Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:15:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191150 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #140 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2012, 10:36:07 pm »

       Trong mấy ngày này là Quân lực VNCH ĐÃ THẢ 2 TRÁI BOM CPU CHÚNG CHON KHU VỰC NGHI LÀ SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 341. Đến bây giờ các tạp chí của QLVNCH vẫn nói đã xóa sổ Sư đoàn 341. Đã tiêu diệt từ 5000- 10.000 quân giải phóng.
Tham khảo từ  Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì có ghê gớm như vậy đâu: http://vi.wikipedia.org/wiki/CBU-55
Nhưng xem của phía bên kia thì quá ghê gớm: http://ongvove.wordpress.com/2009/04/24/v%E1%BB%81-qu%E1%BA%A3-bom-th%E1%BA%A3-trong-tr%E1%BA%ADn-long-khanh/
Xem ra có vẻ có nhiều loại bom CBU các bác nhỉ, chẳng biết đường nào mà lần. Huh
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tám, 2012, 08:12:26 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #141 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2012, 08:27:19 am »

   Tranphu còn nhớ có một ông để râu 3 chòm như các cụ già ngoài Bắc trước. Cứ nằm năn ra đường gào lên: "Chúng tao đã nhường Băc kỳ cho chúng mày. Đã chạy vào đây mà chúng mày vẫn không tha à?"

        Trong mấy ngày này là Quân lực VNCH ĐÃ THẢ 2 TRÁI BOM CPU CHÚNG CHON KHU VỰC NGHI LÀ SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 341. Đến bây giờ các tạp chí của QLVNCH vẫn nói đã xóa sổ Sư đoàn 341. Đã tiêu diệt từ 5000- 10.000 quân giải phóng.


Chào bác Trần Phú !

Lâu nay em cũng có nghe câu nói của người bắc 54 : "Chúng tao đã nhường Băc kỳ cho chúng mày. Đã chạy vào đây mà chúng mày vẫn không tha à?" nhưng nghĩ là đùa vui. Bây giờ nghe bác kể thì mới tin. Vậy lúc ấy bộ đội các bác phản ứng như thế nào ?

- Còn thông tin Đã tiêu diệt từ 5000- 10.000 quân giải phóng thì thực hư ra sao ?

       Chào bác chủ! Chào các bác! Tranphu341 rất cảm ơn trang viết của Trang nhà. Rất cảm ơn bạn chienc3.1972.Bạn đã có nhiều giải thích và các đường Linh dẫn về việc những trái bom CBU trong chiến tranh GPMN mà QLVNCH Đã xử dụng. Nhất là 2 trái bom thả vào dịp táng 4/75 khi Xuân Lộc thất thủ. Tranphu không bình luận gì thêm về công dụng hay số lượng, kỹ thuật của bom vv....Vì theo như các tài liệu trên thì còn nhiều vấn đề đang còn "tranh cãi".

       Song chỉ có điều tranphu khẳng định là 2 quả bom CBU đó không rơi vào khu vực SCH của Sư đoàn 341. Cũng không thể có tổn thất về người như phía VNCH nói. Bằng chứng là các chỉ huy của Sư đoàn vẫn sống và thọ đến mấy chục năm sau.

       @ lamson1981. Bạn có hỏi về chuyện cùng cách xử lý với "Ông già ngang ngược". Thì lúc đó trên đường, trong các nhà vẫn còn bập bùng lửa chảy, khói, và mùi thuốc súng khét lẹt. Đúng như những bộ phim có khói lửa của chiến tranh. Trung đoàn mình cứ hành quân. Đúng ra là chạy gằn trong đêm qua Kiệm tâm- gia kiệm. Ông già cứ năn lộn ở đó. Lúc đấy có 3 người đi hon đa 67 mặc quần áo cán bộ Miền. Quấn khăn rằn chạy đến. Nói:" Các anh cứ đi đi để nó lại cho bọn tôi"'. Một trong 3 người ấy chạy xe honđa đã cán qua người "Ông già ngang ngược" kia.

          Chúc bác chủ cùng các bạn tiếp tục chiến đấu!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #142 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2012, 02:24:24 pm »

   Cám ơn các anh đã đọc bài của Quanvn. Nếu trong bai viết có gì chưa đúng mong các anh chỉ giáo.Một lần nữa xin được cám ơn các anh.
   Anh Trần phú à, tôi kể anh nghe chuyện này: Hồi còn đánh nhau ở Tích tường Như lệ, xã Hải lệ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị năm 1972. Hôm đó địch bắn pháo vào Tích tường, ở trong thôn cũng còn có một số gia đình chưa sơ tán hết, trong đó có bố đẻ của một tên thiếu tá quân lực VNCH( nghe dân nói thế). Thấy tình hình rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân, chúng tôi cõng họ chạy về hầm trú ẩn.  Đang cõng trên lưng một ông già hơn 70 tuổi, thì ông hỏi : Các con xâm lăng miền Nam được lâu chưa? Lúc ấy,vừa mệt lại vừa tức, chả lẽ lại vứt ông già xuống đường. Nhưng chúng tôi không nói gì và cõng ông vào hầm trú ẩn. chuyện chỉ thế thôi, chúc anh khỏe.
   AnhTralientay, thật có lỗi với anh vì đã làm mất thì giờ của anh, anh đã đọc rồi thì mong anh thông cảm, có những gì chưa đúng xin anh góp ý. Anh nói tôi viết nhanh lên thì xin thưa với anh là tôi sẽ cố gắng, nhưng thật là khó bởi vì: tài hèn sức mọn, đã thế lại còn nghỉ hưu nữa chứ. Anh bằng lòng vậy.
   Anh Chiến C3, ngọn gió nào đã xô đẩy anh để anh phải lang thang đến tận nới này. Được đọc bài viết của anh, trên trang này tôi lấy làm vinh hạnh. Tôi hy vọng còn được nhiều lần chiêm ngưỡng. Cám ơn anh, chúc anh khỏe, viết khỏe.
   Anh Lamson 1981, xin chào anh. Rất hân hạnh được biết anh.
   Một lần nữa xin được chúc các anh mạnh khỏe. Thực ra tôi định tếu táo thêm một chút nữa, nhưng nghĩ đến mấy cháu hàng xóm nó nói: Các bác cố gắng tiết kiệm những đám mây điện tử, các bác cứ dông dài, sau này chắc là đến lượt chúng cháu thì không biết có còn không? Kính các bác.




Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #143 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2012, 02:16:21 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Đêm ngủ ở vườn sắn, về gần sáng sương xuống nhiều nên rất lạnh, tôi quay người sang ôm lấy Dũng cho đỡ lạnh, nhưng lại ôm nhầm phải Lành, nó to quá tôi ôm không được. Đúng lúc ấy nó hỏi tôi:
    -Sao anh dậy sớm thế? Ngủ thêm lúc nữa, dậy bây giờ trời còn tối lắm cũng không làm gì được.
   Nói xong nó lại thở đều đều tiếp tục ngủ, coi như không có chuyện gì xảy ra, nó còn trẻ nên đang tuổi ăn tuổi ngủ, đã thế nó lại rất béo nên lại càng dễ ngủ. Tôi và nó, hai đứa chúng tôi nằm úp thìa vào nhau, hơi ấm của nó chuyền sang tôi làm tôi dễ chịu, chỉ có mùi mồ hôi muối của nó, lâu ngày không tắm là mùi hắc hắc khó chịu, nhưng được cái là ấm nên tôi cứ ôm lấy nó và nằm im. Ở phía cuối vườn sắn hình như cũng có người đã dậy, tôi nghe thấy có tiếng mở Radio dò sóng sột soạt, tôi cũng muốn mở Radio để nghe xem tin tức lúc này thế nào rồi, nhưng sợ làm ảnh hưởng đến chúng nó nên lại thôi. Nằm bất động ở một tư thế và có hơi ấm tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, khi nghe tiếng người, tiếng Radio tranh nhau nói tôi mới sực tỉnh.
   Lại bắt đầu một ngày mới, hình như hôm nay có vẻ khác mọi ngày. Mặt trời còn đang le lói phía đằng Đông, nhưng không khí buổi sáng trong đơn vị đã huyên náo và khẩn trương hơn, người nấu ăn người thu dọn đồ đạc, người xắp xếp ba lô. Không ai bảo ai nhưng tất cả đã sẵn sàng để chuẩn bị lên đường, tôi cũng cuốn theo dòng chẩy ấy.
   Bữa cơm sáng cũng đã ăn xong, những vật dụng cuối cùng cũng đã  gọn gàng sau ba lô, chỉ cần hô một tiếng là chúng tôi lên đường ngay tức khắc.
   Thế rồi một tiếng đồng hồ trôi qua, rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua, anh em chúng tôi cứ thấp thỏm chờ đợi nhưng chẳng có động tĩnh gì. Cũng có anh em nôn nóng sốt ruột, chạy đến ban chỉ huy đại đội để hỏi, nhưng cũng chẳng có tin tức gì hơn, chỉ nhận được những câu vỗ về động viên của các anh lãnh đạo là cứ yên tâm chờ đợi sắp có xe đến đón rồi.
   Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, chúng tôi cũng không biết làm gì khác ngoài việc chờ đợi. Một số anh em đã bắt đầu tựa vào ba lô nằm ngả nằm nghiêng, một số anh tụ tập ngồi hút thuốc vặt, có mấy anh đang dò sóng của Radio, chắc là đang tìm đài Tiếng nói Việt Nam, hay là đài Giải phóng để nghe tin tức.
   Mặt trời đã lên cao, năng lượng mặt trời đã đốt nóng, làm cho những tầu lá sắn không còn mượt mà xanh mướt như lúc buổi sớm nữa, giờ nhìn chúng có vẻ thô ráp gân guốc, quan sát tầu lá sắn tôi có cảm giác như chúng đang gồng lên để chuẩn bị chịu đựng một ngày nắng nóng. Lưng áo tôi cũng đã nhớp nháp mồ hôi.
   Tôi đẩy chiếc ba lô vào sát gốc cây sắn to nhất, rồi tựa lưng vào ba lô, hai chân duỗi dài, nằm ngửa mặt lên trời, tôi nhìn trời qua kẽ của những tầu lá sắn. Trời xanh ngằn ngặt, cao vút, thi thoảng có những đám mây trắng mỏng tang nhẹ như bông, đuổi nhau bay về hướng Sài Gòn. Tôi nhắm mắt lại lắng nghe âm thanh ở xung quanh. Một mớ âm thanh hỗn độn, đang nhào lộn vào nhau, người nói người cười, tiếng đài nói tiếng ca nhạc, tiếng dò sóng tìm đài sột soạt, tiếng một đài nào đó nói xoe xóe rồi lập tức bị một đài khác nói tiếng Trung quốc đè lên giọng cứ lủng xủng loảng xoảng. Tôi mở mắt ra nhìn xung quanh, dưới gốc những cây sắn, anh em bộ đội đang ngồi tụm năm tụm ba để nghe đài. Những chiếc đài chiến lợi phẩm thu được từ khi giải phóng Buôn Ma Thuột, vẫn theo anh em chúng tôi, chiếc thì to bằng hai bàn tay, chiếc thì bằng bàn tay, chiếc mầu đen chiếc màu đỏ. Mỗi nhóm nghe một đài phát thanh, ai cũng muốn nghe cho rõ nên tất cả đều mở hết công suất. Tôi cố gắng tập trung để nghe lấy một đài xem có nghe được không nhưng kỳ thực chỉ nghe tiếng được tiếng mất nên cuối cùng là không hiểu gì.
   Tôi cứ chìm dần vào mớ âm thanh hỗn độn ấy, trong lúc mơ màng tôi tưởng tượng tôi đang được nghe bản nhạc đồng quê du dương trầm bổng. Biết bao kỷ niệm của quá khứ ùa về, từ cảnh vật đến con người sao mà thân thương, sao mà da diết thế. Nhiều quá, nhưng lại nhanh quá, có những hình ảnh tôi muốn nó từ từ để hình dung cho rõ hơn, nhưng không được, nó cứ mải miết chạy qua, bỏ lại tôi phía sau với biết bao những kỷ niệm khác cũng đang chen lấn xô đẩy. Tôi cố tìm cách điều chỉnh để mọi việc xảy ra từ từ, nhưng không được, đầu cứ nặng chĩu luẩn quẩn không thoát ra được, chân tay thì ngọ nguậy nhưng bất lực. Đúng lúc ấy, hình ảnh của hai người phụ nữ mà tôi yêu quý nhất bỗng dưng xuất hiện, đó là Mẹ tôi và Vân người mà tôi yêu. Tôi vội đuổi theo nhưng rất lạ, có lúc nhìn thấy có lúc không nhìn thấy, lúc sáng lúc tối. Một cơn gió thổi qua làm cây sắn xô dạt, ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt tôi làm tôi bừng tỉnh. À thì ra tôi đang ngủ, tôi mơ về mẹ và Vân, khi mơ có lúc sáng lúc tối, lúc nhìn thấy lúc không nhìn thấy có lẽ là do ánh nắng mặt trời chiếu qua lá sắn chiếu vào mắt tôi lúc sáng lúc tối.
    Tôi lại nghĩ về mẹ tôi. Mẹ ơi! Mẹ có được khỏe không? Con đang chuẩn bị bước vào trận đánh vô cùng quan trọng, đó là trận đánh vào Sài Gòn - Gia Định thủ phủ của chính quyền VNCH. Trận này chắc chắc sẽ gay go và ác liệt, bởi vì một bên thì cố giữ, một bên cương quyết giải phóng, hai luồng tư tưởng đối địch nhau thì phải giải quyết bằng một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng này đã kéo dài hơn hai mươi năm, đã tốn biết bao nhiêu của cải vật chất, công sức và xương máu của biết bao nhiêu người Việt Nam. Hiện nay quân giải phóng đang xiết chặt vòng vây quanh Sài Gòn - Chợ lớn, bọn ngụy quân ngụy quyền đang rất hoang mang dao động. Đây là thời điểm quan trọng để quyết định vận mệnh của đất nước là giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
   Mẹ ơi! Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đã đến rất gần, sau ngày đó con lại được về với mẹ. Con sẽ kể cho mẹ nghe rất nhiều chuyện, mẹ hãy cố gắng giữ dìn sức khỏe chờ đến ngày đó để con kể cho mẹ nghe. Mẹ có biết không? Vậy là con đã xa mẹ lên đường đi chiến đấu được gần 1500 ngày rồi. Mỗi một ngày qua đi, không biết có bao nhiêu lần con nghĩ về mẹ, có những lúc nước mắt tự nhiên cứ trào ra, sợ mọi người nhìn thấy, con lại vội vã lau đi, nhiều khi con thèm khóc vì nhớ mẹ con đã tìm chỗ vắng để không ai biết, ngồi khóc một mình, khóc cho thoải mải để vơi đi cơn nhớ mẹ. Những lúc ấy, con cứ tự nhủ: Nếu còn sống trở về con sẽ kể lại tất cả cho mẹ nghe, khi đó chắc mẹ sẽ chê con là: Làm bộ đội cụ Hồ, đi đánh giặc rồi mà còn khóc nhè.
   Nghĩ đến ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, đang đến gần chúng con vui sướng quá. Nhìn anh em đồng đội, cùng vào sinh ra tử sống chết có nhau, bây giờ đang chuẩn bị bước vào trận đánh quyết định, một trận đánh sinh tử một mất một còn. Tất cả anh em chúng con đã sẵn sàng, chúng con vẫn biết rằng: Chiến tranh là có tổn thất, sau cuộc chiến đấu này sẽ có người còn người mất, nhưng không sao, chuyện ấy là tất yếu vì thế nên chúng con rất thanh thản bước vào trận đánh.
   Mẹ ơi! Nếu sắp sửa đến ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và kết thúc chiến tranh, mà chẳng may con trai của mẹ ngã xuống, thì đấy có lẽ là điều khủng khiếp nhất của cuộc đời mẹ, chắc là mẹ buồn lắm. Con biết điều ấy không có một người mẹ nào trên thế gian này mong muốn, nhưng một khi Tổ quốc cần thì mọi gia đình phải chấp nhận hy sinh, âu đó cũng là lẽ bình thường. Sự hy sinh của con khi ấy, con biết là mẹ sẽ rất đau khổ. Nhưng mẹ ơi! Mẹ hãy nén đau thương để mà tự hào về con trai của mẹ, con của mẹ đã được tham gia suốt chiều dài của những chiến dịch giải phóng Miền nam thống nhất đất nước, những chiến dịch ấy, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc sẽ ghi thêm những mốc son chói lọi. Đó là: Chiến dịch giải phóng Quảng Trị; Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột; Giải phóng Xuân Lộc; Bây giờ là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước…
    Đang chìm vào suy tưởng, thì nghe có người gọi tên tôi, tiếng gọi lọt thỏm vào không gian ầm ỹ của nhiều thứ âm thanh, tôi chờ nghe tiếng gọi lại, thì lại được nghe tiếng của ai đó nói:
    -Để anh ấy ngủ gọi dậy làm gì, khi nào có cơm thì gọi anh ấy dậy ăn.
   Như vậy là buổi sáng đã qua đi, chẳng ai thèm đả động gì đến trung đoàn 95 sư 325. Tôi nghĩ thật là khó hiểu. Tại sao? Tất cả các cánh quân đang ào ạt tiến vào Sài Gòn – Gia định, trong khi đó một trung đoàn lại nằm đây. Có phải Bộ chỉ huy chiến dịch quên trung đoàn 95 sư 325 không? Hay là có ý đồ chiến lược gì? Vô lý, không thể quên cả một trung đoàn được, cứ bình tĩnh chờ đợi. Tôi tự nhủ thầm như vậy.
   Tôi lại trở về với Vân, người mà tôi yêu quý và trân trọng. Vân ơi! đã lâu, anh không còn hình dung được hình ảnh của Vân bây giờ thế nào? Chúng ta xa nhau đã hơn ba năm rồi còn gì. Ba năm đối với người phụ nữ đã có biết bao nhiêu thay đổi, nào là công danh nào là sự nghiệp, nào là chồng con. Cuộc sống là như vậy, nó là định mệnh đối với mỗi con người, sự thay đổi theo chiều hướng phát triển là một điều tất yếu, không có thay đổi mới là điều đáng sợ, có phải thế không em? Ở trong chiến trường, lúc nào anh cũng nghĩ về em, anh cầu xin Trời-Đất phù hộ cho em gặp may mắn.  Vân à! hôm nay em có đoán được anh đang ở đâu không? Anh đang ở cửa ngõ Sài Gòn, bọn anh đang chuẩn bị đánh vào Sài Gòn - Gia Định, dinh lũy cuối cùng của chính phủ VNCH. Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đã đến rất gần, hàng triệu triệu con tim, trong đó có em và anh cũng đang mong chờ ngày đó. Chúng ta sẽ chiến thắng, ngày mà chúng ta gặp nhau không còn xa nữa…
   Đúng lúc ấy có tiếng gọi nhau đi ăn cơm, cũng là lúc cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Dũng quay sang nói với tôi:
    -Anh em mình đi ăn cơm thôi!
   Tôi uể oải đứng dậy lấy bát đi ăn cơm cùng với anh em, thật ra lúc này ăn uống cũng chẳng có hưng phấn gì, ăn thật nhanh, ăn cho qua bữa để sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Mọi người đang tập trung vào ăn cơm, vừa ăn lại vừa nói chuyện tiếu lâm cười đùa vui vẻ. Bỗng nhiên ở góc nào đó có tiếng hét lên:
    -Đầu hàng rồi! Anh em ơi! Chúng nó đầu hàng rồi.
   Tất cả mọi người quay về hướng có tiếng thét, để xem có chuyện gì xảy ra, thì lại thấy có mấy anh em cởi trần trùng trục, hắt tung cả bát cơm lên trời và nhảy cẫng lên rồi hô lớn:
    -Giải phóng Sài gòn rồi anh em ơi! Tổng thống Dương văn Minh đã tuyên bố đầu hàng rồi.
    Nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ và hỏi lại:
    -Sao chúng mày biết được.
    -Các anh mở đài ra mà nghe, thật đấy, không phải chúng em bịa đâu.
    -Đài nào? Từ sáng đến giờ lúc nào tao cũng nghe đài sao không thấy?
    -Ờ nhỉ! Em quên mất, không biết là đài nào. Hình như là đài VNCH, các anh cứ dò là thấy.
   Kể từ lúc ấy, cả đơn vị không còn ai thiết tưởng đến cơm nước. Ai có gì dùng nấy, miễn là nó phát ra tiếng kêu, vừa gõ vừa la hét cứ ầm ỹ cả lên. Người thì gõ xoong quân dụng, người thì gõ vunng xoong, người gõ muôi, gõ bát, người gõ bình tông, hăng say quá đến nỗi tất cả mọi thứ đều bẹp dúm nhưng vẫn không ai chịu dừng lại. Có nhóm cởi trần trùng trục, ôm nhau nhảy múa trong vườn sắn giữa trưa hè nắng rát, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt mũi thì dính toàn nhọ nồi của đít xoong đít nồi nhưng vẫn hò hét vẫn múa hát.
   Tôi nghĩ về bố mẹ, về gia đình, về những người thân yêu, về miền quê quanh năm nghèo đói. Tôi nghĩ đến ngày tôi được trở về với bố mẹ với quê hương, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi ôm lấy thằng Dũng “Còm”, hai anh em ôm chặt lấy nhau, nước mắt của nó cũng ướt đẫm vai áo tôi, nó nghẹn ngào hỏi tôi:
    -Liệu có hòa bình thật không anh? Em chỉ sợ ngừng bắn mấy ngày, rồi lại đánh nhau.
   Tôi vỗ về nó:
    -Không có chuyện ấy đâu em. Tổng thống VNCH Dương văn Minh đã tuyên bố trên đài phát thanh, cho cả thế giới biết là chính phủ VNCH đã đầu hàng quân giải phóng miền Nam việt Nam vô điều kiện, thì sẽ không bao giờ có chuyện phản bội lời tuyên bố đó.
   Mọi người thấy tôi và Dũng ôm nhau, họ không kìm được sự sung sướng cũng lao vào ôm chầm lấy chúng tôi, thành một khối người. Tiếng nói tiếng cười, nước mắt tất cả hòa quyện vào nhau trong niềm vui bất tận của những người chiến thắng…
    Bây giờ là 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sự sung sướng này không biết bao giờ dừng lại…
(Còn nữa).

   
 
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #144 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2012, 10:51:07 am »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
         Về thành Tuy Hạ, tính đến hôm nay có nhẽ đã được hơn nửa tháng.  Lính chúng tôi đang quen xông pha trận mạc, quen với gió sương, quen sống tự do giữa đại ngàn, bây giờ bị đưa vào ở khu trại lính của quân lực VNCH, trong khu kho thành Tuy Hạ. Chúng tôi như con chim bị nhốt trong lồng, con cá bị thả vào chậu, tù túng ngột ngạt. Ở đây, tuy rằng có nhà có cửa đàng hoàng, nhưng cũng có luôn cả hàng rào và bốt gác, kèm theo là nội quy và quy chế khi ra vào kho thành Tuy Hạ. Mỗi khi có việc cần ra ngoài lại phải xin phép, chúng tôi cảm thấy bức bối khó chịu, chưa thể hòa hợp ngay được.
   Về đây, chúng tôi được quán triệt nhiệm vụ là: Phối hợp với bộ đội chuyên ngành kỹ thuật để trông coi và bảo vệ kho vũ khí, khí tài lớn nhất Đông Dương. Các anh còn nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác, canh phòng nghiêm ngặt, không để kẻ địch lọt vào phá hoại, nhất là trong điều kiện đây là vùng vừa mới được giải phóng, vấn đề an ninh chính trị và trật tự xã hội còn vô cùng phức tạp, chúng ta không thể tin ai ngoài chúng ta…
    Nghe các anh trong ban chỉ huy quán triệt thì biết vậy, chứ anh em chúng tôi có được vào vòng trong đâu mà biết lớn nhất hay lớn nhì Đông Dương, ở trong ấy có những vũ khí khí tài gì cũng không biết, thậm chí chúng tôi có được vào trong ấy đâu mà biết, chỉ được đứng xa xa nhìn xem anh em bộ đội kỹ thuật họ đi lại trong ấy. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại về nhiệm vụ của mình cũng thấy lo lo, anh em chúng tôi tự giác bảo nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
    Ngày đầu tiên về thành Tuy Hạ, nghe mọi người nói: Trung đoàn 95 sau một thời gian dài đi phối thuộc, tuy rằng bị tổn thất tương đối nhiều ở Xuân Lộc, nhưng trung đoàn 95 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về với sự hân hoan chào đón của cán bộ chiến sĩ  sư đoàn 325. Khi trung đoàn 95 trở về, được mọi người ở Bộ chỉ huy của sư 325 tỏ ý thông cảm và chia sẻ với trung đoàn 95, vì phải chiến đấu xa đơn vị. Nghe mọi người nói thế lúc đầu tôi không hiểu, tôi cứ nghĩ ở đâu mà chẳng là nhiệm vụ được phân công. Mãi sau này tôi mới vỡ dần ra, nhất là khi nghe anh bạn của tôi ở trinh sát sư đoàn nói như mắng tôi, có thế mà ông cũng không hiểu:
    -Ở nhà với bố mẹ thì tất cả những khó khăn gian khổ đều được chia đều, được bố mẹ quan tâm giúp đỡ. Đằng này lại một thân một mình, đi phối thuộc với các đơn vị khác, hoạt động ở một vùng khác, bố mẹ có muốn quan tâm cũng chả được v.v.
   Ừ, nghĩ lại cũng thấy có cái lý đúng của nó, ví như cái vụ ngày 30 tháng 4 vừa rồi nếu đi cùng sư đoàn thì thế nào cũng được đánh vào Sài Gòn, đằng này lại cứ phải ở vườn sắn. Nghĩ lại cũng thấy cay mũi…
   Về đóng quân ở thành Tuy Hạ, nhiều đêm tôi trần trọc rất khó ngủ, có lẽ không riêng gì tôi mà nhiều anh em có lẽ cũng khó ngủ giống tôi. Đây chắc cũng chẳng phải là bệnh lý gì gây ra mất ngủ, mà tôi cho rằng: Nguyên nhân chính gây ra mất ngủ là hội chứng chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Có lẽ đúng như vậy: Đất nước sau chiến tranh có biết bao nhiêu việc phải làm, mỗi con người sau chiến tranh cũng thế, còn biết bao dự định vẫn chưa thực hiện. Bây giờ làm gì trước làm gì sau, nên làm hay chưa nên làm, tất cả đều muốn nhanh chóng trở thành hiện thực. Hiềm một nỗi là mọi suy nghĩ đều chưa hội tụ đủ các điều kiện, chưa việc nào rõ ràng nên cứ rối bời, chính vì thế lại càng làm cho chúng tôi thêm nóng ruột. Ấy là chưa kể đến dư âm của chiến thắng 30 tháng 4, đã ngấm vào máu, nó giống như chất kích thích, làm con người lúc nào cũng có cảm giác lâng lâng sung sướng. Hết thẩy những thứ ấy đều là nguyên nhân của sự mất ngủ.
   Tối nay cũng giống như những tối khác, cơm nước xong anh em lại tụ tập quanh chỗ tôi để trà lá. Từ ngày giải phóng Buôn Ma Thuột đến giờ, tôi trở thành trung tâm của hội trà lá, khách khứa là anh em đến với tôi mỗi lúc lại nhiều hơn. Lúc trước, hồi còn ở Quảng Trị. Anh em C20 đã biết tôi là một con nghiện nặng, thông qua hai vụ nổi danh ở thời kỳ đó.
   Vụ thứ nhất, hồi C20 đặt đài quan sát ở động Ông Do, đã mấy ngày anh em trên đài hết thuốc lào để hút, chúng tôi phải cạo nõ điếu để lấy cao, lấy nước điếu, mang ngâm tẩm với lá Sim để hút cho đỡ cơn nghiện. Một hôm, qua ống nhòm tôi nhìn xuống đường “Tăng” thấy có một đoàn dân công hỏa tuyến đang hành quân về phía chúng tôi. Tôi nói với anh em, bây giờ muốn có thuốc hút chỉ có cách là phải xuống núi, đến gặp đoàn dân công kia để xin, may ra thì được. Tất cả đồng ý, nhưng ai đi thì lại gặp khó khăn, nói thật từ đài quan sát xuống đường “Tăng” cũng cao và xa lắm, leo lên leo xuống cũng ốm, vì thế mấy đứa cứ đùn đẩy nhau, cuối cùng là tôi đi. Hôm ấy, sự vất vả thì không đáng nói, điều đáng nói nhất là tôi phạm phải hai sai lầm. Thứ nhất, quên mất việc đã nhận được thông báo của đài kỹ thuật là khu vực này thuộc tọa độ bị ném bom hôm nay. Thứ hai, do thèm quá, nhịn lâu ngày mới được hút mà lại là nõ điếu của Thanh Hóa nữa nó rất to, khi nhét thuốc tôi hơi tham nên nhét nhiều. Vì vậy, khi hút xong là tôi không biết gì nữa, một loạt bom nổ rất gần làm tôi tỉnh dậy  tôi thấy mình đang nằm trong hầm cùng với mọi người, khói bom sặc sụa.
   Vụ thứ hai. Hồi C20 còn đóng quân ở Nại cửu, Triệu Phong, Quảng Trị, đơn vị tổ chức đi dã ngoại ở cao điểm 241 gần căn cứ Đầu Mầu. Ở đấy tôi đang chăm chú quan sát khẩu pháo “Vua chiến trường 175 ly” tình cờ tôi nhặt được Anbum ảnh nhấp nháy, tôi giấu biến làm của riêng. Cũng thời gian ấy, quân ta tấn công căn cứ Thượng Đức, do gặp phải sự chống trả điên cuồng của địch, quân ta bị tổn thất tương đối nhiều. Hôm ấy, tôi gặp một đơn vị bộ đội mới từ ngoài Bắc vào để bổ xung đánh Thượng Đức, chúng tôi làm quen nhau và tìm đồng hương để xin thuốc lào. Tôi là lính cũ, còn họ là lính mới, tôi kể cho họ nghe những chuyện ở chiến trường, tôi khoe tập anbum mà tôi nhặt được, mọi người xem thấy thích lắm, tôi gạ họ đổi lấy mì chính và thuốc lào, họ đồng ý ngay. Tôi cảnh tỉnh họ: Đây là những bức ảnh cấm, phải dấu kín không cho ai biết. Vụ đổi chác ấy tôi cũng thu hoạch kha khá mì chính và thuốc lào. Khi về đơn vị tôi chia cho mỗi nhóm một ít, mọi người hỏi lấy đâu ra, nhưng tôi không nói, sau này rồi mọi người cũng biết.
   Sau hai vụ nổi đình đám ấy, tôi trở thành tên nghiện có tiếng, kể từ đó đơn vị nếu có ai đi đâu, khi về là tôi đều có quà, khi là vê thuốc lào khi là dăm điếu thuốc lá.
   Nhưng bây giờ thì khác rồi, sau cái đêm 10 tháng 3 năm 1975, giải phóng Buôn Ma Thuột, đời sống chúng tôi được cải thiện nhiều, thuốc lá Rubi của quân tiếp vụ, trà Blao thì ai cũng có, có rất nhiều, ngoài ra chúng tôi còn có cả phích đựng nước sôi và bộ ấm chén để pha trà. Tôi được enh em phong cho cái tên là: “Anh già bán nước” và được miễn trừ tất cả các công việc khác, chỉ phải mang trà thuốc và dụng cụ để pha nước. Mấy bữa trước ở Xuân Lộc đánh nhau ác liệt là vậy, mà chúng tôi vẫn giữ được bộ đồ pha nước, để đến hôm nay chúng tôi lại cùng nhau ngồi bên chén nước trà Blao tỏa hương thơm ngát.
    Sắp tàn cuộc trà thì cũng là lúc đến giờ sinh hoạt của đơn vị, liên lạc của đại đội xuống mời tôi lên gặp ban chỉ huy đại đội. Tôi nghĩ là tôi bị gọi lên để phê bình về việc rượu chè lúc ban chiều, bây giờ lại tụ  tập anh em để trà lá. Nghĩ thế nên trong đầu tôi phác thảo ngay phương án trả lời.
    Nếu là chuyện uống bia Laze ở cổng doanh trại hồi chiều, thì tôi sẽ nói là gặp bạn bè cùng học một trường, cùng vào chiến trường một ngày bây giờ mới gặp nhau nên mời nhau uống bia, mấy anh bạn do lâu ngày mới được uống mà lại uống nhiều nên bị say, nhưng không xảy ra chuyện gì lộn xộn, chỉ có điều người dân vùng mới giải phóng họ nhìn thấy bộ đội say xỉn như vậy là không hay lắm. Nhưng theo tôi nghĩ, chuyện chỉ có như vậy thì cũng chẳng có gì đáng quân tâm, chỉ sợ có ai đó buôn chuyện là chúng tôi không có tiền phải gán đồng hồ để uống bia.
   Còn chuyện tối nào cũng tụ tập để trà lá, thì có gì là sai. Cơm xong anh em ngồi túm tụm với nhau uống chén trà hút điếu thuốc, kể chuyện tiếu lâm cười đùa vui vẻ, không cãi nhau hay chia bè phái, không vi phạm vào giờ giấc sinh hoạt của đơn vị. Vậy thì chẳng có gì là sai cả, nghĩ thế nên tôi vững tâm, chỉ còn lăn tăn mỗi vấn đề gán đồng hồ để uống bia.
    Về đây đóng quân, có nhiều cái sướng nhưng cũng không ít cái khổ. Cái sướng thì ai cũng biết rồi, đang từ rừng sâu núi đỏ, bom đạn suốt ngày uỳnh oàng, thiếu thốn trăm bề. Bây giờ về đây không còn phải lo súng đạn, lại còn về gần thành phố thị xã, cái gì cũng có. Sướng là vậy nhưng cái khổ có ai biết cho đâu, mà chết một nỗi là cái khổ này không nói ra được. Ngày xưa, cái ngày mà còn ở trong rừng thì không sao, bây giờ đã ra phố xá, nơi đông người qua lại, nam có nữ có, nghĩ mà thương anh em, thương mình. Tất cả đang tuổi ăn tuổi lớn, nhu cầu về sinh lý rất cao, chỉ biết ngồi nhìn phố xá để đi lạc vào rừng mơ.
  Khổ nhất là hàng ngày, ngày nào cũng như ngày nào, cứ phải ngửi mùi café mùi mực nướng, cứ phải ngắm nhìn các cô gái tuổi bẻ gãy sừng trâu, cứ lượn lờ ở quán Café, quán Laze xung quanh cổng doanh trại. Đã thế các cô còn ăn mặc khêu gợi hở hang để câu khách, áo thì bó sát lấy người, những chỗ gợi cảm cứ muốn bứt tung hàng khuy áo để nhảy ra ngoài cho thoáng, nhưng không ra được cứ lấp ló sau lớp vải mỏng tang che bộ ngực tròn đầy đặn. Bề ngang áo là thế, bề dài của áo cũng chẳng kém cạnh, cứ ngắn cũn cỡn để hở cả rốn, tuy nó chỉ là cái rốn nhưng mọi người lại rất ưa nhìn. Tệ hại hơn cả là cái quần, mà người ta gọi là quần ống loe. Loại quần này chỗ thì thừa quá nhiều vải, chỗ thì quá tiết kiệm vải, nên nó bó sát lấy người, làm nổi hết những đường cong huyền bí của tạo hóa đã ban tặng cho người con gái, để tập trung sự chú ý của mọi người hơn nữa, họ còn đính vào đấy một hàng khuy bạc sáng lấp lánh. Thật là hết chỗ nói.
   Tất cả những cám dỗ này, cũng là nguyên nhân của việc chúng tôi bị say bia hồi chiều, rồi phải gán cả đồng hồ. Nhưng tôi sẽ không khai.
(Còn nữa).
   
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #145 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 11:03:07 am »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Tôi vào phòng của ban chỉ huy đại đội, thấy chính trị viên; đại đội trưởng và đại đội phó cả ba người đều có nhà. Mọi người niềm nở nhìn tôi và mời tôi ngồi, tôi thoáng nghĩ trong đầu: Kiểu này là có vấn đề đây. Tôi ngồi xuống, nhưng vẫn giữ thái độ dè chừng để chuẩn bị trả lời những gì mà tôi đã chuẩn bị khi lên đây. Đồng chí đại đội trưởng nhìn tôi và quay sang nói với đồng chí chính trị viên:
    -Anh làm việc với anh Quân, chúng tôi xin phép đi xuống các đơn vị  dự sinh hoạt với anh em. Anh Quân mà ở lại được thì tốt.
   Nói xong hai người ra ngoài, tôi ngồi đối diện với đồng chí chính trị viên, mắt tôi chăm chú theo dõi mọi cử động của anh, nhưng đầu thì lại nghĩ đến câu nói của đồng chí đại đội trưởng ban nãy, tôi hơi lờ mờ đoán ra chuyện gì, nhưng chưa thật vững tin. Chúng tôi ngồi uống nước, đồng chí chính trị viên trao đổi với tôi về một số vấn đề diễn biến tư tưởng của đơn vị.
   Thú thực, chuyện diễn biến tư tưởng hay không diễn biến tư tưởng của đơn vị, tôi có quan tâm gì đâu, mà tôi chẳng có trách nhiệm gì để quan tâm. Vì vậy, khi đồng chí chính trị viên nói, tôi cũng vâng dạ, ậm ờ cho qua chuyện. Nhưng thật ra, tôi cũng đồng ý với nhận định của đồng chí chính trị viên: Đây là thời điểm diễn biến tư tưởng phức tạp nhất.
   Về phương diện cá nhân, tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với ban chỉ huy đại đội ở thời điểm khó khăn này. Tôi nói:
    -Đúng như vậy, chiến tranh đã chấm dứt, anh em ai cũng muốn được trở về quê hương, trước hết là để thăm bố mẹ, anh chị em ruột thịt, bà con chòm xóm xem ai còn ai mất, mọi người có được mạnh khỏe không? Hoàn cảnh và điều kiện sống của mọi người thế nào? Con cái đã khôn lớn chưa, học hành ra sao? Sau là mong muốn được trở lại với quê hương để tiếp tục thực hiện những công việc, những ước mơ, những điều hò hẹn còn đang dở dang trước khi nhập ngũ. Hoặc chí ít cũng được nghỉ tranh thủ về qua nhà ít ngày rồi sẽ quay lại đơn vị. Khi ấy mới thực sự yên tâm công tác, tôi thiết nghĩ đòi hỏi này của anh em là chính đáng, vì vậy cũng mong các anh quan tâm vấn đề này.
   Nói đến đấy, tôi dừng lại nhìn đồng chí chính trị viên. Cả hai chúng tôi đều im lặng, mỗi người đuổi theo suy nghĩ của mình. Lúc sau đồng chí chính trị viên nói với tôi:
    -Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, nhưng ngặt một nỗi là cả sư đoàn và trung đoàn cũng chưa có chủ trương này. Thật ra tôi biết là, các anh ấy cũng muốn giải quyết, nhưng có lẽ còn nhiều vấn đề phức tạp nên phải giải quyết từ từ. Những chuyện phức tạp này lại không thể phổ biến cho anh em biết được, sợ rằng nếu phổ biến thì anh em càng hoang mang dao động, khi ấy lại càng bất lợi.
   Suy nghĩ một lát rồi đồng chí lại tiếp tục:
    -Hôm nay ban chỉ huy đại đội mời anh lên để trao đổi một số vấn đề, những vấn đề tôi sắp trao đổi, có liên quan đến anh và đến anh em trong đơn vị, đến câu chuyện mà chúng ta đang nói.
   Thấy đồng chí chính trị viên nói thế, có tật giật mình. Tôi nghĩ ngay đến câu chuyện mà tôi rủ rê anh em ra quán uống bia, uống say khướt đến nỗi không có tiền để trả mà phải gán cả đồng hồ. Tôi đang tìm câu trả lời thì đồng chí lại nói tiếp:
    -Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, diễn ra thần tốc, quyết liệt và nhanh gọn, làm cho kẻ thù không biết xoay sở ra sao, chỉ còn biết đầu hàng. Chiến thắng này, cũng làm cho thế giới sững sờ và cảm phục trước sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đã có chiến thắng, nhưng làm thế nào để chúng ta bảo vệ được chiến thắng trọn vẹn mới là điều quan trọng. Anh biết đấy: Tình hình biên giới Campuchia cũng đang rất căng thẳng, các thế lực trong nước và nước ngoài cấu kết với nhau đang ráo riết hoạt động chống diễn biến hòa bình, nhằm phá hoại thành quả cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã tốn biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu mới đạt được.
    Đồng chí chính trị viên dừng lại nhìn tôi. Tôi nghĩ, có vấn đề gì đâu mà đồng chí lại quan trọng hóa vấn đề và nâng quan điểm ghê quá. Nếu tôi có hành động gì không đúng thì cứ nói thẳng, việc gì cứ phải vòng vo con nhện như vậy, đúng là bệnh nghề nghiệp. Suy nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn ngồi im để chịu trận.
   Sau khi nhấp một hớp nước cho đỡ khô cổ, đồng chí nói tiếp:
    -Hiện nay ở khu vực trung đoàn của chúng ta đóng quân, tình hình an ninh rất phức tạp, đã có dấu hiệu thủ tiêu bộ đội, tổ chức phao tin thất thiệt để bôi nhọ cách mạng, tạo ra những bằng chứng giả, những hiện trường giả để đổ lỗi cho bộ đội và gây chia rẽ giữa bộ đội với nhân dân, chia rẽ trong nội bộ những người dân với nhau, tìm cách cô lập những gia đình tham gia kháng chiến hoặc có công với cách mạng. Thâm độc nhất của bọn này là không lộ diện, không biểu hiện chống đối, bề ngoài thì vui vẻ lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ cách mạng, nhưng bên trong thì ngấm ngầm xúi dục kích động bà con để thực hiện âm mưu thâm độc của chúng. Tóm lại, bọn phản động đang tìm mọi cách để chống phá cách mạng.
   Đồng chí chính trị viên rót một chén nước mời tôi rồi lại tiếp tục, giọng đồng chí lúc này có vẻ nhỏ nhẹ và lắng đọng hơn. Đồng chí nói:
    -Trước tình hình an ninh vùng mới giải phóng còn đang diễn biến phức tạp, trung đoàn yêu cầu chúng ta phải có các tổ công tác xuống nơi đó nằm vùng. Mục đích là để: Tuyên truyền, giáo dục chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam; Xem xét cụ thể để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh hàng ngày giữa nhân dân với bộ đội; Giúp đỡ chính quyền ở địa phương giải quyết những vấn đề nội bộ của địa phương; Quan trọng nhất là theo dõi để phát hiện những hoạt động chống phá cách mạng của những phần tử phản động, đồng thời phải kịp thời nắm bắt được diễn biến về tư tưởng tình cảm của nhân dân đối với bộ đội đối với chính quyền cách mạng.
   Với yêu cầu và nhiệm vụ như vậy, đơn vị thấy rằng chỉ có các đồng chí sinh viên là đáp ứng tốt nhiệm vụ này. Nhớ lại, thời kỳ ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 27 tháng 1 năm 1973.  Hồi ấy mình đang ở Quảng Trị, đơn vị cũng đã cử anh tham gia vào Ban hòa hợp dân tộc để đi nói chuyện với phía quân lực VNCH, chúng tôi thấy anh làm rất tốt, lần này cũng muốn anh tham gia.
   Thấy đồng chí chính trị viên nói thế, tôi thở phào nhẹ nhõm và tự trách mình hay quá lo xa, tự nhiên tôi thấy phấn chấn hẳn lên, không còn phải lo lắng gì về câu chuyện uống bia lúc chiều, hưng phấn quá tôi trả lời ngay:
    -Được các anh tin tưởng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
    -Xin cám ơn anh! Đồng chí cám ơn tôi rồi nói tiếp:
    -Còn bây giờ là một thông tin thú vị đối với các anh sinh viên. Chắc anh cũng nắm được, hiện nay cấp trên đang có chủ trương gửi trả các anh sinh viên về trường cũ để tiếp tục học tập. Công tác này đã được triển khai tới từng đơn vị, vấn đề chỉ còn là thời gian, theo tôi nghĩ chắc vào khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm nay(1975) là cùng. Bây giờ mới là trung tuần tháng 6, anh đi khoảng một tháng hay tháng rưỡi khi đó về là vừa.
    Thú thực là tôi cũng đã nghe phong thanh được thông tin này, nhưng mà là nghe tin vỉa hè thôi, chưa đủ niềm tin. Hôm nay được nghe chính thức từ đồng chí chính trị viên nói ra tôi vui quá, tôi muốn nhảy tung lên và hô thật to: Tôi sắp được về Miền Bắc rồi anh em ơi! Nhưng tôi cố kìm sự sung sướng này lại, để tiếp tục nghe đồng chí chính trị viên nói.
   Đồng chí chính trị viên say sưa tiếp tục mạch câu chuyện:
    -Còn chuyện này, tôi suy nghĩ mãi không biết có nên nói với anh không? Hai anh: Đại đội trưởng và đại đội phó thì cứ đề nghị tôi nói. Tôi cũng thấy thật là khó nói, không biết nói thế nào để anh hiểu và thông cảm cho chúng tôi vì đây không phải là mệnh lệnh. Nhưng tôi nghĩ anh là chỗ thân tình nên tôi nói, biết đâu điều ấy có thể anh chưa bao giờ nghĩ đến. Đấy là câu chuyện: Chiến tranh đã kết thúc, bây giờ là lúc phải xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam lên chính quy hiện đại, để ngang tầm với thế và lực của chúng ta trên trường Quốc tế. Muốn làm được điều ấy, trước mắt cần phải có một lực lượng nòng cốt, từ đó sẽ đào tạo lực lượng này trở thành những sĩ quan ưu tú, vừa có kinh nghiệm chiến đấu, lại vừa có kiến thức chuyên môn, nắm vững được khoa học kỹ thuật, trở về làm cán bộ nòng cốt của trung đoàn. Trung đoàn đang muốn mời các anh ở lại để tham gia xây dựng lực lượng nòng cốt này.
   Đồng chí chính trị viên khẽ hắng giọng và tiếp tục:
    -Vấn đề này, không nhất thiết phải trả lời ngay, anh cứ suy nghĩ và trả lời chúng tôi càng sớm càng tốt. Chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác với anh.
   Câu chuyện giữa tôi với đồng chí chính trị viên còn kéo dài thêm một thời gian nữa, chúng tôi nói với nhau nhiều chủ đề khác. Sau đó tôi xin phép ra về.
   Ra khỏi nhà của ban chỉ huy đại đội, tôi đi như bay về tiểu đội. Trong tôi lúc này đang trào lên một cảm giác sung sướng đến tột cùng, chỉ còn độ hai tháng nữa là tôi được về thăm bố mẹ thăm gia đình, thăm những người tôi yêu thương. Cao hứng, tôi châm một điếu thuốc Ruby của quân tiếp vụ, rít một hơi dài, điếu thuốc bị móp lại, tàn thuốc cháy đỏ hồng nhưng vẫn tròn trịa. Tôi nằm vật ra tấm phản, ngửa mặt lên trần nhà, nhìn làn khói thuốc đuổi nhau bay bay ra ngoài cửa sổ. Chợt tôi nghĩ đến Vân, nhớ đến giai điệu bài hát: Bèo dạt mây trôi mà khi còn đi học Vân vẫn thường hát, tôi se sẽ gõ nhịp lên tấm phản…
   Anh em đi sinh hoạt về, thấy tôi nằm ngửa trên tấm phản. Mọi người tưởng có chuyện gì, xúm đến hỏi thăm. Tôi ngồi lên, kể cho mọi người nghe nội dung làm việc của đồng chí chính trị viên với tôi. Các vấn đề khác thì tôi không nói, chỉ nói về nhiệm vụ của đợt đi công tác lần này.
   Dũng cứ chăm chú nhìn tôi với thái độ dò xét rồi nó hỏi:
    -Còn những chuyện khác thì sao?
   Tôi cười, hỏi lại nó:
    -Chuyện khác là chuyện gì?
    -Thì là chuyện uống bia chiều nay, ở cổng doanh trại ấy.
   Nó trả lời tôi, tôi biết nó cũng dính dáng đến vụ này nên tôi úp mở:
    -Chuyện này chính trị viên nói: Sẽ được bàn sau.
   Nói xong tôi nháy nháy mắt với anh em, ý nói là chảng có vấn đề gì đâu, coi như không có chuyện gì xảy ra.
   Thấy vậy, anh em ai cũng vui vẻ, nằm la liệt lên những tấm phản được kê làm giường ngủ và nghêu ngao hát, mỗi người hát mỗi bài, chẳng bài nào đến đầu đến đuôi.
(Còn nữa).
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #146 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 10:11:39 pm »


         Những địa danh Túc Trưng, Gia kiệm, Dầu Dây lúc đó Tranphu cùng đ/v cũng qua, cuộc chiến vừa diễn ra. Khói lửa còn khét lẹt. Một vài người dân còn nằm ra đường cản bước tiến của ta. Số người di cư từ Bắc vào năm 54. Tranphu còn nhớ có một ông để râu 3 chòm như các cụ già ngoài Bắc trước. Cứ nằm lăn ra đường gào lên: "Chúng tao đã nhường Bắc kỳ cho chúng mày. Đã chạy vào đây mà chúng mày vẫn không tha à?"

 Khu vực này phần lớn là dân Bắc 1954 theo đạo Thiên Chúa vào sinh sống trên dọc QL20, số dân này định cư ở đây theo kế hoạch phòng thủ của chế độ Ngô Đình Diệm cũ, họ từng bỏ miền Bắc theo Chúa vào Nam nên chẳng ưa gì người CS miền Bắc. Chính kiến chính trị thì tùy họ, không ai ép nhưng hiểu biết chính trị thì có lẽ ... giới hạn.

 Chắc ông già này chả hiểu gì về hiệp định Geneve cũng như lý do chia cắt đất nước VN trong nhiều năm và buộc phải kết thúc bằng một cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước. Một ông già lăn ra đường để cản bước tiến của QGP chứ 1000 ông già lăn ra đó cũng không thể cản nổi quyết tâm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lúc đó, khỏi cần giải thích đường lối chính sách gì dáo, dù là ai mà cản bước tiến thì giải quyết sạch không cần phải nghĩ.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #147 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2012, 02:37:55 pm »

 Chào anh em đọc giả, chào Binhyen! Đã mấy hôm nay Quanvn không viết, đơn giản là vì sức khỏe không cho phép, thế mới biết: Hồi còn trẻ xông pha trận mạc có biết mình sẽ đau yếu như thế này đâu, lúc đó chỉ có trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Bây giờ ngồi nghĩ lại cũng thấy hay hay…
  Về câu chuyện của anh Trần Phú và Binhyen nói, Quanvn cũng không có ý kiến khác. Vì rằng người xưa đã dậy: “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Quanvn hiểu là khi đã có mục đích cụ thể thì tìm mọi cách để đạt được mục đích ấy, đâu có phải vì chuyện ông già mà hỏng cả đại sự.
   Nếu có điều gì Quanvn hiểu chưa đúng mong mọi người thông cảm. Cám ơn.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #148 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2012, 02:40:04 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Đợt công tác này nhiệm vụ rất cụ thể, nhưng nói đầy đủ thì nó dài, nên anh em tôi thường gọi tắt là: “Đi nằm vùng” hay là “Đi bình định”, gọi thế là mọi người đều hiểu và coi là ký hiệu của nhóm công tác. Nhóm này, do đồng chí trung đội trưởng phụ trách, cả thảy là 9 người, đồng chí trung đội trưởng nữa là 10 người. Nhóm chia làm ba tổ, mỗi tổ ba người. Trước khi đi, đồng chí chính trị viên tập trung chúng tôi lại căn dặn:
    -Các đồng chí là đại diện của quân đội cách mạng, xuống xâm nhập với quần chúng nhân dân vùng mới giải phóng. Vì vậy, các đồng chí phải chú ý giữ dìn, bảo vệ sự trong sáng và bản chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ. Các đồng chí sẽ thực hiện ba cùng với đồng bào: Cùng ăn; Cùng ở; Cùng làm, các đồng chí chú ý lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của người dân, gặp vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí  phải cùng nhau bàn bạc và xem xét mọi vấn đề một cách biện chứng, không nôn nóng chủ quan. Tuyệt đối không được dùng sức mạnh để đe dọa đồng bào. Để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, các đồng chí phải chấp hành chế độ báo cáo thường xuyên như đã quy định. Các đồng chí đang mang trên vai một sứ mạng lịch sử rất trọng đại là: Vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, chống diễn biến hòa bình, đập tan âm mưu đen tối của những phần tử thù địch đang hàng ngày hàng giờ mưu toan phá hoại cách mạng. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, thay mặt cho ban chỉ huy đại đội, mong các đồng chí cố gắng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
   Đúng 13 giờ, chúng tôi rời khỏi thành Tuy hạ, lên đường làm nhiệm vụ, đến địa bàn công tác vào khoảng 17- 18 giờ, khói lam chiều đã là là bay trên các mái nhà thấp thoáng sau những dặng phi lao.  Theo chỉ đạo của đồng chí trung đội trưởng, nhóm ba anh em chúng tôi gồm Dũng, Thành và tôi. Chúng tôi được phân công ở khu vực tiểu đoàn bộ binh K5 đóng quân.
   Theo chân anh cán bộ của địa phương, chúng tôi đến nhà của một người dân. Trên quãng đường đi, anh đã giới thiệu tóm tắt về gia cảnh của gia đình này cho chúng tôi nghe. Anh nói:
    -Gia đình bác Tài, tên bác chủ nhà, là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, không phải gia đình có người theo Việt cộng, nhưng thuộc loại gia đình bị chính phủ quốc gia nghi ngờ, tuy chưa bị quản thúc nhưng bị theo dõi. Nguyên do là có một người con trai đi lính cho quân lực VNCH, nhưng bị lạc đơn vị và mất tích. Chính quyền VNCH nghi ngờ là anh này đào ngũ trốn sang phía Việt cộng, nhưng không có bằng chứng cụ thể. Tất cả những nguồn tin về anh này, cho đến bây giờ cũng chưa được xác minh.
   Tôi chen ngang, hỏi anh cán bộ dẫn đường:
    -Anh cho hỏi, Gia đình nhà bác Tài người Bắc hay người Nam?
    -Người Bắc, hình như quê quán đâu ở Bùi Chu hay Phát Diệm gì đó, tôi cũng không rõ lắm. Anh trả lời tôi rồi lại nói tiếp:
    -Kể từ sau giải phóng, đây là lần đầu tiên tôi đưa các anh bộ đội đến xin ở nhờ, chẳng biết chủ nhà có đồng ý hay không, tôi cũng chưa giám chắc, nhưng mình cứ thử xem may ra thì được, nếu không được tôi sẽ đưa các anh đi nhà khác.
   Vào đến trong sân, trời đã nhá nhem tối. Con chó thấy người lạ xô ra sủa ầm ĩ. Anh cán bộ địa phương dừng lại, lên tiếng gọi bác chủ nhà:
    -Bác Tài ơi!
   Có tiếng trả lời, từ trong nhà vọng ra, giọng trầm đục:
    -Ai gọi tôi đấy?
    -Tôi đây! Tôi Phương đây mà.
    -Có chuyện gì đấy mấy ông? Ông chủ hỏi lại.
   Chúng tôi tiến gần vào nhà, con chó thể hiện sự trung thành với chủ, nó lồng lộn xông thẳng vào chúng tôi sủa gắt hơn. Nhìn con chó hung dữ, nhe răng nanh trắng ởn, chúng tôi cũng hơi chờn, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, chờ ông chủ nhà can thiệp. Thấy thế ông chủ, dậm hai bàn chân xuống đất rồi quát:
    -Vện! Vào nhà ngay, đánh chết đòn bây giờ.
   Được lệnh của chủ, con chó cúp đuôi đi vào trong nhà, nhưng vẫn quay lại sủa thêm mấy tiếng cho đỡ cay cú rồi khuất dạng sau hiên nhà.
   Bác Tài mời chúng tôi vào nhà, rồi ngoái cổ xuống dưới bếp gọi:
    -Chanh ơi! Châm cho thầy cái đèn mang lên đây.
   Trong nhà tối om, ông phân trần:
    -Các ông thông cảm! Đã lâu lắm rồi, chúng tôi không có điện để dùng, có bình ắc quy cũng không có điện để xạc, nên đành phải dùng nến hay đèn dầu, thôi có gì dùng nấy cho qua ngày.
   Ánh sáng vàng ệch của ngọn đèn dầu từ dưới bếp hắt lên, trong lúc tranh tối tranh sáng tôi tranh thủ quan sát bác chủ nhà, nhưng vì tối nên không nhìn rõ, chỉ đoán được bác có hình dáng nhỏ nhắn, tuổi tác khoảng độ ngoài 50 tuổi là cùng.
   Cô gái cầm chiếc đèn dầu từ dưới bếp lên trên nhà,  trời đã tối hẳn nên chỉ có một ngọn đèn dầu mà cũng làm cho căn nhà bừng sáng. Cô gái chào anh Phương và chào chúng tôi rồi lại lặng lẽ đi xuống bếp. Bác chủ nhà quan sát chúng tôi một lượt rồi quay sang hỏi anh Phương:
    -Chẳng hay có chuyện gì mà ông Phương và các ông đến tìm tôi vào buổi tối thế này?
   Anh Phương tranh thủ giới thiệu chúng tôi với bác Tài rồi đặt vấn đề luôn:
    -Đây là các anh bộ đội, được cử đến địa phương của chúng ta để công tác. Nhiệm vụ của các anh ấy là đến địa phương mình để: Lắng nghe tâm tư tình cảm và nguyện vọng của quần chúng nhân dân ở vùng mới giải phóng, trên cở sở ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, các anh ấy sẽ về báo cáo lại với chính quyền cách mạng, từ đó chính quyền cách mạng sẽ có những điều chỉnh bổ xung về chế độ chính sách cho phù hợp với tình hình hiện nay. Từ việc trợ cấp khó khăn, đến việc phổ biến chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng tình hình này để chia rẽ dân tộc, chia rẽ người Bắc với người Nam và còn nhiều vấn đề khác. Để làm được việc này, các anh ấy xin được cùng ăn cùng ở và cùng làm việc với dân, để nắm bắt tình hình. Ăn uống là các anh ấy tự túc, gia đình chỉ cho các anh ở nhờ. Thay mặt cho chính quyền địa phương, nhờ bác Tài giúp các anh bộ đội.
   Nghe thấy anh Phương nói cho các anh bộ đội ở nhờ, bác chủ nhà nhảy dựng lên như đỉa phải vôi, chối đây đẩy:
    -Không được đâu ông Phương ơi! Ông đưa các ông ấy đi nhà khác, nhà tôi vừa chật chội, lại không có chỗ ở, các ông mà vào đây không biết ở vào chỗ nào. Nhà tôi lại thuộc thành phần dân di cư, nếu có bề gì thì tội của chúng tôi càng lớn. Tôi xin ông Phương và các ông tha cho tôi được nhờ.
   Chúng tôi chưa biết gia cảnh của bác Tài thế nào nên không giám có ý kiến, tất cả đều để anh Phương nói hộ. Anh Phương vẫn kiên trì thuyết phục bác Tài:
    -Bác Tài à, các anh bộ đội đây không cần thiết phải ở nhà cao cửa rộng, thậm chí các anh ấy mắc võng để ở ngoài rặng phi lao kia cũng được, biết bao nhiêu năm trời các anh ấy đã chịu đựng được, bây giờ tiếp tục ở như vậy cũng chẳng sao. Nhưng mà như thế thì không đành lòng, các anh ấy cũng như con em chúng ta, hơn nữa các anh ấy quan tâm đến địa phương mới đến địa phương chúng ta, vậy chúng ta nên tạo điều kiện bảo bọc giúp đỡ các anh ấy. Ở trang ấp này, tôi thuộc từng nhà, nhà ai rộng nhà ai chật tôi đều biết. Sở dĩ tôi đưa anh em đến cậy nhờ bác là vì: Tôi biết nhà bác có một gian nhà trống phía cuối nhà, sát với dậu Dâm bụt. Gian nhà ấy trước kia bác dùng để làm nghề thợ mộc, bây giờ không thấy bác làm nữa. Vậy bác cho anh em ở nhờ một thời gian, khi nào bác có việc thì tôi sẽ sắp xếp anh em ở chỗ khác.
   Bác Tài vẫn tỏ thái độ quyết liệt:
    -Tôi xin ông Phương, xin các ông. Mong các ông hiểu cho, đã lâu lắm rồi, từ ngày thằng con trai tôi nó đi lính quốc gia, sau đó nghe mọi người đồn thổi là nó bị mất tích, và bảo rằng nó đã trốn sang vùng giải phóng. Kể từ đó cho đến nay, gia đình chúng tôi sống trong hoang mang lo sợ, chính quyền thôn ấp không ai nói với chúng tôi điều nào, nhưng suốt ngày cho người theo dõi rình rập, chúng tôi thật sự chẳng hiểu ra làm sao. Trong khi đó, bà con trong thôn ấp, hình như có ý lảng tránh gia đình tôi, không phải họ ghét bỏ chúng tôi mà họ sợ liên lụy. Những ngày tháng buồn tủi ấy, chúng tôi sống trong cô đơn hưu quạnh thiếu thốn tình làng nghĩa xóm. Bây giờ các ông đã vào đây giải phóng, gia đình chúng tôi vừa mừng lại vừa lo không biết có công hay có tội. Nếu để các ông vào ở với gia đình ngộ xảy ra chuyện gì thì tội làm sao kể hết. Tôi xin các ông, các ông hãy thương cho.
   Hai bên cứ nói qua nói lại, câu chuyện vẫn không có hồi kết. Anh Phương cũng đã tìm đủ mọi cách thuyết phục, nhưng bác chủ nhà vẫn không đồng ý. Tôi cảm thấy tình hình này cũng không nên cố, vì cố quá lại trở thành ép buộc, nghĩ thế nên tôi đạp nhẹ vào chân anh Phương có ý là thôi không nên nói nữa. Anh Phương nhìn tôi, tôi đưa mắt ra hiệu cho anh Phương cám ơn bác Tài rồi đi chỗ khác.
   Không khí im lặng bao trùm cả gian nhà, chỉ có ngọn đèn dầu là đong đưa theo chiều gió từ phía cửa sổ thổi vào. Tôi lại ra hiệu cho anh Phương đứng lên, xin phép gia đình để đi nhà khác. Anh phương đứng lên và ba chúng tôi cũng đứng lên theo.
   Thấy chúng tôi đứng dậy chào ông chủ để ra về, thì một người phụ nữ ở trong nhà bước ra, bà dáng người nhỏ nhắn, cũng chạc tuổi ông Tài, có lẽ là vợ của Bác Tài. Bà nói:
     -Tôi nói khí không phải, nhưng thầy nó xem: Bây giờ tối rồi, nói ông Phương với mấy ông đi chỗ khác, tôi e không tiện. Hay thầy nó cứ để các ông ấy nghỉ lại nhà mình tối nay đã, rồi mai sáng các anh ấy sẽ tìm nơi khác. Thầy nó xem có được không?
   Nghe vợ nói thế, bác chủ nhà lưỡng lự đôi chút rồi quay sanh nói với anh Phương và chúng tôi:
    -Bà nhà tôi đã nói thế, ông Phương với các ông thấy thế nào?
   Anh Phương nhìn chúng tôi, có ý chờ chúng tôi quyết định. Trong hoàn cảnh này, tôi sẽ là người quyết định, còn Dũng và Thành chịu sự xếp đặt của tôi. Do có sự thay đổi ý kiến của ông bà chủ quá đột ngột, cho nên tôi không có thời gian lựa chọn nên hay không nên. Tôi chỉ nghĩ: Thôi cứ tạm thế đã mai sẽ tính sau. Tôi nói:
    -Cám ơn các bác và gia đình đã tạo điều kiện giúp đỡ.
   Rồi tôi quay sang anh Phương nói:
    -Như thế là tốt lắm rồi anh Phương ạ, thôi anh cứ về đi, mọi việc còn lại chúng tôi sẽ tự lo.
   Anh Phương chào và cám ơn vợ chồng bác Tài rồi ra về, bước ra đến ngoài hiên anh Phương còn ngoái lại nói với bác Tài:
    -Tôi còn có chút chuyện riêng muốn nói với bác, ngày mai tôi sẽ gặp lại bác.
   Anh Phương ra về, bác Tài quay sang nói với vợ:
    -U nó bảo thằng Út đưa các anh xuống gian nhà ngang thu dọn đồ để nghỉ tạm đêm nay.
   Vợ bác Tài nói với bác Tài:
    -Thằng Út nó đi đá banh chưa về! Thôi thầy nó dẫn các anh ấy xuống để xếp gọn đồ đạc đồ nghề của thầy nó, chứ thằng Út cũng chẳng biết sắp xếp, đến khi cần lại tìm rối cả lên.
   Thấy bà vợ nói có lý, bác Tài bê chiếc đèn dầu từ từ đứng dậy, rồi quay lại nói với chúng tôi:
    -Các ông mang đồ đạc đi luôn.
   Chúng tôi đi theo bác Tài, nhà bác Tài làm theo kiểu hình ống, tất cả các phòng sinh hoạt bố trí về một bên, còn một bên là hành lang đi chung chạy dài từ gian nhà khách đến tận cuối dẫy nhà. Chúng tôi đi qua gian bếp rồi dừng lại ở hai gian cuối cùng, gian này là kết thúc hành lang và được bố trí cửa mở ra phía ngoài vườn.
   Bác Tài mở cánh cửa khép hờ ra phía ngoài vườn, ngoài trời tối đen không nhìn rõ những vật dụng gì ở ngoài đó, chỉ thấy có một khoảng đất trống. Bác quay lại và nói với chúng tôi:
    -Các ông ở tạm gian nhà này, đúng ra là tôi phải để các ông nghỉ ở gian nhà khách, nhưng các ông thông cảm, vì đấy là nơi chúng tôi làm lễ sợ làm ảnh hưởng các ông.
   Tôi nói với bác Tài:
    -Thế này là tốt lắm rồi, bây giờ bác hướng dẫn để anh em chúng cháu xếp đồ nghề của bác cho gọn lại. Còn việc nữa cũng xin được nhờ bác giúp đỡ là cho anh em chúng cháu nấu nhờ bữa cơm, mọi thứ tốn kém chúng cháu xin được thanh toán sòng phẳng, vì chúng cháu đi công tác là có tiền công tác phí bác ạ.
   Bác Tài không hề đả động gì đến việc tôi vừa nói mà chỉ hướng dẫn chúng tôi xếp gọn đồ đạc, sau đó bác lặng lẽ lên trên nhà để mặc anh em chúng tôi tự xắp xếp. Tôi nói với Thành:
    -Em đi nấu cơm, bây giờ muộn rồi chẳng cần rau cỏ gì đâu, em lấy mấy con cá khô mang nướng cho nhanh, lát nữa anh em mình ăn cơm với cá khô. Bây giờ anh với Dũng thu dọn chỗ ở.
   Nhìn quanh gian nhà, chẳng biết nên xắp xếp thế nào cho hợp lý. Nhà thì không có cột, có muốn mắc võng cũng chịu, nếu cả ba ông mà mắc võng thì nhà này sập mất. Suy nghĩ một lát, tôi bảo Dũng:
    -Đêm nay anh em mình nằm dưới đất, lấy mấy tấm gỗ xẻ này lát xuống để làm phản, những tấm gỗ còn lại xếp vào xung quanh bốn bức vách bằng gỗ dán, vừa gọn nhà mà lại có tác dụng chống đạn, thế mà lại hay.
   Tôi nhìn Dũng cười, rồi nói luôn:
    -Đêm nay, Em gác trước, sau đến Thành, cuối cùng là anh.
   Dũng ngơ ngác hỏi tôi:
    -Sao lại phải gác hả anh?
   Tôi bảo với Dũng:
    -Cứ biết thế, lúc nào anh kể cho em nghe.
   Trên nhà, gia đình bác Tài đang chuẩn bị ăn cơm tối, dưới nhà ngang chúng tôi cũng dọn dẹp xong, ba anh em cũng đã rửa mặt mũi chân tay, đang ngồi chờ cơm chín.
   Dưới ánh sáng mập mờ của ngọn nến, bà chủ nhà xuất hiện trước cửa ra vào, bà nói:
    -Gia đình chúng tôi có lời mời các ông lên ăn cơm cùng với gia đình cho vui.
(Còn nữa).



   

   

Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #149 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2012, 09:52:37 pm »

         Chào bác quanvietnam! Gớm mấy bữa nay cứ tưởng bác có việc gì đi xa đâu đó nên nhà cửa vắng không à! Ai dè bác bị yếu. Tranphu341 chúc mừng bác đã khỏe và lại nhanh tay phím. Chuyện bác đang kể về thời kỳ mới giải phóng làm quân quản XDCQ tại xứ Đạo này mới "bài một" mà đã thấy hấp dẫn như những trận chiến đấu xưa. Không biết cái cô gái mang đèn ra rồi lại vào buồng ngay. Liệu có lấp ở trong dòm qua khe cửa theo dõi các bác xem cái đuôi dài thế nào không  Grin Grin Grin

         Tranphu cùng nhiều anh em rất háo hức đón đọc bài viết rất hay rất hấp dẫn của bác. Chúc bác luôn khỏe, cùng có nhiều niềm vui cuộc sống!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM