Sự tham gia của chuyên gia không quân Liên Xô trong chiến tranh chống Mỹ

(1/8) > >>

qtdc:
(nguồn: nhat-nam.ru)

MIG TRÊN BẦU TRỜI VIỆT NAM
Bài của Isaev Piotr Ivanovitch



Ảnh: Isaev Piotr Ivanovitch.






........

qtdc:
(tiếp)



Giới thiệu

Piotr Ivanovich Isaev - đại tá không quân. Sinh ngày 05 tháng 8 năm 1933 tại làng Grano-Maiak thuộc khu Altai (Siberie). Năm 1955, tốt nghiệp Trường đào tạo phi công Hải quân ở Eisk và được phân công tới phục vụ tại Hạm đội Thái Bình Dương. Trước năm 1960 ông phục vụ trên các cương vị phi công, phi công trưởng, biên đội trưởng thuộc trung đoàn không quân tiêm kích hải quân. Năm 1960 chuyển sang phục vụ tại trung đoàn không quân tiêm kích thuộc bộ đội phòng không Quân khu Viễn Đông với chức vụ biên đội trưởng.

Năm 1961 ông vào học tại Học viện Không quân Yu.A.Gagarin. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Học viện hạng ưu tú, ông được bổ nhiệm phi đội trưởng một phi đội máy bay tiêm kích thuộc quân khu PriBaltic. Năm 1968 ông được bổ nhiệm Trung đoàn phó trung đoàn không quân tiêm kích ngay tại quân khu này, và năm 1971 chuyển sang phục vụ tại Cụm quân Bắc quân đội Xô Viết đóng tại Ba Lan. Cùng năm đó được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng trung đoàn không quân tiêm kích.

Từ tháng 8 năm 1968 đến tháng 7 năm 1969 đã tham gia vào hoạt động chiến đấu tại Việt Nam với tư cách trưởng nhóm chuyên gia không quân Liên Xô tại một trung đoàn không quân tiêm kích, binh chủng Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ tháng Năm năm 1973 đến tháng Ba năm 1976 công tác biệt phái tại Syria trên cương vị cố vấn cho Lữ đoàn trưởng lữ đoàn không quân tiêm kích lực lượng Không quân CH Arab Syria.
Từ năm 1976 đến 1990 - Nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Không quân mang tên Yu.A.Gagarin. Sau khi ra khỏi Quân đội, ông tiếp tục hoạt động với tư cách cộng tác viên khoa học tại học viện này.

Được trao tặng huân chương "Sao Đỏ", huân chương "Phục vụ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang Liên Xô» hạng III, bằng danh dự "Chiến sỹ làm nhiệm vụ quốc tế" và 15 huy chương.
Được Chủ tịch nước VNDCCH Hồ Chí Minh trao tặng huân chương "Chiến công» hạng III, cũng như huy chương "Vì tình bạn chiến đấu".


Tôi đến Việt Nam công tác từ Trung đoàn không quân tiêm kích cận vệ số 53 được trang bị máy bay MiG-21, đóng quân tại thành phố Siauliai nước CHXV Lithuania, với chức trách phó chỉ huy trung đoàn. Tại đó còn có bộ tham mưu sư đoàn chúng tôi, thời đó do thiếu tướng không quân Antsiferov Evgeny Nikolaevitch chỉ huy, người sau này trở thành thủ trưởng trực tiếp của tôi, khi ông giữ trọng trách Trưởng nhóm chuyên gia Không quân Xô Viết tại Việt Nam. Trước khi đi Việt Nam, ông đến trung đoàn của chúng tôi, để nói lời tạm biệt với tập thể quân nhân. Chúng tôi chúc ông thượng lộ bình an và thành công trong môi trường hoạt động mới của mình. Ông cảm ơn chúng tôi và sau đó quay sang tôi mỉm cười nói: "Cậu Isaev này, tôi sẽ đưa cậu theo tôi sang Việt Nam". Câu nói đùa của tư lệnh sư đoàn sau này đã trở thành hiện thực.


........

qtdc:
(tiếp)

Về nguyên tắc, tôi đang mong một chuyến công tác biệt phái tại một đất nước khác. Điều này được giải thích bởi thực tế là tại sư đoàn đã thành lập thêm biên chế bổ sung cho một số chức trách ban bay: Phó chỉ huy trung đoàn, phi đội trưởng và phi đội phó phi đội này. Bằng cách đó người ta đã tạo ra ban chỉ huy dự bị cho sư đoàn, cho phép khi cần thiết phái đội ngũ ban bay đi công tác biệt phái mà không ảnh hưởng đến huấn luyện chiến đấu của đơn vị có người đi công tác. Vì vậy, tất cả những người đã vào biên chế dự bị ấy ở bất kỳ thời điểm nào cũng phải sẵn sàng khởi hành đi công tác nước ngoài.


Ảnh:Hàng 1: Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Xô Viết tại Việt Nam trung tướng Аbramov V.N., Hàng 2: ở giữa là trưởng nhóm chuyên gia không quân Xô Viết thiếu tướng Аntsiferov Е.N., trưởng nhóm chuyên gia tên lửa phòng không Xô Viết đại tá Stutchilov А.I.

Và thời điểm đó đã đến. Tôi và phi đội phó đại úy V.Velikanov, cũng như đại úy kỹ thuật hàng không Tomilets G.R. được trung đoàn trưởng triệu tập lên phòng ông, trao cho chúng tôi mệnh lệnh sơ bộ về việc chuẩn bị đi biệt phái công tác tới Việt Nam. Và sau đó tất cả mọi thứ đi theo sơ đồ đã định: trò chuyện trao đổi và dặn dò của các chỉ huy, cuộc trình diện Hội đồng Không quân, ở đó người ta say sưa nghe báo cáo của chúng tôi về nguyện vọng và sự sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của chính phủ trao cho chúng tôi. Và cuối cùng, cuộc trình diện tại Moskva. Đầu tiên, chúng tôi được hướng dẫn ở Cục Huấn luyện Chiến đấu Bộ Tổng tham mưu lực lượng Không quân, và sau đó đến Văn phòng Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Ở đây chúng tôi được ủy ban thẩm tra thông qua, và tôi vẫn còn phải tới các phòng ban mà người ta chỉ định, nơi các sỹ quan của văn phòng cho tôi các chỉ dẫn cuối cùng, còn tại căn phòng cuối cùng tôi phải làm quen với một danh sách các tài liệu kỹ thuật có sẵn tại Việt Nam và về sự cần thiết đặt những tài liệu bổ sung.

Sau khi xin phép, tôi bước vào căn phòng này. Sau bàn là một ông già, trông như một thiếu tá về hưu và đang nói chuyện điện thoại với một Maria Vanovna nào đó về khả năng điều trị bệnh đau thần kinh tọa, ông chỉ cho tôi ngồi xuống một chiếc ghế, vẫn tiếp tục nói chuyện điện thoại, nhưng với một chủ đề khác - làm thế nào để muối dưa chuột và cà chua .

Nhìn thấy nỗi mệt mỏi của tôi, ông kết thúc cuộc trò chuyện và hỏi: "Anh đi đâu? "Đi Việt Nam" - tôi trả lời. "Tốt!" - Ông nói. "Bây giờ tôi sẽ đọc cho anh biết ở đó có những sách kỹ thuật nào, sau đó anh hãy nói anh muốn nhận được thêm những gì". Ông mở các thư mục và bắt đầu đọc một danh sách các tài liệu tham khảo liên quan đến tên lửa phòng không ở Việt Nam. Tôi nói với ông rằng tôi là phi công-nhà hàng không, và tôi cần những cuốn sách về các chủ đề hàng không. Ông ta trả lời rằng cái đó không có nhiều, và tiếp tục đọc danh sách. Tôi không ngắt lời ông ta nữa. Sau khi đã đọc xong tài liệu gì đó về xe tăng, ông chuyển sang các sách cho các chuyên gia hàng không. Sau đó ông hỏi tôi: "Nào, anh sẽ đặt hàng tài liệu gì đây?". Tôi đáp lại là sẽ không đặt cuốn nào cả, tôi thích tài liệu có sẵn ở đó. "Phải," - thiếu tá nói - "khi tài liệu đến nơi, anh bạn đã trở về nhà rồi". Từ những lời khôn ngoan của viên thiếu tá trên, tôi hiểu ra rằng mạch giao thông vận tải giữa Việt Nam và Liên Xô đã bị phá hủy, và người ta thường không nhận được tin tức từ bạn bè và người thân. Tất cả những điều ấy sau này đã được thực tế xác nhận.

Hoàn thành xong các công việc trên, người ta cho chúng tôi về nhà, sau khi tuyên bố trước là sẽ thông báo cho chúng tôi thời điểm phải tập trung tại Moskva cho chuyến đi tới Việt Nam. Khi trở về trung đoàn, chúng tôi cùng với đại úy Velikanov lại tích cực tham gia vào các hoạt động bay. Khi thực hiện những chuyến bay tập luyện, được tổ chức vào thời gian đó tại trung đoàn, đã có những bất ngờ xảy ra: trong quá trình cất cánh từ mặt đất khi mang tải trọng bom, máy bay của Velikanov bị hư hại sát xi càng trái, kết quả là lúc hạ cánh phi công đã bị thương và bị gạch tên khỏi công tác bay. Vậy là, nhóm đã được lên kế hoạch đi công tác biệt phái của chúng tôi bị mất một phi công, ngay trước khi đến Việt Nam. Một vài ngày sau người ta triệu tập chúng tôi đến Moskva. Cùng có mặt còn có các cô vợ của chúng tôi, đến tiễn chúng tôi đi vào hành trình dài.

Trước khi khởi hành cần thực hiện một vài hành động nữa: trao lại thẻ đảng tại Ủy ban Trung ương, ĐCS Liên Xô, làm các giấy tờ thủ tục về tài chính và nhận trang phục. Số lượng đồng phục được cấp phát, theo ý kiến của tôi, đủ cho ba năm. Vỏ nệm được bó lại bằng dây. Phát sinh vấn đề, mang gì theo mình đây. Tôi đặc biệt bận tâm về vấn đề làm gì với đôi ủng cao su - mang đi hay không mang đi? Một mặt, nếu mang đi sẽ mất thêm chỗ trong va li. Mặt khác, một ý nghĩ trở nên sắc nhọn - nếu cho họ thì có phí không, nghĩa là, ở đó họ có thể cần nó. Và chợt tôi thấy một nhóm sỹ quan ngày hôm qua vừa trở về từ Việt Nam. Tôi tiếp cận một người trong số họ, và không làm mất thời gian, tôi hỏi thẳng: "Anh hãy cho tôi biết, ủng cao su có cần thiết hay không?". "Sao thế anh bạn - ông ấy nói - "ở bên ấy anh không thể không có nó được, nhất định phải mang nó đi".

May mắn thay trong nhóm này lại có người tiền nhiệm của tôi, người mà tôi phải đến thay phiên. Các sĩ quan văn phòng Bộ Tổng tham mưu đã tập trung tôi với ông ta lại, dành cho chúng tôi một phòng riêng để nói chuyện. Ông ấy giới thiệu cho tôi tình hình chính trị-quân sự đất nước này, tình hình công việc trong trung đoàn không quân, và cũng chỉ ra những điều tôi cần chú ý.
........

qtdc:
(tiếp)



Về các nghĩa vụ cá nhân của tôi, tôi đoán chừng dựa theo tên gọi chức trách của mình. Còn nó, một cách chung chung được gọi như sau - trưởng nhóm chuyên gia hàng không Liên Xô tại trung đoàn không quân tiêm kích lực lượng không quân QĐNDVN - Chuyên gia bên cạnh trung đoàn trưởng không quân tiêm kích - phi công - huấn luyện viên. Nghĩa là, tương ứng tôi sẽ có nghĩa vụ chỉ huy nhóm của mình, giúp chỉ huy trung đoàn nâng cao trình độ huấn luyện chiến đấu của trung đoàn và thực hành đào tạo ban bay về kỹ thuật lái và áp dụng nó vào chiến đấu trên máy bay MiG-21. Còn người tiền nhiệm của tôi giới thiệu cho tôi những phương pháp làm việc trong điều kiện chiến đấu của Việt Nam. Tôi cảm ơn ông về cuộc trò chuyện về công việc, cuối cùng hỏi ông một câu hỏi rất thường: "Thế đôi ủng cao su có nên mang theo không?". "Ủng thì ở đó không cần đâu" - người trò chuyện với tôi trả lời. "Nhưng một đồng chí lại nói với tôi rằng nhất định phải mang nó theo" - tôi gạn hỏi. Và khi đó ông ấy giải thích với tôi rằng tôi đã nói chuyện với chuyên gia tên lửa phòng không nào đó rồi, vì họ thực sự cần chúng. Sau mỗi đợt phóng tên lửa, họ thường xuyên phải thay đổi vị trí trận địa trong rừng rậm. Thế nên họ thực sự cần những đôi giày đó. Vậy là vấn đề với các đôi ủng cao su đã được giải quyết.

Một vài ngày sau, nhóm chúng tôi, gồm khoảng 24-26 người được đưa đến sân bay. Nhóm gồm phần lớn là sĩ quan tên lửa phòng không, còn các nhà hàng không chúng tôi thì chỉ có hai phi công. Đi cùng chúng tôi sau kỳ nghỉ phép trở về là Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Xô Viết phụ trách công tác chính trị, đại tá Polivayko Evgeny Ivanovitch.

Việc chia tay diễn ra rất buồn. Vợ và người thân của chúng tôi đã khóc. Đàn ông, cố gắng trong mức có thể, an ủi họ, và trong tâm hồn mỗi người chúng tôi đều cảm thấy xao xuyến, tôi tin rằng, ai cũng mong muốn nhanh chóng kết thúc thời gian chia ly nặng nề này và xe buýt đã nổ máy đi tới sân bay.
Vào thời gian đó, từ Moskva tới Bắc Kinh người ta chỉ thực hiện tất cả có một chuyến bay. Đồng thời, cứ một ngày chuyến bay được phi hành đoàn Trung Quốc thực hiện trên máy bay của mình, và ngày hôm sau chuyến bay lại được phi hành đoàn của chúng tôi thực hiện.

Chúng tôi đã gặp may - chúng tôi bay trên một máy bay Tu-104 của hãng Aeroflot với phi hành đoàn của chúng tôi. Qua hai lần hạ cánh tại sân bay trung gian chúng tôi đã đến Bắc Kinh. Lúc này quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã xấu nhiều. Ở Trung Quốc, Cách mạng Văn hóa đang hoành hành. Sau khi hạ cánh, quân biên phòng Trung Quốc vào thẳng trong máy bay bắt đầu kiểm tra hộ chiếu. Sỹ quan trực ban bằng một thứ tiếng Nga trọ trẹ hỏi: "Các anh bay đi đâu và các anh là ai?". Trưởng nhóm của chúng tôi nói rằng chúng tôi bay đến Việt Nam và là chuyên gia. "Nhưng các anh là chuyên gia về cái gì?". Anh ta tò mò hỏi. "Chúng tôi là những chuyên gia về điện" - trưởng nhóm lại trả lời, và bằng cử chỉ, ông lấy tay miêu tả quá trình xoáy bóng đèn vào đui cắm. Viên sĩ quan gật đầu tỏ dấu hiệu cho thấy anh ta đã hiểu tất cả, và yêu cầu chúng tôi rời khỏi máy bay. Khi đi xuống cầu thang, chúng tôi nghe thấy bài hát nổi tiếng ở đất nước ta và ở Trung Quốc, bài hát "Moskva-Bắc Kinh". Loa phóng thanh mở hết công suất phát ra điệp khúc: "Stalin và Mao đang lắng nghe chúng ta ...». Một cặp thực hiện bằng tiếng Nga, một cặp thực hiện bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi lập tức hiểu rằng bài hát được chơi dành riêng cho hành khách của chiếc máy bay của chúng tôi. Trong tòa nhà ga hàng không buổi hòa nhạc được lặp đi lặp lại, nhưng như người ta nói dàn nhạc sống: một dàn hợp xướng lớn, bao gồm người lớn, trẻ em và người già hát những bài hát phổ biến ở đất nước ta cũng như ở Trung Quốc.

Sau khi điền vào tờ khai, chúng tôi được mời lên máy bay, tiếp tục bay theo lộ trình Bắc Kinh-Quảng Châu (Canton). Đó là một chiếc máy bay Il-18 và nhóm hành khách chính là nhóm của chúng tôi. Sau khi máy bay cất cánh và lấy được độ cao đã định, hai nữ tiếp viên bắt đầu đọc các trích đoạn của Mao Trạch Đông bằng tiếng Anh và múa các điệu múa nghi lễ dành cho lãnh tụ của họ.

Tại Quảng Châu, chúng tôi ngồi đợi hai ngày. Phụ trách sân bay giải thích rằng khí tượng bay tại Việt Nam chưa phù hợp. Chúng tôi được bố trí trú tại khách sạn, nơi phải trả cho chỗ ở cũng như cho bữa ăn trong nhà hàng 25 nhân dân tệ, mà chúng tôi được cấp phát ở Moskva. Và nếu tính đến một số đồng chí đã tiêu tốn tiền ở Bắc Kinh, có thể cho rằng vào ngày thứ hai, nhiều người đã cạn tiền bạc. Tư vấn thì chẳng có ai - chúng ta không có Lãnh sự quán tại Quảng Châu. Chúng tôi quyết định gọi cho đại sứ quán của chúng tôi tại Bắc Kinh. Trưởng nhóm đi gọi điện, còn chúng tôi phải chờ kết quả của cuộc trao đổi. Kết quả là thế này - tại đại sứ quán người ta khuyên không nên ký bất cứ giấy tờ nào của khách sạn hoặc nhà hàng, và lúc chia tay hãy nói: "Các đồng chí hãy giữ lấy".

Và sau 10 phút người Trung Quốc mang lại phiếu thanh toán 25 nhân dân tệ cho cuộc đàm thoại. Lối thoát chỉ có một - đặt tất cả tiền bạc của ai còn lại, trả cho tất cả mọi thứ và đợi đến lúc ra phòng đợi ở sân bay chờ chuyến bay tiếp.

Lãnh đạo sân bay, sau khi hiểu rõ tình trạng khó khăn về tài chính của chúng tôi, quyết định rằng việc giữ chúng tôi lại sân bay không còn hữu ích nữa, chấp thuận cho chuyến bay tới Việt Nam xuất phát. Họ xếp chúng tôi lên một chiếc IL-14 hai động cơ piston và chúng tôi bay đi Việt Nam. Trong chuyến bay, phục vụ chúng tôi là một nam tiếp viên trẻ dáng người cao có đôi vai rộng và một nữ tiếp viên nhỏ nhắn xinh xắn. Họ cũng bắt đầu đọc các trích tuyển của Mao Trạch Đông, và chúng tôi thì thiếp đi vì kiệt sức. Và đột nhiên, họ dừng đọc và người nam tiếp viên nói bằng một ngôn ngữ Nga thuần khiết: "Chúng ta hãy hát bài hát "Chiều Moskva". Và cả hai bằng một giọng tuyệt đẹp cất tiếng hát bài hát này, tất cả chúng tôi như run lên, cùng cất tiếng đồng ca theo họ. Cứ như vậy cho đến khi hạ cánh tại sân bay Gia Lâm của Việt Nam, chúng tôi hát những bài hát Nga.


.......

qtdc:
(tiếp)

Máy bay còn lăn bánh nhưng qua cửa sổ tôi đã nhìn thấy một đám đông đi đón và trong số đó tôi nhận ra tướng Antsiferov Evgeny Nikolaevitch. Ông nổi bật lên bởi dáng người cao và cân đối. Trên đầu ông đang đội mũ sắt, tay cầm một cây quạt, quạt không ngừng xua cái nóng không chịu nổi. Chúng tôi hiểu ông đến đón chúng tôi, và tôi rất vui mừng vì tôi có cơ hội mang đến cho ông tin tức gia đình và quà của gia đình gửi cho ông. Sau cuộc đón tiếp, ông dẫn tôi vào văn phòng đoàn cố vấn quân sự xô viết, khi ấy đang đóng trong Đại sứ quán của chúng ta. Tại đấy trong cuộc trò chuyện với tôi, ban đầu ông quan tâm hỏi thăm tình hình công việc tại các bộ phận của sư đoàn mà ông từng chỉ huy, sau đó giới thiệu với tôi tình hình quân sự-chính trị tại Việt Nam và tình hình lực lượng không quân QDNDVN. Cuối cùng, ông đưa ra lời khuyên về những gì cần quan tâm trong công việc. Ông đặc biệt nhấn mạnh mối quan tâm nhằm nâng cao trình độ huấn luyện chiến thuật bay và kỹ năng chiến đấu của đội ngũ phi công trung đoàn, về nỗ lực kiểm tra việc chuẩn bị cho chuyến bay trên phương diện kỹ thuật hàng không và vũ khí và những vấn đề khác.

Ngày hôm sau tôi được giới thiệu với tùy viên quân sự đại sứ quán, sau đó tôi gặp tiếp phó của ông I.P.Shport - vốn nghề nghiệp là phi công. Một ngày sau đó, tướng Antsiferov E.N. đưa tôi đến giới thiệu với tập thể nhóm (chuyên gia) ở sân bay Nội Bài.

Vào thời điểm đó, Việt Nam đang ở vào mùa ta vẫn gọi là "mùa mưa" và nhiều chỗ trên đường chìm hẳn trong nước, nước nhanh chóng thâm nhập vào cabin qua một lỗ thủng bên sườn bị hư hỏng của chiếc "Volga" của chúng tôi. Chúng tôi co chân lên để nước không chui vào giày của mình. Nhưng ngay sau khi xe vừa nhảy lên đoạn đường khô ráo, nước lại nhanh chóng đổ ra ngoài qua chính lỗ thủng bên sườn xe này.


Nơi ở của chúng tôi.

Các chuyên gia hàng không của nhóm chúng tôi sống trên rìa một ngôi làng nằm gần sân bay, trong một ngôi chùa Phật giáo. Chùa này được bao bởi một bức tường đá hình bán nguyệt. Để nhanh chóng đi vào sân chùa, ai đó đã đục trên tường thành một lỗ không lớn, qua đó các chuyên gia của chúng tôi đi ra và vào khi ra xe đến sân bay và ngược lại. Trên đầu lỗ hổng đó có một tấm bảng nhỏ đóng đinh và có dòng chữ: "Ai có lỗ của người ấy!" Ông tướng nhìn tôi mỉm cười và nói: "Cậu sẽ mất một năm chui qua lỗ này mà về nhà". Ông là người đầu tiên, cúi xuống, luồn người qua lỗ, tôi chui theo ông, và chúng tôi đã ở trong sân chùa. Sân chùa là một diện tích khá rộng rãi, ở giữa sân mọc lên một cây đa khổng lồ nhiều rễ (Шагающее дерево) trên cây cũng có một tấm bảng nhỏ đóng đinh với dòng chữ - "Quảng trường những giấc mơ". Ở đây, bên gốc cây cả nhóm đã tụ tập chờ tôi và ông tướng tới. Evgeny Nikolaevitch giới thiệu tôi với nhóm. Chuyện về công việc bắt đầu. Các chuyên gia báo cáo về vấn đề của họ mà họ gặp phải trong công việc, các giải pháp khắc phục của họ. Sau đó, chúng tôi đi thăm thú quanh các chỗ ở nhóm chuyên gia của chúng tôi: gian ở, nhà bếp, phòng ăn, v.v. Nhóm được bố trí ở trong ba gian xây thêm liền kề với ngôi chùa. Các phi công sống trong một gian nhỏ. Tại đây đã có 4 chiếc giường có buông màn. Người ta chỉ ngay cho tôi thấy chiếc giường của tôi. Sống trong hai gian khác là tổ kỹ sư-kỹ thuật viên, các sỹ quan chỉ huy chiến đấu và bác sỹ hàng không, còn trong một ngôi nhà gỗ một tầng riêng biệt là các chuyên gia lắp ráp máy bay (lắp ráp từ các bộ phận rời vận chuyển đến). Tất cả các gian nhà thay vì các cửa sổ và cửa đi thì chỉ là những lối ra vào và hốc tường. Và một lần nữa tôi thấy chiếc bảng nhỏ đóng đinh đề chữ: "Không gian của những giấc mơ" - tại đó người ta trao đổi những tin tức khi nhận được thư nhà, tại đó người ta thả lòng theo nỗi buồn, khi nhớ về Tổ quốc của mình, nhớ những người ruột thịt và người thân khi mà họ thấy buồn. Họ đã định nghĩa cả những đường phố, ví dụ, Profsoyuznaya ulitsa là tên họ goi con đường mòn dẫn đến nơi ở của các chuyên gia lắp ráp máy bay (nghĩa là tới với phố công đoàn), còn đường phố Chạy Bộ - đây là con đường mòn dẫn đến nhà vệ sinh công cộng, v.v. Nhìn vào tất cả những điều đó, tôi nghĩ, người của chúng tôi kiên cường như thế nào, và hoàn cảnh dù khó khăn họ cũng vẫn vững vàng và thậm chí không hề mất cảm giác hài hước. Sau khi làm quen với bố trí của nhóm, họ mời tôi và Evgheny Nikolaevitch vào phòng ăn để ăn trưa.


........

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page