Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:31:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 411901 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #460 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2013, 09:21:07 pm »

Cái trò chơi "khiêng ma" này, trong đơn vị tôi cũng chơi, hồi năm 1973.

Chơi ngay ở mảnh đất nện làm sân trong hậu cứ. Có một điểm khác là trong câu hỏi, không có từ "đấy". Chúng tôi cũng thấy là, tò mò lắm. Sau đấy thử đổi cách nói, chỉ là số đếm:

"một hai ba
bốn năm sáu bảy
một hai ba
bốn năm sáu bảy
..."
Chỉ như thế thôi mà cũng nâng được "ma". Tất nhiên cũng phải nghiêm túc, không cười. Mà lạ một cái là thằng làm "ma" (khi đó phải nhắm mắt hoặc đậy một cái khăn) cũng cảm thấy mơ hồ như mình đang "bay" lên.

Nhớ lại chuyện này, xin hỏi thày vật lý TTNL, thày đã có khi nào muốn nghiên cứu xem bản chất của nó là thế nào không?
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #461 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 09:18:30 pm »


Nhớ lại chuyện này, xin hỏi thày vật lý TTNL, thày đã có khi nào muốn nghiên cứu xem bản chất của nó là thế nào không?


     Bác Trongc6 làm khó em rồi. Nếu mà đã nghiên cứu thì cũng chỉ nói linh tinh thôi, không khéo lại bảo : "Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy Vật lý hàm răng chẳng còn"

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 18)

     Càng gần những ngày Tết, nỗi nhớ nhà càng cồn cào day dứt. Nó nhớ cảnh Tết quê nó với sự chuẩn bị rộn ràng tấp nập, những hương vị êm ái, ngọt ngào. Những ngày Tết xum họp đầm ấm đã thấm sâu vào một đoạn đời của nó từ tuổi thơ tới giờ chưa lúc nào phai nhạt.

     Một tối chủ nhật, tiết trời se lạnh, sau khi sinh hoạt đọc báo, chúng được nghỉ ngơi. Đứa thì vùi đầu vào viết thư, đứa đọc sách, chơi tú. Nó và vài đứa bạn thì ôm đàn ghi ta ra đầu hồi nhà, ngồi trên mấy viên đá cuội lớn, ngắm trăng, chơi đàn và hát.

     Thằng Thìn thấy tiếng đàn cũng xà vào. Hắn bắt đầu cất giọng hát, mà thằng này thì chỉ có chuyên nhạc vàng, loại nhạc mà đơn vị nó cấm. Giọng thằng Thìn là thứ giọng nỉ non, ai oán, ru hồn vào cõi mộng buồn. Xa nhà, gần Tết, nhớ mẹ, thằng Thìn thả hồn vào bài "Lạy mẹ con đi" :

Lạy mẹ con đi ôm ấp linh hồn Việt Nam
Lạy mẹ con đi noi theo chí hùng ngàn năm
Vắng con mẹ buồn là bởi ý thiên khơi nguồn
Nhưng còn gì hơn tình nước vẫn trong tình con
Từ nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi
Một buổi xa con nhớ thương chắc mẹ chẳng vui
Biết con đi rồi nhà cửa vắng thêm một người
Ôi mẹ vì con từng hi sinh cả cuộc đời
Mẹ ơi ! việc lớn chông gai là đây
Tình núi non cao ngất trời không thể sánh tình mẹ thương phút này
Mẹ ơi ! Ở bữa cơm nghèo chiều nay cành vắng chim non rẽ bầy
Xin mẹ hãy mừng nhìn về tương lai !

   
     Sau khi thằng Thìn "Lạy mẹ" xong, cả hội ngồi chết lặng, mỗi đứa theo đuổi một tâm tư về người mẹ riêng của mình. Bài ca thực sự đánh trúng vào tâm trạng những người lính trẻ, nhớ nhà, nhớ quê hương. Thằng Thìn hắng giọng, hắn nói :

     -    Sau đây, Đình Thìn xin trình bày một ca khúc nữa về mẹ. Xin mời quý thính giả thưởng thức, ca khúc :
        
           " Xuân
                    này
                        con
                            không
                                    về  . . . .
"

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa
ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
ên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
a ngày xuân đi khoe phố phường
Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
ao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai...

     Tiếng đàn thánh thót, giọng hát nỉ non, nội dung lời ca gõ vào nỗi nhớ, cảm xúc dâng đầy. Cả lũ chúng lẩm nhẩm hát theo, thấy cay cay ở mũi, cổ tắc nghẹn, nước mắt trào ra. Chúng òa lên khóc . . . .

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #462 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2013, 10:10:34 pm »

CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 19)

     Hiểu được tâm lý chiến sỹ, trung đoàn tổ chức đón cái Tết cho bộ đội rất chu đáo. Ban hậu cần cho bắt lợn về, lại còn mua một con bò từ nhà dân. Thịt lợn và thịt bò rất nhiều, vừa gói giò, làm chả, gói bánh chưng. Mấy bữa ăn tươi liền có đủ các món "giò, nem, ninh, mọc", . . . . rất linh đình. Về mặt tinh thần, các thủ trưởng cho tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn và hội diễn văn nghệ. Những việc đó làm vơi đi nỗi buồn của lính và cuốn anh em vào niềm vui chung của người lính khi ăn tết xa nhà.

     Nó biết chơi đàn và làm thơ nên được cử làm đội trưởng đội văn nghệ của Xê 21. Được giao nhiệm vụ nó cũng cố gắng thể hiện. Nó tự sáng tác được một bài thơ để dành cho tiết mục ngâm thơ. Rồi nó cũng vận hết mình để sáng tác ra một bài hát. Vậy là đại đội nó có hai tiết mục tự biên. Ngoài ra còn tốp ca nam, song ca và đơn ca nữa, . . . . .

     Đội văn nghệ của nó tập tành liên tục nửa tháng giời, rất nghiêm túc và công phu. Hội diễn văn nghệ toàn trung đoàn của nó diễn ra trong ba đêm. Mấy tiết mục của chúng nó lọt vào đêm thứ ba chung kết. Nó vẫn còn nhớ như chuyện vừa xảy ra, tốp ca  8 đứa chúng nó đứng vòng cung, quân phục mới là phẳng phiu, mũ mềm đính sao lấp lánh. Nó đứng ở một đầu tốp, vừa đệm đàn vừa hát :  

            Đoàn thanh niên chúng tôi
            Từ bao quê xa xôi, về đây nhập ngũ ú u  . . . .
            Sống với đại gia đình trong hơi ấm tình thương.
            Chia sẻ vui buồn và gọi nhau đồng chí i í  . . . .
                 . . . . . . . . . . . .  . . . . . .


     Tiết mục thơ và tốp ca của chúng nó là hai tiết mục được giải nhất vì đó là hai tiết mục tự biên tự diễn. Xê 21 cũng được giải nhất đồng đội. Đội của nó được thưởng một cây đàn măng-đô-lin (mandolin) và cá nhân nó được thưởng một chiếc kèn ác-mô-ni-ca (harmonica).

Mandolin và Harmonica

     Chiều Ba Mươi Tết, cả trung đoàn hào hứng chuẩn bị bữa liên hoan tất niên và chờ đón Đoàn Ca Múa Nhạc của tỉnh vào biểu diễn. Lính tráng tắm giặt, mặc quần áo mới, . . . . Trung đội đã cử hai thằng xuống nhà bếp lĩnh bánh chưng, mỗi lính một chiếc. Mấy thằng tiểu đội nó đang chuẩn bị bánh pháo để đốt lúc Giao Thừa. Nó thì đang tập thổi Harmonica, "dập tông" bằng lưỡi bài "Sóng Đa Nuýp" (Danube Waves) và "Vũ Khúc Tây Ban Nha" (Spanish Dance). Không khí Tết cả trung đoàn nó rất tưng bừng, náo nhiệt và phấn khích.

     Đùng một cái, 4 giờ chiều, tiểu đoàn nó nhận được lệnh gấp hành quân chiến đấu. Đơn vị nó có nhiệm vụ phối thuộc với tỉnh đội và du kích địa phương bao vây khu vực làng Nú và một số địa điểm thuộc huyện Ia Grai. Tại đó đang có một nhóm tàn quân VNCH cùng tổ chức Fun-rô (FULRO*) vượt biên giới Căm-Pu-chia trở về tổ chức đồng bào Thượng chống phá chính quyền và vũ trang nổi dậy quấy phá vào dịp Tết.

     Tập hợp xong, lúc đi bộ qua khu vực nhà bếp để chuẩn bị lên xe thì chúng thấy mùi cỗ tất niên bốc lên. Mùi nem rán vừa thơm mùi hành vừa ngầy ngậy mùi mỡ cùng nấm hương, mùi thịt bò xào thì thơm nức mùi tỏi phi. Ôi trời ơi ! Chúng nó cứ phải nuốt nước bọt ừng ực. Thôi thế là đứt rồi. Đi đánh nhau thế này biết lúc nào mới xong. Tết nhất, ngại quá! Nhất là cái tụi tàn binh với Fun-rô, chúng cứ lẩn khuất trong rừng, bắn trộm đùng đoàng rồi lủi mất . . . ., biết đằng nào mà lần. Không biết chừng còn "mất gáo" ngay trong cái dịp Tết hòa bình đầu tiên này, . . . . Lính mà ! Không có gì là không thể !

* FULRO (viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées, có nghĩa Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Sắc tộc bị Áp bức) là một tổ chức chính trị, quân sự do một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Chăm, người Người Khmer Krom thành lập năm 1964 để chống lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1975 và chống chính quyền Việt Nam đến năm 1992. Thời điểm kết thúc được tính là khi 407 binh sĩ FULRO cuối cùng ra giao nạp vũ khí cho quân Liên Hiệp Quốc tại Campuchia.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2013, 10:28:22 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #463 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2013, 10:38:55 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 20)

     Thì ra không phải chỉ có tiểu đoàn nó mà cả trung đoàn đều lên đường hành quân bằng cơ giới trên các xe GMC, xe Zin ba cầu và Giải Phóng. Bộ đội rất đông với trang bị súng ống đầy đủ, ăm ắp trên những chiếc xe tải. Đoàn xe rù rù chạy về phía tây. Lính tráng cứ thế lặng lẽ tiến quân, sẵn sàng chiến đấu.

     Tới ven rừng thuộc khu vực Ia Kha thì hết đường đi. Xe dừng lại dấu kín trong rừng, tắt đèn, tắt máy nằm im. Trung đoàn phối thuộc với bộ đội tỉnh chia làm 3 mũi bí mật áp sát mục tiêu. Lính phải vận động bộ ước chừng khoảng 10 cây số đường rừng trong đêm 30, tối như hũ nút thì tới gần bản Nú. Mũi tiến của đại đội nó dàn hàng bí mật tiềm nhập vào làng, đạp qua rất nhiều cây xấu hổ, cây gai, sim mua, . . . .





     Khi đã tiến đến gần các căn nhà ở ven bản, thấy nhà cửa vắng tanh, vắng ngắt. Đại trưởng Sử nhận định, địch lùa bà con đi mít tinh, hẳn là tập trung ở nhà rông của bản. Lệnh cho các trung đội luồn dưới gầm sàn các căn nhà trong bản mà tiến vào giữa làng, hình thành thế bao vây chặt. Tất cả phải quán triệt hạn chế nổ súng để tránh gây thương vong cho dân. Sau khi bao vây xong, sẽ gọi hàng và bắt sống được là tốt nhất.

     Qua hết nhà này, rồi sang nhà khác được một lúc thì thấy có ánh đèn măng-xông sáng trắng lấp lóe hắt tới từ phía nhà rông ở phía trước. Lính cứ thế lùi lũi tiến lên vây chặt nhà rông. Từ ngoài vòng vây, nó thấy ánh đèn măng-xông sáng rực trên sân của nhà rông. Rất đông người đang tâp trung ở đó với nhiều tay súng và gậy gộc tua tủa. Trẻ em, người già, phụ nữ đứng bao bọc ở vòng ngoài.

     Bỗng nhiên ai đó đạp phải một hòn đá, làm nó trượt đi rồi lăn xuống chân đồi. Lũ chó lập tức sủa váng lên, đèn măng-xông vụt tắt. Toàn bộ chìm trong màn đêm đen kịt. Tiếng loa bất ngờ vang lên từ đâu đó bằng cả tiếng Kinh và tiếng Thượng :

     -     Đồng bào chú ý ! Đề nghị đồng bào giải tán, ai về nhà nấy trong trật tự, không gây
           náo loạn. Đề nghị đồng bào không nghe lời xúi giục của FULRO và bọn phản động.

     -     Ủy ban cách mạng yêu cầu các anh hạ súng đầu hàng để tránh thương vong. Hiện
           nay tất cả các anh đã bị bao vây, nếu ai chống cự buộc chúng tôi phải nổ súng.

     Tiếng loa chưa dứt thì một loạt đạn AR-15 xé toạc màn đêm đen, phun đạn về phía chiếc loa. Loạt đạn bắn trúng đich làm một đồng chí bị thương kêu rú lên và ngã huỵch xuống đất. Những người lính phía trước buộc phải nổ súng. Những loạt đạn AK đầu tiên nhất loạt bắn vào chỗ tay súng AR-15. Đồng thời lúc đó nhiều họng súng khác từ trong nhà rông bắn ra rát rạt. Một cuộc đấu súng quyết liệt giữa hai bên chen lẫn với tiếng đàn bà, trẻ con kêu khóc í ới và dắt díu nhau chạy dạt ra xa nhà rông. Tại đó, họ được bộ đội dẫn chạy ra tạm nấp sau vách đá để tránh nguy hiểm.

     Bọn địch ngoan cố chống cự rất quyết liệt. AR-15 đấu với AK-47, bắn qua bắn lại cũng chưa giải quyết được, buộc đại trưởng Sử phải điều trung liên RBD vào cuộc. Trung liên băng đĩa bắn dồn dập phát huy ngay tác dụng, đã ghìm chặt đầu mấy tay súng của địch. Liền theo đó là 4 quả  lựu đạn cay được tung vào qua cửa từ 4 phía. 4 ánh chớp lóe lên, rồi tất cả chìm trong yên lặng . . . .

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Năm, 2013, 10:47:39 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #464 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2013, 09:44:18 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 21)

     Thấy lặng im tiếng súng, trung trưởng Lạp hô :
    
     -     Trung đội hai, xông lên !

     Anh Lạp dẫn đầu trung đội xông vào nhà rông theo lối cầu thang chính. Nó, thằng Thìn, thằng Bội và vài đứa khác tiến theo anh Lạp. Nấp bên cái cột lớn, anh Lạp lia đèn pin soi khắp một lượt trong nhà nhưng không thấy một bóng địch nào, quay lại phía sau anh nói :

     -     Báo cáo đại trưởng, trong nhà không có địch !
     -     Đồng chí cho thắp đèn lên. Kiểm tra kỹ trong nhà và xung quanh ! - Anh Sử ra lệnh.
     -     Rõ !  

     Đèn măng xông địch vứt lại được đốt lên, soi sáng một quang cảnh ngổn ngang. Một lá cờ vàng – ba sọc đỏ và một lá cờ Fulro ba màu lam-đỏ-lục với ba ngôi sao trắng được treo chính giữa khu đại sảnh. Bên dưới đó kê một chiếc bàn phủ vải thổ cẩm với một bát hương, vài nén còn đang cháy dở. Phía dưới bát hương đặt 2 con dao quắm bắt chéo nhau. Tường nhà xung quanh lỗ chỗ vết đạn. Dưới nền nhà có 2 xác người và mấy vệt máu lớn chạy dài ra phía cửa sau, hướng chạy ra sông. Dao, gậy gộc cùng và nhiều giấy truyền đơn vương vãi khắp nơi.
Đại trưởng ra lệnh :

     -     Đồng chí Bình (y tá) kiểm tra ngay các xác chết. Nếu còn sống thì băng bó và cấp cứu cho chúng !
     -     Rõ !
     -     Trung đội 2 nhanh chóng tổ chức truy kích địch theo hướng sông.
     -     Rõ !


     Trung đội nó vừa soi đèn tiến theo các vết máu vừa rọi đèn pin tìm địch ẩn náu trên đường truy kích địch từ trong bản ra đến bờ sông. Khi cách mép sông chừng 100 mét thì bất ngờ, từ sau những tảng đá ở bờ sông, nhiều loạt súng đan chéo nhau bắn vào đội hình đơn vị. Anh em nhanh chóng nằm xuống, tìm nơi ẩn nấp và nổ súng bắn trả về phía địch. Vừa bắn, anh em vừa bò, chậm chạp nhích từng mét một. Lợi dụng địa hình các mô đá và cây cối um tùm, trung đội nó dần dần khép chặt vòng vây.

     Một ổ đại liên của địch bắn quét vào vòng vây rất quyết liệt. Bên tỉnh đội có một mũi bò vào được khá gần bị địch phát hiện bắn trúng đội hình làm vài người dính đạn. Đúng lúc đó, nó nhìn thấy 3 quả lựu đạn bung nụ xòe, lóe lên rồi bay vào phía ổ đại liên. Ba chớp sáng gần như nổ cùng lúc trúng mục tiêu, làm cho họng súng của địch câm tịt. Trung trưởng Lạp hô :

     -     Toàn trung đội, tiến lên !

     Tiếng hô của anh không to nhưng vừa đủ để anh em đều nghe thấy. Tất cả cùng nhỏm dậy, khom lưng chạy gằn, vượt qua các mô đá, bụi cây, . . . . Mới tiến lên được chừng 30 mét thì AR-15 và Cạc-bin của địch lại bắn quét về phía đội hình của trung đội. Một lần nữa, anh em lại phải ẩn nấp và bắn trả. Thằng Sang nằm cạnh nó vừa nhô đầu lên định lao tới mỏm đá trước mặt thì bị trúng đạn vào vai. Mấy đứa vội nhảy ra ôm thằng Sang, dìu nó lùi ra phía sau. Hai khẩu trung liên của đại đội nó lập tức lên tiếng, hai làn đạn quét "chéo cánh sẻ" rất kỹ vào các mỏm đá làm cho địch không ngóc đầu lên được. Một lúc sau, nghe chừng phía địch đã im tịt, anh Ngoan a trưởng bò hẳn lên phía trước leo qua khe đá và nhảy lên phía trước. Sau khi quan sát và nghe ngóng động tĩnh một lúc, anh Ngoan đứng thẳng người lên, hô gọi :

     -     Lên cả đi ! Chúng nó xuống sông hết rồi.

     Anh em nhẩy ào lên, đèn pin quét loang loáng. Nó thấy 6 cái thây nằm vắt vương sau các phiến đá và trong khe đá. Thằng chết, thằng bị thương, cũng không rõ lắm. Đèn pin quét xuống sông thì không đủ sáng, nó nhìn chỉ thấy lờ mờ, lô nhô rất nhiều cái đầu đang bơi nhấp nhổm về phía bờ sông bên kia.

     Anh Sử đại trưởng bảo bộ phận cứu thương băng bó, cấp cứu cho thương binh và tù binh. Anh Lạp hỏi đại trưởng xem có truy kích địch tiếp hay không thì anh Sử ra lệnh :

     -     Các đồng chí ! Nhiệm vụ của đại đội ta đã hoàn thành. Bên kia sông đã có đơn vị bạn đang
           phục kích, đón lõng sẵn sàng rồi. Các trung đội điểm lại quân số, kiểm tra vũ khí. Toàn đại
           đội hành quân ra xe, quay về doanh trại.

     Nó và mấy đứa còn bắn thêm mấy loạt đạn nữa vào các bóng đen đang rập rờn dưới sông rồi mới tập trung để hành quân ra xe.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Năm, 2013, 05:05:56 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #465 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2013, 06:48:53 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 22)

     Sau mấy tiếng chiến đấu trở về doanh trại, tuy mệt nhưng ai nấy đều rất phấn khởi. Lần đầu tiên tham gia chiến đấu, trải qua những cảm giác lo lắng, bồn chồn rạo rực khó tả rồi chiến thắng và thoát ra khỏi vòng nguy hiểm, có gì đó rất hân hoan và "reo vui" ở trong lòng những người lính trẻ vừa trải nghiệm trận đánh đầu tiên. Mọi người vừa rũ bỏ quần áo lấm lem bẩn thỉu bùn đất cùng gai nhọn, . . . . vừa tranh nhau tả lại chuyện "tao thấy" thế này thế kia, "úi gời ơi ! lúc đó nhá" thế này thế khác cơ, "trông thằng Fun rồ nó chết khiếp quá !", . . . . "Mình đánh nhau giỏi nhảy ! chỉ có thằng Sang và 2 lính tỉnh đội bị thương thôi", "Cực kỳ hết xảy* nha!", . . . . Những người lính cựu như anh Lạp trung trưởng và anh Ngoan a trưởng thì không nói năng gì mà lại có vẻ rất hiền hậu hơn hẳn những ngày trước mà nó nghĩ. Anh Lạp quát lên :

     -     Thôi ! Các ông tướng. Đi tắm rửa đi còn xuống nhà ăn liên hoan Tất Niên. Hôm nay cho
           anh em tự do, không phải xếp hàng. Khẩn trương ! Sắp Giao Thừa rồi.

     Anh em tắm giặt xong đi xuống tới nhà ăn thì cũng đúng là lúc Giao Thừa. Một tràng pháo dài được trung đoàn đốt ngay tước cửa nhà ăn để chào đón năm mới, xuân Đinh Mão 1977. Anh em vừa liên hoan vừa lắng nghe lời chúc Tết của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Để mừng xuân mới và mừng chiến thắng, trung đoàn nó xuất kho cho mỗi mâm một chai 33 rượu ngô. Bữa Tất Niên trở thành bữa Khai Niên đúng Giao Thừa thật rất tưng bừng vui vẻ và "no say", kéo dài cho đến 2 giờ sáng.
    
     Về tới nhà, thằng Tấn ở a nó mới lôi bánh pháo ra đốt ở ngoài cửa. Mấy a khác và cả các trung đội khác cũng đốt pháo. Không khí đầu năm thật tưng bừng, hỉ hả . . . .

* "cực kỳ" và "hết xảy" là khẩu ngữ ở thời điểm đó.

Nguyễn Trọng Thập

Hình ảnh một nhóm tàn binh FULRO


Một số hình ảnh người Thượng xưa








Bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2004
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Năm, 2013, 03:45:18 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #466 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2013, 09:28:13 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 23)

     Sau chiến thắng 30/4, Đất Nước được thống nhất, những tưởng rằng người dân sẽ  được ăn no, mặc ấm (chưa nói là ăn ngon, mặc đẹp). Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Những năm dài chiến tranh đã làm cho nền kinh tế hoàn toàn kiệt quệ. Sức người, sức của ở cả hai phía đều dốc hết cho cuộc chiến. Trong cuộc chiến thì vũ khí và lương thực được viện trợ từ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa cho bên này và từ Mỹ cho bên kia. Bây giờ mọi nguồn viện trợ không còn nữa. Trong khi đó tất cả các cơ sở sản xuất, từ công nghiệp đến nông nghiệp đều bị bóp nghẹt bên trong cái lồng "Nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa tập trung" quan liêu bao cấp. Lương thực, thực phẩm thiếu trầm trọng mà hàng hóa thiết yếu cũng không có gì đáng kể, . . . .

     Trong khi đó thì lực lượng quân đội vẫn phải duy trì với số lượng lớn bởi một sự thực là sau chiến thắng 30/4 của ta,  Khmer Đỏ liên tục tạo ra tranh chấp và xung đột biên giới nhất là trong các năm 1977 và 1978. Nhưng cuộc xung đột thực ra đã bắt đầu ngay từ năm 1975. Ngày 4 tháng 5 năm 1975, quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc. Sáu ngày sau quân Khmer Đỏ đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu. Sau đó ta đã phải tổ chức đánh chiếm lại. Nhưng điều thực sự lo ngại là quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đang xấu đi. Trung Quốc đứng đằng sau Khmer Đỏ với sự hiện diện của cố vấn Trung Quốc cùng với sự tăng cường viện trợ quân sự cho lực lượng vũ trang của Khmer Đỏ.

     Cả nước lại gồng mình chịu đói khổ, thắt lưng buộc bụng chuẩn bị cho một cuộc chiến mới nhãn tiền. Mặt khác ta cũng phải căng mình chống lại các lực lượng "Phục Quốc", từ bên trong và bên ngoài trở về, kể cả Fulro. Khó khăn chồng chất khó khăn, cả nước thiếu đói thì đơn vị nó cũng không ngoại lệ, cơm độn mỳ, ngô, khoai, sắn cũng không đủ. Thời điểm đó, đơn vị nó chỉ được cấp 70% lương thực và thực phẩm. 30% còn lại đơn vị phải tự lo.

     Vậy là ngoài huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu chống "thù trong - giặc ngoài", cả đơn vị nó phải tham gia vào tăng gia sản xuất. Đại đội nó được giao cả một khu đồi lớn bỏ hoang ở Biển Hồ (hồ T'nưng – Ea Nueng). Còn khu tăng gia của trung đoàn thuộc khu vực Đrang Phốc (D'rang Phok) gần sông Sêrêpôc (Srepok – gồm hai con sông Krông Ana và Krông Nô thuộc Đăc Lăk, cách nơi đóng quân trên một trăm cây số đường rừng. Khu vực tăng gia của trung đoàn cũng còn là nơi tập luyện và diễn tập, đồng thời với mục đích trấn giữ và bảo vệ biên giới phía tây với Campuchia.

     Ngay sau tết năm Bính Thìn 1976, đại đội nó và một đại đội bạn được lệnh hành quân chuyển đến địa điểm mới, cách trung tâm thị xã Pleiku khoảng mươi cây số. Đó là phía bắc của Biển Hồ. Đại đội nó được chuyển quân bằng ô tô vì phải hành quân di chuyển tất cả đồ đạc của đơn vị. Sau khi nhận đất, anh em phải dựng tạm nhà bạt làm nơi ở. Ổn định nơi ăn chốn ở xong, lính tráng bắt đầu làm công việc của người nông dân thực thụ, đúng chất nông dân cao nguyên Trung phần, phát cây, làm rẫy, trỉa bắp.

Bản đồ Biển Hồ Pleiku

Biển Hồ - Con mắt Pleiku




Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #467 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2013, 11:23:19 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 24)

     Giữa cao nguyên trung phần, nơi có độ cao hơn mực nước biển đến bốn năm trăm mét lại có một thung lũng mênh mông lộng gió. Trong cái lòng chảo đó, Biển Hồ (Ia Nueng - Tơ Nưng – T'nưng) quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngắt, như một chiếc gương trên chót vót cao nguyên cho mây trời soi bóng. Xung quanh Biển Hồ được vây bọc bởi những ngọn núi xanh biếc cỏ cây hoa lá, lung linh mờ ảo, nghiêng mình in bóng nước. Cái xanh ngăn ngăn ngắt thanh thiên ấy là cái xanh của bầu trời in trong làn nước thu thủy trong vắt của Tơ Nưng. Cá tôm vô cùng nhiều, tung tăng bơi lội, chao lượn thành từng đàn lớn. Cảnh thiên nhiên thật là kỳ thú.

     Trên các quả đồi thoai thoải ven hồ, lính  phát cây, đốt rẫy, trỉa bắp. Lúc được nghỉ, anh em chạy nhao xuống hồ, tắm giặt, đùa nghịch trong làn nước mát, vô cùng khoan khoái, "Hết xảy con bà bảy !". Sung sướng nhất là được ngắm cảnh đẹp, lãng mạn của hồ Biển. Phía chân hồ xa xa là hình bóng của những dãy núi xanh lam uy nghi soi bóng. Những làn mây trắng trên nền trời thanh thiên đang từ từ trôi qua tạo ra cảnh sinh động "bầu trời in đáy nước". Thẳng hoặc đây đó là những  phiến đá, doi cát nhô ra trên mặt nước, dập dềnh sóng vỗ. Vài con thuyền câu thấp thoáng gần xa đang quăng lưới, lấp lánh như ánh bạc. Chiều đến mặt hồ bốc lên một lớp sương mờ, hư ảo tựa như cảnh thiên bồng nơi tiên giới, đẹp mơ màng như tranh thủy mặc. Lữ khách như lạc vào chốn mê quyến rũ có một không hai trên trần gian. Có lẽ vì thế mà người ta ví Biển Hồ như viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là “đôi mắt” trong veo của phố núi Pleiku . . . .

     Về sau này nó mới biết, Biển Hồ là một miệng núi lửa khổng lồ với rất nhiều bí ẩn và huyền thoại, thêu dệt nên chất thơ mộng và huyền bí từ ngàn xưa. Chuyện cổ dân gian của dân tộc Jơ Rai kể rằng, Ia Nueng (Biển Hồ) khi xưa là bến nước uống chung của làng người Jơ Rai. Nước ở bến Ia Nueng rất xanh trong, soi rõ mặt người. Một hôm, trên đường đi đến bến Ia Nueng để lấy nước, có hai người dân trong làng là Yă Pôm và Yă Chao thấy lúc hiện, lúc ẩn trên đường đi của họ một chú lợn trắng rất đẹp. Yă Chao đã bắt con lợn trắng xinh đẹp kia về nuôi ở nhà mình. Hằng ngày, Yă Chao chăm sóc cho lợn trắng đủ thức ăn ngon nhưng chú lợn con không ăn gì cả. Một lần Yă Chao mang những chiếc bầu đi lấy nước ở Ia Nueng về, trái bầu dính những hạt cát trắng, bỗng nhiên chú lợn con đã liếm hết những hạt cát một cách ngọt ngào. Yă  Chao sửng sốt lắm. Sau đó, hàng ngày Yă Chao cứ đi lấy cát trắng về cho chú lợn ăn. Chú lợn từ đó lớn nhanh như thổi. Sau ba lần trăng tròn, chú lợn trắng đã lớn bằng con trâu to. Cả làng của Yă Chao, ai nấy đều ngạc nhiên và lấy làm lạ lắm.

     Năm ấy trúng mùa, dân làng dựng nhà Rông mới. Tù trưởng (già làng) mới sai người trong làng đi tìm một con lợn thật to để cúng Yàng và làm lễ ăn mừng. Sau khi sai người đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không lấy đâu ra con lợn to như già làng mong muốn nên trở về nhà Yă Chao xin bắt con lợn trắng này để làm thịt. Yă Chao kiên quyết từ chối, dù có đổi bao nhiêu chiêng hay ghè (một loại đồ gốm tinh xảo), kể cả ghè Yang (Yang – Trời). Cuối cùng dân làng đã phải cử 2 người to khỏe đến bắt cho bằng được con lợn trắng về làm thịt cúng Yàng. Cúng lễ xong, thịt được chia cho các gia đình trong làng để ăn mừng. Riêng Yă Chao không nhận thịt và thề rằng: "Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp lở". Nhưng đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon đòi ăn và khóc cả ngày đêm nên bà không cầm được lòng mà phải cho đứa cháu ăn thịt lợn trắng. Bỗng chốc, trời đất, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng, vùi lấp cả dân làng. Yă Chao và cháu của mình cũng chạy nhưng không kịp nên bị nước nhấn chìm rồi biến thành tượng đá dưới đáy hồ.

     Chiều chiều, nó cứ mê mẩn lặng ngắm cảnh hồ, dâng dâng cảm xúc, tan hòa trong cảnh sắc Đất Trời, ngất ngây.

Biển Hồ - Mắt ngọc Pleiku



Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Năm, 2013, 01:12:53 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #468 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2013, 09:40:31 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 25)

     Đơn vị nó tăng gia ở đây khoảng gần một tháng. Khi những cây bắp mầm bắt đầu nhú lên được cỡ gang tay thì cũng là lúc đại đội nó được lệnh hành quân di chuyển. Những rẫy bắp mênh mông được bàn giao cho đơn vị ở lại quản lý và thu hoạch.

     Xe ô tô chở đại đội nó từ Biển Hồ đi theo Quốc lộ 14 đến ngã ba Chư sê. Nhìn sang phía tây, bên phải đường là núi Chư Prông sừng sững. Đây là ngọn núi cao nhất của huyện và tên của núi này cũng được đặt làm tên của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Cũng phải nói thêm, còn có một núi Chư Prông khác ở huyện M'đrac của tỉnh Khánh Hòa. Cũng có thể còn có nhiều núi Chư Prông nữa, vì theo tiếng J'rai, "Chư" là "ngọn núi", "Prông" là "lớn". Xe chở đại đội nó đang căng trớn thì vừa qua ngã ba Chư Sê một đoạn lại tạt vào ven đường. Lính phải xuống xe và đi bộ từ đây.
Lần này thực sự là một cuộc hành quân bộ theo đúng nghĩa. Anh em không được báo trước sẽ đi bao xa hay trong thời gian bao lâu. Lúc đầu nó cứ ngỡ cùng lắm thì chỉ phải đi bộ một ngày đường rừng vì xe không thể đi vào được. Nhưng hết ngày này sang ngày khác đến hết ngày thứ sáu, chúng nó mới được nơi đóng quân. Quãng đường hành quân ngoằn nghoèo trong rừng,  lội suối, leo núi cao, chắc cỡ 130 cây số. 

     Đại đội nó xếp thành hai hàng dọc để các tiểu đội trưởng kiểm tra trước khi hành quân. Ba lô đứa nào cũng căng phồng quân tư trang, cóc ba lô đút khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, xà phòng, đũa và bát sắt. Tăng và màn nhét cóc sau, bi đông đeo bên sườn. Trên nóc ba lô vắt ngang một cái ruột tượng gạo, rồi trên đó lại còn một cái chiếu đơn nữa. Súng AK khoác ngược quai ra đằng trước và đặt ngang, đè lên cái chiếu. Lại còn giày dép , mũ mãng, đồ hộp và các thức khác nữa, . . . . Trông đứa nào cũng tầng tầng lớp lớp đồ đạc trên vai, đứng còng còng như những con lạc đà.

     Sau khi kiểm tra xong, lệnh hành quân bắt đầu. Dẫn đầu đại đội là đại trưởng Sử, rồi đến trung trưởng Lạp. Sau anh lạp là tiểu đội của nó. A trưởng Ngoan đi bên cạnh đội hình giống như các a trưởng khác. Sau trung đội nó, cách một quãng là trung đội khác. Đi sau cùng là cánh anh nuôi với xoong quân dụng to kềnh, hai người xiên đòn vào khiêng. Các đồ làm bếp khác, cái thì đeo, cái thì gánh, . . . . Hai máy thông tin 15W to đùng được bốn đứa báo vụ thay nhau mang vác. Đứa nào không vác máy thì phải đeo 2 ba lô. Cái máy to mà cần ăng ten rất dài, phía trên có 5 cánh xòe ra, mỏng tang, rung rinh.

     Lính giữ đội hình hàng đôi cứ thế lầm lũi đi trên con đường mòn đất đỏ ngoằn nghoèo, lúc leo lên dốc, lúc lại chạy xuống thung, trên những trảng đồi hoa sim, mua hoa tím hường, cây xấu hổ hoa tím mung lung và giã quỳ vàng rực. Được khoảng mươi cây số, chúng bắt đầu tiến vào rừng già. Trong rừng, càng vào sâu cây cối càng um tùm, nhiều tầng lớp với đủ thứ loại cây, chẳng thể biết hết được. Trên Trời mưa bay lất phất, dưới đất rừng thì rất ẩm thấp. Con đường lâu không có người đi, lá mục ngập tới mắt cá chân. Khắp nơi từ dưới đám lá mục cho đến trên các cành cây, đâu đâu cũng thấy vắt đang nghoe nguẩy, vươn đầu lên. Rồi chúng cong mình, búng nhảy lên tanh tách, bám vào tay, vào chân, vào đầu, vào cổ, chui vào tất, ống quần và ống tay áo. Đúng là một lũ hút máu, háu đói và thiện chiến.

     Khi Trời đã đứng bóng thì chúng gặp một dòng suối nhỏ. Đại trưởng ra lệnh nghỉ ăn trưa. Đứa nào đứa nấy hạ ngay ba lô xuống, trên các gốc cây, trên các phiến đá ven suối. Trưa nay mọi người có món lương khô và nước lã trong bi đông. Nó dựa ghi ta vào gốc một cây, thả cái ba lô xuống cho nó muốn lăn đi đâu thì lăn, "bố sư, mệt quá !". Nó nằm ềnh ngay xuống đất, ngẩng mặt lên nhìn bầu trời âm u qua các kẽ lá um tùm của các cây đại thụ rất to và rất cao. Từ dưới đất không biết bao nhiêu là các thứ cây dây leo, cứ xoắn xuýt lấy các cây lớn mà leo lên cao tít. Đây đó, rất nhiều cây tầm gửi đỗ bám vào các cành cây và thân cây, vươn lên chằng chịt, xanh um. Thẻo đảnh ở đầu các cành cây khô, đây đó có vài đám phong lan rất đẹp, cong cong lá rủ, điểm vài bông hoa óng ánh như pha lê, trông rất lãng mạn. Lính thì đang mải lột tất, lột áo ra bắt vắt. Những con vắt no máu bị ném xuống đất rồi bị di đi di lại cho vỡ ra, máu đỏ lòm. Mấy đứa khác thì tranh thủ lội xuống suối đóng thêm nước vào bi đông, rửa mặt, ngụp đầu cho mát, . . . .

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #469 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2013, 10:05:42 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG IV      BƯỚC NGOẶT  (tiếp 26)

     Nghỉ được khoảng một tiếng, đơn vị lại tiếp tục hành quân. Đường càng vào sâu trong rừng núi, càng khó đi. Anh Sử phải cử ra một nhóm tiền trạm đi trước, dùng dao quắm phát cây, mở đường. Đất dưới chân thì lầy lội, trèo lên hay tụt xuống những đoạn dốc cứ trơn nhẫy như đổ mỡ. Vắt đã nhiều vô kể, bây giờ lại thêm muỗi cũng "đông như quân Nguyên". Những con muỗi rất to, đầu đen xì bay vò vè, o o  như trực thăng. Chúng bám theo lính, bâu vào những chỗ da để hở mà trích hút.

     Đường đi quanh co, lúc lên, lúc xuống dốc. Có đoạn phải bám vào vách đá, đặt chân cẩn thận chắc chắn rồi trườn người leo lên. Vách đá dựng đứng, mặt anh sau chạm vào gót chân anh trước. Lính mang vác nặng, phải gồng mình, đạp chân, co tay hết sức để leo lên. Đã thế, không khí trong rừng lại ẩm thấp, ngột ngạt và oi bức kinh khủng. Mồ hôi nó túa ra như tắm, nó cứ phải liên tục lấy khăn mặt lau đi. Chiếc khăn đã ướt sũng mồ hôi, không khác gì vừa nhúng vào nước, chảy tong tỏng.

     Trời chiều trong rừng sâu tối rất nhanh. Đại trưởng ra lệnh tăng tốc khẩn trương để thoát khỏi rừng già trước khi trời tối. Mục tiêu là phải tới được khu rừng thưa, cách đó hơn chục cây số. Lính tráng cắn răng, bậm môi, bấm chân vào đá, bấu tay vào dây leo mà nhích lên từng bước. Đứa nào đứa nấy "mệt bở hơi tai", "thấy ông bà ông vải", cứ thế hì hụi tiến lên, không ai hé răng nửa lời.

     Nắng đã tắt, rừng càng trở nên âm u, rồi mưa bắt đầu nặng hạt. Khi leo tới một đỉnh khá phẳng trên một sườn núi, đại trưởng cho tạm dừng để lính mặc áo mưa, che cho ba lô, che gạo, che súng. Đứa nào đứa nấy như cái máy, vội vàng móc nylon từ trong túi cóc ba lô ra nhanh chóng khoác lên mình, rồi hành quân tiếp.

     Đột nhiên trời nổi cơn gió lộng, gió rít ào ào không biết từ đâu, kéo theo một trận mưa xối xả. Mưa dầy và nặng hạt quất vào mặt ràn rạt. Bầu trời sập tối rất nhanh, lính phải soi đèn pin để hành quân. Ánh đèn pin nhập nhòe trong mưa gió, đứa nào đứa nấy ướt rượt từ đầu đến chân.

     Khoảng 8 giờ tối chúng mới tới được cánh rừng thưa. Nhận  được lệnh dừng chân hạ trại, nghỉ ngơi thì ai nấy đã mệt bã bời. Nhiều đứa còn không buồn cởi ba lô, cứ thế mà vật xuống, không cần biết là chỗ đó có khô ráo hay bùn lầy. Có đứa thì tựa vào ba lô, có đứa dựa vào gốc cây hay tảng đá, cứ thế há mồm mà thở, hổn hà hổn hển, . . . .

Đường hành quân bộ từ ngã ba Chư Sê, chân núi Chư Prông, đến Đ'rang Phôk

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2013, 08:29:02 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM