Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:10:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Màu Quảng Trị  (Đọc 6971 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 02:26:22 pm »

Màu Quảng Trị
                  [
i]Nguyễn Thụy Kha[/i] (11/2011 )
   
I - CÁT TRẮNG

Có một mùa hè
Mùa hè 1972
Cát trắng Quảng Trị in bóng những người lính trẻ măng trinh trắng
Những người lính đôi mươi, mười tám
Từ những miền quê phương Bắc tụ quần
Họ nói cười họ hát vang vang
Những hành khúc ra trận
Cát trắng nơi đây ngàn năm xưa cũng đã từng in bóng
Những người lính thời Lý vàng son
Cát trắng nơi đâu từng thấm nước mắt công chúa Huyền Trân
Cuộc hợp hôn thu Châu Ô, Châu Lý về tay Đại Việt
Cát trắng nơi đây bắt đầu chứng kiến cuộc hòa huyết
Đại Việt với Chăm Pa
Cát trắng phau muối trắng mặn hạnh phúc lẫn xót xa
Đã tạc nên gương mặt tổ tiên kiêu hãnh
Cát trắng vun lên những huyền thoại bi tráng
Suốt cuộc hành trình mở nước về Nam
Cát trắng vun lên một Ái Tử kiên gan
Đoan Quận Công Nguyễn Hòang thao lược
Người tuốt kiếm từ khát khao mơ ước
Lật ra trang sử mới huy hoàng
Từ lời khuyên thần diệu Trạng Trình
“Hoàng Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân”

Cát trắng luồn trong gió biển miền Trung
Thổi dựng những Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà,
Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong
Thổi ra biển thành đảo Cồn Cỏ
Thổi lên rừng làm ra Đăkrông, Hướng Hóa
Thổi ngược sông Gianh sừng sững Lũy Thày
Ôi cát trắng Quảng Trị có một ngày ai hay
Hai bờ ôm một Hiền Lương giới tuyến
Giới tuyến ấy chảy một dòng oán hận
Khi cát trắng bờ Nam hóa một vành đai trắng
Một hàng rào điện tử Mắc Na Ma Ra
Cát trắng, muối trắng trắng nhức vào câu hò
Nghe nghẹn nghẹn những tháng ngày chia cắt
Nghe sôi sục một sắt son thống nhất
Dục bàn chân những người lính lên đường

***
Họ như những cánh chim của rừng núi biên cương
Của Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc
Của đất Tổ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Bắc
Họ là những cánh cò trắng châu thổ sông Hồng
Của Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình
Của đất Cảng Hải Phòng trắng những làn khói trắng
Của Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nam
Của xứ Nghệ sông Lam Hà Tĩnh
Của Quảng Bình địa đạo Vĩnh Linh
Những cánh cò từ những cây sao đen
Phố Lò Đúc một ngày Hà Nội
Họ là cháu con những người lính Trung đoàn Thủ đô thuở ấy
Ba mươi sáu phố phường dâng chiến lũy hôm nay
Họ bay về phương Nam theo đội hình mùa hè 1972
Rầm rập cờ sao mang nắng vào Quảng Trị
Trong số họ có rất nhiều chiến sĩ
Rời cổng trường đại học ra đi
Xếp bút nghiên như ngày chống Pháp năm xưa
Họ vào trận mang theo bao khát vọng
Khát vọng trong trắng tâm hồn trong trắng và máu họ cũng trắng phải không
Họ thảnh thơi không hề biết sợ giữa trùng điệp đoàn quân

***
Đấy là Nguyễn Thế Thường, Phạm Hải Triều,
Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Huy Thịnh khoa ngữ văn
Đào Chí Thành, Trần Quốc Hưng khoa toán Đại học Sư phạm
Lê Việt đại học Kinh tế Quốc dân
Lê Trí Dũng, Phạm Mai Châu, Lê Duy Ứng Đại học Mỹ thuật
Nguyễn Văn Bằng Đại học Bách Khoa
Hoàng Trần Cương Đại học Tài Chính
Đấy là … đấy là … đấy là
Tất cả đều gọi chung là lính sinh viên

***
Tất cả đều tụ quần về ga Hàng Cỏ
Họ thả lại Hà Nội những lá thư chia tay những rừng bướm trắng
Bay dọc Trần Phú, Điện Biên, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam
Tất cả đều dừng chân tại ga Quán Hành
Rồi lớp lớp vừa đi vừa hát
Họ gửi lại những tình yêu, những lời thề thốt
Gửi lại phía sau cả trinh trắng đời mình
Chân họ in trên cát trắng Quảng Bình
Người thì tới bên bờ Bến Hải
Người rẽ lên Trường Sơn bỏng rẫy
Cứ nói cười những nụ cười trắng trong
Đèo dốc đã qua đêm mắc võng giữa rừng
Tất cả cùng hướng về Quảng Trị
Tất cả đều nhận cảm những gì lớn lao tổ quốc đặt nặng vai thế hệ
Biết ra đi rất có thể không về
Thì không chỉ bóng mình mà cả chính thân thể mình cũng thế
Sẽ hòa vào cát trắng vô danh
Sẽ lặng im như hạt cát chân thành
Góp vào đấy một nho nhỏ dị biệt
Góp vào đấy những gì thiêng liêng nhất
Thiêng liêng như lịch sử chúng ta
Họ cứ âm thầm đi để nhận vào mình bão táp phong ba
Bóng họ thấm vào cát trắng
Tinh thần họ cứ bay cùng mây trắng
Hồn vía cha ông tiên tổ cũng dõi theo

***
Có phải không vì biển ở đây, ở Quảng Trị quá cuồng yêu
Đã xô dạt vào bờ mênh mang cát trắng
Lời tình yêu thiên nhiên hòa tình yêu con người nằng nặng
Đã vun lên Quảng Trị kiên cường
Đã làm nên một giao hưởng vô cùng ý chí Việt Nam
Giao hưởng cát trắng những cánh buồm trăng trắng

(còn tiếp)


« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 03:30:10 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 02:36:36 pm »

MÀU QUẢNG TRỊ
                 
Nguyễn Thụy Kha (11/2011 )
(tiếp theo)

II.   ĐẤT ĐỎ

Từ tạo sơn núi lửa thạch nham
Đất nơi đây đã là đất đỏ
Đất nơi đây đỏ hơn vì máu đổ ra những cuộc chiến tranh
Đến mùa hè 1972 thì đất nơi đây hóa thành siêu đỏ
Chẳng thể nào đỏ hơn được nửa
Đất nơi đây Quảng Trị nơi đây

***
Đất nơi đây bắt đầu đỏ hơn trước đây
Trưa những người lính bắt đầu vượt qua dòng sông giới tuyến
Cả một hàng rào Mắc ra ma ra dằng dặc chết lịm
Dốc Miếu, Đầu Mầu, Ba Hồ, Đồi Tròn, Tân Lâm, Cam Lộ điểm cao 544
Đất nơi đây đỏ hơn vì máu và lửa đạn bom lẫn lộn
Đông Hà, Cầu Dài, Lai Phước, Ái Tử, Thành Cổ, La Vang
Đất nơi đây đỏ ra tận Hải Phòng
Ngày chủ nhật đẫm máu
Đất nơi đây đỏ tới tận bàn thờ những căn nhà yêu dấu
Nơi ra đi của những tân binh mười tám, đôi mươi
Những giọt máu trong trắng đỏ tươi
Nhuộm đỏ Hiền Lương, sông Hiếu, Thạch Hãn
Nhuộm đỏ cả trời xanh
Nhuộm đỏ sang cả Paris bàn đám phán bốn bên
Nhuộm đỏ cả những đoàn biểu tình đất Mỹ
Nhuộm đỏ vào ý chí
Nhuộm đỏ thời gian nhuộm đỏ không gian
Máu người máu ta máu bao dân lành
Hoen đỏ tới cả dòng Mỹ Chánh

***
Máu đỏ thắm cờ bay đỏ thắm
Đêm giải phóng niềm vui mênh mang
Bỗng nhớ về khoảng trời đi học
Khi đọc nơi đây “Cổ học tinh hoa”
Không gian căn nhà chật hẹp bao chồng sách
Bỗng nhớ quê hương khi đọc “Thương nhớ mười hai”
Có thời gian nhỏ chậm giọt giọt cà phê
Có không gian ám ảnh gương mặt em giận dỗi
Đến khi rời giảng đường, thày giáo và sinh viên
Đều là binh nhì, đều là bộ đội
Mới thoát ra những nhỏ hẹp xưa kia
Cuộc đời rộng rinh ý nghĩa lớn vô bờ
Khi được bên nhau được là người trong cuộc
Cả sung sướng, khổ đau, mất mát
Nước mắt, nụ cười trả bằng giá máu những ai
Nào ngờ vào Quảng Trị được uống bia Lave
Được đọc “Bác sĩ Jivago” của Pác Tê Nác
“Chùm nho nổi giận” của Sten-bếch
“Tội ác và trừng phạt” của Đốt stôi ép xki
Từ điển Pháp – Anh vãi vương nhặt lấy đi
Để biết đâu sẽ trở về, có lúc
Vào Quảng Trị mà như bước sang một đất nước khác
Dù đất dưới chân vẫn đất ngàn năm đỏ máu Việt Nam
Vào Quảng Trị để ngắn dần ngày thống nhất
Dẫu hy sinh thịt nát xương tan

***
Khi lịch sử chúng ta không chấp nhận cắt chia
như Bắc Triều Tiên – Nam Hàn
Càng không chấp nhận có Đông Berlin – Tây Berlin
và Đông Đức – Tây Đức
Thì Quảng Trị giới tuyến chính là nơi đối đầu, khốc liệt
Pháo chụp hạm đội Mỹ ngoài biển dội vào Thành cổ băm nát từng ngày
Bom dù máy bay Mỹ trên trời cao dội xuống Thành cổ băm nát từng giây
Lịch sử ngẫu nhiên lại lặp lại cuộc trụ bám Thành cổ Quảng Trị
mùa hè 1972 như cuộc trụ bám Hà Nội mùa đông 1946
Những căn nhà gục ngã gạch chảy ra như máu
Những tường thành đổ xụp gạch chảy ra như máu
Máu thì dựng lên che chở đất vừa giành về mình
Dù đất đỏ nhức vụn ra thành bụi đỏ bám vào áo xanh
Những người lính vẫn đứng chân Thành cổ
Những người lính từng ngày vẫn vượt sông
Thay những tay súng từng ngày thưa dần
Cái bến Vượt đến con đò cũng đỏ
Từ cái bến Vượt thôn Đầu Kênh bé nhỏ
Lịch sử cứ trườn chậm chạp qua mỗi giờ
Trườn từ mùa hè sang đến mùa thu
Trườn qua máu 81 ngày đêm trụ bám
81 ngày đêm màu thời gian nhuộm thắm
Không gian nhờ nhờ màu đen, màu tang
Mất mát chất chồng ở trên thua, thắng

***

(còn tiếp)

  
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 03:57:14 pm gửi bởi VMH » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 02:40:54 pm »

MÀU QUẢNG TRỊ
                 
Nguyễn Thụy Kha (11/2011 )

(tiếp theo)

Ở Quảng Trị những ngày này tìm sự vụn tan, sự mong manh dễ lắm
Tìm sự vẹn nguyên có khi chỉ còn nụ cười binh nhì
Mười tám, đôi mươi trong veo như mưa
Ngã xuống thì nhập ngay về đất đỏ
Còn đứng chân thì vẫn đùa cười hồn hậu
Nụ cười càng trắng tinh giữa máu đổ, lửa thiêu
Mười tám, đôi mươi chưa hề biết yêu
Chỉ biết tự nguyện chết
Như biết yêu tha thiết
Lý tưởng thiêng liêng
Lý tưởng chưa phai nhạt
Ở Quảng Trị những ngày này gặp sự dũng cảm thường nhật
Bất kỳ đâu cũng chứng kiến anh hùng
Một Vũ Trung Thướng chốt ngã ba Long Hưng
Một Kiều Ngọc Luân tập kích Bích La đông
Một … và một … và một nhiều … ngỡ như vô tận
Những người lính bình dị mà thản nhiên xung trận
Những chỉ huy lẫn giữa lính khó nhận ra
Họ như từ đất đỏ đúc ra
Phút ngã xuống lại hóa thành đất đỏ
Họ vô danh để những địa danh bước vào bất tử
Nhan Biều, Trí Bưu, Chợ Sải, An Tiêm …
Họ chịu pháo dập, bom vùi nhưng vẫn bới đất tìm bé em
Có đứa trẻ Quảng Trị lớn lên từ đấy
Họ đói, họ khát, họ cầm hơi bằng lương khô, gạo sấy
Nhưng còn đứng chân thì Thành cổ vẫn còn
Họ là lính những sư đoàn lẫy lừng
304, 312, 320B, 325, 308
Bộ đội địa phương, thường dân và dân quân du kích
Đều giống nhau sức chịu đựng phi thường
Và bất chợt họ hát giữa chừng
Khoảng im lặng hiếm hoi giữa hai lần nổ súng
Họ ngâm thơ lúc bình minh chốt chặn
Họ vẽ tranh trước hoàng hôn nhá nhem
Người chụp ảnh rửa ảnh lúc vào đêm
Giữa khuya khoắt soi đèn pin trong hầm ghi nhật ký
Giữa toàn quân có hơn ngàn sinh viên làm chiến sĩ
Giữa Thành cổ ngàn chiến binh có bao nhiêu lính sinh viên
Hiện thực này khiến 81 ngày đêm trụ bám Thành cổ có ý nghĩa hơn
Có ý nghĩa như thời chiến tranh chống phát xít vang dội
Để đất đỏ Quảng Trị in dấu son vào thế giới
Trên hành tinh một vết sẹo đỏ câm

***
Sẹo của vết thương Thành cổ rộng hơn một cây số vuông
Chịu nhận vào mình bao nhiêu tấn bom, bao nhiêu tấn pháo
Chôn vùi bao nhiêu con người, thấm bao nhiêu lít máu
Sẹo làm bằng bạt ngàn hy sinh không tuổi, không tên
Và bằng cả những tuổi tên không thể nào quên
Sơn, Triệu, Tiến, Long, Tạo, Lâm, Chiến, Hùng,
Tuấn, Nguyên, Dũng, Dưỡng
Những cái tên gắn với bao miền quê vương vấn
Nông Quốc Dịch – Cao Bằng, Lùa A Vảng – Hà Giang, Dy Á Liên – Bắc Cạn
Nông Văn Chuyên – Lạng Sơn, Hồ Tắc Phù – Quảng Ninh
Nông Văn Thành – Lào Cai, Lý Văn Ánh – Yên Bái, Sa Đình Mạn – Phú Thọ
Hà Văn Hiến – Hòa Bình, Chu Văn Dịt – Thái Nguyên
Đàm Cường – Tuyên Quang, Hoàng Văn Séo – Vĩnh Phúc
Mẫu Xuân Nghĩa – Bắc Giang, Sài Văn Khái – Bắc Ninh
Đàm Văn Giang – Hải Phòng, Vũ Xuân Hiến – Hải Dương, Tạ Hữu Tý – Hưng Yên, Nguyễn Văn Bộ - Thái Bình
Hoàng Quốc Bảo – Hà Tây, Trần Mạnh Cường – Hà Nam, Nguyễn Văn Binh – Nam Định, Chu Kỳ Dự - Ninh Bình
Lê Binh Chủng – Nghệ Ạn, Mai Văn Đế - Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Thi – Quảng Bình
Trần Thị Tâm – Quảng Trị, Hoàng Hải Vân – Thừa Thiên
Hồ Công Anh – Đà Nẵng, Nguyễn Phương Đông – Quảng Nam, Lê Thanh Viễn – Quảng Ngãi
Lê Trung Nỉnh – Phú Yên, Đinh Huy Lục – Kon Tum
Y Đô, Đinh La – Gia Lai
Những giáo viên đại học binh nhì
An Văn Nhân, Lê Văn Thúc, Nguyễn Trọng Vinh, Nguyễn Đức Tiến
Biết bao những sinh viên binh nhì như Nguyễn Chí Thành
Nguyễn Kỳ Sơn, Nguyễn Văn Thạc ghi nhật ký, làm thơ
Lê Văn Huỳnh để lại lá thư tuyệt mệnh trong lòng đất
Lê Kim Thoại và Nguyễn Văn Ngọc
Từ căn hầm bị vùi lấp ở Như Lệ Tích Tường báo mộng, hiển linh
Khi hy sinh lớn quá sự hy sinh
Có thể nào nói cách nào cho hết
Vết sẹo ấy còn được làm bằng những phần xương thịt
Bao nhiêu thương binh để lại nơi đây
Cứ mùa thu đau buốt vò dày
Vết sẹo ấy còn hằn những đòn roi tra tấn
Những người lính bị đối phương bắt trong trận đánh
Đưa đi các nhà tù Côn Đảo, Biên Hòa
Họ tiếp tục phải trụ vững mình giữa chốn lao tù
Như trụ vững những ngày Quảng Trị
Để rồi mùa hè 1973 buộc đối phương phải trả về Quảng Trị
Họ lội qua Thạch Hãn vất quần áo tù giữa dòng
Mùa hè trước máu đổ, mùa hè này nước mắt tuôn
Khi ngã vào vòng tay đồng đội
Vết sẹo ấy còn là niềm nhức nhói
Của bao cựu binh Quảng Trị còn sống hôm nay
Họ chẳng thể nào thoát khỏi quá vãng này
Quá vãng binh nhì làm sẹo trong ý nghĩ.

(còn tiếp)




  
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 03:57:33 pm gửi bởi VMH » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 02:44:55 pm »

MÀU QUẢNG TRỊ
               
Nguyễn Thụy Kha (11/2011 )

(tiếp theo và hết)

III.   CÂY XANH

Thanh bình đã dần dà loang xanh Quảng Trị
Một màu xanh thân thuộc quê hương
Vĩnh Linh xanh nối liền Gio Linh xanh qua dòng xanh Hiền Lương
Xóa đi vết cắt chia giới tuyến
Một màu xanh chiến công của cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn
Giữa những người lính công binh với hàng rào điện tử Mắc Na ma ra
Họ đối chọi từng giờ với bom mìn lầm lì
Trả lại cánh đồng cho ngô, khoai, lúa
Máu đã nhuộm đỏ Thạch Hãn, Thành cổ
Giờ vẫn gieo mầm ươm mầu xanh hôm nay
Ai đến Hiền Lương sau năm 1972
Không thể nào nhận ra cánh đồng xanh Gio Linh xưa kia là hàng rào điện tử
Là lớp lớp kẽm gai, bom mìn dày đặc
Mà màu xanh thanh bình đã xóa dần đi
Màu xanh từ Trường Sơn tràn về
Trời lại xanh một màu xanh Quảng Trị
Những dòng sông xanh thảnh thơi ra với biển xanh
Cũng màu xanh, nhưng màu xanh ở Quảng Trị
khác bao lần màu xanh nơi khác
Bởi tất cả đều xanh lên từ máu xương đổ nát
Ngút ngàn xanh từ Hướng Hóa, Khe Sanh, Lao Bảo, Tân Lâm
Những rừng cây xanh, những vườn hồ tiêu xanh
Thứ hạt cay như chất người Quảng Trị
Ngút ngàn xanh từ Đắkrông, Cam Lộ
Những nương ngô xanh, những cánh đồng lúa xanh
Cát trắng, đất đỏ thấm máu lửa chiến tranh
Cùng hồi sinh càng thanh xuân trở lại
Càng xanh thẳm một màu xanh hy vọng
Rũ khổ đau xanh ngắt ước mơ xanh
Những đứa trẻ sinh năm 1972 được phục sinh như Trần Thị Trà Liên
Đã lớn dần trong màu xanh làng xóm
Đã đến trường trong màu xanh lời thày cô giảng
Và thoắt nhanh đã mười tám, đôi mươi
Như những binh nhì trụ bám năm 1972
Mang sức mạnh dựng xây cường tráng
Quảng Trị cứ thế sau chiến thắng 1975 chầm chậm
Dần dà loang xanh một sắc thanh bình

***
Sau chiến tranh những người lính còn vẹn nguyên
Người trở về nhà, người trở về giảng đường cũ
Người lại về Quảng Trị những tháng năm gian khổ
Cùng nơi đây ươm những mầm xanh
Họ cùng dân khai hoang trồng sắn Cồn Tiên
Họ lặn lội khắp nơi quy tập mồ liệt sĩ
Họ xây lên nghĩa trang Trường Sơn lặng lẽ
Dưới vòm xanh miền Bến Tắt thâm u
Họ xây lên nghĩa trang đường Chín giữa hoang vu
Họ kéo đường dây thông tin qua những vùng chiến địa
Cột đường dây cắm lên nhiều cao điểm
Cắm qua Lai Phước, Ái Tử, Nhan Biều
Sừng sững cột cao vượt đôi bờ Thạch Hãn
Vượt đôi bờ Mỹ Chánh, sông Bồ, sông Hương
Đường dây thông tin nối tới Phú Bài
Những người lính về Quảng Trị những ngày này
Mới thấm thía khi nhìn lại đổ nát
Không có lời nào rõ bằng cái nhìn của mắt
Khi thả bộ đi cho hết những chốn xưa
Mới thấy quý những mầm non lưa thưa
Mạ xanh lại trên cánh đồng vừa ải
Mới chia sẻ cùng những người dân tìm đường trở lại
Vun đắp cho quê hương từ mất mát tan tành
Cứ đi trên cát trắng gặp trắng trong đồng đội
Cứ đi trên đất đỏ gặp máu ai còn hoen
Nhưng vượt lên tất cả là những cây xanh
Hình như cây biết mình xanh ở đây sẽ xanh hơn nhiều nơi khác
Hình như người biết mình sống ở đây dẫu vất vả,
đói nghèo vẫn thích hơn nhiều nơi sung sướng
Bởi được xanh tự nhiên trên chính quê hương
Em phương xa em có biết chăng
Khi em nhìn ra cây xanh trước cửa
Chính là khi em thấy được màu xanh Quảng Trị nơi anh yên nghỉ
Nơi linh hồn anh đã hóa cây xanh
Nơi linh hồn anh tan vào trời xanh, sông xanh, biển xanh xanh mãi mãi

***
Ở Quảng Trị ngoài những nghĩa trang đã xây
cho người viếng thăm hương khói
Còn có dòng Thạch Hãn xanh một nghĩa trang sông
Phải chăng dòng sông đỏ máu này đã chảy ngược Trường Sơn
Thả màu xanh về đồng bằng ruộng rẫy
Còn có Thành cổ Đinh Công Tráng cũng là một nghĩa trang
Dẫu bây giờ bao tòa cao dựng trên đất ấy
Và có khi tất cả diện tích Quảng Trị
Cũng đều là nơi bao người yên giấc ngàn thu
Điều này có khi chỉ có cỏ mới hiểu hết thực hư
Mới âm thầm mọc xanh khắp nơi khắp chốn
Cỏ cứ thế vá dần mồ từng nấm
Cỏ xanh Thành cổ
Cứ lang thang xanh, cứ lãng du xanh
Nhạc sĩ nhắc cỏ xin chớ vô tình
Là nhắc người từng vô tình hãy hồi tâm, chuyển ý
Còn cỏ làm sao vô tình được nhỉ
Vì cỏ với người ngã xuống kia là hình bóng của nhau
Cứ nhìn cỏ mong manh thì biết người vui hay người sầu
Cứ nhìn cỏ héo hon là biết người còn trách nơi trần thế
Hãy nhìn cỏ non tơ mà nhớ người lính trẻ
Trinh trắng hy sinh dâng hiến cho đời
Hãy nhìn cỏ kết lại nhau mà hiểu những lời
Những đồng đội sát vai chung nhau cái chết
Cỏ Quảng Trị viết xanh bản giao hưởng không đoạn kết
Về một thời máu xanh
Về một thời mỗi người lính là một giọt máu xanh
Chảy lặng lẽ trong thân hình bán đảo
Đã từng chảy cắt ngang Thạch Hãn
Và máu xanh đã hóa máu đào

***
Hỡi các trai thanh nữ tú đầy khát khao
Lại ríu rít tan trường như một thời trường Nguyễn Hoàng xa lắc
Nếu còn nhớ dưới chân mình,
dưới mảnh đất này máu xương đã thấm vào sâu thẳm
Thì hãy ra Thạch Hãn những con đò xanh
Hãy thả xuống cho chúng tôi tận đáy cùng mát lành
Những lá cây xanh như tuổi chúng tôi như khát vọng
Để khát vọng được gửi ra biển xanh vỗ sóng
Để khát vọng gửi lên trời xanh
Không bao giờ hoài phí sự hy sinh
Rằng cái chết bắt đầu cho sự sống
Rằng Quảng Trị mãi là niềm xúc động
Của muôn đời một thánh địa xanh

27.11.2011

Hết

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 03:57:49 pm gửi bởi VMH » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
duck8d5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 621


Phum Xâng ngày ấy!


« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 03:23:58 pm »

     Quảng Trị: Một mùa Hè
Chầm chậm đọc những giòng THƠ
Mùa Hè Quảng Trị sắc cờ vinh quang
Vẫn còn đó những xốn xang
Vẫn còn đó những bâng khuâng một thời

Lửa thù cháy khắp đất trời
Sắc chàm tím cả bờ môi học trò
Chiến tranh những nỗi cam go
Đọng trên mái tóc tuổi thơ ngày nào

Con đường ra trận xôn xao
Miền trung nắng gió biết bao nhọc nhằn
Giữa đất trời tiếng cười vang
Tiếng cười chiến thắng xóa tan bão bùng

Quảng Trị bất khuất hào hùng
Những ngày máu đổ sáng bừng hôm nay
Một thời anh chị trẻ trai
Dâng đời nhiệt huyết chẳng hoài tuổi Xuân.
        * Tặng các Anh-Chị có mặt trong những ngày khốc liệt tại chiến trường Quảng Trị- 1972.


Mùa Hè đỏ lửa bảy hai (1972)
Cùng chiếc máy ảnh dặm dài gió sương
Đôi chân băng giữa chiến trường
Rực đôi mắt sáng trên đường hành quân
Chiến tranh lắm nỗi gian truân
Từng đêm thao thức bước hành quân xa
Cho đời giây phút an hòa
Gia tài để lại khúc ca oai hùng.
          *Tặng anh Đoàn Công Tín. (Phóng viên chiến trường Quảng Trị)
                                                                        Nguyễn Hữu Đức K8- D5- E174- F5

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 03:32:48 pm gửi bởi VMH » Logged

Chốn xưa gian khó vô vàn
Cao Mê Lai nước mắt tràn xót xa
duck8d5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 621


Phum Xâng ngày ấy!


« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2011, 05:42:36 pm »


Đức k8d5 hân hạnh được chụp ảnh chung với Anh Đoàn Công Tính: Tác giả của bức ảnh nỗi tiếng "Nụ cười Thành Cổ"
Logged

Chốn xưa gian khó vô vàn
Cao Mê Lai nước mắt tràn xót xa
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM