Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:16:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự tham gia của chuyên gia không quân Liên Xô trong chiến tranh chống Mỹ  (Đọc 49859 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2014, 02:26:23 pm »


Hồi ức của kỹ sư chuyên ngành máy bay và động cơ (SD - инженер по самолёту и двигателю (СД)) Foat Ismagilov, phục vụ tại trung đoàn KQVT Cận vệ 194 giai đoạn 1960-1975.


Người Fergana ở Việt Nam và Lào


Vào mùa thu năm 1960 có lệnh của BCH KQVT chuyển đến trung đoàn về việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của chính phủ tại Việt Nam. Bắt đầu quá trình chuẩn bị gấp gáp. Các tổ bay chuẩn bị bản đồ và nghiên cứu khu vực bay sắp tới. Ban kỹ sư-kỹ thuật hàng không chuẩn bị khí tài hàng không một cách cẩn thận. Người ta thực hiện công tác bảo trì đột xuất máy bay, các động cơ có dự trữ hành trình nhỏ được thay thế bằng động cơ máy bay loại I. Số hiệu nhận dạng bị xóa đi và thay bằng phù hiệu của hãng Aeroflot. Chiếc Li-2 №42 của chúng tôi trở thành CCCP-51159. Các phi công trong các phi hành đoàn nhận giấy chứng thực của Hàng không Dân dụng. Các phi hành đoàn được bổ sung các phi công có kinh nghiệm - chủ yếu là các cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Trong trí nhớ của tôi còn lưu giữ: Salamatin I.N. (trung đoàn trưởng); các chỉ huy phi hành đoàn: Denisov V.A., Talalaev V.A., Tarasenko; kỹ thuật viên trên máy bay Korobov Yu.P., Leonid Semenovich Polynov, Bachinsky A., phi công bên phải (phi công phụ) Shapalov V., Chernobay V.A., Kudrin Fyodor Mikhailovich, các hoa tiêu: Tkach, Zhilin Valery, Dounaev Leonid, các điện đài viên trên máy bay Lobanov Misha, Badylin, Tkach, Zhukov I., Lãnh đạo công tác tham mưu là phi đội phó phi đội 2 Poluyanov, công tác đảng chính trị - Maracasov, thiết bị và kỹ thuật hàng không (IAO) - Krasnyansky B.A.


Lào năm 1962. Khách sạn nơi ở của nhóm bay Li-2.

Tháng 12 năm 1960 người ta chở đến cho chúng tôi trang phục dân sự. Theo logic sẽ là hợp lý hơn, nếu người ta cung cấp cho chúng tôi quần áo của phi công HKDD, nhưng các sĩ quan hậu cần không tính đến đặc điểm này. Khi chúng tôi thay trang phục - mọi người trở nên giống như những chú gà công nghiệp, tất cả đều trong những bộ quần áo dân sự hệt như nhau. Sĩ quan cấp trưởng phụ trách thì được trang bị mũ - kê-pi của cấp thấp. Từ quan điểm chiến thuật mà xem xét, điều đó người ta cũng không nghĩ ra - lính bắn tỉa nếu cần có thể "loại bỏ" trước hết là tay đội mũ. Ủy ban kiểm tra của BCH KQVT kiểm tra sự sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.


Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1961-1964: Suren Akopovich Tovmasian, nguyên Bí thư thứ nhất ĐCS Armenia 1958-1960.

Ngày 10 tháng 1 năm 1961, vào lúc 6 giờ sáng trung đoàn tập hợp đội ngũ tại tại sân bay. Cờ Cận vệ được trương lên trước hàng quân trung đoàn. Người đưa tiễn đọc lời tạm biệt ngắn gọn và các phi hành đoàn lên đường đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Tổ quốc. Đây là hoạt động đầu tiên của trung đoàn chúng tôi ở nước ngoài sau Thế chiến II.

Chuyến bay diễn ra theo tuyến: Fergana - Alma-Ata (qua đêm), Alma-Ata - Irkutsk (3 ngày chờ đợi thỏa thuận hành lang bay qua biên giới), Irkutsk - Bắc Kinh (qua đêm), Bắc Kinh - Vũ Hán (qua đêm), Vũ Hán - Cát Bi (Hải Phòng). Để làm căn cứ đóng quân thường trực của chúng tôi người ta sử dụng sân bay quân sự Cát Bi trên lãnh thổ VNDCCH - nó nằm gần thành phố cảng Hải Phòng. Họ bố trí chúng tôi sống tạm tại những căn biệt thự trên bờ Biển Nam-Trung Hoa (Biển Đông) ở làng Đồ Sơn (15 ngày sau thì chúng tôi được chuyển đến một khu nhà tập thể gần sân bay).


Lào năm 1962. Những cây cọ (thực ra là cây cau, người Nga gọi cả cau lẫn cọ là Palma).
........
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2014, 11:39:18 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #31 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2014, 12:09:07 am »


Một chiếc Mi-4 của KQ Hoàng gia Lào tại sân bay Wattay Vientiane cuối năm 1960 (aci.org)

Ngày thứ hai sau khi bay đến, tùy viên quân sự Liên Xô tại VNDCCH, thiếu tướng Antipov* giao nhiệm vụ: đào tạo lý thuyết và huấn luyện thực tế cho các kíp bay Li-2 của Không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc. Nhiệm vụ chính hoàn toàn khác. Cần xây dựng một "cầu hàng không" giữa Bắc Việt Nam và Lào. Tại Lào, đang diễn ra cuộc nội chiến. Chính phủ của Hoàng thân Souvanna Phouma đề nghị Liên Xô viện trợ quân sự và hậu cần cho họ. Được dẫn dắt bởi mong muốn thúc đẩy các dân tộc trong cuộc đấu tranh của họ chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, chính phủ Liên Xô coi việc giúp đỡ nhân dân Lào và chính phủ hợp pháp bảo vệ chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ của mình. Liên Xô đã tổ chức một "cầu hàng không" nối Hà Nội với Viêng Chăn, sau đó (sau khi lực lượng cánh hữu chiếm Viêng Chăn) là nối Hà Nội với Cánh đồng Chum, tại đó đang diễn ra việc tiếp tế cho các lực lượng vũ trang của PFL (Mặt trận Lào yêu nước) và phái Trung Lập. Tham gia trong chiến dịch này có các phi hành đoàn trung đoàn KQVT Fergana và Ivanovo (Il-14). Lãnh đạo cụm hợp nhất KQVT là đại tá Sergey Alekseevich Somov. Bộ Quốc phòng VNDCCH điều phối hoạt động tác chiến. Phải bay đến các sân bay không được trang bị khí tài VTĐT dẫn đường. Điều kiện khí hậu đối với chúng tôi không được thuận lợi cho lắm (nhiệt độ và độ ẩm). Chúng tôi vận chuyển các cố vấn, những người lính Việt Nam, đạn dược, nhiên liệu và các loại hàng hóa khác nhau.


Trung đoàn KQVT 708 tại Kirovabad. Trước khi bay tới Lào.

Viện trợ kỹ thuật- quân sự được chuyên chở từ Liên Xô đến cảng Hải Phòng và đến sân bay Hà Nội. Từ đó chúng tôi vận chuyển đến nhiều sân bay tại Lào. Lúc hạ cánh tại sân bay Hà Nội một An-12 vừa chở hàng hóa quân sự đến đã gặp nạn, khi nó hạ thấp hơn đường lượn (glissade) quy định thì va trụ càng chính vào đập chắn sân bay với sông Hồng. Mọi chuyện vẫn còn may - sát-xi càng không vướng con đập. Phi hành đoàn không ai bị thương. Trên không trung chúng tôi hay chạm trán với máy bay Mỹ. Các phi công cả hai nước cất cánh từ các sân bay tại Việt Nam và Lào, nhưng chúng tôi từ phía bắc đến, còn họ là từ phía nam. Nhưng không ai can thiệp vào việc thực hiện nhiệm vụ của nhau. Một lần ở Cánh Đồng Chum, chúng tôi chở đến hàng hóa quân sự, hàng đang được bốc dỡ, còn cách sân bay 5 km, một máy bay Mỹ C-47 đang thả dù hàng hóa cho "phiến quân" thì đột nhiên bốc cháy và phát nổ. Tiếc cho các chàng trai này - họ không được cứu. Tôi cảm thấy hình như những kẻ mà họ giúp đỡ đã bắn hạ họ. Các hoạt động chiến đấu diễn ra với mức độ thành công khác nhau. Các sân bay nơi chúng tôi đáp xuống, thường xuyên chuyển từ tay phe này sang tay phe khác. Vào một ngày như vậy phe "nổi loạn" đã chiếm một chiếc Il-14 của trung đoàn KQVT Ivanovo và xử bắn phi hành đoàn trên mặt đất. Ngoài ra, do chúng tôi làm việc dưới vỏ bọc của HKDD, chúng tôi không được phép mang vũ khí. Thi thể các bạn chiến đấu của chúng tôi được những người yêu nước giành lại sau 5 ngày. Chúng tôi nói lời vĩnh biệt với phi hành đoàn thiệt mạng tại sân bay Cát Bi. Máy bay An-12 chở họ trong những chiếc quan tài kẽm về Tổ quốc.


Lào năm 1962. Đội kỹ thuật trung đoàn 194 trong một lần đi chơi.

Theo tôi, đó là bông "tulip đen" đầu tiên trong KQVT. Trong tâm hồn mọi người thấy vô cùng nặng nề. Bất kỳ phi hành đoàn nào của chúng tôi đều có thể ở vào vị trí của họ. Sau thảm kịch này, người ta trang bị cho chúng tôi súng ngắn Tokarev do Trung Quốc sản xuất và súng tự động.

Vào tháng Ba, trung đoàn trưởng I.N.Salamatin bị bệnh và phải về Fergana. Sau đó, ông không chỉ huy trung đoàn nữa (nhưng phải điều trị lâu dài).


Il-14 tại Cánh Đồng Chum, ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp được (acig.org)

Song song với những chuyến bay thực hiện nhiệm vụ, các phi hành đoàn riêng biệt cũng tham gia công tác đào tạo các kíp bay của lực lượng không quân VNDCCH, nhưng đó là nhiệm vụ hạng hai.

Một lần vào tháng 4 năm 1961, phi hành đoàn của chúng tôi bay trên một chiếc Li-2 chuyển đạn dược cho những người yêu nước Lào tại một sân bay dã chiến ở thung lũng Cánh Đồng Chum. Khi trở về, tôi cùng với Vichya Shapovalov vào quán bia trong khu vực cảng Hải Phòng "để xả stress". Chưa kịp uống hết cốc bia - chính trị viên của nhóm chúng tôi Marakasov bay vào trong quán bar và hét tướng lên: "Người Sô-viết đã vào Vũ trụ, chúng ta là những người đầu tiên có mặt trong không gian!" Chúng tôi biết về chuyến bay của Yuri Gagarin như vậy đấy. Phải uống và chúc sức khỏe cho nhà du hành vũ trụ.


Các đội bay trung đoàn KQVT 708 tại Lào.

Sáu tháng sau, chúng tôi được thay phiên. Trước khi khởi hành bay về tất cả chúng tôi đều được trao tặng huy chương "HỮU NGHỊ" và Bằng chứng nhận của nước VNDCCH. Chúng tôi được chụp ảnh với người đứng đầu đất nước này là Hồ Chí Minh huyền thoại (bằng chững nhận và ảnh vẫn còn được chúng tôi giữ gìn). Tại Fergana ở Câu lạc bộ Sĩ quan cũng diễn ra lễ trao các phần thưởng - lần này là tặng thưởng của chính phủ Liên Xô. Chúng tôi được cho đi phép năm, với tôi là đúng 100 ngày phép.

Ghi chú:
*Antipov Nikolai Kuzmich. 1903 - 1977. Người Nga. Thiếu tướng. Gia nhập Hồng quân công nông từ 1926. Đảng viên ĐCS từ 1927. Tốt nghiệp Học viện Quân sự mang tên M.V.Frunze (1941), Học viện Quân sự BTTM (1948).

Tham gia Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại tại mặt trận phía Tây (Phương diện quân Miền Tây) (tháng 10 năm 1941 - tháng 3 năm 1942), tập đoàn quân 6 Phương diện quân Tây-Nam (từ tháng 5 năm 1943). Phó trưởng ban tác chiến Sở chỉ huy bổ trợ (ВПУ - Вспомогательный пункт управления) Bộ tham mưu Tập đoàn quân 6, tham mưu trưởng quân đoàn bộ binh cận vệ 26.

Tùy viên quân sự ĐSQ Liên Xô tại VNDCCH (1958-1961).
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2014, 07:10:25 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:25:17 pm »

Hồi ức của I.P.Shport - "Các nhà ngoại giao quân sự tại Việt Nam"

Tôi sinh ngày 17 Tháng Năm năm 1930 tại một thị trấn nhỏ của vùng Crimea Tháng Mười. Từ năm 1943 đến năm 1944, là liên lạc viên của chi đội du kích số 17 binh đoàn Bắc Crimea. Năm 1948, tôi tốt nghiệp khoa nhảy dù, tàu lượn và máy bay thuộc Câu lạc bộ Hàng không Simferopol. Từ 1948-1990, tôi phục vụ trong Các lực lượng Vũ trang Liên Xô. Năm 1951, tốt nghiệp trường hàng không đào tạo phi công cường kích Voroshilovgrad, năm 1961 – tốt nghiệp Học viện Không quân, năm 1965 - Học viện Ngoại giao Quân sự, năm 1971 – tốt nghiệp với tấm huy chương vàng Học viện quân sự Bộ Tổng tham mưu. Từ năm 1965 – hoạt động trong ngành ngoại giao (Việt Nam, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Tiệp Khắc) và Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Từ năm 1990 - Phó Chủ tịch phân ban quốc tế Ủy ban Cựu chiến binh chiến tranh và nghĩa vụ quân sự CHLB Nga. Đã được tặng thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng 1, Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Danh dự, Huân chương Hữu nghị, cũng như các huy chương, trong đó có "Vì lòng dũng cảm", "Chiến công", "Du kích của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại" hạng 1 và mười huy chương nước ngoài. Trung tướng không quân về hưu, phi công huấn luyện cấp 1.



Tôi được cử đến làm việc ở Ban Nhân viên Quân sự của Liên Hợp Quốc tại New York, đã làm xong thủ tục ở tất cả các khâu tổ chức và chuẩn bị và đã đi nghỉ phép. Khi trình diện sau kỳ nghỉ người ta nói với tôi rằng có một chút thay đổi, và bây giờ tôi được biên chế vào một văn phòng, nơi "nóng nực, ẩm ướt và đang bị ném bom". Người ta cần chúng tôi ở khắp mọi nơi, đó là điều rõ ràng.

Vào mùa thu năm 1965 người Mỹ ngày càng đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt Nam) bằng không quân. Ban đầu, đối tượng của các cuộc tấn công của Mỹ là các xí nghiệp công nghiệp, các tuyến đường vận chuyển, nơi đóng quân, nhưng sau đó các công trình dân sự và các điểm dân cư cũng trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh tạc. Trong hoàn cảnh ấy, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu nước ta giúp đỡ và hỗ trợ họ đẩy lùi cuộc xâm lược.

Thông qua Bộ Ngoại giao, đội ngũ nhân viên Đại sứ quán được tăng cường đáng kể, cơ quan đại diện thương mại và ủy ban liên lạc kinh tế tích cực hoạt động. Thông qua các cơ quan quốc phòng, ngoài việc cung cấp vũ khí và khí tài quân sự, đã có quyết định thành lập văn phòng tùy viên quân sự, với đầy đủ các thuộc tính chính thống và ngoại giao, nhằm nghiên cứu tình hình chiến sự và hỗ trợ bộ chỉ huy Việt Nam. Tại đại sứ quán trước đây đã có các đại diện quân sự của chúng ta, nhưng bây giờ hoàn cảnh mới của chiến tranh đòi hỏi chúng ta phải thành lập các cơ cấu tổ chức mới.

Các vấn đề nhân sự khi thành lập bộ máy đầu tiên đã được giải quyết hợp lý và đúng đắn: tùy viên quân sự - phi công tiền tuyến, Anh hùng Liên Xô, Đại tá Aleksey Ivanovich Lebedev, người có nhiều kinh nghiệm làm việc ở nước Pháp và biết tiếng Pháp; trợ lý chính  - cựu chiến binh chiến tranh, đại tá Evgeny Andreevich Legostaev; các trợ lý khác: trung tá Ivan Petrovich Shport, phi công quân sự hạng 1, tốt nghiệp Học viện Không quân và biết tiếng Anh; trung tá Ilya Iosifovich Rabinovich, một nhà phân tích xuất sắc, thạo tiếng Hebrew, tiếng Ả Rập, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh; phiên dịch viên – đại úy Vladislav Petrovich Dvornikov, người biết cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
.......
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Chín, 2017, 02:07:23 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:27:05 pm »

Trong lĩnh vực quân sự, các vấn đề của đoàn tùy viên chủ yếu tập trung vào việc phân tích tính chất, các phương pháp, các loại phương tiện hủy diệt và hiệu quả hoạt động của không quân Mỹ ở miền Bắc, cũng như sự phát triển các cụm lục quân Mỹ ở miền Nam và tính chất các hoạt động tại đó của lực lượng giải phóng – Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Lúc đầu, do có ưu thế trên không, các phi công Mỹ hành xử rất ngạo mạn trong các cuộc oanh tạc, thậm chí chủ quan. Nhưng theo đà phát triển của các lực lượng và vũ khí phòng không, với sự xuất hiện các tổ hợp tên lửa phòng không cùng các chuyên gia quân sự của chúng ta, rồi việc các kíp chiến đấu Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm tác chiến, các cuộc oanh tạc của Mỹ đã trở nên có tổ chức hơn, chúng tăng cường trinh sát đường không, xuất hiện các tốp yểm trợ và chế áp phòng không, chiến thuật hoạt động linh hoạt biến đổi. Tuy nhiên, điều này không làm  chúng thoát khỏi những thiệt hại ngày càng tăng. Ngày càng hay thấy cảnh máy bay rơi trên bầu trời sau những phát tên lửa nổ hoặc khi trúng đạn cao xạ.

Cùng với các loại máy bay đã được biết, như trên thao trường thử nghiệm vũ khí, người Mỹ bắt đầu lần lượt đưa vào kiểm tra ở Việt Nam các khí tài mới - máy bay F-111, máy bay trinh sát tầng cao SR-71, máy bay trinh sát không người lái, các thiết bị gây nhiễu, các loại bom và tên lửa mới. Nghiên cứu các khí tài bay của Mỹ bị bắn rơi trở thành mối ưu tiên của chúng tôi. Để giải quyết những vấn đề chuyên môn, theo thỏa thuận với bộ chỉ huy Việt Nam, tại văn phòng tùy viên đã thành lập một nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực như động cơ, thiết bị điện tử, kết cấu máy bay, vũ khí bom và tên lửa, thiết bị dẫn đường và truyền tin. Tại những thời điểm khác nhau tham gia nhóm này có: S. Kapalkin, V.A. Teplov, K. Kalaida, Yu. Fedorov, Yu. Mikhailov, N. Shevchenko, A. Anosov, E. Shpilko, V. Shelikhov và nhiều người khác.

Người Mỹ bắt đầu tích cực sử dụng loại tên lửa chống radar "Shrike" để tiêu diệt các hệ thống radar hoạt động từ mặt đất dẫn đường cho đạn tên lửa. Từ lúc còn trên máy bay, đầu dẫn đường của tên lửa đã bắt tia chiếu xạ của radar đang làm việc, phát tín hiệu để phi công sau đó ấn nút phóng tên lửa.

Cự ly của một cú phóng như vậy cách mục tiêu tầm từ 30-35 km. Tiếp theo, đạn tên lửa "Shrike" tự động bay theo cánh sóng này tới mục tiêu radar của chúng ta, đánh trúng nó với độ chính xác cao bằng khối thuốc nổ 30 kg trong đầu đạn. Các trắc thủ có kinh nghiệm đã học được cách xác định trên màn hình thời điểm tên lửa tách khỏi máy bay và tắt radar. Sau đó, đạn "Shrike", không có "chùm tia nhắm mục tiêu", trở thành quả đạn "ăn may", nghĩa là, có thể rơi xuống bất cứ nơi nào, nhưng trong khu vực mục tiêu. Một quả đạn tên lửa đã phát nổ trong sân giữa các tòa nhà mà tùy viên quân sự sống trong tòa nhà này, còn trong tòa nhà kia – các trợ lý của ông.

Mùa thu năm 1967, hoạt động tác chiến của máy bay Mỹ chống miền Bắc Việt Nam diễn ra ngày càng dồn dập và tàn khốc hơn. Rõ ràng, đây là kết quả của việc bộ chỉ huy Mỹ đánh giá tình hình hiện thời không thuận lợi. Mấy năm chiến tranh can thiệp không mang lại chiến thắng nhanh chóng theo kế hoạch, canh bạc chính trị của Mỹ ngày càng bị công luận thế giới chỉ trích, Không lực Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề trước lực lượng phòng không vững chắc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chế độ cầm quyền Nam Việt Nam chỉ duy trì được với sự có mặt của quân đội Mỹ vốn đang chịu những tổn thất nặng nề trước lực lượng yêu nước giải phóng dân tộc.

Thời điểm này, bộ chỉ huy Mỹ quyết định huy động tối đa tất cả các dạng hoạt động tác chiến nhằm đạt được các mục tiêu quân sự và chính trị của họ. Hàng ngày chỉ riêng ở Hà Nội họ thường thực hiện hai đợt không kích bằng máy bay của không quân từ các căn cứ không quân ở miền Nam Việt Nam và Thái Lan, cũng như bằng máy bay hải quân đóng căn cứ trên hai hoặc ba tàu sân bay. Ngoài ra, để tăng cường tác động tâm lý với người dân, hầu như đêm nào họ cũng thực hiện các phi vụ tác chiến đơn lẻ, và đôi khi là các cuộc không khích giả.

Theo chỉ thị của Đại sứ tất cả các nhân viên của Đại sứ quán trong thời gian có các cuộc không kích phải xuống các hầm trú ẩn tập thể hoặc cá nhân. Do nhiệm vụ của văn phòng tùy viên quân sự, đại sứ cho phép tôi (từ mùa thu năm 1965 đến tháng 12 năm 1968 - trợ lý cho tùy viên không quân Đại sứ quán) và đại tá E. Legostaev tiến hành quan sát các hoạt động của máy bay Mỹ, từ trên mái ngôi nhà ba tầng của chúng tôi.

Ngày 22 tháng 8 năm 1967, chúng tôi đã quan sát thấy trên bầu trời Hà Nội đồng thời bốn phi công Mỹ nhảy dù khỏi máy bay: hai chiếc F-105 đâm vào nhau trong không trung, còn một chiếc A-7 rơi xuống thành phố ngay bên cạnh nhà riêng của đại sứ chúng ta ông I.S. Shcherbakov.

Cuối tháng 10 năm 1967 có một cuộc không kích quy mô lớn vào Hà Nội của máy bay hải quân Mỹ, mục tiêu của cuộc oanh tạc là nhà máy nhiệt điện ở vùng phụ cận thành phố, cách ngôi nhà chúng tôi ở khoảng 1,5 km. Chia tách chúng tôi là một hồ nước, được chia thành hai phần bởi con đường đê hẹp. Cuộc oanh kích do gần 20 máy bay tiến hành, thêm 4-6 chiếc tiêm kích quần vòng ở độ cao 5-6 nghìn mét làm nhiệm vụ bảo vệ các tốp cường kích trước các máy bay tiêm kích phòng không Việt Nam. Do việc cắt bom và bắn phá tiến hành ở độ cao trung bình và nhỏ, trên thực tế tham gia đánh trả cuộc không kích có tất cả các lực lượng và các loại vũ khí phòng không của thành phố (tên lửa phòng không, pháo cao xạ cỡ vừa và nhỏ, súng máy hạng nặng, thậm chí cả vũ khí bộ binh hạng nhẹ). Không phận Hà Nội biến thành địa ngục: bom và tên lửa không đối đất nổ trên mặt đất, trên trời đạn tên lửa phòng không và đạn cao xạ nổ rền, mảnh rít ào ào rơi xuống.
......
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:28:33 pm »

Trong một lúc tôi nhìn thấy một vụ nổ bùng lên gần một máy bay Mỹ, chiếc máy bay lập tức bị bao trùm trong khói trắng và khói đen, sau đó nó bắt đầu vừa rơi vừa tan ra từng mảnh. Một khoảnh khắc trước đó phi công phóng ghế nhảy dù, và sau vài giây dù mở. Do điều đó diễn ra ngay trên hồ, chúng tôi quan sát phi công và thấy anh ta đang rơi xuống hồ. "Anh ta giờ sẽ rơi xuống hồ, sẽ bị dây dù quấn mà chết đuối", - tôi nói với Legostaev.

"Anh ta sẽ không kịp chết đuối đâu, người ta sẽ không để chuyện đó xảy ra. Nhưng tôi không được giao chịu trách nhiệm về số phận của anh ta. Không biết gì là tốt nhất", - người đồng đội của tôi đáp lại.
Chúng tôi dõi mắt theo cú hạ của anh ta đến chiều cao khoảng 50 mét, tiếp theo thì cây cối che lấp, nhưng rõ ràng anh ta đã rơi xuống nước. Sau đó, sự chú ý của chúng tôi bị cuốn sang các yếu tố khác của cuộc không kích. Thêm hai chiếc máy bay bị bắn rơi, nhưng những phi công nhảy dù thì không thấy có.

Sau vài ngày tại một cơ quan Bộ Tổng Tham Mưu QĐND Việt Nam sau khi nhận thông tin hàng tuần về chiến sự trong tuần, đại úy Phan nói với tôi rằng, ba ngày trước trong một cuộc không kích vào nhà máy điện một máy bay từ tàu sân bay đã bị bắn rơi, viên phi công, bị vài vết thương đã rơi xuống hồ. Những người dân tức giận dìm mạnh anh ta xuống nước, nhưng những người lính của chúng tôi đã kịp thời lôi anh ta lên.
"Chúng tôi đã chứng kiến cảnh này và thậm chí còn bàn luận về số phận của phi công," - tôi nói với Phan.
"Nhưng đó không phải là tất cả, - đại úy cho biết, - tên của anh ta là John McCain, và anh ta là con trai của một đô đốc cao cấp Hải quân Mỹ".
"Thế rồi có chuyện gì nữa với anh ta?" - tôi hỏi.
"Tôi không biết, nhiệm vụ của chúng tôi là bắn rơi những kẻ như thế, tiếp theo thì hãy để các nhà lãnh đạo chính trị suy nghĩ – Phan cho biết, - khi anh ta còn ở bệnh viện, tình trạng vẫn bình thường".
Chúng tôi đánh giá nó như là một sự kiện bình thường trong chiến tranh, đã và sẽ còn có nhiều. Số phận của phi công lúc đó chúng tôi không quan tâm.
Hơn bốn mươi năm một chút đã trôi qua, khi đã về hưu ở cấp trung tướng, tôi biết được qua chiến dịch vận động bầu cử ở Mỹ về ứng cử viên tổng thống John McCain, trong đó các thông tin về số phận của ông ta trong chiến tranh ở Việt Nam hoàn toàn trùng khớp với những điều đích thân tôi đã thấy và đã nghe. Vì vậy, tôi có lẽ là nhân chứng duy nhất trong số các nhân viên của Đại sứ quán chứng kiến cảnh tượng này trong cuộc đời của ứng cử viên tổng thống J. McCain.

Từ 1971-1978 tôi làm việc ở Washington trên cương vị tùy viên không quân tại Đại sứ quán Liên Xô, tôi đã gặp Tổng thống G. Ford, và sau này - Phó Tổng thống A. Gore.

Ai mà biết được, có thể một ngày số phận sẽ dẫn tôi đến với John McCain, dù ông ta không phải là tổng thống.
........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #35 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:30:31 pm »

Ngày 17 tháng 11 năm 1967 tôi đến đại sứ quán sớm hơn thường lệ, trên đường đi tôi nghe tiếng còi báo động, sau đó là những tiếng nổ, nhưng chỉ khi có mặt ở đại sứ quán tôi mới được trực ban cho biết đạn tên lửa đánh trúng ngôi nhà của chúng tôi, nhưng mọi người vẫn sống sót. Khi trở về, tôi nhìn thấy nơi ở của tôi bị phá hủy hoàn toàn, bởi các mảnh tên lửa đã rơi trúng góc của tôi trong ngôi nhà. Trong căn hộ không còn gì nguyên vẹn: không cửa sổ, không cửa đi, không bàn ghế, chiếc đèn chùm rơi vỡ tan, máy lạnh văng đi mất. Một số mảnh đạn xuyên qua tủ quần áo, nơi treo các bộ trang phục và quân phục của tôi, tất cả thủng lỗ chỗ như sàng. Tất nhiên, cùng với bạn bè và các nhà báo của chúng tôi, chúng tôi lập tức đánh dấu "sự kiện may mắn" này và đôi khi đi làm sớm rất có ích.

Lúc đó, các bác sĩ quân y của chúng tôi tiếp cận tôi: kho thuốc bệnh xá của các chuyên gia quân sự chúng tôi tại Hà Nội đặt dưới tầng hầm của ngôi nhà. Và mặc dù kho nằm phía mặt bên kia ngôi nhà, bên đó chỉ bị bay mất kính cửa, họ thuyết phục tôi nhận xét vào báo cáo thiệt hại gửi bộ chỉ huy rằng các mảnh vỡ đánh trúng thùng chứa 100 lít cồn y tế làm cồn chảy hết. Thân thiện đoàn kết – là điều tuyệt vời. Tất nhiên, các mảnh đạn văng, cồn thì "rò rỉ", dù chúng tôi biết chuyện đó xảy ra từ lâu trước khi có vụ nổ, điều mà bản thân chúng tôi đã chứng kiến.

Các sĩ quan Việt Nam thể hiện sự tỉ mỉ đặc biệt trong việc mô tả và thống kê các thiệt hại. Khi họ giải thích, chi phí sửa chữa sẽ được tính vào bản thống kê tổng hợp, sẽ được chuyển cho chính phủ Mỹ sau chiến tranh đòi bồi thường cho tất cả những sự tàn phá và thiệt hại về người mà quân đội Mỹ gây nên. Họ ngây thơ ư? Có thể. Nhưng đó là điều hợp lý và công bằng!

Cần lưu ý rằng các phi công Mỹ biết rõ khu phố Hà Nội nơi bố trí các đại sứ quán nước ngoài và nơi các nhà ngoại giao sinh sống và họ đã cố gắng tránh những vụ bê bối quốc tế. Nhưng trong chiến tranh bất cứ điều gì đều có thể xảy ra, vì thế chuyện "bất kỳ" bom đạn nổ thường xảy ra trong khu vực các đại sứ quán của chúng ta và của Trung Quốc.

Tại nơi đạn nổ các bạn tôi tìm thấy chiếc đuôi quả tên lửa còn khá nguyên vẹn với đủ các số hiệu xuất xưởng của Mỹ. Sửa sang lại nó, họ viết lên dòng chữ: “Chế tạo tại Mỹ dành riêng cho Shport”. Món quà lưu niệm ấy đến giờ vẫn ở trong ngôi nhà nghỉ ngoại ô của tôi, còn Galina vợ tôi, người mà trong 3 năm chỉ có 20 ngày (nhiều hơn không được phép) sống tại Hà Nội và 2 lần gặp những trận ném bom dữ dội, khi nhìn nó luôn cay đắng hồi tưởng lại những điều đã trải qua.

Tôi thấy cần chia sẻ một quan sát thú vị. Ở bất cứ nơi nào dù trong Hà Nội hoặc vùng ngoại ô có bom hay tên lửa rơi xuống, chỉ sau một ngày đêm hậu quả đã được khắc phục ngay: các hố bom được lấp phẳng, đường phố, hang rào được sửa chữa, rác và các cây cối bị đạn phạt gãy xô đổ được dọn đi. Các đường phố trong thành phố không hề có bóng dáng một người nào bị tàn tật do chiến tranh. Người tàn tật chống nạng, ngồi xe lăn, người mù - tất cả đều sống ở ngoài thành phố trong các khu dân cư đặc biệt, tham gia lao động vừa sức mình. Theo quan điểm của các nhà tư tưởng-tuyên truyền viên, người dân không nên mang gánh nặng tâm lý nặng nề về những ký ức thường xuyên nhắc nhở đến sự khủng khiếp của chiến tranh.

Mặc dù tăng nhanh đội quân viễn chinh hải, lục, không quân ở miền Nam Việt Nam vào những năm cuối thập niên 60, người Mỹ đã thất bại trong việc đạt được những kết quả đáng kể, còn việc tiến hành chiến tranh trong rừng rậm đối với họ là cả một vấn đề vô ích và kém hiệu quả. Bộ chỉ huy Mỹ quyết định chống lại các lực lượng giải phóng nhân dân và du kích bằng cách sử dụng không quân chiến lược, cụ thể là máy bay B-52, khi áp dụng chiến thuật "thiêu cháy mặt đất".
 ......
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:33:24 pm »

Sau khi tăng cường tới đảo Guam ở Thái Bình Dương một nhóm máy bay có khả năng mang tới 30 tấn bom các cỡ này, người Mỹ bắt đầu thực hiện các cuộc oanh tạc thường xuyên vào khu vực mà các đơn vị của lực lượng giải phóng kiểm soát. Theo quy luật, các tốp gồm 6-12 máy bay theo đội hình nghiêm ngặt giáng đòn không kích xuống một khu vực diện tích bằng phương pháp "ném bom rải thảm".

Trong một số trường hợp, ban đầu điều đó đã dẫn đến những tổn thất đáng kể về sinh lực và khí tài, việc sử dụng linh hoạt các nguồn lực đó qua khu phi quân sự hoặc trên đường mòn Hồ Chí Minh trở nên khá phức tạp.

Bộ chỉ huy Việt Nam đề nghị chúng tôi tìm kiếm khả năng báo trước thông tin về các cuộc không kích dự kiến của B-52 để áp dụng kịp thời các biện pháp thích hợp nhằm giảm tính hiệu quả của chúng.

Ngay lập tức trong khu vực đảo Guam xuất hiện các tàu đánh cá Liên Xô trang bị không chỉ các phương tiện đánh bắt cá, như sau này người Mỹ nhấn mạnh. Từ thời điểm đó tất cả những phi vụ B-52 đều được xác định và thông qua các kênh truyền tin thích hợp được chuyển đến cho chúng tôi.

Để làm điều này phải mất đến bốn giờ đồng hồ. Tính đến thời gian của chuyến bay và sự chênh lệch múi giờ, thông tin về sự di chuyển của máy bay ném bom chiến lược hướng về Nam Việt Nam đến với chúng tôi trong vòng 2-3 giờ trước khi máy bay tiếp cận bờ biển. Do nhiệm vụ truyền đạt thông tin này được trao cho tôi, nên trong vòng hai năm ở bất cứ thời gian nào, trong bất kỳ thời tiết nào, ngay cả khi đang giữa trận Mỹ ném bom thành phố, tôi đều phải chuyển giao nó tới Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp theo thông tin này được truyền gấp qua sóng điện đài đến các đơn vị và binh đoàn của họ ở Nam Việt Nam mà sau 1-1,5 giờ họ đã kịp thực hiện các biện pháp bổ sung về ngụy trang, sơ tán người cùng vũ khí tới các hầm trú ẩn sâu đã chuẩn bị sẵn, thậm chí thay đổi các vị trí đóng quân, chuyển quân tới gần vị trí các doanh trại đồn trú của đối phương hơn, nơi mà việc "ném bom rải thảm" bị loại trừ vì nó rất nguy hiểm cho bản thân người Mỹ. Tổn thất của lực lượng giải phóng đã thấp hơn đáng kể, và nói chung điều đó giúp củng cố tinh thần của những người Việt Nam.
.........
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:35:03 pm »

Từ đó về sau, khi các cuộc oanh tạc bằng B-52 lan rộng ra miền Bắc Việt Nam, giá trị thông tin của chúng tôi đã tăng lên rất nhiều. Nếu tại Miền Nam khi nhận thông tin về các cuộc không kích người ta chỉ có thể sử dụng các biện pháp thụ động để bảo vệ đội ngũ nhân lực, thì ở Miền Bắc Việt Nam, nơi có những tổ hợp tên lửa phòng không, nó đã tạo cơ hội tiến hành sớm không chỉ các biện pháp bảo vệ, mà còn chuẩn bị cho hoạt động đánh trả tích cực cuộc oanh tạc bằng tất cả các phương tiện phòng không, bao gồm cả máy bay tiêm kích. Theo đánh giá khách quan, qua tháng đầu tiên B-52 ném bom các mục tiêu phía bắc khu phi quân sự và Hà Nội (tháng 12 năm 1972 ?) đã có hơn 30 máy bay ném bom bị bắn rơi (?), điều đó làm giảm rõ rệt sự hung hăng của người Mỹ, một lần nữa chứng minh sự vô vọng của cuộc can thiệp này và cuối cùng dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh và rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ đã thả xuống khoảng 8 triệu quả bom!

Tại một cuộc gặp gỡ ở BTTM QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thiếu tướng Trần Sâm đã nói:
"Chúng tôi đánh giá cao thông tin của các đồng chí về các cuộc oanh tạc của B-52. Các đồng chí không thể tưởng tượng nó đã cứu sống bao nhiêu binh lính, sĩ quan và thường dân của chúng tôi, đảm bảo sự thành công cho các chiến dịch của chúng tôi ở miền Nam".

Để giám sát việc gìn giữ hòa bình (theo hiệp định Geneve) và tuân thủ tình trạng khu phi quân sự (dọc vĩ tuyến 17) giữa Bắc và Nam Việt Nam, theo nghị quyết của LHQ người ta đã thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban kiểm soát quốc tế (ICC). Nó bao gồm các đại diện quân sự thường trực của Canada, Ba Lan và Ấn Độ. Trụ sở chính của ICC ở Sài Gòn, một bộ phận - ở Hà Nội. Thành viên ủy ban tại Hà Nội được thay phiên 6-8 tháng một lần, nhưng trong thời gian này, các nhà quan sát có thể định kỳ bay tới Sài Gòn nghỉ ngơi trong một đến hai tuần. Đương nhiên, họ có những thông tin mà chúng tôi quan tâm về tình hình ở miền Nam Việt Nam, tâm trạng trong quân đội Nam Việt Nam và quân đội Mỹ, cũng như các thông tin thuần túy quân sự và tài liệu in. Tuy nhiên, người Canada luôn luôn khép kín giao tiếp, người Ba Lan sợ mất đi chỗ ngồi ấm áp, chỉ có những người Ấn Độ sẵn sàng liên lạc, khi nhấn mạnh tính chất đặc biệt của quan hệ Xô-Ấn thời điểm đó.

Chiếc máy bay vận tải với phi hành đoàn người Pháp thường xuyên hàng tuần bay đi bay về như con thoi giữa Sài Gòn và Hà Nội, đưa đón nhân viên của ICC, thư từ, tài liệu, hàng hóa và nhiều thứ nữa. Tôi có một mối quan hệ tốt với viên phi công chính chiếc máy bay trên, ông ta đánh giá cao sự hợp tác quân sự trong trường hợp phi đoàn "Normandie-Niemen", sự tham gia của những người lính chúng ta vào phong trào Kháng chiến Pháp sau khi chạy thoát ách giam cầm của người Đức. Khi đạt đến độ tin cậy trong mối quan hệ giữa chúng tôi, ông ta đã thực hiện theo yêu cầu của tôi việc mua và chuyển giao các tờ báo của quân đội Mỹ, các ấn phẩm quân sự Mỹ, thu thập các bộ bản đồ cần thiết để phân tích tình hình ở miền Nam.

Một hôm, khi đang ngồi uống bia, ông ta hỏi tôi có biết người Mỹ đang có kế hoạch hủy diệt một cây cầu đường sắt và đường bộ lớn ở Hà Nội bắc qua sông Hồng? Tôi cho rằng ý đồ thì có, nhưng luôn thất bại, vì nhằm mục đích này phải có sự chuẩn bị đặc biệt. Sau đó, ông ta mô tả cách các phi công Mỹ, khi nhập bọn đi chơi cùng với mình, đã hé mở rằng ngày đánh cầu đã vào sổ, một tuần sau nó sẽ bị phá hủy, và bây giờ công tác chuẩn bị đang diễn ra rất khẩn trương. Theo họ, hai cặp "Con Ma" (máy bay F-4) đeo bom tự dẫn, lợi dụng yếu tố bất ngờ, sẽ tiếp cận mục tiêu với giãn cách thời gian 1-2 phút ở độ cao cực thấp dọc theo chính giữa lòng sông Hồng, nơi mà radar không thể phát hiện. Trước mục tiêu các cặp phi cơ sẽ luân phiên làm thao tác "ngóc lên", rồi bổ nhào thả bom, sau đó thoát ly tác chiến với tốc độ cao ở độ cao thấp.



Thông tin này làm chúng tôi quan tâm. Một phân tích cẩn thận cho thấy kế hoạch không kích tỏ ra hợp lý: mục tiêu lớn có độ tương phản cao trên nền của dòng sông, yếu tố bí mật và bất ngờ đã được tính đến, phương tiện hủy diệt hiệu quả nhất đã được lựa chọn, mục tiêu quan trọng mang tính chiến lược, mà sự bảo vệ bởi các phương tiện của hệ thống phòng không thì chưa đầy đủ. Những thông tin nhận được này, trong khi không đề cập đến nguồn cấp tin, được chúng tôi chuyển đến cho bộ chỉ huy Việt Nam, với lời giáo trước rằng chúng tôi không có khả năng kiểm tra chéo thông tin này. Báo cáo này được tiếp nhận với một thái độ hoài nghi thấy rõ. Tuy nhiên, gần cây cầu người cho đặt thêm hai khẩu đội pháo cao xạ cùng ba khẩu đội súng máy bố trí trong các vườn cây. Trong thời hạn 10 ngày kể từ đó không thấy có cuộc đột kích đường không nào, và hệ thống phòng không bổ sung được dỡ bỏ. Ba ngày sau đó, người Mỹ với độ chính xác 100% đã hoàn thành kế hoạch mà chúng tôi đã biết: hai giàn cầu lớn bị phá hủy mà không có sự cản trở nào. Các sĩ quan tham mưu BTTM Việt Nam cố gắng không nêu vấn đề này, chúng tôi cũng im lặng đúng kiểu ngoại giao (mặc dù có bực bội). Chỉ một tháng sau, một trong những sĩ quan cao cấp mới nói: "Chúng tôi sử dụng rất tồi một thông tin tốt, chúng tôi đánh giá thấp mối đe dọa của một cuộc đột kích đường không và không thể hiện được sự kiên nhẫn". Vâng, dù sao thì trong vụ này chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình.
.......
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2017, 11:38:01 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 10:37:22 pm »

Tại cuộc gặp tiếp theo, tôi nói với người Pháp rằng thông tin của ông ta đã được xác nhận, ông ấy khẳng định rằng tôi đã không đưa thông tin đó cho bộ chỉ huy Việt Nam (căn cứ theo kết quả cuộc không kích), từ đó quan hệ của chúng tôi còn trở nên đáng tin cậy hơn nữa.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, bộ chỉ huy quân đội Mỹ không giấu giếm ý định kiểm tra các nguyên tắc chiến lược và chiến thuật tác chiến của họ trong điều kiện của một cuộc chiến tranh cục bộ, trước hết là các lực lượng không quân và lực lượng cơ động đường không.

Nếu hoạt động tác chiến của máy bay Mỹ không vượt ngoài các khuôn khổ chung đã biết, điều tất nhiên, chúng cũng có một số đặc điểm cụ thể, đó là việc sử dụng các máy bay trinh sát không người lái mà chúng tôi mới gặp lần đầu tiên.

Có hai loại máy bay không người lái (MBKNL) được sử dụng: MBKNL tầng cao (bay ở độ cao 6000-7000 m), và MBKNL tầng thấp (bay ở độ cao 400-600 mét). Việc phóng MBKNL được thực hiện từ các căn cứ của Mỹ ở Thái Lan và Nam Việt Nam, thời gian bay tùy thuộc chương trình do thám diễn ra khoảng từ 4-5 giờ. Sau khi hoàn thành chuyến bay theo một tuyến đường bay nhất định, máy bay quay trở lại khu vực căn cứ nơi theo lệnh từ mặt đất trước hết nó được tắt động cơ,tiếp theo là bung dù, để có thể tái sử dụng lại khí tài bay.

Việc sử dụng MBKNL trên các độ cao lớn hơn vùng diệt mục tiêu của vũ khí bộ binh, nhưng dưới vùng bắn hiệu quả của đạn tên lửa khi độ cao của chuyến bay biến đổi đã làm cho MBKNL trong thời kỳ đầu có tính tổn thương khá thấp. MBKNL tầng cao đảm nhiệm chụp ảnh toàn cảnh các đối tượng lớn, các khu dân cư, các nút giao thông nhằm phục vụ dẫn đường và chuẩn bị các tuyến đường bay cho máy bay chiến đấu. MBKNL tầng thấp chụp ảnh chi tiết các mục tiêu riêng rẽ, các cây cầu, các đoạn đường, các trận địa phòng không nhằm lên kế hoạch cho các cuộc oanh kích cụ thể, lựa chọn lực lượng và phương tiện, chiến thuật và vũ khí tiêu diệt.

Theo thời gian, lần lượt đến tay chúng tôi là các mẫu thiết bị chụp ảnh, các cuộn phim và các bức ảnh đã rửa, khẳng định chất lượng công nghệ và khả năng phân giải rất cao. Nhưng điều này vẫn còn là ít, cần phải có một chiếc MBKNL còn nguyên vẹn. Chuyện này xảy ra năm 1967 trên bầu trời Hà Nội. Đầu đạn tên lửa phát nổ gần MBKNL sinh sóng xung kích tác động đến thiết bị điều khiển, phát lệnh dừng động cơ, sau đó bung dù. Chiếc MBKNL này hạ xuống vùng ngoại ô Hà Nội gần như còn nguyên, chỉ bị hư hại nhẹ bên mút cánh phải.

Theo quyết định của bộ chỉ huy Việt Nam, nó được bàn giao cho chúng tôi để gửi về Moskva nghiên cứu chi tiết. Một đêm chúng tôi cùng các chuyên gia đi trên một chiếc xe tải lớn có mui chuyển chiếc MBKNL xuống cảng Hải Phòng, hàng được bốc lên tàu buôn của chúng tôi và gửi về Vladivostok. Theo các phản hồi sau này, chiếc MBKNL trở thành mối quan tâm lớn đối với ngành công nghiệp hàng không của chúng tôi.

(Viện Khoa học Lịch sử, tuyển tập “Từ người lính đến vị tướng. Hồi ức chiến tranh”, tập 16. (Moskva 2015))
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2017, 11:35:35 pm gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM