Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:10:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 411905 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #540 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2013, 09:29:31 pm »


.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 75)

     Chúng nó tập trung hoàn thiện các bức vẽ sau chuyến đi thực tế thành các tranh ký họa chì, bút sắt, màu nước, bột màu, sơn dầu, . . . . Những bức đó được chọn lọc và tổ chức trưng bày “Ký Họa Chiến Tranh” tại nhà văn hóa binh chủng.

     Sau đó một số bức tranh đẹp của mỗi đứa còn được tham gia treo tại Phòng Thông Tin ở phố Tràng Tiền, đối diện rạp Công Nhân (sau này Hội Mỹ Thuật Hà Nội mới có riêng một phòng trưng bày, triển lãm tranh ở 16 Ngô Quyền).


Đi thực tế ở miền Nam

     Ở trại sáng tác được ít lâu, bọn chúng lại được lệnh đi thực tế vào các tỉnh phía Nam. Nhiệm vụ của bọn chúng là ký họa, chụp ảnh lấy tài liệu về các hoạt động của binh chủng thông tin, cảnh lao động và sinh hoạt của người dân, chuẩn bị cho các sáng tác để tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quân vào năm sau. Cả trại chia làm mấy nhóm, mỗi nhóm chọn một vùng để ghi chép. Nhóm của nó gồm Phạm Bình Đính, Đào Trung Hòa và nó.

     Chúng được cấp giấy công lệnh và “giấy giới thiệu” của binh chủng, cho phép chúng cỏ thể dừng chân, ăn nghỉ tại tất cả các đơn vị thông tin nào mà chúng đi qua. Chúng còn được cấp tiền công tác phí, nhu yếu phẩm, họa phẩm, . . . . Ngoài tư trang lính, chúng phải mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ “đồ nghề”, cặp vẽ, giấy, bút, màu, . . . . Nó cũng mang theo máy ảnh để chụp nhanh những nơi không đủ thời gian ký họa.

     Nhóm mấy đứa nó vào mấy tỉnh miền Trung Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn. Trời đã vào thu mà miền trung vẫn rất nóng. Chúng “lê la” khắp nơi trong cái nắng rát ong ong, nhoài người ra “ghi chép”các cảnh sinh hoạt, hoạt động của bộ đội, của nhân dân các xóm chài, đồng muối và phong cảnh, . . . .

     Có hôm chúng nhận khẩu phần ăn cả ngày bằng mỳ tôm rồi đi lang thang trên các bãi biển của xóm chài mà vẽ phong cảnh, vẽ cảnh kéo lưới trên bờ biển, cảnh đồng muối bạc lấp lóa thiêu đốt trong nắng, cảnh đan lưới, xảm thuyền, . . . .

     Những nơi chúng đi qua, bà con ai cũng quý. Mỗi lần chúng ngồi vẽ, trẻ con trong xóm xúm lại xem, thì thào, xuýt xoa và đùa nhau chí chóe. Buổi trưa chúng mắc võng nghỉ dưới tán dừa, lấy mỳ tôm ra nhờ dân làng nấu hộ vì chúng chẳng có nồi xoong hay củi lửa. Thương tình mấy chú lính chỉ có mỳ không, nên bà con bao giờ cũng nấu mỳ cho chúng bằng nước dừa, có khi còn cho thêm mấy con tôm, con ngao. Mỳ tôm, mỳ ngao ngon tuyệt !

     Đi dọc miền trung đã được nhiều ngày, nhóm của nó nảy ra sáng kiến chuyển vùng lên Đà Lạt để thay đổi cảnh mà lại tránh được cái nóng đang gay gắt. Xe ô tô đưa chúng vượt qua vùng đồng bằng, lên cao dần. Cao nguyên Trung phần quen thuộc lại hiện ra trước mắt chúng, mênh mang, khoáng đạt và lộng gió. Qua vài con đèo lớn nhỏ, hết một khúc cua lớn nhất thì tới Đà Lạt. Đó là một thành phố cao nguyên nằm trong một vùng thung lũng lòng chảo lớn, một “thành phố trong rừng” với những cái tên thơ mộng “Thung Lũng Tình Yêu”, “Hồ Than Thở”, “Đồi Mộng Mơ”, “Thác Datanla”, “Thác Prenn”, “Thung Lũng Vàng”, “Cao Nguyên LangBiang” với câu chuyện tình chàng Lang dũng cảm và nàng Biang xinh đẹp, “Hồ Đankia”, “Suối Vàng”, “Suối Bạc”, . . . .

     Xe đưa chúng theo con đường quanh co, tiến dần vào trung tâm thành phố. Hai bên đường là các biệt thự xinh đẹp ẩn mình trong những hàng cây thông cao vút, cây hoa dây quấn quýt đủ loại đua nhau nở, khoe sắc màu rực rỡ. Đến trung tâm thành phố, chúng chuyển sang đi xe ngựa. Từ đây, xe ngựa đưa chúng đến điểm dừng chân là một đơn vị thông tin nằm trong trung tâm Vật Lý Hạt Nhân, ở ven đô Đà Lạt.

     Thời tiết của thành phố cao nguyên này rất kỳ lạ. Một ngày có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sáng sớm, trời rất lạnh. Đến khoảng tám, sương đã tan, tiết trời ấm áp, ẩm dìu dịu như mùa xuân. Đến giữa trưa trời nắng gắt đúng như mùa hè. Sau 3 giờ chiều, trời bắt đầu xe xe như tiết mùa thu, cho đến 6 giờ chiều thì lạnh hẳn. Đêm đến thì trời rét căm căm, phải đốt lửa sưởi ấm như mùa đông.

     Sau bữa sáng, chúng ra khỏi nhà đi vẽ, thường ních đủ thứ áo ấm. Rồi chúng cứ cởi dần áo, đến trưa thì chỉ còn mặc độc áo cộc tay. Tầm chiều, các đồ cởi ra lại được mặc dần trở lại cho tới khi về đến nhà thì đã đóng đủ lệ bộ chống rét như buổi sáng.

Nguyễn Trọng Thập
Logged

taupaypay
Thành viên
*
Bài viết: 126



« Trả lời #541 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2013, 10:38:02 pm »

Cây dóc bác Thập nói tới dùng làm gậy chống không biết có phải là cây này không ạ?
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #542 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2013, 10:41:40 pm »


...  Có hôm chúng nhận khẩu phần ăn cả ngày bằng mỳ tôm ...

.. Buổi trưa chúng mắc võng nghỉ dưới tán dừa, lấy mỳ tôm ra nhờ dân làng nấu hộ vì chúng chẳng có nồi xoong hay củi lửa. Thương tình mấy chú lính chỉ có mỳ không, nên bà con bao giờ cũng nấu mỳ cho chúng bằng nước dừa, có khi còn cho thêm mấy con tôm, con ngao. Mỳ tôm, mỳ ngao ngon tuyệt !


Mình nghi hồi những năm "Bảy mấy" chưa có mỳ tôm ở VN, nhưng chỉ là nghi án thôi, vì trí nhớ tồi quá, không nhớ lần đầu thấy mì tôm - mì ăn liền là khi nào. Hỏi Google thì thấy mãi những năm Sáu mấy đã có mì ăn liền ở VN. Hình như cũng "Miền Nam đi trước ... Mì tôm". Nhưng có chỗ viết: khởi thủy là Mì Vị Hương, có chỗ lại bảo Mì Colusa là đại lão. Còn cái đám lau nhau: Lẩu Thái, Hảo Hảo, Tiến Vua là hậu duệ đời 100 rồi. TTNL hỏi giùm xem khẩu phần của bác Thập hồi ấy là hiệu gì, hay là nhập từ Phù Tang?  
Logged

Nhật ký Viết lại
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #543 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2013, 11:05:36 pm »

Bác 6971 ơi, mỳ Năm Con Tôm và Hai con tôm có từ hồi trước giải phóng đó bác. Hình thức vẫn y như bây giờ, bao giấy in hình mấy con tôm. Ngày ấy có nhiều chữ Hoa in trên gói mỳ chắc vì được sản xuất ở các cơ sở của bà con Hoa Kiều Chợ Lớn.  Đấy là loại bình thường, loại cao cấp hơn in trên giấy bóng kính , chả khác bây giờ là mấy. Mỳ gói của Nhật còn sót lại trong các kho được mang ra bán cả ở chợ Bến Thành. Loại này ăn thì hết xảy !  Nhà em có bà con họ hàng gần ở đường Nguyễn Thái Bình gần chợ Bến Thành, thỉnh thoảng qua chợ ( lần đó khoảng năm 78) nhìn thấy mỳ Nhật bày bán đẹp như gói kẹo mà thèm.
Logged
china
Thành viên
*
Bài viết: 517


« Trả lời #544 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2013, 11:16:17 pm »

Bác 6971 ơi, mỳ Năm Con Tôm và Hai con tôm có từ hồi trước giải phóng đó bác. Hình thức vẫn y như bây giờ, bao giấy in hình mấy con tôm. Ngày ấy có nhiều chữ Hoa in trên gói mỳ chắc vì được sản xuất ở các cơ sở của bà con Hoa Kiều Chợ Lớn.  Đấy là loại bình thường, loại cao cấp hơn in trên giấy bóng kính , chả khác bây giờ là mấy. Mỳ gói của Nhật còn sót lại trong các kho được mang ra bán cả ở chợ Bến Thành. Loại này ăn thì hết xảy !  Nhà em có bà con họ hàng gần ở đường Nguyễn Thái Bình gần chợ Bến Thành, thỉnh thoảng qua chợ ( lần đó khoảng năm 78) nhìn thấy mỳ Nhật bày bán đẹp như gói kẹo mà thèm.
Mì giấy hai con tôm, được sản xuất từ nhà máy bột ngọt Thiên Hương có từ trước giải phóng, sau GP được tiếp quản biến thành công ty quốc doanh, hiện mang tên Colusa-Miliket thuộc công ty lương thực TP.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #545 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2013, 11:19:15 pm »

HaHoi nói chính xác đấy. Mì hồi 75-76 ăn ngon lắm mà đâu cần thêm thịt. Nếu "Cộng" mà không có mì tôm thì không phải là "Cộng". Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #546 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2013, 08:39:06 am »

Chào các bác TTNL và 6971,

Tết năm 1973, bon tôi đã được thưởng thức món mỳ 2 tôm rồi bác ạ.

Đây này:

      "...Sục độ chừng ba chục mét thì thật may, anh Điện túm được cái dù trắng đỏ. Chỗ này chắc cũng gần địch hơn nên phải thận trọng hơn, tuy nhìn quanh cũng chẳng thấy gì xa hơn vạt cỏ tranh kín trên đầu trước mắt. Đúng là trời không phụ công ba người chúng tôi. Thùng hàng của cái dù này chắc dành cho sĩ quan nên toàn đồ ngon. Anh Điện mừng rú lên dù chỉ là ư ử trong cổ họng. Trong cái sọt hàng (vẫn là cái sọt đan bằng một loại sợi mềm gì đó, không phải tre) có ba thùng giấy. Xé ra, trong có những cái gói bằng nilon trơn. Lúc này trời sáng hơn nên tôi đã nhìn thấy ngoài vỏ của nó có những dòng chữ Thái hình con giun và có hai con tôm càng đỏ au. Anh Điện bóc luôn một gói, bẻ ra cho mọi người ăn thử. Trong gói là một cái bánh kết thành bởi những sợi như sợi mỳ (mỳ sợi chỉ có tôi được ăn ngoài Bắc mới biết chứ anh Điện và anh Trịnh đã được ăn bao giờ đâu). Sợi bánh giòn, hơi ngọt, hơi mặn. Anh Điện tuyên bố chắc là bánh trứng, tuy chẳng hiểu sao trong đó lại có một gói nhỏ đựng muối to như ngón tay. Thôi bánh gì cũng được, của quý rồi. Mỗi thùng bánh có 60 gói (Mãi sau này khi giải phóng miền Nam, tôi mới biết nó là mỳ ăn liền hai tôm) "


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,6323.520.html

Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #547 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2013, 09:43:08 pm »


     Cây dóc bác Thập nói tới dùng làm gậy chống không biết có phải là cây này không ạ?


     Taupaypay ! Bác Thập có xem cái ảnh, bảo cây dóc nó cũng rứa, mà có vẻ đặc hơn một chút.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 76)

Xin đừng quên em !

     Ngay từ lúc tới thành phố này, nó và Bình Đính đã nghĩ tới Kim Tuyến. Chuyện của nó với Kim Tuyến thì nó đã kể với Bình Đính và Trung Hòa. Giá mà ngày ấy, nó đồng ý lấy Kim Tuyến thì nàng đã không phải điều vào tận cái thành phố xa lắc xa lơ này. Bình Đính cũng quen Kim tuyến từ ngày học chung trường cấp III của huyện. Bây giờ chuyện đồng hương tìm nhau ở nơi xa quê, chắc hẳn mọi người đều vui. Đà Lạt là một thành phố nhỏ nên chúng nó chẳng khó khăn gì tìm được Kim Tuyến. Nàng đang làm ở ngân hàng thành phố Đà Lạt, nằm tại trung tâm và được phân một gian nhà tập thể trong khu biệt thự cổ gần đó.  

     Sau hai ngày làm việc trong đơn vị thông tin, hôm đó là cuối tuần, chúng liên lạc được với Kim Tuyến và rủ nàng đi chơi. Kim Tuyến rủ thêm hai bạn gái trong cơ quan cùng đi. Mới mấy tháng không gặp mà Kim Tuyến đã đổi khác rất nhiều. Nó không còn thấy nàng ngăm ngăm, mà thật sự là Kim Tuyến rất trắng, phải nói là “đẹp nõn”. Trông Kim Tuyến sâu lắng hơn, đĩnh đạc hẳn, ra dáng con gái thành phố, “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Hẳn là cái không khí mát mẻ của cao nguyên và tư thế của nàng trong công việc đã làm cho nàng thay đổi rất nhanh.

     Ba cô gái dẫn ba thằng chúng nó bằng Honda đi thăm thành phố, thăm nhà thờ Con Gà (nhà thờ lớn), dạo quanh Hồ Xuân Hương, chùa Quan Thế Âm, thăm ga xe lửa Đà Lạt, rồi ra hồ Than Thở, hồ Mê Linh, hồ Chiến Thắng, thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ. Cuối cùng quay trở lại phía tây ngắm cảnh thác Cam Ly. Thằng Đính và Thằng Hòa đã biết chuyện hai đứa, bây giờ nhìn “đầu mày cuối mắt” của Kim Tuyến và nó, hai thằng tế nhị, lảng đi chỗ khác.

     Nó chở Kim Tuyến ở phía sau, nghe dịu ngọt tiếng nàng giới thiệu với nó như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp, không khí mát mẻ, khoáng đạt, tiếng thẽ thọt của người con gái xinh đẹp ngay bên cạnh, không khỏi làm cho nó cảm thấy xốn xang, rung động.

     Đến trưa thì hai đứa đi hết một vòng và dừng chân dưới một gốc thông rất lớn ngay gần thác Cam Ly. Chúng bày đồ ăn trên tấm nylon, chả gì thì nó cũng góp được phong lương khô. Hai đứa nghỉ ngơi nói chuyện một lúc lâu rồi Kim Tuyến đưa nó ra ngắm thác Cam Ly, nàng dẫn nó đi dọc theo con suối Cam Ly.

Thác Cam Ly

     Nó trông thấy một vạt hoa tím rất đẹp bên bờ suối. Kim tuyến bảo nó đấy là hoa lưu ly. Hoa này được nhập từ phương tây về Đà Lạt đã hàng trăm năm nay và bây giờ trở thành một trong hai loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, là hoa lưu ly và hoa mimosa. Cả hai loài hoa này đều là hoa của tình yêu.

     Hoa mimosa màu vàng óng ả, người ta còn gọi là “trinh nữ hoa vàng”. Hoa này có nguồn gốc từ Úc. Chuyện kể rằng, Ngày xưa, ở vùng đất Australia tươi đẹp nằm giữa biển khơi đầy nắng ấm có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm, chàng là con của một người dân thường, có thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng và một trí thông minh tuyệt vời. Nàng là con gái cưng của một gia đình quý tộc, đẹp rực rỡ, đài các, yêu màu vàng và được Chúa ban cho một tấm lòng nhân hậu. Họ đã trao nhau những nụ hôn say đắm và cả cuộc đời trên cảng biển Sydney thơ mộng. Nhưng rồi, gia đình nàng lại ép gả cho một Công tước Hoàng gia. Sau bao phen phản đối kịch liệt không thành, nàng đành chấp nhận lên xe hoa. Chàng buồn phiền từ giã biển khơi, bỏ nghề chài lưới, lên một vùng núi cao hiểm trở làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình tuyệt vọng. Khi đặt chân đến nơi, thì một trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra. Một mình chàng bất chấp hiểm nguy đã cứu những cánh rừng xanh và những con Canguru tội nghiệp. Và rồi, ngọn lửa quái ác kia đã làm chàng ngất xỉu và thiêu sống chàng.

     Hay tin chàng trai bỏ thành phố biển lên ngàn, tìm chốn quên mối tình đầu dang dở, trong đêm tân hôn cô gái đã bỏ trốn để tìm người yêu. Nhưng, hỡi ơi! Gặp được thì nàng không còn tin vào mắt mình nữa khi nhìn thấy thân xác chàng bên đống tro than của cánh rừng bị cháy. Nàng quỳ xuống và gục chết bên người yêu. Từ đó, trên vùng núi cao của đất nước Australia thơ mộng - nơi cặp tình nhân đã chết cho tình yêu xuất hiện một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm mát - Mimosa.


Mimosa ở Đà Lạt



     Hoa lưu ly có tên tây là “Xin đừng quên em !” - forget me not. Ngày xửa ngày xưa, vào một buổi sáng mùa xuân có một đôi tình nhân dắt nhau dạo chơi bên bờ một con suối có những bông hoa cánh tím mỏng manh rất đẹp mọc thành từng mảng dày. Tất cả các bông hoa đều vươn mình về phía dòng nước, như thể muốn soi xem chúng kiều diễm đến mức độ nào. Cô gái thấy chúng đẹp và lạ quá bèn nhoài người ra định hái mấy nhành tặng người yêu, lúc đó đang mải ngắm dòng thác đổ trên cao.

     Không may cô bị trượt chân ngã, và chỉ trong nháy mắt, dòng suối đã cuốn mất bóng cô, chỉ còn để lại một nhành hoa gãy với lời vọng lại: “Xin đừng quên em !”. Từ đó, lời dặn của cô gái trở thành tên riêng của loài hoa này.


Hoa lưu ly



     Lời kể chuyện của Kim Tuyến về hoa lưu ly như vận vào hai đứa. Cũng dòng suối đây, cũng thác nước kia, cũng vạt hoa lưu ly tím, và cũng hai người bên nhau . . . .

     Kim Tuyến mở chiếc khăn mùi xoa thơm ngát mùi hoa lan, bên trong là một cuốn sổ tay nhỏ màu đỏ. Nàng nâng niu cuốn sổ rồi lật vài trang. Ở đó có một bông hoa lưu ly được ép khô vẫn tươi rói sắc tím :

     -     Tặng anh cuốn sổ để anh ghi nhật ký và đây là bông hoa “Mong anh đừng quên Tuyến !”

     Sau nhiều ngày làm việc, đến lúc chúng nó lên đường rời Đà Lạt, Kim Tuyến cùng hai người bạn ra tận bến xe tiễn biệt. Nó thấy bùi ngùi và lưu luyến lắm nhưng chẳng biết nói gì. Nó cầm và giữ tay nàng hơi lâu, mãi mới cất nên lời :

     -     Tuyến giữ gìn sức khỏe, anh đi nhé !

     Sau này nó làm mất cuốn sổ đỏ và bông hoa “chia ly”, kỷ vật mà Tuyến tặng nó, bên con suối mộng mơ, một thời trai trẻ. Tới khi tuổi gần 60, về quê để mời đám cưới con nó, nó mới có dịp hỏi thăm Kim Tuyến. Nàng ở Đà Lạt, lấy chồng là sỹ quan quân đội cùng quê, anh chồng đã nghỉ hưu. Còn Kim Tuyến làm giám đốc ngân hàng trung tâm thành phố. Được vài năm thì nàng chết do căn bệnh ung thư.

     Nó chợt giật mình và thầm gọi : “Anh có lỗi với em rồi, Tuyến ơi !”

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2013, 12:41:19 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #548 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2013, 02:56:40 pm »

Chưa một lần đến xứ Mộng mơ - Đà lạt, Tây nguyên, nhưng thấy mấy bác tả hoa Dã Quỳ, Lưu Li, Mimosa, thác Cam ly mà thèm.

Không biết ở trái tim tổ quốc có chỗ nào trồng hay bán mấy loại hoa phương Nam ấy kh? Đến tận nơi xem tận mắt cho đã.

Ngay trước của phòng làm việc của 6971 thấy có cây gì gầy gầy, chẳng chú ý. Đến lúc xổ hoa vàng tươi, chói lòa, lạ lạ, hay hay mới ngạc nhiên. Hỏi thì mỗi người nói một tên, Tây có, Ta có, chẳng biết ai đúng đúng ai sai. Hay là hoa Lưu li?  
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2013, 03:04:07 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #549 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2013, 04:39:41 pm »

Chưa một lần đến xứ Mộng mơ - Đà lạt, Tây nguyên, nhưng thấy mấy bác tả hoa Dã Quỳ, Lưu Li, Mimosa, thác Cam ly mà thèm.

Không biết ở trái tim tổ quốc có chỗ nào trồng hay bán mấy loại hoa phương Nam ấy kh? Đến tận nơi xem tận mắt cho đã.

Ngay trước của phòng làm việc của 6971 thấy có cây gì gầy gầy, chẳng chú ý. Đến lúc xổ hoa vàng tươi, chói lòa, lạ lạ, hay hay mới ngạc nhiên. Hỏi thì mỗi người nói một tên, Tây có, Ta có, chẳng biết ai đúng đúng ai sai. Hay là hoa Lưu li?  


Hoa này dân chơi cây cảnh gọi là hoa Bò cạp nước còn có người gọi là hoa Lồng đèn vì nó có từng chùm giống như cái Lồng đèn anh sauchinbaymot ạ .
Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM