Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:23:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tâm sự đời tôi.  (Đọc 200137 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 02:21:01 pm »

Thấy có vẻ những phát kiến giấu hàng rất hiệu quả, khi mình phân tích tâm lý những người thừa hành công vụ ở cửa khẩu rất chính xác vì các vị chỉ nghĩ sẽ tìm tòi những chỗ người ta cho là kín đáo, an toàn để dấu hàng mà không tính đến yếu tố bất ngờ theo câu nói"Nơi nào nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, cho nên bộ não thích mạo hiểm của tôi tiếp tục hoạt động khi chuyến về Việt Nam lần này với một số can nhựa vuông, màu đen, mổ đáy rất khéo, nạp hàng, hàn lại và không quên trét khoảng nửa cân mắm bòhooc trên miệng mỗi can, xếp khít nhau trên nóc xe car, cột chặt kẻo người kiểm tra xách lên thấy trọng lượng không tương xứng thì nguy. Mọi chuyện qua nhanh với câu nói của đ/c kiểm dịch biên giới: Nhà ông nuôi heo hả? mất vệ sinh gây ô nhiễm quá!. Tôi trả lời: Cái này bên ấy rẻ thối, mà nuôi lợn thì tốt lắm anh ạ (thật ra mắm này bên K không rẻ chút nào, nhưng nhìn nó mủn mủn bẩn bẩn mà mùi rất đặc trưng thế nào ấy). Rồi về tới hậu cứ, mừng như địa chủ được mùa. 
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 02:44:00 pm »

THẤT BẠI THẢM THƯƠNG (Câu chuyện cuối cùng về (buôn lậu):
- Người xưa nói đâu có sai "Tham thì thâm". Dịp ấy một số thủ trưởng đi Hà Nội họp, một số về nghỉ phép ở tp. " chủ vắng nhà, gà mọc đuôi tôm" tôi bị một đồng đội là sĩ quan đàn anh cử về nước (tư tác)một tháng bốn lần, tất nhiên lần nào cũng có bưu phẩm gửi về cho bà con chợ Tân Bình bán lẻ. Lần thứ tư định mệnh khi anh chị em nào trong ban hậu cũng góp vốn hoặc gửi gắm gói bưu phẩm (trong đó có cả của người yêu mới chết chứ) Tính hốt cú chót. Một thùng nhôm của mỹ, loại để đựng nguyên một cơ số bộ dụng cụ phòng mổ cơ động, đựng đầy hàng, an vị dưới đáy thùng xe đầy gạo. Cửa khẩu đây rồi. Xe dừng, tổ liên hợp lên thùng xe tác nghiệp. Trong khi hải quan kiểm tra chứng từ, cán bộ kiểm dịch dùng cây xăm gạo lấy mẫu gạo thì Thượng úy công an vũ trang trạm trưởng nói: Hình như đồng chí chuẩn úy quân y này  tuần nào cũng về VN công tác ấy nhỉ? hơi chột dạ thì anh ấy nói tiếp: yêu cầu các đồng chí dỡ gạo từ hàng thứ hai tới hàng thứ bốn xuống đáy thùng xe. tai ù đặc, mắt tối sầm, những gạo chắc nịch dưới chân như sụt xuống. Nghe tiếng lạch cạch chốt sắt, mở mắt ra liếc nhìn cái thùng ánh lên một màu vàng chói chang của thuốc 555 International dưới ánh nắng xiên khoai trưa hè. tay run run kí vào biên bản. Sáng sớm hôm sau, ra chợ mua một cây ba số và ngược Mộc Bài, vào trạm xin tặng các anh hút chơi lấy thảo và xé dùm em cái biên bản kẻo chuyện này báo về đơn vị thì nguy chuyện kết nạp Đảng đang tới gần. Sau chuyến công tác trở về đơn vị, ai hùn vốn, ai gửi hàng cũng im như thóc ngâm và bình tĩnh nhâm nhi câu nói"Tham thì thâm", tôi thì nghĩ mình thua mấy anh cửa khẩu vì họ vẫn giữ cái tư duy logic cũ là tìm kiếm ở những nơi người ta cho là cầu kì an toàn, còn mình thì lại trở thành ngớ ngẩn, phá vỡ tính mạo hiểm của những chuyến trước để bị "nuôi béo mới thịt". Bây giờ ngồi nghĩ lại vẫn thấy tiếc, nhưng lại hay hay vì sau thời gian đó khi chuyển về công tác ở trung đoàn vận tải 684 CVT tại Tân Cảng - Bình Thạnh tôi chứng kiến hầu như khó có anh nào sử dụng tiền, vàng có nguồn gốc từ K về mà làm nên chuyện, chưa kể phá sản, thậm chí còn đáo tụng đình trong hoạt động kinh tế (có vẻ hơi duy tâm nhưng đó là thực tiễn).
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 05:33:00 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 03:12:53 pm »

               Chào bạn vetran! Tranphu341 đọc mạch bài của bạn rất hay. Nhiều chi tiết thú vị. TP tự hỏi nếu ngày ấy mà có 3 thằng Pót chẳng may lạc đường hoặc ngược lại, Hoặc địch cài trong dân có cơ hội thì "Phéng' cổ Con top. Thì bây giở lấy ai kể chuyện? Grin Grin Grin

                CHÚC BẠN TIẾP MẠCH CHUYÊN THÚ VỊ . CÓ NHIỀU SỨC KHỎE , NHIỀU NIỀM VUI TRONG NGÀY LỄ GIÁNG SINH NÀY!
Thưa bác Tranphu314, tình huống bác nêu có xác xuất rất lớn vì đặc điểm của cuộc chiến ấy ta đanh nhanh quá nên địch tan rã tại chỗ và tình trang địch là dân, dân là địch tùy hoàn cảnh cụ thể, do vậy thông thường cán bộ dưới tiểu đoàn hoặc quân nhu quân lương về tuyến trên cũng phải xắp xếp tập trung thành đoàn, đầy đủ vũ khí mới đi. Nhưng với em, bản lĩnh chỉ bằng hạt kê, ở những hoàn cảnh ấy thì tính nhát như còng gió nên dù sợ mấy cũng không muốn ở lại mảnh đất ấy thêm một ngày nào nữa và cái khao khát trở về phố thị đã tăng cho em sức mạnh hạ quyết tâm làm liều. Bây giờ già rồi, an phận rồi nhưng nghĩ lại lại thấy hay hay. Xin kính chúc bác và gia đình an khang hạnh phúc trong năm mới
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2011, 09:43:06 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 05:08:01 am »

Em Đoan ơi! hôm rồi Vệ có liên lạc với trung úy Đông ở ban kế hoạch - kho hàng, mãi tới năm 1989 anh ấy mới về Việt Nam, anh ấy có nhớ Tuấn nhưng chỉ biết là quê Hải Phòng, còn lại không biết xã huyện hay quận nào. Anh Đông nói là: Khi ở Phnompenh, Tuấn có yêu một cô gái Sài Gòn, không biết anh chàng ra quân rồi có phắn theo tình yêu mà về định cư ở thành phố Hồ Chủ Tịch hay không. Đoan dò hỏi thêm nghe.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 05:42:56 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 05:09:28 am »

CHUYỆN CON NGỰA CỦA TRUNG ĐOÀN BỘ: Không biết từ đâu, khi nào lại xuất hiện một chú bạch mã loại lai ngựa bình nguyên to cao, bụng thon, bờm đứng, lông mịn và có xoáy ở mông. Thường ngày chú chàng tha thẩn tìm cỏ cây trong khuôn viên đơn vị rộng hàng hecta, nhưng đặc biệt trước khu nhà của B5 nơi ở của các Koongtop srây có một vạt cỏ mỡ xanh mướt. Thế là bạch mã đóng đô ở đó. Ngặt nỗi sau khi ăn uống no say mà lại không phải lao động, chú ta tha thẩn với tâm hồn phấn khích và tự do để ra một hình ảnh rất bản năng vốn có của đồng loại gây phản cảm làm cho các chiến sĩ nữ không giám đi qua để ra triền sông tười rau mỗi chiều. Tính sao đây? Theo sáng kiến của phó chủ nhiệm hậu cần là bắt ngựa ta lao động cho giảm bớt thời gian "nhàn cư vi bất thiện". Và một buổi sáng, nhiệm vụ được giao cho hạ sĩ Thanh, đóng ách cho ngựa kéo một rơmooc chở mười vỏ thùng phuy xuống tiểu đoàn 479 khu sân sân vận động Olempic lấy nước về cho B5 nấu ăn và chăn nuôi vì các ống dẫn nước trong khu vực trung đoàn bộ bị vỡ hết do cũ quá, hơn nữa ở xa nhà máy nước nên đơn vị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Lần đi, xe không tải rất êm đẹp và mát trời, chàng xà ích ngắm nhìn trời đất, huýt sáo một bản dân ca. Nhưng lúc về, nắng lên cao với sức lực chàng trai mười tám tuổi sung sức và cái đầu bắt nóng, khi đi qua khu hậu cần thấy mấy đồng đội nữ đứng túm tụm theo dõi thán phục thì tính Ngựa trong chàng xà ích cũng phát tác, đồng thời để biểu diễn thêm cho hoành tráng.  Khánh vừa la hét vừa vung roi quất vào mông bạch mã bắt chạy mau. Bản thân ngựa, quen ăn chơi, không quen lao động, mà hôm nay bị "ép người quá đáng" nên xảy ra (Phi Mã). Chỗ nào không phi, cứ nhằm thẳng vào chợ bờ sông đang giờ cao điểm. Các bác cứ tưởng tượng  ra tiếng la hét thất thanh, âm thanh đổ vỡ của đồ đạc hàng hóa và sau vó chiến mã là chiến trường tung tóe của khu vực bán đồ gốm, bán thực phẩm tươi sống và đồ thủ công mỹ nghệ. Kết quả, đơn vị phải điều đình bồi thường. Thật họa vô đơn chí - Lợi bất cập hại.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 02:54:34 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #105 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:34:33 am »

. Sáu tháng đi thực tế chiến trường đã cho chúng tôi hoàn thiện hơn về mọi mặt như chuyên môn nâng cao, tư duy logic, bản lĩnh vững vàng và khách quan hơn trong đánh giá thực tiễn. Cũng khẩn trương như lúc ra đi, cả lớp hối hả vào thi tốt nghiệp ra trường để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị chiến đấu ở chiến trường K và biên giới phía Bắc, vì cán bộ quân lực các đơn vị đã về trường đón sẵn. Từ đó lớp Y32 chia tay mỗi người mỗi ngả. Ai từ phía Bắc vào học thì trở về quân đoàn I và các đơn vị biên giới phía Bắc, số còn lại đi các đơn vị thuộc miền Đông Nam bộ, quân khu 9 và chiến trường K. Để rồi sau này những tháng mười là kỷ niệm lúc xa nhau thì đồng môn y 32 trụ ở phía Nam lại có dịp gặp lại nhau tại điểm chia tay ngày ấy. Tháng mười năm nay (ngày 20 tháng 10 năm 2010) khi đã thành ông bà nội ngoại, người đã về hưu, người trở thành sỹ quan cao cấp hoặc những cán bộ chủ chốt trong ngoài ngành như Bác sỹ Quyết, Nga, Thành là những đại tá quân đội, bác sĩ Điện giảng viên trường đại học y Phạm Ngọc Thạch, bác sỹ Lê Trương giám đốc trung tâm y tế quận 5, Hoàn, Cát, Khánh tham gia công tác quản lý nhà nước. Hòe, cô bé nhút nhát ngày nào với giọng Hà Tĩnh véo von nay là giám đốc một công ty trong tổng công ty may Nhà Bè. Và các bạn khác đều là sỹ quan trung cao đang tại ngũ.v.v. Chúng tôi hẹn gặp nhau, trước hết tập trung nghe thông báo danh tính những bạn đồng môn đã trở thành thiên cổ, sau đó tay bắt mặt mừng trong không khí sôi nổi nhớ về một thời tuổi trẻ ngày nào, gặp nhau vui vẻ cộng cả suy tư khôn tả khi có các đồng môn phía Bắc bay vào họp mặt. Chúng tôi kỷ niệm 30 năm ngày ra trường cũng tại điểm ấy, số 78 Thành Thái quận 10 thành phồ Hồ Chí Minh (TRUNG TÂN ĐÀO TẠO & NGHIÊN CỨU Y HỌC QUÂN SỰ). Ngoài sự có mặt của các đồng môn cũ, năm nay còn đón cả dâu rể con cháu của lớp Y32. Nơi một thời để nhớ. Riêng gia đình tôi còn đến thăm hiệu trưởng trường quân y, viện trưởng quân y viện 115 đại tá bác sĩ Trần Đại Thành tại số 1 đường Ba Vì cư xá Bắc Hải quận 10 thành phố HCM. Ông là thầy của tôi và là thủ trưởng của ông ngoại các con tôi khi các cụ công tác ở quân y viện 111 Thanh Hóa những năm 70. Mấy năm trước tôi có dịp đón Ông tới nhà, ngồi cùng Ông uống trà, nghe Ông kể lại kỉ niệm trường quân y với nhiều lớp chiến sĩ quân y được đào tạo cho chiến trường, đến lúc sáu mươi tuổi nghỉ hưu ông lại cắp sách tới trường. Tốt nghiệp cử nhân văn chương hạng ưu tại trường đại học tổng hợp thành phố, thời ấy không ít báo chí ca ngợi tinh thần học tập của Ông và như Ông tâm sự với tôi “ Văn là người, học văn để hiểu đời hơn, viết văn để tri ân đời, tri ân người” Dù hơn tám mươi tuổi Ông vẫn đảm nhiệm việc hướng dẫn dưỡng sinh cho câu lạc bộ những người cao tuổi quân 10 và dạy ngoại ngữ Anh Pháp miễn phí cho các cháu nghèo hiếu học. Ở Ông toát lên một tấm gương hết lòng vì đời.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #106 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:40:15 am »

VI/ Bước ngoặt thứ hai và sự thành công
-  Cuối năm ấy. Cuộc đời tôi, người chiến sỹ 22 tuổi xuân với sáu tuổi quân, thượng sỹ quân y chững chạc trước bước ngoặt mới của cuộc phiêu du. Để rồi chiêm nghiệm lại, thấy sao duyên mệnh dành cho mình nhiều ưu ái kể từ ngày dấn thân vào quân ngũ (ít nhất là đến nay). Tham gia huấn luyện bộ binh để đi chiến trường thì tổ quốc hoàn ca. cả thời gian quân ngũ đồng nghĩa với ngồi ghế nhà trường quân đội và khi tổ quốc lâm nguy vì chiến tranh biên giới Tây Nam thì tôi lại vào trường quân y. Ra trường trở về vị trí công tác với toàn bộ thời gian quân ngũ dù ở đơn vị trong nước hay khi ra nước ngoài, tôi luôn sống trên những thành phố, hải cảng lớn, ở trong những biệt thự hoặc những căn phố hiện đại, trong khi đồng đội đồng hương và đồng môn gian nan vùi thân nơi chiến tuyến. Rồi hôm nay, cán bộ quân lực Cục vận tải Tổng cục hậu cần chọn đích danh về một trung đoàn hậu cần, binh trạm 179, chuyên ngành vận tải quân sự đóng quân tại Phnompenh, thay vì về một đơn vị tiền tiêu nào đó phía biên giới Thailand hoặc đi quân đoàn I phía Bắc như các đồng môn khác. Nhưng cũng đồng thời tôi nhận được tin Đông (em trai kế) đã nhập ngũ trong lực lượng công an vũ trang quân khu 5. Nam (em trai áp út) nhập ngũ tại biên giới phía Bắc.Vậy là đến giờ phút này ngoài bố là sĩ quan chống Pháp, mẹ là công nhân quốc phòng, thêm bốn trong năm anh em trai tôi trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #107 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:43:47 am »

-  Trở lại Phnompenh thủ đô Kampuchea trên một tâm thế mới – Một cán bộ quân y cấp tiểu đoàn. Đây rồi! dòng tonlesap đang mùa nước nổi, bên cầu Chulava (Oknha Khleang) gãy nhịp chênh vênh do đặc công mình đánh sập năm 1972 nhằm cắt đường rút quân của lính lonnon từ Chroy Changra về Phnompenh. Đơn vị mới đóng quân tại cây số 2, trong một tu viện thiên chúa giáo cổ, bên dòng Tonlesap đang cuồn cuộn dồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và các hợp lưu sông qua thác Khone về tới Phnompenh tạo thành sông bốn cửa. Một nhánh tách ra là sông Bassat chảy về Đồng tháp mười Việt Nam một trong bốn nhánh cùng hàng triệu tấn thủy sản và phù sa chảy vào Biển Hồ (Tonlesap Lake). Sau ba ngày nằm chờ phân công trên lầu ba phòng khách. Buổi sáng, cán bộ quân lực báo lên gặp binh trạm trưởng... Một ông già quắc thước, lưng hơi gù, mắt sáng, chân mày rậm và đặc biệt bộ quân phục cấp tá màu xám cứng queo không tăng được sức hấp dẫn nào của tấm thân gầy như que củi khô của ông, Trung tá Huỳnh Cao Sơn. (sau này ông còn có những hỗn danh do cán bộ chiến sĩ binh trạm trừu mến đặt cho là Huỳnh Cao Me, Huỳnh Cao Trăn). Cao trăn thì có thể hiểu, nhưng còn cao me? Vì ông thường tự tay gôm hàng chục cân trái me chín mập có rất nhiều ở những cây me cổ thụ trong tu viện rụng đầy mặt đất sau đó làm sạch, nấu thành cao lỏng chia cho các nhà bếp trong binh trạm thay dấm nêm canh rất ngon! Ông cất giọng nặng trịch của miền đất Quảng thăm hỏi tình hình học tập, nguyện vọng cá nhân. Vì chân ướt chân ráo chưa hiểu nhiều về đơn vị mới nhưng biết trạm xá của binh trạm cũng gần đây, cạnh bùng binh đầu cầu Chulava trong căn biệt thự của công ty rượu SKD (Sara Rumdoor M noor) khá hoành tráng, mà lúc này thâm tâm tôi đang ngán ngẩm những đơn vị xa ở các tỉnh chứa đựng đầy rẫy những nguy hiểm của chiến trường. Tôi đề đạt mong muốn được về trạm xá binh trạm để phục vụ bộ đội và nâng cao chuyên môn. Giọng ông đều đều, cặp mắt xa xăm: Chiểu theo nhiệm vụ của lãnh đạo tiền phương cục vận tải giao cho binh trạm ta tổ chức nấu cao trăn với số lượng một tạ để bồi dưỡng cho cán bộ trong cục. Nay thủ trưởng giao đồng chí cùng tổ công tác do chủ nhiệm chính trị là đại úy Khá chỉ huy đi tỉnh SiemReap thực hiện nhiệm vụ. Hoàn thành công tác thủ trưởng sẽ xét nguyện vọng của đồng chí...Đất dưới chân như sụt xuống, tai ù đặc. Mắt mờ câm. Nấu cao trăn..Một tạ..Siemreap. Tính vốn nhát gan, sự hãi hùng của đợt thực tập ở tỉnh Komponspeu chưa nguôi ngoai giờ lại đi SiemReap là tỉnh tiền tiêu mà cuộc chiến đang khốc liệt nhất nơi có Biển hồ và Angkorwat, Angkorthom.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:57:18 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #108 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 08:03:09 am »

. Một đêm mưa lớn tôi lặng lẽ dời Phnompenh trên đầu kéo đoàn xà lan chở gạo của tiểu đoàn 24 xuôi dòng tonlesap hướng Biển hồ, đêm hôm sau thì tàu cặp bến. Lại những bỡ ngỡ và khám phá, điều đầu tiên ghi nhận: Biển hồ mông mênh không nhìn thầy bờ bên kia với chiều dài chừng 100km, chiều ngang 30 km, là một vùng trũng sâu trong nội địa, một kho vựa vàng mỗi mùa nước nổi. Diện tích mùa nước nổi lớn gấp năm lần mùa cạn, lòng hồ là cây sú, vẹt cổ thụ, cá dày đặc, rắn rùa, trăn, khỉ, chuột và các thú rừng phải đeo trên ngọn cây ăn nhau để sống, người dân săn bắt về đổi  cho đơn vị với mỗi ký rắn, trăn, khỉ lấy một ký gạo (đơn vị chuyên vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân tư trang cho mặt trận 479 nên có gạo rơi vãi gom lại đổi sản vật Biển hồ, các đơn vị khác muốn thu gom trăn cũng khó vì ngư dân biển hồ rất cần gạo, mà các đơn vị không có gạo dư và chưa có tiền Riel để mua trăn) thời gian đó người dân rất thiếu lương thực vì sản phẩm nông nghiệp ít ỏi từ lao động khổ sai của nhân dân đã bị chính quyền Khơ me đỏ chở hết cho Trung Quốc đổi vũ khí và các hàng hóa khác. Ngư dân Biển hồ lam lũ cực khổ, trong đó có khá nhiều ngư dân Việt Nam từ các tỉnh miền tây nhập cư nhằm khai thác nguồn lợi thiên nhiên mùa nước nổi. Hàng ngày đi nhận trăn và khỉ đổi của dân ngoài biển hồ, quan sát chỉ ở một bến cảng cách thủ phủ SiemReap 7 km, mỗi ngày nhập hàng trăm tấn cá linh, cá lóc, có một loại cá khá to hình dáng gần giống cá chép, con trung bình cũng dài gần một mét nặng chừng 25kg, vảy bạc to bằng mặt kính đồng hồ đeo tay, thịt trắng không ngon lắm nhưng rất nạc, làm chà bông được, tôi rất lưu ý các đồng chí nuôi quân làm thật sạch cá khi nấu món ăn vì quan sát trong mỗi nếp mang loại cá này có rất nhiều ấu trùng nước và một loại kí sinh nhuyễn thể trông giống con đỉa, màu đỏ nhạt bò lổn nhổng trong đó.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #109 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 04:55:30 pm »

CÂU CHUYỆN KHÔNG THỂ QUÊN: Ngày ấy khi tôi phụ trách công tác theo dõi điều trị của quân y tuyến. Một hôm, trung sỹ Đông, quân y C14 xe tải hớt hải chạy lên báo: Anh Vệ ơi, bé Nụ nó tự tử. Tôi hơi hoảng nhưng thấy khuôn mặt thất thần của Đông, tôi lấy lại bình tĩnh (mặc dù là vẻ ngoài) và cùng Đông tức tốc chạy xuống đại đội. Tại hiện trường, ngoài sân, đại đội trưởng Chi và anh em đứng lố nhố bàn tán với vẻ mặt lo âu. Trong phòng ngủ nữ, Nụ thiếp lịm, mắt nhắm nghiền ngấn nước, trên giường dưới đất rơi vãi gần mười vỉ thuốc an thần Seduxen đã gỡ hết thuốc. Làm động tác ngắt véo da, bấm huyệt (nhân trung), vỗ má, gọi tên cũng không thấy Nụ phản ứng. Tôi thăm khám thì thấy không có dấu hiệu rối loạn sinh lý các cơ quan nội tạng, các dấu hiệu sinh tồn như tim mạch, hô hấp tốt. Tôi nói: Đông lấy cho anh một chậu nước thật sôi, nhưng nháy mắt để Đông lấy nước lạnh. Xung quanh, anh em trong đại đội trố mắt nhìn và thắc mắc: không biết ông quân y trung đoàn làm cái trò gì.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:38:47 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM