Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 12:29:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191424 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #280 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2014, 10:57:49 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
         Xuất trình giấy tờ với bảo vệ xong, Hoàng được anh em bảo vệ đưa vào nhà đá. Khi nói đến nhà đá, Hoàng ngạc nhiên lắm, trong đầu cứ thắc mắc: Tại sao lại đưa mình vào nhà đá? Nghe có vẻ gớm chết.
    Đi qua mấy gian nhà, nơi này là hội trường nhưng bây giờ dẹp hết bàn ghế sang hai bên lấy chỗ chơi bóng bàn. Hoàng đẩy cửa bước vào phía trong. Quan sát nhanh căn phòng, Hoàng như trút được điều thắc mắc: Tại sao là nhà đá? À! Thì ra, nhà này tường xung quanh xây bằng đá nên gọi là nhà đá. Đúng là nhà đá, thật là lạnh lẽo xám xịt, hai bóng đèn dây tóc treo lủng lẳng, ánh sáng vàng vọt yếu ớt không đủ sáng soi hết căn phòng. Có bốn năm cái giường cá nhân kê sẵn, ba cái đầu nhỏm lên nhìn Hoàng. Mọi người ồ lên nói với Hoàng:
   -Lên rồi à?
   -Ừ! Các ông lên khi nào?
   -Chúng tôi lên mấy hôm nay rồi, anh em lớp mình lên cả rồi, chỉ thiếu mỗi mình ông nữa thôi. Chúng tôi đoán ông ở nhà cưới vợ nên lên muộn.
   Cả bốn thằng đều cười. Việt, chỉ chiếc giường kê sát góc nhà nói với Hoàng:
   -Chúng tôi kê sẵn giường cho ông rồi đấy!
   -Cám ơn các ông! Tôi đã ăn uống gì đâu, xe chạy ì ạch nên lên muộn quá chẳng biết tìm chỗ nào để ăn. Hoàng nói dối thế.
   Khôi bảo với Hoàng:
   -Khó đấy! Ở đây không kiếm ra nơi nào để ăn đâu, nhất là bây giờ trời lại tối nữa. Khách sạn Đà Giang giờ này đóng cửa rồi, mà có mở cửa thì cũng chỉ còn kem thôi. Buổi sáng thì mới có bánh rán bột mỳ bọc đường, đói ăn tạm cũng được.
   Châu nói:
   -Tôi bảo ông xuống chân dốc này rồi rẽ tay trái vào ngã ba. Ở đấy là xí nghiệp khảo sát địa chất sông Đà, có mấy bà công nhân tranh thủ buôn bán buổi tối để thu nhập thêm, nhưng cũng chỉ có lạc rang, trứng luộc, thi thoảng tôi cũng thấy có bánh chưng. Cứ xuống thử xem, tối như thế này thì biết tìm đâu được.
   Theo gợi ý của mọi người, Hoàng xuống dốc đi về phía ngã ba gặp được mấy cái quán như Châu nói, Hoàng vào ăn hai quả trứng luộc, hai chiếc bánh khoai rồi về cơ quan. Quán xá ở đây chỉ có vậy, Hoàng có muốn ăn thêm gì nữa cũng không có. Về nhà đá, các ông bạn không biết đã đi đâu mà không có ông nào ở nhà.
   Hoàng thấm mệt, vì suốt cả ngày chưa được nghỉ ngơi. Sau khi thu xếp  được chỗ ngủ, Hoàng lên giường nằm duỗi thẳng cẳng để nghỉ ngơi một lát, cũng là đợi mấy ông bạn về để nắm bắt thêm thông tin cho ngày mai khi lên gặp lãnh đạo cơ quan. Nhưng Hoàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.
   Sáng nay. Sau khi làm việc với phòng tổ chức, Hoàng được phòng tổ chức sắp xếp vào làm việc ở tổ Mặt bằng, thuộc phòng Công Nghiệp. Một nhân viên của phòng tổ chức, dẫn Hoàng xuống phòng Công nghiệp, giao Hoàng cho ông lãnh đạo phòng.
   Ông lãnh đạo phòng đang bận, nên bảo Hoàng ngồi chờ. Trong lúc chờ, Hoàng tranh thủ ngắm nhìn dung nhan người lãnh đạo mới. Ông năm nay khoảng 45- 46 tuổi, mặt mũi sáng sủa thông minh, da dẻ trắng trẻo, dáng người cân đối, có phần bệ vệ. Ông vận chiếc áo choàng  tuytxy len màu xanh đen dài đến đầu gối, trong là chiếc áo len mầu tàn thuốc lá cổ trái tim, để lộ chiếc cổ cồn cứng đét của chiếc áo sơmi mầu trắng, chiếc quần phăng cũng mầu tàn thuốc được may bằng loại vải đắt tiền, ly là thẳng tắp, chân đi giầy đen đánh xi bóng loáng. Tất cả những gì trên người ông đều muốn nói lên ông là cán bộ lãnh đạo. Nhìn ông, Hoàng thấy nể trọng.
   Ông bước ra ngoài hành lang, vẫy Hoàng đi theo. Hoàng theo ông lên tầng hai, vào một căn phòng sặc sụa mùi thuốc lá Tây. Căn phòng tương đối rộng, giữa phòng kê một chiếc bàn to, diện tích có lẽ phải tới 6-8 mét vuông, trên đó trải tấm bản đồ địa hình. Nhiều chỗ trên bản đồ đã được ghim những mẩu bìa mầu trắng hình chữ nhật, đủ loại kích thước, mẩu thì to bằng ngón tay mẩu thì to hơn một tý. Trên những mẩu bìa ấy có ghi hai thứ tiếng, Trên là tiếng Nga, dưới là tiếng Việt, tên của những hạng mục kỹ thuật.
   Hoàng và ông lãnh đạo vừa vào phòng, cũng là lúc  4 chuyên gia Liên Xô ào vào. Ông lãnh đạo của Hoàng chào họ bằng tiếng Nga, rồi giới thiệu Hoàng với họ. Mọi người bắt tay Hoàng và nói cái gì ấy, Hoàng không hiểu được. Ông lãnh đạo nói là: Họ chúc mừng anh đấy. Rồi ông giới thiệu về 4 chuyên gia vừa vào. Hoàng không nhớ được tên họ, chỉ nhớ một ông là Kỹ sư giao thông, một ông là kỹ sư cấp thoát nước, một ông là kỹ sư xây dựng dân dụng, một bà là chuyên gia mặt bằng.
   Ông lãnh đạo của Hoàng trao đổi cái gì đó bằng tiếng Nga với mấy chuyên gia Liên Xô được một lúc, thì các kỹ sư Việt Nam lục tục kéo vào. Trong số kỹ sư Việt nam có Khôi là học cùng lớp với Hoàng. Khôi nhìn Hoàng nháy mắt đánh tín hiệu, Hoàng nháy lại đáp trả. Buổi làm việc bắt đầu, Ông lãnh đạo phòng  nói:
   -Hôm nay chúng ta bàn về Cơ sở 500 xe. Tôi đề nghị anh Huệ, tổ trưởng tổ mặt bằng. Trình bầy phương án bố trí Cơ sở 500 xe.
   Cô phiên dịch, dịch lời ông lãnh đạo, tiếp theo là anh tên là Huệ trình bày phương án của mình. Cứ nói hết một ý, anh Huệ dừng lại để cho phiên dịch dịch, sau đó mới lại chuyển sang ý khác. Khi nghe anh Huệ trình bầy, các chuyên gia Liên Xô chăm chú theo dõi, Hoàng để ý thấy họ khi thì tỏ vẻ đồng ý, khi thì lắc đầu có vẻ chưa được hài lòng lắm.
   Khi anh Huệ kết thúc phần trình bầy và cô phiên dịch cũng dịch xong, không phải chờ đợi lâu. Bà chuyên gia bố trí mặt bằng nói luôn, Hoàng không hiểu bà ấy nói gì, nhưng nhìn nét mặt và cử chỉ của bà thì Hoàng đoán là bà không đồng ý với cách bố trí của anh Huệ. Cô gái phiên dịch dịch:
   -Cách xắp xếp các hạng mục công trình trong Cơ sở 500 xe là chưa hợp lý, còn rất nhiều điểm chồng chéo. Ví dụ: Đáng lẽ phải đưa bãi rửa xe ra sát suối Đúng thì lại đưa vào trong, Kho xăng dầu bố trí đúng vào hướng gió chủ lực, quanh năm ngày tháng thổi vào khu hành chính của Cơ sở 500 xe v.v.
   Bà ấy nói nhiều lắm, sau đấy là các ông chuyên gia khác cũng góp ý rất nhiều. Phần đa là họ không đồng ý với cách bố trí của phía Việt Nam. Cuộc họp bàn về phương án xắp xếp Cơ sở 500 xe lúc này chuyển  sang  tranh luận, mọi người tranh nhau nói. Tất cả đều nói bằng tiếng Nga, trong số ấy Khôi và Hoàng không nói được tiếng Nga là đương nhiên rồi. Còn anh Huệ và một người nữa cũng thấy không nói gì, không biết họ có biết nói không?
   Trong lúc mọi người đang tranh luận, Khôi đến bên cạnh Hoàng nói nhỏ:
   -Tôi với ông hôm nay là thành phần dự thính, chủ yếu là học việc. Tôi  thấy họ nói rất hợp lý, nếu mà làm được như họ nói thì giống như đề án quy hoạch một khu công nghiệp.
   Hoàng vẫn chưa nhập cuộc nên chưa tham gia, Hoàng hỏi Khôi:
   -Này! Ông Huệ với cái ông lùn lùn đứng cạnh ông Huệ học ở trường nào đấy?
   -Cả hai ông đều học ở Khoa Thủy lợi trường mình. Ông Huệ học khóa 13. Ông béo lùn tên là Thắng học khóa 15.
   Hoàng nghĩ bụng: Hèn gì chưa thấy tranh luận với chuyên gia. Hoàng lại hỏi Khôi:
   -Ở đây có nhiều người biết nói tiếng Nga không?
   -Hầu hết những người đi học nước ngoài về là biết nói tiếng Nga, chỉ có một số ít người học ở Đức và học ở trong nước là không nói được, hoặc là nói kém, cũng nhiều trường hợp nói “Bồi” chuyên gia họ vẫn hiểu.
   -Thế à! Chắc anh em mình phải học nói “Bồi” thôi.
   -Học nói “Bồi”cũng khó chứ chẳng dễ đâu, mà cũng tốn nhiều thời gian đấy, không phải ngày một ngày hai mà nói được. Việc đầu tiên là phải học thuộc các từ mới, từ chuyên môn, tập phát âm những từ ấy và phải bắt tay vào làm chuyên môn thì mới nhanh thuộc từ mới, từ chuyên môn. Bước thứ hai là: Nghe và hiểu được chuyên gia nói gì v.v. Nói tóm lại là khó chứ không dễ. Chả thế mà nhiều ông đi trước mình cũng đã đọc lập giao tiếp được với chuyên gia đâu. Tôi cho rằng các ông ấy không mạnh dạn, chứ nghe thì các ông ấy nghe được, chuyên môn của các ông ấy vững, từ mới, từ chuyên môn các ông ấy thuộc lầu lầu, chỉ phải mỗi cái là các ông ấy sợ nói sai ngữ pháp và sợ mọi người cười. Nếu các ông ấy không sợ thì có thể các ông ấy cũng giao tiếp được.
   Hoàng nhìn Khôi tủm tỉm cười, Khôi hỏi:
   -Ông cười gì?
   Hoàng nói:
   -Ngày xưa đến giờ Tiếng Nga thì toàn trốn, chẳng đứa nào chịu học. Mày nhớ không? Hồi học sơ tán ở Trúc Ổ, thầy Đông dậy Tiếng Nga, phải bỏ giờ dậy vì sinh viên bỏ giờ gần hết. Sau đấy thầy Hữu, chủ nhiệm khoa phải lên để quán triệt thì bọn mình mới chịu học. Nhưng học cũng chả đâu với xoan.
   -Hồi ấy có học thì bây giờ chữ thầy cũng trả cho thầy rồi. May mà còn gáo để về mới có ngày hôm nay, chứ cối xay thịt Quảng Trị như vậy ai dám nghĩ giữ được cái đầu, nói gì đến chuyện giữ được kiến thức Tiếng Nga để bây giờ giao tiếp với chuyên gia.
   Cả hai thằng cùng cười, thằng Khôi nói tiếp:
   -Xếp Quynh của mình đây này, cũng là một điển hình nói “Bồi”. Nghe các anh học Nga về nói là : Ông Quynh ông ấy nói liều lắm, chẳng bao giờ đúng cách cú nên nhiều khi chuyên gia cứ ngớ ra. Họ kể có lần ôm bụng cười, vì có một từ phát âm gần giống nhau, nhẽ ra khi chuyên gia đến làm việc phải mời vào, nhưng vì phát âm không đúng  thành đuổi họ ra. Bọn chuyên gia tưởng rằng ông này có chuyện gì buồn, đành đứng ngoài chờ để đi gọi phiên dịch.
   -Ồ thế à! Tao lại tưởng ông ấy được đào tạo ở nước ngoài về, tao thấy ông ấy nói như gió.
   -Đâu! Tao cũng không biết, nhưng nghe những người ở đây nói là: Ông ấy học trung cấp giao thông thủy lợi từ ngày xưa cơ, ra trường ông ấy làm bên Bộ Thủy Lợi, sau đó ông ấy học chuyên tu hay tại chức gì đó. Khi thành lập Ban Sông Đà, Ông Hà Kế Tấn Bộ trưởng, làm trưởng Ban. Đề nghị Bộ Thủy Lợi tuyển chọn một số cán bộ thiết kế, lấy từ Viện thiết kế thủy lợi sang làm nòng cột. Ông Quynh là một trong những người từ Viện thiết kế thủy lợi sang. Khi sang bên này thì được cử đi Liên Xô hai hay ba tháng để tham gia thiết kế quy hoạch mặt bằng khu phụ trợ, công trình thủy điện Hòa Bình. Ông ấy được đề bạt lên phó phòng, phòng thiết kế Công nghiệp, bà Hồng là trưởng phòng.
   -Này Khôi! Lớp mình còn mấy thằng nữa, chúng nó ở phòng nào?
   -Ba thằng: Thằng Hưng, thằng Tuần, thằng Châu béo thì ở phòng Thi công Dự toán chúng nó làm việc ở nhà hai tầng bên kia, còn thằng Việt thằng Châu gầy làm ở tổ Công nghiệp, thằng Sơn làm ở tổ Giao thông. Tao, mày, thằng Thịnh ở tổ Mặt bằng, tất cả đều thuộc phòng Công Nghiệp của bà Hồng, ông Quynh. Đấy tất cả chỉ có thế thôi.
   Ông Quynh thấy Hoàng và Khôi nói chuyện riêng có vẻ không đồng ý, ông nhắc nhở:
   -Anh em tập trung nghe thảo luận để còn thiết kế cho phù hợp đấy.
    Hoàng và Khôi im lặng không nói chuyện nữa. Buổi trao đổi về quy hoạch mặt bằng Cơ sở 500 xe kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Cuối buổi ông Quynh kết luận:
   -Phía Việt Nam tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia Liên Xô để hiệu chỉnh lại cho hợp lý. Tổ Mặt bằng hoàn thành để đầu tuần thông qua Trưởng đoàn thiết kế.
   Khôi ghé tai Hoàng nói nhỏ:
   -Bàn thì bàn vậy thôi! Chuyên gia họ quyết hết.
(Còn nữa).
   
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #281 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2014, 11:40:34 am »

Bác quanvietnam kể chuyện thời Sông Đà cũng hay, đúng là chuyên gia quyết hết cả thôi. Một thời huy hoàng của các chú cứ phá, thép và xi măng Sông Đà xây cho khối nhà dân thị xã Hòa Bình. Cam Ranh thì cũng vậy, hết giờ không đổ kịp thì xe bê tông ra bãi biển ụp xuống là xong. Hồi xưa Sông Đà có chợ vồ nữa. Bọn khóa 22-23 đi Sông Đà thứ 7 về Hà Nội thì chủ nhật mua rau ở chợ Thành Công mang lên. Lâu rồi em gặp một ông ở PEC1 trước cũng làm đoàn khảo sát Sông Đà, hắn cười bảo tôi vẫn nhớ các ông đổ bê tông trong đó có cả ủng Grin.

À mà bác quanvietnam nhắc thầy Đông, bọn em vẫn nhớ, mà mấy lần hội trường hỏi thăm cũng chẳng biết thầy bây giờ thế nào. Thầy học cùng với cô Phan Lương Cầm ở Bách Khoa.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #282 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2014, 09:43:23 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
           Anh em khác thì Hoàng Không biết, riêng Hoàng thời gian vừa qua đúng là Hoàng đã thực sự cố gắng, song chưa tiến triển nhiều lắm, vẫn ở tình trạng thụ động. Hoàng cảm nhận được mức độ giải quyết công việc của mình chưa được như mong muốn. Nguyên nhân sâu xa ở đây là trình độ ngoại ngữ. Hoàng nghĩ: Không còn cách nào khác là phải cố thôi, nếu không cố thì mãi mãi chỉ làm cái chân loong toong đưa bản vẽ đi can, sửa lỗi bản vẽ, trình ký bản vẽ v.v, đến ê cả mặt.
   Hôm nay ngày Chủ nhật, nhẽ ra Hoàng còn nằm cho tới giờ ăn trưa, nhưng nghĩ đến chuyện phải thoát ra khỏi hoàn cảnh, Hoàng vùng dậy đánh răng rửa mặt rồi đi ăn sáng. Hoàng không về phòng ở mà lên phòng làm việc lấy bản vẽ ra xem.
    Xem bản vẽ để giải quyết vấn đề gì? Hoàng tự hỏi. Thực ra, về phần kỹ thuật thì chẳng có gì phức tạp, chỉ là những bản vẽ san nền và tính khối lượng đơn thuần. Phần khó khăn nhất là quy hoạch bố trí và xác định quy mô công suất của các cơ sở phụ trợ thì chuyên gia họ tính. Ngay cả những phần này, Việt Nam tính thì chuyên gia cũng tính lại, vì họ chưa tin mình, hơn nữa việc tính quy mô công suất của các cơ sở phụ trợ cũng còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và đặc thù của mỗi một công trình thủy điện. Vì vậy , tính là một chuyện còn kinh nghiệm lại là chuyện khác.
   Như vậy, mục tiêu học ngoại ngữ của Hoàng là hoàn toàn đúng đắn. Trước mắt chưa nói được, thì phải đọc thông viết thạo những từ chuyên môn trong bản vẽ. Nhanh chóng sao chép, những nội dung không thay đổi của bản vẽ cũ sang bản vẽ mới, để rút ngắn thời gian thiết kế một bản vẽ, đáp ứng số lượng và chất lượng bản vẽ khi đưa kiểm tra trình ký.
   Hai tháng cuối năm 1977, vì thời gian công tác quá ngắn, nên Hoàng chưa được vào diện xét danh hiệu cá nhân tiên tiến của 6 tháng cuối năm và cả năm 1977. Hoàng ngồi nghe, thấy mọi người báo cáo cả số lượng bản vẽ được chuyên gia ký thỏa thuận. Hình như: Định mức bình quân 10 ngày một bản vẽ. Định mức này không biết khi nào Hoàng mới đạt được?
   Hoàng cắm cúi tập viết, miệng lẩm bẩm tập phát âm, từ nào khó quá Hoàng chép riêng ra quyển sổ tay để hỏi cách phát âm cho đúng. Hoàng tự động viên mình: Trước hết là vì sĩ diện của cá nhân, sau là cố gắng phát huy bản chất của anh bộ đội cụ Hồ, thời chiến cũng như thời bình, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền… Nghĩ như vậy nên Hoàng miệt mài chăm chỉ, đôi khi quên cả mệt mỏi, nhưng Hoàng vẫn buồn âm ỉ vì: Ngoại ngữ ngoài chuyện cần cù cố gắng ra thì còn phải có năng khiếu nữa, mà điều này thì Hoàng không có. Ấy là còn chưa nói đến chuyện Hoàng vừa là thương binh và là bệnh binh từ chiến trường trở về,  sức khỏe và trí tuệ phần nào giảm sút.
   Hoàng đang đắm chìm vào ngoại ngữ, thì có tiếng gõ cửa. Hoàng đoán là Khôi, giờ này chắc Khôi rủ Hoàng ra chợ Phương Lâm chơi. Hoàng nói:
   -Vào đi!
   Cánh cửa mở ra. Anh Thơ, đại úy bộ đội chuyển ngành về làm tổ trưởng tổ Bảo Vệ bước vào. Anh Thơ bảo:
   -Anh Hoàng ra cổng có khách!
   -Em có khách à! Anh có nhầm không đấy? Khách con trai hay con gái anh?
   -Con gái! Hình như người yêu lên thăm thì phải.
   -Anh cứ đùa, em làm gì có người yêu. Chắc bạn bè cùng lớp ở bên công trường sang chơi thôi.
   Bên công trường. Mọi người hay gọi thế thành quen mồm, thực ra tên đầy đủ của nó là: Công trường thi công, Công Trình Thủy Điện Hòa Bình trên sông Đà. Trụ sở chính của công trường là ở bên bờ Trái. Tất cả những đơn vị thi công ở công trình thủy điện sông Đà chủ yếu thuộc quân số của  Bộ Xây Dựng quản lý. Bên ấy gọi là bên B. Lớp của Hoàng có 6-7 người ở bên ấy, trong đó có hai em gái. Thường thường chủ nhật, anh em cùng lớp cũng hay đi chơi sang thăm nhau. Hôm nay Hoàng cũng nghĩ thế, nên vui vẻ theo anh Thơ ra cổng đón khách.
   Từ xa Hoàng đã nhìn thấy Thủy đi cùng với cô bạn gái. Hoàng bất ngờ quá, đã lâu rồi kể từ hôm Thủy chuyển địa điểm về Chăm Mát, Hoàng có xuống dưới ấy thăm Thủy một lần, sau lần đó vì bận quá  nên Hoàng chưa đi thăm Thuỷ được.
   -Anh chào hai em! Các em có khỏe không? Lâu lắm không gặp Thủy, anh thấy Thủy lớn hẳn ra. Mời hai em vào nhà anh chơi, hôm nay chủ nhật các anh cùng phòng đi chơi hết, chỉ mình anh ở nhà thôi. Anh đang buồn đây.
   -Chúng em ra xin anh bữa cơm.
   -Tốt quá! Chỉ sợ các em chê cơm của các anh thôi.
   -Đi nào! Xin mời hai em.
   Lần này, Hoàng xưng hô anh anh em em với Thủy bình thường, không ngượng ngập như lần Hoàng vào chơi. Lần ấy chả hiểu thế nào, Thủy lúc xưng hô là em lúc lại xưng hô là cháu, làm Hoàng lúng túng khó xử nói chuyện không được tự nhiên. Hoàng đang tò mò muốn biết lý do tại sao Thủy lại chuyển cách xưng hô, Hoàng muốn biết lắm nhưng chưa có cơ hội.
   Ba anh em vào trong nhà đá, Hoàng rất ngượng, khi đưa con gái vào buồng tập thể của mình. Nhưng Hoàng biết đưa Khách đi đâu? Bởi vì: Cơ quan Hoàng, nhà ở còn chưa đủ thì lấy đâu ra phòng khách. Phòng ở tập thể của Hoàng vừa tối tăm vừa ẩm thấp, lại cộng với sự ăn ở luộm thuộm của mấy ông con trai. Thành ra trong phòng giống cái kho để chưa đồ chứ không phải buồng để ở. Tất cả những cái đó là nguyên nhân dẫn đến trong nhà có mùi khó chịu. Hoàng nghĩ: Hai em này sẽ phát hiện ra ngay mùi này, nhưng không dám nói, đời nào khách lại chê chủ nhà… Hoàng vội vàng lấp khoảng trống chữa ngượng:
   -Phòng của anh không có nước uống, các em thông cảm. Vào đây thăm nơi ở của anh cho biết, lát nữa anh em mình đi chợ Phương Lâm chơi.
   -Ừ! Đúng rồi Hà ơi! Tiện thể, tao với mày ra mua một số thứ để mang đi, sợ ở trên ấy không có.
  Thủy hưởng ứng ngay đề nghị của Hoàng, nhân thể cũng muốn kết hợp mua sắm nữa.  Còn Hà, lần đầu tiên gặp Hoàng, nên chưa thật tự nhiên chỉ lặng im.
   Thấy Thủy nhận lời đi chợ Phương Lâm, Hoàng nghĩ ngay đến số tiền ở trong túi. Chết nỗi, hôm nay đã gần cuối tháng rồi nên số tiền chi tiêu còn lại chắc cũng chả được là bao. Lương tháng được 63 đồng, chia ra ba mô, nguyên tiền ăn đã chiếm gần một nửa, đấy là tiền nộp cho nhà bếp chưa kể đến những hôm có khách. Còn tiền tiêu vặt, tiền xà phòng thuốc lá thuốc đánh răng, tiền nọ tiền kia, các loại tiền chi tiêu vặt vãnh không tính được. Mang tiếng là chia mô rồi, vậy mà tháng nào cũng thiếu tiền, Hoàng có kinh nghiệm rồi: Cứ tháng nào ra chợ Phương Lâm nhiều là tháng ấy thiếu càng nhiều.
   Mọi người thừa biết: Ở một thị xã bé nhỏ và nghèo nàn như thị xã Hòa Bình này, ngoài giờ làm việc ra thì không biết chơi ở đâu, lại rủ nhau ra chợ, tiếp xúc với văn hóa chợ cũng làm cho mọi người cảm thấy được thư giãn hơn.
   Chợ Phương Lâm là chợ thị xã Hòa Bình, nếu so với dưới xuôi thì chợ thị xã như vậy là bé và nghèo nàn. Nhưng đây là chợ của một thị xã miền núi, như vậy cũng chấp nhận được. Chợ ở đây mang đặc thù chợ của đồng bào miền núi, tất cả sản vật của núi rừng đều mang về chợ để trao đổi. Hàng hóa không thiếu thứ gì, thậm chí rất phong phú là đằng khác, hàng từ dưới xuôi chuyển lên, hàng từ miền ngược chuyển về. Tóm lại, muốn mua thứ gì cũng có, giá cả thì không biết đắt rẻ thế nào, nhưng chỉ phải cái: Nhìn hàng hóa nó không được mát mắt như dưới xuôi, mà trông cái gì cũng thấy cũ cũ. Dễ hiểu thôi, người dân tộc thật thà có sao bán vậy không biết “Làm hàng” như người Kinh dưới xuôi.
   Chợ Phương Lâm là điểm giao lưu lý tưởng của người miền xuôi với người miền núi, của người Việt Nam với người Liên xô, của nhiều thành phần nhiều tầng lớp trong xã hội. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa của nhiều dân tộc, không những của các dân tộc của Việt Nam, mà còn cả các dân tộc thuộc Liên Bang Xô Viết nữa. Ai đã đến thị xã Hòa Bình, đến thăm công trường xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á, mà không đi chơi chợ Phương Lâm thì người đó coi như chưa đến Hòa Bình.
   Ba anh em lượn đi lượn lại trong chợ không biết bao nhiêu lần, Hoàng lẽo đẽo theo sau mỏi nhừ cả chân, nhưng mà đi xem là chính. Nhiều thứ muốn mua lắm, ngặt một nỗi là không có tiền. Cuối cùng kiểm lại thì Thủy và Hà cũng mua được mấy thứ: Nào là giấy bút, sổ tay, kim chỉ, khung thêu, chỉ thêu, xà phòng 72% v.v. Còn mấy thứ nữa, hai người không mang ra khoe mà chỉ nhìn nhau cười khúc kích. Hoàng đoán là đồ dùng của phụ nữ nên không quan tâm, sợ bị mắc cỡ.
   Hoàng dắt Thủy với Hà đi ra dãy quán ăn ở  phía bờ sông. Quán này, là do một người quen ở thị xã Hòa Bình giới thiệu. Quán gì mà giống như quán bán chui, cái gì cũng giấu giếm, cứ phải hỏi thì họ mới nói là có, không thấy họ bầy ra cho mọi người nhìn thấy để chọn.  Mà hình như ở đây quán ăn nào cũng như vậy hay sao ấy? Lâu dần, Hoàng cũng không để ý chuyện ấy, mà chỉ biết lúc có bạn bè thì kéo nhau ra đây ăn.
   Bước vào quán, Thủy ngạc nhiên hỏi Hoàng:
   -Ơ! Vào đây làm gì?
   -Vào để ăn cơm chứ còn làm gì nữa. Ban nãy em chả nói là xin anh bữa cơm còn gì.
   -Ối chết! Là em nói đùa vậy thôi, anh tưởng thật à.
   -Thật hay không thật, anh không biết. Nhưng bây giờ đã trưa, cũng đến giờ ăn rồi, anh em mình ăn rồi về.
   Bà chủ quán béo lùn, tiến đến trước mặt Hoàng. Tay cầm chiếc khăn lau lấm lem nhọ nồi, lau vội cái bàn gỗ nâu không ra nâu mà đen cũng chẳng ra đen, bóng nhẫy toàn mỡ dùng làm bàn ăn.  Vừa lau bàn, bà vừa kéo mấy chiếc ghế, miệng mời chào nhóm của Hoàng ngồi xuống, nhưng mắt lại đánh đáo ra ngoài cửa, đàn ruồi bị xua đuổi bay tung tóe, có con lao thẳng vào mặt Hoàng.
   -Các em ăn gì? Hôm nay nhà chị có phở áp chảo, phở xào, cơm. Các em ăn gì để chị làm cho.
   -Thủy và Hà các em ăn gì?
   -Anh ăn gì bọn em ăn nấy, nhưng mà in ít thôi anh ạ!
   -Anh em mình hôm nay không ăn cơm mà ăn phở xào nhé!
   Đợi, không thấy Thúy với Hà nói gì. Hoàng gọi bà chủ quán nói:
   -Cho ba đĩa phở xào và một bát hầm nhé!
   Bà chủ quán ra hiệu nói nhỏ, vì bò là loại súc vật cung cấp sức kéo cấm giết thịt.

   Ba anh em đang ăn uống vui vẻ thì Thủy nói:
   -Hôm nay bọn em ra chào anh để đi nhận công tác.
   -Thế à! Chúc mừng các cô giáo trẻ nhé!
   Thủy ngồi mút đầu đũa, mắt nhìn xa xăm, giọng buồn rười rượi. Thủy xúc động nói:
   -Chả biết khi nào nữa mới được gặp anh?
   -Ô! Sao lại thế?
   -Thật đấy! Họ điều hai đứa bọn em đi xa lắm, lên mãi cái gì ấy ở Đà Bắc cơ. Cách đây hàng trăm cây số. Không biết bao giờ mới được ra đường Quốc lộ chứ đừng nói đến chuyện về thăm mẹ.
   Hà thấy Thủy có vẻ muốn khóc, nên ăn nốt chỗ còn lại vội vã đứng lên đi ra ngoài. Hoàng bất ngờ quá, không biết xử lý thế nào, đành trách khéo Thủy:
   -Thế mà Thủy không báo trước để anh em mình liên hoan chia tay.
   Thủy im lặng. Hoàng dục Thủy ăn cho xong. Thủy vẫn im lặng. Hoàng  động viên Thủy:
   -Yên tâm đi em! Chưa chi đã lo không được về thăm mẹ rồi. Lên đấy, có học trò có thầy cô, có cuộc sống mới ắt sẽ có niềm vui mới. Hàng năm bao giờ mà chả được nghỉ phép về quê thăm mẹ. Thôi vui lên đừng buồn nữa! Khi nào lên đến nơi và ổn định rồi nhớ viết thư cho anh nhé!
(Còn nữa)
   
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #283 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2014, 10:09:47 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
           Thấm thoát cũng đã gần một năm làm việc ở Đoàn thiết kế thủy điện Hòa Bình, nghĩ về thời gian làm việc ở cơ quan mới, không biết là vui hay buồn. Hoàng cũng không biết nói thế nào? Nhiều lúc rất vui, nhưng thường sau khi vui thì lại buồn ngay. Có lúc chán trường, đôi khi Hoàng lẩn thẩn không biết mình phải làm gì? Thế là lại dùi mài bái lễ vào mấy cái bản vẽ để học Tiếng Nga, vừa khô khan vừa buồn tẻ. Hoàng  nghĩ: Mới gần 30 tuổi mà đã hâm hay sao? Nhưng rồi lại ngụy biện: Hâm thì chưa hâm, nhưng hết nhựa sống? Có thể lắm?
   Môi trường làm việc của Hoàng bây giờ khác nhiều so với những ngày Hoàng còn là sinh viên, lại càng xa vời vợi với những ngày Hoàng còn đang ở trong quân ngũ. Chẳng hiểu sao? Mỗi khi nghĩ về chuyện gì của ngày xưa, nhất là chuyện về quân ngũ tuy cũng có cái chưa vừa lòng, nhưng sao vẫn nghĩ cái gì cũng tốt đẹp? Chả thế mà ai cũng nói: “Bao giờ cho đến ngày xưa”.
   Hoàng biết vậy, vì cuộc sống không cho phép Hoàng sống mãi với những kỷ niệm của ngày xưa, mà phải trở về với hiện tại. Cuộc sống bây giờ, mấy ai biết được cái ngày xưa của những chàng trai ra trận. Những ngày qua, Hoàng đã nhiều lần âm thầm hô khẩu hiệu quyết tâm không nhớ lại những kỷ niệm của một thời quân ngũ, nghĩ về nó chỉ làm cho Hoàng đau lòng và buồn hơn. Những kỷ niệm ấy, nó lạc nhịp với cuộc sống bây giờ…
   Nhưng thật khó! Sự thật vẫn là sự thật, không thể mang những suy nghĩ trong đầu mình, cái mà nó chưa phải là sự thật ra để so sánh với sự thật. Cũng không phải tự ty, cũng không phải mặc cảm, nó là cái gì thì Hoàng chưa định nghĩa được, chỉ biết là: Khi nhìn hai ông Kỹ sư, một ông được đào tạo ở nước ngoài, một ông đi chiến đấu về được đào tạo ở trong nước, về hình thức sao nó khác nhau thế? Về nội dung thì lại không phải là thứ để nhìn thấy…
   Hết giờ làm việc buổi chiều, sân thể thao của Đoàn thiết kế thủy điện Hòa Bình, lại ồn ào náo nhiệt. Người thì đông mà trò chơi thì ít, nên cứ phải xếp hàng chờ đợi, theo luật chơi thua thì ra được ở lại. Bóng chuyền bóng đá thay nhau còn được 6-7 người, bóng bàn thì chỉ được 1-2 người. Trong thực tế có người chơi giỏi, có người mới biết chơi, những người chơi giỏi cứ thế được ở lại mãi, còn những người mới biết chơi thì vừa vào là bị đuổi ra rồi. Lâu dần, mọi người nghĩ ra luật mới: Nếu được, ở lại cũng không quá 3 lần. Như vậy thì nhiều người được chơi hơn.
     Hoàn cảnh ấy, những ai không đủ kiên trì chờ đợi, thì biên chế vào  “Sở Lượn thị xã”. Sở này không có lãnh đạo mà toàn nhân viên. Những người được đào tạo ở nước ngoài thì có phương tiện, người nào bét nhất cũng là: Xe đạp Cnymnuk, Diamant. Người khá giả thì xe bình bịch: Java, Mokic, Boxod v.v, phải thừa nhận đội hình này đẹp. Mấy anh em bộ đội ở chiến trường về không tham gia vào đội hình này, bởi nó khập khễnh, nếu có đi, thì cũng mấy ông đi với nhau.
   Vẫn biết xã hội không ai phân biệt: Ông này đi bộ đội, ông kia là được đào tạo ở nước ngoài. Nhưng thực tế cứ nhìn bề ngoài của mọi người thì đã nói lên điều ấy, dấu làm sao được, từ quần áo xe cộ, đến mầu da nó cứ lồ lộ ra đấy.
   Đôi khi “ Lượn” cũng có những cuộc chạm trán bất đắc dĩ, lẽ tất nhiên là mấy ông bộ đội ở chiến trường về là phải rút lui rồi. Tình huống mà đánh bài chây thì đối tác họ cũng từ chối khéo. Thành ra, những trường hợp ấy mấy ông bộ đội ở chiến trường về, thường biết địch biết ta, phải tìm cách rút lui khéo. Vậy đấy! Luôn luôn thua thiệt
   Đã thế, lại rất trớ trêu. Con gái ở thị xã Hòa Bình chỉ công nhận những thanh niên mặc quần bò áo phông, đeo kính trắng, da dẻ trắng trẻo kiểu bơ sữa mới là người của Đoàn thiết kế thủy điện Hòa Bình. Còn những ai không có những thứ ấy thì chỉ là công nhân hay trung cấp gì đấy thôi, có giới thiệu mình làm ở đoàn thiết kế thủy điện Hòa Bình họ cũng không tin.
   Thương hiệu Đoàn thiết kế thủy điện Hòa bình nổi như cồn, đi đâu mà được giới thiệu là làm việc ở Đoàn thiết kế Hòa Bình thì cảm thấy hãnh diện lắm. Nhưng vui đấy, lại buồn đấy. Nếu ai đó không phải cán bộ của Đoàn thiết kế Hòa Bình, mà được chứng kiến một buổi làm việc giữa  chuyên gia Liên Xô với Việt Nam, thì không hiểu họ nghĩ gì? Chỉ những ai trong cuộc mới thấy hết những điều phức tạp.
   Trong những cuộc trao đổi về vấn đề kỹ thuật ấy, thường gồm chuyên gia Liên Xô, các kỹ sư Việt Nam, cán bộ phiên dịch. Mọi người bàn bạc và tranh luận với nhau bình đẳng. Tất nhiên, trong tranh luận, có những ý kiến được mọi người chấp nhận, nhưng cũng có ý kiến bị bác bỏ. Người có quyền bác bỏ ở đây là chuyên gia, thứ nữa là các các bộ lãnh đạo của phía Việt Nam.
    Lẽ dĩ nhiên ai cũng hiểu, không phải chuyên gia được cử sang Việt Nam thì ai cũng giỏi cũng xuất sắc. Các cán bộ lãnh đạo phía Việt nam cũng vậy. Nhưng họ có quyền vì họ là chuyên gia hướng dẫn, vì họ là cán bộ lãnh đạo… Đối với họ đã đi một nhẽ, còn lại là những kỹ sư Việt Nam, người được đào tạo ở nước ngoài, người được đào tạo ở trong nước. Tự nhiên, cũng hình thành những rào cản vô hình. Ai cũng biết, không phải tất cả những người được cử đi đào tạo ở nước ngoài là vì họ học giỏi. Trong số họ, cũng vô vàn lý do để họ đi học nước ngoài, tích cực cũng có, tiêu cực cũng có… Vậy mà, hình như họ cũng cho họ cái quyền phải đúng hơn.
    Cũng phải thừa nhận, những người được đi học nước ngoài về, họ có thuận lợi hơn vì khi trao đổi họ thể hiện được quan điểm của mình, trực tiếp tranh luận bằng Tiếng Nga. Trong khi đó, mấy anh em bộ đội từ chiến trường về thì thiệt thòi vì chưa thể nói Tiếng Nga được, mà phải thông qua phiên dịch. Những người phiên dịch, có phải người nào cũng hiểu về kỹ thuật đâu, nên có người dịch đúng, dịch sát, cũng có người dịch sai. Cũng có khi, họ vờ không nghe thấy để không phải dịch. Thành ra, mấy ông lính ở chiến trường về chịu thiệt đơn thiệt kép, muốn nói mà không nói được.
    Những lần như vậy, các anh em bộ đội vì không nói hết được quan điểm của mình, nên trong lòng thấy không vui. Nhưng biết làm sao được đành chịu vậy…
   Hoàng và mấy anh em đang căm cụi làm việc. Khôi huỳnh huỵch đi vào, mặt hầm hầm. Khôi nện quyển sổ tay xuống mặt bàn cái chát, buông ra những lời tục tĩu:
   -Đ. Mẹ nó chứ! Bực hết chỗ nói.
   Mọi người ngạc nhiên chờ đợi, không hiểu vì lý do gì mà Khôi lại giận dữ như vậy. Phòng làm việc có 4 anh em ngồi: Khôi; Hoàng; Duy; Giáp, còn một chiếc bàn để trống, để khi chuyên gia đến lấy chỗ trao đổi công việc. Bình thường cả 4 anh em không ai nói tục, hay chửi thề. Nhưng chẳng hiểu hôm nay có vấn đề gì mà Khôi bực dọc đến như vậy,  đến nỗi không kìm nén được mà phải bật ra những câu chửi thề.
   -Các ông bảo thế này thì ai nhịn được. Bản vẽ thi công san nền: Bãi rửa xe của tôi hôm nọ, đã được chuyên gia ký thỏa thuận. Đến hôm nay, ông Huệ bảo tôi lên gặp chuyên gia, để trao đổi về cao độ san nền. Tôi hỏi ông Huệ ông có biết tại sao không? Ông Huệ tỏ ra bực dọc cái gì ấy, nói với tôi: Anh cứ lên rồi khắc biết. Tôi bực quá mới sẵng giọng với ông Huệ: Ông là tổ trưởng mà nói thế à? Vậy ông với tôi cùng lên. Sai hay đúng thế nào phải nói cho rõ ràng, mà bản vẽ này đã thỏa thuận với chuyên gia giao thông rồi, nếu thay đổi thì sẽ thay đổi cả. Ông Huệ không đồng ý đi cùng tôi, ông bảo để ông ấy gọi phiên dịch đi với tôi.
   Lên phòng phiên dịch chờ đến 30 phút, mới có phiên dịch để đi làm việc. Sang đến phòng chuyên gia, thì ông chuyên gia lại ra thực địa chưa về. Ngồi chờ mãi không được, tôi với phiên dịch quay về, khoảng tiếng đồng hồ sau tôi quay lại thấy ông chuyên gia đã về, nhưng lại không có phiên dịch nên tôi không vào. Tôi quay lại tìm phiên dịch nhưng không thấy, trong người cảm thấy bực bội. Nhưng không biết trách ai, chỉ trách mình không nói được Tiếng Nga.
    Khi tôi với phiên dịch vào gặp chuyên gia, nhìn thấy tôi lập tức nó đứng ngay dậy, mặt đỏ phừng phừng, lấy bút chì khoanh to tướng vào khu vực ngã ba giữa Bãi rửa xe, Kho xăng dầu và bãi đỗ xe của bản vẽ rồi nói: Ai bảo mày làm thế này, về làm lại! Tôi nói với nó là: Ông nên làm việc với chuyên gia giao thông, nó yêu cầu tôi phải như vậy, mà bản vẽ này ông đã ký thỏa thuận rồi. Bây giờ ông muốn thay đổi thì ông phải làm việc lại với chuyên gia giao thông. Nó nói là nó không biết và nó mới là người ký bản vẽ thỏa thuận, thái độ của nó như đuổi chúng tôi ra khỏi phòng. Tôi bực quá, không biết nói thế nào? Các ông bảo thế có điên không cơ chứ?
  Nói xong Khôi ném cả cái thân hình  nặng chịch xuống chiếc ghế, cơn giận giữ vẫn chưa nguôi, nước bọt sầu ra cả hai bên mép. Cả phòng vẫn không ai nói gì. Khôi lại tiếp, giọng có vẻ dịu đi:
   -Kiểu này lại giống mày rồi Hoàng ạ! Chắc chắn đến cuối năm tao cũng không đủ số lượng bản vẽ mà chuyên gia thỏa thuận.
   Khôi chọc vào nỗi đau của Hoàng. Nỗi đau này Hoàng đã cố gắng quên đi, sau nhiều đêm suy nghĩ trằn trọc bặm môi đến bật cả máu. Chuyện thi đua khen thưởng, chỉ ảnh hưởng đến thành tích công tác và chế độ lương bổng của Hoàng thì cũng chẳng sao. Đằng này, chính vì nó gián tiếp phản ánh lên sự không công bằng trong xã hội. Nên Hoàng không thể không nói, sau đấy Hoàng cảm thấy ân hận.
    Việc cũng chỉ mới đây thôi, khi Tổ mặt bằng họp xét danh hiệu lao động tiên tiến 6 tháng đầu năm, Hoàng không được xếp vào diện được xét với lý do là không đủ số lượng bản vẽ được chuyên gia thỏa thuận. Hoàng bực lắm nhưng không biết làm thế nào? Bởi vì đấy là sự thật. Hoàng ngồi im không nhúc nhích, con người của Hoàng lúc này phong ba bão táp đang cuồn cuộn từng cơn, tai Hoàng ù đặc.
   Không khí cuộc họp nặng nề. Thấy tình hình như vậy, ông Quynh phó trưởng phòng Công Nghiệp, đứng dậy nói. Ông vẫn quen kiểu diễn thuyết và hùng biện. Nhưng hôm nay thì lại khác, ông bắt đầu bằng chất giọng trầm ấm ôn tồn tâm sự:
   -Tất cả anh em chúng ta cần phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa. Đất nước của chúng ta đã nghèo nàn lạc hậu thì chớ, lại phải trải qua cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm lâu dài gian khổ, hơi tàn lực kiệt, nay lại  chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhân dân Việt Nam còn nghèo, bố mẹ vợ con chúng ta còn khổ. Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải phấn đấu hết sức mình, không kể ngày đêm, không quản mệt nhọc để cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ Quốc. Đồng chí Hoàng lần này chưa được thì cố vươn lên để lần sau được. Tôi đề nghị anh em hãy tạo mọi điều kiện để giúp đỡ đồng chí Hoàng, vì đồng chí là bộ đội chiến đấu ở chiến trường trở về, và cũng vừa mới ra trường nên kinh nghiệm và trình độ ngoại ngữ còn yếu, nên số lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu…
   Hoàng không còn nghe thêm được lời nào nữa, thực ra gần một năm nay Hoàng đã biết được chất của con người ông Quynh là thế nào rồi. Đúng là: “ Thùng rỗng nên tiếng kêu rất to”. Hoàng run run đứng lên, hai tay bám chặt vào mặt bàn, người đung đưa như muốn khụy xuống. Hoàng nói:
   -Xin phép các anh cho tôi được phát biểu.
   Giọng Hoàng như nghẹn lại.
(Còn nữa).
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #284 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2014, 10:25:25 am »

Năm mới! Quanvn kính chúc sức khỏe các CCB tham gia trên diễn đàn nói chung và các CCB 19c NH nói riêng, cùng toàn thể gia đình của các CCB dồi dào sức khỏe, vui vẻ hạnh phúc.
Kính.
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #285 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2014, 10:44:59 am »

Năm mới Giáp Ngọ 2014 , TMH chúc bác Quân mạnh khoẻ, vui vẻ gia đình hạnh phúc, mọi sự may mắn và tiếp tục chia sẻ những ký ức thời trai trẻ !
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #286 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2014, 01:58:23 pm »

Tiếp đi bác quanvietnam, nói như Nguyễn Bính thì:
Năm mới tháng giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #287 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2014, 11:03:40 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
          Không chờ sự cho phép của ông Quynh, là người chủ trì cuộc họp. Hoàng bắt đầu nói, giọng Hoàng đanh lại. Hình như tất cả mọi sự kìm nén từ lâu nay, bây giờ Hoàng dồn hết vào từng lời, từng chữ:
   -Trước hết tôi xin được cám ơn các anh, các đồng chí cho tôi được phát biểu. Sự thực là tôi không muốn nói điều này, nói về nó sẽ có nhiều người hiểu nhầm tôi là người ích kỷ, đố kỵ với những người có thành tích. Ai hiểu như thế nào cũng được, nhưng tôi xin khẳng định chắc chắn tôi không phải là người như vậy. Nhân đây, tôi chỉ muốn giãi bầy những suy nghĩ của tôi về vấn đề bình bầu danh hiệu thi đua.
   Gần hai chục đôi mắt chăm chú nhìn Hoàng, chắc hẳn họ đoán Hoàng sẽ nổi giận, văng ra đủ từ rẻ tiền không tiếc lời. Bởi vì họ cũng đã từng gặp và từng chứng kiến nhiều ông thương bệnh binh đấu tranh vì quyền lợi, và họ nghĩ rằng sắp được nghe một ông công thần sẽ vỗ ngực đây. Nhưng họ nhầm, Hoàng không phải tuyf người như vậy, chính những đôi mắt kia là động lực kìm Hoàng lại để Hoàng bình tĩnh hơn, nói lên tâm tư và suy nghĩ của mình về vấn đề này. Và những đôi mắt ấy, làm cho Hoàng nhớ tới những đôi mắt của các đồng đội, đã từng sống chiến đấu, hy sinh ở chiến trường.  Hoàng nói tiếp:
   -Trên đời này ai mà không muốn mọi thứ của mình tốt đẹp,  muốn giỏi giang, muốn nhiều thành tích. Đó cũng là mong muốn chính đáng của con người. Nhưng đấy chỉ là mong muốn, còn thực tế thì đâu có chiều theo ý muốn của con người. Tất cả những mong muốn ấy, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Những yếu tố khách quan và chủ quan ấy, quan hệ với nhau nhiều chiều đã phức tạp lại càng phức tạp. Song những mối quan hệ này, theo quy luật tự nhiên, thì hàng ngày hàng giờ nó vẫn diễn ra bình thường trong xã hội, những mối quan hệ ấy, có phần là do con người tác động để tạo ra, cũng có phần là do tự nhiên hình thành.
    Chính vì vậy, khi xem xét bất cứ một vấn đề gì. Có những trường hợp người ta giải thích được thì không sao. Khi không giải thích được, hoặc là giải thích không đến nơi đến chốn, thì người ta né tránh và mang số phận con người để giải thích. Thật là khó, khi nói đến số phận của một con người, đây là một phạm trù rộng lớn mà nhận thức của con người thì có hạn. Sự vận động của tạo hóa sinh ra số phận của một con người. Con người khi sinh ra, hoặc là cam chịu số phận, hoặc là đấu tranh chống lại số phận…
    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Hàng triệu triệu con người, ai ai cũng xung phong ra trận, thử hỏi nếu ai cũng ra trận thì lấy ai ở hậu phương. Ngay trong một gia đình cũng vậy, cũng phải phân công nhau, anh ra trận thì em phải ở nhà. Người ra mặt trận, phải có người ở lại hậu phương. Người đánh giặc thì phải có người đi làm, có người đi học, v.v.
   Nếu không làm được như vậy, thì làm sao cách mạng có thể thành công. Chả lẽ đánh thắng giặc rồi cứ ngồi đấy nhìn thành quả cách mạng tự nó lớn lên. Không thể như vậy được, nhất thiết phải có lực lượng đủ tài đủ kiến thức để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Lực lượng ấy chính là  những người được cử đi học, đi đào tạo ở nước ngoài. Khi họ trở về, họ là những người tiên phong để cùng mọi người thực hiện tiếp công cuộc xây dựng đất nước. Điều này thì ai cũng hiểu, song để thông cảm thì không phải ai cũng thông cảm.
   Tôi nói thế này, mong các đồng chí được đi học ở nước ngoài bỏ qua: Ngay trong gia đình các đồng chí, cũng có trường hợp: Anh hay chị của các đồng chí đi chiến đấu ngoài mặt trận để đồng chí được ra nước ngoài đi học. Đây là sự phân công của Đảng của Nhà Nước, của gia đình đối với mỗi người con trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Âu đấy cũng là số phận…
   Hoàn cảnh đất nước ta lúc đó bắt buộc phải như thế không thể khác được. Đến bây giờ cách mạng đã thành công, hòa bình được lập lại, chúng ta đang bắt tay xây dựng lại đất nước. Hiện nay, trong mọi mặt của cuộc sống, ở từng lĩnh vực công tác, có rất nhiều thành phần tham gia công tác. Từ những người có thâm niên công tác; đến học sinh mới ra trường; Bộ đội chuyển ngành; Thương bệnh binh v.v. Chúng ta  mang họ ra so sánh, người này làm nhiều, người kia làm ít hay sao?
   Tất nhiên là phải so, nhưng là so trên cùng một mặt bằng, so cùng thứ nguyên. Không thể so, một người đi chiến đấu thập tử nhất sinh với người đi học nước ngoài. Ở đây, nếu không nói về cái chết: Một đằng gạo rang không có mà ăn, đói rét triền miên; Một đằng ăn không hết, bơ sữa dư thừa… Đây là sự so sánh khập khiễng không thể chấp nhận được. Tôi nói thế này hơi quá: May mắn là chúng tôi còn sống, nên mọi người mới có thứ để mà so. Đối với những người đã hy sinh thì còn gì nữa để mà so, liệu như vậy có tàn nhẫn quá không? Ai có thể định giá được mạng sống của những người hy sinh vì Tổ Quốc?
   Việc bình bầu các danh hiệu thi đua là cần thiết, nhưng trong từng trường hợp cụ thể, cần phải có những tiêu chí phù hợp, mang tính nhân văn. Trường hợp chúng ta khô cứng giáo điều, thì còn đâu là nhân văn. Những người như chúng tôi hay những người thân của các đồng chí đã từng xả thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là những người nằm trong diện nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương. Song cũng dễ có tư tưởng công thần và địa vị.
   Trong thực tế, không thiếu những cảnh đau lòng: Có những gia đình, có anh là thương binh, vợ con người anh thì nheo nhóc, làm chẳng đủ ăn. Trong khi đó người em thì đi học nước ngoài về, nhà cửa, vợ con đàng hoàng, ăn trắng mặc trơn. Những trường hợp ấy anh em không giúp nhau thì ai giúp? Khúc ruột trên liền khúc ruột dưới. Tại sao lại không bù đắp vào những chỗ bị tổn thương? Tại sao không nghĩ đến câu: “Anh em như răng với môi, môi hở thì răng lạnh”. Tại sao lại vin vào câu của người xưa: “Anh em kiến giả nhất phận”. Để rồi người ta lại giải thích số phận nó thế…
   Theo tôi nghĩ: Phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét thi đua, trên quan điểm nhân văn, tình người, sau đấy mới là những tiêu chuẩn khác. Nói như vậy, cũng sẽ có người cho rằng: Việc nào đi việc đấy, không thể lẫn lộn được. Tình cảm là tình cảm và thành tích là thành tích.
    Đúng như vậy! Nhưng ở đây, trong hoàn cảnh đất nước ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh, chúng ta phải quan sát xã hội ở một góc độ khác: Nếu như tôi với các anh, chúng ta xuất phát từ một mặt bằng, thì sự so sánh ấy ai cũng thừa nhận. Đằng này chúng ta không cùng mặt bằng thì mọi sự so sánh là khập khễnh. Nếu như chúng ta cứ làm, như chúng ta đang làm thì đúng là số phận đã an bài.  Số của tôi sinh ra là phải đi chiến trường, còn số của anh sinh ra là để đi học nước ngoài. Số của chúng tôi là phải cống hiến và hy sinh, số của các anh là hưởng thụ. Có phải vậy không?
   Chúng ta phải làm gì để khỏa lấp sự bất bình đẳng  này? Nếu chúng ta không làm, thì ai làm? Chúng ta chờ đợi cấp trên ư? Cấp trên ở xa lắm…
   Hoàng dừng lại nhìn tất cả mọi người một lượt, phòng họp im phăng phắc, nét mặt mọi người đăm chiêu tư lự. Hoàng không đoán được mọi người sẽ phản ứng thế nào, nhưng theo Hoàng thì chắc chắn ý kiến của Hoàng sẽ không được ủng hộ. Đơn giản là vì: Tổng số 17 người dự họp, thì chỉ có 4 người là bộ đội, số còn lại đa phần là được đào tạo ở nước ngoài. Hoàng nghĩ: Cái gì xảy ra thì đã xảy ra, được ủng hộ hay không được ủng hộ cũng không sao, điều an ủi với Hoàng là Hoàng đã nói được một phần ý của mình mà cũng là ý kiến của các đồng đội. Hoàng thấy cũng không nên nói thêm nữa, tốt nhất là dừng lại. Hoàng nói:
   -Tôi rất cám ơn các anh và các đồng chí lắng nghe ý kiến của tôi. Những điều mà tôi phát biểu có gì không đúng, mong mọi người bỏ qua. Tôi hoàn toàn đồng ý với kết quả bình xét danh hiệu thi đua của phòng Công nghiệp. Bây giờ tôi bị mệt, xin phép được nghỉ họp.
   Hoàng đi thẳng ra ngoài, đóng cửa lại. Nhưng do xúc động nên đóng hơi mạnh, cánh cửa rung lên khi khép lại, bỏ lại trong phòng những ánh mắt tò mò đuổi theo Hoàng. Ra khỏi phòng họp, Hoàng như bước sang một thế giới khác, cảm giác lâng lâng, chân bước không thật, không ra say cũng không ra tỉnh.
    Những cơn gió Nồm cuối năm ào vào hành lang ôm lấy Hoàng, Hoàng khẽ rùng mình ớn lạnh, bước vội về phòng nằm vật ra giường, tưởng như những cơn sốt rét rừng sắp ập đến…

    Mấy ngày nay tâm trạng Hoàng không được vui, nên sau bữa cơm chiều bằng BoBo với tép khô ở đoàn thiết kế là Hoàng lại lang thang dọc đê Đà Giang đi về phía Bến Ngọc. Hôm nay là tối thứ 7, ngày mai được nghỉ, có nhiều người về Hà nội. Những người ở lại thì người đi chơi với bạn bè, người đi chơi với người yêu, người vào “Sở lượn” nên cơ quan buồn hẳn đi, sân cơ quan vắng lặng, thi thoảng mới thấy một vài người qua lại.
    Khôi gặp Hoàng ở gốc cây quéo, rủ Hoàng đi ăn thịt chó, xả xui. Hoàng ngần ngừ chưa đồng ý, thì Khôi nắm tay Hoàng kéo đi.
    Không vào quán thịt chó. Hai thằng ngồi ở quán ăn, trước cổng khách sạn Đà Giang. Ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu bị muội bám đen kịt ở phía trên bóng, không soi rõ mặt hai thằng. Nếu có người nhìn vào thì chỉ nhìn thấy đĩa lạc rang, một chai rượu quốc lủi và hai cái chén. Hai thằng ngồi đối diện với nhau, sau một vài tuần rượu, Khôi nói vừa đủ nghe:
   -Tao có cảm giác hình như mày ân hận về chuyện mày đã phát biểu ở cuộc họp hôm nọ, có đúng không?
   -…
   -Tao nghĩ việc ấy tất yếu phải xảy ra. Không mày thì tao sẽ phát biểu, mà chúng ta không phát biểu thì còn mấy thằng khác phát biểu. Ai lại đề ra tiêu chuẩn như thế bao giờ? Đã không đạt danh hiệu lao động tiên tiến một năm đồng nghĩa với việc chậm lên lương một năm. Cứ ở tình trạng này, thử hỏi chúng ta khi nào đạt được danh hiệu lao động tiên tiến? và bao giờ thì chúng ta được nâng lương?
   -Thôi! Tao xin mày đừng nói đến việc ấy nữa có được không?
   -Ừ! Thì thôi.
   Hai thằng chìm vào im lặng, ngồi nghe mấy bàn bên cạnh người ta nói chuyện với nhau.
   Buồn… Thi thoảng Khôi lại dục:
   -Uống đi! Buồn làm gì? Tao với mày đến bây giờ vẫn còn sống là tốt lắm rồi. Hồi còn ở chiến trường, có bao giờ dám nghĩ đến cảnh tượng này. Thôi! Cứ uống đi, mọi việc đâu sẽ có đó.
    Hai ba nhóm mới vào, họ gọi đồ ăn đồ uống, gọi đưa thêm đèn cho sáng. Được tăng thêm bóng điện, gian nhà sáng bừng lên. Khói thuốc lá bay lên cao, khói thức ăn bay là là dưới thấp. Hoàng nhìn không gian mờ mờ ảo ảo qua làn khói cũng thấy lòng nhẹ đi phần nào. Trong quán đủ thứ mùi, nhưng hình như có mùi của món nấu với giềng mẻ mắm tôm quyện với mùi rượu quốc lủi, tạo nên mùi đặc trưng và quyến rũ.
   Hoàng nuốt nước bọt, nâng chén lên cạ vào chén của Khôi:
   -Uống đi! Ông có thấy cuộc đời kệch cỡm không? Thằng đi học nước ngoài, bất luận là kỹ sư hay công nhân kỹ thuật, về nước đi làm. Thằng nào thằng nấy trông rạng rỡ, đáng mặt của những mạnh thường quân. Tôi với ông là những thằng gì?
   -Đã bảo là không nói về chuyện ấy nữa, mà ông cứ khêu ra làm tôi buồn. Thôi từ bây giờ cấm, ai nói nữa phạt một chén rượu đầy.
   Hai đứa lại ngồi im lặng, nhìn thiên hạ …
    Chợt Khôi hỏi:
   -Này! Sao ông không tính chuyện vợ con đi?
   -Tính thế nào? Tôi chẳng biết tính thế nào, ông tham mưu cho tôi đi?
   -Thế mấy cháu ở sư phạm 10+1 đâu rồi?
   -Các cháu bay đi rồi! Nghĩ cũng thấy tội nghiệp cho chúng nó, mới tý tuổi đầu đã phải xa bố mẹ lên tận nơi “ Khỉ ho cò gáy”.
    Câu chuyện đứt đoạn… Hoàng thấy Khôi ngồi im lặng, vẻ  mặt đăm chiêu. Hoàng đoán Khôi đang nghĩ về gia đình. Hoàng hỏi:
   -Tình hình vợ con ông thế nào rồi?
(Còn nữa).
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #288 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2014, 08:26:51 pm »


    Chào bạn Quân.
    Chuyện kể như nhịp thở đều đều của bạn hôm nay biến đâu mất, tự nhiên lại xuất hiện "lý sự" căng thẳng trong cuộc bình chọn theo tiêu chuẩn thi đua...hay thật. Tôi nhất trí theo quan điểm của bạn về cách đặt vấn đề vừa chính trị lại vừa rất thực tế.
    Năm mới 2014 chúc gia đình bạn và các bạn trên trang M&H mạnh khoẻ-hạnh phúc-thành đạt.
    Mong được đọc tiếp chuyện kể của bạn - TS của trung đoàn 95 một thời.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #289 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2014, 10:25:26 am »

   Chào anh Vanthang. Năm mới kính chúc anh và và gia đình dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn lễ phép, biết kính trên nhường dưới, phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già. Đại gia đình đời đời viên mãn.
 Còn riêng đ/c Vanthang của sư 341 ngày nào ơi! Tôi cứ nhìn thấy trong M&H có chữ Vanthang, là tôi lại nhớ đến địa danh: Đồi Thiếu Tá, hay còn gọi là Đồi Móng Ngựa. Không biết anh Vanthang có tham gia trận này không? Nhưng chắc anh vẫn nhớ đến địa danh Đồi Thiếu Tá. Đây là cứ điểm quan trọng của quân đội VNCH. Chúng hy vọng với cứ điểm này chúng sẽ kìm được chân sư 341 trên đường tiến vào giải phóng Xuân Lộc.  Khi ấy, lãnh đạo đơn vị tôi nói với chúng tôi:  Chúng đã nhầm, sư 341vì nhiệm vụ quan trọng của chiến dịch, nên chỉ được phép đánh tràn qua, giành thời gian để tiến vào đánh Xuân Lộc, phần còn lại nhường cho trung đoàn 95 sư 325 của chúng tôi giải quyết tiếp.
   Vậy đấy anh vanthang ạ! Từ xa xưa chúng ta không biết mặt nhau, nhưng đã phối hợp tác chiến chặt chẽ. Đến bây giờ, những cụ “Lính già” lại vẫn bên nhau, kẽo kẹt những kỷ niệm thời trận mạc để động viên an ủi nhau. Thật là quý hóa, không có gì có thể so sánh được, phải không anh Vanthang? Chúng ta chúc nhau sống vui vẻ khỏe mạnh, để hưởng lộc của trời đất, để con cháu có thời gian báo đáp công ơn cha mẹ. Để chúng ta ngẫm lại sự đời…
   Đầu năm, mạo muội mấy dòng. Anh Vanthang bỏ quá cho. Kính anh.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM