Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 11 Tháng Tư, 2024, 03:54:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 411792 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #290 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 09:37:38 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 16)

     . . . .  Vừa đến cửa, gạt cái liếp để bước vào, bu nó gấp gáp gọi:

     -    Vạn lớn, vạn con đi tìm gọi cụ đỡ cho bu mau.

     Hai chị của nó biết tình hình gấp lắm vội vắt chân  lên cổ chạy đi. Vịn vào thành giường bu nó đau quá, hét lên:

     -   Thầy nó ơi tôi chết mất.

     Bỏ chiếc áo đang may dở, thầy nó chạy lại sốc hai nách định dìu bu nó lên gường thì thấy mặt bu nó đỏ gay, từ từ ngồi xuống đất hổn hển nói:

     -   Nó ra rồi.

     Thầy nó cúi xuống nhìn vũng nước ối và máu, thấy một hài nhi con trai đỏ hỏn, mặt mũi nhăn nheo đang quẫy đạp dưới váy của vợ. Đúng lúc ấy cụ đỡ chạy vào. Cụ gạt thầy nó ra bảo:

     -    Bác lui ra tôi xem nào.

     Cụ bế thằng bé lên, thận trọng lùa cái liềm đã chuẩn bị sẵn cắt dây rốn cho nó. Xong, cụ lấy sợi chỉ thắt dây rốn lại. Thấy thằng bé chưa khóc, cụ phát nhẹ vào mông nó. Thằng cu giật mình, khóc thét lên oe oe. Cụ mỉm cười chửi yêu:

     -   Cha tổ anh, con trai nữa đây. Vội thế ! Không để người ta kịp lên giường đẻ cho đàng hoàng, làm cho người ta phải đẻ rơi đây này.

     Các anh chị nó xúm lại, ai cũng mừng vui vì có thêm cậu em trai. Hai chị nó dìu mẹ nó lên cái giường tre. Mẹ nó tuy còn mệt nhưng vẫn mỉm cười mãn nguyện, nhìn theo tay cụ đỡ:

     -   Con trai hả cụ ?

     -   Ừ ! Con trai. Thằng này nhỏ nhưng rồi chắc cũng khá. Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn.

     Nói rồi cụ khẽ khàng chấm rửa lau khô các vết máu, với tay vào cái tay nải tã lót, cụ chọn một cái mới nhất, mềm nhất đặt nó vào, quấn lại và nhẹ nhàng đặt nó nằm cạnh bu. Xong cụ quay sang thầy nó, bấy giờ đang rất phấn khởi đứng trước ban thờ thắp hương kính báo với tổ tiên, cụ hỏi :

     -   Thế bố thằng cu đặt tên nó là gì nào ?

     -   Nó là thứ mười, cụ cứ đặt nó là thằng Thập cho con cụ ạ.
     
     Khấn xong, thầy nó trịnh trọng rút từ trong ruột một ống kẽm to bằng bắp đùi, nơi thầy nó cất quyển gia phả dòng họ, ông lấy chiếc bút máy Pắc-ke (Parker) của anh nó cẩn thận ghi nắn nót hai loại chữ, chữ nho và chữ Quốc ngữ với nội dung : « Nguyễn Trọng Thập, sinh vào giờ mùi ngày mồng sáu tháng chín năm ất mùi - tức 1955 ». Thế là chính thức nó có mặt và tên có tên tuổi trong cõi đời này kể từ đó.

Nguyễn Trọng Thập

Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #291 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 09:10:58 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 17)

     Lại nói về anh Can. Tuy đã tìm được gia đình, nhưng anh vẫn ở nhà nó để học nghề may do thầy nó dạy. Cuối năm năm nhăm, sau khi nó ra đời thì cũng là lúc anh Can lấy vợ. Tên vợ anh ấy là gì, bây giờ nó không thể nhớ vì có ai gọi tên chị bao giờ đâu mà toàn gọi là chị Can, theo tên chồng. Quê chị Can là làng Vay, gần ngay làng nó thôi và cùng ở trong xã nó. Tuy là gái nhà quê, lại hơn anh Can đến mấy tuổi, nhưng chị rất đẹp, người cao, da trắng, mặt xinh.
 
     Anh chị Can lấy nhau được hơn một năm thì sinh được cháu My. Anh Can bấy giờ đã thôi học may để đi bộ đội. Khi cái My được hơn một tuổi, chẳng biết chuyện mẹ chồng nàng dâu « cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt » thế nào mà chị Can bế con bỏ về nhà ngoại. Hay tin, anh Can rất buồn. Rồi anh viết thư và động viên chị hết nhời nhưng chị vẫn không nghe. Tình hình rất căng thẳng, dễ anh chị sẽ bỏ nhau.

     Thầy bu nó rất buồn. Ông bà vội lên nhà chị Can để có nhời với ông bà bên ấy. Thầy bu nó cũng nói hết điều hơn lẽ thiệt với chị Can. Sau cùng, mọi chuyện đã thông. Bu nó đích thân đưa chị Can về nhà chồng, bắt xin lỗi bố mẹ chồng. Bu nó cũng đứt lưỡi nói chuyện tình nghĩa với bố mẹ chồng chị Can. Người lớn đã thưa chuyện, con dâu đã xin tha, bố mẹ chồng chị Can cũng bỏ qua, gia đình chị Can từ bấy giờ rất yên ấm.

     Về sau, anh chị đẻ thêm cháu Ly, cháu Nhưng và cháu Triển. Các cháu con anh chị, hưởng hết nét đẹp của bố mẹ nên đứa nào cũng xinh, trông cứ như Tây. Nó lúc nào cũng tự hào vì có mấy đứa trẻ đồng trang lứa gọi nó bằng chú, lại còn rất xinh đẹp nữa, nhất là con cái My.

Hết chương I

Nguyễn Trọng Thập

Hai góc nhìn Chùa làng Thứa


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Hai, 2012, 09:48:18 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #292 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2012, 09:57:55 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ

     Không khí tưng bừng và hào hùng sau giải phóng tràn khắp mọi nơi, tràn vào từng xóm thôn, từng mái nhà gần xa hẻo lánh quê hương nó.

     Sau “hòa bình lập lại”, chủ trương của Đảng và Chính Phủ là kiện toàn và ổn định tổ chức các cấp lãnh đạo. Đánh đổ địa chủ cường hào, phong kiến bóc lột, tịch thu của cải và ruộng đất chia cho dân nghèo, để người cày có ruộng. Thực hiện vận động "bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ . . .
    
     Thầy bu nó nói riêng và mọi người dân quê nó nói chung đều vui mừng phấn khởi tham gia các phong trào quần chúng. Để tránh thiên vị, cấp trên điều những cán bộ cốt cán từ địa phương khác đến thực hiện cải cách ở quê hương nó. Người địa phương nó lại được điều đi làm cải cách ở nơi khác.

     Hôm đội về, làng nó tưng bừng lắm, cả làng ra đình mít tinh ủng hộ cách mạng, ủng hộ cải cách, Cán bộ đội phát biểu và giải thích với dân chủ trương của Đảng và chính phủ. Khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào – đào tận gốc, trốc tận rễ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ừ ! cường hào gian ác, tay sai cho địch, bóc lột dân nghèo thì phải triệt, nghe sướng lắm.

     Xong cuộc họp, cán bộ được phân về ở tạm ở một số nhà dân. Gia đình nó cũng được tự hào nuôi hai trong số cán bộ cốt cán về làng khi đó.

     Những ngày sau, đội cải cách thành lập tổ chức quần chúng gồm một số gia đình nghèo là bần cố nông vào lực lượng thanh niên xung kích. Đội này được trang bị súng trường, súng ngắn gậy gộc, dáo mác thường xuyên tụ họp ngoài sân đình để được huấn luyện thực hiện cải cách.

. . . . . . . Tự kiểm duyệt - cắt bỏ ?! . . . . .

Nguyễn Trọng Thập


    Thưa các bác và các anh em, TichTuongNhuLe tôi đọc đến đây rồi không gõ được nữa vì nước mắt cứ tuôn trào, không làm sao ngăn được. Chuyện cải cách ruộng đất, các bác lớn tuổi thì trực tiếp chứng kiến, ít tuổi hơn một chút thì được nghe kể lại. Tôi cũng được nghe kể rất nhiều chuyện, đau lòng lắm, không thể nào quên. Vậy mà bây giờ đọc đến đoạn chuyện này của Nguyễn Trọng Thập tôi vẫn không đừng được. Chuyện rất đau đớn và rất buồn. Là cái chuyện kẻ thù giai cấp bị đối xử như những con vật, còn những người kia thì đối xử với kẻ thù giai cấp theo cách mất hết tính người, . . .

     Chuyện như thế không thể post lên đây được. Xin mọi người thông cảm ! TichTuongNhuLe đã đề nghị Nguyễn Trọng Thập cho phép “cắt cúp” 16 trang, gọi là tự kiểm duyệt trước, khỏi bị “nhà đương cục” VMH “cấm cửa” thì “nghỉ chơi”.

     Tóm tắt mười sáu trang ấy là như thế này:

     Trong “Cải cách ruộng đất”, thầy bu Nguyễn Trọng Thập cũng “được lên thành phần”. Ông bà bị bắt, bị giam và bị đưa ra đấu tố. Lúc bấy giờ Nguyễn Trọng Thập là đứa hài nhi đỏ hỏn trong tay mẹ, cũng bị giam cùng cha mẹ, bị ra đấu tố, bị ném các thứ bẩn thỉu vào người vì mẹ nó không che chở hết. Thằng bé bị sốt cao, sắp đi đến nơi (chắc là viêm phổi cấp do lạnh), may nhờ cầu cứu được y tá tiêm cho một mũi trụ sinh. Thằng bé hạ nhiệt được vài ngày thì lại sốt cao trở lại do mũi tiêm bị áp-xe (abcess). Cái dải khoai bé nhỏ dặt dẹo đó chống chọi với cái chết và bằng cách nào đó, nó đã lừa được tử thần. Cứ như vậy không biết bao nhiêu lâu, cho đến khi có lệnh sửa sai.

     Chuyện đấu tố còn có nhiều nhân vật khác và nhiều chuyện khác nữa. Tóm lại, rất tệ ! . . .


« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Hai, 2012, 11:25:16 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #293 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2012, 09:59:24 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ  (tiếp 2)

     Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9 tuyên bố các sai lầm trong cải cách ruộng đất. Quyết định sửa sai về cũng là lúc hết mùa đông. Mùa xuân đến, cả làng nó bừng tỉnh. Những cán bộ đội từng vi phạm nghiêm trọng trong cải cách lập tức bị điều đi. Một số thành phần cốt cán sau sửa sai phần thì xấu hổ với dân làng, phần thì lo bị trả thù, đều tìm cách rời bỏ quê, trốn biệt tăm tích. Đặc biệt là cô con dâu, bịa chuyện, tố bố chồng hiếp mình, ngay đêm ấy vội bỏ con, trốn khỏi làng, về sau chết mất xác ở đâu tới nay không ai rõ.

     Thời gian đã chữa lành vết thương, lòng vị tha, sự sám hối cũng góp phần làm dịu đi nỗi đau thương, chua xót một thời. Làng nó dần dần bình yên trở lại, chung tay xây dựng xóm thôn. Thầy bu và nó được thả về, cả nhà đoàn tụ. Ngoài sân, những búp non đã hé nụ đâm cành, cây đào cổ thụ nhà ông họ nó trong làng rực hồng khoe sắc thắm. Thầy nó vào chúc Tết ông và xin ông một cành đào. Mấy anh chị sát trên nó sướng lắm, tung tăng theo thầy vào nhà ông rước cành đào về, vừa đi các anh chị vừa nhảy chân sáo đánh nhạc mồm, tưng tưng tưng tưng, vui như rước hội. Tết năm ấy dù nghèo nhưng hạnh phúc.

     Thầy nó lại mở hàng may vì được đội trả cho cái máy. Còn các đồ đạc khác bị thu, đã bị tiêu tán hết, không biết đi đâu ?! Thì thôi . . . ! Nhà bây giờ nghèo lắm. Bu nó gom góp, đi bán  mấy cái nồi đồng dấu được cộng thêm vay mượn bạn bè ít vốn, bu xoay ra buôn thúng bán mẹt trong chợ, chỉ là một mẹt trầu cau. Bu nó cũng lo cho chị cả một mẹt hàng tạp hóa ngay kế bên mẹt trầu của u.

     Ở sát cổng tiền thôn trên có nhà ông Tư Nắng, là một gia đình nông dân, to họ dài dòng, có vai vế trong làng. Ông có người con trai cả tên là Thưởng. Anh này cao lớn, béo và hơi đen. Tính tình thật thà ít nói, chất phác, chân quê. Anh đi bộ đội từ khi mới mười bốn tuổi. Năm hai mươi tuổi anh được bố mẹ cưới vợ ở quê cho, trong khi đơn vị anh đóng quân ở Thái Nguyên. Ở nhà, vợ anh phải lòng trai bị anh phát hiện được. Hai năm sau anh bỏ người đàn bà đó.

     Chị cả Biên nó, tuy đã một đời chồng nhưng trông cũng khá đẹp, người cao, trắng trẻo, nhanh nhẹn, tháo vát, ngoan ngoãn, chỉ tội giống bu nó nên hơi bị vổ, nhưng mà là “vổ đẹp”. Qua mối mai anh Thưởng kết chị lắm, liền hỏi cưới ngay. Bấy giờ chị đã hăm bẩy, anh Thưởng đã là thiếu úy, đại đội trưởng, pháo binh bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên. Cưới nhau xong, anh chị nó xin phép hai gia đình lên Thái Nguyên lập nghiệp. Vì nhà nghèo, lại đông con, thêm nữa hai chị lớn đều sinh cháu nhỏ nên thày bu nó đồng ý cho chị Thất đi theo vợ chồng chị cả Biên lên Thái Nguyên. Chị Thất lên Thái Nguyên bế cháu cũng là bớt được một miệng ăn.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 10:39:53 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #294 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2012, 10:21:19 pm »

Bác ơi, bác cho em hỏi là những bức tranh minh họa là ở đâu ra đấy ạ? có phải là bác Thập dựa theo ký ức vẽ lại khung cảnh xưa mà nay đã mất rồi không? 
Em hỏi vậy bởi ông chú ruột em cũng kể chuyện và kèm hình minh họa cảnh xưa người cũ kiểu này, những chuyện xửa chuyện xưa thế.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #295 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 10:58:25 pm »

Bác ơi, bác cho em hỏi là những bức tranh minh họa là ở đâu ra đấy ạ? có phải là bác Thập dựa theo ký ức vẽ lại khung cảnh xưa mà nay đã mất rồi không?  
Em hỏi vậy bởi ông chú ruột em cũng kể chuyện và kèm hình minh họa cảnh xưa người cũ kiểu này, những chuyện xửa chuyện xưa thế.

     HaHoi !  Mấy cái tranh về làng Thứa là của giáo sư, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Ông quê ở Mỹ Hào, học Cao Đẳng Mỹ Thật Đông Dương. Năm năm tư, di cư vào Nam. Rồi ông học Cao Đẳng Kiến Trúc Ở Đà Lạt và Sài Gòn và sau là một kiến trúc sư danh tiếng. Năm bảy tư ông sang định cư tại Pháp.

     Mấy cái tranh về làng Thứa ông vẽ từ những năm bốn mấy. Mình tìm được một cái ảnh chất lượng hơn, post lại. Trên đó nhìn rõ các chữ đề trên tranh.




CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ  (tiếp 3)

     Chị hai nó là chị Dụng lấy anh Chí từ trước cải cách, đến năm năm tám thì sinh được cháu gái đặt tên là Văn. Bấy giờ anh Chí đang làm cần vụ cho ông Trần Duy Hưng, nên cả nhà chị chuyển ra Hà Nội sống. Chị Thơ nó cũng lại đi theo ra Hà Nội để bế cháu. Cu Thập bấy giờ cũng đã được ba tuổi.

     Vùng quê sau những năm cải cách rất hoang tàn và nghèo khổ. Hiệu may thầy nó chỉ có khách đến cắt quần đùi, vá mông vá đầu gối, vá vai, lôn cổ áo, lộn ống quần. Không đủ việc làm, thầy nó đành ra Hà Nội vào hợp tác xã may gia công Quyết Tiến ở phố Huế.

     Thầy và anh chị nó mới ra chưa được phân nhà nên xin ở nhờ nhà bà cô họ giàu có là cụ Xếp Ban ở số xxx phố Huế. Mấy tầng dưới bị nhà nước trưng thu làm cửa hàng ăn uống cơm tám, giò chả. Gia đình cụ ở tầng tư. Nóc tầng tư là mái nhà thì cho thầy nó cùng anh chị Dụng, Chi và chị Thơ ở nhờ. Xin được một ít giấy dầu, gỗ dán thùng hòm cũ, thầy và anh chị nó thưng lên được một gian nhà rộng hơn chục mét vuông, kê được một cái giường đôi cho anh chị nó ngủ. Phía đối diện, thầy nó kê môt tấm ván lên mấy hòn gạch làm cái giường ngủ. Ở giữa nhà kê một cái tủ con cũ xin được. Dưới cái tủ là tấm ván nữa, ban ngày để ngồi ăn cơm, tối là giường của chị Thơ (Vận lớn), ngăn cách với giường anh chị Dụng bằng một cái ri-đô. Ngoài hiên, vẩy ra được hơn mét vuông làm bếp. Thầy nó gửi phiếu gạo và mấy đồng tiền ăn cho chị Thơ lo cơm nước cho cả nhà.

     Đầu năm năm sáu, anh Bính 18 tuổi mới học xong Xe-ti-phi-ca. Anh đã có vợ lúc mới 13 khi còn trẻ con, không biết gì. Nhà có giỗ anh nó còn nhèo nhẽo bám theo vợ đòi luộc đuôi lợn, chân  gà. Lớn thêm một chút, bị bạn bè trêu trọc chuyện vợ, anh đâm chán, rồi chê vợ, bỏ xuống nhà chú ruột ở Hải Phòng. Chú có đứa con trai tên Ban, kém anh Bính một tuổi. Hai anh em được chú xin cho học cơ khí ở Hải Phòng.

     Ở nhà, chỉ còn bu nó, chị Vận con, anh Bát và chị Bỉnh vợ anh. Chị Thất ở với anh chị Biên trên Thái Nguyên được hai năm. phần vì chị Biên nó cũng nghèo, cô Tài Câu nó đông con cũng nghèo, phần vì nhớ nhà, chị Thất lại quay về với bu. Nhà nó, thành ra có sáu miệng ăn.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Hai, 2012, 01:21:53 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #296 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2012, 10:47:52 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ  (tiếp 4)

     Dù nhà nghèo nhưng cu Thập thấy nghĩa tình đầm ấm lắm. Nó được các anh, các chị yêu chiều vì là em út, lại sinh ra đúng vào lúc gia đình khó khăn. Cu Thập gầy yếu nhất nhà, lại sài đẹn, ốm quặt ốm quẹo.

     Bu nó đi chợ trầu vỏ, các chị thì đi làm đồng. Nó ở nhà thơ thẩn chơi một mình cả ngày, từ trên nhà, ra sân rồi vào trong bếp. Thú vui say sưa nhất của nó là chiến đấu với lũ kiến. Nhà nó đun rạ, tro nhiều lắm, lâu lâu lại đùn lên cao một đống lùm lùm. Các chị nó phải xúc tro đổ vào cái thùng chứa trong nhà xí, hoặc đổ vào chuồng lợn. Tro bếp cộng với rơm khô cho lợn nằm rất ấm và sạch. Tro nhiều quá thì gánh ra ruộng rắc xuống làm phân cho lúa hoặc rắc vào ruộng bèo hoa dâu, chống rét cho bèo.

     Bề ngang sân sau rộng hơn mười hai mét, bớt lại chừng sáu bẩy chục phân giọt gianh, giáp nhà bà Thưa lác hàng xóm, thầy bu nó xây nhà bếp năm gian. Hai gian đầu đặt cối giã gạo, cối xay lúa, dụng cụ làm đồng như dậm, giỏ, nơm, gầu dai, gầu sòng, thúng mủng, cày bừa, thừng, chão…

     Gian giữa làm bếp đặt sáu ông đầu rau cho hai bếp. Những ông đầu rau nặn bằng đất sét trộn trấu được đun nấu nhiều nên cứng đanh lại và đen sì. Bếp ngoài đun rơm dùng để nấu cơm và thức ăn. Sát cạnh đó kê mấy hòn gạch, đặt ghé vào đó một nồi nước để tận dụng sức nóng của bếp rơm. Bếp trong đun củi, dùng để nấu cám lợn.

     Hai gian còn lại được ngăn bởi một bức tường mười, thu hồi, chịu lực. Đây là chuồng lợn và nhà xí. Trong chuồng lợn luôn luôn có một con lợn nái già rất dữ và hai con lợn cấn. Nhà xí được xây cao lên một mét, đặt ngang mấy đoạn tre, cửa che toòng teng một miếng bao tải cũ, cáu bẩn. Đi vệ sinh phải bước trên chiếc cầu ghép bằng hai cây tre nối từ cửa vào, qua chuồng lợn. Chiếc cầu tre bập bà bập bềnh rất nguy hiểm, nhất là khi lợn đẻ, lợn mẹ hộc lên rất dữ để bảo vệ con. Đi qua đó, phải cầm cái que dài, vừa làm gậy chống để giữ thăng bằng, vừa làm vũ khí để chống lợn. Đang ngồi mà lợn nó hộc tới thì phải dùng gậy mà quật.
 
     Toàn bộ nhà chính, nhà ngang, nhà bếp đều được xây bằng gạch non không trát áo, mái lợp rạ. Lâu ngày, những viên gạch non ngâm nước mòn dần, bột gạch tơi ra từng đám, đỏ quạch. Nấm “can-xi” mọc lông tơ trắng xóa tua tủa trên những viên gạch ẩm mục. Mấy đứa nhà nó thường cạo lấy bột nấm, trộn với diêm sinh đem làm pháo chơi Tết.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Hai, 2012, 01:20:22 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #297 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2012, 10:26:49 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ  (tiếp 5)

     Chạy men các mép tường ngoài là đường hầm ngoằn ngoèo của đàn kiến lửa, đỏ rực. Kiến hành quân trong con đường hầm đó do chúng đắp bằng một loại đất trộn với nước rãi, mầu nâu nhạt, khô cong như bột cát. Nó hay phủ phục xuống theo dõi đàn kiến đi, lấy các vỏ bao diêm, vỏ hộp, cát làm chướng ngại vật để chắn đường đường đi của kiến. Nó còn kiếm được một cái xi lanh thủy tinh có cả kim tiêm để làm vũ khí đánh nhau với kiến. Nó hút nước đầy xi lanh, nằm phục kích, đánh chặn lũ kiến. Tên kiến nào dũng cảm bò lên, lập tức đại bác nước của nó phun ra tấn công, phằng phằng, phằng phằng…

     Trò chơi của nó kéo dài đến khi chị dâu nó đi làm đồng về. Chị dâu nó, tay dắt trâu, vai vác cái cày. Chị buộc trâu vào gốc ổi, quần áo lấm lem nhưng cạp quần bao giờ cũng lận lên, cất một thứ gì đó làm quà cho nó. Nó hồi hộp chờ đợi chị nó lấy cái rá mà xổ cạp quần ra, lúc thì vài con cua đang lột dở, lúc thì vài con cào cào, châu chấu, niềng niễng, muồm muỗm hay mấy con cà cuống. Nó sung sướng lắm, hét rất to và nhẩy cẫng lên. Nó sà xuống ngồi bên chị khi chị nấu cơm và lại chờ.
 
     Chị nó xâu các con vật vào cái que tre vót nhọn rồi nướng trong ngọn lửa. Mùi thơm phưng phức tỏa ra làm nó thèm rỏ rãi, cụ cựa không yên, mắt chăm chăm nhìn vào xâu thức ăn. Xâu thức ăn đưa cho nó, nóng hôi hổi, nó chẳng đợi được đến lúc nguội mà vội vàng vừa thổi phù phù vừa chén ngay. Mồm nó vừa nhai nhồm nhoàm vừa xuýt xoa vì nóng.

     Thỉnh thoảng chị nó lại lấy que cời, cời nhanh những hạt thóc dính trong rơm, nổ bỏng, trắng lốp. Nó cứ thế mà nhặt, tém tẻm ăn. Đến khi nấu xong cơm thì mồm mép, tay chân, mặt mũi nó nhọ nhem nhọ thỉu. Chị lôi nó ra giếng, kéo gầu, múc nước dội ào ào cho nó, nước giếng khơi trong vắt và mát lạnh. Nó được chị tắm rửa, kỳ cọ rất kỹ. Thằng bé sướng lắm, cười khanh khách, vừa tắm vừa đùa nghịch đập nước tòm tọp làm nước bắn tung  tóe cả lên mặt, lên người chị nó.

     Khi chị thay quần áo cho nó xong thì cũng là lúc cả nhà nó về đông đủ. Cả nhà nó quây quần bên mâm cơm. Nó được đơm một bát cơm đầy, chan canh cua, thêm hai miếng cà non nén, phơn phớt xanh, dẻo quẹo, rồi còn  rắc lên trên mấy con tép kho khô nữa. “Ngoong” quá !
 
     Nó bưng bát cơm ra cửa, vừa ăn vừa ngắm phố. Cuộc đời chẳng thể sướng hơn. Mà sướng thật đấy, tắm xong ai cũng khen trắng quá, đẹp trai quá. Nó nghĩ thế thật nên đứng ở cửa, vừa ăn cơm vừa hát xí la xí lố, vừa hóng người qua lại. Nó hát xí lố như thế vì không thuộc bài hát nào, nhưng nó hát vì nó đang sướng và để thu hút chú ý của người đi đường. Trong bụng nó chắc mẩm, ai trông thấy nó cũng phải tấm tắc mà thầm khen rằng nó đẹp và tưởng nó là con Tây. Lớn lên, nhớ lại nó thấy thật buồn cười, nhưng hồi đó nó thật sự rất hạnh phúc.

Nguyễn Trọng Thập
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #298 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2012, 09:55:44 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ  (tiếp 6)

     Bên ngoài cửa gian buồng xay giã, thầy bu nó vẩy ra bốn tấm tôn cũ, xếp gạch xung quanh làm thành một cái kho nhỏ để chứa các bao tải trấu. Dưới cái mái tôn ấy đặt một dãy chum tương rất to. Một bận, chán đánh nhau với kiến nó nghĩ ra trò nặn. Nó đi moi đất sét ở ngoài ao về hòa nước rồi nhào kỹ cho đến khi đất dẻo quánh. Hôm đó nó hì hục nặn một con trâu, to bằng cái ống bơ bò. Nặn xong, nó nghiêng bên nọ, ngả bên kia để ngắm nghía tác phẩm vĩ đại mới hoàn thành. Nó cẩn thận đặt con trâu lên một hòn gạch, rồi bắc ghế, kiễng chân đặt hòn gạch có con trâu lên mái tôn để phơi nắng. Hôm đó trời nắng, nó được giao trông thóc mà chị nó rải ra sân phơi từ lúc sáng. Nặn trâu, đem phơi xong, nó quay ra dũi thóc. Chị nó dặn thỉnh thoảng phải dũi một lần cho thóc chóng khô.
 
     Chiều hôm đó khi dọn cơm, chị nó ra lấy tương để chấm rau muống, bỗng giật mình, chị gọi giật giọng:

     -    Bu ơi ! Ai làm vỡ hai chum tương rồi đây này. Bu ra ngay đây mà xem.

     Bu nó chạy xuống, sững người khi nhìn thấy hai chum tương to tướng, đồ ăn suốt năm của cả nhà đã vỡ tan. Tương vàng nâu chảy lênh láng, tràn cả ra tới tận hai gốc ổi. Bu nó tức lắm, quát tháo, tra xét cả nhà. Thình lình, chị nó nhìn thấy hòn gạch cùng con trâu đất nằm trong vũng tương, giữa đống chum vỡ. Chị hét lên:

     -    Bu ơi ! Chắc chắn thằng Thập nó phơi con trâu trên mái tôn, trượt xuống làm vỡ chum đấy . . . !
  
     Ở trên nhà, nghe thấy thế, nó sợ quá. Ghé mắt qua khe cửa nhìn xuống, thấy bu nó đang bẻ một cái que to lắm. Nhanh như cắt, nó chạy vụt vào buồng chị dâu, chui ngay xuống gậm giường, bò tít vào bên trong. Nó nghe thấy ngoài sân tiếng bu nó quật roi đen đét vào cái bừa ở ngoài gốc cây, lớn tiếng quát :

     -    Thằng Thập đâu rồi ? Chúng bay, đi tìm ngay thằng Thập về đây cho tao. Tao cho nó một trận.

     Nằm trong gầm giường, nó sợ quá, trống ngực đập thình thịch, tay chân run rẩy. Nó nép sát người vào góc gầm giường hôi hám, đầy mạng nhện. Rồi nó nhìn thấy hai con cóc cụ ngay gần đấy, đang giương mắt nhìn nó. Một lúc lâu, nghe ngóng thấy ở ngoài có vẻ đã trở lại bình thường, nghe tiếng bát đũa dọn mâm kêu lách cách. Rồi mùi canh cua, mùi cơm, mùi cá thơm phưng phức cứ quấn quýt tràn ngập mũi nó làm nó cồn cào hết ruột gan.  Mặc dù đói lắm và thèm lắm nhưng nó chẳng dám ra. Nó rón rén bò ra khỏi gậm giường, len lén bước đến sát cửa. Hé mắt vào khe cửa nó nhìn bu nó và các anh chị đang đang ăn mà nuốt nước bọt ừng ực. Bỗng nó giật mình khi nhìn thấy cái que to tướng đặt bên cạnh bu nó.

     Tần ngần một lúc, nó quay trở lại giường. Nó trèo lên giường, chùm chăn kín, ôm cái bụng đói meo. Nó nằm im suy nghĩ đến tội lỗi mà nó đã gây ra, nó đâu có cố tình, nó đâu có biết là hòn gạch lại trượt xuống đúng chum tương, rồi nó lại tưởng tượng ra cảnh đang ăn uống ở ngoài kia mà cảm thấy tủi thân quá. Tự dưng nước mắt nó lăn dài trên má. Nó không biết là nó ngủ khoèo đi từ lúc nào.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười Hai, 2012, 10:00:55 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #299 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2012, 08:25:20 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN
Nguyễn Trọng Thập - Tự truyện

CHƯƠNG II      TUỔI THƠ  (tiếp 7)

     Nó giật mình tỉnh dậy khi có ai đó đập nhẹ vào nó. Một bàn tay ấm nóng, dịu dàng nâng đầu nó dậy, nó dụi mắt thấy chị dâu đang ở trước mặt. Chị đưa cho nó một bát cơm to, một quả chuối và một cốc nước vối. Đang đói, nó cầm lấy ăn ngấu nghiến. Tối hôm đó, nó ngủ trong buồng cùng chị dâu.

     Trưa hôm sau, chị Vận lớn nó ở Hà Nội về chơi nghe tin nó đánh vỡ chum tương, chị thu xếp quần áo cho nó ra Hà Nội chơi vài ngày. Nó mừng lắm vừa thoát khỏi bị đòn vừa được đi chơi. Tối hôm đó, bế nó ngồi trong lòng, thầy nó hỏi :

     -    Sao ở nhà con lại nghịch làm vỡ chum tương của thầy ?

     Nó ngơ ngác hỏi lại:

     -    Sao thầy lại biết ?

     Thầy nó chỉ ra cây cột điện có những sợi dây chạy vắt ngang:  

     -    Ở nhà có chuyện gì, con ngoan hay con hư là thầy biết hết. Bu lấy cái sào gảy rơm gõ vào dây thép, đánh điện cho thầy. Chuyện gì ở nhà thầy cũng biết hết. Con ở nhà phải ngoan, nghe lời bu và các chị, nếu không thầy sẽ rất buồn, nghe chưa ?

     -   Vâng !

     Chị Dụng nó đang nuôi con nhỏ, ở nhà trông con. Cái Tuyết Văn cháu nó chưa đầy một tuổi, trông rất xinh. Nó quý cháu lắm, thỉnh thoảng lại chạy vào vuốt má cháu nó một cái. Nó thích nhất là mỗi khi chị nó cho cháu bú. Chị lấy cái nắp phích, vắt sữa hoi vào đó. Vắt xong chị réo gọi nó để cho nó uống. Thường thì nó đang chơi ở cầu thang, cúi nhìn các quán hàng ăn tấp nập người ra vào, mùi thức ăn bay lên điếc mũi. Nghe chị gọi, nó dạ một tiếng rõ to rồi chạy ù lên. Cầm cái nắp phích sữa, nó tu đánh ực một cái, vẫn còn thòm thèm lắm, nó liếm mép vòng quanh mấy lượt. Vừa nhìn cháu nó bú, nó vừa lấy tay áo quẹt ngang để chùi mồm, chùi luôn cả cái mũi thò lò cố hữu của nó. Cánh tay áo nó dính đầy mũi, lúc nào cũng cứng quèo, bóng nhẫy.

     Khi cháu nó cai sữa, chuyển sang ăn bột, niềm vui của nó là được vét xoong. Mỗi khi đổ bột ra đĩa, nó hồi hộp nhìn theo tay chị nó vét bột trong xoong, nó chỉ uớc chị đừng vét bột kỹ quá để nó còn mót được tí. Nó vét cẩn thận lắm, từng ly từng tí một. Đáy nồi đã sạch, nó nghiêng cạnh thìa cạo kỹ vào góc xoong, vét nốt tý bột cuối cùng. Vét xong, nó còn thè lưỡi vào lòng xoong liếm láp như con mèo và tận hưởng vị ngọt của đường, của bột, tan ra, ứa trong chân răng nó.

Nguyễn Trọng Thập


     Sáng nay Nguyễn Trọng Thập báo cho tôi biết, cháu anh là Tuyết Văn, con chị Dụng được đưa về quê mai táng. Tuyết Văn bị ung thư tám năm nay, gắng gượng và bằng mọi cách chống chọi với cái chết để sống nuôi con còn nhỏ.

     Trước lúc Tuyết Văn ra đi anh Thập ngồi bên cạnh cháu cùng nhiều người thân, chứng kiến từng giây phút cháu ra đi. Thầy cúng cứ một lúc lại thông báo tình trạng của cháu. Cho đến lúc thày bảo đặt tay vào đầu cháu đi. Thập đặt tay vào đầu cháu thấy nóng rực, trong khi nghe thầy nói, cháu đang siêu thoát đấy. Đúng lúc ấy, Tuyết Văn trút hơi thở cuối cùng.

     Tôi vừa gặp Nguyễn Trọng Thập ở quê ra. Anh đang rất buồn và cũng đang rất mệt vì nhiều ngày nay túc trực bên cháu. Anh nói anh vừa mất một người cháu ruột và cũng là một người bạn từ thủa ấu nhi cho đên bây giờ. Vì đi chơi với cháu mà anh tình cờ gặp một người bạn của bạn cháu. Người ấy sau này là vợ anh.



Mái chùa làng Thứa ngày nay

« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Hai, 2012, 09:00:20 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM