Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:55:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191134 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #110 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2012, 03:31:36 pm »

           Chào bác chủ! Chào các bác! Hay quá, chuyện của quanvietnam thật hay thật hấp dãn. Câu chuyện của bạn đan xen giữa trận mạc, khói lửa chiến trường,hay hành quân vv....Nhưng vẫn nói lên tình cảm của người lính với quê hương với người yêu xa cách. Mà thời đó đúng là không phải ai cũng đã có người bạn gái, người yêu. Nên những câu chuyện của bạn rất gần gũi, rất thực tế và rất giá trị.

          Tranphu341 chúc bạn luôn khỏe và tiếp bước đường hành quân của mình.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #111 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 03:12:05 pm »

Chào anh TP 341, thật là cảm động, mấy hôm rồi trời nắng nóng 39-40 độ mà anh TP vẫn đọc bài của Quanvn, cảm ơn anh đã có lời động viên kích lệ.Tôi sẽ cố gắng. Chào anh và các bạn đọc giả cua diễn đàn, chúc mọi người có nhiều sức khỏe, đoàn kết, cùng nhau xây dựng diễn đàn càng hay và càng phong phú hơn.Quanvietnam.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #112 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 03:13:39 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Mấy ngày đầu do chưa quen, nên mọi người cảm thấy gian khổ và vất vả, sau mấy ngày mọi người cũng đã quen dần với hoàn cảnh, nên cũng không thấy ai kêu ca gì, mà giả sử có vấn đề gì muốn kêu ca, cũng không biết kêu ca phàn nàn với ai, bởi vì ai cũng giống ai từ cán bộ cho đến chiến sĩ, tất cả đều không biết đơn vị sẽ đi đến đâu và làm gì. Trong thời gian này, mọi người giống như những cỗ máy, chỉ biết nhận lệnh và hành quân, đi đâu không ai biết, đi theo người dẫn đường, có lệnh là đi, không có lệnh thì nghỉ lại binh trạm, cứ như thế, ngày lại qua ngày.
  Xa Nại cửu đến nay cũng đã gần chục ngày rồi, chẳng ai để ý đã đi bao nhiêu ngày và nghỉ bao nhiêu ngày, cứ có xe đón là đi, không có xe đón thì chờ, có những hôm không đủ xe thì lại phân công bộ phận này đi trước bộ phận kia ở lại đi sau, tất cả hẹn sẽ gặp nhau ở binh trạm tiếp theo. Những ngày này, cũng chẳng còn ai nhớ địa danh vùng mình đã đi qua, những binh trạm mình đã ở, cứ thế là đi, mọi gian khổ và vất vả đều lùi lại phía sau, tất cả đều hướng về phía trước. Sau những chặng hành quân vất vả mệt mỏi, khi được nghỉ ngơi đoàn quân lại râm ran tiếng cười tiếng nói. Cuộc sống của những anh bộ đội cụ Hồ thật đơn giản và rất hồn nhiên.
  Mấy bữa nay tôi hơi buồn, buồn vì con chó của tiểu đội thông tin, bây giờ nó ở đâu? Còn sống hay chết? Buồn vì mất bao nhiêu công sức mang theo một chú lợn để chuẩn bị cho đơn vị ăn tết thì cũi bị rách nó chui ra mất, thế là bao nhiêu công lao chuẩn bị đều thành công cốc. Chuyện cũng chỉ như vậy thôi, thật ra cũng chẳng có gì đáng buồn, nhưng ở hoàn cảnh này chẳng hiểu vì sao tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ với hai con vật, mà chúng đã có thời gian nó gắn bó với chúng tôi và được chúng tôi chăm bẫm, người và vật cũng đã để lại cho nhau bao nhiêu tình cảm, bây giờ chúng không còn nữa bỗng dưng lại thấy trống vắng, đôi lúc cảm thấy nhớ chúng. Con lợn nó đi một nhẽ, vì nó sinh ra là để mổ thịt, số kiếp của nó là như vậy, chỉ tiếc là mình không được hóa kiếp cho nó và tận hưởng sự báo đáp của nó.
  Nhưng còn con chó, nuôi nó từ tấm bé, nó lớn lên trong tình thương yêu của tiểu đội, cả tiểu đội ai cũng quí nó và ngược lại nó cũng rất quí mọi người, mỗi lần anh em trong tiểu đội đi công tác về, nó chạy ra mừng rỡ quấn lấy chân, chạy theo mọi người vào tận trong nhà và đứng trân trân nhìn từng người một, như thể cho đỡ nhớ bởi những ngày xa cách. Thường những đợt đi công tác xa đơn vị, khi về mọi người đều phần quà cho nó, nó giống như đứa trẻ con trong nhà, chỉ khi nào nhận được quà rồi mới chịu đi chơi chỗ khác. Bây giờ, không còn được nhìn thấy nó nữa tôi nhớ và thương nó quá.
  Hôm nghe Lành tiểu đội phó, nói với tôi về chuyện con chó, tôi giận Lành lắm, mắng cho Lành một trận:
    -Mày chẳng làm ăn cái gì cho ra hồn, chỉ có mỗi việc trông nom con chó, để cho nó ngồi bên cạnh mình, thế mà khi giải lao nó đi đâu mất mà không tìm được, lúc xe chạy rồi mới nói thì còn ai kịp trở tay.
  Mắng nó, thằng Lành chỉ còn biết ngồi im, nó biết con chó là người bạn thân thiết của tiểu đội, giao cho nó trông coi, bây giờ bị lạc, tội của nó là lớn lắm. Chính vì vậy nó không giám cãi câu nào, nghĩ vừa bực lại vừa thương nó, lòng tự nhủ lòng: “Thôi thì của đi thay người”. Chuyện cứ tưởng như vậy rồi qua đi. Nhưng khoảng hai ba hôm sau, thằng Chính nó mách tôi là thằng Lành thả con chó về rừng chứ không phải bị lạc. Tôi nghĩ mãi và cũng cảm thấy nghi ngờ, có thể đúng như thằng Chính nói, vì con chó khôn như vậy sao có thể lạc được. Song, việc làm của thằng Lành khi thả con chó về rừng là đúng hay sai thì tôi cũng không biết là đúng hay sai, vì thế nên tôi cũng lờ đi không tra xét lại việc làm của nó. Nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh con chó, đầu ngẩng cao hai tai dỏng lên nghe ngóng lia đôi mắt sáng quắc khắp mọi nơi trong rừng già sâu thẳm để tìm bóng người thân nhưng vô vọng, nó lại thất thểu bước đi, đi đâu nó cũng không biết, nó còn quá non dại không đủ kinh nghiệm để hình dung ra là nó đang bị kẻ thù rình rập. Nghĩ đến đấy là nước mắt đã ứa ra, tôi chỉ còn biết âm thầm cầu nguyện, con chó của chúng tôi không gặp nguy hiểm gì và nhanh chóng phù hợp với điều kiện sống, để làm bạn với rừng xanh và sống cuộc đời tự do.
  Hôm nay, tôi dậy sớm nhưng cứ nằm lỳ trên võng, đến khi nghe anh em nói là ngày mồng một tết, tôi mới sực nhớ ra vì mấy ngày vừa rồi hành quân vất vả, chó thì bị lạc, lợn thì bị sổng chuồng, buồn nên chẳng có thời gian nghĩ đến chuyện tết nhất, hơn nữa bên này đang là bên tây trường sơn, nên thời tiết và khí hậu không có một tý nào gợi cho tôi nhớ về cái tết cổ truyền của dân tộc,  nên tôi quên. Khi được nhắc, hôm nay là mồng một tết, chẳng hiểu sao tôi cảm thấy buồn, toàn thân mệt mỏi, chân tay rã rời, không còn cả muốn cử động nữa, tôi có cảm giác như mình bị ốm, tôi leo lên võng nằm.
 Vào giờ này ở nhà, chắc mẹ và các em tôi đang chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày mồng một tết, bố tôi thường không có nhà ở thời khắc này, vì năm nào ông cũng xung phong trực cơ quan từ đêm ba mươi đến trưa ngày mồng một mới về nhà, mọi việc ở nhà là một tay mẹ tôi lo liệu hết. Năm nay các anh các chị đã có các cháu bé, chắc là không về nhà ăn tết được, mà ăn tết ở tại cơ quan. Mấy tết trước tôi vắng nhà, không biết mẹ tôi có gói bánh chưng không? Hồi tôi còn ở nhà, lúc đó các anh các chị cũng chưa xây dựng gia đình, cứ đến tết là chúng tôi cứ nằng nặc đòi mẹ phải gói bánh chưng. Lúc đó tôi đâu có biết, để có bánh chưng cho chúng tôi ăn, thì mẹ tôi phải tính toán lắm mới giám gói hai ba cặp bánh chưng. Khi đó không riêng gì nhà tôi, mà cả làng cả xã kinh tế đều khó khăn, nhà tôi thì đông miệng ăn, thóc trong bồ tính ra, nếu chắt chiu ăn độn thêm với khoai sắn thì cố gắng lắm mới đủ đến vụ sau, bây giờ mang gói bánh chưng để ăn chơi ngày tết thì lấy đâu bù vào trong những ngày giáp hạt, mẹ sợ chúng tôi bị đứt bữa nên cứ lần lữa không giám gói. Sau vì sức ép của chúng tôi trong mấy ngày tết, hơn nữa mẹ tôi cũng không muốn chúng tôi buồn nên bà đành phải chiều các con, chắc là những ngày sau đó mẹ tôi lại âm thầm lần hồi, giật gấu vá vai lo bù lại phần thiếu hụt. Năm nay, không biết tình hình kinh tế có gì được cải thiện không? Chắc là vẫn phải chắt chiu và tiết kiệm. Ôi! Trong sâu thẳm của đại ngàn trường sơn, tôi nghĩ đến bếp lửa hồng, nghĩ đến nồi bánh chưng sôi sình sịch, trẻ con thì nô đùa chờ bánh chín, còn bố mẹ thì đăm chiêu nhìn vào ngọn lửa cháy bập bùng, gương mặt nặng chĩu lo âu, lo cho những người ở nhà, lo cho những người đi xa…
  Tôi vắng nhà chắc mọi người buồn lắm, có lẽ mẹ tôi là người buồn nhất, vào những ngày này là mẹ tôi đứng hàng giờ trước bàn thờ tổ tiên để cầu nguyện cho mọi người trong nhà có sức khỏe và gặp nhiều may mắn, thường thì mẹ tôi dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho tôi, mẹ cầu xin trời đất, thần linh ban cho tôi sức khỏe, chân cứng đá mềm, tránh được mũi tên hòn đạn, để đi đến nơi về đến chốn.
  Bữa cơm đầu năm mới hôm nay ở nhà tôi, thiếu vắng nhiều người, các anh các chị và các cháu chưa về, tôi thì không ai biết tin tức gì. Mâm cơm đầu năm, chỉ có bố mẹ tôi và ba đứa em. Trong bữa ăn, thế nào các em tôi, chúng nó cũng nhắc đến tôi, mẹ tôi chỉ cần nghe đến thế là đã nước mắt ngắn nước mắt dài, bà vừa khóc vừa kể lể về tôi. Trong tình hình này bố tôi phải can thiệp thì mới có thể bình thường được, mấy đứa em tôi sau đấy thế nào cũng bị bố tôi mắng cho một trận…
  Còn Vân, tết này em ăn tết ở đâu? Ở chiến trường, ở quê nội, hay quê ngoại? Thôi dù là ở đâu, theo phong tục cổ truyền đầu xuân năm mới, anh xin chúc em và gia đình: Sang năm mới, dồi dào sức khỏe gặp nhiều may mắn.
  Không biết bao giờ anh mới lại được gặp em, tuy anh ở xa, nhưng lúc nào anh cũng nghĩ về em và cầu nguyện cho em được hạnh phúc. Ngày mai, ngày mốt có thể anh bị hy sinh trên chiến trường hay anh vẫn sống trở về, anh sẽ lấy vợ và có con, mọi thứ có thể thay đổi, nhưng tình yêu anh dành cho em mãi mãi là vĩnh hằng. Anh nói như thế có thể em không tin, nhưng anh nguyện sẽ làm như vậy, chỉ tiếc rằng hoàn cảnh không cho phép anh thể hiện những điều anh nói, anh chỉ còn biết phải khắc cốt ghi tâm trân trọng giữ dìn những gì mà chúng ta đã có.
  Rất nhiều đêm anh nghĩ về em, không sao ngủ được. Anh cứ tự hỏi: Có phải tại anh đã xô đẩy em vào hoàn cảnh này không? Nếu như anh không xen vào chuyện của em thì bây giờ mọi sự đã khác, có đúng không em? Vẫn biết, khi đó chúng ta đến với nhau là hoàn toàn tự nguyện, đến với nhau để yêu nhau, để tiến tới xây dựng hạnh phúc trăm năm. Khi đó, không phải chúng ta không lường hết những khó khăn sẽ xảy ra, rõ ràng trong tình hình đất nước có chiến tranh thì chắc chắn sẽ có thời gian chúng ta phải sống xa nhau, chúng ta đều biết và cũng không ít lần chúng ta nói về điều này. Chính trong những hoàn cảnh ấy em đã nói với anh những điều, mà anh không thể nào quên được, cho dù là đời này kiếp này, đời sau kiếp sau và mãi mãi. Nhưng em ơi! Đó là trước kia, lúc đó chúng ta sống xa mặt trận, xung quanh chúng ta chỉ toàn là sách vở, chúng ta chỉ biết cuộc chiến tranh rất ác liệt thông qua phương tiện thông tin, nhưng ác liệt thế nào, cụ thể ra sao thì chúng ta lại không biết, thậm chí những người trong cuộc cũng không ai có thể nói hết được sự gian khổ và ác liệt của chiến tranh. Bây giờ thì khác rồi, dần dần rồi anh cũng nhận ra, anh thấy anh không nên đối xử với em như thế. Chính vì vậy nên anh chấp nhận là kẻ phản bội tình yêu mà em đã giành cho anh, anh là kẻ hèn yếu và bạc nhược. Em hoàn toàn có quyền phán xét anh lúc này, anh chỉ mong em hiểu cho anh, vì có điều anh không nói được…
  Cứ nằm là nghĩ ngợi lung tung đau cả đầu, tôi vùng dậy tụt ra khỏi võng, đi đi lại lại hít thở không khí trong lành buổi sớm mai của cánh rừng già yên ả. Không có máy bay, không có tiếng súng, chỉ có trời xanh, mây bay và tiếng chim hót véo von, một buổi sáng tuyệt đẹp. Mấy anh em trong đơn vị gặp nhau, họ tươi cười bắt tay nhau, họ chúc nhau: “Năm mới! Dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn.” Tiếng chào hỏi tiếng chúc nhau năm mới cứ râm ran, dưới mái tăng và những cánh võng, rồi xa dần xa dần…
  Mấy ngày tết ở chiến trường cứ lặng lẽ qua đi, chúng tôi lại tiếp tục hành quân.
(Còn nữa)
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #113 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 04:47:18 pm »

Theo dòng chuyện Những ngày ở Nại Cửu, rồi đến Những cuộc hành quân của bác quanvietnam, thì c20-e95 rời Nại Cửu cuối 73 và đón tết 73-74 trên đường giao liên. Tiếc là bác trinh sát quanvietnam không bám được theo bản đồ để biết chẳng đường đã hành quân. Nhưng chứac là rất xa, vì thấy đi bằng xe.

 Sau đó ít lâu, khoảng 3/1974, c20-f325 của chúng tôi chuyển từ Trà Liên Tây về Nại Cửu. Rất có thể ở đúng nơi c20-e95 đã rời đi. 
Logged

Nhật ký Viết lại
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #114 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2012, 02:35:02 pm »


Chào anh Sauchinbaymot, cảm ơn anh đã đọc bài viết của tôi.Trước hết tôi xin lỗi anh vì tôi viết không được rõ ràng, làm anh hiểu lầm. Nay tôi xin nhắc lại: C20 E95 rời khỏi Nại cửu vào khoảng thời gian cuối tháng1 năm 1975, chúng tôi ăn tết  trên đường hành quân khi qua tỉnh A tô pơ của nước bạn Lào, chúng tôi tham gia giải phóng Buôn ma thuột vào ngày 10 tháng 3 năm 1975. Rất tiếc, khi nhận nhiệm vụ của cấp trên, chúng tôi chỉ biết đi mà không biết đi đâu và làm gì, đến khi nhận lệnh phối hợp với các đơn vị bạn để đánh Buôn ma thuột mới biết cụ thể nhiệm vụ của mình. Chính vì thế không có điều kiện để theo dõi hành trình trên bản đồ, mặt khác chúng tôi lại đi trên đất của nước bạn Lào.( Ngoài ra cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ, lúc đó chúng tôi có thể đang làm nhiệm vụ nghi binh để làm nhiễu động thông tin, đánh lừa địch).Cảm ơn anh , chào anh.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #115 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2012, 05:05:31 pm »

           Chào bác quanvietnam! Tranphu341 vẫn theo dõi bước hành quân cũng như tình cảm của bác với người yêu của Hậu phương. Đúng là trong mỗi người lính trên đường ra trận thì thường hay đặt ra câu hỏi: Vân đang làm gì? Hay Bố của mình, Mẹ của mình, những người thân của mình đang làm gì? Tranphu341 cũng đã hàng trăm lần tự hỏi như vậy.

           Bác quanvietnam! Như vậy là Sư đoàn của bác hành quân vào sâu miền Nam cùng thời gian với Sư đoàn 341 của Tranphu. Đường đi chắc cũng giống nhau cũng phải đi qua Trường sơn Đông, Rồi Trường Sơn Tây, rồi Qua Lào, qua CPC Rồi qua cao nguyên Trung Phần lại trở vào đất Việt. Tranphu còn nhớ khi đoàn xe qua cao nguyên Trung Phần đúng đêm Dằm tháng giêng. Trăng sáng tuyệt đẹp. Cả đoàn xe đi làm cho cát bụi mù trời. Những cây tùng, cây cọ khổng lồ lấp lánh dưới ánh trăng cao nguyên. Ôi nhớ nhà vô cùng. Rồi tranphu lại cũng hỏi: giờ này ở nhà mọi người đang làm gì?

            CHÚC BÁC CÙNG GIA ĐÌNH CÓ NHIỀU SỨC KHỎE CÙNG NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #116 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2012, 08:44:24 pm »

          ... Như vậy là Sư đoàn của bác hành quân vào sâu miền Nam cùng thời gian với Sư đoàn 341 của Tranphu. Đường đi chắc cũng giống nhau cũng phải đi qua Trường sơn Đông, Rồi Trường Sơn Tây, rồi Qua Lào, qua CPC Rồi qua cao nguyên Trung Phần lại trở vào đất Việt. Tranphu còn nhớ khi đoàn xe qua cao nguyên Trung Phần đúng đêm Dằm tháng giêng. Trăng sáng tuyệt đẹp. Cả đoàn xe đi làm cho cát bụi mù trời. Những cây tùng, cây cọ khổng lồ lấp lánh dưới ánh trăng cao nguyên. Ôi nhớ nhà vô cùng. Rồi tranphu lại cũng hỏi: giờ này ở nhà mọi người đang làm gì?

            CHÚC BÁC CÙNG GIA ĐÌNH CÓ NHIỀU SỨC KHỎE CÙNG NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!

@tranphu341: bác Quanvietnam là lính của e95/f325. Tháng 1/1975 trung đoàn 95 tách khỏi đội hình của f325 vào đánh Buôn Ma Thuột. Các trung đoàn còn lại của 325 cắt đường 1 tại Phú Lộc, giải phóng Huế và Đà Nẵng và xuôi theo QL1 đánh Phan Rang, Long Thành và vượt Cát Lái đánh vào SG. Trong khi đó e95 của Bác QuânVN phối thuộc với f10 đánh BMT, sau đó đi với f320 truy kích địch ở Cheo Reo, Phú Bổn, tiếp đó cùng với QĐ4 đánh Dầu Giây chặn đường rút của địch từ Xuân Lộc về Biên Hòa. Sau khi giải phóng SG, e95 mới trở về với f325. Đây là 1 trung đoàn thiện chiến của f325 chính vì thế hay được tung vào những nơi khó khăn nhất. Chúng tôi vẫn đùa yêu anh em e95 là trung đoàn cave      
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Sáu, 2012, 09:13:39 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #117 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2012, 09:33:27 am »

leũatuong
Trích dẫn từ: lexuantuong1972 link=topic=23382.msg383016#msg383016 date=1340027064
[/quote

@tranphu341: bác Quanvietnam là lính của e95/f325. Tháng 1/1975 trung đoàn 95 tách khỏi đội hình của f325 vào đánh Buôn Ma Thuột. Các trung đoàn còn lại của 325 cắt đường 1 tại Phú Lộc, giải phóng Huế và Đà Nẵng và xuôi theo QL1 đánh Phan Rang, Long Thành và vượt Cát Lái đánh vào SG. Trong khi đó e95 của Bác QuânVN phối thuộc với f10 đánh BMT, sau đó đi với f320 truy kích địch ở Cheo Reo, Phú Bổn, tiếp đó cùng với QĐ4 đánh Dầu Giây chặn đường rút của địch từ Xuân Lộc về Biên Hòa. Sau khi giải phóng SG, e95 mới trở về với f325. Đây là 1 trung đoàn thiện chiến của f325 chính vì thế hay được tung vào những nơi khó khăn nhất. Chúng tôi vẫn đùa yêu anh em e95 là trung đoàn cave      

                Chào bác lexuantuong! Tranphu341 rất cảm ơn bác đã có những thông tin về Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 của bác quanvietnam. Như vậy là đ/v của bác QVN trong chiến tranh giai đoạn cuối cũng được tham gia quá nhiều trận đánh lớn.

                Tranphu có người bạn học . Nay lại là anh vợ của Tranphu cũng thuộc Trung đoàn này. Anh hy sinh tháng 5/72 tại Quảng Trị. Cách đây khoảng 5 năm gia đình cũng đã đưa được anh từ nghĩa trang Triệu Hải về Thái Bình.

                        CHÚC CÁC BÁC CÙNG GIA ĐÌNH LUÔN KHỎE, CÓ NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #118 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2012, 03:00:22 pm »

Chào bác Trần Phú, bác Lê xuân Tường! Cứ lên diễn đàn mà gặp các bác là sướng rồi, không viết cũng quý,mà viết được lại càng quý hơn. Thấy cảc bác khỏe anh em mình mừng cho nhau.Chúc các bác nhiều sức khỏe, vui với tuổi già, gia đình và con cháu.Quanvn.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #119 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2012, 03:01:39 pm »


NHỮNG CUỘC HÀNH QUÂN
          Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi trong cánh rừng già, chẳng biết đi đến bao giờ thì ra khỏi rừng. Càng đi càng thấy rừng mênh mông bát ngát, rừng đẹp quá, bây giờ mới thấy thấm thía câu thơ “ … Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù…” Rừng bao la hùng vĩ, ẩn chứa biết bao điều huyền bí và bất ngờ, cũng thật là kỳ lạ là tại sao lại có rất nhiều chỗ giống nhau đến như vậy, có những hôm gặp những chỗ quen quá, tưởng như là mình lại hành quân quay lại. Vẫn là những con suối nước chảy róc rách, vẫn là những lùm cây um tùm, chằng chịt vết buộc võng và những giá ba lô tựa vào gốc cây, vẫn là những dòng chữ khắc nguệch ngoạc trên thân cây, vẫn là những cái bếp dã chiến của lính còn nhom nhem lẫn than lẫn củi được thu dọn vội vàng trước khi hành quân, đây đó còn sót lại những vỏ đồ hộp, những đống rác thải của bộ đội. Không chỗ nào là không có dấu chân của lính, hay là mình hành quân quay lại? Cũng có thể…
  Hôm nay, hành quân qua một khu rừng, trông nó cũng giống như những khu rừng đã đi qua, thấy mấy anh em nói với nhau:
    -Hình như đây là ngã ba Đông dương đấy!
    -Sao mày biết?
    -Tối hôm qua tao nghe có người nói, hôm nay chúng ta đi qua ngã ba Đông dương.
  Chắc là anh em cũng nghe ai nói, rồi nói lại với nhau chứ đã ai đi bao giờ mà biết, nhìn thì cũng chẳng có gì khác so với những chỗ đã đi qua, có khi ai đó nhìn thấy có một ngã ba thì bảo là ngã ba Đông dương cũng nên. Dũng hỏi tôi:
    -Ngã ba Đông dương là ở đâu hở anh?
  Tôi giải thích cho Dũng:
    -Ngã ba Đông dương, nó là vùng mà ba nước Việt nam, Lào, Căm pu chia chung nhau đường biên giới. Khu vực này, thuộc tỉnh Kon tum của Ngụy quyền Sài gòn.
    -Đây là B mấy? Dũng hỏi tôi, tôi nói:
    -Anh cũng không rõ việc phân gianh giới của các mặt trận, nhưng anh đoán đây thuộc mặt trận B3.
  Dũng bảo:
    -Như vậy là anh em mình vào sâu lắm rồi anh nhỉ, đoàn đi tiền trạm hôm trước là đi vào hướng tây Thừa thiên, ở đấy là B4, còn bây giờ anh em mình đang đi ở khu vực Kon tum là B3, rõ ràng đơn vị đi thành hai hướng khác nhau rồi, không biết sẽ gặp lại nhau ở đâu? Có khi nào mình vào tận B1 B2 không?
  Tôi trả lời Dũng:
    -Theo anh nghĩ, chắc là anh em mình chỉ ở B3 thôi, hôm anh nghe mấy anh ở ban hậu cần trung đoàn nói chuyện: Những đơn vị nào trang bị quần áo tăng võng toàn là vinilon và là đồ gọn nhẹ thì sẽ vào sâu,  những đơn vị trang bị những đồ bình thường như anh em mình thì ở ngoài này. Còn đoàn đi tiền trạm hôm nọ, chắc chắn sẽ không gặp anh em mình đâu, hai hướng cách xa nhau vời vợi rồi, chẳng biết có còn gặp lại nhau nữa không? Kể cũng hay, bây giờ tình báo của địch phát hiện ra hai trung đoàn 95 của hai sư 325, một đi tây Thừa thiên Huế, một đang di chuyển vào Tây nguyên.
  Đợt hành quân dài ngày này, lúc nào tôi với Dũng cũng luôn luôn sát cánh bên nhau, ăn uống ngủ nghỉ đều có nhau, bao giờ chúng tôi cũng mắc võng liền nhau để còn chuyện trò, thậm chí có khi chỉ có một tăng mà hai võng. Tôi cũng không hiểu cơ duyên nào mà lại gắn bó chúng tôi như vậy, không phải nói ngoa chứ, đúng là như hình với bóng. Về tử vi không biết có hợp nhau không thì tôi không biết, nhưng cuộc sống thường ngày thì chúng tôi rất hiểu nhau, có thể sẻ chia và tâm sự với nhau những điều thầm kín. Tôi thì sinh năm 1949, Dũng sinh năm 1954, chúng tôi chênh nhau năm tuổi.
    Dũng quê ở thị xã Hưng yên. Một hôm, trời mưa tầm tã, chúng tôi không hành quân mà nghỉ lại binh trạm. Hai anh em, mắc võng chung một cọc và một tấm tăng để che mưa, nằm tráo trở đầu đuôi. Nằm nghe mưa rơi lộp bộp trên mái tăng, nhìn nước chảy thành dòng dưới võng, Dũng kể với tôi:
  Sau khi em tốt nghiệp lớp mười, thì được gọi nhập ngũ. Hôm tiễn em lên đường làm nghĩa vụ quân sự, cả nhà em đều ra tiễn em ở địa điểm giao quân, lúc ấy em đã nhận quân trang và thùng thình trong bộ quân phục mầu xanh Tô châu còn thơm mùi vải, lúc đầu còn hơi ngượng ngịu, bởi vì nó quá rộng so với em, sau nhìn bạn bè cùng nhập ngũ cũng mặc như mình rồi cũng quen dần và mạnh bạo hẳn lên. Mọi người trong gia đình cứ vây quanh lấy em để dặn dò, bố em thì không sao, còn mẹ em thì cứ khóc, bố em đã phải nhắc mấy lần nhưng bà cứ nhìn em là lại trào nước mắt. Hai thằng em trai, nhìn em từ đầu đến chân, tuy không nói gì, nhưng có vẻ như có cái gì đó cuốn hút nên xem ra chúng cũng muốn được nhập ngũ như em. Cô em gái, cứ loay xoay xếp đặt những quà kỷ niệm mà mọi người tặng em vào trong ba lô rồi buộc lại cẩn thận và khoác ba lô lên vai đứng bên cạnh em theo dõi mọi người nói chuyện.
  Đang chú ý lắng nghe những lời dặn dò của bố mẹ và những người trong gia đình, thì có cô bạn học cùng lớp đến xin phép bố mẹ em cho em đi gặp các bạn. Các bạn cùng học lớp mười với em, chủ yếu là người ở thị xã, cũng có một số sơ tán ở nơi khác đến. Hồi còn đang đi học, em chơi thân với mấy thằng trong đội bóng đá vỉa hè, ngoài ra còn chơi với một cô bạn gái cùng phố để nhờ cậy, lúc thì cầm hộ cặp sách, lúc thì chép bài hay làm hộ bài tập, quan trọng nhất là lúc em có lỗi gì ở trường thì cô bạn này bày cách để xoa dịu cơn tức giận của bố mẹ em, cũng có những lúc bạn em phải đứng ra làm chứng cho em, để em thoát khỏi những vụ bị bố mẹ em nghi ngờ.
  Anh biết đấy: Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, quỷ và ma thì không có, vì vậy nhất vẫn là học trò. Hồi em còn đang đi học em nghịch lắm, gần như ngày nào em cũng mắc khuyết điểm, ngày nào bố mẹ em cũng nhận được sự trách cứ của mọi người, hôm thì thầy cô, hôm thì phụ huynh đến tận nhà mách với bố mẹ em, có những hôm em đánh nhau, những đứa bị em đánh đau chúng nó kéo đến tận cổng nhà em chúng chửi bới hay ném đá vào nhà em làm vỡ cả bình hoa, chậu hoa của bố em. Em càng lớn thì khuyết điểm càng ít đi, bố mẹ em cũng đỡ khổ tâm vì em.
  Có những chuyện em không thể nào quên được. Anh biết không? Ngày em còn ở nhà em có biệt danh là: “Dũng sư phụ”, sở dĩ em có biệt danh ấy là vì: Hồi đó, để kỷ niệm ngày xa mái trường cấp ba phổ thông, em đề xuất, hai lớp mười, mười A và mười B tổ chức thi đấu bóng đá, đá gôn mini, mỗi bên 7 người, bên thua thì phải mời bên được uống bia, uống chán thì thôi. Cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt, hai bên cứ rượt đuổi nhau về tỷ số, sắp hết giờ mà cả hai bên vẫn giữ tỷ số 6-6, thấy tình hình có vẻ căng thẳng, thầy giáo dạy thể dục làm trọng tài thổi còi hết giờ và tuyên bố hòa. Cả hai bên hậm hực không chịu, thách nhau ra quán bia để đá hiệp phụ. Ra đến quán bia, luật chơi được công bố: Mỗi bên vẫn 7 người,  ngồi đối diện nhau, các cổ động viên ngồi hai đầu bàn vừa uống bia vừa làm trọng tài. Hai bên bắt đầu thi uống bia, bên nào có người đứng lên đi ra nhà wc trước là thua và phải trả tiền. Cả hai bên đồng ý, cuộc thi uống bia bắt đầu, tất cả đều vui vẻ, hôm ấy bia uống như nước chảy, hết cốc này đến cốc khác, bọn con gái ở ngoài cứ động viên cố lên cố lên, tất cả bọn chúng em no căng cả bụng, tốc độ uống chậm lại, về sau gần như không uống thêm được cốc nào. Tất cả các cầu thủ bia, trông mặt bí xị vì bị ức chế, ngồi đúng vị trí của mình không giám nhúc nhích sợ bị bật van điều tiết. Rồi cái gì đến nó sẽ đến, bên em một thằng không chịu  được nữa, tè luôn ra quần, nhanh trí em giả vờ say cào tay làm đổ cốc bia vào người nó thế là xóa được dấu vết, đối phương phát hiện ra nhưng không có bằng chứng, thế là em đã cứu được bên em một bàn thua trông thấy, biệt danh “Dũng sư phụ” bắt đầu từ đấy. Tiếp theo, cứ ăn miếng trả miếng, không bên nào thắng được bên nào, cuối cùng là phải tuyên bố hòa, cộng lại chia đôi. Đúng là những cuộc đọ sức để đời, bây giờ chúng em mỗi đứa mỗi nơi, nhưng hẳn chúng nó vẫn nhớ những kỷ niệm của tuổi thơ ham chơi và nghịch ngợm.
  Chia tay với bạn bè xong, cũng là vừa lúc chúng em được lệnh lên đường trở về đơn vị, đời quân ngũ của em từ đấy, khi ra đi không một mảnh tình vắt vai, trong trắng và trinh nguyên, chưa hề biết hương vị cuả những nụ hôn, chưa bao giờ được cầm tay phụ nữ.
  Kể đến đấy, Dũng dừng lại, nói với tôi:
    -Bây giờ nghĩ lại em thấy tiếc lắm, khi ấy có rất nhiều cơ hội đến với em, nhưng vì mải chơi nên em bỏ qua, mặt khác lúc đó em cũng muốn chứng tỏ mình là một trang quân tử, phải quang minh chính đại, lịch lãm để mọi người nhìn vào, nhất là đối với bọn con gái cùng lớp hay trong khối phố. Thật ra đôi khi em cũng thấy thích, nhưng lại xấu hổ không giám thể hiện, vả lại cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Thế rồi hết cơ hội này đến cơ hội khác đều qua đi, cho đến bây giờ. Nghĩ dại, nếu em hy sinh thì sao anh nhỉ? Như vậy có phải là thiệt thòi không?
  Trời vẫn mưa xối xả, mưa không ngớt, mưa xuyên qua tán lá rừng rơi xuống mái tăng kêu lộp độp, những hạt mưa rơi xuống đất chui vào lớp lá rụng rồi nhập lại với nhau tạo ra dòng chảy, những dòng chảy nhỏ len lỏi trong đám lá rụng lại nhập lại với nhau thành dòng chảy lớn cuốn trôi cả lá rừng, những hạt nước bé li ti từ mái tăng bắn tung tóe bay cả vào mặt gây cảm giác lành lạnh. Mưa rừng đã buồn thì chớ, mưa vào buổi chiều lại càng buồn hơn, xa xa tiếng suối chảy ào ào. Tất cả các âm thanh đang viết lên một bản nhạc: Chiều mưa rừng, nghe buồn da diết.
  Dũng thấy tôi không nói gì, nên ngồi nhỏm dậy, hỏi tôi:
    -Anh ngủ à? Tôi trả lời:
    -Anh có ngủ đâu, anh đang suy nghĩ những điều em nói. Anh thấy cuộc sống thật là phức tạp, một vấn đề hoàn toàn giống nhau, nhưng mỗi người suy nghĩ mỗi khác. Hai anh em mình, hiện nay chưa thống nhất quan điểm về vấn đề: Tình yêu và cuộc chiến tranh. Ở một khía cạnh nào đó của vấn đề này, anh và em đang là những con người cụ thể, của từng hoàn cảnh cụ thể, anh thì có người yêu còn em thì chưa có người yêu, cả hai chúng ta đang chung một chiến hào sống chết có nhau, em thì nuối tiếc vì chưa kịp yêu, anh thì đang ân hận vì đã yêu nên để lại hậu phương cô người yêu bé bỏng, suốt ngày trông ngóng đợi chờ. Ở đây anh không muốn nói ai đúng ai sai, mà anh chỉ muốn biết chúng ta sử sự thế nào cho đúng, theo em thì nên thế nào?
  Dũng suy nghĩ hồi lâu rồi nói với tôi:
    -Em cũng không biết, nhưng theo em nghĩ: Tất cả cứ để nó phát triển theo quy luật tự nhiên, cái gì đến thì nó phải đến, anh có muốn cũng không được, mà không muốn cũng không được. Tổ tiên chúng ta, đã phải trải qua biết bao cuộc chiến tranh, bây giờ lại đến lượt chúng ta. Một khi chiến tranh đã nổ ra thì đương nhiên con trai phải ra trận, con gái ở lại hậu phương. Như vậy việc lo lắng và chờ đợi của những người phụ nữ ở hậu phương, em nghĩ âu cũng là lẽ thường tình. Em cũng chưa hiểu vì sao anh cứ day dứt vấn đề này.
  Tôi ngồi nhổm dậy, nhìn Dũng không chớp mắt, đầu tôi đang cố tìm lời lẽ ngắn gọn để nói cho Dũng hiểu:
    -Anh hoàn toàn đồng ý với với quan điểm của em, bởi vì điều em nói là hoàn toàn thực tế nó đã và đang diễn ra hàng ngày, không ai có thể phủ nhận được. Nhưng nếu anh lấy trường hợp của anh, để phân tích, nên hay không nên thì em sẽ thấy rõ hơn. Ở đây anh chỉ đề cập tới ba trường hợp làm ví dụ để em thấy, tất nhiên anh  giới hạn, đây là chuyện của hai thằng con trai nói với nhau.
  Hoàn cảnh được đặt ra là: Nếu như chị Vân không yêu anh, mà yêu một người khác cũng có hoàn cảnh tương tự anh, nhưng người ấy không phải đi chiến trường mà công tác ở miền bắc. Bây giờ anh xin phân tích cho em nghe rồi em sẽ đồng cảm với suy nghĩ và thông cảm với việc làm của anh.
  Trường hợp thứ nhất: Nếu may mắn anh còn sống trở về sau chiến tranh, điều này là quá tuyệt vời và trên cuộc đời này không có gì có thể so sánh  được. Mọi mất mát và thiệt thòi, lúc đó không nghĩa lý gì, anh và chị Vân sẵn sàng gánh chịu. Đương nhiên sau đó chị Vân hàng ngày hàng giờ phải vượt qua tất cả những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh đã hằn sâu trong tâm hồn và thể xác của những người lính đã bao nhiêu năm chinh chiến rồi trở về như anh. Nói thế là em hiểu và chắc chắn chị Vân phải có nghị lực thế nào mới có thể vượt qua được.
  Trường hợp thứ hai: Kém may mắn hơn trường hợp thứ nhất, anh vẫn trở về. Song, anh đã để lại nơi chiến trường một phần cơ thể của mình, có thể là trí tuệ hoặc là xác thịt. Khi đó chị Vân nghĩ sao? Bỏ thì thương, vương thì tội. Chị Vân không thể làm khác được, chấp nhận cưu mang, rồi từng ngày, từng ngày, hệ lụy của cuộc chiến tranh đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của chị, chị gồng mình lên tất tả bươn trải với cuộc đời và rồi chưa chắc đã dừng lại đó, có khi còn ảnh hưởng cả đến thế hệ sau nữa chứ.
  Trường hợp thứ ba: Anh hy sinh ở chiến trường. Đây là điều khủng khiếp và tồi tệ nhất mà không ai mong muốn, kể cả từ trong suy nghĩ.
  Đấy, cả ba trường hợp này anh phân tích để em thấy, tất cả mọi hệ lụy của cuộc chiến tranh người phụ nữ là người gánh chịu nhiều nhất, anh không giám nói là tất cả. Vậy anh tự đặt câu hỏi: Tại sao anh lại là một trong phương án để chị Vân phải lựa chọn? Trong khi đó: Anh và chị Vân chưa phải là vợ chồng, chị Vân cũng có đủ năng lực và nhiều khả năng để xây dựng gia đình với một người khác mà không phải là anh. Vậy thì tại sao? Anh lại ích kỷ để khư khư ôm lấy mối tình mà chị Vân đã hứa giành cho anh, cũng có thể vì quá yêu anh nên chị Vân không muốn làm khác vì sợ anh buồn. Tất cả đều có thể. Vậy tại sao? Anh đã nhìn thấy và phân tích mọi việc rất cặn kẽ, sao anh lại không đủ bản lĩnh để làm một việc, mà việc đó theo anh là đúng?
  Rất đau lòng, nhưng anh phải làm, đó là lý do anh viết bức thư cuối cùng gửi chị Vân trên đường vào Nam.
(Còn nữa)
 
 
   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM