Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:14:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191413 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 02:30:12 pm »


                                   NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Chiều thứ 7, khoảng độ 4 giờ rưỡi tôi với Vân đã có mặt ở cổng.Vân gọi mẹ ra mở cổng, tôi thì đang hồi hộp về buổi ra mắt hôm nay, nhìn cái cổng làm tôi lại càng hồi hộp hơn, chẳng biết cổng được xây từ bao giờ nhưng nhìn nó cổ kính rêu phong bao phủ, cánh cổng bằng gỗ cũng đã bị bạc mốc bởi thời gian, nhưng tất cả đều được lau chùi sạch sẽ không vương chút bụi bặm. Tôi nghĩ thầm, chủ nhà này rất sạch sẽ và cẩn thận chắc là khó tính. Đang nghĩ miên man thì có tiếng mở chốt cửa, trước mắt tôi là một ông già dáng người bé nhỏ, râu tóc bạc phơ, có đôi mắt sáng dưới cặp kính trắng. Ông nhìn chúng tôi, ông nói:
    -Cháu vào đi! Vân, con mời anh vào trong nhà.
  Chúng tôi bước vào trong sân, ông vừa chốt cổng vừa hỏi:
    -Chỉ có hai anh em về thôi à? Sao không bảo cái Lan về cả cho vui? Hai anh em về vào giờ này trời còn nắng lắm, lần sau để muộn hơn tý nữa hẵng về cho mát.
  Chúng tôi theo ông vào trong nhà, nhà kiểu ngày xưa, thấp và lợp bằng ngói vẩy nên bước vào trong nhà khác hẳn ngoài sân, rất mát. Ông chỉ tôi ngồi vào bộ tràng kỷ kiểu cổ, đóng bằng gỗ lim hay gỗ gụ gì đấy, trông rất đẹp và chắc chắn. Ông quay sang nói với Vân:
    -Mẹ con chạy sang bên hàng xóm chắc cũng sắp về, con vào lấy đường với bình nước mơ ra pha nước hai anh em uống cho rồi nghỉ ngơi.
  Nghe ông nói thế, tôi hình dung ngay là chỉ có gia đình công chức, hoặc là giầu có mới có đường sữa dùng thường xuyên, còn những gia đình bình thường, chỉ khi nào có người ốm đau mới giám dùng đường sữa, ngay cả đến trẻ con cũng không có, nhiều khi chúng nhìn thấy đường sữa mà thèm thuồng, trông chúng thật tội nghiệp.
  Trong lúc Vân pha nước, ông nói với tôi:
    -Bác nghe Vân nói, cháu học hành vất vả lắm chẳng có thời gian nghỉ ngơi, thôi hôm nay về đây cứ nghỉ ngơi cho thoải mái rồi về lại tiếp tục học, bù lại những thời gian đi nhập ngũ. Trai thời loạn mà cháu, thôi cố lên.
  Tôi vâng vâng dạ dạ, cố ý chờ Vân lên để đỡ lời.
  Vân pha nước xong, bê lên ba cốc, ông một cốc, tôi một cốc và Vân một cốc. Ông mời tôi:
    -Cháu uống nước đi!
    -Vâng ạ! Tôi nhận lấy một cốc nước, nhìn cốc nước mơ vàng óng mầu mật ong tỏa hương thơm, tôi đã khát lại càng khát hơn. Khổ cho tôi là lúc này tôi lại thèm hút thuốc, ban nãy ở ngoài đầu làng tôi đã hút dự phòng hai điếu, bây giờ lại thèm, nhưng không giám hút.
  Thấy tôi cứ ngồi im nhìn cốc nước, ông lại dục tôi:
    -Cháu uống nước đi, về đây cháu cứ tự nhiên như về nhà mình, đừng khách sáo gì, cháu ạ!
  Như sợ tôi ngại không giám uống khi mà ông chưa uống, ông bê cốc nước mơ lên nhấm nháp:
    -Mơ này là chính gốc mơ Hương tích, của mấy ông bạn ở dưới đó mang lên cho, bác đã ngâm lâu lắm rồi, có nhẽ được đến hơn hai năm.
  Tôi bê cốc nước mơ lên định uống, chợt nghĩ ra, tôi vội vàng lễ phép mời:
    -Cháu mời bác xơi nước ạ!
  Cũng đúng lúc ấy có người gọi cổng, linh tính tôi đoán là bà giáo, mẹ Vân về. Đúng như dự đoán, ông giáo, bố Vân nói:
    -Con ra mở cửa cho mẹ!
  Vân chạy ra mở cổng cho mẹ, hai mẹ con vừa đi vừa nói chuyện với nhau, Vân  tranh thủ nói với mẹ là có tôi về chơi. Bà đi thẳng vào trong nhà, nheo nheo mắt nhìn tôi, tôi vội vàng đứng dậy lễ phép chào:
    -Cháu chào bác ạ! Cháu theo Vân về nhà chơi, chúng cháu cũng vừa về đến nhà, cháu đang nói chuyện với bác trai.
  Bà ra hiệu cho tôi ngồi xuống, bà đi vòng ra phía sau tràng kỷ chỗ  ông giáo ngồi, bà ngồi xuống chiếc giường được kê gần đó, chỉ cách bộ tràng kỷ một hàng cột. Bà cầm chiếc quạt, quạt phe phẩy. Bà nói với Vân nhưng là để cả nhà cùng nghe:
    -Mẹ sang nhà bà Ân để nhờ mua thóc giống cho chị cả, nhưng không có ai ở nhà, chắc là tối lại phải sang lại.
  Ban nãy từ ngoài sân vào, vì còn chói ánh sáng mặt trời nên bà nhìn tôi chưa rõ, bây giờ có điều kiện bà đang tập trung quan sát tôi. Tôi biết  vậy nên tôi nói với Vân, Vân đang ngồi bên cạnh bà:
    -Vân em đi pha nước mời bác gái uống nước.
  Bà xua tay rồi nói:
    -Bác không uống đâu, đừng pha nữa.
  Từ đầu tới giờ, tôi tập trung quan sát mẹ Vân. Bà người nhỏ nhắn, da trắng, mũi dọc dừa, bà ăn trầu răng đen nhánh, bà vấn khăn mỏ quạ. Nhìn bà, kết hợp với những chuyện mà Vân kể về bà, tự nhiên tôi cảm thấy bà hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người con gái quê hương kinh Bắc, thùy mỵ nết na, mượt mà thấm đẫm tình cảm như những làn điệu dân ca quan họ. Dân làng này, mọi người đều kính trọng hai vợ chồng ông bà giáo, họ giành nhiều tình cảm tốt đẹp để nói về hai ông bà, nhất là bà.
  Lúc này,tôi đưa mắt ra hiệu cho Vân, ý muốn nói với Vân là giới thiệu tôi với bố mẹ, nhưng Vân không hiểu ý, tôi bực lắm nhưng không làm sao được, tôi đành đứng dậy lẽ phép nói:
    -Cháu xin phép hai bác, lẽ ra Vân phải giới thiệu cháu với hai bác, nhưng có lẽ là Vân quên. Vậy cháu xin được tự giới thiệu, cháu tên là…
  Mới nói đến đấy cả hai người đã cản lại, bà nhường lời cho ông, ông nói tiếp:
    -Cháu không phải giới thiệu đâu, cả nhà này ai cũng biết cháu tên là gì, quê quán ở đâu. Chỉ có điều là mọi người chưa được biết mặt, hôm nay thì đã nhìn thấy rồi. Thôi! Cháu ngồi xuống uống nước đi.
  Bà nhìn Vân rồi lại nhìn tôi, bằng giọng ấm áp của người làm cha làm mẹ, bà nói với tôi:
    -Cháu về thăm hai bác với gia đình, như thế này là quý hóa lắm rồi. Về đây cháu cứ tự nhiên, nghỉ ngơi cho thoải mái lấy lại sức để mà tiếp tục học tập. Cháu cứ coi ở đây như nhà mình vậy, cần gì bảo em nó giúp.
  Nói rồi bà quay sang Vân tiếp tục:
     -Lát nữa Vân đưa anh đi tắm rửa, nghỉ ngơi, rồi hai anh em dắt nhau sang thăm các anh các chị và chơi với các cháu. Mẹ ở nhà nấu cơm, nhớ về sớm ăn cơm.
          Tắm rửa nghỉ ngơi xong, tôi thay bộ quần áo mà Vân đã chuẩn bị trước, hai chúng tôi dắt nhau ra ngoài cổng. Vân bảo tôi đứng lại, rồi đi một vòng xung quanh tôi, nhìn chăm chú từ đầu đến chân rồi nói:
    -Về ra mắt thế này cũng tạm được, sinh viên còn nghèo chắc bố mẹ cũng thông cảm.
  Chúng tôi nhìn nhau âu yếm, tôi giơ tay vuốt nhẹ vào má Vân, giọng cảm động tôi nói:
    -Anh cảm ơn em nhiều lắm, em chuẩn bị chu đáo ngoài sức tưởng tượng của anh.
  Vân lườm tôi, một cái lườm đầy yêu thương, nhưng cũng có hàm ý trách móc vì sự ngô nghê của tôi, Vân nói:
    -Đã có gì đâu, đừng giầu trí tưởng bở nhé! Hãy đợi đấy, đừng vội mừng, về ra mắt đâu có dễ thế?
  Tôi cười, nói đùa với Vân:
    -Ai giám nói là dễ, nuôi nấng vất vả hơn hai mươi năm trời, bây giờ đã đến lúc gả chồng thì phải chọn chỗ nào tử tế chứ, chọn mà sai lầm thì bố mẹ ân hận, con gái vất vả cả đời… Nhưng em cứ yên chí đi, chọn được anh là tuyệt vời rồi, đúng không em?
  Vân quăng cho tôi một cái lườm sắc như dao, tuy vậy nhưng tôi vẫn cảm nhận được chứa chan tình yêu thương trong đó. Vân nói:
    -Đừng có mơ.
  Nói xong, Vân cứ chăm chăm đi trước, tôi vội vàng đi theo, Vân chờ tôi đuổi kịp rồi nói:
    -Anh em mình không sang nhà anh chị nữa, để mai sang thăm luôn. Bây giờ ra đầu làng xem có ai bán thức ăn không? ở đấy em thấy thi thoảng cũng có người bán thức ăn.
    -Có sợ mẹ mắng không? Tôi nói.
  Vân  nói:
    -Kệ mẹ, mắng thì mắng, đằng nào mai chả lên.
  Chúng tôi ra đến gốc đa đầu làng, ở đây không phải là chợ, có lẽ là điểm mua bán trao đổi của mấy làng ở xung quanh đây, vào những buổi chiều. Nhìn mấy túp lều siêu vẹo tiêu điều sơ xác, mấy bà bán cua cá quần áo nhem nhéch bùn đất, nón đội xùm sụp che lấp cả mặt đang ngồi bán hàng. Những mớ tôm lẫn tép do trời nắng nóng, chúng đã chết và bốc mùi đang chuyển mầu từ xanh xám sang nâu đỏ, đàn ruồi xô vào tấn công, mấy bà cầm nắm lá xua lấy xua để. Những chú cua chịu được nắng nóng nên vẫn còn sống, nhưng mệt mỏi nằm im trong chậu trông như những hòn đất.
   Chúng tôi đi một lượt, mấy bà cứ chào mời. Vân dừng lại ở chỗ bà bán đậu phụ, mua được mấy miếng. Các miếng đậu phụ được nướng bằng than, chỗ thì cháy đen chỗ mầu vàng do ám khói, trông cứ nhom nha nhom nhem. Vân ghé tai nói với bà bán hàng, bà xua tay chối đây đẩy:
    -Không có đâu, đấy là hàng quốc cấm, ai mà bán thì chính quyền bắt ngay.
  Vân mua thêm mấy quả trứng vịt rồi dục tôi về, ra đến ngoài chợ tôi hỏi:
    -Ban nãy em nói gì mà bà ấy chối ghê thế?
  Vân cười và giải thích:
    -Em hỏi mua thịt lợn bán chui, bà ấy sợ quá vội chối ngay. Quê em họ quản lý chặt lắm, không có chuyện thịt lợn bán tự do ngoài chợ đâu. Nhà nào cũng phải nuôi lợn để lấy thịt lấy phân nộp cho hợp tác xã, nếu nộp  đủ tiêu chuẩn rồi khi nào gia đình có việc như cưới treo ma chay gì đó, phải làm đơn xin phép hợp tác xã mới được mổ thịt, bóp mồm bóp miệng, gia đình dấu đi một ít mang bán chui để lấy tiền dùng vào việc khác.
   Tôi cười, nói với Vân:
    -Quê nào mà chả thế, không quản lý chặt chẽ thì lấy đâu ra thịt để cung cấp cho bộ đội, cho chiến trường.
  Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng hiểu tâm lý của Vân. Chẳng mấy khi có tôi về chơi, Vân cũng muốn trong mâm cơm có tý thịt, chả lẽ lại toàn dưa cà mắm mặn. Nhưng thời buổi khó khăn này, biết kiếm đâu ra, đành chịu vậy.
 Tôi dục Vân:
    -Mình về nấu ăn, kẻo tối.
(Còn nữa)
Logged
vanson307
Thành viên
*
Bài viết: 388


« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2012, 08:59:48 pm »

  Kính Bác Quanvietnam, sư đoàn 307 của em chiến đấu ở chiến trường k( Preavihia) có một trung đoàn bb anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cũng mang tên 95( QK5), vậy nó có liên quan gì tới E95-  F325 không hả Bác. Kính mong Bác và các Bác cựu chỉ giáo giúp em.Thân VS307.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #92 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2012, 03:04:41 pm »


   Chào bạn Vanson 307. Trung đoàn 95 sư 325, tham gia chiến dịch Hồ chí Minh, giải phóng Sài gòn xong, được điều về đóng quân ở thành Tuy hạ. Khoảng độ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1975, quavn là một trong số anh em sinh viên được quay ra Bắc trở về trường cũ tiếp tục theo học. Vì vậy, sau đó trung đoàn 95 sư 325 đi đâu nữa thì quanvn không biết, nhưng quanvn có nghe phong thanh là trung đoàn 95 sư 325 có đi chiến đấu ở BGTN. Rất xin lỗi Vanson vì quanvn không biết.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #93 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 03:33:47 pm »



                               NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Tối hôm ấy cả nhà đang ăn cơm rất vui vẻ, bữa cơm cũng sắp xong, thì có tiếng gọi mở cổng, Vân ra mở cổng, tiếng Vân và người ấy nói chuyện. Bà mẹ Vân nói với bố Vân, nhưng là để cả tôi cùng nghe:
    -Tiếng chồng cái cả là anh rể Vân, chắc là xuống hỏi chuyện thóc giống.
  Bước vào trong nhà, anh chào bố mẹ vợ rồi quay sang chào tôi, giọng anh oang oang:
    -Con chào ông bà, em mới về chơi à! Sao nhà mình hôm nay ăn cơm muộn thế. À! Chắc có khách nên phải làm nhiều món tiếp khách nên ăn muộn. Anh cười hì hì…
  Bố Vân cắt lời anh rể Vân, nói với tôi:
    -Đây là chồng chị cả, anh là thương binh, bộ đội phục viên, hiện đang làm thư ký cho ủy ban xã.
  Ông quay sang nói với anh rể Vân:
    -Còn đây là anh Quân bạn học cùng với Vân về chơi. Hai anh em làm quen với nhau đi.
  Anh giơ tay bắt tay tôi, chúng tôi bắt tay nhau, bốn mắt nhìn nhau, tôi thấy hơi ngờ ngợ, chắc là anh có điều gì nghi vấn nên mới nhìn tôi như vậy, tôi đoán chắc là Vân đã nói chuyện về tôi với anh. Sau khi chúng tôi bắt tay nhau, ông bố Vân mới hỏi anh rể Vân:
    -Anh đã ăn cơm trưa? Nếu chưa ăn thì ngồi đây ăn luôn? Anh xuống để hỏi chuyện thóc giống hay có việc gì khác?
  Bà thấy ông hỏi dồn anh con rể, bà ngăn ông lại:
    -Ông cứ hỏi dồn để anh ấy trả lời rồi hãy hỏi.
  Anh cười hiền từ rồi trả lời:
    -Con mời ông bà với các em cứ mời cơm, con ăn cơm rồi, hôm nay con phải tiếp khách ngoài ủy ban nên ăn từ sớm. Về nhà, nhà con bảo xuống hỏi bà đã mua hộ thóc giống chưa. Với lại, ngày mai là chủ nhật, vợ chồng con làm bữa cơm liên hoan để động viên cho cháu Mai cháu được công nhận học sinh giỏi, con xuống mời ông bà, gia đình cậu Hai và các em, tiện có cả anh Quân nữa, mai lên nhà ăn cơm cho cháu Mai nó vui.
  Bố Vân cười sảng khoái, rồi ông nói:
    Chúng tôi nhận lời mai lên ăn cơm, nhưng phải làm sớm để các em nó ăn nó còn sang trường kẻo tối.Còn chuyện thóc giống thì anh hỏi bà.
  Bà bảo:
    -Mẹ hỏi được rồi, lúc nào xuống mà lấy.
  Rồi bà quay sang hỏi ông:
    -Ông ăn xong chưa để con nó còn dọn.
  Ông lại cười rất vui vẻ, ông nói:
    -Xong rồi mời mọi người lên uống nước.
  Sau khi tiệc nước đã tàn, anh con rể xin phép bố mẹ vợ ra về. Bố Vân cũng đứng lên nói với mọi người:
    -Tôi đau lưng lắm rồi, tôi đi nghỉ đây. Rồi như sực nhớ ra ông lại tiếp: Tối nay, hai mẹ con bà ngủ bên ấy, tôi ngủ bên này, còn anh Quân ngủ bên nhà thờ.
  Nghe ông nói thế tôi phát hoảng, tôi thắc mắc tại sao lại đưa tôi sang nhà thờ, tôi cứ băn khoăn nhưng không giám hỏi.
  Ông đi nghỉ rồi, bà còn ngồi lại nói chuyện với tôi, trong khi chờ Vân đang chuẩn bị chỗ ngủ cho tôi bên nhà thờ. Nói chuyện với tôi, nhưng bà không nhìn tôi, bà nhìn ra ngoài sân trời tối đen như mực. Giọng bà nhẹ nhàng nhưng đầy sức truyền cảm, bà kể cho tôi nghe chuyện gia đình, chuyện các con, rồi cũng không quên nói lên điều mong muốn cô con gái út có một gia đình hạnh phúc. Cuối cùng bà hỏi về gia cảnh của tôi, tính tôi vốn thật thà nên có sao nói vậy, tôi kể tuốt tuồn tuột, tôi đang hăng hái kể, thì Vân về giục mọi người đi ngủ. Lúc này bà như sực tỉnh, bà bảo tôi:
    -Bác biết các cháu bây giờ học hành vất vả, nhất là cháu đã học hành vất vả thì chớ lại còn chuyện bộ đội bộ địa.
  Bà thở dài, rồi lại tiếp tục:
    -Thời buổi chiến tranh nó thế cháu ạ! Cháu phải cố gắng lên, con người có chí thì nên.
  Tôi thấy bà nói thế tôi cảm động lắm. Bà giục tôi về đi ngủ:
    -Thôi cháu về đi ngủ.
   Bà quay sang nhìn con gái rồi nói:
    -Vân, con dẫn anh sang bên nhà thờ, nhanh về mẹ nhờ việc này.
  Nghe bà nói thế tôi tủm tỉm cười, vì tôi đoán ý của mẹ Vân là không muốn cho Vân ở lâu bên ấy, sợ chúng tôi nói chuyện khuya.
  Nhà Vân ở trong khu nhà thờ họ, nhưng cách nhau bức tường, cổng vào đi chung với cổng nhà thờ họ, cổng từ nhà Vân sang nhà thờ là cổng riêng bé hơn cổng chính. Đi hết sân nhà thờ họ, bước vào trong nhà thờ, tôi thấy nhà xây theo kiểu chữ T, toàn bộ phần thờ cúng đều được bố trí ở phần thân chữ T, còn phần cánh của chữ T là dành cho hội họp, bầy cỗ. Có lẽ cánh chữ T phải kéo dài đến năm gian, nền nhà thờ được lát bằng gạch vuông mầu đỏ, lau chùi sạch sẽ, nóng như hôm nay nhưng nền nhà cứ mát lịm.
  Giường ngủ của tôi được bố trí bên trái cánh chữ T, sát với cửa ngách thông sang nhà Vân, chỉ có mỗi chiếc giường ngoài ra chẳng có đồ vật dụng gì khác.Vân dẫn tôi đi sâu vào gian thờ, tôi chẳng biết tượng nào với tượng nào, thấy bố trí cũng giống như ở các chùa triền mà thi thoảng tôi cũng có vào xem.
  Xem xét hết một lượt, tôi với Vân quay về chỗ giường ngủ của tôi ngồi. Bây giờ mới có cơ hội để chúng tôi ngồi riêng với nhau, tôi hỏi đùa Vân:
    -Sao anh chưa là con rể mà lại bắt anh canh nhà thờ?
    -Bắt anh canh nhà thờ là để thử thách xem có chịu được không? Vân cũng đùa lại tôi, rồi Vân lại thanh minh ngay:
    -Nhà em có khách đều đưa lên nhà thờ ngủ, vì nó thoáng mát, các cháu về chúng nó cứ đòi lên nhà thờ ngủ. Em với mẹ em hay nói chung là con gái là không được ngủ ở nhà thờ, anh là khách quý nên mới được ngủ ở nhà thờ.
  Thấy vân nói thế, tôi cũng không tranh luận gì thêm, để tận dụng thời gian, tôi hỏi ngay vào chủ đề chính:
    -Em thấy hôm nay thế nào?
  Vân giả vờ không hiểu hỏi lại tôi:
    -Thế nào là thế nào?
  Biết là Vân đùa, hai tay tôi bóp chặt hai tay Vân, Vân cố gắng vùng vẫy để thoát ra nhưng không được, đành phải đầu hàng và thú nhận ngay:
    -Cũng được. Nhưng mà còn ngày mai nữa mới có thể kết luận được. Thôi bây giờ anh đi ngủ đi để em bỏ màn cho, nhớ là phải ngủ cho ngoan đấy.
  Tôi ngoan ngoãn nghe theo lời Vân lên giường đi ngủ, Vân đang cẩn thận thả màn để không cho muỗi vào, cũng lúc ấy, tôi nghĩ ngay ra trò tinh nghịch, tôi gọi:
    -Vân ơi! Đây có con muỗi.
  Vân tưởng thật chui đầu vào, không bỏ cơ hội, tôi ôm lấy Vân, Vân ôm lấy tôi, hai cặp môi khao khát hương tình yêu tìm được nhau dưới ánh sáng nhập nhòe của ngọn đèn dầu. Chúng tôi hôn nhau quên cả thời gian, quên tất cả mọi thứ xung quanh, cho tới khi dây buộc màn bị đứt. Quá tiếc…
   Vân về rồi, mọi cảm giác đê mê sung sướng cũng nhanh chóng qua đi, chỉ còn lại tôi với ngọn đèn dầu cháy leo lét. Không gian im lặng quá, một mầu đen đặc quánh bao trùm nơi thờ tự, cảm giác sợ hãi hoàn toàn chế ngự tâm trí tôi. Tôi nằm im không cựa quậy, tập trung lắng nghe và phân tích tiếng động, xem tiếng nào là tiếng chuột đuổi nhau, tiếng nào là tiếng mèo vồ chuột, tiếng nào là tiếng động của các thần linh trên bàn thờ. Sao đêm dài thế, tôi chỉ mong trời sáng, thật là một đêm nhớ đời…
          Trưa hôm sau, ăn cơm ở nhà chị cả. Tất cả mọi người trong gia đình gần như có mặt đầy đủ, chỉ vắng anh Hai bận đi công tác là không về được, tôi nghĩ như thế cũng hay, nếu mà anh Hai có mặt hôm nay thì  chắc chắn tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong bữa ăn mọi người cứ chú ý nhìn tôi, nhất là mấy đứa cháu. Lúc đầu tôi tôi rất lúng túng, nhưng vì được ngồi mâm trên với ông bà, cộng với sự tiếp khách nhiệt tình của anh rể, chả biết tôi uống bao nhiêu chén rượu nhưng tôi thấy mạnh bạo hẳn lên, nói năng hoạt bát, ứng đối trôi chảy hơn. Tôi thầm cảm ơn loài người đã sáng tạo ra loại nước uống, mà người ta gọi là rượu. Tuy vậy, đôi khi sợ mình lỡ mồm, quay sang Vân dò xét, nhưng không thấy Vân lườm nguýt gì thế là tôi yên tâm. Có được niềm động viên này tôi thấy  tự tin hơn.
   Chủ quan mà đánh giá về ra mắt đợt này, tôi nghĩ là mình “Đạt yêu cầu”. Kết quả cụ thể thế nào chờ đợt sau, khi Vân về mới có.
(Còn nữa)
 
 

   
 
 
   
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #94 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2012, 03:37:56 pm »


                                NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Ở đơn vị, càng ngày không khí chuẩn bị hành quân càng khẩn trương. Hàng ngày tôi cứ trông ngóng đồng chí Xuân từ ngoài bắc vào, để tôi trao trả nhiệm vụ quản lý cho đồng chí Xuân rồi trở về tiểu đội, càng mong càng không thấy tăm hơi.  Đã có lần tôi gặp đồng chí đại đội trưởng để đề đạt ý kiến và trình bầy nguyện vọng, là tôi muốn quay về tiểu đội thông tin. Lúc đầu đồng chí còn động viên vỗ về, sau thấy tôi có vẻ quyết liệt khó lay chuyển, thì đồng chí đã phải dùng tới mệnh lệnh, đến lúc ấy tôi phải phục tùng, nhưng tôi vẫn cố tình níu kéo một điều kiện là: Đồng chí Xuân vào lúc nào thì tôi về tiểu đội lúc ấy, đồng chí đại đội trưởng đồng ý, chúng tôi ngoắc tay nhau ký kết.
  Bây giờ vào khoảng trung tuần tháng 12 năm 1974. Kể từ khi đơn vị nhận được thông tin chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, không khí sinh hoạt của đơn vị bắt đầu có sự thay đổi. Diễn biến tư tưởng của anh em trong đơn vị như thế nào, vui hay buồn, cũng còn khó nói. Nhưng cái có thể nhìn thấy được ngay là không khí sinh hoạt trong đơn vị không còn nhộn nhịp và sôi động như trước nữa, mà có một cái gì đó đang gấp gáp và khẩn trương.
  Thời gian trước, sau những giờ miệt mài trên thao trường, là toàn thể anh em của từng trung đội tiểu đội, người nào việc nấy, tăng gia sản xuất, người tưới rau, người quốc đất, người cho gà cho ngan ăn. Sau những công việc ấy là những trận thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bên nào thua là phải chui qua háng bên được, lắm khi tức đến cay mũi vì có sự ăn gian, khi trọng tài can thiệp còn đuổi trọng tài, cãi nhau um cả sân bóng nhưng mà vui. Bây giờ vẫn còn chơi, nhưng thiếu lửa.
  Gia tài, của cải của đại đội trung đội tiểu đội cũng vơi dần đi, đàn lợn đàn ngan đàn vịt cũng đã bắt tỉa dần những con lớn để ăn thịt, thiếu đàn chúng cũng nhớn nhác tìm nhau. Những luống rau xanh non mơn mởn cũng đã được cắt đi ăn dần nhưng lại không tiếp tục trồng bổ xung, cây cỏ cũng đã chen vào sống chung với những cây rau. Bắt đầu có sự thay đổi, cứ nhìn từ những việc nhỏ nhất cũng đã thấy đơn vị đang chuẩn bị cho cuộc di chuyển…
  Dạo này, cứ sau bữa cơm tối là tôi hay la cà ở các trung đội để tán chuyện, hay là anh em tâm sự với nhau về chuyện gia đình, ôn lại những chuyện chiến đấu ở Thành cổ, Tích tường Như lệ, gian khổ vất vả nhưng cũng vui, nhất là chúng tôi thường ôn lại chuyện ngủ chung hầm với các cô du kích ở Tích tường, chuyện kể một đường nhưng mọi người lại khảo dị sang đường khác, cười đến vỡ bụng…
  Cũng đã từ lâu, chẳng hiểu sao mọi người không gọi tên thật của tôi mà toàn gọi tôi là: Trương hoàng Quân, một nhân vật trong chuyện của tác giả nào đó của chế độ VNCH, nhân vật này nghe anh em nói là cũng có một mối tình như tôi khi vào quân ngũ, nên anh em mới gọi tên tôi bằng tên nhân vật này. Thú thực là tôi chẳng quan tâm đến việc ấy, tôi chỉ thấy anh em buồn nhớ nhà nên tôi đến chơi để chia sẻ với anh em, có tôi đến thì anh em lại muốn tôi kể chuyện, nhất là chuyện tình yêu. Cũng đúng thôi, vì đại đa số anh em chưa biết yêu là gì, cũng muốn nghe xem nó thế nào. Và rồi tôi cũng không từ chối, âu cũng là mua vui cho anh em, mặt khác cũng làm cho tôi nguôi ngoai nỗi nhớ người yêu.
  Chờ mọi người ổn định, tôi bắt đầu kể chuyện:
    Vào khoảng tháng 9 năm 1971, tôi lại được gọi nhập ngũ, cũng như những lần trước, tôi lại bị hoãn, lần này tôi biết được lý do rõ ràng hơn, do chính đồng chí bí thư đoàn của khoa nói là lý lịch của gia đình tôi có vấn đề nên không được đi đợt này. Thôi cũng đành vậy, hơn nữa cũng đã quá quen với cảnh này nên tôi cũng không bị bất ngờ.
  Tuy vậy, tâm trạng của tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn là vì cả Vân và tôi đã mất bao nhiêu công sức chuẩn bị cho đợt nhập ngũ này song tất cả đều gác lại, kể cũng hơi tiếc nhưng không sao, tất cả sự chuẩn bị của chúng tôi đều có giá trị thực tiễn, bởi vì chắc chắn có ngày nào đó tôi sẽ nhập ngũ. Vui là vì chúng tôi lại được ở bên nhau thêm một thời gian nữa, nhưng có lẽ sâu xa và có ý nghĩa nhất vẫn là khoảng thời gian chúng tôi chuẩn bị chia tay nhau kẻ ở người đi. Chúng tôi sống với nhau như sợ không đủ thời gian, sống vì tình vì nghĩa, sống cao thượng, không tầm thường nhỏ nhen, luôn động viên hãy tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu và chờ ngày chiến thắng.
  Sau khi rời khỏi địa điểm tập trung gọi nhập ngũ, tôi dự định quay về quê báo tin cho gia đình và tranh thủ nghỉ vài hôm trong lúc nhà trường đang đi hàn khẩu lại đoạn đê bị vỡ ở Lâm thao Vĩnh phú. Nhưng khi nghĩ đến Vân, phần nhớ nhiều hơn phần thương nên tôi quyết định quay lại trường để cùng đi với Vân và các bạn.
  Tôi về trường, trường ĐHXD lúc này đã chuyển từ Quế võ Hà bắc về Hương canh Vĩnh phú. Toàn trường lúc đó thì tôi không biết, riêng ở khu vực Hương canh đang được đi huy động đi chống lụt ở Ba đê  Lâm thao Vĩnh phú. Lớp tôi và Vân cũng đi, tôi về gặp Vân và chỉ kịp chuẩn bị thêm một số đồ dùng nữa rồi đi theo đoàn.
  Đoàn tầu hỏa xuất phát từ ga Hương canh, ỳ ạch vượt qua những đoạn đường bị mưa lũ tàn phá, đưa đoàn sinh Viên của trường ĐHXD đến một ga nào đó của huyện Lâm thao rồi xuống đi bộ vào một khu trường cấp ba, có lẽ là trường cấp ba Lâm thao.
   Đêm hôm ấy ngủ tại đó, các lớp tản ra từng phòng học, dùng nilon trải ra để ngủ, người nằm dưới đất kẻ nằm trên bàn. Đi đường xa, lại thức khuya nên mọi người đang ngủ ngon, toàn khu trường im phăng phắc. Bỗng có tiếng ú ớ, rồi tiếng kêu thất thanh: Vỡ đê! Vỡ đê!
  Thế là từ một phòng rồi lan ra tất cả các phòng, náo loạn, hối hả gọi nhau, chen chúc dẫm đạp lên nhau, tôi cố gắng bảo vệ Vân chạy nhanh ra ngoài sân. Đêm tối, cả đoàn người không biết chạy đi đâu, nên dừng lại đứng giữa sân trường nhìn nhau nghe ngóng động tĩnh, tôi và Vân cũng dừng lại. Vân ôm chặt lấy tôi lo sợ, trống ngực Vân đập thình thịch làm rung động cả trái tim tôi.
   Một vài phút trôi qua, vẫn không có gì xảy ra, tất cả đều bình thường. Lúc đó mới có người nói: Em đang nằm mơ thấy đê sắp bị vỡ, thì có người bên cạnh bị bóng đè cứ ú ớ, em tưởng là vỡ đê thật vội bật dậy kêu vỡ đê, nghe em kêu nên mọi người cùng kêu thế là chạy. Nghe nói thế, mọi người ồ lên, mắng mỏ vài ba câu rồi lại trở về ngủ tiếp.
   Lần đi hàn khẩu ở Ba đê Lập thạch Vĩnh phú, lại trang bị thêm cho sinh viên chúng tôi những kiến thức thực tế, đúng là từ nhỏ tới giờ tôi mới thật sự tận mắt nhìn thấy cảnh tàn phá của thủy thần. Đúng nghĩa người xưa thường nói: “Thủy hỏa đạo tặc”, đúng là giặc nước. Dọc theo dòng chẩy của đoạn đê bị vỡ, không còn sót lại cái gì, không biết trước kia có nhà cửa gì không còn bây giờ nhìn chỉ thấy toàn nước là nước đỏ ối đục ngầu, xác súc vật chết nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối. Những chỗ còn nhà cửa, nước ngập đến mái, cây cối đổ rạp không còn hình dung ra làng xóm, dân làng chắc là đi chạy lụt chưa về, không một bóng người, vắng tanh, trời thì nắng như đổ lửa. Thật là cám cảnh, dân đã nghèo lại càng nghèo hơn, biết bao giờ mới trở lại cuộc sống bình thường, đã vậy lại còn chiến tranh rình rập.
   Những ngày cuối năm 1971 đầu năm 1972, sinh viên của trường ĐHXD ở khu vực Hương canh Bình xuyên Vĩnh phú rất vất vả, vừa học vừa phải xây dựng trường, cở sở vật chất của nhà trường thì nghèo nàn, chẳng có gì, nhà cửa toàn là tranh tre nứa lá, trường mới chuyển về được xây dựng nằm ẩn trong những rừng bạch đàn, của một cở sở lâm nghiệp nào đó trồng và quản lý. Hương canh là vùng đất trung du, đất đai  phần lớn là đồi đá ong, chỉ trồng được mỗi loại cây bạch đàn, ngoài ra cũng có được ít diện tích đất để trồng lúa và trồng sắn. Dân vùng này nghèo, nên đời sống của sinh viên cũng nghèo theo.
  Cuộc sống lúc đó gian khổ vất vả, song cũng chẳng có đủ thời gian để nghĩ ngợi xem nó vất vả như thế nào. Bởi vì lúc đó đang là những năm thứ tư thứ năm, khối lượng bài vở và đề án lại càng nhiều, suốt ngày chỉ bù đầu vào học hành, số má chữ nghĩa cứ ong ong trong đầu.
   Cũng vào thời gian đó tình hình chiến sự ở Miền nam càng ngày càng diễn biến phức tạp và ác liệt. Cuối tháng 3 năm 1972 địch bị tấn công ở mặt trận Quảng trị, chúng bị thất bại nặng nề. Đầu tháng 4 năm 1972, Ních-sơn ra lệnh ném bom trở lại Miền Bắc, thả mìn và ngư lôi để phong tỏa cảng Hải phòng. Đầu tháng 5 năm 1972, ta giải phóng thị xã Quảng trị, sau đó là giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng trị.
   Cay cú vì thất bại, Mỹ ngụy tập trung toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng trị. Tôi và rất nhiều anh em sinh viên của trường ĐHXD, cùng nhiều trường đại học khác, lên đường nhập ngũ vào thời gian này. Tháng 5 năm 1972, một mùa hè rực lửa.
  Chúng tôi lên đường, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, để lại phía sau biết bao nhiêu hoài bão và ước mơ của tuổi trẻ về những công trình khoa học còn đang dở dang, về những trang đề án còn đang viết dở, về những mối tình vừa chớm nở e ấp thẹn thùng. Chào mái trường thân yêu, chào thầy cô, chào bạn bè, chào tất cả chúng tôi đi…
  Chỉ khoảng hai tháng huấn luyện cơ bản ở Phú bình Bắc thái, chúng tôi đã lên đường ra chiến trường, góp mặt chủ yếu ở chiến trường Quảng trị và một số mặt trận khác. Mặc dù thời gian huấn luyện ngắn,  nhưng do anh em sinh viên chúng tôi đều trẻ khỏe có kiến thức nên tiếp thu nhanh, đủ những kiến thức cơ bản để  lên đường đi chiến đấu. Điều quan trọng hơn cả, tôi cho rằng: Tất cả anh em sinh viên lúc bấy giờ, đều ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình nên rất hăng hái lên đường, có nhiều trường hợp còn viết đơn tình nguyện bằng máu. Thật là đáng trân trọng.
(Còn nữa).
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #95 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2012, 03:08:10 pm »


                                 NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Chúng tôi, sinh viên trường ĐHXD nhập ngũ tháng 5 năm 1972 là như vậy. Cứ mỗi một chàng sinh viên lên đường nhập ngũ lại có những kỷ niệm sâu đậm về thời điểm này. Những kỷ niệm thấm đẫm tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn, tình yêu, tất cả đều gửi gắm nhớ thương và hy vọng, tin vào ngày mai sẽ chiến thắng.
  Thời gian huấn luyện, rồi đi chiến đấu, tuy ngắn ngủi nhưng có biết bao nhiêu là kỷ niệm đối với chúng tôi. Quãng thời gian này là quãng thời gian đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của các chàng sinh viên mặc áo lính, chúng tôi đã xếp bút nghiên bồng súng lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chính thời gian này đã làm cho chúng tôi suy gẫm lại quá khứ. Hàng loạt các kỷ niệm từ xa xưa cứ hiện về, vui có buồn có, nhiều nhiều lắm không làm sao kể xiết, nhưng có lẽ sâu sắc và da diết nhất vẫn là tình yêu thương.
  Trên đường hành quân đi chiến đấu, chỉ cần nghĩ đến bố mẹ anh chị em trong gia đình, là tôi đã cảm động rưng rưng nước mắt, tất cả những kỷ niệm êm đẹp của những người cùng huyết thống ấy cứ lần lượt sống lại trong tâm khảm của tôi, đôi lúc tôi cũng thấy buồn vì tôi chưa làm được gì cho họ. Không biết giờ này mọi người đang làm gì, và mọi người có thể tưởng tưởng nổi tôi đang ở đâu và đang làm gì không? Chắc chắn là không, bởi vì chính tôi còn không biết tôi đang đi ở địa phương nào, chỉ  thấy rừng núi trùng điệp, đá tai mèo, vách núi cheo leo, núi cao vực sâu.
  Nhớ người nhớ cảnh, nhớ từ tảng đá bị sứt kê ở cầu ao, nhớ cây sung bên bờ ao lúc nào cũng chĩu quả, cây sung và tuổi thơ của tôi có nhiều kỷ niệm, những buổi trưa hè ra ao tắm rồi trèo lên cây sung nhảy xuống ao, mẹ bắt được nhưng tôi lặn ra giữa ao mẹ đành chịu quay về mách tội với bố tôi, rồi còn biết bao những kỷ niệm khác. Ôi nhớ quá, nhớ từng cái cối xay cối giã, nhớ bể nước mưa trong vắt, trưa hè oi bức khát cháy cổ vục một gáo nước mưa uống ngọt lịm làm tiêu tan bao nỗi nhọc nhằn. Nhớ các ông đầu rau trong bếp đã bao năm gắn bó với tuổi thơ tôi, vừa nấu bếp vừa đọc sách say sưa quá cháy cả đống rơm bên cạnh mà không biết.
  Tôi lớn lên cũng là thời điểm đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, vừa đi học vừa tham gia các phong trào của dân quân địa phương, quê hương tôi lúc ấy cũng là vùng trọng  điểm bắn phá của máy bay giặc Mỹ. Chiến tranh đã ập đến một vùng quê nghèo đói, lại đầu rơi máu chảy, tôi tham gia dân công hỏa tuyến đắp ụ pháo, vác đạn, cứu thương, không có băng ca mà tải thương, phải cáng thương binh bằng các cánh cửa, máu của các thương binh chảy vào cả người tôi, cuộc sống lúc đó là sống và chiến đấu. Cứ như thế tuổi thơ của tôi qua đi, rồi sau đó tôi được vào đại học, tôi ôm cả quá khứ của tuổi thơ vào  trường đại học.
  Lúc trước, hồi còn nhỏ đang đi học trọ xa nhà, hay là thời gian đi học đại học, cũng nhiều lúc tôi nhớ nhà, nhưng cái nhớ ấy nó chỉ lơ mơ không cụ thể. Bây giờ thì khác, nỗi nhớ cứ da diết quay quắt nghẹn ngào khó thở, rồi tự nhiên nước mắt cứ trào ra, quay mặt đi lau vội những giọt nước mắt để đồng đội không biết mình có những giây phút yếu lòng, rồi lại xốc ba lô lên đường theo kịp đoàn quân.
  Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, dẫu sao cũng còn có lúc nguôi ngoai. Riêng nỗi nhớ người yêu lúc nào cũng khát khao và cháy bỏng, nhớ ở mọi lúc mọi nơi, nhớ một cách kinh khủng, có lẽ sẽ chẳng có giấy bút nào có thể mô tả hết được tình yêu và nỗi nhớ của những đôi lứa yêu nhau. Nhớ tất cả, nhớ từ dáng đi, hơi thở, đến tiếng nói, nụ cười, nhớ từng cử chỉ khi Vân vui đùa cũng như những khi Vân cáu kỉnh, nhớ khi Vân hong tóc lúc gội đầu, mùi hoa bưởi tỏa hương thơm ngào ngạt, nhớ những lúc Vân ngây thơ ngơ ngác trước những thử thách của tuổi hoa niên…
  Nghĩ lại tôi mới thấy tôi yêu Vân còn hơn cả bản thân tôi, tình yêu của Vân cũng có lúc làm tôi trở nên ích kỷ, tôi chỉ muốn nó là của riêng tôi, tôi không muốn chia sẻ cho bất kỳ ai những cử chỉ yêu thương mà Vân đã dành cho tôi, và vĩnh viễn tôi không muốn mất nó. Đôi khi tôi nghĩ tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ tình yêu, để chúng tôi mãi mãi có nhau. Thật may mắn cho tôi là tôi có Vân, những lúc như vậy Vân đã thức tỉnh tôi  trở về với thực tế, làm cho tôi quên đi những ảo giác mơ hồ. Tình yêu của chúng tôi đang vào thời kỳ đẹp nhất, thì chúng tôi chia tay nhau. Thử hỏi ai mà không nhớ không thương, nhưng biết làm sao được khi tổ quốc cần chúng tôi lên đường.
  Có biết bao nhiêu kế hoạch mà chúng tôi đang thực hiện dở dang, cũng đành xếp lại. Ức chế nhất cho tôi là không hẹn được chính xác ngày hoàn thành, mà chỉ nói chung chung với khoảng thời gian vô định: Ngày mai anh về, ngày mai là ngày nào, năm năm, mười năm, hai mươi năm, hay còn lâu hơn nữa…Dù sao thì những ngày hẹn ấy cũng sẽ đến, bởi vì nó là quy luật tất yếu của vũ trụ. Nhưng còn biết bao nhiêu những thứ khác có thể không đến được, hoặc giả có đến được thì cũng đã chịu đựng biết bao nhiêu sóng gió thử thách của cuộc đời, lúc đó chỉ còn giữ lại được tâm hồn và trí tuệ, còn thể xác đã bị thời gian bòn rút cho héo mòn.
  Đã nhiều lần tôi ngẩng mặt lên trời tự hỏi: Tại sao lại có chiến tranh, chiến tranh đã gây cho con người biết bao nhiêu đau thương mất mát, hệ lụy của các cuộc chiến tranh còn ảnh hưởng mãi mãi đến nhiều đời sau. Rồi cũng chính tôi lại tự trả lời: Biết là như vậy, song đôi khi vẫn phải giải quyết bằng chiến tranh, bởi vì kẻ thù không cho chúng ta quyền lựa chọn. Và như vậy khi tổ quốc cần, chúng ta chấp nhận hy sinh những cái riêng cho cái chung, mục tiêu của chúng ta phải chiến đấu để giành được độc lập và tự do cho tổ quốc.
  Nhớ lại hôm tôi chuẩn bị lên đường, sau bữa cơm tối đạm bạc của sinh viên, tôi với Vân rủ nhau đi chơi cho khuây khỏa. Chúng tôi đi theo con đường đẹp nhất đi từ khoa Cầu đường ra Gò héo, Gò héo không phải địa danh của địa phương, mà nghe đâu, đây là cái tên do sinh viên chúng tôi đặt, nhưng tại sao lại là Gò héo thì tôi không biết. Thời kỳ đầu chúng tôi chuyển về đây, tất cả còn đang hoang vu ít người qua lại, những rừng bạch đàn được trồng và chăm sóc đã đến thời kỳ thu hoạch trông rất đẹp, nếu chỉ nhìn rừng bạch đàn và nhìn những tốp sinh viên nam nữ đang đi trong rừng, nhiều người lầm tưởng đấy là công viên. Lâu dần việc xây dựng trường sở đã làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ của buổi ban đầu, hôm nay tôi với Vân cũng đi trên con đường này, hình ảnh của nó trước kia không còn nữa, chỉ thấy một con đường lầm lụi cát bụi, những rừng bạch đàn bị đốn hạ nham nhở.
  Chúng tôi sánh vai nhau tản bộ dưới ánh nắng hoàng hôn đang xuống dần sau ga Hương canh, dọc đường đi chúng tôi gặp một vài người bạn cũng đang tản bộ như chúng tôi, và cũng có hoàn cảnh như chúng tôi, chúng tôi hỏi thăm nhau xem đã chuẩn bị đến đâu, đã sẵn sàng chưa. Hỏi vậy thôi chứ chúng tôi biết thừa là có gì mà phải chuẩn bị, tất cả đã sẵn sàng từ lâu lắm rồi. Chia tay nhau, mỗi đôi đi về mỗi phía.
  Chọn một bãi cỏ cách đường sắt vài trăm mét, chúng tôi ngồi hướng về ga Hương canh. Đúng lúc ấy có một đoàn tầu quân sự bịt kín, lầm lũi chạy vào ga nhưng không dừng lại, tiếp tục chạy về phía nam.
  Lúc này trời đã nhá nhem tối. Ngồi bên nhau, nhưng chúng tôi vẫn chưa nói gì với nhau, không khí yên lặng vẫn bao trùm. Tôi lúng túng, tìm cách xua đi bầu không khí buồn tẻ này. Tôi nắm lấy tay Vân, bốn bàn tay cứ xoắn xuýt lấy nhau không nỡ rời nhau, tôi khẽ hỏi Vân:
    -Sao em buồn thế? Em phải dũng cảm lên để tiễn anh lên đường, đất nước có chiến tranh thì việc chia tay nhau là không tránh khỏi, đất nước này đã có biết bao nhiêu những cuộc chia tay, vì thế em cũng đừng có buồn, em hãy vui lên chúng ta cũng có những cuộc chia tay như hàng triệu cuộc chia tay khác. Em đang là người thân duy nhất của anh lúc này, em hãy vững vàng và can đảm lên, đừng để anh phải mềm lòng trước lúc đi xa. Những lần chia tay trước em đâu có buồn thế? Sao lần này em lại như vậy, cứ như thế này anh cũng chẳng yên tâm để ra đi…
   Bóng tối đã bao phủ khắp mọi nơi, bầu trời đã thấy rất nhiều vì sao lấp lánh, sáng nhất và gần nhất vẫn là ngôi sao hôm. Ở gò héo lúc này có lẽ chỉ có tôi và Vân. Vân vẫn ngồi yên lặng, tay vẫn nắm chặt tay tôi, mặt ngước lên nhìn bầu trời cao vời vợi. Thấy Vân như vậy tôi cũng không nỡ phá hỏng những giây phút ưu tư sâu lắng của Vân, và tôi đành ngồi yên suy nghĩ về những ngày sắp tới.
  Trên trời có một vì sao đổi ngôi, đã kéo Vân trở về với thực tại, Vân nói với tôi, vẫn những ngữ điệu và âm hưởng như mọi ngày, nhưng sao tôi lại cảm thấy có cái gì khang khác có vẻ như rất quan trọng, Vân nói:
    -Linh tính mách bảo em, lần này anh đi sẽ không bị hoãn như những lần trước, chắc là em sẽ không được đón anh về như mọi lần. Vì lần này là tổng động viên, huy động toàn bộ mọi lực lượng ra chiến trường, ở khoa mình thầy chủ nhiệm khoa đã nói: Lớp chúng ta chuẩn bị có đợt đi phục vụ chiến trường theo đường dây 559, kể ra nếu anh không phải đi nhập ngũ đợt này mà ở lại đi theo lớp thì vui, được như vậy rất phù hợp với kế hoạch của chúng ta đã đặt ra. Bây giờ thì không được nữa rồi, đành chấp nhận mỗi đứa mỗi nơi.
  Vân ngồi lặng đi, sau đó lại tiếp tục:
    -Vẫn biết chúng ta đã tập sự nhiều lần chia tay nhau, những gì cần nói ta đã nói, những gì cần làm ta đã làm. Nhưng anh ơi! trong hoàn cảnh này nói làm sao cho hết, làm làm sao cho đủ, đã thế mỗi ngày sống bên nhau lại thêm bao nhiêu là kỷ niệm, anh bảo em phải làm sao đây? Hôm nay em lại chia tay anh, em nghẹn ngào không nói nên lời, em không muốn làm anh buồn, nhưng em không nói được, em nói nữa là em sẽ khóc, làm anh càng buồn hơn.
  Tôi nắm chặt lấy tay Vân, kéo Vân vào lòng, những giọt nước mắt nóng hổi làm ướt cả ngực áo tôi.
(Còn nữa).
 
 
 
Logged
thaynhin
Thành viên
*
Bài viết: 178


« Trả lời #96 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2012, 11:55:05 am »

Cám ơn bác Quanvn,cám ơn Quânsuvn đã kể cho thế hệ sau biết được thế hệ bác bác sống,làm việc và ước mơ!
Câu chuyện bác kể khá đặc biệt,chuyện tình yêu của bác nhưng lại truyền tải trong bối cảnh lịch sử rất sôi động.Qua đó bức tranh và cuộc sống rất sinh đông và chính xác,có những chi tiết khó mà sáng tác ra nếu không trực tiếp chứng kiến!
Bác thật may mắn có được tình yêu đẹp ở thời điểm đẹp của cuộc đời,khó ai mong muốn mà có được.Các bác sống và hy sinh vì nhau đều rất trong sáng,vô tư,vì tình nhưng vẫn cháy bỏng...phải chăng định mệnh?
Em cũng rất lạ những gì chứng kiến cho tình yêu của mình...nhưng đen lắm?!mong sớm được nghe tiếp về câu chuyện của bác!Kính!
Logged
tungdx40
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #97 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2012, 12:31:54 pm »

chào các bác
có bác nào ở E42-F327 hồi đánh Tầu không đấy?
Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #98 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2012, 06:26:41 pm »

chào các bác
có bác nào ở E42-F327 hồi đánh Tầu không đấy?

Có đấy,một Thiếu tá nguyên D trưởng và 03 hạ sĩ quan thời uýnh nhau 1979 đến 1986 đấy.Tìm đọc ở  chiến tranh biên giới hoặc mặt trận Hà Giang là bác sẽ gặp đồng đội hay thủ trưởng hoặc lính mình của mình ngày xa xưa ngay đấy. Grin

PS. bác mod chuyển 02 bài này về mục chào hỏi làm quen nhé.Meci bóp c... Grin
Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #99 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 04:36:42 pm »


Cảm ơn Thaynhin đã xem, và có lời động viên chia sẻ cùng Quanvn. Quanvn sẽ cố gắng chắp nhặt, ghép lại những kỷ niệm của quá khứ, để mua vui với bạn bè và nhắc nhở nhau nhớ lại những khó khăn và gian khổ của một thời oanh liệt đã qua. Đúng như Thaynhin nói, quanvn thấy thật là diễm phúc cho những người được sinh ra đúng vào thời kỳ ấy, được sống và chiến đấu viết lên những kỷ niệm đẹp như vậy, và cũng thành thật chia sẻ với những ai chưa có cơ hội để đóng góp công sức của mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Song cũng mong các bạn đừng buồn, mọi người đều có cơ hội. Chúc các bạn thành công trong tình yêu và cuộc sống.
Chào Tungdx40 và Khanhhuyen, các bạn vào nhầm nhà, mời các bạn uống nước, nghỉ ngơi. Cảm ơn các bạn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM