Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:37:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 411535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
AKAVN
Thành viên
*
Bài viết: 38


« Trả lời #520 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2013, 03:00:46 am »

Bác TTNL ơi mai bác post 2 bài đc không ạ? Cháu giền quá!
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #521 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2013, 09:54:18 pm »

Bác TTNL ơi mai bác post 2 bài đc không ạ? Cháu giền quá!

     AKAVN !  Cảm ơn bạn đã ủng hộ và động viên !

     Mong bạn và anh em thông cảm ! Chuyện bác Thập kể, cũng phải "gia công" lại một chút. Đồng thời cũng phải tra cứu và trao đổi lại với bác Thập cho thật chính xác rồi mới dám post lên. Vậy nên mỗi tối tôi đã cố gắng mà không được nhiều.

     Chẳng hạn như, trong bản viết tay của bác Thập nói "Hòa Cường là một phường ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, thuộc huyện Núi Thành, cách trung tâm thành phố 20 km". Tôi thì biết, huyện Núi Thành nằm ở phía nam của thị xã Tam Kỳ và cách Đà Nẵng 100 cây số. Gọi điện cho bác Thập thì bác ấy bảo bác ấy nhớ chính xác Hòa Cường ở Núi Thành. Từ đó tôi suy luận ra và bảo bác ấy "Thế thì Núi Thành của Bác là đường Núi Thành của thành phố Đà nẵng chứ không phải huyện Núi Thành. Trận Núi Thành ngày 26/5/1965 là trận đầu ta đánh Mỹ. Chắc sau giải phóng, Đà Nẵng lấy tên Núi Thành đặt cho một đường phố để kỷ niệm trận đánh đó". Bấy giờ bác Thập mới "À  . . . à . . . . đúng rồi, chính xác là đường Núi Thành". Cái phường Hòa Cường chỉ cách trung tâm thành phố có trên 5 cấy số thôi, chứ không phải 20 cây như bác Thập nói.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------  
.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 65)

Ở trạm khách Đà Nẵng

     Nó đã khỏe hẳn và trở lại với nhiệm vụ đang bỏ dở. Bây giờ nó  không dám tự ý một mình đi từ tổ này sang tổ khác. Mà các tổ cũng đưa đón nó cẩn thận, nhịp nhàng hơn.

     Khoảng nửa tháng sau thì nó hoàn tất công việc dọc theo các tổ đường dây trên đường đến A Lưới và mai nó sẽ tới điểm cuối cùng ở A Lưới. Nó gọi điện báo trước cho cho anh Mật. Thật là may mắn, anh Mật đã từ Đà Nẵng đánh xe lên A Lưới chờ nó từ hôm qua. Mà có khi không phải là may, mà là lão Mật này biết hết các tổ đường dây, có khi lão gọi điện dò la và biết được mai nó sẽ đến A Lưới nên lão đến đó trước một ngày.

     Từ A Lưới, anh Mật lái xe đưa nó đi tiếp đến các tổ đường dây. Trước khi đến điểm nào, nó đều gọi điện báo cho các tổ dặn họ không đi đâu và chuẩn bị trước đầu tóc, quần áo để chụp ảnh cho nghiêm chỉnh. Đường từ A Lưới đến các tổ khá đẹp, thậm chí ô tô có thể vào tận sân của một số tổ. Công việc trở nên rất thuận lợi. Có ngày hai anh em nó làm xong được cho hai ba tổ.

     Cứ thế, anh Mật và nó rong ruổi trên xe suốt lượt đường dây ra tới tận Quảng Bình. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ toàn bộ vùng phía bắc của trung đoàn. Hai anh em nó trở về trạm khách trung đoàn ở Hòa Cường, Đà Nẵng. Anh Mật tranh thủ bảo dưỡng xe còn nó gọi điện về trung đoàn báo cáo. Trung đoàn động viên nó cố gắng và cũng nhắc nhở nó chuyện lạc đường làm ảnh hưởng không tốt đến đơn vị. Nó được cho phép nghỉ ngơi ở Đà Nẵng mươi ngày.

     Có thể trung đoàn thấy nó làm việc tốt mà cho nó nghỉ ngơi một chút. Nhưng cũng có thể sẽ không có xe đưa nó đi làm tiếp vì ngay ngày hôm sau, nó thấy trung đoàn gọi điện cho anh Mật điều anh chở cán bộ trạm khách về Pleiku họp và sau đó đưa cán bộ trung đoàn đi công tác ra phía Bắc.

     Trong khi nghỉ ngơi và chờ đợi ở Đà Nẵng, nó tranh thủ kiểm lại toàn bộ danh sách bộ đội trong sổ tay. Từng tên người, đơn vị công tác, đặc điểm nhận dạng, . . . . Mỗi cái phim chụp phải được đánh số theo đúng từng người. Chỉ nhầm một số là tất cả sẽ "râu ông nọ cắm cằm bà kia" hết cả loạt. Từng cuộn phim cũng phải đánh số, nhầm cuộn nọ với cuộn kia thì cũng bằng "công cốc" vì nó không thể nhớ mặt và họ tên của tất cả anh em của trung đoàn. Sau khi kiểm lại nó thấy thật may mắn vì nó không đánh mất một cuộn phim nào, không để rơi một cái phôi chứng minh thư nào. Sổ tay của nó cũng không mất và không bị nhòe nước ở chỗ nào. Nó thở phào nhẹ nhõm, tự khen là "mình làm việc rất được !". Nếu có sai nhầm gì, nó phải quay lại làm lần hai  thì "toi đặc".

     Muốn nhanh chóng hoàn thành công việc để sớm được ra trại sáng tác tại Hà Nội, nó không thể bỏ phí những ngày ngồi không ở Đà Nẵng. Nghĩ vậy, nó vào thành phố mua mấy cái ngòi bút "lá tre", mấy cái quản bút và một lọ mực đen. Nó mài ngòi bút hơi vẹt đi một chút để có "nét thanh, nét đậm". Nó viết thử ra giấy, mài đi mài lại cho đến khi chữ viết nhìn thật ưng ý.

     Cũng may, những ngày làm công tác đoàn ở huyện, nó đã phải viết giấy khen nhiều nên kiểu chữ "Giấy Khen" nó đã rất thạo.

     Bây giờ, ngày hai buổi nó ngồi "gò lưng tôm" viết từng tờ chứng minh thư. Việc này cũng phải rất cẩn thận vì không được phép tẩy xóa. Viết sai thì không có cách gì mà chữa được, mà cũng không thể thay bằng tờ khác được vì mỗi cái phôi đã có dấu lăn tay của một người. Cơm ngày hai bữa nó ăn ở bếp ăn trạm khách nên không phải lo.

     Lúc nào mỏi lưng quá hoặc chán viết, nó cẩn thận cất tất cả mọi thứ, cái nào vào chỗ đó, rồi bỏ ra Hòa Cường chơi. Có lúc hứng lên, nó đi chơi trong thành phố.

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #522 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2013, 10:12:00 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 66)

Chuyện "Ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai !"

     Tưởng rằng nó chỉ ở Đà Nẵng mươi ngày rồi quay về trung đoàn đi làm tiếp chứng minh thư cho anh em ở phía nam và cả trung đoàn bộ nữa. Ai dè nó ở đây rất lâu vì mãi xe của anh Mật vẫn chưa đi Hà Nội về để đưa nó đi tiếp.

     Hòa Cường là một phường ngoại ô thành phố Đà Nẵng, nằm dọc trên đường Núi Thành chạy từ thành phố ra (có lẽ đường Núi Thành được đặt tên sau ngày giải phóng để ghi nhớ chiến công lần đầu đánh Mỹ, ngày 26/5/1965, ở Núi Thành, Quảng Nam). Đó là một con đường nhựa nhỏ, cách trung tâm thành phố 5 km. Hai bên đường là nhà dân, cái thò, cái thụt, cái lớn, cái bé, nhấp nhô không hàng lối. Lác đác cũng có một vài hàng quán, còn lại chủ yếu là quang cảnh những dãy hàng rào cây đủ loại, xanh mát mắt. Một số nhà trồng bông bụp (hoa dâm bụt), bông giấy (hoa giấy) đỏ, trắng rực rỡ vấn vít trên hàng rào, cổng nhà. (Ngày ấy Hòa Cường là một phố ngoại ô nhỏ hắt hiu, bây giờ Hòa Cường là một phường thuộc quận Hải Châu của thành phố Đà Nẵng. Đường Núi Thành bây giờ cũng là một con đường lớn).



     Ngay sát trạm khách trung đoàn, bên trái có một cửa hàng may nho nhỏ, rộng chừng chục mét vuông, mái lá, tường tôn. Nhưng phía sau cửa hàng có một khoảng sân rất rộng, có thể đỗ được vài cái xe tải. Qua cái sân đó là một ngôi nhà ngói 5 gian khang trang, sạch sẽ. Đằng sau nhà là một vườn cây ăn trái xum xuê, dừa, sầu riêng, măng cụt, mận (roi), ổi, bom (táo), sa pô chê (hồng xiêm), . . . . Ngoài hiên ngôi nhà có treo mấy cái lồng chim, suốt ngày chim hót véo von, lảnh lót.

     Ở cái nhà đó, có một người bằng tuổi nó tên là Thủy – Vũ Tịnh Thủy. Ở đây mới có mấy ngày nó đã quen với Thủy. Anh bạn mới chơi ghi ta rất giỏi, lại làm thơ hay. Có điều lạ là Thủy thường xuyên vắng nhà. Sau này nó mới biết, Thủy bị bắt quân dịch năm 73 và hệ quả là bây giờ phải học tập cải tạo trên thành phố. Tuy Thủy không bị giam nhưng phải tập trung học, thỉnh thoảng mới được về nhà. Cái nhà này là nhà vợ Thủy, cu cậu "chui gậm chạn" đấy, may là cái "gậm" này khá rộng rãi.

     Vợ Thủy là Nguyễn Thị Tíu, chính là cô thợ may trong cửa hàng nhỏ ngoài cổng. Em ruột Tíu là cái Lễ, sinh năm 1957 (tuổi dậu), bấy giờ đã nghỉ học, phụ bán hàng cho má ngoài chợ Hàn. Ba Lễ có một chiếc xe tải GMC hạng nặng. Ông chạy xe chở thuê đủ các loại hàng hóa và vật liệu xây dựng. Chiếc xe đi chở hàng, tối lại về đỗ trong sân nhà.

     Lễ hơi ngăm đen, khỏe khoắn, mắt sâu, lông my cong trông cũng khá, nó chấm được 6 điểm nha ! Tính Lễ nhí nhảnh, lãng mạn, hát hay và yêu thơ. Thỉnh thoảng thấy nó sang chơi, nghe chừng Lễ có vẻ thích. Mà gia đình Lễ cũng quý nó nữa, thỉnh thoảng có gì ăn tươi, ba má lại sai Lễ gọi nó sang ăn cơm. Nó cũng có cảm giác như được sống ở gia đình nên cũng vui. Vợ chồng Thủy Tíu  thấy vậy liền gán ghép nó với cái Lễ.

     Hôm nào được nghỉ không phải phụ giúp má ngoài chợ, Lễ hay lấy xe Honda nam của ba, rủ nó đi chơi. Hôm thì hai đứa ra Ngũ Hành Sơn, hôm thì đi biển Mỹ Khê, hôm thì vào trung tâm Đà Nẵng coi phim. Ra bãi biển thì nó cũng thích nhưng nó không dám tắm, vì ngượng không dám thú nhận với Lễ là nó không biết bơi. Hai đứa hay ngồi uống nước dừa, đuổi nhau quanh gốc cây hoặc nô đùa trên cát. Hôm ở Ngũ Hành Sơn, Lễ tháo cặp tóc đưa cho nó để nó khắc tên hai đứa vào vách đá. Trông hai đứa quấn quýt, ai cũng tưởng là chúng đã yêu nhau.

     Nhưng thực tình không phải như vậy. Chuyện này chẳng có ai có lỗi nhưng lý do là ở nơi nó. Trong tâm tưởng của nó lại đã có một hình bóng khác. Chuyện là, đối diện nhà Lễ, phía bên kia đường, cũng có một cửa hàng may. Cô thợ may ở đó tên Hường là bạn của Lễ. Éo le là nó lại thật sự thích Hường. Chẳng gì thì Hường cũng xinh hơn hẳn Lễ, nếu có chấm, chí ít cũng phải 8 điểm.

     Nó luôn tìm cách tiếp cận Hường hoặc hỏi dò Lễ về Hường. Nhưng con gái vốn nhạy cảm lắm, Lễ linh cảm thấy ngay nên rất cảnh giác. Mỗi khi nó nhắc tới Hường hoặc gợi ý đi chơi chung là Lễ lại gạt đi. Nó hỏi gì về Hường thì hầu như Lễ đều không nói, không kể gì hết.

     Thực ra, lúc dầu Hường cũng quý mến nó nhưng không biết vì sao, càng ngày Hường càng lảng tránh nó, mà cũng lảng tránh luôn cả Lễ. Nó buồn và tức nhưng không nghĩ ra cách nào để gặp được Hường. Hai cửa hàng may ở đối diện nhau, nhất cử nhất động gì của nó với cửa hàng bên kia là lập tức cả gia đình Lễ tìm cách khéo léo khống chế, ngăn cản nó.

     Khoai chẳng ra khoai, ngô chẳng ra ngô !

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2013, 11:33:44 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #523 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2013, 07:09:10 pm »


     Hôm nay máy tính ở nhà tự nhiên lăn đùng ra ốm. TTNL phải ra "hàng net" gõ nhờ, chưa kiểm tra thật kỹ. Có gì lỗi, mong anh em thông cảm !
----------------------------------------------------------------------------------
.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 67)

Người cháu họ ở Tam Kỳ       

     Nó có một người cháu gái họ xa nhưng không đến nối "bắn ca-nông không tới" sống ở Tam kỳ. Tuy là cháu nó nhưng cô này hơn nó gần hai chục tuổi. Chồng cô là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm năm tư. Khi đó ông đã có vợ và một đứa con trai còn  lớn hơn cả tuổi nó. Khi ông đi tập kết, ở nhà vợ ông bị chính quyền o ép, đến sau "Luật Mười Năm Chín", bà bị bắt tù và bị tra tấn cho đến chết. Đứa con trai được bà con họ hàng cưu mang nuôi nấng. Sau ngày giải phóng, ông viết thư cho họ hàng và biết được địa chỉ của con trai, lúc bấy giờ đang sống ở Đà Nẵng.

     Nhận được thư ba, người con trai ra Bắc tìm về với cha. Lúc ấy ông đã lấy vợ hai và có thêm hai đứa con, một gái, một trai. Người vợ hai của ông chính là cháu họ của nó. Năm 1976, cả nhà ông chuyển về quê Tam Kỳ và sống ở đó.

     Trước ngày nhập ngũ, may là nó ghi lại hết các địa chỉ của họ hàng. Không biết người cháu họ của nó nay có còn sống ở địa chỉ cũ không. Bây giờ ở Đà Nẵng, nó rỗi việc, mà Tam Kỳ thì có xa là mấy. Một hôm nó rủ Lễ đi tìm nhà người cháu họ, cũng gọi là cầu may thôi, thế mà lại tìm thấy ngay. Từ đó, cứ thỉnh thoảng nó và Lễ lại đến chơi, có lần nó ở lại đó mấy ngày. Hai vợ chồng người cháu dù hơn nó mấy chục tuổi nhưng vẫn giữ lễ, "một điều chú, hai điều cháu". mấy đứa con ông, thì nhất nhất gọi nó là ông, xưng cháu "ngon lành cành đào". Cả nhà người cháu đều rất quý và tôn trọng nó. Ngay cả người con riêng của ông, cũng coi nó như người ruột thịt. Ngày cu cậu nhập ngũ, ông trẻ Nguyễn Trọng Thập cũng đến đưa tiễn, chẳng gì nó cũng là ông mà lại là lính cựu chứ bộ !

     Lại nói, người cháu gái họ theo chồng về Tam Kỳ thì cũng xin được làm nhân viên bán bách hóa ở ngay thị xã. Một tối, cô ngủ lại ở cửa hàng để trực đêm và nằm nghỉ trên mặt bàn. Đang đêm, chiếc quạt trần đột nhiên rơi xuống đúng ngực cô làm cô chết ngay tại chỗ. Thật là đen đủi và thảm quá !
Những năm gần đây, mấy lần nó có ý tìm lại nhà người cháu xấu sốt mà lâu ngày địa chỉ lại thất lạc, đường thì nó không còn nhớ. Vả lại, Tam Kỳ bây giờ là thành phố, đã có quá nhiều đổi thay so với này đó. Cho đến nay nó vẫn chưa tìm lại được.

     Những năm 8X, 9X khó khăn đã làm tung tán các gia đình và họ mạc . . . .

Đi công tác Hà Nội

     Anh Mật đi công tác Hà Nội gần 2 tháng sau mới quay lại Đà Nẵng. Nó sang chào Lễ và gia đình. Nó cũng không quên chào Hường nữa. Nó trở về Pleiku cất toàn bộ  những thứ đã làm được ở trung đoàn bộ. Rồi nó lấy phôi chứng minh thư mới, phim mới, cùng anh Mật lên đường làm nốt nhiệm vụ ở các tổ phía nam của trung đoàn. Khoảng 2 tháng sau công việc cũng xong. Nó quay về trung đoàn làm nốt chứng minh thư cho bộ đội ở trung đoàn bộ. Sau đó, nó tráng phim, in ảnh, dán ảnh vào chứng minh thư. Công việc hoàn tất, nó cẩn thận đóng gói chứng minh thư của từng đại đội, ghi tên đơn vị ra ngoài và có "danh sách kèm theo".

     Đầu tháng 9, công việc hoàn tất, nó mang toàn bộ "sản phẩm" lên ban quân lực báo cáo. Thấy nó làm cẩn thận, có vẻ khoa học nên trung đoàn cũng chỉ kiểm tra bên ngoài và rà soát lại danh sách. Rồi ban yêu cầu nó đóng gói toàn bộ mang về Bộ Tư Lệnh Thông Tin để xin chữ ký và dấu nổi của phòng quân lực. Vậy là lần thứ 2 nó "phải" đi công tác một mình ra Hà Nội.

     Ra tới Hà Nội, nó lập tức nộp toàn bộ chứng minh thư đã làm cho phòng quân lực. Việc ở "cơ quan, ban bệ" bao giờ cũng "rất quan trọng", làm gì có chuyện người ta làm ngay hay làm nhanh cho. Phòng quân lực hẹn nó một tháng sau quay lại mà lấy chứng minh thư mang về đơn vị. Nó gọi điện báo cáo anh Chính ở ban quân lực trung đoàn (đồng hương của nó). Anh Chính bảo nó "Cứ ở ngoài ấy mà chờ, bao giờ được thì mang vào. Không đi đi lại lại làm gì cho mất công". Nó mừng rơn. Ít ra nó cũng có một tháng tha hồ mà chơi bời, vùng vẫy.

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #524 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2013, 08:51:53 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 68)

Cửu vạn đi buôn đường dài

     Biết nó được ở Hà Nội một tháng, chị gái nó rủ nó đi buôn vào Sài Gòn. Hai chị em tính rằng, nếu công an hay phòng thuế kiểm tra hàng hóa thì nó nhận là của nó. Nó là bộ đội lại có giấy công tác nên họ sẽ không thể kiểm tra được. Nó chỉ ngại kiểm soát quân sự, nhưng kiểm soát quân sự lại thường không đi cùng công an và phòng thuế. Lúc ấy, chị nó sẽ nhận là hàng của chị. Vậy là ổn.

     Chị và nó chuẩn bị các mặt vừa hàng nhẹ vừa có lãi cao mà Sài Gòn đang cần. Đó là thuốc sợi Lạng Sơn, thuốc cảm asperin, sufamite, thuốc sốt rét Quinin (ký-ninh) và tỏi khô. Nó đi Lạng Sơn mua thuốc lá sợi. Rồi nó về Sặt nhờ bố Khóa mua mấy thứ thuốc tây đó. Tỏi thì nó về Hưng Yên quê nó, đến Ân Thi thì “vô thiên lủng”. Vốn mua hàng phần lớn là của chị, vốn của nó thì chẳng được bao nhiêu, mua được 2 lọ thuốc tây là hết. Tóm lại, hàng hóa chủ yếu là của chị nó.

     Sau khi đóng hàng được hai bao tải thuốc lá sợi và tỏi, hai túi du lịch đầy căng toàn thuốc tây, chị em nó thuê xích lô ra ga Hàng Cỏ, mua vé tàu vào Sài Gòn. Ngày ấy, tàu Thống Nhất Bắc Nam chạy rất chậm, phải mất 4 đêm 3 ngày mới tới Sài Gòn. Từ ga Hòa Hưng, hai chị em thuê xích lô chạy thẳng vào chợ Bến Thành. Hàng vào chợ Bến Thành như muối bỏ bể, vèo một lúc là hết. Mọi việc suôn sẻ, không bị hỏi han bắt bớ gì, hai chị em rất phấn khởi.       

     Bán hàng xong thu được tiền lãi kha khá. Chị nó làm quen với chị Tám hỏi được ở nhờ trong một ngõ nhỏ gần chợ Bến Thành. Hai chị em nó về đó trú chân chờ mua hàng cho chuyến đi ra. Hàng hóa mang ra gồm rất nhiều bột ngọt, áo mông tơ ghi, quần bò, vải tuýt-si len, vải pho và một số mặt hàng khác nữa. Trước khi ra, chị và nó lang thang đi sắm đồ dùng cho gia đình. Chị nó chọn mua quà lần lượt cho mọi người, từ chồng cho đến 6 đứa con, ai cũng có nhiều quà và toàn đồ tốt, nào là quần áo, mũ mão đến đồ ăn, cặp sách, bút mực v,v. . . . .

     Nó cứ hy vọng chị nó sẽ mua cho bu nó ở quê một cái gì đó hay là chị mua cho nó một thứ gì đó gọi là một chút ví như cái quần đùi chẳng hạn. Nhưng tuyệt nhiên không thấy chị nó đả động gì đến điều đó. Nó thoáng thấy buồn và nhận ra rằng, trong trái tim chị nó chỉ có chồng và con thôi. Ở đó, bu nó và nó không có chỗ đứng. Mà nói cho công bằng, nó phải làm tất cả những việc nặng nhọc, mang vác, bưng bê như “cửu vạn”, che chắn bảo về hàng hóa và bảo vệ chị, vậy mà chẳng có giá trị nào hết. Nó cũng biết người ta nói “anh em kiến giả nhất phận”, đó là lẽ thường nên nó cũng chỉ hơi buồn và thất vọng chứ không có biểu hiện gì ra ngoài.

     Trước khi ra tàu chị còn lân la hàng xóm gạ mua từ ti vi, quạt máy, đèn chùm, đèn tường với giá rất rẻ. Một đống ngồn ngộn toàn là hàng hóa đồ đạc của chị, nó lại phải đóng gói, bê vác, chen lấn xếp đồ lên tàu, . . . . mà vẫn vui vẻ, không kêu ca một lời. Chuyến đi buôn mang lại lãi lớn cho chị nên chị lại rủ nó đi chuyến thứ hai. Nó hùng hục chuẩn bị hàng hóa mất 5 ngày trời rồi lại nai lưng làm cửu vạn mang vác hàng hóa cho chị. Lần này nó cũng chỉ ké vào hai lọ thuốc tây như lần trước, cũng chẳng được lãi là bao.

     Lần này hàng của chị cũng bán rất đắt ở chợ Bến Thành. Bán xong hàng cho chị, nó mang hai lọ thuốc tây của nó đi bán. Nó cảnh giác nên chỉ bán từng lọ một và giám sát chặt chẽ người mua hàng. Nó đưa lọ thuốc cho một thanh niên bé nhỏ, gầy gò, nhanh nhẹn để anh ta xem hàng và mua. Anh ta gỡ lớp xi ở nắp lọ ra, đổ thuốc vào lòng một chiếc mũ mềm và đếm thuốc. Lọ thuốc 1000 viên mà đếm đi đếm lại chỉ có 700 viên. Nó phát hoảng nhưng cũng nhanh, nó giằng lấy chiếc mũ thì thấy chiếc mũ có 2 lớp, anh chàng đã khéo léo cắt một đoạn chỉ may dài khoảng 5 phân gần chếch chếch về phía lưỡi trai. Trong quá trình đếm hắn đã khéo léo lùa thuốc xuống  lớp vải phía dưới. Thực ra nó không hề phát hiện ra cú lừa đó, nhưng lọ thuốc nguyên 1000 viên chẳng thể nào sai được nên nó mới nghi ngờ và kiểm tra chiếc mũ.

     Bán xong lọ thứ nhất, sang lọ thứ hai là thuốc quinin thì người mua kêu là thuốc giả, không mua. Nó kiểm tra lại thì thấy vỏ, nắp, nhãn và viên thuốc vẫn “nguyên đai nguyên kiện”. Vậy là nó đã mua phải thuốc giả từ Sặt. Sau khi về lại Sặt, nhờ bố Khóa đổi hộ, ông cũng không đổi được. Vậy là nó mất cả lãi lẫn gốc.

Nguyễn Trọng Thập[/right
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #525 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 05:44:56 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 69)

Rời khỏi trung đoàn

     Theo hẹn, sau một tháng, nó quay lại phòng quân lực thì toàn bộ chứng minh thư của trung đoàn nó đã được ký và đóng dấu. Nó lên đường trở về Pleiku.

     Về đến đơn vị, nó nhận được 2 tin tức quan trọng. Một là, trung đoàn bộ có lệnh chuyển vào gần sân bay Cù Hanh để giao lại doanh trại cho đơn vị khác. Hai là, nó có quyết định ra dự Trại Sáng Tác Mỹ Thuật tại cơ quan Bộ Tư Lệnh Thông Tin. Thời điểm đó trại sáng tác đã hoạt động được gần một năm. Như thế thời gian nó được ra trại để học chỉ còn lại 6 tháng. Thôi thì “méo mó có hơn không”, hãy cứ biết được ra cái đã, chuyện đến đâu hay đến đó.

     Nhưng nó cũng chưa được đi ngay vì phải cùng đơn vị di chuyển đến nơi mới. Nó cùng mọi người ở trung đoàn bộ đóng gói đồ đạc, chuyển ra xe cam-nhông (camion – từ tiếng Pháp), chở đến địa điểm mới. Việc di chuyển mất một tuần. Ở nơi mới, nó được phân một phòng nhỏ chừng hai chục mét vuông, gần ban tham mưu, dưới một gốc cây cổ thụ lớn. Nó rất thích, xếp tất cả đồ đạc gọn gàng vào trong phòng. Dưới gầm giường, nó cất những tấm mi-ca (mica) lớn dày cỡ một phân, chuyên để làm nhẫn, lược, . . . . ., các cuộn cảm để cuốn sú-von-tơ (survolter), mô tơ, đèn led, công tắc đảo mạch, . . . . mà nó đã kiếm được ở sân bay từ trước, cất giữ để dùng dần. Còn một bộ sưu tầm trên một trăm cuốn Văn Nghệ Quân Đội nó sưu tầm được nhờ thằng Tiền, nó cho vào hòm gỗ để ở đầu giường. Xong xuôi, nó buộc dây thép kỹ càng rồi khóa cửa phòng và nhờ đồng đội trông hộ. Chắc nó chỉ đi từ 4 đến 6 tháng sẽ trở về .

     Lúc đó, trung đoàn trưởng là trung tá Nguyễn Huy Văn được lệnh điều ra Bộ Tư Lệnh nhận nhiệm vụ mới. Thủ trưởng Văn rất quý nó, ông thường gọi nó theo khi đi kiểm tra đường dây. Nó làm nhiệm vụ chụp ảnh kỷ niệm cho thủ trưởng. Thủ trưởng Văn đi khỏi trung đoàn nhưng về sau này nó còn có nhiều chuyện liên quan tình nghĩa với ông.

     Hôm tiễn chân nó đi học, cả ban liên hoan chung. trước khi vào bữa, thủ trưởng ban đọc quyết định phong quân hàm hạ sỹ và quyết định tặng giấy khen cho nó vì đã có cố gắng trong công tác. “Chắc là cũng do nó suýt chết khi bị lạc”, nó nghĩ vậy.

     Nó vui vẻ chuẩn bị lên đường nhưng cũng bùi ngùi lưu luyến chia tay đồng đội. Tưởng rằng nó đi ít lâu lại trở về, ai ngờ đó là lần nó chia tay mãi mãi với trung đoàn thân yêu, với bạn bè đồng đội, với căn phòng mới, . . . . Về sau này nó không còn có dịp trở lại. Vật cũ người xưa không còn nữa. Trung đoàn nó bị xóa phiên hiệu. Mọi kỷ vật mà nó để lại ở trung đoàn không thể tìm lại được. Nó rất tiếc, nhưng biết làm sao.

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #526 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2013, 10:36:55 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 70)

Ở Trại Sáng Tác Mỹ Thuật

     Vào cuối năm 1978, nó được ra "Trại Sáng Tác". Trại viên chỉ có chừng chục người có năng khiếu hội họa, từ các đơn vị cơ sở tập trung về. Anh em ở nhờ trung đoàn 130 cùng đội nữ văn nghệ của Bộ Tư Lệnh. Nó được phát giấy, bút mầu, cặp, bảng và giá vẽ, được làm quen với các bài hình họa, trang trí, tranh bố cục, tranh áp phích cổ động, . . . . . Mặc dù không được học ở Sài Gòn và ra dự trại trễ gần một năm nhưng bài vẽ của nó hầu như không thua kém các bạn. Thậm chí có một vài môn nó còn nhỉnh hơn tí ti. Được thế là nó rất mừng rồi vì chút năng khiếu của nó cũng ví như cây hoa dại chưa được chăm sóc, vun trồng.

     Phụ trách "Trại" bấy giờ là thiếu tá Ngô Hoàng Hương, "tuyên văn" của bộ tư lệnh. Trực tiếp phụ trách giảng dạy của trại là các anh Đặng Trường Lưu, anh Xuân Hạnh, trợ giảng là anh Phạm Ngọc Liệu. Lúc ấy, anh Lưu đã học trung cấp mỹ thuật, chuyên vẽ tranh cổ động. Anh Xuân Hạnh học cao đẳng mỹ thuật, phụ trách chung về chuyên môn.

     Anh Đặng Trường Lưu người lùn, trán hơi hói, ăn nói sắc sảo, sâu xa, luôn luôn châm biếm, mỉa mai. Anh Lưu rất quý Phạm Bình Đính, có thể, trong chừng mực nào đó, Bình Đính là hiện thân của anh. Anh Lưu không ưa anh Hạnh, không ưa anh Liệu. Nó không hiểu tại sao anh Lưu lại rất ghét nó, có ý trù dập và hắt hủi nó, mặc dù nó chẳng làm gì có lỗi với anh.
Ngược lại, anh Xuân Hạnh và đặc biệt là anh Ngọc Liệu lại quý nó. Hai anh ân cần và chân thành chỉ bảo dạy dỗ nó. Tiếc cho anh Xuân Hạnh sống nghệ sỹ quá, giỏi chuyên môn nên hơi kiêu, sống buông thả, tự do, vô kỷ luật và rượu say suốt ngày. Đôi khi say quá anh nôn ọe, phát ngôn linh tinh, tự làm giảm uy tín bản thân và uy tín nghệ sỹ.

     Anh Liệu thì kín đáo, khiêm tốn, chân thành và lịch lãm. Anh Liệu cũng học cao đẳng mỹ thuật ra. Sau này anh là một họa sỹ khá có tên tuổi.

     Lớp nó có Đào Trung Hòa, vừa đẹp trai, vừa vẽ khá nhất. Sau đó đến Phạm Bình Đính. Số còn lại làng nhàng kiểu như nó, hơn kém nhau một chút không đáng kể.

Nó đi "xem mắt"

     Hàng tuần, cứ chiều thứ 7, nó đạp xe về thăm bu và các anh, các chị. Chị Bính (vợ cả anh Bính) được thày bu nó cho mảnh đất ở ngõ Bưởi. Chị bán đi được ít tiền, bu nó cho thêm vài chục ngàn, chị mua mảnh đất ở ngõ Rừng có căn nhà cấp 4. Chị và hai cháu dọn về ở đó. Mỗi lần nó về, bu thường gọi chị Bính ra nấu cơm, chờ chị Yến đi làm về cùng ăn. Cả nhà vui vẻ và hạnh phúc. Chị Yến đã sinh được một cháu gái đặt tên là Nga. Bé Nga mới một tuổi, xinh như con búp bê. Mỗi khi về chơi nó mua quà cho cháu, bế cháu đi chơi rong khắp phố. Đến bữa bé Nga ngồi trong lòng nó, mút mát thức ăn nó đút cho. Hai chú cháu đều rất vui.  

     Nó đã sang tuổi 25, kể cả tuổi mụ. Ở quê nó lấy chồng lấy vợ rất sớm, con gái thường ở độ 17, con trai khoảng 20. Bạn bè đồng trang lứa nó đã nhiều đứa lấy vợ và có 2 con. Thấy nó vẫn lêu têu, chưa thành gia thất, bu nó liên tục nhắc nhở nó lấy vợ cho gia đình yên tâm.

     Khổ một nỗi, ở trong làng, vai trong họ của nó rất cao vì nó là con út thứ 10, mà bố nó là trưởng họ, mẹ nó cũng lại là chị cả. Các cô gái tầm tuổi mà nó có thể lấy làm vợ, chọn được cô nào vừa mắt, hỏi ra lại toàn là hàng cháu nó cả. Do vậy, nếu nó lấy vợ làng là rất khó có "Đôi lứa xứng đôi" (*). Lần nào nó về, bu nó cũng giục lấy vợ. Giục mãi không được, bu nó cáu, quay ra mắng mỏ, rỉa rách nó.

     Một sáng Chủ Nhật nọ, bu nó bắt nó đèo bu sang làng Lạc Đạo. Bu đã "tăm" được ở đó một cô giáo viên cấp 2 mới ra trường. Nó không muốn nhưng nể bu nên đành miễn cưỡng. Hai bu con đèo nhau trên chiếc xe đạp, vừa đi vừa hỏi thăm đường vào nhà bà Nhậm, có cô con gái tên Phượng.

     Chiếc xe đạp đi trên con đường liên xã, hai bên là bạt ngàn ruộng lúa. Ngoằn nghoèo hơn chục cây số thì vượt qua đường tàu hỏa, tới một con mương thì lại rẽ theo bờ mương, hai bên là hai hàng phi lao cao và rợp bóng, gió lao xao vi vút. Khi đã vào làng, lại phải đi qua một cái sân đình. Ôi ! Con đường lấy vợ mới gian nan khúc khuỷu làm sao !

     Hai bu con hỏi thăm tới một nhà có cái cổng mái vòm với cây dây leo hoa tím mọc xòa xuống từng nhánh. Sau hai cảnh cửa gỗ là một khoảng sân lát gạch đỏ rộng rãi rồi tới một căn nhà cổ mái lợp ngói mũi, kiểu nhà bức bàn. Toàn bộ khung gỗ, cửa và cột đều bằng lim, lên nước đen bóng. Ở giữa kê một chiếc sập gụ sát với một chiếc tủ chè bóng nhoáng. Ngước lên phía trên, nó thấy hoành phi, câu đối uy nghi, phía dưới là dường thờ lớn, trạm trổ công phu, sơn son thếp vàng. Bên phải ngôi nhà có một cái nhà ngang 3 gian cũng lợp ngói ta. Đầu hồi nhà là một giàn trầu không xanh um, có mấy ngọn trầu còn bám vào cây cau, leo lên mãi trên cao. Cạnh đó là một đống rơm to, phía sau là một khoảng vườn có mấy mái gà đang bới đất kêu cúc cúc gọi con. Toàn căn nhà toát lên vẻ giàu có, nề nếp và thanh bình.

(*) "Đôi Lứa Xứng Đôi" là chuyện "Chí Phèo" của Nam Cao.

Nó đi "xem mắt" (còn nữa)

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #527 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2013, 12:48:58 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 71)

Nó đi "xem mắt" (tiếp)

     Bà Nhậm người đậm, tóc bạc nhiều, nét cười hiền lành, phúc hậu. Thấy mẹ con nó đến, bà mừng lắm, đon đả nói cười. Mấy đứa trẻ con thập thụt ở cửa buồng cứ tò mò nhìn nó, tỏ ra rất háo hức và tinh nghịch. Mẹ con nó được mời ngồi trên chiếc sập gụ. Bà Nhậm gióng giả gọi :

     -     Phượng ơi ! Con ra pha nước mời bà với anh hộ bu. Còn anh Hùng chị Cúc xuống bắt con gà bu nhốt
           sẵn trong lồng, làm cơm ù lên nhé !

     Có mấy tiếng dạ, vâng ở nhà sau một lúc thì Phượng bước ra. Đó là một cô gái dong dỏng cao, da trắng, môi quả tim đỏ mọng. Trông rõ là gái đi học ở tỉnh về, toát ra chất của cô giáo, lại có nét dịu dàng đẹp thuần khiết, phảng phất màu "quê kiểng". Phượng bẽn lẽn chào mẹ nó, chào nó rồi ra giót nước mời. Bu nó nhìn Phượng chằm chằm như đang đưa lên bàn cân đong đếm làm cho Phượng càng ngượng ngập, lúng túng.

     Bu nó bảo Phượng ngồi cùng, bà hỏi chuyện gia đình ,chuyện dạy học và nhiều thứ khác. Nó chẳng biết nói gì nên ra sân hút thuốc, xem xét, ngó nghiêng. Một lúc lâu sau, bà Nhậm muốn tạo điều kiện cho hai đứa nói chuyện riêng nên gọi nó :

     -     Anh Thập ơi ! Bác nhờ cháu và em Phượng ra vười hái hộ ít quả mướp, rau đay, mùng tơi cho chị
           Cúc nấu canh. Tiện thể bác nhờ anh trèo cây hái ít ổi, ít khế và quả mít.

     Nói xong, bà dúi vào tay Phượng chiếc rổ ra hiệu cho Phượng dẫn nó ra vườn.

     Vườn nhà Phượng rất rộng và đẹp, có nhiều loại cây cây ăn quả, vài luống rau đay, húng, tía tô, . . . . Nắng vàng loang lổ, gió nhè nhẹ lao xao cây lá. Nó và Phượng hái mướp, hái rau, hái ổi, nhưng cả hai đứa đều ngượng ngập chẳng biết nói chuyện gì . Mãi sau Phượng mới hỏi :

     -     Đơn vị anh đóng ở Hà Nội à ?
     -     Không, ở Pleiku cơ ! Anh chỉ ra Hà Nội học, mấy tháng nữa lại vào.
     -     Thế chắc ít được về lắm nhỉ ?
     -     Ừ ! Lính mà. Đơn vị đi đâu mình ở đó sao mà biết trước được.
     -     Thế mà bu em bảo là . . . .    
     -     Chắc bu em tưởng là anh ở Hà Nội chứ gì ?

     Phượng không nói gì, nó cũng im lặng. Nó nghĩ, câu trả lời của nó rất hay, Phượng sẽ hiểu ý mà không mất lòng.

     -     Sao anh không lấy vợ đi cho bác yên tâm ?

     Phượng hỏi vậy, nó được dịp nói rõ hơn :

     -     Anh còn trẻ quá chưa có ý định lấy vợ. Vả lại, vài tháng ở gần nhà rồi lại đi, tương lai chưa biết
           thế nào. Bu anh cứ ép vậy, anh nể bà chứ thực lòng anh chưa hề nghĩ đến chuyện gia đình.

     Nghe nó nói thế, Phượng chỉ im lặng mà nó cũng không nói gì thêm nữa. Lâu sau, Phượng nói :

     -     Thôi em vào làm cơm cùng anh chị Cúc đây.

     Biết Phượng đã hiểu ý, chờ Phượng đi khuất, nó nhặt vài quả ổi, quả khế cho vào rổ rồi lững thững mang vào để ở bậc thềm.

     Cơm nước xong, hai bu con nó xin phép về. Bà Nhậm còn biếu bu nó quả mít làm quà. Trên đường về, bu nó hỏi :

     -     Bu thấy cái Phượng cũng được đấy, anh thấy thế nào ?
     -     Con thấy bình thường, nhưng con còn trẻ, chưa muốn lấy vợ.

     Chuyện nó với cô giáo Phượng coi như không xong. Bu nó rất buồn nhưng cụ chưa chịu lùi bước. Ở thị trấn Bần cách nhà nó 5 cây số về phía Hà Nội có một bà bạn bu nó, gia đình cũng giàu có và nề nếp. Hai bà thân nhau từ ngày buôn bán dưới thời Pháp. Ông bà cũng sinh được mười người con như nhà nó. Cô con gái thứ bảy tên là Kim Tuyến, 22 tuổi vừa tốt nghiệp Cao Đẳng Ngân Hàng và được phân công công tác vào Đà Lạt. Nhưng nếu đã lấy chồng thì được ở lại ngoài Bắc, không phải phân công đi xa nữa. Cho nên mẹ Kim Tuyến mới nhắm nó làm con rể. Bà liên tục nhắn gọi nó lên chơi và chăm chút cho nó rất cẩn thận như đối với đứa con trai. Bà làm ruốc, đan găng tay, đan khăn len, áo len cho nó, . . . . Bà luôn tìm cách cho nó với Kim Tuyến gặp nhau và có điều kiện ở riêng với nhau.

     Buồn một nỗi nó lại không thích Kim Tuyến. Lẽ thứ nhất là nó tự ti vì Kim Tuyến có học hành mà nó thì không. Lẽ thứ hai là nó thấy việc xếp đặt này gần như cưới chạy để Kim Tuyến không phải đi xa chứ không phải vì tình cảm hay quý hóa gì nó, nó tự ái lắm chứ. Kim Tuyến cũng khá xinh, hơi ngăm đen, tóc hơi xoăn và "đường nét" rất được. Nhưng nó vẫn cố tình thờ ơ lảng tránh Kim Tuyến.

     Hai tháng sau Kim Tuyến sang nhà chào nó và chào gia đình. Nàng vào Đà Lạt nhận công tác.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Bảy, 2013, 12:54:40 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #528 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2013, 11:54:26 pm »

Ô, hóa ra bác Thập khó chiều nhỉ,  giống ông cậu em rồi, già kén kẹn hom thôi! em mà như bác ấy, chấm luôn cô giáo Phượng, con nhà nề nếp, gia giáo. Nàng đi dạy học, gánh vác giang sơn nhà chồng, chàng trong quân ngũ phục vụ tổ quốc nơi xa, hàng vạn gia đình " kiểu mẫu" này ở đất nước mình thời đó, thế mà bác ấy lại " cho qua mới là cao" có phí không cơ chứ!  Hồi hộp xem bác Thập kén ai nào? Điệu này là bác ấy vẫn muốn một cô Hà nội thay cô trước đây .
Rồi lại giống ông già em thôi, đố dám cãi mẹ em, gái Hà nội xịn- khổ ra phết đấy bác Thập ơi  Grin
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Bảy, 2013, 12:01:45 am gửi bởi HaHoi » Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #529 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2013, 12:12:18 am »


... Hồi hộp xem bác Thập kén ai nào.

Thế...HaHoi có kén không? Grin
Tôi vẫn cho rằng Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau mà thôi! Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM