có anh em chúng mình, những CCB già. Hy vọng kỷ niệm buồn vui của anh em mình, sẽ là cái gì đấy? Cho lớp con cháu chúng ta rút kinh nghiệm…
  Vài dòng tâm sự, kính anh Vanthang cùng tất cả anh em trên diễn đàn. Quanvn xin được cảm ơn tất cả.
Logged
Vixuyen-hg
Thành viên
*
Bài viết: 260


« Trả lời #302 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2014, 07:23:47 pm »

Chào bảc quanvietnam bác viết rất hay cảm động đọc từng chữ từng lời mới thấm thía chân thành mộc mạc chữ tình  sâu đậm đúng chất lính phải nói rất hay em theo từng nét chữ của bác bác hãy viết tiếp đi nhé ngày nào vô không thấy thấy buồn làm sao .....
Chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe vạn sự như ý

Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #303 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2014, 10:19:51 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
          Ngoài trời mưa như trút nước, mưa ở vùng núi Hòa Bình trắng trời, đây là tiểu vùng khí hậu nên mưa nắng đều mang đặc thù riêng không giống như những nơi khác. Nhiều khi đang nắng chang chang đột nhiên trời lại đổ mưa ầm ầm, cứ thoắt mưa thoắt nắng, mưa tạnh trời lại nắng gắt rát ràn rạt, dưới ẩm trên nóng, thời tiết cực kỳ khó chịu.
   Lại thêm một chủ nhật nữa nằm khàn ở nhà thật là vô vị. Chẳng kiếm được ai tán gẫu cho đỡ buồn, Hoàng quanh quẩn vào ra. Chủ nhật tuần trước Hoàng tranh thủ về thăm nhà, bố mẹ vợ con đều khỏe, Hoàng vui lắm. Lúc lên cơ quan bà mẹ còn dặn dò: Anh lên cơ quan gắng phấn đấu cho bằng anh bằng em, chúng tôi ở nhà đã có vợ anh nó chăm sóc, anh không phải lo lắng gì sất…
   Đúng là về bố mẹ vợ con, Hoàng hoàn toàn yên tâm không phải lo lắng gì, bố mẹ Hoàng còn khỏe, vợ Hoàng thuộc mẫu người cũ xưa nên đảm đang tháo vát, một tay cô ấy quán xuyến hết thảy mọi việc trong nhà. Con gái Hoàng hơn một tuổi, ông bà nội quý lắm, suốt ngày chăm bẫm. Vợ Hoàng là giáo viên cấp hai dậy trường ở gần nhà, nên nhiều thời gian chăm sóc gia đình bố mẹ và con gái. Anh chị em của Hoàng tất cả đều trưởng thành, ai cũng có gia đình con cái đầy đủ, nhà nhiều nhất là bốn đứa con nhà ít nhất cũng hai đứa, Hoàng lấy vợ muộn nên mới có một. Nhiều lúc Hoàng nghĩ, lấy vợ muộn, lấy vợ ở quê cũng có cái hay. Hoàng mỉm cười mãn nguyện…
   Nằm đếm từng giọt nước rơi dưới mái hiên, tự nhiên Hoàng nhớ đến Khoa, có nhẽ đến gần năm nay Khoa không lên Hòa Bình. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thế mà Khoa đã chuyển về Hà Nội được bốn năm năm rồi. Đúng là thời gian trôi đi nhanh quá, mọi sự vật vần xoay đã định sẵn, Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân Hạ Thu Đông. Mỗi cây là mỗi loại hoa, mỗi nhà là mỗi hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Anh em ruột thịt còn kiến giả nhất phận, huống hồ Hoàng với Khoa… Đang nghĩ miên man, tự nhiên Hoàng thở dài, thừ người ra không biết phải làm gì?
  Hoàng vào mở tủ lấy cuốn sổ tay của Khoa ra bàn ngồi đọc, nhưng Hoàng không đọc được, đầu óc cứ nghĩ đâu đâu. Hoàng gấp lại, hai tay chống hai bên thái dương, gục đầu xuống bàn. Rất tự nhiên giọt nước mắt nóng hổi đơn độc trào ra trong khóe mắt, Hoàng nhớ lại những ngày chiến đấu gian khổ ở chiến trường Quảng Trị, Hoàng nghĩ về Khoa, Hoàng thương cho Khoa quá. Hoàng tự hỏi: Sao số phận lại không công bằng với Khoa như vậy? Cả hai thằng đều bắt đầu cùng vạch xuất phát cơ mà? Hoàng mơ hồ nghĩ cái gì đã dẫn tới kết cục này.
   Đúng là hai thằng có cùng xuất phát điểm như nhau, hai thằng đã có nhiều cái cùng, cùng học một lớp, cùng đi bộ đội, cùng đơn vị, cùng chiến đấu ở Quảng Trị, cùng trở lại trường, lại cùng học một khoa một lớp, cùng tốt nghiệp, cùng khoác ba lô lên miền núi nhận công tác, cùng làm việc một cơ quan v.v. Ôi! Sao nhiều thứ cùng thế?
    Cứ thế vấn vương, cuối cùng Hoàng mới ngộ ra: Tuy có rất nhiều cái cùng, nhưng không phải cứ cùng nhau là như nhau. Đúng vậy, hoàn toàn không phải thế, tất cả là do tạo hóa vần xoay sinh ra số phận, hai cuộc đời là hai số phận, sẽ không ai giống ai cho dù có nhiều cái cùng nhau. Hoàng nghĩ: Nó cũng như hai người chơi cờ thế thôi, lúc đầu là bằng nhau, sau đó có hòa có thua có thắng. Thật đáng tiếc, sau này thế nào chưa biết, nhưng hiện nay theo Hoàng thì Khoa là người thua cuộc.
   Hàng năm, kể từ ngày có đứa con gái đầu lòng, Khoa thường hay lên Hòa Bình công tác, có năm lên đến bốn năm bận. Thực ra, có công tác công tếch gì đâu, chẳng qua hai thằng nhớ nhau cũng muốn đi chơi, nên vin vào lý do này lý do nọ để lên thăm nhau. Mặt khác, lúc ấy hộ khẩu và tem phiếu của hai vợ chồng và con của Khoa vẫn đang ở Hòa Bình nên Khoa vẫn phải lên. Khoa thì như vậy, còn Hoàng chân son mình rỗi, thi thoảng lại kiếm cớ theo xe cơ quan để về Hà Nội chơi với Khoa với bạn bè.
   Một lần Khoa lên lấy tem phiếu, tiện thể gửi Hoàng cầm hộ quyển sổ tay viết về câu chuyện ấy, nhờ Hoàng cất hộ. Khoa tưởng Hoàng chưa biết nên Khoa nói:
  -Truyện này tôi viết về tôi, tất nhiên cũng dính dáng đến ông đôi chút, ông có tò mò muốn xem cũng không sao. Thật ra, tất cả những cái gì tôi viết vào đây, thì tôi với ông đã nói với nhau rồi. Bây giờ tôi đã có vợ có con, để cuốn sổ này ở chỗ tôi thì bất tiện. Tôi xin gửi ông giữ hộ, ông ở đây có một mình không ai dòm ngó. Khi nào có điều kiện tôi sẽ lấy về, để cho vợ con tôi xem mà hiểu được lòng tôi. Tất nhiên cũng chẳng có gì phải dấu diếm, bởi tất cả nó là sự thật.
   Khoa ngồi im lặng một hồi lâu rồi lại nói tiếp:
   -Tôi không nói, nhưng chắc là ông biết tại sao tôi lại viết truyện này, chắc chắn là phải có lý do. Lý do gì? Sau này ông cũng sẽ đoán ra. Chỉ có điều, lúc nào tôi cũng nói nó là sự thật. Nhưng ông đừng vội tin, bởi vì người viết chưa hẳn đã khách quan, mà chỉ đưa thông tin một chiều sao cho có lợi cho ý đồ của mình…
    Đêm hôm ấy, Khoa ở lại Hòa Bình với tôi, hai thằng ngồi với nhau dưới gốc cây Quéo. Trăng trung tuần đã gác trên đỉnh đồi sau nhà mà hai thằng vẫn chưa hết chuyện. Khoa bắt đầu từ  buổi chơi bóng chuyền bị thua, sau đó là những suất cơm định mệnh. Khoa kể:
   -Thật ra là tại mình ham hố thể thao, toàn chơi quá giờ thì nhà bếp nào chờ được, mà họ thì có son rỗi gì cho cam, họ cũng phải về lo cho con cái ăn uống học hành chứ. Hơn nữa, họ đã gửi người mang hộ được một lần thì lần sau họ sẽ gửi mãi. Thế là: Tự nhiên trong tôi xuất hiện phản xạ có điều kiện, mặc nhiên thừa nhận chuyện cơm nước đã có người lo. Cứ như vậy, dần dà tiến đến ăn cơm chung, rủ nhau cải thiện, tổ chức liên hoan v.v, cuối cùng là góp gạo nấu cơm chung…
   -Ông bảo: Đang từ chỗ suốt ngày bận rộn với công việc, hết giờ là thể dục thể thao, tuổi thanh niên mải chơi nên ít khi nghĩ đến ăn uống. Khi ấy, chuyện ăn uống thất thường được chăng hay chớ, có thì ăn chẳng có thì nhịn. Đúng lúc như vậy lại có người giúp đỡ thì ai mà chả sướng, tôi nghĩ: Ngay cả ông thì ông cũng không thể từ chối được.
   -Mà tại sao lại từ chối, người ta giúp mình cơ mà? Có ai đòi hỏi công  cán gì đâu? Mà cũng chẳng phải người lạ, họ đều là người cơ quan, mọi người đều biết, ông biết tôi biết. Hơn nữa, người ta cũng đàng hoàng, trông cũng không đến nỗi nào, nhìn nhiều, nhìn lâu thành quen. Chính vì thế nên ngồi ăn uống với nhau trở nên bình thường, lâu lâu rủ nhau đi chợ ăn quà, mua thực phẩm về nhà nấu ăn cũng thấy vui vui. Tóm lại chẳng có lý do gì để từ chối.
   Hoàng ngắt lời Khoa:
   -Nhưng chắc chắn lúc đó, nếu ông chưa yêu thì ông phải thích cái gì chứ?
   -Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi nghĩ là không.
   -Hay thật, các cụ nói cấm có sai. Anh hùng không qua khỏi ải mỹ nhân. Chết cũng vì miếng ăn v.v. Ông bị cả hai thứ.
   -Ông đừng nói thế, Xuân nó nghe được thì nó buồn. Tất nhiên chuyện ấy là có thật. Tôi kể cho ông chi tiết này thì ông sẽ rõ ngay: Có lần, cô bạn cùng học với Xuân đến chơi. Hôm ấy, Xuân tổ chức nấu cơm tiếp bạn, hai người vừa làm vừa nói chuyện với nhau. Tình cờ, tôi nghe được cô bạn của Xuân nói: Gia đình rồi bản thân anh ấy mà như vậy là quá được, nếu bà không nhanh chân thì sẽ mất… Tôi biết họ đang nói về chuyện gì.
   -Lại còn chuyện này nữa. Xuân có một ông anh trai, có hoàn cảnh giống hệt như tôi với ông, cũng bộ đội bộ địa, sau lại về học tiếp. Lúc đó, ông ấy cũng đã tốt nghiệp đại học rồi, đang đi học ngoại ngữ để chuẩn bị đi nước ngoài, ông ấy cũng chưa có vợ. Thời gian học ngoại ngữ ở Hà Nội, ông ấy cũng hay đến chỗ em gái chơi và ăn uống cùng với chúng tôi. Hai thằng đàn ông mới quen, kể cho nhau nghe hết chuyện nọ đến chuyện kia vui vẻ lắm.
   -Lối đời, gặp người cùng cảnh ngộ bộ đội bộ địa, may mắn thoát chết trở về là hay hàn huyên, chén tạc chén thù. Những lúc ấy, không biết ông thế nào chứ? Còn tôi khi đã có mấy vại hay mấy chén vào thì coi trời bằng vung…
   Khoa im lặng một hồi lâu, rồi tiếp tục, giọng có vẻ hài hước chán đời:
   -Có lẽ đấy mới là nguyên nhân sâu sa…Đúng là cuộc đời có số, kể cũng hay…Số phận của những cuộc đời…Hà, Hà, Hà… Thôi mình đi ngủ đi, tôi vừa say lại vừa mệt rồi, đi ngủ mai còn dậy sớm để xếp hàng.
   Hoàng nằm nhưng không ngủ được. Hoàng nhớ như in, một buổi tối cách đây bốn năm năm, thời gian ấy là sau khi Khoa đã về Hà Nội được khoảng năm sáu tháng. Tự nhiên Khoa xuất hiện đột ngột ở Hòa Bình, Hoàng cứ tưởng là Khoa đi công tác nên cũng không hỏi han gì. Hai thằng nói chuyện với nhau một lúc, rồi Khoa nói vói Hoàng:
   -Tối nay ông có bận gì không? Nếu bận cũng gác lại, tôi có chuyện cần nói với ông.
   -Không! Tôi không bận việc gì. Nhưng có gì quan trọng mà ông phải lặn lội lên đây? Ông gây ra chuyện gì rồi lên đây trốn à?... Đùa tý cho vui, có chuyện gì thì nói đi.
   -Nói ở đây sao được! Tôi với ông ra đê Đà Giang.
   -Ừ! Đi.
   Dọc đường đi Hoàng gợi ý, nhưng Khoa vẫn im lặng, đến chỗ ngồi yên vị rồi, Khoa vẫn lặng yên. Tôi dục Khoa:
   -Nào! Có chuyện gì thì nói đi chứ sao cứ ngồi im?
   -…
   -Ông cứ nói đi xem anh em có giúp được gì cho ông không?
   -…
   -Bản lĩnh của thằng lính trong ông đâu rồi? Sẵn sàng nhận nhiệm vụ, biết đi vào chỗ chết vẫn đi, sao bây giờ ông lại sợ sệt đến như vậy? Khó mấy cũng có cách giải quyết, vấn đề là ông có nói hay không thôi.
   Do ngại ngùng và e thẹn nên Khoa nói không thành tiếng, Khoa điều chỉnh lại âm lượng và hỏi tôi:
   -Ông còn nhớ cái Xuân không?
   -Nhớ!
   -Ông thấy cô ấy thế nào?
   -Thế nào là thế nào? Ông định hỏi về cái gì?
   -Tôi sẽ lấy cô ấy, ông xem có được không?
   -Nhưng tôi có thấy ông nói yêu đương gì đâu mà bây giờ lại nói là sẽ lấy làm vợ.
   -Kiểu tình yêu sét đánh mà ông.
   Từ  thái độ đến cách nói chuyện của Khoa, tôi lơ mơ đoán chuyện gì đã xảy ra. Tuy tôi và Khoa rất thân nhau, nhưng đây là vấn đề tế nhị nên tôi không tiện hỏi thêm. Song Khoa hỏi tôi là có được không thì tôi phải nói là được hay không được chứ, không lẽ ngồi im. Thâm tâm tôi khi nghĩ về cô Xuân này so với Khoa, tôi thấy có cái gì đấy quá chênh lệch, Khoa thì tương đối hoàn thiện, các cụ xưa gọi là văn võ song toàn, còn Xuân thì không có gì để bàn. Nhưng đấy là tôi nghĩ, trong hoàn cảnh này tôi không nói bừa được vì nó là chuyện của cả đời người.
    Hai thằng ngồi im lặng không nói gì với nhau, không gian hình như bé lại, chỉ còn nghe thấy tiếng vặt cỏ sần sật của Khoa. Lúc này, tôi thương Khoa quá, chắc chắn chuyện Khoa nói không dừng lại tại đấy mà đã vượt quá tầm khống chế rồi. Chứ ngần này tuổi đầu rồi có chuyện gì ghê gớm mà làm cho Khoa phải suy nghĩ nhiều đến vậy. Làm sao đây? Tôi tự hỏi, nhưng chưa có câu trả lời.
   Khoa ngồi bên tôi bây giờ không còn là Khoa của gần mười năm trước nữa. Khi ấy, Khoa nhanh nhẹn hoạt bát và tự tin. Tôi còn nhớ: Hôm ấy, tổ công tác của chúng tôi đi sớm để tránh OV10 phát hiện, bất ngờ tôi gặp Khoa ở ngầm Phượng Hoàng. Buổi sáng rất đẹp, trời Quảng Trị xanh cao lồng lộng, nhìn Khoa hiên ngang hùng dũng, đúng tư thế của một chiến sĩ quân giải phóng. Khoa đã cao to đẹp trai, mặc bộ quân phục vải Tô Châu còn mới lại vừa vặn, khẩu AK vát nòng khoác chéo trước ngực, bao xe nặng quá chảy trễ bên hông, chiếc mũ tai bèo hất về phía sau lưng, miệng Khoa cười tươi trên đôi môi đỏ chót, hai lúm đồng tiền ẩn hiện sau bộ râu quai nón. Hai thằng gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau vài lời hỏi thăm anh em đồng đội rồi lại vội vàng chia tay nhau, hẹn lần sau gặp lại.
   Tôi chợt tỉnh, quay trở lại với câu hỏi của Khoa, tôi nói với Khoa có tính chất thăm dò, nước đôi:
   -Tôi không biết nhiều về Xuân, nhưng tôi cho rằng: Xuân là một cô gái tốt, bấy lâu nay ở cơ quan chẳng có điều tiếng gì. Cứ cho rằng ông chưa có tình yêu với Xuân, vậy ông hãy nghĩ lại mà xem, thời chiến tranh có bao nhiêu đôi lứa như vậy. Tôi nghĩ: Nó cũng là chuyện  thường tình, quan trọng là hai người khi đã là vợ chồng rồi thì sống với nhau thế nào? Còn khi yêu thì cái gì chả tốt, chả đẹp. Thứ nữa, người tính không bằng trời tính, âu cũng là số phận, mấy ai cưỡng được.
    …Đêm hôm ấy, tôi trở thành người hùng biện. Cái quan trọng là trùng với suy nghĩ của Khoa, nên trong tự truyện Khoa nói: Tôi là giọt nước tràn ly.
(Còn nữa).
Logged
Vixuyen-hg
Thành viên
*
Bài viết: 260


« Trả lời #304 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2014, 07:43:12 pm »

Chào Bác quânvietnam
Tiếp đi Bác ơi 5 ngày em lên không thấy
Bùn bùn làm sao ấy ...chúc bác lun mạnh khỏe 
Viết thêm nhiều dòng ký ức cho chúng em đọc và thưởng thức
Kính chúc Bác vui khoẻ
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #305 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2014, 01:33:52 pm »

Chào bạn Vixuyen-hg, cùng toàn thể các bạn trên diễn đàn. Quanvn hết sức cố gắng để không làm mọi người phải chờ đợi, phải cái lực bất tòng tâm, chỉ sợ dục tốc bất đạt. Mong vixuyen-hg cùng các bạn thông cảm. Hen sớm gặp lại.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #306 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2014, 09:44:16 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
           Cùng thời gian này ở quê. Nguyệt, chị Thịnh cũng đang âm thầm thực hiện chiến dịch vận động mẹ Hoàng để Hoàng lấy vợ ở quê. Mẹ Hoàng vì tình làng nghĩa xóm, hơn nữa bà nghĩ: Bao nhiêu năm chiến tranh, Hoàng với chị Thịnh và Nguyệt gắn bó thân thiết, đối xử với nhau như chị em ruột thịt, bà không dám nói ra cũng chẳng nỡ lòng nào từ chối. Thành ra, mỗi lần chúng gặp bà để nói về chuyện này, bà cứ ậm ờ cho qua chuyện, bà không muốn làm phật lòng chị Thịnh và Nguyệt,  với lại bà cũng không muốn áp đặt thằng con trai vất vả và lận đận nhất nhà của bà.
   Thực ra, chúng nó nói cũng có lý lắm, đôi lúc bà cũng siêu lòng. Hai đứa con gái quá lứa chưa chồng, vây quanh để tấn công bà già thì làm sao mà bà không ngiêng ngả được. Nhưng thật tình bà cũng thương hai đứa chúng nó, nếu như không vì chiến tranh chắc là chúng cũng có chồng con đề huề như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cái duyên cái số khốn khổ thế nào mà trai làng người thì hy sinh vì chiến tranh, người thì vội vã xa quê để kiếm kế mưu sinh, thành ra chúng nó bây giờ thành gái ế…
   Bây giờ, nếu thằng Hoàng mà nghe chúng nó thì được cả hai đàng, mà bà là người vui nhất, vì vừa thêm con lại vừa thêm cháu thiên hạ mấy người được như vậy. Nhiều đêm bà không ngủ được nên cứ nghĩ vẩn vơ, chẳng biết nghe ai, thôi thì thế nào cũng được. Quan trọng nhất đối với bà bây giờ là thằng Hoàng phải lấy vợ, còn lấy ai tùy nó quyết định, mình cũng chẳng hơi đâu mà bàn. Nhỡ ra sau này vợ chồng chúng nó có chuyện gì nó lại đổ tại mẹ, thôi chẳng dại…
   Những lần về thăm nhà bà lại mang chuyện này kể cho Hoàng nghe, một lần tiện thể Hoàng ướm hỏi xem ý mẹ thế nào:
   -Vậy ý mẹ thế nào?
   -Bố mẹ bảo tùy anh thôi, bây giờ anh lớn rồi, anh lại là cán bộ kỹ sư  anh tự quyết định lấy, sau này sướng khổ anh đừng có kêu, chúng tôi già yếu rồi cũng không đi theo anh được, anh tự liệu.
   Mỗi một lần về thăm nhà là một lần tâm tư tình cảm Hoàng bị giằng xé, chiến tranh đã đi qua gần chục năm rồi, mà Hoàng vẫn thấy nó đeo bám dai dẳng nặng nề, hệ lụy của chiến tranh cứ len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống. Bình thường, con người bằng ý chí và sự cần cù họ sẵn sàng khắc phục khó khăn để vươn lên. Nhưng khổ thay có phải chuyện gì cũng dùng ý chí và sức mạnh để vượt qua được đâu, có những chuyện không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.
   Nhìn chị Thịnh và Nguyệt, hai người già đi nhanh quá, tuổi thanh xuân của hai người chỉ còn ẩn hiện đâu đó theo tưởng tượng của Hoàng. Sự cô đơn lạnh lẽo, sự khắc nghiệt của thời gian, ngày lại ngày hủy hoại dần sắc đẹp của một thời con gái. Hoàng biết, bây giờ hai người đang cố chống lại sự già nua tuổi tác, nhưng sự khắc nghiệt của thời gian, nhất là sự cô đơn lạnh lẽo, hai thứ ấy lại không ủng hộ họ. Họ vẫn biết, dù họ có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì công của họ cũng như công của những con dã tràng, khi sóng biển ào lên xóa đi tất cả.
   Một lần ngồi nói chuyện với Nguyệt, Hoàng hỏi thật:
   -Từ ngày Hoàng xa nhà đi học rồi đi bộ đội, cho tới bây giờ Nguyệt đã yêu ai chưa?
   Thời gian và sự chịu đựng làm cho Nguyệt dạn dĩ, Nguyệt nói mà mặt ráo hoảnh, coi như đấy là chuyện bình thường không còn e thẹn như thời con gái:
   -Có chứ! Em yêu một người, nhưng không được người ta yêu lại, thành ra em chỉ thầm yêu trộm nhớ thôi.
   Nghe Nguyệt nói Hoàng thấy chột dạ, nghĩ ngay cái người mà Nguyệt vừa nói đấy biết đâu là Hoàng. Hoàng lúng túng, vội chuyển ngay chủ đề khác. Hoàng hỏi Nguyệt:
   - Ngày xưa, hồi còn ở nhà Hoàng thấy bọn thanh niên trong xã họ đến cưa cẩm Nguyệt đông quá, đông đến nỗi phải xếp hàng, hàng có bận dài đến tận ngoài cổng, nhiều anh ngồi ngủ gật mà không đến lượt, hôm sau lại xếp hàng lại. Có lẽ vì thế nên Nguyệt cành cao chăng?
   Nguyệt nghe câu hỏi bông đùa của Hoàng, lắc đầu cười chua chát, bóng dáng của sự già nua hằn lên làn da, khóe mắt, làm nụ cười khô héo vụt tắt ngay. Nguyệt định nói gì song lại thôi, Hoàng thấy Nguyệt có vẻ buồn nên lảng sang chuyện khác:
   -Hình như lúc trước, có lần Nguyệt nói với Hoàng là lên Trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng đón lấy một anh về nuôi cho có bầu có bạn cơ mà?
   -Ừ! Em với chị Thịnh đúng là có ý định ấy, nhưng không dám nói với ai, sợ nói trước bước không qua, thế mà đúng thật. Có lần, hai chị em bí mật đi nghe ngóng xem thế nào? Đến nơi nghe người ta nói cách thức thấy phức tạp, hai chị em không dám vào mà rủ nhau về luôn.
   Hoàng không bình luận đúng sai gì về chuyện chị Thịnh với Nguyệt định làm, nhưng Hoàng nghĩ: Cá nhân mỗi con người dù có cố gắng hết sức, cố cả đời đi nữa, cũng không thể bù đắp được mất mát cho những thương binh nói chung, thương binh nặng nói riêng. Để tri ân họ, chỉ có cách cả xã hội và gia đình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng họ cho hết cả cuộc đời. Thực tình họ đâu có mong muốn điều ấy, họ không muốn mình là gánh nặng của gia đình của xã hội.
    Chính vì suy nghĩ như vậy, nên biết đâu đấy, trong số những người thương binh ấy, có những người không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình vợ con. Họ không muốn cho người thân quen nhìn thấy bộ dạng méo mó của mình sau chiến tranh, vì vậy họ cố tình giả vờ quên đi tất cả để không lộ thân phận, phó thác quãng đời còn lại để tự nó chìm nổi. Và có thể từ suy nghĩ ấy, dẫn đến việc họ sẽ từ chối tình cảm riêng tư của những người như chị Thịnh và Nguyệt.  Hoàng nghĩ: Ý tưởng của chị Thịnh và Nguyệt, đón thương binh về nuôi sẽ khó thành hiện thực.
   -Bây giờ Nguyệt định thế nào?
   -Anh hỏi em định thế nào? Em biết trả lời anh sao đây? Bọn con gái chúng em làm gì có quyền định đoạt chuyện chồng con. Số phận đã an bài rồi, thôi thì bằng lòng với số phận.
   Lại một lần nữa, Hoàng chạm vào nỗi đau của Nguyệt. Hoàng hối hận, chuyển vội sang chuyện Nguyệt đang làm mối cho Hoàng. Hoàng hỏi Nguyệt:
   -Anh nghe thấy mẹ anh nói, Nguyệt đang làm mối cho anh một cô gái ở xóm trong, có đúng thế không?
   Nguyệt mỉm cười. Ôi! Nụ cười bây giờ sao xinh thế? Có lẽ đã lâu rồi Hoàng mới lại được nhìn thấy nụ cười tươi tắn nở trên đôi môi của Nguyệt. Hoàng chưa hiểu vì sao khi nói đến chuyện này, Nguyệt vui vẻ hoạt bát hẳn lên. Nguyệt hỏi Hoàng:
   -Bác còn nói chuyện gì nữa không?
   -Nhiều chuyện lắm, nhưng trong đó có chuyện anh lấy vợ.
   -Thế ý anh thế nào?
   -Tất nhiên là anh sẽ lấy vợ.
   -Đúng là anh sẽ lấy vợ, nhưng mà anh lấy vợ ở đâu? Lấy người cùng cơ quan hay là lấy người ở quê?
   -Theo em thì anh nên thế nào? Lấy ở quê hay ở cơ quan?
   -Cái đấy tùy theo gia cảnh nhà mình mà quyết định, em làm sao biết được.
   -Gia cảnh nhà anh thì Nguyệt biết quá rõ rồi, vậy Nguyệt cho anh lời khuyên thế nào?
   -Em không nói thì chắc chắn anh cũng biết rồi, vì bác gái đã kể chuyện  với anh. Có lần em với chị Thịnh nói chuyện với bác gái, muốn anh lấy vợ ở quê, hai chị em bàn với nhau thấy mọi thứ đều thuận lợi, nên xui bác gái nói với anh. Bây giờ em nói lại, để anh nghe xem ý anh thế nào:
  -Bố mẹ anh bây giờ còn trẻ, sau này bố anh về hưu, mẹ anh cũng sẽ già đi, lúc đó cần có người trông nom lo đỡ đần miếng cơm ngụm nước. Trẻ thì cậy cha già thì cậy con mà. Cái đó rất quan trọng đối với người già, nhưng có lẽ không quan trọng bằng tiếng cười của trẻ thơ bên những mái đầu bạc phơ. Điều ấy nó còn phản ảnh lên phúc đức, gia phong của một gia đình, ở quê điều này không thể không có.
  -Thử hỏi nhà anh bây giờ ai là người lo việc ấy? Nhà có bốn anh em trai, hai chị em gái. Bốn anh em trai thì hai đã có gia đình ở tận Miền Nam, còn anh thứ ba đang đi bộ đội, biết bao giờ mới về để xây dựng gia đình, hai chị em gái tuy lấy chồng ở quê nhưng cũng cách hai ba chục cây số. Khi ấy hai ông bà già sống cô quạnh, mọi người chê cười nhà ấy anh em không biết bảo nhau v.v.
  -Nhưng nếu anh lấy vợ ở nhà thì anh sẽ khắc phục được tất cả những điều em nói ban nãy, tất nhiên khi đó gánh nặng gia đình và sự vất vả sẽ tập trung vào hai vợ chồng anh. Nhìn hoàn cảnh gia đình anh hiện nay, em nói thật với anh chứ, anh có lấy vợ ở đâu thì em không biết, còn lấy vợ ở Miền Bắc, anh vẫn phải gánh vác trọng trách ấy, sự vất vả cũng chỉ tập trung vào vợ chồng anh thôi.
  -Anh mà lấy vợ ở nhà, em cho là có mấy cái lợi. Thứ nhất là bố mẹ già của anh có vợ anh chăm sóc, thứ hai con cái của vợ chồng anh sinh ra có ông bà trông nom. Thứ ba là những công to việc lớn, có anh em chú bác ruột thịt và làng xóm láng giềng mỗi người một chân một tay xúm vào là xong hết. Tóm lại, là anh cứ yên tâm công tác không phải lo lắng gì, nếu có thời gian rỗi hay nghỉ phép thì về thăm nhà. Em nghĩ thế là hay nhất, phụ nữ chúng em bây giờ đang mơ ước có được gia đình như vậy.
   -Với lại…
   Nguyệt đang định nói thêm, đột ngột dừng lại nhìn Hoàng để chờ xem phản ứng của Hoàng thế nào? Đợi Nguyệt nói tiếp, nhưng mãi vẫn thấy Nguyệt ngồi im, Hoàng dục:
   -Với lại cái gì?
   Nguyệt cười bẽn lẽn, có vẻ e thẹn, nhưng vẫn chăm chú quan sát thái độ của Hoàng, thấy Hoàng không có biểu hiện gì khác. Nguyệt hỏi:
   -Thế bác gái không nói gì nữa à!
   -Không!
   -Thật không?
   -Thật!
   -Bọn em bảo với bác gái là: Nếu anh Hoàng đồng ý lấy cái Luyến, bác cứ bắt anh Hoàng đẻ nhiều vào, đẻ ba bốn đứa, rồi cho chúng cháu mỗi người một đứa để làm con nuôi. Lúc nào về mẹ đẻ thì về, lúc nào không thích thì về mẹ nuôi, xóm trên với xóm dưới lo gì.
   Hoàng nghe Nguyệt nói thế, phì cười và nói:
   -Nghe em nói anh thấy chuyện gì cũng dễ như không ấy, anh đã vậy còn người ta, bố mẹ và họ hàng người ta nữa chứ? Anh nghĩ: Không đơn giản như vậy đâu, sẽ còn rất nhiều vấn đề mà em chưa lường hết được.
   -Chuyện ấy anh yên tâm, anh không phải lo lắng gì, chỉ cần anh đồng ý mọi chuyện đâu sẽ vào đấy hết.
   -Em nói cứ như đùa. Cái cô gì mà em nói đấy, chưa biết anh, ngược lại anh cũng chưa biết cô ấy, bảo anh đồng ý, làm sao anh đồng ý được. Mà cứ cho là anh đồng ý đi, cô ấy đã biết gì về anh đâu mà đồng ý hay không đồng ý. Đúng là bà mối một mùa, thế mà cũng đòi làm mối.
   Thấy Hoàng cười nhạo, Nguyệt tức lắm, không biết giải thích thế nào, cùn lên Nguyệt nói giọng đầy bực tức:
   -Người ta lo cho mình, đã không được lời cảm ơn lại còn bôi bác. Hay đã có đám nào rồi nên từ chối khéo? Có hay không, chỗ bạn bè cứ nói toạc ra cho đỡ mất công, nhọc cả người.
   Thấy Nguyệt tự ái Hoàng cũng hơi nhụt chí, thực ra Hoàng đã có đám nào đâu. Thầy tử vi nói Hoàng tuổi Kỷ sửu số đào hoa lắm, thế mà chẳng thấy gì gọi là đào hoa, giờ này vẫn trơ thổ địa một mình. Nhưng nếu chỉ quen nhiều phụ nữ mà nói là đào hoa thì thầy tử vi nói đúng.   Đúng là Hoàng quen rất nhiều cô gái, trong cơ quan cũng có, ngoài thị xã cũng có, nhưng tất cả đều như chuồn chuồn đạp nước, họ đến rồi lại đi, Hoàng không vấn vương gì. Có lẽ ngày xưa là Nguyệt và gần đây là Thủy, hai người để lại cho Hoàng biết bao nhiêu kỷ niệm cùng với dấu ấn theo thời gian. Hình như ngày nào cũng vậy, ít nhất là một lần Hoàng nhớ về họ, tất nhiên là nỗi nhớ vu vơ không đi đến bến bờ nào. Rõ ràng, Nguyệt với Hoàng không thể thành vợ thành chồng được, tốt lắm là được như bây giờ. Hoàng với Thủy có lẽ cũng chẳng đi đến đâu, chim trên trời, cá dưới sông…
   Hoàng nhìn chằm chằm vào mắt Nguyệt, bốn mắt nhìn nhau không chớp. Thấy Nguyệt buồn thật sự, Hoàng đành xuống nước, tìm cớ dàn hòa. Hoàng vỗ về Nguyệt:
   -Được rồi! Xin cám ơn! Hôm nào bà mối cho chúng tôi gặp nhau, tôi sẽ phát biểu sau. Được chưa?
(Còn nữa).
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #307 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2014, 10:11:13 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
      Mới đấy mà đã ba bốn năm rồi, bây giờ cả Khoa và Hoàng đã có vợ có con. Vợ chồng Khoa làm ở Trung tâm nghiên cứu và thiết kế thủy điện Hà nội, vợ chồng Hoàng mỗi đứa mỗi nơi, Hoàng công tác ở Đoàn thiết kế thủy điện Hòa Bình còn vợ Hoàng là giáo viên cấp hai dậy học ở quê, sống với bố mẹ Hoàng. Vợ chồng Khoa và vợ chồng Hoàng đều có con gái đầu lòng, được hơn hai tuổi. Các cụ bảo: Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng Khoa và Hoàng hơi khác vì hai thằng có quá nhiều cảnh chung, trong đó cảnh chung đặc biệt nhất vẫn là: Những người lính từ chiến trận trở về.
   Cuộc sống của vợ chồng Hoàng cũng thấy tạm ổn, nếu không muốn nói là rất hạnh phúc. Cả nhà từ ông bà đến các con các cháu khi nào cũng vui vẻ, mỗi lần Hoàng tranh thủ về thăm nhà, không khí gia đình tràn ngập tình yêu thương.
   Những ngày này, đất nước vừa trải qua chiến tranh, điều kiện kinh tế toàn xã hội còn đang khốn khó lắm, nhiều nhà còn thiếu đói, thậm chí đứt bữa. Vậy mà nhà Hoàng, không hiểu tại sao? Mỗi lần Hoàng về thăm nhà, bố mẹ đều gọi các con các cháu đến ăn cơm gia đình, thế nào bố cũng mổ gà hay ngan ngỗng gì đó. Ngoài ra, những ngày Hoàng ở nhà, bữa cơm nào cũng có thịt hay cá. Nhiều lần như vậy nên Hoàng thấy băn khoăn, không dám hỏi bố mẹ.
  Tất nhiên những thứ này là ông bà nuôi được, chỉ để dành khi nào các con các cháu đi công tác về hay là giỗ chạp gì đó, một năm có lẽ cũng đến bốn năm bận như vậy. Những hôm như thế thật là vui, con cháu đông đủ, lại thêm ông bà thông gia nữa, không khí gia đình tràn ngập tiếng cười. Vui thì vui thật, nhưng sau đấy Hoàng không khỏi không nghĩ ngợi đến trách nhiệm của mình.
    Một hôm nằm bên vợ Hoàng thăm dò:
   - Này em, tiền lương của hai vợ chồng mình, em đưa hết cho ông bà à?
   -Không! Em đưa nhưng ông bà không lấy, Ông bà bảo: Anh chị cứ giữ lấy để lo việc nhà cửa của vợ chồng con cái, lương hưu của ông cộng với bán con gà con ngan, mớ rau mớ cỏ, chúng tôi cũng đủ tiêu rồi, khi nào chúng tôi thiếu thì chúng tôi xin. Thấy ông bà nói thế em ngại lắm, em tìm cách nói khéo, đưa cho bà mấy đồng để bà mua quà cho ông. Nói mãi bà mới cầm, nhưng tiền ấy thực ra bà mua quà cho con Cún nhà mình, chứ ông có ăn uống gì đâu. Giả như em có mua đồng quà tấm bánh cho ông bà, thì ông bà lại gọi Cún đâu, thế là Cún ăn trước ông bà ăn sau.
   Hoàng càng băn khoăn nên thắc mắc:
   -Nhưng sao lần nào anh về bố mẹ cứ mổ ngan mổ gà?
   Ánh đèn phòng ngủ lờ mờ, Hoàng thấy vợ mỉm cười đầy bí hiểm và nói với Hoàng:
   -Cái đấy thì em chịu, anh đi mà hỏi ông bà. Mà anh thấy đấy, ngày nào cũng như ngày nào ông bà vác cuốc đi trước, đàn gà đàn ngan lẽo đẽo theo sau, ông bà cuốc xới đến đâu chúng xông vào nhặt giun nhặt dế, ăn đến khi căng cả bụng không còn bước nổi, ông bà mới xua về. Làng xóm mọi người bảo ông mát tay, nên nuôi con gì cũng lớn nhanh như thổi, ăn không hết ông bà còn bán nữa. Có bận, đàn gà bị rù chết mấy con, ông bà ngồi nhìn tiếc đứt ruột. Ông cứ lẩm bẩm, thế này thì Cún của ông ăn cơm với muối rồi.
   -Được cái ông bà chỉ nuôi con chó con mèo, với bầy gia cầm nên, cũng không đến nỗi vất vả. Ông bà không dám nuôi lợn, bà bảo: Nhà neo người không đủ thức ăn cho nó. Ngày xưa phải nuôi vì phải đóng góp tiêu chuẩn thịt cho HTX theo đất 5%, với lại khi ấy con đông nên cố tận dụng đồ ăn thừa, nước vo gạo, củ khoai củ sắn, còn rau cỏ kiếm ở ngoài đồng để chăn nuôi, nuôi đến cả năm cũng chỉ được hai ba mươi cân. Bây giờ các anh các chị lớn hết rồi, có gia đình riêng, chúng tôi thuộc diện hết sức lao động  không còn phải đóng góp gì nên thôi không nuôi nữa. Nuôi nó vất vả lắm, mẹ con Cún có muốn nuôi mẹ giúp một tay. Em thấy mẹ nói thế, em sợ rúm lại nhưng không dám nói gì.
   Ngừng một lát, đến lượt vợ Hoàng thắc mắc:
   -Nhưng mà sao anh lại băn khoăn điều ấy?
   -Anh băn khoăn vì bố mẹ già rồi, thường ngày ăn chẳng dám ăn, cái gì cũng chắt bóp để dành cho con cho cháu. Suốt năm suốt tháng ăn mắm ăn muối, con cái về thì mổ gà mổ ngan. Anh nghĩ thấy thương ông bà quá, em có làm cách gì để bồi dưỡng cho ông bà không?
   -Anh nói vậy, nhưng mẹ lại nói với em là: Mẹ con Cún nhớ phải bồi dưỡng cho bố con Cún, bố nó khi còn bé hay ốm đau sài đẹn, lớn lên đi học rồi đi bộ đội vất vả lắm, lại luôn phải sống xa nhà, không ai chăm sóc, ăn uống thì thiếu thốn khổ sở. Ngay bây giờ cũng vậy, năm thì mười họa mới được về nhà, ở cơ quan toàn ăn cơm tập thể, bếp tập thể mẹ biết rồi, chẳng có bao giờ được nóng sốt cả. Nó về, con tìm cách bồi dưỡng cho nó, ông bà có có đàn gà đấy cứ mổ hết cho bố con nhà nó ăn, nuôi được thì ăn chứ để làm gì…
   -Lại còn chuyện này anh ạ! Mẹ với bác Thịnh bác Nguyệt lúc nào cũng  nhắc: Cái Cún đã gần ba tuổi rồi, đẻ thêm đứa nữa đi để cho nó bế em. Thế mẹ không nói với anh à?
   Hoàng bắt đầu vỡ lẽ điều mình thắc mắc, hắng giọng e hèm kiểu kích động và hỏi vợ:
   -Mẹ, bác Thịnh bác Nguyệt nhắc hay em nhắc? Khai ra!
   Một cái véo như đứt mảng thịt bên hông, Hoàng quay người né tránh, tiện thể ôm choàng lấy vợ. Niềm hạnh phúc ngập tràn Hoàng ôm chặt vợ vào người hôn tới tấp, hôn đến nỗi cả hai không kịp thở nhưng vợ vẫn ghì chặt lấy Hoàng, nói đứt đoạn trong hơi thở gấp:
   -Ông bà còn đang thức đấy! Thôi nào, cứ quờ quạng linh tinh Cún con nó tỉnh dậy bắt gặp ê mặt bố mẹ
   -Mặc kệ!
   Hoàng lại ôm chặt vợ vào lòng, cố kìm hãm sự sung sướng. Vợ ghé vào tai Hoàng nói thì thầm, kiểu khất nợ:
   - Từ từ! Chờ ông bà ngủ say đã…
    Nằm bên vợ Hoàng nhớ đến những ngày đầu hai đứa gặp nhau. Theo lời Nguyệt căn dặn thế ấy thế nọ, đúng 5 giờ chiều Hoàng đến đón Luyến ở cổng trường cấp 2 Bồng Lai, Hoàng không biết Luyến, nhưng Luyến lại biết Hoàng, đấy là nghe Nguyệt nói thế, chứ Hoàng không hỏi tại sao? Trong khi chờ đợi, Hoàng đứng khuất sau gốc cây xà cừ cổ thụ to ở cổng trường. Hoàng cảm thấy yên tâm khi chọn được chỗ này có góc quan sát tuyệt vời, phía trong trường đi ra không ai có thể phát hiện được Hoàng, ngược lại đứng đây Hoàng có thể quan sát sâu vào đến tận sân trường, Luyến đi ra là biết ngay.
   Đứng được một lát, Hoàng nghĩ Nguyệt có vẻ rắc rối, Hoàng với Luyến chưa quen biết gì nhau mà đã đưa với đón. Hoàng lẩm bẩm: Đúng là bà mối nửa mùa. Mà không hiểu động cơ gì mà Nguyệt lại nhiệt tình đến thế? Vì sợ Nguyệt tự ái, nên Hoàng không nói gì cứ lẳng lặng nghe theo. Lúc Hoàng nhận lời đi đón Luyến, Hoàng chỉ có hỏi lại:
   -Anh chưa biết Luyến hình dáng thế nào? Biết ai mà đón?
   -Được rồi! Anh cứ đứng chờ ở cổng đấy, thấy cô gái nào không cao cũng không thấp, không đen cũng không trắng, trông đậm đậm người, tóc tết đuôi sam, hai bím tóc dài đến khoeo đầu gối, dầy đen như tóc em đây này. Cô gái ấy chính là cô giáo Luyến.
   Bây giờ nghĩ lại, Nguyệt vẽ ra việc đi đón Luyến, Hoàng thấy Nguyệt quá thông minh. Hoàn cảnh của Hoàng khi ấy không thể hẹn hò mời Luyến đi chơi được, Luyến đã biết gì về Hoàng đâu mà nhận lời. Mặt khác Hoàng không biết ở quê mọi người làm quen kiểu gì? Hoàng không biết cách đôi khi thành ra quê một cục…
   Mà hình như số phận ấy? Lúc đầu Hoàng sợ Nguyệt tự ái nên Hoàng đồng ý gặp Luyến để cho Nguyệt bằng lòng thôi, chứ thời buổi này ai lại để cho bạn gái làm mai làm mối, như thế mình còn ra thể thống gì. Hơn nữa, Hoàng lúc nào cũng tin vào chính bản thân mình, đã cao to đẹp trai, lại ăn nói có duyên thì chắc chắn sẽ không ế vợ mà chỉ có vợ xấu hay vợ đẹp mà thôi. Thôi thì, cứ giả vờ làm theo chỉ dẫn của Nguyệt xem sao? Nào ngờ, đúng là duyên phận.
   Hôm ấy là buổi chiều cuối Thu đầu Đông không có ánh nắng mặt trời, lũ trẻ tan học ào ra đường. Bọn học trò thoát khỏi sự kìm kẹp của thầy cô được tự do thỏa sức vẫy vùng, chúng í ới rủ nhau cùng về, đứa này thì hỏi điểm bài kiểm tra, đứa kia thì hẹn hò cho mượn sách để chép bài. Mấy ông tướng nghịch ngợm dùng dây buộc tóc của mấy đứa con gái, tóc đứa này nối sang tóc đứa khác, tai quái nhất vẫn là trò viết linh tinh vào tờ giấy, rồi treo vào lưng áo của bạn, bọn trẻ đọc được ôm nhau cười rũ rượi.
   Bây giờ đất nước thanh bình, bọn trẻ mặc sức nô đùa. Đúng là, nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, chúng bầy ra đủ trò để trêu bạn, vui cười thỏa chí, tiếng cười ròn tan âm vang cổng trường. Tâm hồn chúng trong sáng quá, có lẽ trong tâm tưởng của chúng lúc này, không còn hình bóng của chiếc mũ rơm ngày xưa dùng để đội đến trường đi học. Nhìn chúng, Hoàng thấy nao nao, những kỷ niệm của tuổi học trò lại ùa về, ngây ngất…
   Không gian huyên náo. Nhìn bọn trẻ vô tư hồn nhiên, Hoàng tự nhiên thấy mủi lòng, nghĩ mà thương. Hoàng ngày xưa với chúng nó bây giờ cũng chả khác gì nhau, đi học mà quần áo lôi thôi lếch thếch, có gì mặc nấy, đứa thì dép đứa thì giầy, đứa thì chân đất. Sách vở, đứa có cặp, đứa có túi dết cho vào cặp, vào túi đeo trên vai trông còn đỡ, còn những đứa không có túi mà cầm ở tay, thật bôi bác trông chả giống một cậu học trò.
   Đã thế sách vở lại nhầu nát, bẩn thỉu, mực xanh mực tím nhọ nhem dính từ trong ra ngoài, trông không ra hồn quyển sách. Hoàng đoán: Chắc là chúng phải giữ dìn lắm mới được như vậy, bởi vì bố mẹ chúng luôn mồm căn dặn là giữ cẩn thận để cho các em lớn lên có sách mà học. Đúng vậy, có những quyển sách phải qua tay nhiều người sử dụng lắm nên ngấm mùi mồ hôi khét lẹt…Nghĩ thế, Hoàng khẽ lắc đầu.
   Lũ học trò tản ra các ngả ra về, cổng trường vắng vẻ hẳn đi. Bây giờ chỉ còn lại những cây bàng và cây xà cừ cổ thụ đứng lại cùng Hoàng  chờ Luyến, Hoàng chăm chú nhìn vào trong sân trường.
  Kia rồi, người đang chăm chú bước đi kia, chắc chắn là Luyến, không sai được. Tự nhiên Hoàng thấy hồi hộp, tim đập mạnh. Hoàng lùi lại để cho gốc cây che khuất Hoàng, bao nhiêu ý tưởng chuẩn bị trước để nói chuyện với Luyến tự nhiên Hoàng quên biến, Hoàng lúng túng, không biết nên bắt đầu từ đâu.
   Luyến bước đến nhanh quá, không kịp nghĩ nữa rồi, tự nhiên thấy hai tai nóng ran, Hoàng tự trách mình: Rõ chán, mang tiếng chinh chiến khắp mọi nơi, thế mà bây giờ gặp cô giáo quê lại mất bình tĩnh. Đúng là đến ngày chọi thì gẫy mỏ…
(Còn nữa).
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #308 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2014, 10:53:53 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
   -Em chào anh Hoàng!
   Thấy Luyến rất tự nhiên, Hoàng hơi ngại, lúng túng chào lại:
   -Tôi, tôi chào cô giáo! Em là cô giáo Luyến à?
   -Vâng! Em là Luyến.
   -Sao cô giáo Luyến lại biết tên tôi?
   -Chuyện ấy đơn giản mà anh. Chị Nguyệt bảo với em là bạn chị ấy đến đón em, em đoán ngay là anh Hoàng, ngoài anh ra thì chẳng còn ai. Thế anh Hoàng về bao giờ?
   Hoàng nghĩ, cần đổi cách xưng hô cho thân mật, ai lại một điều cô giáo Luyến, hai điều cô giáo Luyến nghe có vẻ như ông đồ nho. Bây giờ Hoàng đã lấy lại được tinh thần và phản công:
   -Tôi cũng mới về được mấy hôm, nhưng sao Luyến lại hỏi tôi về bao giờ? Chắc hẳn là chị Nguyệt đã nói về tôi cho Luyến biết có đúng không?
   -Chả ai nói em cũng biết. Em nói thật với anh chứ bọn con gái quê mùa như chúng em suốt ngày quanh quẩn với ruộng vườn, chẳng được đi đến đâu vì thế ở quê có bao nhiêu anh con trai, xóm trên bao nhiêu xóm dưới bao nhiêu, Tây Sơn bao nhiêu, Đông Yên, Nam Yên bao nhiêu là bọn em biết hết. Anh nào đã hy sinh ở chiến trường, anh nào còn sống, bây giờ các anh làm gì ở đâu đã có vợ con chưa? Bọn em theo dõi thường xuyên, các anh không biết chúng em nhưng chúng em lại biết các anh. Làng này anh với anh Kế nhập ngũ khi ở trường đại học, mà bọn em còn biết nữa là.
   -Thế à? Bọn anh đi ra ngoài làm ăn vất vả nên không có thời gian nghĩ đến việc ấy, đôi khi lại còn nhầm lẫn người này với người kia nữa cơ. Thời gian cứ trôi đi, lớp lớn thì già đi, lớp trẻ lớn lên, mỗi lần về quê nhìn ai cũng thấy lạ.
   -Đúng vậy, với lại các anh còn phải phấn đấu nhiều thứ , thời gian đâu mà nghĩ đến quê. Có nghĩ thì cũng chỉ nghĩ đến bố mẹ anh em ruột thịt, mấy khi nghĩ đến người khác.
    Vừa nói, Luyến vừa đưa mắt nhìn Hoàng dò xét. Hoàng nghĩ thầm, nếu Luyến không được Nguyệt mớm cho thì làm sao mà biết được, đã vậy cứ để yên xem sao? Theo tinh thần ấy, khi Luyến nói chuyện, Hoàng chỉ chú ý lắng nghe và phân tích xem có sự mớm chuyện của Nguyệt không? Hôm nay Hoàng định bụng sẽ cưa sừng làm nghé, giả ngây giả ngô cốt là để ghi điểm với Nguyệt.
    Luyến không hiểu được ý đồ của Hoàng nên cảm thấy có sự gượng ép, Luyến chủ động dục Hoàng:
   -Anh em mình về kẻo tối, nhà em đi về hướng này. Đúng là bắt tội anh Hoàng, em đã nói với chị Nguyệt, chị cứ lấy xe em mà đi, tan trường em đi bộ về nhà cũng được. Thế mà chị rứt khoát không chịu, chị bảo em cứ chờ ở trường chị đã nhờ anh Hoàng bạn chị đến đón.
   -Thì ra vậy!...
   Hoàng định nói: Thì ra Nguyệt lấy xe của Luyến để Hoàng có điều kiện đến đón, nhưng sợ lộ ý đồ của Nguyệt, Hoàng vội chữa ngay:
   -Thì ra vậy! Luyến mới biết tên tôi có đúng không? Tôi nghĩ: Từ bé đến bây giờ tôi mới gặp Luyến lần đầu, làm sao Luyến có thể biết mặt biết tên tôi? Đúng là dấu đầu hở đuôi rồi.
   Thấy tôi mở lời, thái độ có vẻ cởi mở hơn. Luyến nhìn tôi cười không nói gì, nhưng trong suy nghĩ của Luyến chứa đựng ẩn ý: Còn hơn thế nữa ông anh ơi! Chị Nguyệt kể hết về anh cho em nghe rồi.
   Hai đứa lên xe, xe bắt đầu chuyển bánh, cả hai người nặng lắm chỉ hơn một tạ, nhưng không sao lái được, xe cứ ngoặt ngoẹo kiểu như lỏng cồn phốt. Hoàng với Luyến đành phải xuống kiểm tra lại. May mắn phát hiện sớm không thì có khi ngã đau chứ chẳng chơi. Mối hàn rắc co càng đằng trước sắp đứt, không thể đi được nữa.
   Không nói ra, nhưng trong lòng Hoàng thấy có cái gì đó khác thường. Việc xảy ra như thế này, không biết là hữu ý hay vô tình? Chắc là vô tình thôi, xe này Hoàng mượn của ông chú chứ có phải Nguyệt mượn đâu mà hữu ý. Hoàng nghĩ: Dẫu sao cũng có vấn đề, đây có thể là điềm báo trước.
   Hoàng dắt xe, lững thững đi bên Luyến vừa đi vừa nói chuyện, thôi thì đủ loại chuyện, chẳng chuyện nào ăn nhập vào chuyện nào. Toàn là chuyện được trả lời theo câu hỏi, cứ một bên hỏi thì bên kia trả lời.
   Tuy nói chuyện với Luyến, nhưng Hoàng vẫn để ý đến những cái nhìn tò mò của những người đi đường, trong khi ấy Luyến luôn mồm chào hỏi hết người nọ sang người kia. Tận dụng thời gian Luyến nói chuyện với mọi người, Hoàng quan sát Luyến rất nhanh. Ngoài những mô tả ban đầu của Nguyệt về Luyến  ra, Hoàng có nhận xét: Luyến có kiểu dáng trông hao hao giống Thủy, nhưng đậm hơn. Hoàng cười thầm: Lại thon thon hình vại, thoai thoải hình chum nữa rồi. Dáng của Thủy, mọi người ở cơ quan Hoàng hay trêu: Trông con bé dày cùi, lưng chữ cụ vú chữ tâm, kiểu này mắn đẻ lắm đây, cả mái hại sống… Hoàng ơi!
   -Anh Hoàng cười gì vậy?
   Nghe Luyến hỏi đột ngột, Hoàng vội vàng nói tránh đi:
   -Anh cười là vì cô giáo mà nói ngọng, chữ L thành chữ N.
   Luyến cười bẽn lẽn:
   -Thi thoảng em bị thế, mặc dù em đã cố gắng nhưng không sao sửa được, may mà em là giáo viên dậy toán, chứ dậy văn thì chắc là không được.
   Hoàng và Luyến, đi tắt qua cánh đồng đã được cày ải để chuẩn bị đất cho vụ đông. Phía xa xa, sát với núi Bảng là xóm làng trù phú thấp thoáng dưới những lùm cây, khói lam chiều đã lan tỏa trên những mái bếp bay là là lúc ẩn lúc hiện sau những dặng tre. Khắp mọi nẻo đường về làng, rộn rã tiếng cười nói tiếng mõ trâu lốc cốc, miền quê thật là yên bình. Hoàng ngỡ ngàng trước cảnh đẹp bình dị của quê hương, vậy mà lâu nay Hoàng không nhận ra.
   Đến đầu làng mùi khói bếp thơm nồng ngây ngất, đánh thức Hoàng trở về thực tại. Hoàng nghĩ là cần phải chia tay Luyến ở đây, đi sâu vào trong làng thì bất lợi cho Luyến, ở quê thường hay kháo nhau những chuyện lạ ở làng ở xóm. Chuyện Hoàng đưa Luyến về, chả đâu vào đâu cứ đồn thổi linh tinh, từ một thành mười rồi từ mười đến một trăm lúc nào không biết. Hoàng chủ động nói với Luyến:
   -Cho anh xin lỗi vì hôm nay anh không hoàn thành nhiệm vụ mà chị Nguyệt giao, anh hứa sẽ bù vào hôm khác. Còn bây giờ anh em mình chia tay nhau ở đây, anh về đi sửa xe cho ông chú để mai ông ấy đi làm sớm. Luyến thông cảm nhé!
   Dường như đúng với suy nghĩ của Luyến, nên Luyến đồng ý ngay:
   -Có gì đâu mà anh phải xin lỗi, bọn em được đi bộ và nghe chuyện của anh cán bộ trung ương là bọn em thấy thích lắm rồi. Giá như ngày nào cũng như thế này, thì bọn em chả mấy chốc mà tiến bộ, nếu có đi ra phố hay đến chỗ đông người thì cũng tự tin hơn.
   -Anh sợ em không giữ lời, đến lúc anh mời em đi chơi thì em lại từ chối.
   Luyến cười, không nói gì. Đứng nhìn, cho tới khi Hoàng đi khuất sau dặng tre đầu làng mới đi về nhà.
   Lần đầu tiên là như vậy, Hoàng những tưởng mọi chuyện sẽ qua đi và Hoàng cũng quên luôn. Thế rồi lần sau, lần sau nữa, tóm lại nhiều lần lắm, Nguyệt với chị Thịnh bầy binh bố trận để Hoàng với Luyến gặp nhau. Đồng thời, cả hai người mở những đợt vận động bố mẹ Hoàng và bố mẹ Luyến cho hai đứa đi lại với nhau.
   Chuyện ấy thì quá đơn giản, cả hai gia đình Hoàng và gia đình Luyến tuy không cùng làng, nhưng cũng hơi biết về nhau, những cái gì còn băn khoăn thắc mắc, chỉ cần dỉ tai với các bà hàng xóm nhân phiên chợ Bút là rõ hết. Được cái bố mẹ Hoàng cũng thuộc loại dễ tính, không kén chọn khắt khe lắm, với lại lúc chưa biết Luyến thì nghe Nguyệt tả, bà mẹ Hoàng đã thấy ưng rồi, bây giờ nhìn thấy dáng của Luyến như thế bà tủm tỉm cười và bà đồng ý ngay. Còn bố Hoàng, khi nào cũng tôn trọng quyết định của Hoàng. Về phía nhà Luyến hoàn toàn không có ý kiến gì, chỉ có lăn tăn là Hoàng hơi cứng tuổi so với Luyến, Hoàng đã 32 tuổi mà Luyến chưa đầy 25 tuổi.
   Cũng không biết từ đâu, bây giờ Hoàng cũng không còn nhớ lý do tại sao? Mà Hoàng lại mời được Nguyệt với Luyến đi chơi. Ngay hè năm ấy, Nguyệt với Luyến lên Hòa Bình chơi, thăm Hoàng. Ngày ấy, công trình thủy điện Hòa Bình đang thi công còn ngổn ngang, ấy là những hạng mục công trình chính đã chui vào lòng đất, trên mặt đất chỉ còn lại một vài hạng mục thôi.
   Hoàng đưa Nguyệt với Luyến đi thăm khắp mọi nơi, hai người có vẻ phấn khởi lắm. Không biết phấn khởi vì lý do gì? Do được đi chơi thăm thú chỗ nọ chỗ kia, thăm một công trường to lớn và vĩ đại nhất Đông Nam Á. Hay phấn khởi vì mưu đồ lớn của Nguyệt đang đến ngày thắng lợi, sắp sửa ván đóng thành thuyền, chuẩn bị cắt băng khánh thành và đốt pháo ăn mừng…
   Hai người, mới tối hôm qua còn say lả lướt. Thế mà hôm nay khỏe lại bình thường, đi chơi hết cả buổi sáng, buổi trưa ra chợ Phương Lâm ăn phở và các thứ hoa quả linh tinh rồi lại đi tiếp, cả ba anh em đi không biết mệt mỏi, Luyến lúc nào cũng cười cười nói nói vui như tết.
    Đến tối. Chưa ăn song bữa tối, Nguyệt với Luyến, đã trình bầy lý do để đòi về rồi. Hoàng thuyết phục thế nào cũng không được, đành chịu. Tối hôm ấy mới 9 giờ, Nguyệt lấy lý do mệt đi ngủ sớm. Động tác ấy của Nguyệt, Hoàng với Luyến biết thừa, nhưng trong thâm tâm hai đứa đều muốn thế nên không nói gì, coi như đồng ý. Trong phòng chỉ có Hoàng và Luyến ngồi nói chuyện với nhau.
   Lúc đầu, Luyến hăng say nói về cảm nhận của mình lần đầu tiên được đi chơi và lại được đi xa nhà, Luyến nhìn thấy mọi thứ đều lạ lẫm, được nhìn thấy nhà sàn của người dân tộc, được biết cối gạo nương bên suối, được nhìn thấy con trai con gái của người dân tộc nói chuyện với nhau trong phiên chợ v.v. Đúng là làm nhề nào ăn nghề ấy, Luyến nói nhiều lắm, hết chuyện nọ kéo sang chuyện kia. Hoàng chỉ biết ngồi nhìn và tủm tỉm cười về sự ngây ngô thiếu thực tế một cách đáng yêu của các cô giáo trẻ. Sao mà giống Thủy thế?
   Sau những chuyện ấy, đến mục gọi là tâm sự đêm khuya. Nhẽ ra Luyến phải nói hay kể những gì có liên quan đến tình yêu đôi lứa, hay đại loại là cái gì đấy có dính dáng đến yêu đương. Đằng này, Luyến toàn kể về Nguyệt.
    Một thời gian dài quen Luyến, đã nhiều lần Luyến kể về Nguyệt, nhưng hôm nay Hoàng mới được nghe một tình tiết về Nguyệt mà bấy lâu nay Hoàng chỉ mơ hồ phỏng đoán, kết quả đúng sai thường 50- 50. Bây giờ Hoàng khẳng định: Vậy là có thực, Nguyệt yêu Hoàng, một tình yêu đơn Phương.
(Còn nữa).
   
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #309 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2014, 02:27:05 pm »

    Chào bạn quanvietnam.
    Đọc đoạn viết trên đây làm tôi tò mò thêm. Không biết Luyến hay Nguyệt yêu Hoàng nữa. Lính trinh sát kể chuyện tình yêu hay thật. Tôi đang chờ đọc tiếp của bạn đây.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM