Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:05:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191481 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #250 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2013, 10:51:08 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Đồng đội tôi
( Xin phép linh hồn những người đã khuất, cho tôi viết bài này)
     Ở chiến trường Quảng Trị khi ấy chiến tranh vô cùng ác liệt, sự sống và cái chết lúc nào cũng cận kề, cái chết có thể ập tới bất cứ lúc nào và cũng lạnh lùng cướp đi sự sống của bất kỳ ai. Cũng từ hoàn cảnh ấy chúng tôi càng thương nhau hơn, quan tâm chăm sóc cho nhau từng ly từng tý, nhiều lúc tôi nghĩ: Ngay cả anh em ruột thịt cũng không thể có được những tình cảm ấy. Tình cảm của anh em chúng tôi phát triển tự nhiên là như vậy, tuy chúng tôi không ai nói ra nhưng tất cả ba anh em đều mặc nhiên thừa nhận: Ba anh em là một, nếu có chuyện gì xẩy ra thì người còn lại phải có trách nhiệm đến cùng… May mắn cho anh em chúng tôi, thời gian cùng với sự gian khổ và ác liệt cũng qua đi.
  Trung tuần tháng 2 năm 1975, chiến dịch mở ra. Tất cả trung đoàn 95 sư 325 đi tham gia chiến dịch, C20 của chúng tôi nằm trong đội hình của trung đoàn. Đơn vị ngày đêm lầm lũi bí mật hành quân từ Quảng Trị qua đất bạn Lào, cứ như thế chúng tôi cứ đi đi mãi, ngày này qua ngày khác, sau đó chúng tôi lại trở về Việt Nam. Cho đến đêm mồng 9 rạng sáng mồng 10 tháng 3 năm 1975, mở màn chiến dịch. Đơn vị chúng tôi bắt đầu tham gia vào cuộc chiến đấu mới, tất cả đều mới lạ, từ địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng cho đến các đơn vị hợp đồng tác chiến, phương án tác chiến. Tất cả đều khác không giống như thời kỳ chúng tôi chiến đấu ở Quảng Trị. Do đặc thù của chiến dịch nên không có thời gian để chúng tôi được làm quen, mà chúng tôi buộc phải thích ứng ngay để đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch. Mở đầu chiến dịch là giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi Cheo Reo – Phú Bổn, tiếp theo là Long Khánh – Xuân Lộc, cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam.
  Trong suốt thời gian tham gia chiến dịch, đơn vị tôi tổn thất cũng nhiều, có lẽ tổn thất nhiều nhất vẫn là việc chọc thủng vành đai tử thủ Xuân Lộc của Ngụy quyền Sài Gòn. Thật phúc đức cho cả ba chúng tôi là không ai bị thương, mà cũng chả bị làm sao cả. Về đến Thành Tuy Hạ chúng tôi được cử đi làm công tác dân vận một thời gian, kết thúc đợt công tác cũng là lúc những anh em sinh viên chúng tôi tạm biệt đơn vị trở về Miền Bắc tiếp tục đi học.
    Hôm chia tay đơn vị, chia tay hai đứa em, thằng D với thằng T. Tôi không sao cầm được nước mắt, ôm chúng nó trong vòng tay, tôi mếu máo nói trong nước mắt: “Anh sẽ về thăm chúng mày”. Kể từ đó: Ngần ấy thời gian xa nhau, cũng là ngần ấy thời gian tôi dõi theo tin tức của chúng nó. Lời hứa: Anh sẽ về thăm chúng mày cứ canh cánh bên lòng. Hứa thì như vậy, nhưng kẹt một nỗi, khi tôi về Miền Bắc thì chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra, hình như trung đoàn 95 của sư 325 lại lao vào chiến dịch.
   Phần tôi, do hoàn cảnh và điều kiện sống khi đó quá khó khăn, trong khi đó sức khỏe tôi thì yếu. Mặc dù vậy nhưng tôi vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi, vẫn phải cố gắng học tập mong có được cái cần câu cơm. Tôi vẫn biết, có được cái cần câu cơm cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rời miền xuôi để lên miền núi làm nghề xây dựng thủy điện, nghề nghiệp mà biết làm sao được. Thế là tôi mất hẳn tin tức của đơn vị và hai đứa chúng nó…
   Bẵng đi một thời gian dài. Rồi đến một ngày khoảng tháng 8 hay tháng 9 năm 1981, khi đó tôi được biệt phái về Hà nội công tác. Vào một buổi sáng, có lẽ hôm đó là chủ nhật.  Tôi gặp thằng D trong tình huống vô cùng hy hữu, từ bất ngờ đến ngạc nhiên. D. tìm đến nhà tôi, khi đó trên người nó chỉ còn độc chiếc quần đùi, ngoài ra không còn thứ gì khác. Sau 6 năm mới lại gặp nhau, nhẽ ra hai anh em phải tay bắt mặt mừng mới phải, đằng này nhìn bộ dạng nó, tôi không làm được điều ấy mà hai tay tôi cứ nắm hai bả vai của nó mà lắc rất mạnh và hỏi dồn dập:
-   Tại sao mày lại như thế này? Bây giờ mày làm gì? Ở đâu?
   Cứ thế là tôi hỏi dồn, nhìn mặt nó đờ đẫn, tay chân lóng ngóng. Tôi thấy thương nó quá, nhưng vì tôi quá bất ngờ khi nhìn thấy nó thế này nên tôi vẫn cứ hỏi dồn:
-   Mày nói đi chứ? Tại sao lại ra nông nỗi này?
   Nó vẫn không nói gì mà trân trân nhìn vào tấm vải hoa mầu xanh nhạt, do vợ tôi treo lên giả làm lido để ngăn căn phòng thành hai phần. Năm, mười phút trôi qua nó vẫn ngồi bất động. Lúc này tôi cảm thấy bất lực, vừa giận lại vừa thương đành ngồi nhìn nó. Đầu óc tôi rối tung lên, tôi thật sự không biết phải làm thế nào? Nó không nhìn tôi, nhưng nó biết tôi đang nhìn nó. Cái nhìn sắc lạnh, soi mói của tôi làm khuôn mặt của nó tái nhợt đi, mặt nó nổi da gà, răng thì nghiến chặt làm hàm bạnh ra dần giật. Hình như nó đang suy nghĩ cái gì đó rất quan trọng? Tôi hồi hộp chờ đợi. Nó vẫn không nhìn tôi, nhưng nó nói với tôi:
   -Chuyện dài lắm, khi nào có điều kiện em sẽ kể cho anh nghe.  Bây giờ anh cho em mượn bộ quần áo để em về nhà.
    Có rất nhiều vấn đề mà tôi cần phải làm rõ, nhưng có lẽ vào lúc này không tiện, tôi nghĩ thế nên tôi gạt ngay những suy nghĩ ấy ở trong đầu. Tôi không nói gì, lặng lẽ đi chuẩn bị những thứ mà nó yêu cầu. Lúc này vợ tôi đang ru con bé con ngủ trên giường kê sát tấm lido. Thấy tôi chui qua tấm lido, vợ tôi nhìn tôi dò xét. Tôi biết vợ tôi phần nào cũng đoán được câu chuyện giữa hai chúng tôi. Tôi ra hiệu cho vợ tôi im lặng.
  Qua một vài giây đấu tranh tư tưởng, tôi quyết định đưa cho D. mượn bộ quần áo mà tôi ưng ý nhất, cũng là mới nhất của tôi. Thú thực là tôi chỉ có ba bộ quần áo, hai bộ cũ mầu đã bạc, áo thì sờn vai, quần cái thì tích kê mông, cái lộn ống. Bộ quần áo mà tôi đưa cho D là mới nhất, cái áo hoa là hàng viện trợ, khi phân cho Đoàn thiết kế Hòa Bình tôi bắt thăm trúng được, còn chiếc quần vải Simily mầu xanh cửu long là tôi mới mua 28 đồng. Mua được chiếc quần này là tôi phải đi đội than thuê cho xưởng thủy tinh ở đê La thành, đường Đại Cồ Việt cổng bên của trường ĐHBK.
   Thằng D. mặc quần áo vào, trông nó khá hơn ban nãy. Tuy nó mặc hơi dài và rộng, nhưng cái cơ bản là đã che lấp được tấm thân còm cõi của nó. Chẳng biết trước kia nó có béo tốt không? Nhưng từ khi tôi biết nó cho tới bây giờ thì nó gần như không có thay đổi gì.
   -Tình hình thằng T. thế nào rồi? Lâu nay mày có gặp nó không?
  Tôi hỏi nó. Mặt nó lạnh tanh, vẫn cố tình trốn cái nhìn của tôi. Nó bảo:
   -Anh cứ yên tâm. Thằng T. bây giờ no thì chưa no, nhưng cũng không chết đói.
   Nó định nói thêm cái gì đó với tôi, nhưng nó ngần ngừ một lúc rồi nói rất nhanh:
  - Bây giờ em xin phép về nhà kẻo lỡ hết việc. Em giải quyết công việc ổn thỏa xong em sẽ kể anh nghe. Thôi em về đây!
    Chẳng đợi sự đồng ý của tôi thế là nó đi, bước ra khỏi cửa nó cắm đầu đi thẳng, dáng đi của nó vẫn như ngày nào, chỉ có điều bây giờ nó đi giữa hai dãy nhà tập thể lụp xụp xiêu vẹo của Ban công tác Sông Đà. Chứ không phải đi giữa rừng Sim rừng Mua như hồi còn ở Quảng Trị…
   -Anh uống nước đi!
   Thằng T. mời tôi uống nước, đã  kéo tôi trở về với thực tại. Tôi giơ tay đỡ chén nước từ tay nó. Chén nước trà vừa mới pha còn đang nóng hổi, hơi nước bốc lên từ miệng chén mang theo mùi hương thơm ngào ngạt rất đặc trưng của hương vị chè Thái Nguyên. Nhấp ngụm nước trà, tự nhiên tôi lại nhớ đến thời kỳ giải phóng Buôn Ma Thuột. Tôi hỏi thằng T.:
   -Chú còn nhớ hồi giải phóng Buôn Ma Thuột không? Tôi đổi cách xưng hô cho thân mật.
   -Có chứ! Em làm sao quên được. Nhưng mà anh nói thế là có ý gì?
   -Chả có ý gì cả. Anh thấy chú mời anh uống nước, làm anh nhớ lại hồi ở chiến trường chú cũng thường xuyên pha nước mời anh. Nhưng ngày ấy chỉ có chè Blao, còn bây giờ là ở quê và chè là chè Thái Nguyên.
   Gợi ý của tôi đến kỷ niệm xưa, làm cho thằng T. vui vẻ hẳn lên, nó quên đi những ưu tư về căn bệnh trầm kha mà nó đang phải gánh chịu, nó hăng hái kể:
   -Hồi còn ở Nại Cửu, tuy là thiếu thốn. Nhưng ăn dè hạt tiện thì cũng đủ dùng, không đến nỗi phải nhịn anh nhỉ!
   Nó mơ màng nhìn lên trần nhà trầm tư suy nghĩ, rồi lại bắt đầu với cái giọng buồn buồn:
   -Được cái, dạo ấy thi thoảng cũng có dăm bao thuốc lá, vài bịch thuốc lào và một vài lạng chè của những anh em trong đơn vị đi công tác mua về. Thời kỳ ấy gọi là khan hiếm nhưng còn chịu được. Nhưng có lẽ khổ nhất là lúc anh em mình hành quân đi chiến dịch. Khi đó đã gian khổ vất vả thì chớ lại còn hoàn toàn bị động nữa chứ, anh em mình cứ nháo nhác  hỏi nhau: Không biết mình đang đi đâu? Đi vào hay đi ra? Từng chặng từng chặng, có giao liên dẫn đường, anh em mình chỉ biết đi như những cỗ máy. Nếu mà đi bên đất Việt Nam thì còn có thể đoán già đoán non. Đằng này lại đi trên đất bạn Lào nên cũng chẳng biết thế nào? Thôi đành nhắm mắt đưa chân, có phải thế không anh?
   Tôi ừ để phụ họa với nó, nó đẩy chén nước đến gần tôi và dục:
  - Anh uống đi cho nóng.
   Tôi nâng chén nước lên nhấm nháp, còn nó lại tiếp tục kể về cuộc hành quân qua đất bạn Lào, tôi nghe câu được câu chăng. Lúc này ở bàn nước chỉ có tôi với nó, còn mọi người đã tản đi ai vào việc nấy. Mấy đứa em cùng đi với tôi cũng kéo nhau ra ngoài ao ngoài vườn nhà thằng T. để ngắm nhìn thành quả lao động của vợ chồng nó. Tôi nghĩ: Nhân dịp này nên hỏi cho cụ thể xem bệnh tình của nó thế nào? Tôi đứng lên sang ngồi bên cạnh nó, chắc nó cũng đoán được ý đồ của tôi, nhưng nó vờ như không biết, mà vẫn tiếp tục câu chuyện còn đang dở dang. Đến khi tôi hỏi nó:
   -Dạo này chú thấy trong người thế nào?
   Nó dừng lại, đảo mắt nhìn xung quanh. Khi chỉ thấy có hai anh em nó mới nói:
   -Anh hỏi thì em cũng nói thật. Em sợ vợ con em nó buồn, em không giám nói. Thực ra là hết cách rồi anh ạ!
   -Cơ sở nào chú lại giám khẳng định như vậy?
   -Bác sĩ nói cũng là một phần để em khẳng định, nhưng cái mà em thấy rõ nhất là sức khỏe của em. Nhiều đêm em đau không ngủ được, em sợ làm ảnh hưởng đến vợ con, em len lén ra ngoài bờ ao ngồi trong cái chòi canh cá để chấp nhận những cơn đau hành hạ. Ở ngoài đấy em còn có thể rên được cho bớt đau, nhiều hôm đau quá em hết vật vã trên chõng rồi lăn xuống dưới đất, mệt quá em thiếp đi. Hình như có điềm báo trước anh ạ, em mơ thấy bố mẹ và vợ con thì ít, nhưng chẳng hiểu sao em lại mơ đến các anh, đến đơn vị lại rất nhiều. Em nghe người ta nói: Những người sắp chết thường nói ra những lời hay và hay nhắc lại những chuyện của quá khứ…
(Còn nữa)

Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #251 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2013, 09:17:24 pm »


    quanvietnam lại làm tôi hồi hộp đón đọc để biết số phận thằng D thế nào đây?
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #252 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2013, 10:21:48 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Đồng đội tôi
( Xin phép linh hồn những người đã khuất, cho tôi viết bài này)
          Nó dừng lại dò xét xem thái độ của tôi phản ứng thế nào? Quả thật lúc này tôi thấy hơi rờn rợn, nỗi sợ hãi chạy dọc theo sống lưng làm người tôi lạnh toát, toàn thân tôi nổi da gà. Không phải khi nghe nó nói đến sự chết chóc làm tôi sợ, mà tôi sợ những điều huyền bí, những linh tính báo trước. Chẳng biết những điều huyền bí, hay những linh tính báo trước, có bao nhiêu chuyện đúng và có bao nhiêu chuyện không đúng, nhưng mà tôi vẫn sợ. Bởi vì có một lần chúng tôi đã gặp, mà chắc là thằng T. cũng biết, chuyện ấy xảy ra cách đây hơn 40 mươi năm rồi.
   Dạo ấy vào khoảng trung tuần tháng 11 năm 1972, sau khi trung đoàn 95 rút khỏi thành cổ Quảng Trị, ra Cam lộ để nghỉ ngơi và củng cố lực lượng. Ở đó được một thời gian ngắn, trung đoàn lại nhận nhiệm vụ kéo vào để thay thế một đơn vị đang chốt giữ khu vực phía Tây Bắc thành cổ Quảng Trị, bên bờ Nam sông Thạch Hãn. Gọi là khu vực thì có vẻ rộng lớn mênh mông, kỳ thực nó là một dẻo đất hẹp, ôm lấy bờ Nam sông Thạch Hãn kéo dài từ Nham Biều lên đến tận Đá Đứng. Nếu lấy mép nước sông Thạch Hãn làm chuẩn, chỗ rộng nhất mà trung đoàn 95 chiếm giữ chưa đến 7-8 trăm mét, chỗ hẹp nhất là khu vực Đá Đứng thì địch ở trên đồi ta ở mép nước. Phải thừa nhận ta đang ở thế hoàn toàn bất lợi, bọn địch lợi dụng thời cơ này đang cố gắng đẩy chúng ta ra khỏi bờ Nam sang bờ Bắc. Cả ta và địch, đều ý thức được tầm quan trọng của dẻo đất này nên một bên quyết giữ còn một bên quyết đánh bật đối phương ra khỏi vị trí chiến lược này. Hậu quả là dải đất này thấm đẫm máu của ta và địch.
   Đồi Chè, ở thôn Như Lệ là một địa danh có lẽ không bao giờ có thể quên được trong tâm khảm của những người lính trung đoàn 95 sư 325 lúc bấy giờ. Gọi là Đồi Chè, có lẽ là do anh em bộ đội ta đặt cho dễ gọi, thực ra nó là cao điểm 29 hay là 25 gì đó. Cao điểm này nếu so với dãy đồi phía trong gần ngã ba Phước Môn thì rất thấp, nhưng được cái cao điểm này nằm rất gần sông Thạch Hãn, nếu địch chiếm giữ được cao điểm này thì chúng hoàn toàn có thể khống chế được đoạn sông Thạch Hãn kéo dài từ khu vực sát với Đá Đứng đến Tân Mỹ. Dọc tuyến sông này chính là đường giao thông huyết mạch của bộ đội ta. Tất cả vũ khí, quân trang quân dụng, nhu yếu phẩm, thương binh v.v đều được chuyển qua đoạn sông này bằng những bến vượt.
  Xuất phát từ địa thế chiến lược, nên Đồi chè trở thành điểm nóng của khu vực này, chính vì vậy nên chiến sự xảy ra liên miên không kể ngày đêm, lúc địch chiếm, lúc bộ đội ta lấy lại. Đồi chè, lúc đầu còn có cây cối mọc xanh um, thế mà chỉ sau một thời gian, không còn nhìn thấy bóng cây cỏ nào mọc trên đỉnh đồi. Nhìn đỉnh đồi lúc ấy giống như một người bị hói đầu, xung quanh còn lơ thơ một vài cây cỏ bị đạn pháo làm tiêu điều xơ xác, trên đỉnh thì đỏ quạch, mỗi khi có đạn pháo của địch bắn vào, thì những cột khói hình nấm, mầu nâu đất cuồn cuộn bốc lên bao phủ toàn bộ quả đồi.
   Do mật độ các loại đạn pháo của địch bắn vào dày đặc, cùng với sức công phá của các loại vũ khí bộ binh trong các trận quyết chiến giữa ta và địch. Đất trên đỉnh đồi trở thành cát bụi, không có sinh vật nào có thể tồn tại ở đây được, chỉ tồn tại những trận đọ súng quyết liệt để chiếm lấy cao điểm chiến lược này. Đồi chè khi ấy là nỗi kinh hoàng của ta và địch, ác liệt chẳng khác gì Thành cổ Quảng Trị mấy tháng trước.
   Tôi hỏi T.:
   -Chú có còn nhớ chuyện đi trinh sát Đồi chè của thằng Th., tiểu đội trưởng tiểu đội 4, người Xuân thủy Nam Định Không?
   -Chuyện ấy em không biết cụ thể, nhưng em nghe anh V. kể lại. Đợt ấy hình như em đang ở đài quan sát đầu cầu Quảng Trị.
   Suy nghĩ một lúc rồi T. bảo tôi:
   -Đấy anh thấy chưa? Rõ ràng là linh tính mách bảo còn gì?
   Tôi không dám tranh luận với nó cái đấy là đúng hay là sai, vấn đề ở đây tôi muốn nó đừng nghĩ đến những điều mà nó mộng mị để rồi suy luận, nghĩ hết khôn lại dồn sang dại. Tôi nói với nó:
   -Hai chuyện khác nhau, một đằng là chiến tranh, một đằng là bệnh tật, hai lĩnh vực này không thể so sánh với nhau được, chú cứ nghĩ ngợi nhiều lại thêm ốm. Sống hay chết con người đều có số, muốn cũng chẳng được.
   Nói với nó để động viên và an ủi nó vậy thôi, chứ thực ra câu chuyện xảy ra với thằng Th. không thể lý giải nổi. Tôi nhớ:
   Chiều hôm ấy, cỡ khoảng độ 4 giờ hay 4 rưỡi gì đó. Khi đó, nhóm trinh sát và thông tin trinh sát của C20 E95 F325 đang ở bờ Bắc sông Thạch Hãn. Căn hầm của chúng tôi được đào dưới chân bụi tre gai bên bờ sông. Vị trí căn hầm này cực an toàn, để có thể phá hủy được căn hầm này chỉ có thể là bom hay là pháo, mà ở đây thì không thể có bom được, vì ta và địch ở gần nhau và đan xen nhau, nếu địch dùng máy bay thả bom có khi lại trúng vào đội hình địch nên chúng không dám. Vậy thì chỉ còn pháo, nếu pháo bắn 2-3 quả đều trúng một chỗ thì mới khoan thủng được bụi tre gai này, điều này chắc là không thể. Chính vì vậy chúng tôi chọn nơi đây làm vị trí tập kết để chuẩn bị xuất phát.
   Cũng như mọi khi, trước giờ xuất phát chúng tôi ngồi bên nhau ở căn hầm âm, chuyền tay nhau chiếc điếu cày, nõ điếu đã nóng ran vì nhiều người hút và bị hút liên tục. Khói thuốc lào bay mù mịt trong gian hầm, chúng tôi không ai nói với ai, tất cả im lặng. Giờ xuất phát đi làm nhiệm vụ của trinh sát là chúng tôi rất kiêng kỵ, thường chúng tôi rất ít nói mà chỉ nhìn nhau là chủ yếu. Những gì thực sự cần thiết thì mới nói, tránh nói linh tinh để không phạm vào những điều kiêng kỵ hay nói những điều gàn gở.
   Lần này Th. tiểu đội trưởng của tôi, dẫn một tổ ba người đi trinh sát Đồi chè. Tôi không đi đợt này mà chỉ là quân số dự bị, ngồi cùng với anh em tôi chăm chú quan sát mọi người. Tôi thấy thật là lạ: Tại sao hôm nay tiểu đội trưởng của tôi lại mang bộ quần áo mới tinh còn đang nguyên nếp. Tôi rất thắc mắc tại sao hôm nay có điều khác thường như vậy? Nhưng do kiêng kỵ nên tôi lặng yên không dám hỏi.
   Tiểu đội trưởng của tôi người Xuân Thủy Nam Định, tên là Nguyễn Xuân Th. . Tiểu đội trưởng kém tôi 4-5 tuổi nên lúc nào cũng gọi tôi là anh “Già”. Th. đẹp trai, cao to trắng trẻo, nhưng hơi mập, rất giỏi võ trinh sát. Con người của Th. là hiện thân của tuổi trẻ năng động và hoạt bát, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, hai lúm đồng tiền hai bên má có lẽ làm giảm đi nam tính của Th. nhưng bù lại là làm cho khuôn mặt của Th. duyên hơn, hấp dẫn hơn. Có cái chung nhất mà mọi người đều nhận xét về Th. là: Nhìn thấy Th. cười là quên đi sự mệt mỏi và quên luôn cả cuộc chiến tranh đang hiện hữu.
   Đến giờ xuất phát, mọi người lục tục ra đi. Chúng tôi kiêng việc bắt tay tạm biệt hay tiễn đưa, thay vào đó chúng tôi chỉ nhìn nhau, những ánh mắt nói lên hy vọng hẹn gặp lại. Chúng tôi đứng lên dõi theo bóng của ba người lúc ẩn lúc hiện sau những bụi tre gai, rồi cả ba chiếc mũ tai bèo được ngụy trang bằng cỏ cũng lẫn vào những vạt cỏ tranh và mất hẳn.
  Mọi người đi rồi chỉ còn lại tôi với anh V., anh là lính thông tin. Anh V. cũng quê ở Xuân Thủy Nam Định thì phải, trước lúc nhập ngũ anh là giáo viên dạy cấp hai. Nghe nói anh V. có vợ xinh lắm, kém anh đến 5-6 tuổi, mọi người cứ trêu anh là tảo hôn. Lại thấy anh gày gò ốm yếu, nên mọi người vẫn hay công kích: Khổ chưa? Ai bảo cứ ham lấy vợ trẻ, cả mái thì hại trống. Bây giờ mà túm tóc thì rũ ra một đống xương…
   Công bằng mà nói thì anh V. gầy thật, đã thế người anh lại cao, lưng hơi còng, dáng đi lúc nào đầu cũng chúi về phía trước. Nếu mà cân vội cả bì và có chiếu cố thì cũng chỉ được đến 45 KG là cùng. Con người anh là thế, cộng với tính cách sinh hoạt của anh, lúc nào người ta cũng thấy anh buồn rầu, anh nói anh bị bệnh đau đầu và rất ít khi người ta nhìn thấy anh cười…
   Anh V. thấy tôi ngồi im lặng, Anh cũng im lặng. Một lúc sau anh mới cất tiếng:
   -Hôm nay nhìn thằng Th. ông có thấy có điều gì khác không?
   Như được gãi đúng chỗ ngứa, tôi vội hỏi ngay:
   -Có! Chẳng hiểu tại sao hôm nay nó lại mặc bộ quân phục mới anh V. nhỉ?
   Tôi với anh V. có lẽ ngang tuổi nhau, nhưng vì tôi nhập ngũ sau, ít tuổi quân hơn, để lịch sự tôi gọi anh ấy bằng anh và xưng tôi. Còn anh V. lúc nào cũng xưng hô với tôi bằng cụm từ: Ông ông tôi tôi. Anh V. im lặng một lúc, mặt đanh lại giống như sắp có chuyện gì xảy ra, mấy lần anh V. uốn lưỡi định nói xong lại thôi. Tôi gặng hỏi:
   -Theo anh thì có gì khác?
   Bị tôi dục, Anh V. miễn cưỡng nói:
   - Ban nãy, trước khi đi. Tôi thấy thằng Th. mặc bộ quân phục mới, tôi thấy làm lạ nên mới hỏi nó, nó cười toe toét rồi kể với tôi và cũng không quên hẹn tôi là đừng kể với ai, nếu mọi người mà biết thì nó xấu hổ lắm. Nó nói: Chuẩn bị đi, tự nhiên em thấy đau bụng. Em vội vàng cầm xẻng ra hố bom ở đàng kia đào hố mèo để đi ngoài, xong rồi lúc em đứng lên thì mặt mũi xây xẩm ngã ngay vào hố mèo chưa kịp lấp. Em xấu hổ quá, và sợ mọi người nhìn thấy, em vội vàng cởi bỏ ngay bộ quần áo ấy rồi chạy về hầm lấy bộ này để thay. Nó cười và nói với tôi: Bộ này là em mới được phát, chưa mặc lần nào, lần này đi trinh sát em mặc để mở hàng.
   Kể đến đấy anh dừng lại bật công tắc máy thông tin 2W, anh đăm chiêu nhìn vào kim đồng hồ chạy trên bảng chia vạch tần số của máy thu phát, tay phải anh nhấn vào Manips điệu bộ giống như anh đang phát tín hiệu thông tin lên sóng vô tuyến. Nhưng đấy là do thói quen, bởi lúc này chưa đến giờ liên lạc. Tôi ngồi yên lặng chờ đợi xem kết thúc câu chuyện của hai anh em anh V. thế nào? Một lát sau anh V. vừa gõ manips vừa nói:
   -Tôi chẳng biết nói gì, chỉ nhếch mép cười gượng gạo. Nhưng lúc này trong đầu tôi luôn nghĩ là có điềm gì đó báo trước, nghĩ vậy thôi nhưng tôi không nói ra. Mà thực ra tôi cũng chẳng có cơ sở nào để nói rằng việc nó ngã như vậy là có điềm báo trước. Mà có nói thì nó cũng chả tin, đôi khi nó cho mình là gàn dở nói những điều xúi quẩy.
   Ngừng một lát, anh V. nói tiếp:
   -Tôi cũng nói suy nghĩ của tôi để ông biết thôi, đừng nói với ai. Nói ra mọi người cho rằng hai ông “Già” cứ toàn nói linh tinh làm ảnh hưởng tư tưởng của anh em trong đơn vị.
   Tôi đồng ý với ý kiến của anh V., chẳng gì thì anh V. cũng là một thầy giáo dạy cấp hai, còn tôi cũng là một sinh viên Năm thứ tư của một trường đại học. Ai lại đi nói những điều mà chính bản thân mình cũng nhận thấy là không có cơ sở.
  Buổi chiều hôm ấy qua đi, màn đêm buông xuống. Tôi chắc, chỉ có hai người chúng tôi đang sốt ruột chờ  tổ trinh sát Đồi Chè trở về.
(Còn nữa)



Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #253 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2013, 07:16:45 pm »

            Chào bác quanvietnam! Chuyện bác kể hay, vẫn thật hay. Trong câu chuyện có ý tâm linh hay linh tính này thì đúng là ở đơn vị nào cũng có. Có nhiều người còn nói trước được những việc mà sau này sự việc xẩy ra gần đúng như vậy hoặc là nói "gở" cũng hay dẫn đến cái chết.

           Nhưng chẳng lẽ con người ta lại có "số". Vậy một trận bom, một trận chiến hay những Đại hồng thủy chẳng hạn. Có hàng vạn người chết đều chung một số phận hay sao .. Huh Huh Huh

           Tranphu cùng anh em đang chờ đón tiếp bài viết của bác xem cái linh cảm về bộ đồ mới nguyện nếp thế nào? Chúc bác chủ luôn vui khỏe!
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #254 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2013, 04:55:29 pm »


...  Đồi Chè, ở thôn Như Lệ là một địa danh có lẽ không bao giờ có thể quên được trong tâm khảm của những người lính trung đoàn 95 sư 325 lúc bấy giờ. Gọi là Đồi Chè, có lẽ là do anh em bộ đội ta đặt cho dễ gọi, thực ra nó là cao điểm 29 hay là 25 gì đó. Cao điểm này nếu so với dãy đồi phía trong gần ngã ba Phước Môn thì rất thấp, nhưng được cái cao điểm này nằm rất gần sông Thạch Hãn, nếu địch chiếm giữ được cao điểm này thì chúng hoàn toàn có thể khống chế được đoạn sông Thạch Hãn kéo dài từ khu vực sát với Đá Đứng đến Tân Mỹ. Dọc tuyến sông này chính là đường giao thông huyết mạch của bộ đội ta. Tất cả vũ khí, quân trang quân dụng, nhu yếu phẩm, thương binh v.v đều được chuyển qua đoạn sông này bằng những bến vượt....

Điểm cao 29 ạ!
Logged

quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #255 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 10:52:08 am »


 Cám ơn anh TP; anh QuangCan đã giúp đỡ. Nhìn dòng sông Thạch Hãn trên mảnh bản đồ của anh, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại những “từ” những “ câu” tôi cố ghép lại để gọi là thơ. Nay tôi xin đăng lại
SÔNG THẠCH HÃN
Nhìn dòng Thạch hãn lững lờ trôi,
Ai nói được sông từ bao đời,
Ai nhớ được sông bao nhiêu tuổi,
Sao sông cổ kính thế sông ơi?

Sao sông trầm tĩnh thế sông ơi,
Chiến tranh ác liệt đã qua rồi.
Sông ôm vào lòng bao chiến tích,
Sông cứ âm thầm lặng lẽ trôi.

Thạch hãn ơi! Ngầm Phương thuý ơi!
Bốn mươi năm trước,đã một thời,
Đạn bom quân địch cày tan nát,
Sông nước đục ngầu,lẫn máu rơi.

Nhớ ngày ác liệt ấy sông ơi,
Sông có biết không? đã bao người,
Ra đi chiến đấu không về nữa
Ở lại với sông mãi muôn đời.



Xuôi bến Tích tường đi sông ơi,
Ghé  thăm Như lệ gần đó thôi,
Cao điểm hai chín,tuy bé nhỏ.
Vang dậy chiến công của một thời.

Trở về Thành cổ đi sông ơi!
Thăm lại bến xưa đã bao người,
Hy sinh chiến đấu giữ Thành cổ,
Tám mốt ngày đêm quyết chẳng rời.

Sông ơi! sông cứ chảy về xuôi
Ra thăm cửa Việt đi sông ơi,
Nơi ấy đã ghi bao dấu tích.
Của thời đánh địch đấy, sông ơi.

Đã bốn mươi năm rồi,sông ơi
Đoàn cựu chiến binh về thăm người,
Dòng sông Thạch hãn vẫn còn đấy.
Cổ kính muôn đời Thạch hãn ơi.
                                                                Hà nội,tháng 9 năm 2011.

                                                         


Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #256 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 12:36:51 pm »



...  Đồi Chè, ở thôn Như Lệ là một địa danh có lẽ không bao giờ có thể quên được trong tâm khảm của những người lính trung đoàn 95 sư 325 lúc bấy giờ. Gọi là Đồi Chè, có lẽ là do anh em bộ đội ta đặt cho dễ gọi, thực ra nó là cao điểm 29 hay là 25 gì đó. Cao điểm này nếu so với dãy đồi phía trong gần ngã ba Phước Môn thì rất thấp, nhưng được cái cao điểm này nằm rất gần sông Thạch Hãn, nếu địch chiếm giữ được cao điểm này thì chúng hoàn toàn có thể khống chế được đoạn sông Thạch Hãn kéo dài từ khu vực sát với Đá Đứng đến Tân Mỹ. Dọc tuyến sông này chính là đường giao thông huyết mạch của bộ đội ta. Tất cả vũ khí, quân trang quân dụng, nhu yếu phẩm, thương binh v.v đều được chuyển qua đoạn sông này bằng những bến vượt....

Điểm cao 29 ạ!


 
    @ quanvietnam, quangcan và  bạn đọc

    Để  bạn đọc hiểu đúng ĐỒI CHÈ và vị trí của nó - (đồi Chè không phải là cao điểm 29 hay 25 gì đó ) ,  mời các CCB xem thông tin và
    Ảnh dưới đây  :

      Đồi Chè – Một địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến đấu tại Tích tường – Như lệ cuối  năm 1972. Nhắc đến đồi Chè – một điểm “ chốt “,   rất
      nhiều trận đánh   của E/ 95  và của  F312 đã diễn ra ác liệt và nhiều lính  đã  hy sinh tại nơi này .  Ví trí  ở  đầu  thôn Như lệ,   cách cầu khe
      Như lệ  chừng 800 – 1000m , gần   đường  ô tô  Tích tường – Như lệ  (  đường  hiện nay ) .  Chiếm đồi CHè  khống chế Cầu qua khe Như lệ, 
      làng Như lệ, bãi sông  Tích tường  và  quan sát được cả đoạn sông từ Như lệ  đến Tích tường  (  xem bản đồ )
   
     TÍCH TƯỜNG _  NHƯ LỆ  - ĐỒI CHÈ  VÀ  BẾN VƯỢT  1972  của  công binh C17/E95

          
   

      Đồi Chè  -  Làng Như lệ nơi trận chiến ác liệt năm xưa đã diễn ra.  Vị trí  gần  đường  ô tô rẽ vào  khoảng  100 – 200m -   Cụm cây xanh  trên
      Ảnh   là   vị trí của đồi CHÈ    năm 1972  (  cả hai  bên của  nhánh đường rẽ ) . 


       


   TÍCH TƯỜNG- NHƯ LỆ  - Đồi CHÈ  với các địa danh và công trình Nam Thạch hãn .  (  Đồi CHÈ  cách xa  TâN Mỹ - ĐÁ ĐỨNG)

       



Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #257 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 03:27:52 pm »

Có đoạn trích dẫn này ạ!

Trích dẫn
...
Tích Tường - Như Lệ là hai làng lớn thuộc xã Hải Lệ nằm sát liền nhau và tựa lưng vào sông Thạch Hãn. Đường ô tô từ thi xã Quảng Trị lên qua Tích Tường rồi qua Như Lệ, Tân Lê... Nằm giữa hai làng Tích Tường và Như Lệ là một con suối lớn (khe Như Lệ) chảy từ chân Động Ông Do về đổ nước xuống sông Thạch Hãn.

Tiếp giáp với bìa làng (phía nam) Tích Tường, Như Lệ là một cánh đồng hẹp, trên đó nổi lên mây ngọn đồi thấp, bộ đội ta quen gọi là đồi Chè, đồi Cháy, đồi 12,7, đồi Cây Mít, đồi Thám Báo. Bên kia cánh đồng là khu đồi Phước Môn, đồi Cây Dừa, đồi Yên Ngựa, Gia Long...
Logged

nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #258 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 07:34:35 pm »

 
        Mời các bạn xem thêm tài liệu  về  TÍCH TƯỜNG _ NHƯ LỆ và ĐỒI CHÈ  

      TRÍCH DẪN TỪ :
    
    Re: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt
    « Trả lời #91 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2010, 05:58:07 PM »   
     ________________________________________
     CHUYỆN VI  ĐẶC SẢN NHƯ LỆ   . . .(tiếp 2)


     Sau ngày 16/9/1972, ở phía đông địch đẩy ta đến Tám Cát, Lệ Xuyên, Long Quang, An Lộng, Bích La nằm phía bắc sông Thạch Hãn. Còn ở phía
     Tây, địch chiếm giữ hoàn toàn phía nam sông. Gần như con sông  đã trở thành giới tuyến.
     Tuy nhiên có một mảnh đất nhỏ bé nằm phía nam sông mà địch đã dùng mọi khả năng hỏa lực, xe tăng và bộ binh mà vẫn không chiếm được. Đó
    là Tích Tường và Như Lệ.
(Xem bản đồ).

        Bản đồ chiến trận tại TÍCH TƯỜNG -  NHƯ LỆ


   
 

        
        Tuyến phòng thủ  tại TÍCH TƯỜNG _ NHƯ LỆ  và  ĐỒI CHÈ



   



Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #259 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2013, 10:51:13 am »

 Cám ơn anh Nguyenhuuluan C17E95, cám ơn anh Quangcan và tất cả các bạn! Hơn 40 năm rồi, vật đổi sao rời, chúng ta cũng già đi, nhớ nhớ quên quên, làm sao có thể nhớ chi tiết từng ly từng tý được, việc anh em mình quên âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng thật là may mắn cho chúng ta, cái gì quên có thể quên, còn những trận đánh ác liệt ở Tích Tường, Như Lệ, Đồi Chè vào thời điểm cuối năm 1972 đầu năm 1973 là chúng ta không quên. Xin cám ơn tất cả.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM