Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:00:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191189 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Hai, 2012, 01:56:04 pm »

 

                                 NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
.
   Còn đối với Vân,người yêu tôi sẽ không phải như vậy.Rất có thể vì quá yêu nhau nên Vân cứ chờ cứ đợi,rồi kết cục cũng giống như gia đình tôi,Vân sẽ trở thành hòn vọng phu,giống như bao hòn vọng phu khác vì chiến tranh tránh sao được hy sinh.Cũng nhiều khả năng,Vân vì hoàn cảnh nào đó nên không thể chờ tôi được mà đành rẽ bước sang ngang.Trong hoàn cảnh ấy,chỉ có trời biết và Vân biết.Như vậy liệu tôi không viết thư cho Vân có quá đáng không?Tôi nghĩ :Ở khía cạnh nào đó là quá đáng,vì can tội xem thường chị em phụ nữ,không muốn cho họ tham gia để chia sẻ gánh nặng cùng nam giới trong cuộc chiến tranh vĩ đại này,họ cũng là con người,họ có đầy đủ quyền lợi,quyền cống hiến hy sinh,quyền được hưởng hạnh phúc…Nhưng ở khía cạnh khác,việc tôi không viết thư cho Vân,tôi lại cho rằng tôi đã trả lại cho Vân tất cả những gì vốn có,Vân quyết định mọi vấn đề khi Vân cho là đúng…Lý thuyết thì là như vậy,nhưng ngồi nghĩ lại quá khứ từ buổi ban đầu chúng tôi yêu nhau tôi thật khó nói,cái nào là đúng cái nào là sai…
  


Kính chào bác Quanvietnam. Tôi hân hạn được theo dõi những ký ức của bác  ghi lại những giai đoạn thăng trầm cùng đồng đội theo những bước chân chinh chiến trong một bối cảnh lịch sử của đất nước mà ngày đó dù còn nhỏ tôi cũng cảm nhận được sư thiệt thòi mất mát của một thế hệ các chị, các cô thiếu nữ Việt Nam.
Chúc bác quanvietnam tay cứng phím mềm, tiếp tục hành quân.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2012, 11:01:53 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #61 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2012, 03:28:53 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Thời gian huấn luyện,tuy vất vả nhưng lại có nhiều thời gian được nghỉ ngơi,những lúc như vậy chúng tôi lại tụ tập nhau lại kể cho nhau nghe về chuyện gia đình,chuyện quê hương,chuyện mới nhận được thư,chuyện trên trời chuyện dưới đất,thôi thì đủ mọi chuyện…Đã lâu rồi,tối hôm nay chúng tôi mới lại có dịp ngồi với nhau,các em lại đề nghị tôi kể tiếp câu chuyện còn đang dở,tôi đồng ý rồi kể tiếp:
          Chúng tôi yêu nhau từ cuối mùa đông của năm thứ hai, hai đứa chúng tôi học chung một lớp,lớp 13 Cầu đường sắt.Ngày ấy khóa 13 khoa Cầu đường của trường đại học Xây dựng Hà nội,đang học sơ tán ở thôn Trúc ổ xã Mộ đạo huyện Quế võ tỉnh Hà bắc.Lúc đó,Hà bắc là gồm hai tỉnh Bắc ninh Bắc giang sáp nhập vào thành tỉnh Hà bắc.Nơi chúng tôi học là miền quê nghèo,vùng đồng chiêm trũng,sống ngâm da chết ngâm xương,chiêm khê mùa thối.Người dân ở đây cần cù chịu khó,làm lụng vất vả nhưng cũng chẳng đủ ăn,quanh năm nghèo đói,làng quê buồn hiu hắt.Sơ tán về những vùng này,chúng tôi chỉ còn biết học,ngoài ra cũng chẳng biết làm gì,cũng chẳng có nơi nào mà chơi,giá như có tiền cũng chẳng có quà bánh gì để ăn.
   Thời ấy chúng tôi yêu nhau không giám công khai,tất cả đều kín đáo, không khi nào nam nữ sinh viên ngồi gần nhau nói chuyện,thể hiện những cử chỉ yêu thương ở những nơi chỉ có hai người,hoặc là nơi thiếu ánh sáng. Những hành động đại loại như vậy đều được coi là sinh hoạt không lành mạnh,nếu bị phát hiện thế nào cũng bị các tổ chức nhắc nhở. Hồi đó,chỉ nói đến việc tổ chức gọi tên nhắc nhở là chúng tôi đã sợ lắm rồi,vì vậy hầu như các đôi yêu nhau rất bí mật không để ai biết,trừ bạn bè ở cùng nhà,còn những người khác chỉ đoán già đoán non không biết chắc chắn.
   Tôi hơn Vân hai tuổi,tôi là cán bộ đi học,còn Vân là học sinh,sau khi tốt nghiệp phổ thông là vào luôn đại học.Vân quê chính gốc nơi có làn điệu dân ca Quan họ Bắc ninh,từ đường quốc lộ 1A đến đồi Lim,rẽ qua đồi Lim đến chợ Sơn rồi vào thôn Hiên vân,đấy chính là nơi chôn rau cắt rốn của Vân,sinh ra ở thôn Hiên vân nên bố mẹ đặt tên là Vân.Vân có giọng hát dân ca quan họ Bắc ninh làn điệu cổ rất mượt mà đằm thắm đã có lần tôi gặng hỏi vì sao: Vân biết nhiều làn điệu và hát hay như vậy?Vân chỉ cười và nói: Em được bà và mẹ dậy hát từ nhỏ,cộng với ăn nước giếng thôn Hiên vân là ai cũng sẽ biết hát.Vân,nhìn tôi âu yếm nói đùa: Nếu anh làm rể thôn Hiên vân anh cũng phải tập hát để hát cho nhà gái nghe.Tôi cười và không nói gì.
   Tình yêu giữa tôi và Vân không biết bắt nguồn từ đâu. Dạo ấy chúng tôi ở trọ hai nhà gần nhau,chỉ cách nhau cái bếp,để đi ra đường chung của làng thì hai nhà phải đi qua sân của nhau.Ở đây gọi là cái nhà cho nó sang,vì nó có chủ nhà,có nhà có bếp có vườn có hàng rào,nhiều cái nó cũng có giống như những nhà khác về tên gọi nhưng quy mô và chất lượng thì hoàn toàn khác nhau. Thật công bằng mà nói thì những cái nhà này chỉ là những túp lều che tạm để ở. Nhà này là do hợp tác xã,kết hợp với bà con chòm xóm dựng lên cho,có tính chất giúp đỡ,nhà một gian hai trái,tổng diện tích khoảng 18m2, tường nhà được thưng xung quanh bằng những bức vách trát bằng bùn trộn rơm,do bị khô nên đã hở toác loác bên này nhìn thông sang bên kia,mùa đông gió lùa hun hút,nhà có một cửa bằng phên nứa,cửa thấp nên ra vào phải cúi rạp người để khỏi bị chạm đầu.Chủ nhân của hai nhà này,thuộc đối tượng đặc biệt của thôn.Một người là bà già đã hơn sáu mươi tuổi già yếu,có hai cô gái lấy chồng xa,theo chồng đi làm ăn để mẹ ở nhà một mình không nơi nương tựa,sống nhờ sự chu cấp của hợp tác xã và bà con chòm xóm.Một người là thanh niên hơn ba mươi tuổi,bị dị tật bẩm sinh khèo mất một chân ,đi lại bằng nạng,chưa có vợ,vẫn đang phải nuôi em trai đi học ở xa.
   Thấy chúng tôi đến đặt vấn đề xin ở nhờ,cả hai người mừng lắm, và đồng ý ngay,vì họ đỡ trống trải cô đơn,trong nhà lại thêm người thêm tiếng.Tôi và một anh bạn người Quảng bình ở nhà người thanh niên,Vân và cô bạn tên Lan người Yên bái ở nhà bà già.Từ đó,chúng tôi quan hệ với nhau,với hai gia đình vui vẻ đầm ấm. Cả hai bên đều quí trọng nhau,giúp đỡ lẫn nhau từ việc nhỏ đến việc lớn,khi quét dọn nhà cửa sân vườn,khi mùa màng cấy hái thu hoạch,tình cảm ngày càng thắm thiết mặn mà. Công việc học tập của chúng tôi rất thuận lợi,buổi sáng thì lên lớp buổi chiều buổi tối tự học ở nhà,nhà thì ở tách ra khỏi làng,lại không có trẻ con nên rất tĩnh,phù hợp cho việc học tập nghiên cứu.
   Thời kỳ đầu,khi mới dọn về,nhà nào biết nhà đấy,chúng tôi chăm chỉ học hành,rất ít gặp nhau,trừ những buổi lên lớp.Một thời gian sau,tôi thấy bên nhà Vân rất hay có các bạn cùng lớp đến chơi hay mượn mõ cái gì đó, con trai nhiều hơn con gái.Họ nói chuyện và cười đùa với nhau rất to,thời gian có khi mất cả tiếng đồng hồ,thậm chí còn hơn.Những lúc như thế tôi cũng bị phân tâm,không tập trung vào bài học mà chú ý nghe lúc được lúc không,câu chuyện đang diễn ra ở nhà bên.Dần dần tôi cũng biết được những người đến đó là ai,đến vì mục đích gì.Kể từ đó tôi bắt đầu chú ý hơn,đến hai người bạn gái hàng xóm của mình,khi vắng tiếng họ lại cảm thấy nhớ,đôi khi lại còn nghĩ về họ…
   Vânvà bạn gái,cứ như đôi chim lúc nào cũng quấn quít lấy nhau,không rời nhau nửa bước,nhìn thấy người này chắc chắn sẽ nhìn thấy người kia,họ còn đang tuổi ăn tuổi lớn,trông họ mơn mởn như hai bông hồng chúm chím khoe sắc dưới nắng ban mai.Nếu có đem so sánh cũng rất khó nói ai hơn ai,nhưng ở Vân người ta thấy có cái gì đó dễ gần hơn,hình giáng hấp dẫn hơn, nói hơi quá một chút thì trông thùy mỵ hơn.Nếu cho tôi đi chọn vợ thì cả hai người đều được,còn bảo thích ai hơn thì tôi thích Vân hơn.
   Thời gian cứ thế trôi đi,chúng tôi gần nhau hơn và thân nhau hơn,tôi đã nhập vào nhóm của Vân ra nhà bếp lấy cơm về ăn chung.Khi
 đã ăn cơm chung thì lại hay nghĩ ra cách cải thiện,nhưng hồi đó khổ lắm đất nước thì nghèo,gia đình nào cũng nghèo,thắt lưng buộc bụng lắm mới cho con được mấy đồng tiêu vặt cho cả năm,tiêu trước thì khỏi tiêu sau.Để có kinh phí cải thiện,chúng tôi nghĩ cách tiết kiệm:Ba người ăn hai xuất,những ngày chủ nhật được nghỉ thì đi chơi với bạn bè hay về nhà(nhà Vân ở  gần nơi sơ tán khoảng 20 km) để cắt cơm lấy tiền thanh toán,nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là thân quen với các chị nhà bếp để xin mỡ,xin xì dầu v.v.Gọi là cải thiện nghe có vẻ tiệc tùng,thực ra có gì đâu,cơm hay cục mỳ luộc theo tiêu chuẩn lấy từ nhà bếp về,ở nhà nấu thêm một nồi canh,hôm thì canh cua hôm thì canh hến,hôm nào xôm lắm thì mới mua cá về rán,đầu đuôi thì nấu canh chua.Để có thực phẩm cải thiện,không phải chúng có sẵn ở trong làng,vì làng này nghèo lắm.Chúng tôi lại phải lặn lội ra mãi chợ Trì,cách đó hơn 3 km để mua, khi đi chợ tranh thủ  mang sách  để học,mua xong quay về mỗi đứa một túi,đứa thì rau sống,đứa rau thơm đứa thì trai hến,chỉ vậy thôi mà cũng thấy vui,cười đùa râm ran suốt cả quãng đường. Có những thời kỳ,cả thời gian dài,bếp tập thể sinh viên phải ăn mỳ luộc,thực ra là bột mỳ đem nhào lên rồi cho vào hấp,mỗi người được hai viên to bằng quả thị to,mầu nâu đất chắc như cục gạch.Ăn khỏe như tôi cũng chỉ ăn được dăm bữa,đói lắm thì cố nuốt,nuốt không được thì bê bát canh toàn quốc bằng rau muống nấu ở chảo gang mầu đen như nước cống để nuốt,nhiều hôm nghẹn ứa nước mắt.Những đợt như vậy,thường là chúng tôi lấy bột mỳ về nhào trộn rồi dùng vỏ chai cán mỏng,lấy dao cắt thành từng sợi nhỏ để nấu với canh cua hay canh hến cho dễ ăn,ngày ấy ở đó chưa biết cán mỳ sợi.
          Cuộc sống của sinh viên khóa 13 khoa Cầu đường thời kỳ sơ tán là như vậy,ngày lại ngày cứ lặng lẽ trôi.Tháng 9 năm 1970,tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và có giấy gọi nhập ngũ.
(Còn nữa)
Logged
linhcnn72
Thành viên
*
Bài viết: 56


« Trả lời #62 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2012, 11:27:51 pm »

 Chào bác.
Thế là trinh sát e95 đã xuất hiện,không biết có bác nào ở c20 e101 và e18 không, mời các bác tham gia cho đủ bộ.Bác chưa kể đoạn sau nhưng với thời gian không viết thư dài như vậy,mối tình của bác rất dễ...stop.Mong rằng không phải như thế, chúc bác tiếp tục câu chuyện đang hồi gay cấn.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2012, 08:38:01 pm »

Chào bác.
Thế là trinh sát e95 đã xuất hiện,không biết có bác nào ở c20 e101 và e18 không, mời các bác tham gia cho đủ bộ.Bác chưa kể đoạn sau nhưng với thời gian không viết thư dài như vậy,mối tình của bác rất dễ...stop.Mong rằng không phải như thế, chúc bác tiếp tục câu chuyện đang hồi gay cấn.

@linhcnn72: c20/101 nhà mình có ông ĐTH đấy, mà ông ta nghề chính là làm báo cơ mà, chỉ sợ bây giờ ông ta làm to nhiều việc đại sự quốc gia chẳng thèm để ý gì những chuyện của mấy thằng chúng ta đâu Angry
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2012, 10:17:02 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
linhcnn72
Thành viên
*
Bài viết: 56


« Trả lời #64 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2012, 09:20:34 pm »

Bác LXT,bác TTNL cũng có nhiều dịp gặp với c20 e101,có thể bác ấy biết nhiều chuyện.Mong bác TTNL bớt chút thời gian kể cho mọi người cùng nghe thì thật tốt,cám ơn trước.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 01:42:04 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Đây là lần thứ hai,tôi được gọi nhập ngũ,cả lớp 13 Cầu đường đâu chỉ có 7 hay 8 người gọi đợt này.Thời gian gọi tập trung gấp quá, quê thì lại ở xa,nên không đủ thời gian về thăm nhà trước khi tập trung,tôi cũng muốn về, nhưng đường thì xa,chất lượng đường xá thì kém, nhất là vùng trọng điểm mà máy bay Mỹ hay ném bom còn đang phải sửa chữa lại cầu đường nên tầu xe đi lại khó khăn,có khi lại còn bị nhỡ tầu nhỡ xe,nếu mà bị chậm thì phiền phức lắm…Nghĩ đi nghĩ lại,tôi quyết định không về nữa,thực ra nếu có về thì lại phải vay tiền mà việc này thì tôi rất ngại,chưa bao giờ giám làm,mà cứ liều mà làm thì chưa chắc đã được vì khi đó tất cả bạn bè đều là sinh viên thì làm gì có tiền mà cho vay.
   Mấy ngày chờ tập trung,tôi buồn và chán thật sự,bạn bè thì đi học,chủ nhà đi vắng,nhà chỉ có mình chẳng biết làm gì,tôi cứ đi ra lại đi vào,hết đứng lên lại ngồi thở dài ngao ngán,lòng dạ bồn chồn.Tôi thu dọn gói gém đồ đạc,mấy quyển sách của thư viện thì chuyển sang để Vân mượn tiếp,còn quần áo chăn màn tôi gói gém lại đề địa chỉ rõ ràng nhờ Vân chuyển về quê.Xong việc tôi ngồi thừ người ra,tôi nghĩ biết được tin này chắc là cả nhà tôi buồn và thương cho cho tôi  lắm.Buồn ở chỗ là bao nhiêu công lao học hành bây giờ đành gác bút nghiên theo việc binh đao,thương cho tôi là ở chỗ lúc lên đường nhập ngũ lại không phải ở quê hương nên bố mẹ chẳng ai biết,anh chị em cũng chẳng ai hay,không có ai là người thân tiễn chân tôi lên đường nhập ngũ, nghĩ đến đấy,tôi thấy cổ họng se lại sống mũi cay cay. Đang suy nghĩ miên man,chợt nghe tiếng Vân và Lan ở nhà bên,tôi đang nghĩ sao hôm nay lớp tan học sớm vậy,thì đã nghe thấy tiếng Vân ngoài sân nhà tôi,nhìn thấy tôi Vân nói:
   -Hôm nay lớp được nghỉ sớm,chiều nay anh em mình đi chợ chơi và mua thực phẩm về  tối liên hoan tiễn anh lên đường nhập ngũ.
   Tôi cười nhưng chắc là bị gò bó nên trở thành tiếng cười gằn,trót lỡ như vậy sợ các em không vui,tôi nửa đùa nửa thật:
   -Em ăn trộm đâu ra tiền,mà có tiền đi chợ.
   Vân nhìn tôi rồi nháy mắt nhìn sang Lan,cười nói rất tự nhiên:
   -Hôm nọ chúng em thanh toán tiền ăn thừa tháng trước,được mấy đồng cộng với tiền người yêu Lan mới gửi cho Lan,mình cứ vay tạm sau này tính sau,thế là đủ tiền liên hoan thậm chí còn thừa.
   Tôi biết Vân nói đùa,vì tôi chưa bao giờ nghe thấy Lan nói về người yêu của Lan bao giờ,nhưng đã trót nói rồi đành phải tiếp tục.Tôi nhìn Lan,hỏi:
   -Có Phải thế không Lan?
   Lan có nước da trắng,trắng như người ta thường nói là trắng như trứng gà bóc,đôi lông mày đen sẫm cong tự nhiên,đôi mắt sáng long lanh,khuôn mặt tròn bầu bĩnh,má lúm đồng tiền,đôi môi đỏ mọng như tô son.Lan có mái tóc vừa dài vừa dầy lại đen nhánh,Lan chỉ phải cái hơi thấp,nếu cao lên chút nữa thì đẹp không thể chê vào đâu được.Thấy tôi và Vân nói thế,Lan chỉ cười mặt đỏ dựng để lộ hàm răng trắng muốt,Lan không nói gì.
          Chiều hôm ấy chúng tôi đi chợ,lượn đi lượn lại mãi ở hàng gà mới mua được con gà trống mới lớn có lẽ đang tập gáy, tôi trông thấy nó bé lắm, chợ vùng quê chỉ bán con chứ không bán cân,nhưng nếu có cân mà cân lên thì cũng chỉ suýt soát một cân.Thế là vui vẻ rồi,việc khó khăn nhất đối với túi tiền của sinh viên coi như đã được vượt qua,còn lại mua các thứ khác như rau dưa hành tỏi cà chua thì mua búa xua chẳng cần nghĩ ngợi nhiều.
   Bữa cơm liên hoan của chúng tôi tối hôm ấy còn có cả bà chủ nhà,nhìn bà lão mới hơn 60 tuổi mà lưng đã còng,đi đâu đều phải chống gậy,ngồi ăn cơm với chúng tôi,thấy bà vui lắm,có lẽ lâu lắm rồi bà mới được ngồi ăn như thế này.Bà nói với chúng tôi,mà có lẽ nói với tôi thì đúng hơn:
   -Các cháu sinh ra,phải thời giặc giã,con trai thì đi bộ đội con gái thì đi thanh niên xung phong,những người già như bà chẳng thể làm được gì chỉ biết ngồi nhà trông đợi.Ngày mai cháu đi,bà chúc cháu chân cứng đá mềm,hoàn thành nghĩa vụ thì lại về thăm bà nhé.Nói rồi,bà thò tay vào túi áo,lấy ra một gói giấy đưa cho tôi và lại nói tiếp: Bà chẳng có gì làm quà cho cháu trước lúc lên đường,cháu cầm lấy hộp dầu cao này để xoa cho nó ấm,phòng khi trái gió trở trời.
   Tôi đưa hai tay đỡ lấy gói giấy gói hộp dầu cao mà lòng nghẹn ngào nước mắt cứ chực trào ra,tôi nói:
   -Cháu xin,cháu cám ơn bà.Ở nhà bà nhớ giữ dìn sức khỏe,nếu có điều kiện cháu sẽ về thăm bà.
   Bữa liên hoan tối hôm ấy tôi thấy vui vẻ,quên cả nhớ nhà.Ăn xong,chúng tôi còn ngồi nói chuyện đến khuya.Tôi kể cho mọi người nghe về quê hương tôi về hoàn cảnh gia đình tôi,về tôi,về quá trình phấn đấu để vào đại học của tôi.Chuyện cứ rời rạc gãy khúc,ai hỏi đến đâu tôi lại kể đến đó…Thế mà cũng đã hơn 11 giờ đêm,bà và Lan lên giường nằm cho đỡ đau lưng,thi thoảng lại góp chuyện, một lát sau không thấy ai góp chuyện nữa chắc là đã chìm vào giấc ngủ.
   Lúc này,dưới chiếu chỉ còn lại tôi và Vân với ngọn đèn dầu,ánh sáng của ngọn đèn dầu cứ bập bùng lúc tỏ lúc mờ,tôi nhìn Vân thấy có gì khác mọi khi.Thường ngày tôi hay nói chuyện với Vân nhiều hơn với Lan,không hiểu vì sao,không phải tôi có cảm tình gì với Vân.Tôi nghĩ là Vân nhanh nhẹn linh hoạt hơn Lan,nên những vấn đề chung của Vân và Lan đều được Vân chủ động giải quyết,bao giờ Vân cũng là người nói trước,còn Lan là người thụ động thực hiện.Trong quan hệ giữa ba đứa chúng tôi,lúc nào tôi cũng xem Vân và Lan như những đứa em gái,chính vì như vậy cho nên những lúc tôi không vừa ý là tôi quát mắng ngay,Vân thì có vẻ không sợ tôi còn Lan thì rất sợ tôi mỗi khi tôi cáu.Tôi nhớ có lần,vào thời gian tháng 5 tháng 6,buổi tối trời mưa rào sấm chớp ầm ầm,sau khi tạnh mưa là tôi đi soi ếch,không hiểu sao ở vùng này rất nhiều ếch,tôi đi soi độ một vài tiếng là đã có một giỏ đầy ếch,mang về chia cho hai nhà ăn toái loái,còn thừa tôi nhốt lại để giành thì Lan lại quên đậy nắp nên nó ra hết.Tôi tức quá quát cho Lan một trận vì hai tội: Sợ ếch nên không giám làm thịt ếch; Quên không đậy nắp giỏ để ếch nhảy ra hết.Vụ ấy Lan giận tôi cả ngày không thèm ăn cơm,tôi và Vân giỗ mãi mới chịu,hôm ấy Vân cũng nói thật là Vân cũng không giám làm thịt ếch,lúc tôi phân công là lỉnh đi chỗ khác.Từ đấy mỗi khi tôi đi bắt cá bắt ếch về là tôi tự làm lấy,chỉ có cua thì Vân và Lan mới làm.Ngày còn bé ở nhà,tôi là dân cua cá nên rất thạo công việc này,bây giờ là sinh viên có nghề này cũng đỡ được ít tiền và có thực phẩm để cải thiện .
     Đêm cũng đã về khuya,làng xóm im lặng đang chìm vào giấc ngủ,lâu lâu lại nghe tiếng chó sủa phía trong làng.Chúng tôi ngồi rất lâu,không ai nói gì chỉ tập trung nhìn vào ngọn đèn dầu đang cháy,thi thoảng đầu bấc đèn lại nổ kêu tách tách,làm ngọn đèn rung rinh chao đảo.Tôi nghĩ,ngồi lâu quá trong lúc này là không nên,vì ngày mai Vân còn phải đi học,tôi thì đi sang Quế ổ tập trung.Nghĩ thế,nên tôi chủ động phá tan bầu không khí im lặng.Tôi hỏi Vân:
   -Từ nãy tới giờ sao không thấy em nói gì?Anh có cảm giác em có vẻ hơi buồn?Em đã chia tay với Thọ chưa(Thọ là người cùng huyện với Vân nhưng khác xã,Thọ cùng nhập ngũ với tôi đợt này).
   Vân nhìn tôi rồi lại nhìn vào ngọn đèn đang cháy,rồi từ từ nói:
   -Chiều nay em cũng đến chia tay Thọ,nhưng Thọ về quê chưa xuống.Nghĩ cũng buồn thật anh ạ!Anh em mình đã quen biết nhau một thời gian dài,cùng ăn với nhau một mâm,ngồi chung một lớp,bao nhiêu chuyện vui buồn có nhau.Ngày mai anh ra đi,biết bao giờ mới gặp lại anh,chia tay anh hỏi sao không buồn.
   Ngừng một lúc lâu,rồiVân lại tiếp tục,giọng nói có vẻ trầm đi:
   -Đất nước có chiến tranh anh em mình không thể khác được,lần trước đã mười mấy người đi,lần này các anh đi,sau các anh sẽ còn tiếp nữa,lớp mỗi ngày một vắng,đến lúc nào đó rồi cũng đến lượt chúng em.Chẳng cái gì có thể nói trước được,có khi anh em mình lại gặp nhau ở trường sơn,hay một nơi nào đó trong chiến trường.Ngày mai anh sang Quế ổ tập trung,bọn em phải lên lớp,không đi tiễn anh được.Hình như ngày mai chỉ có anh Đậu bí thư chi bộ đi tiễn các anh,còn cả lớp phải ở nhà học không ai được đi,nhưng em nghĩ sẽ có người trốn đi,nếu được mai em và Lan cũng đi.
   Vân đứng lên với tay trên gác sách,lấy quyển sổ tay bìa đen và một gói giấy hình chữ nhật bé bằng phần ba quyển sổ,nhưng mỏng hơn quyển sổ.Để ngay ngắn trước mặt tôi,trịnh trọng nói:
   -Em với Lan định để sáng mai mới tặng anh chút quà làm kỷ niệm,nhưng sợ sáng mai cập rập,bây giờ em gửi anh luôn,để em gọi Lan dậy chào anh,kẻo mai anh đi sớm.
   Tôi vội vàng xua tay,ngăn không cho Vân gọi Lan dậy.Tôi nói:
   -Rất cám ơn các em đã tặng quà kỷ niệm cho anh,kỷ niệm này nó sẽ theo anh suốt cả cuộc đời trận mạc.Mai cho anh gửi lời chào đến tất cả bạn bè trong lớp.Thôi bây giờ anh xin tạm biệt chúc em ngủ ngon.
   Tôi bước ra ngoài cửa,Vân kéo tay tôi lại,chúng tôi nắm chặt tay nhau rồi Vân nói:
   -Chúc anh lên đường mạnh khỏe gặp nhiều may mắn,lúc nào chúng em cũng ở bên anh.Gói giấy kia,chỉ khi nào anh lên đơn vị mới được mở.Thôi chúc anh ngủ ngon,mai dậy sớm.
   Tôi về nhưng cứ trần trọc không sao ngủ được,phần thì do dư âm của cuộc chia tay,phần thì do tò mò gói quà mà Vân nói.Mệt quá tôi ngủ thiếp đi.
            Sáng hôm sau chúng tôi có mặt ở điểm tập trung.
(Còn nữa)
         
Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 05:11:54 pm »

@quanvietnam:
Nghe bác kể chuyện tình báo ngày xưa mà thương phận mình ngày ấy cô đơn .
Tôi có quen một bạn cùng học ở Yên bái vào k13 cầu đường tên là Lê Lan Anh , xinh gái lắm . Nhưng tôi thân với cô em Lê Lan Hương hơn . 2 chị em đều xinh bác ạ . Bác có biết Lê Lan Anh không ?
Logged
linhcnn72
Thành viên
*
Bài viết: 56


« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2012, 11:11:45 pm »

@quanvietnam
Ngày đó sv lúc nào cũng đói,ăn bao nhiêu cũng không đủ,thế mà bác với hai cô bạn chỉ báo cơm có 2 suất,còn thì để dành. Chịu bác quá !
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2012, 04:15:13 pm »


NHỮNG NGÀY Ở NẠI CỬU
          Sang đến địa điểm tập trung,sau khi nhận hai gói xôi mang theo để  đi ăn dọc đường,đến lúc điểm danh tôi lại không có tên,rất ngạc nhiên không hiểu vì sao?Tôi cho rằng có lẽ họ quên hoặc nhầm lẫn gì đấy,nhưng khi đọc lại lần thứ hai vẫn không có tên.Tôi đến tận nơi chỗ đồng chí bộ đội đọc danh sách hỏi lại,đồng chí giải thích là:Tuy tôi có giấy gọi nhập ngũ đợt này,nhưng lại không có tên trong danh sách đi đợt này là vì đợt này chỉ lấy số lượng như vậy,số chưa có tên trong đợt này sẽ ở lại đi đợt sau.Nghe giải thích như vậy nhưng tôi vẫn gặp anh Đậu bí thư chi bộ của lớp đi giao quân để hỏi lại,sau khi nghe anh Đậu nói lúc ấy tôi mới tin là tôi không được đi lần này.
     Trên đường trở về Trúc ổ,cảm giác buồn chán làm đôi chân nặng trĩu không muốn bước,tôi tìm đến bụi tre có bóng mát ven đường ngồi nghỉ.Gió từ ngoài cánh đồng phả vào mặt mát rượi làm cho tôi tỉnh táo, lúc này tự nhiên thấy đói cồn cào vì từ sáng tới giờ chưa được ăn gì,tôi thò tay vào túi lấy xôi ra ăn,tay chạm phải gói quà kỷ niệm của Vân và Lan tặng tôi kèm theo lời dặn dò lên đơn vị mới được mở.Tò mò, tôi lấy gói quà ra xem,ý nghĩ trong đầu là sẽ không mở mà mang về gửi lại cho Vân.Nhưng thật là không may,gói quà được gói cẩn thận và gián kín bây giờ đã bị bong ra,có lẽ do để gần hai gói xôi nóng nên bị hơi nước làm bong vết gián.
   Vừa ăn tôi vừa nghĩ,có nên xem hay không? Thực ra gói quà thì đã mở rồi,xem hay không chỉ có mình biết chứ ngoài mình ra còn ai đâu mà sợ có người khác biết.Nghĩ vậy,tôi quyết định mở ra xem.Bọc ngoài cùng là chiếc khăn mùi xoa mầu trắng,trong là 10 tờ tiền loại một đồng,cuối cùng là hai tấm ảnh,một tấm chụp chung của Vân và Lan,phía sau ảnh ghi dòng chữ:Tặng anh,kỷ niệm những ngày cùng học lớp K13 Cầu đường.Tấm còn lại là của Vân,Phía sau ghi:Nhớ thương anh nhiều.Em Vân.
     Tay run run cầm tấm hình,tôi cứ đọc đi đọc lại,đọc rất lâu,dòng chữ thì nhòe đi,nhưng mắt vẫn không rời tấm hình. Tôi đắn đo suy nghĩ không biết phải hiểu như thế nào đây?Tình cảm của Vân đối với tôi là thế nào?Là tình cảm của đôi trai gái yêu nhau,hay là tình cảm của người em gái đối với người anh trai?Tôi thấy phân vân thật sự,vấn đề tình cảm một khi hiểu không đúng sẽ trở thành ngộ nhận và thành trò cười cho thiên hạ thì xấu hổ lắm,nhưng nếu hiểu đúng thì mấy chữ này chưa đủ cơ sở khẳng định,bởi vì còn thiếu chữ yêu.Trong hoàn cảnh này tốt nhất là giả vờ không biết,tôi lại gói lại như cũ và để vào bên cạnh gói xôi,hơi nước sẽ làm ướt giấy gói,khi đó mọi người sẽ nghĩ do gói xôi làm bong vết gián chứ không có ai bóc ra xem…
          Đợt này lớp tôi có hai người phải ở lại để đi đợt sau,tôi và anh Thìn.Tôi thì không biết anh Thìn suy nghĩ thế nào,còn tôi thì tâm trạng chán trường mệt mỏi.Nghĩ về lâu về dài đất khi nước đang có chiến tranh,thì những người thanh niên như chúng tôi chắc chắn là phải lên đường nhập ngũ,ai cũng vậy không đi trước thì đi sau.Nhưng nếu được đi luôn thì tốt,đằng này cứ hoãn đi lại hoãn lại,nên tôi cảm thấy không vui mà cảm thấy mình là người có lỗi.Biết đâu đấy sẽ có ai đó đặt vấn đề: Tại sao người khác thì đi,còn nó thì cứ hoãn mấy lần rồi?Hay là lại xin sỏ để hoãn lại tìm chỗ tốt v.v.Đấy cũng là lý do làm tôi  không vui,nhưng cũng chỉ là thứ yếu.Điều chủ yếu làm tôi không vui là lý do tôi bỏ học rất nhiều ở những đợt khám nghĩa vụ quân sự.Thời gian bỏ lớp nhiều nên khi quay trở lại học rất khó khăn,không tiếp thu được bài,thiếu kiến thức nên sinh ra chán nản,lúc nào cũng ở tâm trạng căng thẳng nặng nề vì chuyện học hành.
     Sau khi đi bộ đội “hụt” về, mấy ngày đầu tôi tập trung vào viêc chép lại bài vở,do nghỉ nhiều nên mình tôi chép không xuể,tôi phải huy động cả Vân và Lan cùng làm.Việc chép lại bài thì dễ,việc hiểu được bài mới khó,cũng được cái may,cóVân là người được coi là học giỏi nhất trong ba đứa chúng tôi,vì vậy những chỗ nào chưa hiểu là tôi hỏi ngay.Dạo này tôi được các em chiều chuộng,không phải làm gì,tôi chỉ chuyên tâm vào chuyện học hành,nên tình hình cũng tốt lên nhiều.Tôi lại vui vẻ,và nếu có cơ hội là lại tìm cách đi kiếm thức ăn để cải thiện.Dạo này,lúa đã đỏ đuôi,nước trong ruộng đã cạn dần,các chú cá theo dòng nước tập trung về những chỗ trũng,nhất là những chỗ miệng gầu,ở đó còn có nước để sống.Tôi cứ đi xung quanh bờ ruộng,chỗ nào còn vũng nước là bắt được cá,chúng tôi lại cải thiện,bữa ăn lại đầy ắp tiếng cười.
     Câu chuyện gói quà của Vân tặng tôi hôm lên đường nhập ngũ và lời dặn dò lên đến đơn vị mới được mở, từ hôm tôi về cũng không thấy ai nhắc đến,tôi cũng giả vờ quên đi.Thực ra,tôi sẽ nhớ mãi.Mười đồng bạc,tuy không nhiều nhưng nó vô cùng ý nghĩa đối với tôi lúc ấy,kể cả về giá trị cũng như về tình cảm,nếu như tôi có ra đi từ quê thì hoàn cảnh gia đình tôi,mẹ tôi có thương tôi cũng chỉ cho năm đồng là cùng.Đằng này bạn gái cho những mười đồng,mà chắc là đi vay để chuẩn bị cho tôi lên đường,điều này làm tôi cảm động và suy nghĩ nhiều lắm.Phải chăng?Trong mấy đồng bạc ấy còn gửi gắm những vấn đề sâu xa khác?Hay đơn thuần chỉ là tình cảm của người em gái  tiễn anh lên đường nhập ngũ,chuyện này cứ làm tôi bâng khuâng và cảm thấy như bị nợ nần một cái gì đó…
     Những điều mà tôi còn băn khoăn chưa lý giải được,đã làm cho tôi chú ý hơn trong tình cảm cũng như cách cư xử với Vân,tôi cũng linh cảm Vân cũng nhận thấy điều ấy.Từ đấy,tôi tạo hoàn cảnh để  gần Vân nhiều hơn,quan tâm tới Vân nhiều hơn.Còn Lan,cũng đã phát hiện ra điều nhạy cảm ấy nên đã tạo mọi thuận lợi cho chúng tôi gặp nhau.
     Tôi cũng không còn nhớ rõ,thời gian mà tôi gọi là thời gian lửng lơ này kéo dài đến khi nào, tôi cứ để tự nó trôi đi.Thú thực, lúc ấy tôi chưa đủ bản lĩnh của đấng nam nhi,tôi tự mâu thuẫn với chính tôi,rất yêu Vân nhưng lại không giám đặt vấn đề cứ lần chần do dự.Nguyên nhân của việc chưa giám đặt vấn đề với Vân không phải tôi sợ Vân khước từ tình yêu của tôi,chuyện khước từ cũng có thể xảy ra,nếu như xảy ra,âu cũng là lẽ thường tình của những cuộc hẹn hò thành công hay không thành công của những đôi trai gái,tất nhiên là cũng buồn cũng chán,nhưng rồi nó cũng qua đi…
     Nhưng với tôi,nguyên nhân sâu xa của việc chần chừ này là tôi nghĩ cho Vân nhiều quá.Bởi vì hàng ngày hàng giờ,qua các phương tiện thông tin truyền thông,qua sách vở,và thực tế cuộc sống của quê hương của đất nước đang có chiến tranh,thì sự hy sinh của chị em phụ nữ lớn lao quá vĩ đại quá.Những phụ nữ ở chiến trường,họ chẳng tiếc máu xương,tuổi trẻ,họ lăn xả vào hiểm nguy nhận và hoàn thành nhiệm vụ,họ cũng mất mát hy sinh họ cũng lo cũng buồn,nhưng dẫu sao họ vẫn là người trực  tiếp sống mái với quân thù,sự ác liệt của cuộc chiến tranh làm họ tạm quên đi để lao vào trận chiến.Những phụ nữ ở hậu phươnghọ gồng mình chịu đựng những mất mát,tưởng như không thể vượt qua,họ tiễn chồng tiễn con tiễn người thân lên đường ra mặt trận. Ở lại quê hương họ lại lao vào các phong trào: Ba sẵn sàng; Ba đảm đang;Thóc không thiếu một cân,quân không thiếu một người v.v. Họ cứ âm thầm chờ đợi tin tức của người thân từ chiến trường gửi về,nhận được tin vui họ chia sẻ cùng nhau,nhận được tin buồn họ lại vỗ về động viên nhau quên đi những đau buồn,cố gắng sống xứng đáng với những người đã hy sinh,làm tròn bổn phận của người vợ hiền dâu thảo…Thật là vĩ đại,không có giấy bút nào có thể nói hết được công lao và sự hy sinh của những người phụ nữ trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
     Vân cũng là phụ nữ,nếu Vân yêu tôi thì phải chấp nhận hoàn cảnh,người ở chiến trường người ở hậu phương,nếu Vân không nhận lời yêu tôi thì Vân còn có nhiều cơ hội lựa chọn.Bởi vì,không phải cứ có chiến tranh là tất cả nam giới ra trận,vẫn rất cần một lực lượng nam giới ở lại hậu phương.Hay nói xa hơn, vì tương lai của đất nước,cần có một lực lượng được đào tạo chính quy từ các nước anh em để đến khi kết thúc chiến tranh họ trở về xây dựng tổ quốc…Chính vì còn nhiều phương án lựa chọn,nên tôi chần chừ.
(Còn nữa)
   

Logged
linhcnn72
Thành viên
*
Bài viết: 56


« Trả lời #69 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2012, 09:20:15 pm »

Lúc đó,tâm tư của bác cũng là suy nghĩ của rất nhiều anh em trước khi lên đường.Người con trai ra đi tuy có thể phải hy sinh nhưng lại cảm thấy nhẹ nhàng hơn người ở lại.Chính những người mẹ,người vợ,người yêu mới là những người phải chịu đựng,chờ đợi mỏi mòn.Mà biết đến khi nào chiến tranh mới kết thúc cơ chứ,5năm,10 năm,20 năm ...
Những người phụ nữ Việt nam thật là vĩ đại.
Khi phải dứt áo ra đi ,ta mới hiểu thêm nhà thơ Thâm tâm đã viết trong "Tống biệt hành" :
.....
Người đi? Ừ nhỉ .người đi thực !
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2012, 08:54:04 am gửi bởi linhcnn72 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM