Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:44:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191132 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #210 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2013, 11:04:09 am »

".... Như vậy, đến giờ phút này tính cả tôi nữa, sĩ số của lớp cả thẩy là 27  sinh viên cả cũ lẫn mới. Trong đó: Mười người, 6 nam và 4 nữ là sinh viên cũ, còn lại 17 người toàn nam giới, là những anh em sinh viên các khóa từ khóa 12 đến khóa 16 của hai Khoa Cầu Đường và Khoa Thủy Lợi Cảng, tất cả đều là những anh em bộ đội, công an vũ trang, bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ từ chiến trường trở về, được xếp vào lớp này để học tiếp..."
------------------------------

@ Bác quanvietnam:
 Hai cụm từ này chỉ là một, vì khi đó chỉ là Công an vũ trang thôi ( thuộc bộ Công An), bây giờ mới gọi là "Bộ đội biên phòng" thuộc Bộ Quốc phòng.

     Năm 1972 khi K17 được tuyển vào trường, rất nhiều các thí sinh trúng tuyển nhưng chưa nhập học được do hoàn cảnh chiến tranh phá hoại, nên K17 Thủy lợi Cảng, K17 Cầu đường là những lớp được tuyển sau để những SV chưa nhập học có điều kiện được vào trường, đến nỗi còn tuyển không đủ nên phải nhập 17 Thủy lợi Cảng với 17 Cầu đường thành  lớp 17 Thủy lợi Cảng mới đủ sinh viên ( năm đó chỉ học một học kỳ thôi ) có khoảng 50 người, sang năm thứ 2, 3 thì cộng thêm một số anh em bộ đội về thì Lớp 17 Thủy Lợi Cảng chỉ còn khoảng 25 người do nhiều người bị "tăng ca" hoặc " không đủ sức khỏe " để theo học. Năm Thứ 3 K17 Thủy lợi Cảng được chia thành 02 lớp: 17 Cảng 15 người, lớp 17 Thủy lợi 10 người đến năm 1975 nhiều anh em bộ đội hoàn thành nhiệm vụ về bổ xung thì sĩ số của hai lớp mới lên được như vậy Bác quanvn ạ!

Bác viết tiếp đi có gì TMH sẽ "yểm hộ" Cheesy Grin

Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #211 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2013, 11:22:24 am »

 Cám ơn Thái Minh Hùng và mọi người đang Yểm trợ Quanvn. Xin cám ơn.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #212 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2013, 11:23:44 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
4- Lớp tôi và các thầy cô
            Mới bước sang tháng 12 mà sao trời lại rét thế, tối nay thầy trò chúng tôi lại ngồi quây quần bên đống lửa. Ánh lửa bập bùng làm lu mờ ánh sáng của những bóng đèn điện đỏ quạch, treo lủng lẳng giữa căn phòng ký túc xá của lớp17T. Gọi là ký túc xá cho nó oai vậy thôi, chứ thực ra nó là dãy nhà 6 gian, tường trát bằng vách đất nứt nẻ toác hoác, mái lợp bằng lá cọ, ai nằm ở tầng trên đôi lúc thấy cả bầu trời, may mắn mùa này đang là mùa khô, mùa mưa đến chắc chắn phải dùng nilon và chậu để hứng nước. Dãy nhà này chia làm 3 phòng, mỗi phòng kê được 5 giường hai tầng để cho sinh viên ở và học tập ngoài giờ lên lớp.
   Cũng đã hai tháng nay, theo thói quen. Cứ vào giờ này của tối thứ bẩy thầy trò chúng tôi lại tụ tập quanh ấm nước trà, ngồi uống nước hút thuốc, kể cho nhau nghe chuyện chiến trường, chuyện quê hương, chuyện gia đình. Mấy bữa nay trời lạnh, chẳng hiểu ai khởi sướng việc lấy gốc cây Bạch Đàn đặt vào chiếc chậu tráng men đã bị hư để đốt sưởi. Có bếp lửa ở giữa nhà, anh em ngồi xung quanh chuyện  trò vui vẻ và  nghĩ về những năm tháng sống ở chiến trường, rồi mọi người lại tranh nhau kể cho nhau nghe chuyện của mình chuyện của đơn vị…
   Vẫn như thường lệ, cứ sau một vài tuần chè thuốc và những câu chuyện mà thầy trò kể cho nhau nghe, thì thầy giáo chủ nhiệm lớp 17T và các thầy giảng dậy các bộ môn khác lại hướng chúng tôi vào chủ đề: Làm cách nào để khắc phục tình trạng học tập như hiện nay. Sợ chúng tôi hiểu nhầm, trước khi chuyển sang chuyên đề này, bao giờ các thầy cũng khéo léo động viên và gợi mở cho chúng tôi hướng thảo luận, bàn bạc cụ thể để mọi người đều hiểu rõ trách nhiệm của mình phải làm gì và các thầy các cô phải làm thế nào để nâng cao kết quả học tập của một lớp vô cùng đặc biệt này. Một lớp mà từ trước đến nay chưa bao giờ có, một lớp mà hai phần ba sinh viên là những chiến sĩ quân giải phóng Miền Nam trở về tiếp tục  học tập.
  Những tình cảm yêu thương, đầy lòng vị tha xen lẫn với sự cảm thông và tôn trọng anh em chúng tôi, của các thầy các cô ở các bộ môn trong Khoa, làm chúng tôi cũng nghĩ ngợi lắm, nhưng chúng tôi cứ loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra được hướng đi có hiệu quả. Tuy anh em chúng tôi chẳng ai nói thành lời, nhưng cứ nhìn những gương mặt rầu rầu của mọi người cũng đủ nói lên rằng: Anh em chúng tôi đang hết sức cố gắng tìm mọi cách để khắc phục tình trạng này, đáp ứng sự mong mỏi của các thầy các cô.
   Tôi không biết anh em khác thì như thế nào, còn tôi: Nhiều lúc tôi chỉ trực rơi nước mắt, khi nhận được những cử chỉ ân cần hướng dẫn của các thầy các thầy các cô. Thật ra, tôi cũng biết, các thầy các cô cũng vất vả lắm. Nhiều thầy trước kia cũng đã từng là bộ đội, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều thầy cũng được đào tạo và trưởng thành từ các trường thiếu sinh quân, nhiều thầy lại là người Miền Nam tập kết ra Bắc, cũng phải xa nhà xa quê hương. Các thầy các cô và cả anh em chúng tôi nữa, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi nỗi khổ khác nhau, nhưng bây giờ, tất cả đều có một điểm chung là: Hãy cố gắng, khi đất nước vừa phải trải qua chiến tranh, thì tất cả thầy trò hãy gồng mình lên, chung lưng đấu cật cùng nhau phấn đấu để đóng góp những phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh.
   Hoàn cảnh đất nước như vậy, các thầy các cô cũng là những con người, đều có gia đình, cũng không thể thoát khỏi cảnh khốn khó đời thường. Mỗi khi vợ ốm con đau, trong nhà chẳng có gì đáng giá đồng tiền mà bán đi lấy tiền bồi dưỡng cho vợ cho con, tay run run cầm mấy tờ tem phiếu mà mơ ước đủ điều. Ước gì hôm nay xếp hàng mua được miếng thịt ngon, để làm ruốc cho con và rán được ít mỡ để giành xào rau khi nhà có khách. Ước gì tháng này cửa hàng lương thực bán gạo đừng bán sắn thay gạo mà các con nhỏ không đủ gạo mà ăn, ước gì, ước gì v.v. Thôi thì trăm điều ước vạn điều ước, phàm những lúc đói kém, khó khăn thì lại hay mơ ước, mà có mơ ước cao xa gì cho cam, chỉ ước sao cho đủ ăn. Ấy thế mà nhiều khi xếp hàng mua thịt, có người mua được có người không mua được, rồi sinh ra cãi nhau. Ai cũng biết là miếng ăn là miếng nhục, nhưng khổ thay miếng nhục còn có nghĩa là miếng thịt, mà thịt lúc này lại rất hiếm, nếu có cũng chỉ để dành cho con cái, bố mẹ chỉ có quyền ngửi, cùng lắm là tận hưởng những đầu thừa đuôi thẹo mà thôi. Thật là ngậm ngùi.
   Thầy cô thì như vậy, nhưng học trò chúng tôi thì có vẻ đỡ hơn. Không biết nói thế có đúng không? Có thể không đúng hoàn toàn, nhưng cũng đúng đến 70-80%. Bởi vì, anh em chúng tôi đều là bộ đội chuyển ngành đi học, trừ sức khỏe ra không nói, còn lại những chuyện về đời sống sinh hoạt có vẻ nhỉnh hơn. Đúng như thế: Thứ nhất là chúng tôi có lương hàng tháng, lương tôi là thấp nhất trong số anh em bộ đội chuyển ngành.(Vì tôi không biết cấp bậc và chức vụ của tôi là gì trong quân đội) Nhưng mỗi tháng tôi cũng được những 42 đồng/tháng, trong khi đó lương của kỹ sư mới ra trường cũng chỉ có 70 hay 75% của 63 đồng/ tháng. Thứ hai là chúng tôi cũng có tem phiếu, ngoài tem phiếu thực phẩm ra, chúng tôi còn có cả tem phiếu nhu yếu phẩm. Mỗi tháng chúng tôi có cả đường sữa thuốc lá và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác nữa, nhưng đa phần chúng tôi quy đổi thành thuốc lá. Chẳng hiểu sao lúc đó đơn vị tính lại là thuốc lá? Tất cả đều quy thành khói.
   Tiêu chuẩn của chúng tôi như vậy, xem ra có vẻ tươm tất, nếu so với những người có vợ con thì chúng tôi thuộc loại đàng hoàng. Kể ra, nếu biết ăn biết tiêu thì cuộc sống cũng tàm tạm, không đến nỗi nào. Nhưng thực tế thì không phải như vậy: Cứ sau khi lĩnh lương chúng tôi lại túm năm tụm ba vào chè thuốc, ăn uống hút sách cho bõ lúc thèm khát. Nói là ăn uống thì có vẻ ghê, nhưng thực ra có gì đâu? Nhiều lắm cũng chỉ là dăm đĩa lạc rang vài thanh kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo sữa. Quá lắm là thêm mấy chiếc bánh rán là cùng, còn thuốc lá thì của nhà mang đi. Vậy là: Dăm bảy anh em ngồi túm tụm với nhau vui vẻ, tạo nên những nguồn sinh lực dồi dào để học tập.
  Một tuần cứ dăm lần như vậy thì những mạnh thường quân như chúng tôi cũng nhanh chóng trở thành những thảo dân bình thường, đến giữa tháng cũng lâm vào cảnh đói kém và thiếu thốn giống nhau. Lại xin nhau từng hơi thuốc, lại mang tem gạo đi đổi ngô đổi sắn về ăn. Nghĩ lại cũng cực, lòng tự nhủ lòng: Lần sau rút kinh nghiệm sẽ ăn dè hạt tiện. Nhưng chứng nào vẫn tật ấy, ngựa vẫn quen đường cũ, lần sau vẫn thế. Tôi nghĩ: Đúng thôi, hoàn cảnh xã hội lúc này như thế, nên chúng tôi không đủ nghị lực điều chỉnh bản thân để trở thành những người bần tiện, mặc dù sống thiếu thốn vất vả nhưng đổi lại là chúng tôi rất vui.
   Từ ngày tôi trở lại làm sinh viên, không còn phải lo gian khổ và hy sinh nữa, nhưng thay vào đó lại là nhiều mối lo khác. Mối lo lớn nhất của tôi lúc này là học tập, tôi chỉ lo không theo kịp anh em. Mối lo thứ hai là lo đói, chẳng hiểu những anh em khác thì thế nào? Nhưng riêng tôi thì lúc nào cũng bị cái đói dầy vò. Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng đúng là như vậy. Đã mấy năm trời sống ở chiến trường ăn uống thiếu thốn, bữa no bữa đói, sốt rét hoành hành, bệnh tật đầy người. Bây giờ là lúc cần được ăn dưỡng nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, nhưng vì sự nghiệp học hành, lại khăn áo ra đi. Tôi cũng xác định được: Đi làm gì thì có thể được ăn no, còn đi làm sinh viên thì chỉ có đói. Biết như thế nhưng vẫn bị nó dầy vò.
   Đã là sinh viên thì làm sao mà không đói được, khi mà tiêu chuẩn ăn của sinh viên thì đạm bạc. Trong khi đó học hành thì vất vả, nhu cầu tiêu tốn năng lượng thì nhiều, nhưng bữa ăn của sinh viên lại kham khổ, không đủ về số lượng chứ chưa nói gì đến chất lượng.  Chỉ nghĩ đến bữa ăn là đã thấy đói rồi, chứ đừng nói đến khi ăn vào bụng. Ai đời, toàn những em còn trẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, sức dài vai rộng và chúng tôi là những thương bệnh binh đang cần được bồi bổ, thì lại không có mà ăn. Bữa ăn chỉ được ba lưng cơm, nếu đơm đầy thì được hai bát, cơm có bữa độn ngô, độn mỳ. Hôm nào may mắn thì cơm chín, còn không thì trên sống dưới khê tứ bề nhão nhoét. Tuy vậy, có mà ăn là tốt rồi, đố dám chê, nếu có nhỡ mồm chê thì hãy coi chừng những bữa sau đó. Đấy là nói về cơm, còn thức ăn thì ở nhà bếp này chủ yếu là một vài món gia truyền, nhiều nhất là món canh rau muống hay canh rau cải toàn quốc, sau là đến món lạc nhân rang với muối và nước mắm. Những món này là thường xuyên, thi thoảng cũng có bữa có thịt kho đậu phụ hay cá biển kho mặn v.v.
   Bữa ăn như thế ai mà chả đói, đã thế đêm lại học khuya, mỗi lần bỏ sách xuống là lại nghĩ đến ăn. Có đêm, tôi lấy hộp thuốc chữa dạ dày của tôi ra ăn. Mọi người xung quanh, cả giường tầng trên lẫn giường tầng dưới, đều phát hiện mùi thơm của thuốc. Thuốc này mẹ tôi tự làm lấy, nó gồm có mật ong, bột đương quy, bột nghệ đen, bột gạo nếp, lạc rang nghiền rập rạp, tất cả trộn với đường và vo lại từng viên như viên thuốc tễ, xếp vào trong hộp để tôi ăn dần. Mọi người hỏi tôi ăn gì đấy? Tôi nói là tôi ăn thuốc chữa dạ dày, thuốc này đắng lắm mọi người không ăn được đâu. Mọi người bảo: Đắng chúng tao cũng ăn được. Thế là họ xông vào cướp rồi chia cho mỗi người mấy viên ăn cho đỡ đói. Cũng có nhiều đêm chúng tôi hỳ hụi luộc sắn hay nấu mỳ, hay làm cái gì đó có thể ăn được. Để có thể có phần của mình thì hãy biết điều là làm nhiều hơn dự tính thì may ra mới đủ chia, còn nếu không thì bị “ Đánh dặm” hết. Từ điển của lớp tôi: “Đánh dặm” là ăn chực, mà những thằng ăn chực lại ăn nhanh hơn chủ nhà, thế mới buồn cười chứ. Lớp chúng tôi sống với nhau như vậy đấy.
   Thoắt một cái mà đã hơn hai tháng rồi, tối nay thầy giáo chủ nhiệm có vẻ vui hơn mọi khi. Ông nhìn tất cả anh em chúng tôi một lượt rồi nói:
    -Cứ đà này, chẳng mấy chốc lớp ta sẽ kết thúc được giai đoạn 1.
   Thầy trò chúng tôi tự qui định với nhau, giai đoạn 1 là giai đoạn làm quen với sách vở và ôn lại những kiến thức trước kia đã học. Giai đoạn 2 là giai đoạn nhập cuộc và phấn đấu theo chương trình của giáo vụ nhà trường. Hai giai đoạn, chúng tôi xác định giai đoạn 1 là cực kỳ quan trọng, bởi lẽ nếu vượt qua được giai đoạn này, đồng nghĩa với việc chúng tôi đã thắng được sức ỳ bởi hệ lụy của cuộc chiến tranh, mà nó tồn tại trong chúng tôi kể từ khi chúng tôi xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Người nào ít thì cũng từ 1-2 năm, như chúng tôi cũng đã gần 4 năm, có nhiều người tới 5-6 năm. Qua được giai đoạn này, chúng tôi sẽ lấy lại được cảm hứng cho việc học tập, chất sinh viên lại hừng hực trong mỗi chúng tôi.
   Nói thì dễ, thực ra để vượt qua giai đoạn này không đơn giản chút nào. Tôi nhớ: Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả thứ 7 chủ nhật, ban ngày thì học trên lớp, tối về thầy trò lại bò ra ôn lại những kiến thức cũ. Ban ngày học không hiểu, tối nêu lại ý kiến để thầy cô giải đáp. Các thầy các cô lại cặm cụi lục lại những kiến thức cũ từ năm thứ nhất thứ hai để giảng lại cho chúng tôi. Nào là Toán giải tích, nào là Sức bền vật liệu, nào là Cơ kết cấu v.v. Thôi thì đủ thứ, cái gì chúng tôi đều cảm thấy như mới, các thầy các cô vẫn nhẫn nại giảng lại cho chúng tôi nghe. Cũng từ đây chúng tôi mới thấy các thầy các cô là những bậc kỳ tài, chẳng những nhiệt tình vì học trò mà còn là những giáo viên tuyệt vời, hình như tất cả những kiến thức của thế gian này đều có sẵn trong đầu các thầy các cô.
   Nghe thầy giáo chủ nhiệm động viên như thế chúng tôi vui lắm, cộng với việc: Theo chương trình của giáo vụ thì chúng tôi cũng biết là chúng tôi được miễn thi những môn nào và phải học những môn nào. Để củng cố kiến thức cho chúng tôi, nhà trường còn quy định: Tất cả những môn học trước kia đã có điểm thi hay điểm kiểm tra, vẫn phải lên lớp học đầy đủ, nếu nghỉ quá số giờ quy định thì sẽ không được miễn thi hay kiểm tra môn ấy.
   Như vậy, tất cả đều rõ ràng. Tôi nghĩ: Với sự nỗ lực của anh em chúng tôi, cộng với tình thương yêu dìu dắt của các thầy các cô. Chắc chắn, chúng tôi sẽ hoàn thành được tâm nguyện, cũng là đáp ứng được sự kỳ vọng của thầy cô, của nhà trường.
   Không khí ấm áp tràn ngập cả căn phòng, ánh lửa bập bùng soi tỏ những khuôn mặt gầy gò khắc khổ. Mùi thơm của nồi mỳ sợi không người lái lan tỏa khắp phòng, tiếng bát đũa lạch cạch, tiếng húp xì sụp, cũng làm thầy trò ấm lòng trong đêm đông giá lạnh.
   

 
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #213 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2013, 10:23:37 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm.
         Từ khi còn đang ở chiến trường, tôi đã có tâm nguyện: Nếu còn sống trở về, nhất định tôi sẽ đi tìm Vân. Tôi nghĩ, lúc ấy cho dù Vân ở nơi nào, dù có phải lên rừng hay xuống biển, vào Nam hay ra Bắc, miễn là ở trên đất nước Việt Nam này, tôi cũng sẽ đi tìm bằng được. Ý nghĩ ấy lúc nào cũng thường trực và thôi thúc tôi, tôi luôn cảm thấy mình đang bị mắc nợ, một món nợ không thể không trả. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, tôi thầm cầu mong: Trời Đất, tổ tiên cho tôi được sống trở về, để trả món nợ này.
    Mong ước ấy nay đã thành sự thật, bây giờ chỉ cần có cơ hội là tôi sẽ đi gặp Vân ngay. Những ngày làm thủ tục nhập học, tôi muốn giải quyết công việc cho thật nhanh, sau đó sẽ bố trí thời gian đi gặp Vân. Tôi biết chỉ khi nào gặp được Vân, khi đó may ra mới yên tâm cho việc học hành. Thú thực, tôi mong mỏi gặp Vân từng ngày từng giờ. Tôi luôn tự nhủ, gặp được Vân thì mọi vấn đề về tình cảm, bị dồn nén từ trước đến bây giờ sẽ được gỡ bỏ. Tôi sẽ nói hết để Vân thông cảm và tha thứ, tôi sẽ cầu xin Vân hãy dành cho tôi một tình cảm đặc biệt nhất nếu có thể. Hy vọng điều ấy sẽ giúp tôi bù đắp được một phần những mất mát thiệt thòi, mà Vân đã phải chờ đợi trong suốt thời gian tôi đi chiến đấu.
  Vậy mà, đã hơn hai tháng trôi qua, kể từ khi lớp 17T bước vào học chính thức, tôi vẫn chưa thể xắp xếp được thời gian đi gặp Vân. Tôi cứ chần chừ đợi cơ hội, nhưng cứ chờ mãi. Hôm nay, tôi quyết định đi tìm Vân. Tất nhiên chuyện đi tìm Vân chỉ có một mình tôi biết.
    Lặng lẽ ra ga Hương Canh. Đêm nay tôi đón chuyến tầu Lào Cai về Hà Nội, nhưng tôi không về Hà Nội mà xuống ga Yên Viên rồi đón tầu Hà Nội đi Lạng Sơn, để lên Bắc Giang.
    Bữa trước, tôi có gặp anh bạn học khóa 12 Cầu Đường, lớp Cầu Đường bộ, anh được giữ lại làm cán bộ giảng dậy, ở Khoa Kinh Tế Xây Dựng. Hỏi thăm anh, tôi biết được Vân hiện nay đang ở Ty Giao Thông Vận Tải Hà Bắc, trụ sở chính đóng ở thị xã Bắc Giang. Tôi hỏi thêm anh một vài thông tin nữa về Vân, nhưng anh nói là anh không biết gì hơn, ngoài những điều anh đã nói với tôi. Tôi nghĩ: Như vậy cũng tốt rồi, không gian là thị xã Bắc Giang, địa điểm cụ thể sẽ hỏi thêm dân ở đó.
    Hôm nay, tôi mặc bộ quần áo bộ đội mà tôi cố tình cất đi để dành, mục đích của tôi là dành lại bộ này để mặc vào những lúc có những sự kiện trọng đại như ngày nhập học, ngày đi gặp người yêu, ngày nhận bằng tốt nghiệp, ngày vào cơ quan mới v.v. Lần này là lần thứ hai tôi mặc nó, lần thứ nhất là lần tôi trở lại trường xin nhập học, lần này tôi mặc để đi tìm Vân.
   Mới hơn 10 giờ đêm mà trời đã se lạnh, tôi mở chiếc ba lô lộn, lấy chiếc áo đại cán của anh bạn ở trung đoàn 101 sư 325 học cùng lớp cho tôi hôm nọ, khoác thêm cho đỡ lạnh. Chiếc áo này. Mấy bữa trước trời rét, anh bạn thấy tôi co ro ngồi trên giường tầng quấn chăn để học, lúc lên lớp, anh thấy tôi cũng chỉ mặc thêm một chiếc áo sơ mi nữa. Ngồi học mà rét run, cộng với cả cái đói nữa, người cứ run lên cầm cập. Chiều về, anh bạn bảo tôi:
    -Ông cầm cái áo này mà mặc, hôm nào có áo rét thì trả lại tôi.
    -Thế ông lấy gì mà mặc?
    -Tôi có áo rồi, tôi có mấy chiếc áo len cơ mà. Ông cứ cầm lấy mà mặc, nói thật với ông tôi cũng không thích mặc áo đại cán, trông nó cứ hộp hộp thế nào ấy.
    -Cám ơn! Vậy cho mình mượn tạm nhé.
   Thú thực là từ khi ra Bắc, về đoàn an dưỡng, về nhà, rồi lên trường nhập học, thời gian ở nhà vỏn vẹn độ 15-16 ngày. Những ngày ấy, tôi sống trong sự nuông chiều của bố mẹ và những người thân trong gia đình, mọi người thương tôi lắm, cái gì cũng dành phần tôi, họ bảo tôi vừa mới từ chiến trường trở về, cần được ăn uống nghỉ ngơi. Sung sướng và hạnh phúc, tôi trải lòng để tận hưởng những phút giây ngọt ngào ấy. Đúng là: Ngày vui ngắn chẳng tày gang, thời gian qua đi rất nhanh, với lại do tôi đột ngột quyết định trở lại trường sớm hơn dự kiến nên tôi chẳng kịp chuẩn bị gì. Mà hình như do ở chiến trường Miền Nam mấy năm, tôi đã quên mất cái rét ở ngoài Miền Bắc, vì thế khi tôi trở lại trường tôi quên là mùa đông sắp đến, nên tôi chẳng kịp chuẩn bị gì cho mùa đông. Đợt nghỉ này nếu có điều kiện, tôi sẽ trang bị lại quần áo, chăn chiếu để bảo đảm sức khỏe cho việc học tập.
   Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa tầu mới về, sân ga vắng ngắt, ánh sáng vàng ệch của mấy bóng đèn điện treo trên cột, hắt ánh sáng yếu ớt xuống sân ga. Vô số các con côn trùng bay lượn xung quanh bóng đèn, nhiều con không biết phận mình, lao vào ánh sáng, bị đốt nóng chết rơi lả tả. Sân ga không bóng người qua lại, những hành khách đợi tầu đã dạt vào các quán nước hai bên nhà ga uể oải ngồi uống nước hút thuốc đợi tầu.
   Tôi đặt ba lô tựa vào thân cây Bàng, nằm ngả người lên chiếc ba lô  hút thuốc. Thi thoảng có cơn gió thổi làm những lá Bàng lay động, tôi  nhìn thấy những ông sao sáng xanh trên trời qua những kẽ lá. Ga Hương Canh đối với tôi sao mà thân quen thế? Một thời gian dài, nhà ga xép bé nhỏ ở vùng trung du heo hút này đã chứng kiến biết bao kỷ niệm giữa tôi và Vân.
   Một chiếc lá Bàng rụng, rơi nhè nhẹ lên đầu. Tự nhiên tôi nghĩ đến Vân, những kỷ niệm cũ lại ùa về, làm tôi nhớ Vân đến cồn cào. Tôi mê mẩn chìm vào suy tưởng. Tôi thầm gọi:
     -Vân ơi!  Giờ này Vân đang làm gì? Vân có thấy linh tính mách bảo gì không? Vân có thấy nóng ruột hay máy mắt không?
   Vân ơi! Anh đang gọi tên em, cái tên này anh đã gọi không biết bao nhiêu lần trong những năm qua. Những ngày sống xa em anh khắc khoải chờ đợi và cầu mong có ngày được gặp em. Ngày ấy đã đến, giờ này anh đang đi tìm em đây. Hãy tha thứ cho anh, đừng oán giận anh mà tội nghiệp. Anh đâu muốn thế, tất cả đều do chiến tranh, vì nó chúng ta phải xa nhau mỗi đứa mỗi nơi, bao nhiêu mộng đẹp được thêu dệt từ mối tình đầu say đắm cũng vì nó mà dang dở.
    Anh biết: Em đã bước sang ngang, bây giờ chỉ mình anh ngồi lại trên bến, anh cố nhìn con đò cứ xa dần xa dần rồi khuất dạng phía bờ bên kia… Không biết khi con đò rời bến thì cảm giác lúc đó của em thế nào? Anh thật sự muốn biết? Không biết em có dám kể cho anh nghe không? Còn anh, khi nghe được tin em đi lấy chồng, mặc dù anh đã được chuẩn bị sẵn về tư tưởng, song anh vẫn cảm thấy lúc đó trời đất quay cuồng, không gian như dừng lại, anh ngột thở. Một cảm giác chua chát bực bội vô cớ xâm chiếm tâm hồn anh. Vậy là anh đã mất em thật rồi.
   Vân ơi! Em có biết không? Từ ngày anh trở lại Miền Bắc, sau khi biết tin em đã đi lấy chồng. Một thời gian dài, anh sống trong tâm trạng không bình thường, vui đấy nhưng cũng buồn đấy, hay cáu gắt và luôn tự mâu thuẫn với bản thân. Việc em đi lấy chồng, có những lúc anh cảm thấy vui và tự hào vì anh đã làm được một việc đáng để làm. Nhưng cũng ngay lập tức anh lại cảm thấy nuối tiếc rồi nghĩ ngợi lung tung, tự anh đặt ra nhiều giả thuyết, giá mà thế nọ, giá mà thế kia thì có phải tốt hơn không? Có những lúc anh nghĩ, nếu như anh không gửi những bức thư cuối cùng thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra? Anh ân hận… Nghĩ đến đấy, anh xấu hổ với chính mình và lại thấy mình là con người ích kỷ và nhỏ nhen.
    Những điều anh vừa nói ra, may mà em không biết, nếu em biết chắc là em sẽ nghĩ khác về anh. Em nghĩ sao cũng được, nhưng em hãy tin rằng: Anh yêu em còn hơn cả bản thân anh. Chắc là em vẫn còn nhớ? Đã có lần anh nói với em:
    -Anh chưa yêu người con gái nào và hình như cũng chẳng có người con gái nào dám yêu anh, anh là con người cục cằn, tính tình thô lỗ, anh vụng về không biết làm thế nào để thể hiện tình yêu. Nhưng nếu anh được yêu, anh sẽ làm tất cả vì người con gái đã yêu mình. Em cứ thử mà xem.
   Lúc ấy, em nhìn anh chỉ cười mà không nói gì, nhưng anh đoán em rất hạnh phúc.
   Nhớ lại lúc em nhận lời yêu anh, anh không tin đấy là sự thật. Anh tự hỏi: Vì sao em yêu anh? Em yêu anh về cái gì? Anh không tự trả lời được, mà anh cũng không dám hỏi lại em, vì sợ em lại phát hiện ra điều gì đó rồi thay đổi ý kiến và không yêu anh nữa. Nhớ có lần em đọc cho anh một đoạn thơ nói về tình yêu, em bảo là không biết của tác giả nào. Bây giờ thì anh quên đoạn thơ đó rồi, nhưng đại ý là:
 “… Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp.
        Rất đậm đà nhưng cũng rất đắng cay…”
   Lúc này, nghĩ lại anh càng thấy thấm thía, nuối tiếc một thời vàng son. Rồi đây, thời gian sẽ hối thúc anh phải làm những việc để trả nợ đời, như lấy vợ và sinh con chẳng hạn, anh tin rằng : Chẳng phải cố gắng thì anh cũng sẽ làm được, chỉ có một việc, cho dù anh có cố gắng bao nhiêu thì cũng không bao giờ có được nữa rồi. Đó là tình yêu của em dành cho anh, tình yêu ấy chỉ có một và chỉ một mà thôi…
   Tiếng còi tầu hú ba hồi từ phía đầu ghi, rồi từ từ tiến vào sân ga. Ga Hương Canh là ga xép nên người xuống cũng ít mà người lên cũng chẳng được bao nhiêu. Đoàn tầu dừng lại khoảng 3-4 phút rồi lại tiếp tục chuyển bánh, ánh sáng đỏ quạch của mấy bóng đèn điện cứ loang loáng lùi lại ngoài cửa sổ của đoàn tầu. Đoàn tầu ì ạch chìm vào bóng tối bịt bùng, tiếng bánh sắt nghiến ken két lên đường ray, tiếng cạch cạch đều đều mỗi khi qua những đoạn nối ray. Thế là đoàn tầu rời sân ga, đưa tôi đi tìm người yêu đã lấy chồng…
   Tôi vào đúng phải toa dành riêng cho những người có hành lý cồng kềnh. Đêm đã về khuya. Hai chiếc đèn bão treo hai đầu toa lắc lư theo nhịp tầu chạy. Nhờ ánh sáng của chiếc đèn bão, tôi cũng lần tìm được một chỗ ngồi, phía cuối toa. Toa này, chỉ có hai hàng ghế gỗ chạy dọc toa, trên ghế, dưới sàn toa kẻ nằm người ngồi la liệt không theo hàng lối nào. Không biết mọi người thức hay ngủ, nhưng tất cả đều im lặng, chỉ nghe tiếng rập rình đều đều của đoàn tầu, thi thoảng lại nghe tiếng còi tầu hú vọng trong đêm.
    Đang mơ màng, tôi chợt tỉnh khi nghe thấy tiếng van xin của một người đàn bà, không biết già hay trẻ:
    -Con cắn cỏ, con lạy ông! Ông làm ơn làm phúc ông tha cho con, chồng con chẳng may đã hy sinh ở chiến trường. Con một nách ba đứa con dại, các cháu chỉ còn biết trông cậy vào gánh hàng này của con để rau cháo lần hồi. Ông mà bắt mất thì các cháu không biết lấy gì để sống. Con trăm lạy ông, nghìn lạy ông, xin ông tha cho con, con xin đội ơn ông.
   Tiếng người đàn ông khô khốc:
    -Ai tin được các bà. Việc nào ra việc ấy, nếu gia đình chính sách thì đã có Chính Phủ lo, còn chuyện buôn bán hàng lậu thì phải tịch thu.
   Tôi đã hình dung được câu chuyện xảy ra. Tôi nghĩ: Ông phòng thuế ấy nói đúng quá còn gì, bởi vì ông là cán bộ nhà nước, ông đang thực thi công vụ, nơi này thì ông ấy là to nhất, oai nhất rồi. Miệng nhà quan có gang có thép, làm sao có thể thay đổi được. Chỉ thương cho người đàn bà khốn khổ kia không biết bà ấy sẽ xoay sở thế nào? Liệu bà có đủ giấy tờ để chứng minh những điều bà ấy nói không? Đấy là chưa kể đến việc đủ giấy tờ rồi, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào việc ai sẽ là người cầm cân để xử kẻ đúng người sai? Đâu là tình, đâu là lý? Chuyện này còn dài, chưa biết kết quả thế nào?
   Nhưng chắc chắn, hôm nay mấy đứa trẻ sẽ dài cổ đợi mẹ về chợ.
(Còn nữa)



     

Logged
thaynhin
Thành viên
*
Bài viết: 178


« Trả lời #214 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2013, 03:35:34 pm »

Rất cảm động anh ạ,lại đọc đúng đoạn anh về tìm chị Vân.Chưa biết sự thể ra sao nhưng vvaanx cầu mong cho những người như các anh hạnh phúc,bù đắp những mất mát,hy sinh trong chiến tranh đã cướp mất của các anh.
Mong sớm được đọc về những kỷ niệm thiêng liêng của anh và đồng đội.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #215 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2013, 10:01:15 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm
          Chuyến tầu đi Lạng Sơn lạch cạch chạy trên đường ray. Tôi ngồi cùng ghế với một người đàn ông, thấy động ông mở mắt ra nhìn rồi ông hơi dịch vào để nhường chỗ cho tôi, sau đó ông nhắm mắt lại và tiếp tục kéo gỗ đều đều. Ghế có ba chỗ, tôi ngồi vào mới là hai, còn một chỗ nữa chưa có người ngồi.
   Ngoài trời còn tối như bưng, trong toa có ánh sáng lờ mờ của bóng đèn điện loại 25w treo ở giữa toa. Nhìn bóng đèn tôi nghĩ thầm: Bóng điện 25w này còn có thể sáng hơn chút nữa, nếu như tháo bỏ lớp lưới thép chụp bảo vệ ra. Việc này đơn giản thế ai mà chả biết, chắc là phải có lý do gì đấy nên nhà tầu không tháo bỏ tấm lưới thép, thậm chí cũng không quét màng nhện và những hạt bụi bám tầng tầng lớp lớp ở tấm lưới bọc. Nếu ở thời kỳ có chiến tranh phá hoại thì còn lý giải là để che ánh sáng cho máy bay không phát hiện, nhưng bây giờ thì rõ ràng là không phải. Có lẽ ở đây việc bảo vệ bóng đèn là chủ yếu, còn ánh sáng phục vụ nhân dân cũng quan trọng nhưng là thứ yếu. Cứ nhìn vào bóng đèn mà ngẫm nghĩ thấy rất khó chịu, nhưng chẳng ai làm gì được. Tóm lại chỉ dân là khổ.
    Mọi người trong toa ngủ gà ngủ gật. Tôi chăm chú nhìn vào bóng đèn,  buồn ngủ quá cũng thiếp đi lúc nào không biết. Giật mình tỉnh dậy, phản xạ đầu tiên của tôi là tìm chiếc ba lô lộn. May quá, tôi vẫn ôm nó khư khư trước ngực. Thực ra trong ba lô không có tiền bạc gì, chỉ có một vài thứ đồ dùng cá nhân, trong đó có hai thứ được coi là quan trọng nhất đối với tôi: Đó là bức hình của Vân tặng tôi làm kỷ niệm trước khi nhập ngũ và giấy tờ chứng thương. Giấy chứng thương tôi mới được cấp trước khi rời khỏi đơn vị để trở về trường đi học, còn tấm hình của Vân thì đã theo tôi suốt cả thời gian tôi trong quân ngũ cho tới tận bây giờ, tôi hy vọng  tôi sẽ giữ nó mãi mãi.
     Nghĩ đến tấm hình của Vân, nó cũng để lại trong tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm. Để giữ được tấm hình này, thật không đơn giản chút nào, ngoài chuyện bao bọc cho kín không bị thấm nước, không để người khác phát hiện, không bị nhàu nát v.v. Còn một việc nữa là luôn phải cơ động thay đổi vị trí cất dấu, nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật và bất ngờ. Nếu không linh hoạt và bất ngờ thì dễ bị phát hiện, bởi vì đơn vị tôi là đơn vị trinh sát, cứ mỗi lần đi công tác tiền nhập hay luồn sâu, lần nào cũng vậy mọi người đều phải khai lý lịch trích ngang và địa chỉ khi cần báo tin cho ai. Sau đó tất cả đều phải để lại hậu cứ những giấy tờ, thư từ bưu ảnh có liên quan đến cá nhân.  Mà đã để lại hậu cứ của đơn vị thì tôi không yên tâm. Vì thế, tôi vẫn lén lút mang theo hình của Vân. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại làm như vậy, có lẽ là do thói quen nên tôi cứ làm vì tôi muốn có Vân bên cạnh, thế thôi. Thực ra tôi không có ý thức chống đối những quy định của đơn vị. Cũng may chính việc làm ấy của tôi đã giúp tôi giữ được tấm hình của Vân, nếu tôi để trong ba lô thì có lẽ đã bị “Giữ hộ” từ lâu rồi.
   Dạo ấy đang ở Nại Cửu, cả đơn vị đang dục dịch chuẩn bị luồn sâu để chuẩn bị cho chiến dịch phía Tây Thừa Thiên Huế. Tôi còn nhớ, sau khi ăn trưa xong. Cả đơn vị đang nghỉ trưa thì có lệnh báo động di chuyển. Sau 30 phút chuẩn bị quân tư trang để di chuyển, toàn đơn vị xếp hàng ở sân bóng đá đợi lệnh. Một lát, sau khi nghiêm nghỉ quay trái quay phải, dãn cách đội hình, chờ ổn định xong khi ấy đồng chí chỉ huy đơn vị tuyên bố:
    -Để chuẩn bị đi công tác và tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Hôm nay đơn vị tổ chức kiểm tra tư trang cá nhân của tất cả các đồng chí trong đơn vị, trừ cán bộ đại đội và bộ phận hậu cần.
   Sau mệnh lệnh ấy, chúng tôi tất cả phải đặt ba lô xuống và lùi lại phía sau hai bước, rồi từng người một, khi được gọi tên phải lên để xếp tư trang cá nhân của mình ra để kiểm tra. Lần ấy tôi và một vài người nữa được đơn vị “Giữ hộ” một số tư trang cá nhân. Tôi có hai vật quý nhất là cuốn nhật ký và tấm hình của Vân. Cuốn nhật ký vì nó hơi to nên khó dấu, tôi bắt buộc phải nộp. Còn tấm hình của Vân, mấy bữa trước tôi nhét vào kẽ của cục pin máy thông tin 2w, nên không ai phát hiện ra, nếu không dấu thì chắc là cũng bị “Giữ hộ” rồi. Bị giữ cuốn nhật ký tôi tiếc lắm, tôi buồn mất một thời gian dài, bởi vì cuốn nhật ký là nơi tôi tâm sự và gửi gắm tất cả mọi tình cảm yêu thương của tôi đối với những người thân trong gia đình và cả Vân nữa. Trong đó số trang tôi viết cho Vân vẫn là nhiều nhất.
   Cuốn nhật ký ấy với tôi là vô giá, tôi nâng niu và giữ dìn nó rất cẩn thận, bởi vì tôi nghĩ: Nó không phải là quyển sách, cũng không phải là vật vô tri vô giác, mà nó là bạn tôi, nó chia sẻ cùng tôi những niềm vui và những nỗi buồn, nó có tri thức thật. Tôi tin là như vậy: Bởi lẽ mỗi khi tôi cầm đến nó thì ký ức của tôi lại trào dâng, kỷ niệm lại ùa về qua từng trang từng trang. Cuốn nhật ký ấy tôi ghi đủ thứ thôi thì thượng vàng hạ cám đều có tất, cả nhật ký lẫn hồi ký, chuyện vui cũng có mà chuyện buồn cũng nhiều. Tôi nghĩ: Cuốn nhật ký của tôi, lãnh đạo đơn vị chắc chắn là sẽ đọc và sau khi đọc rồi không biết họ sẽ đánh giá tôi là người như thế nào? Tôi thấy cũng hơi ân hận, nhưng chẳng biết làm thế nào đành chịu vậy.
  Trang mở đầu là những ngày tôi phải sống xa Vân, tiếp theo là những ngày huấn luyện ở tiểu đoàn 60 sư 304 ở Phú Bình Bắc Thái,  đến những ngày hành quân đi chiến đấu, đến những trận B52 kinh hoàng ở Xê Kim Tát, đến những lần vượt sông Thạch Hãn sang thành cổ Quảng trị, và những lần đi trinh sát, đi luồn sâu. Những địa danh của địa phương xuất hiện dày đặc trong từng trang viết, ngoài thành cổ Quảng Trị ra còn là Tân Mỹ, Tích Tường, Như Lệ, Đá Đứng, Đồi Chè, ngã ba Phước Môn, đến những cao điểm 25, 29 v.v. Tóm lại cuốn nhật ký ấy không phải là nhật ký đúng nghĩa, mà chủ yếu là viết lại những việc, những sự kiện mình cùng với đồng đội đã trải qua theo thời gian.
   Ngày ấy tâm trạng không vui, tuổi trẻ bồng bột, lại sống xa nhà xa người yêu, cái sống cái chết cận kề nhau, chiến tranh thì còn dài chưa biết bao giờ mới kết thúc… Ở bối cảnh ấy, nên phần nhiều những trang nhật ký đều đượm buồn. Mãi đến thời gian tháng 10, tháng 11 năm 1972, Khi nghe trộm đài BBC của địch, biết được Hiệp Định Pari về Việt Nam đã được ký tắt. Cùng lúc ấy trong chiến trường cũng có tin là sẽ trả các sinh viên của các trường đại học về tiếp tục học tập. Thời gian ấy tôi vui lắm nên tôi viết rất nhiều, tôi kể cho Vân nghe cách làm bún làm bánh cuốn, cách nấu rượu, tôi còn hài hước nói với Vân:
    -Sau này khi còn sống trở về, chúng mình sẽ lấy nhau, khi ấy em sẽ sinh cho anh 3-4 đứa con, nếu như cuộc sống quá khó khăn. Anh sẽ làm thêm nghề phụ, những nghề mà anh đã học được trong bộ đội, anh có thể nấu rượu và nuôi lợn, tráng bánh cuốn hay làm bún. Anh sẽ chịu khó, thức khuya dậy sớm. Còn em, sáng sáng em đi bỏ mối cho các nhà hàng, rồi về đưa con vào nhà trẻ, sau đó cả hai vợ chồng cùng đi làm. Cầu Trời cho chúng ta sức khỏe, để tần tảo lần hồi nuôi con.
   Những trang ấy tôi vẽ ra viễn cảnh ngày trở về, tôi khoác ba lô tìm  đến cơ quan Vân làm việc. Mọi người trong cơ quan, ngơ ngác nhìn tôi. Còn Vân khi nhìn thấy tôi trong bộ quân phục thì không tin vào mắt mình nữa và chạy về phía tôi, đang chạy tự nhiên dừng lại đứng như trời trồng rồi lảo đảo như người bị trúng gió. Tôi vội vàng chạy lại đỡ lấy Vân, cả cơ quan nhìn chúng tôi cảm động, có những người quay đi dấu những giọt nước mắt. Đọc đến đoạn này chắc Vân cũng phải phì cười bởi vì không thể ngờ được tôi giầu trí “Tưởng bở” như vậy.
   Rồi đến đoạn tôi đưa Vân về quê tôi để giới thiệu Vân với bố mẹ và gia đình . Đoạn này tôi viết tự tin lắm, thực ra cũng có ý nịnh và động viên Vân. Song khi tôi viết đoạn này, tôi nghĩ là tất cả mọi người trong gia đình tôi, từ bố mẹ  đến anh chị em, khi nhìn thấy Vân thì tất cả mọi người sẽ đồng ý, sự đồng ý ấy lại càng được thuyết phục khi nghe Vân nói chuyện. Vân không đẹp, cũng không xấu, hình như tạo hóa đã tạo dựng lên một tác phẩm bình thường giản dị, nhưng tất cả đều hài hòa và hoàn mỹ, thêm chút nữa là Vân lại có duyên thầm. Mỗi lần nghe Vân nói chuyện, cứ nhìn từ ánh mắt đến nụ cười và cách diễn đạt, đến ngữ điệu trầm bổng, cách biểu đạt tình cảm của câu chuyện, chỉ từng ấy thôi cũng đã đủ thuyết phục người nghe rồi.
   Cũng có những trang tôi tưởng tượng ra cuộc sống vợ chồng để tâm sự  với Vân, những trang ấy ai mà đọc thì cũng ham muốn vợ chồng được gần gũi nhau. Khi tôi viết những trang như vậy, tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc nhật ký bị thu lại, mà tôi đinh ninh rằng cuốn nhật ký này chỉ có tôi và Vân đọc, kể cả sau này các con của chúng tôi cũng không được đọc. Nghĩ thế nên tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm và tôi phóng tay viết hết những gì mà tôi tưởng tượng như chúng tôi được sống với nhau. Viết xong những trang ấy, tôi thấy mình càng khát khao yêu cuộc sống hơn…
   Có rất nhiều chuyện tôi kể cho Vân nghe, trong đó có câu chuyện khi tôi viết xong, tôi ngần ngừ định xé bỏ. Nhưng chẳng hiểu thế nào tôi vẫn giữ lại, đấy là câu chuyện tôi ngủ cùng hầm với nữ du kích Quảng Trị. Chuyện có thật 100%, đơn vị tôi nhiều người biết. Chuyện này kể cho Vân nghe, nếu Vân tin là có thật thì Vân sẽ nói tôi là kể không thật, có nhiều chi tiết nói dối. Nhưng nếu Vân không tin là có thật, thì Vân cũng nói là tôi bịa chuyện này để thể hiện mình là chung thủy với người yêu. Có thể đây chính là lý do mà tôi kể cho Vân nghe. Chuyện thật thì dài, nhưng trong nhật ký thì không thể viết dài được. Tôi chỉ viết tóm tắt, đại loại là:
 “ … Có một lần anh ngủ chung hầm với một o du kích Quảng Trị. Một chàng trai mới lớn như anh, đang sung sức, nằm cạnh một cô gái tuổi 17- 18 tràn ngập nhựa sống. Hai người chỉ cách nhau khẩu súng CKC đặt ở giữa để tạm thời phân cách giới tính nam nữ. Nằm bên cạnh người con gái tuổi bẻ gẫy sừng trâu, nghe cô thở đều đều, mùi cơ thể con gái bốc ra lờn vờn khêu gợi. Anh không thể nào ngủ được, thậm chí anh không giám thở mạnh, cũng không giám trở mình. Anh nghĩ lung tung nghĩ đến những điều xúi quẩy mà bạn bè thường kể cho nhau nghe khi tiếp xúc với phụ nữ, nghĩ đến em v.v. Anh không thể chịu đựng được, anh đã … Lao ra ngoài ngồi gác ở cửa hầm, ngủ gà ngủ gật cho đến khi trời sáng…”
    Đấy là những dòng trong nhật ký, còn chuyện thật thì:
       Dạo ấy…
(còn nữa).
   
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #216 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2013, 08:48:11 pm »

          Chào bác quanvietnam, chào các bác! Đọc chuyện của bác hay lắm, cuốn hút và cảm động lắm. Chỉ muốn bác viết nhiều nhanh nhanh đến đoạn bác gặp lại Vân xem Vân có "tù tù lịm đi' không?

            Hôm nay ngày 29-29 Tết Tranphu có dịp mở mạng. Đọc nghiến ngấu bài viết của bác. Chúc bác cùng gia đình sang năm mới có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống - Và mong bác nhanh viết tiếp chuyện nhé.. Grin Grin Grin
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #217 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2013, 04:55:49 pm »

    CB chào anh quanvietnam. Chào các bác. Ngày xuân mới đầu tiên mà Cb em lại để ông anh đến nhà chúc tết nhà em trước. Thật là lỗi lớn. lõ rồi Cb chỉ biết lỗi thôi không thể làm lại được. Cũng còn là ngày đầu xuân em xin chúc anh cùng toàn gia đình mạnh khỏe, vui vẻ, an khang thịnh vựong. Anh viết tiếp bài mà em vẫn đang theo dõi đọc và những bài viết của anh cũng lấy của CB không ít nước mắt đâu anh nhé! Nghỉ du xuân mấy ngày thôi rồi anh em mình lại tiêp tục vào cuộc anh à. Cb chào anh, chào các bác.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2013, 09:09:39 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #218 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2013, 10:56:06 am »

Năm mới chúc đàn anh Hương Canh quanvietnam dồi dào sức khỏe, lúc nào cũng "nhuận sắc" như em thấy ở 19C Ngọc Hà bữa tất niên. Và vui xuân mới không quên "nhiệm vụ" đâu bác nhé. Chuyện tình của bác là chuyện tình xuyên thế kỷ rồi (đúng ra là xuyên thiên niên kỷ), yêu ở thế kỷ 20, vẫn còn ngậm ngùi (nghĩa là vẫn còn tiếc, còn yêu) sang tận thế kỷ 21 làm con cháu phải ngưỡng mộ....hi hi:
...Hương Canh, Hương Canh, đường loanh quanh
Hương Canh, Hương Canh tan nát lòng anh....
Undecided


Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #219 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2013, 02:37:49 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
5- Đi tìm.
   Nhưng chắc chắn, hôm nay mấy đứa trẻ sẽ dài cổ đợi mẹ về chợ.
(Còn nữa)

     Đọc chuyện đi tìm Vân của bạn mà chúng tôi cũng như những đứa trẻ đang dài cổ đợi mẹ đi chợ về đây. Grin
Vẫn chưa biết bạn có gặp dược Vân và khi gặp Vân thì Vân như thế nào, tình hình có gì khả quan không? Huh Bạn cứ Mèo vờn Chuột mãi.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM