Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:15:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191151 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #70 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2012, 04:08:06 pm »

                         
NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Vào ngày chủ nhật, lúc này tiết trời đang về cuối thu,trời nắng đẹp sắc vàng rực rỡ . Cánh đồng trước nhà,lúa chín đang ngả màu vàng,thi thoảng lại có những cơn gió  đuổi nhau trên cánh đồng,tạo nên những đợt sóng nhấp nhô,các bông lúa va chạm vào nhau tạo nên âm thanh nghe vui vui.Nhìn cánh đồng lúa chín vàng,tự nhiên tôi thấy đẹp quá,tôi liền nghĩ ra cách để rủ Vân đi chơi.Tôi nói:
   -Hôm nay được nghỉ, trưa hôm nay chúng ta sẽ cải thiện món canh cua đồng nấu với rau cải.Anh phân công: Lan vì sợ đỉa nên ở nhà giặt quần áo,hái rau,ra nhà bếp lấy gạo về nấu cơm ở nhà.Anh và Vân sẽ đi bắt cua,nếu không bắt được thì phải mua đền.Các em có đồng ý không?
   Tất nhiên là Vân đồng ý ngay vì được đi chơi,không phải giặt quần áo,không phải nấu cơm,việc bắt được cua hay không bắt được lại là việc khác,còn Lan bắt buộc phải đồng ý vì Lan không biết bắt cua hơn nữa lại sợ đỉa,nên phải đồng ý.
     Ra đến ngoài đồng,tôi nói với Vân:
   -Bây giờ,em đứng trên bờ giữ chậu,có nhiệm vụ không cho cua và cá nhảy ra ngoài chậu,còn mọi việc khác cứ để anh lo.
   Tôi cứ chăm chú vào công việc bắt cua bắt cá,mấy vũng nước đầu,hết tát nước rồi lại mò cũng chỉ được mấy con đòng đong cân cấn.Tôi nghĩ trong bụng,hôm nay rủ con gái đi là xúi quẩy dễ về tay trắng,nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tôi vẫn miệt mài với công việc.Tôi cứ đi theo bờ ruộng,mùa này heo may nắng vàng,cua đang chui vào bờ làm mà(tổ).Nhìn thấy mà cua,tôi dùng cái thuổng cậy bỏ mấy miếng đất ở ngoài là nhìn thấy chú cua đang nằm im,tôi bắt lấy bỏ vào chậu,chú cua tưởng được tự do,bò rất nhanh,chân cua gõ vào chậu kêu long cong nghe vui tai.
   Hồi còn nhỏ,ở nhà tôi rất ham cua cá,nhớ hồi còn học cấp 3 ở huyện Kim sơn tỉnh Ninh bình(Hồi đó huyện Yên mô của tôi chưa có trường cấp 3).Tôi với cô em họ,trường ở xa nên chúng tôi phải ở trọ,cô em họ học lớp 10,tôi học lớp 8.Hàng tuần,chúng tôi đi từ nhà ra đến trường,qua một cánh đồng rộng khoảng độ 5km,cứ qua cánh đồng này vào giữa trưa  hè, trời nắng như thiêu như đốt cua không chịu được nóng phải ngoi lên bờ,đi dọc theo các bờ ruộng là chúng tôi có thể bắt đầy hai giỏ cua,chúng tôi mang bán để lấy tiền mua rau mua củi,còn lại để rang muối mặn ăn dần.Bây giờ nghề ấy lại được phát huy,kể cũng hay,sinh viên đi bắt cua,thật thú vị.
   Đến một khoảnh ruộng khác,tôi gặp một vũng nước rộng đến 4-5 m2,nước đục ngầu,theo phản xạ nghề nghiệp thì vũng nước này có thể có rất nhiều cua cá,hoặc là có các chú rắn nước sống.Tôi mừng lắm,tìm cách tát cạn vũng nước,đúng như đã dự đoán,vũng nước này có rất nhiều cua cá,có cả một chú rắn nước nữa.Việc đầu tiên là phải vứt chú rắn đi chỗ khác,sau đó tóm từng chú cua chú cá cho vào chậu,những con cá rô cá riếc chỉ bé bằng hai đầu ngón tay,thi thoảng mới được những con cá chuối bằng ngón chân cái.Cua,cá nhốt chung vào với nhau,chúng tấn công nhau,giãy đành đạch,bùn nước bắn tung tóe.
   Lúc này,tôi mới để ý đến Vân.Quần xắn lên đến đầu gối,để lộ hai bắp chân thon dài trắng nõn nà,tuy đã bị che phủ bởi một số mảng bùn dính bám,song cũng không làm giảm đi cái đẹp của đôi chân người con gái mới lớn,vốn chỉ ăn trắng mặc trơn,không quen đồng ruộng,chưa bị nắng gió làm chai sạn.Nhìn vào mặt Vân,tôi cố nhịn cười,một khuôn mặt trắng trẻo tròn xoay thường ngày bây giờ đã biến mất,thay thế bằng khuôn mặt đỏ gay dính đầy bùn,mồ hôi nhễ nhại.Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán,hai mảng tóc mai hai bên thái dương,mồ hôi tạo thành dòng,chảy qua má,xuống cổ,rồi chui vào mảng áo,che bộ ngực căng tròn cũng ướt đẫm mồ hôi. Vân đẹp quá, một nét đẹp bình dị nhưng đầy sức cuốn hút.Tạo hóa đã cho Vân sở hữu những đường cong tuyệt mỹ của một cơ thể hấp dẫn cân đối.Tôi thấy Vân đẹp,và thực sự tôi sợ mất Vân…
   Trên đường trở về nhà,hai đứa nghỉ lại một bóng mát ven đường.Tôi hỏi Vân:
   -Tình hình đất nước thế này,có bao giờ em nghĩ,em sẽ yêu một người nào đấy?
   Bị bất ngờ khi tôi hỏi,Vân cứ nhìn tôi.Tôi cũng chột dạ vì có phần chủ quan,mà lại hơi vô duyên,biết đâu Vân đã có người yêu rồi thì sao,tôi nhớ láng máng có một lần Vân kể về một người con trai,học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đi học.Trót hỏi rồi,tôi chờ đợi câu trả lời của Vân.Vân cứ chăm chăm nhìn vào chậu,trong đó có những chú cua đang chen nhau bò lên miệng chậu để hy vọng trốn thoát,những chú cá giãy nhiều có vẻ cũng mệt bây giờ nằm yên để mặc kệ cho các chú cua bò qua bò lại.Một lúc lâu sau Vân mới trả lời,nhưng vẫn chăm chú nhìn vào chậu cá,như sợ chúng đi mất.Vân nói nhẹ nhàng đủ nghe,giọng đượm buồn:
   -Biết bao giờ kết thúc chiến tranh,năm năm,mười năm hay còn lâu hơn nữa,ai có thể biết trước được?Trong khi đó,đời người thì ngắn lắm,tuổi xuân của người con gái lại càng ngắn hơn,như những bông hoa sớm nở chiều tàn…
   Lúc này Vân thôi không nhìn vào chậu cá,mà nhìn tôi,rồi nhìn ra cánh đồng lúa đang chín rộ,tiếp tục nói:
   -Được cái,bây giờ cả nước có chiến tranh,mọi người từ già chí trẻ nam phụ lão ấu,đang dốc toàn tâm toàn lực cho công cuộc giải phóng Miền nam,thống nhất đất nước,nên cũng chưa có ai nghĩ đến cái riêng cho mình.Không biết những người phụ nữ khác thì sao? Với em,đôi khi em cũng có nghĩ tới,nhưng lại nghĩ luẩn quẩn,thế rồi lại cố xua đuổi những ý nghĩ ấy đi,mặc dù biết rằng những suy nghĩ ấy rất đúng,chỉ có điều là không phù hợp với hoàn cảnh,mà nặng về tưởng tượng…
   Suy nghĩ hồi lâu,Vân lại tiếp tục:
   Cuộc chiến đấu này còn lâu dài và gian khổ,theo em chuyện yêu đương cứ để nó phát triển tự nhiên,con trai con gái đến tuổi trưởng thành thì tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân,cùng một lúc làm hai nhiệm vụ,nhiệm vụ của gia đình nhiệm vụ của đất nước,tuy hai mà là một.Tất nhiên đất nước đang có chiến tranh,mà cuộc chiến tranh nào tránh khỏi được sự hy sinh,chẳng may nó rơi vào ai,thì âu cũng là số phận,đành chấp nhận hy sinh cái riêng vì cái chung đó là Tổ quốc.Nhìn lại sự phát triển và trưởng thành của dân tộc,thời nào mà chẳng phải chấp nhận sự hy sinh ấy để có được ngày hôm nay.Quan điểm của em là như vậy.
     Tôi hết sức bất ngờ,về suy nghĩ của một người con gái,tuổi độ mười chín đôi mươi,suy nghĩ về cuộc chiến tranh và tình yêu đôi lứa.Suy nghĩ ấy,lại được chuyển tải qua giọng nói trẻ trung ngọt ngào nhỏ nhẹ,càng nghe tôi càng cảm phục,rồi chuyển dần sang cảm động.Tôi thấy sau gáy lành lạnh,sống mũi giật giật,có lẽ những giọt nước mắt yếu đuối của tôi sắp trào ra.Vội vàng tôi lấy tay dụi mắt,dụi rất mạnh cho đỏ mắt lên,thấy tôi dụi mắt,Vân hỏi tôi:
   -Bụi bay vào mắt anh à?
   May quá,Vân đã tìm cho tôi một lối thoát,tôi ừ ngay,nhưng vẫn tiếp tục dụi mắt.Vân giữ tay tôi lại nói:
   -Anh không được dụi,nhỡ bụi của hạt lúa bay vào mà cứ dụi là sẽ bị rách giác mạc.Để em thổi cho.
   Tôi chưa kịp phản ứng gì thì Vân đã gỡ tay tôi ra và ghé môi vào mắt tôi thổi phù phù. Từ hơi thở của Vân,tôi có cảm giác như có một cái gì đó rất khó tả lan tỏa khắp cơ thể tôi làm tôi rạo rực.Lúc này,tôi không còn làm chủ được bản thân,kèm theo một hành động bột phát thiếu suy nghĩ.Tôi đã ôm lấy Vân,đôi môi tôi đã tìm thấy đôi môi nóng bỏng của Vân,chúng tôi đã hôn nhau,tất cả xảy ra quá nhanh,không biết Vân có đồng ý hay không?
(Còn nữa)
     

Logged
AKAVN
Thành viên
*
Bài viết: 38


« Trả lời #71 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2012, 12:43:32 am »

Quá hay và hấp dẫn !
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #72 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 02:25:03 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Tiết mục buổi tối kể chuyện của chúng tôi tạm dừng lại,vì mấy bữa nay C20,đang triển công tác kiểm tra tổng kết khoa mục: Đi địa hình và đặt đài quan sát.Tôi bây giờ là lính thông tin,được phân công cùng với một tổ trinh sát đi địa hình và đặt đài quan sát ở khu vực Cửa Việt.Theo tôi được biết ngoài khu vực Cửa Việt còn một số điểm đài khác nữa được bố trí ở Đông hà;Tích tường –Như lệ; Nham biều; Ba zơ và một số điểm khác,cứ mỗi điểm đài,được biên chế 3 trinh sát 2 thông tin trinh sát và một máy vô tuyến  2 woat.Mục tiêu của đợt kiểm tra này là: Đối với công tác trinh sát là phải đi được địa hình theo bản đồ,mô tả đặc thù địa hình địa vật của từng vùng,tập hợp tình hình và viết báo cáo gửi về sở chỉ huy.Đối với công tác thông tin trinh sát là phải mã hóa bản tin của trinh sát và gửi về sở chỉ huy,trong quá trình thu phát,sở chỉ huy sẽ đưa ra nhiều tình huống yêu cầu phải xử lý,nhưng vẫn phải đảm bảo nhanh gọn và chính xác…
     Tính đến thời điểm này,tôi cũng không nhớ được tôi đã chuyển sang tiểu đội thông tin trinh sát được bao nhiêu thời gian,nhưng có lẽ cũng chỉ độ 9-10 tháng.Tôi chỉ nhớ láng máng là sau trận sốt rét ác tính,sức khỏe của tôi kém hẳn đi,kết hợp với việc quân số của tiểu đội thông tin cũng đang bị thiếu,Anh Vũ Bình thì hy sinh trong thành cổ,anh Dũng sức khỏe yếu,anh Khải chuẩn bị đi học sĩ quan. Trong tình hình đó,các anh trong ban chỉ huy đại đội,điều tôi sang tiểu đội thông tin.
   Việc tôi được chuyển sang tiểu đội thông tin,anh em trong đơn vị chúc mừng tôi,tôi hỏi lại tại sao lại chúc mừng.Mọi người giải thích: Trước hết là tôi được chuyển sang binh chủng kỹ thuật vô tuyến điện,trông hào hoa nho nhã hơn,thứ hai là mức độ nguy hiểm sẽ được giảm đi so với lính trinh sát,vì không phải tiền nhập vào cứ điểm để điều tra nắm địch tình,không phải dắt bộ binh vào để bàn giao trận địa tránh được sự rủi ro nguy hiểm.Nghe vậy,để biết vậy,việc gì đến thì nó phải đến,ai biết đâu mà tránh,người tính sao bằng trời tính.Nghĩ thế,nên tôi quên hẳn việc đó đi để chuyên tâm vào học hành.
     Việc học ở chiến trường,để trở thành lính thông tin vô tuyến điện là vấn đề cực khó đối với tôi.Vốn dĩ đâu tôi có phải là con người thông minh hay có năng khiếu gì,tôi chỉ có ưu điểm là cần cù,có trình độ văn hóa,đang học dở năm thứ tư trường đại học Xây dựng.Đấy tất cả ưu điểm chỉ có thế,trong khi đó khối lượng công việc học tập thì đồ sộ cứ phải tiến hành theo từng bước,không thể đốt cháy giai đoạn được,có nhiều việc thậm chí tôi còn chưa hình dung ra,không biết bắt đầu từ đâu.Từ việc nhỏ nhất là gọt bút chì ba cạnh,đấu pin,áp cáp tai và bấm tổ hợp v.v. Cho đến khi thành thạo,trực tiếp đứng đài thu phát độc lập.Tất cả đều phải học phải hỏi và phải rèn luyện.
   Có một lần,anh tiểu đội trưởng kiểm tra,các kết quả kiểm tra làm anh không hài lòng.Anh nói với tôi giọng nửa đùa nửa thật:
   -Tôi thấy cậu thông minh,có năng khiếu chơi bóng chuyền cả làm thủ môn nữa,cậu chơi rất hay.Sao việc nâng cao trình độ thu phát mãi vẫn không đạt.Người ta thu phát trung bình từ 80-100 chữ/phút,cậu thì cứ lẹt đẹt ở con số 60-65 chữ /phút,cậu phải chịu khó rèn luyện thế nào để đạt yêu cầu,nếu không thì gay lắm…
   Tôi lặng im không nói gì,bởi vì những gì anh tiểu đội trưởng nói là đúng.Tất nhiên,nhiều đêm tôi đã suy nghĩ về vấn đề này để tìm ra nguyên nhân,tôi cũng chưa giám khẳng định,nhân tiện anh tiểu đội trưởng nói thế,tôi trình bầy luôn:
   -Vâng,tất cả những gì anh nói là đúng,xin anh cho tôi một thời gian nữa. Theo tôi nghĩ,việc nâng cao trình độ thu phát nó có quan hệ hữu cơ với nhau,đã nâng cao trình độ thu thì sẽ nâng cao trình độ phát.Việc này tôi chưa làm được,không phải tôi không cố gắng,tôi biết anh và mọi người đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi nhiều lắm.Tôi cũng có lòng tự trọng,tự ái nghề nghiệp,tôi không muốn mọi người phải bận tâm nhiều về tôi.Song hiện tại tôi chưa thể vượt qua được điểm liệt này,giải trình với anh vấn đề này,tôi không phải cố gắng ngụy biện để bao che cho yếu kém của mình,mong anh thông cảm.Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa mà tôi chưa thể vượt qua được điểm liệt,có hai nguyên nhân cơ bản.Một là tai tôi đã bị tổn thương do bị sức ép nên nghe tín hiệu kém,hai là tay tôi thường chơi bóng chuyền hàng ngày nên cổ tay bị cứng,chính vì cổ tay không linh hoạt nên thành tích phát cao nhất cũng chỉ được từ 60-65 chữ/phút.
   Anh tiểu đội trưởng nhìn tôi cười rất to và lâu,mãi sau anh nói:
   -Tuyệt!tuyệt!Hai nguyên nhân cậu nói là đúng,có ảnh hưởng đến thành tích thu phát,nhưng không phải là nguyên nhân chính,vì những cậu khác cũng giống như cậu sao họ không bị ảnh hưởng.Theo tôi nguyên nhân chính của cậu,là chưa thật sự khổ luyện.Thôi cố lên,thế nào cũng thành công.
   Sau lần kiểm tra ấy,đến mãi bây giờ anh chưa tổ chức kiểm tra tôi lần nào nữa.Anh độ 35-36 tuổi,có lẽ anh là người lớn tuổi nhất đại đội,ở tiểu đội thông tin,anh giống như một người anh cả,lúc nào cũng chăm lo dậy bảo cho đàn em từng đường ăn nét ở,cách đối nhân xử thế,anh góp ý cho chúng tôi nhiều vấn đề để cho chúng tôi trưởng thành.Công bằng mà đánh giá thì anh như một người chị cả trong tiểu đội,đôi khi đùa tếu chúng tôi gọi anh là bà mẹ chồng tốt bụng.
   Anh là cổ động viên tích cực của đội bóng chuyền C20 do tôi làm đội trưởng,anh có mặt ở tất cả các trận mà chúng tôi thi đấu,có những lần anh ra tận Đông hà xem thi đấu bóng chuyền với đội Cảng Đông hà,ra tận sân Tân vĩnh xem tôi làm thủ môn.Lúc nào anh cũng luôn theo sát tôi,bảo tôi phải thế này,phải thế kia.Anh lúc nào cũng chỉ muốn đội nhà chiến thắng,anh buồn và cáu khi đội nhà thua,cứ trận nào thua anh lại nói là chỉ tại tôi không nghe theo cách của anh,chúng tôi lại tranh luận nhau rất vui...Dần dần chúng tôi quen với sự có mặt của anh,và coi anh là ông bầu của đội.
     Chúng tôi xuất phát từ đơn vị lúc 5 giờ sáng,xuống tới khu vực Cửa việt lúc này là hơn 11 giờ trưa,như vậy là tốc độ hành quân là đã quá chậm,cần phải điều chỉnh nhanh hơn,cố gắng đến một khu dân cư nào đó nghỉ lại nấu cơm ăn rồi lại tiếp tục hành quân.Đường thì còn xa,thời tiết lại nóng nực,nhưng theo quy định thì cứ đầu giờ là các đài phải lên máy để liên lạc với nhau và báo cáo tình hình về sở chỉ huy.
     Từ khi vào chiến trường Quảng trị,tôi chỉ quen chiến đấu ở địa hình rừng rú, nay đi xuống biển thấy cái gì cũng khác.Đã giữa trưa,trời nắng như đổ lửa,trước mặt là những bãi cát trắng xóa trải dài ngút tầm mắt,thi thoảng mới nhìn thấy những cây phi lao,cây xương rồng cần cỗi mọc rải rác chẳng ra hàng lối nào.Cát trắng,nắng rát làm lóa cả mắt,lúc đầu chúng tôi đi dép đi trên cát nhưng rất khó đi và mỏi chân,sau chúng tôi bỏ dép đi chân không thấy dễ chịu hơn,nhưng bây  giờ thì không thể đi được bằng chân không nữa vì cát đã quá nóng,chúng tôi xỏ tất vào để đi trên cát.
   Gặp được mấy cây phi lao còn sót lại trên đồi cát,chúng tôi ngồi nghỉ tạm cho đỡ mỏi.Trời nắng chói chang,hơi nóng từ bãi cát bốc hầm hập,chúng tôi người nào người nấy mặt đỏ gay mồ hôi nhễ nhại, mệt quá chẳng cần biết sạch hay bẩn,nóng hay không cứ ngồi bệt xuống bóng mát của cây phi lao thở dốc.Cũng còn có cái may là ở đây đã rất gần biển nên thi thoảng có cơn gió thổi vào được trộn lẫn giữa nóng của cát và mát của biển cũng cảm thấy dễ chịu,nhưng cũng khó chịu vì những hạt cát theo gió bay vào người làm bức bối,ngứa ngáy.
   Ngồi nghỉ được một lát,tôi phóng tầm mắt quan sát một lượt xung quanh chỗ anh em ngồi.Rồi nói:
   -Này anh em ơi! Anh em hãy nhìn xung quanh mà xem, địa hình địa vật ở đây tất cả đều phẳng lỳ trần trụi,chẳng thấy có cây cối hay bụi rậm gì,lúc hai bên đánh nhau,khi rời khỏi công sự chẳng có vật che khuất hay che đỡ gì cả,chiến sự xẩy ra ở đây chắc sẽ ác liệt.Tôi nghe nói trung đoàn 101 của sư 325 ngày xưa chiến đấu ở đây rất oanh liệt,nhất là trận bọn  địch lợi dụng lúc thủy triều xuống,chúng men theo mép nước nống lên,để tiêu diệt quân ta.Ở trung đoàn ấy,tôi có rất nhiều bạn bè cùng học ở trường đại học Xây dựng,lại cùng ở tiểu đoàn 60 sư 304,thời huấn luyện ở Phú bình Bắc thái.Bây giờ chẳng biết ai còn ai mất,biết bao giờ mới lại được gặp bạn bè.Hy vọng mọi người đều bình an,để được gặp nhau ở trường cũ.
   Mọi người vừa đói vừa mệt,chẳng ai tham gia câu chuyện tôi gợi ý.
     Chúng tôi nghỉ được một lát,rồi lại tiếp tục hành quân,khoảng hơn 12 giờ trưa thì dừng lại ở một điểm dân cư  để nấu cơm ăn.Gọi là điểm dân cư cứ tưởng là đông dân,nhưng kỳ thực chỉ có 3-4 nóc nhà.Nhà của dân được làm toàn bằng vật liệu phế thải của chiến tranh,chẳng thấy có tre nứa gì,cột nhà làm bằng những thanh thép hình đủ loại,tròn có dẹt có,tóm lại là U,I có tất.Mái được lợp bằng tôn trông rỉ nghoèn,chắp vá,để cho chắc chắn khi có gió to,dân dùng giây thép buộc các tấm tôn vào với nhau và buộc vào đòn tay,ngoài ra trên mái nhà còn được chất hàng loạt bao cát để không cho gióbay mái tôn.Tường nhà thì đủ loại vật liệu,chỗ thì bằng gỗ gián,chỗ bằng tôn chỗ bằng những tấm gi của đường băng sân bay,chỗ che bằng nilon.Nền nhà bằng cát tự nhiên của bãi biển,nhà hình như chỉ có một gian còn xung quanh là trái,giữa nhà là nơi sinh hoạt chung của cả nhà nên nền nhà được đặt một tấm gỗ gián to bằng hai chiếc chiếu đôi,cát phủ đầy.Chúng tôi là khách,nên gia đình đồng ý cho dọn cơm ở giữa nhà để ăn.Trong bữa ăn,gió biển cứ thổi ào ào,cát bay rào rào,nhà thì trống trước hở sau không thể nào che được gió.Muốn ăn được cơm là phải chan nước rồi dùng đũa ngoắng cho cát lắng xuống dưới đáy bát để ăn cơm ở phía trên.Thật là một bữa ăn đáng nhớ.
     Tối hôm ấy,chúng tôi nghỉ lại một làng ở ven biển.Vì sợ tình hình an ninh không được tốt nên chúng tôi đến gặp đồng chí trưởng thôn, đề nghị được giúp đỡ.Thấy chúng tôi súng ống máy móc lỉnh kỉnh,đồng chí trưởng thôn bố trí chúng tôi nghỉ tại nhà của một cở sở cũ.
     Cơm nước xong,sau khi nghe phân công lịch gác đêm,chúng tôi mang võng ra mắc để đi nghỉ,kết thúc ngày dã ngoại đầu tiên.Theo kế hoạch chúng tôi sẽ đi dã ngoại vùng Cửa việt là 3 ngày, một ngày về,tất cả là 4 ngày,hôm nay mới là ngày đầu tiên.
(Còn nữa)   
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2012, 02:14:32 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
     Sau đợt đi dã ngoại ở Cửa Việt về, nhà của tiểu đội thông tin lại rộn rã tiếng cười, các đài đi về kể chuyện cho nhau nghe, khoe đặc sản của địa phương nơi mình đến, người thì rau rớn rau môn thục, người thì hoa chuối rừng, lá chua, người thì củ măng củ cọc rào v.v. Đài của chúng tôi từ Cửa Việt về có ba món đặc sản: Cá mực và cá cơm phơi khô, đặc biệt nhất là món mắm tôm xin được của dân, còn một món nữa anh tiểu đội trưởng tịch thu và không được kể với ai đó là một bình tông rượu.
     Chúng tôi mới xa nhau gần một tuần, thế mà ai cũng cứ tưởng là đã lâu lắm rồi, cứ hỏi thăm nhau rối rít. Buổi tối liên hoan, mổ hai chú ngan mái rất to, có món tiết canh ngan, ngan luộc ngan xáo măng, còn lại toàn đặc sản, của các đài mang về. Bắt đầu ăn thì tiểu đội trưởng tuyên bố có món đặc biệt, mỗi mâm được một cốc to. Bữa liên hoan vui quá, cứ kéo dài mãi, để chấm dứt được anh tiểu đội trưởng phải tuyên bố:
   -Buổi liên hoan kết thúc, thu dọn để nghỉ ngơi. Tối hôm nay đề nghị đồng chí Quân kể tiếp câu chuyện “Hôn trộm” hôm trước.
   Mọi người vỗ tay tán thành, rồi cùng nhau thu dọn để nghỉ ngơi. Tối hôm nay tôi lại kể tiếp câu chuyện lần trước:
          Tôi giống như kẻ có lỗi, ngồi im, chờ đợi những lời mắng mỏ của Vân, nhưng chờ đợi mãi vẫn không thấy Vân nói gì. Tôi cảm thấy hoang mang có chút lo lắng, không biết Vân định sử xự thế nào? Chả lẽ Vân lại làm to chuyện? Chả lẽ tất cả những tình cảm tốt đẹp từ trước đến nay tôi và Vân giành cho nhau lại không nói lên điều gì? Hay là Vân  không đồng ý?…
     Những hành động bột phát, đã đưa  tôi đến hoàn cảnh này, tôi lúng túng thật sự, tôi không còn con đường nào khác, đâm lao là phải theo lao. Nghĩ vậy, tôi trấn tĩnh lại và nói, tôi nói rất nhanh để xóa đi sự im lặng giữa hai người. Tôi nói:
   -Trước hết anh thành thật xin  lỗi em, vì quá yêu em anh đã không làm chủ được bản thân, nên có hành động như vậy. Em thông cảm và bỏ qua. Bây giờ anh hoàn toàn bình tĩnh và tỉnh táo, anh muốn nói với em một điều mà từ rất lâu rồi anh chỉ mong có điều kiện để nói với em: Anh đã rất yêu em, không biết em có đồng ý không?
   Vân, vẫn không nói gì, hai đứa chúng tôi lại chìm vào yên lặng. Mỗi người theo đuổi những suy nghĩ riêng. Thời gian cứ nặng nề trôi đi, chúng tôi không ai nói gì, chỉ nghe gió thổi và thoang thoảng mùi thơm của hương lúa.
   Tôi nín thở chờ đợi một câu trả lời, bất giác tôi ngẩng mặt lên trời: Một buổi sáng mùa thu đẹp trời, trời trong veo, nắng vàng rực rỡ, gió may hây hây thổi, không gian thoáng mát dễ chịu, nhưng sao tôi thấy ngột ngạt khó thở, hình như có bàn tay vô hình nào đó đang bóp chặt trái tim tôi. Tôi hồi hộp chờ một kết quả đã từ lâu tôi ấp ủ, mà kết quả ấy tốt hay không  nó lại không hoàn toàn phụ thuộc vào tôi, mà phụ thuộc vào Vân người đang ngồi bên cạnh tôi, vì thế tôi chỉ còn biết chờ đợi…
   Từ nhỏ tới giờ, chưa bao giờ có cảm giác này, tôi bắt đầu cảm thấy ân hận, giá như mình đừng làm thế có phải là tốt không, không có cái dại nào giống cái dại nào, tự nhiên lại đưa mình vào hoàn cảnh tiến thoái đều không được, đành phải ngồi chịu trận, tôi tự trách mình. Nghĩ lại, sự việc nó xảy ra quá nhanh, tôi cũng không làm chủ được tôi, bây giờ sự việc đã xảy ra thì ân hận cũng không thể cứu vãn được, thôi đành vậy. Nhưng nếu như tôi biết trước, việc thể hiện tình yêu của người con trai đối với người con gái mà khó khăn vậy thì chắc là tôi sẽ không giám làm, nếu có thì cũng làm cách khác, miễn là không trực tiếp…Thế mà người đời cứ nói: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.” Với tôi chắc là bỏ cuộc.
   Nghĩ đi rồi lại nghĩ lại, tôi thực sự bất ngờ khi thấy Vân không trả lời tôi, Vân không đồng ý tôi ở điểm nào? Về hoàn cảnh gia đình chăng? Chắc là không, vì đã nhiều lần tôi tâm sự với Vân về vấn đề này, Vân đã nói: Hoàn cảnh và điều kiện sống của gia đình anh thật là hạnh phúc, tôi nghĩ Vân nói cũng không quá, mà đúng như vậy: Bố tôi và các anh các chị lớn đều là cán bộ nhà nước thoát ly gia đình, cứ đến cuối tuần mọi người lại về, trong nhà lại rộn rã tiếng cười. Mẹ tôi ở nhà làm nông nghiệp nuôi các em tôi ăn học, tôi thì đi học. Về hoàn cảnh xã hội chăng? Cũng không phải, Vân vừa mới nói, sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh xã hội. Vì cuộc kháng chiến này còn lâu dài và gian khổ, những người ở lại hậu phương phải có nghĩa vụ, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, đóng góp đầy đủ sức người sức của cho cuộc kháng chiến vĩ đại này. Vậy thì về vấn đề gì? Về sức khỏe? Không phải.Về xa quê hương? Chắc cũng không phải, thời buổi chiến tranh này làm sao có thể lựa chọn được. Chỉ còn một điểm nữa, mà có lẽ là đúng nên Vân không trả lời: Vân đã có người yêu. Tôi không giám tiếp tục suy diễn nữa…
     Cũng đúng lúc ấy,Vân nói với tôi:
   -Mình về nấu cơm ăn, kẻo Lan ở nhà nó chờ. Chuyện anh vừa nói với em, hãy cho em thời gian suy nghĩ, em sẽ nói với anh vào một thời gian thích hợp.
   Vậy là đã rõ. Trên đường về chúng tôi không ai nói với ai câu nào.
          Buổi chiều hôm ấy, tôi ngồi học bài nhưng không được một chữ nào vào đầu, chữ nghĩa thì nhảy múa, đầu óc thì quay cuồng. Buồn, chán xấu hổ, xâm chiếm tâm hồn tôi, tôi nghĩ nếu cứ kéo dài tình trạng này có thể tôi bị ốm. Tôi quyết định, không học bài nữa, mà đi chơi cho khuây khỏa. Tay cầm quyển sách để có cớ,tôi đi lang thang trên khắp cánh đồng, cứ chỗ nào đi được là đi, tôi nghĩ lung tung đủ mọi chuyện…Qua sự việc này, tôi mới thấy tôi thực sự là kẻ hiếu thắng, chỉ quen với chiến thắng chưa hề nếm mùi thất bại, mới gặp chút thất bại đã hoang mang, thiếu tự tin. Nếu như chuyện này lộ ra, bạn bè mà biết thì còn xấu hổ hơn nữa, nhiều khi lại thành câu chuyện để mọi người đàm tiếu. Nghĩ được như vậy, tôi tự lên gân: Phải lờ tịt đi coi như không có chuyện gì xảy ra,chắc chắn chuyện này Vân cũng sẽ không nói với ai, và như vậy chuyện sẽ không bị lộ cho người thứ ba. Tôi yên trí rảo bước về nhà, khi đã có bửu bối tháo gỡ bế tắc.
   Tối hôm ấy, bữa cơm có tới ba món: Canh cua nấu rau cải; Cá kho tương; Cá rô rang muối. Bình thường, nếu không xảy ra chuyện buổi sáng thì bữa cơm tối nay chắc là vui lắm, nhưng vì có chuyện sáng nay nên cũng kém vui và ăn cảm thấy không ngon. Đương nhiên chuyện này, Lan không hề hay biết, mà chỉ có Vân và tôi biết. Trong bữa cơm, tôi coi như chưa có chuyện gì xảy ra, tôi trêu chọc Vân và Lan để mọi người cười nói, xua tan những khoảng thời gian im lặng. Bữa cơm tối kết thúc nhanh hơn mọi khi, ai về nhà nấy chuẩn bị học bài.

     Tiết trời đã về cuối thu, mới độ 9 giờ tối mà trời hơi se lạnh. Tôi đang nằm trên giường nghĩ ngợi, anh bạn người Quảng bình đang ngồi học ở bàn, chợt nghe tiếng có người gọi, cả hai chúng tôi ngoảnh ra thì thấy Vân đang đứng trước cửa, anh bạn tôi mời Vân vào chơi nhưng Vân xin phép được gặp tôi. Tôi khoác thêm một chiếc áo khoác mỏng, rồi đi theo Vân sang nhà của Vân và Lan, tôi cứ tưởng Vân nhờ tôi chuyện gì, nhưng không phải, Vân nói với Lan, tôi cũng nghe rõ:
   -Lan ở nhà học một mình, tớ nhờ anh Quân dẫn vào làng có chút việc.
   Nói rồi Vân quay ra và đi ngay, không cả để ý đến chuyện tôi có đi theo hay không. Còn tôi cứ thế bám theo Vân, hôm nay vào khoảng cuối tháng âm lịch, trời không có trăng,nhưng nhiều sao, ánh sáng của các vì sao cũng đủ sáng để soi đường cho chúng tôi đi. Đến bãi cỏ, bỏ hoang ở gần nhà, chúng tôi tìm một chỗ để ngồi, mặt hướng ra cánh đồng. Ngồi cũng đã được một lúc, nhưng Vân vẫn chưa mở đầu câu chuyện, tôi cũng không sốt ruột, vì tôi đoán câu chuyện Vân nói tối nay chỉ liên quan đến những sự việc xảy ra buổi sáng, nên tôi bình tĩnh chờ đợi.
   Sau thời gian suy nghĩ để chuẩn bị, Vân nói:
   -Chuyện xảy ra sáng nay, thú thật là quá bất ngờ đối với em, em hoàn toàn  không kịp phản ứng gì, anh tạo ra hết bất ngờ này sang bất ngờ khác, thời gian thì quá ngắn em không kịp suy nghĩ nên em không thể trả lời anh được. Song em nghĩ, chuyện này không thể để kéo dài được, vì nó làm ảnh hưởng đến học tập, mặt khác em thấy, cũng cần phải nói với anh, biết đâu đấy nó lại tốt cho chúng ta.
   Thế rồi Vân kể cho tôi nghe chuyện của Vân.
(Còn nữa)
Logged
linhcnn72
Thành viên
*
Bài viết: 56


« Trả lời #74 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2012, 02:02:12 pm »

@quanvietnam
Món"mắm tôm" ở Cửa Việt được dân địa phương gọi là "mắm đuốc" được làm từ con "đuốc " hay còn gọi là con "ruốc", nó có vị khác với mắm tôm.Câu chuyện rất hấp dẫn, rất mong sớm được đọc tiếp.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2012, 11:14:42 pm gửi bởi linhcnn72 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #75 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2012, 03:01:32 pm »

                 Chào bạn quanvietnam! Tranphu341 đọc bài viết của bạn mà thấy say sưa mê ly quá. Cái tuổi U60 của TP mà bỗng chốc có cảm tưởng như mình là người trong cuộc mới chết chứ. Grin Grin Grin

                 Bạn viết chuyện rất hay. Bạn tả về tình yêu, về chuyện đi bắt cá, bắt cua, bắt bắt được cả nụ hôn vụng dại mà mãnh liệt nữa. Thật tuyệt vời khi bạn tả về những cánh đồng lúa gió thổi làm lên nhưng con sóng vàng, rồi thì tiếng cua, tiếng cá gõ nhịp quẫy trong chậu. vv.....TP thấy bạn tả còn tỷ mỷ hay hơn cả nhà thơ TrầnĐăngKhoa tả ấy chứ. chuyện của bạn gửi cho báo " Văn Đội Quân Nghệ" ĐƯỢC ĐẤY. Chắc chắn lính ta thích đọc hơn nhiều chuyện khác.

                 Như vây bạn ở lính thông tin. TP chưa rõ là có phải là báo vụ không mà nói đến thu phát. TP hồi 13-14 tuổi cũng đã được học báo vụ. Dùng malip phát tín hiệu tịch tè...... Cũng đã được cấp bằng vận động viên cấp 3 về báo vụ. Thu và phát được từ 80 chữ cải trở lên.

                Chúc bạn tiếp tục hành quân cùng những trang viết rất hấp dẫn để TP cùng anh em VMH được thưởng thức!

                
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2012, 08:41:46 pm gửi bởi tranphu341 » Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #76 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2012, 04:16:21 pm »


   -Kính anh TP, cùng các đọc giả đã đọc bài viết của tôi.Trước hết tôi xin cám ơn tất cả mọi người, đã bớt chút thời gian quý báu của mình để đọc bài viết, sau là tôi xin có lời xin lỗi mọi người nếu như khi đọc bài viết mà có điều gì khó chịu.
    Cũng chẳng giấu diếm gì mọi người, Tôi như thằng điếc không sợ súng. Không một ngày học viết văn hay làm thơ, nhưng tôi cứ viết,viết đến khi nào mọi người chán quá bảo thôi thì thôi. Tôi chẳng bao giờ có tham vọng để mà đăng hay in ấn ở chỗ này chỗ khác.
     -Anh TP, tôi là lính thông tin trinh sát, máy 2 woat, được đào tạo tại chiến trường, từ chỗ học thu phát tạch tè bằng miệng, rồi tiến tới gõ Manip thu phát bằng máy, sau đó là đi phục vụ các đài quan sát của trinh sát. Trình độ thu phát tối đa của tôi là: 60-65 chữ/phút, trong khi vận động viên cấp 1 có lẽ là: 140-160 chữ/phút.
   Tạm biệt anh TP và tất cả đọc giả.
   
 
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #77 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 02:54:15 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
         Theo Vân kể, Vân sinh ra trong một gia đình, có ba anh chị em. Chị cả, học hết cấp hai không đi thoát ly ở nhà lấy chồng ở làng bên, anh thứ hai đi bộ đội hiện đang học năm thứ ba học viện quân sự, ở gần thị xã Bắc ninh, anh đã lấy vợ và có hai con,một gái  một trai, vợ anh là giáo viên của trường cấp1 ở gần nhà. Bố Vân là ông giáo dậy trường làng, đã về hưu. Mẹ Vân ở nhà làm ruộng, chăm sóc các con,bây giờ là chăm sóc các cháu cả nội cả ngoại, ông bà tuổi cũng đã ngoài 60 mươi, Vân là con út trong gia đình.
     Vân lớn lên được sự nuông chiều của bố mẹ và các anh các chị, Vân là người duy nhất trong nhà được ăn học tới nơi tới chốn. Anh thứ hai tuy học ở học viện quân sự, nhưng là do đi bộ đội học giỏi nên được cử đi học.
     Bố Vân là trưởng dòng họ Nguyễn ở trong làng, người trong làng vẫn gọi bố Vân bằng ông giáo, với tấm lòng kính trọng, vì cả đời ông làm thầy giáo, và gần như ông dậy tất cả mọi người đến độ tuổi đi học ở trong làng khi ông còn là giáo viên, có những nhà đến mấy thế hệ đều học ông.
   Gia đình Vân, thuộc loại bình thường trong làng, không giầu cũng không nghèo, con cái đều trưởng thành có công ăn việc làm, anh chị lớn đều đã xây dựng gia đình. Chỉ còn Vân là nhỏ nhất đang đi học và chưa xây dựng gia đình.
   Vân kể: Cách đây hai năm, khi ấy em đã học năm thứ nhất. Một buổi chiều thứ bảy em từ trường về thăm nhà, về đến nhà em nhìn thấy chiếc xe đạp của anh trai dựng ở hè, trong nhà không có ai, chỉ nghe tiếng người nói ở ngoài vườn sau nhà. Em ra sau nhà, thấy bố mẹ, anh trai và một người nữa cũng mặc quần áo bộ đội, em đoán chắc là bạn của anh trai về chơi .Mọi người đang đứng xung quanh gốc cây xoan nói chuyện, em chào bố mẹ,chào anh trai và chào khách, rồi quay sang hỏi bố:
   -Nhà có khách sao bố không tiếp ở trong nhà mà lại ra cả ngoài vườn để nói chuyện, chắc bố có chuyện gì đặc biệt, đúng không ạ?
   Bố chưa kịp trả lời thì anh trai em đã nói:
   -Con xin lỗi bố, để con giới thiệu bạn con với cô út đã. Anh giới thiệu với em đây là anh Quảng, chú em học cùng tổ với anh, anh mời Quảng về chơi nhà, tiện thể ngày mai giúp anh chặt cây xoan để mang ra ao ngâm cho bố, một mình anh chắc không làm nổi, may quá hôm nay lại có em về hỗ trợ. Thật là tuyệt vời.
   Em nhìn anh Quảng, bắt gặp anh Quảng cũng nhìn em, anh Quảng giơ tay bắt tay em rồi nói:
   -Chào Vân! Nghe anh Hai giới thiệu nhiều về Vân, may mắn hôm nay mới được gặp.
   Bố nhìn tất cả mọi người rồi quay sang em nói:
   -Tháng trước bố có nói với anh con, nhà có cây xoan ở sau vườn, tuổi của nó cũng gần bằng tuổi con, chặt hạ xuống cho bố rồi mang ngâm để ít bữa bố thay thế một số tấm cửa gỗ của nhà thờ đã bị mọt.
   Nói rồi, bố em quay sang mẹ em:
   -Bà xem, tối nay nhà mình có các con nó về, lại có khách của con, bà bố trí cho bố con tôi một bữa ăn tươi, bà nhớ. Vân! Con xem cơm nước giúp mẹ.
   Mẹ em biết tính bố em, bà cười rất đôn hậu, thể hiện sự nhất trí cao, rồi quay sang nói với em:
   -Vân vào mẹ nhờ việc này.
   Không biết có tự bao giờ, em nghe, dân làng này vẫn khen mẹ em: Làng mình nhất bà giáo, đã khôn còn ngoan, đẹp người lại đẹp cả nết, nuôi con nuôi cháu đứa nào cũng ngoan ngoãn học giỏi nhất làng. Em cũng cảm thấy đúng như vậy, và ít nhiều cũng cảm thấy em có người mẹ tuyệt vời.
   Theo mẹ vào trong sân, mẹ vuốt mấy sợi tóc còn bết mồ hôi vương trên trán em, mẹ bảo:
   -Bây giờ cũng gần tối rồi, chẳng còn chợ búa gì được. Con chịu khó, đạp xe lên chị, bảo chị bán cho mẹ một con gà, rồi nói với chị sáng mai đi chợ hộ mẹ, cả hai chị em cùng đi, mua thức ăn trưa mai nhà có khách. Mẹ ở nhà chuẩn bị nấu cơm,con mang gà về là vừa.
   Em vâng dạ, rồi cất túi xách, lấy xe đạp của anh trai đi ngay.
   Chị gái lấy chồng ở xóm trên, nhà thì gần, nhưng em vẫn cứ đi xe đạp cho nhanh ,lên chị em gặp nhau còn trò truyện. Chị gái em cũng đã có hai cháu, con trai lớn 9 tuổi con gái 7 tuổi, các cháu đang đi học. Chồng chị gái em, làm thư ký ủy ban xã, anh suốt ngày đi vắng, chị em một mình lo công điểm với hợp tác xã, lo mảnh ruộng năm phần trăm để chăn nuôi lợn gà, lấy thịt, lấy phân đóng góp cho hợp tác xã. Chị em, quanh năm vất vả, được cái kinh tế gia đình cũng đủ ăn.
   Lên nhà chị, cũng vừa may gặp chị ở ngoài đồng vừa về tới nhà. Chị nhìn em, rồi nhìn chiếc xe đạp, chị hỏi:
   -Hôm nay, cả cậu Hai với dì cùng về à? Nhà mình chắc có việc gì nên cả hai anh em cùng về?
   Nhìn quanh thấy nhà cửa vắng tanh, em hỏi:
   -Anh chưa về à? Các cháu đi đâu sao chẳng thấy có ai?

   Chị nói:
   -Anh thì bao giờ cũng về rất muộn, thằng lớn chắc đi đá bóng ngoài sân kho, còn con Mai thì đang hái rau ở ngoài vườn, hai mẹ con vừa ở đấy, tôi về trước nó hái thêm ít rau nữa rồi về sau. Thế dì lên có việc gì vậy?
   Em trả lời:
   Em vừa về, anh Hai với bạn anh ấy ở trên trường về lúc nào em không biết. Về nhà đã thấy bố mẹ, anh Hai và bạn anh Hai đang đứng dưới gốc cây xoan bàn cách ngày mai chặt hạ cây xoan. Mẹ sai em, lên nói với chị bán cho mẹ một con gà, tối nay ở nhà có khách. Mẹ bảo, trời gần tối rồi chợ búa thì chẳng có, không biết mua đâu ra thức ăn cho khách, thôi lên nhờ chị vậy. À! Mẹ còn nói sáng mai hai chị em mình đi chợ để mua thức ăn, cho mẹ.
   Chị ra mở cửa chuồng gà, quay vào bếp bốc ít thóc còn sót lại trong cối xay, mang ra rắc trước cửa chuồng gà, vừa rắc thóc vừa gọi, trời cũng bắt đầu tối, đàn gà đang quanh quẩn quanh chuồng, chạy ào ra mổ thóc. Nhặt hết những hạt thóc, chúng nghiêng ngó nhìn bà chủ rồi kéo nhau vào chuồng. Chị đóng cửa chuồng gà,rồi thò tay vào bắt con gà trống to nhất. Vừa trói gà chị vừa nói:
   -Hôm nọ có 7 con, ủy ban có khách đã vào mua 2 con, còn 5 con. Tôi đã hứa cho thằng Thắng với con Mai mỗi đứa một con, để bán lấy tiền mua quần áo mới. Thằng Thắng nhận con gà trống to nhất, chắc là con này. Còn cái Mai nhận con gà mái to nhất sắp nhảy ổ, nó bảo để cho nó đẻ rồi bán trứng, để lấy tiền mua quần áo.
   Chị cho gà vào lồng, rồi bảo em ra vườn ngắt lá chanh, chị lại giàn mướp đã sắp tàn cắt mấy quả mướp, mướp cuối vụ quả nào cũng cong queo, được cái là quả nào quả nấy chắc như mướp bao tử. Xong xuôi các thứ, chị quay sang bảo em:
   -Thôi! Dì mang về cho mẹ làm kẻo muộn, sáng mai chủ nhật chị cho các cháu xuống chơi với ông bà.
   Em đã lên xe để về chị còn gọi lại, em tưởng là chị đưa thêm cái gì, nhưng không phải, mà chị gọi em lại gần rồi thì thào:
   -Dì đã biết khách của cậu Hai đưa về là ai chưa?
   Em thật thà,nói:
   -Là anh Quảng cùng học một lớp với anh Hai.
  Chị cười khì khì, rồi mắng yêu em:
   -Nỡm ạ! Tôi không hỏi cái đấy, mà tôi hỏi dì đã biết gì chưa?
   Em nghạc nhiên hỏi lại chị:
   -Chị bảo em biết gì là biết gì?
   Chị nói:
   -Lần trước gặp mợ Hai ở chợ, mợ có nói chuyện về anh này, mợ nói cái gì cũng tốt. Mợ nói với chị, là cậu Hai thích anh Quảng lắm, định là giới thiệu cho em. Hôm ấy chị đang vội chị cũng chưa kịp nói gì, tiện có em chị nói để em biết, nếu phải duyên phải số cũng tốt, còn không thì em vẫn là người quyết định.
   Em hơi bất ngờ, vội trả lời cho qua chuyện:
   -Còn đang bận tối tăm mắt mũi vào học hành, thời gian đâu mà yêu với đương, mà sao bây giờ lại còn cả mối lái nữa, chịu mấy ông mấy bà. Thôi em về đây, mai chờ em lên rồi cùng đi chợ.
(Còn nữa)

   
     
 


Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #78 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2012, 09:17:03 am »

               Hay quá! Tranphu341 đọc bài viết kể chuyện của quanvietnam mà như là đọc chuyện trong cuốn sách nào đó. Bạn tả, bạn viết thật tỷ mỷ đĩnh đạc như nhà văn chuyên nghiệp vậy. Lôi cuốn mộc mạc và cuốn hút. TP chúc mừng bạn.

               CHÚC QUANVIETNAM CÙNG GIA ĐÌNH CÓ NHIỀU SỨC KHỎE CÙNG NHIÈU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #79 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2012, 02:08:38 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Từ những thông tin được chị gái cung cấp, trên đường về nhà,tự nhiên em cảm thấy vui vui.Không phải em vui vì em có bạn trai đến chơi nhà. Điều làm vui, là em đã biết được toàn bộ bí mật của câu chuyện sắp sửa diễn ra, những thông tin được chị cung cấp đã tạo điều kiện cho em nắm quyền chủ động, em sẽ giả vờ không biết để theo dõi chặt chẽ diễn biến của sự việc. Em nghĩ thầm, chắc là buồn cười lắm đây…
     Tối hôm ấy, sau khi cơm nước xong. Mọi người ngồi ngoài hè uống nước, nói chuyện. Em vừa rửa bát vừa cố gắng nghe trộm xem mọi người nói gì, nghe câu được câu chăng,nhưng toàn chuyện đâu đâu chẳng có chuyện nào liên quan đến em. Xong việc, em lên nhà, anh Hai gọi:
   -Cô vào uống nước! Hôm nay cô vất vả quá, cũng may có cô về, nếu không anh em tôi lại phải phụ với mẹ để nấu cơm, bây giờ chưa chắc đã được ăn. Cô ngồi đây, ngồi đây!
   Anh Hai chỉ chỗ cho em ngồi cạnh anh Hai, nhưng em sang ngồi cạnh mẹ, đối diện với anh Hai và anh Quảng. Mẹ em bảo:
   -Thôi anh để em nó ngồi đây với mẹ.
   Từ nãy tới giờ, bố em chưa nói câu nào, mà chỉ ngửa mặt lên trời nhả khói thuốc lá, thấy em đã ổn định chỗ ngồi, ông uống một hớp nước trà rồi quay sang hỏi em, vẫn những câu hỏi như mọi khi:
   -Con về chơi hay về có việc gì? Khi nào thì về trường? Về nhớ cho bố gửi lời thăm sức khỏe bà cụ chủ nhà nhé. À! Mà sao cái Lan lại không về với con, con cứ đi một mình bọn trẻ trâu chúng nó dễ bắt nạt.
   Biết tính bố, em vừa cười vừa nói:
   -Con về chơi thăm nhà thôi bố ạ! Con định 2 giờ chiều mai con sang trường, nếu bố mẹ,các anh các chị có gì cho thì tốt, con lại phải mang nặng, tuy phải mang nặng vất vả nhưng con cũng không từ chối, chịu khó mang nặng còn có cái ăn cho đỡ đói.
   Mẹ dí ngón tay vào trán em, mắng yêu:
   -Cha bố cô, chẳng có đâu mà khuân.
   Em cười chống chế, cho đỡ ngượng, rồi nói tiếp:
   -Bố ạ! Đợt này Lan nó phải ở lại để học bù không về được, nó cứ đòi về, con không cho nó về. Lúc chiều con đi qua cánh đồng, có bọn trẻ con chăn trâu, con sợ chúng nó bắt nạt, con phải chờ có người lớn đi để đi cùng. Bố cứ yên tâm đi, bây giờ con đã lớn rồi, con khắc biết lo.
   Nghe em nói thế, bố quay sang anh Hai hỏi:
   -Liệu hai anh buổi sáng có chặt xong không? Nếu xong, trưa nhờ người chuyển ra ao để ngâm, nếu chưa ngâm kịp thì ở nhà bố nhờ người ngâm hộ, đến giờ các anh phải về trường cho đúng kỷ luật quân đội.
   Bố lại quay sang em và tiếp tục nói:
   -Còn Vân, con cứ chủ động về trường sớm, không đi vào buổi tối. Thôi bây giờ tôi xin phép đi nghỉ cho đỡ đau lưng. Mọi người uống nước rồi đi nghỉ sớm để ngày mai làm việc.
   Anh Hai với anh Quảng nhìn nhau, như để thể hiện quyết tâm, rồi anh Hai nói:
   -Bố cứ yên tâm đi nghỉ, ngày mai chúng con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
   Ngồi lại chỉ còn có mẹ em, anh Hai anh Quảng và em, anh Hai nói:
   -Ngày mai, chúng con đặt đồng hồ báo thức để dậy sớm chặt cho kịp, khi nào có ăn sáng thì gọi chúng con vào ăn rồi lại làm tiếp, bao giờ xong mới được ăn cơm trưa. Ăn trưa xong nghỉ ngơi một lát, Quảng đưa Vân sang trường giúp anh, rồi em quay về luôn đơn vị. Anh làm nốt những việc còn lại rồi sẽ về đơn vị sau. Thôi bây giờ xin phép mẹ, con đưa Quảng về nhà con ngủ, mai chúng con xuống sớm.
   Thấy anh Hai nói để anh Quảng đưa em sang trường,em nghĩ chắc đây là màn mở đầu đây, em vội vàng từ chối khéo:
   -Anh Hai với anh Quảng! Ngày mai không phải đưa em đi đâu, em đã nhờ đứa bạn đưa em sang trường rồi, các anh cứ ở nhà làm cho xong việc bố nhờ.
   Mẹ em nói:
   -Hai anh em ngủ đây cũng được, mẹ đã chuẩn bị rồi, khỏi phải đi đi về về, mai dậy sớm mà làm cho kịp. Mẹ con nhà nó thấy con muộn mà không về cũng đóng cửa đi ngủ, chắc là không chờ con về đâu.
   Nói rồi mẹ quay sang em:
   -Tối nay con ngủ với mẹ ở nhà trong, anh Hai với anh Quảng ngủ ở nhà ngoài với bố. Nếu chiều mai xong sớm thì nhờ anh Quảng, đưa em sang trường. Nếu xong muộn,thì Vân cứ đi với bạn. Thôi bây giờ thu dọn đi ngủ.
   Anh hai thấy mẹ nói vậy cũng không cãi lại, cũng không nói gì, chỉ nhìn em rồi vừa hỏi vừa cười:
   -Em nhờ bạn trai hay bạn gái đấy? Nếu có vấn đề gì thì phải báo cho anh biết đấy nhớ.
   Em trả lời:
   -Vâng ạ! Anh chỉ được cái nghĩ lung tung, em còn bận học, học mà dốt bố mẹ anh chị không yêu nữa thì biết nhờ cậy ai đây, ai là người chi viện. Nếu có gì em sẽ báo cáo và trình diện với anh.
     Thế rồi, mọi người thu dọn đi ngủ.
   Qua một đêm ngủ ngon, ngày hôm sau mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến của anh Hai. Cây xoan vừa to lại vừa dài, bố phải mượn thêm 6- 7 người nữa mới chuyển ra ngoài ao được. Khoảng hơn 12 giờ trưa mọi việc kết thúc, mọi người nghỉ ngơi để ăn cơm trưa. Bữa cơm gia đình đông vui, tất cả con trai con gái, con dâu con rể, cháu nội cháu ngoại, đều có mặt. Nhà đông vui như tết.
   Đúng 2 giờ chiều em chuẩn bị sang trường, chị gái với chị dâu mỗi người xách một túi xách, mang ra xe bảo anh Quảng buộc vào xe để mang đi. Xong xuôi công việc, em với anh Quảng vào chào bố mẹ với các anh các chị, rồi chúng em lên đường. Mấy đứa cháu tiễn chú dì ra tận đường làng, mới chịu quay về.
   Dọc đường đi, anh Quảng là người chủ động gợi mở các câu chuyện, vừa đi chúng em vừa nói chuyện với nhau vui vẻ, kể hết chuyện nọ đến chuyện kia. Chuyện vui, đường xa cũng thành gần, chẳng mấy chốc đã đến nhà. Giờ này, không có ai ở nhà, mọi người đi đâu hết. Mời anh Quảng vào nhà uống nước, anh từ chối, lấy lý do là phải quay về đơn vị kẻo chậm giờ điểm danh. Em nghĩ, đấy là cái cớ để từ chối, thực chất theo em đoán thì anh Quảng ngại vì mọi người đi vắng hết chỉ có hai người ở nhà là không tiện, đây lại là lần đầu tiên.
   Chúng em chia tay nhau, anh Quảng về đơn vị, em thu xếp đồ đạc với các thứ mà mẹ với các chị nhét chặt vào hai túi lúc đi. Vừa làm vừa nghĩ ngợi về anh Quảng, em thấy rằng cũng chưa có gì đáng quan tâm. Nhìn bề ngoài anh cũng là con người lịch lãm, nhanh nhẹn hoạt bát, trông cởi mở dễ gần, nói năng lại có duyên, suốt cả chặng đường dài, vừa đạp xe vừa kể chuyện mà không biết mệt, chuyện kể thì hài hước dí dỏm.
   Ghép lại các câu chuyện anh Quảng đã kể, thì đại loại nhà anh Quảng đang sinh sống và buôn bán ở phố Từ sơn, nhà có xưởng mộc sản xuất các giường tủ bàn ghế đồ cổ. Bố mẹ anh Quảng, sinh được bốn người con, hai trai hai gái, anh trai cả đi bộ đội, anh nhập ngũ từ năm 1966 và vào chiến trường năm 1968, khi vào nam chiến đấu anh chưa kịp xây dựng gia đình. Chị gái và em gái anh Quảng đều đã xây dựng gia đình và đã có cháu. Anh Quảng thì đang học năm thứ ba học viện quân sự. Như vậy gia đình anh Quảng mới chỉ có cháu ngoại, chưa có cháu nội, bố mẹ anh Quảng, hai người cũng đã lớn tuổi, đều ngoài 60, nên đang thúc dục anh Quảng lấy vợ.
   Trong các câu chuyện, cũng có câu chuyện, anh Quảng xin phép từ nay được làm quen với em, coi gia đình em như gia đình anh để lấy chỗ đi lại. Chuyện này, em nói ngay với anh Quảng là: Từ trước tới nay anh quan hệ với anh Hai, và gia đình em như thế nào thì bây giờ cũng nên thế, không vì lý do gì lại làm thay đổi mối quan hệ này. Còn với em, em coi anh như anh Hai của em, anh đừng ngại.
   …Thế rồi thời gian cứ trôi đi, một năm,hai năm. Sau lần gặp nhau đầu tiên, sau đó chúng em còn gặp nhau một vài lần nữa, lúc ở quê lúc ở học viên quân sự. Rồi chẳng hiểu từ khi nào, mức độ quan tâm của anh Quảng đối với em cũng như gia đình em, càng nhiều hơn, cả về tình cảm lẫn vật chất. Lâu dần em cảm thấy sợ sự quan tâm của anh Quảng. Chuyện này không ai biết, có những thời gian em sợ không giám về nhà, vì về là phải nghe chuyện về anh Quảng, phải nhìn thấy quà của anh Quảng biếu. Cuối cùng, chuyện này anh Hai cũng phát hiện ra, và hỏi em. Em nói thật suy nghĩ của em, anh Hai không đồng tình và cho rằng em còn quá ngây thơ, chưa nhận thức được đầy đủ về tình yêu, về hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế trong tình hình đất nước hiện nay.
     Hai anh em bất đồng quan điểm. Em chuyên tâm vào học tập, và chú ý lắng nghe ý kiến của mọi người, bố mẹ em chưa có ý kiến gì…
(Còn tiếp)
   
   
   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM