Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:50:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191139 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #150 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2012, 04:05:44 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Quá tối, nên không biết sắc mặt bà chủ nhà thế nào, để mà  đoán xem lời mời này là mời xã giao hay mời thật. Nghe giọng nói của bà chủ thì có vẻ trịnh trọng và lại có vẻ thân mật, giống như hai bên đã quen nhau từ lâu lắm rồi, bây giờ đã là chỗ thân thiết.
   Theo phép lịch sự, tôi nói:
    -Anh em chúng cháu cám ơn hai bác và gia đình, chúc gia đình ăn ngon miệng.
   Bà chủ nhà vẫn đứng ở chỗ cũ và nói:
    -Ông nhà tôi có lời mời các ông lên uống với nhà tôi chén rượu, trước lạ sau quen, để chúng tôi hỏi thăm về tình hình quê nhà, sau hơn 20 năm xa cách, biết đâu đấy lại nên nhân nên ngãi.
   Dũng và Thành cứ ngồi im chờ tôi nói chuyện với bà chủ nhà. Tôi lúc này hơi bị phân tâm, mồm nói nhưng đầu lại nghĩ việc khác. Nghe bà chủ nhà mời rất thật thà, tôi nghĩ chắc là thật và sẽ không có chuyện gì xảy ra, song tôi vẫn nghĩ đến câu chuyện mà anh em bộ binh kể cho tôi nghe sau khi giải phóng Buôn ma Thuột.
  Họ kể: Sau khi giải phóng được mấy ngày, toàn khu vực thị xã Buôn ma Thuột không còn nghe tiếng súng nổ, không gian yên tĩnh, thanh bình, cảnh vật khác lạ, nhìn cái gì cũng thấy mới lạ và hấp dẫn, tất cả những thứ ấy đã khơi dậy sự tò mò ham hiểu biết của anh em bộ đội. Một số anh em rủ nhau đi dạo chơi để tìm hiểu và khám phá, vui chân quá họ đã tách nhau ra từ lúc nào không hay, cứ thế họ đi sâu vào mấy ấp có dân sinh sống ở vùng ven thị xã. Thế rồi bộ đội với dân gặp nhau, hỏi thăm quê quán, nhận đồng hương, chuyện trò vui như tết, hết trà đến café, rồi các loại rượu ngâm động vật, cỏ cây quý hiếm. Kết cục câu chuyện là đơn vị phải cử người đi tìm nhưng không có kết quả…Vụ ấy, bộ đội cũng bị mất tích mấy người, không biết sau này có tìm ra nguyên nhân không? Lại cũng có vụ trắng trợn đến mức, anh em vừa chào tạm biệt gia đình đi ra đến ngoài ngõ thì bị bắn trộm, chẳng biết súng từ hướng nào bắn tới. Sau những vụ phải trả giá đắt như vậy, bây giờ anh em bộ đội cũng  cảnh giác đến cao độ.
   Nghĩ đi thì như vậy, nhưng nghĩ lại thì đây lại là dịp tốt mình được làm quen với quần chúng nhân dân để làm công tác dân vận, công tác dân vận lại là nhiệm vụ trọng tâm của đợt công tác này. Nếu không tận dụng cơ hội này sẽ hiếm có những cơ hội tốt như thế lập lại. Đành rằng việc gì cũng có những mặt tích cực và mặt tiêu cực, nhưng có lẽ chuyện này có thể mình quá lo xa và sẽ không có chuyện gì xảy ra vì mình được cán bộ của địa phương dẫn vào ba mặt một lời cơ mà. Một phút đấu tranh tư tưởng, tôi đi đến quyết định là chúng tôi sẽ ăn cơm cùng gia đình, nếu có chuyện gì phát sinh thì tính sau, tùy cơ ứng biến.
    Để không làm gia đình mất tự nhiên khi làm lễ cầu chúa trước bữa ăn, tôi tìm kế hoãn binh để lên muộn, tôi nói:
    -Hai bác đã nói thế, chúng cháu làm sao từ chối được nữa. Bác cứ lên trước chúng cháu rửa mặt mũi chân tay rồi lên sau.
   Bà chủ thấy tôi nói vậy, bà vui vẻ hẳn lên:
    -Các ông lên sớm, cả nhà tôi chờ rồi cùng ăn.
   Bà chủ đi rồi, tôi nói với Thành và Dũng:
    -Anh còn mấy hộp thịt xay ở trong ba lô, em lấy mang lên để góp với gia đình, ai lại góp cá khô nướng thì xấu hổ lắm.
   Thành bảo với tôi:
    -Số thực phẩm này là tính cho cả đợt công tác đấy, anh tính sao thì tính.
   Tôi  nói với Thành:
     -Cứ yên trí, hôm nọ uống bia chưa hết tiền bán đồng hồ, lo gì chứ.
   Dũng dục tôi:
    -Anh em mình lên kẻo gia đình chờ.
   Tôi nói:
     -Cứ từ từ để họ làm phép cầu Chúa trước khi ăn rồi mình vào. Anh em nhớ mang súng đi theo. Để cho chủ nhà đỡ sợ, lúc đầu chúng ta chỉ mang bát đũa với cơm và cá nướng lên, sau đó Thành giả vờ quên để quay lại mang thịt hộp và súng lên.
   Ba anh em chúng tôi triển khai theo đúng kế hoạch đã bàn, tôi đi trước rồi đến Dũng, sau cùng là Thành. Mỗi người cầm cái bát và đôi đũa theo thói quen của bộ đội, Thành đi sau bê nồi cơm và đĩa cá khô nướng để trên nắp vung.
   Gian nhà dùng để ăn cơm, ngay sát với gian bếp, nhìn tất cả đồ dùng ở đây đều có mầu ám khói. Từ cái trạn đựng thức ăn đến cái cũi đựng bát, trông cứ đen đen nâu nâu lom la lom lem, chẳng phân biệt được cũ hay mới.
   Một chiếc bàn tròn dùng làm bàn ăn kê giữa gian nhà, ông chủ nhà đã ngồi vào bàn ăn từ lúc nào chẳng biết. Giữa bàn ăn là một ngọn nến mầu đỏ đang cháy, ánh sáng của ngọn nến bập bùng khi sáng khi tối. Trên bàn ăn, xung quanh ngọn nến đã có mấy cái bát  mấy cái đĩa đã được bầy thức ăn, nhưng vì tối nên chẳng hiểu là món gì và không ngửi thấy mùi vị gì, hay là do mùi cá khô nướng của chúng tôi nặng mùi quá đã làm át đi những mùi vị khác. Có lẽ là như vậy.
   Thấy anh em chúng tôi vào, ông cũng không đứng lên mà vẫn  ngồi yên vị trên chiếc ghế, có lẽ cái ghế và vị trí đó là để dành riêng cho ông. Ông chỉ chỗ cho tôi, cho Dũng và cho Thành, sau đó ông hướng ra gian nhà ngoài nói to:
    -U nó bảo các con vào ăn cơm!
   Có tiếng từ ngoài vọng vào, chắc là tiếng của bà chủ nhà:
    -Vâng ạ!
   Mọi người lục tục ngồi vào bàn ăn. Ông chủ nhà quan sát một lượt, thấy có vẻ đã đầy đủ có thể bắt đầu được. Ông đứng hẳn dậy, trịnh trọng ngước lên tấm ảnh của đức Chúa, lẩm bẩm đọc một bài, nội dung cụ thể thì tôi không nhớ, nhưng đại ý là: Nhờ ơn Chúa mới có được ngày hôm nay và mới được ăn bữa cơm này. Nghĩ mà thấy khó chịu, Chúa của nhà ông chứ có phải của chúng tôi đâu mà tôi phải nhờ với vả. Mặt khác rõ ràng là cơm, cá, thịt hộp là của chúng tôi chứ có phải của Chúa đâu mà ơn với huệ. Tất cả mọi sự tấm tức tôi cố kìm nén trong lòng, coi như không có chuyện gì xảy ra. Một điều nhịn là chín điều lành, và cũng chỉ là tín ngưỡng.
   Tôi giả vờ tập trung chú ý vào mâm cơm, ra vẻ không để ý đến chuyện khác ngoài mâm cơm. Cùng lúc ấy rất nhanh, mọi người trong gia đình làm phép để cầu xin Chúa điều gì đó trước khi ăn cơm.
   Vào mâm cơm, tôi lại phát hiện thêm ở ông chủ nhà một điều mới. Đó là tác phong gia trưởng, thể hiện vai trò trụ cột và có tính quyết đoán mọi vấn đề trong gia đình. Ông nói ngắn gọn nhưng rõ ràng, để cho mọi người không ai được hỏi lại hay từ chối. Ông nói:
    -Hôm nay là ngày vui, tất cả mọi người đều phải uống rượu. U nó với cái Chanh uống rượu nếp than, còn lại là uống rượu đế. Tập quán ở trong này là uống một ly xoay vòng quanh, người này uống hết, người tiếp theo mới được uống. Nhưng hôm nay tôi với các ông đều người miền Bắc nên ta uống theo kiểu miền Bắc là mỗi người một ly.
   Nói rồi, ông với chai rượu ở dưới gầm bàn lên, tay ông run run rót vào từng chén một. Cậu con trai út của ông chủ nhà thấy thế, vội đưa hai tay đỡ lấy chai rượu và nói:
    -Thầy để con rót cho.
   Ông chủ nhà gạt tay thằng út ra và nói:
    -Ly đầu tiên, thầy rót để mời khách quý, từ ly sau các ông thông cảm để cho phép cháu nó rót, vì mắt tôi cũng đã kém rồi.
   Tôi nhanh nhảu nói:
    -Bác chu đáo, làm anh em chúng cháu ngại quá, bác cứ để cháu rót cũng được.
   Ông chủ nhà không quan tâm đến câu nói của tôi. Ông nâng chén rượu lên rồi cười khà khà, ông nói:
    -Mời các ông nâng chén, uống chén rượu nhạt, ăn bát cơm muối với gia đình để nhớ về quê hương sau hai mươi mấy năm xa cách. Nào mời các ông đưa cay.
   Cả nhà nhìn ông và làm theo. Ông đặt chén rượu xuống bàn, ông lấy tay thấm thấm hai bên khóe mép rồi nói:
    -Phải đến gần chục năm rồi tôi mới được uống chén rượu mà tư tưởng thoải mái như hôm nay. Ngày nào tôi cũng uống rượu, nhưng mà uống để mà uống, uống cho nó mềm môi để quên đi đắng cay buồn tủi, cuộc đời của tôi truân chuyên lắm, có dịp tôi kể cho các ông nghe.
   Bà chủ nhà hiểu tính chồng, nên vội vàng cắt lời ông:
    -Thầy nó uống đi để các ông còn uống, chưa gì mà đã kể lể rồi, làm các ông ấy mất vui.
   Ông chủ nhà lại nâng chén rượu lên cười khà khà rồi nói:
    -Tôi quên mất, nào mời các ông đưa cay.
   Chúng tôi lại nâng chén rượu lên nhấm nháp, ông chủ nhà ngửa cổ uống nốt chỗ rượu còn lại trong ly rồi khà một hơi khoan khoái.
   Từ đầu bữa đến giờ, ruột tôi cứ nóng như lửa đốt, vì chưa có cơ hội  tạo ra lý do để mang vũ khí theo người, kế hoạch mà tôi hoạch định lúc đầu là không được nữa rồi. Tôi thực sự lo lắng nhỡ đang ăn uống thế này mà có kẻ xấu lẻn vào lấy vũ khí thì sẽ có hậu quả đáng tiếc xẩy ra, có thể còn phải đối diện với tòa án binh chứ không thể xem thường được. May quá, nhân dịp ông chủ đang vui vẻ, không còn khó tính như lúc chiều nữa, tôi nói:
    -Có việc này cháu phải xin phép hai bác nếu các bác đồng ý cháu mới giám làm, còn nếu hai bác không đồng ý thì cháu không giám.
   Ông chủ nhà xởi lởi, nói:
    -Ông cứ nói, nếu được thì làm, không được thì thôi.
   Được sự đồng ý của ông chủ nhà, tôi nói ngay:
    -Cháu xin phép, việc thứ nhất: Trong bữa liên hoan gặp mặt tối nay với gia đình, anh em chúng cháu có một món rất ngon và mới lạ, chúng cháu muốn mời các bác và gia đình ăn thử xem có ngon không? Đây là thực phẩm để trang bị cho bộ đội đi công tác. Việc thứ hai là: Anh em chúng cháu phải xin phép bác để mang vũ khí lên đây, sợ để ở nhà ngang nhỡ có điều gì xảy ra thì rất phiền phức. Bộ đội chúng cháu quy định là vũ khí bất ly thân, vậy mong bác cho phép.
   Ông chủ nhà nhìn tôi rồi nói:
    -Các ông cẩn thận quá, tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy là được. Tôi khi còn trẻ cũng thế.
   Được sự đồng ý của ông chủ nhà, Dũng với Thành về nhà ngang mang thịt hộp và súng lên , súng để bên cạnh chỗ chúng tôi ngồi. Tôi nghĩ, thế là yên tâm rồi, bây giờ chỉ còn lo say rượu nữa thôi, chắc là mới gặp nhau nên chưa thể dốc bầu tâm sự  để mà uống say được, vả lại làm gì có rượu đề mà say. Tôi tự hứa với mình, cho dù thế nào cũng không cho phép say tối hôm nay. Tôi quay sang dục Thành và nói với Chanh:
    -Thành em mở hộp ra! Chanh em vào lấy cho anh Thành cãi đĩa!
   Hai hộp thịt xay được mở ra, đặt ngay ngắn vào hai cái đĩa. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn nến, nhưng mầu của thịt xay vẫn đỏ tươi trông rất hấp dẫn. Tôi thận trọng dùng thìa xẻ từng phần rồi đưa vào bát cho mọi người, rồi nói:
    -Chẳng biết có ngon không? Nhưng mời hai bác và các em ăn thử.
   Ông chủ nhà gắp một miếng đưa lên mũi ngửi, sau đó ông đưa vào miệng nhấm nháp, lát sau ông bình luận:
    -Kiểu như giò Lụa của mình nhưng nhão hơn, ăn rất ngậy vì lẫn nhiều mỡ và có mùi thơm của hạt tiêu. Tóm lại rất ngon, U mày với các con ăn thử đi. Tôi ăn rồi, bây giờ mời các ông nâng chén.
   Chúng tôi lại cùng ông chủ nâng chén, ông lại cười khà khà và tấm tắc khen ngon. Không khí bữa cơm lúc này có vẻ vui hơn, đúng ra là mọi người có vẻ tự nhiên hơn, cả khách và chủ bắt đầu bàn luận về các món ăn ở trên mâm cơm, món nào chúng tôi cũng tấm tắc khen và hỏi xem cách nấu thế nào. Bà chủ nhà sợ con gái ngượng ngùng không giám nói, nên câu nào cũng đỡ lời cho con gái. Nhưng chỉ lúc sau, cô con gái của bà chủ cũng hết cả e thẹn sẵn sàng hướng dẫn chúng tôi cách nấu món ăn.
   Tôi cứ chờ mãi xem ông chủ nhà có hỏi xem chúng tôi quê quán ở đâu và tên tuổi là gì không? Nhưng không, ông cứ bình thản uống rượu, luôn mồm nhắc nhở chúng tôi tự nhiên đừng khách sáo. Đã mấy lần tôi định mạo muội giới thiệu anh em chúng tôi với gia đình, nhưng sợ không phải phép, ai khảo mà xưng, nên đành thôi chờ dịp sẽ giới thiệu. May quá, đúng lúc ấy. Sau khi đặt chén rượu xuống, ông nhìn anh em tôi rồi nói:
    -Tôi hỏi khí không phải, ở ngoài ấy các ông ở tỉnh nào?
   Như nắng hạn gặp mưa rào, tôi tuôn hàng tràng nào là tên tuổi quê quán của ba anh em tôi, đi bộ đội khi nào, năm nay bao nhiêu tuổi v.v.
   Ông rất chú ý lắng nghe tôi giới thiệu, nghe xong ông cũng không biểu lộ tình cảm của mình, chẳng biết ông đang nghĩ gì, nhưng tôi đoán: Có lẽ ông có vẻ buồn hơn khi nãy. Tôi vội vàng soát xét lại xem mình nói có điều gì hớ không? Hay là có những lời nói thiếu tôn trọng đến Chúa. Tôi đang nhớ lại từng hoàn cảnh của từng câu nói, nhưng vẫn chưa phát hiện ra mình lầm lỗi ở đâu.
   Ông chủ nhà buồn bã nâng chén rượu lên mời chúng tôi, ông nhấp một ngụm rồi đặt cái ly xuống. Ông chăm chú nhìn ngọn nến đang cháy, thi thoảng ngọn lửa lại nổ lép bép, ông cất giọng buồn buồn:
    -Các ông là người chiến thắng, chúng tôi là những kẻ chiến bại. Tôi nghĩ: Không bao giờ có những bữa cơm như thế này, ấy thế mà lại có. Làm gì có chuyện, kẻ bại trận lại ngồi ăn cơm uống rượu và trò chuyện với người chiến thắng. Đúng là như mơ…
(Còn nữa).

Logged
nguyendoantho
Thành viên
*
Bài viết: 439



« Trả lời #151 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2012, 08:48:14 am »

Phải công nhân là Quân Việt nam có nhiều kinh nghiêm trong cả chiến đấu và dân vận.Và bạn cũng có tài văn chương nữa chứ ,tôi đọc mà như tiểu thuyết vậy.Tiếc là từ khi lôi sông Bến Hải vào Quảng Trị cho đến khi bị thượng rồi lội sông Bến hải ra Bắc tôi không gặp một người dân nào kể cả du kích ta.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #152 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2012, 10:59:31 am »

  Cám ơn nguyendoantho và các bạn đọc giả. Một lần nữa cám ơn Nguyendoantho đã khen quanvn hơi quá, quanvn chỉ sờ đầu gối nói chân thật, chứ làm gì có kinh nghiệm gì đâu. Chúc Nguyendoantho và các bạn có nhiều sức khỏe để không bị ốm đau hành hạ, trong thời buổi thóc cao gạo kém mọi thứ đều tăng giá, kể cả giá viện phí và thuốc chữa bệnh.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #153 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2012, 11:01:12 am »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Nghe ông chủ nhà ta thán. Tôi thật sự bí, chưa biết giải thích thế  nào để mọi người trong gia đình hiểu được mà  không phật ý. Bí quá, tôi đánh trống lảng, quay sang bắt chuyện với bà chủ nhà, tôi nói:
    -Nhìn bác, cháu nhớ mẹ cháu lắm. Mẹ cháu cũng ở độ tuổi như bác, nhưng mẹ cháu vất vả quanh năm nên người trông ốm yếu, khi cháu còn ở nhà mẹ cháu vẫn đau yếu luôn, đã lâu lắm rồi cháu không có tin tức gì về gia đình, nên chẳng biết sức khỏe của mẹ cháu bây giờ thế nào?
   Ông chủ nhà, thấy tôi nói chuyện với bà chủ nên không nói thêm gì nữa mà chú ý lắng nghe xem chúng tôi nói chuyện gì. Trong lúc tôi nói chuyện, bà chủ nhà vẫn im lặng chưa nói gì. Bà lặng lẽ gắp bỏ vào bát tôi món rau trộn với tai heo, sở dĩ tôi biết được tên của món này là vì em Chanh giới thiệu với chúng tôi là món này mua ở quán nhậu. Ban nãy tôi đã ăn thử món này nhưng chưa phát hiện được chất liệu của nó, nhận xét ban đầu của tôi là nó có kiểu như rau cần trộn với dấm, lẫn tai lợn, có cả rau răm và lạc rang giã dập, rau trộn mầu trắng, hình như được muối chua hay là trộn dấm, rau có mùi như đoạn gốc của cây bèo tây ở ngoài Bắc. Bà chủ giục tôi ăn đi, rồi nhìn chồng như để xin ý kiến trước khi nói, sau đó bà nhìn tôi và nói:
    -Giải phóng đã được hơn tháng rồi mà các ông vẫn chưa nhận được tin tức gì của gia đình à? Chắc ông bà ở ngoài ấy giờ này sốt ruột lắm, các ông mau chóng báo tin để cho ông bà đỡ mong.
   Bà nói đến đấy, giọng như nghẹn lại, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má, bà mếu máo nói trong nước mắt:
    -Tội nghiệp cho thằng hai nhà tôi. Không biết nó còn sống hay chết? Nếu nó còn sống không biết giờ này nó ở đâu? Có biết lối tìm về với thầy u không? Nếu nó chết rồi, không biết nó chết ở đâu? Chúng tôi cũng muốn tìm thấy mộ của nó, rồi đưa nó về sống gần với thầy u và gia đình. Chiến tranh tàn ác quá.
   Bà nghẹn lại không nói được nữa, quay mặt đi, lấy vạt áo lau những dòng nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt khắc khổ.
   Một lần nữa,tôi lại rơi vào thế bí, không biết nói thế nào đành ngồi im. Ông chủ nhà thấy bà vợ khóc, ông nói:
    -Bà lại khóc rồi, cứ nhắc đến nó là bà lại khóc, bà khóc có làm cho nó sống dậy về với bà được không?
   Tôi có cảm giác ông chủ nhà nói câu này nhiều lắm rồi, đến nỗi ông đã thuộc lòng từng câu từng chữ kể cả ngữ điệu nữa chứ, nói xong sắc mặt ông không hề xúc động khi thấy vợ khóc và cũng không một lời động viên an ủi vợ. Tôi nghĩ nỗi đau này, đối với ông, người làm bố, nó đã xâm nhập vào từng tế bào trong cơ thể héo gầy của ông và ông cũng không còn nước mắt để chảy ra ngoài nữa mà tất cả đang chảy vào trong. Chiến tranh đã làm cho hàng triệu gia đình, của cả hai bên phải gánh chịu biết bao nhiêu đau khổ, nỗi đau này biết bao giờ mới nguôi ngoai.
   Không khí bữa ăn tự nhiên trầm lắng u uất, tôi nghĩ nếu tình trạng này kéo dài, hoàn toàn không có lợi cho công tác dân vận của chúng tôi, cần tìm cách thoát ra càng sớm càng tốt. Tôi nâng ly rượu lên rồi nói:
    -Chuyện chiến tranh kể bao giờ cho hết, mà chỉ toàn là chuyện buồn thôi. Bây giờ chiến tranh cũng đã qua đi rồi, hãy cố gắng quên đi những nỗi đau để mà sống cho hiện tại. Thôi ! Bác cho phép anh em chúng cháu uống cạn với bác ly này để chúc sức khỏe bác.
   Ông chủ nhà giường như hiểu được sự gượng gạo của tôi, nhưng chắc là quá nể nên không nỡ từ chối, ông cũng nâng ly rượu lên nhấp nhấp rồi để xuống, rồi theo thói quen ông lại lấy tay vuốt hai bên mép như sợ có những giọt rượu còn đọng lại.
    Ba anh em chúng tôi uống hết. Thằng út được phân công của bố lúc đầu, thấy ba anh em tôi uống hết nó lại tiếp tục rót.
   Để làm giảm đi không khí nặng nề, tôi nói với Dũng và Thành:
    -Các em mời Chanh với chú út uống một ly.
   Như hiểu được ý tôi, Dũng và Thành xin phép ông bà chủ nhà để uống với Chanh và chú út. Nhưng Chanh từ chối ngay:
    -Xin phép các anh em không biết uống rượu, với lại lát nữa em còn phải đi sinh hoạt thanh niên.
   Chú út thấy chị nói thế cũng vội vàng chối ngay:
    -Em cũng thế.
   Dũng nháy mắt với Thành, Thành cố gắng nài nỷ:
    -Hai chị em đừng làm các anh bị ế, nếu không uống nhiều thì uống một ít cho bọn anh vui. Mấy bữa nữa anh cũng xin phép để đi sinh hoạt với đoàn thanh niên ở đây, hai em giới thiệu các anh với các anh chị cán bộ đoàn ở ấp này với nhé. Thật đấy!
   Hai chị em, cái Chanh với thằng út nhìn nhau cười được thoát nạn, không phải uống rượu.
   Tôi biết Dũng và Thành cố gắng ép Chanh và thằng út uống rượu cho vui, nhưng chắc chắn là không được, thế cũng chẳng sao. Nhưng cái được ở đây là làm cho không khí bữa cơm ít nhiều cũng ấm lên.
   Ông chủ nhà theo thói quen như mọi khi, ông nâng chén rượu lên tợp một ngụm, rồi chợt nhớ ra có chúng tôi là khách, ông vội mời chúng tôi, để ông không phải nghĩ ngợi, chúng tôi cũng nâng ly lên cùng ông uống vui vẻ.
   Vẫn kiểu ngồi ấy, vẫn vẻ mặt ấy, ông chủ nhà không nhìn ai, ông tập trung nhìn vào ngọn nến đang cháy, nhựa nến cháy không hết, chảy xuống chiếc đĩa đựng nến tạo ra những hình thù kỳ quặc, màu đỏ như máu, nhìn vào đấy ai muốn tưởng tượng ra đó là hình người hình thú vật hay là một hình gì đó đều được. Ông chủ nhà, chăm chú nhìn không chớp mắt vào chiếc đĩa đựng nến rồi chậm dãi nói, như nói cho chính mình nghe:
    -Đất nước này, rồi sẽ có những cuộc thanh trừng đẫm máu, chiến tranh là như vậy mà, âu cũng là lẽ thường tình.
   Chúng tôi cứ ngồi im để nghe ông chủ nhà nói tiếp, gian nhà để làm phòng ăn im phăng phắc, chỉ nghe thấy tiếng nổ lép bép của ngọn nến và những tàn lửa đỏ rực bay xuống mâm.
   Lúc này, tôi tập trung quan sát xem biểu lộ tình cảm của ông chủ bà chủ và các em thế nào? Ông chủ vẫn ngồi ở tư thế bất động, mắt chăm chú nhìn vào ngọn nến đang nhảy múa lung linh trước những làn gió nhè nhẹ. Ông không nói thêm câu nào, có lẽ ông đang nghĩ về một cuộc trả thù của những người chiến thắng đối với những kẻ chiến bại. Bà vợ và hai đứa con ông đang chăm chú nhìn ông, thi thoảng đưa mắt nhìn sang anh em chúng tôi như có ý dò xét.
   Tôi nghĩ, không thể im lặng thêm được nữa rồi, tôi phải nói, phải giải thích cho ông chủ và gia đình tránh những hiểu nhầm đáng tiếc. Trước khi giải thích, tôi thấy cần phải biết rõ những suy nghĩ của ông chủ được xuất phát từ đâu? Tự ông nghĩ ra hay là nghe ai nói hoặc là có người nào đó xúi dục?
 Không khí vẫn im lặng, mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình. Tôi quyết định phá tan bầu không khí nặng nề này, tôi nói:
    -Cháu xin lỗi bác! Bác cho cháu được hỏi: Những điều mà bác nói với chúng cháu khi nãy là bác tự suy luận hay là có ai nói với bác?
   Ông chủ nhà vẫn chăm chú nhìn vào ngọn nến đang cháy, ông cầm chiếc tăm đang ngậm ở miệng chọc vào chỗ nhựa nến chảy ra đọng thành vũng ở tim nến. Nhựa nến trào ra chỗ ông vừa mới khơi thông, nhựa nến chảy đến đâu đông lại đến đấy tạo ra những hình thù mới. Chiếc tăm đã bị ngọn nến đốt cháy, ông lẳng lặng vứt nó xuống nền nhà và ông cũng chẳng thèm nhìn xem nó còn cháy hay nó đã tắt. Ông lấy chiếc tăm khác tiếp tục ngậm vào miệng rồi nói:
    -Nghe nói cũng có, tự suy luận cũng có, tóm lại là đủ kiểu thì thào bàn tán. Nơi bàn tán nhiều nhất là khu vực dân di cư từ Bắc vào năm năm tư, cứ đôi ba người gặp nhau lại xì xào bàn tán. Mà tôi nghĩ việc ấy cũng là nhẽ thường tình thôi, ở đời này có vay có trả, vay gì thì trả nấy. Đôi khi tôi nghĩ, thôi nghĩ ngợi làm gì cho nó mệt đầu, chuyện gì đến ắt sẽ đến, nhưng khi nhìn thấy vợ thấy con, thì không nghĩ cũng phải nghĩ.
   Tôi nhìn ông chủ nhà, thấy ông không có ý định nói thêm gì nữa, tôi mới nói:
    -Bây giờ, cháu xin phép hai bác và các em, cháu nói thế này: Đây là nhiệm vụ của anh em chúng cháu, chúng cháu có nhiệm vụ xuống các địa phương vùng mới giải phóng( tôi nói tránh đi, thực ra là xuống các vùng có dân di cư từ ngoài Bắc vào) để thực hiện ba cùng: Cùng ăn; Cùng ở; Cùng làm với đồng bào. Mục đích của chúng cháu là: Giải thích cho đồng bào về chế độ và chính sách ưu việt của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, sau khi đã giải phóng Miền nam và thống nhất đất nước.
   Các bác và các em, hoàn toàn có thể tin tưởng vào những lời cháu nói. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, không có kẻ thua người thắng. Mà chỉ có chế độ cũ được thay thế bằng một chế độ mới tươi đẹp hơn, đảm bảo một chế độ dân chủ công bằng văn minh dân giầu nước mạnh, không còn địa chủ cường hào ác bá như trước kia, không còn cảnh người bóc lột người, bây giờ mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau để cùng nhau xây dựng đất nước tươi đẹp. Mọi người phải biết đoàn kết lại để chống thù trong giặc ngoài, vạch mặt bọn phản động nấp sau danh nghĩa của các tổ chức tôn giáo hay những tổ chức khác để chống phá cách mạng.
   Cháu cũng xin khẳng định để bác và mọi người yên tâm là: Sẽ không có một cuộc thanh trừng nào cả, sẽ không có chuyện đầu rơi máu chảy sau chiến tranh như một số người tưởng tượng. Sau chiến tranh, nhiệm vụ trọng đại của đất nước là: Xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để làm được việc ấy, tất cả mọi người dân Việt Nam phải đồng lòng nhất trí, muôn người như một. Muốn thế, mọi người cần phải học tập để nâng cao trình độ. Những người trước kia vì hoàn cảnh bắt buộc phải theo chế độ cũ, nay đất nước đã giải phóng tự nguyện đến trình diện để đi học tập cải tạo, mục đích của việc học tập cải tạo là khép lại quá  khứ và hướng về tương lai để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc, dân có giầu thì Nước mới mạnh.
   Còn những đối tượng như địa chủ, ác ôn, những đối tượng có nợ máu với đồng bào, thì cũng do đồng bào phán xử, tùy theo lỗi nặng nhẹ để kết luận đúng người đúng tội theo qui định của Luật pháp nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
   Sơ bộ, cháu tạm nói với bác và gia đình như vậy, cháu sẽ nói lại với các ông cán bộ của địa phương để giải thích cho tất cả mọi người hiểu rõ. Cũng còn có nhiều vấn đề cháu chưa nói hết, dần rà có thời gian cháu sẽ giải thích để bác nghe. Những gì cháu chưa đủ trình độ để giải thích, cháu sẽ báo cáo với cấp trên để cấp trên cử người có đủ trình độ về để giải thích với đồng bào. Chúng cháu sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong sao đồng bào hiểu và ủng hộ chính quyền cách mạng.
    Sau những điều tôi nói, thời gian như ngừng trôi, không gian như bị nén lại, mọi người cảm thấy ngột ngạt, ngồi bất động không ai nói gì, sự nghi ngờ thể hiện rõ trên nét mặt của mọi người. Bà chủ nhà có vẻ ngơ ngác, hết nhìn chồng rồi lại nhìn anh em chúng tôi. Ông chủ tựa lưng vào ghế, thay đổi tư thế ngồi, hai tay đặt trên bàn, các ngón tay mổ cộc cộc không theo giai điệu gì, mặt ông lúc này như đanh lại, ông nói:
    -Những điều ông nói, nếu đúng là sự thật thì tôi chưa thể tưởng tượng được. Nếu được như vậy, ơn Chúa ban phước lành cho chúng con. Nhưng cũng nói thực với các ông tôi là tôi cũng chưa tin lắm, làm gì có chuyện hận thù kéo dài mấy chục năm mà lại bỏ qua dễ dàng vậy?
   Tôi thoáng nghĩ, chắc tôi không có khả năng và trình độ để thuyết phục ông chủ nhà, hơn nữa vấn đề này cần phải có thời gian và thực tế mới đủ sức thuyết phục. Nghĩ thế, tôi nói với ông:
    -Tin hay không tin là quyền của các bác và gia đình, chúng cháu không thể nào ép bác và gia đình phải tin chúng cháu. Nhưng bác hãy chờ xem thực tế sẽ khẳng định những điều cháu nói là đúng.
   Ông chủ nhà mắt nhắm nghiền, vẫn tiếp tục gõ tay xuống bàn. Đột nhiên ông mở mắt nhìn tôi trừng trừng, rồi ông hỏi:
    -Những điều mà ông nói ban nãy là cho những người dân bản địa, còn những người như chúng tôi, dân di cư năm năm tư thì sao?
(Còn nữa).
   
 
Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #154 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2012, 11:36:21 am »

        Bác quanvietnam !Viết dài nhưng mạch lạc , hay quá . Đúng là người lính quân đội nhân dân Việt Nam làm gì cũng giỏi , chiến đấu tốt ,dân vận cũng rất tài .
       Đàn em ngưỡng mộ và xin học tập bác .
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #155 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2012, 02:46:04 pm »

   Chào Huonghn76, chào tất cả các đọc giả. Quanvn xin chân thành cám ơn các  đọc giả đã đọc bài của Quanvn. Huonghn76 đừng nói đến học tập tôi mà làm tôi tổn thọ. Chào tất cả và hẹn gặp lại.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #156 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2012, 02:47:12 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Con Vện đang quanh quẩn xung quanh bàn ăn, tự nhiên chạy xô ra ngoài cửa, sủa ầm ỹ. Ngoài trời tối đen. Trong nhà, mọi người tập trung lắng nghe xem có chuyện gì xảy ra ở ngoài ngõ mà con Vện sủa dữ như vậy. Một hai phút đã trôi qua, vẫn chưa hiểu có chuyện gì xảy ra, trong khi đó con Vện vẫn giữ thái độ căng thẳng, tiếng sủa của nó có phần gắt hơn. Ông chủ nhà sốt ruột, bảo thằng út:
    -Út! Con ra xem có chuyện gì vậy.
   Thằng Út đứng dậy đi ra ngoài, Dũng và Thành nhìn tôi, tôi nhìn lại hai đứa, chúng tôi đã hiểu ý nhau và nhìn vào những khẩu súng AK báng gấp để bên cạnh. Tiếng bước chân nện ình ịch của thằng Út xa dần, cũng là lúc con Vện không sủa nữa. Mọi người đang chờ đợi thằng Út quay vào. Lát sau, con Vện hớn hở chạy vào trước, thằng Út đi sau, vào đến cửa, thằng Út đã bô bô:
    -Không có ai đâu Thầy ạ! Mấy người bạn của chị Chanh rủ chị đi sinh hoạt, nhưng vì thấy nhà ta có mấy chú bộ đội nên không giám vào, đứng ở ngoài ngõ nói chuyện.
   Ông chủ nhà, gật gật cái đầu rồi quay sang nói với mọi người:
    -Đến giờ các em nó đi sinh hoạt rồi, hình như mọi người chưa ai ăn được miếng nào, toàn ngồi nói chuyện. Thôi! Bây giờ thế này, cái Chanh với thằng Út ăn nhanh lên còn đi sinh hoạt, bát đũa lát nữa để u mày rửa cho, còn tôi với các ông cứ tiếp tục uống rượu, xong rồi ăn cơm.
    Mọi người trong mâm tập trung vào ăn cơm, Dũng thì xin phép không uống rượu nữa vì đã đến giờ lên máy làm việc với sở chỉ huy để báo cáo tình hình, kỳ thực là nó cũng đã đến phiên gác rồi, Thành thì xin phép được vừa ăn vừa uống vì bị say, chỉ còn tôi với ông chủ nhà là chưa ăn cơm, tôi thì chẳng thích thú gì uống rượu kiểu này, chỉ muốn kết thúc nhanh để ăn cơm. Nhưng khổ nỗi, vẫn phải ngồi uống với ông chủ cho phải đạo.
   Chờ mãi vẫn chưa thấy tôi đả động gì về câu hỏi mà ông hỏi tôi khi nãy. Ông chủ nhà, chủ động thúc dục:
    -Ông vẫn chưa giải thích cho tôi về trường hợp những người dân di cư từ Bắc vào Nam năm năm tư?
   Đây là một câu hỏi khó, từ nãy đến giờ tôi đấu tranh tư tưởng, trả lời thế nào để thể hiện lên bản chất ưu việt của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đồng thời lại phải phát huy được sức mạnh đoàn kết dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt nam. Nói như thế nào? Dùng từ ngữ kiểu gì? Để ông, bà chủ không những không mếch lòng mà còn dễ hiểu, bởi vì tôi đoán là cả ông chủ và bà chủ đã ở vào tuổi này thì ít được học hành.
   Suy đi tính lại, kiểu gì cũng rất khó nói đối với tôi, bởi vì nói như những người ở Miền Bắc khi đó, thì tất cả những người Miền Bắc di cư vào Nam thời điểm ấy, trừ những người do cách mạng yêu cầu, còn lại đều là những người có vấn đề với Tổ quốc, có những người có lý do là Chúa của họ đi đâu thì họ theo theo đi đấy, còn lại những người không có Chúa sao vẫn đi, có phải là họ bất mãn với chế độ ở Miền Bắc không??? Có rất nhiều nghi vấn sau cuộc di cư ấy. Lớn lên tôi được nghe kể lại và đến khi tôi đã nhận thức được, thì tôi càng hiểu hơn: Từ sau năm năm tư trở đi, tất cả những gia đình có người di cư vào Nam đều được chính quyền địa phương xem xét cẩn thận, khi tham gia bất cứ một việc gì trong xã hội. Đấy, thực chất câu trả lời nó sẽ xoay quanh những điều tôi vừa nói, nhưng hoàn cảnh này tôi không thể nói thật thà như vậy được, nó có vẻ trần trụi quá…
   Đã mấy lần tôi định trả lời, nhưng tôi chưa biết bắt đầu như thế nào. Tôi biết, tôi không có đường lùi, mà chắc chắn phải tiến. Nhưng khổ nỗi, trình độ kiến thức và hiểu biết về chính trị của tôi quá non kém, vì vậy tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời an toàn nhất, để không làm ảnh hưởng đến chính sách cụ thể của chính quyền cách mạng đối với những trường hợp cụ thể, mà ông chủ nhà đang đề nghị tôi trả lời. Đồng thời những câu trả lời của tôi cũng không làm cho những người như ông bà chủ nhà, phải lo lắng về số phận của mình khi đối diện với chính quyền cách mạng, trong những ngày sắp tới.
   Sau nhiều lần lấy đà, lần này tôi quyết định xuất phát, tôi nói:
    -Các bác đã hỏi: Một lần nữa, cháu xin khẳng định lại với hai bác là: Sẽ không có bất cứ một cuộc thanh trừng nào cả. Không có chuyện đầu rơi máu chảy sau chiến tranh nữa đâu. Không có chuyện trả thù dân tộc giữa người Miền Bắc với người Miền Nam, giữa những người theo đạo thiên Chúa với những người không theo đạo thiên Chúa, giữa những người theo chính quyền VNCH, kể cả dân bản địa và những người di cư từ Bắc vào Nam năm năm tư, với những người của chính quyền cách mạng. Bây giờ, tất cả đều dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vì vậy, tất cả những người có công và những kẻ có tội đều được xem xét công trạng và xét xử theo Luật pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, không phân biệt những người ấy ở trong Nam hay ngoài Bắc, người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, là người dân tộc hay người kinh v.v. Về nguyên tắc chung là như vậy, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, tùy theo tùng vùng từng nơi, từng đối tượng sẽ có giải quyết cụ thể.
   Vừa nói tôi vừa theo dõi sắc mặt của mọi người xem thay đổi thế nào. Tôi có cảm giác là họ muốn nói cụ thể vào trường hợp gia đình họ, nghĩ thế nên tôi tiếp tục giải thích thêm:
    -Nói như vậy, các bác lại băn khoăn không biết Luật pháp nói thế nào? Về vấn đề này các bác tạm hiểu là: Luật pháp của chúng ta xem xét về người có công và kẻ có tội rất là công bằng, những người có công thì được tuyên dương khen thưởng. Những người có tội thì tùy theo mức độ nặng nhẹ để xét xử, nhưng nhìn chung chế độ của chúng ta là chế độ: Dân chủ; Cộng hòa rất ưu việt nên các tội trạng sẽ được độ lượng khoan hồng, tuyên truyền giáo dục và tổ chức cho những người ấy đi học tập cải tạo. Những tên ác ôn có nợ máu với đồng bào thì được mở những phiên tòa án xét xử công khai, để đồng bào tham gia luận tội cho công bằng. Nếu như vẫn còn những kẻ ngoan cố không trình diện khai báo, cố tình lẩn trốn để chống phá cách mạng thì sẽ bị nghiêm trị.
   Trường hợp bác hỏi về những người dân di cư từ Bắc vào Nam năm năm tư là như vậy. Tuy nhiên, để cho người dân không bị oan uổng, chính quyền cách mạng sẽ có trách nhiệm điều tra hồ sơ lý lịch của từng người, từ thời gian còn ở ngoài Miền Bắc đến khi di cư vào Miền Nam và cho tới tận bây giờ. Tất cả những thứ ấy, đều được xem xét trong quá trình học tập và cải tạo của từng người v.v.
   Hoàn cảnh cụ thể của gia đình bác thế nào, cháu không biết, nên cháu không giám nói. Bác thông cảm cho cháu.
   Chanh với thằng Út đứng lên xin phép đi sinh hoạt, Thành cũng xin phép ra giúp Dũng làm việc. Trong mâm chỉ còn lại có ba người, ông chủ với bà chủ và tôi. Ông chủ nhà có vẻ không quan tâm đến chuyện trong mâm cơm còn lại những ai, có lẽ ông chỉ cần tôi ở lại để tiếp tục trả lời những câu ông hỏi. Ông gật gù, rồi nói một điều gì đó không thành tiếng, mấy chữ cuối cùng mới bật ra thành câu hoàn chỉnh:
    -Thế là đã rõ.
   Ông chủ nhà dừng lại đột ngột và không nói gì thêm, làm tôi không hiểu ông nói là đã rõ cái gì? Tôi áy náy định hỏi lại thì may quá ông lại tiếp tục:
    -Tôi và rất nhiều người ở ấp này đã đi trình diện và khai báo. Có nhiều người đã được gọi đi tập trung, nghe nói là đi học tập chính trị gì đó, chẳng rõ là đi học tận đâu, sau đấy thì thấy có người trở về, cũng có những người chưa thấy về. Trong khi đó tôi thì không thấy chính quyền đả động gì, vì thế tôi sống trong tâm trạng bồn chồn lo lắng. Ban nãy ông nói với tôi là chính quyền phải điều tra lý lịch cả quá trình từ khi ở ngoài Bắc, đến khi vào trong này và đến lúc giải phóng. Như vậy là tôi rõ rồi.
   Ông chủ nhà, ngồi thừ mặt ra nhìn ngọn nến cháy bập bùng, ánh sáng của ngọn nến không đủ sáng để soi rõ khuôn mặt khắc khổ của ông. Nhưng tôi biết ông rất buồn, người ông như muốn sửu xuống, ông buồn bã nói với tôi:
    -Hai vợ chồng chúng tôi khổ lắm, tôi muốn kể cho ông nghe nhưng tôi cũng không thể nhớ hết để mà kể được. Chỉ giận mình thôi! Không biết chúng tôi ăn ở thế nào làm Chúa không hài lòng, để rồi cuộc sống của hai vợ chồng tôi thăng trầm phiêu bạt, khổ đến như vậy, mấy đứa con cũng chịu khổ lây. Mỗi lần nhớ lại, không kìm được nước mắt.
   Bằng giọng buồn buồn ấy, ông chủ nhà kể cho tôi nghe về quá khứ của ông và gia đình, có những đoạn ông kể còn thiếu, bà chủ lại ngắt lời ông và bổ xung vào. Nhiều những đoạn cảm động quá, bà chủ không cầm được nước mắt, bà khóc. Những giọt nước mắt của bà cũng làm cho tôi xúc động, tuy tôi không khóc nhưng có lẽ mắt tôi cũng đỏ hoe, cũng có lúc ngấn lệ.
   Thời gian cứ chậm chạp trôi đi, hai vợ chồng ông bà chủ nhà đang đắm mình vào quá khứ. Ông bà chủ kể cho tôi nghe nhiều lắm, không thể nhớ hết được, nhưng tựu chung lại là gian khổ và vất vả.
   …Vợ chồng ông, cả hai người đều quê ở Đồng Đắc Quy Hậu của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Ông kém bà hai tuổi, nhưng vì ông bà rất yêu nhau nên quyết tâm lấy nhau, mặc dù bố mẹ can ngăn nhưng hai người vẫn quyết lấy nhau. Đến khi có đứa con trai đầu lòng, hoàn cảnh kinh tế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ông không phải con cả trong gia đình, nên việc đèn nến thờ tự là do ông anh trai của ông lo, hai vợ chồng ông chỉ lo làm ăn mà cũng không đủ ăn. Thấy thế, ông bác họ của ông từ thành phố về nói với bố ông là cho ông ra ngoài Hải Phòng ở với ông ấy làm người giúp việc.
   Từ đó ông xa nhà đi làm ăn, hàng tháng gửi tiền về cho bố mẹ và vợ con, nhưng vì nhớ vợ nhớ con, ông xin với ông bác được mang vợ và con ra Hải Phòng. Theo ông nói, gia đình ông bác của ông là gia đình giầu có, nhà cao cửa rộng ở phố Cầu Đất, của cải vàng bạc của ông bác có bao nhiêu thì không biết, nhưng trong nhà có những 10 chiếc Taxi và 30 chiếc xichlo cho thuê. Tất cả công việc trong nhà đều có kẻ hầu người hạ, có vú nuôi, có người nấu ăn v.v. Vợ chồng ông chỉ làm tạp vụ, quét dọn nhà cửa sân xướng, thu dọn hố xí hố tiểu.
   Thế rồi cuộc di cư xẩy ra, cả nhà ông bác đã chuẩn bị  sẵn sàng để lên tầu há mồm đi theo Chúa. Ông bác bảo với ông là đi hay ở thì tùy ông, nhưng lúc ấy ông biết đi đâu, đi với bác đã có bác che trở thì còn lo gì, thế là vợ chồng ông quyết định đi theo bác.
   Có ngờ đâu tất cả đều ở trên tầu há mồm thế mà lạc nhau, phần vì quá say sóng chỉ còn biết nôn ọe ra cả ật xanh mật vàng, nằm phủ phục một chỗ, phần thì thân phận mình thấp hèn quần áo rách dưới không được ở gần gia đình ông bác. Đến khi tầu cập bến, chẳng còn biết bác ở đâu mà tìm, tất cả đều xa lạ, người thì đông như kiến cỏ. Thất vọng quá vợ chồng chỉ còn biết nhìn nhau mà khóc. Trên đất khách quê người chẳng biết trông cậy vào ai, vợ chồng con cái dìu nhau đi cùng với mấy người quê ở Bùi Chu Nam Định.
    Tôi chăm chú nghe câu chuyện của hai ông bà kể, thì tất cả những tình tiết mà ông bà chủ nhà kể cho tôi nghe, tôi thấy lý lịch thân nhân của hai ông bà chưa có vấn đề gì lớn. Chỉ những đoạn sau này là có vấn đề cần có tìm hiểu sâu hơn. Đó là đoạn ông kể:
    -Vào trong đấy ở được một thời gian, anh em cùng đi, đùm bọc lấy nhau, rồi cũng có chút ít của quyên góp ủng hộ của chính phủ. Chúng tôi sống qua ngày, khi ấy vợ tôi có mang cái Chanh bây giờ, thời gian sau thì tôi đi lính cho Pháp, kể từ khi tôi đi lính, cuộc sống của gia đình no đủ không còn phải lo lắng gì nữa, được mấy năm tôi bị điều đi các vùng chiến thuật với lý do khả năng điều hành kém và trình độ thấp. Đấy là họ nói vậy, thực chất là sau đảo chính Ngô Đình Diệm, những người làm việc cho người Pháp dần dần được thay thế hoặc là đẩy đi những vùng khó khăn.
   Từ đấy tôi bất mãn và viện lý do ốm đau rồi về và họ cũng muốn thế, từ khi tôi về cho đến nay tôi không đi đâu và không làm gì cho chính phủ, chỉ ở nhà giúp vợ con làm ruộng.
   Ông dừng lại, thở dài đến não ruột, rồi ông lại tiếp tục:
    -Tôi thì vậy, còn thằng con trai đầu của tôi tên nó là Cam, cũng chẳng ra gì, học hành không đến nơi đến chốn, đúng 18 tuổi được đưa vào quân lực VNCH, sau đó đưa nó ra tận Đakto Tân cảnh gì đó. Sau nghe đồn nó đảo ngũ, cũng có người nói là nó trốn sang phía cách mạng, cũng có tin là nó đã chết rồi. Cho đến tận bây giờ gia đình tôi cũng chẳng có tin tức gì về nó.
   Ông đang định nói tiếp, thì ngoài ngõ có tiếng người nói lao xao, Con Vện thấy có người quen nên không sủa, mà ve vẩy cái đuôi chạy ra đón chủ. Ông bà chủ không nói thêm gì, chăm chú nhìn ra phía cửa ra vào. Còn tôi vẫn ngồi im lặng và nghĩ: Sao mà khó thế, mới có một gia đình mà đã cảm thấy mệt mỏi, những ngày tiếp theo thì sao đây?
(Còn nữa)
   
   

Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #157 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2012, 09:25:14 am »

         Chào bác quanvietnam! Tranphu341 chúc mừng bác đã viết rất đều tay như vậy là bác đang khỏe. Đúng là anh em mình giờ đây thấy ai vắng lâu trên diễn đàn là cứ nghĩ đến sức khỏe.

        Chuyện bác kể về thời kỳ đầu xâm nhập quần chúng nhân dân làm quân quản thật hay và thật hấp dẫn. Đúng là khi đi làm nhiệm vụ các cấp lãnh đạo thường là cấm chúng ta không được nhậu không được ăn uống cùng dân nhất là rượu bia vv.. Nhưng cũng thật khó khi ta không cùng ngồi mâm, hoặc cùng nhậu với họ thì không thể gần họ được. Tranphu cũng đã có nhiều lần như vậy.

        Bác quanvietnam càng viết càng hay càng hấp dẫn. Tiếp tục đi bác nhé. Tranphu đoán cô gái con ông chủ nhà rất có cảm tình, rất quý mến người lính đã có thời là sinh viên đấy. Tranphu chúc mừng bác!
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #158 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2012, 09:38:27 am »

   @Bác Quân:

     Đáng ra QĐ phải đưa bác về trường Sĩ quan chính trị để đào tạo trở thành Chính trị viên hoặc cán bộ tuyên huấn thì quá chuẩn. Nhưng hèm một nỗi bác đã là SV ĐHXD nên QĐ mất một cán bộ chính trị có tầm cỡ. Nhưng ngành Thủy điện đã có một cán bộ vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi chính trị như bác là cũng hạnh phúc lắm rồi.

    Chúc bác mạnh giỏi và tiếp tục chắc tay phím để anh em được thưởng thức những câu chuyện hay Cheesy Grin
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2012, 09:45:51 am gửi bởi thaiminhhung » Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #159 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2012, 02:39:51 pm »

  @Bác Quân:

     Đáng ra QĐ phải đưa bác về trường Sĩ quan chính trị để đào tạo trở thành Chính trị viên hoặc cán bộ tuyên huấn thì quá chuẩn. Nhưng hèm một nỗi bác đã là SV ĐHXD nên QĐ mất một cán bộ chính trị có tầm cỡ. Nhưng ngành Thủy điện đã có một cán bộ vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi chính trị như bác là cũng hạnh phúc lắm rồi.
    Chúc bác mạnh giỏi và tiếp tục chắc tay phím để anh em được thưởng thức những câu chuyện hay Cheesy Grin
Thuỷ điện đang là hot đấy Hùng ơi. Giỏi gì thì cũng chờ thực tế kiểm nghiệm, Riêng anh Quân mình xin một xuất đặc cách nhé???
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM