Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 06:17:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191428 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #270 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2014, 09:22:43 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
          Vật vã mãi, phải đến hơn 4 giờ chiều, chiếc xe khách ọp ẹp hôi hám, phủ kín bụi đường, mới bò được về đến bến xe thị xã Hòa Bình. Bến xe khách ở ngay đầu thị xã, cách Cầu Trắng vài chục mét. Lần đầu tiên Hoàng lên đây, nên nhìn mọi thứ, từ nhà cửa, tới đường xá, núi non sông nước cái gì cũng lạ lẫm, không giống như ở dưới xuôi.
    Chưa có nhiều thời gian để quan sát, Hoàng cùng mọi người lục tục xuống xe. Lúc này, Hoàng có thêm một người bạn đường, một người bạn mới. Người bạn này lúc đầu là không muốn quen với Hoàng. Nhưng vì hoàn cảnh, nên bất đắc dĩ mới quen nhau, quen trong hoàn cảnh gượng ép, nên cả hai chẳng lấy gì mặn mà lắm. Một bên thì là nghĩa vụ phải làm, một bên là hàm ơn. Thế thôi.
    Chuyện là: Sau khi nghỉ ăn cơm ở Lương Sơn, khi xe chuyển bánh. Nhà xe lại bắt thêm khách đi Hòa Bình, xe đã bị nhét chật cứng ngay từ khi rời bến Kim Liên, lúc này bắt thêm khách nữa thì chỉ có cách là lèn thêm vào muốn ngồi đâu thì ngồi, không ngồi thì đứng, tự hành khách dàn xếp với nhau, nhà xe chỉ biết nhét người vào và đếm tiền.
   Thời buổi tầu xe khó khăn nên mọi người cũng thông cảm với những người cùng cảnh ngộ nên không ai nói gì, thôi thì sướng khổ cùng nhau chịu đựng miễn là về được đến nhà. Tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ: Nói làm gì thêm rách việc, mà nói thì ai nghe?
     Hoàng cũng nghĩ không nói là đúng: Làm gì có chuyện nói để cho nhà xe chở đúng người đúng ghế, trong khi của cải và phương tiện là của nhà nước, nhà xe thì chẳng mất gì, cứ nhét thêm càng nhiều người thì tiền bạc thu về túi của họ càng nhiều. Hỏi sao họ lại không làm? Cái lợi mười mươi như vậy dễ gì họ nghe mấy lời góp ý của mọi người? Nếu họ mà nghe thì đầu óc họ có vấn đề, đôi khi chỉ một hai ngày sau đó là những người này bị buộc phải về vườn vì không thuộc êkip. Vậy thì: Dại gì, cứ làm là có tiền nhét vào túi, còn sống chết mặc bay. Nếu không làm thì tất nhiên là không có tiền rồi, có thể còn bị văng ra khỏi êkip làm ăn. Thời buổi khó khăn này thử hỏi họ chọn cách nào? Ở đời thiếu gì người tốt, nhưng muốn làm người tốt cũng khó chứ đâu phải dễ…
   Xe đã chật bây giờ nhét thêm mấy người lại càng chật hơn, không khí trên xe nhốn nháo vì mọi người đang dàn xếp chỗ ngồi, ông tài phớt lờ mọi chuyện xảy ra, tiếp tục cho xe chạy, động cơ nổ ầm ầm, còi kêu inh ỏi, bụi sau xe cuốn lên bay mù mịt. Ông nhếch mép cười sung sướng khẽ nhấn thêm chân ga, tay vỗ nhè nhẹ vào vô lăng, ông cảm thấy khoan khoái nghĩ về khoản tiền sẽ được nhét vào túi… Trên xe, nhốn nháo một lúc sau chẳng còn cách nào khác là mọi người phải tự ổn định chỗ ngồi. Chỉ còn một cô gái, tay xách túi lưới làm bằng những sợi dây đay, đang loay hoay chưa biết ngồi đâu. Đột nhiên cô gái ngồi xuống bên cạnh Hoàng, cô nói:
   -Cho cháu ngồi đây!
    Hoàng không nói gì, chỉ biết ép người vào nhường chỗ cho cô gái ngồi ở ngoài. Nhưng ép mãi vẫn không đủ chỗ cho cô gái đó ngồi, Hoàng đành đứng dậy nhường chỗ cho cô gái và ngồi ghé vào chỗ còn thừa của chiếc ghế. Cô gái có chỗ ngồi tốt thì yên vị, đến lượt Hoàng xoay sở với mẩu ghế còn thừa để ngồi sao cho không bị ngã. Không còn cách nào, cuối cùng Hoàng chọn giải pháp là ghé đít ngồi vào mẩu ghế thừa, hai chân chống không cho bị di chuyển ra khỏi ghế. Giải pháp này chỉ phù hợp với đường bằng phẳng, còn như đường số 6 lúc này thì hoàn toàn không phù hợp, nhưng không biết phải làm thế nào, đành chấp nhận. Hai chân và hai khớp gối của Hoàng mỏi nhừ, Hoàng cứ phải thay đổi tư thế ngồi liên tục cho đỡ mỏi.
    Cô gái ngồi im không nhúc nhích, còn Hoàng thì khó chịu, không phải Hoàng khó chịu về chỗ ngồi, mà Hoàng khó chịu về thái độ của cô gái. Nhẽ ra trong tình huống này, cô gái phải nhẹ nhàng tình cảm nói với Hoàng là: Anh ơi! Cho em ngồi với. Đằng này cô lại cọc lốc: Cho cháu ngồi đây. Thật là chán, đã thế lại gọi mình bằng chú. Chả lẽ mình đã già thật rồi sao? Hay là cô gái này đùa? Quen biết gì đâu mà đùa, Hoàng cười méo xệch: Hồi còn học ở khoa, các em ở khóa sau toàn gọi bằng chú thì lại không buồn? Mà hôm nay lại buồn? Mà cũng lạ thật. Cũng là một từ “chú” thôi, nhưng ngữ điệu phát âm khác nhau và hoàn cảnh giao tiếp khác nhau thì có trường hợp chỉ là đùa, còn có trường hợp là thật. Hoàng nghĩ: Hôm nay chắc là thật mười mươi rồi, cô gái này đã đánh vào nỗi đau của người khác…
   Cả xe, bật tiếng kêu thất thanh:
   - Ối trời ơi!
    Không biết tại sao mà tất cả hành khách trong xe bị hất tung lên rồi rơi xuống tự do, chẳng ai kịp phản ứng gì. Trong xe nhốn nháo kêu la, người xuýt xoa, người nhăn nhó, hầu như trong xe ai cũng bị đau. Đầu Hoàng bị hất tung lên chạm vào trần xe đau nhói, Hoàng sờ vào chỗ đau để kiểm tra, may mắn là chỉ bị xây xước da đầu chứ không bị chẩy máu.
   Trong khi ấy, cô gái ngồi phía trong Hoàng cứ lúi húi xếp đặt cái gì đó ở dưới chân. Hoàng tò mò xem cô gái đang làm gì? Lúc cô ngẩng lên, Hoàng thấy hai bàn tay cô đầy máu. Hoàng hoảng hốt nói với cô gái:
   -Cô bị thương rồi! Cho tôi xem vết thương, máu chảy ra nhiều quá.
   Cô gái mặt tái mét, miễn cưỡng kéo ống quần lên cho Hoàng xem vết thương. Vết thương nằm ngay trên ống chân, cô gái đã dùng khăn mùi xoa buộc lại nhưng máu vẫn rịn ra. Hoàng mở chiếc khăn mùi xoa ra xem. Vết thương ở ngay trên ống chân, da trên ống chân đã bị vật gì xé rách chạy dài đến 2-3 cm nứt toác ra, sâu vào gần đến xương trông trắng ởn. Mọi người ở xung quanh nhìn thấy máu me đầm đìa nên lắc đầu lè lưỡi rồi lẩm bẩm chia sẻ: Khổ thân cho cô gái.
   Hoàng lấy chiếc khăn của cô gái thấm khô máu ở vết thương. Thấm đến đâu máu lại rịn ra đến đấy, cũng may ở ống chân cũng không có động mạch hay tĩnh mạch gì nên máu chảy ra cũng không nhiều lắm. Trường hợp này Hoàng cũng không có kinh nghiệm gì về cầm máu vết thương, Hoàng nhớ lúc còn bé đi tắm ao, có một đứa bắt được một con trai rất to, thế là mấy đứa tranh nhau, chẳng may miệng con trai nó cứa vào đầu gối của một thằng làm rách da nhìn thấy cả lớp mỡ hay gân ở dưới da trắng hếu, vết thương ấy mãi mới có máu chảy ra. Thế là mấy đứa xin thuốc lào rịt vào thì không thấy chẩy máu nữa. Nghĩ thế Hoàng quyết định xin thuốc lào của mấy người gần đó, nhét vào vết thương. Hoàng lấy chiếc khăn mùi xoa của Hoàng quấn chặt vết thương và buộc lại.
   Xong việc, Hoàng và cô gái chẳng ai nói với ai, cô gái gục đầu vào thành ghế đau đớn. Máu dính trên tay Hoàng tanh đến lợm giọng. Xe vẫn tiếp tục chạy…
              Hôm nay băng vết thương cho cô gái, Hoàng nhớ hồi chiến đấu ở Quảng Trị, Hoàng cũng băng cho một chiến sĩ bộ binh bị thương. Chuyện buồn cười lắm: Lần ấy, vào khoảng 6-7 giờ tối, sau trận pháo kích của địch. Một số chiến sĩ của ta bị  thương, được đồng đội băng bó sơ cứu để chuyển về tuyến dưới.  Hoàng bò ra thấy một chiến sĩ bị thương ở cổ, máu chảy đầm đìa ướt hết cả áo ngực. Trong lúc băng thì không thấy đồng chí kêu rên gì, mà chỉ thấy nói là nới lỏng ra kẻo không thở được. Khi chuyển thương binh xuống dưới chốt, thì địch lại tiếp tục bắn pháo. Đồng chí thương binh nằm trên cáng của Hoàng phóng xuống như bay, chạy vào chỗ ẩn nấp còn nhanh hơn cả Hoàng. Đến trạm sơ cứu, các chiến sĩ quân y phát hiện ra là đồng chí này không bị thương mà máu chảy nhiều là do miếng thịt ở cổ đồng chí là thịt của người khác bay vào, hoảng quá đồng chí cứ ôm chặt lấy miếng thịt ấy ngỡ là mình bị thương… Sau khi lau rửa sạch và biết kết quả, đồng chí ấy cười sung sướng trở về chốt tiếp tục chiến đấu. Nghĩ lại chuyện này, tự nhiên Hoàng chìm vào những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị…
             Chuyện quen nhau giữa Hoàng và cô gái chỉ có thế.
              Hành khách đã xuống gần hết, nhưng Thủy không thể tự đứng lên để đi được. Thủy là tên cô gái mà Hoàng giúp đỡ. Hoàng thấy Thủy đang cố gắng đứng lên, hai tay đu vào hàng ghế phía trước. Nhưng không được, có lẽ vì vết thương ở chân bây giờ mới xưng và ngấm thuốc lào, nên đau hơn.
   -Để tôi đỡ cho!
   Hoàng nói và đưa hai tay nâng Thủy đứng dậy. Thủy có vẻ ngượng lắm nhưng không biết làm cách nào nên đành chịu và lặng lẽ chấp nhận sự giúp đỡ của Hoàng. Hoàng xốc ba lô lên vai, một tay cầm túi lưới của Thủy rồi tiến lên trước và quay lưng lại. Hoàng nói với cô gái:
   -Bây giờ! Cô bám lấy ba lô sau lưng tôi và đi theo tôi.
   Thủy không nói gì, ngoan ngoãn làm theo. Khó khăn nhất là lúc bước xuống xe. Loay hoay một hồi với sự giúp đỡ của những người ở phía sau, Hoàng mới đưa được Thủy bước xuống khỏi xe. Hoàng và Thủy vào ngồi nhờ quán nước trong bến xe.
    Chiều tà, quán cũng vắng khách. Bà chủ quán nhìn thấy có khách vào vội đon đả mời chào:
   -Mời anh chị vào nghỉ chân, uống nước!
   Bà chủ quán rót hai bát nước chè đưa cho khách. Hoàng hỏi Thủy:
   -Thủy ăn mía nhé! Mùa này ăn mía mềm và ngọt lắm. Ăn mía vào để tăng lượng đường cho đỡ mệt. Lúc nãy chân Thủy chảy nhiều máu bây giờ cần phải ăn nhiều mía để bù vào lượng đường đã mất.
   Không đợi sự đồng ý của Thủy, Hoàng với túi mía đã tiện sẵn, mở ra đưa cho Thủy.
   -Thủy ăn nhanh đi rồi về kẻo tối. Nhà Thủy có gần đây không? Đã có ai đón chưa? Thôi ăn mía đi rồi uống nước.
   Thủy vẫn ngồi im lặng không nói gì. Ban nãy, lúc còn ở trên xe. Hoàng mải băng bó vết thương cho Thủy nên chưa có điều kiện quan sát, hơn nữa lúc đầu Thủy xưng hô với Hoàng là cháu, nên Hoàng chán hẳn, ngại bắt chuyện. Bây giờ mới có điều kiện để quan sát Thủy. Khi nãy nghe giọng nói của Thủy đã thấy trẻ rồi, bây giờ ngồi đối diện. Hoàng thấy Thủy trẻ quá, ngoài cả tưởng tượng. Thủy năm nay, chắc độ 16 – 17 tuổi thôi, ánh hoàng hôn buổi chiều tà còn soi rõ cả những lông tơ trên mặt Thủy. Vóc người Thủy đầy đặn, không to cũng không bé, mặt tròn xoay, má lúm đồng tiền, mắt đen láy. Thủy đang ở thì gái 17 bẻ gãy sừng trâu, trẻ đẹp. Tuổi này nên Thủy gọi mình bằng chú cũng đúng thôi. Hoàng tự an ủi: Nếu không bị mấy năm chiến đấu ở chiến trường thì làm gì đến nỗi mới có 27 tuổi đầu mà đã có người gọi bằng chú.
   Hoàng ngồi uống nước, thi thoảng lại liếc mắt theo dõi cử chỉ của Thủy. Nhìn kỹ, Hoàng thấy Thủy có cái gì đấy hao hao giống Nguyệt ngày xưa. Thủy uể oải nhai từng khẩu mía đã tiện sẵn, mắt nhìn đăm đăm vào mấy con ruồi đang bám vào đống bã mía. Chẳng hiểu Thủy đang nghĩ gì mà có vẻ ưu tư lắm, chợt Thủy hỏi Hoàng:
   -Chú lên đây công tác à?
   -Vâng!
   -Cơ quan chú ở đâu?
   -Tôi cũng chưa biết, tôi mới lên đây nhận công tác. Lát nữa tôi sẽ hỏi thăm, nhưng chắc là gần đây thôi.
   -Thế à! Cơ quan chú tên là gì?
   -Đoàn thiết kế thủy điện sông Đà.
   -Ồ! Thế thì ngay đây rồi.
   -Thế thì tốt quá . Còn nhà Thủy ở đâu? Có gần đây không?
   -Nhà cháu ở tận Lạc Thủy cơ cách đây 70-80 cây số. Cháu lên đây đi học.
   -Thế à! Thủy học gì ở trên này?
   -Cháu học sư phạm 10+1.
   -Ồ! Thế thì hay quá. Trường của Thủy ở đâu? Có gần đây không?
   -Trường cháu ở cách đây 3 cây số, nhưng phải đi phà qua sông Đà.
   -Thế thì cũng xa. Thủy đã hẹn ai đón chưa?
   -Cháu chẳng có ai đón cả.
   -Thế cháu đi bằng cách nào?
   -Cháu đi xe ngựa xuống bến phà, sau đó qua sông rồi đi bộ về nhà.
   -Chân Thủy đau thế này, liệu có đi bộ được không?
   -Không đi được cũng phải cố thôi, nếu không về được trường thì chết mất.
   -Cứ bình tĩnh, làm gì mà đến nỗi chết?
(Còn nữa).



Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #271 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2014, 12:56:02 pm »

Năm mới, chúc bác quanvietnam và các đàn anh lính sinh viên mạnh khỏe. Chúc bác quanvietnam nhẩn nha tiếp tục câu chuyện dung dị của mình. Những mẩu chuyện rất chân thật về một thời gian khó nhưng đang nhớ và rất nhiều ý nghĩa.
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #272 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2014, 08:12:17 pm »

Tự chuyện của Bác Quân hay đấy, nhưng "bắt lỗi" Bác hồi đó tuyến xe chạy Hòa Bình xuất phát từ bến xe Kim Mã không phải bến xe Kim Liên he he  Grin
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #273 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2014, 10:26:41 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     Chiếc xe ngựa chạy lóc cóc, chở Hoàng, Thủy và hai hành khách nữa đi về Chăm Mát.  Hoàng đoán Chăm Mát chắc là địa danh của khu vực nào đó của thị xã Hòa Bình, nghe Chăm Mát nó cứ thế nào ấy, có vẻ như dân tộc, chẳng giống Kinh chút nào. Lúc ở bến xe, hình như Thủy nói là đi xe ngựa về Chăm Mát, nhưng đến nhà văn hóa của thị xã thì xuống, sau đó đi phà qua sông Đà. Hoàng nhớ mang máng Thủy nói như vậy.
   Tiếng chân ngựa gõ đều đều trên mặt đường nhựa, chiếc xe lắc lư theo nhịp bước chân của chú ngựa. Lần đầu tiên Hoàng được đi xe ngựa nên  thấy hay hay, có phần thích thú, nhưng thấy hôi hôi mùi súc vật.
   Hoàng chăm chú quan sát hai bên đường. Nhận xét đầu tiên của Hoàng ở đây là: Nhà cửa lụp sụp cũ kỹ, rất ít nhà cao tầng, còn có nhà tường bằng vách vôi vữa, mái lợp bằng tranh. Đường xá chật hẹp, bụi bặm, lá khô rụng đầy. Cây cối hai bên ven đường chủ yếu là cây bàng đang vào mùa rụng lá, chỉ còn trơ lại cành khẳng khiu. Thi thoảng mới lại thấy những cây bạch đàn cổ thụ, thân rất to phải hai người ôm mới hết. Những cây này, chắc là nhiều tuổi nên dầu dãi với nắng mưa và thời gian, vỏ cây bị nứt nẻ bong tróc, những chiếc lá còn sót lại trên cành phủ dầy bụi mốc thếch…Nhìn bất cứ cái gì Hoàng cũng cảm thấy bụi bặm bẩn thỉu, Hoàng chưa biết đánh giá thế nào, nhưng có lẽ đây là mảnh đất cằn cỗi.
    Hoàng hôn chìm dần vào bóng tối, khói bếp lan tỏa ngửi mùi thơm thơm thân quen, dạ dầy Hoàng cũng bị cồn cào nghĩ đến bữa tối. Hoàng hỏi Thủy:
   -Sắp đến thị xã chưa Thủy?
   -Đây là thị xã Hòa Bình đấy chú ạ!
   -Thế à? Vậy mà tôi không nghĩ đây là thị xã, tôi lại cứ tưởng đây là vùng ven. Thị xã này có vẻ nhỏ đúng không Thủy?
   -Thị xã miền núi mà chú. Thị xã Hòa bình là cửa ngõ phía Tây của Thủ Đô đấy chú. Cứ dọc theo đường này khoảng 3 km nữa là đến Chăm Mát, ở đấy có dốc Cun nơi ấy là địa danh lịch sử mà anh hùng La Văn Cầu chạy cắt rừng đón đầu xe tăng địch để tiêu diệt đấy chú!
   -Vậy à? Hay quá nhỉ, hôm nào tôi sẽ đi xem.
   -Từ cơ quan chú, vào đến dốc Cun khoảng hơn 3km, chú đi bộ cũng được. Nhưng phải leo dốc, chú chuẩn bị tinh thần nhé!
   - Thủy cứ yên tâm, tôi đã từng là bộ đội mà. Này Thủy ơi! Sắp đến cơ quan của tôi chưa?
   -Sắp rồi chú ạ! Cơ quan chú gần nhà văn hóa, chỉ cách nhà văn hóa một tý thôi. Chú cháu mình xuống nhà văn hóa, là chú đã nhìn thấy cơ quan ngay.
   -Độ mấy quăng dao?
   -Làm gì có!
   Tiếng vó ngựa gõ đều đều. Chiều miền núi vắng teo, ít người đi lại. Thi thoảng thấy có nhà lên đèn, bóng đèn đỏ hoe lúc tranh tối tranh sáng. Nhìn trời tối dần Hoàng sốt ruột, sao mãi vẫn chưa tới. Kiểu này, nếu đưa Thủy về đến trường thì không biết mấy giờ. Hoàng hơi lo lo, tự trách mình vì mạnh mồm quá, thành ra: “ Ách giữa đàng, quàng vào cổ”.  Nhưng Hoàng nghĩ lại ngay: Nếu là người khác gặp hoàn cảnh này, chắc họ cũng phải làm như vậy. Tại sao mình lại suy nghĩ thế? Chưa chi đã tính thiệt hơn, chất lính trận mạc không còn một chút nào trong mình nữa hay sao? Hoàng cảm thấy ân hận.
   -Mình xuống thôi chú! Chào các anh nhé! Chú cháu em xuống đây.
   - Ừ! Để chú đỡ Thủy. Chào bác đánh xe, chào các anh!
   -Chào hai chú cháu!
   Xuống xe, bóng tối cũng ập đến. Thủy chỉ tay lên đỉnh ngọn đồi mờ mờ phía xa xa, Thủy nói:
    -Cơ quan chú ở trên đồi kia kìa!
    -Sao lại ở trên đồi?
    -Cháu nói thế để chú dễ định hướng, còn cơ quan chú thì ở chân ngọn đồi ấy, chưa chi chú đã sợ rồi. Thôi bây giờ chú cháu mình đi lối này.
    Hoàng lưng đeo ba lô, tay xách túi cho Thủy, vừa đi vừa ngoái cổ lại chờ. Thủy đi sau, bước từng bước cà nhắc. Trời tối, không nhìn rõ nét mặt, nhưng chắc là đau lắm. Hoàng quay trở lại hỏi:
   -Liệu Thủy có đi được không?
   -Đi được mà chú! Chú cứ đi trước cháu theo sau.
   Hoàng miễn cưỡng bước tiếp, nhưng rất sốt ruột. Thủy đi kiểu này không biết bao giờ mới đến bến phà, rồi còn về trường nữa chứ. Giá mà có cái gì để chở Thủy đi cho nhanh thì tốt biết mấy. Hoàng suy nghĩ tìm cách, nhưng khổ nỗi Hoàng vừa mới lên đây, không quen thông thổ, cũng chẳng có ai quen thuộc để nhờ vả. Hoàng thấy bí quá, chỉ còn có cách là cõng Thủy đi cho nhanh. Nghĩ thế nhưng Hoàng không dám đề nghị Thủy. Bởi vì: Có đề nghị , Thủy cũng sẽ từ chối vì xấu hổ, hơn nữa Thủy cũng có quen Hoàng đâu mà lại để cho Hoàng cõng, trai gái phải  thân thiết lắm rồi mới làm được như vậy. Hoàng từ bỏ ý định và lầm lũi đi bên Thủy.
   -Chú ơi! Cháu bảo này. Từ đây về trường, thế nào cháu cũng gặp được người quen, cháu sẽ nhờ họ đưa cháu về. Còn bây giờ thì chú cứ về cơ quan đi kẻo nhỡ hẹn lại thêm rắc rối. Chú cứ yên tâm đi, cháu đảm bảo là cháu về được mà.
   Hoàng nghĩ: Được thế thì tốt quá. Hoàng không nói gì, vẫn từng bước đi bên Thủy. Thủy lại dục:
   -Chú cứ về đi không phải lo cho cháu đâu, cháu tự đi được mà.
   -Được rồi! Khi nào cháu gặp người quen thì chú về, còn bây giờ thì cứ đi đã.
   …
     Cuối cùng thì Hoàng cũng đưa Thủy xuống được phà. Con phà rì rì chạy qua sông, sóng vỗ vào thân phà ì oạp, sông Đà vào buổi lá lem tối nhìn rộng quá, cứ mờ mờ ảo ảo chẳng biết chỗ nào là bờ bên kia. Những ánh đèn lấp lánh xa xa, ở đó chắc là bờ bên kia. Trên phà lúc này cũng ít người, có lẽ chủ yếu là công nhân đi làm về, trời chưa tối hẳn  nhưng cũng không nhìn rõ mặt ai. Mấy chiếc ô tô nằm chềnh ềnh giữa phà, nổ máy chạy rình rình, khói xe làm cay sè cả mắt. Có một nhóm người, gồm cả chuyên gia Liên xô và mấy người Việt Nam đang đứng trao đổi vấn đề gì đó ở phía đầu phà. Mùi thuốc lá của người nước ngoài két lẹt. Nghe tiếng cô gái phiên dịch nói bị mất cái gì đấy, nhưng vẫn chưa phát hiện được ngày mai sẽ tiếp tục.
   Hoàng đứng gần Thủy, đề phòng nếu phà có vấn đề gì thì còn kịp đỡ Thủy. Gió sông Đà thổi ràn rạt, Hoàng sẽ rùng mình vì hơi lạnh. Hoàng tính: Tình hình này chắc Hoàng phải đưa Thủy về tận trường rồi, tối tăm thế này thì làm gì còn người quen nào nữa mà đưa Thủy về. Mà cũng có khi Thủy nói thế để Hoàng yên tâm về cơ quan, không phải lo lắng cho Thủy nữa. Ừ! Cũng chẳng biết thế nào? Kệ nó, đến đâu thì đến. Đằng nào sáng mai cũng mới nộp giấy tờ cho phòng tổ chức được. Bây giờ đã hết giờ làm việc, có về sớm thì cũng đi ngủ chứ làm gì được.
   Dưới ánh sáng đèn pha của chiếc tầu đẩy, nhìn mặt nước sông Đà loang loáng chui hết vào đáy phà, mùa này đang là mùa khô nên nước có vẻ trong xanh hiền hòa. Tự nhiên Hoàng thấy vui, Hoàng nghĩ, chỉ lát nữa thôi Hoàng sẽ được gặp bạn bè cùng lớp. Lớp Hoàng lần này lên đây phải hơn chục người, sang bên Bộ Xây Dựng khoảng 5-6 người, Bộ Điện Than cũng khoảng 5-6 người nữa. Trong số  ấy chỉ có 4-5 người là sinh viên, còn lại chủ yếu là bộ đội. Hoàng có quyết định về đoàn thiết kế sông Đà thuộc Bộ Điện Than, cùng với Hoàng còn có Khôi ở trung đoàn 95 sư 325. Những anh em còn lại là ở trung đoàn 101 sư 325, và ở các sư đoàn khác. Nghĩ về những ngày sắp tới, Hoàng cảm thấy vui vui.
   Thủy không thể nào đi nhanh hơn, nên Hoàng như ngồi trên đống lửa. Phải tìm giải pháp khác, Hoàng nghĩ vậy. Nhưng là giải pháp gì ở giữa cánh đồng hoang vu này? Hoàng vẫn chưa biết. Lên khỏi bến phà, đi vào khu vực này tối quá. Đã thế, phía xa xa lại có những chỗ đèn điện sáng trưng. Nhìn vào chỗ sáng rồi nhìn sang chỗ tối lại càng thấy tối hơn.  Xung quanh Hoàng và Thủy là những dãy núi đá và nhưng dẫy đồi trùng điệp, có lẽ chính vì thế nên làm cho bóng tối trở nên đen sì, đặc quánh. Chợt phía xa xa có ánh đèn ô tô đi về phía Hoàng. Hoàng mừng quá, nghĩ ngay ra là vẫy chiếc xe này cho Thủy đi nhờ.
    Hoàng giơ mũ ra vẫy, Hoàng hồi hộp không biết xe nó có dừng lại không? May quá, xe dừng lại. Ánh sáng của đèn ô tô, Hoàng nhìn thấy bụi cuốn lên đầu xe mù mịt, Thủy vội vàng ngồi thụp xuống lấy nón lên che đầu. Hoàng tiến lại phía cửa xe, cửa xe mở ra. Sau khi nhìn rõ trong xe có hai người. Hoàng  khẩn thiết trình bầy:
    -Các anh làm ơn cho cô gái này đi nhờ về trường Sư phạm 10+1 với, chân cô ấy bị đau nên không thể đi được
   Vừa có ý tránh bụi, cũng vừa là chần chừ chưa đồng ý. Người lái xe không nói gì, chắc là chờ quyết định của thủ trưởng. Người ngồi ghế thủ trưởng ngần ngừ chưa rứt khoát:
   -Tôi đang có công việc bên thị xã, nếu bây giờ quay lại trường Sư phạm sợ bị muộn giờ.
   Cũng vừa lúc ấy, Thủy tập tễnh đến bên Hoàng nói thêm vào:
   -Các anh giúp em với! Chân em đau quá không đi được.
   Ông ngồi ghế thủ trưởng tặc lưỡi:
   -Được rồi lên đi! Nhanh kẻo muộn giờ.
   Hoàng và Thủy mừng quá, cả hai hấp tấp lên xe. Thủy thì quên cả đau, còn Hoàng không kịp nghĩ có nên đi cùng Thủy nữa không? Tất cả lên xe, xe chuyển bánh. Cả bốn người trên xe, chưa kịp nói với nhau câu nào thì xe đã đến cổng trường Sư phạm.
   -Em cám ơn các anh, cám ơn chú! Mời chú với các anh vào chỗ em uống nước.
   -Thôi được rồi để khi khác. Tôi đang vội.
   Ông ngồi ghế thủ trưởng từ chối, rồi quay sang dục anh lái xe quay đầu. Hoàng vừa đỡ Thủy xuống vừa nói với Thủy:
  -Từ đây Thủy tự về được rồi, nhớ đến y tế để rửa vết thương. Khi nào có điều kiện tôi sang chơi.
  Hoàng vội vàng leo lên xe, ông ngồi ghế thủ trưởng hất hàm hỏi:
   -Ông đi đâu?
   -Các anh cho tôi đi nhờ sang thị xã, tôi về đoàn thiết kế sông Đà.
   Chiếc xe quay đầu chuyển bánh, ông ngồi ghế thủ trưởng hỏi Hoàng:
   -Ông làm ở đoàn thiết kế à?
   -Vâng! Hôm nay tôi mới lên để nhận công tác.
   -Thế thì tốt! Vậy là thêm được một người nữa rồi, lên đây vất vả nhưng mà vui.
   Ông quay lại bắt tay Hoàng:
   -Tôi Mẫn, làm ở Ban kiến thiết. Ban A với Thiết kế coi như một nhà.
   Hoàng nghe ông Mẫn nói nhiều về chuyện xây dựng thủy điện Hòa Bình, thực sự là Hoàng không hiểu lắm, nhưng vì nể ông ấy cho đi nhờ xe nên cứ vâng dạ đều. Ông lại bảo người lái xe đưa Hoàng về đến tận đoàn thiết kế, chia tay nhau ông ấy còn hẹn hôm nào sang bên ông ấy uống rượu. Ông ấy làm ở phòng kế hoạch của Ban kiến thiết.
(Còn nữa).
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #274 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2014, 08:29:06 am »

Chúc bác quanvietnam nhẩn nha tiếp tục câu chuyện dung dị của mình. Những mẩu chuyện rất chân thật về một thời gian khó nhưng đáng nhớ và rất nhiều ý nghĩa.

   
    Chào bạn Quân, chào các bạn.
    Đã lâu không viết nhiều trên trang M&H nhưng tôi vẫn lặng lẽ theo giõi những bài viết của các đồng đội.
    Đọc bài của bạn Quân, người mà tôi đã gặp tại 19C, tuy không có thời gian trực tiếp nói chuyện nhiều với bạn, không dám đánh giá tính cách của bạn nhưng qua các bài viết tôi thấy bạn tự sự môt cách châm rãi, thủ thỉ, nhẹ nhàng nhưng rất sâu lắng.
    Đọc bài của bạn tôi cảm thấy như mình đang được nghe Tuyết Mai đọc "chuyện đêm khuya" trên Đài tiếng nói Việt Nam những năm bảy mươi.
    Bạn có cách kể chuyện thật hay. Chúc bạn Quân mạnh khoẻ. Rất mong được đọc tiếp những câu chuyện của bạn.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #275 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2014, 09:53:39 am »

Cám ơn anh qtdt; anh tmh; anh vanthang và tất cả mọi người đã xem và động viên quanvn. Thôi thì cứ vui ngày nào là lộc trời cho ngày ấy. Tôi cám ơn tất cả.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #276 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2014, 06:40:33 pm »

        
             -Thị xã miền núi mà chú. Thị xã Hòa bình là cửa ngõ phía Tây của Thủ Đô đấy chú. Cứ dọc theo đường này khoảng 3 km nữa là đến Chăm Mát, ở đấy có dốc Cun nơi ấy là địa danh lịch sử mà anh hùng La Văn Cầu chạy cắt rừng đón đầu xe tăng địch để tiêu diệt đấy chú!
  


             Chào bác chủ! Chuyện kể của bác thật hay rất mộc mạc mà thật ấn tượng cùng sự cuốn hút. Cái chuyến xe lên Hòa Bình nhận công tác và sự quen biết vô tình với cô Gái tên Thủy thật là gợi mở. Tranphu341 cùng bạn đọc đang suy luận xem đây là duyên gì?  Grin Grin Grin.

             Nhưng mà Tranphu thấy lẽ ra bác quanvietnam phải chủ động nhường người con gái chỗ ngồi trước mới đúng chứ. Chàng Kỹ sư hơi kém galang đấy hi hi ... Grin Grin Grin Grin Grin

              Riêng về chiến công diệt xe tăng tại đường số 6 theo Tranphu341 nhớ thì đó là Anh hùng Cù Chính Lan chứ không phải là Anh Hùng La Văn Cầu.

              Chúc bác những ngày cuối năm thật nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui chuẩn bị đón chào xuân mới, đón chào tuổi mới! Kính bác!
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2014, 07:40:30 pm gửi bởi tranphu341 » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #277 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2014, 07:38:45 am »

     CB chào bác quanvietnam. chào các bác đang tham gia trang nhà. Lâu lắm hôm nay CB mới có dịp vào nhà anh quanvietnam. bài viết của anh đều hay và cũng có tài nhử người đọc chạy theo. Nghe hai bác lính già Tranphu341 và bác vanthang341ht đều đang chạy rất khoẻ theo dòng văn nhẹ nhàng tình cảm của bác. Cb cũng đang đuổi theo đây.

  bác Tranphu341 nhớ chính xác về lịch sử của hai vị anh hùng thời đánh Pháp đấy ạ.
Sẽ rất có nhiều người bị lẫn vì cũng có những tình tiết giống nhau khi nhắc đến hai ông cùng đánh xe tăng.
CB xin phép được đóng góp vào trang tý ạ!

    1. Anh Hùng La Văn Cầu. Hiện ông còn đang sống và khoẻ mạnh. Vừa rồi ông đã có mặt trong ngày viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến công của ông đã nhảy lên xe tăng trong trận đánh trên đường Bông Lau - Lũng Phầy - Cao Bằng. Ông đã dùng súng bắn chết 10 tên linh Pháp. năm 1949.

Trận khác là trận đánh đồn Đông Khê năm 1950. Ông bị thương một bên cánh tay và ông đã nhờ anh tiểu đội trưởng chặt giúp cánh tay đã bị thương lủng lẳng, tiếp tục ôm bộc phá xông lên tiêu diệt quân thù.

    2. Ông Cù Chính Lan. Mới là người ôm bộc phá đánh xe tăng địch trên đường số 6A, cứ điểm thuộc địa phận Giang Mỗ cách Thành phố Hoà Bình 8 Km. CB đã một lần nào đó được đọc trong tài liệu lịch sử có thể em nhớ còn xót.

  Nếu còn khiếm khuyết chỗ nào mong các anh lượng thứ cho cô em Cb.

CB chúc cho anh chủ và các bác mạnh khoẻ vui vẻ chuân bị đón xuân.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Giêng, 2014, 04:32:02 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #278 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2014, 09:46:14 am »

Thành thật xin lỗi các bạn. Trước khi viết quanvn đã tra ở wikipedia, nhưng khi viết vào thì lại nhầm. Trăm sự là do chủ quan cứ tưởng trí nhớ còn tốt, không ngờ. Mà cũng đã gần 70 tuổi rồi, nhà nước cho nghỉ từ những năm 60 tuổi cơ mà. Quanvn xin lỗi mọi người: "Nhân bất thập toàn mà".
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #279 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2014, 02:15:16 pm »

    CB chào anh quanvietnam. Có gì mà anh phải xin lỗi. Việc viết nhầm lẫn là rất thường nhật anh ạ. Vậy CB mới có cơ hội vào nhà anh lâu hơn.  Grin và có tý bổ trợ cho nhau làm trang nhà càng thêm vui vẻ, ấm cúng, khách đến càng đông. Đây là truyện lịch sử đã lâu. Tuổi em còn ít hơn bác mà còn lẫn hơn nhiều, hôm em viết" Những ngày tháng tư E88f308 Thanh oai về lại chiến trường xưa" Lúc đứng gần chiếc xe tăng ở làng Vây, bác Nguyên là thiếu tướng Lê Xuân Thu  kể câu truyện quân Giải phóng bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ tại điểm cao gần khu vực làng Vây trong chiến dịch Nam Lào năm 1971. Vậy mà cô CB nhầm lẫn đưa chuyện nơi bắt Đại tá Thọ từ làng Vây sang tận bản Đông của "Lào". Hôm đó em được bác lixeta sửa sai. Em thấy rất vui tuy chưa hề gặp mặt bác lixeta mà em như thấy gần lại bác ấy thêm một cùng đường. CB chúc bác quanvietnam dẻo dai hơn những câu truyện trong hồi ức.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM