Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:55:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 4)  (Đọc 411906 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #270 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2012, 10:18:34 pm »


Chào bác Nguyễn Trọng Thập.
Bác quá khiêm tốn. Cứ nghe lời tự chuyện là biết câu chuyện của bác sẽ rất hay và đầy chất văn rồi.
Rất vui khi được nghe câu chuyện của người trai đất: Hải Hưng anh dũng tuyệt vời...



Chào bác Tich Tuong Nhu Le
Những dòng đầu của thiên hồi ký của bác tôi thấy rất ổn. Hy vọng sẽ được tiếp tục đọc  những trang tiếp theo của bác. Điều đầu tiên mà tôi thấy, mỗi câu chữ thấm đậm nét chân thực và có cả tấm lòng người viết ở trong đó.
Với rất nhiều người đọc(Trong đó có tôi) Đó chính là điều thú vị khi tiếp cận mỗi trang viết.

Quả là vẫn còn đâu đó lỗi chính tả. Nhưng điều đó không ảnh hưởng lắm tới tình cảm người đọc. Trước khi in ra giấy bác sửa cũng được mà.

Chúc bác luôn vui, khỏe. Và gõ phím đều bác nhé. Grin


     Bác Zin Ba Cầu và Tuanb5 !  Đây là tự chuyện của bạn TTNL. Bác ấy không thạo vi tính nên tôi xin được số hóa bản viết tay và post lên đây để anh em cùng đọc bác ấy. Không phải chuyện của tôi đâu.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 02:44:30 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #271 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2012, 11:02:44 pm »


Vậy à bác!

Nhưng cũng không sao bác ơi! Nội dung bên trong mới là quan trọng.
Bác tiếp tục giúp bác Nguyễn trọng Mười nhé. Mọi người sẽ đón đọc.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #272 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2012, 05:36:28 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 2)

     Ao Cổ Ngan mới chỉ là ngoài làng, vào sâu chút nữa mới thực sự đến làng. Một chiếc cổng to, cổ kính gọi là cổng tiền. Mái cổng cong và được xây ba cấp. Phía trên là tháp chuông với hai con rồng chầu hai bên mặt nguyệt. Ô cửa chính giữa xây cuốn tò vò cao khoảng ba mét và bề rộng cũng cỡ chừng ấy. Hai cửa bên cũng được cuốn tò vò, chỉ cao hai mét và rộng một mét. Toàn bộ cổng có kiến trúc cổ kính và uy nghiêm, được trang trí đắp vẽ rất cầu kỳ. Thầy bu hắn kể, hồi mới “Hòa bình lập lại”, phong trào “bình dân học vụ” đang sôi nổi lắm. Hai bên cổng làng treo các bảng chữ cái. Ai đi qua cổng cũng phải đọc, đọc được thì được đi qua cổng giữa, mát mày mát mặt lắm. Ai không đọc được thì phải đi cổng phụ. Thế đã đành, nhưng chưa hết. Ở cổng phụ, người ta chặn vào đó một con trâu cái đứng dạng chân. Vậy là muốn qua phải chui qua háng trâu.

     Qua cổng làng ta sẽ bước chân trên con đường gạch. Những hàng gạch chỉ, được xếp nghiêng, vồng lên ở giữa đường. Gạch đấy là gạch do những nhà có con gái phải nộp vào theo lệ làng để được phép cho con lấy chồng thiên hạ - bu hắn bảo thế. Con đường này đã rất lâu đời rồi, những nhánh đường gạch màu đỏ tím, chạy ngoằn nghoèo trên các lối đi chính của làng. Đến giờ, nó vẫn còn, gạch đã mòn, nhiều viên đã vẹt đi gần hết.
 
     Phía trước cổng tiền là giếng làng, một cái giếng khá to. Bờ giếng được kè bằng gạch, xếp dốc lên thành hình phễu. Một cái phễu gạch phủ rêu xanh ngăn ngắt. Lối xuống giếng là nhiều bậc thang được xây bằng đá xanh. Hai hàng lan can hai bên xây cao, chạy xuôi xuống đến hai đầu trụ mà trên đó mỗi bên chạm khắc một bông sen cách điệu. Cho dù các bông sen nay đã mẻ vỡ nham nhở nhưng vẫn không mất đi sự duyên dáng và điệu đà đến cầu kỳ. Xung quanh bờ giếng được lát gạch đỏ au. Đặc biệt nhất là các cụ còn đặt hai tấm phản đá xanh rất rộng, nghiêng thoai thoải ra phía ngoài. Nó được dùng làm bàn giặt cho các bà các chị. Trên bờ giếng còn có hai cây phượng vĩ cổ thụ rất lớn. Cái giống phượng vĩ, càng già càng ra hoa muộn, màu hoa thì càng đỏ xẫm lại.

     Chiều chiều không khí giếng làng thật nhộn nhịp. Những người gánh nước ngược xuôi, chạy lên chạy xuống giếng như con thoi. Những người khác thì giặt chiếu chăn quần áo. Tiếng đập chiếu và quần áo bồm bộp, bồm bộp trên hai phiến đá và trên nền lát gạch thật là rộn rã. Lũ trẻ con bọn hắn thì nằm sấp trên bờ giếng mà thò những cái cần câu bé tí teo xuống giếng để câu những con tôm trà xanh, những chú tôm đang thập thò trong các khe gạch hay đang trú ẩn trong những gốc dương xỉ nhỏ mọc lay phay dưới mép nước, trong leo lẻo.

Nguyễn Trọng Thập

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 02:45:34 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #273 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2012, 06:23:30 pm »


Phong cảnh yên bình nơi thôn dã thật đẹp!

Càng có tuổi, con người càng hoài niệm về tuổi thơ ấu của mình.
"Những cái gì đã mất-Những cái gì đã qua-Dù ta có thiết tha-Không bao giờ trở lại".

Nó chỉ còn trên trang viết. Sự thật là vậy.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #274 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2012, 04:46:20 pm »


CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 2)

     ... Một chiếc cổng to, cổ kính gọi là cổng tiền. Mái cổng cong và được xây ba cấp. Phía trên là tháp chuông với hai con rồng chầu hai bên mặt nguyệt. Ô cửa chính giữa xây cuốn tò vò cao khoảng ba mét và bề rộng cũng cỡ chừng ấy. Hai cửa bên cũng được cuốn tò vò, chỉ cao hai mét và rộng một mét. Toàn bộ cổng có kiến trúc cổ kính và uy nghiêm, được trang trí đắp vẽ rất cầu kỳ...
     Qua cổng làng ta sẽ bước chân trên con đường gạch. Những hàng gạch chỉ, được xếp nghiêng, vồng lên ở giữa đường. Gạch đấy là gạch do những nhà có con gái phải nộp vào theo lệ làng để được phép cho con lấy chồng thiên hạ - bu hắn bảo thế. Con đường này đã rất lâu đời rồi, những nhánh đường gạch màu đỏ tím, chạy ngoằn nghoèo trên các lối đi chính của làng. Đến giờ, nó vẫn còn, gạch đã mòn, nhiều viên đã vẹt đi gần hết...
 
     Phía trước cổng tiền là giếng làng, một cái giếng khá to. Bờ giếng được kè bằng gạch, xếp dốc lên thành hình phễu. Một cái phễu gạch phủ rêu xanh ngăn ngắt. Lối xuống giếng là nhiều bậc thang được xây bằng đá xanh. Hai hàng lan can hai bên xây cao, chạy xuôi xuống đến hai đầu trụ mà trên đó mỗi bên chạm khắc một bông sen cách điệu....

Nguyễn Trọng Thập
 

 


@ NT Thập, TTNL
   Tôi đã về ở tại Làng Thứa một thời gian hồi bắn phá năm 65.  Cái thôn  nằm cách chợ Thứa  chừng  300-400m.  Những kỷ niệm của tôi là một vùng quê  mang  những  nét   của vùng quê  Bắc bộ  lâu đời  thêm với đặc điểm  là đồng  chiêm trũng  với những  nét chấm phá đã tả  : Cái cổng làng, giếng đình , đường làng  ….  Và nhiều  cái nữa .
Chắc trong tự chuyện  của bác sẽ có cả  Đánh dậm -  Quạt châu chấu, kéo te, kéo vó bè  của vùng Mỹ hào – Hưng yên  thủa ấy  …  những thứ mà ngày nay đã thành cuả  HIẾM RỒI Huh
Chờ những phần tiếp của tự chuyện  do TTNL chuyển lên  để mọi người cùng đọc.Hẹn được   giao lưu

     NHL






« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 02:47:26 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #275 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2012, 08:51:40 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 3)

     Phố huyện của hắn chỉ có một đoạn ngắn dăm trăm mét. Dọc theo phố là những căn nhà vách đất mái rạ hoặc những ngôi nhà xây không trát áo, lợp ngói ta, đan xen lẫn với những bụi tre. Lác đác giữa phố mới có vài tòa nhà hai ba tầng cổ kính quét vôi, đã tróc lở. Đó là nhà của các ông ký, thầy cai, ông đội hoặc nhà của địa chủ, tư sản nhỏ phố huyện.
 
     Giữa phố, bên phải đường là một trường cấp hai của huyện với ba dãy nhà học cấp bốn, tường xây cao, lợp ngói, hơi lùi vào phía sau. Hai cái nhà nhà cấp bốn nhỏ ở góc bên trái là nhà ban giám hiệu và nhà giáo viên. Trước mặt là một khoảng rộng của sân trường với rất nhiều cây bàng to, tán lá rộng xanh mướt mát, những cây sấu cao vút xanh um tùm.

     Đối diện với trường cấp hai là chợ huyện với những lều quán bé nhỏ liêu xiêu. Hai bên chợ là hai dãy quán, đây là quán phở của bà Chính, kia là quán phở bà Quýt, kia nữa là lò rèn của anh Chí, quán cắt tóc của ông Có, anh Thanh, ông cai Xá. Rồi đây nữa là vài quán nước chè chén của cụ Hai Vợi, bà Khoa, quán chữa xe đạp của cụ Hai Huân, quán nhuộm hợp tác xã của chị Hựu, cửa hàng thương nghiệp bán nước mắm của chị Linh, . . .  Cạnh khu chợ là “cửa hàng bách hóa” huyện, chuyên bán hàng phân phối.

     Nhà hắn là căn nhà ba gian gạch xây không trát áo, cửa lùa, mái rạ. Cạnh nhà là cơ quan thương nghiệp của huyện. Đối diện bên kia đường là phòng thuế mà lúc ấy ông Tâm làm trưởng phòng. Cạnh phòng thuế là bưu điện Mỹ Hào. Trước cửa nhà hắn là bốn cây bàng đại thụ lá cành xum xuê đan vào nhau. Về sau này khi hắn đã lớn, người ta treo hai chiếc loa điện động trên cây bàng, chĩa về hai phía của dãy phố. Hàng ngày hai chiếc loa liên tục phát, suốt từ năm giờ sáng thể dục “tiếng thở” cho đến mười rưỡi đêm “tiếng thơ” hay “đọc chuyện đêm khuya”.
 
      Ngoài bốn cây bàng ấy, hai bên đường phố còn có hai dãy sấu rất lớn và một hàng phượng vĩ với cây me chạy dọc qua trước Ủy Ban huyện. Chặn đầu và cuối của con phố huyện là hai cây gạo cao to lừng lững. Đường, nhà, cây cối – phố huyện của hắn.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 02:52:07 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #276 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2012, 04:52:46 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 4)

     Thầy bu hắn mặc dù rất đông con nhưng gia đình hắn chưa phải chịu cảnh nghèo, mức sống ở bậc trung trung, đủ ăn. Ấy là vì thầy hắn có nghề may. Thầy hắn để một nửa gian nhà cạnh cổng mở cửa hàng may, nửa còn lại phía trong, mắc một chiếc võng. Cơm nước xong, thầy hắn thường ngả lưng trên chiếc võng, đung đưa, kẽo cà kẽo kẹt. Mặt tiền cửa hàng may được mở ra bởi 8 tấm cửa gỗ lùa, liền đó là bàn máy may. Cạnh bàn may, là bàn cắt bằng gỗ có hộc tủ cũng với cửa cánh lùa. Cái bàn này trông ra ngõ đi từ đường vào sân nhà hắn qua một cái cửa sổ khá rộng, nơi có giàn trầu bu hắn trồng. Những dây trầu xanh ngắt, tốt tươi che rợp cả lối đi, loằng ngoằng bám cả vào tường bằng những túm rễ màu nâu nhạt, tua tủa. Vậy là chỉ một gian nhà đầu hồi đã có đủ nơi làm việc sáng sủa và chỗ nghỉ ngơi của thầy.
 
     Gian nhà giữa thầy hắn kê chiếc bàn thờ, trên đó bày bát hương, bộ đỉnh con nghê, chân nến bằng đồng thau. Mỗi dịp Tết đến xuân về chị em hắn, đặc biệt là hắn được giao cho phải đánh bóng các đồ thờ cúng. Hắn trộn tro với chấu rồi dùng giẻ cứ thế mà chà xát cho đến khi bộ đồ bóng lên, loang loáng. Phía ngoài bàn thờ là một bộ phản rộng bằng gỗ mít đánh vecni màu cánh gián được kê ngay ngắn trên hai bộ niễng. Đây là chỗ vừa để tiếp khách lúc ban ngày, vừa làm chỗ ngủ ban đêm. Trong gian nhà còn lại kê một chiếc giường đôi bằng tre. Cạnh giường có một lối nhỏ thông xuống nhà ngang.
 
     Nhà ngang nối thông với nhà chính theo hình thước thợ. Đó là một căn nhà hai gian. Gian liền kề với nhà chính là nơi để quần áo, vắt trên các sào tre. Dưới quần áo là nơi để bồ thóc, thúng gạo, nồi đồng, ấm đất, . . .  Gian còn lại kê chiếc giường của vợ chồng chị dâu cả, “kín đáo” bên trong một tấm ri đô “mỏng manh”. Đầu hồi bên kia của nhà ngang là một khoảng đất rộng mà thầy hắn trồng hai cây ổi, một cây ổi đào và một cây ổi mỡ. Không biết thầy hắn trồng từ bao giờ mà hai cây ổi rất to, quả sai lúc lỉu.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 02:53:40 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #277 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2012, 08:45:56 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 5)

     Gối đầu đám đất có hai cây ổi là một căn nhà năm gian mà cả nhà hắn vẫn gọi là nhà sau vì nó ở sau thật. Nhà sau hợp với nhà chính và nhà ngang thành hình chữ “U”. Hai gian đầu tiên của nhà sau là chuồng lợn nái và nhà cầu. Gian tiếp theo là bếp và hai gian cuối đặt cối xay thóc, cối giã gạo, cày cuốc, đồ nghề nhà nông cùng nhiều đồ linh tinh khác. Sát đầu hồi nhà sau là một bể nước mà thầy hắn xây để lấy nước mưa, đặt máng hứng từ mái nhà ngói của phòng thương nghiệp huyện. Về sau này, khi hắn đã lớn, thầy hắn xây thêm cái giếng khơi ngay cạnh bể nước. Giữa ba cái nhà là một cái sân khá rộng, ước chừng đến một trăm mét vuông. Nhìn lại bức toàn cảnh nhà hắn những năm năm mấy, sáu mươi ở một phố huyện như thế cũng gọi là sung túc lắm.

     Thầy hắn mất năm hắn đang mặc áo lính, ở mãi trong Tây Nguyên. Hình ảnh người cha cần mẫn, chăm chỉ làm ăn, gánh vác cả gia đình có mười người con vẫn thường hiển hiện như lúc còn sống, làm việc, đi lại chỗ này chỗ kia trong nhà. Lúc nào hắn cũng nhớ thầy, một ông thợ may phố huyện cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, môi lúc nào cũng đỏ như son với cặp lông mày đen đậm vuốt ngược rất dài ra phía sau, quắc thước và nghiêm nghị. Trông vậy mà không phải vậy, thầy rất hiền lành ít nói và dịu dàng, hết lòng yêu vợ thương con. Hơn nữa, ông còn có rất nhiều “tài lẻ”. Lúc sinh đứa con thứ mười (là hắn đấy) ông mới bốn mươi tuổi. Khi còn bé tí hắn đã rất tự hào với đám bạn bè vì có người cha là “Hội trưởng hội bát âm Tầu”.

     Hàng tuần hay hàng tháng gì đó, đến hẹn, bạn bè trong hội bát âm lại tập trung đông đủ tại nhà hắn  để hòa tấu nhạc “Hò xừ xang xê cống xê xang hò, ‘lả’, hò xừ xang liu hồ công . . . .”. Thầy hắn chơi giỏi các nhạc cụ nhị, hồ, nguyệt và măng-đô-lin (mandoline). Còn các bạn của thầy thì chơi khá đàn bầu, trống cơm, sáo trúc, thanh la, . . . Mỗi lần hội bát âm tập luyện hòa tấu, cả người lớn và trẻ con kéo đến xem chật cả cửa. Khi ấy hắn thấy mình oai lắm, người xem chỉ được đứng ở cửa, còn hắn thì chắp tay sau đít, đi đi lại lại vênh vang trong nhà, canh chừng những đứa trẻ thò lò mũi. Đứa nào luồn dưới chân người lớn để chui vào là nó quát, nó đuổi ra liền.

     Ngoài giỏi nghề chính là may, thầy hắn còn làm được rất nhiều việc khác, rất thành thạo hàn xoong, gò nồi, gò thuyền, đan thúng mủng giần sàng, giặm giỏ, . . . Mỗi khi ông làm, hắn thường mon men bên cạnh phụ giúp và học lỏm. Nhờ thầy hắn mà sau này hắn cũng nhiều tài lẻ ra trò.

Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 02:56:19 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #278 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2012, 07:15:48 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 6)

     Thầy hắn có tên thật là một cái tên đẹp. Vậy mà mọi người trong làng đều gọi ông là Chất, ông trưởng Chất. Ừ thì thầy hắn là con trưởng của cụ Thông Vũ nên kêu là trưởng, nhưng tại sao lại gọi là Chất thì hắn không biết. Sau thầy hắn là chú Hiền, cô Câu, cô Nhỏ. Khi lớn lên, nó nghe kể lại, xưa ông bà nội dòng dõi nhà quan. Rồi ông nó cũng làm quan đến chức thông phán (thường gọi tắt là thông hay phán – chức thư ký một ngành trong cơ quan nhà nước thời Pháp thuộc), thuộc giới nho sỹ, trí thức có máu mặt trong làng xã. Không biết nguyên nhân vì đâu mà ông bà hắn mất sớm, bốn anh em bố hắn côi cút nuôi nhau.

     Lại nói, bốn anh em thầy hắn còn có một người cô ruột lấy chồng là cụ Ký dưới Hải phòng, gọi là cụ ký Lập. Hai cụ khá giả nhưng không có con. Chồng mất sớm, cụ ký bà ở vậy buôn bán và cho vay lãi. Thương các cháu mồ côi, cụ đón các cháu xuống Hải Phòng nuôi cho ăn học. Thầy và chú hắn là con trai nên được cho học đến khi lấy được bằng Xe-ti-phi-ca (Certificat). Thời bấy giờ, bậc tiểu học gồm hai cấp là Ấu học và Tiểu học với 6 lớp từ thấp lên cao: Đồng ấu (lớp Năm), Dự bị (lớp Tư), Sơ đẳng (lớp Ba), lớp Nhì năm thứ nhất, lớp Nhì năm thứ hai và lớp Nhất. Cuối năm học lớp Ba, học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Elémenteire), cuối lớp Nhất, thi lấy bằng Tiểu Học Yếu Lược (Certificat d’Etudes Primaire Franco – Indigène). Sau đó cụ Ký tập cho hai cháu trai theo học nghề may. Còn hai người cô hắn được cụ dạy cho học buôn bán.

    Một lần cụ Ký Lập về quê ăn giỗ anh, cũng là dịp tìm mai mối cho cháu trưởng. Mấy người trong họ dẫn tới cho cụ xem mặt một cô gái. Cụ nhìn cô, thấy nước da trắng trẻo, người cao ráo, trông nhanh nhẹn. Cụ lại được nghe kể cô ấy giỏi giang buôn bán tảo tần, một mình nuôi bốn đứa em. Cụ lập tức nhờ mai mối xin cưới hỏi cô gái cho cháu trai. Thế là Thầy hắn và bu hắn nên vợ nên chồng từ ngày đó.
 
     Sau khi lấy vợ, theo lời khuyên của cụ Ký, Thầy hắn về quê thuê một gian nhà cấp bốn nhỏ xíu ở khu Văn Chỉ, ngay phố huyện quê hắn, gần trường cấp hai sau này. Cụ Ký bán chịu cho thầy hắn chiếc máy khâu, gọi là làm dấn vốn mở cửa hàng may. Chồng mở hiệu may, vợ buôn bán, hai đôi tay xây dựng cơ đồ.

     Chú Hiền, chú ruột hắn cũng được cụ Ký hỏi cưới một cô gái con nhà  hàng xóm và cũng bán chịu cho một cái máy khâu để mở hiệu may tại Hải Phòng. Từ đó chú định cư hẳn ở dưới Phòng.
 
     Cô Châu buôn bán ở gần ga Phòng, phải lòng một anh lái tầu hỏa xa, đưa về ra mắt. Cụ Ký thấy ưng, đồng ý gả. Cô theo chồng về định cư buôn bán ở Thái Nguyên. Vì chồng cô là tài xế lái máy nên về sau mọi người gọi là cô chú Tài.

     Cô út của hắn là cô Nhỏ được cụ Ký gả cho một chú làm công nhân trong cảng. Hai người sinh được một đứa con trai thì chú bỏ vợ con mà lấy vợ hai. Cô Nhỏ hận lắm, ôm con về Ân Thi nương nhờ họ hàng và buôn muối tại đó. Một lần để con ở nhà đi chợ, bất ngờ máy bay Pháp bay đến bỏ bom vào chợ, cô bị thương nặng. Hay tin, thầy hắn và chú Tròn, em rể mẹ hắn, đón xe xuống, đưa cô vào viện. Được mấy ngày thì cô trút hơi thở cuối cùng. Thi hài của cô được chôn ngay tại Ân Thi. Hài cốt sau đó được bốc về chôn ở Nớ. Sau này, Nhà Nước lấy đất, phần mộ cô được đưa về chôn tại nghĩa trang ở Mỹ Hào. Khi Pháp đánh chiếm Ân Thi, con cô Nhỏ được bà con bế đi tản cư rồi phiêu bạt, mất tăm tích mấy chục năm. Mãi sau này hai chị em hắn đi tìm mới thấy và người ấy mới đoàn tụ lại được với họ hàng.

Nguyễn Trọng Thập
[/quote]
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 03:03:11 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #279 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2012, 05:10:44 pm »

.
CHUYỆN THẬT CHƯA ĐẶT TÊN

CHƯƠNG I      SINH RA  (tiếp 7)

     Bu hắn cũng chẳng may mắn gì hơn. Theo nó (xin được dùng thêm đại từ “nó” để thay cho “hắn”) được nghe kể lại, ông ngoại nó lấy vợ cả đẻ được hai người con gái là bác Thức và bác Lực. Sau đó ông lấy thêm vợ hai là bà ngoại nó, hy vọng đẻ được con trai. Trong mười năm, bà ngoại nó liên tục sinh cho chồng được năm người con, đáng tiếc, cũng đều là gái. Mẹ nó là cả tên là Tỵ, dì thứ hai tên Lạp, dì ba là Luật, dì tư là Thiêm và dì năm là Gắng. Bu nó kể lại, hồi bấy giờ, nhà ngoại ở thôn Sài trong căn nhà cấp bốn. Xung quanh nhà có rất nhiều ao, bụi tre. Trong vườn rất rộng, có cây sung, lộc vừng và nhiều cây cối khác.

     Một ngày mùa đông lạnh lẽo, gần tết, ông ngoại hắn đang đi buôn bè ở mạn ngược thì nghe tin vợ sắp đẻ, đây là nói bà ngoại hắn sắp đẻ người con thứ năm. Ông ngoại hắn hí hửng gom góp tiền bạc, xách tay nải và mua ít quà về ăn tết, chờ vợ đẻ. Vợ ông trở dạ đúng lúc gần giao thừa. Ông kính cẩn lau dọn ban thờ, bầy lễ vật để cúng. Ông đặt lên ban thờ một nải chuối xanh, mấy quả cam, quả táo lấy ở vườn nhà, rồi cung kính thắp mấy nén nhang. Trước khi lầm rầm khấn, ông lại sai bu hắn đi mời bà đỡ. Rồi ông nhắm nghiền mắt cung kính cầu xin Trời Phật, Tổ Tiên phù hộ, ban cho ông một mụn con trai. Đang cầu khấn, bỗng ông nghe thấy ở buồng trong oe oe tiếng khóc, trống ngực ông đập thình thịch, cúi đầu vái lia lịa, mong mỏi lời khẩn cầu được linh thiêng. Nhưng im ắng quá ! Không thấy ai nói gì. Ông hồi hộp gọi giật vào buồng trong:

     -   Tỵ lớn, Tỵ con, bu mày đẻ em trai phải không ?  

    Im phăng phắc không một tiếng trả lời, chỉ thấy tiếng khóc oe oe và tiếng nấc nghẹn ngào của vợ ông. Bà đỡ vỗ về vợ ông:

     -   Có gì mà phải khóc, một của một con ai từ, mẹ tròn con vuông thế là may mắn lắm rồi.

     Ông nhìn vào cửa buồng thấy cái Tỵ lớn, Tỵ con và hai em nó, mắt la mày lét, hết nhìn ra ông lại nhìn bà và bà đỡ trong buồng, ông hét lên:

     -   Tao hỏi sao chúng mày không nói ? Bu mày đẻ con trai phải không ?

     Bà đỡ bấy giờ lòng khòng bế dứa bé còn đỏ hỏn, quấn trong cái tã cũ của các chị để lại, chầm chậm bước ra bảo:

     -   Mừng cho cô ấy, mẹ tròn con vuông. Mừng cho cậu thêm một công chúa nữa.

     Ông nó nghe xong sững lại như trời trồng. Cái chén nước trong tay ông đang cầm rơi xuống nền nhà nghe choang một tiếng lạnh coong. Tay ông run run ôm đầu, từ từ ngồi xuống. Ông không nói năng gì, mắt ầng ậc nước nhìn ra bụi tre bên bờ ao rau muống trước cửa. Mưa bụi đang giăng mù, trời rét tái tê, lòng người se sắt. Bà đỡ đứng bên nói:

     -   Thế bố nó đặt tên cho con hĩm con đi nào.

     Ông im lặng rất lâu không nói, chỉ ngước mắt nhìn cụ đỡ, nhìn bốn đứa con gầy còm sợ sệt rồi nhìn lên ban thờ. Ông đứng dậy, run run châm ba nén nhang, cắm tiếp, rót chén rượu, chắp tay lầm rầm khấn:

     -   Tổ Tiên và thầy bu tha tội, thầy bu sinh ra con là con trai độc, con cũng muốn thầy bu hưởng cháu đàn, nhưng con đã lấy hai lần vợ, bẩy lần sinh, lại toàn con gái. Con bất hiếu không sinh được người nối dõi tông đường và thờ cúng Tổ Tiên. Con là thằng bất hiếu.

     Nói xong, ông vái ba vái, quay sang bà đỡ ông bảo:

     -   Cụ cứ đặt nó là cái Gắng cũng được.
    
Nguyễn Trọng Thập
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Một, 2012, 03:09:23 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM