Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:33:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tâm sự đời tôi.  (Đọc 200116 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 01:51:33 pm »

                       IV/ Lịch sử lặp lại
-  Với tư tưởng dân tộc cực đoan cộng cái chủ thuyết chính trị bệnh hoạn, ngay những tháng đầu năm 1975 bọn lính Khơ me đỏ đã tấn công đảo Thô Chu bắt đi hàng trăm dân thường Việt Nam và liên tiếp những khiêu khích từ bên kia biên giới Tây Nam báo hiệu sự trở mặt phản bội của tập đoàn phản động láng giềng này. Nay chiến tranh tàn khốc nổ ra khi đội quân ác thú tàn sát dân lành, phá hoại các cơ sở kinh tế, phá hoại sản xuất, cướp bóc lương thực hàng hóa ở Thiện Ngôn, Xa Mát và các tỉnh biên giới. Hình ảnh lõa thể của các cô giáo là thanh niên xung phong quê Thái Bình tự nguyện ra biên giới dạy chữ cho con em các dân tộc thiểu số, bị hãm hiếp và tàn sát bằng lưỡi lê, thi thể các em học sinh không toàn vẹn là nỗi đau đớn mà dân tộc ta không bao giờ nguôi. Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta mất cảnh giác đến mức không bảo vệ được công dân mình ngay trên đất nước mình? Tôi nghĩ đó là một món nợ đớn đau với đồng bào, mà còn phải coi như nỗi quốc nhục phải nhớ suốt đời. Dù lịch sử đã lùi xa.
 - Giữa năm 1978 trung đoàn xe tăng 26 ra trận. Chúng tôi đóng quân ở khu vực tỉnh Tây Ninh, chỉ huy sở đóng trong một lô cao su gần tòa thánh. Là nhân viên ban tài vụ lo lương bổng, phụ cấp cho cán bộ chiến sĩ, tôi ở chung trong sở chỉ huy tác chiến. Và rồi những trận đánh khốc liệt diễn ra, đơn vị tổn thất khá nặng nề, nhiều đồng đội trong đó có đồng hương Giao thủy không về, có những đồng chí hi sinh mà ta không lấy được thi hài vì địch canh me hoài bên xác xe tăng bị chúng bắn cháy, có chỗ chúng còn hì hục tháo dỡ động cơ xe tăng, chuyển lên xe trâu đưa về căn cứ của chúng, không biết chúng sẽ làm gì với cái máy tổ chảng ấy. Bọn lính khơ me đỏ dùng chiến thuật du kích để đánh lại ta như những gì ta dạy chúng trước đây hồi chống Mỹ. Nhưng cũng phải công bằng mà đánh giá sự chủ quan của ta khi tưởng rằng đã làm chủ được vũ khí hiện đại của Mỹ, trong đó có số xe tăng chiến lợi phẩm, đặc biệt loại đại xa M 48  là loại thiết xa lái bằng vô lăng bán nguyệt duy nhất lúc đó, với hệ thống điều khiển bằng điện tử và hồng ngoại mà chiến sĩ xe tăng trẻ chưa nhuần nhuyễn, nhất là trong hoàn cảnh chiến sự, hơn nữa bánh xích xe tăng M 48 có đế cao su, là một trong những nguyên nhân thất bại của lục quân nói chung và thiết xa Mỹ nói riêng ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á vì gặp rất nhiều khó khăn khi vận động chiến đấu trên những chiến trường có ruộng nước đầm lầy, nhược điểm đó ngược lại với bánh xích của xe T54, T55, T59 toàn mấu sắt bám cực tốt, được điều khiển vận động và bắn pháo hoàn toàn bằng cơ điện thông thường. Vấn đề thứ hai thuộc về chiến thuật, sau chiến thắng lẫy lừng mùa xuân 1975, quân ta đã chủ quan ỷ vào vũ khí mạnh, ta tổ chức trận đánh theo kiểu hiện đại, dùng thiết xa, trực thăng có hỏa lực mạnh càn quét nhưng tụi địch thì chơi trò du kích, tung hỏa lực rồi biến, thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng cây khộp to cao, không có cây núp xúp và giây leo, nền cát mịn chạy thoải mái như những con thú rừng, và chúng không tổ chức những ổ đề kháng lớn. Trong khi đó chiến thuật tác chiến của toàn quân chủng hợp thành thiếu đồng bộ, thiết giáp hợp đồng tác chiến với bộ binh không chuẩn, không giữ và làm chủ được trận địa, thậm chí ta chủ quan coi thường, đánh giá địch là đám giặc cỏ. Bài học (biết ta mà không biết địch) đó phải trả bằng máu bao chiến sĩ đồng bào. Tất nhiên sau những tổn thất trận đầu, đơn vị đã kịp thời rút kinh nghiệm xương máu để sau đó đơn vị tôi tiến quân như vũ bão về phía Tây giáp Thailand trong khuôn khổ chiến lược, chiến thuật tác chiến của mặt trận 479.( Mấy năm sau, khi công tác ở Siemreap, nghe tin trung đoàn 26 đang tác chiến ở Sisophon, tôi tới thăm và được anh Tính, anh Luân ở hậu cần và các anh bên ban tác chiến tâm sự nhiều vấn đề cuộc hành binh vừa qua của đơn vị).
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 05:34:13 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 01:54:37 pm »

        V/ Bước ngoặt đầu và hành trình gian khổ
- Chiến sự đang hồi khốc liệt thì tôi nhận được lệnh về thành phố học quân y. Đời tôi bắt đầu một ngả rẽ mới. Mười chín tuổi xuân, bốn tuổi quân, hàm trung sỹ và trở thành học viên trường quân y thuộc cục quân y, tổng cục hậu cần. Có lẽ đây là duyên tiền định. Giữa rừng cao su Tây Ninh, vừa chuẩn bị ba lô vừa nghĩ lại cái mơ ước ngày nào khi còn là anh lính nuôi quân ở trạm xá Trung đoàn 26 thiết giáp nay đã được thỏa ước nguyện. Từ đây tôi bắt đầu có điều kiện nối nghiệp cha ông, và cũng từ đây tổ nghiệp đã phù hộ tôi đạt những thành quả ngoài mong đợi mà chắc nhiều đồng niên, đồng nghiệp, đồng hàm không được may mắn như tôi, nếu chỉ ngẫu nhiên coi là một nghiệp. Cũng vì từ khởi nghiệp đến thành công, tôi nguyện sống chết vì nghiệp y, giữ gìn y đức. Rồi sau này chọn một nửa của mình là Em vừa cùng nghành y vừa là đồng đội trên chiến trường máu lửa. Khi con gái lớn lên, tôi hướng cho con gái theo nghề là thể hiện sự toàn tâm toàn ý của tôi với nghề y vậy. Khóa tôi học là khóa thứ hai của trường quân y thành lập sau ngày giải phóng miền Nam. Y32 là nơi tôi bước vào nghề y với những kiến thức được các thầy truyền thụ đã trở thành hành trang trong bước đường phấn đấu tiếp theo của đời tôi, và cho đến nay(2010) tôi có thể nói “ Ngoài ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Tất cả những gì tôi có trên cuộc đời này đều là kết quả xuất phát từ cuộc đời sĩ quan quân y. Đó là thành quả của y nghiệp, tôi nguyện mãi tôn thờ”. Những năm ngồi trên ghế nhà trường là những năm cọ sát trong cuộc sống khá nhiều, trưởng thành nhiều, hiểu biết nhiều và cả cảm nhận sự ngây ngô ngớ ngẩn cũng nhiều, để lại những dấu ấn khá đậm trong cuộc đời chiến sỹ. Vấn đề đầu tiên là (Đói), cái đói ám ảnh tôi thủa âu thơ lặp lại, dù không tuyệt vọng bằng. Cả năm 1978 trường tôi không hề được một bát cơm đúng nghĩa. Bữa ăn sáng chiều là hai cục mì luộc không men, nếu chọi trúng đầu thì chó cũng chết, còn bữa trưa được ăn hai bát bo bo bung, thêm một bát canh (toàn quốc)  gồm nước + chút ít rau muống và nước mắm (đại dương) là nước muối, hành phi + bột ngọt.  Bởi vậy sáng hôm trước có mấy lớp phân viện hai học viện quân y không  ăn mỳ luộc mà đến sáng hôm sau BBC Radio đã đưa tin: sinh viên quân y tuyệt thực. Riêng tiểu đội một của tôi thông qua một đề xướng do trung sĩ Quyết tiểu đội trưởng (nay đang là sĩ quan tại ngũ) và sự chuẩn y của bộ tứ gồm Trung sỹ Ngát tiểu đội phó, tôi trung sỹ phân đoàn trưởng, hạ sỹ Lê Trương phân đoàn phó (nay là giám đốc bệnh viện quận 5) với nội dung: “tất cả nam y sinh của tiểu đội nếu chọn người yêu thì chỉ được chấm mấy cô ở kho hậu cần hoặc ở nhà bếp, với mục đích các em vì tình yêu mà viện trợ thêm thực phẩm cho tiểu đội cải thiện mỗi cuối tuần, ngoài các đối tượng trên cả tiểu đội sẽ tẩy chay bằng cách không cho tiếp người yêu trong doanh trại ngày nghỉ. Nhờ sáng kiến này mà tiểu đội tôi có thêm củ sắn tươi, khoai lang, ngô bắp, mắm kem, mì sợi và đôi khi có thêm gói bột nêm để nấu canh rau muống do chúng tôi tự trồng bồi dưỡng thêm chiều thứ bảy và đặc biệt thường xuyên được viện trợ một tảng bo bo cháy sém vàng rộm to cỡ nửa mét vuông từ em Trinh người yêu của tiểu đội trưởng. Tuy là những chuyên láu cá nhỏ nhoi nhưng là sự thật, đánh dấu một thời kỳ học hành vô tư trong hoàn cảnh cùng quẫn về lương thực của trường quân y nói riêng và của đất nước nói chung trong thời hậu chiến. Chuyện này nhắc lại để tôi và con cháu nhớ mãi một thời chiến tranh, một thời hòa bình, cái nhục mất nước, cái nhục nợ lần, cái ảnh hưởng tất nhiên của cuộc trường kỳ chiến đấu vì độc lập tự do và sự trớ trêu nhân thế bạn thù. Nhưng nếu không có truyền thống thắt lưng buộc bụng của dân tộc, nếu như không có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì đất nước đi về đâu trong giai đoạn lịch sử này? Chương trình học tập của chúng tôi rất gấp gáp với mục tiêu đào tạo ra chủ nhiệm quân y trung đoàn và quân y tiểu đoàn, kỷ luật quân đội đã là thép mà kỷ luật trường quân đội lại càng khó thở hơn, do vậy chúng tôi thường bị cấm trại, tập trung thời gian tự tu tại trường trong các ngày nghỉ. Tuy nhiên cái mệnh danh (thứ ba  học trò) vẫn đúng với cả hoàn cảnh này vì chúng tôi hay trốn qua rào kẽm gai phía sau trường sát với tường bảo vệ của khám Chí Hòa ra ngoài đi chơi, thậm chí tụi nam y sinh lớp tôi còn gây hấn choảng nhau với vệ binh trường.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 05:38:54 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 02:08:54 pm »

. Nghĩ lại thấy xấu hổ vì những trò trẻ con như thế. Tuy nhiên lớp Y 32 của tôi cũng luôn dẫn đầu các phong trào của trường như thành tích duyệt đội ngũ đẹp nhất, tôi luôn đứng ở vị trí sĩ quan chỉ huy đầu khối quân, kế sau là trung sĩ Cành vác quân kỳ,  hạ sĩ Châu và hạ sĩ Trương bồng súng bảo vệ hai bên cờ, tiếp theo tới khối quân của lớp Y 32 với thành phần nam y sinh cao to đều nhau được tuyển chọn, các bạn nữ và nam thấp bé nhẹ cân của lớp phải tập trung hai bên cánh gà khán đài cổ vũ. Thành tích văn nghệ, thể thao cũng luôn đầu đàn, trung sĩ Thành (nay là cán bộ giảng dạy tại Trung Tâm đào tạo và nghiên cứu y học quân sự. CQY) bị mệnh danh là Thành Chéc vì dáng người ngũ đoản như nhân vật Checnomo có bộ râu dài pháp thuật trong bộ phim (Rusilan & Lutmina) của Liên xô nhưng sức khỏe tuyệt vời, chạy nhanh như sóc và là cây làm bàn các trận bóng đá của trường và của khu vực cục quân y phía Nam. Còn tôi là một hạt nhân văn nghệ với giọng nam cao, tham gia văn nghệ lớp và cả trong đội văn nghệ trường đi hội diễn văn nghệ quần chúng khối tổng cục hậu cần phía Nam. Ngoài ra  thành tích tăng gia rau xanh luôn vượt chỉ tiêu. Qua những cái nhất ấy tất nhiên do sự cố gắng của tập thể lớp nhưng riêng thành tích duyệt đội ngũ luôn dẫn đầu thì tôi nghiệm ra là: Trong hơn một chục khối quân tham gia duyệt đội ngũ mỗi đầu tháng, lớp tôi gặp thuận lợi thứ nhất là đạt điểm cao ngay lần duyệt đầu và dĩ nhiên lần duyệt sau, khối quân lớp tôi sẽ được xếp đi đầu, gần khán đài nhất cho nên chỉ đi đều mấy chục bước, đến vạch sơn trắng khu khán đài, tôi hô to: bên phải...Chào, cả khối quân dập gót đi nghiêm, hàng dọc bên phải vẫn nhìn thẳng theo vạch sơn trắng để giữ chuẩn, năm hàng dọc còn lai quay mặt nghiêng qua phải chào lãnh đạo trên khán đài rất chuẩn mà đội ngũ không chệch choạc, không lỗi bước. Thuận lợi thứ hai là lớp Y 32 gồm toàn bộ là quân nhân trẻ khỏe và chiều cao cân nặng khá đồng đều, do vậy lớp tôi luôn dẫn đầu mấy năm suốt khóa học. Ngược lại những khối quân của các lớp khác, nhất là các khối chuyên tu toàn các anh già bị xếp ở vị trí càng xa khán đài càng dở, bước lỗi nhịp do đi đều quá xa, đến ngang khán đài thì chân đã mỏi, dập gót đi nghiêm rất hay lỡ bước. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, toàn  bộ phần lý thuyết y học cơ sở kết thúc êm ả. Sang phần thực hành cũng xuông sẻ, chỉ có vài lấn cấn nhỏ khi thực hành môn giải phẫu. Suốt ngày chúng tôi ngồi mân mê với mô hình và đống xương  khô queo để xác định vị trí các điểm giải phẫu, nhận biết loại xương và tìm những điểm ngoại khoa tương ứng bên ngoài. Tiếp theo, chúng tôi thực tập tại phòng thí nghiệm về môn phẫu thuật thực hành với những bài thực tập cắt cụt chi, bộc lộ mạch máu cấp cứu hay cấp cứu vết thương ngực hở. Và cũng xảy ra chuyện dở khóc dở cười. Thường thì sau buổi thực tập của kíp nào thì kíp đó được ưu tiên mua lại con chó với giá rẻ từ ban cung ứng cơ sở vật chất của trường để về thịt, do vậy rút kinh nghiệm lần trước gây tê sâu rồi thực hành thì sau thời gian phẫu thuật và theo dõi hậu phẫu đạt kết quả mỹ mãn cho đến lúc thầy trợ giáo kiểm tra vật thí nghiệm vẫn còn sống theo đúng yêu cầu của bài và cho kết thúc buổi thực tập, lúc đó chúng tôi mới cắt các nguồn duy trì sinh tồn và đưa chó đi thịt. Nhưng thịt ra rồi chế biến thành món ăn, ăn vào có vị đắng chát mắc ói do thuốc tê nhiều quá, đành bỏ đi mà lại tiếc mười hai đồng. Lần này chúng tôi gây tê ít, trong quá trình thực tập, chó kêu la quá trời và chết ngay trên bàn mổ vì shok do đau. Thế là cả tiểu đội I trong kíp thực tập bị trừ điểm thực hành mà còn phải đền con chó cho ban cung ứng cơ sở vật chất trường trước cái lắc đầu và chép miệng ngao ngán đầy bí ẩn, rất cá tính của thầy An, thiếu tá bác sỹ chủ nhiệm môn phẫu thuật thực hành. Kết thúc môn bằng buổi sát hạch tại phòng mổ thực hành. May mắn như mong đợi, kíp mổ tiểu đội một của tôi  bắt trúng thăm (cắt cụt chi cấp cứu và rồi kết thúc bài thi với kết quả mỹ mãn vì chỉ cần gây tê vô cảm tốt thì thoải mái mổ ngang mổ dọc, lưu ý đảm bảo thời gian của đề thi. Lỡ bắt phải thăm chỉ định thắt mạch máu đùi cấp cứu hoặc cấp cứu vết thương ngực hở thì dễ bị năm ăn năm thua vì thời gian tính từ lúc giám thị tạo vết thương xong, nếu kíp mổ không khẩn trương hay vụng về một chút thì con chó chết ngay trên bàn mổ do mất máu cấp hoặc tràn khí màng phổi.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:25:33 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:11:18 pm »

. Tiếp theo, chúng tôi đi thực tập lâm sàng ngoại khoa tại khoa ngoại quân y viện 115 cục quân y, do thiếu tá bác sĩ Tâm làm chủ nhiệm. Đây là thời gian được ghi vào tâm khảm tôi với không gian các phòng trệt khu B. thương binh nằm la liệt, những cơ thể thiếu hụt méo mó. Có anh tay chân treo tòn teng trên giá đỡ, có anh với nhiều vết thương, băng trắng cùng mình chỉ còn thấy đôi mắt, có vết thương phần mềm ở đùi to hơn bàn tay để hở nhìn xuyên bên này qua bên kia, gim móc sắt vào củ xương chày treo cao và liên tục nhỏ giọt dung dịch Gentian 24/24h. Mỗi chiều sau thời gian tiếp nhận thương binh, phân loại và xử lý thương tích, các chị y công lại cùng nhau khiêng từng rổ lớn phủ bên trên là những tấm xăng vải trắng đựng tứ chi và các cơ phận khác bị loại của thương binh, qua ngay khoảng đất trống cạnh khu C khoa ngoại chôn cất mà không để lại dấu tích trên mặt đất (nay khu đất đó trở thành nhà ở của cán bộ nhân viên viện 115). Đặc biệt toàn trại luôn có mùi khó tả của sự phân hủy protid mà suốt đời tôi nhớ mãi mặc dù các chị y tá y công rất tích cực vệ sinh lau dọn. Ngay đến bây giờ mấy chục năm trôi qua mà thỉnh thoảng trong chiêm bao tôi vẫn thoáng nhận đầy đủ dư cảm ấy. Thường mỗi chiều, xe cứu thương của quân y viện nhận thương binh từ chiến trường Kampuchea về từ sân bay Tân Sơn Nhất qua đường không quân vận. Tới bệnh viện, phải để các anh nằm ngoài hành lang hoặc ngay ngoài sân để phân loại thương tật vì thương binh về mỗi ngày số lượng nhiều nên phòng ốc điều trị cũng hết. Đau đớn kêu than, shok ngất liên tục, có những vết thương dòi chui ra nhung nhúc mập trắng tròn quay. Hai thương binh là hai chú cháu ruột từ hai phía mặt trận Đông Tây về viện cứ đòi nằm gần nhau, tuy cả hai không còn tay chân nào mà cứ hát (cuộc đời vẫn đẹp sao). Những ngày sau thân nhân hai thương binh tới thăm, lúc đó mới được biết ông sĩ quan cao cấp là ba và ông nội của họ, thật là những mất mát khôn cùng. Trở lại quá khứ: Tiền thân quân y viện 115 là quân y viện của quân lực VNCH mang tên thiếu tá quân y Dương Ngọc Minh bị tử nạn do rơi may bay khi thị sát chiến trường Tây Ninh. Ở vị trí sát đường nội bộ chính còn bức tượng bê tông của Ông nhìn ra sân thể thao của trường, sau đó bức tượng bị đập bỏ. Hiện nay sân thể thao là toàn bộ diện tích của Viện Tim thành phố, còn khu giảng dạy của phân viện 2 học viện quân y nay là Trung Tâm đào tạo và nghiên cứu y học quân sự
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:52:49 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:44:56 pm »

. Là một quân y viện với qui mô chỉ xếp hạng dưới tổng y viện Cộng Hòa (Viện 175) nhưng chế độ cũ xây dựng chưa hoàn chỉnh các hạng mục công trình thì giải phóng miền Nam, do đó lúc chúng tôi thực tập thì quân y viện 115 chỉ có hai phòng trung phẫu cải tạo từ khu trệt của dãy nhà hành chính mà phải cáng đáng lượng thương binh từ chiến trường về quá lớn chủ yếu là thương tích do hỏa khí, nên phòng mổ luôn quá tải, các trường hợp tiểu phẫu được thực hiện tại phòng mổ nhỏ nằm trong nội vi khoa ngoại. Đến hơn một năm sau, khu đại, trung phẫu được hoàn thành với sáu phòng mổ hiện đại mới đáp ứng yêu giải quyết thương tích chiến trường. Một chiều, mặc dù đang là giờ nghỉ, lịch trực phân loại thương binh từ sân bay về trong ngày thuộc Y 12, nhưng lớp Y 32 chúng tôi được lệnh tập trung gấp tại phòng mổ này. Đại úy bác sỹ Toki bắt tụi thực tập chúng tôi phải dí mũi vào ngửi mùi vết thương đang hoại tử do hoại thư sinh hơi trong khi cắt đoạn chi cấp cứu nhằm cho y sinh phân biệt với vết thương hoại tử do những nguyên nhân khác. Trời ơi! Suốt đời sẽ không quên được mùi cóc chết. Quan sát tình trạng thương tích tại chỗ với đặc điểm miệng vết thương rỉ dịch nâu đỏ, không độ quánh, da tại chỗ đen xám nổi mụn rộp, nắn vào có cảm giác lạo xạo như bóng nước vỡ dưới tay. Đây là cách dạy trực quan có lẽ tác động tư duy tốt nhất cộng với sự kiên quyết của thầy nên chúng tôi không còn sự lựa chọn cách học tập khác, cùng với lời huấn thị của thầy là “Các anh các chị phải là lớp y sinh may mắn lắm mới được cảm nhận mùi hoại thư sinh hơi đặc hiệu” Mặc dù rất cứng rắn trong giảng dạy nhưng đại úy Toki cũng rất yếu mềm tình cảm khi chứng kiến ông khóc nức nở chia tay trường lớp, bắt buộc rời khỏi quân đội trong sự cố biên giới phía Bắc (1979) vì ông là người Hoa. Một gương mặt đáng nhớ là thầy trợ giáo, trung úy y sỹ già Mười Lem tay xả garo vết thương đứt mạch máu, miệng luôn tươi cười hát tếu làm cho mấy anh thương binh đang đau cũng phải cười theo, ông là một phẫu thuật viên ngoại chấn thương giỏi của quân y viện 115 thời bấy giờ mà mức độ nào đó tôi cảm thấy thần kinh ông không bình thường, hoặc đã chai thành thép qua những biểu hiện: Hoạt động trong quân đội từ nhỏ, được đào tạo và công tác tại một đội phẫu trong chiến khu D. Đất nước thống nhất, về thành phố với dáng người gầy đét, đen nhẻm, hay uống rượu, lúc vui thì vui quá mức, đôi lúc lại rất trầm ngâm, hơn bốn mươi tuổi mà không lập gia đình riêng, cuộc sống sinh hoạt của ông đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn. Đặc biệt ông bắt tay vào các ca phẫu chấn thương: cắt cụt chi, loại bỏ phần mềm hoại tử, xử lý vết thương garo nhanh nhẹn gọn gàng như cái máy và tôi quan sát thấy khuôn mặt ông lúc đó không có biểu hiện cảm xúc gì khác thường, lâu lâu lại làm thơ châm biếm  đồng nghiệp ngoại khoa khác. Tiếp theo là học phần về ngoại bụng ngực, trong quá trình tiếp thu những kiến thức các thầy truyền thụ chúng tôi cũng có những thảo luận khá sâu sắc thú vị giữa lý thuyết và thực hành bệnh viện. Ví dụ: Sau bài giảng về khám phát hiện dấu hiệu ngoại khoa bụng ngực của giảng viên. Buổi chiều khi thầy tham gia hội chẩn tại khoa ngoại. Cả tốp chúng tôi bám theo ông xuống khoa ngoại theo dõi ông khám một ca bệnh có triệu chứng ngoại khoa ổ bụng. Lý thuyết thì dạy trước khi khám ổ bụng phải thoa hai bàn tay vào nhau cho ấm mới đặt lên bụng bệnh nhân để tránh bị lạnh sẽ phản ứng co cứng cơ đột ngột, nhẹ nhàng êm ái khi sờ nắn, phải thấu cảm ân cần, phải sử dụng cảm giác ô mô cái ô mô út ra sao và chú ý nghệ thuật sử dụng những ngón tay. Vậy nhưng khi theo dõi ông khám chỉ bằng mấy đầu ngón tay, ấn ấn xoa xoa khắp các điểm trên bụng bệnh nhân là xong trong im lặng chăm chú và những ánh mắt trao đổi ngầm của học viên chúng tôi, sau này lúc trao đổi hành lang, chúng tôi đùa : Thực hành như lý thuyết là cách học viên phải tuân thủ, còn kiểu khám lâm sàng thế nào là của từng thầy, cấm thắc mắc trao đổi. Tất nhiên tụi y sinh chúng tôi dại gì mà ý kiến nhưng một điều mà ai cũng nhận thấy các thầy bằng cấp chuyên môn cao khi giảng dạy chúng tôi, có thái độ rất lạnh lùng với học viên, không giao lưu ngoài bài giảng từ lúc  vào rồi  ra lớp chứ không tình cảm như những thầy tại trường và các bác sĩ ở các quân y viện.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:49:02 pm »

. Và một kỷ niệm thời kỳ thực tập ngoại bụng ngực xảy ra. Buổi sáng tập trung hai tổ của tiểu đội 1 theo dõi khám hội chẩn bệnh nhân Nguyễn Văn Xứng 37 tuổi học viên Y 13 với triệu chứng đau bụng. Các kết quả cận lâm sàng nghèo nàn. Về lâm sàng : không sốt, cơn đau dữ dội hai giờ trước đó, có ói, bí tiểu, dấu hiệu Macburney+. Kết luận viêm ruột thừa cấp. Quyết định mổ. Sau khi rửa tay vô trùng, hai tổ học viên tiếp cận quanh bàn mổ khoanh tay theo dõi. Thượng úy bác sĩ Nguyễn Chơn phẫu thuật viên chính, trung úy y sĩ Hùng phụ mổ và kíp phục vụ của khoa ngoại tiến hành. Với mấy nhát rạch điểm Macburney trên cái bụng khá phì nhiêu, một tảng mỡ vàng nhạt bị loại, lúc ấy mới bộc lộ được khu hỗng hồi tràng nhưng…ruột thừa không có dấu hiệu viêm. Bác sỹ Chơn phó chủ nhiệm khoa ngoại quyết định cắt bỏ ruột thừa vì nỡ mở ổ bụng rồi. Sau đó vì hết thời gian thực tập ngọai khoa nên thời gian hậu hậu phẫu chúng tôi không được tiếp tục theo dọi bệnh nhân cũng là đồng môn và việc giải quyết hậu quả của ca mổ nhầm chắc chắn cũng nhẹ nhàng trong tầm của các thầy ở khoa ngoại. Những gì đến với chúng tôi thời gian qua trở thành kỷ niệm khó quên kể cả khía cạnh nhân bản trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau này gặp lại bác sĩ Xứng, anh cho biết: nửa năm sau lại xuất hiện cơn đau và chẩn đoán lần này là sỏi bàng quang, ứ nước thận phải, không loại trừ lần đau trước và bị mổ là do một (xá lị) nằm ở eo gấp niệu quản vắt qua bờ ngoài xương chậu trùng điểm Macburney mà không phát hiện ra do gặp toàn (bác sỹ giỏi) hơn nữa thời ấy lấy đâu ra kỹ thuật siêu âm. Tiếp theo là thời gian đi thực tập lâm sàng tại bệnh viên về nội tổng quát. Với mấy tháng khá vất vả vì phải rồng rắn cuốc bộ từ trường theo đường Nguyễn Tri Phương nối dài nay là đường Thành thái), qua mấy ngã tư ngã năm ra đường Nguyễn Trãi tới quân y viện 7A ngày bốn lần. Ngày nắng ngày mưa rất cực dưới sự hướng dẫn của thượng úy bác sỹ Thu Hồng, chủ nhiệm khoa nội nhiễm (chị Hồng là con gái thiếu tướng Đồng Văn Cống, dù là lá ngọc cành vàng nhưng rất tâm lý và tận tình với học viên) và một lần nữa chúng tôi phải ngửi mùi phân lỵ trực trùng, là căn bệnh khá sẵn ở khoa này. Thế rồi thời gian thực tập bệnh viện qua nhanh trong sự hối hả của thời cuộc.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #86 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 04:08:23 pm »

           Chào bác vetran! Như vậy bạn là bác sy Quân y. Chúc mừng bạn, Quân đội đã cho bạn được nghề cao quý nhất là nghề Thầy thuốc. Nghe bạn kể về học cũng "Sởn da gà" lắm. TP lễ ra cũng đã được học tại QY VIỆN 115 đó. Nhưng số phận lại bắt TP cầm súng tham gia chiến đấu ở BGTN.

           CHÚC BẠN LUÔN VUI KHỎE ĐỂ KỂ TIẾP CHUYỆN CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH!
Logged
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 04:15:07 pm »

Anh Thơ viết tiếp: Cuộc sống gần hai chục nữ chiến sỹ của trung đoàn vận tải 685 êm đềm trôi trong sự bình yên phố thị, chúng tôi được đồng đội nam từ thủ trưởng trung đoàn, các phòng ban tới chiến sỹ lái xe chăm sóc động viên rất nhiều nhất là ba nữ quân y chúng tôi, vì vậy việc thực hiện nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng thoải mái và phấn khởi.  Tuy nhiên khi xuất hiện một vài Duble thì cũng đồng thời xuất hiện sự phân hóa mối đoàn kết rất vững bền trước đó trong cái thế giới nữ chiến sĩ chúng tôi. Nhưng có lẽ cũng chỉ là chuyện của "hai người đàn bà và con vịt" cho nên chúng tôi vẫn rất tích cực hoàn thành nhiệm vụ, vẫn tích cực mỗi chiều quảy bình hoa sen ra triền Tonlesap tưới rau và tán chuyện inh trời, mà cũng đồng thời cứ ra khỏi cổng gác lại cảm thấy không khí dễ thở hơn, mặc dù trong đơn vị cũng rất thoải mái. Lâu lâu thủ trưởng cho một vài đứa về Việt Nam và cũng không quên bắt chước các anh vận chuyển một số gói bưu phẩm về chợ Tân Bình, nhưng thường đồ đạc tư trang của chiến sĩ nữ được các anh cửa khẩu đặc cách miễn kiểm tra khi nhập cảnh, nên khi qua trót lọt rồi lại thấy tiếc, phải chi mua thêm ít hàng nữa bỏ dưới cái túi đựng phụ tùng thì thắng rồi. Xin chào tất cả các anh chị CCB...Bữa sau viết tiếp
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 06:52:03 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 06:08:56 pm »

Cám ơn bác Tranphu314 - đồng nghiệp hụt! Đúng như vậy: Ngoài ơn sinh thành của cha mẹ, còn lại cho đến hôm nay tất cả những gì tôi có ở trên cuộc đời này (kể cả vợ con, kể cả mọi vật chất, tinh thần và tri thức để tri hành đến thành công trong cuộc sống hiện tại) đều xuất phát từ môi trường quân đội, dưới nhiều mái trường quân đội trong đó ngành y đối với tôi, với vợ con tôi đã trở thành (duyên nghiệp). Thời gian quân ngũ đã trở thành huyết nhục trong tôi. Chân dung người chiến sĩ quân đội mãi mãi trong trái tim tôi.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 05:45:11 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #89 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 06:56:09 pm »

. Thế rồi thời gian thực tập bệnh viện qua nhanh trong sự hối hả thời cuộc. Tiếp theo chương trình thực tập đông y, lớp y 32 được sống trong không khí se lạnh và sương mù dày đặc cả ngày tại khu vực sân bay Camly thành phố Đà Lạt khoảng hơn một tháng với chương trình trồng cây bạc hà lấy tinh dầu và thu hái dược liệu vùng ôn đới. Đà lạt với cái lạnh hanh hao, khắp nơi chỗ nào cũng có hoa, đặc biệt loài hoa chỉ có ở Đà Lạt, Mimosa tím. Phụ nữ Đà Lạt có nước da đẹp lạ nhưng đàn ông thì ngược lại, da xám như chì lầm lũi cần mẫn với một nếp sống khá khép kín của các dân tộc thiểu số cao nguyên. Ở Đà Lạt tôi ghi nhận một điều khi thấy người bản xứ cao nguyên tiếp xúc nói chuyện rất bình thường với du khách Malaisia và Indonesia, tôi nghĩ họ cùng chủng tộc và trong quá khứ bằng cách nào đó tổ tiên họ di cư đến cao nguyên này, có lẽ trước hơn nhiều thời điểm Dr.Yesin khám phá ra Đà Lạt. Trong thời gian thực tập, ngày chủ nhật chúng tôi cũng chỉ lang thang trên mấy quả đồi sâu trong vùng sân bay Camly mà mỗi quả đồi đều có một căn biệt thự hoang với những bức tường dày như lô cốt và căn nào cũng có lò sưởi than được xây từ thời Pháp, theo quan sát của tôi, sự hoang phế này chắc đã nhiều chục năm vì gạch ngói đã mềm mủn và xà gỗ ải mục, mái ngói sập gần hết, các tảng đá xếp bậc từ dưới chân đồi lên cũng rạn nứt phôi phai, cây to mọc chắn hẳn lối lên. Cả thời gian thực tập có hai lần ra thăm phố phường thắng cảnh ở khu vực thủy tạ hồ Xuân Hương vì vừa không được phép mà cũng không có tiền. Thời gian tiếp theo chúng tôi về khu vực thành Tuy Hạ Nhơn Trạch thực tập thu hái dược liệu vùng nhiệt đới và nấu cao lỏng Lạc tiên (chùm bao). Thành Tuy Hạ – một kho vũ khí, vùng thu hái dược liệu ngay trong khu vực kho, rất nhiều loại vũ khí cá nhân nhưng tôi không dại như ở Long Bình nữa cho nên không thèm bén mảng.
-  Có lẽ dưới con mắt của các nhà hoạch định chiến lược toàn cầu về trật tự thế giới nhận thấy đất nước ta  luôn là khu vực Địa – Chính trị nhạy cảm, cho nên một lần nữa ‘họa vô đơn chí’. Tổ quốc lâm nguy. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đối trọng bạn thù lệch hẳn rất bất lợi cho ta vì tâm địa bành trướng từ ngàn năm lại trỗi dậy khi chúng nhận thấy chiến lược dùng bọn Khơ Me đỏ đánh phá ta đang bị phá sản. Các đơn vị chiến đấu chủ lực dàn quân ra Bắc, chúng tôi cũng không có sự lựa chọn, thời gian thực tập lâm sàng rút ngắn. Tiếp theo chúng tôi đi thực tế về (chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn) trong học phần Y học quân sự ở các đơn vị chiến đấu tại mặt trận 479.
-  Theo tuyến giao liên của cục vận tải tổng cục hậu cần. Chúng tôi tới thủ đô Phnompenh – Kampuchea sau một ngày hành quân qua cửa khẩu Mộc Bài-Tây Ninh. Các bạn nữ được thực tập ở quân y viện V binh đoàn Cửu Long tại thủ đô. Nam học viên thực tập ở Sư đoàn 7 binh đoàn Cửu Long trong khuôn khổ tác chiến của mặt trận 479 tại tỉnh Komponspeu. Xuất phát từ thủ đô Phnompenh hành quân đi cố đô Udong. Ba tháng đầu tiểu đội một của tôi thực tập tại trạm xá sư đoàn, nói chung việc thu dung điều trị thương bệnh binh từ chiến tuyến đưa về là công việc thường qui. Tôi chỉ ghi nhận một vấn đề là tỷ lệ sát thương đối với bộ đội ta chủ yếu do mìn, còn thương tích do đạn bắn thẳng rất ít vì tụi địch bị quân ta lùa vào hang hốc trong núi nên chỉ đánh lén và cài mìn là chính, ít có những trận gây thương vong lớn. Bệnh binh chủ yếu do sốt rét với các thể ác tính như: thể tiểu huyết cầu tố, thể não và đặc biệt gan lách rất to. Thường các y sinh thực tập được xắp xếp sống trong mấy lán trại làm bằng lá thốt lốt bên bờ một cái hồ, mùa khô đang cạn nước, bên kia hồ là khu điều trị và nơi ở của cán bộ và nhân viên trạm xá sư đoàn trong các căn nhà xây nhưng không còn cánh cửa nào, sát trục lộ đi Komponchnan. Do vậy ngủ ở những căn nhà ấy rất ngán, chưa biết chùng mấy bạn Pốt hỏi thăm lúc nào nên ai cũng cảnh giác
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2011, 07:24:48 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM