Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:02:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bão thép - Tập 3  (Đọc 63530 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:18:21 am »

Nhật đứng cuối trong số hơn hai mươi anh em về tiểu đoàn 66. Cậu đang nhớn nhác nhìn xem cụ Tư và mấy đứa nhỏ có ra tiễn mình không thì thấy anh Hàm trung đội trưởng ghé tai người cán bộ nhận quân của 66 nói gì đấy và anh này lớn giọng:
- Đồng chí Nhật đâu? Ra đây có người cần gặp.
Nhật xốc lại ba- lô, hô “Có” một tiếng rõ to rồi tiến lại đầu hàng quân. Cậu chợt sững người. Phía sau anh Hàm là cụ Tư, bên cạnh đó là bố cậu và thằng em út. Trông bố cậu rõ ra dáng mệt mỏi, mái tóc muối tiêu phờ phạc thò ra bên dưới chiếc mũ cát hình như còn bết mồ hôi. Còn thằng em út Nhật mới sáu, bảy tuổi. Nó đang nhìn ngang, nhìn ngửa đầy vẻ lạ lẫm. Có lẽ Nhật không bao giờ nghĩ tới chuyện bố sẽ lên thăm mình như thế này. Đã thế lại đúng vào ngày báo động chuyển quân về đơn vị chiến đấu mới chết chứ. Mà cậu có báo tin về nhà là sắp đi chiến đấu đâu. Vì vậy Nhật chỉ thốt ra được đúng một từ:
- Bố!
Bố Nhật nén mệt mỏi, gượng cười:
- Thấy mấy đứa cùng đi nó viết thư về báo sắp sửa đi chiến trường nên bố với em lên thăm con.
Quả thật là không đúng như cậu muốn nhưng nhìn vẻ mệt mỏi của bố Nhật cũng thấy thương thương:
- Bố đạp xe lên à?
Ông bố Nhật gật đầu:
- Ừ! Bố với bác Ba đạp xe lên- Ngần ngừ giây lát ông mới tiếp- Còn mẹ con với bác Ba gái thì đi tàu lên sau.
Giá như đất có sụp dưới chân cũng không làm cho Nhật thấy giật mình hơn. Nếu mẹ cậu mà có mặt ở đây vào lúc này thì có lẽ cái sân kho này sẽ ngập đầy nước mắt mất. Chính vì cái tính mau nước mắt của mẹ mà cậu đã đi là đi thẳng, một đi không trở lại cho nhẹ nhàng. Thế mà giờ đây mẹ cậu lại đang trên đường tới đây. Lại vào đúng lúc nước sôi, lửa bỏng thế này mới chết chứ. Đằng kia người cán bộ nhận quân có vẻ nóng ruột tợn, anh hết nhìn dọc hàng quân đã đội ngũ sẵn sàng lại ngó sang chỗ bố con Nhật. Bí quá, Nhật đành túm áo trung đội trưởng Hàm:
- Anh ơi! Làm sao bây giờ?
Hàm cũng thấy khó xử. Anh em ở với nhau mới có hai tháng nhưng anh rất quý Nhật. Nó hiền lành nhưng chấp hành quy định rất nghiêm, lại rất chịu khó học hỏi nên trình độ hơn hẳn các đồng đội cùng lứa. Cái Tết vừa rồi đấy, hàng chục bạn bè bỏ về thăm nhà nhưng Nhật vẫn trụ lại đúng như đã hứa với anh. Mấy ngày Tết chẳng đi đâu chỉ nằm nhà đọc sách. Nhật cũng đã tâm sự với anh về hoàn cảnh gia đình, về cái tính hay khóc và bệnh mau nước mắt của mẹ. Đã nghe rõ câu chuyện giữa bố con Nhật nên anh biết cậu ta đang rất bối rối. Suy nghĩ giây lát Hàm chạy lại chỗ người cán bộ nhận quân của tiểu đoàn 66. Chẳng biết hai người nói với nhau những gì, chỉ thấy người cán bộ nhận quân gật đầu thật mạnh rồi quay lại hàng quân đang đứng nghiêm hô to:
- Theo tôi, đi thường bước!
Hàm còn đứng lại bắt tay hết lượt anh em trong hàng rồi mới quay lại chỗ bố con Nhật, anh tươi tỉnh nói với bố Nhật:
- Cháu đã nói với các anh bên ấy về tình hình nhà mình. Các anh ấy đồng ý cho Nhật ở lại với gia đình hôm nay. Đúng 8 giờ sáng mai Nhật phải có mặt bên đó.
Nhật thở phào nhẹ nhõm. Dù sao thế cũng tốt chán. Ở bên này còn mấy anh cán bộ khung, còn gia đình cụ Tư chắc mẹ sẽ đỡ buồn hơn. Bố Nhật thì túm tay Hàm, giọng đầy cảm động:
- Cảm ơn anh nhiều lắm.
Hàm cười hiền lành:
- Dạ! Có gì đâu ạ- Anh quay sang Nhật nói nhỏ- Nhớ thu xếp mọi thứ cho gọn gàng. Sáng mai, đúng 7 giờ ra chỗ cây mít đầu làng gặp tôi. Tôi sẽ đưa cậu sang bên ấy.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:19:15 am »

Không biết vì lý do gì mà lần này mẹ Nhật lại “gan” thế. Từ lúc gặp Nhật ở ga Hương Canh cho đến tận sáng sớm hôm nay mẹ Nhật không khóc một tý nào. Nhật đã mừng thầm. Cậu vốn sợ nhất nước mắt của mẹ. Nếu mẹ cứ như thế này cậu lên đường sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhớ lại buổi sáng cách đây gần ba tháng hôm cậu nhập ngũ mà Nhật thấy rùng mình. Hôm ấy, mấy đứa bạn đã xe đạp sẵn sàng ngoài sân mà cậu không thể dứt ra mà đi được. Mẹ cậu khóc lên, khóc xuống, khóc như cậu đã đi là không trở lại. Mãi cho đến lúc cậu gắt lên mẹ cậu mới bớt khóc. Tranh thủ lúc ấy Nhật chạy ra giục các bạn đi thật nhanh. Thế mà lần này mẹ có vẻ bình tĩnh lắm. Nhật ngạc nhiên, không lẽ từ ngày cậu đi tính tình mẹ mình đã đổi khác.
Mới sáng sớm, lúc sương mù còn chưa tan mẹ Nhật đã cùng chị Kim nổi lửa nấu món cơm nếp. Đó là món mà Nhật thích ăn từ hồi ở nhà. Cơm nếp chín tới mẹ phi một ít hành lên rồi rưới lên trên. Mùi cơm nếp, mùi hành phi thơm váng cả nhà. Đang rửa mặt ngoài giếng mà Nhật cứ tứa nước bọt ra đầy miệng. Cậu thoáng nhớ những buổi sáng mùa đông cả nhà ngồi quây quần bên nồi cơm nếp thơm lừng. Mẹ cậu cứ phải lấy đũa cả gõ vào những bàn tay nhâu nhâu đòi bốc trộm. Cậu giục thằng em rửa mặt cho nhanh để còn vào ăn cơm. Sương đã tan dần nhưng trời lại lất phất mưa. Trời rét đậm.
 Cả nhà đã quây quần ngay trong gian bếp nóng sực và thơm lừng mùi cơm nếp. Cụ Tư đón bát cơm mẹ Nhật đưa nhưng không ăn ngay mà cứ hít hà khen cơm thơm. Bố Nhật lặng lẽ nhai từng miếng nhỏ. Tính ông vẫn vậy. Mẹ Nhật cũng lẳng lặng chăm chút cho mọi người, Nhật phải giục mãi mẹ mới ăn vài miếng. Chỉ thằng em út Nhật là vô tư. Nó cũng thích món này. Chiều hôm qua lại được anh đưa đi xem xe tăng nên nó thích lắm, bây giờ cứ ba hoa chích chòe. Vừa ăn Nhật vừa phụ họa với em, cậu nghĩ bụng “Cũng may mà có nó chứ không mình cũng không thể nuốt nổi”. Mẹ cậy vẫn và cơm đấy nhưng dường như hồn vía mẹ đang để ở đâu đâu. Còn đôi mắt thì đã đỏ mọng lên.
Nhìn mắt mẹ Nhật biết rằng suốt từ hôm qua mẹ cậu đã cố gắng kìm giữ. Có thể mẹ không muốn khóc trước mặt mọi người trong gia đình cụ Tư. Có thể mẹ không muốn khóc trước những người đồng đội của cậu. Nhưng giờ phút chia tay sắp đến chắc mẹ sẽ khó mà giữ được. Nhật vừa ăn vừa nghĩ cách làm sao để mẹ không ra chỗ đầu làng. Nhưng biết tìm lý do gì bây giờ?
Từ phía sân kho một hồi kẻng dài vang lên. Nhật và nốt bát cơm đang ăn dở rồi buông bát đũa đứng dạy, cậu cố nở nụ cười thật tươi:
- Sáu rưỡi rồi- Cậu ngó ra ngoài sân. Ngoài trời mưa đang lây phây như rắc bột. Gió đông bắc vẫn nổi từng cơn. Cậu quay vào nói nhỏ- Trời rét lắm. Bố mẹ và em cứ ở nhà cũng được.
Mọi người cũng đã buông đũa bát cả. Chị Kim nhanh chóng thu dọn mâm bát. Cụ Tư ngó ra ngoài trời rồi tham gia:
- Cháu nó nói phải đấy. Trời lạnh lắm. Lại mưa nữa. Mà từ đây sang chỗ 66 cũng gần thôi.
Không ai nói gì. Mãi sau bố Nhật mới lên tiếng:
- Vâng! Nhưng đã lên đến đây chúng tôi cũng muốn tiễn cháu một chút.
Bố đã nói vậy nghĩa là không thay đổi gì nữa. Nhật lẳng lặng lên nhà chuẩn bị ba lô. Chẳng biết chạy vạy ở đâu ra mà bố mẹ cậu mang lên cho cậu một gói quà to tướng, có cả một tút thuốc lá Tam Thanh sợi vàng ươm. Chỉ một loáng chiếc ba lô to kềnh đã được gói buộc xong. Trong đầu Nhật bây giờ chỉ rối lên cách đối phó với cơn khóc của mẹ.
Lúc cả nhà ra đến cây mít còi đơn độc ở đầu làng thì anh Hàm đã đứng đợi ở đó. Từ ngoài cánh đồng trống trước mặt gió thốc mạnh từng cơn. Mưa hình như có nhẹ hạt hơn nhưng hai bàn tay vẫn giá buốt. Bố Nhật mím chặt đôi môi nhợt nhạt. Mọi điều cần nói với con ông đã nói rồi. Mà có gì để nói nhiều đâu. Bổn phận thằng con trai lúc đất nước lâm nguy thì phải thế thôi, ông tin là Nhật hiểu. Còn với ông, ông biết rằng rất có thể đây là lần cuối cùng bố mẹ, con cái được gặp nhau. Nhưng có phải một mình gia đình ông thế đâu. Trên đất nước này nhà nào chẳng vậy. Cũng còn may là ông đã kịp đưa mẹ nó lên thăm. Cái thằng đến là gan, ngay cả lá thư gần đây nhất nó có nói gì đến chuyện sắp phải đi chiến đấu đâu. Ông biết chuyện này là nhờ mấy đứa bạn nó viết thư về nhà đấy chứ. Mẹ Nhật vẫn túm chặt cái khăn đen trùm quanh đầu, hai chéo khăn áp chặt vào miệng. Chắc chắn là mẹ đang cố kìm mình. Thằng em út thì vẫn bíu chặt tay Nhật. Nhật thầm hy vọng có anh Hàm ở đây chắc mẹ sẽ đỡ khóc hơn. Thì đấy, suốt từ hôm qua đến giờ mẹ vẫn giữ để không khóc trước mặt người lạ cơ mà. Chừng như cũng muốn động viên bố mẹ Nhật nên anh Hàm cố tỏ vẻ tươi tỉnh:
- Hai bác cứ yên tâm. Các cậu ấy chuyển về đơn vị mới còn tiếp tục huấn luyện một thời gian nữa rồi mới đi. Mà có vào trong kia chắc cũng còn lâu mới phải đánh nhau. Xe tăng bọn cháu thì cứ phải chiến dịch lơn lớn một chút mới tham gia.
Bố Nhật cũng gật gù:
- Chúng tôi cũng biết thế. Thôi thì…- Ông bỏ lửng câu nói.
Hàm chỉ tay về phía ngọn đồi xa xa, mờ mờ sau màn mưa bay dày đặc:
- Tiểu đoàn 66 ở chỗ kia, hai bác ạ! Giá như bên ấy có nhà chiêu đãi thì hai bác sang bên đó với Nhật mấy hôm cũng được. Nhưng tiếc quá, chỉ có trên trung đoàn bộ mới có bác ạ!
Bố Nhật gượng cười:
- Chúng tôi lên thăm em nó thế này cũng được rồi, anh ạ!
Có lẽ muốn để cho Nhật nói chuyện riêng với bố mẹ nên anh Hàm đã bước lên phía trước vài bước, anh giở cái áo mưa ra quàng vào người. Nhật gỡ tay thằng em ra, cậu bảo nhỏ nó:
- Ra với bố đi! Về nhà ngoan nhé!- Cậu quay lại đứng đối diện với bố, mẹ- Thôi, bố mẹ về đi! Con đi đây!
Nhật vừa dợm người định quay đi thì mẹ cậu bật khóc. Dường như bao thương nhớ dồn nén trong lòng đến bây giờ mới được giải tỏa nên mẹ cậu khóc như mưa, như gió. Nhật nhăn nhó nhìn quanh, cậu cầm tay mẹ ngập ngừng:
- Mẹ nín đi không người ta cười cho.
Dường như không còn quan tâm đến điều gì nữa, mẹ Nhật vẫn bấu chặt lấy tay đứa con và không ngừng khóc. Lẫn trong tiếng khóc là những tiếng nói ai oán đứt đoạn:
- Con ơi… Con đi thế… bao giờ mới về?
Nhật cố gượng cười:
- Mẹ buồn cười thật. Cứ làm như con không bao giờ về nữa ấy!- Nhật nhìn sang bố. Đôi môi bố vẫn mím chặt nhưng đôi mắt thì ầng ậc nước. Thằng em út chẳng biết gì, bây giờ thấy mẹ khóc nó cũng cất tiếng khóc theo. Tiếng khóc của nó hòa vào trong tiếng khóc của mẹ làm Nhật càng bối rối. Biết rằng mình sẽ không thể chịu đựng được nữa nếu cứ đứng lại đây, Nhật dứt khoát- Thôi, bố đưa mẹ về đi! Con đi đây!
Nói rồi, cậu dứt tay mình ra khỏi tay mẹ. Mẹ Nhật gần như đổ sụp xuống. Bà khóc to hơn nhưng Nhật vẫn quay đi. Cậu xốc mạnh cái ba lô rồi dấn bước về phía quả đồi mờ mờ phía trước.
Mẹ Nhật òa lên khóc to hơn. Thằng em út cũng vậy. Nhật không dám ngoảnh lại. Cậu rảo bước vượt cả anh Hàm. Trong màn mưa dày đặc bay xiên xiên theo những cơn gió, tiếng khóc của mẹ cậu cứ văng vẳng dội đến, nghe thật buốt lòng.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:20:17 am »

Trong khi người anh em H02 còn đang tất bật chuẩn bị cho việc hành quân thì trung đoàn H03 đã tổ chức cho cán bộ đi chuẩn bị chiến trường. Về phía Bộ tư lệnh thì chính ủy Ngọc và phó tư lệnh Đào cũng đã vào đến Bộ tư lệnh mặt trận.
Vừa vào đến nơi ông Đào đã đề nghị được gặp ngay Tư lệnh mặt trận để nắm tình hình và ý định sử dụng xe tăng. Thấy vẻ nôn nóng của người chỉ huy xe tăng tư lệnh mặt trận điềm đạm:
- Cứ bình tĩnh ngồi xuống đã nào! Thế tình hình cơ động H02 vào đây thực hiện đến đâu rồi?
Đang định đi hỏi lại trở thành người bị hỏi phó tư lệnh Đào hơi bất ngờ nhưng rồi nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh:
- Báo cáo anh! Cũng may được các cơ quan trên bộ và các đơn vị bạn nhiệt tình giúp đỡ nên việc cơ động của H02 tương đối thuận lợi. Hiện đã có một tiểu đoàn đến vị trí tập kết, một tiểu đoàn đang nằm ở Bến Thủy chờ tàu, một tiểu đoàn nữa và khối trực thuộc cũng đã lên tàu trên đường vào Vinh. Nếu không có gì trục trặc lớn thì H02 sẽ có mặt tại vị trí tập kết chiến dịch sớm hơn quy định được vài ngày.
- Thế thì tốt! Chắc là các cậu có phần bị bất ngờ về quyết định này của Bộ phải không?- Tư lệnh mặt trận hơi mỉm cười.
- Đúng vậy! Các thủ trưởng làm chúng tôi chạy “bở hơi tai” ra mới kịp.
Tư lệnh mặt trận hạ giọng tỏ vẻ thông cảm:
- Các cậu thông cảm! Thực ra lúc đầu trên dự kiến hướng chủ yếu của Đông- Xuân năm nay là B2 cơ. Tuy nhiên sau khi xem xét lại tình hình mới quyết định lấy Trị- Thiên này làm hướng chủ yếu, còn B2, B3 làm hướng hỗ trợ. Chính vì vậy mới quyết định điều H02 vào đây gấp như thế- Ông chợt đổi giọng- Thế so với hôm diễn tập kiểm tra anh em có tiến bộ nhiều không?
Phó tư lệnh Đào cũng trầm giọng xuống:
- Báo cáo anh! Được thêm gần một tháng huấn luyện anh em có tiến bộ nhiều nhưng theo tôi cũng chưa thật mỹ mãn. Ngoài ra điều vào gấp thế này tôi lo anh em người ta không có thời gian trinh sát chuẩn bị chiến trường, chắc chắn khi bước vào chiến đấu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tư lệnh mặt trận gật đầu:
- Chúng tớ cũng biết thế! Vì vậy trước mắt vẫn để H02 làm dự bị của mặt trận thôi để anh em người ta có thời gian chuẩn bị. Ngay khi toàn trung đoàn có mặt đủ mặt trận sẽ giao nhiệm vụ cụ thể.
Gương mặt phó tư lệnh Đào hơi giãn ra một chút:
- Vâng! Thế thì may quá! Vậy còn H03 đề nghị anh cho biết ý định sử dụng của mặt trận thế nào?
Tư lệnh mặt trận vẫy phó tư lệnh Đào lại gần tấm bản đồ vẫn treo trên vách hầm, ông rút cây bút trong túi ngực ra làm que chỉ và nói vừa đủ nghe:
- Theo quyết tâm của trên Đông Xuân năm nay ta phấn đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị và nếu có thể thì cả Thừa Thiên. Vì vậy, căn cứ vào tình hình phòng ngự của địch và các mặt khác ý định chung của mặt trận là thế này: sẽ tổ chức tiến công theo bốn cánh. Cánh bắc có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu vòng ngoài ở phía bắc và tây bắc Đông Hà như Đồi Tròn, Động Mã, Cồn Tiên, miếu Bái Sơn, Quán Ngang để mở cửa tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Hà. Đây là cánh chủ yếu của chiến dịch. Cánh tây có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Động Toàn, Ba Tum, Mai Lộc, Đầu Mầu và sẵn sàng tiến công Ái Tử là sở chỉ huy sư đoàn Ba ngụy. Cánh nam có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở nam và bắc sông Thạch Hãn, chủ yếu là ở khu vực Phượng Hoàng, Động Ông Do và một đoạn quốc lộ Một nhằm chia cắt địch, cô lập Đông Hà với Quảng Trị. Cánh thứ tư là cánh đông nhằm ngăn chặn địch rút chạy ra biển và hỗ trợ đồng bào nổi dậy, đồng thời có nhiệm vụ bao vây địch ở phía đông. Ngoài ra sẽ tổ chức một cánh vu hồi ở phía tây xuống Huế- Ông khoa bút một vòng xung quanh khu vực Đông Hà rồi chỉ vào hai mũi tên đỏ to nhất- Về sử dụng xe tăng ý định của mặt trận thế này: tăng cường một tiểu đoàn cho cánh bắc, một tiểu đoàn cho cánh tây, còn một tiểu đoàn làm dự bị cho mặt trận. Theo mình được biết thì H03 đã tổ chức cho cán bộ đi chuẩn bị chiến trường và hiệp đồng chiến đấu với bộ binh rồi. Nói chung cho đến giờ ta vẫn giữ được bí mật tuyệt đối và chưa thấy bọn địch có phản ứng gì. Hôm vừa rồi Nguyễn Văn Thiệu bay ra đây thị sát Quảng Trị, tỉnh trưởng Phan Bá Hòa vẫn huyênh hoang: “tình hình an ninh của Quảng Trị đã đạt tới 100 phần trăm”. Nếu ta vẫn giữ được thế này chắc chắn chúng sẽ bị bất ngờ.
Phó tư lệnh Đào gật gù cái đầu, trong thâm tâm ông thật sự thán phục tài đánh giá tình hình và điều quân, khiển tướng của Bộ Thống soái tối cao. Mặt khác ông cũng thấy yên tâm hơn vì H02 chỉ được sử dụng làm dự bị cho chiến dịch nên sẽ không quá cập rập. Trong đầu ông phác nhanh một kế hoạch làm việc nên vội đứng dạy:
- Thế thì xin phép tư lệnh tôi xuống với anh em H03 xem họ chuẩn bị thế nào rồi?
Tư lệnh mặt trận vui vẻ:
- Được! Cậu đi đi! Nhưng nhớ phải quay về đây trước 30 tháng Ba nhé!
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:21:20 am »

Vừa chập tối phó tư lệnh Đào đã giục lái xe Năm và trợ lý tác chiến Trần Bắc lên đường đi về sở chỉ huy trung đoàn H03. Gần một giờ sau xe đã ra đến đường 15, ba thày trò chắc mẩm sẽ đến H03 sớm. Nhưng thật không ngờ: con đường 15 lầm bụi ùn ùn những đoàn xe tải trùm kín lá ngụy trang lầm lũi chạy bất chấp máy bay Mỹ vẫn đang đánh phá đâu đó phía trong. Hết xe chở người đến xe chở hàng, xe kéo pháo cứ như từ dưới đất mọc lên thành ra chiếc xe con đơn độc cứ chạy được một quãng lại phải nép mình vào sát rìa để nhường đường. Bụi mù mịt quyện với sương đêm nên càng quánh đặc, nó luồn vào mọi ngõ ngách trong xe và không chịu tan đi. Ông Đào đã phải lấy cái khăn mặt rót nước từ bi đông ra thấm cho ẩm để bịt mũi, bịt mồm mà vẫn thấy trong miệng cứ có cảm giác sàn sạn. Đôi mắt kính bất ly thân cứ chốc chốc lại mờ đi vì bụi, lau mãi rồi đâm chán ông cứ mặc kệ. Nhìn những đoàn xe dài dằng dặc đang đi vào ông lơ mơ hiểu tầm cỡ chiến dịch này sẽ lớn đến thế nào. Chắc chắn đó sẽ là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay. Chẳng thế mà trên lại huy động đến hai trung đoàn xe tăng ở mặt trận này.
Cứ lúc đi lúc dừng như vậy quá nửa đêm phó tư lệnh Đào mới đến được sở chỉ huy của trung đoàn H03. Thấy đã muộn ông bảo đồng chí trực ban không đánh thức ban chỉ huy dậy nữa, sáng mai gặp sẽ làm việc luôn rồi giục trợ lý Bắc và lái xe đi ngủ.
Giục mọi người đi ngủ nhưng chính ông lại trằn trọc không thể nào ngủ được. Không phải vì những cơn gió lạnh từ hồ Cẩm Ly hun hút thổi về, cũng không phải vì những vết thương cũ đang nhức nhối mà có lẽ do những cảm xúc rất khó tả đang rạo rực trong lòng. Mới chỉ bốn năm trôi qua mà cái binh chủng ông gắn bó như máu thịt đã có sự trưởng thành vượt bậc và đang được tham dự vào một chiến dịch lớn với quy mô lớn chưa từng có. Những chiếc xe tăng dũng mãnh không chỉ xuất hiện ở những chiến trường gần hậu phương miền Bắc mà nó đã có mặt ở Tây Nguyên, thậm chí cả ở miền Đông Nam Bộ. Chắc chắn binh chủng của ông sẽ có những đóng góp to lớn nay mai. Tuy nhiên trong sâu thẳm cõi lòng của ông cũng canh cánh một nỗi lo: sự phát triển quá nhanh về lượng thường cũng kéo theo những bất cập về chất. Thì đấy, hàng trăm cán bộ từ Lục quân về chỉ được huấn luyện chuyển binh chủng trong vòng ba tháng, số khác mặc dù đã là thành viên kíp xe lâu năm nhưng với sáu tháng bồi dưỡng ở trường chắc chắn khả năng tổ chức chỉ huy bộ đội sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ đã vậy, chiến sĩ cũng chẳng khá hơn: gần một nghìn chiến sĩ mới chỉ được học qua một nửa chương trình đã phải giao trang bị để đi chiến đấu đợt này. Mà “chiếc áo thì chẳng thể làm nên thày tu”. Biết thế là non, là gượng ép nhưng không còn cách nào khác. Mệnh lệnh cấp trên, yêu cầu của chiến trường không thể không thực hiện. Những suy nghĩ lan man lại kéo ông trở về với quá khứ những năm khổ luyện ở nước bạn. Ở bên đó để đào tạo một thành viên kíp xe phải mất hàng năm. Còn cán bộ trước khi học về quản lý chỉ huy thì cũng phải được huấn luyện lái được xe và sử dụng thành thạo mọi loại trang bị trên xe. Cho đến giờ ông vẫn không hiểu tại sao cấp trên vẫn chưa đồng ý cho binh chủng thành lập Trường sĩ quan và các trung tâm đào tạo thành viên kíp xe. Với đặc thù một binh chủng kỹ thuật, sử dụng các loại trang bị hiện đại mà chưa có một ngôi trường cho ra hồn để đào tạo cán bộ, còn các đơn vị chiến đấu tự đào tạo lấy thành viên thì không ổn một chút nào. Nó không có sự chuyên sâu cần thiết. Trong thâm tâm ông tự bảo mình sau đợt này sẽ phải đề nghị mạnh hơn nữa, có lý lẽ hơn nữa để cấp trên chấp thuận ý định này. Cứ lan man như vậy mãi đến gần sáng ông mới chợp được mắt.

Mặc dù chỉ ngủ rất ít nhưng phó tư lệnh Đào vẫn tỏ ra hoàn toàn tỉnh táo và khỏe mạnh khi bước vào hầm họp của trung đoàn H03. Trừ trung đoàn phó Lê Trung Sơn đang tiếp tục bám địch còn ban chỉ huy trung đoàn có mặt đủ. Niềm nở đáp lại lời chào của mọi người xong phó tư lệnh Đào vào việc ngay:
- Chúng ta không có nhiều thời gian nên phải tranh thủ vào việc. Bây giờ tôi đề nghị các đồng chí báo cáo về ý định sử dụng lực lượng của trung đoàn và kết quả công tác chuẩn bị chiến đấu cho đến thời điểm hiện nay ra sao.
Trung đoàn trưởng Đỗ đứng dạy tiến sát đến tấm bản đồ treo trên vách hầm với tay cầm que chỉ rồi trịnh trọng:
- Báo cáo phó tư lệnh! Căn cứ vào mệnh lệnh của trên, căn cứ vào tình hình các đơn vị trong trung đoàn chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau: tiểu đoàn 512 thiếu một đại đội sẽ đi phối thuộc với sư đoàn B08 tiến công địch trên cánh bắc, cụ thể là tiêu diệt địch ở Miếu Bái Sơn để mở cửa tiến công Đông Hà- Chiếc que chỉ được gí vào một cụm cứ điểm vẽ bằng chì xanh rồi rê tiếp sang một điểm khác- Tiểu đoàn 397 sẽ phối thuộc cho B04 tiến công địch ở điểm cao 241 và quận lỵ Mai Lộc trên cánh tây. Riêng đại đội 2 của tiểu đoàn này sẽ tăng cường cho B24 tiến công La Vang, thực hiện chia cắt địch ở Bến Đá. Còn tiểu đoàn 3 sử dụng làm lực lượng dự bị. Hiện nay trung đoàn đang tổ chức cho cán bộ đi trinh sát thực địa, bản thân tôi cũng vừa mới ở trong ấy ra ngày hôm kia. Sau đó sẽ tổ chức cho các đơn vị cơ động vào vị trí tập kết chiến đấu. Dự kiến khoảng ngày N trừ 2 các đơn vị sẽ có mặt tại vị trí quy định. Báo cáo hết!
Mắt vẫn chăm chú nhìn vào tấm bản đồ phó tư lệnh Đào gật đầu:
- Được rồi! Bây giờ đồng chí cho biết vị trí tập kết chiến đấu của các đơn vị và đường cơ động đến đó thế nào, các lực lượng bảo đảm ra sao?
Trung đoàn trưởng Đỗ cúi xuống dò tìm trên bản đồ rồi lấy que chỉ chỉ vào mấy điểm:
- Báo cáo thủ trưởng! Chúng tôi xác định vị trí tập kết của 512 tại phía tây Miếu Bái Sơn. Từ đây đến đó khoảng hơn năm mươi ki- lô- mét. Đường cơ động sẽ theo đường 15, vượt sông Bến Hải tại Bến Tắt vào Gio Linh. Còn tiểu đoàn 397 hiện đang ở Na Lai bên Lào sẽ cơ động theo đường quân sự làm gấp về tập kết ở Đông Hướng Hóa. Chiều dài đường cơ động khoảng trên 150 ki- lô- mét. Về bảo đảm cơ động do công binh của mặt trận là chủ yếu. Trong đợt chuẩn bị chiến trường vừa qua chúng tôi cũng đã trinh sát cả đường cơ động và thấy rằng chất lượng đường bảo đảm tương đối tốt.
Đầu vẫn gật gù như lơ đãng nhưng rồi một câu hỏi nữa bỗng bất ngờ được phó tư lệnh Đào tung ra:
- Anh Đỗ cho biết tại sao 512 tiến công trên hướng chủ yếu mà lại sử dụng tiểu đoàn thiếu, còn một đại đội của nó đi đâu?
Đỗ hơi giật mình, anh vội trả lời:
- Xin lỗi thủ trưởng, tôi báo cáo chưa hết. Chả là vừa qua chúng tôi đã nhận được điện của Bộ Tư lệnh yêu cầu đưa hai đại đội vào A Lưới để sẵn sàng vu hồi vào Huế từ hướng Tây. Xét các đơn vị trong toàn trung đoàn chúng tôi thấy có đại đội 4 của 512 và đại đội 8 của tiểu đoàn 3 là khá nhất nên đã điều hai đại đội này đi rồi ạ.
Phó tư lệnh Đào nhăn mặt:
- Tôi đồng ý việc đó. Nhưng tại sao điều nó đi rồi các anh lại không bổ sung lực lượng cho 512. Các anh quên nguyên tắc tập trung lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu, vào mục tiêu chủ yếu rồi à?
Trung đoàn trưởng H03 hơi bối rối:
- Báo cáo phó tư lệnh! Trên điều đại đội 4 đi lúc cán bộ trung đoàn đang đi chuẩn bị chiến trường cả, ngay cả đại đội trưởng và một trung đội trưởng của “nó” cũng đang đi trinh sát ở trong đó. Còn chúng tôi cũng vừa mới về và nghe ở nhà báo cáo lại nên chưa kịp xử lý gì cả.
Phó tư lệnh Đào nhướng con mắt lành nên tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Đại đội trưởng vẫn còn đang đi chuẩn bị chiến trường thì ai chỉ huy nó?
Chính ủy Bùi Văn đứng dạy:
- Báo cáo phó tư lệnh, không kịp gọi anh em ra nên chúng tôi đã quyết định điều đồng chí Bùi Quang Thuận về làm đại đội trưởng đại đội 4 rồi ạ. Còn đại đội 8 thì vẫn nguyên khung cũ ạ.
Ông Đào nhăn trán:
- Đưa đơn vị đi chiến đấu độc lập là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Thế mà các anh lại để đội hình cán bộ của nó chắp vá thế mà được à?
Chính ủy Văn hơi bối rối:
- Báo cáo, chúng tôi cũng biết thế nhưng cũng không có cách nào khác. Tuy nhiên, trong số cán bộ đại đội có đồng chí chính trị viên phó Vũ Đăng Toản vốn là lái xe, đã từng vào A Lưới năm 69. Ngoài ra chúng tôi còn bố trí đồng chí Nguyễn Đức Hiến nguyên là đại đội trưởng đại đội 9 hồi đó đi cùng để giúp đỡ đồng chí Thuận ạ.
Phó tư lệnh Đào phẩy tay: 
- Thôi được rồi! Tình hình như vậy thì ta cũng đành chấp nhận vậy. Nhưng có một yêu cầu là các anh phải bổ sung lực lượng ngay cho 512. Rõ chưa?
- Rõ!- Cả mấy cán bộ trung đoàn cùng trả lời.
- Thế còn việc tổ chức chỉ huy thế nào? Kinh nghiệm chỉ rõ rồi, không thể cứ giao nhiệm vụ cho xe tăng đi phối thuộc với bộ binh là xong- Phó tư lệnh Đào hơi xẵng giọng.
- Báo cáo thủ trưởng! Ý định của chúng tôi như thế này: tôi sẽ trực tiếp đi với sở chỉ huy cánh bắc, anh Sơn trung đoàn phó đi với sở chỉ huy cánh tây. Còn các cán bộ tiểu đoàn sẽ đi với sở chỉ huy trung đoàn, nếu cần chúng tôi sẽ tăng cường thêm trợ lý cơ quan- Trung đoàn trưởng H03 trả lời ngay lập tức.
Phó tư lệnh Đào tỏ vẻ hài lòng:
- Thế thì được!- Nhìn một lượt xung quanh căn hầm ông thấp giọng- Vậy bây giờ trung đoàn có khó khăn gì nổi bật nhất?
Mấy cán bộ trung đoàn nhìn nhau, cuối cùng chính ủy Bùi Văn đứng dạy:
- Báo cáo phó tư lệnh! Theo chúng tôi cái khó khăn nhất của trung đoàn hiện nay là trình độ và kinh nghiệm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều hạn chế. Có mỗi tiểu đoàn 198 dày dạn nhất thì trên lại điều về H02, tiểu đoàn 397 tiếng là đã vào chiến trường từ năm kia nhưng thực ra cũng chỉ có một đại đội đã tham gia chiến đấu, còn các tiểu đoàn khác thì cũng vậy.
- Vậy biện pháp khắc phục của các anh như thế nào?- Ông Đào vặn.
- Dạ! Ngay từ khi cơ động vào đây chúng tôi đã cho huấn luyện bổ sung nhưng nói chung bộ đội vẫn còn rất bỡ ngỡ- Trung đoàn trưởng Đỗ trả lời.
Phó tư lệnh Đào trầm ngâm:
- Đó cũng là khó khăn chung của binh chủng lúc này. Các anh còn khá chứ H02 mới được huấn luyện có hơn bảy mươi ngày, nhiều đồng chí mới được học hết nửa chương trình đã phải nhận xe đi chiến đấu đấy. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Tôi đề nghị các đồng chí hãy làm thật tốt công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu, giao nhiệm vụ thật cụ thể, rõ ràng, khi đến vị trí tập kết thì phải liên hệ với bộ binh ngay và hiệp đồng với họ cho thật chặt chẽ vào. Kinh nghiệm mấy năm qua cho thấy vấn đề hiệp đồng giữa xe tăng với bộ binh vẫn là khâu yếu nhất- Ông gỡ cặp kính xuống lau- Thôi! Ta tạm dừng ở đây! Các đồng chí thực hiện việc điều động bổ sung lực lượng cho 512 ngay đi để anh em người ta còn chuẩn bị. Bây giờ tôi đi kiểm tra một số đơn vị, có vấn đề gì cần thiết buổi chiều về ta sẽ trao đổi thêm.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:22:19 am »

Ở lại H03 hai ngày kiểm tra các đơn vị phó tư lệnh Đào tỏ ra khá hài lòng với công tác chuẩn bị của trung đoàn nên ông quyết định sẽ tới vị trí tập kết của H02 để nắm tình hình.
Vị trí tập kết của trung đoàn H02 nằm gọn trong phạm vi một nông trường cao su ở giáp giới Quảng Bình và Vĩnh Linh. Lúc ông Đào đến cũng là lúc những chiếc xe đầu tiên của tiểu đoàn 66 cơ động đến nơi. Vừa xuống xe đã nghe tiếng trung đoàn trưởng Lãm oang oang:
- Bộ phận tiền trạm đâu? Bố trí người dẫn xe vào vị trí quy định ngay nhé! Nhớ nhắc anh em ngụy trang, xóa vết xích cẩn thận.
Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng quát tháo nhặng xị. Những ánh đèn pin lia vội. Tiếng động cơ xe gầm lên rồi tản ra các ngả. Đứng yên lặng quan sát việc tổ chức đưa xe vào vị trí trú quân phó tư lệnh Đào lắc đầu ra vẻ không hài lòng cho lắm: bộ phận tiền trạm đã được cử vào trước mấy ngày, đã xác định vị trí của từng xe một nhưng sao đến bây giờ vẫn thấy rối như canh hẹ. Lại còn đèn đóm nữa chứ, cứ loạn xạ cả lên. Đúng là lính mới lần đầu tiên vào chiến trường.
Đợi cho mọi việc ổn ổn một tý phó tư lệnh Đào mới đến gần chỗ trung đoàn trưởng Lãm. Thấy cấp trên bất ngờ xuất hiện Lãm ngớ cả người ra:
- Chào thủ trưởng! Thủ trưởng đến lúc nào thế ạ?
- Chào đồng chí! Tôi cũng vừa mới đến!- Ông Đào đưa tay ra bắt tay Lãm rồi hỏi- Tình hình tập kết các đơn vị thế nào rồi?
- Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đoàn 198 thì đã nằm sẵn trong này rồi. Khối cơ quan hành quân bằng ô tô đã đến được hai hôm. Đêm nay toàn bộ đội hình của 66 và khối hành quân bằng ô tô sẽ có mặt. Tiểu đoàn 244 thì đã lên tàu ở Bến Thủy, chắc độ hai ngày nữa sẽ vào tới nơi. Còn khối trực thuộc và bảo đảm thì anh Võ vừa báo vào là đã lên tàu, đang trên đường vào Vinh. Chúng tôi dự kiến chừng một tuần nữa toàn bộ trung đoàn sẽ có mặt ở đây.
- Tốt lắm! Nhưng các cậu phải chú ý giữ bí mật vị trí trú quân cho tốt. Vừa rồi tớ đứng quan sát thấy đèn đóm cứ loạn cả lên thế là không ổn đâu. Phải bắt anh em bọc đèn pin vào, xe thì chỉ được dùng đèn gầm thôi. Mà be bé cái mồm chứ, công việc có kế hoạch, có chuẩn bị rồi mà sao cứ rối tinh, rối mù lên thế.
- Thủ trưởng thông cảm! Anh em đều mới cả. Rồi chúng tôi sẽ nhắc nhở.
Đã nghe ì ầm tiếng động cơ từ xa vọng lại. Phó tư lệnh Đào phẩy tay:
- Thôi, đi nhắc nhở anh em rút kinh nghiệm đi! Đại đội thứ hai nó gần đến rồi đấy!
Trung đoàn trưởng Lãm vội vã quay đi. Chắc là đã được nhắc nhở kịp thời nên khi mấy chiếc xe thiết giáp xuất hiện tình hình thay đổi hẳn. Những chiếc đèn pin đã được bọc mùi xoa chỉ nhấp nháy lên tý chút rồi lại tắt. Cũng không còn cảnh xe bị ùn ứ lại rồi quát tháo nhau nhặng xị lên nữa. Cứ mỗi chiếc xe đến lại có một người dẫn đi ngay. Lãm đã trở lại cạnh phó tư lệnh Đào, ông hài lòng:
- Ít ra cũng phải thế chứ!
Cho đến khi chân trời đằng đông ửng lên sắc hồng thì chiếc xe cuối cùng mới vào vị trí. Lãm phấn khởi xoa tay:
- Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đoàn 66 thế là đủ. Bảo đảm 100 phần trăm người và trang bị ạ!- Anh niềm nở- Bây giờ mời thủ trưởng về trung đoàn bộ nghỉ ngơi và ăn sáng!
Phó tư lệnh Đào lắc đầu:
- Không! Bây giờ tớ với cậu đi một vòng xem anh em tổ chức trú quân thế nào đã. Cậu cho một người đưa xe về trung đoàn bộ hộ. Còn ta đi bộ thôi!
Trời đã gần sáng, những tia nắng mặt trời như những ngón tay hồng phía biển Đông xuất hiện báo hiệu một ngày đẹp trời. Nhìn những hàng cao su thẳng tắp đã bắt đầu khép tán đang trải dài trên những triền đồi ba- zan đỏ tươi. Phó tư lệnh Đào lẩm bẩm:
- Cao su đẹp quá nhỉ! Thế này trú quân cũng tiện nhưng nhớ nhắc bộ đội phải chú ý khi đào hầm không được làm chết cây của người ta. Bao nhiêu công sức mới được thế này đấy!
Trung đoàn trưởng Lãm nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng! Ở đây có rất nhiều công sự, hầm hào cũ nên chúng tôi chỉ việc cho đại đội công binh sửa lại một chút là dùng được.
Đúng như Lãm nói, trong các lô cao su có khá nhiều hầm xe, hầm pháo bỏ không nên mặc dù vừa mới đến xe cộ của tiểu đoàn 66 đã được đưa vào hầm. Dưới tán rừng không phải ngụy trang nên bộ đội xóa vết xích xong đã tranh thủ đi ngủ cho lại sức. Xung quanh mỗi hầm xe thiết giáp là hàng chục cái võng mắc la liệt, từ đó vọng ra những tiếng thở đều đều. Có cậu chừng như mệt quá chẳng cần mắc võng mà cứ dựa vào cây ngủ ngồi. Trung đoàn trưởng Lãm đang định cáu vì không thấy ai gác thì một bóng đen khoác chéo khẩu AK xuất hiện:
- Chào các thủ trưởng ạ!
Lãm định thần một lát mới nhận ra đó chính là Hòa, trung đội trưởng của trung đội này. Ông Đào cũng đã nhận ra người pháo thủ của đại đội 9 năm xưa. Lãm ngạc nhiên:
- Sao cậu lại gác thế này?
Hòa mỉm cười phô hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt đen nhẻm:
- Báo cáo thủ trưởng! Anh em trong trung đội toàn lính trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, lại phải hành quân liên tục gần tuần nay nên mệt quá. Còn em dù sao cũng quen rồi nên gác luôn cho anh em người ta nghỉ.
Câu trả lời của người cán bộ trẻ làm ông Đào thấy bất ngờ. Hình như đã có sự khác biệt giữa thế hệ của họ với thế hệ của ông. Khoảng cách giữa cán bộ, chiến sĩ bây giờ cũng khác với ngày xưa thì phải. Mặc dù không được hài lòng cho lắm với việc để bộ đội mắc võng ngủ không có hầm nhưng ông cố ghìm lại và quay qua bảo Lãm:
- Thôi! Ta về trung đoàn bộ đi!- Đi được vài bước ông mới nói nhỏ với Lãm- Thế này không được anh Lãm ạ! Ngay ngày hôm nay anh phải cho bộ đội đào hầm sinh hoạt, dù chỉ ở một ngày cũng phải có hầm. Tuyệt đối không để mắc võng ngủ thế kia. Anh đã đi chiến trường rồi còn lạ gì? Cứ thế này thì chỉ cần một loạt tọa độ là đi hết!
Trung đoàn trưởng Lãm tỏ ra biết lỗi:
- Báo cáo thủ trưởng! Lực lượng công binh vào trước chỉ đủ khả năng làm hầm cho “e bộ” và sửa lại hầm xe thôi. Chúng tôi cũng đã quy định bộ đội phải đào hầm ngủ nhưng chắc anh em mệt quá. Hơn một tuần nay hết tàu hỏa, tàu thủy lại hành quân bộ thủ trưởng ạ!
Ông Đào tỏ ra thông cảm nhưng vẫn kiên quyết:
- Tôi biết chứ! Anh em nhà mình hầu hết còn rất trẻ, đang tuổi ăn tuổi ngủ mà. Nhưng dù thế nào cũng phải đặt mục tiêu an toàn lên trước hết.
- Vâng! Ngay sáng nay chúng tôi sẽ tổ chức cho bộ đội đào hầm. Thủ trưởng cứ yên tâm! Đất này đào chỉ một lúc là xong.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:23:28 am »

Mặc dù vừa mới vào nhưng khu vực trung đoàn bộ của H02 đã khá tươm tất. Nhà chỉ huy, nhà ở các cơ quan và khối trực thuộc đều được đào chìm xuống đất, có giao thông hào chạy ra hầm chữ A và thoát ra ngoài. Hệ thống hầm họp, hầm giao ban đầy đủ cả, lại còn có cả bàn ghế ghép bằng những tấm gỗ thông vỏ hòm đạn khá cẩn thận. Ngồi xuống chiếc ghế băng nhún nhún thử thấy rất chắc chắn phó tư lệnh Đào tấm tắc:
- Các cậu ăn ở đàng hoàng đấy nhỉ! Còn khá hơn cả chỗ bộ tư lệnh mặt trận.
Trung đoàn trưởng Lãm hỉ hả:
- Cũng may chúng tôi vào đây tiếp thu được cái cứ cũ của đơn vị nào không biết nhưng đủ cả, anh em công binh chỉ sửa chữa qua loa là dùng được- Anh chỉ những mái tranh đã bạc cả màu- Thủ trưởng thấy không, cái mái tranh này phải hàng năm rồi.
Ông Đào gật gù:
- Đúng vậy! Thôi, bây giờ cậu ngồi xuống đây ta tranh thủ trao đổi một chút rồi chiều nay tôi còn phải về bộ tư lệnh mặt trận- Đợi cho Lãm ngồi xuống ghế và mở sổ tay đàng hoàng ông mới tiếp- Hôm vừa rồi gặp tư lệnh mặt trận đồng chí ấy có thông báo sơ bộ là trước mắt sẽ để trung đoàn ta làm dự bị cho chiến dịch. Đó cũng là một thuận lợi để ta có thêm thời gian chuẩn bị. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của trung đoàn là khẩn trương đưa đủ đội hình vào vị trí tập kết càng nhanh càng tốt. Ngay khi vào rồi phải nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt, trong đó đặc biệt chú ý là củng cố trang bị và trinh sát chiến trường.
Trung đoàn trưởng Lãm vừa lia bút lia lịa vừa nói:
- Vâng ạ! Việc củng cố trang bị thì rõ rồi, còn việc đi chuẩn bị chiến trường thì có lẽ chúng tôi phải đợi trên giao nhiệm vụ chính thức mới biết phải trinh sát địa bàn nào chứ?
Phó tư lệnh Đào lắc đầu:
- Đã làm dự bị chiến dịch thì phải nắm được địa hình toàn bộ khu vực tác chiến, đặc biệt là trong chiều sâu phòng ngự của địch. Tuy nhiên, theo tôi H02 các anh chắc sẽ được mặt trận sử dụng ở cánh đông vì cánh bắc và cánh tây đã có H03 rồi- Quay sang trợ lý Bắc ông bảo- Cậu đưa tôi cái bản đồ khu vực đây!
Bắc mở xắc cốt lấy tấm bản đồ khu vực Quảng Trị trải rộng trước mặt phó tư lệnh. Thấy ông chăm chú nhìn như muốn tìm kiếm cái gì đó anh chỉ vào một khoanh tròn màu đỏ:
- Báo cáo thủ trưởng! Hiện ta đang ở đây ạ!
Ông Đào gật đầu:
- Anh Lãm lại gần đây đi! Đây là hình thái bố trí hiện tại của cả địch và ta. Dự kiến của trên trong chiến dịch này là tiến công trên bốn cánh: cánh bắc, cánh tây, cánh nam, cánh đông và một mũi vu hồi vào Huế, trong đó cánh bắc là chủ yếu. Ở cánh bắc và cánh tây mỗi cánh đều được tăng cường một tiểu đoàn của H03. Vì vậy theo phán đoán của tôi các anh sẽ được sử dụng chủ yếu ở cánh đông vì đây là vùng đồng bằng ven biển- Ông chỉ một vệt dài dọc theo bờ biển- Vì vậy tôi đề nghị các anh tập trung chú ý vào khu vực này. Mà phải nhanh nhanh lên đấy.
Lãm chăm chú nhìn rồi nhăn trán:
- Thủ trưởng ơi! Khu vực ấy toàn thấy sông ngòi và bãi lầy, đầm phá thế kia thì đánh nhau làm sao được!
- Anh này hay nhỉ! Thế trang bị cho các anh toàn xe bơi nước để làm gì? Mà bên cánh bắc và cánh tây đã có H03 rồi cơ mà- Ông Đào tỏ ra khó chịu.
Lãm chợt đổi giọng khẩn khoản:
- Báo cáo thủ trưởng! Hiện tại chúng tôi chưa có một bộ bản đồ địa hình khu vực nào trong tay. Thủ trưởng cho chúng tôi xin tạm bộ này để nghiên cứu trước có được không ạ?
Ông Đào liếc sang phía Bắc, anh nhanh nhảu trả lời:
- Chắc chắn mấy hôm nữa tham mưu của mặt trận sẽ cấp đủ cho trung đoàn thôi. Còn ở đây vẫn còn một bộ dự trữ nữa thủ trưởng ạ!
- Vậy thì cứ đưa cho các cậu ấy nghiên cứu trước đi!
Lấy từ xắc cốt ra một bộ bản đồ đưa cho Lãm nhưng Bắc vẫn phải dặn thêm:
- Bộ bản đồ này hơi cũ rồi nên các anh phải nghiên cứu thực địa và bổ sung thêm địa vật vào cho phù hợp với hiện tại.
Nhìn góc tấm bản đồ thấy dòng chữ “In theo số liệu đo vẽ năm 1941” Lãm thốt lên:
- Trời ạ! Từ năm 41 đến nay thì có biết bao thay đổi rồi, chả biết các “ông ấy” làm ăn kiểu gì thế này?
Ông Đào trừng mắt:
- Cậu này hay nhỉ! Suốt mấy chục năm chiến tranh, vùng này lại là vùng tranh chấp ác liệt thì ai mà đi đo vẽ được. Có mà dùng là tốt rồi, còn hơn chán vạn lần hồi đánh Pháp ấy chứ. Mà cậu Bắc cậu ấy nói rồi: các cậu phải đi thực địa và vẽ bổ sung các địa vật vào, đặc biệt là hệ thống đường sá ấy.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:24:22 am »

Khi được biết khoảng cách từ sở chỉ huy mặt trận đến cầu Hiền Lương không xa là mấy phó tư lệnh Đào quyết định sẽ phải đi đến đó. Ông muốn tận mắt nhìn thấy một địa danh lịch sử đã đi vào sử sách, nơi chia cắt đất nước thành hai miền nam bắc hàng chục năm qua. Còn vì một lẽ nữa thúc giục ông đến nơi đó vì muốn tìm một nơi để H02 vượt qua sông Bến Hải khi bước vào chiến đấu.
Theo sự chỉ dẫn của một cán bộ địa phương hai thày trò ông Đào luồn lách theo những con đường mòn kín đáo dưới những lùm tre, nhiều đoạn phải đi trong hào giao thông sâu gần ngập đầu người hướng về phía đông. Trên đầu một chiếc L19 đang lượn lờ nhòm ngó, tiếng vè vè từ đó phát ra nghe thật khó chịu. Càng gần đến Hiền Lương sự khốc liệt của chiến tranh ở vùng đất này càng rõ rệt: không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, chỉ thấy hố bom rồi lại hố bom, đất ba- zan bị cày xới, quăng đi quật lại bầm đỏ như máu khô. Nghe nói toàn bộ cuộc sống ở đây đã chuyển vào lòng đất, dưới những địa đạo sâu hàng chục mét. Nghe thì biết vậy chứ ông Đào cũng chưa bao giờ được chui xuống một cái địa đạo nào. Mà có lẽ đúng thế thật vì đã đi gần chục ki- lô- mét mà hai thày trò hầu như không thấy một người dân nào, chỉ thỉnh thoảng gặp một tổ dân quân trực chiến bên những khẩu 12 ly 7 ngụy trang đầy lá. Mà hầu như các khẩu đội này toàn là nữ thì phải. Thấy hai anh bộ đội lơ nga, lơ ngơ vừa đi vừa giở bản đồ ra tìm đường họ chí chóe trêu nhưng cả hai thày trò vẫn nín lặng vì nghe mà chẳng hiểu gì. Tuy nhiên khi còn cách cầu Hiền Lương chừng non một ki- lô- mét thì cô khẩu đội trưởng ở đây tỏ ra rất kiên quyết khi biết hai người định đi ra cầu Hiền Lương:
- Các eng nỏ được ra nớ tề! Nguy hiểm lắm!
Bắc nằn nì:
- Đồng chí thông cảm! Chúng tôi chỉ định ra đó nhìn cây cầu một tý thôi mà.
Cô dân quân cười như nắc nẻ:
- Còn mô nữa mà dòm! Cầu đã bị máy bay Mỹ nó đánh sập mấy năm ni rồi, các eng nờ. Mà tui nhắc lại, các eng nỏ được ra nớ tề! Máy bay nó dòm thấy nó đánh liền- Cô chỉ chiếc L19 đang lượn lờ trên đầu.
- Thế có chỗ nào kin kín mà nhìn thấy cầu không?- Bắc vẫn nằn nì.
- Thôi được! Tui sẽ dẫn hai eng đến chỗ dòm thấy cây cầu!
Nói rồi cô xăm xăm đi trước, hai thày trò lẽo đẽo đi theo. Đến một mỏm đồi cao cô dừng lại sau một lùm tre rồi chỉ tay về phía trước:
- Cầu tê tề! Các eng dòm đi rồi viền cho sớm.
Ông Đào giương chiếc ống nhòm lên và điều chỉnh thị độ. Thật chẳng có gì giống với hình dung của ông trước đây về “khu phi quân sự” và đồn biên phòng giới tuyến. Cây cầu Hiền Lương nổi tiếng đã bị sập hết mấy nhịp giữa chỉ còn hai đoạn hai bên mố cầu chúc đầu xuống sông. Đồn biên phòng giới tuyến cũng chẳng còn lại dấu tích gì ngoài những hố bom nham nhở, đỏ bầm. Tuy nhiên, dường như bất chấp mọi thử thách, một lá cờ đỏ sao vàng thật lớn vẫn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột cờ. Lướt ống nhòm qua phía bờ nam lòng ông chợt se lại. Ngoài cái lô cốt có tháp canh cao ba tầng ngay đầu cầu trên đó cũng có một lá cờ vàng ba sọc đỏ là có vẻ như còn sự sống, còn lại là một cảnh tượng hoang tàn, thê lương đến nao lòng. Chỉ thấy những cánh đồng ngập nước bỏ hoang, những dãy đồi trọc lơ thơ vài lùm cây bụi nối tiếp nhau. Không một bóng làng quê, không một mái nhà, không một bóng người hay bất cứ một sinh vật nào khác, “chắc đây chính là hàng rào điện tử Mắc Na- ma- ra mà Mỹ đã làm rùm beng mấy năm nay”- ông nghĩ bụng. Bất giác mắt ông như nhòa đi. Một dòng sông chỉ rộng hơn trăm mét mà như vô tận. Dường như đứng ở nơi đây người ta sẽ thấm thía hơn nỗi đau chia cắt của một quốc gia, một dân tộc và cảm nhận đầy đủ hơn sự khốc liệt của cuộc chiến này.
Hôm qua trong buổi họp phê duyệt quyết tâm chiến dịch ông mới hiểu rõ thêm về tình hình địch ở đây. Là nơi đối đầu trực tiếp giữa hai chế độ nên Mỹ ngụy đã cho xây dựng Quảng Trị thành một phòng tuyến hết sức vững chãi nhằm chống lại sự “xâm nhập của cộng sản Bắc Việt”. Lực lượng của chúng bố trí ở đây gồm sư đoàn 3 bộ binh do chuẩn tướng Vũ Văn Giai chỉ huy, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến số 147 và 258, hai thiết đoàn 11 và 20 cùng lực lượng pháo binh hùng hậu với hàng trăm khẩu pháo các cỡ do quân Mỹ bàn giao lại. Ngoài ra còn có các lực lượng biệt kích, thám báo và bảo an dân vệ lên đến hàng trăm nghìn tên. Để thực hiện ý đồ của mình chúng bố trí thành ba tuyến phòng thủ. Tuyến ngoài cùng nằm sát phía nam khu phi quân sự, kéo dài từ biển Đông đến tận biên giới Việt- Lào có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập của ta. Lực lượng ở tuyến này chủ yếu là không quân, pháo binh, biệt kích, thám báo được hỗ trợ bởi các phương tiện trinh sát của hàng rào điện tử Mắc Na- ma- ra, khi cần thiết có thể tổ chức càn quét bằng những bộ phận chủ lực nhỏ. Tuyến phòng thủ thứ hai được coi là tuyến phòng thủ cơ bản có ý nghĩa quyết định trong hệ thống. Đó là một chuỗi các cứ điểm, cụm cứ điểm từ Động Ông Do, các điểm cao 52, 365, 241 v.v… ở phía tây kéo dài qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang đến tận Cửa Việt hình thành nên các tam giác, tứ giác phòng thủ để hỗ trợ lẫn nhau. Đó là những điểm cao, cứ điểm mà bọn chúng vẫn huyênh hoang là “bất khả xâm phạm”. Có thể coi đây là lớp vỏ cứng của cả hệ thống phòng thủ của chúng và nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng xe tăng trong chiến dịch này là phải đập tan lớp vỏ cứng đó. Còn tuyến thứ ba bao gồm các thị xã, thị trấn nằm sâu phía trong như Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị. Lực lượng của chúng ở đây có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với bảo an, dân vệ thực hiện kìm kẹp nhân dân, đánh phá phong trào cách mạng của quân chúng đồng thời sẵn sàng chi viện, ứng cứu cho tuyến phòng thủ thứ hai.
Với những gì quan sát được hôm nay ông Đào cũng đã nhận thấy ý định phòng thủ của địch cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Quả thật là với một “vùng trắng” như thế này việc tổ chức đưa lực lượng, nhất là lực lượng cơ giới vào chiến đấu sẽ hết sức khó khăn. Bỏ chiếc ống nhòm xuống ông quay qua hỏi cô dân quân:
- Đồng chí cho hỏi, suốt dọc bên bờ nam không có dân à?
- Trước thì có, nhưng mấy năm ni ác liệt quá nên không còn ai ở lại. Phần thì bị bọn giặc xúc đi làm vành đai trắng, phần thì bà con chạy tan tác mỗi người một ngả. Ngay cả ngoài ni cũng rứa- Cô chỉ tay xuống chân điểm cao- Ngay dưới chỗ các eng đứng tê tề ngày xưa là làng Tùng Luật nớ! Giừ thì còn chi mô!
Ông Đào nhìn xuống chân đồi. Quả thật, giữa la liệt những hố bom đỏ quạch, những lũy tre xơ xác vẫn có thể nhận ra dấu tích những ngôi nhà, mảnh sân và những khóm tiêu cùng một ít cây ăn quả. Lắc mạnh đầu như để xua đi nỗi ám ảnh nặng nề ông lại hỏi người nữ dân quân:
- Này, đồng chí! Dọc bờ sông này có chỗ nào bờ sông thoai thoải chứ không dựng đứng như thế kia không?- Ông chỉ tay về phía dòng sông. 
- Nỏ có mô! Chỗ mô cũng rứa cả, chỉ có xuôi xuống Cửa Tùng bờ sông mới thoai thoải thôi- Cô dân quân trỏ ra phía biển.
- Từ đây xuống Cửa Tùng có xa không, đồng chí?- Bắc hỏi chen vào.
- Nỏ có xa mô, chừng năm, sáu cây số thôi mừ.
Bắc giở bản đồ ra, hai thày trò lặng lẽ nhìn một lát rồi ông Đào bảo:
- Thôi, ta về!- Ông bắt tay người nữ dân quân- Cảm ơn đồng chí nhé! Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ.
Suốt dọc đường về sở chỉ huy ông cứ cắm cúi đi mà không nói một lời nào.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #17 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:26:07 am »

Về đến đơn vị lúc gần sáng Nhã đặt mình xuống là ngủ luôn. Chuyến đi chuẩn bị chiến trường hơn hai tuần qua, nhất là cuộc mã hồi nước rút đã hút của anh gần như toàn bộ sức lực. Tuy vậy trời vừa sáng anh đã vục dậy. Lau qua cái mặt Nhã giục pháo hai Kỳ đi báo cho ban chỉ huy đại đội và các cán bộ trung đội lên hội ý gấp. Trong lúc chờ mọi người đến đủ Nhã vừa trệu trạo nhai bát cơm sáng với ít ruốc mặn vừa tranh thủ gạch đầu dòng mấy việc cần làm ngay vào cuốn sổ tay đặt bên cạnh. Thấy đại đội trưởng tỏ ra lo lắng và khá mệt mỏi mấy thành viên trong xe cũng lặng lẽ ăn chẳng dám hó hé gì như mọi khi. Cảm thấy không khí của xe có vẻ căng thẳng do mình gây nên Nhã bỏ bút xuống cuốn sổ và nốt bát cơm rồi tươi cười:
- Cơm ngon quá! Suốt hai tuần nay mới được bữa ăn ngon như thế này.
Pháo thủ Thủy nhanh nhảu:
- Đại trưởng đưa bát đây em xới nữa cho! Cơm vẫn còn nhiều.
Pháo hai Kỳ thì tỏ ra hơi áy náy:
- Biết thế em nấu thêm cho đại trưởng ít canh thì dễ nuốt hơn nhiều. Hay để em lấy thêm hộp thịt nhé!
Nhã gạt đi:
- Không cần đâu! Thế này là ngon chán rồi.
Liên nháy mắt với Kỳ:
- Cứ lấy xuống đi! Việc gì phải hỏi.
Kỳ nhảy phắt vào xe, chỉ giây lát sau cậu đã cầm xuống một hộp thịt và nhanh chóng mở nắp. Nhã pha trò:
- Thế này thì tớ phải ăn được vài bát nữa, lấy đâu ra cơm mà ăn bây giờ?
Liên cười:
- Biết thế nên hôm nay em đã bảo Kỳ nó nấu thêm một bát gạo nữa. Đại trưởng cứ ăn đi, còn nhiều cơm lắm.
Mặc dù mới về đại đội này chưa lâu nhưng cán bộ chiến sĩ trong đại đội và nhất là các thành viên xe này đối với Nhã đã vô cùng thân thiết. Phần vì anh cũng dễ tính, phần vì mấy thành viên này có những nét khá giống với kíp xe 567 mà anh đã gắn bó nhiều năm. Lái xe Liên là sinh viên năm thứ hai đại học Lâm nghiệp, người mảnh khảnh, thư sinh; tính nết thì cũng ân cần, chu đáo và hay văn thơ như Cân. Pháo thủ Thủy thì hơi giống Thắng, sống vô tư, ăn khỏe, ngủ khỏe nhưng lúc đã làm gì thì làm cứ băng băng. Cậu ta ngủ khỏe đến nỗi Liên phải thốt lên: “người ta bảo “ăn pháo thủ, ngủ lái xe”, còn cậu thì làm cả thế lẽ ra phải xuống lái cho tôi”. Còn pháo hai Kỳ thì phảng phất giống Hòa, cũng nước da đen mặn mòi, nhanh nhảu, tháo vát, “trong bất cứ tình huống khó khăn nào cũng có thể tìm ra giải pháp” như lời khen ngợi của Liên. Nhưng có lẽ cũng không hẳn như vậy. Tuy là người đơn giản trong cả suy nghĩ lẫn hành động nhưng trong những lúc có một mình Nhã cũng đã tìm cách lý giải về hiện tượng này. Có lẽ sự thân thiết đó bắt nguồn từ bản chất chiến đấu của binh chủng xe tăng. Mỗi chiếc xe có từ ba đến năm thành viên, mỗi người có một chức trách, nhiệm vụ khác nhau: người chỉ huy, người điều khiển xe, người ngắm bắn, người nạp đạn. Tuy nhiên kíp xe đó chỉ hoàn thành nhiệm vụ khi tất cả các thành viên trong xe hiểu nhau, ăn ý với nhau trong mọi hành động. Chả thế mà anh Nguyễn Hữu đã viết “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay…”.
 Bữa cơm vừa xong thì chính trị viên Hàn và các cán bộ có mặt đủ, Nhã vào đề ngay:
- Trước hết đề nghị các đồng chí cho biết tình hình thực hiện kế hoạch huấn luyện bổ sung và tiến hành công tác chuẩn bị ở nhà trong thời gian chúng tôi đi trinh sát đã thực hiện như thế nào?
Đại đội phó kỹ thuật Tuấn trả lời:
- Báo cáo anh! Tất cả những nội dung huấn luyện mà ta thống nhất trước khi anh đi ở nhà đã thực hiện hết. Kết quả huấn luyện nhìn chung tốt, anh em chịu khó, tích cực học tập và trình độ đã nâng lên rất nhiều, về cơ bản đã làm chủ được trang bị mới. Cũng may đợt này có khá đông thành viên là sinh viên nên khả năng tiếp thu rất tốt. Còn công tác chuẩn bị mọi mặt cũng đã được tiến hành đúng kế hoạch. Về mặt kỹ thuật đảm bảo 100 phần trăm xe lên đường được ngay.
Nhã gật đầu vẻ hài lòng:
- Thế thì tốt! Còn tình hình tư tưởng bộ đội thế nào, anh Hàn.
Chính trị viên Hàn mở sổ tay rồi trịnh trọng:
- Về tình hình tư tưởng của bộ đội thì anh cứ yên tâm. Chi bộ, chi đoàn đều đã tổ chức sinh hoạt xác định ý chí quyết tâm, 100 phần trăm cán bộ, chiến sĩ đều nóng lòng được đi chiến đấu. Tôi đang định tổ chức một buổi diễn đàn thanh niên để anh em được …
Nhã cắt ngang:
- Xin lỗi anh! Thế là tốt rồi. Còn bây giờ không có nhiều thời gian nên tôi xin phổ biến tình hình nhiệm vụ ngay để chúng ta cùng tiến hành công tác chuẩn bị. Về nhiệm vụ của đại đội ta nói riêng và của tiểu đoàn ta nói chung là tăng cường cho sư đoàn B24 tiến công quân địch ở phía tây nhằm mục đích vây ép Đông Hà từ phía tây, chia cắt Đông Hà với Quảng Trị tiến tới đánh chiếm hai cụm cứ điểm này. Vừa qua chúng tôi đã đi trinh sát thực địa tại một loạt các cứ điểm nằm trong phạm vi nhiệm vụ và đã có sơ đồ cụ thể từng cứ điểm. Tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt chúng ta là phải tổ chức đưa đơn vị vào tập kết tại Đông Hướng Hóa trước ngày 29 tháng Ba. Từ đây đến đó là khoảng 160 ki- lô- mét mà thời gian chỉ còn 5 ngày nên tiểu đoàn đã quyết định ta sẽ xuất phát ngay tối nay. Trên đường về chúng tôi cũng đã trinh sát kỹ con đường này. Thực ra đó chỉ là con đường mòn, trước đây chủ yếu dùng cho bộ binh và xe thồ nay mới được công binh mặt trận nâng cấp nên rất khó đi, nhiều đèo dốc và sông suối nên tốc độ hành quân chắc chắn sẽ không thể nhanh được. Vì vậy ngay sau đây đề nghị các đồng chí về phổ biến sơ bộ nhiệm vụ cho bộ đội và tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt. Mọi công tác chuẩn bị xong trước 15 giờ, sau đó cho bộ đội ăn cơm chiều. 17 giờ tập trung toàn đại đội nghe hạ mệnh lệnh hành quân, 17 giờ 30 xuất phát. Về khí tài và lương thực, thực phẩm mang theo một cơ số như quy định. Các anh còn hỏi gì nữa không?
Tuấn càu nhàu:
- Sao lúc nào cũng gấp gáp như thế nhỉ? Giá biết sớm một tý thì trong lúc các anh đi chuẩn bị chiến trường chúng tôi cho đơn vị cơ động lên vài chục cây số thì đỡ biết bao.
Nhã lắc đầu:
- Thời gian là do trên quyết chứ tiểu đoàn có biết trước đâu. Chả thế mà điềm đạm như tiểu đoàn trưởng Thạnh khi nghe phổ biến nhiệm vụ xong còn văng tục ra với tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh đấy.
Chính trị viên phó Dư nôn nóng:
- Anh định tổ chức đội hình thế nào? Có phải tổ chức đội tiền trạm không?
Nhã lắc đầu:
- Do chúng ta hành quân theo đội hình tiểu đoàn nên đội tiền trạm do tiểu đoàn lo. Tuy nhiên tiểu đoàn đã thống nhất là việc chia cung, chặng chỉ mang tính tương đối. Nếu đi hết chặng mà vẫn còn chưa sáng các đại đội có thể tiếp tục hành quân vượt chặng miễn là phải bảo đảm bí mật. Còn tổ chức đội hình tôi sẽ đi đầu, sau đó đến trung đội 1, xe chính trị viên, tiếp theo là trung đội 2, riêng trung đội trưởng trung đội 2 vừa đi trinh sát cùng tôi về đã nắm được tình hình đường sá nên sẽ đi sau cùng. Anh Tuấn và tổ thợ sẽ đi với xe này, xe nào hỏng thì để lại các anh khắc phục rồi đuổi theo chứ không chờ nhau nữa. Chỗ anh Dư và các chiến sĩ ở “xê bộ” chia ra đi với các xe. Nói tóm lại bằng mọi cách chúng ta phải có mặt ở vị trí tập kết trước thời gian quy định. Các anh đã rõ cả chưa?- Nhìn quanh một lượt không thấy ai nói gì anh gật đầu- Rõ rồi thì mời các anh về chuẩn bị! Riêng anh Tuấn ở lại tôi nhờ chút việc.
Mọi người lục tục đứng dậy, trung đội trưởng trung đội 1 vẫy Liên:
- Bảo anh em sang xe tớ nghe phổ biến nhiệm vụ nhé!
Còn lại hai người Nhã mở tấm sơ đồ đường hành quân do anh tự vẽ trên tờ giấy học sinh ra và bảo Tuấn:
- Anh ngồi lui lại đây một chút! Khổ quá! Đánh nhau đến nơi rồi mà cả tiểu đoàn có mỗi bộ bản đồ, tôi phải tranh thủ vẽ sơ sơ đường hành quân vào đây đây- Nhã hạ giọng- Dạo vừa rồi trực tiếp huấn luyện bổ sung cho anh em ở nhà anh thấy tay nghề đội ngũ lái xe của ta thế nào? Trong điều kiện đường sá thế này liệu đạt được tốc độ trung bình bao nhiêu cây một giờ?
Tuấn trầm ngâm:
- Theo đánh giá của tôi thì đại bộ phận lái xe của đại đội ta có tay nghề khá vững. Vừa rồi mặc dù điều kiện rất khó khăn nhưng tôi cũng đã bố trí cho anh em thực hành lái đêm qua những đoạn đường rất khó đi nhưng cũng vượt qua an toàn cả. Tuy nhiên tốc độ hành quân thực tế còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, nhất là đường sá tôi lại chưa biết nên cũng không dám chắc đạt được bao nhiêu.
Nhã nhíu mày chỉ vào mấy điểm đã đánh dấu đỏ trên sơ đồ:
- Thực ra đoạn bên Lào đường cũng không khó đi lắm, chỉ có đoạn cuối khi gần đến Khe Sanh phải vượt qua mấy dẫy núi cao mới khó đi thôi. Vì vậy ý định của tôi là phấn đấu trong ba đêm đầu mỗi đêm phải đi được ít nhất 40 ki- lô- mét.
Tuấn gật đầu:
- Gì chứ 40 ki- lô- mét một đêm chắc là được.
Nhã gấp sổ lại:
- Vậy anh chú ý cho khâu kiểm tra kỹ thuật nhé!
Hai anh em bắt tay nhau. Tuấn vừa đi khỏi Nhã lại chúi đầu vào cuốn sổ để soạn thảo mệnh lệnh hành quân.
Đúng như dự đoán của Nhã. Cuộc hành quân đến vị trí tập kết chiến dịch lần này quả thật là một thử thách to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 397 nói chung và đại đội của anh nói riêng. Con đường quân sự làm gấp lởm chởm những đá hộc, lổng chổng những gốc cây, nhiều chỗ chỉ vừa đủ hai băng xích đi qua thực sự là những thử thách với những tay lái mới. Lại còn phải vượt qua hàng chục con suối với những bãi lầy kinh người mà chỉ sơ xuất một tý là mất hàng giờ cứu kéo nhau. Đã thế lại còn bị không quân địch thường xuyên ngăn chặn. Vì đã có kinh nghiệm đối phó với AC 130 rồi nên Nhã lệnh cho đại đội cứ đóng kín cửa mà đi, nó bắn chán không làm gì được mãi cũng phải bỏ. Trầy trật như vậy nhưng gần sáng ngày 29 tháng Ba đại đội của Nhã cũng đến được vị trí tập kết theo quy định mà chỉ phải bỏ lại trên đường một xe chờ khắc phục sẽ đến sau.
Chỉ vị trí cho các trung đội đưa xe vào giấu xong Nhã thở phào nhẹ nhõm. Anh thầm cảm ơn đại đội phó kỹ thuật Tuấn đã tổ chức huấn luyện bổ sung những nội dung rất thiết thực cho đội ngũ lái xe. Vì vậy vừa đặt lưng xuống võng anh đã ngủ ngon lành mặc cho cái rét tê tái đang ngấm qua lần vải võng.
Cũng trong đêm ấy tiểu đoàn 512 đã có mặt tại phía tây Miếu Bái Sơn chừng bốn ki- lô- mét. So với 397 thì quãng đường hành quân của 512 ngắn hơn và cũng dễ đi hơn nhiều nhưng có cái khó là rất gần địch mà yêu cầu của mặt trận là phải giữ bí mật tuyệt đối. Các lái xe của 512 đã phải áp dụng bài “bí mật tiếp cận” và họ đã thành công.
Trung đoàn H02 cũng đã thu đủ quân đến vị trí tập kết. Bộ tư lệnh mặt trận đã chính thức giao nhiệm vụ cho H02 làm dự bị của chiến dịch. Trung đoàn được mang mật danh là đoàn Quang Trung và được lệnh giữ bí mật tuyệt đối hành tung của mình.
Không chỉ có xe tăng, các lực lượng bộ binh, pháo binh, tên lửa, cao xạ, đặc công… cũng nườm nượp kéo vào vị trí tập kết. Thế mà cả một vùng Bắc Quảng Trị vẫn yên tĩnh như thường. Nhưng không phải như vậy. Đó là sự yên tĩnh ở trong tâm bão.

*
*       *
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #18 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:27:38 am »

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Tý Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã bay đi thị sát nhiều nơi, trong đó có Quảng Trị. Có vẻ như nỗi phấp phỏng vì bị “đấm lưng” vào dịp Tết như hồi Mậu Thân đã không diễn ra nên đến đâu y cũng cao giọng: “Cộng quân Bắc Việt đã hụt hơi, nếu có tiến công cũng sẽ không thể bằng Mậu Thân 68”. Trong cuộc tiếp kiến Nguyễn Văn Thiệu đại tá tỉnh trưởng Quảng Trị Phan Bá Hòa lớn tiếng huyênh hoang: “Tình hình an ninh Quảng Trị đã đạt tới 100 phần trăm. Quân lực Việt Nam cộng hòa đã quét sạch đối phương trên địa bàn, việc phát triển bình định cũng đã hoàn thành”. Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh sư đoàn 3 đồn trú tại đây cũng tuyên bố: “Tôi lạc quan trước sự yên ổn của tỉnh Quảng Trị”. Còn Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại miền Nam lại cho rằng hướng tiến công chủ yếu năm nay là chiến trường Tây Nguyên nên đã chỉ đạo cho Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn điều động phần lớn sư đoàn dù, lực lượng dự bị chiến lược và các lực lượng chủ lực của quân khu Hai lên cao nguyên trung phần.
Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, xuất thân từ binh chủng Nhảy Dù, từng chỉ huy Trung Đoàn 2 bộ binh và là tư lệnh phó Sư Đoàn 1 bộ binh trong chiến dịch Lam Sơn 719, được Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn đánh giá là một trong những chỉ huy sư đoàn trẻ, năng động và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Biết được những yếu kém và thiếu sót của một đơn vị mới thành lập Giai thường trực tiếp trông coi nỗ lực huấn luyện cũng như thường xuyên thanh sát các vị trí phòng thủ. Để khắc phục khả năng cơ động yếu kém của đơn vị, Giai cho phân tán đơn vị ra nhiều cứ điểm phòng thủ nhỏ và hoán chuyển khu vực trách nhiệm thường xuyên. Với biện pháp này Giai hy vọng các đơn vị dưới quyền đều quen thuộc với các khu vực trong phạm vi phòng thủ và tránh tình trạng nhàm chán, mất cảnh giác khi phải đóng lâu một chỗ. Đồng thời sẽ tránh bị tiêu diệt bởi một cuộc tấn công lớn. Theo thông lệ ngày cuối tháng sẽ là ngày thay quân giữa các vị trí. Riêng tháng này Giai và tỉnh trưởng Hòa còn bận rộn chuẩn bị để đón tiếp trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh quân đoàn Một và quân khu Một sẽ ra thị sát tình hình và úy lạo thiết đoàn 20 đang đóng tại Đông Hà trong một vài ngày tới.

Trong lúc đó tại sở chỉ huy mặt trận B5 đang diễn ra cuộc giao ban của Bộ tư lệnh để nắm tình hình và kiểm tra các mặt lần cuối trước giờ nổ súng. Sau khi nghe tham mưu trưởng và các chủ nhiệm binh chủng báo cáo tình hình tư lệnh mặt trận đứng dậy hể hả:
- Tốt lắm! Như vậy là tất cả các đơn vị của ta đã vào đến vị trí tập kết đúng theo quy định. Và điều quan trọng nhất là cho đến giờ phút này chúng ta vẫn giữ được bí mật tuyệt đối về hướng tiến công cũng như lực lượng tham gia. Mấy ngày qua đài kỹ thuật của ta cũng đã bắt được một số tín hiệu bất thường của địch, tuy vậy chúng cũng chỉ đặt câu hỏi nghi ngờ về một số hoạt động tập trung quân của ta mà chưa có phán đoán gì cụ thể. Có thể nói đến giờ chúng vẫn hoang mang không biết hướng tiến công chủ yếu của ta trong Xuân Hè này ở đâu. Từ bây giờ đến giờ G- Ông giơ tay xem đồng hồ rồi dằn giọng- chỉ còn khoảng 7 tiếng nữa, tôi đề nghị các đồng chí nhắc nhở bộ đội tiếp tục giữ bí mật thật tốt và đặc biệt chú ý giữ liên lạc thường xuyên với các đơn vị.
Đúng lúc đó một chiến sĩ thông tin từ trong ngách hầm tổng đài xuất hiện đưa cho trưởng phòng quân báo mặt trận một tờ giấy loáng thoáng mấy hàng chữ. Liếc qua tờ giấy anh nhanh nhẹn lách qua mấy cái lưng tiến sát đến chỗ tư lệnh mặt trận và thì thầm điều gì đó vào tai ông. Không ai trong hầm nghe thấy gì chỉ thấy tư lệnh gật đầu mấy cái, cuối cùng mặt ông đanh lại:
- Báo cáo các đồng chí! Quân báo mặt trận đã phát hiện được địch bắt đầu tổ chức thay quân theo thường lệ tại điểm cao 544 và Đồi Tròn. Đây là thời cơ tốt nhất để ta tiêu diệt quân địch. Vì vậy tôi quyết định đúng 11 giờ 30 phút trưa nay ta sẽ nổ súng tiến công- Tiếng xì xào lập tức nổi lên trong hầm, những gương mặt cũng sáng lên. Tư lệnh mặt trận nhìn lướt qua một lượt quanh hầm rồi cao giọng- Tôi nhắc lại đúng 11 giờ 30 phút sẽ nổ súng, sớm hơn dự định 4 tiếng. Tại sao à? Tại vì chính vào lúc đó bọn mới đến thì chưa sẵn sàng, bọn vừa rời đi cũng mất cảnh giác. Và chính lúc đó là lúc chúng sơ hở nhất, bị bất ngờ nhất. Nổ súng sớm như vậy có bộ phận nào có khó khăn gì không?
Không thấy ai lên tiếng, chỉ thấy những gương mặt tươi hơn hớn nhưng cũng hơi nhuốm màu lo lắng, một vài người đã gấp sổ tay lại cho vào xắc- cốt. Tư lệnh mặt trận tươi cười:
- Nếu không ai có ý kiến gì thì mời các đồng chí về vị trí, kiểm tra lại thông tin liên lạc và phổ biến nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền ngay.
Mọi người lục tục đứng dậy về vị trí. Căn hầm trong phút chốc đã vắng teo và trở lại vẻ tĩnh lặng thường nhật. Trái ngược với không khí đó bên hầm tổng đài là một cuộc chạy đua đang đến hồi nước rút. Các chiến sĩ thông tin mặt mũi đầm đìa mồ hôi luôn tay thao tác. Những mệnh lệnh ngắn gọn liên tục được gửi đi. Những báo cáo liên tục được nhận về. Tất cả cứ nhộn nhạo cả lên nhưng vẫn trật tự và ngăn nắp.
Rời khỏi hầm giao ban phó tư lệnh Đào nhắc trợ lý Bắc kiểm tra lại một lần nữa mạng liên lạc với ban chỉ huy hai trung đoàn. Sau khi Bắc báo cáo “mạng vẫn thông, bộ đội vẫn sẵn sàng chờ lệnh” phó tư lệnh Đào ăn vội hai lưng cơm rồi trở lại đài quan sát của sở chỉ huy mặt trận. Thấy bóng ông tư lệnh mặt trận tươi cười:
- Vẫn đang “thất nghiệp” hả?
- Vâng ạ!- Quả thật, so với các chủ nhiệm binh chủng khác đang rối rít, tít mù thì đại diện xe tăng lúc này chưa có việc gì mà làm- Báo cáo thủ trưởng! Tôi vừa kiểm tra tình hình các đơn vị, anh em nóng ruột lắm rồi ạ.
- Cứ chờ đấy! Một hai hôm nữa thì “vắt chân lên cổ” mà chạy cũng không kịp ấy chứ.- Tư lệnh mặt trận xem đồng hồ rồi vẫy tay- Vào đây! Chuẩn bị đến “màn chào hỏi” đấy!
Đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng Ba năm 1972 hàng loạt tiếng nổ đầu nòng trầm đục dậy lên từ những trận địa pháo phía sau sở chỉ huy. Mặt đất dưới chân rung lên như có một cơn địa chấn đang lan rộng. Dán chặt mắt vào chiếc ống nhòm có độ phóng đại lớn ông Đào chăm chú quan sát khu vực Dốc Miếu và Miếu Bái Sơn nhưng cũng chỉ thấy những đụn khói ngày một dâng cao. Tư lệnh mặt trận thân mật:
- Có thấy gì không?
- Báo cáo thủ trưởng! Chỉ thấy khói bụi thôi ạ!
- Ừ! Rồi còn nhiều khói bụi nữa. Ba trung đoàn pháo của Bộ cùng với pháo đi cùng của ba sư đoàn bộ binh sẽ nghiền chúng thành bụi hết.
 Đúng là như vậy, chiến dịch tiến công Quảng Trị được bắt đầu bằng trận pháo kích dữ dội chưa từng có trong lịch sử vùng đất này. Hàng chục trận địa pháo đã lấy phần tử sẵn đồng loạt lên tiếng. Hàng chục cứ điểm của tuyến phòng thủ Quảng Trị từ Dốc Miếu, Cồn Tiên, Miếu Bái Sơn… đến điểm cao 544, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Tân Lâm, Đông Hà, Ái Tử… chìm trong khói đạn. Hỏa lực pháo binh địch dường như bị tê liệt không kịp phản ứng. Những bức điện cầu cứu tới tấp phóng lên đầy ắp không trung. Một vài phi đội máy bay ngơ ngác tìm các trận địa pháo của ta để ném bom bị các trận địa phòng không hất ngược trở lên bay nháo nhác. Thêm một chiếc L19 nữa xuất hiện trên bầu trời nhưng cũng chỉ dám lượn lờ tít trên cao.
12 giờ- trận pháo kích chưa chấm dứt sĩ quan trực sở chỉ huy đã hớn hở:
- Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đoàn 3 đã diệt gọn một tiểu đoàn địch đang thay quân ở 544, bắt sống tiểu đoàn trưởng.
- Tốt lắm!- Tư lệnh mặt trận bình thản- Tiếp tục theo dõi chặt các hướng.
Hơn 12 giờ trận pháo hỏa chuẩn bị chấm dứt nhưng trong không trung vẫn ầm ì những tiếng nổ đủ loại dội về sở chỉ huy. Tin tức từ các hướng liên tục được sĩ quan trực cập nhật.
12 giờ 30 phút cánh bắc báo về đã đánh chiếm được điểm cao 544, đang tiến xuống bao vây Đồi Tròn.
15 giờ cánh bắc đã diệt địch ở Cầu Đuồi, Quất Xá, đang bao vậy chi khu Cam Lộ.
16 giờ đã tiêu diệt hết các cứ điểm vòng ngoài của chi khu Cồn Tiên, bắt đầu vây hãm Cồn Tiên.
18 giờ cánh Nam làm chủ điểm cao 365, tàn quân địch bỏ chạy về cứ điểm Phượng Hoàng.
20 giờ cánh tây đã tiêu diệt địch ở điểm cao 252, đang truy kích địch về điểm cao 245.
Dường như đến giờ địch mới hoàn hồn và phản ứng dữ dội. Hàng chục phi vụ B52 rải thảm suốt dọc tuyến phòng thủ vòng ngoài. Những chớp lửa cứ nhoáng lên không dứt trong đêm. Từ phía sau thiết đoàn 17, 20 và lực lượng dự bị được tung ra ra cứu viện các cứ điểm đang bị uy hiếp. Tuy vậy những nỗ lực tuyệt vọng của chúng không thể ngăn được đà chiến thắng của ta.
Quá nửa đêm tin vui từ cánh đông báo về, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang giải phóng bà con ta đã nổi dậy phá tan các khu tập trung Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng… Bọn bảo an, dân vệ hoảng sợ bỏ chạy, ta hoàn toàn làm chủ quận lỵ Gio Linh và các xã Gio Hà, Gio Lễ, Gio Mỹ.
Rạng sáng 31 tháng 3 ta tiếp tục giải phóng các xã Gio Hải, Ba Lòng, Cùa. Trên cánh bắc các xã Cam Chính, Cam Nghĩa cũng hoàn toàn được giải phóng.
10 giờ cánh bắc tiêu diệt cứ điểm Đồi Tròn.
11 giờ chặn đánh thiệt hại nặng quân địch ứng cứu giải tỏa cứ điểm 241, buộc chúng phải co cụm lại tại Thiện Xuân.
14 giờ địch bỏ Cồn Tiên chạy về Miếu Bái Sơn. Trên cánh tây ta làm chủ Đầu Mầu, bao vây Núi Kiếm và sở chỉ huy trung đoàn 56 ngụy tại điểm cao 241.
Vẻ hồ hởi hiện rõ trên nét mặt tư lệnh mặt trận tươi cười:
- Đào này! Có lẽ sẽ sử dụng H02 của các cậu sớm hơn kế hoạch đấy!
- Báo cáo thủ trưởng! Chúng tôi luôn sẵn sàng.
Sau một thoáng suy nghĩ tư lệnh mặt trận vẫy phó tư lệnh Đào lại gần tấm bản đồ:
- Cho đến thời điểm này ta đã tiêu diệt hầu hết các cứ điểm trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Thời cơ đánh chiếm Đông Hà và thị xã Quảng Trị đã đến. Vì vậy tôi định đưa H02 lên Vĩnh Thạch- Ông chỉ tay vào một điểm đã đánh dấu trên bản đồ- Cho “nó” nằm ở đây, khi thời cơ đến lập tức cho vượt sông đánh Đông Hà. Cậu thấy thế có được không?
Hơi ngần ngừ một chút phó tư lệnh Đào mới trả lời:
- Việc cơ động H02 lên gần mặt trận hơn tôi hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, vì “nó” vừa mới vào, cán bộ chiến sĩ chưa nắm được địa hình nên tôi chỉ xin thủ trưởng cho thêm vài ngày để anh em cán bộ đi trinh sát thực địa.
Tư lệnh mặt trận lắc đầu:
- Tình hình diễn biến như thế này cũng chưa thể nói trước được. Trước mắt cậu cứ cho nó cơ động lên đi, còn thời gian thì trinh sát thực địa. Mà nếu tình hình phát triển nhanh phải dùng đến ngay thì “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” chứ. Đó là truyền thống của quân đội ta mà. Như thế có được không?
- Báo cáo thủ trưởng! Được ạ!- Phó tư lệnh Đào gật đầu nhưng không được quả quyết cho lắm.
- Vậy thì thực hiện đi!
Phó tư lệnh Đào rảo bước về hầm của mình, ông giục Bắc:
- Điện khẩn cho H02 trong đêm nay cơ động toàn trung đoàn về Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh và khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Sau đó chuẩn bị xe, ăn cơm xong ta sẽ xuống Vĩnh Thạch trước. Nhớ nhắc các cậu ấy chú ý giữ bí mật tuyệt đối. Rõ chưa?
- Rõ!- Bắc trả lời và lập tức ngồi vào bên chiếc đài vô tuyến điện.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #19 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:28:37 am »

Khi chiếc xe cuối cùng của H02 đến vị trí quy định thì đằng đông đã ửng hồng. Phó tư lệnh Đào vẫy trung đoàn trưởng Lãm và chính ủy Võ lại gần rồi hạ giọng:
- Bây giờ tôi phải về ngay sở chỉ huy mặt trận. Các cậu ở lại cho anh em củng cố ngụy trang, xóa vết xích, sau đó bắt tay vào chuẩn bị chiến đấu ngay. Có thể các cậu sẽ bước vào chiến đấu sớm hơn theo kế hoạch đấy.
Trung đoàn trưởng Lãm lo lắng:
- Xe pháo thì không vấn đề gì nhưng nếu bước vào chiến đấu ngay thì gay go nhất là chúng tôi chưa nắm được địa hình. Thủ trưởng phải…
Phó tư lệnh Đào ngắt lời:
- Cậu không phải nói nữa. Cái đó tôi biết rồi. Sau khi ổn định tình hình ở đây các cậu có thể tổ chức cho một bộ phận cán bộ đi chuẩn bị chiến trường. Thật gọn nhẹ thôi. Cho bộ phận này mang theo phương tiện liên lạc. Trong trường hợp có lệnh cơ động thì ở nhà cứ cho xuất phát và hẹn gặp nhau ở một địa điểm nào đó. Tuy nhiên với tình hình này cũng không loại trừ việc ta sẽ phải đánh nhau mà không được đi trinh sát- Ông cao giọng đầy hứng khởi- Các cậu chưa biết chứ chỉ trong vòng hai ngày vừa qua mà quân ta đã tiêu diệt gần hết các cứ điểm vòng ngoài, toàn bộ phía nam khu phi quân sự ta đã làm chủ, thời cơ đánh chiếm Đông Hà đã đến ngay trước mắt. Mà khi thời cơ đến ta không chớp lấy ngay có khi hối không kịp. Vì vậy nếu trinh sát được cũng đánh mà không kịp đi trinh sát cũng phải đánh. Rõ chưa?
- Rõ!- Cả Lãm và Võ trả lời nhưng không được hăng hái cho lắm.   
Phó tư lệnh Đào lắc đầu nghiêm giọng:
- Như thế không được! Tôi nhắc lại: trinh sát được cũng đánh mà chưa đi trinh sát được cũng phải đánh. Các cậu còn nhớ chiến thuật tiến công trong hành tiến chứ. Đã được học lý luận rồi bây giờ cứ thế đem ra mà áp dụng vào thực tế thôi.
Chính ủy Võ nhỏ nhẹ:
- Đã đành là phải thế nhưng địa hình khu vực này quá phức tạp, cả trung đoàn lại có mỗi bộ bản đồ mà đo vẽ theo số liệu từ năm 41 thì khó cho chúng tôi quá!
Phó tư lệnh Đào hơi ngớ ra rồi giật giọng:
- Này, Bắc! Tại sao đến giờ trung đoàn vẫn chỉ có mỗi bộ bản đồ?
Bắc hớt hải chạy lại vừa thở vừa phân trần:
- Báo cáo thủ trưởng! Sau hôm ở H02 về tôi đã đến tham mưu mặt trận đề nghị cấp bản đồ cho trung đoàn nhưng trên ấy họ bảo hết phải chờ ngoài Bộ đưa vào. Cho đến hôm qua vẫn chưa thấy có kết quả gì.
Phó tư lệnh Đào lắc đầu:
- Chẳng biết các ông ấy làm ăn kiểu gì thế nhỉ, có mấy bộ bản đồ cũng khó khăn thế? Thôi được rồi, có thế nào dùng thế ấy vậy. Cậu đưa cho các cậu ấy bộ bản đồ của ta rồi về nhà kiếm bộ khác- Ông đưa tay ra bắt tay Lãm và Võ- Thôi! Bây giờ tôi phải về kẻo muộn. Cố gắng nhé!
- Thủ trưởng cứ yên tâm!- Lãm và Võ cùng trả lời nhưng vẻ mặt hai người lại nặng trĩu lo âu.
Đi được mấy bước ông lại quay lại:
- Các cậu này! Hôm trước tớ đã đến Hiền Lương rồi, cầu thì đã bị phá, còn đường quốc lộ Một thì thấy cũng nham nhở lắm, hai bên toàn ruộng nước nên các cậu phải nghiên cứu xem có đường nào khác nữa không chứ chỉ trông vào con đường này thôi thì khó khăn đấy. Phải bám lấy địa phương mà tìm hiểu, bà con người ta ở đây lâu thế nào người ta cũng biết.
- Vâng ạ!- Lãm và Võ cùng trả lời.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM