Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:20:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191516 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #180 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 08:12:48 pm »

         Chào bác chủ! Chào các bác! Hay quá, Hay quá. Chúc mừng bác quanvietnam tiếp tục xây nối căn nhà mới. Trên thửa đất của căn nhà cũ. Nhưng với chủ đề cũng rất mới rất hay. Tranphu phát ghen tỵ vị Tranphu chư bao giờ được đi " An dưỡng" thật thiệt thòi. Nhưng thôi không sao. Được bác chủ kể chuyện đi " An dưỡng" là coi như mình đã được đi rồi. Grin Grin Grin

          Chuyện bác kể bài đầu mà đã cuốn hút hấp dẫn. Lại thêm các bác đến góp chuyện. Nhất là cô bé CB NỮA CHỨ. Không biết bác có là một trong những vị " công thần" Mà CB đã nới không đây?

          Chúc bác chủ luôn khỏe cùng những câu chuyện đang kỳ hấp dẫn!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #181 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 03:56:42 pm »

    Chào tất cả anh chị em CCB tham gia diễn đàn, rất cám ơn các anh chị em đã đọc và luận bàn về bài viết của quanvn, qua đây quanvn thật sự cảm thấy đây là niềm vinh hạnh đối với quanvn. Rất mong được gặp lại các anh chị em ở những bài viết sau.
   Bạn Lê Xuân Tường thân mến, những điều mà bạn chia sẻ, tôi chỉ được nghe mà chưa kiểm chứng, vì thời gian ở đoàn an dưỡng của tôi là quá ngắn, vì thế tôi cứ bán tín bán nghi, không rõ thực hư thế nào. Nhưng, nếu đúng như vậy thì nó cũng không phải là tất cả.
   Anh Vanthang 341 ơi! Việc tôi nói ra, tôi đành chấp nhận là người lính vô kỉ luật thật là không dễ dàng đối với tôi chút nào, chắc anh cũng hiểu. Đời quân ngũ, ai chẳng có những lúc nao lòng, để cưỡng lại những lúc yếu mềm ấy, thì lý trí và tình cảm cái gì vị cái gì? Hoàn cảnh tôi lúc ấy, còn có nhiều cơ hội để biện minh cho sai trái của mình. Tất nhiên chỉ là ngụy biện thôi, còn việc tôi làm là sai, tôi biết tôi đang làm gì. Anh là thủ trưởng chắc anh cũng không đến nỗi khắt khe quá trong trường hợp này. Có phải thế không thủ trưởng tuyên huấn sư đoàn 341?
   Chào hai chị em Xuanv và Anhtho! Có câu hát: “…Chỉ nghe tiếng hát mà đem lòng yêu thương…” Tôi không nói thế, mà có muốn cũng không được, nên tôi nói: Chỉ đọc văn viết mà đem lòng ưu tư. Đùa một chút cho vui, hai bạn thông cảm nhé, bởi vì đọc những bài viết để trải một phần vô cùng nhỏ bé lòng mình trên diễn đàn này thì có bao nhiêu bóng hồng? Tôi tếu táo thế chắc cũng không quá đáng, có phải không các bạn?
   Tôi đã đọc tin nhắn của Xuanv, Anhtho. Tôi hiểu, nhưng tôi lại nghĩ cuộc vui nào đều có điểm dừng, vấn đề là dừng ở đâu? Còn vấn đề Xuanv nói ai đúng ai sai thì tôi cũng đã nói rồi, tôi có trách cứ gì đâu, tôi chỉ thấy buồn thế thôi, giá mà được như Xuanv nói thì tốt. Con người mà, từ già đến trẻ đều ưa nịnh.
   Thêm một số thông tin nữa để Xuanv rõ hơn. Tôi về đoàn an dưỡng 540 đóng ở Gia sinh Gia Viễn Ninh Bình, vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1975. Số ngày tôi ở đây đếm chưa hết 10 đầu ngón tay, nên chẳng biết gì để nói. Những chuyện Xuanv kể bây giờ tôi mới biết, bởi vì lúc đó chúng tôi còn đang chiến đấu ở chiến trường, hết chiến dịch này sang chiến dịch khác. Tin tức về những người thân còn không có, thì làm sao có được những tin tức mà Xuanv kể. Những thông tin rời rạc này chắc cũng chẳng giúp được gì Xuanv, thôi bằng lòng vậy.
   Anh Tranphu thân mến! Vấn đề an dưỡng tôi chẳng biết nên chia vui hay chia buồn với anh, tôi chỉ ở đoàn an dưỡng chưa đến 10 ngày nên không biết nói thế nào. Còn tôi có công thần hay không? Xin anh xem hồi sau sẽ rõ.
   Xin chào và chúc sức khỏe tất cả mọi người trên diễn đàn.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #182 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 05:50:43 pm »

@QVN: Bác về đoàn an dưỡng có gặp phải cảnh này giống tôi không

...Xe đỗ ở nhà tiếp đón, anh em trong trại xúm lại tìm người quen họ nói với nhau: “Lại Quảng Trị đây…”. Quả thật mấy tháng nay hầu hết là các TB từ mặt trận Quảng Trị trở về đây. Từng người chúng tôi lần lượt được gọi vào Ban quân lực để làm thủ tục. Tại đây một trung úy và một thượng sĩ tiếp chúng tôi. Một loạt câu hỏi được viên trung úy đặt ra phải trả lời: "Họ tên - Ngày tháng năm sinh - Quê quán - Chỗ ở - Trình độ văn hóa - Đảng, đoàn - Tên cha mẹ -  Đơn vị trước khi đi B - Đơn vị khi chiến đấu - Ngày đi chiến trường - Ngày bị thương" - và đặc biệt họ hỏi đi hỏi lại những câu: "Nơi bị thương thuộc xã, huyện, tỉnh nào - Khi bị thương ai biết - Lúc bị thương đêm hay ngày, lúc mấy giờ -  Tư thế khi bị thương - Bị thương trong trường hợp nào do loại vũ khí nàogây ra - Sau khi bị thương đã điều trị ở đâu"...Những câu hỏi sau họ hỏi đi hỏi lại mấy lần !!!

Sau đó chúng ổn định chỗ nghỉ trong trạm tiếp đón và được cấp phát quân trang mới và chờ về các đội an dưỡng của đoàn.

Khoảng hơn 1 giờ chiều đang ngủ tôi bị lay dậy để lên gặp quân lực. Lại những câu hỏi như ban sáng khiến tôi cảm thấy có cái gì đó mà mình chưa hiểu.

Đêm đầu tiên ngủ tại Đoàn trong tiếng ì ầm của máy bay bay đêm, ở đây theo đường chim bay cũng không xa sân bay Đa Phúc là mấy. Bất chợt có tiếng rít của máy bay ngay trên đầu, phản xạ tự nhiên của một thằng lính khiến mấy thằng chúng tôi bật khỏi chỗ nằm lăn ngay xuống đất - một thói quen mỗi khi cảm nhận tiếng máy bay đich tọa độ trên đầu. Rồi cũng dần quen và giấc ngủ đã đến với tôi.

Đang mơ màng thì ai đó gọi tôi dậy, lại tay thượng sĩ của Ban quân lực. Cũng vẫn những câu hỏi xoáy vào việc tôi bị thương. Lần này tôi cảm thấy bị xúc phạm thật sự: phải chăng người ta nghi ngờ việc tôi bị thương, mình có đầy đủ giấy tờ mà họ không tin ? Tôi khùng lên: “ Các ông nghi tôi tự thương ư ? Giấy tờ của tôi có đầy đủ. Nếu không tin các ông trả lại tôi về đơn vị…” Tay thượng sĩ mặt lạnh tanh: đây là nhiệm vụ của chúng tôi, đề nghị đ/c thông cảm và tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc. Lúc đó nhìn đồng hồ để trên bàn là 11 giờ 30.

Về đến giường nghĩ tới việc mình bị thẩm tra như là kẻ có tội, tôi uất quá mà không ngủ được. Hay là 3 lần trả lời có gì không ổn ? Chứng tỏ trong số những TB từ chiến trường trở về có lẫn một số người tự thương. Quả thực vàng thau lẫn lộn. Nhưng chỉ nghĩ đến nét mặt của mấy thằng quân lực là muốn táng cho chúng nó một trận. Ngẫm đến câu thơ ca thán của Cao Bá Quát mà liên tưởng đến phận mình:

"Con voi đánh trận đường xa,
Con mèo trong bếp ỉa đầy nồi rang..."


(Trích Ngược dòng ký ức)


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.260.html
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 06:04:07 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #183 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2012, 09:55:30 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
2- Về nhà.
          Ra đường, tôi đi như chạy. Chiếc ba lô lép kẹp nhảy tung tăng trên lưng theo nhịp bước chân. Kể ra tôi về thăm nhà trong hoàn cảnh này cũng không vui lắm, giá mà ông trưởng đoàn an dưỡng vui vẻ đồng ý thì vui biết chừng nào. Buồn thật, bao nhiêu năm trời lăn lộn trong chiến trường, chưa từng bị nhắc nhở hay bị phê bình, thế mà bây giờ lại gặp hoàn cảnh trớ trêu này. Tình huống này, nếu nâng lên thành quan điểm thì chưa biết chừng chuyện gì sẽ xảy ra. Thôi đành vậy, tất cả đã được trình bầy trong đơn, nếu bị quy chụp thì ráng chịu, mục tiêu của mình lúc này là về nhà thăm bố mẹ và mọi người trong gia đình xem ai còn ai mất, mọi người sống ra sao? Hãy quên đi những nỗi buồn và vui lên sau gần bốn năm xa cách.
   Đi được chừng 30 phút, mồ hôi đã ướt cả lưng áo. Tôi nghĩ: Nếu đi như thế này không ổn, phải 8 hay 9 giờ tối may mới về đến thị xã, từ thị xã về nhà còn những 24 cây số nữa, rứt khoát phải vẫy xe để đi nhờ mới kịp. Có mấy chiếc xe ô tô chạy qua, tôi giơ mũ ra vẫy nhưng không có xe nào dừng lại, đành chịu. Tôi cắm cổ bước nhanh để đuổi kịp chiếc xe bò phía trước, nắng xiên khoai rát rạt, hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên hầm hập, mồ hôi vã ra như tắm.
   Tôi đuổi kịp chiếc xe bò, xe không có hàng hóa. Người đánh xe bò là một người đàn ông, khoảng độ hơn 30 tuổi trông rất trẻ, anh đội chiếc mũ lá đã rách mướp, ngồi trên xe tay trái cầm thừng, tay phải cầm roi đang điều khiển chú bò đi đúng phần đường. Nắng quá, chú bò cũng mệt, bước uể oải chậm chạp. Tôi tiến đến bên anh đánh xe làm quen, rồi cất tiếng chào:
    -Chào anh!
   Thấy có tiếng người, anh hơi giật mình. Có lẽ anh đang ngủ hay đang tập trung nghĩ ngợi vấn đề gì đó nên không để ý đến xung quanh. Anh quay sang nhìn tôi, tôi cũng nhìn lại anh và tôi hỏi thăm:
    -Anh ơi! Làm ơn cho tôi hỏi thăm, tuyến đường này có xe khách chạy về thị xã không anh?
   Anh trả lời tôi:
    -Có nhưng mãi bốn giờ chiều nó mới qua đây để về thị xã, mà có bữa cũng chẳng có, nên không thể nói trước được. Thế chú bộ đội đi đâu?
   Tôi buồn rầu trả lời anh:
    -Tôi về mãi Lai Thành cơ, tôi chưa biết nên đi thế nào bây giờ?
  Chắc là anh đánh xe bò không biết nên xử lý thế nào, nên anh im lặng. Tôi cũng thủng thẳng bước đi bên cạnh chiếc xe, thấy thế anh nói với tôi:
    -Chú bộ đội lên xe ngồi cho đỡ mỏi chân.
   Tôi trèo lên xe, ngồi ghé vào thành xe, con bò vẫn đủng đỉnh bước như không có chuyện gì xẩy ra. Tôi thì lòng dạ bồn chồn nóng như lửa đốt, vì chưa tìm được cách giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn này. Đi được một đoạn, anh đánh xe nói với tôi:
    -Bây giờ tôi đại thí chú bộ đội cách này, may ra được. Chú chịu khó xuống đi bộ, xe nào đi qua chú cũng vẫy, ô tô thì càng tốt, xe đạp cũng được, cứ vẫy đại đi, chú nên vẫy xe đạp của các cô thanh niên ấy, hầu hết các cô ấy đều có chồng hay người yêu đi bộ đội, bây giờ thấy anh bộ đội vừa từ chiến trường ra, phần thì thương, phần thì muốn hỏi thăm tin tức của người thân thế nào các cô ấy cũng cho đi nhờ.
   Thấy anh đánh xe bò nói có lý, đơn giản thế mà không nghĩ ra. Tôi xuống xe và bắt đầu thực hiện phương án. Cũng phải đến bốn năm lần vẫy đều không được, tôi cũng hơi nản. May quá, lần này vừa giơ mũ ra vẫy, thì cô gái đã tụt ra khỏi yên xe, vừa bóp phanh vừa dùng chân rê rê trên mặt đường để dừng xe lại.
   Trời nắng nóng cô gái đội nón sụp xuống lại bịt khăn vuông nên nhìn không rõ mặt, không biết là già hay trẻ, nhưng có một điều chắc chắn cô gái không phải là nông dân, vì quần áo và khăn vuông loại này thì nữ thanh niên nông thôn không bao giờ dùng. Cứ biết thế đã, sau khi chào hỏi làm quen qua loa, tôi đưa ba lô cho cô gái, chúng tôi đổi lái, tôi chở còn cô gái ngồi sau. Chệch choạc một tý, cuối cùng tôi cũng điều khiển được chiếc xe đi theo ý muốn, cũng phải thôi, đã gần bốn năm rồi tôi chưa sờ mò vào cái xe đạp, nên chệch choạc là tất nhiên.
   Xe chúng tôi vượt qua chiếc xe bò, anh đánh xe bò giơ tay ra vẫy, mồm anh lắp bắp cái gì đó, tôi đoán là anh chào tôi, chúc tôi gặp nhiều may mắn. Nhìn anh đánh xe bò, tôi lại nghĩ về những người ở đoàn an dưỡng, tôi lắc đầu để xua tan những nghĩ ngợi vẩn vơ… Bây giờ tôi mới chú ý đến chiếc lốp đằng trước, chiếc lốp được chằng một đoạn dài bằng giây cao su, tôi nhìn về lốp sau không thấy có vấn đề gì, mọi lo lắng của tôi dồn về lốp trước, nhỡ đang đi mà bị nổ lốp thì không biết giải quyết thế nào? Nói thật là tôi không có một xu dính túi, trong người tôi vật có giá nhất bây giờ là chiếc đồng hồ senko five đang đeo ở tay. Hôm ở Thường Tín tôi còn cái radio Sony tương đối đẹp, bắt được nhiều đài, dự định mang về tặng bố, chẳng may hôm nằm nghe đài, để đài ở cửa sổ rồi ngủ quên đi chẳng biết ai lấy mất.
   Tính tôi hay lo xa, đang còn suy nghĩ nếu bị hỏng xe thì phương án giải quyết thế nào? Trong khi tiền không có một xu dính túi. Mải nghĩ  quá nên quên cả thủ tục làm quen, thấy tôi không nói năng gì chỉ cắm cúi đạp xe. Cô gái chủ động hỏi tôi:
    -Anh về đâu?
   Tôi cảm thấy hơi xấu hổ vì mình có lỗi, đã đi xe nhờ mà chẳng nói đi đâu về đâu, Tôi sửa sai ngay:
    -Cho tôi xin lỗi! Vẫy được xe của em là tôi mừng quá nên quên mất, thông cảm cho tôi vì tôi vẫy xe từ đầu giờ chiều mà không được. Bây giờ mới được em đồng ý, lúng túng quá quên mất. Bây giờ tôi xin giới thiệu về tôi: Tôi tên là Quang( tôi nói tránh đi), tôi vừa ở chiến trường ra và được điều về đây an dưỡng. Bây giờ tôi về thị xã sau đó còn về mãi Lai Thành cơ. Thế em đang đi đâu đây?
   Cô gái cười khúc khích, chiếc vành nón thi thoảng lại đập đập vào lưng tôi, tôi vẫn cắm đầu cắm cổ đạp xe. Chẳng hiểu cô gái đang nghĩ gì, lát sau mới thấy cô nói:
    -Anh không biết em đi đâu, sao lại vẫy xe em?
   -Ừ thì cứ vẫy bừa, đi được đoạn nào hay đoạn ấy.
   -Đúng là các anh bộ đội, lúc nào cũng muốn tận dụng triệt để mọi thứ.
   -Thông cảm cho bọn anh, thời gian đối với bọn anh còn quý hơn vàng.
   -Em biết rồi, các anh bộ đội ở làng em chỉ về tranh thủ thăm vợ có mấy tiếng đồng hồ, thế mà có mấy đứa trẻ ra đời ở hoàn cảnh như vậy, bây giờ lũ trẻ đã lớn chúng nó sắp vào lớp một rồi nhưng vẫn chưa biết mặt bố.
    -Thời chiến mà em, cũng phải hiểu và tha thứ cho bọn anh. Nhưng…
   Tôi giả vờ ho, cô gái im lặng chờ để tôi nói tiếp, nhưng tôi lảng sang chuyện khác. Thực ra tôi định nói: Nhưng, những trường hợp ấy, bộ đội rất kiêng vì vào chiến trường, thường không may mắn. May quá tôi kịp phanh lại, vì biết đâu cô gái này có thể là một trong những trường hợp cô vừa nói. Tôi hỏi cô gái:
    -Thế bây giờ em đi về đâu?
    -Anh đi đâu thì em đi đấy.
    -Sao lại thế?
   Cô gái cười thích thú, làm rung chiếc nón, vành nón cọ vào lưng tôi kêu sột soạt. Cô gái đã chọc đúng vào suy nghĩ của tôi, nên khoái chí vừa cười vừa nói:
    -Em thích thế.
    -Thế thì càng tốt, hôm nay tôi ra ngõ bước chân phải rồi, sao may mắn thế.
    -Em nói đùa anh thế thôi, em chỉ về đến gần thị xã. Nhà em ở đấy, em tranh thủ về nhà có chút việc, sáng mai em lại lên sớm để còn lên lớp.
   À ra thế, chưa khảo mà xưng. Em là cô giáo. Tôi nghĩ ngay đến việc tận dụng sự giúp đỡ của cô giáo:
    -Ồ thế thì hay quá, tôi về ngay gần đầu cầu Lim, nhà chị gái tôi ở đấy. Hồi năm 1972 thì chị tôi ở đấy, những năm chiến tranh phá hoại,  không biết có còn ở đấy không, hay đã chuyển đi nơi khác rồi, bây giờ thì chịu không biết, về đấy chắc là phải hỏi thăm thôi.
    -Nhà em ở Ninh Khang, cách thị xã 4 cây số, em sẽ đưa anh về đấy trước,  rồi em về nhà sau. Hay là, em mời anh rẽ qua nhà em chơi, tối em đưa anh xuống thị xã tìm chị gái anh. Đằng nào, chị gái anh cũng bắt anh ở lại mai mới cho về.
    -Kể ra được như thế thì rất hay, nhưng có lẽ nên để lần khác, lần này thì không được rồi, em hãy thông cảm cho tôi, bốn năm xa cách không có tin tức gì về gia đình, nên tôi sốt ruột lắm, không có tâm chí nào mà nghĩ đến việc khác được. Hẹn em lần sau.
   Tôi vừa nói chuyện, vừa mải miết đạp xe, đôi lúc hình ảnh chiếc lốp xe bị nổ cũng lúc ẩn lúc hiện trong đầu tôi, nhưng cũng may mắn là nó chưa nổ, cả hai chúng tôi vẫn bon bon trên đường.
   Câu chuyện giữa chúng tôi lúc đầu rất sôi nổi, nhưng từ lúc tôi chuyển chủ đề sang hỏi cô gái về thái độ của mọi người khi đón nhận tin Miền Nam được giải phóng, đất nước đã thống nhất và chiến tranh đã kết thúc, thì tình cảm của mọi người ở ngoài này thế nào? Kể từ lúc đó, chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau bình thường, nhưng hình như chuyện giữa chúng tôi có cái gì đó không còn vui vẻ như lúc đầu, dần dần tôi thấy trầm hẳn xuống, có lúc lại im lặng rất lâu. Đúng là tôi đã phát hiện ra điều ấy, nhưng có lẽ tôi đang say với chiến thắng nên tôi rất vui, chuyện của tôi vẫn cứ tràng giang đại hải, quên mất không để ý người nghe chuyện có nhiệt tình nghe hay không?
   Tôi chuyển chủ đề khác. Tôi nói với cô gái:
    -Chết thật! Anh cứ mải nói chuyện mà vẫn chưa biết tên em là gì?
    -Tên em là Kiên.
   Tôi cứ chờ xem cô gái tên là Kiên có tiếp tục thêm câu chuyện nào nữa không, nhưng chờ mãi chẳng thấy cô nói gì vẫn chìm vào im lặng. Tôi đành phải  tiếp tục:
    -Nhà em có mấy người đi bộ đội, chiến tranh đã kết thúc rồi, đã có ai về thăm nhà hay là báo tin về chưa?
   Cô gái vẫn lặng im. Tôi nghĩ đây là vấn đề nhậy cảm nên cũng không hỏi lại, có thể cô gái chưa nghe thấy câu hỏi của tôi, mà cũng có thể nghe rồi nhưng không trả lời. Tôi lại tiếp tục theo dòng suy nghĩ:
    -Tính từ 30 tháng 4, đến nay là 18 hay19 tháng 8 rồi, đã hơn ba tháng. Thư từ, từ chiến trường gửi về, chắc là cũng đã về đến nhà rồi, nếu chậm lắm thì cũng hết tháng này thì mọi người đều biết tin.
   Tôi nói thì kệ tôi nói, cô gái vẫn im như thóc. Linh tính, mách bảo tôi  là có vấn đề gì đó trong câu chuyện này. Lúc này, tôi không biết phải làm gì ngoài việc cầm chắc tay lái mà đạp nhanh hơn.
   Chiếc vành nón, cọ vào lưng tôi. Tôi không quay lại, nhưng vẫn tưởng tượng được những động tác Kiên đang làm lúc này. Kiên đang khóc, khóc không thành tiếng, chỉ nghe thấy sụt sịt, Kiên cúi xuống kéo khăn vuông lau nước mắt, chiếc vành nón lại cọ vào lưng tôi. Thấy vậy tôi, lúng túng, không biết phải làm gì, bí quá tôi đành im lặng chờ đợi. Kiên nói với tôi trong nước mắt:
    -Anh trai em đi bộ đội, hy sinh năm 1970 ở mặt trận B2, chồng em hy sinh năm 1972 ở Quảng Đà, cả hai người đều có giấy báo tử rồi.
    -Tội nghiệp quá! Cho anh chia buồn với em và gia đình. Nín đi em! Em hãy cứng rắn lên để động viên hai bên gia đình cho qua thời khắc khó khăn này. Chiến tranh là có hy sinh không thể tránh khỏi, chỉ có điều chỉ trong vòng có hai năm thôi mà em và gia đình em gánh chịu hai cái tang, thật là quá sức chịu đựng. Anh nghĩ: Bây giờ chẳng còn cách nào khác là em và và gia đình hãy nén những đau thương để tiếp tục sống cho con, cho cháu, cho những người còn đang sống.
   Tiếng nức nở vẫn thổn thức sau lưng tôi, lúc này tôi  chỉ còn biết im lặng và mải miết đạp xe…
   Khoảng hơn 4 giờ chiều, chúng tôi về đến thị xã Ninh Bình. Hỏi thăm và đi lòng vòng một thôi một hồi, cuối cùng chúng tôi cũng lần được chỗ ở của chị gái tôi. Chị tôi ở trong khu tập thể của cơ quan, vào đến trong sân, tôi đã phát hiện ra chị tôi. Chị tôi đang cầm cái xoong để quấy bột, bên cạnh là đứa bé gái đang đứng chơi trong cũi kê ngay cạnh cửa ra vào. Chúng tôi đội mũ và đội nón, nên vào đến nơi chị tôi cũng không nhận ra, khi chúng tôi bỏ nón mũ ra và chào chị. Khi ấy chị chăm chú nhìn chúng tôi, xoong bột trên tay chị rơi xuống bắn tung tóe, chị thất thanh kêu lên:
    -Trời ơi em tôi! Em vẫn còn sống à? Thế mà em làm cả nhà hoảng hồn, tưởng em chết rồi. Ở nhà mẹ đang đi nhờ thầy, nhờ thợ, bói toán ầm cả nhà lên kia kìa. Em phải về ngay kẻo mẹ ốm chết mất.
   Chị tôi cứ làm rối tinh rối mù lên, tôi thì chẳng nói được câu nào, mấy người trong khu tập thể cũng không hiểu chuyện gì xảy ra, cứ ngơ ngác nhìn, cháu bé thấy xoong bột bị rơi, khóc ré lên nhưng chị cứ để mặc nó khóc, chị chạy ra kéo chúng tôi vào trong nhà. Tôi chưa nói được câu gì thì chị lại sồn sồn:
    -Uống nước đi rồi về nhà ngay kẻo mẹ mong. À đây là cái Vân à? Em về chỗ Vân trước rồi mới về đây à? Các em uống nước đi.
   Cuối cùng thì chị cũng phải nhường để chúng tôi nói. Chị tôi cứ ngồi thừ ra nghe, miệng cứ liên tục à thế à. Sau đó chị cho tôi biết mấy nét về tình hình gia đình và những bức thư của Vân. Chị lại dục tôi:
    -Thôi về đi cho sớm, lúc nào có thời gian thì lên chơi với anh chị và  cháu.
   Chúng tôi chào chị rồi dắt xe ra cổng khu tập thể. Tôi dừng lại đợi, Kiên bước vội đến gần tôi rồi nói:
    -Anh về đi kẻo tối, đường còn xa, anh nhớ đi cẩn thận.
   Kiên đã bỏ nón và khăn bịt mặt ra từ lúc vào chỗ chị tôi. Nhìn Kiên lòng tôi quặn đau, hệ lụy của cuộc chiến tranh đã làm cho người con gái đang thời xuân xắc phải góa bụa, đứa con  bé bỏng của Kiên đã phải mồ côi cha. Tôi không giám nhìn Kiên, nhưng vẫn nói với Kiên:
    -Cám ơn em! Em về đi, khi nào có điều kiện tôi vào thăm.
(Còn nữa)



         



Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #184 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2012, 01:47:03 pm »


    -Trời ơi em tôi! Em vẫn còn sống à? Thế mà em làm cả nhà hoảng hồn, tưởng em chết rồi. Ở nhà mẹ đang đi nhờ thầy, nhờ thợ, bói toán ầm cả nhà lên kia kìa. Em phải về ngay kẻo mẹ ốm chết mất.
   Chị tôi cứ làm rối tinh rối mù lên, tôi thì chẳng nói được câu nào, mấy người trong khu tập thể cũng không hiểu chuyện gì xảy ra, cứ ngơ ngác nhìn, cháu bé thấy xoong bột bị rơi, khóc ré lên nhưng chị cứ để mặc nó khóc, chị chạy ra kéo chúng tôi vào trong nhà. Tôi chưa nói được câu gì thì chị lại sồn sồn:
 
 





            Chào bác chủ! Chuyện bác kể hay và cảm động quá, chân thật quá. Tranphu341 đọc đến đoạn bác vào nhà bà chị mà tự nhiên nước mắt lại trào ra. Đúng là niềm vui, kể còn người mất sau chiến tranh thật cảm động. Sau cuộc chiến, người này về người kia về, còn có nhiều người vẫn chưa được về, chưa có tin tức. Trong số đó ai còn ai mất. Đó là nỗi đau của Cha, của Mẹ của người vợ, người thân. Thật cảm động hết chỗ nói. Tiếp tục đi bác nhé chuyện rất hay.

             Tranphu341 tò mò một tý; Thế rồi sau này bác có gặp lại người phụ nữ giáo viên vợ của Liệt sỹ đó nữa không. Kể tiếp đi bác nhé! Chúc bác luôn vui khỏe!
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Hai, 2012, 09:04:00 pm gửi bởi tranphu341 » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #185 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2012, 07:04:54 pm »

   xuanv338 chào bác quanvietnam. Chào tất cả các bác. Câu chuyện hay và quá xúc động. Bác qvn ơi! Người đọc đang háo hấc nghe tiếp chuyện của bác đấy! Thế mà bác lại định bỏ cuộc thì có phí không cơ chứ! Bác qvn nói rằng bác chỉ ở đoàn an dưỡng đó thời gian quá ngắn. CB em sẽ không hỏi thêm gì về đoàn an dưỡng đó nữa. Vào thời điểm anh về đó tháng 8 năm 1975 em cũng đang phục vụ ở một đoàn an dưỡng TBB nhưng không phải là đoàn ấy!

     Bây giờ thì chỉ chờ đợi phần tiếp theo của câu chuyện xem rằng đến khi nào bác gặp lại được chị Kiên và cái tên Vân đã được chị gái nhắc tới chắc đó cũng là mối tình bác đã mang theo nó vào chiến trận có đúng không bác qvn? Câu chuyện bác về gặp được chị gái sau những năm tháng xa gia đình vào mặt trận được bác tả lại thật xúc động. Em cũng đã từng được chứng kiến và không khỏi xúc động khi những cuộc gặp mặt của người lính từ chiến trường về và thân nhân của họ đến thăm tại đoàn an dưỡng. Chuyện của CB cũng còn rất dài. CB thì nhỏ bé, khả năng viết thì có hạn không biết có đủ sức để về đích không? nói thế thôi Cb sẽ cố gắng và bác qvn cũng phải cố gắng đấy nhé!
    
    CB chào bác qvn và tất cả các bác. Chúc các bác có một buổi tối thật vui vẻ cùng gia đình.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Hai, 2012, 11:43:26 am gửi bởi xuanv338 » Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #186 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2012, 10:22:46 am »

Phim thì cũng từ sách truyện mà ra, từ thực tế mà có..... xem phim nhiều nhưng có lẽ chẳng bao giờ bằng các bác viết, kể lại trên này. Kể tên ra hết  .....thì nhiều nhưng phải nói cám ơn lắm các bác cựu, đã lập chủ đề riêng/ topic riêng cho mình và chia sẻ với mọi người.
Logged

xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #187 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2012, 10:43:26 am »

     Đúng như Quang can viết - Phim chỉ là những cái chung nhất, phóng to hay thu hẹp cuộc đời. Còn chuyện tự sự là những mảng đời góc cạch từng chi tiết được phản ánh cái riêng cái có thực của từng con người...đọc xong muốn khóc lắm, người ở hậu phương muôn vàn nỗi khổ...tôi mượn bài thơ của Phạm Tiến Duật thay lời xuanxoan muốn tâm sự:

                                                               Vòng trắng

                                                         Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
                                                         Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
                                                         Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
                                                         Cái im lặng lạ kỳ đêm sau chiến tranh.

                                                         Cái mất mát nào lớn hơn cái chết
                                                         Vòng trắng trên đầu thành một số không
                                                         Nhưng tôi biết ở trong vòng trắng ấy
                                                         Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.


                                                                               Phạm Tiến Duật

Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #188 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2012, 10:22:06 am »

  Cám ơn các anh và các bạn đã xem và động viên Quanvn.Thật ra, bài viết của quanvn đâu có được hay như các anh các chị nói. Quanvn cũng hiểu đấy là những lời động viên  hay nói quá lên một chút là những lời nói “dối”.  Nhưng không sao, những lời nói “ dối” mà không làm ảnh hưởng đến ai và nó lại động viên để mọi người vui vẻ thì cũng nên nói “dối”. Xin cám ơn tất cả các anh các chị.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #189 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2012, 10:24:14 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
2- Về nhà
          Tôi cắm đầu cắm cổ đạp băng băng, thi thoảng cả xe và người nẩy tung lên, những lúc như vậy là xe gặp phải ổ gà mà không kịp tránh, được cái, sau những cú như vậy tôi thấy xe và người không bị sao nên vẫn cứ duy trì tốc độ. Trong đầu tôi lúc này, chỉ nghĩ sắp được về gặp mẹ là tôi quên cả mệt, lại mím môi mím lợi đạp cho nhanh. Cũng có lúc tôi nghĩ: Đi như thế này nhỡ hỏng xe thì không có chỗ mà sửa, tiền thì bây giờ không lo nữa rồi vì ban nãy chị gái đã kịp dúi vào tay tôi mấy đồng, điều đáng lo bây giờ là chỗ sửa xe, rõ ràng càng cách xa thị xã càng hiếm hiệu sửa xe, về vùng nông thôn có khi còn không có. Nghĩ thế, nên tôi giảm tốc độ, nhưng chỉ được một lát thì chứng nào lại tật nấy, vẫn những cú sóc tung trời.
   Dọc đường quốc lộ số 1, từ thị xã Ninh Bình xuôi về huyện Yên Mô. Đoạn đường này, đường sắt và đường bộ chạy song song với nhau, có chỗ thì nhập vào, cũng có chỗ thì tách ra. Cánh đồng hai bên đường chi chít những hố bom, hố to, hố nhỏ, chồng chồng lớp lớp. Các hố bom do quá sâu, không thể canh tác được gì đành bỏ hoang, nhìn thấy chỉ toàn nước là nước, lấp lánh dưới ánh mặt trời buổi xế chiều.
  Từ khi Đế quốc Mỹ dừng ném bom phá hoại Miền Bắc đến giờ mới được mấy năm, đường xá cầu cống cũng chỉ mới sửa tạm nên  còn khó đi, nhưng chẳng sao, đi được là tốt rồi. Ruộng đồng, những chỗ còn trồng cấy được thì dân tranh thủ tận dụng, những chỗ không tận dụng được thì để hoang hóa, cây Năn cây Lác mọc um tùm hoang dại. Bên đường những cây xà cừ còn sót lại sau những trận bom, bây giờ trông to lớn cành lá xum xuê, tỏa bóng mát xuống mặt đường nhựa bong tróc nham nhở.
  Mấy bà bán hàng nước, lợi dụng bóng mát của những cây bạch đàn, kê chiếc trõng tre bên gốc cây, trên mặt trõng bầy la liệt hàng hóa nào là kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo sữa, hoa quả, đủ loại mỗi thứ một tý, nhiều hơn cả vẫn là hai mặt hàng: Chuối và Bưởi. Quen thuộc nhất vẫn là ấm nước chè xanh, quán nào cũng có chồng bát úp bên cạnh để rót nước chè xanh, có một vài người khách đang ngồi uống nước chuyện trò cười nói râm ran, nhìn họ tự nhiên tôi có cảm giác khát nước, kể ra bây giờ dừng lại làm bát nước chè xanh thì quá tuyệt vời. Nghĩ thế, nhưng chân vẫn đạp đều đều, vì đường về nhà còn xa lắm.
   Đến cây số 9, tôi vượt qua đường tầu hỏa đi vào đường tỉnh lộ 59 để về Yên Mô. Từ đây về nhà còn khoảng 14 đến 15 cây số nữa, nhà tôi ở ngay mặt đường này. Hoàng hôn đang đuổi theo phía sau lưng, bóng tôi đổ dài về phía trước. Gió Đông từ biển thổi vào mang theo hơi nước, cộng với mồ hôi, làm tôi có cảm giác lành lạnh.
  Ngắm nhìn quê hương trong buổi chiều tà, khi ánh hoàng hôn sắp tắt mà héo hắt cả ruột gan. Vốn dĩ quê tôi đã nghèo, nay lại gồng trên lưng những vết thương chiến tranh, nên lại càng nghèo hơn. Khói lam chiều đã lan tỏa trên những mái tranh sau lũy tre làng. Trên cánh đồng người nông dân vẫn đang cặm cụi làm cố những công việc còn lại trước khi trời tối. Những con đường mòn về làng, từng tốp trẻ chăn trâu hồn nhiên   vô tư nô đùa, những con trâu con bò cũng đang cố gặm thêm những ngọn cỏ cuối cùng trong ngày để không bị đói qua một đêm dài. Tình hình này, chắc nồi cơm của các gia đình bữa tối nay, vẫn chất độn nhiều hơn cơm, đã thế mà ăn cũng không đủ no.
   Chiếc xe đạp của tôi cứ nhảy tưng tưng trên những hòn đá to bằng đầu gối trơ lỳ, lớp đá dăm chèn và lớp ma hao do lâu năm quá bây giờ chúng chạy đi đằng nào không biết, mặt đường chỉ còn trơ khấc lại những hòn đá nhẵn thín lầm lụi theo thời gian. Xóc quá, tôi điều khiển chiếc xe đi vào những lối mòn của người đi bộ, nhưng rồi cũng chỉ được từng đoạn, cuối cùng vẫn phải chấp nhận người và xe cùng nhảy tưng tưng trên mặt đường.
     Gần về đến nhà, tự nhiên tôi thấy trong tôi trào lên niềm vui lâng lâng. Nghĩ lại: Cuộc chiến tranh vừa qua ác liệt là vậy, tôi thì đi chiến trường, bố tôi, các anh các chị, kể cả nhà tôi đều ở trong vùng trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Thế mà, cả nhà tôi không ai bị sao cả, ơn Trời Đất thật là may mắn.
   Lần này tôi về sẽ gặp được đầy đủ mọi người trong gia đình, trừ ông anh cả, anh cả tôi là giáo viên dạy cấp hai. Ban nãy chị gái tôi kể: Ngay từ khi chưa giải phóng Sài Gòn thì Bộ và Sở Giáo dục đã huy động các giáo viên lên đường vào Miền Nam để tiếp quản công tác giáo dục của vùng giải phóng. Nghe nói lệnh cũng gấp lắm. Thế là anh cùng các đồng nghiệp vội vã lên đường. Tôi nghĩ: Có lẽ anh hành quân vào khi chúng tôi hành quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Anh tôi đi công tác, ở nhà chắc là chị dâu tôi với các cháu sẽ vất vả. Nhưng thời buổi này có ai là không vất vả đâu, nhất lại là chị em phụ nữ.
   Có một điều mà tôi rất ân hận, chỉ vì bất cẩn của tôi mà làm khổ bố mẹ và tất cả mọi người trong gia đình phải lo lắng. Chị gái tôi bảo: Mấy bữa trước, có một anh bộ đội cầm thư đến đưa cho chị, lúc ấy chị không có nhà, anh bộ đội ấy lại rất vội. Thấy vậy, mọi người trong cơ quan bảo anh bộ đội cứ để thư ở đây rồi tý nữa chị ấy về sẽ nhận, anh bộ đội cứ đi ra lại đi vào, có vẻ không yên tâm lắm, nhưng vì đợi lâu quá nên anh đành để lại và nói với mọi người: Đây là thư rất quan trọng, mong mọi người chuyển đến tận tay người nhận.
   Chị về, mọi người đưa thư cho chị, khi mở ra xem thì có một tấm ảnh rơi ra, chị nhặt lên nhìn thì không phải là em, người chị lạnh toát, tóc gáy dựng ngược lên, chị đọc thư thì chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: Bố mẹ kính yêu! Con đã về Miền Bắc, mấy bữa nữa con sẽ về nhà. Con của bố mẹ.  Em ký tên nhưng không viết rõ họ tên, nhìn chữ viết có chữ thì giống chữ em, có chữ thì không. Chữ viết có vẻ nguệch ngoạc và run rẩy, giống như bị thương hay là ai bắt chước chữ của em.
   Từ lúc nhận thư ấy, chị vừa mừng vừa lo. Mừng là vì, bặt đi ngần ấy năm không có tin tức gì, bây giờ mới nhận được tin em. Trong khi đó ở quê, chỉ sau giải phóng được ít ngày thì nhiều người cũng đã nhận được tin tức của người thân, còn em thì vẫn bật vô âm tín. Lo vì không biết có phải là em không hay là người đưa thư nhầm địa chỉ.
  Chị không biết làm thế nào, đành viết thư nhờ người cầm về cho bố. Chị nói với bố, thông tin này chưa cho mẹ biết vội. Bởi vì thời gian này do chưa nhận được tin em, mà mẹ lại nghe nhiều tin đồn thổi, lành ít giữ nhiều, mẹ cứ ốm lên ốm xuống, rồi trốn cả bố đi đến những thầy cao tay để xem bói. Nhà thì đã nghèo, lấy tiền đâu để mua lễ rồi đặt lễ để cầu khấn, đã thế: Lắm thầy thì thối ma, mỗi thầy nói một phách, người bảo chết rồi, người bảo còn sống, mẹ cứ cuống lên không biết phải làm thế nào, thế là ốm, nhiều hôm mẹ không ăn không uống gì cả, làm cả nhà lo lắng.
   Thật là một việc làm bất cẩn và đáng trách, số là: Hôm ngồi trên tầu đi qua đất Thanh Hóa, chẳng hiểu thế nào, tôi hứng chí viết mấy dòng  nhờ anh bạn xuống ga Ninh Bình, chuyển vào cho chị tôi để báo tin là tôi đã về. Tầu chạy rung bật bật, bàn không ra bàn, bút mực cũng chẳng ra hồn bút mực, hơn nữa cũng đã lâu không viết nên nét chữ nguệch ngoạc, đã thế lại chỉ ký tên, cộng với tấm ảnh của thằng Tuân quê ở Thanh Hóa tặng tôi làm kỷ niệm, tôi đút vào túi áo ngực cùng với lá thư tay, chẳng hiểu thế nào mà tấm ảnh lại chui được vào nếp gấp của bức thư. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy ân hận quá, nhưng vẫn còn may là tôi sắp về tới nhà.
   Cho đến lúc này, những thông tin cở bản về gia đình tôi đã nắm được, những thông tin ấy làm tôi vui lắm, vui nhất là cả nhà tôi bình an vô sự. Tuy nhiên, niềm vui của tôi, tự tôi cảm thấy là chưa trọn vẹn, bởi vì mối quan tâm của tôi không chỉ tập trung vào gia đình mà còn tập trung vào Vân nữa. Gia đình thì tốt rồi, còn Vân thì sao? Biết bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu tôi, tôi trách chị tôi sao lại không giữ cẩn thận những bức thư mà Vân đã gửi, để đến bây giờ thất lạc lẫn lộn ở đâu mà tìm không thấy. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, mình trách chị là hơi quá, bởi vì trong hoàn cảnh chiến tranh, giặc Mỹ bắn phá Miền Bắc, chồng chị thì đi bộ đội. Ở nhà, chị một nách hai đứa con thơ, chị lo chống chọi và lăn lộn với cuộc sống cho mình rồi cho các con, làm gì còn thời gian mà quan tâm đến những bức thư của Vân gửi. Tôi lại tự an ủi mình, vẫn còn cơ hội gặp lại.
   Về đến nhà. Nhà tôi vị trí vẫn như xưa, nhà hướng Đông, lưng quay ra đường, nhà chạy song song với đường tỉnh lộ 59. Mấy năm qua chắc cũng có nhiều thay đổi, điều thay đổi đầu tiên mà tôi nhận được ngay, mặc dù trời cũng đã tối hẳn. Đó là dặng tre gai, bây giờ nhìn nó giống như một nửa cổng chào bắc qua đường, gốc vẫn ở chỗ cũ ngọn vươn sang cả sang bên kia đường, đã thế hàng ngày trâu bò đi qua đây đều cọ mình vào dặng tre, lâu ngày tạo nên bức tường toàn bằng tre ken xít vào nhau, uốn cong cong trông đẹp mắt. Tôi không biết dặng tre này có từ bao giờ, nghe bố tôi bảo: Ngày xưa ông nội tôi trồng để ngăn cách giữa đường và nhà, mục đích là không cho xe “Cóc” của bọn Pháp ở bốt Tiên Nông đi càn lội vào vườn vào nhà.
   Trời tối quá, tôi không giám đi thẳng xe vào sân, hồi còn ở nhà tôi hay đi như vậy. Nhưng hôm nay tôi xuống xe và dắt bộ, hai con chó bằng đá ở hai bên đầu cổng đang nhìn tôi, chúng có từ khi nào tôi cũng không rõ, nhưng nó gắn liền với tuổi thơ của tôi, bao nhiêu năm tháng đã qua đi mà nó vẫn bền bỉ đợi tôi về. Cây nhãn đầu hồi nhà bây giờ trông có vẻ như to lớn hơn, mấy cây na vẫn còi cọc như xưa. Bước chân vào sân, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi, toàn thân nổi da gà, tóc gáy dựng đứng. Tôi hồi hộp quá, tôi như đang mơ, chân bước không thật, mảnh đất dưới chân tôi như đang nghiêng đi.
   Trong nhà tối om, ánh lửa từ dưới bếp hắt lên trên nhà, cái mà tôi nhìn thấy đầu tiên là chiếc xe đạp của bố tôi đang dựng ở ngoài sân. Tôi mừng quá, vậy là bố tôi hôm nay cũng có nhà, chắc là ông vừa ở cơ quan về nên xe vẫn còn để ở ngoài sân. Tôi dựng xe rồi đi xuống bếp, ánh lửa từ trong bếp hắt ra, tôi nhìn thấy mẹ tôi đang nấu một nồi gì đó ở trên bếp, bà đăm chiêu ngồi nhìn những cọng rạ bị ngọn lửa thiêu cháy thành than đỏ rực cong keo, những tàn lửa đỏ nổ lép bép bay lên và chui vào bóng tối. Tôi đứng ngắm mẹ tôi mà rưng rưng nước mắt, tôi cố kêu lên một tiếng:
    -Mẹ ơi!
    Nhưng không hiểu vì sao cổ họng của tôi như bị nghẹn lại không bật ra thành tiếng. Như có linh tính, mẹ tôi nhìn ra ngoài cửa bếp, trong ánh lửa bập bùng, mẹ tôi nhìn thấy một chú bộ đội. Đột nhiên tôi bừng tỉnh, ào vào ôm lấy mẹ tôi. Mẹ khóc, con khóc. Lửa cháy tràn ra cả ngoài bếp mà cả hai mẹ con vẫn ôm nhau khóc.Tôi từ từ đỡ mẹ tôi ngồi xuống, tôi nghe có nhiều tiếng chân người đang tiến về phía cửa bếp, tôi nhìn ra:
    -Ôi! Bố.
   Chỉ kịp nói có thế là tôi lao ra ôm lấy bố tôi và các em. Bố tôi và các em tôi, ôm tôi vào trong vòng tay của họ, người bố tôi và hai thằng em trai của tôi bóng nhãy mồ hôi, có lẽ họ đang làm gì đó ở ngoài vườn, thấy có tiếng khóc của mẹ tôi nên mọi người ùa vào. Bố con, anh em ôm nhau, không ai nói câu nào, một lát sau mọi người buông tôi ra. Mẹ tôi khêu cho ngọn lửa cháy to hơn, tôi thấy mẹ tôi, bố tôi và các em tôi đang nhìn tôi chằm chằm, hình như mọi người đang cố phát hiện xem có điều gì khác lạ trên cơ thể của tôi không? Tôi hiểu được ý của mọi người, tôi nói:
    -Con không bị thương vào đâu cả, bố mẹ đừng lo.
   Đã qua đi những phút giây xúc động của ngày gặp mặt, mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng, cho đến lúc này vẫn chưa thấy bố mẹ và các em  nói gì với tôi hay hỏi han tôi câu nào, họ đau đáu nhìn tôi, có lẽ niềm vui đến bất ngờ quá làm cho mọi người còn đang ngây ngất tận hưởng niềm vui mà quên mất những điều cần hỏi. Xúc động và sung sướng, làm cho  những giọt nước mắt của mọi người, của tôi cứ tự ý trào ra không thể nào kìm được.
   Sau đấy, cả nhà tôi cứ loanh quang hết chuyện nọ lại chuyện kia, còn chưa kịp cơm nước gì, thì anh em chú bác trong họ và bà con làng xóm láng giềng xung quanh, mọi người ùn ùn kéo đến hỏi thăm và chúc mừng bố mẹ tôi. Ai đến cũng nắm lấy tay tôi rồi hỏi thăm rối rít, nhiều câu tôi chưa kịp trả lời thì người khác đã hỏi rồi. Mọi người đều xuýt xoa:
    - Hai bác và cháu thật may mắn, ơn nhờ hồng phúc của tổ tiên.
   Khu nhà nhỏ bé của gia đình tôi, tối nay bỗng trở nên một điểm sáng trong làng, tiếng cười nói, tiếng mời chào cứ râm ran mãi tới khuya.
(Còn nữa).
   

   
   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM