Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:04:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191172 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #130 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2012, 02:20:58 pm »

Cám ơn anh Trần Phú quá khen, cám ơn các bạn đọc, mấy bữa trước tôi bận việc riêng nên không có thời gian để cám ơn mọi người, xin được thứ lỗi. Chúc tất cả mọi người dồi dào sức khỏe. Cám ơn
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #131 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2012, 02:22:26 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Trung đoàn 95 sư 325, đang làm nhiệm vụ chốt giữ thị xã Cheo Reo - Phú Bổn, thì có lệnh hành quân gấp về Long khánh để tăng cường thêm lực lượng, phối hợp với các đơn vị tấn công chọc thủng phòng tuyến Xuân lộc, vành đai tử thủ cuối cùng của quân lực VNCH.
  Một cuộc hội ý chớp nhoáng. Đồng chí chính trị viên nói:
    -Tình hình chiến sự trên chiến trường Miền nam, thay đổi rất nhanh. Sau khi chúng ta giải phóng Buôn ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, và hàng loạt các địa phương khác từ Đà Nẵng đến Phan Rang. Cục diện chiến trường hiện nay đã hoàn toàn có lợi cho ta, quân giải phóng đã đập tan ý đồ co cụm để lập các phòng tuyến phòng ngự của địch ở Huế, ở Đà Nẵng. Hiện nay tàn quân của địch từ khắp mọi nơi kéo về, kết hợp với viện binh được tăng cường từ những nơi khác đến, quân lực VNCH đang cố gắng đến mức tuyệt vọng để bảo vệ tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Chúng hy vọng, nếu giữ được Xuân lộc, chúng sẽ giữ được Sài Gòn và như vậy bọn Mỹ sẽ có nhiều cơ hội quay trở lại, khi đó cách mạng Miền nam sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác, có lợi cho địch, bất lợi cho chúng ta.
  Đồng chí dừng lại một chút rồi lại tiếp tục:
    -Trước tình hình này, cơ hội giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước đã mở ra, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức. Cấp trên yêu cầu chúng ta phải thần tốc, táo bạo, tận dụng thời cơ để tiêu diệt địch. Trung đoàn 95 sư 325 là trung đoàn độc lập, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ chỉ huy chiến dịch…
  Sau khi nghe đồng chí chính trị viên phổ biến tình hình, chúng tôi hối hả chuẩn bị cùng với trung đoàn hành quân về Long Khánh-Xuân Lộc.
   Trung đoàn 95 sư 325 mải miết hành quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến dịch. Chúng tôi đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu con suối, đi qua những làng mạc thị trấn, thị xã vừa mới được giải phóng. Nhìn cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, tôi cảm thấy xót xa, một cảm giác vừa đau xót vừa tức tối cứ trào dâng trong lòng. Chiến tranh thật là tàn khốc, chiến tranh đã vô tình cuốn đi tất cả, hủy diệt tất cả. Biết bao nhiêu đồn bốt của quân lực VNCH ở thị xã Phước long, ở các chi khu Đồng Xoài, Định Quán và nhiều nơi khác, đã bị quân giải phóng san phẳng, ở đó có biết bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu người của cả hai bên đã ngã xuống và những làng mạc trang ấp kia, có biết bao nhiêu người dân vô tội đã chết. Như vậy vẫn chưa đủ hay sao? Mà giờ này, Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu vẫn kêu gọi tử thủ, trong khi quân giải phóng càng ngày càng khép chặt vòng vây. Tại sao chính phủ VNCH không nghĩ tới giải pháp đầu hàng, để tránh cuộc chiến tương tàn giữa người Việt với người Việt? Tại sao?
  Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi hành quân qua những cánh rừng cao xu bạt ngàn.  Khu rừng chúng tôi đang đi có rất nhiều đồ quân trang quân dụng của lính VNCH vứt bừa bãi, thi thoảng lại nhìn thấy một vài xác của lính VNCH chết gục sau những gốc cây cao xu. Tôi đoán: Quanh khu vực này đã có trận đọ súng giữa quân giải phóng và quân lực VNCH, những tên còn khỏe thì vứt hết đồ đạc để chạy thoát thân, còn những xác chết này là những tên bị thương bỏ chạy, nhưng vì không đủ sức chạy trốn nên bị chết dọc đường.
 Chúng tôi đang đi thì gặp một con suối lớn, mọi người đang loay hoay tìm lối để vượt qua thì nghe súng nổ từ phía bờ bên kia, đạn bay vèo vèo rít trên đầu. Mọi người còn đang bàng hoàng, chưa hiểu điều gì đang xảy ra, nhưng theo phản xạ là tìm chỗ ẩn nấp và bắn trả. Thế là hai bên bắn nhau kịch liệt, trinh sát của C20 nhận lệnh lên nắm tình hình. Khoảng  độ 15 đến 20 phút sau, tiếng súng im bặt, đó chính là lúc hai bên nhận ra nhau, thông qua mệnh lệnh từ bộ chỉ huy chiến dịch. Nghe nói, quân bên ấy là của công trường 7(sư đoàn 7), rất may là cả hai bên chưa có tổn thất gì.
  Những ngày tiếp theo, chúng tôi hành quân bộ cắt qua những khu rừng, những nương chuối và đu đủ của đồng bào. Thôi thì bạt ngàn là chuối và đu đủ, có những nương chuối và đu đủ chín vàng rực, những buồng chuối và những quả đu đủ chín quá đã rụng xuống cả gốc cây. Quá tiếc, nếu mà không có bom rơi đạn nổ, thì số chuối và đu đủ này đã được đồng bào thu hoạch, nhưng vì bom đạn nên đồng bào không giám lên nương thu hoạch, để quá lứa, chín rục cả ngoài nương. Kể ra cũng may nhờ có những nương chuối và đu đủ này bộ đội mới có thứ để ăn cho đỡ đói trong lúc khó khăn. Đúng như vậy, vì từ khi giải phóng Buôn ma Thuột, số chiến lợi phẩm lương thực thực phẩm chúng tôi mang theo cũng đã cạn. Trong khi đó, trung đoàn lại đang làm nhiệm vụ hành quân thần tốc để truy đuổi địch, Ban hậu cần của trung đoàn luôn phải chạy theo sau để đảm bảo hậu cần mà cũng không kịp, của dự trữ của từng đơn vị đã cạn kiệt, bữa ăn đã phải chắt chiu tiết kiệm, tuy không bị đói nhưng chúng tôi lúc nào cũng thấy thèm ăn.
  Mấy ngày nay hành quân dưới cái nắng chói chang của vùng bán sơn địa, trên đầu gió thổi ào ào, nhưng dưới đất thì không có chút gió nào lọt được, chuối và đu đủ cứ mọc xen nhau tạo thành một hàng rào chắn gió, mặt đất bốc hơi nóng hầm hập ngột ngạt đến nghẹt thở, mồ hôi ướt đẫm. Đói và khát, anh em chúng tôi tranh thủ dùng dao găm chặt cả buồng chuối và hái những quả đu đủ đã chín, vừa đi vừa ăn. Mấy bữa đầu sao nó ngon đến vậy, ăn đến no cũng không biết chán, cứ thế là chúng tôi ăn. Nhưng sang đến ngày thứ hai thứ ba thì không còn hào hứng nữa, mà đã có cảm giác ớn khi ngửi thấy mùi chuối và đu đủ chín. Những ngày ấy, hình như hệ thống tiêu hóa không làm việc, mà nó giống như cái ống, cứ đưa vào thế nào thì đưa ra như thế, kể cả là mầu sắc, nhưng được cái là tất cả anh em vẫn bình thường, không ai bị sao, chỉ thấy thèm cơm. Trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ: Nếu nhu yếu phẩm mà Ban hậu cần cung cấp không kịp, anh em sẽ suy giảm sức chiến đấu.
  Trung đoàn 95, sư 325. Nhận được mệnh lệnh, cần phải hành quân thần tốc hơn nữa tiến về hướng ngã ba Dầu dây, giao điểm giữa quốc lộ số 1 và quốc lộ số 20. Phối hợp với các đơn vị bạn, đánh chiếm và chốt giữ khu vực này. Cắt đứt giao thông trên quốc lộ số 1, không cho quân địch ở Biên Hòa hỗ trợ cho quân địch ở Long Khánh-Xuân lộc, ngược lại cũng không cho quân địch ở Xuân Lộc- Long Khánh rút về Biên Hòa,  thực hiện chia cắt chiến lược giữa Biên Hòa và Xuân Lộc.
 Trên đường hành quân truy kích địch của quân giải phóng, có rất nhiều đơn vị tham chiến, sư đoàn 6, sư đoàn 7, sư 341 cùng nhiều trung đoàn độc lập khác và bộ đội địa phương. Tất cả các cánh quân của quân giải phóng đều hướng về Xuân lộc, các binh chủng, các lực lượng kỹ thuật của các đơn vị trên toàn mặt trận đang hợp đồng tác chiến ào ạt tấn công  Xuân lộc. Thế và lực của quân giải phóng lúc này mạnh hơn lúc nào hết, họ tràn qua và đè bẹp mọi sự kháng cự của kẻ địch trên đường tiến vào giải phóng Xuân Lộc. Tuy nhiên, để thực hiện được ý đồ chiến lược. Bộ chỉ huy chiến dịch cho phép các cánh quân đánh tràn qua, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu chiến lược để chớp thời cơ, những mục tiêu còn ngoan cố chống cự, sẽ tiêu diệt sau.
  Trung đoàn 95 sư 325, nhận nhiệm vụ giải quyết nốt những mục tiêu ngoan cố đó. Những mục tiêu khác thì không có gì khó khăn, không cần đánh thì địch đã bỏ chạy hoặc là tự tiêu, chỉ còn lại mục tiêu khó khăn nhất là: Đồi Thiếu tá, hay là đồi Móng ngựa, cũng có người gọi là cao điểm 296.
  Sau khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị của K4 rất nhiều lần tổ chức tấn công lên đồi Thiếu tá, nhưng bọn địch kháng cự quyết liệt, không thể nào lên được, bắt đầu đã có thương vong. Trước tình hình ấy, tham trưởng trung đoàn lệnh cho trinh sát C20 của trung đoàn và trinh sát tiểu đoàn khẩn trương điều tra tình hình địch và địa hình địa vật trên đồi Thiếu tá.
  Quả đồi này cũng không cao lắm, chẳng biết cao độ chính xác của nó là bao nhiêu 296 hay 396, độ dốc tự nhiên cũng bình thường, không dốc lắm, phía đối diện với quốc lộ 20 tương đối thoải, các phía còn lại thì dốc. Đồi này có hình dáng giống như cái móng ngựa nên người dân gọi là đồi Móng ngựa, ngoài ra nó còn có một tên nữa là đồi Thiếu tá. Sau này chúng tôi mới được biết, chỉ huy đơn vị đóng trên đồi này là một thiếu tá, tên này đã có nhiều tuyên bố hùng hồn về quả đồi này, ca ngợi về vị trí chiến lược của quả đồi và địa hình địa vật ở đây. Trên cơ sở ấy, tên thiếu tá khẳng định: Có thể đánh bại tất cả các đợt tấn công của Việt cộng.
  Quả thật, địa hình địa vật ở đây rất khó khăn cho chúng ta trong cách đánh vận động tấn công, nhưng lại rất thuận lợi cho quân địch đang ở thế phòng ngự có công sự kiên cố hỗ trợ. Đặc điểm của quả đồi này là có rất nhiều đá mồ côi, đá có kiểu giáng hình cầu, bề mặt đá tương đối nhẵn, không có góc cạnh. Đặc điểm này, là do quá trình phong hóa theo thời gian của nhiều triệu năm nên đá bị bào mòn và còn sót lại dạng lõi. Đá có nhiều kích cỡ khác nhau, có những viên đá to bằng cả hai ba gian nhà, cũng có nhiều viên nhỏ. Những viên đá chồng xếp lên nhau trông rất chênh vênh và đã tồn tại từ bao đời nay. Lợi dụng địa hình địa vật này, bọn địch tạo ra thế phòng ngự tầng tầng lớp lớp từ thấp cho đến cao, chúng xây dựng các công sự len lỏi trong các kẽ đá để vận động theo các hướng, chặn đường tấn công của bộ đội.
  Sau khi trinh sát quả đồi Móng ngựa, Ban chỉ huy đại đội thống nhất nhận định: Địch trên đồi đang ở thế bị bao vây và cô lập, thế đã cùng, nhưng chúng vô cùng ngoan cố, cương quyết tử thủ. Vì vậy phương án tác chiến được đặt ra là:
  -Cắt đứt mọi hành động tiếp viện của địch lên trên đồi Móng ngựa.
  - Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng, tập trung đánh nghi binh hướng chính diện, bằng cách đánh như đã sử dụng trong thành cổ Quảng Trị là: Triển khai tiền nhập theo nhiều hướng, sử dụng các tảng đá vừa làm vật che khuất vừa làm vật che đỡ, gây nhiễu loạn lộ liễu, sử dụng các vật dụng có sẵn ném vu vơ theo các hướng cố gắng gây tiếng động, để thu hút bọn địch bắn vào hướng đó. Việc làm này giống như chúng ta đã làm ở thành cổ Quảng Trị, dùng gạch đá ném vào các tấm tôn, để gây ra tiếng động, lập tức bọn địch bắn đến rào rào như mưa. Mọi hành động của chúng ta, cố ý làm cho địch tưởng là chúng ta đang chuẩn bị tấn công. Mục đích chính của việc làm này là: Thu hút quân địch về hướng này, để các hướng còn lại tiếp cận mục tiêu, điều quan trọng nữa là làm tiêu hao vũ khí của địch, đến khi hết đạn chắc chỉ còn cách là đầu hàng hay là tự sát.
  Phương án đặt ra là như vậy, song thực tế khi tấn công lên đồi Móng ngựa chúng ta cũng tổn thất tương đối nhiều. Bọn địch ở đây được trang bị vũ khí vừa nhiều vừa hiện đại, ngoài vũ khí bộ binh thông thường chúng còn được trang bị những giàn súng phun lửa. Đối với loại vũ khí này bộ đội ta ít gặp, vì vậy không tránh khỏi bị tổn thất, sức nóng của nó ngoài luồng chính còn gây sát thương đến cả những khu vực xung quanh. Nhìn những tử sĩ bị hy sinh do súng phun lửa, chúng tôi không ai cầm được nước mắt, quần áo thì cháy hết, người cháy đen thui nhưng vẫn còn nguyên hình dáng, khi sờ vào người thì da bị thiêu cháy, vỡ ra từng mảng.
  Cuối cùng chúng ta cũng chiếm được đồi Móng ngựa, bọn địch tử thủ đến phút cuối cùng và không tên nào còn sống sót.
(Còn nữa)
   
         
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #132 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2012, 02:49:34 pm »

          Chào bác quanvietnam! Như vậy trong chiến dịch tiến công năm 75. Trung đoàn của bác cũng phải cơ động quá nhiều. Suốt từ Quảng Trị vào tác chiến ở Tây nguyên Buôn Mê Thuộc.

          Đường hành quân của Trung đoàn bác cũng trùng với đường hành quân của Trung đoàn 273 của Tranphu. cũng từ Quảng Trị vào ( Phía Bắc) rồi tham chiến ở Bình Long, Thủ Dầu Một. Rồi cũng hành quân tiếp trong ý đồ trợ chiến cho Xuân Lộc. Nên Trung đoàn Tranphu cũng được đi qua những cánh đồi, những cánh rừng toàn chuối và đu đủ. Rồi cái cảnh lính ta đang thèm rau lại gặp rừng đu đủ thì cũng giống nhau. Thôi thì vùa ăn vừa đi. Lại lấy thêm mấy quả xanh dự trữ làm rau, rồi nặng quá lại vất năn lóc.

         Rồi Trung đoàn Tranphu cũng theo đường 20 LâmĐồng Bảo Lộc. Nhưng chỗ này vừa giải phóng khói lửa còn khét mù. Phải chăng là Trung Đoàn của Bác đánh?

         Cũng trong lần hành quân cơ động đó. Tiểu đoàn của Tranphu bị một trận bom kẻo dài suốt 5h đồng hồ. Từ 10h sáng tới 3 h chiều. Ở khu cực đập Mã Đà. Một số anh em hy sinh và bị thương tại đây. Đến bây giờ Tranphu nhớ lại trận bom đó mà vẫn còn sợ.

         CHÚC BÁC CÓ NHIỀU SỨC KHỎE VÀ ĐỀU TAY VIẾT ĐỂ ANH EM ĐƯỢC THƯỞNG THỨC!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #133 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2012, 11:07:59 am »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Trước nguy cơ phòng tuyến Xuân Lộc bị sụp đổ. Quân lực VNCH đã ý thức được vai trò và tầm quan trọng của hệ thống giao thông huyết mạch nối liền giữa Biên Hòa với Xuân Lộc, chúng cũng nhận ra rằng để giữ được Xuân Lộc, nhất thiết phải giải tỏa được đoạn quốc lộ số 1 này. Đã mấy ngày nay quân lực VNCH đã huy động nhiều đợt tấn công để phá vỡ vòng vây, hy vọng nối thông đoạn quốc lộ số 1 khu vực ngã ba Dầu Dây và quốc lộ số 20.
  Cuộc chiến đấu của trung đoàn 95 sư 325 diễn ra ở đây vô cùng ác liệt, ban đầu bọn địch chỉ dùng bộ binh xông lên, hai bên giằng co nhau từng gốc cây bụi chuối, nhưng bọn địch không làm cách nào lên được. Bộ đội ta khi quan sát thấy bọn địch co cụm lại ở các gốc cây  các bụi chuối, lập tức dùng B40, B41 để tiêu diệt, cứ mỗi lần xông lên bọn địch bị thiệt hại nặng nề đành phải quay về để tổ chức đợt tấn công khác, rồi lại hò nhau xông lên. Cứ như vậy, mới đầu giờ chiều mà đã không biết bao nhiều đợt tấn công của địch.
  Thời gian lúc này đã sang quá chiều. Trận địa của cả hai bên đều im lặng. Anh em bộ đội nhanh chóng vận chuyển thương binh về phía sau và tranh thủ nghỉ ngơi, đồng thời củng cố lại hầm hào. Do hoàn cảnh đơn vị đang vận động tấn công truy kích địch, nên khi đến đây cũng không có thời gian chuẩn bị, vì vậy hầu như không có công sự vững chắc và hệ thống giao thông hào kiên cố. Công sự của bộ đội ở đây chủ yếu là lợi dụng các gốc cây mít và những cây thân gỗ, sau đó chặt những cây chuối để lấy thân xếp lên thành công sự, hầm trú ẩn đào vội nên vừa nhỏ lại vừa nông, khu vực này cũng không có vật liệu để làm hầm nên nóc hầm toàn dùng những cây chuối tươi để phủ lên.
   Sau khi ăn vội được mấy miếng lương khô, uống được ngụm nước, thì quân địch lại tổ chức tấn công, lần này thì khác. Bộ binh địch được hỏa lực của thiết giáp hỗ trợ, chúng chia ra nhiều hướng xông lên, tất cả các ổ hỏa lực của ta bị địch dùng pháo của thiết giáp bắn thẳng để khống chế. Lợi dụng tình huống này, bộ binh của địch  ào ạt xông lên. Bị bất ngờ nên bộ đội ta có phần lúng túng, vừa đánh vừa rút về tuyến sau. Tuyến sau là một con suối cạn, lợi dụng bờ suối bộ đội đã xây dựng ở đây một phòng tuyến được coi là chắc chắn hơn.
  Pháo từ các xe thiết giáp của địch vẫn điên cuồng nhả đạn về phía bộ đội ta, sức công phá của những trái đạn pháo bắn thẳng rất mạnh, những gốc mít rất to bị đạn pháo xé rách bươm, những bụi chuối đổ gục xơ xác. Sau khi được pháo bắn dọn đường, bộ binh địch lại hò nhau xông lên nhưng chúng có vẻ dè dặt hơn khi đầu giờ chiều. Lúc này bộ đội ta do có công sự vững chắc nên bình tĩnh chờ để chúng đến thật gần mới nổ súng, địch lại bị đánh bật lại. Pháo địch lại nổ, xé toác loác tất cả các mục tiêu mà nó bay tới, đất đá mảnh pháo bay rào rào, bụi bay mù mịt, khói súng khét lẹt.
  Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục tiếp diễn ở thế giằng co, địch cũng không thể tiến thêm được một bước nào. Ở đây có một điều làm cho anh em trinh sát chúng tôi rất nghi ngờ và đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng không dùng xe thiết giáp phối hợp với bộ binh tấn công mà xe thiết giáp chỉ đứng một chỗ để bắn ra? Phải chăng, bọn địch đã tính toán: Theo cách đánh này của bọn chúng vẫn phát huy hiệu quả, hay chúng có ẩn ý gì? Có phải chúng như có ý chờ đợi và đang kéo dài thời gian dùng hỏa lực mạnh của thiết giáp để tiêu hao dần sinh lực của ta, chờ cơ hội sẽ tấn công. Hay cũng có thể chúng cho rằng: Quân giải phóng, phòng ngự với chiều dày tầng tầng lớp lớp nếu thiết giáp mà bò lên thì sẽ trở thành những con thiêu thân. Trong tình hình này, chúng tôi thấy anh em bộ binh cũng rất tiết kiệm đạn nhất là đạn B40, B41. Hình như họ có ý để dành những quả đạn này cho những chiếc xe bọc thép còn đang ẩn náu đâu đó chưa chịu xuất hiện, thi thoảng cũng thấy họ dùng, đấy là lúc hỏa lực của địch đang áp chế quân ta để bộ binh của chúng xông lên, hoặc là thấy địch đang co cụm, khi đấy mới nghe thấy tiếng nổ của B40, B41.
  Đã mấy tiếng đồng hồ chống trả các đợt tấn công của địch, bộ đội ta bị tổn thất tương đối nhiều, thông tin từ các đại đội bộ binh báo cáo về tiểu đoàn cứ dồn dập, có những trung đội đã bị thương và hy sinh gần hết, có những đại đội chỉ còn lại 15 tay súng chiến đấu. Các tiểu đoàn báo cáo về sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn về tình hình thương vong và xin được tăng cường từ tuyến sau.  Ngồi bên cạnh máy thông tin của tổ thông tin trinh sát C20 đi theo sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn, tôi nghe thấy giọng đồng chí trung đoàn trưởng qua bộ đàm như đanh lại: “Chúng ta đã bị địch căng ra trên toàn tuyến, chúng ta không có lực lượng dự phòng để bổ xung. Tất cả các đồng chí, từ chính trị viên đến tiểu đoàn trưởng đều phải trực tiếp cầm súng chiến đấu, các đồng chí  động viên toàn thể cán bộ chiến sĩ từ chiến sĩ nuôi quân, y tá, liên lạc hãy cầm súng chiến đấu với tư cách của những người Đảng viên, Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Chúng ta cương quyết giữ vững trận địa”. Những đồng chí liên lạc, những đồng chí thông tin truyền tải, lại lao ra khỏi hầm, băng qua làn đạn mang mệnh lệnh chiến đấu về đơn vị…
  Trời tối lúc nào không biết, những quả pháo sáng của địch bắn lên cũng đã phát huy tác dụng, nhưng lúc tỏ lúc mờ, thứ ánh sáng này chỉ có tác dụng ở những nơi bằng phẳng trống trải, còn đây lại là rừng chuối với mít nên cũng không có tác dụng gì, có khi còn phản tác dụng là đằng khác, vì nhờ có ánh sáng nên bộ đội ta quan sát rõ xem địch có mò lên hay không.
  Tự nhiên phía địch im tiếng súng, cả trận địa im tiếng súng, một sự im lặng đáng ngờ. Chúng tôi đoán: Chắc chắn địch đang có âm mưu gì mới đây?  Mọi người đang chờ đợi để đón nhận âm mưu mới của địch, thì phía sau, bên kia bờ suối có nhiều tiếng nói lao xao:
    -Chính trị viên ở đây.
    -Không ở đằng kia, chỗ có cây mít bị xé tan gốc, cành lá trùm lên hầm giống như bụi cây kia kìa.
    -Tôi đây, có vấn đề gì đấy?
  Tôi nghe thấy giọng đồng chí chính trị viên nói, tôi cũng chui ra khỏi hầm xem có chuyện gì xảy ra. Mấy anh em trinh sát C20, đẩy tên lính ngụy bị trói trật cánh khỉ lên phía đồng chí chính trị viên, và báo cáo:
    -Báo cáo đồng chí chính trị viên, chúng tôi bắt được tên địch này đang lần mò không rõ làm gì ở khu vực đại đội mình. Chúng tôi đã tra hỏi nhưng nó chỉ nói nó là lính đào ngũ, đang tìm đường trốn về nhà , do bị lạc nên bị bắt. Khám người của nó không thấy có vũ khí gì và cũng không thấy thiết bị gì đặc biệt, chỉ thấy có một chiếc gương cầu lồi này ở trong túi. Hỏi nó để làm gì, nó nói: Khi trước nó nhặt được, nó giữ lại để mang về cho con chơi, khi đánh nhau do mải chạy nên  không nhớ ra để vứt đi.
   Nhìn từ đầu đến chân tên tù binh, dưới ánh sáng nhập nhoạng của đèn pháo sáng, tôi không phát hiện được gì ngoài mái tóc bù xù chùm lên cái đầu hơi to so với người của nó, nó có đôi mắt sâu hoắm được che bởi đôi lông mày sâu róm, trán thì nhô. Nhìn bộ mặt gân guốc đen đúa của nó lại thêm bộ ria mép lâu ngày không cắt tỉa, kết hợp với vóc dáng thấp lùn của nó. Tất cả con người của nó đều có biểu hiện đang thách thức chúng tôi, tôi nghĩ chắc chắn tên này sẽ rất ngoan cố và không dễ gì để khai thác được nó.
(Còn nữa).

 
         
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #134 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 02:15:13 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
         ...Đồng chí chính trị viên ngồi xuống thân một cây chuối bị pháo phạt gãy gốc, đồng thời ra hiệu cho tên tù binh ngồi xuống phía đối diện và nói:
    -Tôi là người chỉ huy cao nhất ở đây, tôi hoàn toàn có thể bảo vệ được tính mạng của anh nếu như anh khai ra những điều mà chúng tôi cần biết, ngược lại nếu anh ngoan cố không khai, hoặc là khai không đúng sự thật thì anh biết điều gì sẽ xảy ra đối với anh. Bây giờ anh hãy thành khẩn khai báo cụ thể và ngắn gọn, chúng tôi cũng không có thời gian, trước hết hãy khai: Anh ở đơn vị nào? Anh xâm nhập vào đơn vị chúng tôi với mục đích gì?
   Tên địch vẫn cúi gằm mặt xuống , nói lí nhí trong cổ họng, chúng tôi không ai nghe rõ. Không kìm được, đồng chí trinh sát ngồi bên cạnh tên địch quát:
    -Nói to lên! Nói bé thế không ai nghe được.
   Tên địch vẫn cúi gằm mặt, không thèm ngước lên để theo dõi thái độ của những người xung quanh, giọng vẫn lý nhí nói trong cổ họng. Đồng chí chính trị viên đại đội, tỏ vẻ bực bội, đứng phắt dậy nói:
    -Nếu anh không khai, chúng tôi sẽ dùng biện pháp khác để anh phải khai, lúc ấy anh đừng có trách chúng tôi không nhân đạo. Bây giờ các đồng chí trinh sát trói tên này vào gốc cây mít kia chờ xử lý sau. Tôi đang bận chưa có thời gian để giải quyết việc này.
   Cũng đúng lúc ấy, các đơn vị bộ binh cũng giải lên thêm hai tên tù binh nữa, họ nói là trung đoàn đề nghị C20 khai thác tù binh và báo cáo lại trung đoàn.
   Đồng chí chính trị viên ra lệnh trói cả ba tên lại, mỗi tên một gốc mít rồi quay trở lại hầm. Trong hầm, tổ thông tin của C20 đang dịch bức điện của tham mưu trưởng. Nội dung bức điện là: Trinh sát C20 cử một tổ đi điều tra tình hình địch, xác định khả năng tấn công của địch trong đêm nay.
   Lợi dụng khi còn đang im tiếng súng, tổ trinh sát ba người được nai nịt gọn ghẽ lẩn vào bóng tối. Họ đi dọc theo con suối cạn tiến về phía thượng lưu, theo định hướng của tôi con suối này đang chạy song song với trận tuyến đang giao tranh giữa hai bên. Tôi đoán, có lẽ họ ngược lên thượng lưu rồi tìm đường vòng về phía sau lưng địch.
   Quay ra với ba tên tù binh địch, đồng chí chính trị viên kéo tôi cùng đi, đồng chí hỏi tôi:
    -Theo anh bây giờ nên thế nào?
   Đồng chí chính trị viên quê ở Nghệ An, người nhỏ nhắn, trắng trẻo trông rất thư sinh, tính tình hiền lành nhưng cởi mở. Vì là chính trị viên đại đội nên đồng chí rất coi trọng công tác huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng, nhất là đối với anh em sinh viên chúng tôi thì đồng chí lại càng chú ý hơn. Đồng chí thường xuyên hỏi ý kiến anh em chúng tôi trong những việc có tính chất quan trọng, trong đời thường có lẽ đồng chí ít tuổi hơn chúng tôi, vì thế đồng chí luôn giữ cách xưng hô đúng mực và tình cảm: Anh và Tôi.
  Do bị hỏi ý kiến bất ngờ, tôi cũng hơi lúng túng, không biết trả lời thế nào, đành nói theo nguyên tắc:
    -Theo tôi, anh giao việc này cho anh em trinh sát để họ khai thác. Đầu tiên là tách ba thằng ra ba nơi, mỗi nhóm hỏi cung một thằng, sau đó anh em sẽ tổng hợp lại để báo cáo với các anh.
   Sau khi nghe xong ý kiến tham mưu của tôi, đồng chí dừng lại và nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói:
    -Nhiệm vụ này, đơn vị giao cho đồng chí, đồng chí thấy thế nào?
   Tôi nói:
    -Được các anh tin tưởng tôi sẵn sàng.
   Anh bắt tay tôi rồi quay lại hầm chỉ huy, tôi cùng mấy anh em trinh sát tiến về hướng ba tên tù binh đang bị trói ngồi ở gốc cây mít. Công việc khai thác tù binh được chúng tôi khẩn trương thực hiện.
   Kết quả của việc khai thác tù binh không được như ý muốn, có thể nói là thất bại. Quá trình xét hỏi, ba thằng nói khác nhau, không thằng nào giống thằng nào. Khi hỏi về đơn vị của chúng, thì mỗi thằng nói một đơn vị, khi hỏi về mục đích điều tra của chúng để làm gì, chúng đều khăng khăng từ chối là không phải đi điều tra mà là đang tìm cách trốn khỏi đơn vị. Bực quá tôi nói gần như quát lên:
    -Vô lý! Các anh nói tìm cách trốn khỏi đơn vị. Đúng! Nhưng tại sao lại không quay về phía sau mà lại tiến lên phía trước.
   Một thằng nói:
    -Thưa ông! Con cũng biết điều ấy là vô lý, bởi vì con biết đằng nào cũng bị bắt. Nếu các ông bắt được chúng con thì còn có cơ hội để sống, còn nếu chúng con bị quân lực VNCH bắt, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, cơ hội còn sống là rất ít. Xin ông hiểu cho điều con nói.
   Tôi không hỏi thêm được câu nào. Nhưng trong thâm tâm thì rất phân vân, liệu có thể tin được điều chúng nó nói không? Nếu nó nói đúng thì chứng tỏ tinh thần chiến đấu của quân địch đã rệu rã, không còn sức chiến đấu, quân cán chạy tóe loe mỗi đứa mỗi nơi, để có thể duy trì được kỷ luật, bọn sĩ quan đã phải dùng vũ khí để điều hành, có lẽ vì thế bọn này sợ nên phải trốn về phía ta. Còn nếu nó lừa mình nó được lợi gì? Trong khi bạn bè của nó đang bị bao vây tiêu diệt, còn nó, nó đang hy vọng làm tù binh của quân giải phóng, để có cơ hội về với gia đình.
   Tôi đang suy nghĩ miên man thì nghe pháo rít trên đầu, tiếng pháo nổ đinh tai choáng óc ở phía sau chúng tôi. Tôi đoán, thời gian ngưng tiếng súng từ nãy đến giờ, là thời gian bọn địch gọi pháo chi viện, chắc chắn  sau trận pháo kích này sẽ là đợt tấn công của xe thiết giáp kết hợp với bộ binh để giải quyết chiến trường.
   Độ chính xác của những quả đạn pháo đang được chỉnh dần về gần chúng tôi hơn, thấy tình hình không thể kéo dài việc khai thác tù binh, tôi đề nghị trói ba thằng lại, đưa chúng xuống cái hố mà đồng bào đã đào sẵn không biết là để làm gì, anh em tạm thời về hầm trú ẩn để tránh pháo sau đó lại tiếp tục. Một đồng chí trinh sát nói với tên tù binh:
    -Chúng tao chịu đựng pháo của chúng mày nhiều rồi, bây giờ để chúng mày chịu đựng một lần xem sao, sống được thì tốt, còn nếu chết cũng đừng trách chúng tao, vì pháo chúng mày bắn chúng mày, không phải chúng tao bắn chúng mày.
   Đúng là trận pháo trút đòn thù nên chúng bắn rất nhiều, mấy anh em chúng tôi ngồi bó gối, sát vào nhau, đầu chạm vào những thân cây chuối làm nắp hầm. Mỗi trận pháo bắn, nắp hầm như lún xuống đè lên đầu chúng tôi, chúng tôi hiểu nắp hầm này chỉ có tác dụng che đất đá và mảnh pháo không cho văng vào người, loại nắp bằng cây chuối không có tác dụng chịu lực, pháo rơi trúng là chết. Ngồi trong hầm, không ai bảo ai nhưng chúng tôi chăm chú lắng nghe tiếng rít của từng quả pháo, những quả mà nghe tiếng rít thì yên tâm là nó bay qua chúng tôi, những quả không nghe thấy gì mà mặt đất rung chuyển thì quả ấy là nổ rất gần, những quả mà không nghe thấy gì chỉ thấy hầm sập xuống và mọi việc chấm dứt thì cũng chẳng còn sống để mà sợ. Vì thế có lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì, bây giờ thì kệ nó, tôi cứ nghĩ: Trúng này, trúng này…
   Trận pháo chấm dứt, anh em trong đơn vị kiểm điểm quân số thương vong, củng cố lại công sự sẵn sàng đón địch. Tôi chạy ra cái hố nơi ba tên tù binh ẩn nấp để tránh pháo, tôi không tin vào mắt tôi nữa, chiếc hố đã không cánh mà bay, thay vào đó là những hố pháo nổ sát nhau. Tôi quay về báo cáo với đồng chí chính trị viên, đồng chí nói:
    -Chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra, anh về vị trí chuẩn bị đánh địch phản kích.
   Sau trận pháo kinh hoàng, trận địa lại trở lại yên lặng, một sự yên lặng không bình thường, tất cả mọi người đều vào vị trí chiến đấu, tay lăm lăm cò súng, căng mắt nhìn về phía trước, sẵn sàng nổ súng.
   Thời gian cứ chầm chậm trôi qua, 15, 20 rồi 30 phút, trận địa vẫn im lặng. Tôi thấy đồng chí chính trị viên có vẻ sốt ruột, thi thoảng lại hỏi đồng chí liên lạc về tin tức của tổ trinh sát đi nắm tình hình địch. Đúng lúc ấy đồng chí trinh sát trong tổ ba người được cử đi nắm tình hình địch ban nãy quay về báo cáo:
    -Báo cáo thủ trưởng: Ba chúng tôi đã vòng về sau lưng quân địch, bọn địch đóng trên quả đồi ngay trước mặt chúng ta, qua khỏi yên ngựa này là tới đỉnh đồi. Đồi này trồng toàn chuối, chúng tôi đã tiếp cận và đếm được từ 4 đến 5 chiếc xe thiết giáp. Theo dõi hoạt động của chúng, chúng tôi thấy chúng có biểu hiện rút lui có thể là vì hết đạn, hay là vì lý do gì đấy nên không thấy chúng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. khi chúng tôi tiếp tục trinh sát sang mỏm đồi bên cạnh thì bị phục kích, không còn cách nào khác là vừa đánh vừa rút nên bị lạc nhau. Tôi quay lại chỗ ba anh em bắt đầu tiền nhập để chờ các anh ấy quay lại, chờ mãi nhưng không thấy. Lúc này pháo địch bắt đầu bắn thì các xe thiết giáp cũng nổ máy rút khỏi trận địa. Tôi vội về đây báo cáo.
  Đồng chí chính trị viên, lệnh cho các đồng chí thông tin, thảo bức điện báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn. Lúc này trời cũng đã sắp sáng, thời gian còn lại của chúng tôi là chờ đợi, không rõ mệnh lệnh tiếp theo của bộ chỉ huy chiến dịch là gì, nhưng ngay lúc này tôi nghĩ rằng trung đoàn 95 sư 325 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bọn địch đã không thể nối thông được đoạn đường quốc lộ 1 từ Biên Hòa ra Xuân Lộc.
  Sáng hôm sau, trời sáng rõ. Chúng tôi tổ chức tìm kiếm xác của hai đồng chí trinh sát C20, trong ngổn ngang xác lính ngụy, nhưng không tìm thấy, có thể các đồng chí bị lạc sang đơn vị khác, hoặc là đã bị địch bắt đưa đi. Nếu mà lạc thì còn về được, còn bị bắt hay bị hy sinh thì đây lại thêm một tổn thất nữa đối với đơn vị.
(Còn nữa)
 


Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #135 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 02:17:40 pm »

   Anh Trần Phú thân  mến! Xin lỗi anh, hôm nọ anh hỏi mà tôi chưa trả lời, mong anh thông cảm, có thể là vì tuổi tác, anh bỏ quá cho. Kể ra thì có vẻ là vô lý, nhưng lại là thật 100%. Từ khi tôi nhập ngũ, cho đến lúc tôi trở về tiếp tục đi học. Tôi hoàn toàn không biết cấp bậc của tôi, còn chức vụ của tôi là chiến sĩ. Chính vì vậy, về lĩnh vực quân sự tôi thật sự thiếu hiểu biết, chỉ biết chấp hành theo mệnh lệnh. Những điều anh hỏi tôi, tôi chỉ còn nhớ mang máng không chính xác, nên không giám nói. Nhưng chắc chắn  trung đoàn 95 có hoạt động trên quốc lộ số 20, đoạn từ Gia kiệm, Túc trưng đến ngã ba Dầu Dây, chúng tôi không lên Lâm Đồng.  Chào anh, mong anh thông cảm.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #136 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 08:49:09 pm »

        Chào bạn quanvietnam! Tranphu341 rất cảm ơn bạn đã trả lời. Chuyện bạn kể về những trận chiến trong những ngày này rất hay rất hấp dẫn. Nó toát lên được cái sự gay go ác liệt những ngày cuối của cuộc chiến. Trong cơn giẫy chết của chính quyền VNCH.

         Những địa danh Túc Trưng, Gia kiệm, Dầu Dây lúc đó Tranphu cùng đ/v cũng qua, cuộc chiến vừa diễn ra. Khói lửa còn khét lẹt. Một vài người dân còn nằm ra đường cản bước tiến của ta. Số người di cư từ Bắc vào năm 54. Tranphu còn nhớ có một ông để râu 3 chòm như các cụ già ngoài Bắc trước. Cứ nằm năn ra đường gào lên: "Chúng tao đã nhường Băc kỳ cho chúng mày. Đã chạy vào đây mà chúng mày vẫn không tha à?"

        Trong mấy ngày này là Quân lực VNCH ĐÃ THẢ 2 TRÁI BOM CPU CHÚNG CHON KHU VỰC NGHI LÀ SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 341. Đến bây giờ các tạp chí của QLVNCH vẫn nói đã xóa sổ Sư đoàn 341. Đã tiêu diệt từ 5000- 10.000 quân giải phóng.

        Chúc bác luôn vui khỏe, tiếp tục bài viết rất hay, rất hấp dẫn của mình!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #137 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2012, 01:59:31 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Bức tường thép, vành đai phòng thủ bất khả xâm phạm Xuân Lộc, của quân lực VNCH đã bị quân giải phóng đánh cho bật tung. Các cánh quân của quân giải phóng đang ào ạt siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn - Gia Định, thủ phủ của chính quyền VNCH. Những ngày qua, đài phát thanh của các hãng thông tấn, đã đưa nhiều tin và nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Miền Nam Việt Nam: Nào là tổng thống VNCH  Nguyễn văn Thiệu, sau khi thất thủ Xuân Lộc, bị Mỹ ép từ chức, phó tổng thống Trần văn Hương lên thay, nào là Trần văn Hương từ nhiệm để tướng thời Pháp, Dương văn Minh lên thay để cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của một số nước v.v. Trong tình hình này, nội các của chính phủ VNCH đang rối tung rối mù, cố gắng điều quân khiển tướng để tử thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định và bằng mọi cách tìm được sự viện trợ của nước ngoài, hòng cứu vãn chính phủ VNCH trước nguy cơ sụp đổ.
  Tình hình cách mạng Miền Nam hiện nay, lúc này hơn lúc nào hết, đang chuyển biến vô cùng thuận lợi, đấy cũng là lúc trung đoàn 95 sư 325, theo lệnh điều động của bộ chỉ huy chiến dịch, từ ngã ba Dầu Dây hành quân gấp sang hướng  Bắc để tiến vào Sài Gòn.
    Hôm qua trên đường hành quân, nghe tiếng bom nổ và khi chúng tôi biết, có một lực lượng không quân của quân lực VNCH phản chiến đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, anh em chúng tôi ai cũng mừng, hành quân quên cả mệt mỏi, mọi người náo nức mong muốn được tham gia trận đánh để giải phóng Sài Gòn.
    Hôm nay, ngày 29 tháng 4 năm 1975, khoảng chín rưỡi mười giờ sáng, chúng tôi vượt qua ngầm tiến vào thị trấn Tân Uyên, huyện lỵ của tỉnh Bình Dương. Xe không qua được vì nước rất sâu và chảy xiết, nên chúng tôi phải bám vào dây đã được bộ đội căng sẵn để lội qua ngầm.
  Sang bờ bên kia, một bãi chiến trường hiện ra trước mắt chúng tôi, không còn tiếng súng nhưng vẫn còn ngổn ngang những chứng tích của cuộc đọ súng quyết liệt của hai bên. Những quả mìn chống tăng Claymor vứt bừa bãi trên đường, hai chiếc xe tăng của ta của ta bị trúng đạn, cái thì bật tháp pháo, cái thì bị đứt xích, quân trang quân dụng của địch vứt bừa bãi. Súng ống đạn dược của địch nằm la liệt khắp mọi nơi, cái cháy cái gãy, cái trên bờ cái dưới ruộng, những khẩu 12 ly 8 nằm còng keo băng còn đầy đạn vàng chóe, bên cạnh một đống vỏ đạn văng tung tóe, đạn M79 lăn lóc như những củ khoai tây, tất cả đều ngổn ngang, lộn xộn. Mùi xú uế và ám khí xông lên nồng nặc.
   Chúng tôi rảo bước tiến vào thị trấn, khi còn khoảng 700-800 mét đến cây số, chúng tôi được lệnh dừng lại tìm vị trí đóng quân. Nhìn địa hình trống trải, xung quanh là những nương sắn cằn cỗi khẳng khiu, thấp lè tè, cây nào cao lắm cũng không vượt quá đầu. Anh em chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao, lại dừng lại tìm vị trí đóng quân ở những chỗ như thế này. Sau đó chúng tôi được giải thích: Thị trấn Tân Uyên đã được giải phóng, hiện nay chính quyền địa phương và ban quân quản đang ổn định an ninh và trật tự, cũng còn nhiều vấn đề chưa ổn, nếu chúng ta vào đấy tình hình sẽ phức tạp hơn, mặt khác chúng ta không dừng lại ở đây mà chỉ là tạm nghỉ chân chờ sự điều động của Bộ chỉ huy chiến dịch.
   Trời cũng đã gần trưa, trong lúc chờ đợi chúng tôi tranh thủ nấu ăn. Như những cỗ máy, nhanh nhẹn và thuần thục, anh em chúng tôi mỗi người mỗi việc, người đi lấy nước, người đào bếp Hoàng Cầm, người liếm củi nhóm bếp. Chỉ khoảng thời gian rất ngắn, chúng tôi đã chuẩn bị xong bữa cơm. Gọi là bữa cơm cho nó thịnh soạn vậy thôi, chứ thực ra là chưa đủ điều kiện để gọi là một bữa cơm, bởi vì chỉ có mỗi nồi cơm, mấy thìa ruốc mặn, mấy quả ớt xanh, rau không, canh không. Ấy thế mà anh em chúng tôi ăn ào ào, anh nào thích ăn căn canh thì chan nước sôi và cho mì chính vào là thành canh. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng rất ngon miệng nên anh nào cũng ăn rất nhanh, nhanh đến nỗi cơm trong nồi đã hết, nhưng sờ vào nồi thì vẫn còn nóng bỏng tay. Đúng là sức trẻ.
   Vì phải sẵn sàng hành quân khi có lệnh, do sợ mất thời gian nên tất cả  không ai mở ba lô lấy tăng võng ra để nghỉ ngơi, mà mọi người cứ để nguyên hành trang nằm tựa vào ba lô ngủ gà ngủ gật.  Mặt trời đã đứng bóng, trời cao xanh ngằn ngặt không có một gợn mây, nắng ở vùng này cũng khủng khiếp, trên nắng dưới nóng. Buổi sớm, những cây sắn lá còn tươi, còn có chỗ chui vào bụi sắn để tránh nắng, bây giờ cành lá ủ rũ héo hắt, chẳng có chỗ nào để mà tránh nắng. Nhìn anh em, tôi thấy tội nghiệp quá, mà cũng chưa biết sẽ còn chờ đợi đến bao giờ. Tôi nói với mọi người mang tăng võng ra che tạm. Những chiếc võng và những tấm tăng được căng ra, anh em chui vào để tránh nắng, như thế cũng chỉ đỡ đi phần nào, khổ một nỗi là, vì nắng nóng nên các tấm tăng bằng Nilon chảy ra cứ trũng xuống, những chiếc võng do nặng quá cành sắn thì yếu cũng không chịu được cứ dí sát vào mặt, chúng tôi lại phải tìm cách chống lên. Loay hoay mãi mới tạm ổn, người mệt phờ giống như say nắng. Tất cả anh em chúng tôi mong mỏi có lệnh hành quân để rời khỏi chỗ này, chờ mãi vẫn chưa có động tĩnh gì, chúng tôi chờ qua cả cái nắng xiên khoai cho đến khi mặt trời xế bóng. Hoàng hôn buông xuống, rồi bóng tối trùm lên, chắc đêm nay chúng tôi ở lại đây tiếp tục chờ đợi…
   Ngay từ lúc xẩm tối, sau bữa cơm tối xong, trừ những người có công việc, phải hội ý hội báo rút kinh nghiệm và triển khai công việc ngày hôm sau v.v. Những anh em còn lại thì túm tụm nhau lại, chỗ năm người chỗ ba người, quanh chiếc Radio để nghe tin tức. Mặc dù đã được chỉ đạo: Không nghe đài địch, chỉ nghe đài tiếng nói Việt Nam, đài của mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, song do tính tò mò nên vẫn có người mở trộm đài BBC để nghe, nghe xem nó bình luận gì về quân giải phóng. Lúc này, gần như tất cả các đài phát thanh đều phát đi những tin chiến thắng của quân giải phóng trên các mặt trận, nhiều đạo quân đã tiến sát Sài gòn. Anh em chúng tôi càng nghe càng thấy sốt ruột, và thắc mắc: Sao giờ này chẳng thấy Bộ chỉ huy chiến dịch đả động gì đến trung đoàn mình nhỉ? Hay họ đã quên mất trung đoàn 95 của sư 325 rồi, buồn thật. Quả là thiệt thòi cho một đơn vị phối thuộc.
   Tôi nằm giữa, Lành nằm một bên, Dũng nằm một bên. Cả ba chúng tôi đều gối đầu vào những hốc sắn, mặt ngoảnh về hướng Sài Gòn, để quan sát. Kỳ thực là chúng tôi chỉ đoán thôi chứ không biết chính xác Sài gòn ở chỗ nào. Nhìn về khu vực ấy, tôi có cảm giác ở đó trời đang nổi cơn giông, sấm chớp cứ ầm ì nhưng chưa mưa được. Chắc lúc này, ở đó các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn đang chiến đấu ác liệt lắm, ở đây không nghe được tiếng súng bộ binh, nhưng thi thoảng cũng nghe được tiếng đại bác ùng oàng từ xa vọng về, nhìn thấy những quầng lửa bừng lên chuẩn bị tắt thì lại bừng lên, giống như những ánh chớp liên hồi, rạch ngang xẻ dọc cả một vùng trời. Càng nhìn càng thấy sốt ruột, Lành hỏi tôi:
    -Theo anh, mình có thể giải phóng được Sài Gòn không?
   Trời tối, chúng tôi không nhìn thấy mặt nhau, nhưng theo thói quen tôi nhìn vào mặt Lành và nói:
    -Được chứ sao lại không, mình nằm đây chỉ cách Sài Gòn từ 15 đến 20 km đường chim bay, trong khi đó các cánh quân ở hướng Tây, hướng Bắc, hướng Đông đang áp sát Sài gòn, chỉ còn hướng Nam và Đông nam theo bình luận của một số đài phát thanh là quân lực VNCH đang cố gắng cầm cự để mở đường máu rút ra biển và về Cần Thơ, bọn chúng hy vọng sẽ cố thủ ở Miền Tây nam bộ. Đấy là nói về thế và lực của quân ta, còn nói về thế và lực của quân nó thì rõ ràng là chúng yếu hơn lúc nào hết. Trước kia còn có quân Mỹ, bây giờ không còn quân đội Mỹ nữa, mặt khác tình hình hiện nay cũng đã khác rồi, không còn thời gian và cơ hội để cho quân đội Mỹ quay trở lại nữa. Từ khi quân lực VNCH  không còn quân đội Mỹ giúp thì chúng đã bị quân giải phóng đánh cho tan tành, từ Buôn ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Xuân Lộc, bây giờ chắc chắn Sài Gòn sẽ chịu chung số phận. Còn nói về xu thế chính trị và ngoại giao thì chính phủ VNCH cũng chẳng còn gì, chỉ trong vòng tuần lễ mà thay mấy đời tổng thống. Như vậy xét về mọi mặt chúng ta chắc chắn giải phóng Sài Gòn, chỉ có điều đây sẽ là trận chiến gay go và ác liệt, bởi vì nó quyết định số phận của một chế độ. Tất cả anh em mình hôm nay, không biết ai còn ai mất.
   Lành cướp lời tôi:
    -Sống chết có số lo gì anh.
   Còn Dũng thấy tôi nói, quân lực VNCH có thể rút về Miền Tây cố thủ. Dũng nói giọng có vẻ lo âu:
    -Nếu chúng nó rút về Miền Tây cố thủ thì chiến tranh chưa biết lúc nào kết thúc. Biết đâu khi ấy quân Mỹ lại quay trở lại, rồi nghe đâu ta và Campuchia cũng tranh chấp biên giới.
   Nghe Dũng nói thế, thực ra tôi cũng không hiểu biết gì hơn nên cũng chẳng biết nói thế nào, tôi nói gạt đi:
    -Thôi được đến đâu hay đến đó, lúc ấy tính sau. Mà việc này anh em mình biết đâu mà lo, có mà lo bò trắng răng.
   Ba anh em chúng tôi chìm vào yên lặng, nằm nghe tiếng đại bác của quân ta vọng về mà lòng thổn thức.
(Còn nữa).
   

Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #138 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2012, 05:52:47 pm »

|
Chào bác quanvietnam,

Truyện của bác kể rất hay, rất hấp dẫn.
Chiều nay tôi phải bỏ hết mọi việc để đọc mấy tiếng liền hết 14 trang của bác, từ đầu đến cuối. Hay lắm.
Mong bác khoẻ, mau viết đến cùng cho anh em đọc cho đỡ phải chờ!

Tôi nhớ c20 e95 và c20 của sư đoàn hay phối hợp với nhau nhất (so với các c20 cuae e101 và e18). Tôi cũng có một ít kỷ niệm với các bác, như hồi giữa tháng 7.1972 bơi ở đầu cầu sắt bị rong cuốn loay hoay không thoát được, uống nước đầy bụng, may người đi cùng (c20 e95) vốn dân vùng biển bơi ra kéo vào, rồi hồi chiều 16/9 cùng một lính c20 e95 được lệng cùng qua sông (may mà thôi), rồi đợt cuối tháng 11-12.1972, 5 trinh sát sư đoàn + 5 trinh sát e95 trong nhóm qua sông điều tra, được anh Thành anh Việt đặc công nước dạy bơi bí mật và thả trôi... Nghe bác kể chuyện thì thấy có lẽ c20 của e95 luyện tập thành thạo, làm nhiều nhiệm vụ hơn c20 của sư đoàn.

Chúc bác vui khoẻ, và viết thật nhanh.
Logged
lamson1981
Thành viên
*
Bài viết: 432


Chết vì thích làm oan hồn!


« Trả lời #139 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2012, 08:36:05 pm »

   Tranphu còn nhớ có một ông để râu 3 chòm như các cụ già ngoài Bắc trước. Cứ nằm năn ra đường gào lên: "Chúng tao đã nhường Băc kỳ cho chúng mày. Đã chạy vào đây mà chúng mày vẫn không tha à?"

        Trong mấy ngày này là Quân lực VNCH ĐÃ THẢ 2 TRÁI BOM CPU CHÚNG CHON KHU VỰC NGHI LÀ SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 341. Đến bây giờ các tạp chí của QLVNCH vẫn nói đã xóa sổ Sư đoàn 341. Đã tiêu diệt từ 5000- 10.000 quân giải phóng.


Chào bác Trần Phú !

Lâu nay em cũng có nghe câu nói của người bắc 54 : "Chúng tao đã nhường Băc kỳ cho chúng mày. Đã chạy vào đây mà chúng mày vẫn không tha à?" nhưng nghĩ là đùa vui. Bây giờ nghe bác kể thì mới tin. Vậy lúc ấy bộ đội các bác phản ứng như thế nào ?

- Còn thông tin Đã tiêu diệt từ 5000- 10.000 quân giải phóng thì thực hư ra sao ?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM