Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:02:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191176 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #220 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2013, 12:19:11 pm »

  CB chào anh quanvietnam. chào các bác. Anh qvn tiếp tục mạch truyện đi chứ! Mọi người đang nóng lòng chờ đợi. Tình yêu của người lính thật đẹp, trong trắng mà lãng mạn. Anh đã nói đúng. Nhật ký thì khác và truyện của sau chiến tranh lại khác phải không anh qvn? Cái ước mơ trong nhật ký của người lính thì nó vời vợi lắm. Nó đẹp như thiên thần vậy.  Anh em mình tâm sự lại chuyện của ngày xưa thôi mà. Chẳng riêng mình đâu anh ạ! Còn rất nhiều mối tình đẹp mà có lý do nào đó bạn mình không thể nói ra hoặc họ muốn nói nhưng khó dãi bày được hết lòng mình. Chỉ có tình yêu thật trong trắng và đời lính thật vô tư thì người CCB già như mình hôm nay mới dám tâm sự với đồng đội mình những chuyện mà chưa bao giờ được kể. Vậy là chuyện của anh em mình là riêng nhưng lại là tiếng nói chung cho nhiều đồng đội khác mà họ đều có chung một cuộc đời và cũng có một tình yêu như thế! Mình tiếp tục anh nhé! CB chúc anh  mạnh khoẻ đầu xuân có những cuộc du xuân cùng gia đình và bạn bè thật vui.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Hai, 2013, 03:24:36 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #221 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2013, 03:07:16 pm »

              Chào bác quanvietnam! Tranphu341 cũng đang đợi Tết qua mau để được nghe về câu chuyện của Bác đây. Mong bác vui Tết mấy ngày nữa rồi tiếp tục bác nhé!

              Đầu xuân, Tranphu341 kính chúc bác luôn mạnh khỏe, luôn có nhiều niềm vui cuộc sống!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #222 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2013, 10:08:51 am »


                               CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm
            …Dạo ấy, sau khi hiệp định Pari được ký kết. Ngụy quyền Sài Gòn tìm cách phá hoại hiệp định. Không biết ở các mặt trận khác thế nào, còn ở khu vực phía Tây thành cổ Quảng Trị, cả một dẻo ven bờ Nam sông Thạch Hãn từ Tích Tường kéo đến tận Đá Đứng. Quân địch  ráo riết tìm mọi cách đẩy bộ đội ta bật sang phía Bắc sông Thạch Hãn. Mục đích của chúng là cải thiện vị trí chiến lược trong tác chiến, nhưng sâu xa là chúng muốn lấy dòng sông Thạch Hãn làm giới tuyến giữa hai bên như dòng sông Bến Hải vĩ tuyến 17 trước kia. Nếu đạt được ý đồ ấy, chúng sẽ yên tâm hơn, vì quân giải phóng muốn tấn công thì phải vượt qua sông Thạch Hãn. Dòng Thạch Hãn khi ấy sẽ là trở ngại lớn của quân ta và là vật che đỡ cho quân địch.
   Ban tham mưu trung đoàn 95 sư 325 biết được ý đồ ấy của địch nên đã động viên cán bộ chiến sĩ các đơn vị quyết tâm chiến đấu, thực hiện đúng chủ trương: Một tấc không đi, một ly không rời. Nếu có cơ hội cố gắng tìm cách cải thiện vị trí chiến đấu cho tốt hơn.
   Do hai bên cả ta và địch quá hiểu nhau và đọc được những suy nghĩ của nhau, nên cuộc chiến đấu ở dẻo đất ven sông bờ Nam sông Thạch Hãn lúc này trở nên vô cùng ác liệt. Tất cả những cao điểm 25, 29 hay là những điểm cao không tên khác, nằm trong gianh giới tranh chấp giữa ta và địch thường xuyên xảy ra những trận đụng độ. Bộ đội ta kiên cường bám trụ, có ngày bọn địch tổ chức nhiều đợt nống ra để chiếm các “Chốt” của ta, hầu như những đợt nống ra đều bị quân ta bẻ gãy, chúng không sao chiếm được dù chỉ là tấc đất.
   Tất nhiên cuộc chiến đấu ấy bên ta cũng bị tổn thất nặng nề. Có hôm, để chống lại những đợt tấn công của địch vào hệ thống “Chốt” của ta. Trận địa phòng ngự của ta đã xảy ra một trường hợp không thể tin đó là sự thật, nhưng lại là thật. Đó là chuyện một chiến sĩ tên là Hồng, biệt danh là Hồng Còm( có lẽ vì thuộc diện thấp bé nhẹ cân nên mọi người đặt cho biệt danh này) thuộc đơn vị bộ binh của K4 trung đoàn 95 sư 325 giữ “Chốt” ở cao điểm 29. Bắt đầu cuộc tấn công của địch vào lúc sáng sớm, chức vụ mới là tiểu đội trưởng, đến khi cuộc tấn công của địch tạm thời dừng lại, vì trời sắp tối thì đồng chí tiểu đội trưởng lúc ấy đã phải thay thế đại đội trưởng để chỉ huy chiến đấu bảo vệ cao điểm.
  Cũng vào thời gian ấy, bên ta thường tổ chức các cuộc luồn sâu vào lòng địch điều tra tình hình và gây nhiễu loạn. Để phục vụ cho công tác luồn sâu, huyện đội Hải Lăng tỉnh đội Quảng Trị tăng cường cho bộ phận trinh sát C20 của E95 một tổ du kích người vùng này, nhiệm vụ của tổ du kích là dẫn đường cho đơn vị trinh sát luồn sâu. Không biết tổ du kích ấy có bao nhiêu người, nhưng chắc chắn có hai o du kích.
   Hồi đó, tôi và Hoàng Văn Xuân bạn học cùng lớp với tôi, lớp 13 cầu đường, khóa 13 trường đại học Xây Dựng. Chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày, cùng vào chiến trường và ở cùng một đơn vị. Chúng tôi ở tiểu đội 4 thuộc trung đội 4 của đại đội C20 E95 F325. Tiểu đội chúng tôi đang cùng với các đơn vị bộ binh K4, K5 của trung đoàn 95 sư 325 bám “Chốt” theo dõi tình hình địch. Hàng ngày chúng tôi có nhiệm vụ cùng với bộ binh bảo vệ “ Chốt”, đồng thời thu thập và phân tích thông tin để báo cáo về sở chỉ huy của trung đoàn những đặc điểm chủ yếu của các cuộc tấn công của địch vào hệ thống “Chốt” của ta như: Hướng tấn công, đơn vị tấn công, loại vũ khí dùng để tấn công và số lần tấn công v.v.
   Tôi với Xuân ở cùng hầm, nói là ở chung một hầm nhưng thực ra rất ít khi chúng tôi được ngủ cùng với nhau một đêm từ tối đến sáng, vì theo phân công thì khi tôi ở trên “Chốt” hay đi trinh sát thì Xuân ở nhà và  khi tôi ở nhà thì Xuân lại lên “Chốt”, cứ thế chúng tôi đổi nhau, cũng nhiều hôm cả hai thằng cùng đi.
   Một hôm, tôi ở trên “Chốt” về muộn, lúc đó vào khoảng 7 rưỡi hay 8 giờ tối gì đó. Tôi thấy Xuân đã súng ống chỉnh tề, quần áo nai nịt gọn ghẽ, ngồi chờ nhóm tôi về để đổi ca. Gặp nhau, tôi và Xuân nói với nhau dăm câu ba điều để hỏi han tình hình, sau đó chúng tôi chia tay nhau. Xuân còn ngoái lại nói với tôi:
    -Cơm của mày tao để ở trong hầm ấy.
   Tôi chui vào hầm, hầm tối đen, đàn muỗi đói trong hầm ào ra, nhiều con lao nhanh quá bay đập cả vào mặt tôi. Theo thói quen, tôi sờ tay vào góc hầm để tìm cái đèn làm bằng ống nhựa vỏ quả đạn pháo sáng, tôi thắp đèn lên. Ở đây, buổi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi thường hay thắp đèn để soi xem trong hầm có rắn rết hay cóc nhái gì không, sau đó mới yên tâm chui vào ngủ. Khi bấc đèn bắt lửa, cũng là lúc mùi nhựa cháy bốc lên khét lẹt. Mùi này không ngửi được lâu, nên chúng tôi chỉ thắp đèn để kiểm tra hầm hay làm gì đó, xong là tắt đi ngay. Nếu như thắp đèn lâu, trong hầm ngột ngạt không thở được, khói nhựa bốc lên, mũi hít vào làm thành hai hàng lông mũi kéo dài từ hai lỗ mũi đến tận môi trên, đen kịt. Lúc đầu còn chưa quen nên nhìn nhau cảm thấy buồn cười, nhưng bây giờ nhìn quen rồi cũng thấy bình thường và coi như không có vấn đề gì, đôi khi vô tình còn quyệt ra cả mặt trông nhem nhuốc giống như anh hề.
   Tôi bê anggo cơm ra ngoài hầm ngồi ăn, trời mùa này về buổi tối là se lạnh, cơm nấu bằng gạo của Trung Quốc viện trợ, hạt gạo to hơn cả hạt gạo nếp, rời rông rổng chẳng hạt nào dính hạt nào, đã thế lại nguội ngơ nguội ngắt, trên nắp anggo đã để sẵn một ít ruốc mặn. Đúng là chỉ có cơm gạo hẩm với muối mặn, nhưng vì đói nên tôi ăn rất ngon lành, cuối cùng tôi bê nắp anggo canh rau tầu bay, ngửa cổ uống ừng ực, uống vào đến đâu cơm theo đó chạy vào dạ dày, bụng kêu ùng ục. Kết thúc xong bữa cơm sau một ngày vất vả, tôi tựa lưng vào ụ đất bên cạnh hầm xoa bụng và nghỉ ngơi, ngắm những ngôi sao trên trời.
   Nghĩ ngợi lung tung, chẳng chuyện nào ra chuyện nào và cuối cùng lần nào cũng vậy mọi suy nghĩ đều quay trở về với bố mẹ  anh chị em trong gia đình và Vân. Tất nhiên suy nghĩ về Vân vẫn là nhiều nhất. Từ chuyện này tôi cũng nghĩ: Mình thật sự không công bằng với bố mẹ, người đã có công sinh ra mình, nuôi dưỡng và dậy dỗ từ khi còn tấm bé cho đến bây giờ, công lao của bố mẹ như Trời như Biển kể làm sao cho hết. Vậy mà khi xa nhà, thời gian nghĩ về bố mẹ và gia đình thì ít, nhưng thời gian giành để nghĩ về người yêu thì lại rất nhiều. Không hiểu tại sao? Như vậy không biết có phải mình là đứa con không tốt không?
    Nằm chán, tôi chui vào hầm đi ngủ. Cũng rất lạ, không biết anh em khác thì thế nào? Riêng tôi, cứ chui vào hầm nằm một lúc là tôi thiếp đi. Lúc đầu tôi còn cho rằng: Do bị mệt và thiếu ngủ nên mới dễ ngủ như vậy. Nhưng nghĩ lại cũng không hẳn là như vậy, bởi vì có những thời gian vào mùa mưa, không hoạt động gì mà chỉ có ăn rồi ngủ, ngủ nhiều lắm, ngủ triền miên, ngủ cả ngày, ấy thế mà khi chui vào hầm thì vẫn ngủ được. Sau tôi mới nghĩ ra: Những nguyên nhân nói trên cũng đúng, nhưng có lẽ sâu xa là do sự đòi hỏi tự nhiên của cơ thể. Bởi vì khi chui vào hầm, cơ thể thiếu ô xy để thực hiện sự trao đổi chất, vì vậy bắt buộc mọi bộ phân của cơ thể phải trở về trạng thái làm việc hạn chế hoặc là nghỉ ngơi để giảm tiêu tốn năng lượng, khi đó lượng ô xy trong hầm mới đủ để cung cấp cho cơ thể, chính điều kiện ấy làm cho con người thiếp đi hay gọi là ngủ cưỡng bức, chính vì thế nên khi tỉnh lại rất mệt mỏi.
    -Anh ơi! Anh bộ đội ơi!
   Tiếng người con gái gọi ở nơi nào xa lắm vọng lại. Tôi cố gắng lắng nghe, cũng không biết là tỉnh hay mê. Tôi cố nhấc đầu dậy, nhưng khó khăn lắm cái đầu tôi vẫn không nâng khỏi cái bao gạo dùng để gối đầu.
    -Anh bộ đội ơi! Anh gì ơi! Anh ơi!
   Lần này tiếng người con gái ấy gọi ở gần lắm, gọi to hơn và nhanh hơn. Phản xạ có điều kiện, tôi tỉnh hẳn ngồi nhỏm ngay dậy ở tư thế sẵn sàn chiến đấu, tay lăm lăm khẩu súng AK báng gấp loại dùng trang bị cho lính trinh sát, bật chốt an toàn, đặt ngón tay vào cò súng sẵn sàng xiết cò. Tôi thoáng nghĩ, nếu là địch thì sẽ có hai phương án xảy ra. Một là: Địch ném lựu đạn thủ tiêu, phương án này thì chịu không thể chống đỡ được. Hai là:  Tung hơi độc rồi bắt sống. Tôi chuẩn bị sẵn sàng cho phương án này, ngay lập tức tôi sờ tay vào quả lựu đạn để dành riêng cho mình và chuẩn bị. Tất cả đều sẵn sàng, tôi nằm im nghe động tĩnh, để phán đoán tình hình.
   Hàng loạt những câu hỏi nghi vấn được đặt ra: Tại sao có tiếng con gái? Có phải tiếng của mấy o du kích Quảng Trị không? Hay là tiếng của đồng bào về làng cũ? Biết đâu đấy lại là tiếng của bọn gái Phượng hoàng, giả làm tiếng của người dân hay là tiếng của các o du kích để trà trộn vào hậu cứ của ta?
  Thời điểm này, phía bên quân lực Việt Nam cộng hòa, xuất hiện đội ngũ lính con gái, cũng ăn mặc quần áo rằn ri. Chẳng biết bọn con gái này thuộc loại lính gì, hay là bọn gái làm tiền cũng nên, mà sao mọi người lại gọi bọn chúng là lính Phượng hoàng.  Chiều chiều chúng đứng trên các cao điểm do chúng chiếm giữ, nhìn xuống hệ thống “Chốt” của chúng ta, chỉ chỉ trỏ trỏ và nói với nhau những gì không ai biết. Nhìn cảnh ấy nghĩ cũng hơi khó chịu, nhưng để đảm bảo bí mật nên bên ta đành nghiến răng chịu đựng. Trường hợp nếu không kìm chế mà để lộ hệ thống phòng thủ của ta, thì thiệt hại không thể lường trước được.
   Đã có lần, cách đây hơn tháng. Sau khi ký kết hiệp định Pari được một vài tuần.  Vào một buổi chiều, bọn địch bỗng dưng tấn công vào chốt của chúng ta bằng trọng pháo các loại. Đầu tiên chúng bắn loại pháo nổ, gây sát thương trên mặt đất. Chờ cho bộ đội ta chạy hết vào hầm trú ẩn, khi đó chúng mới dùng loại pháo khoan nổ dưới lòng đất để tấn công vào các hầm trú ẩn của quân ta. Khi bộ đội ta bị loại pháo khoan tấn công vào các hầm, khi đó bắt buộc phải nhô lên mặt đất. Lúc ấy là lúc chúng lại dùng pháo nổ gây sát thương mặt đất để tấn công chúng ta. Lần ấy chúng ta thiệt hại khá nhiều, nguyên nhân sâu xa là do bộ đội ta mất cảnh giác trong khi nói chuyện với địch ở nhà hòa hợp hợp dân tộc, đã để lộ ra yếu điểm hệ thống phòng ngự của ta và ngay lập tức bị bọn địch khai thác triệt để. Kể từ trận ấy, bên ta cũng đã kịp thời rút kinh nghiệm, vì vậy hôm nay có cẩn thận cũng không thừa.
   Lại có tiếng gọi của con gái ở ngoài cửa hầm, lần này tôi vẫn ngồi trong hầm nhưng hỏi vọng ra:
    -Ai đấy?
    -Em đây mà! Em là Phụng du kích Quảng Trị đây.
   Tôi im lặng để nghe ngóng.
(Còn nữa).
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #223 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2013, 06:20:38 pm »

     Tôi đọc hết một đoạn khá dài mà vẫn không thấy bóng dáng Vân đâu cả. Sao bạn cứ đi tìm tận đẩu tận đâu, không đến đúng vị trí Vân đang ở nhỉ? Grin Grin
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2013, 08:30:45 pm gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #224 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2013, 10:41:14 am »

   CB chào anh quanvietnam. Chào bác vanthang341 và chào tất cả các bác. Đầu xuân CB chúc cho bác quanvietnam sức khoẻ dồi dào để ngược về ký ức. Mảnh đất Quảng Trị nơi anh có bao kỷ niệm của một thời hoa lửa. Bác vanthang cứ vẫn hay nóng ruột thay mọi người nữa về những khúc tình còn đang bí ẩn ở phía trước của người viết truyện. Anh qvn để em dẹp trật tự giúp nhé! Bác vanthang bình tĩnh anh qvn sẽ tìm chị Vân vào hồi sau.mà có thể còn ở hồi sau nữa. Anh còn đang lo cứu cô Phụng du kích của Quảng Trị cơ mà. Những chuyện của anh có cả máu lửa và cả hoa thật là hay và lôi cuốn người đọc. CB chúc anh quanvietnam mạnh khoẻ kể tiếp chuyện về việc anh cứu cô Phụng thế nào nhé! Và còn chuyện tiếp theo mà bác vanthang341 và người đọc trên mọi miền cùng đang nóng lòng trong đó có cả CB thật đấy. CB chào anh, chào mọi người.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2013, 02:28:12 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #225 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2013, 11:00:13 am »

           Chào bác quanvietnam! Chào các bác! Tranphu341 chúc mừng bác chủ đã khai xuân, mở hàng đón khách! Khách thì đang đợi ngày Tết qua nhanh để được tận hưởng cái cảnh vui gặp mặt của bác. Thế mà bác lại bẻ lái cho "Tàu chạy Ngược" vào với co Phụng, Nữ du kích Quảng Trị mới ác chứ hi hi.. Grin Grin Grin

          Tranphu341 chúc mừng bác. Chuyện của bác rất hay, đọc rất hấp dẫn. Nói thế thôi chứ bác cứ mở rộng bao nhiêu, càng viết dài, kể dài bao nhiêu thì càng vui càng thích mà.

                              Đầu xuân, Tranphu341 kính chúc bác luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #226 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2013, 10:13:55 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm
          Du kích Quảng Trị với chúng tôi là chỗ thân quen, đã nhiều  lần chúng tôi phối hợp với nhau đi trinh sát địa hình, đi luồn sâu. Nhóm du kích này vừa mới vào thay cho nhóm trước nên chúng tôi chưa kịp quen nhau, tôi chỉ nghe mang máng là có mấy người nam và 2 người nữ, còn tên tuổi cụ thể thế nào thì tôi hoàn toàn không biết. Bây giờ nghe o du kích giới thiệu em tên là Phụng thì cũng chỉ là để nghe thôi chứ đã biết Phụng là thế nào đâu, nói là Phụng chứ nói là gì đi nữa cũng giống nhau.
   Một vài phút trôi qua, không có chuyện gì xảy ra. Tôi quyết định chui ra khỏi hầm. Tất nhiên, giữa cái sống và cái chết đã dạy tôi tiếp tục phải cảnh giác. Hầm của chúng tôi đào theo kiểu vuông thước thợ, lối lên xuống hầm vuông góc với gian hầm, ngày mới vào chiến trường chúng tôi được hướng dẫn đào hầm kiểu này. Tôi nép người vào vách hầm chỗ chuyển hướng vuông góc, cố quan sát bậc lên xuống của của hầm. Ngoài trời tối đen, tôi nhìn hắt lên nền trời thấy có một người đen xì ngồi thù lù ngay bậc lên xuống hầm.
   Yên trí rồi, kiểu ngồi như thế này chắc chắn là người của ta, nếu là bọn địch thì không bao giờ chúng nó ngồi lộ liễu như vậy. Tôi đánh động để đối phương biết mình đang chuẩn bị ra, đồng thời cũng có ý kéo dài thời gian xem có chuyện gì xảy ra để liệu bề đối phó.
   Tôi chui ra khỏi hầm, khẩu AK vẫn được tôi ôm trước ngực ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Ngoài trời tối đen như mực, bóng người ngồi ban nãy bây giờ cũng hòa vào bóng tối mông lung. Chúng tôi nhìn nhau qua tưởng tượng, lúc này ý thức cảnh giác của tôi không ở cao trào nữa, tôi hỏi:
    -Có chuyện gì thế em?
   O du kích có vẻ hơi ngập ngừng, nói lắp bắp điều gì đấy bằng tiếng địa phương nghe không rõ, mãi sau tôi mới luận ra được những từ:
    -Chào anh! Em tên là Phụng, du kích Quảng Trị. Em muốn các anh cho em ngủ nhờ tối nay?
   Tôi hơi bất ngờ và ngạc nhiên, không kịp kìm chế nên bật luôn:
    -Ngủ nhờ? Sao lại ngủ nhờ?
    -Bên em các anh ấy xuống Đá Đứng, phối hợp với tiểu đoàn 5. Còn o Bê thì về cứ lấy thuốc cấp cứu. Ở đây chỉ còn mình em, ở một mình em sợ, nên em…
    Bây giờ, tôi tin cô gái này là cô du kích Quảng Trị, thấy cô cứ ngần ngừ, có lẽ vì ngại nhắc lại những từ cuối cùng. Đoán được ý cô, tôi vội đỡ lời không để cô du kích phải rơi vào tình thế khó nói:
    -Được rồi, để tôi xem. Nhưng mà bây giờ chỉ có mình tôi ở trong hầm, còn một anh nữa hiện đang ở trên “Chốt” chưa về. Nếu cô không ngại thì cô cứ vào hầm ngủ trước đi, tôi chờ anh bạn về.
    Trời tối đen, tôi đứng đối diện, chỉ cách cô du kích khoảng hơn một mét mà không nhìn rõ mặt nhau. Cô du kích có vẻ băn khoăn hay đang nghĩ gì mà không trả lời. Tôi nghĩ: Hoàn cảnh này chắc cô đồng ý thôi, nhưng chưa biết nói thế nào cho phải, chả lẽ lại nói: Để em ngồi chờ cùng anh, khi nào anh kia về thì đi ngủ. Hay là: Thôi để em về hầm của em. Để gỡ thế bí cho cô du kích, tôi quay lại chui vào trong hầm, thắp đèn lên.
   Bấc đèn bắt lửa cháy nổ tý tách trong góc hầm, căn hầm bừng sáng.  Khói đen cứ cuồn cuộn bốc lên từ đầu ngọn lửa, mùi nhựa cháy khét lẹt. Cũng nhờ mùi nhựa cháy mà đàn muỗi cũng vội vã chui ra khỏi hầm, mùi ẩm mốc của căn hầm cũng vơi đi phần nào. Tôi dọn dẹp mấy thứ linh tinh trong hầm cho gọn gàng rồi gọi o du kích:
    -Vào ngủ đi em!
   Cô du kích vẫn có vẻ ngại ngùng, tôi lại dục:
    -Tôi đã chuẩn bị xong chỗ ngủ cho em rồi, vào đi!
   Căn hầm này không rõ đơn vị nào đào và đào từ khi nào, ở khu vực này sẵn tre nên toàn bộ khung chữ A đều bằng tre. Đúng ra, tre được chôn ở dưới đất thì phải tươi, đằng này lại mốc thếch có chỗ đã bị mục nát, đất đắp hầm thi thoảng lại chảy xuống tấm tăng trải ở nền hầm. Có lẽ thời gian đào hầm này cũng đã lâu rồi, hơn nữa do bị khô ẩm nên tre nhanh bị mủn, cũng có thể do vội vàng nên đẵn phải cây tre non. Diện tích căn hầm độ chừng gần 2m2, bề rộng vào khoảng 1,1-1,2m, chiều dài độ 1,6-1,7m. Bề rộng này nằm hai người là thoải mái, nằm ba người thì phải trở đầu đuôi, người nằm giữa phải vào sau cùng, chân đưa vào trước còn đầu ở ngoài phía cửa hầm.
   Chúng tôi ngồi đối diện nhau, vì hầm làm kiểu chữ A, để ngồi được hai người là phải ngồi dọc theo nóc hầm, nếu ngồi chệch ra thì đầu lúc nào cũng phải cúi xuống rất mỏi và khó chịu. Tôi không muốn kéo dài thời gian này nên tôi vừa nói, vừa chui ra khỏi hầm:
    -Em cứ ngủ trước đi, anh chờ anh Xuân về còn có chút việc. Em chuẩn bị nhanh rồi tắt đèn đi ngủ kẻo bị ngộ độc.
   Tôi ra khỏi hầm, ngồi bên ụ đất. Một lát sau, đèn trong hầm tắt. Tôi nghĩ: Thế là ổn rồi, nhưng không biết mình làm thế là đúng hay sai? Vào hoàn cảnh này mình cũng chẳng biết phải giải quyết thế nào?
 Nghĩ ngợi lung tung đau hết cả đầu. Tôi tặc lưỡi: Thôi đúng hay sai cũng kệ nó, họ là con gái đã phải nhờ mình rồi chả lẽ lại từ chối, nếu từ chối thì họ đi đâu? Đã không từ chối được thì cũng không nên lục vấn tra xét làm gì để người ta khó nói.
   Tôi ngả mình tựa vào ụ đất, tháo bao xe ra để bên cạnh, kéo chiếc mũ tai bèo ở sau lưng để gối đầu, thực ra là che không cho cỏ dại cắm vào đầu vào cổ, khẩu AK vẫn để ngang bụng.
   Thời gian này có lẽ là cuối tháng âm lịch, đang là mùa khô, trời không có trăng mà chỉ có những ông sao ở xa lắm, nền trời xanh đen. Thi thoảng có những đám mây trắng bay lang thang, che lấp những vì sao trên trời, những cơn gió se lạnh ào qua, xua những đám mây bay đi, để lộ những vì sao lấp lánh trên nền trời cao vời vợi.
   Phụng, cô du kích Quảng Trị. Ban nãy, trong ánh lửa bập bùng, nhìn mặt mũi, đầu tóc không được chăm sóc chải chuốt nên có vẻ đã cứng tuổi, nhưng nghe giọng nói thì lại rất trẻ, tôi đoán có lẽ chỉ độ 16-17 tuổi, cùng lắm là 18, tuổi này cùng lứa với em gái tôi ở quê. Nếu không có chiến tranh, thì chắc là Phụng đang học trường này trường nọ, hoặc là đã đi làm cho sở nọ sở kia, làm gì có chuyện đi làm du kích.  Em gái tôi, khi tôi nhập ngũ nó đang học cấp 3, bây giờ chẳng biết nó làm gì hay đã đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong gì đó, chứ nó cũng chẳng chịu ở nhà. Nhìn Phụng rồi nghĩ đến em mình, nghĩ đến chiến tranh mà tội nghiệp cho chị em phụ nữ, trong đó có Vân và cả mối tình dang dở mà Vân đang mang theo.
   Lạnh quá, tôi chui xuống hầm, ngồi ở bậc lên xuống. Hơi nóng của Phụng từ trong hầm tỏa ra, làm tôi có vẻ ấm hơn. Nhưng chỉ được phần trước, còn phía sau vẫn lạnh toát. Hai đùi tôi kẹp khẩu AK vào  giữa, kéo chiếc mũ tai bèo lên che đầu rồi gục đầu xuống hai đầu gối cho đỡ lạnh. Vô tình, má tôi chạm nhẹ vào nòng súng lạnh ngắt, làm tôi hơi giật mình. Ngồi ôm súng, ngửi mùi khét của dầu mỡ, mùi khét của thuốc súng còn vương ở đầu nòng, hít hít cái mùi tanh tanh của thép nòng súng mà nghĩ về cuộc chiến tranh, tự nhiên tôi rùng mình…
    -Anh vào nằm một chút cho đỡ mỏi, để em thay gác cho.
   Tiếng Phụng nói từ trong hầm vọng ra. Tôi im lặng, không trả lời.
    Ở đây gần với hệ thống “Chốt” của bộ binh của K4, các đơn vị bộ binh cũng ở quanh đây và các đơn vị trực thuộc của E95 buổi đêm thường xuyên qua lại khu vực này, nên chúng tôi coi là vùng an toàn  không mấy khi tổ chức gác. Hơn nữa nhóm của chúng tôi ở lẫn với một số đơn vị khác, nên để họ gác luôn.
   Phụng lại dục tôi thêm lần nữa, tôi vẫn không trả lời. Phụng bò ra cửa hầm lấy tay lay lay vào vai tôi nói:
    -Để em đổi cho, anh vào nghỉ một lát cho đỡ mệt.
    -Em vẫn chưa ngủ à?
    -Có. Em cũng chợp mắt được một lát. Chỉ cần ngủ thế là tỉnh táo rồi,  bây giờ đến lượt anh, Anh vào đi!
   Phụng vừa nói vừa kéo tay tôi và lách người ra ngoài cửa hầm. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì hơi thở nóng hổi và một phần cơ thể của Phụng đã lướt qua tôi rất nhanh, nhanh đến nỗi tôi không nhận ra chỗ nào đã chạm vào tôi.
   Như thế cũng được, tôi nghĩ cứ nằm nghỉ một chút sau đó sẽ thay để cho Phụng vào ngủ là hợp lý, như vậy là được cả hai. Khi Xuân về thấy thế cũng không sợ mang tiếng. Tất nhiên đấy là lo xa, còn thực tế chắc Xuân cũng chẳng thèm quan tâm đến chuyện này.
    Trong hầm có hơi người nên rất ấm, tôi dựng khẩu AK vào vách hầm dưới chân, rồi nằm bò ra với ruột tượng gạo để gối đầu và duỗi thẳng cẳng. Chẳng biết tôi ngủ từ lúc nào, có lẽ tôi ngủ ngay từ lúc người còn chưa kịp ngả xuống nền hầm.
   Đang say sưa, tôi thấy vật gì cưng cứng bên hông. Lấy tay sờ, tôi đoán  là khẩu súng, cũng lúc ấy tôi phát hiện thấy nhịp thở đều đều, tôi lơ mơ nghĩ là Xuân. Định thần, tôi sờ lại khẩu súng bên người. Súng này, không phải của Xuân, mà Xuân không bao giờ lại để súng như thế này. Tôi thoáng nghĩ hay là Phụng? Thôi đúng rồi, tiếng thở này không phải là của Xuân, mà có thể là tiếng thở của Phụng. Có thể là Phụng đã chui vào hầm ngủ mà tôi không biết? Tôi vờ quờ tay lên đầu để xác định xem mái tóc là của nam hay nữ, tay tôi chạm vào mái tóc dầy và cứng, đúng rồi tóc của phụ nữ. Bây giờ tôi khẳng định: Người nằm bên tôi lúc này là Phụng. Tôi định ngồi dậy để ra gác cho Phụng ngủ, nhưng hình như hai đầu gối chân tôi có cái gì đè lên nặng quá. Chết rồi, Phụng gác chân lên chân tôi, một tay còn quàng vào bụng tôi. Trời! Sao tôi ngủ say đến nỗi không biết gì cơ chứ?
    Hoảng quá, tôi định hất tay chân của Phụng ra để ngồi dậy, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ để nguyên như vậy và nằm im. Lúc này trống ngực tôi đập thình thình, tâm trạng khó tả, phần thì ngượng ngùng, phần thì  sợ Xuân về bắt gặp cảnh này thì chẳng biết ăn nói thế nào. Biết thế, nhưng tôi vẫn nằm im tư thế cũ để cho Phụng ngủ, trong tôi lúc này có cái gì đấy nó rạo rực khó nói, tôi không muốn mất đi cảm giác này… Tôi nghĩ: Cứ để thế, nếu nhóm của Xuân về thì tôi sẽ nghe thấy bước chân, lúc đó ra cửa hầm ngồi cũng kịp. Trường hợp quá bất ngờ, không phát hiện được nhóm của Xuân về, nếu Xuân thấy chúng tôi ở trong hầm thì cũng là chuyện bình thường bởi vì thời buổi chiến tranh biết làm sao được. Mà nếu có gì đi nữa thì Xuân với tôi là bạn cùng lớp ai lại đi tố nhau… Bây giờ tôi mà gỡ chân và tay của Phụng ra, Phụng tỉnh ngủ và sẽ ngượng lắm.
    Đấy là tôi nghĩ thế, còn Phụng thì không biết thế nào? Chỉ có Trời mới biết là hữu ý hay vô tình. Có thể là vô tình, nhưng cũng có thể là hữu ý thì sao? Giống như chuyện có ai đó đã kể cho tôi nghe, nhân khi chúng tôi hành quân đi qua một đơn vị bộ đội nữ. Không biết độ chính xác và mức độ tin cậy của câu chuyện như thế nào thì tôi không biết, nhưng đại loại là:
  Trong một khu rừng già ở đại ngàn Trường Sơn, có một kho nhu yếu phẩm của bộ đội ta. Kho này không biết có từ bao giờ, kho do ba bộ đội gái trông coi. Ưu điểm của kho này là gần đường giao liên, nên lâu lâu cũng có một vài đơn vị bộ đội qua lại rồi đi ngay. Đương nhiên việc trông coi và bảo quản kho tàng, đối với ba cô bộ đội gái là đơn giản, nếu không muốn nói là quá chỉn chu và mẫn cán, ngày tháng cứ thế qua đi. Những tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra, nhưng chẳng ai ngờ được có một điều mà các cô gái ấy không thể vượt qua được, đó là nỗi cô đơn và sự khát khao được làm mẹ. Thế rồi, cái gì đến nó đã đến. Sự việc không hiểu bắt đầu như thế nào và từ đâu, nhưng kết quả là các cô có một đứa con trai. Tất nhiên, chuyện này là hy hữu, nhưng không phải là không xẩy ra.
   Những chuyện đại loại như thế này, không biết kết thúc thế nào? Nhưng tôi đoán là không thể nào có hậu, để đạt được mục đích chắc chắn phải trải qua muôn vàn khó khăn và gian khổ, có khi phải đánh đổi cả máu và nước mắt. Còn lại những chuyện cùng chủ đề này, khi anh em chúng tôi kể cho nhau nghe, thường là có kết cục buồn và chốt lại câu chuyện bao giờ cũng có câu: Chỉ tại dính dáng đến chuyện trai gái và do cố phấn đấu để biết mùi đời…
    Tôi nghĩ đến Vân và quyết tâm nhỏm dậy ra khỏi hầm. Sương đêm xuống nhiều, không khí lành lạnh làm tôi khoan khoái, tôi vươn vai hít thở thật sâu, để quên đi những suy nghĩ thiển cận nhỏ nhen và để nhớ mãi kỷ niệm này.
  Theo thói quen, tôi đeo bao xe vào rồi ôm súng vào lòng, ngồi bên ụ đất ngoài cửa hầm chờ trời sáng.
(Còn nữa).

   
   
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #227 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2013, 02:09:22 pm »

         Chào bạn quanvietnam.
      
    Cuộc chiến đấu lúc đó đã mang đến cho bạn một tình huống đầy kỷ niệm đẹp. Bạn đã xử sự đúng. Nếu tôi, tôi cũng xử sự như bạn mặc dù ở thời điểm đó tôi đã có vợ.
    Tôi cho rằng cô Phụng như bạn nói chỉ ở tuổi 16-18, làm du kích, trong khi cuộc chiến đang khốc liệt, ở cái thời kỷ luật sắt(!) đâu dám có những hành động cố tình như vậy cơ chứ? Grin Huh Huh
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2013, 09:02:47 pm gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #228 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2013, 10:57:20 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm
          Đoàn tầu phanh, giật đột ngột, các toa xô vào nhau phát ra những âm thanh rầm rầm nghe đến rợn người, tiếng động và lực xô mạnh làm  mọi người trong toa tưởng như sắp có tai họa khủng khiếp chuẩn bị giáng xuống. Trong toa, mọi người hốt hoảng cố gắng bám vội vào những cái gì có thể bám được để không bị ngã.
   Tôi ngồi ngược với chiều chuyển động của đoàn tầu, hai chân để dưới sàn toa, hai tay ôm chiếc ba lô trước ngực, nên khi đoàn tầu phanh đột ngột, tôi hoàn toàn chủ động chống đỡ. Chẳng những tôi không bị bật khỏi chỗ ngồi như mọi người, mà tôi còn đỡ được ông bạn đường ngồi bên cạnh khỏi bị ngã bổ xuống sàn tầu.
   Ông bạn đường, chẳng cám ơn cám huệ gì tôi mà còn tuôn xối xả những câu chửi đổng:
    -Đ… mẹ thằng lái tầu, lái như c…tao. Suýt nữa làm bố mày ngã cắm mặt xuống sàn tầu.
   Cả toa tầu huyên náo, nhiều người xýt xoa kêu đau. Được một lúc sau, mọi người lục tục ổn định lại chỗ ngồi. Đoàn tầu vẫn thờ ơ, lăn bánh đều đều trên đường ray, ngoài cửa sổ trời cũng đã sáng rõ. Trong toa, mọi người hết cả buồn ngủ. Hai người đàn bà, ngồi đối diện ghế với tôi hỏi nhau:
    -Đây là ga nào hở bà?
    -Nào tôi có biết. Bà hỏi mấy ông kia có thể ông ông ấy biết, tôi mới đi lần đầu nên chẳng biết ga nào vào ga nào.
   Ông bạn đường của tôi sau khi ra ngoài toa bây giờ quay trở lại, bắt chuyện ngay với tôi:
    -Ông phục viên hay chuyển ngành?
    -Tôi chuyển ngành.
    -Tôi cũng thế! Trước ông ở đơn vị nào?
    -Trước kia tôi là sinh viên, bây giờ chuyển ngành về đi học.
    -Không, là tôi hỏi ông: Trước kia ông ở đơn vị quân đội nào?
    -À! Tôi ở E 95 F325, năm 1972 chiến đấu ở Quảng Trị.
    -Trung đoàn ông cũng chiến đấu ở chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột nữa có đúng không? Tôi là trinh sát của sư đoàn 316 đây, hồi đó chúng tôi cũng thường phối hợp trinh sát của trung đoàn 95, khi đó còn gọi là đoàn Tân Tiến. Lúc ấy ông có tham gia chiến dịch này không?
    -Có! Tôi là trinh sát của E95 đây.
   Nghe tôi nói thế, hai tay ông tìm hai tay tôi, bốn tay chúng tôi nắm chặt lấy nhau. Ông bạn xúc động quá bóp tay tôi rất chặt. Còn tôi, không biết có phải do xúc động hay là do bị bóp chặt quá, mà chảy cả nước mắt. Ông nhìn tôi chia xẻ:
    -Vậy là tôi với ông cùng đánh trận ấy. Ác liệt thế mà anh em mình vẫn còn sống, thật là quá may mắn ông nhỉ?
    -Ừ! Tôi cũng nghĩ thế! Đúng là bom đạn tránh người, chứ người sao tránh được bom đạn. Sống để trở về, thật là một điều không thể tưởng tượng được.
   Câu chuyện giữa tôi với ông bạn đường kéo hết từ chuyện này sang chuyện khác, hai thằng lính nói chuyện với nhau có vẻ hợp. Những câu chuyện đang ăn nhập thì bỗng nhiên ông chững lại, nhìn đăm đăm vào dãy đồi trùng điệp phía xa xa và lặng đi không nói.
   Chắc ông đang có tâm sự gì? Nhìn ông cũng chững chạc, đầu tóc gọn gàng, năm nay ông khoảng ngoài 30 tuổi, ông mặc bộ quân phục đã cũ ra ngoài, phía trong là chiếc áo len cổ lọ mầu xanh. Trang phục mầu xanh, làm cho da dẻ của người lính trở về sau chiến tranh lại càng xanh hơn. Chiếc áo len hình như cũng đã cũ lắm, cái cổ lọ đã bị dão ra hơi rộng so với cổ, vì thế có thể nhìn thấy được cả những đường gân nổi ngoằn nghèo xung quanh cái cổ gày guộc của ông.
  Thấy ông đăm chiêu suy nghĩ, tôi cũng ngồi im không nói gì, nhưng thật ra trong đầu tôi có nhiều câu muốn hỏi để xem người lính từ chiến trường trở về bây giờ họ sống ra sao, gia đình vợ con thế nào? Tình hình kinh tế có khó khăn lắm không? Làm gì để nuôi vợ nuôi con? V.v.
   Cả hai chúng tôi chìm vào im lặng, tôi không biết ông nghĩ gì? Còn tôi đang nghĩ về ông, về những người lính từ chiến trận trở về đang gồng mình bươn trải với cuộc sống. Đột nhiên ông hỏi tôi:
    -Ông ra quân được lâu chưa?
    -Cũng được gần ba tháng rồi.
    -Thế ông an dưỡng ở đâu?
    -Tôi không an dưỡng, mà trở lại trường đi học luôn để kịp mùa khai giảng.
    -Thế cũng hay. Còn tôi, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi bị thương và được chuyển ra Bắc, sau đó đưa về đoàn an dưỡng. Tôi an dưỡng được khoảng 6 tháng, nhưng chán quá tôi xin về nhà. Ở nhà được vài tháng, buồn quá không chịu nổi, tôi xin đi làm cho nó khuây khỏa.
    -Bây giờ anh làm ở đâu? Làm nghề gì?
    -Nghề ngỗng gì đâu, định xin vào làm cái chân loong toong ở phòng tổ chức hành chính, thì họ bảo là không có bằng cấp. Xin làm bảo vệ,  họ lại chê sức khỏe yếu, sức khỏe thì đã yếu mà chức vụ thì lại cao, nếu nhận cơ quan lại phải trả lương cao nên họ không nhận. Khó khăn lắm ông bác mới thuyết phục để họ nhận, nhưng họ vẫn nói là để thử việc, nếu thời gian này mà hay ốm đau thì họ cũng không nhận.
   Tôi nhìn ông, ông nhìn tôi. Hai thằng lính trở về sau chiến tranh, mỗi thằng một tâm trạng. Ông quay đi, nhìn ra ngoài cửa sổ, mắt ông như dại đi đăm đắm nhìn vào cõi xa xăm ở tận phía chân trời. Ông thở dài, vẻ chán trường rồi nói với tôi:
    -Nhục lắm ông ạ! Ông có điều kiện thì hãy cố mà học, đừng như tôi rồi khổ cả đời.
   Tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu ông bạn đường định nói gì, thì ông lại tiếp tục:
    -Học xong lớp 7, ở nhà đi theo đít trâu. Chiến tranh xảy ra, nghĩ chán cảnh theo đít trâu nên tôi tình nguyện xin đi bộ đội. Khổ nỗi, lần nào cũng bị chê là không đủ sức khỏe. Mãi đến năm 1970, chẳng biết thế nào tôi lại trúng nghĩa vụ quân sự và được gọi nhập ngũ. Trong thời gian ở quân đội, tôi được đi học trường văn hóa của quân khu và được đào tạo trở thành hạ sĩ quan. Đến cuối năm 1971 thì tôi đi chiến trường, giữa tháng 3 năm 1975 bị thương ra Bắc, tháng 12 năm 1975 thì chuyển ngành. Khi rời khỏi quân đội, chức vụ tôi là tiểu đội trưởng, quân hàm thượng sĩ. Cũng may mới là thượng sĩ, nếu là thiếu úy hay trung úy thì chắc là họ không nhận vì lương cao.
   Ngẫm nghĩ một lát, rồi ông lại tiếp tục, giọng đầy chua chát:
    -Càng nghĩ càng tức, lúc ấy tôi chỉ muốn xé nát tất cả giấy tờ rồi về theo đít con trâu, tuy gian khổ vất vả thật nhưng cung cách đi xin việc như thế này không chịu được.
   Tôi quan sát thấy vết sẹo trên má ông gần cái chỗ thường có lúm đồng tiền, co dúm lại và dật dật. Có lẽ vết sẹo này là hậu quả của mảnh cối cá nhân M79  đây, tôi đoán vậy. Ông uất ức nói:
   -Ông cứ thử nghĩ xem có phải là quá vô lý không? Ai đời, những người chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc để đi kháng chiến, giờ hòa bình lập lại, đi xin việc làm lại đòi hỏi bằng cấp, hỏi họ lấy đâu ra bằng cấp. Đã thế họ cũng chỉ xin làm bảo vệ cơ quan, mà vẫn còn bị răn đe: Nếu mà ốm thì không nhận. Thật là chua chát.
   Nói đến đây, ông quay lại nhìn tôi để dò xét thái độ. Tôi vẫn lặng im chăm chú lắng nghe. Ông lại tiếp tục, lúc này giọng ông có vẻ đã lắng xuống:
    -Nói thật với ông chứ: Tôi sợ bố tôi buồn, và không vì ông bác ruột, đã mất bao nhiêu công lao và tiền của đi xin việc cho tôi. Cộng với việc tôi đang chán ngấy không muốn về cái vùng quê đã đói nghèo lạc hậu, lại còn biết bao nhiêu chuyện ngang tai chướng mắt, do một lũ quan tham của HTX đang nổi lên, gây ra để ép dân lành. Chính vì những chuyện như vậy, thì tôi mới cố gắng nhẫn nhục chịu đựng cảnh đi xin việc như thế này. Nếu không có những việc ấy, thân tôi như thế này làm gì mà chả sống, cứ gì phải đi làm bảo vệ.
   Tôi cắt ngang lời ông:
    -Anh được mấy cháu rồi? Chị ở nhà làm gì?
   Như động đến nỗi đau, dường như lúc nào cũng thường trực trong ông. Ông không nhìn tôi, rồi ngước lên nhìn lên trần toa tầu, vươn cái cổ dài ngoẵng, thở dài não ruột. Và kể cho tôi nghe:
    -Nghĩ mà ngán ngẩm ông ạ! Anh trai tôi lấy vợ, sinh nở đến 5 lần mà vẫn toàn là con gái. Thấy tình hình ấy, bố mẹ tôi ráo riết dục tôi lấy vợ. Tôi lấy vợ từ năm 1970, lấy nhau được một thời gian thì tôi lên đường đi chiến đấu. Do thời gian chúng tôi ở với nhau quá ngắn ngủi nên cũng chưa kịp có con. Khi tôi về trại an dưỡng, thi thoảng tôi cũng về với vợ, nhưng vì sức khỏe cũng không được tốt, nên chẳng ăn thua gì. Bây giờ vợ tôi làm kế toán HTX nông nghiệp, cô ấy là cháu gọi ông chủ tịch xã bằng bác, nhưng là bác bên đằng ngoại của cô ấy. Có lẽ do quan hệ như vậy nên vợ tôi mới được bác nâng đỡ vào cái chân kế toán cho nó nhàn, không phải chân lấm tay bùn. Nhưng về đường con cái thì còn gian truân lắm, vợ tôi cũng có vẻ buồn.
   Nghỉ một lát, ông lại kể tiếp:
    -Hồi còn ở nhà, chúng tôi chưa biết nhau, vì cô ấy còn bé với lại cô ấy ở xóm khác, tôi ở xóm khác. Mãi đến khi, tôi về nghỉ tranh thủ và vào thăm thằng bạn thì gặp cô ấy. Thế là chúng tôi biết nhau, lại được thằng bạn vun vào nên chúng tôi yêu nhau. Trước khi đi chiến đấu, tôi định không cưới, vì sợ cái nọ cái kia. Nhưng trước sức ép từ nhiều phía, có lẽ nhiều nhất là từ bố mẹ tôi, nên tôi mới cưới. Hy vọng lớn nhất của bố mẹ tôi là sinh cho ông bà được một đứa cháu trai để nối dõi tông đường, còn cháu nội, cháu ngoại thì bà đã có mấy đứa. Bây giờ lưng mẹ tôi đã còng lắm rồi, nhưng vẫn thèm khát một đứa cháu nội là cháu trai. Nghĩ mà thương cho bà ấy…
   Ông dừng lại rít một hơi thuốc thật dài, điếu thuốc lá trên môi ông cháy đỏ rực nhọn như mũi tên, tàn thuốc dài ngoẵng nhưng vẫn chưa rơi. Sau khi tận hưởng cái khoái cảm của khói thuốc, ông lại trân trân nhìn vào điếu thuốc đang cầm trên tay và nói:
    -Anh em mình thiệt thòi nhiều quá ông ạ! Có những cái, tưởng như không bao giờ mất, nhưng lại bị mất, thế mới đau. Mà mất ở những chỗ không quen biết thì cũng cam lòng. Đằng này lại mất vì chính tay những người làng người xóm, những người đáng tuổi cha chú của mình lấy mất. Đau quá! Nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
   Tôi còn đang suy nghĩ về hoàn cảnh gia đình nhà ông, thì ông lại đưa tôi vào một câu chuyện khác. Nội dung câu chuyện mà ông sắp kể, chắc chắn có dính dáng đến những anh em cựu chiến binh, nên ông mới nói đến cụm từ: “Anh em mình”. Ông bắt đầu câu chuyện bằng giọng buồn buồn:
   -Tôi có thằng bạn cùng học thời phổ thông. Nó đi bộ đội trước tôi một năm, bây giờ nó phục viên ở nhà, ngày ngày tha thẩn với đồng ruộng, vườn rau ao cá, con lợn con gà. Gia đình bạn bè thấy nó buồn, khuyên nó lấy vợ đi, nhưng nó vẫn chưa chịu. Hình như nó còn nặng tình với cô người yêu cũ của nó, mà cũng có thể nó bị mặc cảm nên vẫn chưa chịu lấy vợ. Nghĩ mà thương cho nó. Trước khi đi bộ đội trông khỏe mạnh đẹp trai, bây giờ về phục viên chỉ còn có một tay và gần hai chân, với  nhiều mảnh đạn còn găm trong người. Đã thân tàn ma dại như vậy, lại còn bị đánh ghen nữa mới khổ chứ.
   Nói đến đây ông nghẹn ngào:
    -Thật là Trời không có mắt. Nghe nó kể: Cô người yêu cũ của nó bị bố mẹ ép lấy chồng ở làng bên, lấy một thằng khèo chân, nhưng nó là con của gia đình có thế lực từ HTX lên đến tận cả huyện cả tỉnh gì nữa cơ. Nhà nó giầu có, nên có nhiều vây cánh, vì thế làng trên xóm dưới đều phải kính nể mà không dám trêu trọc gì vào nhà này. Gia đình cô người yêu cũ của nó, cũng không phải là ngoại lệ, nên chẳng còn cách nào khác là phải gả con cho họ. Cô người yêu của nó tuy đã đi lấy chồng, nhưng mỗi lần cô đi chợ, tiện đường cô ghé qua để thăm mẹ nó. Khi nó còn ở trong chiến trường thì không sao, từ ngày nó phục viên về nhà mới có chuyện. Đã nhiều lần thằng chồng cô này, sai đàn em rình mò theo dõi, cứ mỗi lần như vậy là cô này chấp nhận những trận đòn nhừ tử. Mặt mũi thâm tím, không còn giám đi đâu, lúc nào cũng trùm tấm khăn vuông che kín mặt. Còn ông bạn tôi, nó thương tình là thương binh nên nó chỉ chùm bao tải và lẳng xuống ao. Câu chuyện ấy làng trên xóm dưới ai cũng biết, nhưng vì không có bằng chứng nên chẳng ai làm gì được. Nghe bạn tôi nói thế, tôi căm giận quá, tôi xui nó:
    -Sao không gọi anh em đồng đội về cho nó một trận, đánh chết cha nó đi chứ sợ gì?
    Ông bạn càng kể càng phẫn uất, ông lại càng kể nhiều. Nhưng chẳng hiểu tại sao? Từ lúc ông nói: “Cô này bị những trận đòn nhừ tử… mặt mũi thâm tím…” Từ đấy tôi nghe câu được câu chăng, câu chuyện không thể nào lọt vào tai tôi được nữa. Tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng.
(Còn nũa)
   

   

Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #229 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2013, 09:01:15 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm
     .....
    Ông bạn càng kể càng phẫn uất, ông lại càng kể nhiều. Nhưng chẳng hiểu tại sao? Từ lúc ông nói: “Cô này bị những trận đòn nhừ tử… mặt mũi thâm tím…” Từ đấy tôi nghe câu được câu chăng, câu chuyện không thể nào lọt vào tai tôi được nữa. Tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng.
(Còn nũa)
   
   
      Đọc qua đoạn này tôi nghĩ bạn đang liên tưởng tới Vân. Biết đâu Vân đang trong tình trạng như thế!! Huh Huh. Chắc là không đâu bạn nhỉ?
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM